PHẠM CHU SA - Nguyên Sa: "Làm thơ hay dễ lắm"

27 Tháng Hai 202310:33 SA(Xem: 1648)
PHẠM CHU SA - Nguyên Sa: "Làm thơ hay dễ lắm"

Thi sĩ Nguyên Sa là người viết lời tựa cho tập thơ đầu “Những nụ tình xanh” của tôi. “Bài ngắn Phạm Chu Sa” - tựa anh viết về tôi và thơ tôi như một bài thơ. Nhiều bạn tưởng tôi quen thân nên nhờ anh viết. Thật ra trước đó tôi chỉ biết Nguyên Sa chứ không quen. Một sự tình cờ - hoặc có thể gọi là “cái duyên” khi bạn tôi, họa sĩ Lê Vĩnh Ngọc, cộng tác viên thường trực chuyên vẽ bìa và minh họa cho tuần báo Tuổi Ngọc, là người vẽ bìa tập “Thơ Nguyên Sa” cùng tập truyện giáo dục “Gõ đầu trẻ” nên quen biết anh. Khi tôi chuẩn bị in tập thơ “ Những nụ tình xanh”, Ngọc bảo, tao nghĩ mày nên nhờ Nguyên Sa viết tựa. Tập thơ tình của nhà thơ trẻ được “thi sĩ của tình yêu” nổi tiếng viết tựa là nhất. Tôi nói, tao ngại vì không quen ông ấy. Ngọc nói hôm nào mày đi với tao, mang bản thảo đưa ảnh luôn. Một bữa Ngọc rủ tôi đến thăm Nguyên Sa. Anh chỉ tiếp chuyện mươi phút vì anh sắp tới giờ đi dạy. Nguyên Sa dạy triết lớp đệ nhất các trường Chu Văn An, Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo… nên anh khá bận. Ngọc giới thiệu tôi rồi đưa bản thảo tập thơ tôi cho Nguyên Sa, nhờ anh viết tựa. Nguyên Sa nói để anh ấy xem. Anh hẹn tôi cuối tuần trở lại. Nhưng tôi chưa đến thì anh đã viết xong và gửi Lê Vĩnh Ngọc. Tôi chuyển nhà xuất bản in vừa kịp phát hành đúng sinh nhật tôi. Ngọc cũng là người vẽ bìa tập thơ tôi. Bạn còn bỏ tiền in tặng cái bìa bao, gửi cho nhà xuất bản Đồng Dao bọc ngoài tập thơ.

Nhà xuất bản Đồng Dao do nhà thơ Hoàng Đình Huy Quan sáng lập. Khai trương Tủ sách Thi Ca của nhà Đồng Dao là tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và Tôi” của Nguyễn Bắc Sơn. Tập thơ tôi là ấn phầm thứ tư của Tủ sách. Kế đó là tập thơ “Dạo núi mình ta” của Hà Thúc Sinh. Tôi mới quen biết, chỉ gặp nhau một vài lần chứ chưa thân với Huy Quan. Một lần Quan đến gặp tôi ở tòa soạn Tuổi Ngọc, rồi kéo nhau ra quán cà phê cóc đầu hẻm trò chuyện. Lần khác Quan từ Rạch Giá - hình như là nơi anh dạy học, lên Sài Gòn ghé nhà thăm tôi rồi bảo, bạn gom thơ đưa mình in một tập thơ chơi! Tôi lừng khừng vì chưa tính chuyện in thơ, nhưng rất quý thịnh tình của bạn, nên sau đó cũng gom được mấy chục bài gởi Quan “in một tập thơ chơi”! Hoàn cảnh ra đời tập thơ đầu của tôi như thế.

Mới 5 giờ sáng, Quan đã bảo tôi chở anh ra bến xe về Tuy Hòa. Anh bảo, mình có cái thú đến bến xe lúc tờ mờ sáng, ngồi quán cà phê cóc nhìn ngắm những người vội vã khởi hành. Quan rất thích những chuyến đi. Nhất là đi về phương Nam. Bạn rất thích bài “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính. Hoàng Đình Huy Quan cũng có một bài Hành phương Nam rất hào sảng, dự kiến in trong tập thơ “Anh gửi cho em những trái tim hồng”. Nhưng hình như sau đó không in vì không thấy Quan gửi tặng. Sau tháng Tư 75, Quan đổi bút hiệu thành Huỳnh Quang Nam để tham gia Hội Văn nghệ Thị xã Tuy Hòa (hay Hội Văn nghệ tỉnh Phú Yên?) và cũng có in một vài tập thơ, nhưng nhanh chóng chìm vào quên lãng vì không tạo được ấn tượng gì. Năm 1995, Huy Quan - bấy giờ là Huỳnh Quang Nam, có ghé báo Thanh Niên thăm tôi. Tôi cũng đến thăm nhà anh ở Thị Nghè. Nhưng sau này bạn đổi nhà, tôi mất liên lạc hai mươi mấy năm nay.

Thơ in xong, tôi đến thăm Nguyên Sa, tặng anh tập thơ và cám ơn anh về lời tựa. Nguyên Sa cười bảo, hôm nay tôi mới có thời giờ nhìn kỹ cậu. Đẹp trai, nghệ sĩ, chắc đào hoa lắm. Nhưng coi chừng đời sẽ khổ vì… đào hoa! Tôi không ngờ đó là lời “tiên tri” của “Thi sĩ của tình yêu”. Rồi anh ký tặng tôi tập “Thơ Nguyên Sa” bìa tranh Lê Vĩnh Ngọc tuyệt đẹp và tập truyện “Gõ đầu trẻ” bìa cũng của Ngọc vừa in xong, đang đóng xén tại nhà in Ngôn Ngữ mà anh mới lấy vài cuốn. Bìa cũng của Lê Vĩnh Ngọc. Nhà in Ngôn Ngữ khá khiêm tốn với chiếc máy in nhỏ gọn, chuyên in thơ văn của anh và thân hữu, nằm đối diện nhà anh bên kia hẻm. Nhà Nguyên Sa là căn biệt thự nằm ở cuối hẻm, sau lưng trường trung học Văn Học của vợ chồng anh. Trường trung học Văn Học sau 30 tháng Tư 1975 “được” chính quyền tiếp quản rồi chuyển đổi công năng. Tôi nhớ có lúc nó trở thành Viện Puskin, rồi chuyển thành văn phòng của một công ty gì đó, rồi văn phòng đại diện phía Nam báo “Giáo dục & Thời đại”. Kế đó là tòa soạn bán nguyệt san “Thế Giới mới”… Nhà in Ngôn Ngữ cũng “đuợc” tiếp quản và phân phối cho các phóng viên, nhân viên báo Tuổi Trẻ. Tôi còn nhớ căn phòng ngay nơi đặt máy in ngày trước được cấp cho nhà báo - nhà văn Lê Văn Nghĩa - thư ký tòa soạn Tuổi Trẻ cười. Còn mấy căn phía trước cấp cho nhà văn - nhà báo Đào Hiếu, nhà thơ - nhà báo Hoàng Thoại Châu… Khoảng năm 1989 - 90, tôi thường ghé chơi nhà Đào Hiếu. Đứng trên lầu nhìn sang trường Văn Học cũ và căn nhà xưa của Nguyên Sa cảm thấy ngậm ngùi.

Tôi nhớ trong một lần trả lời phỏng vấn của tuần báo Tuổi Ngọc do Nguyễn Mai thực hiện, thi sĩ Nguyên Sa đã nói “Làm thơ hay dễ lắm. Thơ hay như một đường gươm bén. Làm thơ dở mệt lắm, giống như đi cày!” Khi gặp anh, tôi nói rất tâm đắc câu nói về chuyện làm thơ hay của anh. Nguyên Sa nói thêm, thật ra không có thơ dở. “Cái gọi là thơ dở không phải là thơ!” Nguyễn Mai vốn là cây bút truyện ngắn cộng tác với tạp chí Trình Bày. Mai quen biết Nguyên Sa vì anh ở trong nhóm Trình bày với GS Nguyễn Văn Trung, LM Thanh Lãng và nhà văn Thế Nguyên - chủ nhiệm tạp chí Trình Bày - nên anh mới trả lời phỏng vấn. Nguyên Sa nói, anh không có thời giờ và ngại các phóng viên hỏi, ghi chép nhưng về có khi viết sai ý mình, phiền lắm. Nguyễn Mai phỏng vấn Nguyên Sa khi còn cộng tác với tuần báo Tuổi Ngọc. Sau đó anh rời Tuổi Ngọc qua làm tuần báo Mây Hồng, tôi về thế chỗ anh.

Thơ in xong, từ Tuy Hòa, Hoàng Đình Huy Quan gửi vào cho tôi 100 cuốn. Bạn viết thư bảo, nhuận bút cậu đó. Thật ra bạn in tặng và ủng hộ thôi, chứ làm gì có nhuận bút. Bởi thơ thời nào cũng khó bán - trừ các tác giả rất nổi tiếng. Nên hầu hết tác giả phải bỏ tiền túi ra in thơ, phần lớn để tặng, còn một ít đem ký gởi các nhà sách để bày trên kệ như một cách giới thiệu - mà có khi họ không nhận. Huy Quan in giúp là quý rồi, còn gởi cho trăm tập nữa, tôi rất cảm động. Tôi dành 50 cuốn để tặng, còn 50 cuốn mang đến nhà sách Khai Trí ký gởi. Thật may, đến xớ rớ chưa biết hỏi ai thì được gặp ông chủ nhà sách - mà mọi người hay gọi là “ông Khai Trí”. Ông xem qua tập thơ rồi bảo cô nhân viên vô quầy làm thủ tục thanh toán hết cho tôi một lần. Với giá bìa 200 đồng, trừ phần trăm chiếc khấu, tôi nhận được 6.000 đồng. Tôi cảm ơn, ông Khai Trí vỗ vai tôi nói, có bao nhiêu đâu, trả luôn để cậu có khí thế làm thơ tiếp! Tôi hiểu ông muốn khuyến khích một nhà thơ trẻ. Tôi cũng thầm cảm ơn chủ nhà xuất bản - nhà thơ Hoàng Đình Huy Quan. Rồi nhẩm tính với sáu ngàn nhuận bút tập thơ có thể mời mấy bạn thân nhậu được vài chầu. Dĩ nhiên nhậu bình dân thôi!

Nhân đây tôi xin viết đôi điều về “Ông Khai Trí” mà có lẽ nhiều người đã từng mua sách, đọc sách “ké” tại chỗ ở nhà sách Khai Trí trước 1975 ở Sài Gòn quan tâm nhưng chưa biết: Ông tên là Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức, từng học trung học Petrus Ký. Năm 1952 ông mở nhà sách Khai Trí tại số 60 - 62 Lê Lợi quận 1, Sài Gòn. Đây là nhà sách tự chọn đầu tiên trong cả nước và cho đọc sách tại chỗ. Những năm cuối 1960 - đầu 1970, ông từng tài trợ tuần báo Thiếu Nhi của nhà văn Nhật Tiến và tập san Sử Địa của Nguyễn Nhã. Sau 30 / 4 /1975, nhà sách Khai Trí bị tịch thu, ông chủ bị bắt đi tù. Khi bị đưa đi lao động cải tạo ở trại tù Z 30 C, ông cùng tổ lao động sản xuất với nhà văn Duyên Anh và nhà thơ Lam Giang. Sau khi tù cải tạo về, Duyên kể: mỗi sáng anh cùng với ông nhà thơ và nhà xuất bản kiêm chủ nhà sách nổi tiếng đổ nước quậy thùng phân của tù nhân (người miền Bắc gọi thứ này là phân bắc). Rồi ông Khai Trí với nhà thơ Lam Giang đẩy xe phân, Duyên Anh nhỏ con, ốm yếu nên chỉ phải múc nước phân tươi tưới rau! Duyên Anh gọi đây là “chiếc xe văn hóa” (bởi được vận chuyển bởi một ông nhà văn, một ông nhà thơ và một ông làm xuất bản kiêm chủ nhà sách nổi tiếng!). Sau này tình cờ gặp ông Khai Trí ở nhà xuất bản Thanh Niên khi ông từ Mỹ về lại Việt Nam làm sách, tôi hỏi ông chuyện Duyên Anh đã kể, ông gật gù. Ông nói, nhớ lại hồi ấy hàng ngày đổ nước vào thùng quậy phân người nghĩ lại rùng mình! Ông Khai Trí được gọi là “Người mê sách”. Sau khi đi tù cải tạo về, ông được bảo lãnh sang Mỹ định cư. Nhưng ít lâu sau ông nhớ quê, nhớ sách, ông quay về nước làm sách dưới hình thức liên kết với các nhà xuất bản. Ông làm được 15 đầu sách trước khi mất vào ngày 11 / 3/ 2005.

Vì yêu thơ Nguyên Sa, tôi theo dõi hầu hết các hoạt động văn chương, học thuật của anh từ nửa cuối những năm 1960. Năm 1966, Nguyên Sa bị động viên, sau khi ra trường được biệt phái về dạy lại. Anh xuất bản tập thơ “Những năm sáu mươi” với nhiều bài thơ đau đáu về thời cuộc, chiến tranh và thân phận con người thời chiến… Nguyên Sa cũng dính vào vài scandale trong giới văn chương. Như trận bút chiến giữa Nguyên Sa và Trần Phong Giao. Tôi nhớ Nguyên Sa gọi Trần Phong Giao là tên sa - đích văn nghệ! Dĩ nhiên anh ký tên khác - hình như là Hư Trúc. Nhưng sau đó anh giải thích đại ý anh đã ẩn ý cho biết tên anh: “…hắn hiện NGUYÊN hình là tên SA- đích văn nghệ!”. Sau này thỉnh thoảng tôi ghé nhà thăm anh. Có lần tôi hỏi anh về chuyện lùm xùm chấm giải thưởng Thơ của Giải Tổng Thống năm 1972, mà anh là thành viên Ban giám khảo bộ môn Thơ. Nguyên Sa bảo, anh chấm giải nhất tập thơ “Niềm hoan lạc, Thần linh và Ngục tù” của Trần Tuấn Kiệt, nhưng kết quả năm này tập thơ “Thuở làm thơ yêu em” của Trần Dạ Từ đoạt giải nhất; tập “Niềm hoan lạc…” chỉ giải nhì. Nguyên Sa nói, không phải vì Kiệt vốn là học trò cũ mà moa chấm giải nhất. Đó là tập thơ hay. Và anh cũng muốn Trần Tuấn Kiệt đoạt giải nhất sẽ được ra tù! (Bấy giờ anh Kiệt bị tù ở Chí Hòa tội liên quan tới giấy tờ trốn lính sao đó). Tuy vậy Trần Tuấn Kiệt cũng được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký lệnh ân xá ra tù trước thời hạn. Anh Kiệt chỉ ngồi tù hơn một năm...- Trần Tuấn Kiệt kể với tôi.

Cuối năm 1974, Nguyên Sa lập tờ Nhà Văn, nhưng chỉ mấy số thì đến biến cố 30 tháng Tư 75. Tháng 1 / 75, khi tôi từ Ban Mê Thuột về lại Sài Gòn, ghé thăm anh Duyên Anh và Đinh Tiến Luyện ở tòa soạn Tuổi Ngọc trên lầu nhà in Nguyễn Bá Tòng góc đường Bùi Thị Xuân – Bùi Chu (Tôn Thất Tùng hiện nay), tình cờ tôi cũng gặp Nguyên Sa ở đây. Vì tòa soạn tờ Nhà Văn ở cùng tầng với Tuổi Ngọc. Giọng trầm buồn, anh hỏi thăm chuyện đời lính thú của tôi ở cao nguyên. Anh nói có đọc bài “Trường Sơn hành” của tôi trên Văn, anh hỏi Nguyễn Xuân Hoàng mới biết tôi đã bị bắt lính. Anh nói nhẹ nhàng, thơ hay, giọng thơ lạ và hào sảng lắm! Tôi chưa kịp cảm ơn nhận xét của anh thì lại bất ngờ khi anh nhắc bài hành “Bắc Phương từ” của tôi trên nguyệt san Tiền Phong do Du Tử Lê - thư ký tòa soạn, gửi anh. Tôi nói, đó chỉ là phần mở đầu của trường ca “Bắc Phương hành” (rất tiếc ba phần sau dài khoảng hơn 400 câu đã bị thất lạc khi tôi để bản thảo lại nhà anh chị trên Ban Mê Thuột. Đầu tháng 1 /75 tôi đào ngũ về Sài Gòn, thì ngày 10 / 3 / 75 BMT thất thủ, anh chị tôi sợ quá đốt hết tài liệu, bản thảo của tôi!). Nguyên Sa bảo tôi gửi bài cộng tác với tạp chí Nhà Văn của anh. Tôi về chép mấy bài thơ và một tản văn gửi anh. Nhưng báo chưa kịp in thì biến cố 30 tháng Tư ập đến! Cùng tầng với tuần báo Tuổi Ngọc và tạp chí Nhà Văn còn có Tổ hợp xuất bản Hải Âu, Nhà xuất bản Bạn Ngọc…

Nhà xuất bản Bạn Ngọc vừa ấn hành truyện dài “Những ngày tươi đẹp” - tác phẩm thứ hai của Nguyễn Thanh. Tập truyện đầu tay của anh “Ví dụ ta yêu nhau” đã gây sự chú ý trong làng văn. Nhân dịp này tôi mới gặp Nguyễn Thanh Trịnh - một cây bút vốn là nhà giáo đang dạy học ngoài Bình Thuận - với văn phong mới lạ, xuất hiện trên Tuổi Ngọc vài năm trước. Buổi ra mắt sách của Nguyễn Thanh Trịnh (sau 1975 đổi bút hiệu mới là Đoàn Thạch Biền) rất vui bằng một chầu nhậu say bí tỉ mà lâu lắm tôi mới lại được tham gia ở Sài Gòn. Chầu nhậu do giám đốc nhà xuất bản Bạn Ngọc là kiến trúc sư Trần Đại Hoàn Ngọc - em họ của nhà văn Nhã Ca chiêu đãi.

Nguyên Sa rời Việt Nam sang Pháp năm 1975, rồi có tin gia đình anh chuyển sang Mỹ ba năm sau đó, định cư ở California. Tôi không được gặp lại anh, nhưng qua thư từ bạn tôi ở Mỹ là Hà Thúc Sinh, tôi biết ra nước ngoài anh tiếp tục làm thơ và làm báo trở lại. Anh chủ trương tạp chí Đời; cơ sở xuất bản Đời. Và tiếp tục in “Thơ Nguyên Sa” 2, 3, 4 và gom hết lại in “Thơ Nguyên Sa toàn tập”…

Xin có đôi lời lạm bàn về thơ Nguyên Sa. Nhiều nhà phê bình nói rằng Xuân Diệu là “Vua Thơ Tình” thời tiền chiến, còn Nguyên Sa là “Vua Thơ Tình” đương đại. Tôi không thích thơ tình Xuân Diệu. Mặc dù thi sĩ có làm mới ngôn ngữ tình yêu, trau chuốt và cách tân nhưng tình yêu trong thơ Xuân Diệu, theo tôi, không sâu đậm nếu không nói là kiểu cách, bóng bẩy và hời hợt. Kiểu như “Yêu là chết ở trong lòng một ít”! Tôi thích thơ tình Nguyên Sa. Từ nhạc điệu tới từ ngữ. Dù là một giáo sư triết học nhưng ngôn ngữ thơ Nguyên Sa giản dị, gần gũi với đời thường. Cả thơ bảy chữ, tám chữ vần điệu mượt mà lẫn thơ tự do vẫn có nhịp điệu rất riêng - không thể nhầm lẫn. Dù những chữ những câu có lúc lập đi, lập lại nhưng vẫn rất thú vị chứ không gây nhàm chán: “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt / Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa /Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về / Và đêm ơi, xin cứ dài vô tận…” (Tháng sáu trời mưa). Hoặc “Mai tôi ra đi chắc trời mưa / Tôi chắc trời mưa mau / Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội / Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau…” ( Paris). Hoặc bài thơ anh viết tặng người yêu (sau này là vợ anh) mà anh ví như con chó ốm, con mèo lười vẫn rất dễ thương: “Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm / Như con mèo ngái ngủ trên tay anh / Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình / Để anh giận sao chả là nước biển…” (Nga). Hoặc bài thơ được Ngô Thụy Miên phổ nhạc rất được yêu thích là bài “Áo lụa Hà Đông”: “ Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông / Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng / Thơ của anh vẫn nguyên màu lụa trắng / Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn / Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh…” Đặc biệt bài “Tuổi mười ba” được nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ nhạc có những câu tuyệt hay: “ Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng / Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay / Trời nắng ngạt ngào… tôi ở lại đây / Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng…/ Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc / Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường / Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương / Tôi pha mực cho vừa màu áo tím…” . Vần điệu thơ Nguyên Sa đầy nhạc tính nên các nhạc sĩ rất thoải mái khi phổ nhạc. Nguyên Sa cho rằng thơ có vần thật sát sẽ gây nhàm chán. Vần điệu không nhất thiết sát hẳn vẫn ra bài thơ hay. Như nhiều bài thơ Nguyên Sa gần như có vần mà đôi chỗ như thơ tự do: “ Tôi muốn ví mắt em như một vì sao / Chưa có ở trên trời / Một vì sao ngủ muộn hơn sao hôm / Dậy sớm hơn sao mai / Mà lòng tôi vẫn nhìn / Chưa bao giờ chớp mắt / Như em vẫn nhìn / Nụ cười của em / Trong mắt tôi…” ( Tự Do)

Nguyên Sa không chỉ là “vua thơ tình” trong hơn 20 năm văn học miền Nam, anh còn là một nhà thơ dấn thân. Với những bài thơ mang nặng nỗi niềm ray rứt thân phận con người trong cuộc chiến tương tàn trong tập “Những Năm Sáu mươi”. Ngay cả trong tập “Thơ Nguyên Sa” xuất bản trước đó khá lâu, thi sĩ đã mơ hồ thấy bóng dáng của cuộc chiến ý thức hệ, về một tương lai u ám: “Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt / Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư /…/ Năm ngón tay có bốn mùa trái đất / Chúng tôi cầm rớt mất một mùa xuân / Có cất tiếng đòi to. Tiếng đời rơi rụng / Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn…” (Bây giờ). Những năm sau này ở nước ngoài, khi đã cao tuổi, Nguyên Sa làm nhiều thơ lục bát. Tôi thích giọng lục bát “rất Nguyên Sa”: “ Trời đang nắng hóa trang mưa / Bôi sương lên núi, thoa mù lên cây / Rừng thành chiếc áo choàng bay / Em thành cô bé rất gầy gò xưa / Tóc thành mây hóa trang thơ / Buổi chiều trong hóa trang mưa tuyệt vời (Hóa Trang)…
P.C.S
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Tư 20248:23 SA(Xem: 3)
Cuối cùng thì người nghệ sĩ là một trong những người hào phóng nhất, luôn chăm chỉ với sứ mệnh tô đẹp thế giới, cuộc đời. Vẽ hoài. Viết hoài. Cho hoài.
07 Tháng Tư 20249:05 SA(Xem: 283)
Ngày nhỏ chúng tôi căng miệng hát một cách thích thú bài nhạc chế
27 Tháng Ba 20248:29 SA(Xem: 354)
Ai là một ví dụ có ích cho những cố gắng của các nhà văn đương đại viết tiếng Việt,
16 Tháng Hai 20244:27 CH(Xem: 884)
Cuối cùng thì, sau hơn bốn mươi năm vắng mặt, Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại được, giờ đây, rót đầy tràn ly, trên tay mỗi người dân nước Việt, cùng nâng lên, cùng hát vang, cùng chúc vang một mùa xuân:
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 1260)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
25 Tháng Giêng 20249:05 SA(Xem: 985)
Với tôi, Phạm Duy là Người gieo hương.
15 Tháng Mười Hai 20234:33 CH(Xem: 1051)
“Người đi qua đời tôi / Hồn lưng miền rét mướt / Đường bay đầy lá mùa / Vàng xưa đầy dấu chân / Lòng vắng như ngày tháng…”
08 Tháng Mười Hai 20239:13 SA(Xem: 1032)
Thơ bà, hòa trộn giữa nét âm trầm, sâu kín, dịu dàng của xứ Huế và nét xông xáo, cởi mở, sẵn sàng đón nhận, hóa giải nhẹ nhàng mọi vấn đề của kiểu Sài Gòn,
21 Tháng Mười Một 20239:39 SA(Xem: 1157)
Năm 1997, bố tôi, nhà thơ Trần Dần mất tại Hà Nội.
11 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 8365)
Tôi gặp bà lúc nhà thơ Huy Cận còn tại thế. Hai lần gặp, bà như cái bóng bên cạnh chồng.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17070)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19002)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9185)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14021)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19191)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7907)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8505)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21741)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19800)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18061)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24516)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,