HOÀNG CHÍNH - Mùa Giáng Sinh Xưa Tôi Đã Hứa

26 Tháng Mười Hai 20196:11 SA(Xem: 5310)
HOÀNG CHÍNH - Mùa Giáng Sinh Xưa Tôi Đã Hứa

“Đừng nói với ai.” Ông già thì thầm vào tai tôi như thế.

Dạo ấy, mới sang định cư ở xứ này, tôi thấy cái gì cũng mới, cũng lạ. Cái lạ đầu tiên là tôi thấy ông già cao quá hơn tôi đến hơn một cái đầu. Ở đất nước tôi chắc chẳng tìm đâu ra người cao như thế. Tôi nghểnh cổ bao nhiêu thì cũng vẫn thấp hơn ông quá một cái đầu. Thành ra khi nói chuyện với tôi ông phải khòm người xuống. Và khi khòm xuống trông ông giống như tay cầm cong của một cái ô những người già thường dùng. Ông thành một chữ J lật ngược. Mới đến xứ này, tôi không quen biết ai, vì vậy tôi bám lấy ông già như con chó vô chủ, bỗng dưng gặp được một người tử tế với mình.

“Đừng nói với ai.” Ông già đã nói nhỏ vào tai tôi như thế. Tôi vẫn nhớ rõ. Giọng nói khàn đục. Ấm áp như câu dặn dò ông bố nói với thằng con còn đang tuổi vị thành niên. Nhớ đừng nói với ai. Bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn nghe được câu dặn dò ấy hoài trong tâm tưởng. Ông già nhìn trước nhìn sau rồi cúi xuống, bởi ông cao hơn tôi tới hơn một cái đầu. Ông phải cúi xuống mới có thể nói nhỏ vào tai tôi, phải cúi xuống, phải thì thầm để không ai nghe thấy. Nhớ đừng nói với ai. Tôi gật đầu. Ông già nhìn tôi. Tôi lại gật đầu. Ông già vẫn nhìn tôi. Và tôi hiểu ra. Tôi vừa gật đầu vừa lắp bắp. I promise. Ông già mỉm cười. Thêm một điều lạ lẫm nữa là ở nơi này, chỉ cần hứa bằng lời, người ta cũng tin ngay. Và ông già tỏ vẻ hài lòng. Ông lại nhìn trước nhìn sau. Không ai trông thấy chúng tôi. Một người đàn bà vừa mở cửa nhà vệ sinh, bước ra, khẽ gật đầu với chúng tôi, rồi nhanh chân bước lên những bậc cầu thang lót thảm. Tiếng nước dội nhà cầu vang vọng.

Tôi nhìn quanh những bức tường vàng ố. Vài bức tranh treo rải rác đó đây. Ở góc phòng, những chiếc áo mùa đông treo trên giá dồn sát vào nhau. Ba khung cửa sổ bị ngập quá một nửa cái khung vuông vì tuyết trắng bên ngoài. Ống thổi lò sưởi ở góc phòng phù phù thổi luồng hơi ấm áp. Khung cảnh quen thuộc. Tôi đã đến đây nhiều lần. Từ những ngày trời mới vừa chớm lạnh và những chiếc lá đỏ rực bầu trời đang ngả dần sang màu vàng úa. Bây giờ đã là mùa đông. Tuyết đổ ngập đường.

Chiều Chủ Nhật nào cũng vậy. Sáu giờ. Đúng sáu giờ. Ông già dặn dò như thế. Và tôi tập thói quen tôn trọng giờ giấc cũng từ câu dặn dò ấy. Đúng sáu giờ, tôi xuống chờ trước cửa chung cư. Áo quần chỉnh tề. Chiếc áo mùa đông dầy cộm gài dây kéo tới sát cổ cho khỏi lạnh.

“Nhớ xuống cửa trước đúng sáu giờ.”

“Vâng, cháu sẽ nhớ.”

“Hẹn gặp Chủ Nhật sau.”

“Vâng. Hẹn gặp.”

Chúng tôi thường nói với nhau như thế lúc chào tạm biệt. Lần nào ông già đưa tôi về, chúng tôi cũng chỉ trao đổi chừng đó câu. Với tôi, đó cũng là một điều rất lạ.

Chiều Chủ Nhật. Đúng sáu giờ tôi lấy thang máy, xuống cửa trước chung cư. Lần đầu tôi cố xuống trước một phút, ông già đã ở đó. Lần khác tôi xuống trước năm phút, ông già cũng vẫn đã ở đó. Chiếc xe phun khói mịt mù. Tôi nheo mắt nhìn qua khung kính mờ đục. Ông già ngồi trước tay lái gật đầu, cười. Bên cạnh ông, một người đàn bà sùm sụp hai ba lớp áo. Tôi mở cửa sau, xoay người ngồi mém trên băng ghế, duỗi chân ra ngoài gõ vào nhau cho rụng hết tuyết. Hello, T! Ông già chào. Người đàn bà áo khăn dầy cộm, xù xì như con gấu cũng chào. Giọng khàn đục. Hello T. Tôi lắp bắp Hello, sir... Ông già ngắt lời tôi, “Gọi tôi là Arthur.” Và xoay qua người đàn bà, “Betty, vợ thân yêu của tôi. Còn đó là T.” Mấy mươi năm sau tôi hiểu ông nói như thế. Chứ dạo ấy tôi chỉ hiểu người đàn bà là vợ ông và tên bà là Betty; tôi không nghe ra chữ “thân yêu”. My beloved wife. Bây giờ nghe lại từ ký ức, thấy dễ thương chi lạ.

Tôi thực hành bài học Anh ngữ về cách giao tiếp. Tôi Hello Arthur, hello Betty. Very nice to see you một cách ngượng ngập.

Chiều Chủ Nhật nào cũng vậy. Ông già đậu xe chờ. Tôi tự động xuống cửa trước.

“Xin lỗi, đúng ra tôi phải vào bấm chuông để gọi cậu, nhưng tôi không dám tắt máy xe...”

Ông già lập lại cái câu đã nói Chủ Nhật tuần trước.

Tôi nhanh nhảu, “Không sao, không sao.”

Ấy là chuyện một Chủ Nhật nọ, giữa cơn bão tuyết cuồng nộ, ông già đến đón tôi. Ông đậu xe và tắt máy để vào bấm chuông cửa. Lúc ra, chiếc xe đề máy mãi không lên. Phải nhờ người ta câu bình điện. Từ đó, tôi tự động xuống cửa trước, không chờ chuông gọi nữa. Chỉ có vậy mà ông già cứ áy náy hoài. Lại thêm điều lạ lẫm tôi bắt gặp ở xứ này.

Có một lần, cũng vào Chủ Nhật. Bởi chúng tôi chỉ gặp nhau vào Chủ Nhật. Tôi vừa ra khỏi cửa chung cư, lọt ngay vào cơn gió cuồng nộ đang quăng những mảng tuyết khô rát mặt. Tôi vừa toan mở cửa sau chui vào, ông già đã ngăn lại. Tôi ngơ ngác nhìn bà cụ ngồi co ro trong băng ghế trước. Ông già mở cửa xe, đi vòng qua phía tôi, ông mở cửa xe chỗ bà ngồi. Tuyết xoáy vòng, quyện vào lòng xe. Ông đỡ vợ ra khỏi xe, nhẹ nhàng dìu bà ra băng ghế sau. Tôi ngạc nhiên co người đứng ngó. Ông gài dây an toàn cho bà, rồi ông lấy cái chăn bông cũ kỹ đắp lên người bà, và cẩn thận chèn những mép chăn xuống bên dưới người bà.

“Được không, honey?”

Giọng khô khàn của ông già làm tôi ngẩn ngơ. Tôi gần như chưa bao giờ thấy những người già xứ tôi ân cần với nhau như thế. Và cái chữ honey toát ra từ miệng một ông già, cằn cỗi như cổ thụ, bỗng như ướp trọn vẹn tình cảm của con người.

Đóng cửa cho bà xong, ông chỉ cho tôi vào ngồi cạnh ông ở băng ghế trước. Tôi ngập ngừng làm theo. Và vẫn ngơ ngác con mắt nhìn.

“Tôi cần cậu giúp một tay,” ông già nói. “Cửa xe không đóng được. Betty yếu quá giữ không được. Nhờ cậu giữ cho nó khỏi bung ra.”

Ông già gài thắt lưng an toàn rồi sang số xe. Tôi dựa sát vào lưng ghế, tay níu chặt cánh cửa. Gió đẩy chiếc xe chao chọng, tôi chỉ sợ cánh cửa bung ra. Chúng tôi lượn ngoằn ngoèo trên những con đường ngập tuyết. Và cứ vài phút, ông lại quay đầu ra phía sau, ân cần hỏi vợ, “Bà có lạnh không?”

Chủ Nhật nào cũng thế. Chủ Nhật nào ông già cũng lặn lội đi ngược đường đến khu chung cư tôi ở để đón tôi đi nhà thờ. Tôi đến từ vùng chiến tranh, từ chốn ăm ắp những thù hận. Tôi quên những giới răn của Chúa. Tôi không buồn nhắc đến những câu kinh. Bỗng đâu tôi quen được ông già. Mới ngoài hai mươi tuổi tôi đã nhạt niềm tin. Ông già rủ tôi đi nhà thờ mỗi chiều Chủ Nhật. Và dù mưa gió bão bùng đến cỡ nào ông già cũng đến đón. Ông già cố thắp lại niềm tin trong tôi.

Một Chủ Nhật cận kề lễ Giáng Sinh, đúng sáu giờ, tôi xuống cửa trước, chờ. Tôi đứng sát khung kính cửa. Đăm đăm nhìn những mảnh tuyết bay tơi tả trong gió. Những vạt tuyết lấp lánh ánh đèn từ một cây thông trước cổng chung cư dăng đầy đèn màu. Sáu giờ năm phút, ông già chưa tới. Tôi nhìn những mảnh tuyết chao chao trong gió. Lần đầu tiên ông già đến muộn. Tôi nhìn đồng hồ. Rồi tôi thọc hai tay vào sâu trong túi áo mùa đông. Ông già có sao không. Tôi không biết hỏi ai. Sáu giờ mười phút, chiếc xe màu xám có một bên bóng đèn bị vỡ trông như con vật có con mắt chột từ từ bò vào khoảng trước chung cư. Tôi nhanh chân bước ra. Ông già gật đầu chào.

“Betty không được khỏe,” ông nói. Về sau tôi mới hiểu trọn vẹn điều ông nói. Lúc ấy, tôi chỉ đoán mò đại khái là thời tiết làm khó dễ bà cụ gì đó. Bà Betty bị under the weather.

Lần đầu tiên hai chúng tôi có chút riêng tư trong lòng chiếc xe lạnh băng không khác gì ngoài trời. Cái lạnh cào xé cổ họng, tôi bật tiếng ho. Ông già quay sang nhìn. “Xin lỗi, xe cũ không có heat.”

Tôi ngoan ngoãn trả lời “Không sao” dù hai bàn tay lạnh cóng.

Chỉ có hai chúng tôi, tôi bỗng dạn dĩ, cố gài chắc hai hàm răng đang gõ vào nhau. “Thường ngày ông làm gì?” Tôi hỏi.

“Tôi về hưu rồi.”

Tôi gật đầu. Và nhớ ra là ông già đã lớn tuổi lắm rồi.

“Hơn chục năm rồi,” ông nói.

Tôi liếc sang phía ông già. Khuôn mặt xương xương, mắt nhìn cứng cỏi, giọng nói khàn nhưng rõ ràng, đầy nét cương nghị.

“Thế trước kia ông làm gì?”

“Làm công nhân. Cậu biết hai chữ ‘cổ xanh’ chứ?”

Lúc đó tôi không biết hai chữ ấy, chỉ đoán là chắc trước kia ông già đi làm vất vả lắm. Và bây giờ thì ông nghèo mạt rệp. Cứ nhìn chiếc áo vét xám tưa chỉ ở tay, và cứ nhìn chiếc xe èo uột của ông thì biết ngay. Tiếng máy gầm gừ, hậm hực. Khói bay mịt mù phía sau. Cánh cửa có thể bung ra bất cứ lúc nào, dưới chân có chỗ sét rỉ, hở ra một lỗ hổng nhìn thấy mặt đường bên dưới, và mùa đông tắt máy thì có nhiều hy vọng phải nhờ xe khác câu bình.

Vậy mà Chủ Nhật nào ông già cũng đến đón tôi đi nhà thờ.

“Cậu có tính trở về nghề cũ không?” Ông già hỏi bất chợt làm tôi bối rối.

Và tôi ngập ngừng, “Chắc cũng tính... nhưng chưa biết sao.”

“Cố lên, ở đâu cũng cần bác sĩ...”

Tôi nghĩ đến cuốn sách Bệnh Lý Học mới mượn được của ông bác sĩ gia đình. Tôi nghĩ đến con đường mịt mù trước mặt. Hãng xưởng nào tôi nộp đơn người ta cũng gán cho cái chữ Overqualified. Mướn cậu vào rồi vài tháng cậu bỏ đi thì sao. Tôi quen những cái cười thông cảm. Tôi quen những câu chúc may mắn. Good luck. Tôi quen những cánh cửa khép vội sau lưng. Tôi nhớ tôi vẫn chưa tìm đâu ra đủ tiền để trả tiền thuê nhà tháng tới. Nhưng tôi không thể nói ra điều đó với ai. Tôi không muốn nói với ai.

Tan lễ, mọi người lao xao trong sảnh đường ăn bánh ngọt, uống cà phê. Âm hưởng những bài thánh ca Giáng Sinh lâng lâng trong không khí.

Tôi đứng nép vào một góc, bởi tôi chẳng quen ai.

Ông già đến bên tôi nói nhỏ, “Xuống basement với tôi một chút.”

Tầng hầm của giáo đường vắng vẻ. Nhà vệ sinh một bên và những sào treo áo mùa đông dài một bên vách. Ông già đứng sát vào vách tường. Tôi đứng cạnh ông, sát bên ống thổi hơi lò sưởi, cho hơi nóng râm ran trên mặt. Chắc ông có điều gì muốn nói. Ông nhìn dáo dác chung quanh. Tôi mong đừng là tin buồn của bà cụ. “Gọi tôi là Betty,” bà vẫn nhắc tôi như thế.

“Cái này đừng nói với ai,” ông già khom người thành hình chữ J ngược, nói nhỏ để chỉ mình tôi nghe thấy. Và ông nhanh tay móc trong túi áo ngực ra một tờ giấy bạc. Tôi thoáng nhìn thấy con số một trăm. Tôi chưa bao giờ trông thấy đồng tiền lớn như thế. Bà hàng xóm của tôi ở đây đi làm cả chục năm mà lương cũng chỉ năm đồng hai mươi lăm xu một giờ. Ông cụ nhét đồng tiền giấy xếp gọn vào lòng bàn tay tôi.

“Để mua sách học. Nhớ đừng nói với ai.” Ông già nhìn trước nhìn sau rồi cúi xuống, bởi ông cao hơn tôi tới hơn một cái đầu. Ông phải cúi xuống mới có thể nói nhỏ vào tai tôi, phải cúi xuống, phải thì thầm để không ai nghe thấy.

“Nhớ đừng nói với ai.” Tôi gật đầu. Ông già nhìn tôi. Tôi lại gật đầu. Ông già vẫn nhìn tôi. Và tôi hiểu ra. Tôi vừa gật đầu vừa lắp bắp. “I promise.” Thế là ông cụ tỏ vẻ hài lòng. Ông lại nhìn trước nhìn sau. Không ai trông thấy chúng tôi.

Bàn tay tôi vẫn đờ ra đấy. Ông già lấy hai tay bóp nhẹ cho bàn tay tôi nắm lại. Tôi ngẩn người ra quên cả cảm ơn. Và khi tôi nhớ ra rằng mình chưa cảm ơn thì bóng ông già đã mất hút ở bậc cầu thang trên cùng.

Tôi thẫn thờ leo những bậc thang lót thảm lên sảnh đường. Đám giáo dân ngoan đạo còn nán lại lao xao trò chuyện, ly cà phê tay này, miếng bánh ngọt tay kia. Tôi nhìn quanh. Chúa vẫn nhân từ trên thánh giá. Bao nhiêu thế kỷ, Chúa vẫn nhân từ. Tôi thầm đếm những ngọn nến lung linh.

Ai đó chạm nhẹ vào vai tôi. Tôi quay lại. Ông già nhìn tôi cười, và đưa cho tôi ly cà phê.

“Nhớ là nước mình còn thiếu bác sĩ...” Ông thì thầm. Tôi hiểu như thế. Our country muốn hiểu “nước chúng tôi” hay “nước chúng ta” đều được cả. Thêm một điều lạ lẫm với tôi đêm Giáng Sinh năm ấy.

Rồi có một Chủ Nhật ông già không đến. Và nhiều Chủ Nhật sau nữa ông cũng không đến. Tôi thôi đi nhà thờ. Tuy nhiên câu dặn dò một đêm Giáng Sinh năm nào tôi vẫn nhớ.

Người già thì thầm, “Đừng nói với ai.”

Người trẻ gật đầu.

Người già nghiêng đầu nhìn.

Người trẻ vẫn gật đầu.

Người già nhướng con mắt vằn vện tia máu chờ đợi.

Người trẻ lẩm bẩm, “I promise.”

Người già mỉm cười.

Tôi nhớ hoài hoạt cảnh dưới tầng hầm ngôi giáo đường bé nhỏ đêm Giáng Sinh năm ấy. Tôi hứa và tôi giữ lời hứa ấy. Nhưng Giáng Sinh năm nay tôi không giữ lời hứa ấy nữa. Tôi sẽ nói với cả thế gian rằng ba mươi lăm năm trước, ông già Arthur nghèo mạt rệp đã cho tôi tiền để mua vài cuốn sách học, để trở về cái nghề thầy thuốc gian nan.

Tôi nhớ tôi có hứa, bởi lúc ấy tôi thì thầm I promise với ông già. À, nhưng mà tôi chỉ hứa không nói với ai, chứ không hứa sẽ dùng tiền mua một, hai cuốn sách để học.

Bởi vì nếu không có một trăm đồng ông già cho tôi đêm Giáng Sinh năm ấy, tôi đã không có đủ tiền trả tiền thuê nhà tháng Giêng năm sau. Và biết đâu tôi sẽ phải sống lây lất với những người vô gia cư trong thành phố suốt những ngày đông giá.

Tôi nghĩ nếu lỡ đọc được những dòng này, già Arthur – trên Thiên Đàng - chắc cũng chỉ cười như ngày xưa vẫn mỉm cười khi tôi mở cửa xe, thò hai chân ra ngoài, gõ vào nhau cho rụng hết tuyết, trước khi chui vào lòng chiếc xe lạnh không khác gì cái khối đông cứng của mùa đông bên ngoài.

16 tháng 12, 2019

Hoàng Chính

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Mười Một 20237:45 SA(Xem: 935)
Quan trọng là, bất cứ hoàn cảnh nào, Du vẫn luôn ở đó bên tôi, chưa bao giờ mảy may mình có là hoàng tử hay không./.
07 Tháng Mười Một 20231:11 CH(Xem: 1449)
Chị thấy như có những con sóng đập mạnh vào lồng ngực, siết chặt trái tim, làm co rút thái dương. Chị muốn gục xuống vì bất an hoảng hốt và thất vọng.
31 Tháng Mười 20238:36 SA(Xem: 1226)
Hamsun Knut, nhà văn rất nổi tiếng của Na Uy, sanh năm 1859 ở Lom. Mất năm 1952.
28 Tháng Mười 20234:26 CH(Xem: 1506)
Một buổi trưa, tại Cần Thơ, trong ngôi quán ở đầu một ngõ hẻm gần bến xe Lam, lần đầu tiên tôi chú ý đến điệu bộ có vẻ ngộ nghĩnh của người chủ quán.
21 Tháng Mười 20239:34 SA(Xem: 1200)
Lam xuống chân đồi, sau lưng cô bóng chiều chập choạng…
07 Tháng Mười 20234:42 CH(Xem: 1443)
Con gà tre nhà ai không biết, mới sáng sớm đã bò sang vườn tôi, đứng trên giàn đậu quyên mà te te gáy vài tiếng.
29 Tháng Chín 202311:42 SA(Xem: 1475)
Tối nay, nhìn quanh mình chỉ thấy những khuôn mặt hồn nhiên rạng rỡ,
22 Tháng Chín 20235:56 CH(Xem: 978)
Cùng chọn hệ thống xa lộ thông tin chằng chịt trên mạng Internet làm chốn rong chơi. Cùng trượt êm qua thế giới phẳng, ảo, ngày nọ họ tình cờ gặp rồi quen nhau.
15 Tháng Chín 20233:38 CH(Xem: 1073)
Hòa ngước nhìn bầu trời rạng đông, nghĩ tới những việc phải làm trong một ngày tinh khôi còn vẹn nguyên trước mặt.
14 Tháng Chín 202311:59 SA(Xem: 1623)
Tôi nhớ Sài Gòn da diết.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17067)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12275)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18998)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9181)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8360)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 622)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22480)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14017)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19188)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7904)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30723)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25518)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21738)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19795)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24514)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,