PHẠM CHU SA - Trần Tuấn Kiệt: Niềm hoan lạc, thần linh và ngục tù

10 Tháng Mười 202210:37 SA(Xem: 2672)
PHẠM CHU SA - Trần Tuấn Kiệt: Niềm hoan lạc, thần linh và ngục tù

Trần Tuấn Kiệt là một nhà thơ lớn. Không chỉ vì anh từng hai lần đoạt giải Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc (VNCH) - thường được gọi là “Giải thưởng Tổng Thống” vì do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khởi xướng thành lập năm 1967. Trần Tuấn Kiệt đoạt Giải nhất bộ môn Thơ năm 1967 - 1969, nhưng được công bố đầu năm 1970 ( nên nhiều người nhầm anh đoạt giải năm 1970) với tập thơ “Lời gởi cây bông vải”. Và giải nhì năm 1972 với tập thơ “Niềm hoan lạc, thần và ngục tù”. Việc tập thơ “ Niềm hoan lạc…” chỉ đoạt giải nhì đã gây ra nhiều tranh luận khá gay gắt trên báo chí giữa các vị giám khảo bộ môn thơ. Một scandale văn chương bấy giờ.

Tưởng niệm 3 năm ngày mất Trần Tuấn Kiệt, tôi xin kể lại vài kỷ niệm nhỏ với một nhà thơ lớn - một Thi Sĩ đích thực.

Một sáng cuối năm 1988, tôi gặp Thi sĩ Trần Tuấn Kiệt ở quầy sách Trẻ - nhà xuất bản Trẻ trên đường Thái Văn Lung ( năm 1997 đường này được phục hồi tên cũ là Alexandre de Rhode). Anh mang mấy cuốn sách dạy võ do anh soạn, xuất bản trước 1975, đến bán bản quyền cho Lê Nguyên Đại - bạn tôi, chủ quầy sách Trẻ - cũng là cộng tác viên nhà xuất bản Trẻ, xin phép tái bản. Đại lưỡng lự nói, trước giờ có in sách võ đâu. Nhưng vì rất quý Trần Tuấn Kiệt nên Đại tạm ứng cho anh mấy chục đồng, hứa để xem có in được không. Đại nhờ tôi đọc vì nghĩ rằng tôi gốc Bình Định chắc biết võ, nhưng tôi có biết võ vẽ gì đâu. Tuy vậy tôi cũng cầm mấy cuốn sách cũ, nhiều chỗ nhòe và rách, lật xem qua mấy trang. Chưa đọc nội dung, tôi thấy mấy hình vẽ hướng dẫn các thế võ rất cẩu thả. Tôi nói với Đại nếu in phải nhờ họa sĩ có tay nghề vẽ lại các thế võ thật chính xác để người mới học có thể tập. Trần Tuấn Kiệt nghe tôi nói, anh bảo hồi đó mình bán bản thảo, trả tiền xong họ in thế nào mình cũng phải chịu thôi!…

Rất lâu không gặp Trần Tuấn Kiệt, trông anh còn lè phè hơn xưa. Hai anh em ngồi cà phê vỉa hè trước nhà xuất bản Trẻ. Anh mang đôi dép nhật mòn gót. Tôi biết anh đi bộ từ Thị Nghè qua. Thấy tôi áy náy, anh bảo, mình khó khăn nhưng nhiều anh em còn khốn khổ hơn. Nhất là các bạn đi tù cải tạo về. Tôi ngạc nhiên khi biết anh bị tù cải tạo đến gần mười năm! Anh từng trốn lính, bị tù trong chế độ cũ, chẳng phải “ngụy quân - ngụy quyền” gì, cũng không phải là nhà văn chống cộng như Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Trần Dạ Từ… Tôi nêu thắc mắc nhưng Trần Tuấn Kiệt nói, thôi bỏ qua đi. Anh nói lảng sang chuyện khác. Anh hỏi tôi có biết tin Duyên Anh bị đánh ở Mỹ đến liệt nửa người không. Tôi nói có nghe, nhưng không biết chính xác. Tôi nói, từ hồi Duyên Anh tù cải tạo về năm 1981, tôi có gặp nhiều lần đến lúc anh đi vượt biên năm 1983. Có khi tôi đến nhà anh, có lúc anh ghé chỗ tôi bán thuốc tây nhờ tôi chở đi đâu đó. Chính Duyên Anh kể tôi nghe việc người ta đồn thổi về cái chết của Nguyễn Mạnh Côn có liên quan đến anh. Anh nói chỉ khi trong tù mới chung phòng với ông Côn, chứ sau này khi ra lao động cải tạo anh ở đội khác, ông Côn đội khác, đâu có liên hệ gì. Anh Kiệt gật gù. Trước 1975, tuy Trần Tuấn Kiệt và Duyên Anh không thân lắm nhưng tôi thấy họ quý nhau, khi gặp gỡ tay bắt mặt mừng. Đặc biệt tuy cùng có tính cách ngang tàng, nhưng khác là Trần Tuấn Kiệt không gây ân oán với ai, còn cái “cốt nhà báo” Thương Sinh trong con người nhà văn Duyên Anh đã gây không biết bao nhiêu ân oán. Nhiều người thù ghét anh tung tin đồn thổi là Duyên Anh làm ăng-ten trong tù. Chính những lời đồn thổi ác ý đó đã khiến Duyên Anh bị mấy kẻ cực đoan ở Mỹ đánh đến tàn phế!

Trần Tuấn Kiệt hỏi tôi lúc này làm gì, tôi nói bán sách báo cũ và viết lai rai cộng tác với vài tờ báo. Cái sạp báo nhỏ của tôi gần nhà thờ Huyện Sĩ, buổi tối nhà thơ Vương Tân thường ghé lại ngủ. Anh Kiệt ngạc nhiên hỏi sao anh Vương Tân lại ngủ sạp báo? Tôi nói, theo lời anh Vương Tân kể: Anh tổ chức vượt biên dưới Mỹ Tho bị bể, phải tránh lên Sài Gòn ở nhờ nhà Phạm Kiều Tùng. Ban ngày anh Vương Tân đạp xe đi loanh quanh, ăn uống qua loa, gặp gì ăn nấy, tối về nhà anh Tùng ngủ. Nhà Phạm Kiều Tùng nuôi nhiều chó, tối nào Vương Tân về chó cũng sủa vang. Bố anh Tùng lớn tuổi rất khó chịu. Vương Tân rất ngại. Anh bảo tôi, thôi để tớ ngủ giữ sạp báo cho cậu luôn! Anh nói đùa chứ sạp có mấy cuốn sách cũ có gì mà giữ. Tôi sang sạp báo này cốt làm chỗ để anh em gặp nhau chơi, chứ buôn bán mấy cuốn sách cũ được mấy đồng! Sạp báo có tấm ván nhỏ chỉ đủ chỗ cho nhà thơ Vương Tân - tức nhà báo kỳ cựu Hồ Nam ngả lưng, chiếc xe đạp anh phải để bên ngoài và khóa vào cửa sợ bị trộm lấy thì coi như cụt chân!

Nghe tôi kể xong, Trần Tuấn Kiệt nói: Hồ Nam là nhà báo cực kỳ năng nổ. Nhưng mình thích thơ Vương Tân hơn. Vương Tân là một trong vài nhà thơ đương đại làm thơ năm chữ rất hay. Rồi anh móc túi ra chia đôi số tiền mà bạn tôi vừa tạm ứng, bảo tôi đem về đưa cho Vương Tân. Tôi rủ anh ghé quán bia hơi gần đó làm vài ly, nhưng anh bảo phải về có việc. Tôi chở anh về tới đầu hẻm gần ngả tư Hàng Xanh, anh bảo thôi để mình đi bộ vào. Chiều đó về sạp báo gặp Vương Tân, tôi đưa tiền Trần Tuấn Kiệt gửi, anh Vương Tân khá ngạc nhiên bảo, mười mấy năm không gặp mà nó còn nhớ gửi tiền cho! Tôi nói thêm, anh Kiệt mới nhận tiền ứng bán bản quyền mấy cuốn sách cũ, đưa cho anh một nửa đấy! Vương Tân rất cảm động, hỏi tôi địa chỉ nhà anh Kiệt. Tôi bảo chỉ chở anh ấy về tới đầu hẻm, ảnh ngại sao đó không cho tôi chở vào nhà. Nhưng tôi biết đó là nhà cũ của Hà Thúc Sinh trong khu cư xá hải quân.

Hà Thúc Sinh tên thật Phạm Vĩnh Xuân, là sĩ quan hải quân, chơi rất thân với Trần Tuấn Kiệt. Hồi anh Kiệt trốn lính, đi đâu anh cũng kêu Hà Thúc Sinh xách xe jeep chở đi. Có lần tôi đang ngồi quán cà phê trước trường trung học Phước An, Thị Nghè ( trường tư của giáo xứ Thị Nghè, sau 1975 bị sung công, chuyển thành trường công lập đổi tên là Phù Đổng) - nơi tôi dạy sử địa một thời gian ngắn thay người bạn bị động viên Thủ Đức. Hà Thúc Sinh chở anh Kiệt chạy ngang thấy tôi, bèn dừng lại rủ lên xe đi lai rai mấy chai 33. Uống được mấy ly, Sinh cà khịa Trần Tuấn Kiệt: “Tôi mới đọc truyện kiếm hiệp của ông, thấy buổi sáng thằng kiếm khách đang ở đâu gần Vạn Lý Trường Thành, mà buổi chiều hắn đánh nhau ở Giang Nam. Chắc tay kiếm khách này đi máy bay hả?” Trần Tuấn Kiệt bảo để tao về kiếm cái bản đồ Trung Hoa cổ mới được. Hôm sau anh ra nhà sách Khai Trí xin ông Nguyễn Hùng Trương cuốn “Lịch sử Triết học Trung quốc” của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê về xé tấm bản đồ Trung quốc cổ làm “bản đồ chỉ đường” cho mấy tay kiếm khách của truyện kiếm hiệp Trần Tuấn Kiệt! Ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí, thường được gọi là ông Khai Trí - người rất yêu quý Trần Tuấn Kiệt, đã in bộ “Thi ca Việt Nam hiện đại 1880-1965” dày 1200 trang và nhiều tác phẩm khác của Trần Tuấn Kiệt. Hà Thúc Sinh biết Trần Tuấn Kiệt chưa có nhà, trong khi Sinh vừa được ông bố mua cho một căn nhà trong khu cư xá Tự Do gần ngả tư Bảy Hiền sau khi cưới vợ. Hà Thúc Sinh bán rẻ căn nhà ở cư xá hải quân cho Trần Tuấn Kiệt. Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hà Thúc Sinh tức Hải quân đại úy Phạm Vĩnh Xuân tham gia trận hải chiến với hải quân Trung Cộng bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Hải quân Việt Nam thua trận, Sinh và một số chiến hữu bị quân Trung cộng bắt, đến 27 / 2 / 1974 mới được thả tại Hồng Kông. Sau 30 /4 /75 Sinh đi học tập cải tạo đến đầu năm 1980 được thả về. Tình cờ sau 1975 tôi trôi dạt về ở khu Ông Tạ gần nhà Hà Thúc Sinh nên thường gặp nhau khi Sinh đi tù cải tạo về, chờ cơ hội vượt biên. Vốn là sĩ quan hải quân nên Hà Thúc Sinh được nhiều người tổ chức vượt biên mời làm tài công. Sinh ngại gặp gỡ bạn bè cũ, nên cũng không gặp lại Trần Tuấn Kiệt. Vượt biên thành công sang Mỹ định cư, Hà Thúc Sinh tiếp tục làm thơ, viết nhạc, dịch sách, viết truyện…“Đại học máu” là tác phẩm nổi tiếng của Hà Thúc Sinh. Có lẽ do tác phẩm này mà hơn bốn mươi năm nay Hà Thúc Sinh chưa một lần về thăm lại Việt Nam? Cuối năm 2016 sang Mỹ, tôi rủ họa sĩ Rừng lên San Jose chơi. Rồi nhờ bạn đồng nghiệp ở báo Thanh Niên ngày trước là Lê Đình Bì, đương kim Tổng giám đốc Viettoday TV chở tôi và họa sĩ Rừng đi Sacramento thăm Hà Thúc Sinh…

Chợt anh Vương Tân hỏi : “Cậu có biết vụ lùm xùm Giải thưởng Thơ toàn quốc năm 1972 giữa hai tập thơ “Thuả làm thơ yêu em” của Trần Dạ Từ và “ Niềm hoan lạc, thần linh và ngục tù” của Trần Tuấn Kiệt không?” Tôi nói hồi đó tôi theo dõi chuyện này rất kỹ, vì cả hai nhà thơ họ Trần tôi đều biết và rất quý. Anh Vương Tân nói, mình đặc biệt thích nhiều bài thơ năm chữ trong tập “Em còn hái trái” của Kiệt thấm đẫm không khí Đường thi! Tôi nhắc lại lời Trần Tuấn Kiệt nói khi sáng rằng “Vương Tân là một trong vài nhà thơ đương đại làm thơ năm chữ rất hay”. Tôi hỏi Vương Tân, anh đã đọc tập “ Niềm hoan lạc, thần linh và ngục tù” chưa? Anh bảo hồi đó Kiệt có tặng nhưng mình bận quá, mang theo tính đọc thì bị mất, rồi không gặp Kiệt để xin tập khác. Tôi nói, hầu hết thơ trong tập này Trần Tuấn Kiệt viết trong tù, anh viết như nhập đồng, đọc thấy sởn da gà! Tựa tập thơ như tóm lược tính cách và cuộc đời Trần Tuấn Kiệt!

“Thủa làm thơ yêu em” là tập thơ tình có nhiều bài rất hay…Tôi nghĩ cả hai tập thơ của hai nhà thơ họ Trần đều xứng đáng đoạt giải nhất! Đó là vụ tranh luận khá gay gắt trên báo chí giữa các vị giám khảo bộ môn Thơ gồm Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Hà Thượng Nhân và một người nữa tôi quên tên... Nguyên Sa muốn trao giải nhất cho tập thơ “ Niềm hoan lạc…” của Trần Tuấn Kiệt. “ …để Kiệt có thể ra tù nhận giải” - Nguyên Sa viết trên tuần báo Khởi Hành ( bấy giờ anh Kiệt đang ở tù vì tội bất phục tùng hay đại loại như thế ). Về hình thức, tôi nhớ tập thơ “Thủa làm thơ yêu em” của Trần Dạ Từ ấn loát công phu, trình bày tuyệt đẹp với nhiều phụ bản màu; trong khi tập “ Niềm hoan lạc, thần linh và ngục tù” của Trần Tuấn Kiệt mỏng manh chừng hơn trăm trang, trình bày sơ sài, đơn giản, bìa chỉ có chữ in một màu. Tập thơ gồm những bài Trần Tuấn Kiệt viết trong tù, toàn bộ theo chủ đề “Niềm hoan lạc, thần linh và ngục tù”. Tôi nghĩ tập thơ in ra chủ yếu để dự giải. Cuối cùng thì tập “ Thủa làm thơ yêu em ” đoạt giải nhất, tập “ Niềm hoan lạc, thần linh và ngục tù ” giải nhì! Tôi nghĩ, có lẽ vì trước đó vài năm Trần Tuấn Kiệt đã đoạt giải nhất rồi?

Trần Tuấn Kiệt làm thơ dễ như lấy đồ trong túi. Đều là thơ hay. Anh bảo đã làm mấy ngàn bài, không thể nhớ hết. Khoảng hai mươi năm trước, trong một bữa nhậu ở quán Đất Phương Nam - lúc đó Nguyễn Lương Vỵ đang làm Phó giám đốc hãng phim tài liệu Nguyễn Đình Chiểu. Vỵ mời Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Tôn Nhan và tôi. Nhan và Vỵ đều là bạn thân của tôi. Nguyễn Lương Vỵ rất quý trọng thơ Trần Tuấn Kiệt và thân thiết với anh. Hôm đó anh bệnh không uống được nhiều. Tôi đùa, không uống được thì làm thơ nhé, đại ca. Nghĩ là nói đùa cho vui, nhưng anh nói, ừ thì làm thơ chơi. Chỉ chừng hơn một giờ Trần Tuấn Kiệt vừa uống hết một chai bia vừa làm xong ba bài thơ: một bài năm chữ, một bài bảy chữ và một bài lục bát, trong khi chúng tôi mỗi thằng mới uống được ba chai bia! Mấy năm sau Nguyễn Lương Vỵ sang Mỹ đoàn tụ gia đình, nhưng mỗi lần về quê Quảng Nam thăm mẹ xong, vào Sài Gòn, Vỵ đều đến thăm anh Trần Tuấn Kiệt. Vỵ thường rủ Nhan cùng đi. Sau khi Nhan mất, Vỵ về được vài lần đều rủ tôi đi thăm anh Kiệt. Thời gian sau này anh Kiệt bệnh nhiều, không nhậu và ngại đi xa nên ba anh em chỉ ra quán cà phê đầu hẻm gần nhà anh ngồi nhâm nhi cà phê kể chuyện ngày xưa!

Chuyện ngày xưa của Trần Tuấn Kiệt thì vô cùng. Anh bước vào làng văn làng báo rất sớm. Ban đầu anh ký bút hiệu Sa Giang gửi đăng trên Văn hóa Ngày Nay, lọt vào mắt xanh của chủ nhiệm Nhất Linh, được nhà văn lừng lẫy - chủ soái Tự Lực Văn Đoàn Nhất Linh giới thiệu rất trân trọng. Rồi Sa Giang Trần Tuấn Kiệt cộng tác với tạp chí Phổ Thông, lập tức được nhà thơ cách tân nổi danh từ thời tiền chiến Nguyễn Vỹ - chủ nhiệm kiêm chủ bút Phổ Thông trân trọng mời vào hội Tao Đàn Bạch Nga, tham gia ban giám khảo cuộc thi thơ của Hội khi mới ngoài hai mươi! Trần Tuấn Kiệt được nhà phê bình nổi tiếng khó tính Tam Ích viết giới thiệu, đánh giá cao văn tài của anh. Trần Tuấn Kiệt làm thơ như anh ăn ngủ thở, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu. Anh là cây bút đa dạng đa tài viết đủ lĩnh vực: Biên khảo có bộ sách “Thi ca Việt Nam hiện đại 1880- 1965 ” dày 1200 trang. Trong bộ sách này, những nhà thơ tên tuổi, anh còn giới thiệu nhiều cây bút mới do anh phát hiện. Anh viết mấy chục bộ truyện kiếm hiệp, truyện thần thoại ký các bút hiệu Hồng Lĩnh Sơn, Lan Sơ Khai, Xuân Thu. Anh còn viết cả sách tư tưởng với tên Duy Thức, Việt Hoàng…Anh là cao thủ Tây Sơn Nhạn - một phái trong Thiếu Lâm nội quyền, nên có thời gian anh dạy võ, biên soạn sách võ ký bút hiệu Phi Long, Hồng Lĩnh...

Viết nhiều, viết đủ thể loại nhưng người ta chỉ nhớ Trần Tuấn Kiệt là một nhà thơ. Một Thi Sĩ đích thực. Tôi nhớ năm 1970, khi có độc giả gọi nhà thơ Viên Linh là thi sĩ, anh đã viết trả lời trên tuần báo Khởi Hành mà anh là Tổng Thư ký, đại ý: “Ở Việt Nam chỉ có năm nhà thơ xứng đáng gọi là Thi sĩ: Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Đức Sơn và Trần Tuấn Kiệt”.

Ba năm trước, ngày 9 tháng 10 năm 2019, Phan Nhật Nam từ Mỹ gọi về hỏi, toa có biết Trần Tuấn Kiệt mới mất hôm qua chưa? Tôi bảo chưa. Anh nói, toa có đi phúng điếu Trần Tuấn Kiệt nhớ phúng điếu lũy giúp moa. Tối đó tôi đến phúng điếu và viết vào sổ tang ghi cả tên Phan Nhật Nam và tên tôi. Anh Nam còn gởi tôi ảnh chân dung Trần Tuấn Kiệt anh ký họa bằng bút bi ở Lái Thiêu năm 1993 trước khi anh đi định cư ở Mỹ.

Năm 1990 Phan Nhật Nam mới ở tù về, ở nhà bà mẹ vợ một thời gian trong khi vợ anh đang ở Mỹ. Thấy nhiều người tìm đến thăm hỏi, anh sợ phiền gia đình vợ và cũng ngại không muốn gặp, anh dọn đến ở nhà tôi một thời gian ngắn khi anh bị té gãy chân. Sau đó anh lên Lái Thiêu thuê một khoảnh đất nhỏ trong vườn măng cụt, cất một căn nhà lá nhỏ ở một mình, anh chỉ cho vài bạn thân biết. Có lần tôi lên thăm, nhậu say ngủ lại, phải trải chiếu nằm ngủ nửa trong nửa ngoài, vì căn nhà nhỏ chừng 10 mét vuông để bàn ghế tủ giường chật cứng. Trần Tuấn Kiệt lên thăm trước khi Phan Nhật Nam đi Mỹ. Hai người lai rai, Phan Nhật Nam muốn lưu hình ảnh bạn hiền nhưng bấy giờ không có máy ảnh cũng chưa có smartphone để chụp ảnh, chàng bèn lấy bút bi vẽ đại chân dung Thi Sĩ để lưu niệm. Còn căn nhà nhỏ trong vườn măng cụt Lái Thiêu, Phan Nhật Nam tặng cho một người đàn bà trẻ anh bất ngờ gặp trên cầu Bình Lợi, khi chị ôm con chuẩn bị nhảy cầu tự tử, anh vội quăng xe phóng tới giữ được mạng sống cho hai mẹ con, rồi đưa về Lái Thiêu cho chị căn nhà lá và toàn bộ đồ đạc trong nhà cho chị ta trước khi anh bay đi Mỹ.

P.C.S
(8.10.2022)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Tám 20229:52 SA(Xem: 1764)
Là nhà thơ nổi tiếng nhưng lúc sinh thời, Vũ Hữu Định chưa in được một tập thơ.
30 Tháng Tám 20225:13 CH(Xem: 1845)
"Hoàng Cầm là tên một vị thuốc đắng... Tên nó vận vào người".
28 Tháng Tám 20224:22 CH(Xem: 1921)
Thái Thanh khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, lời nhạc mà như một tiên tri của Phạm Duy….
26 Tháng Tám 20229:31 SA(Xem: 2634)
Đầu năm 1955, ngẫu nhiên đưa đẩy, tôi được học Văn với một người thầy bất ngờ: nhà văn Đoàn Phú Tứ.
24 Tháng Tám 202212:00 CH(Xem: 2127)
Tấm lòng một người chồng, một người tình. Tấm lòng một người lính. Tấm lòng một nhà thơ.../ Một màu tím cứ day dứt mãi lòng người!
19 Tháng Tám 20229:21 SA(Xem: 1621)
Hãy ngủ, ông nhé và tôi tin rằng những gì ông để lại thế gian này cũng thiên thu không kém…
01 Tháng Bảy 20222:42 CH(Xem: 2032)
Cuộc họp đã thành công mỹ mãn sau khi ông Tố Hữu đọc một bản báo cáo dài: Bọn Nhân Văn - Giai phẩm trước toà án dư luận.
27 Tháng Sáu 20229:39 SA(Xem: 2068)
Câu hỏi, “Độc giả của Xuân Diệu là ai?” hóa ra lại không dừng lại ở câu chuyện văn chương hay thương mại, mà đó là một chất vấn về hệ giá trị của một cộng đồng, một thời đoạn lịch sử.
23 Tháng Sáu 20221:01 CH(Xem: 2388)
Thưa ông, đâu là ranh giới giữa ca khúc phổ thông và ca khúc nghệ thuật?
04 Tháng Sáu 20226:34 CH(Xem: 2248)
Ông Tăng Duyệt say mê âm nhạc, tính tình hào hoa phong nhã, và thích giao du với giới ca sĩ, nhạc sĩ thời ấy.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17038)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8334)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,