HOÀNG VŨ THUẬT - Cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp

22 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 14520)
HOÀNG VŨ THUẬT - Cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp

 

hoang_vu_thuat-content-content

 

Nguyễn Đức Tùng: Những con chim sẻ bay về phương Bắc Anh một mình lên phương Nam Nơi có hồ nước mắt em ngăn ngắt xanh

Thơ đầy nhạc tính, một thứ nhạc tính mới. Đứng giữa hai bờ lãng mạn và siêu thực. Quan trọng hơn, giữa cổ điển và cách tân. Những nhà thơ di động giữa hai phía mới và cũ như thế có nguy cơ "nửa vời" không, về mặt thi pháp, thưa anh?

Hoàng Vũ Thuật: Rất vui được trò chuyện với anh Nguyễn Đức Tùng.

Khi ta đang ngồi, lập tức có thể chạy, mà không có động tác đứng dậy, điều gì sẽ xảy ra? Giữa tối và sáng bao giờ cũng có giai đoạn chuyển tiếp, không hẳn tối, không hẳn sáng. Trong mỗi bài thơ lãng mạn vẫn có những câu siêu thực. Cũng như vậy, trong bài thơ cổ điển vẫn bắt gặp những câu thơ rất hiện đại. Trong chừng mực nào đó, sự chuyển hóa là điều hiển nhiên, nó không làm hỏng bài thơ, có khi giúp người đọc nhận ra bước đi của người viết, như một dấu hiệu của sự thay đổi thi pháp.

Tuy vậy, di động giữa hai phía cũ và mới đối với một nhà thơ không diễn ra một cách dễ dàng. Có người ủng hộ cách tân, muốn cách tân thơ mình nhưng không thành công. Giống như họ mới ủng hộ xu hướng, trong khi họ chưa đủ tâm thế và điều kiện để làm nên bài thơ hiện đại. Như vậy, tâm thức sáng tạo mỗi người định đoạt số phận mỗi bài thơ họ làm ra. Cũng có người đạp đổ, lật nhào tất cả, kiểu Trần

Dần với ý thức dứt khoát "chôn Thơ Mới". Trường hợp này xảy ra rất rõ trong nghệ thuật kiến trúc hiện đại, họ không muốn pha tạp, "nửa vời". Tôi cho hiện tượng sau ít hơn hiện tượng trước, nhất là đối với thơ, anh Nguyễn Đức Tùng ạ.

NĐT: Có một nỗi ngậm ngùi trong thơ anh làm tôi xúc động. Đọc, tôi biết là nó chân thật. Nói thế là vì trong nghệ thuật nói chung, thật ra cũng có những thứ không chân thật. Xin nhà thơ cho nghe một trong những bài mới nhất mà anh vừa ý?

HVT: Đây là một bài mới của tôi:

K

mưa đầy lên nửa khuya đổ thác mái nhà

rét lùa trong ống xương tê dại

gió gào thét rừng cây chao đảo

đôi cánh tay nhàu

lá héo đan nhau

đừng buồn k ơi

rồi gió sẽ đổi chiều rồi mưa sẽ

ngưng rồi trời sẽ

ấm

liệu chúng mình còn sống được tới hôm sau

bốn bề núi và núi

bốn bề đá và đá

bốn bề suối và suối

sương âm u run rẩy bốn bề

trái đất chật chội thế này ư

chiều qua nắng đỏ rực

đột ngột mùa đông quay lại giữa hè

chạy trốn mãi bao giờ thì thôi không chạy trốn nữa

cõi phật từ bi

sao nỗi cô đơn kéo dài vô tận

biết nói thế nào với k

ba vạn chín nghìn bậc ta chưa hết một nghìn

thôi ngủ đi ngày mai biết đâu rồi khác

ta gõ tiếng chuông cho số kiếp lạc loài

mây trắng chở về miền thiên hư

đàn bướm ngoài kia đã ngủ

ngọn nến vàng rũ xuống từ lâu

mặt trời cuộn tròn đêm

trắng

4/6/2009

K là tên bài thơ. Ngay sau khi ra mắt với bạn đọc, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn chúc mừng. Có người bảo K là tên một nhân vật thứ hai, ngoài tác giả? Lại có người bảo K chính là tác giả, một cuộc đối thoại nội tâm? Tôi cám ơn Tiến sĩ Trương Đăng Dung, nhà văn Hoàng Minh Tường nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, nhà thơ Giang Biên và nhiều bạn bè đã chia sẻ. Tôi bảo K là ai cũng được. Trong tác phẩm của F. Kapka cũng có nhân vật K, biểu tượng của sự cô đơn nữa đó. Hiểu thế nào cũng được, phải không các bạn?

NĐT: Bài thơ trên đây có giọng u hoài nhưng trầm tĩnh, có ngôn ngữ đẹp, có nhạc tính. Giọng buồn man mác có phải là chất giọng chính của thơ Hoàng Vũ Thuật không?

HVT: Tôi nghĩ không ai có thể lựa chọn cho mình một giọng thơ, để song hành với cuộc đời nghệ thuật. Sông có khúc, người có lúc mà. Cứ viết, hà tất sẽ có giọng. Số phận, tính cách, bản ngã sẽ lựa chọn cho mình giọng điệu.

Biết thế, nhưng không hiểu vì sao tất cả những người đọc thơ tôi đều cảm nhận một nỗi buồn trĩu nặng, man mác như anh nhận xét.

Thái Doãn Hiểu viết hẳn một chương trong một bộ sách của ông: Hoàng Vũ Thuật với những câu thơ đẹp như nỗi buồn. Số phận đã mặc định rồi chăng? Khi tôi muốn quẫy đạp, chạy trốn nỗi buồn, thì dường như cái sợi dây vô hình càng thít chặt lại:

nhưng sợi dây vẫn chờ lơ lửng

quanh cổ nhà thơ

thít dần thít dần

chầm chậm

tiếng kèn vỡ vụn

máu trào sau nụ hôn

(Viết dưới tượng Êxênin-Hoàng Vũ Thuật)

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận thấy: Có thể thấy dấu vết tự đấu tranh khắc phục nỗi buồn trong nhiều câu thơ. Cuộc đấu tranh ấy cần, nhưng nó thuộc phạm trù lối sống. Còn trong phạm trù thơ, nỗi buồn đến độ sẽ tạo nên những cảm xúc trong trẻo, làm trong lại hồn người (Tựa cho tập Cỏ Mùa Thu, Hoàng Vũ Thuật).

Dĩ nhiên, không ai hiểu hết mình bằng mình. Tôi hiểu vì sao thơ mình buồn đến vậy.

NĐT: Mỗi người đọc của anh cố hiểu vì sao thơ anh buồn đến vậy, nhưng chắc chắn là không thể hiểu như anh. Ngoài ra, anh đi nhiều, giao thiệp rộng, đã từng giữ các chức vụ trong các tổ chức văn học nghệ thuật, nhưng xuyên suốt thơ anh, người đọc nhận ra một nỗi cô đơn bền bỉ. Như một thứ ám ảnh. Nó ở đâu ra?

HVT: Đỗ Lai Thúy đã kêu lên: "Có một điều không thể lý giải được là tại sao các nhà thơ thường cô đơn đến vậy?'', khi ông viết về thơ tôi.

Lý giải vấn đề này không đơn giản chút nào. Mỗi người là một thế giới riêng biệt. Evtusenko viết: Con người mất đi là cả một thế giới mất đi.

Đã là một thế giới riêng biệt, không giống nhau, ắt hẳn cô đơn rồi. Cá thể của tôi không giống Nguyễn Đức Tùng. Niềm vui, nỗi buồn cũng không giống Nguyễn Đức Tùng. Xưa nay các nhà văn lớn trên thế giới đều luận về nỗi cô đơn của con người, và, dường như không ai đi hết bến bờ của nó được. Niềm cô đơn không có bến bờ, nó như một vũ trụ vô cùng vô tận và bí ẩn.

Có điều, hãy xem nỗi cô đơn là một đặc tính con người. Khi lọt lòng mẹ, đứa trẻ - sinh linh người, bật lên tiếng khóc đầu tiên, báo trước số phận cô đơn của mình. Xem cô đơn là đặc tính, từ đó mới biết nâng niu trân trọng cái phẩm chất cá thể ấy. Ta đang ở trong một hoàn cảnh con người bị ngộ nhận là tất thảy đều cùng chung một mẫu số, có như vậy mới thống nhất, hài hòa. Tiếng nói chung, suy nghĩ chung, tư tưởng chung, sở thích và đam mê chung, ý nguyện chung. Cái riêng vì thế bị loại bỏ, vô hình chung bị tước đoạt. Cái riêng không được tôn trọng, không được bảo vệ thì nỗi cô đơn con người tất yếu càng nhân lên, trở thành tuyệt vọng, không chốn nương thân.

Trong sáng tạo, cái riêng con người, chất cá thể con người làm nên cá tính sáng tạo. Mà cái riêng, chất cá thể đó luôn đẩy con người về phía cô đơn. Vậy thì cô đơn là một biểu hiện tâm trạng. Thơ ca khai thác tâm trạng đó để sáng tạo tác phẩm. Ở góc độ thẩm mỹ, tôi nghĩ, trong ý niệm tương đối cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp.

Tôi, không loại trừ trong cái ẩn số đó.

Tôi viết bài thơ Đọc Kapka, có đoạn: trốn chạy thế giới nghiệt ngã/ câm lặng nấm mồ chật hẹp/ dưới vực thẳm tình yêu/ em trao hết anh tất cả thuần khiết/ mà thế gian gạt bỏ. Một mảnh tâm trạng, một cõi thân phận, một trạng huống đơn độc của con người trong một thế- giới- cô- đơn. Tôi đã đề tặng Trương Đăng Dung (người dịch Kapka), vì một kỉ niệm xúc động. Tôi và ông không quen nhau, chưa gặp nhau bao giờ. Nhưng đọc thơ tôi, ông nhận ra cái giọng cô đơn quá mức. Ông đem chuyện đó tâm sự với nhà thơ Trần Quang Đạo, bạn tôi và khuyên hãy động viên, giải bày. Ông bảo, hồi học ở Budapest, ông chơi thân với một nhà thơ người Hung. Thơ anh ấy cô quạnh, đơn độc quá, buồn quá. Thế rồi bất ngờ bạn ông tự tử, có lẽ không tìm ra lối thoát. Ông ân hận vì không lường trước để chia sẻ. Câu chuyện cũng thật lạ lùng.

Hãy khai thác tận cùng bản thể sẽ giúp sự sáng tạo tích cực.

Vậy đó, bao thứ vây quanh mình, người ta không muốn mình khác họ.

NĐT: Sống như thế rất khó khăn. Tôi tưởng rằng ngày nay người Việt chúng ta đã thay đổi, không còn như những năm 70, 80.

HVT: Đúng vậy. Bước đi lịch sử diễn ra bao giờ cũng chậm chạp, ngoài mong đợi của con người. Những thứ không đồng nhất luôn vật lộn, tráo trở, gây hấn, thách thức, trở thành lực cản bước chân mình. Ngay những người vốn là đồng nghiệp bây giờ còn la lối, rằng, thơ tôi "Cô đơn, buồn chán thất vọng, nhà thơ cảm thấy mất niềm tin với con người và cuộc sống… Trái tim nhà thơ lỗi nhịp với

nhịp đập mãnh liệt của trái tim quần chúng" (Trích trong phần Dư Luận-Đám Mây Lơ Lửng).

Rốt cục nỗi cô đơn mà anh nhìn thấy trong thơ tôi nó khởi nguyên từ đâu, đã rõ phải không anh?

NĐT: Anh đã viết những câu tuyệt hay:

nằm dưới kia

một ông vua một hoàng hậu một người hầu

một thanh gươm một tuấn mã một mê nón

một lệnh truyền một trống giục một lời van

một trung thực một đớn hèn một điên loạn

Thơ Hoàng Vũ Thuật đầy những cảm thức lịch sử, có nỗi phân vân lưỡng lự thường trực. Thơ ca có vai trò gì đối với các vấn nạn lịch sử và xã hội?

HVT: Lịch sử ghi thành sách rồi vẫn có thể phải điều chỉnh, viết lại sao cho đúng với sự kiện. Bởi sự kiện lịch sử xảy ra, bao giờ cũng tồn tại khách quan, làm sao mà đảo ngược.

Nhà thơ có bổn phận trả lời trước những câu hỏi lịch sử và các vấn nạn lịch sử và xã hội, nhưng mỗi người trả lời bằng cách riêng của mình. Chẳng ai buộc anh trả lời tất tật tật. Vả lại trả lời của nhà thơ khác nhà chính trị, nhà sử học:

Hàng nghìn năm nhân loại mỗi người một quân cờ vô định

đường lạc đà hun hút bão cát xô lệch mặt người

kẻ đào huyệt tự chôn mình dưới chân Kim Tự Tháp

bầy chó sói nơi cánh đồng hoang hú rỗng đêm thâu

người gieo vãi nhặt hạt mạch thơm bên dòng sông Nin chảy xiết

xích sắt mòn cổ chân nô lệ da đen

vó ngựa Vạn Lý Trường Thành lốc cốc tiếng ống xương va vỡ khô khan

cuộc cờ âm thầm hết về nam lên bắc lên bắc lại về nam

(Cuộc cờ - Hoàng Vũ Thuật)

Làm sao cảm thức của mình thể hiện được bản chất lịch sử. Ăng ten nhà thơ phải nhạy cảm, nhiều chiều. Những bài: Những đứa trẻ không quê, Đám mây lơ lửng, Trưa nhật thực, Anh đợi, Lăng tẩm, Cuộc cờ, Bóng tối diệu kì, Khát, Cái chết, Hoàng An, Thất vọng còn thất vọng nữa… là nỗi trăn trở của thơ tôi. Nếu có nỗi

phân vân lưỡng lự thường trực trong thơ tôi, nghĩ đó là điều không tránh khỏi, khi môi trường quanh anh chưa đủ điều kiện cho anh làm ra sản phẩm.

NĐT: Một môi trường như thế nào thì giúp anh "làm ra sản phẩm"?

HVT: Nhà thơ như kẻ mắc nợ luôn áy náy, dằn vặt, đau khổ, hoài nghi trước cuộc sống. Nhà thơ sống với tâm trạng của một con nợ, cây bút chính là cây thánh giá mà anh ta mang vác suốt đời, để làm ra sản phẩm.

Sản phẩm nhà thơ là thứ ngôn ngữ đi vào lòng người, neo đậu lại đó như thần dược, giúp con người có khả năng nhận biết, đấu tranh và cải tạo thế giới. Một môi trường khả dĩ, trong đó nhà thơ hoàn toàn độc lập, làm chủ được ý thức tâm trạng của mình sẽ giúp họ sáng tạo tốt hơn, hay hơn.

Tôi thích câu: Người tìm kiếm thực sự phải là người theo thuyết bất khả tri. Sự khởi đầu của việc tìm kiếm thực sự không thể bám rễ vào việc tin hoặc hoài nghi. Con người phải hoàn toàn cởi mở; con người không nên bắt đầu với ý tưởng ưu tiên nào đó (Osho).

NĐT: Từ những câu thơ như:

Tôi mơ thấy mùa thu

Dưới võng mềm đất ủ

Và mẹ già tay ru

Đưa tôi vào giấc ngủ

có vần điệu chặt chẽ, thậm chí rất cũ, anh viết những câu:

Từng ngày từng ngày từng ngày

Từng đêm từng đêm từng đêm

Cây khô lại mướt…

Phóng khoáng, bay bổng, ngang tàng.

Sự thay đổi trong phong cách thơ HVT từ vần điệu sang tự do, từ cổ điển sang hiện đại, đã diễn ra như thế nào?

HVT: Theo tôi nghĩ tố chất người nào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách thơ người đó. Tôi được liệt vào dạng hiền lành, ít nói (không rõ đúng hay không nữa), nhưng trong thơ, hồi 1973 tôi đã viết Làng không nhà, một giọng thơ như anh nhận xét, phóng túng: Chúng tôi ngang qua những hố bom hình phễu/ khoét xuống làng/ viên gạch vỡ ngấm nước tan/ chảy máu/ cây chuối ngang lưng bom cắt/ trồi lên cánh tay… Gió xoáy từ các phễu bom/ trườn qua đồi/ ngọn gió nhọn và sắc/ mặt đất bỗng thành chiếc nôi/ chao trong nắng ngập.

Hồi đó, chúng tôi làm thơ gần như một kiểu, rất hiếm những bài tự do, hoặc không vần. Chẳng ai quan tâm đến phá cách phá thể. Đi theo hướng này không khéo lại rơi vào tình trạng thơ khó hiểu, không mang tính quần chúng. Thành thử bài thơ dài trên khi đem in tạp chí Tác Phẩm Mới, tôi được Chế Lan Viên đánh giá hay và bảo tôi nên đi theo cách đó. Sau này chen vào giữa những bài thơ tự do, hiện đại tôi gắng viết những bài thơ lục bát, năm chữ và trong các tập thơ cũng được kiến tạo như vậy.

NĐT: Gắng viết nghĩa là thế nào?

HVT: Nghĩa là, dù không thích, không hợp với "tạng" với "gu" của mình, vẫn phải viết, phải đẻ ra nó. Đó là cái hoàn cảnh con người bị ngộ nhận là tất cả cùng chung mẫu số. Nhà thơ phải có thơ lục bát, năm chữ, bảy chữ mới là truyền thống, dân tộc. Một quan niệm khá ấu trĩ, thơ hiện đại, cách tân yếu tố dân tộc bị mờ đi. Cứ theo lôgíc vậy thì, ngoái lại những bài thơ viết ra thời Thơ Mới đều không "dân tộc" hay sao? Trong khi ai cũng khẳng định Thơ Mới là một thành tựu rực rỡ của dân tộc.

Đầu 2008, khi gửi một số bài thơ để in trong mục Thơ tự chọn của Tạp chí Thơ, tôi đã đưa toàn thơ tự do, trong đó có bài Năm ngày đêm, Lăng tẩm mà anh đã dẫn, nhưng không được dùng. Đến 2009 này, ban biên tập yêu cầu tôi phải đưa thêm những bài cổ điển. Vậy đó, muốn lật trở, muốn làm mới, cách tân thơ đâu đã thuận lợi.

Tố chất con người tôi buộc tôi luôn tìm đến cái mới, cái lạ. Hơn nữa bối cảnh xã hội ngày nay khác trước rất nhiều. Chiến tranh, hòa bình, kinh tế, đạo đức, khát vọng con người đã đi rất xa. Nghệ thuật vì thế không thể bằng lòng với những gì đã có, rập khuôn, trùng lặp cái xưa cũ. Nghệ thuật phải làm cuộc cách mạng tự thân để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới của công chúng, dẫu công chúng bây giờ cũng đã phân hóa, rất nhiều cấp độ khác nhau. Nhu cầu thẩm mỹ mới của công chúng hiện đại, chính là sự vượt lên, mới hơn, hợp hơn về các giá trị tinh thần, đó là đòi hỏi chính đáng của thời thế, của môi trường lịch sử, như vậy tự thân đã mang tính dân tộc rồi. Không thể nhân danh truyền thống, dân tộc, buộc nghệ thuật dẫm chân tại chỗ.

Thơ cũng vậy.

Có điều, sự thay đổi của thơ không phải sự thay đổi thiên về mặt chữ nghĩa, nặng về hình thức. Cảm xúc con người không đứng yên, luôn ở trong thế vận động. Cảm xúc không thăng hoa, không nhập thần, thơ sẽ trở thành thứ xác chữ. Con sông sáng tạo chẳng khác nào mặt hồ phẳng lặng, buồn tênh.

NĐT: Chúc mừng anh: vẫn là một người sôi nổi, ghét cái buồn tênh. Anh yêu thích các nhà thơ nào? Xin cho những ví dụ. Anh học được điều gì ở họ?

HVT: Nhà thơ ai mà chả yêu, tôi mượn lời một bạn trẻ yêu thơ để trả lời vậy. Bởi mỗi nhà thơ là một bí ẩn, một ẩn số mà nhiều đời sau không giải mã hết được.

Lúc học ở cấp 2 (bậc trung học phổ thông cơ sở bây giờ), tôi đã chép vào cuốn sổ dày từ Hoàng Thung, một người anh họ, học ở Huế về, sau ngày khóa tuyến, với hàng trăm bài thơ của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư… và xem đó là gia sản cá nhân qúy nhất. Đôi lúc tôi đọc cho bạn bè nghe, rồi phân tích như ông cụ non về tình yêu, về non nước vua Hời xa xăm… Kì thực tôi vô cùng qúy họ, nhưng không yêu họ. Khi ấy, tôi chưa thật sự có tâm thế để nhận ra cái hay ở những vần thơ kia. Tâm hồn tôi quá ư non dại, lại tự ti bởi cảnh ngộ gia đình, mà tôi cũng không muốn để ai biết.

Khi lên học cấp ba, trường tỉnh, tôi sớm tiếp xúc những vần thơ của Lorca, A-pô-li-ne, Pôn Êluy-a, Hai-nơ, Exênhin, Blốc. Lần này thì các thầy giáo dạy văn và Tiếng Nga giúp tôi mà có được. Bài thơ Tự Do của Pôn Êluy-a như kéo tôi dậy sau những tháng năm bồng bột, yếm thế. Cái khát vọng cao cả của con người, được ẩn chứa trong một bài thơ trữ tình, ngôn ngữ cũng khoáng đạt, tự do, như tên bài thơ vậy. Tôi vẫn còn nhớ ba khổ sau cùng: Trên xa vắng không ước thèm/ Trên quạnh hiu trần trụi/ Trên bậc thềm cái chết/ Ta viết tên em - Trên sức khỏe phục hồi/ Trên hiểm nguy tan biến/ Trên hi vọng chẳng nhớ nhung/ Ta viết tên em - Và do phép màu một tiếng/ Ta làm lại cuộc đời/ Ta sinh ra để biết em/ Để gọi tên em/ Tự Do. Còn những bài thơ viết về mẹ của Hainơ, Exênhin, Blôc lại làm tôi thẩn thờ, y như họ đang viết về mẹ tôi, dù các nhà thơ ấy không cùng dòng máu Việt.

Năm 1970 tập thơ Cửa Mở" của Việt Phương ra đời, tác động đến thế hệ trẻ chúng tôi như một quả bom văn học, làm nổ tung mọi trật tự khuôn phép bấy lâu. Dĩ nhiên người bị "thương tích'' trước hết không ai khác, chính người tạo ra nó. Đối với tôi, ông gần với nhà tiên tri. Giọng thơ quẫy đạp ấy bị người ta công kích, nhưng chúng tôi thì chuyền nhau đọc, ngưỡng vọng một nhân cách sống dũng cảm, dám phơi mở những điều cấm kị. Sau này, mười năm trở lại đây, ông và tôi hữu duyên thành người thân thiết.

Những gì tôi gặt hái được từ các nhà thơ chắc không ngoại lệ. Họ đã đi vào tôi một cách tự nhiên, có thể đã nhìn thấy đôi chút, cũng có thể không nhìn thấy. Nhưng tôi luôn thầm cám ơn họ, những người đi trước, những người cùng thời và những người sau tôi. Họ chính một phần linh hồn tôi vậy.

NĐT: Những người làm thơ trẻ ở Việt Nam hiện nay đang đứng ở đâu?

Anh có ấn tượng gì về sự xuất hiện của họ, ví dụ, trong ngày hội thơ Việt Nam ở Hà Nội? Có những nhận xét trái ngược nhau. Anh nghĩ sao?

HVT: Thế kỉ 21 là thế kỉ của thế hệ trẻ.

Tôi không tin những người thuộc thế hệ trước tôi và thế hệ chúng tôi sẽ làm được gì hơn, có tính cách mạng đối với nền thơ Việt. Chúng tôi chỉ còn mỗi nhiệm vụ đánh giá, tổng kết, cái đã có. Nói đúng cái đã có cũng mệt đấy. Chỉ trong vòng ba chục năm đây thôi, không ít tên tuổi phải đánh giá lại, nhiều tác phẩm không còn chỗ đứng trên văn đàn.

Sự xuất hiện đội ngũ các nhà thơ trẻ là tín hiệu đáng mừng cho một nền văn học. Nó báo hiệu thơ ca vẫn là sản phẩm của đời sống tinh thần không thể thiếu, mặc dù nền kinh tế thị trường với những cơn lốc chóng mặt, xã hội có nhiều thách thức khôn lường. Một nền văn học luôn có đội ngũ bổ sung, tiếp nối là một nền văn học phát triển bình thường.

Những người làm thơ trẻ ở Việt Nam khá đông, có người không còn trẻ nữa, họ hình thành một đội ngũ mạnh và mới, một đội ngũ khác rất nhiều với cha anh. Họ có quan niệm thơ ca không giống, hoặc không hoàn toàn giống trước: Vi Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Trần Tuấn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Thị Mỹ Ý, Bùi Đức Vinh, Hải Trung, Nguyệt Phạm, Tuệ Nguyên… Họ có giọng, cùng vươn tới những xu hướng khác nhau, tìm kiếm, thể nghiệm thực sự, dũng cảm làm mới thơ của mình. Đáng mừng và trân trọng là không ai giống ai.

NĐT: Tôi có cảm giác rằng ở Việt Nam hiện nay ngay cả những người cách tân nhất, trong đó có Hoàng Vũ Thuật, những người không có thành kiến chút nào với các nhà thơ trẻ, cũng không đặt niềm tin nhiều lắm ở các nhà thơ này. Tôi không đọc thấy trong các nhận xét của anh cũng như trong ánh mắt của những nhà văn khác mà tôi trò chuyện một sự hứng khởi mà ta thường có khi đứng trước cái đẹp và khi bị nó chinh phục ngay lập tức.

HVT: Thực tế thì độc giả của thế hệ trẻ không quảng đại, một lượng hẹp, thậm chí rất hẹp, phần lớn là người nghiên cứu, người yêu thơ, bạn bè và một số nhà thơ quan tâm. Tôi cho rằng không vì thế mà coi thơ của thế hệ trẻ không có chỗ đứng, hoặc chưa là gì cả. Không có cuộc cách mạng nghệ thuật nào ra đời dễ dàng chiếm lĩnh ngay công chúng.

Tôi cứ băn khoăn chỗ này. Hình như thế hệ trẻ quá lưu tâm đến hình thức nghệ thuật. Trào lưu làm mới thơ cùng với sự ào ạt các lý thuyết hiện đại, rồi hậu hiện đại, ít nhiều dội vào họ, làm cho một số nhà thơ trẻ mất đi bản năng sáng tạo. Bởi thế nên khi đọc thơ thế hệ trẻ, người ta dễ đánh mất sự hứng thú, đánh mất khả năng cảm xúc đồng sáng tạo? Người đọc cố sao để hiểu bài thơ, câu thơ, hơn là nhấm nháp cảm xúc cùng người làm ra nó.

Thơ trình diễn mà các bạn trẻ tham gia cũng thế, một cuộc chạy theo thuần túy nghệ thuât. Nhà thơ phải cậy nhờ các hình thức nghệ thuật khác, để đến được với người nghe, người xem. Sự kết hợp hài hòa, tương tác giữa các thể loại và hình thức nghệ thuật, dĩ nhiên sẽ tạo ra một nghệ thuật mới hơn, lạ hơn. Tuy vậy, cốt lõi của thơ là để đọc, để nghe, khi nào thì cần quảng trường, khi nào thì chỉ một mình

đối diện với trang thơ. Thơ trình diễn chỉ xảy ra trong không khí hội hè, lúc đó có thể nói người yêu thơ chỉ thấy cái vỏ bên ngoài mà thôi.

NĐT: Anh làm thơ từ bao giờ? Bài thơ đầu tiên của anh.

HVT: Tôi làm thơ hồi còn học ở trường phổ thông cấp 3 Quảng Bình, những năm sáu mươi. Ba năm học, tôi được thầy giáo chủ nhiệm giao phụ trách tờ báo tường của lớp. Cứ ba tháng, hoặc nhân kỉ niệm một ngày gì đấy, nhà trường lại giao cho chúng tôi ra một số báo chung để lưu vào phòng truyền thống. Thế là tôi vừa làm thơ, vừa viết những mẫu chuyện nho nhỏ. Có khi kí rất nhiều tên, để được xem như nhiều tác giả, cộng tác viên tham gia. Chính thói quen ấy ít nhiều khích lệ tôi phải viết, dù chẳng hiểu viết để làm gì. Thầy giáo Lê Văn Tài, dạy văn, thường nói với chúng tôi: người ta bảo Hàn Mặc Tử là một nhà thơ điên (thời ấy được hiểu theo nghĩa sinh học, bệnh lý, chứ không phải là xu hướng, trường phái), nhưng không phải đâu các em ạ. Hàn Mặc Tử không hề điên, rồi thầy đọc - Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây. Điên ấy là vô thức, là tài nghệ đấy.

Chữ vô thức ám ảnh tôi từ ấy.

Hồi đó chữ vô thức gần như không được sử dụng. Nếu có sử dụng thì để lên án những việc làm không tốt, hoặc để chỉ những người thiếu ý thức, hành động không có chủ kiến, bậy bạ. Sau này tôi hiểu vai trò của vô thức rất quan trọng đối với công việc sáng tạo nghệ thuật. Vô thức trong sáng tạo mang đến cho người ta những bài thơ giàu năng lượng, một thứ năng lượng bí ẩn, siêu phàm như những chớp sáng của trời đất ban tặng vậy.

Có thể coi những bài thơ trên trang báo tường là đầu tiên, câu thơ viết ra thơ ngây và bản năng, vu vơ như những nét gạch dọc ngang của đứa trẻ lên ba thích cầm bút vậy. Nhưng bài thơ tôi viết được in đầu tiên cuối những năm sáu mươi; sáu bảy hoặc sáu tám gì đấy:

Hoàng Hôn Trên Thành Phố

Hoàng hôn về thành phố trống trơ

Bức tường đổ vùi trong ráng đỏ

Đã hiện lên trên nền trời thành phố

Những ngôi sao trong chuyện cổ xa vời

Những ngôi sao xanh có tiếng bà cười

Bên bếp lửa ngày xưa bà kể lại

Ngoài đường phố đèn dăng lấp láy

Tôi mơ màng lạc giữa rừng sao

Thành phố tôi yêu trong giấc chiêm bao

Có mái đền cong, rêu phong chùa cổ

Có vó ngựa nhà vua vừa ngang qua đó

Đời đời chiến lũy uy nghiêm

Từ bao giờ thành phố mọc lên

Con sông chảy quanh như vầng trăng đầu tháng

Đây nhịp Cầu Dài, kia ô Cầu Ngắn

Những con đường rải sỏi tôi qua

Tôi yêu thành phố tháng ba

Trong bàn tay em một bông hồng đang nở

Vành nón nghiêng nghiêng bài thơ nho nhỏ

Bên kia sông bãi cát nắng lên đầy

Hoàng hôn về thành phố chiều nay

Tôi trở lại giữa bốn bề gạch đổ

Những gốc dừa cháy đen lối chợ

Hố bom sâu trên nền cũ ngôi chùa

Thành phố run lên từng đợt gió lùa

Tôi chẳng thể nhặt từng viên ngói vỡ

Một bông hồng trong vườn ai đó

Như đỏ thêm phần đỏ tôi yêu

Chẳng còn lại gì đâu thành phố buổi chiều

Chỉ có dòng sông như vầng trăng ôm vào lòng phố xá

Người thành phố đã chia nhau đi các ngả

Để lại đằng sau bao kỉ niệm vui buồn

Tôi lại lên đường từ vầng trăng quê hương

Và ngôi sao mọc đầu tiên trên nền trời thành phố.

NĐT: Tại sao anh làm thơ? Anh viết cho ai?

HVT: Đến bây giờ tôi cũng không lý giải nổi tại sao mình lại làm thơ? Tôi nhớ hồi cải cách ruộng đất, gia đình tôi bị quy địa chủ, anh tôi theo học ở thị xã Đồng Hới phải bỏ học, chị tôi cũng vậy. Hơn hai tuổi tôi đã phải mồ côi cha. Cha tôi người học rộng, mất năm 1947. Mẹ tôi bảo, con phải đi học, không thì gia đình mình không cất nổi đầu lên đâu. Tôi lơ mơ hiểu. Nhưng muốn đi học, tôi phải tìm đến thầy giáo ở khác xã và phải ra đi từ bốn giờ sáng, về lúc phải bảy tám giờ tối, nếu không lũ trẻ cùng lứa biết được, sẽ xé hết sách vở. Chúng nó bảo mày là con cái địa chủ. Địa chủ hết thời, nông dân vạn đại, mày không được học hành hơn bọn tao nghe không.

NĐT: Thời thơ ấu khốc liệt chắc chắn sẽ ghi lại trong mỗi người những dấu ấn lạ lùng của nó.

Do nghề nghiệp chuyên môn, tôi hằng quan sát và thấy rằng đối với người có nhân cách yếu đuối, đó là sự khuất phục trước các tổn thương quá khứ, đối với người rất mạnh mẽ, đó là sự chống trả. Nhưng thường thì có cả hai, vì tôi tin rằng mỗi chúng ta, gần như không có một ngoại lệ nào, đều cùng một lúc vừa yếu đuối lại vừa mạnh mẽ.

Nhưng dĩ nhiên, nhân cách ấy còn tùy thuộc vào hoàn cảnh mà biến đổi mỗi ngày, chứ không hoàn toàn cố định. Một môi trường xã hội lành mạnh sẽ tạo ra nhiều nhân cách lành mạnh hơn. Và ngược lại.

HVT: Tôi vốn đứa trẻ nhút nhát với những chuyện ma quỷ. Để xóa đi nỗi sợ, tôi vừa đi vừa nói huyên thuyên, mắt nhìn lên vòm trời, không dám ngoái lại phía sau. Chao ôi, chỉ còn những ngôi sao làm bạn với mình, những ngôi sao thật đáng yêu, nó không thô bạo và hung hãn như những đứa trẻ kia. Ám ảnh về tuổi thơ cùng với những bài hát ru của mẹ lúc ốm đau, lời dạy dỗ của mẹ tôi khi

lười nhác, trốn học, lang thang trên những cồn cát trắng đến rợn người, đã khảm vào tâm trí, thôi thúc tôi viết những câu thơ rất buồn. Hình như với tôi câu thơ vui cũng được chưng cất từ nước mắt.

Nếu hỏi tôi làm thơ để làm gì, và, anh viết cho ai? Tôi sẽ trả lời dứt khoát, viết để giải tỏa những ẩn ức luôn đeo đẳng mình, viết cho mình. Tôi quan niệm rằng, thơ là dấu ấn cá nhân. Dấu ấn từng cá nhân làm nên dấu ấn xã hội. Một xã hội tốt đẹp hay không, hãy nhìn vào từng cá thể ấy. Tôi cự tuyệt với những thứ thơ chung chung, những thứ thơ lấy đề tài, chủ đề làm thước đo cho nghệ thuật. Vì thế, các nhà thơ đích thực họ luôn cô đơn trước đám đông, thậm chí bị khích báng, lên án hoặc chỉ trích.

NĐT: Như thế nào?

HVT: Một số tập thơ tôi ra đời hay bị chỉ trích. Tập Thế giới bàn tay trái, dư luận cho rằng tại sao không là thế giới bàn tay phải? Bút chiến trên báo Quảng Bình và tạp chí SH, Nhật Lệ, NV, VN kéo dài hai năm liền sau khi tập thơ Đám mây lơ lửng của tôi ra đời không bao lâu, dù nó được vào chung khảo cho giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn, năm 2001. Năm 2003, tôi cho tái bản Đám mây lơ lửng cùng phần Dư luận, gồm 17 bài để ghi nhớ sự kiện ấy. Năm 2004, Hội Nhà văn mới trao tặng thưởng cho tập Tháp nghiêng của tôi. Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy viết về nó có cái đầu đề rất thú vị - một vĩ thanh cho tập thơ trước Tháp nghiêng và nỗi ám ảnh bởi Đám mây lơ lửng.

NĐT: Chiến tranh đã ghi dấu ấn trong thơ anh ra sao?

HVT: Thế hệ chúng tôi không ai không viết về chiến tranh. Chiến tranh để lại bao nhiêu đau thương cho đất nước, cho dân tộc. Anh Nguyễn Đức Tùng cũng đã viết về nó rất day dứt trong bài bàn về văn học miền Nam trước năm 75. Chiến tranh gõ cửa từng ngôi nhà, từng mảnh vườn, từng con đường. Chiến tranh đã làm bao người mẹ mỏi mòn con mắt, bạc tóc chờ chồng chờ con. Không viết về chiến tranh là có lỗi với dân tộc, với đất nước. Nhưng viết về chiến tranh sao đây để tác phẩm không là sản phẩm đơn tuyến, một chiều, mặt khác làm đúng thiên chức của văn học? Bởi vậy nhiều tác phẩm đến với độc giả đã gây nên tranh cãi nhiều chiều, như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Đêm thánh nhân của Nguyễn Đình Chính chẳng hạn.

Tôi vốn yêu nhạc Trịnh Công Sơn, những bài Đại bác ru đêm, Đàn bò vào thành phố… cho tôi một cái nhìn sâu vào chiến tranh. Bài Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1976, rất xúc động. Ông đã ràng rịt vết thương lòng người sau chiến tranh bằng thứ ngôn ngữ âm nhạc đầy thuyết phục. Có điều người ta chậm nhận ra thang thuốc thần đó, cho nên mười năm sau bài hát mới được cất lên, sau khi bôn ba ở nước ngoài rồi mới quay trở về Việt Nam. Giờ đây Mùa xuân đầu tiên là một trong số tác phẩm hay nhất của ông để lại cho nền âm nhạc dân tộc. Đấy số phận nghệ thuật.

NĐT: Trong một đêm ở Sài gòn cách đây nhiều năm, ngồi bên người yêu, bây giờ đã mất, tôi nghe ca sĩ hát bài này. Lúc đó lòng tôi tràn ngập bởi một nỗi buồn xen lẫn niềm vui kỳ lạ, một nỗi tiếc thương đất nước bàng hoàng. Tôi tin rằng đó là một trong những bài hay nhất của Văn Cao.

HVT: Tôi có người anh ruột tên là Hoàng Vũ Thuần hi sinh trên chiến trường miền Trung. Đầu năm nay gia đình đã tìm được hài cốt đưa về an táng, bằng con đường ngoại cảm. Mẹ tôi không còn nữa để đón anh tôi vào nhà, như nỗi niềm quằn quại bao năm của người. Còn bao nhiêu người lính khác đã nằm xuống trên hai miền đất nước?

Năm 1980 trong một chuyến đi, sau mưa bão, bạt ngàn lau trắng đã hối thúc tôi viết nên những câu thơ với lời đề từ viết cho người anh đã mất: Người đi đi mãi chưa về/ Ngàn lau xào xạc nói gì hỡi lau/ Trắng từ xưa tới mai sau/ Thời gian không tuổi nên lau không già/ Núi ngồi núi đứng gần xa/ Núi con núi cháu núi bà núi ông/ Qua trảng bom lại trảng bom/ Diết da màu trắng không mòn người ơi/ Cái màu trắng tựa mây trôi/ Bồng bềnh trên đất cuối thời chiến tranh.

Giữa cuộc sống yên bình:

Ở đâu đồng bãi biếc thanh

Ở đâu ngọn khói chiều xanh với chiều

Đâu con đường của tình yêu

Tím màu hoa tím rất nhiều là đâu

Thì trái lại:

Mà đây lau nối mùa lau

Ứa từ sông thấp núi cao chẳng ngừng

Cầm nhành lau trắng rưng rưng

Nhớ con sông lạ cánh rừng chưa quen

(Lau trắng)

Có lần nhà thơ Hoàng Hưng đọc bài Kiếp Hoa của tôi ông bảo, hai câu thơ dưới đây nằm trong số ít những câu thơ hay viết về chiến tranh:

kẻ mộng du dò từng bước một

những bóng ma tự vuốt lấy mặt mình

Tôi bảo tôi không tin như thế. Nhưng tập tục xưa nay của người Việt, khi người chết thì được người sống vuốt mắt cho, đó là nghĩa cử vừa an ủi vừa tiễn biệt. Thực tế ở chiến trường có khi không một ai sống sót để làm cái công việc sau cùng ấy. Rùng rợn và đau đớn thật!

NĐT: Rất đau đớn. Nhưng thưa anh, anh Hoàng Hưng có lẽ đọc không kỹ.

Có lẽ nguyên ủy nhà thơ Hoàng Vũ Thuật muốn nói là:

Những bóng ma tự vuốt mắt mình

Vuốt mắt cho người chết, tự vuốt hay là vuốt cho nhau, hay lắm. Chứ "vuốt lấy mặt", thì người đọc tưởng là họ đang đi trong mưa.

Tôi đọc thơ có khó tính lắm không?

HVT: Không, không sao. Nguyên bản thơ tôi là vuốt mặt. Có thể như anh nói hay hơn thật. Ngoài đời thì nói vuốt mắt, nhưng trong thơ dùng vuốt mặt là chủ ý của tôi. Đó là sự tiếp xúc gần gũi, sự đụng chạm máu thịt thiêng liêng sau cùng của người sống và người đi xa.

Nhớ năm 1973, học ở Trường Viết văn trẻ, ở Quảng Bá, Hà Nội, tôi đăng kí đi thực tế chiến trường. Vào Quảng Trị nhà thơ Thanh Hải đưa đoàn chúng tôi về làng Nhan Biều, ranh giới của chiến tuyến sông Thạch Hãn. Lính hai bờ sông thi nhau đào công sự. Tôi ngồi chót đuôi một súc gỗ để được nhìn bên kia rõ hơn. Thế là các người lính bờ Nam dừng đào, đứng lên vẫy tay, có lẽ họ muốn tôi bơi qua sông. Ma Văn Kháng trêu tôi, chắc là Hoàng Vũ Thuật có người anh bên đó. Tôi bảo có đấy, cả dân tộc này ai mà chẳng như thế. Nếu tôi không chứng kiến tận mắt bi thương và cũng là bi kịch, thì làm sao viết nổi bài thơ Ý nghĩ từ đất này, để in vào VNQĐ năm sau, trong đó có đoạn: nhà mẹ bên này sông/ chiếc cầu vỏ bom bi bắc qua bờ ao đi vào ngõ/ mảnh vườn rộng gió/ thổi hai chiều tóc mẹ trắng màu mây.

Viết về chiến tranh chẳng bao giờ ngừng. Bởi bao đời nay nấm mồ chiến tranh đã thành " núi ngồi, núi đứng, núi bà, núi ông, núi con, núi cháu" rồi. Từ cổ chí kim, các thức giả, văn hào thi nhân đã viết. Tác phẩm đứng được hay không, là do lương tri người cầm bút. Lương tri hợp với lòng người, nói thay cho lòng người, thì nó tồn tại. Dân tộc nào cũng yêu chuộng hòa bình. Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng, đó cũng là lẽ sống phải không anh Nguyễn Đức Tùng?

NĐT: Trong thơ anh, thấm đẫm tình yêu nồng nàn đối với quê hương. Được biết anh sinh ra ở Lệ Thủy và đang sống tại Đồng Hới, Quảng Bình, những địa danh nổi tiếng. Cát trắng biển xanh, người đẹp, đa tình, chung thủy,

những không gian văn hóa đặc biệt. Thiên nhiên và con người ở đó đã ảnh hưởng đến thơ Hoàng Vũ Thuật ra sao? Ngày nay cái đẹp tinh thần ấy có còn chăng?

HVT: Làng tôi nằm giữa hai thế đất, một bên những động cát trắng xóa chạy dài ra tận biển, một bên phá Hạc Hải, cái nghiên mực thiên nhiên nổi tiếng, nơi phát tích câu ca nhất Đồng Nai, nhì hai huyện (tức Lệ Thủy, Quảng Ninh bây giờ). Phía tây nam là dải Trường Sơn hùng vĩ, có ngọn Đầu Mâu nhọn như tháp bút. Chiều chiều lúc hoàng hôn xuống, một cảnh tượng ngoạn mục xảy ra. Trong mờ ảo chập chờn, bóng núi ngã xuống mặt phá, ta có cảm giác ngọn bút Đầu Mâu chấm xuống nghiên mực Hạc Hải đang viết lên trời những dòng chữ mây bí ẩn. Tiếc thay, hai mươi năm trở lại đây, trong kế hoạch ngăn mặn, người ta đã làm cho Hạc Hải không còn. Môi trường đầm phá biến mất cùng bao hải sản nước lợ, như tôm, cua, rạm, cá cùng với hàng chục loài chim trời hiếm quý. Biết làm sao, khi những cái đầu không giống nhau, thì còn sinh ra bao nỗi bi thương khác nữa.

Quảng Ninh, Lệ Thủy nơi sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng, trong số đó Nguyễn Hữu Cảnh, một nhân vật kiệt xuất, văn võ song toàn, người mở cõi để có một Việt Nam như ngày nay. Rồi, Hoàng Hối Khanh, Hoàng Kế Viêm, cùng bao nhân vật kiệt xuất khác. Ngày nay, nhắc đến Võ Nguyên Giáp, ta đã nghĩ ngay tới tên tuổi mười vị tướng thế giới. Đối lập với Võ Nguyên Giáp, cách làng ông một con hói nhỏ là quê hương của ông Ngô Đình Diệm.

Gia phả Hoàng tộc tôi gốc làng Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Sơn Tây cũ, có ghi: Thủy Tổ Hoàng Cai Sấu Linh Quan, vâng mệnh Bổn triều, Nam di chinh phạt. Sự bình chiếm đắc địa phận lập nên làng Thạch Xá bây giờ.

NĐT: Anh đã từng là chủ tịch hội văn học nghệ thuật Quảng Bình. Theo anh, ở đó hiện nay, các nhà thơ nào là quan trọng nhất? Anh có mối quan hệ như thế nào đối với các nhà thơ ở địa phương? Nếu có thể, xin cho tôi nghe một vài bài thơ của họ.

HVT: Quảng Bình quê hương các nhà thơ nổi tiếng thời Thơ Mới: Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư và Nguyễn Xuân Sanh. Thời kháng chiến chống Pháp Xuân Hoàng, Gia Ninh, Nguyễn Anh Tài, là đại biểu tiêu biểu hơn cả. Trước và sau những năm 70, một loạt các tác giả mới trở thành nồng cốt, Trần Nhật Thu, Đông Trình (miền Nam), Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hải Kỳ, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Văn Dinh, Lê Xuân Đố, Phi Tuyết Ba, Ngô Minh, Vĩnh Nguyên, Trần Quang Đạo, Đỗ Hoàng, Lý Hoài Xuân, Nguyễn Hữu Quý, Mai Văn Hoan, Thai Sắc, Văn Lợi… Lớp nhà thơ này tản mác nhiều nơi, trong nam, ngoài bắc. Bút pháp hiện thực chi phối và đeo bám dai dẳng công việc sáng tạo của họ, làm nên sự nổi tiếng một thời. Trong số này, Lê Xuân Đố, hiện sống ở Sài Gòn, Trần Quang Đạo, Phi Tuyết Ba và Nguyễn Hữu Qúy ở Hà Nội, Nguyễn Khắc Thạch, Ngô Minh, Vĩnh Nguyên ở Huế tìm cách vượt rào, để thay đổi bút pháp quen thuộc.

NĐT: Ví dụ?

HVT: Đọc những câu thơ: loài chó nồng nhiệt hơn hẳn chúng ta/ trời phú đức tính trung thành/ ta xúc động và nhiều khi tự ái (Thơ cho Bim-Lê Xuân Đố), bên thềm hoang/ thiếu phụ/ thoát y nằm/ ngọn nến cháy/ sau vầng trăng khuyết (Thiền-Nguyễn Khắc Thạch), cát trắng nhuộm màu bóng tối/ cây như bóng người thiền dưới trời khuya (Khúc biến tấu xương rồng-Trần Quang Đạo) đã đào sâu vào âm bản các hiện tượng, một kiểu tư duy lật ngược. Cái trật tự bấy lâu về đời sống tinh thần của con người nom ra quá cũ kĩ, không còn phù hợp nữa. Tiếc rằng hiện tượng trên không trở thành phổ biến, và, không phải ai cũng chấp nhận.

NĐT: Xin trở lại với thơ anh. Một dòng thơ, giọng thơ thế sự.

Chân lý đường cong

Cái nhíu mày

Đủ cho người ta đi thụt lùi ra cửa

Khuynh hướng này là một trong những khuynh hướng chính của thơ Hoàng Vũ Thuật, bên cạnh thơ tình và thơ về quê hương đất nước.

Trong thơ anh, có sự giận dữ phẫn nộ của một công dân không?

HVT: Sao lại không? Nhà thơ là một công dân, nói tiếng nói của công dân, hiểu sâu sắc thân phận của công dân. Nguyễn Long trong bài Thường dân đúc kết rất chí lý:

Khi là cây mác cây chông

Khi thành biển cả, khi không là gì

Thay vì vác đơn đi kiện, anh lấy thơ làm văn bản tư tưởng để đấu tranh vì lẽ công bằng, chống lại cái ác, kéo con người về phía thiện. Cứu rỗi thế giới, là chức năng muôn thuở của thơ ca nghệ thuật.

Văn-bản-thơ tôi đã nhiều lần trình bày: vụt qua chiếc xe đen nhoáng vầng trán/ sắp nứt đôi vành tai sắp rớt/ vụt qua gánh hàng rong đặc sệt mồ hôi/ vụt qua tiếng rú điên dại và/ giấc mơ khóa chặt/ vụt qua cái nạng gỗ vang lên âm thanh/ huyệt mộ/ vụt qua chiếc xích lô bánh đặc lăn không biết mệt/ vụt qua người dắt chó/ như chó dăt người (Tháp).

Nhưng sự phẫn nộ của thơ khác với biện pháp người đời.

Kinh Thánh có câu: Một nơi náu ẩn cao trong thì gian truân.

NĐT: Ảnh hưởng của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đối với thơ và văn xuôi Việt Nam ngày nay ra sao?

HVT: Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa tạo nên rãnh tư duy một chiều bền lâu, chưa thể xóa hết, mặc dầu phương pháp đó chỉ tồn tại trong văn học sử, hầu như không ai lấy đó để cổ súy công việc sáng tạo.

Tuy vậy, do yêu cầu của người biên tập, để tuyên truyền, cổ vũ một chủ đề nào đó, thơ thời sự vẫn có chỗ đặt chân. Ở các tỉnh địa phương còn nặng nề hơn. Một số nhà thơ tìm cách dung hòa hai yếu tố làm một, sản sinh ra thứ thơ đầu Ngô mình Sở.

Trong thơ, trữ tình thế sự vốn đã ẩn chứa thời cuộc, thân phận, gương mặt xã hội, tức là đã có tính "thời sự". Sáng tạo nghiêng hẳn về thời sự sẽ làm cho bài thơ biến thành tư liệu thô thiển, hiện thực đời sống vào thơ như một phép liệt kê. Đó cũng là nỗi buồn của thơ hiện nay.

NĐT: Anh nghĩ gì về chủ nghĩa hậu hiện đại? Và thơ hậu hiện đại ở Việt Nam?

HVT: Thuật ngữ "Chủ nghĩa hậu hiện đại", còn mới mẻ với nhiều người cầm bút Việt Nam. Đầu năm 2008, tôi được đọc cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại của Jean-Francois Lyotard, do Ngân Xuyên dịch. Sau đó, một số bài bàn tới vấn đề này, trên Talawas và Tiền Vệ, kể cả cuộc tranh luận giữa hai ông Hoàng Ngọc Hiến và Hoàng Ngọc Tuấn, cũng chưa thể giúp tôi hiểu sâu hơn các tư tưởng triết học và phê bình lí luận tiên tiến của thế giới, ứng dụng cho văn học Việt Nam. Sự chuyển biến từ hiện đại sang hậu hiện đại làm xuất hiện một tâm thức mới trên nhiều mặt đời sống, chứ không riêng gì văn chương nghệ thuật. Nhưng tôi hiểu rằng, đó là một cuộc cách tân khai phóng, kiến tạo những hình thức mới, đa dạng, không ngừng thay đổi trước guồng quay khách quan của xã hội.

Từ thực tế, tôi nghĩ thơ hậu hiện đại ở Việt Nam chưa thể nhập cuộc thành trào lưu sáng tác. Một số nhà thơ quan tâm đến xu hướng này, nhất là các nhà thơ trẻ, nhưng ranh giới giữa hiện đại và hậu hiện đại chỉ dừng lại ở kĩ thuật chế tác ngôn ngữ, vắt câu, lạ hóa chữ nghĩa, không tạo ra một tâm thức mới. Một số người còn diễu "chưa đậu ông nghè, đã đe hàng tổng", đã đi hết hiện đại đâu, mà đòi hậu hiện đại. Trong khi đó, theo ông Hoàng Ngọc Tuấn thuật ngữ "hậu hiện đại" đã xuất hiện từ năm 1870, và thuật ngữ "chủ nghĩa hậu hiện đại" đã làm nhan đề cho một bài viết về tôn giáo có từ năm 1914.

NĐT: Tôi nghĩ thế này: nếu anh sống hậu hiện đại thì anh viết hậu hiện đại, nếu anh sống cổ điển thì viết cổ điển. Sống thơ như thế nào thì làm thơ như thế ấy. Đây là cuộc sống tâm linh, là đời sống bên trong (inner life) anh ạ.

Tôi thiết nghĩ: muốn đổi mới thơ thì phải đổi mới đời sống tinh thần của anh trước đã. Các nhà thơ có hạng đều biết rằng, một lần tính toán khôn vặt, một lần mất cơ hội về một bài thơ hay.

HVT: Đúng thế. Anh có thể đi xe đạp, mặc áo màu nâu. Đó là phương tiện, sở thích từng người. Nhưng đời sống bên trong, đặc biệt nhận thức, tư duy, nó quyết định cho hành động, việc làm của anh. Ngược lại, anh đi bằng phương tiện hiện đại, ăn mặc đúng mốt, có khi suy nghĩ lại lỗi thời, bảo thủ, không làm được gì.

Song, viết còn là một quá trình, đòi hỏi nhiều mặt nữa. Viết, một sáng tạo nghệ thuật, có khi tưởng đó là trời cho.

NĐT: Trong thơ của bất cứ nhà thơ nào xưa nay cũng có những câu hay đứng xen kẽ những câu dở hoặc… vừa vừa.

Những con thuyền thúng ngày mai lại trườn về biển cả

Là một câu thật thà, hơi vụng.

Nụ hôn cầu vồng uốn cong trời đất

Là một câu thơ bay bướm, thậm chí hay, nhưng lại ít thuyết phục.

Anh úp mặt vào đời em

Giấu một miền quê đằng đẵng

Cảm động hơn nhưng vẫn không thoát được cái sáo. Hình như nó ngọt ngào quá chăng? Không vụng dại như:

Và gương mặt hiền thục hiện về

Mùa thu bỏ quên đôi guốc đỏ

Thật ngộ nghĩnh nhưng thuyết phục.

Anh đã bước lên không mệt mỏi

Bằng đôi chân nối dài

Giản dị, bỏ qua tu từ, văn xuôi, mà vẫn đằm thắm mạnh mẽ. Đầy nhạc tính mới. Nhớ lần đầu khi đọc hai câu của anh, tôi có phần hồi hộp:

Một bông một bông thôi

Giữa lạ lùng trời đất

Như một bước nhảy con trẻ tới cái đẹp. Điệp ngữ thâm trầm. Và phân vân không biết anh sẽ viết tiếp như thế nào, làm sao để ra khỏi cái luồng chảy tự nhiên- tất nhiên- số phận của nó? Quả nhiên, anh viết:

Như trái tim nhỏ nhoi

Đọc đến đó thì đoán được anh phải kết thúc như thế nào. Có một vật gì đang ngáng chân anh chăng? Có lẽ là chữ như dễ dãi? Hay một cái gì sâu sắc hơn về thi pháp?

Trong khi ở những bài khác, câu khác, Hoàng Vũ Thuật rất mê đắm, rất khai phá, thoát khỏi sức hút của trái đất.

Trăng bồ liễu

Trăng như cỗ quan tài thủy táng

Hoang dại, viết thẳng từ vô thức.

Hay dữ dội, u uất, bàng bạc:

Một ngọn lửa một đêm tối một chiều tà

Một vận hạn một thức thời một nguyền rủa

Tu từ dày đặc mà vẫn là một trong những câu hay nhất của thơ ca Việt Nam đương đại. Trên vai chúng, tôi vui mừng nhận ra gương mặt thơ của Hoàng Vũ Thuật tài hoa lộng lẫy. Thưa anh, anh quan niệm thế nào là thơ hay và thế nào là thơ dở?

HVT: Có những bài thơ hay, nhưng không có câu thơ hay, vì cấu trúc toàn bài là một hình tượng chỉnh thể bao quát, thống soái. Ngược lại, trong những bài thơ trung bình, hoặc dở cũng có thể tìm được câu thơ hay. Trường hợp bài Những con thuyền thúng được cấu trúc theo chỉnh thể, các câu thơ, đoạn thơ tương tác, bổ trợ cho nhau, theo tôi, phải đọc nó trên chỉnh thể.

Trong sáng tạo đôi khi có những vật ngáng chân, như anh nói, là khi cảm xúc chưa chín tới mà anh vội viết cho lấy được, chắc chắn bài thơ sẽ rơi vào cái thế "đẻ non". Đúng lắm anh Nguyễn Đức Tùng ạ.

Thơ hay như người đẹp ai cũng yêu. Thơ dở như kẻ gàn dở ai cũng muốn lánh.

NĐT: Anh trông đợi điều gì ở nền thơ Việt Nam, ở nền văn học Việt Nam hiện nay? Điều gì làm anh thất vọng? Điều gì làm anh lạc quan?

HVT: Phẩm tính dân tộc trong mỗi người bao giờ cũng mong muốn dân tộc mình rạng rỡ lên. Tôi cũng vậy, tôi luôn mong sao nền văn học Việt Nam hội nhập được với văn học thế giới với niềm tự hào, không hổ thẹn chút nào. Tôi đã có một bài viết Tự do sáng tạo và xu thế hội nhập đăng trên VN, Hội Nhà văn TV, bàn tới vấn đề này. Một số tác phẩm văn học những năm đổi mới của Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Hoàng Minh Tường, Bùi Ngọc Tấn... về văn xuôi, của Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Việt Phương, Hoàng Hưng, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Ý Nhi, Nguyễn Trọng Tạo… về thơ, cho tôi cái nhìn hi vọng.

Nhưng tôi cho rằng đổi mới trong văn học nước ta chưa đi đến cùng. Tính trì trệ bảo thủ ở số đông nhà văn, là lực cản chính họ. Tự do sáng tạo chưa thành dòng chảy cảm xúc trong mỗi người. Hình như cái dây ràng buộc "quan phương sáng tạo" một thời còn làm cho nhà văn dè dặt, e ngại. Điều này tạo ra những khoảng trống trong nhận thức, tư duy lí luận, ắt sẽ làm nên khoảng trống trong văn học.

Vậy, khó đặt văn học Việt Nam lên mặt phẳng toàn cầu để lạc quan.

NĐT: Những người quan tâm thực sự, từ bên trong, từ đáy lòng, không thể lạc quan được về văn học Việt nam. Theo tôi, sinh ra từ một lịch sử chia cắt, hầu hết các nhà thơ Việt Nam đều tự mình giới hạn vào cái góc sân cô lập của mình, một nhóm bạn bè riêng, một vùng ngôn ngữ riêng và một chuẩn tắc văn hóa riêng của mình.

Tuy nhiên cũng có những cố gắng nổi bật của một số nhà thơ và nhà phê bình hiện nay tìm cách thay đổi tình hình, đúng không anh? Họ đang cần phải làm gì hơn thế nữa?

HVT: Có chứ, các nhà thơ trẻ trên bước đường tìm kiếm họ đã phác cho mình một lối đi. Cho dù thành công và thất bại song hành, nhưng thể hiện một nỗ lực quả cảm. Một số nhà thơ thế hệ chúng tôi như đã nói, cũng đang trăn trở, lắng nghe, tiếp cận cái mới để sản phẩm của mình không chững lại. Gần đây, các nhà thơ tên tuổi dường như đã định vị, cũng cho in những bài mới, mà chất giọng khác trước nhiều. Hình thức câu thơ thay đổi, nhịp vần cũng không cứng nhắc. Đấy cũng là một tín hiệu đáng mừng.

Tôi yêu các nhà phê bình đến với cái mới, trân trọng cái mới, kích thích cái mới, làm cho cái mới luôn rộng đường dư luận. Trong tình hình hiện nay, đó là những người dũng cảm.

Đó cũng là không khí của một nền văn học quẫy động, một nền văn học sung sức và phát triển mà chúng ta ước muốn.

NĐT: Xin trân trọng cám ơn anh Hoàng Vũ Thuật.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 15118)
Trong việc thành lập nhà xuất bản Tiếng Quê Hương,
04 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 15087)
Mượn lời Nguyễn Trung làm đề tựa, và ghi lại đây chút kỷ niệm cùng người bạn tôi quý mế
30 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 13653)
Trong suốt thời gian dài làm chủ bút tạp chí Văn Học, tôi được dịp quen biết với nhiều nhà văn từ lúc họ mới khởi nghiệp
23 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 13290)
Lần đầu tôi gặp nhà văn Bình Nguyên Lộc là vào năm 1972, khi tôi mới về làm thư ký toà soạn tạp chí Văn
15 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 15317)
“Nhạc hoàn toàn không làm tăng giá trị bài thơ”, mà phải nói thêm theo từ ngữ thông dụng hiện nay, “Nhạc đã abuse bài thơ.”
06 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 14724)
Để tìm những ký hiệu ngôn ngữ gắn bó với con người, tôi thường hình dung những chữ phù hợp với phong cách nghệ thuật của một vài nghệ sĩ
29 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 14335)
Lâu lắm mới gặp lại anh. Hoài Khanh bây giờ đã 79 tuổi ta rồi chớ ít g
19 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 14157)
Áo Lụa Hà Đông, Cần Thiết, Tuổi Mười Ba, Paris Có Gì Lạ Không Em
10 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 14222)
Bút Tre (Đặng Văn Đăng: 1911-1987) không cho mình là thi sĩ, ông chỉ nhận mình là "vè sĩ
06 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 13984)
Tôi viết bài này bằng bút bi, khi đưa in báo Văn Nghệ do “khuôn khổ báo có hạn"
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17048)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9174)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8345)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19182)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7900)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11065)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19257)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31959)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,