TRẦN THU MIÊN - Người Khách Đến Ăn Cơm Chiều

26 Tháng Hai 20214:33 CH(Xem: 4498)
TRẦN THU MIÊN - Người Khách Đến Ăn Cơm Chiều

 

     Sắp đến giờ thư viện đóng cửa, Đạo đi loanh quanh trong quầy trao đổi sách, rồi tự nhiên cảm thấy tiếc vì đã không nhận lời đến Quán Đại Học-The University’s Bar với Christina uống bia và nghe nhạc đêm nay. Christina là cô sinh viên da trắng làm việc ở thư viện đại học với chàng. Nàng không phải là bạn gái kiểu người tình, nhưng là người bạn rất tử tế dễ thương. Thỉnh thoảng nàng vẫn rủ chàng đến quán bia Đại Học nghe nhạc vào những đêm cuối tuần. Lý do chàng từ chối buổi hẹn vì gần cuối tháng nên cần dành dụm để trang trải tiền nhà tiền ăn.

     Tối thứ Sáu nào cũng vậy, dù thư viện rất vắng sinh viên, Đạo vẫn phải làm việc đến giờ đóng cửa. Trách nhiệm sau cùng của chàng là đọc lời thông báo thư viện sẽ đóng cửa trong vòng 10 phút qua hệ thống truyền thanh của thư viện.  Hình như giọng đọc Anh Văn ngọng nghịu ồ ồ của chàng dễ gây chú ý nên bà giám đốc đã giao chàng trách nhiệm đọc thông báo này mỗi tối.  Đọc xong thông báo, chàng thu xếp sách vở của mình cho vào túi đeo rồi đứng chờ nhân viên an ninh đại học đến kiểm tra xem còn sinh viên nào ngủ quên trước khi khoá cửa.

     Từ thư viện về chung cư, đi nhanh cũng mất mười lăm phút.  Không có hứng khởi để về phòng trọ ngay nên chàng đi rất thong thả qua những giảng đường nằm im lìm quạnh quẽ.  Đêm đầu tháng Mười trăng sắp tròn, trời quang đãng mây nên khắp khuôn viên Đại Học và đường về nhà trăng bàng bạc mang mang chút thơ mộng huyền bí gì đó mà Đạo không diễn tả hay cắt nghĩa được.  Khi chàng về đến chung cư, đêm đã khuya, có lẽ cũng gần mười hai giờ. 

     Vừa mở cửa phòng bước vào, chàng khựng lại nhìn Bằng, Hùng và Quân đang bàn cãi sôi nổi bên cạnh những vỏ lon bia Coors ngổn ngang trên nền nhà. Mặt ba thằng bạn chung phòng đỏ lên vì men bia và đứa nào cũng lộ vẻ hân hoan thích chí ra mặt. Đạo chưa kịp khóa cửa, Quân đã hắng giọng lên tiếng.

     “Chiều mai nhà mình có khách!” Nó nói tiếp với vẻ trịch thượng, “Mỗi đứa đóng hai chục để mua thức ăn cho ngày mai đấy.” 

     “OK.” Đạo trả lời không đắn đo.

     Thật ra 20 đô là số tiền lớn đối với sinh viên làm việc lĩnh lương trợ cấp của chính phủ qua chương trình vừa làm vừa học (Work Study).  Tính ra 20 đô bằng một phần 3 tiền lương Đạo làm việc ở thư viện mỗi tuần. Dù túng thiếu, nhưng chàng không bao giờ từ chối hay thắc mắc về những đề nghị có liên quan đến sinh hoạt chung trong nhà này. Bốn đứa không quen biết nhau trước khi được Chị Thuỳ-Anh, nhân viên của văn phòng sinh viên vụ, giới thiệu và giúp thuê nhà ở chung, nhưng đã sống với nhau rất hài hoà. Hình như vì chia chung hoàn cảnh tha hương nên  tình thân nẩy nở dễ dàng dù mỗi đứa có dĩ vãng và tính nết khác nhau.

     Quân, Hùng và Bằng là dân Sài Gòn và theo học ngành Điện toán.  Quân sang Hoa Kỳ du học từ năm 1973, còn Hùng, Bằng và Đạo là sinh viên tỵ nạn bảy lăm. Đạo quê quán Nha Trang, học ở Đà Lạt và chưa vào Sài Gòn bao giờ nên không chia chung kỷ niệm như ba đứa kia.  Ba thằng bạn gốc Sài Gòn hay thường ngồi bàn về tương lai huy hoàng của mình. Quân sẽ ra trường trước và tin rằng với số điểm hơn ba chấm thế nào cũng được nhiều hãng lớn “mời” đi làm. Hùng mong được về Nam California làm việc vì gia đình ở Pomona. Bằng ao ước có việc làm với hãng Boeing vì gia đình ở Portland Oregon. Nói chung, ba đứa bạn chung phòng của Đạo vẫn nghĩ mình là những cái rốn vĩ đại của vũ trụ. Quân hay nói đùa rằng Đạo học báo chí thế nào cũng tìm được việc bỏ báo mỗi sáng, hay đứng bán báo đầu đường. Chúng nó hãnh diện là dân Sài Gòn và coi thường gốc dân đánh cá như Đạo. Quân, Bằng và Hùng cao ráo, bảnh trai, biết ăn diện, chải chuốt và khiêu vũ sành sạo. Chúng hay biểu diễn Tango hay Cha-cha-cha ở những dạ vũ sinh viên liên trường.  Ngược lại, Đạo để tóc dài, không chải chuốt, mặc quần áo mua ở những chợ bán đồ cho người nghèo như Goodwill Store hay Salvation Army Thrift Store. Dưới mắt ba thằng bạn chung phòng, Đạo không phải là đối thủ trên nhiều phương diện, kể cả học hành và tán gái. Dù lè phè bên ngoài, nhưng Đạo rất tự tin và tính tình cởi mở nên không dễ bị mất lòng vì thái độ coi thường hay những lời chọc ghẹo của các bạn. Tuy coi thường Đạo về chuyện tán gái hay nhảy đầm, chúng nó vẫn phải nhờ Đạo làm đại diện cho cả bọn khi có dịp họp mặt với sinh viên Việt Nam ở những trường đại học khác. Đạo biết vài ngón đàn, lại ăn nói xuôi chảy, văn vẻ nên được chúng nhờ làm đại diện trong những buổi sinh hoạt văn nghệ sinh viên.

     Ngồi trên thảm nền nhà, cầm lon bia lạnh trong tay, Đạo chăm chú nghe ba thằng bạn say sưa hoạch định chương trình cho bữa cơm chiều mai. Sau khi nghe loáng thoáng một lúc, chàng hiểu ra rằng các bạn mình đã được chị Thuỳ-Anh báo tin có em sinh viên Việt Nam mới lên đại học, tên Duyên-Hiền, gốc Huế, và đang ở nội trú. Ba thằng đã biết tin này cả tuần rồi nhưng giữ kín. Chúng mời vợ chồng chị Thuỳ-Anh đến dùng cơm chiều thứ Bảy, ngày mai,  và đã năn nỉ chị rủ được Duyên-Hiền đến nhà, nhưng không hỏi ý kiến của Đạo.

     “Tao nghĩ mình làm chả giò, nấu nồi cháo gà và làm món gỏi gà trộn bắp cải là sang rồi.” Quân phất tay lên, nói với giọng điệu rất đàn anh.

     “Mời em ăn mấy món soàng thế làm sao gây được cảm tình?” Bằng cau trán lại giải thích và tỏ vẻ không tán thành ý kiến của Quân.

   “Theo tao, mình mời em bíp-tếch, uống rượu chát, dễ làm, đỡ tốn giờ, lại vừa dễ ăn, mà còn sang như Tây.” Hùng góp ý. Và nó vẫn tự hào sành ăn cơm Tây vì bố mẹ là dân học Sorbonne.

   “Cho em ăn steak cũng được, nhưng tụi mày định bắt em cầm miếng Steak lên cắn từng miếng rồi uống rượu bằng ly cà phê mẻ vành à?” Đạo vừa nói vừa cười rồi ngửa cổ uống cạn lon bia đang cầm trên tay.

     “Dễ thôi, sáng mai đi chợ mua đĩa, ly uống rượu, và muỗng nĩa. Nếu thiếu tiền thì mỗi đứa đóng thêm sau.” Quân tỏ vẻ khó chịu về câu nói như chế diễu của Đạo, nhưng đã có ngay giải quyết trong đầu.

   “Tao nghĩ nấu món Việt Nam ăn đã miệng hơn.” Bằng vẫn không bằng lòng với đề nghị của Hùng.

   “Thằng Hùng nói đúng, mình cần nhiều giờ sửa soạn nhà cho sạch. Nấu mấy món Việt vừa tốn giờ vừa làm cả nhà nặng mùi thức ăn.” Quân giải thích và thuyết phục được cả bọn chấp nhận đề nghị của Hùng.

    Coi như việc chọn món ăn đãi khách đã ổn. Quân tình nguyện đi mua thịt ở chợ Green Valley nơi có sạp bán thịt tươi nổi tiếng trong thành phố. Bằng sẽ lo mua đĩa, muỗng nĩa, ly và rượu vang đỏ, rau salad, và bánh tráng miệng. Hùng có trách nhiệm trang trí nhà cửa và làm bíp-tếch. Còn Đạo được giao cho việc hút bụi, lau chùi bếp và phòng vệ sinh. Trong nhà này Đạo ít khi gây gỗ với các bạn về việc phân chia công tác. Nó chả bao giờ để ý hay đặt vấn đề về những chuyện như chung tiền đi chợ, tổ chức nhậu, hay đi chơi xa.

   Đạo coi việc đón Duyên-Hiền về ăn cơm tối mai không quan trọng như các bạn nghĩ. Nó đứng dậy đi ngủ sớm. Quân, Hùng và Bằng vẫn ngồi bàn thêm về chương trình bữa cơm chiều mai. Nhưng việc ai sẽ được đưa em về trở thành việc nan giải hơn tiệc đãi khách.

   “Thằng Đạo ngày mai phải cạo râu và ăn mặc cho lịch sự nhá.” Bằng đứng trước phòng ngủ nói lớn, rồi nó quay nhìn Quân và Hùng chờ phản ứng của Đạo.

   “Ông đếch cạo râu, nhưng sẽ cạo lông nách và mặc quần xà lỏn được không?” Đạo nằm trên giường cười hô hố về câu khôi hài của mình.

   “Đừng có đùa. Tao bảo thật đấy.” Bằng nhấn mạnh.

   “Tao xin mày chiều bọn tao một lần. Em này thơm lắm. Không lấy cảm tình, em đi chơi với mấy thằng ngoại quốc thì phí đi.” Quân đứng dậy đến cửa phòng ngủ năn nỉ.

     “Tao thà nhìn em đi chơi với ngoại quốc còn hơn đi chơi với mấy đứa Việt Nam bần như bọn mày.” Đạo vẫn cười rồi nói thêm, “Tao sẽ mặc bộ quần áo mới mua ở Good Will. Đứa nào không thích, mai đi mua quần áo mới cho tao.”

     “Thôi ngủ đi, sáng mai đưa quần áo tao ủi cho.” Hùng nói với giọng nịnh đầm ra mặt.

  Đạo nằm đọc sách rồi ngủ lúc nào không hay. Ba thằng tiếp tục bàn thêm chi tiết cho chương trình ngày mai. Từ ngày ở chung, đây là lần đầu tiên bốn chàng sinh viên được dịp mời khách về phòng trọ dùng cơm.  Bữa ăn chiều mai trở thành bữa tiệc quan trọng nên trong lòng Bằng, Hùng và Quân đầy ngập nỗi nôn nao mong đợi.  Chưa đứa nào gặp Duyên-Hiền, nhưng dù chỉ được nghe chị Thuỳ-Anh diễn tả về em lúc tình cờ gặp chị ăn trưa ở trung tâm sinh viên tuần trước; cả ba đứa đã vẽ dung nhan nàng như tuyệt sắc giai nhân trong trí tưởng tượng của mình.

      “Mày có chắc là chị Thùy-Anh đã rủ được Duyên-Hiền và anh Tuấn, chồng chị, đến tối mai không?” Hùng nhìn Quân hỏi.

     “Anh Tuấn đi họp xa, chị Thuỳ-Anh sẽ đón Duyên-Hiền đến, nhưng chị không ở lại lâu được vì phải về nhà bố mẹ chị đêm thứ Bảy.”  Quân trả lời Hùng rồi quay sang nhìn Bằng hỏi, “Mày còn giữ điện thoại của Duyên-Hiền chị Thuỳ Anh cho không?”

      “Đương nhiên, Số điện thoại chị Thuỳ-Anh cho, tao đã ghi vào sổ vàng rồi.” Bằng trả lời với nụ cười thoả mãn.

     “Mày gọi em chưa?” Hùng hỏi.

     “Chưa, chị Thuỳ Anh nhắn để chị gọi trước.” Bằng giải thích.

     “Mình có nên gọi điện thoại cho em để hỏi chị Thuỳ Anh đã  mời chưa?” Quân hỏi.

     “Mày điên à? Làm vậy em có thể sợ không đến.” Bằng giải thích.

     “Đúng, cứ để chị Thuỳ-Anh đưa em đến.” Hùng tán thành ý kiến của Bằng.

     Ba chàng đều nghĩ về một việc nhưng không đứa nào có can đảm nói ra trước. Chúng nó đang nghĩ xem thằng nào may mắn được đưa em về sau bữa ăn tối. Cả ba đều nghĩ mình ngon lành nhất nhà. Quân cậy mình dân du học, nói Anh Văn thông thạo, lại học năm thứ ba thì đương nhiên có tư cách để đưa em về. Hùng lúc nào cũng nghĩ mình là con nhà trí thức, bố nó từng làm Viện Trưởng đại học bên Việt Nam, còn mẹ là giáo sư dương cầm nổi tiếng cả nước. Hùng luôn luôn tin mình là người lịch thiệp, phong độ, biết điều, và hào hoa hơn các bạn nên chắc chắn em phải chịu đèn. Nó nghĩ trong bụng Quân và Bằng không phải là đối thủ. Bằng cũng nắm chắc trong bụng là em sẽ thích nó vì kinh nghiệm từng trải và biết cách chiều phụ nữ. Nó vẫn khoe với cả bọn là khi còn trung học nó được một bà xồn xồn cùng xóm có chồng đi lính xa nhà dạy giỗ chỉ bảo nghệ thuật đối xử với đàn bà con gái. Kinh nghiệm của nó không thằng nào trong nhà qua mặt được. 

   Thằng Quân tỏ vẻ đăm chiêu, châm thêm điếu thuốc, đứng lên mở lon bia mới, ngửa cổ nốc một ngụm bia lạnh, rồi ngậm điếu thuốc trên môi, hít một hơi làm đầu điếu thuốc đỏ rực lên. Nó ngẩng cổ lên, thở những cụm khói trắng đục lên trần nhà.

   “Chị Thùy-Anh hứa sẽ đón Duyên-Hiền đến chiều mai, nhưng không đưa về được?” Quân làm ra vẻ đăm chiêu lo lắng.

   Nói thế nhưng trong bụng đã nghĩ là chỉ mình nó mới xứng đáng đưa em về vì có công xin chị Thùy-Anh rủ Duyên-Hiền đến. Nó cũng năn nỉ chị về sớm và để Duyên-Hiền ở lại về sau. Lúc đầu chị phản đối, nhưng Quân hứa là sẽ đối xử tử tế với Duyên-Hiền nên chị an tâm đồng ý.  Quân đã dự định nếu thuyết phục được Hùng và Bằng để nó đưa Duyên-Hiền về, nó sẽ nhân cơ hội rủ nàng đi ăn kem hay đi coi phim khuya. Hùng và Đạo không có xe.  Chiếc xe Ford cũ và méo mó của Bằng hay chết máy nên đi ban đêm không bảo đảm. Riêng chiếc Volkwagen con bọ hung của Quân là ngon lành nhất và lúc nào cũng sạch sẽ. Quân thấy mình có đủ lý do để đưa em về đêm mai. Hùng cũng muốn đưa Duyên-Hiền về nhưng ở thế kẹt vì không có xe. Dù nó biết ký túc xá Duyên-Hiền ở không xa, có thể đi bộ đến được, nhưng ban đêm mời em đi xe có vẻ dễ hơn mời em đi bộ. Bằng đã nghĩ ra kế độc, thằng Quân to con, to miệng lại háo thắng nhất bọn, nó sẽ ca tụng tửu lượng của Quân để Quân uống cho say rồi mượn xe đưa em về. Bằng không phát biểu ý kiến về việc ai sẽ đưa Duyên-Hiền về đêm mai vì rất tự tin vào kế hoạch của mình. Hùng nghĩ mục đích bữa cơm chiều mai là để tạo cơ hội tán tỉnh Duyên-Hiền. Đưa em về là cơ hội tốt nhất để làm quen, nhưng bị lép vế vì không có xe.

     “Tao nghĩ cả bọn mình cùng đưa Duyên-Hiền về.” Hùng đề nghị.

     “Không được. Xe tao đâu có ngồi được năm người.” Quân vội vàng phản đối.

     “Thằng Đạo chắc không đi với bọn mình! Vả lại nó đâu phải là người có ý rủ Duyên-Hiền về chơi.” Hùng lý luận.

    “Nhỡ nó đòi đi theo thì sao?” Bằng xen vào. 

    “Dễ thôi, chúng mình bảo là sau khi đưa Duyên-Hiền về sẽ vào Computer Lab chạy program đến khuya. Nó nên ở nhà cho tiện.” Quân nhanh nhẩu cho ý kiến và ba thằng tán thành ngay.

     “Mình phải đi ngủ, mai dậy sớm đi chợ và dọn nhà.” Quân nhìn đồng hồ rồi cả ba đứng lên nhanh nhẹn đi vào phòng ngủ.

     Sáng thứ Bảy này là buổi sáng khác thường vì thằng Quân bắt cả nhà dậy sớm. Sáu giờ sáng nó đã nói oang oang ngoài phòng khách, lại còn mở nhạc inh ỏi. Phòng bên cạnh bị làm phiền nên chủ nhà lấy gậy đập thình thình vào tường. Quân vẫn làm ngơ. “Ở trong chung cư này phải lỳ mặt.” Quân thường bảo thế. Vả lại chả có nhà nào mà không có lúc tiệc tùng ầm ỹ. Nên dù tức giận, chưa ai gọi cảnh sát bao giờ. Sau khi bắt mọi đứa thức dậy, Quân chia phận sự cho từng đứa rồi nhanh nhẩu làm nhiệm vụ của mình.

   Đạo ngồi uống cà phê. Châm thuốc lá rồi lấy cây guitar hát nghêu ngao. Trong nhà này mỗi mình nó có chút máu văn nghệ. Ba thằng kia chỉ thích ăn nhậu, làm dáng và nịnh gái. Sáng thứ Bảy hay Chủ Nhật nào cũng vậy, Đạo có thói quen ngồi uống cà phê, hút thuốc, và ôm đàn hát lan man. Thỉnh thoảng nó nổi hứng viết một ca khúc, dù nhạc lý chẳng biết bao nhiêu. Mấy bận văn nghệ sinh viên liên trường, Đạo đã mạnh dạn ôm đàn hát những ca khúc mình sáng tác, dù nghe rất dở. Thằng Bằng vẫn bảo giọng hát của Đạo ngang như cua, chua như dấm. Nhưng trong bụng nó vẫn thầm ước ao được tí máu văn nghệ và tài vặt như Đạo. Hùng lăng xăng xếp lại bàn ghế, và lau chùi kệ sách cho sạch bụi. Thấy Đạo tỉnh bơ ngồi hát, Hùng có vẻ khó chịu.

   “Đứng ngay dậy hút bụi rồi lo lau chùi nhà đi ông nội. Hát như vịt kêu làm nhức óc hàng xóm.” Hùng vừa cười vừa nói vì sợ làm mất lòng Đạo.

   “Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Tao làm mười phút là xong.” Đạo trả lời rồi châm thêm điếu thuốc.

   Hùng tiếp tục xếp đặt lại đồ đạc trong phòng khách và nhà bếp. Khi thấy Hùng gần nổi cáu vì thái độ dửng dưng của mình, Đạo vội vàng đứng dậy làm công tác đã được chia cho mình. 

   Sự bồn chồn nhốn nhang của ba thằng bạn gây cho Đạo thắc mắc trong lòng về người con gái sẽ đến ăn cơm chiều nay. Không hiểu nàng ra sao mà ba thằng trong nhà này háo hức quá đỗi. Chúng nó làm Đạo có cảm giác như là sắp có sự thay đổi lớn lao trong nhà. Chả hiểu nếu bố mẹ chúng đến thăm, chúng có lo lắng sửa soạn như vầy không. Nghĩ vớ vẩn trong đầu rồi nó cũng thấy vui lây. 

   Kể ra thì từ ngày về đại học này, Đạo chưa có dịp gặp các cô sinh viên Việt Nam. Mấy lần đi sinh hoạt sinh viên liên trường trong tiểu bang, Đạo cũng không có dịp làm quen cô nào, phần vì đông con trai, phần vì chương trình vội vã quá nên không quen ai được. Từ ngày về đây Đạo chỉ có dịp làm quen với mấy cô sinh viên Tàu, Thái Lan, hay Nhật Bản. Vừa hút bụi vừa tưởng tượng về những chuyện sắp xảy ra chiều nay, Đạo cũng thấy lòng mình tự nhiên háo hức mong được gặp Duyên-Hiền sớm.

   Khoảng bốn giờ chiều, bữa cơm coi như đã sẵn sàng. Cái bàn ăn cũ kỹ, tróc sơn, mốc thếch được phủ lên tấm khăn trắng toát mịn màng. Vài đóa hoa hồng đỏ thắm được cắm vào bình với những cành lá xanh và đặt giữa bàn, nổi bật trên nền khăn trắng. Những miếng bíp tếch đã được Hùng cẩn thận ướp tỏi, hành, và nước mắm để sẵn sàng trong tủ lạnh. Chỉ chờ trước khi khách đến mươi phút là đem ra lò than trong khu picnic của chung cư nướng. Những ly uống rượu pha lê Bằng mua sáng nay được xếp ngay ngắn trên bàn ăn làm thêm phần sang trọng. Thật ra thì phải công nhận Hùng khéo nấu ăn và trình bày. Những miếng bánh mì nướng vàng ngậy thơm mùi tỏi và bơ được Hùng xếp trong cái rổ mây lót giấy trắng làm người đói bụng nhìn thấy là muốn ăn liền. Đĩa salad với các loại rau xanh, tím, đỏ, vàng trông mát mắt. Hai chai rượu chát đã được mở sẵn đặt hai đầu bàn. Hùng khoe bố nó ở nhà mỗi lần uống rượu chát thường đổ rượu vào bình có miệng rộng để không khí hoà vào rượu cả nửa tiếng trước khi mời khách. Bố nó bảo làm như vậy rượu sẽ dễ uống và ngon hơn.

   Bốn đứa đều ăn mặc chỉnh tề. Hùng đã ủi cái quần jean màu xanh bạc màu và cái áo thun trắng ngắn tay cho Đạo. Dĩ nhiên là ba đứa kia đứa nào cũng mặc những bộ quần áo mới, hợp thời. Thằng Quân cứ thỉnh thoảng nhìn vào mái tóc dài chấm vai và những sợi ria mép lưa thưa của Đạo rồi chửi đổng. Nó chỉ lo Duyên-Hiền sợ cái vóc dáng bụi đời và phong thái lè phè của Đạo. Dù hiểu được ý Quân nhưng Đạo cứ vờ đi, không tỏ ra khó chịu. Nếu Quân bảo nó đi chơi, đêm hãy về nó cũng sẵn sàng. Thật ra thì Đạo cũng định qua nhà thằng Ali để ăn cơm em gái nó nấu chiều nay. Hôm qua gặp Ali ở thư viện, nó bảo bố mẹ nó mới gửi thực phẩm quốc hồn quốc túy từ Iran sang và rủ Đạo đến ăn, nhưng sáng nay Đạo gọi điện thoại kiếu từ vì biết tin chị Thuỳ-Anh ghé nhà.  Nó gặp chị vài lần nhưng rất kính nể cách đối xử tử tế và rộng rãi của chị.

   Đúng năm giờ chiều thì chị Thùy-Anh và Duyên-Hiền đến. Quân, Hùng và Bằng trông bối rối ra mặt. Đạo vẫn tỉnh bơ cười nói chào khách. Ba đứa kia đã được chị Thùy-Anh giới thiệu và gặp Duyên-Hiền ở văn phòng chị rồi. Chỉ có Đạo là chưa gặp nàng thôi. Thấy không đứa nào giới thiệu Đạo với Duyên-Hiền, chị Thùy-Anh gọi Đạo lại bên chị và giới thiệu. Đạo nhìn vội Duyên-Hiền với nụ cười mở rộng tự nhiên.

   “Hân hạnh gặp cô. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các bạn tôi hăng hái tổ chức bữa ăn chiều nay.” Đạo vừa nói vừa cười rất tự nhiên.

   Cả chị Thuỳ-Anh và Duyên-Hiền đều tỏ vẻ vui rất tự nhiên vì câu nói của Đạo. Nàng nói cảm ơn Đạo bằng ánh mắt thiện cảm. Đạo nghĩ thầm, mấy thằng trong nhà có vẻ khớp Duyên-Hiền. Con gái đẹp vẫn làm bọn con trai bị khớp, nhất là những thằng có ý theo đuổi tán tỉnh. Duyên-Hiền mặc chiếc áo đầm màu hường hoa táo, dài hơi quá đầu gối. Nàng đi đôi giầy da trắng. Trên cổ nàng đeo chuỗi ngọc trai màu trắng ngà, và hai bông tai ngọc trai tiệp màu. Nước da nàng ngăm  ngăm như người mới ra nắng vào, vầng trán cao, lộ ra dưới mái tóc chải ngược được cài bằng chiếc kẹp tóc cũng màu hường hợp màu áo. Dù là người nhỏ tuổi nhất trong bọn, nàng nói năng điềm đạm, đầy tự tin nhưng không kiêu kỳ. Quân lăng xăng mời chị Thùy-Anh và Duyên-Hiền vào bàn ngồi. Hùng đã nướng xong những miếng bíp-tếch bốc mùi thơm hấp dẫn. Nó trịnh trọng mang đến đặt vào đĩa để sẵn trên bàn ăn. Người tinh ý thì thấy được miếng steak của Duyên-Hiền trông đặc biệt nhất. Quân ngồi đầu bàn, bên phải là chị Thùy-Anh, bên trái là Duyên-Hiền. Trong lúc Hùng lo cất đĩa đựng thịt vào bếp, Bằng đã nhanh nhẹn ngồi bên Duyên-Hiền. Đạo nhường chỗ bên chị Thùy-Anh cho Hùng, ra ngồi đầu bàn đối diện với Quân.

   Sau vài phút ngượng ngập, bầu không khí trở nên thân mật hơn. Bằng rót rượu cho mọi người. Nhưng Duyên-Hiền và chị Thùy-Anh chỉ uống rất ít. Cả ba thằng Quân, Hùng và Bằng đều giành nhau tiếp thức ăn, chăm sóc Duyên-Hiền và chị Thùy-Anh. Quân cao hứng nâng ly mời mọi người hết ly này đến ly khác. Bữa cơm chưa xong thì hai chai rượu đã cạn. Bằng vào tủ lạnh lấy thêm bia. Đạo để ý thấy cả Hùng và Quân đều có vẻ hăng máu thi nhau uống. Quân cầm lon bia mới mở nhìn Đạo thách thức.

   “Ê Đạo, uống đi chứ, sao yếu thế. Nam vô tửu như kỳ vô phong mà.”

   Đạo chỉ cười nâng ly rượu vẫn còn đầy uống một hớp như để đáp lễ Quân. Cuộc nói chuyện trong bữa ăn lan man đến học hành và quá khứ bên Việt Nam. Quân, Hùng, và Bằng đứa nào cũng huyênh hoang kể về gốc gác và gia đình chúng thời còn bên Việt Nam. Khi nói đến chuyện học hành thì chúng nó đều than là ngành chúng học khó quá, ra vẻ chỉ những người thông minh như chúng mới học được. Cả ba đều thay phiên nhau bảo Duyên-Hiền nếu cần giúp học toán hay computer cứ nói, chúng nó sẵn sàng giúp. Thấy không ai hỏi đến Đạo, chị Thùy-Anh hắng giặng nhìn Duyên-Hiền rồi quay nhìn Đạo.

   “Chị nghĩ trong nhà này ngành Đạo học là khó nhất.”

   Cả ba thằng đều cười to. Chúng nó tưởng chị Thùy-Anh chọc Đạo. Duyên-Hiền cũng cười theo nhưng nàng không biết chúng nó nghĩ gì.

   “Nếu Duyên-Hiền thích đọc báo thì nhớ liên lạc với Đạo nhá.” Bằng nói rồi nhìn Duyên-Hiền.

   Cả ba lại cười như pháo nổ. Thằng Hùng nghe Bằng nói thích quá cười văng cả bia lên bàn. Nó hơi quê, vội lấy khăn lau miệng rồi chùi những giọt bia vương vào áo và trên khăn bàn.

   Quân tiếp lời Bằng, vừa nói vừa đưa tay làm điệu bộ.

   “Duyên-Hiền đừng có lo, bảo đảm báo sẽ được đưa đến tận cửa nhà mỗi sáng.” 

   Ba thằng vẫn cười sung sướng. Đạo cũng cười theo vì đã quen với những lời chọc ghẹo của các bạn. Vả lại Đạo cũng chẳng bao giờ chấp mấy chuyện lặt vặt. Chị Thuỳ-Anh tỏ vẻ hơi khó chịu về cách chọc ghẹo của Quân và Bằng. Chị định nói điều gì, nhưng không kịp vì Duyên-Hiền đã nhìn Đạo một cách kín đáo và hỏi.

   “Anh Đạo học ngành gì vậy?” Nàng hỏi bằng giọng dễ thương và nghe rất Huế.

   “Thưa cô, tôi dự định theo nghành báo chí.” Đạo mỉm cười trả lời một cách tự tin.

   “Mai kia Đạo có viết cho tờ Washington Post hay New York Times nhớ đừng quên chị nhé.” Chị Thùy-Anh nói đùa với Đạo.

   “Thưa chị thế nào em cũng mang tờ Washington Post và tờ New York Times đến tận cửa nhà chị mỗi ngày.” Đạo trả lời chị Thùy-Anh và bất chợt nhìn thấy nụ cười rất dễ mến của Duyên-Hiền.

     Ba thằng bạn tìm đủ cách để Duyên-Hiền chú ý. Chúng nó hết khoe khoang về mình rồi lại quay qua tìm cách khen hay nịnh đầm Duyên-Hiền. Ba thằng hăng say nói như những con gà nòi ngứa cựa lâu ngày không có dịp chọi đối thủ trong một trận đấu gà đầy căng thẳng.

     Gần bảy giờ, chị Thùy-Anh nhìn đồng hồ rồi bảo Duyên-Hiền ở lại chơi và mấy đứa sẽ đưa về sau. 

     “Xin chị ở lại dùng bánh ngọt trước khi về.” Hùng nói và đứng lên.

     “Cảm ơn nhiều, lần sau chị sẽ ở lại lâu hơn. Duyên-Hiền ở lại thay chị rồi các anh sẽ đưa về sau nhá.” Chị nói và nhìn Duyên-Hiền tỏ vẻ trấn an nàng là cứ ở lại, đừng ngại. 

     Cả nhà đứng lên tiễn chị Thuỳ-Anh về.  Quân và Bằng vội vàng dọn bàn cho sạch để Hùng mang bánh ngọt và ca phê ra mời Duyên-Hiền.

     “Đạo, vào rửa chén đĩa rồi mình ăn bánh được không?” Bằng nói vọng ra từ bếp.

     “OK.” Đạo trả lời không suy nghĩ.

     “Duyên-Hiền sẽ phụ anh.” Nàng nhìn Đạo nói nhỏ.

     Chúng nó tưởng bắt Đạo vào rửa chén để có cơ hội ngồi riêng với Duyên-Hiền, không ngờ nàng lại đứng lên theo Đạo vào bếp giúp rửa chén.  Trong lúc Duyên-Hiền và Đạo bận rộn rửa và lau chén đĩa, ba đứa xúm lại xì xào bàn kế rủ Duyên-Hiền đi chơi. Bằng đã tìm cách khích Quân uống say nhưng không thành. Nó đành làm theo ý Quân là rủ Duyên-Hiền đi ăn kem rồi xem xinê trong đại học vì tối nay có chiếu phim Nhật rất nổi tiếng. Trong đầu ba đứa, thằng nào cũng muốn tìm cách rủ nàng đi chơi riêng, nhưng hôm nay không tiện. Thấy Đạo và Duyên-Hiền vừa rửa chén đĩa vừa nói chuyện vui vẻ thân mật, ba đứa bạn có vẻ ghen.

     “Rửa nhanh lên ra ăn tráng miệng.” Quân nói một cách sốt ruột.

     “OK, sắp xong rồi.” Đạo trả lời vui vẻ.

Hùng đã đưa cái bánh ngọt hình chữ nhật làm bằng nhiều lớp kem đặc biệt, trông rất sang và hấp dẫn đặt ở giữa bàn. Duyên-Hiền theo Đạo ra bàn ngồi sau khỉ rửa xong chén đĩa. Ba đứa bạn thấy Duyên-Hiền kéo ghế ngồi gần Đạo, liếc mắt nhìn khó chịu, nhưng không đứa nào dám lên tiếng.  Hùng nhanh nhẹn cắt bánh rồi mời Duyên-Hiền miếng bánh lớn nhất.

     “Cảm ơn, sao anh cho miếng bánh lớn quá.” Nàng nói rất duyên dáng.

     “Bánh này đặc biệt lắm, Duyên-Hiền thử ăn xem sao.” Hùng trịnh trọng nói.

     “Nhìn là thấy ngon rồi.  Ai làm mà khéo quá.” Nàng cười.

     “Đố Hiền biết ai làm đấy?” Bằng nheo mắt hỏi.

     “Các anh khéo quá, xin chịu thua vì Duyên-Hiền không biết coi bói.” Mọi người cười vì câu trả lời của nàng.

     “Bánh này gọi là bánh Dacquoise, đặc sản của thị trấn Dax thuộc miền Tây Nam nước Pháp.  Ở đây có những ao nước nóng thiên tạo rất cổ. Du khách đến tắm để trị bệnh phong thấp từ nhiều thế kỷ rồi.” Hùng nói như đang giảng bài lịch sử.

     “Mời Duyên-Hiền dùng bánh.” Quân vừa nói vừa rót cà phê mời nàng.

     “Bánh có mùi vị Almond và Hazelnut thơm ngon.” Nàng đưa miếng bánh lên miệng và khen.

     “Sao sành ăn quá.Tôi ăn nhưng không thể phân biệt được mùi vị.” Đạo nhìn nàng cười bằng ánh mắt.

     “Duyên-Hiền nói rất đúng, Almond và Hazelnut  là hai vị chính của bánh. Anh mua bánh này ở tiệm Boulangerie de Paris.” Hùng xưng anh rất tự nhiên.

     Bàn chuyện về bánh ngọt bắt đầu nhàm. Hình như ba thằng bạn đã kể và khoe hết mọi chuyện mà chúng nghĩ là sẽ làm Duyên-Hiền để ý. Bây giờ không còn chuyện nói, mặt đứa nào trông cũng đờ ra. Đạo định rót thêm cà phê cho Duyên-Hiền, nhưng chưa kịp thì Quân đã lên tiếng.

   “Hình như thằng Đạo đi làm thư viện tối nay phải không?”

   Dù Đạo không làm việc tối thứ Bảy như Quân nói, nhưng hiểu được ý Quân, chàng mỉm cười nhìn lên đồng hồ treo tường.

   “Ừ! mày không nhắc, tao quên mất.”  Đạo trả lời rất tự nhiên và quay sang xin lỗi Duyên-Hiền để đi thay quần áo.

      Đạo biết ba thằng tìm cách đi chơi riêng với Duyên-Hiền nên nó định thay quần áo rồi sang nhà thằng Ali chơi. Trong lúc Đạo vắng mặt, ba đứa bạn ngỏ ý mời nàng đi ăn kem rồi đi xem phim trong đại học, nhưng nàng từ chối khéo là vừa ăn bánh ngọt còn no và có bài làm phải làm cho kịp hạn nộp bài.  Bị nàng từ chối khéo, ba thằng ngồi đực mặt không biết phải ứng xử ra sao. Khi Đạo trở ra lại phòng khách, mọi người im lặng một cách thiếu tự nhiên.  Chàng vừa định chào Duyên-Hiền rồi đi nhưng nàng nhìn Đạo nói vội.

   “Anh Đạo cho Duyên-Hiền theo anh vào thư viện nhé, Duyên-Hiền cần phải tìm tài liệu làm bài luận văn.”  

   Đạo chưa kịp phản ứng, Duyên-Hiền đã đứng lên cảm ơn Quân, Hùng, và Bằng về bữa ăn chiều nay. Đạo vô tình mỉm cười nhìn ba thằng, mặt đứa nào cũng thộn ra, thất vọng và bất mãn. Chúng ngượng ngập tiễn Duyên-Hiền ra cửa. 

   Ra đến đường, Đạo nhìn Duyên-Hiền giải thích.

   “Tôi thật ra không phải làm tối nay, nhưng sẽ đưa Duyên-Hiền đến thư viện.”

   “Em cũng không cần vào thư viện làm bài, nhưng chỉ muốn tìm cách cáo lỗi để về thôi.”

   Hai người nhìn nhau cười vu vơ, dù không ai hỏi ai là sẽ đi đâu, họ tự nhiên đi về phía khuôn viên đại học như đã hẹn nhau trước.  Buổi tối đầu mùa Thu miền Tây Nam Hoa Kỳ vẫn còn hừng hực nóng. Họ dẫn nhau ra ngồi bên hồ nước giữa khuôn viên đại học. Lần đầu tiên Đạo đi chơi với người con gái Việt Nam trong đại học này. Lòng chàng bỗng xôn xao kỳ lạ. Hai người ngồi nói chuyện lan man rồi lại dẫn nhau đi loanh quanh khuôn viên đại học vắng người.  Đạo cảm thấy những bước chân của mình lâng lâng như người vừa chếnh choáng cơn say.

   “Anh Đạo chơi đàn guitar hay lắm phải không?” Duyên-Hiền hỏi.

   “Không có đâu. Ai nói cho Duyên-Hiền vậy?”

   “Anh khiêm nhường thôi, chị Thùy-Anh khen anh tài hoa.”

   “Tôi cũng mong mình được như Thùy-Anh khen, nhưng chị vì chị là người tử tế, tốt bụng, chị khen quá lời đấy.”

   “Hôm nào anh đàn cho Duyên-Hiền hát nhé.”

   “Sẵn sàng, chỉ sợ tiếng đàn không nhịp điệu của tôi làm Duyên-Hiền hát bể thôi.”

   Nàng cười rất dễ thương khiến Đạo tưởng như những vì sao khuya đang nhảy múa theo tiếng cười của nàng. Đạo quên hỏi nàng là ở Ký Túc Xá nào và nàng dường như cũng quên nói cho chàng biết mình ở đâu.  Hai người cứ sánh vai đi bên nhau dù không biết đang đi đâu. Thỉnh thoảng họ ngồi xuống ghế bên những lối đi, nhìn sao trời, hay ra đứng bên vườn hoa trước thư viện.  Có những lúc không nói gì, nhưng sự im lặng lại kéo hai tâm hồn đồng cảm lại gần thêm.  Bóng đêm và sự im lặng như tấm chăn cuốn hai tâm hồn muốn đến gần nhau nhưng chưa được vì còn e ngại.  Khi người ta đang say mê chuyện gì, chả ai còn để ý đến thời giờ nữa. Hình như Đạo bỗng dưng cảm thấy sân cỏ và những hàng cây phảng phất hương đêm diệu kỳ. Thỉnh thoảng chàng ngửi được mùi thơm dịu dàng tỏa ra từ Duyên-Hiền.  Có lúc Đạo định cầm lấy bàn tay Duyên-Hiền nhưng rồi khựng lại vì hồi hộp.  Có lẽ nàng hiểu ý Đạo nên thỉnh thoảng cũng cố tình đi sát vào Đạo.  Sự va chạm đến thân hình nẩy nở gọn gàng của nàng làm Đạo rừng rực xôn xao.

   Gần một giờ sáng họ mới về đến ký túc xá.  Lúc đến trước cửa, Đạo vừa mở cửa vừa chào từ giã Duyên-Hiền.

     “Ngủ ngon nhá!” Chàng nhìn nàng nói khẽ.

     “Anh lên phòng ăn ly chè bắp mẹ em mới mang lên chiều thứ Sáu. Ngon lắm.” Nàng mời rất chân tình.

     “Khuya rồi, để Duyên-Hiền nghỉ.”

     “Không sao, có nhiều đêm em thức tới sáng học bài, quen rồi.”

     “Duyên-Hiền ở một phòng riêng?”

     “Không, cô bạn chung phòng về nhà đến tôi mai mới trở lại.”

     Thật ra chàng cũng muốn biết chỗ ở của nàng ra sao, nhưng mới gặp lần đầu nên không dám hỏi. 

     “Phòng em ở lầu 5, mình đi thang máy lên nhá.” Nàng nói rồi ra dấu hiệu cho chàng đi về hướng thang máy.

     Chàng im lặng theo nàng vào thang máy. Dù chỉ có hai người trong thang máy, nhưng chàng không biết nói gì với nàng.  Ra khỏi thang máy, nàng nhanh nhẹn dẫn chàng đến phòng và mời chàng vào.

     “Phòng dành cho hai sinh viên nên chật chội lắm, mời anh ngồi.” Nàng kéo ghế bàn ăn bên cạnh bếp mời chàng.

     Chàng im lặng làm theo lời nàng.  Trong lúc nàng mở tủ lạnh dọn chè ra ly, chàng rảo mắt nhìn quanh phòng. Hai chiếc giường ngủ kê hai bên tường, chăn mền xếp phẳng phiu không như cái nệm ngủ của chàng lúc nào cũng bề bội sách vở, báo chí và chăn mền chưa bao giờ được xếp lại.

     “Cô bạn chung phòng về nhà đến tối Chủ Nhật mới trở lại.”  Vừa san chè vào ly, nàng vừa hỏi, “Anh ăn chè nóng hay lạnh?” Chưa kịp trả lời, nàng nói thêm.

     “Nhà em ăn chè bắp với nước cốt dừa, thường ăn nóng.” Nàng nhìn chàng với nụ cười tươi.

     “Tôi gốc nông dân Bắc Kỳ nên không biết thưởng thức chè.  Hiền ăn sao thì tôi ăn theo.” Chàng trả lời tự nhiên, không khách sáo.

    “Mẹ em bảo dân Huế ăn món chè này thường ăn nóng mới thưởng thức được  mùi thơm của bắp non và vị béo của nước cốt dừa.” Vừa nói nàng vừa để hai ly chè vào Microwave Oven hâm nóng lại.

     Dù không phải là người thích ăn ngọt, nhưng cầm ly chè Duyên-Hiền mời trong tay, chàng thấy lòng mình ấm lên một niềm hạnh phúc khó tả. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời Đạo ăn một ly chè ngon và nhiều hương vị.  Đạo hỏi nàng về gia đình nàng rồi kể cho nàng nghe câu chuyện vượt biển của mình.  Nàng ngồi nghe và dường như bị lôi cuốn vì những tình tiết chàng kể.  Khi tiếng nói chuyện, tiếng nhạc, và những bước chân qua lại ngoài hành lang ký túc xá thưa dần, Đạo biết có lẽ là đã khuya lắm rồi.

     “Khuya quá rồi, anh phải về để trưa đi làm. Chắc Duyên-Hiền cũng mệt.”  Chàng buột miệng xưng anh với nàng rất tự nhiên.

     “Anh Đạo nói chuyện hay quá làm Duyên-Hiền quên cả thời gian.” Nàng nhìn đồng hồ mới biết là đã khuya nên không mời Đạo ở lại thêm.

     “Cảm ơn cho thưởng thức ly chè bắp ngon.

     “Lần tới em xin mẹ nấu chè sen để mời anh hí.” Nàng nhìn chàng rất chân tình.

     Đạo không trả lời, đứng lên đẩy ghế sát lại bàn. Nàng cũng vội ra mở cửa và vô tình bàn tay chàng chạm vào tay nàng. Duyên-Hiền nắm chặt lấy bàn tay Đạo. Cả người chàng nóng bừng lên.  Chàng đứng yên để Duyên-Hiền cầm chặt tay mình.  Đạo muốn ôm ghì lấy Duyên-Hiền, nhưng khựng lại. 

Chàng có cảm tưởng như mình đang say.  Bước ra khỏi cửa, chàng nghe nàng nói bên tai, “Ngày mai anh lại đón Duyên-Hiền đi thư viện học bài hí!”

   Chàng gật đầu và chia tay Duyên-Hiền.  Gần ba giờ sáng, Đạo mới về đến nhà. Ba thằng bạn còn ngồi ở phòng khách uống bia, hút thuốc chờ nó. Nó vừa bước vào cửa, thằng Quân đã nói với giọng ghen tương, bực bội.

   “ĐM. Đi đâu mà lâu thế?”

    “Mày đi thư viện làm bài cho em sao mà lâu vậy?” Không đợi Đạo trả lời, Hùng hỏi dồn.

     “Mày có thật sự đưa em vào thư viện không?” Bằng đứng lên, đến gần Đạo nhìn xoi mói, như cảnh sát viên đang dò hỏi kẻ bị tình nghi phạm pháp.

   Đạo mỉm cười, lẳng lặng vào bếp rót ly nước uống, không trả lời những câu hỏi dồn dập của các bạn.

    “Đù má mày, khinh chúng tao hả?  Hỏi không thèm trả lời.” Bằng cầm lon bia chưa cạn ném thẳng về phía Đạo.  Cũng may Đạo né kịp, lon bia dội vào tường văng tứ tung.

     “Tao dẫn em đi dạo trong campus rồi lên phòng em tán gẫu.” Đạo bình tĩnh trả lời không tỏ vẻ giận việc Bằng ném lon bia.

     “Mày lên phòng em tán gẫu?  Đếch tin.” Quân nhìn Đạo bằng ánh mắt hồ nghi.

     “Không tin, mai hỏi em là biết liền.”

   Đạo trả lời rồi đi vội vào phòng ngủ. Nó lấy đàn guitar ngồi hát nghêu ngao bài tình ca quen thuộc.  Bên ngoài, hình như những giọt sương Thu vừa rơi trên những hàng cây lá sắp thay màu. Có cụm hoa cúc đang chờ bình minh tới để khoe những đóa vàng rực rỡ. Đạo chợt cảm thấy trong tim mình nỗi nhớ nhung rất mơ hồ.

     “Ngày mai anh lại đón Duyên-Hiền đi thư viện học bài hí!” Dư âm giọng nói với nhạc điệu rất Huế của nàng còn vang vọng trong tim Đạo.  Chàng dựng cây đàn tựa vào tường rồi quận mình trong chăn nằm ngủ lúc nào không hay.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 7961)
Sang đêm thứ ba thì tôi nằm nghe tiếng dế. Ngỡ ngàng phát hiện ra gió lặng. Dàn đồng ca chỉ gồm vài giai điệu phối hợp rất nhuần nhuyễn
25 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 8439)
Cứ mỗi lần sắp Tết, tôi lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Nguyên Sa, câu thơ giản dị mà sao nó làm tôi rạo rực đến thế,
16 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 6163)
người ta luôn nhắc đến người bệnh nhưng lại lãng quên những người thâ
13 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 6575)
Chú Nhạc người xóm An Thành, là người “làm cặp” cho gia đình tôi suốt hơn mười lăm năm. “Làm cặp” ở đây có nghĩa là chú Nhạc như một người quản gia,
11 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 9829)
Chị Hường chủ nhà nghỉ khóc mếu bảo em mua chỗ này không rẻ bây giờ xác chết trong gầm giường ai dám đến nữa.
04 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 8579)
Tháng chín, mùa cua lên bãi. Tối hôm trước, Thẻo bảo đi ra miệt Bãi Bùng vắng người, kêu Tư sửa soạn sáng mai đi bắt cua.
01 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 8742)
tôi kéo cánh cửa phòng mình chỉ để nghe rõ hơn tiếng mưa và chạm rõ hơn tiếng gió. cơn mưa ra chừng ảm đạm chiều nay đẹp đến không lời nào tả nổ
25 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 7225)
Khi cô gái bước lên đồi cao cuối làng, nắng sáng đã tràn xuống bờ triền thung lũng phía Đông
14 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 8018)
Có một người đàn ông râu tóc bù rối, gương mặt buồn, hốc hác; ăn vận xốc xếch, đầu đội chiếc mũ nỉ bạc mầu.
11 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 6913)
Một người làm ruộng cho gia đình tôi là chú sáu Quắn. Chú ở dưới miệt Kỳ Anh, tức là dưới vùng biển Tam Ấp, tên thường gọi là xóm Đồng Rạ hay là Đầm
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17073)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12284)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19013)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9196)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8362)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 996)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1187)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22483)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14023)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19192)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7910)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8825)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8506)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30726)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25521)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22917)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21742)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19801)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18062)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24517)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,