VŨ BẰNG - Phù Dung Ơi, Vĩnh Biệt! (Tên cũ là "Cai")

08 Tháng Bảy 20204:32 CH(Xem: 6496)
VŨ BẰNG - Phù Dung Ơi, Vĩnh Biệt! (Tên cũ là "Cai")
Lời Bạt

Tôi về nhà, còn nàng về với thuốc phiện: đời lại có thể giản dị đến như thế hay sao?

Thường khi, đời giản dị không thể nào ngờ nổi. Tôi về nhà thực, và hơn bốn năm sau khi cai thuốc, tôi lấy vợ - một người vợ từng biết tôi đã hút, đã nghiện và đã cai. Một cuộc đời mới bắt đầu. Một căn nhà bé diêm dúa và sạch sẽ; một ly rượu thực ngon; một món ăn vuốt ve khẩu cái.

Mấy thứ đó, thực tình, không có nghĩa lý gì, nhưng có một sức hấp dẫn vô song đối với một người chồng khát khao tình cảm. Tai ác thay là người vợ cũ kỹ, không biết gì nhiều, nhưng cái gì cũng biết một chút để cùng sống với chồng: buôn tần bán tảo một chút, nhưng không để cho thì giờ kiếm ăn lấn át mất thì giờ làm một món ăn ngon cho chồng thưởng thức; thu xếp cho quần áo của chồng con gọn gàng; một tháng đôi lần tổ chức những bữa cơm thanh đạm mời bè bạn đến chia vui với chồng, làm cho ai cũng vừa lòng, nhưng không phải vì thế mà nới lỏng cho chồng tự do quá trớn.

VuBang
 Nhà văn Vũ Bằng (Hình: FB Lê Minh Thuận)


Con nhà văn, nhà báo có nhiều chứng tật mà cũng có nhiều mưu kế vặt hơn ai. Những ngày mưa ngâu rả rích; những đêm xanh trằn trọc không yên; những buổi hoàng hôn nặng nề đè trĩu người ta xuống trong u buồn... tất cả những cái đó đều cám dỗ con người và dễ xúi giục người cai thuốc làm điều xằng bậy. Tai ác thay là người vợ bé nhỏ ấy không rõ tự đâu đã đón biết trước được ý chồng mỗi khi "một việc không hay có thể xảy ra". Không đợi sự ham muốn ấy thể hiện rõ rệt, vợ tôi khéo léo tìm cách đánh lạc ngay sự ham muốn đó đi. Nếu trời tạnh ráo, vợ chồng rủ nhau đi xem hát chèo trên Giảng Võ: "Cậu" nghĩ thế nào về một tô "tam xà đại hội" ở Đông Hưng Viên có khói bốc lên nghi ngút vào một đêm mưa phùn gió lạnh? Trời sáng trăng thì thủng thẳng đi trên đường Tòa Án thơm thơm mùi hoa sữa, đọc với nhau từng đoạn trong truyện Kiều, tỉa tót từng chữ hay, chữ dở; đói thì đi tìm những hàng phở, hàng bánh cuốn, bánh tôm có tiếng để ăn đêm; nhưng nếu gặp mưa dầm gió bấc, ra ngoài sợ ướt thì ở nhà, ngồi trông ra giàn hoa ti gôn uống rượu, vợ gắp cho chồng một miếng đùi ếch thật vàng, thật ngậy...

Chao ôi, đón ý chồng và chiều chuộng chồng đến như thế thì thuốc phiện cám dỗ đến mấy cũng đành phải... kiếu. Vả chăng, sự cám dỗ ấy chỉ như một ngọn gió thoảng qua, không day dứt và cũng không kéo dài quá mức. Có một cái gì khác đến cản nó, sự cám dỗ dịu dần đi, rồi người ta quên ngay - nhất lại càng dễ quên trong vòng tay của một người vợ bé nhỏ biết chiều chồng và biết cách yêu...

Thế rồi chừng bảy tám năm sau, tôi không còn bao giờ tơ tưởng đến thuốc phiện nữa. Sống ở bên cạnh người vợ tấm mẳn, thương yêu nhau từ lúc chỉ có năm đồng bạc viết bài cho báo chí, đêm đêm nằm vắt tay lên trán, tôi tự nhủ cho đến khi chết sẽ không dám phụ lòng của vợ... Nhưng chỉ có đối với thuốc phiện mà thôi... Tôi không tơ tưởng thèm thuồng thuốc phiện, nhưng có những chiều mưa xanh gió tím, ngồi ở trên cao mà nhìn xuống con sông chảy ở sau nhà và nghe tiếng lá cây hoàng lan đập vào nhau, tôi vẫn chợt tưởng đến Liên Hường - người bạn không may chẳng biết bây giờ trôi nổi về đâu, Huế hay Cà Mau, sống trên nhung lụa hay nằm dưới đất sâu?

Không ai có thể giải thích được những tình cờ trong đời sống. Xa cách nhau hàng mấy chục năm, mỗi khi có dịp đi Huế hay gặp các bạn bè quen biết cũ, tôi vẫn hỏi thăm Liên Hường với một mong muốn nhỏ nhoi là gặp mặt nàng - và chỉ gặp mặt nàng mà thôi. Nhưng tuyệt mù tin tức. Thế rồi có một ngày kia...

Tôi còn nhớ đó là một ngày nắng hạ, chung quanh nhà có tiếng ve kêu rền rền. Không hiểu tại sao đương ngủ dưới một gốc bưởi, trước một căn nhà tranh nơi Đất Hộ, tôi sực thức và cảm thấy "chưa bao giờ buồn thế". Lấy một cái xe đi Sài Gòn, tôi ghé lại một rạp chiếu bóng, vào mua cái vé để ngồi "cho nó đổi không khí đi một chút" - từ thuở nhỏ tôi vẫn không ham thích gì chiếu bóng - thì vé lại hết. Chán chường, tôi quay ra đi tản bộ, vừa đi vừa đếm gạch từ một đến mười ngàn. Đến viên một ngàn mười lăm, tôi trượt chân, quên hẳn là mình đã đếm tới số bao nhiêu rồi, bèn ngẩng mặt lên đi thẳng, không nhìn xuống đất nữa. Thì cũng vừa lúc ấy tôi thấy một cái tà áo mầu lòng chanh: ý nghĩ đầu tiên của tôi là nhớ ngay đến Liên Hường "ngày xưa vẫn ưa mặc áo mầu này". Nghĩ thế rồi, tôi mới nhìn quá lên trên thì... thật quả là tôi tưởng là mình mơ ngủ. Người mặc áo lòng chanh là Liên Hường thực!

Nàng đi với một cậu bé chừng mười lăm tuổi. Tự nhiên tôi chùn bước một giây để nhìn, nhưng không dám kêu hay lại gần, vì tôi ngờ ngay cậu bé đó là con nàng. Hành động lỡ làng một chút có thể làm cho nàng mang tai mang tiếng. Còn nàng thì nhìn tôi trong khóe mắt một giây, rồi lại thản nhiên đi.
Tôi nghĩ thầm chua chát: "Thôi thế là đủ. Nàng đi thẳng là phải, trò chuyện làm gì cho lôi thôi..."

Tôi cũng quay đi, nhưng mắt còn ngó lại, thì chính giữa khi đó, nàng cũng ngó lại rồi ngừng lại một giây như nghĩ ngợi và bỗng quay gót trở lại phía tôi, cười và hỏi: "Có phải ông là ông Bằng phải không?"

Tôi gật đầu. Bây giờ thì không sợ lầm lẫn nữa, tôi liền chỉ vào cậu bé và nói:

- Tôi xin hỏi hai câu, trả lời xong rồi nói chuyện gì hãy nói. Thằng nhỏ là con đấy à? Thứ nhì: Liên Hường bây giờ có khá không?

Nàng cười - vẫn cái cười chúm chím ngày xưa:

- Không. Đây là cậu bé ở gần nhà, bố mẹ cậu thấy em về Sài Gòn nhờ dắt đi theo để trị bệnh tai, mũi, họng. Còn phần em, nhờ trời cũng khá.

Mười hai giờ, đêm hôm ấy, ngồi trong một quán nước đìu hiu trên sông Bình Lợi, Liên Hường trầm trầm kể lại cho tôi nghe hết quãng đời qua:

Nàng lấy một sĩ quan người Pháp, nhưng không có con; nàng vẫn hút và dễ chịu hơn trước vì có nhà lầu, xe hơi và một đồn điền ở Pleiku, nàng không cai bao giờ hết, vì nếu cuộc đời cứ trôi đều đều như thế này thì cho đến lúc chết cũng không sợ thiếu ăn.

Trời về khuya, hơi lạnh. Lau lách ở dưới chân cầu va chạm nhau xạc xào. Quàng tấm áo lạnh lên vai, Liên Hường tiếp:

-... Nhưng mấy năm gần đây nhiều bịnh lắm, anh à. Khổ nhất là bịnh nhức đầu, lúc nào cũng nhức, nhất là từ buổi trưa đến tối. Và cứ mỗi khi trời trở lạnh như thế này thì mười đầu ngón tay tê dại đi và nhức mỏi không thể nào chịu nổi.

Tôi không biết nói ra sao. Bao nhiêu chuyện ân tình duyên nợ xa xưa giữa Liên Hường và tôi lại hiện ra rõ rệt hơn bao giờ hết. Khuyên răn nhau làm gì nữa, vô ích lắm, em ơi. Tôi chỉ còn biết cầu xin Trời Phật cho nàng được yên thân như thế cho đến chết, cho không bao giờ có những tai nạn bất ngờ xảy ra... Con người ở vào buổi tao loạn nhiễu nhương này, còn có cái gì là chắc nữa. Sống, chết, giàu, nghèo chỉ cần một cái tích tắc đồng hồ... Gặp người tình cũ một đêm buồn trên sông lạnh, kể lể cho nhau nghe những chuyện đứt ruột đau lòng... Một hoàn cảnh như thế phải diễn ra bên một cái bàn đèn mới đúng. Tặc lưỡi một cái: Ừ, thì hút lại đã làm sao? Công danh, sự nghiệp, tiền tài... tất cả có nghĩa gì! Tôi liều... nhưng Liên Hường không chịu... Nàng nhắc đến mẹ tôi... Và, như ngã từ trên cao xuống trong một giấc mơ kinh khủng, tôi cảm thấy mồ hôi ướt đẫm mình. Mẹ, cô và vợ... Ba người ấy hiện ra với sáu con mắt u buồn, nhìn tôi mà chẳng nói...

Đêm hôm ấy, tôi uống rượu và chưa bao giờ say đến thế. Liên Hường ngồi bên cạnh tôi săn sóc cho đến lúc gà gáy canh hai. Sang canh ba, tôi ngủ thiếp đi và trong mơ tôi thấy Liên Hường gầy lắm, yếu lắm, đi chậm chậm trên một con đường nhỏ ngạt ngào mùi hoa bưởi và ở đàng trước, mẹ tôi, cô tôi và vợ tôi đi lại phía nàng. Liên Hường đi lên một bước thì mẹ, cô và vợ tôi lại lùi lại một bước, nói lầm thầm một câu gì nghe không rõ nhưng tôi đoán là "Cảm tạ cô. Chúng tôi cảm tạ cô".

Không hiểu ra sao, tôi choàng dậy thì ánh trăng vàng nhạt luồn qua khung cửa vào phòng và tỏa lạnh trên mảnh giường xô lệch. Mệt mỏi, Liên Hường nằm cạnh tôi. Tự nhiên tôi thấy nàng khác hẳn, không còn một chút gì duyên dáng còn sót lại như tôi đã thấy lúc ban ngày. Tôi thấy ớn lạnh xương sống và cảm thấy không bao giờ muốn mở mắt nhìn thấy bất cứ sự vật gì trên đời này.

Tôi lại chợp mắt ngủ lại. Mơ mơ màng màng, tôi cảm thấy gian phòng tôi nằm nóng bỏng. Một lát sau, những tia sáng đỏ lòe ra rồi tắt đi, tắt đi rồi lại sáng lòe ra. Rồi trong cảnh hỗn mang đó, bao nhiêu người bạn đã chết - mà tôi không nghĩ tới bao giờ - không biết tại sao lại từ một cái hang tối đi ra như thể để dự một cuộc biểu tình ma quái. Họ đi đứng lộn xộn, có người nhảy nhót; có người đi trên những cái cà kheo lộc cộc; có người bò trên hai tay và hai chân... Ánh lửa bập bùng. Xa xa, hình như có ai hát một bản gì man dã, như than khóc mà lại như hò hét.

Ngay lúc đó, tôi biết là tôi mê; những cảnh tượng đó không có thực; nhưng lạ một điều là mắt tôi thấy thế mà óc tôi vẫn nghĩ minh mẫn lắm. Nghĩ những chuyện thực tế. Nhớ những việc mà tôi đã từng quên lãng, nhưng không hiểu tại sao lúc này tôi lại nhớ lạ lùng, có khi nhớ từng chi tiết mà không ai để ý.

Tôi nghĩ đến một anh bạn hút cao lênh khênh - anh Cuồng Sỹ, tác giả cuốn Trò đời - lúc chung cục đến xin một cái giường nhỏ ở nhà Vũ Công Nghi để chết và nhờ bạn lo cho một cái hòm. Còn bao nhiêu người chết khổ, chết sở như thế và hơn thế... Nguyễn Đình Thấu mang hàng triệu vào Nam, lúc đời tàn, cũng uống nước cam lồ và chích sái nước đóng ống, rồi một hôm gục xuống thổ ra mấy giọt máu đen trên gạch. TchyA vừa nghiện thuốc vừa nghiện rượu, lúc chết còn được chở vào nhà thương để nhìn bác sĩ lắc đầu; nhưng cùng một lớp văn hóa văn nghệ với TchyA có ai biết Lê Văn Trương và Văn Sen chết khổ nhục đến thế nào không?

Nói đến Trương, không ai lạ. Sau nhiều năm trôi nổi ở Lào, Miên, Trương về Hà Nội viết cuốn truyện đầu tiên "Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên, Đế Thích" cho tờ Trung Bắc. Tưởng là viết chơi, không ngờ là duyên nợ. Trương, sau đó, hợp tác với nhà Tân Dân, viết ra có tới ba, bốn trăm cuốn tiểu thuyết (có nhiều cuốn ông Vũ Đình Long đã mua, trả tiền rồi, nhưng chưa in kịp), ai chẳng tưởng tiền bản quyền ít ra cũng ăn đến mãn đời, có ngờ đâu lúc ký Hiệp định Genève vào đây thì đã trần như nhộng. Cũng nuốt, cũng cam lồ rồi cũng chích. Lần cuối cùng, tôi gặp Trương thì anh đi không vững nữa (nguyên Trương lúc thanh niên là người lớn con, đi đứng như lực sĩ). Loạn trí, anh cầm tay tôi, dắt ra một nơi rất kín, báo cho tôi biết là "thuốc phiện kỳ lạ lắm". Anh giơ tay ra, bấm vào một lỗ chân lông, rồi nhìn tôi mà hỏi: "Anh có thấy không? Nó vừa bay ra đấy!".

Cái gì bay? Tôi chẳng thấy gì hết. Anh lại bấm vào một lỗ chân lông khác ở bụng và bảo: "Ở đây thì nó to hơn, anh trông nhé! Đấy, mấy con bay ra một lúc, thấy chưa?".

Tôi vẫn chẳng thấy gì hết và tôi nói thế với Trương. Tức thì anh đùng đùng nổi giận, nghiến răng trẹo trẹo như có vẻ muốn giết tôi. Thấy vậy, tôi phải chiều anh trả lời: "À! Thấy rồi!". Nhưng thấy gì? Thấy con bò, thấy con nhện hay thấy con ruồi?

Lúc chung cục, Lê Văn Trương yên trí rằng ở trong người anh có một thứ bọ có cánh, nhỏ bằng hột mè, từ trong người anh thoát qua lỗ chân lông để bay ra ngoài, rồi chờ khi nào anh ngủ, thì lại qua lỗ chân lông chun vào trong người anh như kiểu... ma cà rồng, sau khi đi ăn các đồ ô uế lại trở về rút hai ngón chân cái ở lỗ mũi ra nhập vào xác của người có dòng ma...

Văn Sen thì không thế, nhưng có thể ngồi ngây ra, không nói cả ngày, ai hỏi không biết, ai chửi cũng không cần. Tôi biết Văn Sen từ lúc di cư vào miền Nam. Lúc đó, anh đã hơi xuống nước, nhưng với cái học tham bác và tài viết tiếng Anh, Pháp, Việt (anh học tiếng Việt từ lúc Pháp thất thế), anh cũng kiếm được mỗi tháng trên dưới trăm ngàn, là tiền viết cho các báo Pháp, Việt và Thông tấn xã.

Trăm ngàn một tháng, thôi thì cũng tạm đủ hút cho mình, cho vợ mình, cho con gái mình và mua thịt, cá cho hai con mèo (mèo thiệt) cũng ghiền á phiện. Nhưng lúc người ta xuống thì kỳ lạ lắm: tiền hết lúc nào không biết, rồi kiếm không ra. Văn Sen phải đi xin từng cái áo, cái quần để mặc (nhưng rồi lại bán đi) và cuối cùng cũng... chích, tự mình chích cho mình, có tiền thì chích mươi ống một ngày, không tiền thì một hai ống... rồi cuối cùng, nhiều khi một hai ống (lúc đó có năm đồng một ống) cũng không có nữa. Ngồi đâu anh cũng nhắm mắt ngủ liền tại đó, rỏ dớt, rỏ dãi ra. Rồi bất thình lình anh vùng dậy, ù té chạy như có gì khẩn cấp lắm, vừa đi vừa nói tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt một mình... Thực ra, anh không có gì khẩn cấp hết. Anh đi tìm bạn xin tiền. Không xin được thì mệt, xin được đi chích cũng mệt luôn. Những lúc đó, anh lừ đừ như một con quỷ nhập tràng đi giữa xã hội loài người. Anh nhắm mắt đi giữa đường, không nghe thấy tiếng kèn xe hơi, không nghe thấy tiếng phu xích lô chửi rủa. Thế rồi, từng lúc anh đương nhắm mắt đi, bỗng giựt thót mình, mở choàng mắt, đưa hai tay ra đàng trước như để đỡ đòn. Hỏi anh sợ gì thì Văn Sen bảo: "May quá, nếu tôi không mở mắt, kịp thời tránh né thì đã đâm đầu vào bức tường kia rồi, sống làm sao cho nổi!".

Sau này, tôi không biết Văn Sen chết ở đâu, chết ra sao (vì không có ai nhớ đến anh, cho anh một vài chữ chia buồn trên báo), nhưng gặp Văn Sen lần chót tôi cảm thấy đau lòng, không phải chỉ cho kiếp văn nhân nghiện hút mà đau lòng cho cả cái kiếp con người nói chung. Đi dạo hồi năm giờ sáng ở đường Thủ Khoa Huân, tôi thấy Sen đứng vịn vào một gốc cây, hai chân run rẩy, như đứng không muốn vững. Phố xá vắng người đi lại, trời còn mờ tối chưa sáng hẳn, mà lại có sương mù. Tôi cảm như mình đang đứng xem một thứ phim ma quái mà gã đứng vịn gốc cây kia là con quỷ Frankeinstein sắp có một hành động gì lạ lắm. Thì quả nhiên lạ thật. Tôi thấy Văn Sen cúi xuống một thùng rác bới lên để tìm một cái gì. Lập tức tôi nghĩ ngay là anh tìm một mẩu bánh mì hay một miếng thịt nào của người Mỹ không ăn được, vứt đi.

Tôi đau nhói như có ai banh da xé thịt. Vỗ vào vai Văn Sen, anh giựt mình tỉnh lại, hỏi tôi:

- Ủa! Đi đâu vậy?

- Đi có việc. Còn anh, đi đâu sớm thế?

- À, tôi cũng có việc phải đi cả đêm qua. Đến đây, tôi sực nhớ có đánh rơi bản thảo một cuốn sách viết bằng Anh ngữ mà tôi định gửi bán cho Liên hiệp quốc nên bới tìm may ra có thấy chăng!!!

Tôi nghĩ và tôi nhớ nữa, nhớ nhiều nữa, nhớ nhiều nữa. Tôi nhớ hồi còn ở Bắc, vào những đêm mùa đông hay đi ra chợ Gạo, xem những người nghèo ngồi ăn sà bần, xong rồi đến một cái quán gần đó uống nước cam lồ.

Cam lồ là một thứ nước ngâm vải lau bàn đèn thuốc phiện, lau tẩu, lau đèn, lau tiêm, móc (gồm cả nước trong dọc tẩu vỡ chẻ ra). Thuở ấy, có vài xu một ly; ghiền mà không có tiền hút, uống vào cũng đã... Nhưng uống như thế có lẽ chưa được văn minh cho nên sau này các anh sáng chế mới nghĩ cách chế ra nước sái cho vào ống thủy tinh như kiểu các ống thuốc tây để chích, như ta chích Ôrêômysin, Bđui, Salysilát...

Ở khắp Sài Gòn Chợ Lớn, những "tay chơi" đều biết những cái ổ choác này, nhưng làm cho tôi rùng rợn nhất chính là cái ổ choác ở đầu đường Can Mét.
Một chiều tím đậm, tôi đương đi trên con đường mù mịt bụi vôi cát, xi măng thì một trận mưa đầu mùa trút xuống. Vào một quán nước tồi tàn uống bậy bạ một ly cà phê để đụt mưa, tôi nhìn ra bên ngoài, lòng thanh thản vô tri vì óc rỗng, không bận bịu gì, không suy nghĩ gì.

Bỗng tôi cảm thấy có cái gì nhột nhột ở chân. Hoảng hốt, tôi nhìn xuống thì thấy một người - có lẽ là các chú - chỉ còn trơ bộ xương bọc lấy da, quơ tay đập vào chân tôi. Vừa giận vừa sợ, tôi hỏi lớn xem y muốn gì thì bộ xương ấy chìa ra một bàn tay xương xẩu và bẩn thỉu. Thì ra y xin tiền. Cho y một đồng vừa xong, thì ở dưới gầm giường ở trong nhà chui ra hai người khác cũng khinh khủng như thế, cứ giơ tay mà không nói. Tôi định thần lại để nhìn xem đây có phải là bọn hủi định làm dữ tôi không thì một người thứ tư, gục xuống vũng nước ở gần đó, giúp tôi hiểu hết... Người này không còn phải là người. Có lẽ trước đây y là một người đàn bà mà có lẽ y là một người đàn bà Tàu đẹp nhưng bây giờ thì hết, hết cả, không còn gì nữa. Y chỉ còn là một bộ xương ngoài phủ một làn da đen sạm của những cái tử thi để lâu ngày chưa đem chôn, một bộ xương không đi được nữa, không đứng được nữa, muốn xê dịch từ chỗ này sang chỗ khác phải lết đi và bò bằng hai chân, hai tay. Y bò được đến gần chỗ bàn tôi thì kiệt lực, ngã xoài ra trên sình lầy, mặt ép xuống vũng nước... và như thế một hồi rất lâu không dậy được. Tội nghiệp, y thiếu thuốc, mặc dầu trước đó một lát, tôi đã nhác thấy y chui vào trong một miếng kẽm sét cuốn lại để chích một mũi rồi. Ở trong một miếng kẽm cuốn lại để làm tổng hành dinh, một người Tàu già khác - cũng gầy ốm và dơ bẩn như những khách hàng - ngồi ngủ gật, mỗi khi có khách đến chích, thì tự nhiên mở mắt ra, lấy ống chích vào tay một mũi... và cầm bảy đồng đếm rất cẩn thận, cho vào túi áo khỉ rồi lại nhắm mắt mà ngủ lại.

Lúc tôi đi Đại Hàn, coi "sô", có một vũ nữ khỏa thân hát một bài bằng tiếng Việt: "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi... Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi...". Không hiểu tại sao, chính giữa lúc ấy thì tôi nhớ đến cô vũ nữ Đại Hàn và câu hát say sưa đó... nhưng lập tức tôi tự nhủ: "Ở đâu chẳng vậy... Ở đâu chẳng có những con người sống cái kiếp đau thương, trâu chó, thối tha như vậy... cay cú làm gì!"

Không. Thật tình tôi không cay cú, nhưng tôi nghĩ một cách chua chát là đối với những con người như thế, khuyên bỏ thuốc phiện, chửi bới khinh bỉ họ và vạch hết những tệ đoan của thuốc phiện ra, liệu họ có nghe thấy hay không, mà nghe thấy, liệu họ có bỏ được hay không?

Có một nhà văn yêu đời thường viết đi viết lại một đầu đề là "ngọn bút có sức mạnh hơn cả mấy sư đoàn, đuổi được cả hàng vạn quân xâm lăng đi cướp nước". Hay quá, sướng quá, nhưng tôi không bao giờ tin hết. Nói phét, nghe không vô. Vì thế, lúc nào tôi cũng tin tưởng mãnh liệt là bao nhiêu lời khuyến cáo về thuốc phiện, bao nhiêu "thành văn chiến dịch" chống ghiền hút, chống á phiện đều phiếm cả. Chính vì thế, suốt trong một tuần sống với Liên Hường, tôi không có một lúc nào khuyên nàng cai thuốc mà cũng không một lúc nào tôi tả lại cho nàng - dù là một cách xa xôi - những bạn ghiền đã chết.

Phải rồi, mỗi ngày ở xã hội ta, biết bao nhiêu người chết. Chết như rạ... chết uất ức, chết ghê tởm, chết đau đớn, chết thảm thương còn gấp ngàn vạn lần chết vì ghiền hút nữa, mà xã hội đất nước vẫn tươi đẹp như thường, có làm sao đâu, việc gì phải bận tâm vô ích?!!

Trong suốt một tuần chung sống với Liên Hường, tôi cũng chỉ toàn nghĩ đến những kỷ niệm tươi đẹp, những điều tươi đẹp, vì có nhà bác học bảo rằng cứ nghĩ mãi, cứ tin mãi đời tươi đẹp thì đời sẽ tươi đẹp thật.

Tôi trình bày ý kiến đó với Liên Hường. Nàng kéo một điếu "nạm thầu" rất giòn, chiêu một ngụm nước nóng, hít một hơi thuốc lá thơm thực dài và không nói. Ý hẳn nàng không tán thành ý kiến của tôi. Nhưng tôi thì nhứt định cứ tin như thế - vì không tin như thế thì tôi còn biết bám vào cái gì để tìm một nghĩa sống cho cuộc đời?

Phải rồi... đời tươi đẹp lắm và biết đâu chẳng có một cao trào nổi dậy đưa lên những lớp người hiên ngang làm lại cuộc đời này cho tươi đẹp hơn nữa, hơn nhiều nữa.

Cao trào ấy cố nhiên sẽ mạnh hơn cây viết cùn của anh và tôi, thực tiễn hơn lời nói suông, khoác lác. Lúc ấy ta sẽ thấy TRI và HÀNH, chớ không chỉ biết nói cho sướng miệng và tất cả những cái gì gọi là xấu xa bỉ ổi sẽ bị sóng nước cuốn đi như thời gian cuốn dĩ vãng, cuốn những kỷ niệm buồn rầu cũng như tươi tốt...

Lúc đó, mùa Xuân sẽ trở về, bướm lại bay, chim lại hót... Từ rừng về tỉnh sẽ tưng bừng đua sống yên vui, mạnh khỏe và cao đẹp.

Tháng Bảy nhuần năm Mậu Thân

Vũ Bằng
(Nguồn FB Lê Minh Thuận)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Bảy 20231:33 CH(Xem: 1262)
Mẹ tôi sinh ra tôi năm trước, năm sau lại sinh em bé.
18 Tháng Bảy 20237:08 CH(Xem: 1382)
Mấy tháng sau cùng của năm học, sáng nào chở con tới trường tôi cũng nhìn thấy một bé gái đứng chờ xe ở ngã tư đường Washington và Oregon,
07 Tháng Bảy 20235:53 CH(Xem: 1720)
Pha không có nhu cầu đặc biệt nào với tiền, anh chỉ đơn giản làm những việc mà ai cũng phải làm khi trưởng thành là kiếm tiền.
05 Tháng Bảy 20234:50 CH(Xem: 1880)
Giỗ cô tôi vào khoảng tháng sáu âm lịch. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết trong cái tháng âm ấy, vào gần những ngày tang tóc ấy, bà tôi như một người khác, lờ đờ, uất ức, lẫn lộn...
30 Tháng Sáu 20235:43 CH(Xem: 2133)
Cao nhớ quang cảnh bên ngoài cửa sổ chuyến tàu xuyên Việt ba mươi sáu năm trước đưa anh đến Sài Gòn.
23 Tháng Sáu 20231:08 CH(Xem: 1259)
Thư từ làm cái gì, chữ nghĩa cũng sẽ chỉ là điều vô ích, một khi người ta không còn muốn đọc nhau nữa.
21 Tháng Sáu 20233:26 CH(Xem: 1937)
Đêm dịu êm, nghe được cả tiếng chồi non động cựa sau vòm lá. Tiếng đàn ông cụ réo rắt vút lên Tôi đã gặp một chiều trên bến nước, ông lái đò ngồi đợi khách sang sông…
13 Tháng Sáu 20239:59 SA(Xem: 1826)
Tôi nhìn cái lọ Pénicilline trong veo một hồi lâu rồi bỏ vô giỏ xách.
08 Tháng Sáu 20233:35 CH(Xem: 2135)
So với bốn người – Paul, John, George và Ringo – thì Kiệt giống George nhất vì khuôn mặt xương xương.
02 Tháng Sáu 20235:10 CH(Xem: 1609)
Cơn mưa qua đi, trăng lại lọt sáng qua từng kẽ lá, Khải khe khẽ mở cửa, trở về căn gác trọ.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17048)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9174)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8345)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19182)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7900)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11065)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19257)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31959)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,