SONG THAO - Cà Cuống

18 Tháng Mười 20208:06 SA(Xem: 5221)
SONG THAO - Cà Cuống

 

Tôi phải cám ơn ông bạn đã chuyển cho tôi bài viết về cà cuống của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung. Vừa đọc được hai chữ “cà cuống” là đầu óc tôi cuống cả lên. Cả một thời nhỏ dại ùn ùn trở về. Nhưng đọc bài “Cà Cuống” của Vũ Thị Tuyết Nhung trước đã. “Tôi còn nhớ, mẹ tôi thuở sinh thời, cứ vào cữ tháng Bảy mùa thu trở ra đến tháng Mười chớm đông, lúc Người đi chợ Hàng Bè, thi thoảng lại được mấy bà hàng tôm hàng cá quen gọi vào, thầm thì giúi riêng cho mấy con cà cuống mà các bà thường chỉ để dành cho khách ruột sành ăn”. Tác giả Vũ Tuyết Nhung còn nhớ “mùa” cà cuống, tôi thì chịu. Ngày nhỏ ý niệm thời gian chưa vướng vào đầu óc, tôi chỉ nhớ bất chợt vào những buổi tối liên tiếp, cà cuống bay bổ vào những ngọn đèn đường là lúc chúng tôi chạy đuổi theo bắt cà cuống. Cà cuống là con gián cồ, lớn gấp nhiều lần. Vậy mà gián thì chúng tôi sợ mà cà cuống thì chúng tôi…thương, thi nhau chạy theo chộp bằng tay không. Chộp xong, kiếm mấy cành cây khô, nổi lửa, nướng ăn ngay tại chỗ, thơm cách chi!

Cà cuống nướng là thứ ăn lấy được của bọn trẻ chúng tôi. Người lớn ăn khác, trân trọng hơn nhiều. Họ phân biệt cà cuống đực và cà cuống cái. Chuyện tưởng chỉ có chính con cà cuống mới quan tâm đến, nhưng đực cái cũng là thứ mà các người lớn săm soi đầu tiên khi nắm được chú cà cuống. Bởi vì cà cuống đực mới có bọng nước thơm, thứ quý giá nhất của cà cuống. Mỗi con đực có hai bọng, nhỏ bằng đầu tăm, chứa thứ nước thơm tho. Với cà cuống đực thì thứ nước có mùi thơm này là để dụ con cái. Với con người thì thứ nước thơm này để khoái khẩu. Bởi vì món chi có tí tinh chất này cũng biến thành món ngon được. Từ chén nước mắm chấm rau muống luộc dân dã cho tới những món cao cấp hơn như bún thang, bánh cuốn, chả cá. Người Tràng An chỉ lấy đầu chiếc tăm, chấm vào chiếc lọ nhỏ chứa tinh chất cà cuống một hai chấm là món ăn dậy mùi, thơm ngát. Mỗi người Hà Nội đều có những kỷ niệm với cà cuống. Với tôi là chén bún thang ngày tết. Lòng phơi phới trước giờ khắc tinh khôi của ngày đầu năm, gắp miếng bún thang nhè nhẹ hương cà cuống, thấy tất cả cái tết trong người. Với tác giả Vũ Tuyết Nhung là một thứ cũng rất tết: bánh chưng. Bao năm nay, từ ngày đi lấy chồng, tôi đã nhiều lần đặt bánh chưng ở các cửa hàng nổi tiếng trong thành phố, hay là tự gói lấy bằng các thứ gạo đỗ, thịt thà thơm ngon nhất, mà sao ăn cứ không được như hương vị bánh chưng mẹ gói lúc sinh thời. Thì ra, ngày xưa, mẹ tôi khi ướp nhân bánh trước khi gói, bao giờ cũng nhớ rảy vào một chút tinh dầu cà cuống mà bà để trong một chiếc lọ bé xíu, gọi là lọ penexilin nút cao su, quấn mấy lần nilon như một thứ đồ gia bảo, cất trong ngăn trên của chiếc tủ chùa ở gác hai. Nếu không cho vào nhân bánh, thì khi xóc gạo gói bánh, bà cho nhàn nhạt muối đi một chút. Đến lúc bóc bánh ăn, mới chấm thêm chút nước mắm cà cuống, thì cũng hợp giọng khôn tả”.

Nói tới món ngon Hà Nội, người ta không thể không vời tới những Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài. Trong “Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường”, Thạch Lam nói tới cà cuống trong một món ăn thông thường là phở mà chúng ta tưởng cà cuống chẳng có vai trò chi. “Trong nhà thương vốn có một bà bán các thứ quà bánh ở một gian hàng dựng dưới bóng cây. Cái quyền bán hàng đó là cái quyền riêng của nhà bà, có từ khi nhà thương mới lập. Bà là người ngoan đạo nên tuy ở địa vị đặc biệt đó bà cũng không bắt bí mọi người và ăn lãi quá đáng. Thức gì bán cũng ngon lành, giá cả phải chăng. Nhưng gánh phở của bà thì tuyệt: bát phở đầy đặn và tươm tất, do hai con gái bà làm, trông thực muốn ăn. Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”.

Thứ “thoảng nhẹ như một nghi ngờ” này, Tô Hoài miêu tả trong “Chuyện Cũ Hà Nội” với một món ăn khác: “Từng lá bánh được bóc ra, trắng tinh, xếp lên đĩa. Đĩa giò lụa cả khoanh đã cắt khía ra từng miếng. Nước mắm Nam Ô được thửa đã rót ra cái bát nhỏ của nhà hàng. Mùi nước mắm phảng phất thơm ngát cà cuống”. Cũng món bánh cuốn chấm nước mắm cà cuống này, trong cuốn “Món Ngon Hà Nội”, Vũ Bằng da diết:“Để làm nổi hẳn vị của nước chấm lên, người hàng bánh cuốn thường gia thêm vào chai nước chấm một hai con cà cuống băm nhỏ, nó đem đến cho ta một cái thú đậm đà hơn là cái thú cà cuống nước bán từng ve nhỏ ở các hiệu bán đồ nấu phố Hàng Đường hay một chút mắm tôm cà cuống đệm vào làm tăng vị của bún thang lên đến cái mức ăn ngon gần như không thể nào chịu được”.

Thứ mà nhà văn Vũ Bằng gọi là “cà cuống nước bán từng ve nhỏ” mà ông chê ỏng chê eo không biết có phải là các lọ cà cuống chế bằng hóa chất không? Tôi không nghĩ vậy tuy từ thập niên 50 của thế kỷ trước, người ta đã phân chất tinh dầu cà cuống. Đó là một hợp chất gồm nhiều chất dễ bay hơi. Mãi tới gần đây, nhờ tiến bộ của ngành sắc ký khí (gas chromatography) người ta mới xác định rõ hơn thành phần của tinh dầu cà cuống. Trong một nghiên cứu, Đại học Suranaree bên Thái Lan đã nhận diện được 22 chất tạo hương ở cà cuống đông lạnh, và 27 chất ở cà cuống luộc. Thành phần chính là hai chất: hexenol acetatehexenyl butyrate. Tất cả các hợp chất này cấu thành mùi hương đặc trưng của cà cuống. Từ những kết quả phân tích này, người ta dùng kỹ thuật phối hương để chế ra tinh dầu cà cuống nhân tạo.

Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi biết tới thứ cà cuống nhân tạo này khi đang tu nghiệp ở Manila. Một anh bạn sinh viên Việt Nam ở Phi, dân Bắc kỳ di cư, đã bất ngờ kiếm được một chai tinh chất cà cuống do Thái Lan sản xuất tại một cửa hàng trên phố Tàu Manila. Cuối tuần, khi tới nhà một Việt kiều tại Phi chúng tôi làm món bánh cuốn Thanh Trì. Trịnh trọng mở nút chiếc chai nhỏ xíu, mùi cà cuống xông lên làm nức chí mọi người. Nhưng, như gió thoảng mưa sa, chỉ trong chớp mắt, mùi hương bay đi mất. Của giả chẳng thể so sánh được với của thật. Khi qua định cư tại Montreal, ăn bánh cuốn, tiệm cũng hỏi khách, nếu khách thích có mùi cà cuống thì chi thêm ít tiền để có được vài giọt chất cà cuống…giả mạo. Gọi là…để tưởng nhớ mùi hương. Chưa kịp nhớ, hương đã cao bay xa chạy!

Cà cuống làm bằng hóa chất như vậy là hàng nhái. Chẳng ai chuộng. Tinh dầu cà cuống chính tông chỉ có con cà cuống được đóng vai trò nhà sản xuất, một loại nhà sản xuất bủn xỉn. Mỗi con cà cuống chỉ cho được 0,02 mililitre tinh dầu. Tính ra muốn có 20 mililitre tinh dầu phải cần tới một ngàn chú cà cuống đực. Tinh dầu này ở dạng lỏng, nhẹ hơn nước nên dễ bị bay hơi kiến cho việc bảo quản khá khó khăn. Tôi nhớ ngày đó ông bà tôi thường đựng tinh dầu này trong những chai  dùng để đựng thuốc chích penicillin có nắp đậy bằng cao su. Sau khi đã dùng hết thuốc, lấy chai không, rửa sạch để đựng tinh dầu cà cuống. Muốn chắc ăn hơn, lấy giấy ni lông bao thêm nhiều lớp bên ngoài nắp, cất vào tủ chè có khóa. Tết nhất hoặc giỗ chạp mới đem ra dùng.

Bắt được cà cuống, đè ra lấy tinh dầu cũng phải có nghề. Đây là công việc đòi hỏi khéo tay, tỉ mỉ, nhẩn nha. Nếu nóng vội bọng tinh dầu có thể bể, uổng một đời cà cuống! Đầu tiên, người ta bẻ gập đầu cà cuống xuống tận ngực, hai bọng dầu sẽ lòi lên trên sóng lưng. Bọng dầu này, gọi là “chỉ dầu”, dài khoảng từ 2 tới 3 milimetre, trông giống như sợi bún tàu. Lấy một cây tăm tre nhọn, khẽ khều bọng dầu lên, bỏ vào chai. Cần phải tách dầu ra khỏi bọng, nếu không tinh dầu sẽ có mùi hôi.

Dân ta biết tới hương vị cà cuống từ rất lâu, khoảng 2.200 năm trước, từ thời Triệu Đà lận. Con cà cuống dĩ nhiên không biết tự đặt tên. Tên của muôn loài do con người đặt. Nhưng tại sao lại là cà cuống? Nhà văn Vũ Bằng, trong cuốn “Thương Nhớ Mười Hai”, đã cà kê dê ngỗng như thế này: Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống. Thấy thơm một cách lạ kì, ông ta bèn gửi dâng vua Hán một mớ và gọi nó là “quế đồ”, nghĩa là con sâu của cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ trong đám có một ông lắm chuyện tâu rằng: “Đó không phải là con sâu sống ở trong cây quế mà chỉ là một con sâu sống ở dưới nước “thuỷ đồ”. Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã”, nghĩa: đó là lời nói láo của Đà. Từ đó, cà cuống thành ra đà cuống. Nó còn một tên nữa là “long sắt”, nghĩa là con rận rồng. Con rận rồng! Nghe tên có quý không? Ta có tám món ăn quý nhất gọi là bát trân : nem công là một, chả phượng là hai, da tây ngu là ba, bàn tay gấu là bốn, gân nai là năm, môi đười ươi là sáu, thịt chân voi là bảy, yến sào là tám. Con rận rồng không phải là một thứ trân, mà chỉ nên coi là gia vị, nhưng nghe tên thì quý có phần hơn cả bát trân là khác”. Cà cuống hay rận rồng không nằm trong bát trân nhưng chen chân được với ngà ngọc. Trong các món đồ Triệu Đà triều cống vua Hán ngày đó, người ta ghi nhận được các món sau: một đôi ngọc bích trắng, một ngàn bộ lông chim trả, 10 sừng tê, 500 vỏ ốc màu tía, 40 đôi chim trả sống, 2 đôi chim công và một giỏ cà cuống. Như vậy, nằm kề bên cạnh các thứ chi bảo, cà cuống cũng thuộc loại oai lắm rồi!

Thứ oai phong như vậy hình như trời chỉ cho miền Bắc nước ta? Không hẳn vậy, miền Nam cũng cà cuống như ai nhưng người ta không biết dùng. Tác giả Tuyết Nhi, một người mà tôi chắc là sinh trưởng trong Nam, đã viết: Nhiều năm trước, cứ vào mùa nước nổi là tôi lại theo cha giăng lưới, dở dớn, kéo chài… Tôm cá miền Tây thì nhiều vô số kể còn cà cuống thì thỉnh thoảng cũng thấy vài con. Tuy vậy, ở xóm lưới quê tôi dường như không ai biết con cà cuống có thể ăn được cả. Như bây giờ, khi hỏi cha tôi con cà cuống ăn được không, ông kinh ngạc bảo: “Trời, con đó mà ăn uống gì! Nhìn thấy ghê!”. Vậy đấy, có những thứ đặc sản mà đôi khi mình không biết, lại bỏ qua”. Một tác giả khác kể lại chuyện bắt cà cuống ở Cần Thơ: “Hằng năm, cứ vào mùa mưa là cà cuống xuất hiện. Chúng rất thích ánh đèn, mỗi khi màn đêm buông xuống, nơi nào có ánh đèn sáng chúng thường bay ra. Biết được những đặc điểm nêu trên, chúng tôi thường tụ tập dưới những cột đèn đường sau những cơn mưa để bắt cà cuống. Lúc bấy giờ, công trình làm Bến Xe Mới ở Cần Thơ quê tôi, đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động. Đây là điểm tập kết của chúng tôi hằng đêm để rượt bắt cà cuống. Mỗi đêm, nếu may mắn chúng tôi bắt được vài trăm con cà cuống rất dễ dàng”.

Chuyện khá lạ lùng. Dân Cần Thơ cũng đuổi bắt cà cuống dưới ánh đèn đường y chang như chúng tôi ở Hà Nội. Ngạc nhiên hơn nữa khi tác giả Vũ Thế Thành kể chuyện bắt cà cuống ngay tại Tân Định, Sài Gòn. “Hồi nhỏ tôi vẫn theo lũ bạn đi bắt cà cuống ở những cột đèn đường, đem bán cho mấy người ve chai. Cà cuống rẻ rề, cả chừng hai chục con mới được 5 cắc. Họ thu gom cà cuống, bỏ trong thùng sắt tây, sau này tôi mới biết, họ đem bán cho một tiệm thuốc tây ở đường Hai Bà Trưng, Tân Định, trích lấy tinh dầu. Chỉ con đực mới có tinh dầu. Hồi bắt cà cuống, tôi đâu có biết đực cái thế nào, hễ thấy cà cuống là chộp. Vậy mà đực cái gì họ cũng mua. Con đực được khều lấy tinh dầu. Rồi sau đó, đực hay cái gì cũng lên… chảo chiên hết”.

Chuyện cà cuống bay la đà dưới ánh đèn đường đã đi vào cổ tích. Chúng tuyệt giống nơi phố thị. Nhưng ngày nay cà cuống lại nở rộ ở miền Nam do có cả một kỹ nghệ nuôi cà cuống. Nghe nói có rất nhiều trang trại nhưng có lẽ trang trại nuôi cà cuống của anh Lê Thanh Tùng ở ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thành lập từ năm 2007, là quy mô nhất. Đất Củ Chi bên cạnh nhà anh Tùng là vùng đất rộng mênh mông bị bỏ hoang từ lâu, cỏ cao lút đầu người. Đó là nơi anh Tùng hội ngộ với cà cuống. Vì là đất hoang nên môi trường không bị ô nhiễm, các loài côn trùng mặc sức sinh sôi nảy nở, trong đó có cà cuống. Anh Tùng là người mê nuôi các loại côn trùng. Anh khởi đầu bằng cách nuôi dế. Gia đình anh sống nhờ trại nuôi dế này cả chục năm trước khi anh nghe nói tới cà cuống. Anh cũng chỉ nghe sơ sơ biết cà cuống là đặc sản hiếm hoi trên Sài Gòn nên tìm đọc sách vở nói về thứ côn trùng lạ lẫm này. Anh biết được là cà cuống thường sống trong hồ, ao, đầm lầy, ruộng lúa, ban ngày ở dưới nước, ban đêm bay lên. Thức ăn của chúng là tôm tép, nòng nọc và cả cá lẫn ếch nhái. Sau bốn tháng lặn lội vừa bắt côn trùng, vừa có ý tìm kiếm cà cuống, anh bắt được đúng năm con. Anh khởi nghiệp nuôi cà cuống từ năm…tù nhân này. Anh nuôi chúng trong hồ xây, thả dày đặc lục bình. Anh chia sẻ: “Khi càng hiểu nhiều về nó, tôi càng mê. Xem trên sách báo, nhiều nhà khoa học cho rằng việc nuôi cà cuống là điều không thể càng làm tôi thêm quyết tâm. Mày mò nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thiết kế những ao hồ có đặc điểm giống hệt môi trường thiên nhiên. Từ năm con cà cuống đầu tiên, tôi thả trong hồ, bỏ cá con vào làm thức ăn cho chúng. Chỉ vài tuần, chúng đẻ trứng và nở ra đến vài trăm con”. Ngày nay, trang trại của anh lúc nào cũng có khoảng năm ngàn cà cuống. Anh làm đông lạnh và bán cho khách thu bạc triệu mỗi ngày. Nhưng anh Tùng là một nông dân có tâm. Anh không giữ độc quyền. Những nông dân nào muốn theo nghề, anh sẵn sàng nhượng con giống, chỉ cách nuôi và mua lại thành phẩm. Theo anh, có như thế mới phát triển được một ngành nuôi mới.

Chắc chúng ta đều biết câu thành ngữ: cà cuống chết đến đít vẫn còn cay. Ngoài nghĩa đen khen ngợi tinh dầu cà cuống, câu này còn có nghĩa bóng, ám chỉ những người ngoan cố, bảo thủ, cố chấp, cay cú trước sự thất bại hoặc cái sai trái rành rành của mình. Tôi vốn có lòng thương cà cuống, ít nhất chúng là một phần tuổi thơ của tôi, nên rất bất mãn với cổ nhân. Cà cuống đâu có cay như ớt, như gừng để gừng càng già càng cay. Tinh dầu cà cuống thơm tới mê đắm. Vậy có nên chăng sửa lại câu thành ngữ trên: cà cuống chết đến đít vẫn còn… thơm!

 

 

                                                                                                              10/2020

                                                                                         Website: www.songthao.com

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cà cuống chiên giòn ở chợ đêm Thái Lan.

 

 

 

Nước mắm cà cuống.

 

 

Cà cuống được nuôi trong trang trại của anh Lê Thanh Tùng

 

 

 

Trứng cà cuống trong bồn nuôi.

Anh Tùng cho hay, bắt cà Ảnh: Anh Lê Thanh Tùng.

Anh L6 Thanh Tùng

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Mười Hai 20235:08 CH(Xem: 522)
Tôi đi đâu xa, mỗi lần trở về Hưng Mỹ không theo đường đò dọc, mà theo đường bộ,
25 Tháng Mười Hai 20232:21 CH(Xem: 779)
Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về nơi dòng sông miên man chảy.
20 Tháng Mười Hai 20239:28 SA(Xem: 626)
Ở nhà quê không thứ gì có thể so sánh được với chữ. Tiền bạc, của cải, ruộng cả ao liền...
15 Tháng Mười Hai 20234:38 CH(Xem: 835)
Răng khểnh là chiếc răng thừa hay răng duyên,
07 Tháng Mười Hai 202310:08 SA(Xem: 774)
Ngày thứ bảy ấy, mẹ tôi đưa tôi ra xe hỏa để trở về Ngoạn Mục. Mặc dầu có lời khuyên bảo của bác sĩ chuyên môn, tôi biết tôi đã vĩnh viễn đi vào cuộc đời mới, đời của kẻ mù lòa.
05 Tháng Mười Hai 20233:20 CH(Xem: 652)
Thế là hết thật. Chị nhủ thầm một lần nữa, thờ ơ ngắm cái đốm lửa lẻ loi sắp lụi tàn...
28 Tháng Mười Một 20235:09 CH(Xem: 805)
Anh chỉ có mỗi một quả mìn. Anh không thể đánh hụt.
28 Tháng Mười Một 20233:00 CH(Xem: 1004)
Gia Định, trường Lê. Đó là ngôi trường tôi đã học năm cuối cùng của bậc trung học niên khóa 1971-1972.
21 Tháng Mười Một 20234:51 CH(Xem: 840)
Rồi một hôm tôi gặp nàng. Nàng trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang, nói năng dịu dàng.
14 Tháng Mười Một 20238:45 SA(Xem: 1329)
Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17070)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19001)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9184)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22480)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14021)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19190)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7905)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21740)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19799)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18061)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24515)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,