LÊ MINH KHUÊ - Một Chút Biển

19 Tháng Mười Một 20199:33 SA(Xem: 6164)
LÊ MINH KHUÊ - Một Chút Biển

Nhắn tin cho Tập: em định mua một con xe giá cỡ gần hai trăm ngàn đô. Anh tư vấn cho em.

Không thấy Tập trả lời. Giao nghĩ ông này lại nổi cơn “ta đây” cho mình biết thế nào là lễ độ đây. Chơi với ông này đã lâu, cứ có việc gì trọng đại trong đời là lại đòi Tập tư vấn. Trong sâu xa dường như mình có cứu tinh để mà than vãn lúc khó mà hoan hỷ lúc đủ đầy. Điều này không thể dành cho San dường như gã đặc quyền đặc lợi với mình từ lâu. Cả ba đứa ở một vùng quê ngày xưa nghèo tứ tán làm ăn rồi chụm lại lúc nào không biết.

*

Khách sạn miền Trung gần Sài Gòn. Ký kết hợp đồng xong bắt tay một doanh nhân người Bắc Á. Tay ông này thật to thật dày và ấm nóng hùng mạnh đến nỗi Giao để yên một chút cho ông ta nắm tay mình nói vài lời tán tụng. San đứng gần đó nhếch môi. Hôm qua Giao đã dứt khoát nói thôi sau mấy tháng chần chừ. Em cảm ơn lòng tốt của anh, em biết anh cũng chả yêu em đến độ phải thù hận thôi thì anh em mình giữ tình bạn trong đời. Anh em mình đừng nghĩ đến hôn nhân, em không có ý định lấy chồng năm nay mà em biết anh cũng không chờ được vài năm đâu em có đáng gì.

Lúc nói như vậy Giao buồn lòng lắm cố gắng nhìn gần lần nữa xem gã đàn ông mình có ý định sẽ ra sao và đánh giá lại cho công bằng nhưng nhìn gần lần nữa lại thấy ghê quá. Khởi đầu cho sự chán cũng giản đơn thôi. Ăn tiệc đứng trong hội nghị văn hóa doanh nhân, họp chưa tan các doanh nhân trẻ đã hùng hục lao vào mục tiêu. San đứng lù lù che lấp cả khay chân giò nấu đông không cho ai chen vào sau đó lấy một đĩa tú hụ ra đứng một góc như chó sói canh mồi ăn vài miếng rồi vứt cả đĩa thức ăn vào gốc chậu cây cảnh rồi ra lấy đĩa khác tú hụ không kém. Xung quanh có vẻ vậy cả nên San thản nhiên. Giới doanh nhân trẻ đều xuất thân ở chỗ nhọc nhằn giờ có tiền lại chưa kịp văn minh. Một lần sang nước láng giềng thấy trên bàn ăn tự chọn người ta để vài tấm biển chữ Việt “Xin lấy vừa đủ ăn!” Cái nước này ngày xưa các cụ nhà mình khinh miệt gọi là “ma ní” nhờ cho Mỹ thuê đất làm sân bay đánh mình mà giàu lên như diều giờ chỉ vì nết ăn nết ở của mình mà dám cao ngạo thế. Thì biết trách ai…

Lần đầu tiên có dịp thấy San ăn tiệc đứng lần đầu tiên nghĩ rằng đàn bà hay rách việc câu nệ tiểu tiết nhưng không như thế lại không ra đàn bà. Không ra mình. San đã từng cho Giao vay tiền cả ba chục ngàn đô lúc khởi nghiệp để xây xưởng sản xuất nhỏ. Đã từng đánh xe về vùng biển quê Giao đưa mẹ Giao đi chữa bệnh. Toàn những việc nghĩa cả chả biết có tính mục đích không nhưng lúc đấy thấy vô tư. Khi Giao thành công trả anh ta ba chục ngàn mà không phải trả lãi sau hai năm vay Giao gần như gật đầu. Gần gật đầu không phải vì San sở hữu con Aston Martin DBS lại có biển tứ quý cũng không phải biệt thự gần phố cổ có chút vườn giữa thời buổi đất đắt hơn kim cương. Gật đầu vì xem ra như vậy là người có nghĩa. Nhưng gần một năm đóng vai người tình của San lại dị ứng như gặp cây sơn độc. Có lần đi bộ việc gì đó anh ta quàng tay Giao: đứng đây anh giải quyết nỗi buồn! Nỗi buồn được tưới gốc cây to bên hồ. Giao sững sờ nhìn lưng cánh phản thản nhiên trưng ra trước phố phường. Xem ra cái ô tô bóng loáng kia vẫn không thể biến đổi nổi hình ảnh đặc trưng đàn ông xứ Việt thích quay mặt vào tường giữa phố lớn, thích ngồi xổm bất cứ đâu cạnh cống rãnh cạnh bồn rửa miễn là có vài cái cốc uống trà, thích nói trạng nói hài hước dân gian mà không hài hước nổi vì thiếu chữ thiếu duyên mở mồm là thô tục. Nói rồi tự cười hô hố phô hàm răng thừa hưởng thế hệ xem răng miệng là cái đinh gỉ đen sì sì khói thuốc đặc trưng đồng bằng châu thổ. Mồm ấy chén thịt chó cả đùi rượu cả vò rồi đòi hôn môi kiểu Pháp ai mà chịu thấu. Khi tưởng tượng hồn con chó đang bay lượn vật vã còn mùi tỏi mùi riềng ướt đậm từng xen ti mét da mặt anh ta. Kinh bỏ mẹ.

Thôi xem như dứt khoát được một thứ tình.

*

Nhắn tin lại: em vẫn ưa “con Nis” hiệu Murano màu đen độ một trăm ba mươi ngàn đô thôi. Anh thấy được không đợt này em đặt mua luôn.

Tập vẫn không nhắn lại.

*

San tới gần bảo anh cũng ra Bắc đây có đi cùng không? Giao lắc đầu khi nhìn thấy cái vẻ chả thiếu cô đâu của San mà điên tiết. Tôi cũng có thiếu anh đâu tôi thiếu người đang không cần tôi kìa. Giao nhìn San bỏ đi giữa những khuôn mặt ngây ngô của đám doanh nhân mới nổi nghĩ như vậy lại may. Người đàn ông Bắc Á môi đỏ mắt một mí giơ tay về phía Giao cử chỉ lịch sự và đam mê. Không biết mấy ông này trong nhà thế nào chứ ra ngoài không chê được điểm nào. Chả bắt lỗi được người ta khi đi đường họ nhất quyết không quay mặt vào tường dù có vỡ bàng quang giữa phố. Người đàn ông kia vẫn cười với Giao như muốn có một lời hẹn. Giao biết mình thừa quyến rũ. Váy áo một màu đen huyền bí. Điểm bắt sáng là chiếc túi đỏ năm ngàn đô không hề đụng hàng với bất cứ ngôi sao nào, bất cứ nữ doanh nhân nào trong thành phố. Khoác túi thấy mình thượng lưu từ móng chân lên đến sợi tóc đỉnh đầu. Cảm thấy mình thượng lưu thật quan trọng. Nó làm da mềm như kem. Mắt trong veo. Hưng phấn làm đẹp đàn bà. Thời này lụa là dễ kiếm không ai còn lấy lụa ra đo nhan sắc. Đẹp vì trái tim có nhịp đập khác thường đó mới là cái đẹp hiếm.

Nghĩ đến đây bất chợt thấy mình vừa cuỗm ý của Tập. Xưa nay có bao giờ nghĩ ngợi mệt đầu đâu.

Giao đi ra sảnh. Ngồi xuống chiếc ghế bọc da kê cạnh chậu cảnh giá hàng chục triệu của khách sạn. Bấm số máy quen thuộc. Không đọc tin nhắn thì phải gọi vậy. Tưởng tượng ra Tập thân thể dẻo như nai sẽ chạy tới cầm điện thoại. Anh đây! Bao giờ về để anh đón. Cái giọng hồ hởi như bắt được vàng lần nào cũng thế làm Giao thở phào nhất là sau mỗi khi đấu thầu sau mỗi khi ký kết hợp đồng. Điện thoại reo lúc lâu. Bất chợt giọng con gái: ai đấy ạ! Giao lặng phắc. Tiếng nói kia tiếp tục. Ai gọi thì năm phút nữa gọi lại. Anh Tập đang ở ngoài vườn. Xin chào nhé!

Giao như đứng trên cầu trượt. Chưa chuẩn bị gì cả đã bị đẩy một phát như hòn đá lăn xuống nước. Tay chân lạnh toát.

Chưa bao giờ có ai nghe máy thay Tập.

Chưa bao giờ có ai đối xử với Giao như vậy. Nhắn tin bao nhiêu lần không nhắn lại bây giờ lại để con ranh nào nghe máy.

*

Trên đường ra Bắc. Ngồi bên cạnh là một chàng cao lớn nhưng từ đầu đến cuối chuyến đi cứ dúi mặt vào cái gối ngủ. Chắc ở Sài Gòn mấy ngày mải xài cho hết thời gian. Chán một nỗi là anh chàng không hề để ý đến hàng xóm. Từ đỉnh đầu xuống gót chân nàng toàn đồ xịn. Thơm ngát. Mà quan trọng là phía sau có một gia tài khá bự tự tay nàng làm nên. Giao chán ngán nghĩ đến sự vô tâm hay vô tình của người bạn đường kia. Nghĩ người lớn tuổi hay ta thán cũng đúng. Thời buổi chẳng còn ai rung động chẳng ai liếc mắt chẳng ai bị sét đánh như những con người dở hơi thời trước. Dở hơi nhưng chắc là có nhiều hay ho chứ đâu phải như mình cứ tự tin tự mãn yên tâm gã bạn trai bao giờ cũng hồi hộp đợi chờ cho đến khi máy của chàng lại để cho đứa nào nghe.

Giao sửa lại vạt chiếc váy gửi từ Paris về tuần trước. Váy áo thế này nhưng Tập bao giờ cũng nhìn như thấy rồi biết rồi không cần giới thiệu. Nghĩ cho cùng Giao lại chết vì cái vẻ lãnh đạm đó của Tập. Chả vồ vập cái gì bao giờ. Có một lần duy nhất Tập đưa Giao đến một buổi họp của doanh nhân thành phố. Sân khấu phía tít xa. Bàn tròn khăn trắng. Đấu giá mấy bức tranh làm bằng trúc bằng đá quý góp tiền từ thiện. Tập thấy mọi người ào ào trả giá nhưng số tiền cũng chỉ cầm chừng. Giao trả vút lên. Con số ngất ngưởng. Và cô đứng lên cho mọi người chiêm ngưỡng nhan sắc hiếm hoi của giới. Cái nhan sắc chỉ để dành cho công việc khác chứ không phải kinh doanh căng thẳng nay Nam mai Bắc. Giao mặc áo dài hôm đó. Xứng với đêm đấu giá từ thiện. Đó là lần duy nhất Tập nhìn cô âu yếm pha chút xa cách. Âu yếm là yêu quý, xa cách là giữ chừng đó khoảng cách với túi tiền của Giao. Giao biết thừa kiểu đó. Nhưng khổ nỗi từ đó Giao không thể quên được. Đã từng mất ngủ vì cái kiểu nghiêng mái tóc cắt ngắn thể thao của anh chàng giáo viên thể dục trường đại học. Thời này dạy nhảy sào nhảy xa dạy chạy dạy bơi mà tự tin thế yêu nghề thế thì một là hâm hai là người có bản lĩnh cao như núi.

Tập ở vế thứ hai. Giáo viên thể dục chả ăn cái giải gì. Ngày lễ sinh viên nó đến các thầy bộ môn quan trọng thầy thể dục nghỉ khỏe. Hoa cũng chả có nổi một bông. Bây giờ “đi thầy” phải đạt hiệu quả ngay như ký kết hợp đồng của em với mấy gã Hồng Kông. Đong đo tính đếm được mấy ai lãng mạn đến nhòm thầy thể dục đẹp trai ra về tay trắng! Có lần Tập nói đùa rồi cười ha hả khoái trá. Thật là ghét cái vẻ ngạo đời…

*

Máy bay bay qua những vùng mây ngoạn mục trông đủ hình thù phía dưới kia trên này nắng chói chắc dưới kia giờ đang mù mịt nước. Thật lạ là tức tối ông Tập nhưng đầu óc lởn vởn nghĩ đến “ông xe” giá gần hai trăm ngàn đô. Không cao ngất nhưng vừa tầm ngắm sao nhắn tin hỏi mà Tập như không đọc không bình luận. Con ranh nào ở gần thế?

Về thành phố rồi không đừng được ngay trong đêm Giao thuê taxi đi về phía biển. Mùa này đang dạy dỗ có việc gì Tập về quê. Quê ba đứa ở gần nhau mãi khi về thành phố mới biết nhau. Nhùng nhằng một thứ cảm tình sâu đậm mà Tập thì như thế Giao thì như thế kéo dài vài năm San lù lù ở bên cạnh thì biết làm thế nào.

Sáng hôm sau Giao lấy xe máy phóng dọc bờ biển con đường ưa thích nhất nối liền mấy làng với nhau. Nhìn thấy Tập từ xa. Đang lững thững như ông gàn ngoài vườn. Giao phóng xe cái vèo từ con đường đất nện vào sân. Tập ngạc nhiên: sao em còn ở đây?

Vậy em ở đâu khi anh ở đây? Giao trả lời cái cách nói nhiều hàm ý Giao có được từ khi đi giao dịch làm ăn với nhiều sắc dân. Tập, tóc cắt cua áo phông thể thao màu xanh nước biển đôi giày to tướng trang phục như đang đi dạy thể dục trường đại học. Nhìn vẻ ngơ ngác của Giao một lúc rồi như chợt ngộ ra cái sự gì đó Tập cười cười nghĩ sao cười phá lên cười chảy nước mắt. Khuôn mặt đẹp trai đỏ bừng. Giao vùng vằng ngồi xuống bậc thềm lát gạch men sáng bóng kiểu nhà của dân vùng biển chiến đấu với cát bay mù. Sao anh cười mãi thế?

Tập ngồi xuống bên cạnh một lúc sau thủng thỉnh. Im anh nói cho mà nghe. Hôm nọ anh nói chuyện hàng giờ với San trên điện thoại. San bảo em mang thai tháng thứ ba rồi. Đợt này San đành phải cưới vội hỏi anh có vào dự đám cưới không thì báo trước lại bảo San phải xoay xở cứu cái xưởng của em vì sắp phá sản. Nói giọng chân thành lắm nên anh nghĩ em đùa anh khi cứ hỏi anh về chuyện mua xe.

Giao ngồi chống cằm chả nói được câu nào cũng chả phản ứng mạnh. Ngồi một lúc nước mắt chảy ra lúc đầu mỏng mảnh sau từng giọt to tướng rơi qua kẽ tay. Đều là dân vùng biển ra đi từ tay trắng tinh như cát nhưng lòng người lại đen ngòm như nước cống. Nghĩ cho cùng dù đi xe mang biển tứ quý vẫn là đàn ông Việt quay mặt vào tường giải quyết vướng mắc tâm hồn. Hành vi văn minh cao cấp thế đầu óc sáng láng sao được. Có gì mà đòi.

Đúng thế không? Rằng em dự định mua “con” Drophead Coupe mui trần màu trắng giá nửa triệu đô nên xưởng của em lao đao công nhân thất nghiệp người ta đang rục rịch đình công San phải cứu. Bịa giỏi thật. Giao nói nhỏ.

Thôi đừng nhắc đến San nữa anh ạ. Giao đứng lên tự nhiên kéo tay Tập khoác tay Tập đi xuống biển. Đường ra biển còn xa phải qua một cồn cát phải lội qua con ngòi nước trong vắt rồi còn qua một rừng phi lao chống cát. Tập bảo ai đó trong nhà ra dắt xe vào hộ nhé rồi nói với Giao cách đây chục năm vùng này không ai đóng cửa ban đêm bây giờ đôi dép để ở thềm nhà cũng bốc hơi. Em thấy có buồn không?

Phi lao thẳng tắp trên bãi biển sạch tinh cát trắng. Hai thiếu nữ đang xắn quần lội sóng nhìn thấy Tập đi với một cô rực rỡ cả hai sững người. Giao lại gần. Cả hai thật xinh thật trắng trẻo chân tròn tay tròn cổ tròn miệng tươi như hoa. Chào chị! Thầy ạ!

- Đây là sinh viên của anh theo anh về cho biết vùng quê có biển.

- Hôm qua em nghe máy của thầy, có phải chị gọi không ạ?

Giao gật đầu. Thấy đau tức ngực. Giao kéo Tập đi. Bỏ dép. Chân trần. Tập cũng bỏ dép. Cát quấn vào chân. Đột nhiên Giao nói như thở hắt ra. Đợt này em về quê đưa một ít người vào dạy nghề để bổ sung cho mấy phân xưởng mới. Giải quyết thêm một ít công việc cho quê hương. Chùm khế ngọt mà. Có đi xa cũng không lơ là được.

Còn xe? Cũng phải giải quyết khâu oai nữa chứ.

Em hoãn mua xe. Chưa cần giải quyết khâu oai. Với anh ấy à, xe chứ có vàng anh cũng tưng tửng rõ là nước chảy đầu vịt. Đáng ghét. Em có được ra lệnh không đây?

Cứ việc.

Anh không được đưa sinh viên của anh về quê như thế này, vô duyên!


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Bảy 20231:33 CH(Xem: 1261)
Mẹ tôi sinh ra tôi năm trước, năm sau lại sinh em bé.
18 Tháng Bảy 20237:08 CH(Xem: 1380)
Mấy tháng sau cùng của năm học, sáng nào chở con tới trường tôi cũng nhìn thấy một bé gái đứng chờ xe ở ngã tư đường Washington và Oregon,
07 Tháng Bảy 20235:53 CH(Xem: 1718)
Pha không có nhu cầu đặc biệt nào với tiền, anh chỉ đơn giản làm những việc mà ai cũng phải làm khi trưởng thành là kiếm tiền.
05 Tháng Bảy 20234:50 CH(Xem: 1877)
Giỗ cô tôi vào khoảng tháng sáu âm lịch. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết trong cái tháng âm ấy, vào gần những ngày tang tóc ấy, bà tôi như một người khác, lờ đờ, uất ức, lẫn lộn...
30 Tháng Sáu 20235:43 CH(Xem: 2132)
Cao nhớ quang cảnh bên ngoài cửa sổ chuyến tàu xuyên Việt ba mươi sáu năm trước đưa anh đến Sài Gòn.
23 Tháng Sáu 20231:08 CH(Xem: 1257)
Thư từ làm cái gì, chữ nghĩa cũng sẽ chỉ là điều vô ích, một khi người ta không còn muốn đọc nhau nữa.
21 Tháng Sáu 20233:26 CH(Xem: 1933)
Đêm dịu êm, nghe được cả tiếng chồi non động cựa sau vòm lá. Tiếng đàn ông cụ réo rắt vút lên Tôi đã gặp một chiều trên bến nước, ông lái đò ngồi đợi khách sang sông…
13 Tháng Sáu 20239:59 SA(Xem: 1825)
Tôi nhìn cái lọ Pénicilline trong veo một hồi lâu rồi bỏ vô giỏ xách.
08 Tháng Sáu 20233:35 CH(Xem: 2135)
So với bốn người – Paul, John, George và Ringo – thì Kiệt giống George nhất vì khuôn mặt xương xương.
02 Tháng Sáu 20235:10 CH(Xem: 1608)
Cơn mưa qua đi, trăng lại lọt sáng qua từng kẽ lá, Khải khe khẽ mở cửa, trở về căn gác trọ.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17042)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12261)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18991)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9173)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8343)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 982)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19180)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7899)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8816)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8501)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11064)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25514)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19790)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19255)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16923)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31957)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,