Sự chênh lệch của khoảng cách giàu nghèo thì ai cũng nhìn thấy nhưng sự chênh lệch giữa tiền bạc và văn hóa thì ít người biết đến.
------------
Giả sử vào một buổi tối của năm 1986, có một cô gái ở ngoại ô Hà Nội, sau khi đi chơi về, đi ngủ và giấc ngủ của cô ấy liền một mạch giờ mới tỉnh dậy…
Sáng nay, cô gái đi vào thành phố thì chắc chắn cô sẽ bị lạc. Đương nhiên, vì cảnh xưa người cũ đâu còn như trước.
Quá nhiều đường sá mới, phố phường mới, nhiều cầu to cầu bé, nhiều khu đô thị tên nước ngoài, nhiều chung cư lênh khênh. Đã vậy lại còn bị hoa mắt vì quá nhiều xe cộ, chả thiếu thương hiệu gì Âu, Mỹ, Nhật xe nào cũng đẹp, cũng bóng nhoáng.
Quá nhiều quần áo, váy xanh đỏ hàng hiệu nõn nà, thơm phức. Quá nhiều biển quảng cáo ngang dọc, quá nhiều đèn đóm lập lòe nhấp nháy, giăng mắc khắp phố phường. Quá nhiều đình chùa, mới toe, rối rắm cầu kỳ và những pho tượng tạc đẽo bôi chát bằng sơn công nghiệp kệch cỡm, dị hợm, lòe loẹt.
Thế thì làm gì cô gái ấy chả lạc. Tuy nhiên lạc đường thì chả sợ, cô ấy sẽ dừng lại hỏi đường, sẽ vẫn đi đến nơi về đến chốn nhưng lạc lõng thì chịu chết, chả ai giúp cô ấy được đâu. Con tàu tốc hành của đời sống hôm nay không còn chỗ cho những người vẫn giữ nếp sống cũ. Hành khách của chuyến tàu hôm nay phần đông là những người “nhanh nhẹn”, “năng động”, quyết liệt, thực tế, toan tính… họ có cùng chí hướng lao đến cái ga vật chất, bất chất một đời sống tinh thần ngày càng nghèo nàn.
Lật lại xấp ảnh cũ, chân dung người Việt cách đây mấy chục năm khác xa bây giờ, họ lành hiền, chất phác, họ cũng nhanh nhẹn cũng quyết liệt chứ, nếu không thì họ đi qua hai cuộc chiến để đến ngày thống nhất sao được. Những người Việt hôm nay cũng là người Việt, họ chính là con cháu của người Việt mấy chục năm trước nhưng tôi thấy họ hình như không còn là người Việt nữa.
Người Việt hôm nay dữ tợn quá, bạn có đi đường trường mới cảm nhận rõ: mạnh ai nấy đi, ai cũng mạnh, cũng khỏe, cũng hừng hực, lạng lách đánh võng, vượt ẩu, đua chen bằng mọi cách, bất chấp tính mạng của mình và người khác, coi thường luật lệ giao thông. Số lượng người chết vì tai nạn giao thông ngày càng tăng, hễ va chạm xe cộ thì sẵn sàng ẩu đả. Vô số vụ đánh nhau, chửi nhau, đâm chém chỉ vì những nguyên nhân rất bình thường, chỉ vì một câu nói, một ánh nhìn… Một bộ phận không nhỏ người Việt hôm nay coi đánh đấm là phương cách duy nhất để “nói chuyện phải trái” thì phải?
Nguyên nhân sâu xa của mọi câu chuyện trên là ở văn hóa. So với thời điểm cách đây vài thập kỷ thì văn hóa nền của người Việt hôm nay đã tụt xuống một bước.
Đổi mới và phát triển kinh tế là hoàn toàn đúng nhưng giá như nên chú trọng phát triển song song cả văn hóa và kinh tế. Thậm chí phát triển văn hóa trước đã rồi hãy phát triển kinh tế, văn hóa phải đi trước thì đó mới là phát triển đúng nghĩa, đó mới là phát triển bền vững. Chính vì không coi trọng văn hóa nên cái lối sống chạy đua theo vật chất, coi vật chất là giá trị sống, là giá trị duy nhất đang ngày càng phổ biến, lấn át và thắng thế.
Tinh thần trọc phú đang áp đảo và ngự trị ở mọi ngóc ngách đời sống từ trên xuống dưới, từ thành thị đến nông thôn. Sự nguy hiểm là nông thôn, làng xã nơi sinh ra, nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị căn cốt của tinh thần Việt, văn hóa truyền thống Việt (cái lũy tre văn hóa của làng) tưởng như không bao giờ bị vỡ bởi vì đã được thử thách qua bao thăng trầm của lịch sử nay bắt đầu vỡ nát. Tại sao hơn 2.500 năm không vỡ, không mất, nay phát triển có mấy chục năm đã vỡ?
Văn hóa vừa trừu tượng vừa cụ thể, nó ẩn hiện, nó có có không không mà bao trùm lên toàn bộ đời sống, chi phối mọi mặt của đời sống, đời sống mỗi cá nhân, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Tất cả những nhếch nhác hôm nay đều có nguyên nhân từ sự xuống cấp văn hóa. Lạ là ở chỗ thời chiến tranh gian khổ, thời hậu chiến đói nghèo văn hóa nền của xã hội lại cao hơn bây giờ, khi mà cuộc sống đã no đủ hơn, bát cơm đầy hơn, miếng thịt to hơn, quần áo lành lặn hơn, nhà cửa xe cộ bóng nhoáng hơn. Tiếc là chỉ có mấy chục năm mà văn hóa lại xuống cấp nhanh như thế.
Nếu muốn đắp lại để cái nền (văn hóa) bằng với cái nền cũ thì không thể mấy chục năm là xong bởi vì phá thì dễ thì nhanh, xây thì khó và tốn thời gian hơn nhiều. Chưa kể chả nhẽ chỉ nỗ lực để bằng cái cũ. Thế mới thấy cái giá để có được thành tựu kinh tế hôm nay là quá đắt. Thậm chí không bõ, thêm được tí GDP, tí tiền mà mất văn hóa như vậy thì đúng là được không bõ với mất.
Vẫn biết rằng phát triển kinh tế thì nhanh và dễ hơn phát triển văn hóa nhưng chẳng nhẽ người ta cứ mải làm giàu mà không cần xây dựng cho mình những kiến thức tối thiểu về văn hoá nghệ thuật, hình như họ không có nhu cầu tự nâng mình lên.
Sự chênh lệch của khoảng cách giàu nghèo thì ai cũng nhìn thấy nhưng sự chênh lệch giữa tiền bạc và văn hóa thì ít người biết đến.
Giảm bớt điều này chắc chắn cũng là một yếu tố tạo ra sự ổn định xã hội. Chả lẽ người ta cứ làm giàu, cứ giàu, cứ sôi sục chạy theo vật chất, cứ sống mà không cần quan tâm đến chất lượng sống. Sống không chỉ là chuyện thọ yểu và có bao nhiều tiền mà là sống thế nào.
Con người luôn có 2 phần hồn và xác, thân và tâm, thân thể và tâm hồn. Thân thể cần được nuôi dưỡng ngày 3 bữa cơm, mệt mỏi ốm đau thì thuốc men, đói ăn khát uống. Tâm hồn cũng vậy, cũng cần nuôi dưỡng, tâm hồn cũng đói khát nhưng chỉ khác với thân thể ở chỗ tâm hồn cần thức ăn tinh thần chứ không thể mổ tim, cắt não ra rồi đổ bát phở tái nạm gầu gân 2 trứng hoặc cao lương mỹ vị vào để cho tâm hồn no nê được.
Để làm đẹp, làm giàu có tâm hồn thì phải đọc sách, xem tranh, nghe nhạc, kho tàng cổ nhạc của dân tộc cũng như thế giới. Phải có niềm vui khi đi thư viện, khi tới bảo tàng. Phấn đấu để có một đời sống tinh thần vương giả mới khó chứ còn chỉ lao theo vật chất, hùng hục kiếm tiền, coi tiền là lẽ sống, tôn thờ chủ nghĩa vật chất, luôn dán đồng tiền lên đỉnh đầu thì thật tội nghiệp. Hình như những người có tiền ở Việt Nam không hề có nhu cầu tự học hỏi để nâng tầm văn hóa của mình lên thì phải. Mà xin lỗi khi họ tự học hỏi để nâng văn hóa của họ lên, họ có một đời sống tinh thần đẹp hơn lên thì ấm vào thân họ trước.
Nhìn những người có tiền ở Việt Nam thật đáng thương, cũng uống rượu nhiều tuổi, cũng phì phèo xì gà, xe hơi đời mới, nhà cao to lênh khênh kiểu cách kiến trúc lẩu thập cẩm, 5 cha 3 mẹ tí Pháp tân cổ điển lai tí Ý, tí Ả Rập… thế mà chơi toàn gỗ lũa, sư tử đá theo mẫu Lion King, đồ gốm Tầu rởm, nghe nhạc sến, treo tranh chép tranh nhái hoặc tranh đá quý (thực ra là đá rải đường nhuộm phẩm màu).
Còn một số những người rất rất nhiều tiền, những chủ doanh nghiệp to thì sao? Thử hỏi những ông bà chủ buôn đất, chủ resort hotel, chủ gỗ, chủ gạch, chủ sữa, chủ nhà băng ấy mấy đời nữa mới biết chia sẻ cho xã hội thông qua sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, tài trợ in sách kinh điển, tài trợ cho những tài năng âm nhạc, các chương trình âm nhạc, sân khấu thể nghiệm, xây dựng bảo tàng…
Bảo tàng là nơi tốt nhất để mọi người có thể đến để học hỏi, tự trang bị cho mình những kiến thức phổ thông nhưng giả sử bạn có mặt ở các bảo tàng, Bảo tàng Lịch Sử, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Dân tộc học trong một ngày thì thử hỏi có mấy lần bạn gặp các nghệ sỹ, các ngôi sao, các thương gia, các chính khách ở đó. Huống hồ là người lao động bình thường. Các bảo tàng ở Việt Nam vẫn chỉ là điểm cho khách du lịch nước ngoài.
Tại sao lại chỉ đặt ra chỉ số tăng trưởng về kinh tế mà không có chỉ số tương tự về văn hóa. Một số hội thảo quốc tế gần đây có đề cập đến chỉ số Hạnh phúc quốc gia– Gross National Happiness (GNH) trong đó giá trị văn hóa là một yếu tố.
Văn hóa không chỉ là phương tiện để phát triển kinh tế bền vững mà suy cho đến cùng thì nó là mục đích của phát triển kinh tế. Từ một cá nhân, một gia đình, một doanh nghiệp cho đến một quốc gia cũng vậy. Người ta lao động vất vả, kiếm tiền, giàu hơn và cuối cùng là để đạt được, phải đạt được một đời sống tinh thần giàu có hơn, vương giả hơn, một mặt bằng văn hoá cao hơn, một cuộc sống chất lượng hơn và đẹp hơn.
Sau đổi mới, kinh tế đất nước đã phát triển lên một bậc nhưng để văn hoá phát triển lên dù nửa bậc thì có lẽ gấp đôi, gấp ba khoảng thời gian đó cũng chưa chắc đã đủ nhưng dẫu sao thì cũng phải bắt đầu.
Ấy là chưa kể được là về kinh tế nhưng lại mất môi trường, mất di sản, mất văn hóa thì có bõ được không? có nhất thiết phải được theo kiểu đó không? có nên đánh đổi như vậy không? Mất vật chất thì còn hy vọng có lại nhưng mất tinh thần, mất văn hóa, mất truyền thống là mất hết.
Đã đến lúc phải coi biên giới là một khái niệm mở, văn hóa cũng là biên giới. Mất văn hóa là mất nước.
---------------
Ý kiến bạn đọc
26 Tháng Tám 20249:30 SA
Nguyễn
Khách
Trân trọng vô cùng những trăn trở của tác giả, rất mong nhiều tiếng nói như thế góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc!