NGUYỄN HẠNH NGUYÊN - Phạm Chi Lan : Bên này MIỀN LẶNG

21 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 10792)
NGUYỄN HẠNH NGUYÊN - Phạm Chi Lan : Bên này MIỀN LẶNG

nha_van_pham_chi_lan_va_chong__nha_van_nguyen_nhi-content-content

 

Đến với địa hạt của văn học Di dân Việt Nam, Phạm Chi Lan là một cây bút tài năng nhưng bất hạnh. Vượt lên trên số phận, chị là minh chứng về nghị lực sống và tình yêu đối với thế giới chữ nghĩa. Tìm hiểu gia tài văn chương của Phạm Chi Lan, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua Miền Lặng – tập truyện đầu tay và cũng là duy nhất của một đời văn ngắn ngủi. Ở đó, ta bắt gặp những nét tự họa thế giới nội tâm với nhiều tâm sự và suy tư của nữ văn sĩ mang tên một loài hoa đẹp.

 

Như nhan đề tác phẩm : Miền Lặng đã tự xác lập và định vị một bầu khí quyển riêng. Bao trùm lên cả tập truyện là không khí tịch mịch, cô quạnh cùng nỗi ám ảnh về thời gian, sự cô đơn, cô độc và cái chết. Điều này không phải là ngẫu nhiên khi mà đối với đa số người cầm bút, những trắc trở trong đời sống cá nhân ít nhiều in dấu trên trang văn. Với Miền Lặng, dường như mỗi truyện ngắn được nhà văn viết ra đều thấp thoáng những dự cảm và âu lo – bắt nguồn từ những bất hạnh trong cuộc đời của chị. Không kiếm tìm những hình thức thể hiện mới lạ và cầu kỳ, văn phẩm của Phạm Chi Lan chinh phục độc giả bằng nét đẹp giản dị của một lối viết có chiều sâu. Hai mươi truyện ngắn trong Miền Lặng là những lắt cắt về cuộc sống đời thường với nhiều cảnh ngộ và thân phận khác nhau. Tác giả đặt nhiều trọng tâm vào việc khám phá và cắt nghĩa những mâu thuẫn, dằn vặt, ẩn ức trong nội tâm nhân vật. Để rồi từ đó có thể rút ra những triết lý nho nhỏ về đời sống và cách ứng xử giữa người với người. Về bút pháp nghệ thuật, điểm nổi bật của Miền Lặng là đã tạo dựng được một loạt hình ảnh mang tính biểu tượng. Sự phong phú của những biểu tượng này đã đem đến cho tác phẩm giá trị biểu đạt không nhỏ : góp phần truyền tải những thông điệp thẩm mĩ một cách sinh động, hàm súc và trọn vẹn hơn. Mỗi thông điệp thẩm mĩ là một tâm tình sâu sắc mà giản dị được ẩn đi sau lớp vỏ của ngôn từ và hình ảnh trên mỗi trang văn.

 

Khảo sát hệ thống biểu tượng trong tập truyện Miền Lặng của Phạm Chi Lan, bài viết của tôi tìm hiểu và cắt nghĩa một số biểu tượng sau đây : biểu tượng không gian như là sự phản chiếu nỗi cô đơn bất tận, biểu tượng lá : nỗi ám ảnh về sự sống ngắn ngủi và cái chết, biểu tượng của khát vọng sống và niềm hạnh phúc. Trong từng nhóm biểu tượng vừa có nét tương đồng vừa có sự khác biệt, vừa mới mẻ vừa trùng lặp và biến ảo. Kết hợp lại với nhau, chúng tạo thành điểm nhấn cho tập truyện Miền Lặng nói riêng và cõi văn chương của Phạm Chi Lan nói chung

 

 

1. Biểu tượng không gian như là sự phản chiếu nỗi cô đơn bất tận.

 

Mỗi truyện ngắn trong Miền Lặng thường mở ra với một hay hơn một không gian riêng biệt và đều được nhà văn tiếp cận, khám phá dưới góc nhìn của sự tĩnh lặng, quạnh quẽ và có gì đó hiu hắt, buồn bã. Không ngẫu nhiên khi giữa con người và không gian sống luôn tồn tại một mối liên hệ nhất định. Những nhân vật trong Miền Lặng, cảnh ngộ không ai giống ai nhưng giữa họ có một mẫu số chung là sự cô đơn và đơn độc. Điều này đã trở thành nỗi ám ảnh không rời và được ngoại hiện một phần qua không gian sống của họ.

 

Đó là những miền không gian thiên nhiên mênh mông và rộng lớn, xuất hiện ở một loạt tác phẩm như Tâm hồn hải đảo, Tiếng hát ngư phủ, Ngày đau của lá, Ký ức dòng sông ... Tác giả không chỉ dừng lại ở việc khắc tả cái bao la của bầu trời, sự thăm thẳm của đại dương hay khoảng hùng vĩ rợn ngợp của núi đồi mà thông qua sự đối sánh với những cái vô tận để làm nổi bật lên sự nhỏ bé, cô đơn của chính con người.

 

Truyện ngắn Tâm hồn hải đảo gợi lên không gian hải đảo với tất cả sự xa vắng, cô quạnh. Bởi nó hoàn toàn bị cô lập, tách biệt với thế giới nhân gian rộng lớn bên ngoài khi mà nhìn ra chỉ thấy : “ bãi biển vắng và mặt đại dương xanh ngút ”. Nơi ấy, người họa sĩ tên Đạt đã sống những ngày cuối cùng trước khi qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Với anh, hải đảo không chỉ là mái nhà lớn che mưa nắng mà còn là nơi cất giấu những bí mật – gồm cả những nỗi đau âm thầm lẫn chút niềm vui nhỏ bé. Ý thức về đời sống ngắn ngủi, Đạt dồn hết thời gian và tâm trí vào việc vẽ tranh. Vẽ, không chỉ như một niềm an ủi mà còn là cách để anh che lấp nỗi cô đơn. Tâm hồn anh đó, như đã hòa làm một với hải đảo, cùng soi chiếu vào nhau : hải đảo nằm lẻ loi giữa bốn bề sóng nước, còn anh là kẻ bơ vơ trên cõi đời này.

 

Nối tiếp không gian hải đảo là không gian trùng điệp vô biên của biển cả trong Tiếng hát ngư phủ. Biển được nhân hóa như một sinh thể có hồn biết trầm tư, buồn bã : “biển cảm thấy vô cùng trống trải và cô đơn, bờ cõi đất liền xa xôi kia mỗi ngày mỗi cách chia …”. Biển muôn đời vẫn thế : “lạ kỳ và bí ẩn”, “vị tha và bao dung” nhưng mấy ai hiểu được nỗi lòng của biển. Biển không chỉ là chứng nhân mà còn là tri kỉ với nỗi cô đơn của con người. Giữa lúc biển thấy trống trải, hiu quạnh nhất thì “giọng hát lạc hồn của người ngư phủ” cất lên, làm biển “rưng rưng cảm động”. Tiếng hát của người ngư phủ như nói giùm những tâm tình của biển nhưng ngoài biển ra, dường như không ai cảm nhận được điều người ngư phủ gửi gắm qua mỗi câu hát. Tiếng hát cô đơn giữa biển cả rộng lớn cũng tựa như thân phận của người ngư phủ vậy. Sống giữa thế giới của đồng loại mà không có ai hiểu anh – người đã đi qua chiến tranh và nay sống một đời sống bình lặng, nhọc nhằn. Hát về biển cả hay anh tự hát về những nỗi đau thầm lặng của chính mình?

 

Rõ ràng, những không gian trong Miền Lặng không chỉ là bức phông nền cảnh sắc đơn thuần mà đã trở thành những ẩn dụ phản ánh tâm trạng con người.

 

Trong Ngày đau của lá, Phạm Chi Lan cũng dành nhiều trang văn để miêu tả không gian thiên nhiên, nổi bật là hình ảnh những ngọn núi hùng vĩ, tráng lệ: “Dãy núi trùng điệp hiên ngang chiếm một góc trời. Trên những ngọn núi cao nhất, tuyết phủ trắng trên chỏm đầu như những chiếc nón sáng rực”. Nhìn từ xa, có thể thấy dáng núi thật ngạo nghễ hiên ngang như “thách đố với thiên nhiên” nhưng sao chúng “ có một vẻ cô đơn cách biệt ”. Ngoài những suy tư về tình yêu được mở ra qua sự hiện tồn – khoảng cách – thì hình ảnh ngọn núi còn gợi một liên tưởng khác : trong đời sống, không ít người tự xây cho mình sự kiêu hãnh, tự tin như sự vững chãi của một ngọn núi. Nhưng đôi khi đó chỉ là vẻ bề ngoài, nhằm che dấu đi nỗi niềm sâu thẳm bên trong. Đối diện với thiên nhiên rộng lớn, con người thật nhỏ bé, đơn côi. Như ngọn núi kia có thể hùng vĩ trong cái nhìn của con người nhưng lại trở nên bé nhỏ trước vũ trụ rộng lớn. Dù có mạnh mẽ đến đâu, con người cũng không tránh khỏi nỗi cô đơn, như một định mệnh – phải chăng là thông điệp nhỏ của truyện ngắn này.

 

Nói đến dòng sông là nói đến sự chảy trôi, chuyển dịch không ngừng, nhưng hình ảnh dòng sông trong truyện ngắn Ký ức dòng sông đem về ấn tượng ngược lại khi hiện hữu với vẻ lặng lẽ, u buồn : “ Dòng sông nằm thu mình trong lòng con đê. Sông lạnh lùng tách biệt giữa hai bờ đê, mùa nước lớn cũng yên ổn trong hai bờ kiên cố như một ngục tù. Nó lạnh lùng bình thản như một sự chối từ giao tiếp với bờ hai bên. Chỉ những khi có gió mạnh lắm mới làm cho mặt sông gợn sóng lăn tăn. Vẻ biệt lập của nó như một sự tách rời với đời sống. Nước lặng lẽ như một sự ẩn nhẫn cam chịu”. Dòng sông được nhân hóa như kẻ lạnh lùng, khước từ mọi sự giao tiếp với bên ngoài bằng dáng nằm thu mình trong vùng không gian của riêng nó. Đó là dòng sông của thiên nhiên hay đã hóa thân thành dòng sông của cuộc đời? Đồng điệu với dòng sông, phải chăng là hình ảnh của những con người lặng lẽ, tự cô lập mình trong ốc đảo riêng. Con sông nằm đó, bơ vơ và mang trong mình nỗi câm lặng giống như cái câm lặng, bơ vơ của bao kiếp người. Ký ức dòng sông – nhan đề tác phẩm không chỉ mở ra không gian của nỗi u hoài mà còn gợi lên những suy tư về sự cô đơn như lẽ tất yếu trong cuộc đời của mỗi người. Mặt khác, cũng trong truyện ngắn này, còn có sự hiện diện của không gian bóng tối. Nhân vật người cha ngồi bất động trong bóng tối và suy ngẫm về những biến thiên trong đời sống. Ngồi trong bóng tối trở thành một thói quen bất thường : hòa lẫn mình vào bóng tối để không ai thấy và nhận ra nỗi cô đơn của mình. Hơn một lần, sáng tác của Phạm Chi Lan nhắc đến bóng tối và miêu tả bóng tối. Trong Đoạn rời, ta bắt gặp một lần nữa hình ảnh nhân vật ngồi trong bóng tối : “ở trong bóng tối, tôi cảm thấy yên ổn và bình an trong lòng. […] Trong bóng tối vây quanh, tôi cảm thấy tự nhiên, tôi yên tâm thưởng thức sự cô độc không còn mang nhiều mặc cảm như khi tôi ở ngoài ánh sáng. Bóng tối chắp cánh cho tôi bay ra khỏi thực tại ”. Nói đến bóng tối, người ta thường nghĩ đến sự bí ẩn và bất trắc của khoảng không gian thăm thẳm vô tận. Nhưng trên trang văn của Phạm Chi Lan, bóng tối lại là nơi trú ẩn an toàn, đem đến sự bình yên và thoải mái cho con người. Có lẽ, ít cây bút nào miêu tả bóng tối sinh động và đầy ám ảnh như Phạm Chi Lan. Tác giả đã mượn bóng tối để nói về cái phía sau và tương đồng với bóng tối : nỗi cô độc của con người. Nhân vật tự tách mình ra, khước từ mọi sự chia sẻ từ người khác và tạo cho mình một vỏ bọc khép kín. Tự cô lập mình như vậy, bản thân nhân vật đã trở thành một ẩn số - ẩn số về nỗi cô đơn.

 

Bên cạnh đó, không gian mùa đông cũng được nhà văn sử dụng trong miêu tả để làm nổi bật nội tâm và trạng thái của nhân vật. Sự hiu hắt của gió, cái lạnh lẽo của tuyết rơi, sương giăng mờ ảo là những tác nhân có thể khơi dậy và làm bùng lên nỗi cô đơn trống trải của những con người vốn đã phải nếm trải quá nhiều khổ đau, bất hạnh. Ví như tâm tình dưới đây của người đàn ông xa xứ trong truyện ngắn Cuối năm : “Mới hơn 6h chiều mà trời đã chập choạng tối, mùa đông ngày đi rất vội […]. Có một đàn chim đen đang thiên di về phía Nam bay chấp chới trên đầu, anh buồn buồn nhìn theo dấu chim […]. Tin khí tượng nói đêm nay sẽ có bão tuyết, trời mây đen vần vũ, bên đường trơ những thân cây xương xẩu, đám ruộng cỏ chết héo khô, con đường anh đi về mỗi ngày quen thuộc, nhưng sao hôm nay bống thấy đìu hiu ảm đạm hơn”. Hay cảnh sắc u buồn qua sự quan sát của một con người thất bại và chìm trong bế tắc trong truyện ngắn Vào đông : “Bóng tối lãng đãng quyện dưới chân núi, sương trắng mờ một lớp mỏng bốc lên phía bên kia đồi, gió thốc nhẹ vào sườn núi, những cành lá trở mình run rẩy”. Những hình ảnh kể trên không còn là ngoại cảnh của thiên nhiên mà đã trở thành tâm cảnh ứng chiếu nội tâm của con người.

 

Mặt khác, trong Miền Lặng có những không gian sinh hoạt của con người như ngôi nhà, căn phòng – nơi vốn được xem như mái ấm và khoảng trời riêng của nhân vật nhưng ngược lại, đều mang vẻ ảm lạnh lẽo, vắng vẻ, quạnh hiu. Ví như căn nhà của nghệ sĩ điêu khắc trong truyện Bức tượng : “căn nhà với lối kiến trúc lạ kỳ, một màu xanh rêu ngập mắt…”, bên trong có nhiều bụi và mạng nhện, không khí ẩm thấp, ít sinh khí. Ngôi nhà phản chiếu hình ảnh chủ nhân của nó : “Alex là một người cô độc” – bên cạnh ông hoàn toàn vắng bóng những người thân. Sống trong cô đơn và cũng sáng tạo trong cô đơn, cái chết của người nghệ sĩ điêu khắc như một điều tất yếu. Đám tang của ông diễn ra một cách lặng lẽ vào một buổi sáng tuyết rơi xuống trắng xóa ngập đồng, “không một người thân thuộc nào đưa tiễn, chỉ có dăm ba người quen…”. Sự lạnh lẽo của khung cảnh, sự vắng mặt của những người thân càng làm tăng thêm ấn tượng bi thảm về số phận của người nghệ sĩ tài hoa nhưng “thất vận và cô độc”.

 

Trong truyện ngắn Ký ức dòng sông, hình ảnh ngôi nhà cũ kĩ với căn phòng ẩm lạnh lại hiện diện một lần nữa : “căn nhà hướng mặt ra bờ sông, dòng sông phẳng lặng xám ngắt như chì. […] Phòng thiếu người, không khí âm u ẩm lạnh, đồ đạc như còn đang say ngủ trong cái vẻ hoang vắng của nó”. Chỉ bằng một vài câu văn, một không gian sống lặng lẽ, u uẩn được phác họa khá sinh động với những nét trầm và buồn : ít sự chuyển động và hiếm những âm thanh (những minh chứng cho thấy nhịp sống sôi động). Cái yên vắng đến bất thường của khung cảnh làm đượm lên nỗi cô đơn trống trải của con người. Nơi đây, mỗi nhân vật như tự thu mình lại trong nỗi niềm riêng : người cha thường ngồi trong bóng tối suy tư, người mẹ sống với sự nhẫn nại cam chịu. Họ như hai chiếc bóng bên cạnh nhau, ít chuyện trò tâm tình, san sẻ cùng nhau. Và phải chăng “vùng bóng tối mơ hồ nào đó trong căn nhà” này là ẩn dụ về sự bi quan, chán chường, mỏi mệt đã hiện thân thành khoảng u tối bao phủ lên đời sống của họ. Nhân vật “tôi” – người con gái, trở về ngôi nhà cũ mong tìm thấy không khí đầm ấm, sum họp thì ngược lại chỉ thấy buồn bã và trống trải khi chứng kiến cuộc sống ngưng đọng, chậm nhịp nơi đây.

 

Ngoài ra, có thể kể đến những miền không gian cư trú khác xuất hiện trong Miền Lặng cũng gợi lên nỗi cô đơn và cô độc. Ví như không gian cô nhi viện và nghĩa trang trong truyện ngắn Đoạn rời.

 

Cô nhi viện, tự nó đã nói lên nỗi buồn của sự thua thiệt và cô đơn một cách thê thảm : “nơi đó có những đứa trẻ con nhà tử tế, hoặc những đứa ngỗ ngược không người chăm sóc, hoặc những đứa mồ côi chẳng có thân nhân”. Trong đó, Nhẫn là trường hợp tiêu biểu cho thân phận của một đứa trẻ mồ côi đáng thương : Nhẫn mất cả cha mẹ trong chiến tranh, anh em tứ tán không biết ở đâu. Cô “giống như thứ cỏ dại mọc hoang không người chăm nom săn sóc” và trưởng thành trong nỗi cô đơn, dù được che dấu bằng vẻ ngoài “ngang tàng và bất cần”. Và khi nỗi cô đơn phải giấu kín hay kìm nén, nó trở thành nỗi niềm nặng trĩu được nhân lên gấp đôi, gấp ba. Làm sao có thể xoa dịu được.

 

Còn nghĩa trang, nơi yên nghỉ của người chết – một nơi hoang vắng vô cùng : “nghĩa trang mênh mông, có những khu vẫn còn để trống chỉ là một bãi cỏ xanh rì. Trong khu đất thánh có những hàng liễu và sồi im lìm buồn tẻ…”. Nơi đây, có một người giữ vườn, hàng ngày thui thủi một mình với công việc nhàm chán. Và không khí hoang vắng buồn tẻ kia, nói lên điều gì nếu không phải là sự phản chiếu nỗi cô độc của chính nhân vật : một người không có gia đình, không người thân thích, tự nguyện và cần mẫn trông coi sinh phần cho những người đã chết. Đằng sau nỗi cô đơn ấy là một tấm lòng biết cảm thông, tự tạo ra niềm vui sống cho mình.

 

Tóm lại, không gian trong Miền Lặng khá đa dạng : có không gian của hiện tại, có không gian của ký ức. Kiến tạo những không gian nghệ thuật ấy, nhà văn thường sử dụng thủ pháp “tả cảnh ngụ tình” – tức là dựng không gian để qua đó soi chiếu tâm trạng của nhân vật. Do vậy, thế giới nội tâm của nhân vật được khắc họa một cách sinh động với nhiều nỗi day dứt, trăn trở. Vì lẽ đó, Phạm Chi Lan đã chạm đến một phương diện sâu thẳm trong đời sống tinh thần của con người.

 

 

2. Biểu tượng lá : nỗi ám ảnh về sự sống ngắn ngủi và cái chết.

 

Mở đầu bài thơ Sinh nhật lá, Phạm Chi Lan viết : “Tôi sinh vào mùa thu / Mừng ngày sinh của lá ”. Trong bốn mùa, mùa thu được xem là mùa của những chiếc lá : khi mùa sang, lá thay cho mình chiếc áo mới thật thơ mộng và huyền ảo. Có lẽ vì chào đời vào mùa của lá nên giữa tác giả Miền Lặng và lá có một mối lương duyên đặc biệt. Chị yêu lá và thường đem hình ảnh của lá vào những trang văn của mình.

 

Đọc Miền Lặng, có một điều không thể phủ nhận là cái chết hiện diện ở hầu hết các truyện ngắn : cái chết đã trở thành mẫu số chung của không ít nhân vật. Tác giả nhận ra có một sự tương đồng trong chu trình sống ngắn ngủi của lá với ý niệm về sự sống hữu hạn và cái chết nên chị đã mượn hình tượng lá để truyền tải quy luật ấy. Cách tiếp cận này của Phạm Chi Lan vừa có sự kế thừa vừa có nét riêng so với quan niệm vốn có trước nay. Trong văn hóa nhân loại, lá là thành tố của biểu tượng tổng quát về giới thực vật. Ở miền Viễn Đông, lá được xem như một trong những biểu tượng của hạnh phúc và sự phồn vinh. Còn trong quan niệm thẩm mĩ của người Việt, sắc lá vàng úa là hình ảnh phản chiếu sự tàn tạ, tàn lụi, hư hao; hình ảnh lá rụng về cội là ẩn dụ về cái chết như một lẽ tất yếu.

 

Khảo sát tập truyện Miền Lặng của Phạm Chi Lan, có 9 trên 20 truyện ngắn xuất hiện hay nhắc đến hình ảnh của lá. Điều này đủ để nói lên rằng : không chỉ được miêu tả như một đối tượng khách thể mà sự hiện diện của lá còn mở ra chiều sâu liên tưởng, cũng như lá chiếm một vị trí nhất định trong cảm thức của nhà văn.

 

Hình ảnh lá xuất hiện trong các truyện ngắn của Miền Lặng đều mang đặc điểm chung : màu sắc úa vàng; hình thể quăn queo, khô gầy, mỏng manh – tức là lá được khắc họa ở giai đoạn cuối của sự sống, lìa cành rồi hòa mình vào đất.

 

Trên nền một câu chuyện tình, Ngày đau của lá mở ra nhiều suy ngẫm khác nữa, không chỉ về tình yêu mà còn về những trăn trở đời sống : có nỗi ưu tư hướng về quá khứ, có nỗi khắc khoải ở hiện tại và cả ước vọng cho tương lai. Hình ảnh lá hiện diện trên nhiều trang văn. Những cụm từ “lá úa vàng”, “rụng tơi tả” được điệp đi điệp lại như những nốt nhạc buồn vang vang mơ hồ vọng vào từng câu chữ: “Lơ đãng nhìn xa, tôi lại thấy màu vàng úa quen thuộc của lá cây nhuốm bệnh. Cánh rừng xơ xác phía sau quán trông tiêu điều thảm đạm như một bức tranh đầy cảm tính. Những cành cây khô gẫy và lá chết nằm lẫn lộn với tuyết ngập đầy trên mặt đất. Lá trên cây se sắt co lạnh ”. Một cách tinh tế, nhà văn nắm bắt và tái hiện nhịp sống mong manh khi cảm nhận cái rùng mình của lá trong cơn gió lạnh hay nhận ra “từng tế bào sống của lá ” đang bị soi mòn dần – sắc xanh của những hạt diệp lục bị sắc vàng lấn át. Và màu vàng úa kia là bằng chứng cho thấy “lá đang trải qua thời kỳ đau khổ chống trả với nỗi sợ hãi của sự sống sắp sửa mất đi, trước cái chết nghiệt ngã của số phận. Đằng sau những câu văn là ẩn dụ về cuộc đời, bệnh tật và cái chết: Chu kỳ tàn úa của lá nhanh như một cơn gió nhẹ thổi qua, lá nhuốm đau, đổi màu rồi rùng mình rơi về nguồn gốc. Cái chết của lá không chỉ phản ánh quy luật “sinh lão bệnh tử” mà còn mang một thông điệp khác. Một cách lạc quan, tác giả nhìn ra rằng : “Lá chết nhẹ nhàng bình yên, nhưng sứ mạng của lá để cho những sinh vật biết rằng sự sống là một hạnh phúc”. Sự sống là một hạnh phúc – điều giản dị mà sâu sắc ấy không phải ai cũng nhận ra. Hãy biết trân trọng và nâng niu cuộc sống, biến mỗi phút giây được sống thành một thời khắc hạnh phúc và có ý nghĩa. Như chiếc lá kia, dù sự tồn tại của nó không dài – chỉ từ mùa này sang mùa khác nhưng chiếc lá đã đi trọn vẹn một vòng đời sống của nó.

 

Trong truyện ngắn Mùa mưa, Phạm Chi Lan cũng nhắc đến cái chết của lá nhưng cái chết không có nghĩa là sự chấm hết mà là một sự tái sinh diệu kì : “Sau cái chết của lá chưa hẳn đã là sự kết thúc, mà dường như còn có sự chờ đợi. Chờ đợi mầu nhiệm biến hóa cho lá một đời sống nào khác”. Đó là sự đúc kết về quy luật tuần hoàn của đời sống. Mùa thu, lá lìa cành rồi héo khô – lá hòa mình vào đất, trở về với cội nguồn sinh thành. Trải qua một mùa đông tê tái, xuân về làm cây đơm chồi biếc và lá được tái sinh với nguồn nhựa sống mới. Cũng như trong đời sống, khi những đau khổ, tủi buồn qua đi thì niềm vui và hạnh phúc sẽ đến, chỉ cần con người không đánh mất niềm tin vào chính mình.

 

Với Nấm mộ lá, độc giả bắt gặp một lần nữa hình ảnh những chiếc lá chuyển màu rồi lìa cành khi mùa sang : “ Mùa thu đến sớm và cũng chóng tàn, giữa tháng mười mà lá đã trút không còn một chiếc nào trên cành. […] Những cây phong xứ này kỳ dị, dễ dị ứng với tiết lạnh. Chỉ qua một trận lạnh mầu lá đã rùng mình đổi sang mầu tê tái. Từ mầu tê tái chuyển sang mầu đỏ hực. Thêm vài luồng gió lạnh nữa là lá rũ mình chuyển sang mầu nâu xám xịt, rồi rùng mình tìm về với cội nguồn, im lìm như đất. Lặng lẽ nào ai hay”. Dường như mỗi một thời khắc trôi qua, chất nhựa sống trong mỗi mạch lá bị phôi pha dần cho đến khi khô cạn – lá trở về với đất. Cái chết của lá không chỉ là dấu hiệu chuyển dịch của thời gian mà còn là tín hiệu dự báo cái chết của con người. Khi người ta tìm thấy ông lão làm vườn “nằm chết ở dưới một gốc cây” thì “thân thể ông đã lạnh cứng”. Điều kì lạ là “lá tụ về phủ kín khắp người ông. Nấm mộ lá chôn ông đã mấy hôm rồi mới có người khám phá. […] Không ai hiểu do đâu lá khô cuốn về che phủ thân thể ông, như một tấm chăn dầy, như một nấm mộ vội. Đây là người đàn ông da vàng từ một nơi nào đến, ông không hề tiếp xúc với ai, người ta đặt tên ông là Nô vì ông chỉ biết lắc đầu, những cái lắc đầu từ chối… ”. Cái chết của ông lão làm vườn đã khép lại số phận đáng thương của một người lưu vong : sống trong nghèo khổ và chết một cách thê thảm. Hình ảnh “nấm mộ lá” cực tả nỗi đau thân phận và sự cô độc của con người. Những chiếc lá xếp lớp lớp giống như một tấm chăn dầy, một nấm mộ vội bao bọc, tạo nên sự bình yên cho một linh hồn vừa lìa đời. Dường như thiên nhiên cũng thương cảm trước cái chết của con người bất hạnh kia.

 

Miền Lặng, đôi khi lá được miêu tả như một thành tố tạo nên khung cảnh đặc trưng, hoặc gợi sự trong trẻo yên bình như “trời trong dìu dịu, gió se lạnh, trời sắp vào thu, vài phiến lá bay lảo đảo” (Gặp) hoặc gợi vẻ lặng lẽ, cô liêu như “sân chùa lác đác những chiếc lá khô xào xạc, cuốn vòng tròn theo một cơn gió xoáy, rồi nằm in chờ đợi ” (Vào đông) hay im vắng như “nhìn ra sân, cành lá cây mộc lan xum xuê che gần kín cánh cửa kính đầy bụi mờ…” (Ký ức dòng sông).

 

Ngoài ra, hình tượng lá còn xuất hiện với những ý nghĩa biểu đạt khác nhau. Có khi sắc màu huyền ảo của lá gợi nhắc kỉ niệm êm đẹp, giúp xoa dịu nỗi trống trải như lời tâm sự của người họa sĩ trong truyện ngắn Tâm hồn hải đảo : “Cám ơn anh gửi cho bức ảnh chụp mùa thu ở làng Thu Phong. Làm sao tôi quên được mầu vàng rực của lá thu vào mùa này nơi ấy. Đẹp thật. Lá cây trông giống như mầu lửa những cơn rét vừa châm cháy rực, mầu đỏ sao giống mầu lửa tôi pha chế hồi hôm”. Có khi nó tượng trưng cho dòng thời gian trôi và nỗi khắc khoải vô vọng của con người như trong truyện ngắn Tiếng động. Sự vắng mặt của người cha đã để lại trong lòng người mẹ và đứa trẻ một khoảng trống vô cùng. Họ ngày ngày chờ đợi, mong ngóng và tâm trạng ấy đã biến thành hành động vô thức lặp đi lặp lại : người mẹ thường dắt đứa con gái ra vườn “để đếm những chiếc lá và nhặt từng chiếc xếp vào trong giỏ”. Mỗi chiếc lá tượng trưng cho một ngày đã trôi qua. Nhân vật đếm những chiếc lá hay đếm nỗi tuyệt vọng của chính mình? Thêm vào đó, ý niệm về hạnh phúc mong manh cũng là điều Phạm Chi Lan trăn trở. Trong Chim lồng, nếu hình ảnh đôi chim tượng trưng cho sự sum họp, quấn quít gắn bó thì cái chết đột ngột của con chim trống nói lên sự tan vỡ, cách chia. Sau cái chết ấy, không gian trở nên im vắng khi không còn những tiếng ríu rít của đôi chim hạnh phúc và nó còn kéo theo sự tàn lụi khác : “những chiếc lá mướp héo quắt, khô khốc, cuộn mình trên giàn cây xơ xác”. Không ngẫu nhiên khi cái chết của con chim được đặt cạnh hình ảnh những chiếc lá héo hon, xơ xác. Bổ sung cho nhau, chúng góp phần tô đậm ấn tượng bi thảm về cái chết và sức lan tỏa của nỗi mất mát sau cái chết ấy.

 

Trong ký ức của mỗi người viết thường in dấu một hình ảnh nào đó, gắn với sự trải nghiệm của cá nhân. Khi được tái hiện trên trang văn, hình ảnh đó trở đi trở lại nhiều lần tạo thành tín hiệu thẩm mĩ riêng. Chẳng hạn : với Trần Vũ là mưa, với Nguyễn Xuân Tường Vy là biển và đại dương; còn với Phạm Chi Lan là lá. Tác giả đã mượn hình tượng lá để chuyên chở nỗi lo âu về sự sống ngắn ngủi và dự cảm về cái chết. Nói về cái chết nhưng thực chất ngòi bút của chị hướng về phía ngược lại để khẳng định giá trị của sự sống : “hạnh phúc là sự sống, sinh vật may mắn đang sống phải tận hưởng sự may mắn của mình” (Ngày đau của lá).

 

 

3. Biểu tượng của khát vọng sống và niềm hạnh phúc.

 

Xuyên suốt hai mươi truyện ngắn trong Miền Lặng ít thấy sự hiện diện của niềm vui, niềm hạnh phúc. Hầu hết các tác phẩm nếu không khép lại bằng cái chết của nhân vật thì cũng bằng nỗi buồn tê tái. Phải chăng nhà văn có cái nhìn bi quan về cuộc đời và con người, không còn tin tưởng vào những điều tốt đẹp hiện diện trong đời sống này? Không hẳn như vậy. Tuy trong Miền Lặng, Phạm Chi Lan nói nhiều về cái chết, nỗi chết nhưng đó không phải là trọng điểm quan tâm của tác giả. Điều chị muốn chỉ cho độc giả thấy là sự ứng xử của con người trước những bất hạnh của cuộc đời và chết ra sao. Vì vậy, nhà văn thường dựng lại khoảng đời sống ngắn ngủi trước khi nhân vật đi vào cõi vĩnh hằng – lúc mà nhân vật phải chạy đua với thời gian, với tử thần để níu kéo từng phút giây quý giá. Vượt lên sự tồn tại thông thường, nhân vật đã sống một cách tích cực và trọn vẹn nhất. Kết hợp với việc khắc họa nội tâm và hành động của nhân vật; tác giả thường sử dụng những hình ảnh mang tính tượng trưng ẩn dụ để nói lên một cách tha thiết khát vọng ấy.

 

Truyện ngắn Chim địa đàng phản ánh hành trình đi tìm lẽ sống và sự thất lạc tâm hồn của một người trẻ tuổi. Thời khắc cận kề cái chết cũng là lúc những thức nhận sáng suốt đầy đau đớn trỗi dậy trong tâm tư nhân vật : “Và chợt mọi hình ảnh phai nhạt trong trí nhớ hoặc đằm thắm say mê bỗng ào ạt hiện về trước mặt. Từ những khao khát được sống cho đến những hành động phung phá vụng dại đam mê chợt trở về đầy đủ. Đó là dĩ vãng nát nhầu của tôi, đó là tôi bất toàn trong một đời sống không vẹn toàn…”. Nỗi ân hận và tiếc nuối là nét bao trùm trong tâm thức của nhân vật. Tâm trạng đó, được phản chiếu qua sự hiện diện của nhánh hoa kì lạ – biểu tượng cho sự sống và niềm hạnh phúc xa vời, không sao nắm bắt được : “Nhánh bird of paradise cô đơn trong căn phòng đượm vẻ u ám của bệnh hoạn, một vẻ đẹp lạc lõng khác thường chợt làm tôi muốn chảy nước mắt. Vẻ đẹp quá cách biệt xa vời, không thể cảm nhận với một mỹ quan tầm thường. Con mắt thịt làm sao có thể hiểu được thế nào là cái đẹp ở một cõi khác”. Vẻ đẹp kì lạ của nhánh hoa, dưới cái nhìn tuyệt vọng của nhân vật như đến một thế giới khác – một vẻ đẹp thoát tục, không phải ai cũng nhận ra. Nó là hiện thân của sự sống mầu nhiệm, hư ảo. Bên cạnh đó, nhánh hoa còn là ẩn dụ cho khát vọng sống thật tha thiết : “ Tôi lại ngất đi với hình ảnh cánh bird of paradise cất cánh bay lên, bay cao vào vòm trời có nhiều ánh sao nhảy múa điệu luân vũ của ánh sáng, và một mùi hương ngào ngạt…”. Câu chuyện khép lại bằng hình ảnh “đôi cánh trắng” lung linh huyền ảo tiễn đưa nhân vật về miền cực lạc. Những ước mơ về đời sống còn dang dở biết đâu sẽ trở thành hiện thực ở cõi khác. Trút bỏ những dằn vặt đau đớn, nhân vật thanh thản chờ đón cái chết.

 

Nếu nhánh hoa “bird of paradise” trong Chim địa đàng là hình ảnh ẩn dụ cho khát vọng sống mãnh liệt và tuyệt vọng thì những họa phẩm của họa sĩ Đạt trong Tâm hồn hải đảo lại hàm chứa nỗi khát sống thật mạnh mẽ nhưng bất lực. Đạt tìm đến với hải đảo và dành trọn vẹn những ngày tháng cuối đời để thực hiện giấc mơ nghệ thuật. Mỗi nét cọ anh vẽ, mỗi ý tưởng nảy sinh không chỉ hàm chứa những trăn trở, suy tư về cuộc sống mà còn là ước mong truyền tải trọn vẹn thông điệp nghệ thuật đến với người thưởng lãm : “[…] Người họa sĩ chỉ diễn tả lại những sự thật qua màu sắc đến từ đời sống. Màu sắc đến từ sự sống, không phải pha chế bằng thuốc hay phẩm màu, mà pha chế bằng cảm xúc, tình cảm và tâm hồn của người nghệ sĩ. […] Cái thần của một bức tranh nằm ở đằng sau tất cả màu sơn, đường nét hình ảnh và bố cục. Nó là luồng điện chạm do giao cảm vô hình giữa cái tâm của người thợ vẽ và cảm nhận của người thưởng lãm. Cảm nhận đó là một bài thơ gửi gắm trong màu sắc, ẩn mật và kín đáo, nó chỉ hay và ý nghĩa khi người xem khám phá ra điều gửi gắm trong bức tranh. Bức tranh có ngôn ngữ riêng của nó …”. Đằng sau những họa phẩm là một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế với tầm nhìn sâu sắc về nghệ thuật. Không ngẫu nhiên khi chủ đề xuyên suốt trong sáng tác của anh đều là hình ảnh người thiếu nữ khỏa thân. Vì theo anh, đó là “hiện thân của một cái đẹp trần trụi, cái đẹp chân thực và cái đẹp toàn thiện”. Kì diệu thay là khát vọng sống của con người, lúc tuyệt vọng nhất vẫn cháy sáng để rồi lúc sự sống cạn lực đã kịp để lại cho cuộc đời những kiệt tác.

 

Tương tự như vậy, bức tượng Kiều Tiên là minh chứng cho khát vọng sống và sáng tạo của nhà điêu khắc tài ba trong truyện ngắn Bức tượng. Tác phẩm mang “dáng một người con gái đứng nghiêng người, nhìn xuống dưới chân đồi, nơi những vòm mái nhà đang nhuộm đỏ trong ánh nắng chói rực”. Khước từ vị trí trong những viện bảo tàng, pho tượng Kiều Tiên được đặt ở khoảng chính giữa công viên của thành phố để ai ai đi qua cũng có thể chiêm ngưỡng. Nó không chỉ là sản phẩm kết tinh của tài năng mà còn thoát thai từ bao đau đớn, nhẫn nại, hi sinh của người nghệ sĩ. Ông đã thổi hồn cho pho tượng, trao cho nó một đời sống. Lấy nghệ thuật làm lẽ sống, người nghệ sĩ đã đánh bạt nỗi cô độc đau buồn để thăng hoa trong ước mơ nghệ thuật và sống trọn vẹn với nó.

 

Bên cạnh đó, khát vọng sống của nhân vật còn được biểu hiện qua hình ảnh dòng nước chuyển chở nỗi muộn phiền : “dòng nước bao dung đón nhận tất cả những gì đời sống không đón nhận, nước rửa sạch mọi buồn phiền, nước lấy đi mọi vướng bận của đời sống. […] Thì ra tác dụng của nước không chỉ rửa sạch thể chất mà còn rửa sạch cả tâm hồn”. (Mùa Mưa). Bằng thứ nội lực tiềm ẩn, dòng nước là hiện thân của sức mạnh thanh tẩy và hồi sinh : nước mở lòng đón nhận, rửa trôi đi những buồn phiền khổ đau, đem lại cho con người một sức sống mới. Mặt khác, nó còn tượng trưng cho nguồn sức mạnh diệu kì và bền bỉ : “dòng nước nhỏ nhoi kia lại có thể ngày tháng xói mòn những khe đá, nước kiên nhẫn ngàn năm và đá có cứng rắn đến đâu cũng phải chịu thua dòng nước”. Qua cặp hình ảnh so sánh tương phản, hành trình chinh phục của dòng nước được tái hiện một cách sinh động. Những câu chữ không chỉ phản ánh quy luật tự nhiên “nước chảy đá mòn” mà còn ẩn chứa một triết lý sống. Dù cho hoàn cảnh có nghiệt ngã đến đâu, nếu con người giữ vững niềm tin, kiên nhẫn và lạc quan thì chắc chắn sẽ vượt qua mọi trở ngại, thử thách. Như dòng nước kia luôn tiến về phía trước, vượt qua khe thác rồi hòa mình vào dòng sông. Bước qua những đau khổ, con người sẽ đến được bến đỗ của hạnh phúc và bình yên.

 

Có thể thấy rằng : tuy ít ỏi nhưng trên trang văn của Miền Lặng vẫn có sự hiện hữu của niềm hạnh phúc và hi vọng. Điều này có lẽ bắt nguồn từ sự thức nhận của người viết : dù biết sự sống vốn mong manh, ngắn ngủi nhưng không vì vậy mà buông xuôi trong tuyệt vọng. Tác giả đã mượn những hình ảnh chân thật – giản dị để nói lên thông điệp sống ấy. Trong Tiếng hát ngư phủ, tiếng hát là tâm điểm của câu chuyện. Tiếng hát cất lên từ một người đã trải qua nhiều đau khổ và mất mát trong đời có một sức lay động kì lạ. Nó là chiếc cầu nối liền khoảng cách thiên nhiên – con người, mở ra sự đồng cảm tuyệt đối. Người ngư phủ đã không trở về sau chuyến ra khơi ấy, nhưng bài hát của anh do sóng mang vào thì còn mãi, vang vọng trong không gian bất tận. Nó là minh chứng về niềm hi vọng vào những gì tốt đẹp ở đời sẽ không bao giờ mất đi.

 

Bên cạnh đó, hình ảnh đôi chim trong truyện ngắn Chim lồng là hiện thân của niềm hạnh phúc bình dị được chắt lọc từ những đau khổ của cuộc đời. Nó đánh thức những hồi ức về tuổi thơ, về người thân yêu; đồng thời thổi bùng lên niềm vui sống ở nhân vật : “Cặp chim làm mẹ vui hơn, bận rộn cả ngày. […] Đôi chim đã khá quen thuộc với góc vườn và khung lồng. Chúng nhảy nhót líu lo hót nhiều hơn trước. […] Mẹ vui và hãnh diện lắm. Tiếng hót vang động ấm hẳn một góc vườn. […] Nhìn cảnh đôi chim rù rì âu yếm cạnh nhau, con mái rúc mỏ vào gáy chim trống, cặp mắt long lanh của những kẻ hạnh phúc làm vui lây những người chung quanh ”. Hình ảnh quấn quít sum vầy của cặp chim gợi nhắc không khí đầm ấm, hạnh phúc của cuộc sống lứa đôi và đằng sau đó là ước vọng thật đơn sơ về một tổ ấm gia đình trọn vẹn.

 

Qua những hình ảnh biểu tượng về khát vọng sống và niềm hạnh phúc, có thể thấy rằng ngòi bút của Phạm Chi Lan tinh tế và tràn đầy lạc quan. Sống – hi vọng – hạnh phúc là những điều mà mỗi nhân vật trong thế giới Miền Lặng đều hướng đến trên hành trình sống của mình và hẳn đó cũng là thông điệp mà nhà văn muốn gửi tới độc giả.

 

4. Thay lời kết

 

Hai mươi truyện ngắn trong Miền Lặng thể hiện sự nỗ lực tìm tòi và sáng tạo đáng ghi nhận của Phạm Chi Lan. Từ ký ức và những trải nghiệm trong đời sống, nhà văn đã dựng lên những câu chuyện chân thật và cảm động. Văn phẩm mở ra cánh cửa bước vào một thế giới tĩnh lặng nhưng đằng sau sự tĩnh lặng ấy là nguồn mạch sống âm thầm luôn chuyển động không ngừng, hướng về phía ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc.

 

Đọc văn của Phạm Chi Lan, tôi cảm mến trước sự dung dị của câu chữ, chất thơ nhẹ nhàng, đằm thắm và ý nhị. Sự cuốn hút khởi đi từ lớp hình ảnh biểu tượng đa dạng, sống động và gần gũi được chắt lọc qua một tâm hồn tinh tế, luôn rộng mở, tha thiết gắn bó với cuộc đời. Vượt ra ngoài những ám ảnh về nỗi cô đơn, thời gian sống ngắn ngủi và cái chết; bên này trang văn Miền Lặng hé mở một tâm thế sống tích cực của một tấm lòng biết yêu và trân trọng những giá trị của cuộc sống.

 

Hạ Long tháng 5/2011



 

Tập truyện Miền lặng của Phạm Chi Lan do Văn Học Nghệ Thuật liên mạng phát hành năm 2002
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Chín 202210:33 SA(Xem: 1657)
Ôi thời gian! Thế là hôm nay Thư Quán Bản Thảo (TQBT) đã ở ngất ngưởng con số 100.
31 Tháng Tám 20229:52 SA(Xem: 1777)
Là nhà thơ nổi tiếng nhưng lúc sinh thời, Vũ Hữu Định chưa in được một tập thơ.
30 Tháng Tám 20225:13 CH(Xem: 1859)
"Hoàng Cầm là tên một vị thuốc đắng... Tên nó vận vào người".
28 Tháng Tám 20224:22 CH(Xem: 1928)
Thái Thanh khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, lời nhạc mà như một tiên tri của Phạm Duy….
26 Tháng Tám 20229:31 SA(Xem: 2655)
Đầu năm 1955, ngẫu nhiên đưa đẩy, tôi được học Văn với một người thầy bất ngờ: nhà văn Đoàn Phú Tứ.
24 Tháng Tám 202212:00 CH(Xem: 2141)
Tấm lòng một người chồng, một người tình. Tấm lòng một người lính. Tấm lòng một nhà thơ.../ Một màu tím cứ day dứt mãi lòng người!
19 Tháng Tám 20229:21 SA(Xem: 1636)
Hãy ngủ, ông nhé và tôi tin rằng những gì ông để lại thế gian này cũng thiên thu không kém…
01 Tháng Bảy 20222:42 CH(Xem: 2049)
Cuộc họp đã thành công mỹ mãn sau khi ông Tố Hữu đọc một bản báo cáo dài: Bọn Nhân Văn - Giai phẩm trước toà án dư luận.
27 Tháng Sáu 20229:39 SA(Xem: 2082)
Câu hỏi, “Độc giả của Xuân Diệu là ai?” hóa ra lại không dừng lại ở câu chuyện văn chương hay thương mại, mà đó là một chất vấn về hệ giá trị của một cộng đồng, một thời đoạn lịch sử.
23 Tháng Sáu 20221:01 CH(Xem: 2408)
Thưa ông, đâu là ranh giới giữa ca khúc phổ thông và ca khúc nghệ thuật?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 613)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1174)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11070)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30720)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21736)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19793)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19259)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,