Hiện đại và cổ xưa, sự sống và hoang tàn, bóng tối và ánh sáng. Đấy là những cảm giác khi tôi đi qua thế giới hội hoạ của hoạ sỹ Nguyễn Trọng Khôi. Một thế giới chứa đựng những cơn mộng mị của đời sống mà tôi đang sống trong đó đã được gọi tên, được mở ra tận cùng với cái nhìn của nhân chứng Nguyễn Trọng Khôi. Ông dựng lên thế giới đó bằng cảm quan đầy nỗi sợ hãi và nỗi cô đơn bằng "phép thuật" dùng màu và cách bố cục vừa thu vào một điểm tận cùng lại vừa mở ra vạn hướng đến vô cùng.
Tôi chưa nghe, chưa đọc được ở đâu những suy nghĩ của ông về thế gian này. Nhưng hội họa của ông đã hé lộ con người ông, đã khai báo những bí mật tinh thần ông mà ông đã giấu ở đâu đó trong mênh mông con người ông. Nhưng ông đã không giấu được ông trong thế giới màu sắc của mình. Màu sắc, khối, nét, bố cục, ánh sáng đã thay ông ‘’khai báo’’ về ông. Nỗi cô đơn hầu như chiếm ngự trong mọi tác phẩm của ông. Tôi đi vào thế giới tranh Nguyễn Trọng Khôi không có một chút ý thức nào tìm xem hay đoán xem những tác phẩm hội họa của ông nói gì với chúng ta. nhưng khi đi qua những màu sắc, những khối, những nét và ánh sáng toả ra từ đó kể cả "ánh sáng" của bóng tối, tôi nhận thấy nỗi cô đơn tràn ngập trong thế giới đó. Thế giới mà con người đang sống trong thế kỷ 21 là một thế giới ngập tràn nỗi cô đơn và sợ hãi. Điều này ta thấy rất rõ trong văn học. Trong hội họa hình như điều đó không dễ nhìn thấy hoặc phải nhìn và đọc bằng ngôn ngữ hội họa. Và đó chính là một thách thức không nhỏ với người xem khi không phải là người hoạt động trong lĩnh vực đó như tôi. Nhưng những tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Trọng Khôi đã mở ra và tôi đã không cưỡng được sự quyến rũ đầy ma lực của nó. Tôi đã bước vào thế giới ấy. Trong vẻ đẹp huyền ảo của màu Nguyễn Trọng Khôi, trong sự hiện đại của nét và bố cục Nguyễn Trọng Khôi và trong ánh sáng Nguyễn Trọng Khôi, một thứ ánh sáng sâu thẳm tỏa ra mà không mấy họa sỹ Việt Nam đương đại tôi biết có dược. Ánh sáng của ông không bao giờ tắt trong cả những gam màu tối. Nó soi cho tôi nhìn thấu dược nỗi cô đơn và sự sợ hãi của thế giới này.
Hừng Đông là một trong không ít những tác phẩm ám ảnh tôi đến mê dại. Tôi lấy tác phẩm này để bày tỏ sự ám ảnh của mình. Chỉ có cảm giác và cảm xúc trong từng mạch máu của tôi mới lột tả được sự ám ảnh đó. Nhưng tôi không biết viết ra như thế nào. Bởi chữ của tôi lúc này và trong trường hợp này là bất lực, là vô dụng. Tôi đã nhìn thấy toàn bộ thế gian trong bức tranh này. Một bức tranh dùng rất nhiều gam màu tối nhưng lại chói lọi bởi sự trong suốt của màu và bởi tôi tin khi vẽ, lòng ông luôn hướng về ánh sáng. Nỗi cô đơn trong bức tranh đã đi tới tận cùng của nỗi cô đơn. Cái ánh sáng "hừng đông" ở đây lại không nằm trong (hay) bởi gam màu sáng. Cái hừng đông ấy là hừng đông của sự sống nhân loại, của niềm hy vọng: ĐỨA TRẺ. Nếu không có đứa trẻ vừa được sinh ra thì với màu sắc ấy, tôi sẽ thấy sự hoang tàn như ngày tận thế của nhân loại. Nhưng sự sống mà đứa trẻ kia mang tới cho thế gian này vẫn là sự sống ngập tràn nỗi cô đơn. Đứa bé nằm đó khuất trong một phần đêm tối, cô đơn và vô định. Xét tận cùng lịch sử của nhân loại kể từ ngày đầu tiên con người xuất hiện cho đến khi thế giới chen chúc với hơn tám tỷ người thì nỗi cô đơn vẫn luôn ngập tràn trong đời sống. Nếu chỉ dùng sắc độ và sự tương phản của màu thì người xem vẫn có thể thấy "hừng đông " bởi một thói quen thông thường và nhiều lúc tầm thường khi sáng tạo (họa sỹ) và khi tiếp nhận (người xem). Chỉ bằng nghệ thuật mới giúp ta nhận ra. Cái " hừng đông" của họa sỹ Nguyễn Trọng Khôi làm ta run lên như vừa được cứu rỗi, làm ta kinh hoàng và nhìn thấu được bản chất của đời sống thế gian này. Ngay cả những bức hoạ sỹ Nguyễn Trọng Khôi vẽ thành phố với dày đặc những ngôi nhà tôi vẫn thấy nỗi cô đơn ăn rỗng thế gian này. Những bức tranh có một người cho đến những bức tranh có nhiều người thì mỗi nhân vật trong " đám đông " ấy vẫn mang trọn vẹn nỗi cô đơn trong toàn bộ con người họ. Tất cả họ đều đang đi tìm một sự chia sẻ và thấu hiểu trên thế gian mênh mông và buồn bã này. Nhưng trùm phủ lên họ là nỗi sợ hãi và hoang mang.
Tĩnh vật là một vẻ đẹp kỳ lạ và huy hoàng trong hội hoạ của hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Vẽ tĩnh vật là một trong những thách thức lớn đối với hoạ sỹ. Theo tôi, nó đòi hỏi họa sỹ phải thực hiện ba điều ở mức "thượng thừa": màu, bố cục và ánh sáng. Và thêm một điều rất mơ hồ không nằm trong các tiêu chuẩn về kỹ thuật hội họa nhưng vô cùng hệ trọng là hởi thở của đời sống được hoạ sỹ truyền vào mà thông thường ta gọi là cảm xúc. Nếu không có cái điều "mơ hồ" ấy thì những bức tranh tĩnh vật chỉ là một chứng chỉ về kỹ thuật và màu sắc của hoạ sỹ. Họa sỹ Nguyễn Trọng khôi làm chủ cả ba điều ‘’thượng thừa’’ ấy. Và kỳ vĩ hơn, ông đã tạo ra đời sống như một con người cho những vật "vô tri vô giác". Đấy là điều người xem chờ đợi. Nói chính xác hơn đấy là điều nghệ thuật chờ đợi ở người nghệ sỹ. Tôi luôn ngắm nhìn và lắng nghe những tĩnh vật của họa sỹ Nguyễn Trọng Khôi như ngắm nhìn và lắng nghe một kiếp phận con người bởi ông đã biến tĩnh vật thành NGƯỜI với số phận của chúng. Những viên sỏi, những cây đèn, những bình gốm, những chiếc ly pha lê trong suốt không một vết mờ nhưng tôi vẫn nhìn thấy nỗi cô đơn trong thế giới của chúng. Màu sắc, bố cục, ánh sáng và sự "tuyệt mỹ" của tác phẩm những chiếc ly pha lê đã làm cho tôi cảm nhận được nỗi cô đơn đến lạnh người. Nếu có một vết gợn mơ hồ, một chút bóng tối vương vãi, một "thiếu hụt" đâu đó của kỹ thuật hay sự lưỡng lự của màu sắc thì ta không thể cảm nhận được sự cô đơn. Nhưng tất cả đều hoàn hảo của một tác phẩm hội hoạ như thế mới cho ta cảm giác cô đơn. Vì nỗi cô đơn chính là sự trong suốt và toàn hảo chứ không phải hạnh phúc. Bức Sonata cuối cùng với một thiếu phụ nằm như đang trôi trong vô tận và vô định, một cây violon trên bụng, một con ngựa cúi xuống. Một bố cục hoàn hảo được tính toán vô cùng chặt chẽ và nhiều dụng ý. Nhưng bản "hoà âm" của màu đã phá đi sự "chết" của bất cứ dạng bố cục nào dù chặt chẽ đến đâu và phả vào đó một sự sống. Tôi thấy sự mệt mỏi rã rời của thiếu phụ, tôi thấy hơi thở của con ngựa rực ấm, tôi thấy một âm thanh mảnh và trong như ánh sáng vang lên, thứ âm thanh từ bên trong thiếu phụ dâng lên đẹp và nức nở khôn cùng. Màu và nghệ thuật hòa sắc của họa sỹ Nguyễn Trọng Khôi là một QUYỀN LỰC của ông. Ông thực sự là một bậc thầy về màu. Màu trong nhiều bức tranh của ông đã trở thành TƯ TƯỞNG của ông. Hãy chìm vào màu của ông và hãy mở hết mọi giác quan để đón nhận và suy ngẫm, ta sẽ thấy màu chính là tư tưởng của ông chứ không chỉ là những đề tài, những đối tượng ông sáng tạo.
Tính đa dạng trong cách biểu hiện, trong nghệ thuật màu, bố cục và đề tài làm nên tính đa dạng và bất ngờ trên con đường sáng tạo của hoạ sỹ Nguyễn Trọng Khôi. Mỗi bức tranh của họa sỹ Nguyễn Trọng Khôi luôn mở ra một bức tranh khác với một không gian và một cảm quan khác. Tháp rùa trong sương khói và những ngôi nhà phố cổ. Nó của thời hiện tại, nó cũng của cổ xưa. Nó ở ngay trước mắt ta, nó cũng ở xa vô tận. Trong tranh của ông, thời gian không ngừng chuyển động. Sự chuyển động này diễn ra bởi hai trạng thái: trạng thái của màu sắc mà ông tạo ra và trạng thái của cảm xúc người xem đạt tới. Những con ngựa hiện ra trên núi đồi phía bắc Việt Nam như đã hiện ra của hàng ngàn năm trước. Và giờ nó vẫn ở đó như chưa hề đi đâu. Nó vừa hiện thực đến tận cùng vừa mộng mị đến hoang dại. Ông tạo nên không gian nhiều chiều trong các tác phẩm của mình không phải bằng con đường ‘’lập thể’’ mà bằng sự huyền ảo của màu sắc và một lối bố cục vừa "truyền thống" vừa ‘’hiện đại’’. Tôi có thể kể mãi, kể mãi những câu chuyện trong mỗi tác phẩm của ông. Những bức tranh chứa đựng quá nhiều câu chuyện của đời sống này trong đó có mỗi chúng ta khi chiêm ngưỡng chúng. Màu, khối, nét, bố cục, ánh sáng đã thay ông kể mãi những câu chuyện của con người.
Hà Đông, 26/05/2024
Nguyễn Quang Thiều
Gửi ý kiến của bạn