Vào các thập niên 1930 và 1940, đất nước ta chứng kiến sự du nhập mạnh mẽ của nền nhạc học Tây Phương vào Việt Nam. Những Nhà thờ Thiên Chúa Giáo trình diễn hình thức Thánh ca đậm nét Âu Châu trong các Thánh lễ. Những khiêu vũ trường, những phòng trà đầu tiên mở nhạc Âu dần dần mọc lên phục vụ tầng lớp giàu có. Thể thức mới trong sáng tác (thất cung thay vì ngũ cung), nhạc cụ mới, cách trình bày tân kỳ của âm nhạc trời Âu đã cuốn hút cả giới thưởng thức lẫn giới trình diễn. Giới thưởng ngoạn thời đó được chứng kiến những hình thức sự kết hợp một chút âm nhạc Âu vào trong trình diễn cải lương, những ca khúc nhạc nhẹ tiếng Pháp được đặt lời ca Việt… Đó chính là những hình thức kết giao, chuyển tiếp ban đầu của nhạc ta đối với nhạc Âu, manh nha tạo dựng một nền âm nhạc mới- đó là Tân nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Lê Thương – tên thật Ngô Đình Hộ (1914–1996) chính là một trong các nhạc sĩ đặt những viên gạch đầu tiên và rực rỡ thuở ban đầu cho tân nhạc Việt Nam. Nói như vậy có nghĩa rằng trong nền Tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Lê Thương không chỉ là một trong những người giữ cờ đi đầu, mà xét về chất lượng, ông còn là một trong những người đóng góp tác phẩm xuất sắc bậc nhất.
Mức độ xuất chúng của âm nhạc Lê Thương luôn luôn đi kèm với thuộc tính vượt thời gian. Thời gian chạy miệt mài không ngắt quãng từ lúc nhạc khúc ra đời thẳng tiến đến dương vô cực. Thời gian có nỗ lực đến mấy cũng không thể đạt được mục đích làm mai một các tác phẩm của ông.
Trong những ngày rất hiện đại của những năm 202x này, tức một thế kỷ qua đi tính từ ngày sinh của cố nhạc sĩ, tất cả các nhạc khúc thuộc mọi phân khu thể loại âm nhạc ký tên Lê Thương đều sừng sững sống, mạnh mẽ sống. Tác phẩm được ghi nhận lớn lao nhất về giá trị văn hóa phải kể đến Trường Ca Hòn Vọng Phu (gồm ba phần: Đoàn người ra đi – Ai xuôi vạn lý – Người chinh phu về) của ông. Không chỉ nhiều ca sĩ ở nhiều thế hệ chọn hát, mà những tiểu khúc của trường ca Hòn Vọng Phu này còn được lan rộng trong lòng đông đảo nhân dân. Người dân hát khi họ ru con, người dân hát khi họ đi qua núi Vọng Phu, những nhà mô phạm nhắc đến mỗi khi nhắc về trường ca đầu tiên của Việt Nam. Về hình thức, là trường ca, còn về nội dung thì Hòn Vọng Phu mang nội dung một truyện ca. Tất cả những vẻ đẹp về chất liệu văn học (Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm – Đặng Trần Côn), chất liệu thực tiễn (núi đá trông chồng ở Lạng Sơn, ở Phú Yên) và chất liệu từ nội tại cá nhân (sự thành tâm tôn kính nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam) góp phần làm thành trường ca này đều đã được ghi nhận xứng đáng qua nhiều tư liệu, nhiều bài viết từ trước đến nay. Những người vang danh cùng thời ngưỡng mộ và tôn trọng ông (nhạc sĩ Phạm Duy dành rất nhiều trang nói về Lê Thương trong Hồi ký cá nhân, nhạc sĩ Văn Cao từng thừa nhận chính ông đã có những học hỏi và ảnh hưởng từ âm nhạc của Lê Thương trong tác phẩm). Nói chung, việc ghi nhận đúng đắn những giá trị lớn trong âm nhạc Lê Thương, đã được những tiền bối giỏi hơn chúng tôi thật nhiều thực hiện rất nghiêm túc và đầy đủ trước thế hệ chúng tôi.
Cho nên, trong thời điểm mà những game show giải trí truyền hình, những trào lưu thông qua mạng xã hội đang xâm thực mạnh mẽ, ăn mòn, áp đặt đến mức giam lỏng việc nghe, nhìn của số đông, bao gồm thế giới tuổi thơ hồn nhiên của bọn trẻ thì điều tôi muốn nhắc nhiều hơn những ca khúc dành cho tuổi thơ của nhạc sĩ Lê Thương. Phần là để những bạn bè cùng trang lứa tôi tìm gặp lại được những giá trị thiêng liêng của tuổi nhỏ, phần là đễ thế hệ con, cháu phía sau tôi thông qua việc hiểu biết thêm được một phần những giá trị to lớn mà tiền nhân trao gửi sẽ có lại được đâu đó thật nhiều hồn nhiên diệu kỳ ở thế giới tuổi thơ huyền bí nhiều mời gọi ấy.
Sẽ có những bài hát về tuổi thơ hay và được nhiều thế hệ lan truyền mà không hề biết chúng được viết bởi tác giả Trường ca Hòn vọng phu. Những bài hát như Ông Ninh, Ông Nang và Con mèo trèo cây cau nằm trong số đó. Tuy nhiên, trong bài viết này tôi xin nhắc đến hai bài hát khác mà thông qua đó, tấc lòng cũng như tài hoa của người nhạc sĩ dành cho tuổi thơ hiển hiện rõ nét hơn, đậm đà hơn, tiêu biểu hơn.
Đầu tiên là bài hát Thằng cuội.
Tất cả bắt đầu bằng một quả bóng tròn bay lơ lửng đêm rằm tháng Tám âm lịch hàng năm.
“Mười lăm tháng Tám trời cho
Một ông trăng sáng thật to
Các em thích cười muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang..."
(Trích ca khúc Thằng Cuội – Nhạc và lời: Lê Thương)
Có một ngày mà mọi người, không riêng gì trẻ nít, đều được ông Trời sòng phẳng cho mượn cái thang như thế, mỗi người một cái để leo qua những sợi tóc mai, tìm về một thảo nguyên tuổi nhỏ. Về mà khều bóng đêm ngồi dậy, hát cho nghe câu chuyện thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương. Mười lăm tháng Tám hàng năm.
Tôi nhớ cái nóng nóng của sáp đèn cầy gãy rớt xuống tay, cái hít hà nhăn mặt lòi răng sún, những ngọn lửa có đôi mắt hiền lành nấp trong những lồng đèn gà trống, rồng bay. Những tiểu đoàn thiếu nhi rồng rắn len lỏi qua những khu xóm nhỏ. Có thằng quậy chơi thổi tắt lửa trong lồng đèn cô bạn xinh xinh. Con nhỏ khóc. Thằng quậy lúng ta lúng túng đền cho cái lồng đèn của chính nó. Ngẩn tò te. Ông trăng cười, chắc chắn là cười hiền hậu.
Đây là bài hát dành cho ấu thơ, cho nên những ca từ trong bài hát rất gần gũi, được mô phỏng từ những hình ảnh đơn giản nhất mà trẻ con dễ gọi tên. Nhưng, không vì thế mà giai điệu kém đi phần tinh tế, lời hát mất đi tính trường nghĩa. Ở những người nhạc sĩ lớn, họ có khả năng mang những điều trời cao nói, gói vào một câu hát nhẹ bẫng. Hãy nghe đoạn Lê Thương nhân cách hóa ánh sáng tài tình và tinh tế như thể nào:
"Sáng rơi xuống đồi
Sáng leo lên cây
Sáng mỏi chân rồi
Sáng ngồi xuống đây..
Cùng trông ánh sáng cười vui
Chị em ta hãy đùa chơi…”
(Trích ca khúc Thằng Cuội – Nhạc và lời: Lê Thương)
Người nhạc sĩ đã gửi vào ánh sáng một tuổi thơ biết đi đứng, chạy nhảy. Điều này, năm bốn tuổi, người viết vừa cầm lồng đèn chạy theo bóng trăng mà hát lẩm bẩm theo, nhưng tôi không cách nào hiểu được. Mãi sau ba mươi tuổi, tôi mới mơ màng cảm thấy thứ ánh sáng nhỏ bé ấy nó lung linh như thế nào. Trong cái lung linh có cái xa lắc xa lơ, có cái ngậm ngùi.
Cùng một mô thức truyền phả hơi người vào một tạo vật vô tri, Lê Thương cũng đã kể câu chuyện của gió:
“Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta
Lặng nghe trăng gió bảo nhau
Chị kia quê quán ở đâu
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta…”
(Trích ca khúc Thằng Cuội – Nhạc và lời: Lê Thương)
Ở đây, cũng cần chú ý cách nhạc sĩ Lê Thương linh hoạt và liên tục thay đổi nhân vật nhập vai của người kể chuyện: Khi thì người kể chuyện đóng vai ánh sáng, khi thì làm gió để tâm tình, có lúc lại trở về vai trò chính yếu là những bạch thoại của những đứa trẻ được dự hội đêm trăng. Phần nào đó, cách dụng chữ kể chuyện ở nhiều vai trò này đã mang lại tính đối thoại, tính đa chiều, tính cộng đồng, thay vì tính độc thoại, làm tăng thêm tính kết đoàn, mối gắn nối cho một ca khúc tuổi thơ (có lẽ thường được các em hát chung, hát nối hơn là độc diễn).
Về mặt thể loại, thì nhịp điệu gần gũi với đồng dao dân gian. Cùng với thể điệu đó, kỹ thuật tinh xảo trong việc gieo vần lưng (yên vận) và vần chân (cước vận) nằm chằng chịt trong những câu hát bốn chữ tạo một thuận lợi thật lớn cho trẻ em trong việc ghi nhớ, hát theo, và hát say mê vì yêu thích. Để làm được điều này, tác giả nếu không dùng một tài năng phi phàm thuần túy về kỹ thuật sáng tác, thì hẳn chính Lê Thương đã phải nằm mơ một giấc thật dịu để sống lại lần thứ hai quãng đời tuổi thơ để làm nên một tác phẩm tuyệt vời.
Một lời hát khác, còn bé tôi có nghe, mà thời nay, ít thấy ai hát lại (có lẽ chúng hơi buồn bã hay chăng?)
"Có con dế mèn
Suốt trong đêm thâu
Hát xẩm không tiền
Nên nghèo xác xơ..."
(Trích ca khúc Thằng Cuội – Nhạc và lời: Lê Thương)
Những câu hát đầy tính thương thân, bi ai, yếm thế trên xuất hiện không phải để dành cho mọi người. Hy vọng đời sống vế sau bài hát này của nhạc sĩ Lê Thương là không quá đáng thương, bởi gia tài âm nhạc của ông luôn là một hòm rương đáng giá và được quý trọng. Và câu chuyện về thằng Cuội già, ôm một mối mơ chắc chắn sẽ được kể lại trong nhiều gia đình, trong nhiều thiên niên kỷ nữa, nếu loài người biết cách nuôi nấng một thế giới đại đồng.
Thứ hai, tôi muốn nhắc đến ca khúc tên là Tuổi thơ của nhạc sĩ Lê Thương.
Bài hát có độ mở đẹp như mở một cánh cửa sổ ra và cứ thế nằm mơ, không làm gì nữa cả
“Trời xanh xanh mát
Hương thơm thơm ngát
Cùng nhau ta múa điệu ca
Cùng nhau ta hát đời ta
Nhụy hoa thanh khiết
Men hoa ngây ngất
Hát cho tâm hồn được khuây
Cũng như cảnh đẹp được bay…”
(Trích ca khúc Tuổi thơ – Nhạc và lời: Lê Thương)
Tiết tấu này, hơi nhạc này dành cho một mùa thanh bình, êm nhẹ, không đính kèm bất cứ gợn mây xám, tiếng ầm sét nào cả. Đây cũng chính là bầu khí quyển mà nhạc sĩ Phạm Duy đã viết ca khúc Trên đồi xuân cũng như rất gần gũi với thời tiết mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết ca khúc Ngày mùa.
Đoạn điệp khúc của bài Tuổi thơ thật là tuyệt diệu với việc vẽ lại một ngày của bé con. Trong khi thế giới bận rộn dựng xây rồi lại chiến tranh, dịch bệnh, lụi làn, thì bé con mặc kệ tất cả. Bé con luôn có lộ trình sống cho mỗi ngày là một vòng tròn đáng mơ ước.
“Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa
Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa
Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn
Bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên…”
(Trích ca khúc Tuổi thơ – Nhạc và lời: Lê Thương)
Ngày xưa, cả khu xóm chỉ có hai, ba nhà mua được tivi, bắt được đèn điện. Phần còn lại là màn đêm được thắp sáng bởi đèn dầu, ánh trăng, sao trời. Thời đó không có tiện nghi, internet, truyền hình kỹ thuật số cho nên bảy giờ đêm thì a lê hấp các bé vào chuồng ngủ. Lời hát của Lê Thương có hai tác dụng. Một là đặt một cột mốc thời gian cũ từ đó làm bật lên sự tân tiến và mức độ phát triển ngày càng cao của tiện nghi. Hai là, ông còn nhắc nhở các bé con phải luôn ngủ sớm, và tận hưởng được quá trình nằm mơ, đừng làm người lớn quá sớm!
“Trẻ con theo ánh ưa trái cây ưa bánh
Hàm răng hay sún vì chua
Mà ai cho bánh thì ưa
Dầm mưa dang nắng
Chơi cát dơ mẹ mắng
Sống vui trong bầu trời thơ
Sướng thay cho đời trẻ thơ…”
(Trích ca khúc Tuổi thơ – Nhạc và lời: Lê Thương)
Dĩ nhiên, nếu xét trong địa hạt toàn vẹn diện tích gia tài ca khúc Lê Thương, những ca khúc tuổi thơ sẽ không phải là hạt ngọc được nhắc đến đầu tiên. Nhưng, nếu thiếu đi mảng ca khúc tuổi thơ này, thì âm nhạc Lê Thương ắt sẽ có những khiếm khuyết khó lòng bù đắp.
Việc để lại nhiều điều không đồng nghĩa với việc để lại nhiều bài. Chỉ đơn cử hai ca khúc vừa nêu, nhạc sĩ Lê Thương đã nồng nàn bày tỏ lòng mến thương của ông dành cho tuổi thơ Việt Nam. Đó không chỉ là sáng tác để hòng “mua vui một vài trống canh” mà còn phải được công tâm ghi nhận là những đóng góp giá trị cho gia tài ca khúc tuổi thơ của Việt Nam./.
Gửi ý kiến của bạn