Nhạc sĩ Nguyên Long đột ngột từ trần

29 Tháng Mười Hai 201512:00 SA(Xem: 5662)
Nhạc sĩ Nguyên Long đột ngột từ trần

 

dutule.com (ngày 26 tháng 12-2015): Bất ngờ, nhà thơ Trần Thu Miên cho hay, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyên Long đã đột ngột từ trần tại thành phố Boston, Mass. Ngày 26 tháng 12 năm 2015.

Được biết nhạc sĩ Nguyên Long tên thật là Nguyễn Thành Long, sinh Ngày 20 tháng 6 - tại Hà Nội. Ông từng theo học Đại Học Chính Trị Kinh Doanh, Đà Lạt. Ngay khi vừa tỵ nạn tại Hoa Kỳ, ông đã theo ngành Mỹ Thuật tại tiểu bang Mississippi, ngành Hội họa.

Cùng lúc, Nguyên Long cũng là nhạc sĩ sáng tác hàng trăm ca khúc dành cho thiếu nhi, phổ nhạc thơ và viết Thánh Ca (Công Giáo).

Có một thời gian khá dài, Nguyên Long dùng bút hiệu Đỗ Vy Hạ (trước khi ký Nguyên Long) cho những sáng tác cùa mình.

Ông cũng có nhiều năm dạy Hội Họa cho một số trường Công Lập tại Boston. Bên cạnh đó, ông cũng đã bỏ công sức dạy tiếng Việt và Hôi Hoạ thiện nguyện cho chương trình Việt Ngữ St. Bernadette, Randolph, MA.

Là một người đa tài và nổi tiếng nhân ái, được nhiều người yêu mến, sự ra đi của Nguyên Long / Nguyễn Thành Long là một mất mát lớn, không chỉ riêng với gia đình mà, còn là một thương tiếc sâu xa nơi những người quen biết và, những ai từng nghe, hát các ca khúc của ông nữa.

Để quý bạn-đọc-thân-hữu có cái nhìn tương đối đầy đủ hơn về sự nghiệp VHNT và con người họ Nguyễn trong đời thường, chúng tôi trân trọng kính mời qúy bạn đọc theo dõi bài nói chuyện giữa nhà thơ Du Tử Lê và nhạc sĩ Nguyên Long (thực hiện tháng 5-2015), in trong bộ sách “Sơ lược 40 năm VHNT Việt 1975-2015” (cuốn # 2; do cơ sở HT Productions kết hợp với công ty Amazon ấn hành tháng 7 năm 2015 tại Hoa Kỳ. Và, hiệp lời cầu nguyện anh hồn Nguyên Long / Nguyễn Thành Long sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.

Trân trọng.

 

Nguyên Long: “Thi ca món quà đặc biệt trong lãnh vực văn chương
(Phỏng vấn)

LNĐ: Sau nhiều năm dõi theo hành trình âm nhạc của nhạc sĩ Nguyên Long (bút hiệu cũ Đỗ Vy Hạ) qua những buổi sinh hoạt ca nhạc tại thành phố Boston, cũng như nhiều nơi khác ở tiểu bang Massachusetts chúng tôi nhận thấy, âm nhạc đối với ông là phương tiện thể hiện ba mối quan tâm lớn của ông ở ba lãnh vực: Tôn giáo, Thiếu nhi và, Âm giai hóa thi ca của những nhà thơ cũ cũng như mới, trong cũng như ngoài VN.

Cảm nhận này, khiến chúng tôi nghĩ rằng, nên có một cuộc trò chuyện với ông, hầu ghi lại tấm lòng đau đáu ăn ở với văn học và đời sống Việt, của người họa sĩ và, cũng là nhạc sĩ khá đặc biệt này.

Kính mời quý bạn-đọc-thân-hữu, theo dõi cuộc trò chuyện của chúng tôi, dưới đây.

Trân trọng.

 

Du Tử Lê (DTL): Được biết Nguyên Long là một họa sĩ đã tốt nghiệp Cao Học Mỹ Thuật tại Hoa Kỳ, hiện vẽ cho một studio ở thành phố Boston, Mass. Đồng thời cũng là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác được trình diễn ở nhiều nơi khác nhau, thuộc tiểu bang Massachusetts. Câu hỏi được đặt ra là:

 - Hội họa hay âm nhạc đến với Nguyên Long, trước nhất?

Nguyên Long (NL): Thưa anh, phải nói rằng âm nhạc đã đến với NL trước hội họa. Lúc còn ở Việt Nam, vào lúc còn nhỏ thì NL đã tập đờn guitar rồi. Và vào lúc 15 tuổi thì đi học đờn guitar với nhạc sĩ Hoàng Nam (Em của nhạc sĩ Hoàng Quý - tác giả bản Cô Láng Giềng) ở Đà Lạt. NL cũng có vẽ nhưng không mê lắm. Vào thời gian đó ở Đà Lạt thịnh hành việc cưa chữ và khắc gỗ, nên NL và vài người bạn làm những đồ tiểu công nghệ này, rồi đem bán cho khách du lịch kiếm tiền uống café cho vui thời còn trẻ. Riêng về âm nhạc thì NL rất chú tâm luyện tập hầu như là mỗi ngày. Sau khi qua đến Hoa Kỳ thì NL bắt đầu vẽ tranh và chú tâm chuyên nghiệp vào bộ môn nghệ thuật này. Sau đó thì đi học để lấy bằng chuyên nghiệp.

DTL: Theo Nguyên Long thì có một tương quan máu huyết hay tương quan hữu cơ nào giữa hai bộ môn nghệ thuật đó?

NL: Trong gia đình NL thì không có ai chơi nhạc cả. NL chỉ biết ông nội NL cũng là một người rất mê âm nhạc và biết đánh đờn mandoline thế thôi. Mặc dù Âm nhạc và Hội họa là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau, vì Hội họa là bộ môn thuộc về không gian, trong khi Sáng tác Âm nhạc thì lại thuộc bộ môn thời gian; tuy nhiên, cả hai bộ môn đều chia chung một sự quan hệ mật thiết đó là sự sáng tạo, tức là đều cùng bị chi phối bởi khối óc. Khi khối óc này nằm ở trong hai con người thì có thể hiểu được. Vì con người chúng ta ai cũng có một sự khác biệt nào đó trong lãnh vực sáng tác. Tuy nhiên, khi hai bộ môn đều nằm trong cùng một con người và chịu sự chi phối bởi một bộ óc thì vấn đề trở nên hơi khó hiểu. NL nhận thấy rằng sự sáng tạo đều nằm tiềm tàng đâu đó trong não bộ của con người chúng ta. Có khác chăng là sự tập trung và huy động để phát triển nó. Đã có nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, hay thi sĩ phát triển cả hai hay nhiều hơn một bộ môn sáng tác như Trịnh Công Sơn, Lê Thánh Thư, Du Tử Lê, Nguyễn Trọng Khôi... Tuy nhiên bộ môn chính yếu sẽ phát triển trước và sau đó thì bộ môn kia sẽ phát triển và trở thành bộ môn phụ. Nó cũng tương tự như ngôn ngữ vậy. Ai trong chúng ta cũng có khả năng để phát triển sự hấp thụ một hay nhiều ngôn ngữ, và bao giờ cũng thế, một cái sẽ trở thành chính và cái kia sẽ trở thành phụ.

Trong trường hợp Hội họa và Âm nhạc của NL thì NL đã tự chọn để phát triển song hành cả hai bộ môn cùng một lần, tức là NL đã luân chuyển nó hoặc là một ngày cái này, một ngày cái kia. Hoặc là một tuần cái này, một tuần cái kia... Vì NL có studio cho nên khi bước vào studio thì NL bắt đầu vẽ ngay mà không phải mất công để bày biện. Còn âm nhạc thì nó đến với NL ngoài những giờ giấc ở trong phòng vẽ, thường thì ngồi một mình ở đâu đó ngoài trời hoặc ở trong nhà.

DTL: Ca khúc đầu tay của Nguyên Long, tên gì? Sáng tác năm nào?

NL: Đó là ca khúc “Có Nhau Lần Này”, sáng tác năm 1972.

DTL: Từ đó đến nay, đã có những thay đổi lớn nào về kỹ thuật, nội dung và quan điểm riêng dành cho việc sáng tác ca khúc?

NL: Thưa anh, vào thời còn trẻ thì hầu như nhạc sĩ nào cũng viết tình khúc hoặc những ca khúc có nội dung về tình yêu hay thân phận... Rồi sau đó lớn dần lên thì khuynh hướng sáng tác bắt đầu chuyển hướng tùy theo khung cảnh sống và thời gian. NL cũng không ngoại lệ. Vào thời điểm 1970-75 ở tại Việt Nam, chiến tranh lúc này đã trở nên khốc liệt, và giới trẻ như NL vào thời đó hầu như bị dồn vào tình trạng yêu cuồng sống vội, vì đâu có biết ngày mai của mình ra sao. Những ca khúc viết trong thời gian này lẽ dĩ nhiên cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc sống chung quanh mình, thường là về thân phận, tình yêu, hay phản chiến. Sang đến hải ngoại, trong những thập niên đầu thì những bài hát phần lớn đều mang hơi hướm thương tiếc quê hương Việt Nam và tự nhiên một chủ đề mới xuất hiện cho các nhạc sĩ suy nghĩ là về thân phận lưu vong tỵ nạn. Hoàn cảnh sáng tác của NL cũng không thoát khỏi cái vòng kiềm tỏa như đã nói ở trên cho nên những sáng tác đều xoay quanh những chủ đề đó. Tuy nhiên, bắt đầu vào năm 2000, tức là khi chúng ta bước vào niên kỷ mới thì tự nhiên NL bỏ hết những chủ đề ở trên và chỉ chú trọng vào việc sáng tác Thánh ca hoặc là phổ thơ của các thi sĩ khi thấy có một bài thơ hay mà thôi. Cho đến bây giờ thì NL vẫn chưa hiểu rõ lý do mà mình đã bước qua lãnh vực soạn Thánh ca. Khi bước vào lãnh vực này rồi thì NL thấy rất thích vì nó bao hàm một quan niệm về sáng tác rất lớn mà chỉ khi nào mình bước vào thì mới thấy. Ngoài việc lấy Thánh kinh làm nền tảng để sáng tác, thánh ca còn cho phép mình nới rộng ra những chủ đề mà trong đời thường hay bị giới hạn. Lấy ví dụ như chủ đề tình yêu chẳng hạn, thì thánh ca cho phép mình bước ra khỏi cái sự hạn hẹp tình cảm yêu thương giữa con người với con người, để có thể đi vào một loại tình yêu mới, một loại tình yêu mà trước nay nhiều khi mình đã không nghĩ tới, như tình yêu tha nhân hay tình yêu thiên nhiên, chẳng hạn.

Riêng về vấn đề kỹ thuật thì cách soạn nhạc của NL xưa nay cũng không có nhiều thay đổi gì lắm. Tuy nhiên trong thời gian gần đây thì NL hay dùng cung Si giảm thứ (Bbm) để phổ một số những bài thơ có tâm trạng xót xa. Vì cung Si giảm thứ tạo cho người nghe một cảm giác lâng lâng, trầm mặc và mang nhiều tính chất u uất. Đồng thời NL cũng hay áp dụng thể thức chuyển cung trong một bài nhạc để tạo cảm giác thay đổi cũng như để tạo thêm nhiều trường canh cho bản nhạc khi phổ những bài thơ ngắn không đủ trường canh cho một bản nhạc.

DTL: Được biết Nguyên Long phổ nhạc thơ của khá nhiều nhà thơ. Câu hỏi đặt ra: a - Vui lòng ghi lại tên một số nhà thơ. b-Tại sao là những nhà thơ đó mà không là những nhà thơ khác?

NL: Để trả lời câu hỏi của anh, NL xin kể câu chuyện này. Khi phổ nhạc một bài thơ, NL có một cái tật là thường không chú ý đến tác giả của bài thơ đó, mà chỉ chú ý đến bài thơ đó thôi. Lý do là vì NL có một cái tật (lại tật... ) là khi gặp một bài thơ mà NL thích thì NL cắt ra, hoặc làm một copy, đôi khi phải chép lại rồi bỏ tất cả vào một tập riêng (folder) và để dành đó. Đến khi cảm thấy trong người có hứng sáng tác thì lúc đó mới lấy tập đó ra và tìm một bài thơ để viết ra bài hát. Trong cái tập này thì từ ngày xưa NL đã sưu tập thơ của nhiều nhà thơ nổi đã nổi tiếng từ trước như Nguyễn Bính, Đinh Hùng, rồi sau đó là Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên... Và sau này những nhà thơ như Chân Phương, Trần Thu Miên, Hạ Uyên, Phương Uy, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Bảo Yến, Nguyễn Trọng Tạo... Nói như thế thì có nhiều nhà thơ đã chẳng biết NL đã phổ nhạc thơ của họ. Điều này rất đúng vì nếu NL không có cơ duyên để liên lạc, hoặc bài nhạc không được phổ biến thì đương nhiên tác giả bài thơ sẽ chẳng bao giờ biết.

Riêng về câu hỏi thứ hai của anh thì NL xin trả lời tóm gọn như sau: NL thâu lượm những bài thơ của những tác giả đó và để dành để phổ nhạc vì một lý do rất đơn giản: Đó là trong những bài thơ khi NL đọc lên thì thấy có nét nhạc trong đó. Một trong những nhà thơ mà NL thấy trong thơ có nhiều nét nhạc nhất đó là nhà thơ Du Tử Lê. Và đây cũng là lý do mà NL đã phổ nhạc khá nhiều thơ của nhà thơ này.

Cũng xin nói thêm là NL vẫn cập nhật khi tập sưu tập thơ của NL quá dày thì NL cũng đã lấy ra những bài thơ cũ và chỉ giữ những bài thơ mới trong đó mà thôi. Đồng thời đã hơn một lần, NL đã làm mất tập sưu tầm thơ rồi anh ạ. Đó một lần đi khi đi ra khỏi Việt Nam và một lần dọn nhà ở đây rồi. NL tiếc lắm, nhưng biết làm sao bây giờ? Và một lần nữa NL đã làm mất một số những bài nhạc đã phổ thơ của một số tác giả, trong đó, tác giả Du Tử Lê bị thiệt hại nhiều nhất vì NL đã làm mất tới gần 20 bài nhạc đã phổ thơ của tác giả này. Lý do là vì NL đã để những bản nhạc này trong một “Zip disk”. Sau một thời gian khi CD trong máy vi tính ra đời thì NL không thể nào tìm được một cái “Zip Drive” để đọc những bản nhạc đó nữa. Thật là đáng tiếc!

DTL: Kinh nghiệm phổ nhạc thơ tới hôm nay, cho Nguyên Long những kinh nghiệm đáng kể nào về sự cảm-nhập vào bài thơ? Đâu là trở ngại hay sự khó hòa hợp giữa ngôn ngữ thơ và note nhạc?

NL: Thưa anh, trong bài tham luận “Tại Sao Tôi Phổ Thơ Du Tử Lê” mà NL đã viết.* NL có đề cập đến sự nhận định của David Byrne trong “How Music Works” và nay xin nhắc lại: “ Âm nhạc hay sức sáng tạo nói chung có thể coi là sự thôi thúc được phát sinh từ những xúc cảm nội tâm, bắt nguồn từ những cảm tính hoặc cảm xúc. Rồi từ đó nguồn cảm hứng của người nhạc sĩ sẽ trào dâng và từ đó sẽ tìm ra một bản thể mà người nhạc sĩ có thể nghe được, đọc được và thấy được.” Ông Byrne đã nói rất đúng vì sự sáng tạo thường được bắt nguồn từ những xúc cảm nội tâm của con người, và NL thì cũng không ngoại lệ. Dẫu sao, đối với NL thì như NL đã nói: Trước tiên NL phải thích bài thơ đó trước đã. Việc đầu tiên mà NL cần thấy là bài thơ phải đưa ra một hình ảnh hoặc là cụ thể, hoặc là trừu tượng... Nhưng nhất thiết phải là một hình ảnh (có thể đây là sự méo mó nghề nghiệp vì NL là người vẽ tranh nên cần phải có một hình ảnh trước) rồi sau đó sức sáng tạo mới đến. Lấy ví dụ như cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã viết câu thơ “Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá...” mà cố nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc. Đối với NL thì cái hình ảnh giọt mưa vỡ trên tượng đá quá đẹp. Nó đẹp vì thi sĩ đã dùng chữ “vỡ”. Nếu thi sĩ viết câu thơ mà dùng chữ “rớt” trên tượng đá thì câu thơ sẽ không làm cho NL xúc động vì giọt mưa rớt thì đâu có gì đặc biệt, nhưng chữ “vỡ” đã làm cho câu thơ trở nên huyền ảo, lung linh trong sự diễn tả sự òa vỡ của những giọt mưa. Hoặc nữa, cũng diễn tả về mưa hơi có tính chất siêu thực như nhà thơ Phạm Thiên Thư đã viết: “Lắng nghe từng sợi mưa dài - Cơn mây xõa tóc bên ngoài hè xanh - Hạt nào biếc phố long lanh - Hạt nào cẩn ngọc trên nhành tay hương...” Với những hình ảnh như thế thì thi sĩ không những đã tạo nên một vẻ đẹp riêng cho câu thơ mà còn làm cho hình ảnh mà người thi sĩ muốn diễn tả trở nên sống động hơn.

Sau khi NL đã cảm nhận được hình ảnh của bài thơ rồi thì những giòng nhạc thường sẽ tự nhiên đến. Có nhiều khi giòng nhạc đến tới hai ba lần cho một bài thơ, và cũng có nhiều khi giòng nhạc chẳng bao giờ đến, hoặc đến nửa chừng rồi đứt đoạn thì NL cũng phải đành chịu vậy, chứ biết sao?

DTL: Nhiều nhạc sĩ khi phổ nhạc 1 bài thơ, đã không hề để ý tới “hỏi, ngã” trong ngôn ngữ Việt - Khiến ca sĩ khi trình diễn cứ phải hát... lơ lớ như ngọng. Gặp trường này Nguyên Long giải quyết bằng cách nào?

NL: Thưa anh, trong một bài nhạc thì cũng có những câu nhạc, giống như trong bài thơ hay bài văn thì cũng có những câu thơ, câu văn. Như thế, khi nhạc sĩ phổ nhạc một bài thơ thì tùy theo từng thời điểm để tạo ra những câu nhạc theo bài thơ đó, đồng thời những câu nhạc còn phải tuân theo luật cân phương trong một bài hát nữa. Cho nên khi gặp những từ có dấu hỏi, ngã thì hay làm cho sự phát âm bị “dị giọng” lúc hát. Sở dĩ có chuyện này vì thường khi viết nhạc, người nhạc sĩ sẽ đặt nhạc trước rồi mới đặt ca từ. Còn ở đây thì người nhạc sĩ viết nhạc sau khi đã có ca từ - tức là bài thơ, cho nên hay gặp những trường hợp về dấu trong ngôn ngữ Việt. Nhất là trong những trường hợp dấu hỏi, ngã đứng ở cuối câu thơ hoặc đứng trước một chữ có dấu nặng ví dụ như... cổ tự,... khổ cực,... ngưỡng vọng - nhất là gặp những trường hợp nhị trùng âm hỏi ngã đứng ở cuối câu thì lại càng “chết” nữa, ví dụ như ... thỉnh thoảng, ... nghễnh ngãng chẳng hạn.

Sự “dị giọng” trong một bài hát làm cho người ca sĩ khó khăn khi phát âm nốt nhạc, đôi khi sẽ làm cho câu nhạc trở nên ngớ ngẩn, hoặc làm thay đổi ý nghĩa của câu thơ. Nên NL để ý rất kỹ sự dị giọng này trong các bài hát và tìm cách giải quyết nó. Một trong những cách để giải quyết là dùng hai hoặc ba nốt nhạc cho một ca từ thì sự dị giọng sẽ hết, hai là viết lại câu nhạc đó để làm cho sự dị giọng mất đi. Đôi khi phải viết lại nguyên cả một đoạn nhạc để tránh sự dị giọng. Cũng có một cách nữa là viết lại một lời khác cho câu thơ theo ý của người nhạc sĩ. Cách này thì NL tránh không dùng vì như thế sẽ làm mất đi sự sáng tạo trung thực của người thi sĩ. Gặp trường hợp mà không thể nào làm khác hơn được cho giòng nhạc thì đôi khi NL dùng cách lấy một hay hai chữ nào đó trong bài thơ của thi sĩ và ráp vào chỗ bị dị giọng với điều kiện không giảm đi ý nghĩa trong câu thơ của thi sĩ.

DTL: Xin Nguyên Long nói thêm, rõ hơn về chủ đề nào trong thơ là những chủ đề dễ làm Nguyên Long rung động nhất ‒ Để từ đó, đưa tới quyết định soạn thành ca khúc?

NL: Như NL đã nói ở trên, thưa anh, NL thường không chú ý nhiều tới chủ đề mà chỉ tìm hình ảnh trong bài thơ để chọn lựa phổ nhạc. Lẽ dĩ nhiên những hình ảnh này phải có “chất thơ” trong đó thì câu thơ đó mới hay, mới đẹp. Đối với NL thì cách dùng chữ của thi sĩ trong câu thơ đã nói lên sự trau chuốt, và kỹ năng về cách dùng chữ của người thi sĩ khi viết bài thơ đó rồi. Mặc dù nhiều khi cùng diễn tả một hình ảnh, nhưng mỗi thi sĩ sẽ có cách dùng chữ riêng của người đó. Đây là chỗ mà NL thiết nghĩ sẽ làm cho người đọc bài thơ “cảm nhận” được cái mà người thi sĩ muốn nói, không riêng gì NL. Trong những năm gần đây thì NL có chú trọng đến những bài thơ mang nhiều tính chất diễn tả thiên nhiên pha sự lãng mạn của tình cảm nhìn từ nhiều phía. Đối với NL, thiên nhiên lúc nào cũng mang đến cho con người một nét đẹp hết sức thanh tao và đầy sự hồn nhiên, một nét đẹp tự nhiên không pha trộn hay chịu ảnh hưởng của những yếu tố khác. Hơn nữa, khi thiên nhiên được mang vào thi ca thì đương nhiên vẻ đẹp của nó sẽ tăng lên gấp bội nhất là khi được trau chuốt, gọt dũa bởi những bậc thi sĩ lỗi lạc. Một bài thơ như thế, sẽ sẵn sàng làm rung động bất cứ con tim sắt đá nào ‒ nói gì đến một con tim đã có chứa sẵn chất âm nhạc như NL.

DTL: Kinh nghiệm cá nhân của Nguyên Long cho thấy thể thơ nào dễ phổ nhạc hơn cả? Thí dụ: năm chữ, bảy chữ, tám chữ hay lục bát?

NL: Thơ năm, bảy, hay tám chữ cho phép người nhạc sĩ tìm ra câu nhạc tương đối dẽ dàng hơn các thể thơ khác. Lý do là vì các câu thơ đều kết thúc giống nhau. Tuy nhiên nó lại rất dễ làm cho một bài hát trở nên nhàm chán vì cái tính giống nhau của nó. Hơn nữa, bài nhạc nào cũng cần phải có một điệp khúc cho nên đôi khi cách gieo vần trong những bài thơ thuộc thể loại này làm cho người nhạc sĩ khó tìm ra một đoạn điệp khúc cho tương xứng. Lý do là vì cách gieo vần của các loại thơ này thì nằm ở cuối câu mà lại là vần bằng. Cho nên nếu người nhạc sĩ muốn tìm một câu thơ có vần trắc ở cuối để nâng giòng nhạc lên thường hay gặp trở ngại là vì vậy.

Riêng đối với thơ lục bát thì do cách gieo vần đặc biệt của nó nên thơ lục bát thường thích hợp với những nhịp điệu lẻ như 3/4, 3/8, hay 9/8. Cho nên khi nhạc sĩ mang vào những nhịp điệu chẵn như 2/4 hay 4/4 thì câu nhạc hay bị xé lẻ ở câu tám chữ vì nó vần ở chữ thứ 6 với câu sáu chữ cho nên thường gây khó khăn cho người soạn nhạc. Cũng tương tự như thể thơ tự do, thi sĩ có thể dùng bao nhiêu chữ cho một câu thơ cũng được và có thể gieo vần hoặc không, khiến cho nhạc sĩ gặp khó khăn khi muốn tìm ra câu nhạc thích hợp cho loại thơ này. Tuy nhiên đối với NL thì khi thật sự chú tâm vào bài thơ thì nhiều khi những câu nhạc tìm ra lại mang một tính chất nguyên thủy rất mới lạ. Cho nên đôi lúc NL lại thích phổ nhạc những bài thơ loại này vì cái tính mới lạ của nó. Trong ý nghĩa trên căn bản tìm hứng khởi để sáng tác thì nó đã tạo cho NL một sự hứng thú đặc biệt trong lúc đi tìm những câu nhạc cho bài thơ. Lấy ví dụ như trong bài thơ “Điều Duy Nhất Cuối Đời/Em Nên Biết”, nhà thơ Du Tử Lê đã viết: “Khi em đến ngôi nhà kia đã có chủ mới - Viên gạch rêu dưới vòi nước rỉ còn đấy - Chỉ những con dế nơi hàng rào xi măng bị bệnh đậu mùa...” thì câu thơ đầu mười chữ và kết bằng chữ “mới” - vần trắc, và câu thứ hai chín chữ cũng kết bằng một vần trắc, và cho đến câu thứ ba 13 chữ mới kết vần bằng. Chỉ riêng hai chữ ở vần trắc này thôi thì khi câu nhạc được viết ra đã có một sắc thái đặc biệt, và làm cho câu nhạc có nét nguyên thủy khó bị pha trộn với những câu nhạc khác. Và đây là một trong những điều mà NL luôn để ý tìm kiếm cho những câu nhạc của mình.

DTL: Cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương từng cho biết, phổ thơ lục bát khó nhất ‒ Vì nó sẵn nhịp, sẵn điệu ‒ rất khó để phá cái dòng chảy đã thành bất đi bất dịch ấy. Quan điểm riêng của Nguyên Long là gì?

NL: Điều này rất đúng, thưa anh, vì như NL đã nói ở trên, thơ lục bát là một thể thơ đặc biệt trong ngôn ngữ Việt Nam, với cách gieo vần đặc biệt và thường phải tuân thủ theo luật bằng trắc để gieo vần. Vì vậy, nếu phổ nhạc thơ lục bát không khéo thì giai điệu của bài nhạc sẽ dễ bị lẫn lộn với những giai điệu của những bài nhạc khác. Theo NL thấy thì cái khó ở đây là việc đi tìm cho nó một giai điệu mới lạ. Mà, một khi nhạc sĩ muốn đem một giai điệu mới vào bài thơ thì luật bằng trắc của bài thơ nó cứ “sờ sờ” ra đó làm “kỳ đà cản mũi”. Lấy ví dụ như đến lúc câu nhạc phải đi lên thì lại bị cái vần bằng của câu thơ kéo xuống, cho nên câu nhạc đành phải uốn xuống cho thích hợp. Trong những thời gian gần đây, một số nhà thơ đã chú trọng đến việc cách tân thơ lục bát mà nhà thơ Du Tử Lê đã làm rất nhiều trong thơ của ông. Phương cách sử dụng dấu gạch tới (slash), thay đổi hệ thống bằng trắc, ngắt nhịp, ngắt câu, xuống hàng, hay bỏ bớt một chữ, hay thêm vào một chữ (dùng ngoặc đơn) trong bài thơ thì điều này, trong một phong cách nào đó, đã giúp cho NL tìm ra được những câu nhạc mới và nhịp điệu mới cho bài thơ.

DTL: Một câu hỏi rất thường, nhưng tôi nghĩ, có thể nhiều độc giả muốn biết: Tới hôm nay, Nguyên Long có được bao nhiêu sáng tác? Không phân biệt phổ thơ hay sáng tác từ nhạc tới ca từ?

NL: Nếu kể từ những ngày bắt đầu sáng tác thì NL có khoảng 350 bài anh ạ. Trong số này thì số nhạc Thánh ca đã chiếm đến gần một nửa rồi, còn lại một nửa kia thì một nửa của một nửa đó là nhạc phổ thơ. Trong số còn còn lại thì NL có khoảng 50 bài viết riêng cho thiếu nhi. Còn lại bao nhiêu là những ca khúc viết theo từng thời kỳ tùy theo hứng khởi và cảm xúc của mình.

DTL: Trước khi chấm dứt cuộc trò chuyện của chúng ta hôm nay, còn điều gì Nguyên Long thấy nên nói thêm nhất?

NL: NL chỉ muốn nói là ngoài một số những tập nhạc mà NL góp lại để dự trù xuất bản nhiều khi đã thất lạc... Thì vào năm 2010, NL đã xuất bản tập nhạc “Đàn Chim Trong Nắng” gồm 37 ca khúc viết cho thiếu nhi. Trong năm nay 2015 này, NL dự trù xuất bản tập “Cho Em Cội Nguồn” gồm 25 ca khúc viết về cội nguồn, và sau đó sẽ xuất bản tập nhạc “Nguồn Đọng Từ Thi Ca” gồm 60 ca khúc phổ thơ chọn lọc mà NL ưa thích.

DTL: Thay mặt quý bạn-đọc-thân-hữu, chúng tôi trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Nguyên Long qua những giây phút trải lòng của ông.

(Calif. May 6-2015)

 

Dưới đây là 2 trích đoạn, chúng tôi may mắn có được của chính tác giả hai tập nhạc mới, sẽ ấn hành trong năm nay, phản ảnh nỗi niềm đau đáu của Nguyên Long dành cho tuổi thở Việt Nam và, lòng biết ơn của ông cái mà ông gọi là thi ca, quà tặng của văn chương. Đó là tuyển tập nhạc “Cho em cội nguồn” và, “Nguồn đọng từ thi ca”.

Trân trọng kinh mời bạn-đọc - thân hữu thưởng lãm.

 

HÁT CHO TUỔI THƠ (trích)

... Hát về tuổi thơ và hát cho tuổi thơ là tự khóa mình vào khuôn khổ của sự hồn nhiên để có thể thoát ra khỏi những xiềng xích ngụy tạo của sự giả dối và đau khổ. Khi hát cho tuổi thơ, ta có thể trở về với tấm lòng hồn nhiên, trong sáng và bất diệt. Ta có thể kể lại cho nhau nghe những phiếm tình dấu yêu của một thời niên thiếu, với những chất liệu đầy tính cách tươi đẹp, ươm thơ, lắng đọng và tràn đầy sự êm ấm được bộc lộ theo những xúc cảm mang theo sự hiền hòa và chân thành nhất của con người - một xúc cảm tự nhiên, không xa hoa phù phiếm hoặc pha trộn tính cách giả tạo.

Trở về với tuổi thơ là trở về với những ước mơ bình dị - để trao đổi những hạnh phúc đơn giản, chưa biết đến những u ám, phong tỏa của đau khổ. Khi ta trở về với tuổi thơ, mây trời có thể lắng đọng, bóng trăng sẽ muôn đời chiếu sáng những màu thùy dương vào thực chất của thuở thiếu thời. Đó là một khoảng đời mà thời gian chỉ có thể bao hàm và cương tỏa những nỗi niềm vương vấn, dịu ngọt của cả một tuổi xuân thì.

Tuổi thơ quá êm đẹp. Tuổi thơ có quá nhiều những chân tình. Vì vậy chúng ta cần phải nâng niu và quý mến nó. Tuổi thơ của quê hương lại càng mang theo những kỷ niệm thật đơn sơ nhưng rất đằm thắm. Qua sự ngây ngô của con sáo, mùi hương mộc mạc của cái lược, tiếng kêu nỉ non của giun dế, màu sắc dịu ngọt nhưng lộng lẫy của những cánh bướm đã là những gì thật dễ thương, đầy ngây thơ và hoàn toàn trong sạch. Nó bao hàm một ước vọng cho chúng ta có thể nhận ra những rung cảm đầy hồn nhiên của thời mới lớn - một khoảng thời gian đã được thu gọn lại trong suốt cả một quãng đời mà con người không thể thiếu vắng.

 

TƯƠNG GIAO CẢM TÍNH GIỮA THƠ VÀ NHẠC

Cho dù chúng ta có gọi nó là gì đi chăng nữa thì khi âm nhạc và thi ca gặp nhau ở cùng một tụ điểm, thì nó vẫn là nguồn hạnh phúc vô biên của người tìm gặp được nó. Có thể, nhiều khi trong những lối nhỏ của tâm hồn âm nhạc, nơi mà thi ca đã len lỏi vào, cô đọng, lẩn quất, và biến hóa song hành với nhau để tạo nên những giai điệu mượt mà, lấp lánh...

Nơi đó, như người tìm được ánh trăng soi lối trên bước đường tìm kiếm hứng khởi, mặc dù, nhiều khi chỉ là những giây phút ngắn ngủi, nhưng cũng đã đủ để tạo dựng nên những hình hài, và từ đó sẽ khai sinh ra những bản thể, mà khi đến tai người thưởng lãm thì, có thể thấy được, và hiểu được từng giòng cảm xúc mà người thi sĩ đã trải qua khi đặt bút viết nên những giòng thơ đó...

Hành trình này, có thể gọi là sự tương giao tình cảm, hay giao hoán cảm xúc, hay sự sẻ chia tính đồng cảm, có cùng một cảm tính, hay bất cứ một tên gọi đồng nghĩa nào mà chúng ta muốn đặt cho nó, thì, điều chính yếu vẫn là sự cảm nhận của người nhạc sĩ qua những giòng thơ, là lúc mà khi người nhạc sĩ đọc lên, đã thấy trong đó một mẫu số chung, một sự cảm thông giữa hai tâm hồn, hai khối óc, mặc dù nhiều khi cả hai đều xa cách nhau đến cả ngàn dặm trường trên địa cầu rộng lớn này...

Cũng có thể gọi đó là niềm hạnh phúc, cho dù đôi khi đó chỉ là một niềm hạnh phúc nhỏ bé, bởi lẽ, đây là loại hạnh phúc tự nhiên, và chúng ta chỉ có thể nhận thấy được khi cố tâm đi tìm nó, mà, loại hạnh phúc này thì không có hình dạng, và lại càng không có một dấu ấn thiên nhiên nào để chúng ta có thể nhận dạng ra nó, ngoài những làn sương mong manh, lẩn quất của môi trường hứng khởi, điều mà ngay tự bản chất, có thể tan biến đi bất cứ lúc nào...

Đó là những phút giây mà chúng ta gọi là sự hòa nhập, một sự hòa nhập giữa hai giòng hứng khởi, với một bên là thơ và một bên là nhạc, điều mà tự bản chất cũng đã khác nhau trên nhiều phương diện, dẫu sao, cả hai vẫn có thể san sẻ, bổ túc cho nhau trên bước đường tạo dựng nên một bản thể mới, một bản thể lung linh, huyền diệu, với đầy chất thơ, chất nhạc mà, xưa nay chúng ta vẫn hay gọi là bài hát...

Như thế, thì đây chính là nỗi trăn trở, nhưng đồng cảm trên bước đường tìm hạnh phúc qua sự tương giao cảm tính và chia sẻ tâm hồn giữa thơ và nhạc vậy.

Nguyên Long

 

(Trích “Sơ Lược 40 năm VHNT Việt 1975-2015” – HT Productions + Amazon ấn hành tháng 7-2015)

 

Ý kiến bạn đọc
29 Tháng Mười Hai 20158:00 SA
Khách
Ban nhac "Tra Vinh" coi nhu ra dam ke tu ngay 26/12/2015 khi anh nghi choi. Anh nho dem theo may ly ca phe anh va toi da tung ngoi voi Du Tu Le o Cambridge. Hy vong thien duong ca phe se dam da nhu vay...
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Tư 20215:32 CH(Xem: 2815)
Nhà báo Phạm Kim, chủ nhiệm sáng lập kiêm chủ bút tuần báo Người Việt Tây Bắc, vừa qua đời lúc 6 giờ chiều Thứ Ba, 30 Tháng Ba, tại nhà riêng ở Bellevue, Washington, hưởng thọ 71 tuổi.
20 Tháng Ba 202110:45 SA(Xem: 3062)
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội.
18 Tháng Hai 20219:48 SA(Xem: 4426)
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ vừa ra đi tại Quận Cam, California, vào chiều Thứ Tư 17/2/2021.
16 Tháng Hai 20211:27 CH(Xem: 3151)
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng sinh năm 1959, tên thật là Trần Quang Đoàn, được bạn đọc nhiều độ tuổi yêu mến.
07 Tháng Hai 20219:07 SA(Xem: 3615)
Nhà thơ Tường Linh tên thật là Nguyễn Linh, sinh ngày 12 Tháng Mười Hai, 1931, tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn
06 Tháng Hai 20215:16 CH(Xem: 4441)
nhà văn Duy Lam, tên thật Nguyễn Kim Tuấn đã qua đời vào ngày 4 tháng 2 năm 2021 tại thành phố Fairfax thuộc tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.
31 Tháng Giêng 20211:53 CH(Xem: 3260)
Muốn thưởng thức tranh cô trực tuyến, vào www.AnnPhongArt.com.
24 Tháng Giêng 20212:37 CH(Xem: 3486)
Nhà thơ Kiêm Thêm từ trần ngày 22 Tháng Giêng, 2021, hưởng thọ 81 tuổi
16 Tháng Giêng 202111:40 SA(Xem: 4335)
Nữ danh ca Lệ Thu vừa qua đời vào lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, 15 Tháng Giêng, sau một thời gian bị nhiễm COVID-19
08 Tháng Giêng 20213:00 CH(Xem: 4392)
Nhạc sư: Henry Nguyễn Vĩnh Bảo/ Sinh ngày 19.8.1918/ Từ trần lúc 18h50 ngày 7.1.2021, đại thọ 104 tuổi.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12257)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18988)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8340)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30715)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22911)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19254)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24506)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,