Sinh ra trong một gia đình có bố là nhà thơ Đoàn Huy Giao, lớn lên trong không khí văn chương, Vũ Ngọc Giao yêu văn chương, xem đó như một nghề. Các nhân vật của chị viết đều mang dáng hình của những số phận giữa đời thường mà đâu đó chị từng bắt gặp, đặc biệt là những hoàn cảnh nghèo khổ xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn của chị.
Xuyên suốt hai mươi truyện ngắn là một âm hưởng trầm buồn. Nhân vật chủ đạo trong tập truyện này là nữ. Đồng thời, tất cả các truyện ngắn đều là chuyện khuất sau những mối tình. Có những mối tình tựa ngọn lửa vừa nhen nhóm rồi vụt tắt như “Đốm nắng cuối ngày”, “Giấc mơ trên đồi”. Những lứa đôi trong đó đã ươm mầm tình yêu, thế nhưng con tạo xoay vần khiến đôi người đôi ngả, kẻ ở lại dương gian, người phải về âm cảnh, cuộc tình như đóa hồng thắm bất ngờ trở thành những cánh tigon. Cũng có những cặp từng yêu nồng thắm và từng chia tay, mỗi người sống đời sống riêng của mình, nhưng trái đất xoay tròn, vô tình họ gặp lại nhau. Phải chăng bởi họ vẫn còn lưu luyến như nhân vật nam trong “Người đàn bà và chiếc dương cầm” đã tự vấn: “Không biết phép ma thuật nào đã đưa tôi đến đây, cho tôi lại được nhìn cô ấy.”. Còn người phụ nữ vẫn nhớ như in: “Người đàn ông của tôi cũng thường chơi những bản nhạc đó…” Chia tay, họ cất kỹ nhau ở một ngăn kéo nào đó tưởng chẳng bao giờ gặp lại, để rồi một ngày tình cờ cái ngăn ấy, mặc thời gian bụi phủ lại được kéo ra.
Vài truyện ngắn trong tập truyện này đề cập đến những thân phận mồ côi. Nhưng thực chất, đó cũng bắt nguồn từ những cuộc tình đã ký thác cho thế giới này một thiên thần, nhưng hạnh phúc không nảy mầm như “Sông góa”, “Con Dứt”. Đó giống như hiệu ứng domino vậy. Khi tình yêu ngã xuống, thì cuộc đời nhân vật cũng nghiêng theo. Con Lủng (Sông góa), và con Dứt là hai đứa trẻ mồ côi, đó là kết quả của những cuộc tình không “đến nơi đến chốn”. Dẫu rằng tác giả không kể lể dong dài, nhưng ta vẫn hiểu rằng đã từng có một tình yêu hoài thai những đứa trẻ bất hạnh ấy. Để rồi những đứa trẻ ấy sống trong sự kỳ thị, xa lánh khi tuổi thơ còn xanh lá mạ. Để rồi con Lủng lớn lên như cây cỏ ngoài đồng, còn con Dứt thì mặt lúc nào cũng buồn thiu thỉu. Mà thông qua đó, tác giả đã thể hiện chút lòng trắc ẩn của mình, cùng với đó là một thông điệp rất lớn cho những ai đang yêu và sẽ yêu.
Điều mà chúng ta thấy mới xuất hiện trong tập truyện này đó là không khí u ám, ma mị. Bầu không khí đó khiến người đọc sởn gai óc khi đi vào “Cõi trống” có căn nhà thoắt ẩn thoắt hiện, trong “Người đàn bà và chiếc dương cầm” với ánh mắt trân trối của những con búp bê, và “Con Dứt” với buổi chiều mưa ngồi trong miếu hoang và bị đồn là ma giấu. Trước kia, truyện ngắn và tản văn của Vũ Ngọc Giao cũng buồn rười rượi, nhưng chỉ khiến cho người ta khắc khoải, day dứt, đau cái đau của nhân vật. Nhưng nay, một dấu ấn mới trong truyện ngắn Vũ Ngọc Giao đã xuất hiện. Bắt đầu trong truyện ngắn Vũ Ngọc Giao đã xuất hiện yếu tố huyền ảo và hậu hiện đại.
Có thể nói, sau hai tập sách "Búp bê Matryoshka" và "Dòng chảy," tập truyện ngắn "Người đàn bà và chiếc dương cầm" là sự thành công nối tiếp thành công của Vũ Ngọc Giao, dù rằng những độc giả quen thuộc của chị cảm giác đôi khi nữ nhà văn vẫn chưa thật sự tỏa hết năng lượng của mình.
Gửi ý kiến của bạn