PHIẾN HẠ là tập thơ thứ ba của Trần Hạ Vi. Tác giả Trần Hạ Vi tên thật là Nguyễn Yến Ngọc, sinh và lớn lên ở An Giang, Việt Nam. Chị học ba bậc học ở thành phố Melbourne trong 12 năm sống ở Úc. Học bổng toàn phần chính phủ Úc (Đại học, Cao học) và học bổng trường Monash (Tiến sĩ ngành tài chính).
Trần Hạ Vi cùng chồng và con gái sang Canada từ năm 2015. Chị hiện là Phó Giáo Sư (Associate Professor) ngành tài chính tại trường Đại học Saint Francis Xavier (StFX), thuộc Nova Scotia, Canada. Thơ Trần Hạ Vi được đăng tải nhiều trên các báo, tạp chí, diễn đàn văn chương trong và ngoài nước. Các tác phẩm đã xuất bản của chị gồm: Lật tung miền ký ức (thơ, 2017), Vi (thơ, 2020), Phiến Hạ (thơ, 2024).
NHẬN XÉT CỦA CÁC NHÀ PHÊ BÌNH:
Trần Hạ-Vi's third collection of poems presents an intricate exploration of love, distinguished by a unique ekphrastic approach. While the theme of love is a perennial subject in poetry, Hạ-Vi's work stands out by deriving inspiration from visual representations of individuals she holds in high esteem. These individuals are celebrated for their virtues, intellect, style, physical appearance, body language, and other defining characteristics. Through engaging deeply with these images, Hạ-Vi captures both the visual and emotional essence of her subjects, crafting poems that offer a profound and humanistic treatment of love. This collection, with its nuanced perspective and artistic depth, is anticipated to resonate particularly with young adult readers, offering them a deeply satisfying and enriching experience.
-- Gjekë Marinaj, PhD
Tập thơ thứ ba của Trần Hạ-Vi diễn tả một cuộc khám phá phức tạp về tình yêu, nổi bật bằng cách diễn tả nghệ thuật độc đáo. Trong khi chủ đề tình yêu là chủ đề lâu đời trong thơ ca, tác phẩm của Hạ Vi nổi bật nhờ lấy cảm hứng từ hình ảnh của những cá nhân mà cô kính trọng. Những cá nhân này được tôn vinh vì đức tính, trí tuệ, phong cách, ngoại hình, ngôn ngữ cơ thể và các điểm đặc trưng khác. Thông qua việc gắn bó sâu sắc với những hình ảnh này, Hạ Vi nắm bắt được cả bản chất thị giác và cảm xúc của đối tượng, tạo nên những bài thơ sâu sắc và nhân văn về tình yêu. Bộ sưu tập này, với góc nhìn tinh tế và chiều sâu nghệ thuật, được kỳ vọng sẽ đặc biệt gây ấn tượng với độc giả trẻ tuổi, mang đến cho họ một trải nghiệm sâu sắc và phong phú. (bản dịch)
--TS., Nhà thơ Gjekë Marinaj
"Trần Hạ Vi luôn khát khao thành một người khác mỗi lần băng qua "cuộc chữ". Lý tưởng về sự khác ấy thường làm cho nữ sĩ chưa kịp nguôi thở dốc qua một chặng đường, lại rạo rực hướng đến một chủ đích mới. Dấu chân của chị thường mang cho người đọc sự quyến rũ, những hấp lực; kéo họ đến ranh giới của huyễn mộng và hiện sinh, tĩnh lặng và xung động, ngọt ngào và hoang dại... Những vết chân ấy làm cho thơ chị vang ngân mọi cung bậc của đời sống đương thời, và, cũng cho mỗi người đọc thấy mình rõ hơn, tự ngó được cả vào những góc khuất bí huyền, ẩn mật của chính họ. Người đọc khi ấy được thấy mình đẹp như một mạch nước ngầm, tinh tế như hơi sương, như phấn hoa, mong manh như tiếng một loài côn trùng vừa vọng trong đêm... Và cũng đôi lần, họ như bị Vi bắt quả tang, lột bỏ cái mặt nạ mà họ đang mang, tựa như bứng một gốc cây, bóc một củ hành, bắt một con sâu... Thơ Trần Hạ Vi đã tạo dựng một "thế giới mới phân cực nhiều chiều", "hồi sinh từ sạch trơn quên lãng", "phập phồng sợ hãi". Một thế giới hoang tưởng và đồng phục, cách biệt và nhiều cảm thông..."
Nhà thơ Mai Văn Phấn
Trần Hạ Vi là con chim sơn ca cất tiếng trong trời rộng, lao xuống trong bóng tối, hát về nỗi cô đơn và vẻ đẹp của kiếp người. Ngôn ngữ của chị có tính đối thoại, tính trình diễn, tính xã hội. Đó là ngôn ngữ của đời sống hôm nay, đầy thân xác, nhưng cao thượng, đáo để, gay cấn, riêng tư. Thơ ấy không đến từ hiểu biết mà đến từ nghi ngờ, tra vấn. Người đọc sẽ gặp chị trên những khúc quanh của đời mình, trong buồn đau của số phận hoặc trong vinh dự của tình yêu, vì thơ chị có cả hai thứ ấy.
Nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng
Cái tôi “Ngọc” náu nương vào hình ảnh thơ “Vi” để sống để tồn tại khách quan, cái tôi nửa muốn phá bỏ bạo loạn lật đổ nửa muốn giữ gìn sợ hãi câm nín. Thơ Vi hay người Vi đã nhập làm một trong THƠ giữa cái heo hút quanh năm lạnh giá miền Đông Canada. Không có thơ bầu bạn con chim yến nhỏ bé ấy làm sao sống cho qua mùa đông băng giá kinh hãi xứ người.
Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung
Tập thơ 186 trang, 15cm x 22cm. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020. Liên hệ tác giả: thotranhavi@gmail.com
-----------------------
Trích thơ Trần Hạ Vi trong tập PHIẾN HẠ:
HẠ THƯƠNG
Thu đến sớm đứng chờ ô cửa nhỏ
Phiến hạ gầy xanh xao
Cơn gió chở thơ cõng mùa thương nhớ
trốn vào rừng tùng xanh thẫm
Thơ đến từ đâu
nếu không phải từ chúng ta
Nhánh tường vi nhạt màu
thì thầm lời yêu quyển sách
“Em có cần thiết cho anh không?”
“Và anh sẽ yêu em bao lâu?”
“Anh sẽ yêu em thật lâu
ngay cả sau khi em chia tay anh
ngay cả sau khi em bỏ đi
lâu hơn em tưởng”
Nhánh tường vi mỉm cười
“Anh sẽ sống lâu hơn em
trong lòng người
trong lòng đời
chỉ cần cho em dựa vào lòng anh
vài giây phút thôi
một cái ôm cũng là đủ”
Vầng trăng thở dài lẳng lặng
nghe câu chuyện tình hoa-sách năm xưa
Em tựa vào lòng anh
nước mắt lưa thưa
Se se gió dỗ chiều vào mộng
CỦ HÀNH
Mỗi cuộc trò chuyện
của chúng ta
là một lần cởi vỏ
Áo quần son phấn vài lớp vải lớp sơn
chiều sâu tâm hồn
thăm thẳm
Anh cởi mở với em một lần
cũng là tự rọi vào lòng mình thêm lần nữa
Căn phòng bí mật có nhiều cánh cửa
Mở khóa một lần
lại thêm cửa bên trong
Rất nhiều câu chuyện đã thuộc nằm lòng
khi kể ra
lại mang nhiều ý nghĩa khác
Những ký ức ngỡ ẩn sâu phần vỏ não lười nhác
nhoi nhói phận mình
thở nhịp đau chung
Mỗi lần thổ lộ cứ ngỡ kết cùng
Chỉ để mở ra nhiều nhận thức mới
Thành La Mã không xây trong một ngày*
Hãy kiên trì cùng anh trên dặm dài vạn lý
Dẫu ta có thể yêu nhau
và chẳng cần hiểu gì nhau
Anh - củ hành mộc mạc
chiều nay
cởi thêm một lớp
làm mắt em cay...
*ngạn ngữ
THÈM
Con thèm một tiếng ầu ơ
Trời trưa nắng... võng ngẩn ngơ sau vườn
Con thèm manh chiếu nát giường
Chen chen chúc chúc vẹt sờn mảnh chăn
Thèm nghe một tiếng cằn nhằn
Lời kinh mẹ đọc tiếng răn ngọt lòng
Thèm thêm miếng bưởi miếng bòng
Tướp tươm nước bọt trưa chồng bóng sân
Con thèm đôi phút ân cần
Mẹ ngồi vá áo chỉ lần tay run
Thèm nghe cơm réo nắp vung
Dẻo tay mẹ xới bập bùng trắng thơm
Con thèm, thèm lắm vòng ôm
Da mồi bạc tóc mẹ hôm sớm chiều
Mẹ ngồi lẩm nhẩm câu Kiều
Con mơ mải mốt cánh diều tuổi thơ
SINH SAU 1975
Em đọc
dòng văn học tiền chiến
dòng văn học hiện đại đầy hoài niệm
Những ký ức đạn bom gầm rú
những ngày nằm rừng đói khổ
manh áo nâu thủng lỗ chỗ
chiếc ấm trà miệng vỡ
hoa văn lệch như một tiếng thở buồn
Từng dòng từng dòng ký ức tuôn
ra từ những tâm hồn giàu có
nung nấu
ấp ủ
đau đáu
những vết thương lên da non
rồi làn da sậm màu mưa nắng
nhưng vẫn chưa lành
Em
rỗng không ký ức
chẳng nhớ gì trước năm mười sáu tuổi
miền quê yên ả
tuổi thơ bị đánh cắp
sau chiếc kính cận dày
và những quyển sách giấy vàng nâu
rụt rè một đứa trẻ đầy mặc cảm lo âu
Em đã vẫy đôi cánh
bay qua đêm sâu
bay qua khoảng trời rộng
hành trang là một vùng trống rỗng
không tên
Em đứng lên
tự đói nghèo câm lặng
Chỉ có bản thân mình
Chỉ dựa vào bản thân mình
lẳng lặng mà đi
vấp té
lại đứng lên
lẳng lặng mà đi
Ký ức của em đâu
em còn nhớ gì
mẹ cha chật vật lam lũ
căn gác gỗ cũ
mái nhà bằng tiếp lô
rào rạt những mùa mưa
cây trứng cá lá lưa thưa
khoảng sân tròn đầy nắng
Ký ức của em đâu
sinh ra giữa mùa không bom đạn
chỉ đói nghèo làm bạn
quấn mãi đôi bàn chân
Em đã bay đi
giữa vùng ánh sáng phân kỳ
Bay đi
giữa bao lần bụng đói
Em đã chọn quên
quên
quên
quên
lãng quên mãi miền ký ức
để sống cho hôm nay
cho một ngày
như mọi ngày
đón ánh hồng lên
Em đã quên
quên
quên
vùng trời đau khổ
ẩn ức vụn vỡ
quên
quên
tuổi thơ bị đánh cắp
chẳng quay về...
CHIẾC ÁO ĐỎ SÂN BAY KABUL 2021
Đeo bám cánh máy bay
Sân bay Harmid Karzai
Tháng tám đỏ lửa một mùa hè bỏng rát
Hàng ngàn người
Người Mỹ đã bỏ Kabul
2021
Người Mỹ đã bỏ Sài Gòn
Bốn mươi sáu năm về trước
Chiếc áo đỏ trên đường băng
Phủ tấm thân xám lạnh
Em đã chết trên đường chạy trốn
Khỏi xứ sở quê hương mình
Nằm giữa con đường tơ lụa cuộc chiến chinh
Em đã không còn có thể khóc
Không còn nghe sa mạc hun cát nóng
Phỏng đôi bàn chân
Sẽ chẳng có biển Đông trào sóng nhấn chìm thuyền
Chỉ có những con đường máu mòn gót chân gai sắc
em đi
em đi
về đâu
về đâu
Tấm vải đỏ phủ cặp mắt nâu
Mấy mươi triệu phụ nữ rùng rùng che mặt
Hai mươi năm tự do
Hai mươi năm dân chủ
đã qua
đã qua
Anh khóc bằng cặp mắt em hôm qua
Trên mái đầu những đứa con đã chết
Những đứa con Afghanistan
Nửa triệu nắm xương tàn
Thống khổ
Ly tan
COVID-19 xác chết ngổn ngang
Vẫn không đáng sợ bằng Tiểu vương quốc Taliban Hồi giáo
cực đoan dã man bạo tàn
rủ rỉ dối lừa nhen nhóm
Lịch sử lập lại
thêm một lần
thêm thống khổ
31 triệu dân
Máu em nhuộm đỏ phi trường
Đừng nhỏ nước mắt khóc thương
Anh hãy vui mừng
Em không bị hãm hiếp
chà đạp
chém đầu
Linh hồn em bay cao bay cao
Trên những chiếc khăn trùm đầu
màu xám đen u ám
Hãy thay em nuôi dưỡng những bọc trứng tương lai
Kết nối cùng đàn tinh trùng hy vọng
Để có một ngày
Tái thiết Afghanistan
Nước Mỹ đã bỏ Kabul
Nước Mỹ đã bỏ Sài Gòn