Thúy Anh đài Văn Nghệ Thúy Nga, phỏng vấn nhà thơ Du Tử Lê.

05 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 19120)
Thúy Anh đài Văn Nghệ Thúy Nga, phỏng vấn nhà thơ Du Tử Lê.

thuyanhdtl-2011_0-content-content

LNĐ: Vào lúc 8:30 tối Thứ Bảy, ngày 30 tháng 4 vừa qua, tại studio của đài phát thanh Văn Nghệ Thúy Nga, xướng ngôn viên Thúy Anh đã có một cuộc nói chuyện với nhà thơ Du Tử Lê, dài gần một tiếng.

Nhận thấy cuộc nói chuyện ít nhiều đã đề cập tới một phần đời quá khứ ở VN, cũng như những năm tháng đầu đời tỵ nạn của họ Lê; cho nên, sau khi biên tập, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc và thân hữu, cuộc phỏng vấn vừa kể, như một tài liệu thêm về thi ca, đời riêng của tác giả này.

Trân trọng,

dutule.com

 

 

 

Thúy Anh (TA): Rất vui hôm nay được chào đón thi sĩ Du Tử Lê, một người rất quen thuộc với những người yêu thơ, yêu văn. Với hơn 50 năm làm thơ, viết văn, thi sĩ Du Tử Lê đã có nhiều câu thơ sớm trở thành thành ngữ của thời hiện đại: “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu.” “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau.” “Tan theo ngày nắng vội” … Xin mời quý vị thính giả gặp gỡ tác giả của những câu thơ để đời đó.

Thưa chú, ở chốn nhân gian không thể hiểu, làm sao hôm nay Thúy Anh lại hân hạnh mời được chú Du Tử Lê.

 

Nhà thơ Du Tử Lê (DTL): Trước hết chúng tôi xin kính chào quý thính giả của đài Văn Nghệ Thúy Nga, và xin chào Thúy Anh. Có lẽ chính vì sự ở chốn nhân gian không thể hiểu cho nên hôm nay chúng tôi ngồi ở đây.

 

TA: Thưa chú, trước tiên xin chú chia xẻ với thính giả của đài Văn Nghệ Thúy Nga về tình hình sức khỏe của chú, và công việc hiện tại của chú.

 

DTL: Thưa quý vị và các bạn, tôi may mắn được qua cơn bệnh hiểm nghèo, là bệnh ung thư ruột. Theo nguyên tắc, các bác sĩ nói, khi qua được 5 năm thì coi như bệnh nhân không còn bị đe dọa bởi cơn bệnh nữa. Tuy nhiên chưa kịp vui trọn, thì các bác sĩ lại khám phá trong phổi tôi có một cái bướu… Nhỏ thôi. Sau nhiều lần Cat Scan vẫn không thấy cái bướu tăng trưởng, nên bác sĩ Lê Trần Hoàng, người theo dõi tình trạng phổi của tôi, cho hay, ông hy vọng không phải là một di căn của cancer.

Kết luận tạm thời của BS Hoàng, là một kết luận tốt. Vì tôi cũng mong là được như vậy. Tuy nhiên nếu có là cancer, thì mình cũng vui thôi!

 

TA: Thưa chú như thế là chú cũng đã sẵn sàng, để “khi tôi chết hãy đêm tôi ra biển?”

Thưa quý vị, sở dĩ Thúy Anh hồn nhiên mà nói thế bởi vì gặp chú lúc nào chú cũng cười, và nhìn sắc diện của chú hôm nay, Thúy Anh thấy rằng chú rất yêu đời và rất vui. Mà khi niềm vui toát ra ngoài thì chứng tỏ rằng sức khỏe rất tốt đẹp và chắc chú đang rất hạnh phúc.

Thưa chú cháu được biết chú làm thơ năm chú mới có 11 tuổi?

 

DTL: Vâng, đúng vậy.

 

TA: Thưa chú, 11 tuổi chú đã làm quen với văn chương, trong khi thằng bé của nhà cháu ở tuổi này chỉ biết bắn súng và chỉ biết nhõng nhẽo với mẹ? Chú có nhớ bài thơ đầu tiên chú viết về đề tài gì không chú?

 

DTL: Hiện giờ tôi không thể nhớ được, Thật ra trong thế hệ của chúng tôi, thế hệ của những người sắp sửa bước vào tuổi 70, họ lớn lên trong chiến tranh và sống trong một xứ nghèo khổ, trẻ con thường bị trưởng thành rất sớm. Và khi cháu bé ở nhà của Thúy Anh vẫn tiếp tục bắn súng, thì nên mừng, vì nó được sống đúng tuổi của nó. Nó không bị chín sớm quá, như trường hợp của chúng tôi! Đó là thế hệ bị chín sớm, tiếng Việt của chúng ta gọi là “dú”…Hiểu theo nghĩa trái cây còn xanh mà đã bị “dú” để cho nó chín sớm… Trường hợp ấy, tôi cho là điều không may mắn.

 

TA: Thường thường quả dú thì không ngon bằng trái chín cây một cách tự nhiên. Vậy thì chú giải thích thế nào trường hợp chín dú của chú mà lại cho ra kết quả một thi sĩ Du Tử Lê với sự nghiệp như chú có hiện nay?

 

DTL: Chưa biết đó là một điều hạnh phúc hay bất hạnh? Bởi vì tất cả là kết quả của một sự nỗ lực, một sự tích lũy để thành một sự nghiệp. Sự nghiệp về thương mãi. Sự nghiệp về học hành. Sự nghiệp về văn chương… Sự nghiệp nào, chúng ta cũng đều phải trả giá cả.

 

TA: Thưa chú bài thơ đầu tiên của chú, năm 1957, lúc đó chú 15 tuổi, được đăng trên Tạp Chí Mai với bút hiệu là Du Tử Lê, đó là bài thơ đầu tiên chú dùng bút hiệu này. Xin chú nói qua về bút hiệu Du Tử Lê.

 

DTL: Du Tử Lê là bút hiệu tôi dùng chính thức năm tôi học lớp đệ ngũ, lúc đó tôi 15 tuổi qua bài thơ đầu tiên đăng trên Tạp Chí Mai, nhan đề bài thơ là “Bến Tâm Hồn”. Tôi nói về cảm xúc của mình (tất nhiên rất đơn sơ). Cảm xúc của một người vừa rời khỏi Hà Nội. Trong bài thơ tôi đóng vai người… lớn.

 

TA: Ông cụ non phải không ạ?

 

DTL: Đúng! Đúng! Ông cụ non…

 

TA: Mới có lớp đệ ngũ mà chú đã biết dùng chữ “Bến Tâm Hồn.”

Thưa chú, người ta bảo người nào hồi nhỏ là “ông cụ non” lớn lên sẽ là…

 

DTL (cười lớn): Thành ông cụ già!

 

TA: Không phải chú. Ý Thúy Anh nói… những người như thế khi lớn lên sẽ có tâm hồn rất trẻ trung. Có phải điều đó đã vận vào chú?

 

DTL: Tôi không biết có phải như thế không? Tôi chỉ biết sau khi tôi trải qua một cơn bệnh ngặt nghèo và, tôi sống được đến ngày hôm nay, tôi cho đó là một điều may mắn. Một sự kỳ diệu. Nên, mỗi ngày được sống thêm, tôi đều tận hưởng nó, như một bonus, với tất cả lòng biết ơn đời sống. Biết ơn trời đất. Biết ơn gia đình. Biết ơn vợ con. Biết ơn bằng hữu. Nên, tôi luôn thấy mình hân hoan. Mỗi buổi sáng, khi mở mắt ra, thấy mình còn sống, tôi lại nói:

“Cám ơn Trời Đất đã cho con sống thêm một ngày.” Và tôi mỉm cười với gia đình, với vợ con chung quanh… sau câu cám ơn ấy.

 

TA: Đó là lý do tại sao nhìn chú, lúc nào cũng hân hoan. Thưa chú Thúy Anh biết tuổi thơ của chú đã trải qua cảnh mồ côi bố rất sớm, bản thân chú có tật. Bàn tay chú có 6 ngón nên chú rất mặc cảm. Đến năm lớp Đệ Lục thì chú cắt bỏ ngón tay đi.

 

DTL: Vâng, tôi bị mặc cảm với bàn tay có tật của mình. Nhưng vì bố mất sớm, tôi lại là con út nên mẹ tôi (mẹ tôi là người nhà quê, ít học) sợ cắt thì nguy hiểm đến tính mạng của con… Nên bà cụ không cho cắt, mặc dù các anh chị bắt phải cắt. Đến năm đệ lục thì mặc cảm càng ngày càng lớn, chính tôi xin đi cắt, và người cắt cho tôi là bác sĩ Lê Thiện Thuật, một người trong gia đình, hồi đó ông làm trong bệnh viện Thanh Quan.

 

TA: Trước khi cắt ngón tay, chú bảo chú là người đầy mặc cảm, vậy khi cắt ngón tay dư đó chú có trở thành người khác hẳn không?

 

DTL: Khi mặc cảm bị ăn sâu như một cái sẹo thì rất là khó phai. Nhưng một điều may mắn cho tôi, là tôi được gia đình cho đi Hướng Đạo. Người đưa tôi, hướng dẫn tôi vào Hướng Đạo hồi đó, chính là nhà thơ Đỗ Quý Toàn, tức nhà báo Ngô Nhân Dụng. Ông hiện giờ cộng tác với báo Người Việt. Nhờ sinh hoạt Hướng Đạo mà tôi có được ít nhất ba điều tốt.

    -Thứ nhất là không còn nhút nhát, mặc cảm nữa.

    -Thứ hai là nói năng rành mạch, vững vàng, không còn bị ấp úng hay lung túng nữa.

    - Và thứ ba là hòa đồng, là thoát khỏi cuộc sống khép kín, cô độc vì mặc cảm tật nguyền của mình. Ý tôi muốn nói, tôi từ bỏ được những năm tháng sống tự cô lập mình, và nhờ thế, từ từ vết sẹo mặc cảm của tôi phai nhạt dần.


Cho đến bây giờ tôi vẫn biết ơn Hướng Đạo. Tôi nghĩ, nếu không có Hướng Đạo, nhiều phần chắc tôi không có can đảm ngồi nói chuyện với Thúy Anh như bây giờ, ở đây.

 

TA: Vậy thì quý phụ huynh đang nghe chương trình này chắc nên cho con em mình đi Hướng Đạo.

Thưa chú qua một số tài liệu, Thúy Anh được biết chú may mắn được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc những bài thơ của chú. Từ cây cổ thụ âm nhạc như nhạc sĩ Phạm Duy đến cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Nguyễn Hiền, nhạc sĩ Mai Trường, Anh Bằng…Hoặc trẻ hơn nữa, thì có các nhạc sĩ như

Từ Công Phụng, Hoàng Quốc Bảo, Hoàng Thanh Tâm, Lê Văn Thành, Đăng Khánh, Nguyên Bích, Trần Duy Đức, Phạm Gia Cổn, Phan Nguyên Anh, Vũ Thành An, Hoàng Xuân Giang, Trúc Hồ, Phạm Anh Dũng, Song Ngọc… cùng rất nhiều nhạc sĩ khác. Vậy chú có nhớ chú có bao nhiêu bài thơ được phổ nhạc?

 

DTL: Thưa quý vị, và thưa Thúy Anh, thật tình tôi không nhớ. Và tôi cũng không có con số chính xác. Lại nữa, không chỉ những nhạc sĩ ở hải ngoại, mà một số những nhạc sĩ trong nước cũng phổ thơ của tôi. Thí dụ như Khang Thụy, Hoàng Song Nhi, Trần Ngọc Tiến, Đình Nguyên, Trần Hữu Trung và nhiều nhạc sĩ khác mà tôi không thể nhớ hết… Tôi chỉ có thể nói là tôi may mắn được nhiều nhạc sĩ ở nhiều thế hệ khác nhau, tìm đến với thơ của tôi mà thôi.

 

TA: Thưa chú “Trên Ngọn Tình Sầu, Ơn Em, Khúc Thụy Du”… là những tình ca mà những người yêu nhau rất là mê. Có nhiều nhạc sĩ phổ thơ của chú, vậy theo chú có phải có một nghiệp duyên nào đó giữa người làm thơ và người phổ nhạc hay là… ở chỗ nhân gian không thể hiểu?

 

DTL: May quá. Cám ơn Thúy Anh đã trả lời hộ tôi: “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu.”

 

TA: Thưa chú các nhạc sĩ phổ thơ của chú có thường gọi điện thoại để tìm hiểu bài thơ trước khi phổ nhạc không thưa chú?

 

DTL: Thưa, ở Việt Nam vào thế hệ của chúng tôi thời ấy chưa có điện thoại riêng; nên trường hợp gọi để hỏi ý kiến cũng không xảy ra. Trường hợp anh Từ Công Phụng khi phổ bài thơ “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu”, mặc dù chơi với nhau, nhưng không bao giờ anh ấy đề cập đến chuyện phổ nhạc cả. Bỗng một hôm anh ấy gọi tôi ra quán cà phê La Pagodge, ở ngã tư đường Tự Do và Lê Thánh Tôn, anh ấy nói (xin lỗi, cho tôi thuật lại đúng lời anh Phụng nói):

“Tao mới phổ một bài thơ của mày. Tao hát cho mày nghe. Coi mày thấy sao?”

Câu chuyện chỉ đơn giản vậy thôi. Riêng cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, khi phổ nhạc thơ tôi, thì ông luôn báo trước và ông bàn với tôi những chữ nào mà ông thấy cần phải bỏ, phải sửa… Nhạc sĩ Phạm Duy thì không thông báo trước. Nhưng khi ông sắp xong bản nhạc hay cần sửa đổi, bao giờ ông cũng hát cho mình nghe xem mình có đồng ý cái melody hoặc cách thay thế chữ đó không. Ông cũng thường cho biết tại sao chữ này phải đổi thành chữ này v.v…Riêng ở đây, phương tiện liên lạc dễ dàng hơn, nên các nhạc sĩ thường gọi điện thoại báo cho tôi, hoặc hỏi ý kiến tôi, có đồng ý để họ phổ bài thơ nào đó. Và, họ thường gửi cho tôi cái sample bài hát.

 

TA: Thưa chú đó là câu hỏi dễ, bây giờ là câu hỏi khó hơn cho chú đây. Thưa chú “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu”, “khúc thêm” là thêm nữa chứng tỏ trước đó có bao nhiêu “khúc” cho Huyền Châu phải không chú? Và thưa chú Huyền Châu là ai ạ?

 

DTL: Trước nhất, khi còn ở VN, cách đây nhiều chục năm, tôi có thói quen lấy hai con số của thời gian đó bỏ vào nhan đề thơ của tôi; thí dụ khi tôi viết “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu”, điều đó có nghĩa là năm 1967. Hoặc khi tôi viết “Lục Bát Cuối 66” thì xin hiểu rằng, đó là một bài lục bát, tôi viết vào cuối năm 1966.”

Còn tại sao lại là “khúc thêm,” thì vì trước đó nhiều năm tôi đã có những bài thơ viết cho Huyền Châu. Chẳng hạn như “Bài Huyền Châu” tôi viết từ những năm đầu thập niên “1960. Cũng như nhiều bài tôi viết cho Huyền Châu, mà không dùng tên Huyền Châu trong tựa đề. Nên, “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu” thì nó đúng là một bài “thêm.”

TA: Huyền Châu chắc chắn là tên của một người con gái rất đẹp, xin chú chia xẻ với thính giả

 

DTL: Thưa, xinh đẹp hay không thì tôi không thể quả quyết, nhưng đó là mối tình đầu của tôi. Thời của tôi ở Sài Gòn khi ấy vẫn còn phân biệt Nam Bắc. Tôi là người miền Bắc. Bạn của tôi, Huyền Châu là người Miền Nam. Gia đình Huyền Châu không chấp nhận tôi, Bắc Kỳ. Ngược lại mẹ tôi cũng không chấp nhận có một người con dâu người miền Nam.Tôi xin lập lại mẹ tôi là người miền quê, cổ điển, nên ngay từ đầu chúng tôi đã gặp trở ngại Bắc Nam. Và có lẽ tôi là nạn nhân cuối cùng của sự phân biệt Nam-Bắc này!

 

TA: Không phải đâu chú, sau này vẫn còn. Tuy nhiên cũng nhờ có những trở ngại về Bắc Nam nên ngày nay chúng ta mới có “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu”.

Thưa chú trong bài này có một chi tiết “con dế mèn tự tử…” thưa chú tại sao con dế lại biết tự tử hở chú?

 

DTL: Trong văn chương, những trường hợp như vậy người ta gọi là nhân cách hóa. Tôi đã nhân cách hóa con dế. Tôi đã biến con dế thành một con người cho nên nó có thể tự tử được.

 

TA: Nhưng thưa chú, tại sao không là con khác mà lại là “con dế”

 

DTL: Thưa ngay từ đầu chương trình, tôi có nói tôi là người có tật và rất nhút nhát. Nên từ hồi nhỏ, tuổi thơ của tôi đã không diễn ra một cách bình thường. Hồi đó những bạn cùng tuổi với tôi, họ có những thú vui như đánh đáo, chơi bi…Nhưng vì tôi không có bạn do xấu hổ, nên thế giới của tôi ngoài mẹ, chị và chị vú…thì bạn của tôi chỉ là những con vật.

 

TA: Thưa chú, theo cháu thì thi sĩ Du Tử Lê không chỉ có “Trên Ngọn Tình Sầu, Ơn Em”…mà còn có “Khúc Thụy Du” do nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc; được rất nhiều người yêu thích. Thưa chú “Khúc Thụy Du” có phải là một tên ghép của chú và một người con gái nào đó?

 

DTL: Mình cứ tạm thời nghĩ như thế đi, vì hiện giờ tôi chưa nghĩ được cách giải thích nào khác.

 

TA: Thưa chú xin chú cho biết hoàn cảnh ra đời của ca khúc đó.

 

DTL: Bài thơ đó tôi viết sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, vào khoảng tháng 3 hay tháng 4. Thực sự đó không phải là một bài thơ tình mà là một bài thơ viết về chiến tranh. Tôi mô tả lại những ghi nhận của mình với tư cách là một phóng viên chiến trường đi làm phóng sự. Hồi đó Sài Gòn đang trải qua cuộc “Tổng tấn công Tết Mậu Thân” bởi quân đội CS. Khi thấy những cảnh chết chóc trên những đoạn đường tôi đi qua…Trở về, tôi nghĩ, trong hoàn cảnh như vậy thì tình yêu đôi lứa của những người trẻ sẽ như ra sao? Thế nào? Tôi muốn nói, sinh mạng của một con người rẻ rúng quá, vô nghĩa quá! Chỉ cần một tiếng nổ, một viên đạn lạc là cuộc đời của người thanh niên, người con gái đó có thể chấm dứt tức khắc! Tôi lập lại, căn bản bài thơ đó không phải là một bài thơ tình. Khi nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc, ông chỉ muốn lấy ra những câu thơ nói về tình yêu. Và những câu thơ nói về tình yêu nếu so với tổng số những câu thơ làm thành bài thơ đó, nó chỉ chiếm 1/5 tổng số câu của toàn bài mà thôi.

 

TA: Thúy Anh xin đọc một số câu của bài thơ đang được nói tới:

“Như con chim bói cá

“Tôi lặn sâu trong bùn,

“Hoài công tìm ý nghĩa

“Cho cảnh tình hôm nay

“Trên xác người chưa rữa

“Trên thịt người chưa tan

“Trên cánh tay chó gặm

“Trên chiếc đầu lợn tha…”

Chúng ta nghe những câu này là thấy được không khí của chiến tranh, bom đạn…Khi nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lấy những câu tình tự trong bài thơ “Khúc Thụy Du” để phổ nhạc, cảm giác của chú lúc đó như thế nào?


DTL: Tôi xin kể một chút về bài “Khúc Thụy Du.” Tôi và nhạc sĩ anh Anh Bằng lúc ấy chưa quen nhau. Vào khoảng năm 1983, tôi không hề biết là anh Anh Bằng đã chọn một bài thơ trong cuốn sách mới tái bản của tôi để phổ nhạc. Hồi đó tôi có một quán cà phê ở góc đường Trask và đường Fairview, một buối tối, có một người khách đến và hỏi gặp tôi. Người khách đó chính là nhạc sĩ Anh Bằng. Anh cho biết anh có phổ một bài thơ của tôi, anh ấy không biết hát nhưng nếu trong quán có ai biết hát anh có thể tập cho người ấy. Lúc đó trong quán café của chúng tôi đang có Việt Dzũng. Tôi đề nghị Việt Dzũng. Và, vì thế, Việt Dzũng là người đầu tiên, hát ca khúc Khúc Thụy Du.

Bây giờ nhớ lại cảm tưởng đầu tiên của mình thì tôi xin thú thực là tôi rất ngỡ ngàng. Tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện, sẽ có ngày nhạc sĩ Anh Bằng đã chọn thơ tôi để phổ. Tôi càng không thể nghĩ ra rằng, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ chọn những câu thơ nói về tình yêu. Nhưng sau này tôi thấy anh ấy đúng! Anh ấy có lý. Vì không thể nào đưa vào bài nhạc những câu thơ như Thúy Anh vừa đọc. Nó rất khó nghe! Chưa kể, cũng không nên lập lại hoài, những thương đau, những chết chóc không tránh được của chiến tranh.

 

TA: Thưa chú trong bài “Khúc Thụy Du,” còn có những câu thơ như:

“Như con chim bói cá

“Trên cọc nhọn trăm năm

“Tôi tìm đời đánh mất

“Trong vụng nước cuộc đời…”

Thưa chú, chú có thể nói thêm về con chim bói cá? Thúy Anh cũng biết sơ về con chim bói cá, đó là loại chim có màu sắc rất đẹp, bắt mồi giỏi. Tại sao chú lại chọn hình ảnh con chim bói cá?

 

DTL: Thuở nhỏ tôi sống ở miền quê, những lúc thẩn thơ chơi một mình, con chim bói cá là hình ảnh thân thiết, và gần gũi với tôi nhất. Chim bói cá có màu xanh, mình nhỏ. Tôi nhớ, giữa những cái ao hay hồ ở nhà quê, người ta thường cắm một cây sào, một chiếc cọc…Không biết có phải để đo mực nước hay có công dụng gì khác. Và con chim bói cá thường đậu trên đầu chiếc cọc ấy. Đặc điểm của chim bói cá là nó chỉ đi một mình. Không bao giờ có con thứ hai đi cùng. Nó đậu trên cọc, như một nhà hiền triết, rất lơ mơ, lờ mờ… Nhưng sự thực đó là lúc nó đang quan sát, theo dõi những con cá ở dưới. Khi nó thấy một con cá thấp thoáng dưới nước, thì nó lao xuống thật nhanh để bắt mồi. Tôi thấy hình ảnh đó đẹp và rất gần với tôi. Có lẽ tại vì nó đơn độc. Và nó đã là một trong những người bạn suốt thời thơ ấu của tôi.

 

TA: Thưa chú, “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” ra đời vào năm nào và hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

 

DTL: Bài thơ này tôi viết vào khoảng tháng 4 năm 1980, ban đầu tôi không có ý phổ biến bài này. Cho đến năm 1981, tôi có một người bạn lớn tuổi là cố nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh, từ Luân Đôn qua Mỹ lần đầu tiên, và ở nhà chúng tôi. Để đánh dấu sự kiện người bạn Saigon cũ, viếng thăm cộng đồng của Việt ở Orange County, tôi đã cho đăng bài thơ và, đề tặng Trần Cao Lĩnh (Tôi xin nhấn mạnh, nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh không phải là linh hồn của bài thơ). Vài tháng sau không biết vì lý do gì, tờ báo trôi giạt đến tay nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Hồi đó ông cũng mới từ VN qua…Nên những cảm xúc, rung động, sự phân biệt giữa hai đời sống Mỹ và Việt Nam còn đậm, còn mạnh mẽ trong ông, nên ông đã phổ nhạc bài thơ ấy.

 

TA: Thưa chú trong bài thơ này có những câu Thúy Anh không hiểu, thí dụ như “Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây”, thưa chú câu đó có nghĩa là gì?

 

DTL: Sương quàng cổ cây chứ không phải cỏ cây. Nếu chúng ta quan sát sẽ thấy sương tựa như từ dưới đất dâng lên. Tùy theo mức độ nhiều hay ít mà sương quấn ngang gốc, nửa thân, hay cổ cây. Đối với người làm thơ như tôi, vốn ưa lãng mạn hóa, nên tôi đã cụ thể hóa hình ảnh sương, là chiếc khăn quàng, để nó có thể quàng vào cổ cho cây. Nếu chúng ta có khăn quàng riêng thì, cây cối cũng có những chiếc khăn quàng cho riêng chúng. Mà sương mù là một.

 

TA: Thưa chú thật là lãng mạn! Vậy thưa chú thế “ngỡ hồn tu xứ mưa bay” là gì thưa chú?

 

DTL: Thật ra câu này không có gì là khó hiểu, vì là câu thơ lục bát, người ta quen ngắt câu của của thể lục bát theo nhịp 2 đều, nên hầu hét, đã đọc: “Ngỡ hồn / tu xứ / mưa bay…” Nếu mình ngắt lại nhịp đọc thì câu thơ trở rất nên dễ hiểu. Đó là, tôi ngỡ hồn bay tới, đi tu ở nơi, ở xứ mà tôi gọi đó là “xứ mưa bay.” Một nơi chốn vắng lặng, buồn bã, cô quạnh…

 

TA: Thưa chú trước khi qua một câu khác xin chú giải thích thêm một câu nữa, Thúy Anh muốn nhắc đến hai chữ “Khíu tình.”

 

DTL: Khíu là một động tác túm, tụm sao đó, cho liền lại những khoảng trống, rách của một tấm áo đã rách tơi, rách tả…

 

TA: Cái áo có nhiều chỗ rách đó được ví von như là mảnh đời bị rách của chú?

 

DTL: Đúng vậy, những mảnh đời tôi đã tan nát hay tan tác.

 

TA: Kính thưa quý vị, Thúy Anh không biết cảm nhận của quý vị thế nào khi nghe ca khúc “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn”? Riêng Thúy Anh thì ngay khi mới nghe qua, cũng đã thấy cảm thông với người viễn xứ, nhìn ánh trăng ở nước ngoài, không quên được ánh trăng ở quê hương mình. Thúy Anh nghĩ, Thúy Anh cảm được, chia sẻ được với những lạc lõng, bơ vơ như thi sĩ Du Tử Lê đã ghi lại trong bài thơ của ông.

Hôm nay 36 năm viễn xứ, cháu tin là chú có nhiều kỷ niệm. Xin chú kể lại một kỷ niệm của mình.

 

DTL: Tôi rời Việt Nam bằng tàu Hải Quân ở bến Bạch Đằng. Khi tàu của chúng tôi vào lãnh hải của Phi Luật Tân thì đó cũng là lúc chế độ Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam đã không còn nữa. Ngay sau khi ông Dương Văn Minh, Tổng Thống sau cùng của miền Nam, tuyên bố đầu hàng, trưa ngày 30-4, thì miền Nam coi như đã bị khai tử. Trên bản đồ thế giới, không còn tồn tại cái gọi là nước Việt Nam Cộng Hòa nữa! Và, những người di tản như chúng tôi ở thời điểm đó, cũng đột nhiên trở thành những người không có quốc gia. Không quốc tịch… Theo luật hàng hải quốc tế, chính phủ Phi Luật Tân đòi chiến hạm của chúng tôi phải kéo cờ Việt Nam xuống, thay bằng cờ Mỹ, thì họ mới chấp thuận cho vào hải phận của họ. Lúc đó buổi sáng hay buổi trưa tôi không nhớ rõ, người hạm trưởng chiếc HQ 1, là chiếc chúng tôi có mặt, bắc loa yêu cầu mọi người phải lên boong tàu. Ông loan báo đây là giây phút cuối cùng chúng ta chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Ông kêu gọi mọi người cùng nhau cất tiếng hát quốc ca VNCH, lần cuối…

 Tôi nhớ lúc bấy giờ, từ người già đến trẻ, đàn ông, đàn bà… ai cũng chảy nước mắt, khi cùng hát với nhau bài ấy. Đó là kỷ niệm không bao giờ tôi quên. Và tôi cũng tin, những người đi tàu giống như tôi thời điểm vừa kể, cũng sẽ khó có ai quên được!

TA: Khởi đi từ kỷ niệm không quên được như thi sĩ Du Tử Lê vừa nói, cuối cùng, chúng ta cũng đành phải chia tay thi sĩ Du Tử Lê. Như một chia tay, nhưng sẽ không quên kỷ niệm của buổi nói chuyện này.

Thúy Anh xin thay mặt thính giả của Văn Nghệ Thúy Nga xin cám ơn chú, và chúc chú cùng gia đình sức khỏe.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 8990)
Tôi được sinh ra ở một giai đoạn khác của đất nước khi lịch sử bước sang một trang sử mới
18 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 8331)
Nói chuyện về mình thì tếu táo vui như tết, nhưng bàn đến văn chương lại hết sức nghiêm túc..
13 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 16660)
Hoàng Hải Thủy cho biết ông bắt chước ông Lê Quý Đôn ghi lại những chuyện hay hay đọc được cùng với những suy luận, những nhận xét của mình.
09 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 6802)
Tôi không gọi đây là một khảo luận văn học, tôi gọi bài viết này là tập tài liệu văn học.
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 9303)
Lần trở về từ Mỹ này, họa sĩ Đinh Cường không có ý định triển lãm tranh. Ông đã có cuộc trao đổi với phóng viên về tranh quý Việt Nam ở nước ngoài, về hội họa Việt Nam hôm nay...
03 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 6493)
Trịnh Cung: Tại sao tôi lại không chủ trương phổ biến cuốn sách này trên thị trường
31 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 12271)
Đang sưu tập những chi tiết cần thiết để hoàn tất một bộ tiểu thuyết dài: Thương Nhớ Chiến Tranh, viết với khung cảnh từ 1954 đến một năm nào đó sắp tới.
28 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 8339)
Tôi rất hạnh phúc và hãnh diện được giao công trình này, sau một quá trình tìm kiếm cẩn trọng của người Pháp về một giải pháp tối ưu cho việc phục chế một tác phẩm sơn mài khổ lớ
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 6598)
Thế Lữ đã trở thành đối tượng đồng thời là người “trong cuộc” qua nhiều kỳ bút chiến – trong đó có cả những nhà Thơ mới
13 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 7873)
thân thế và sự nghiệp của người nghệ sĩ thường được ví như xem ống kính vạn hoa. Nghĩa là mỗi thời điểm, mỗi góc nhìn, mỗi tầm cảm nhận, mỗi tâm hồn trải nghiệm
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17036)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12255)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8331)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21729)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,