NGUYỄN XUÂN HOÀNG - Những Đoản Văn Rời Về Tạp Chí Văn

21 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 13079)
NGUYỄN XUÂN HOÀNG - Những Đoản Văn Rời Về Tạp Chí Văn

 

biavansoramat_1964-content-contentTờ báo văn chương cũng giống như một ngôi nhà, nơi đó những người cầm bút nhận ra một chỗ để đến của mình. Ngôi nhà, ngôi đền, ngôi chùa, thánh đường,... gọi cách gì cũng được, nhưng trước hết người viết biết rằng đó là nơi họp mặt của những người chọn chữ nghĩa như một cách thế sống, nơi dành cho những tiếng nói của văn chương, có thể những tiếng nói ấy không cùng một giọng, nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ cùng muốn chia sẻ những suy nghĩ, mộng tưởng của mình, để cuộc sống hạnh phúc hơn. Như người thợ mộc với cái bào, cái cưa; người thợ hồ, thợ nề với cái bay, với vôi, với hồ;... nhà văn có dụng cụ là chữ nghĩa. Họ giống nhau vì họ đều làm cho đời sống ý nghĩa hơn. Tôi không nghĩ nhà văn có nhiều trách nhiệm hơn một người thầy giáo hay một người lính. Nhưng tôi biết chắc một điều: nhà văn không phải là một tu sĩ. Anh ta không phải là người đi rao giảng đạo lý. Nhà văn không thể tồn tại nếu trước hết không tồn tại trong một cộng đồng. Anh ta chỉ là một thành viên của xã hội. Anh ta không phải là một đơn vị biệt lập hay cô lập. Như một miếng ngói, một viên gạch, một hòn sỏi, một vại nước phía sau hè, một vòm mái cong, một cành lá nằm ngang bên ngoài khung cửa sổ, một tiếng chim hót buổi sớm,... nhà văn là một trong muôn một làm thành đời sống.

 

Tôi đến ngôi nhà đó nhiều lần như một người khách, và sau cùng đến với nó như một thành viên trong gia đình.

 

Từ năm 1964, Trần Phong Giao, người đã cùng chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng đóng góp công lao xây dựng ngôi nhà tạp chí Văn. Cho đến năm 1972, anh ngưng hợp tác với Văn và “bố Vượng” gọi tôi bước vào trông coi bài vở thay anh. Đây cũng là thời gian nhà văn Mai Thảo thay thế họa sĩ Duy Thanh điều hành tạp chí Vấn Đề. Khi đó, tờ Vấn Đề đã dời tòa soạn từ đại học Vạn Hạnh về cùng một địa chỉ với tạp chí Văn, ở địa chỉ 38 Phạm Ngũ lão, Saigòn. Sau khi ông Nguyễn Đình Vượng từ trần - 31 tháng 3, 1974, cô Tuấn, con gái chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng thay cha quán xuyến tờ báo. Thời điểm này, cũng là lúc tôi phải trở lại dạy toàn thời gian cho các trường, ngoài Petrus Ký là trường chính, còn nhận lời phụ trách môn Triết lớp Đệ nhất Trường Sơn của Nguyễn Sỹ Tế, Văn Học của Nguyên Sa-Trần Bích Lan, Lê Bảo Tịnh của Linh mục Thanh Lãng, và cả trường nữ Regina Pacis v.v… nên nhà văn Mai Thảo một mình phải cáng đáng toàn bộ bài vở cho Văn.

 

Địa chỉ 38 đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn với số điện thoại 23.595 vẫn còn ở lại trong trí nhớ tôi rất lâu sau ngày bố Vượng mất, sau cả cái mốc thời gian tháng Tư 1975 nữa. Thật ra, có lúc tôi tưởng đã quên những con số nhà và số điện thoại của nó rồi. Thế nhưng, bao giờ cũng vậy, trong một giây phút bất chợt nào đó, những con số ấy chợt hiện ra trong tôi. Nhất là sau những lần nói chuyện với Mai Thảo, hoặc cầm tờ Văn do anh làm trên vùng đất mới này, tôi lại nhớ đến “bố già” Nguyễn Đình Vượng, “bố Vượng” của tôi, “già Vượng” của Thanh Tâm Tuyền - và cái tòa soạn nhỏ nằm trên đường Phạm Ngũ Lão ồn ào và bụi bặm. Phạm Ngũ Lão là một con đường đặc biệt, con đường của rất nhiều nhà in, nhà xuất bản, nhà phát hành…

 

Bố Vượng” của tôi

 

van-ngdinhvuong-content“Bố Vượng của tôi”, tứ thời áo len - buổi sáng hai cánh tay áo quấn quanh cổ, buổi trưa áo vắt lên thành ghế và buổi chiều bố mặc áo vào ngồi ở chiếc bàn ngó ra đường. Bố bị bệnh suyễn và đôi khi bố lên cơn ho sù sụ. Đó là những lúc mặt bố đỏ gay, một tay ôm ngực, một tay giơ lên cao xua xua không muốn nói chuyện với bất cứ một ai. Đàm Gia Tuấn - người chữa morasse kỹ nhất nước – và tôi ngồi ở hai chiếc bàn sát vách. Tuấn đeo kính cận dầy cộm, lúc nào cũng chúi mũi vào những bản vỗ còn ướt mực của nhà in. Anh ít nói, và là người chăm chỉ nhất trong việc dò bản thảo của các ông bà nhà văn.

 

Mai Thảo thì khác. Anh thường đến tòa soạn bằng xích lô, trên tay bao giờ cũng có một cuốn tiểu thuyết trinh thám Pháp hoặc một tờ báo Pháp, thường là tờ tuần báo L’Express. Chúng tôi trao đổi về chủ đề cho số báo tới, đưa nhận xét về mấy cái truyện ngắn của người viết mới và sau đó tác giả Để Tưởng Nhớ Mùi Hương lại lên xích lô ra đi.

 

Còn tôi ngồi lại đọc thư từ bài vở… của bạn đọc, thân hữu và các bạn văn, nói chuyện với Đàm Gia Tuấn về các bài anh đang sửa – cho anh biết bài nào phải đi ngay để anh chữa cho kịp số báo lên khuôn – xong cười với bố Vượng một cái cười cầu tài [mà thường thì tôi rất thành công, vì bố Vượng chán cái mặt tôi, vừa lắc đầu vừa kéo hộc tủ ngoắc tôi lại dúi tiền vào tay tôi với một lời mắng ngọt ngào]. Bố hỏi “Này, có phải lại đi đàn đúm với ‘cái bọn’ ở quán Cái Chùa không?”. Tất nhiên là bố đúng, Quán Cái Chùa/La Pagode là nơi các bạn tôi như Nguyễn Đình Toàn, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật,… và đôi khi có Bùi Bảo Trúc đang ngồi ở đó.

 

Tôi thấy cũng cần thố lộ thêm một điều: Căn nhà đầu tiên và duy nhất mà tôi có tại Việt Nam là của bố Vượng cho tôi sau ngày tôi lập gia đình. Căn nhà ấy bố đã sống nhiều năm trước khi cho xuất bản tờ Văn. Căn nhà nằm ở đầu ngõ khu Mã Lạng. Bố Vượng dọn ra 38 Phạm Ngũ Lão, lấy tầng trệt làm tòa soạn Văn, và cả nhà sống ở lầu trên.

 

*

 

Trần Phong Giao “trụ cột” của Văn Sài gòn

 

tran_phong_giao-_hinh_cua_le_phuong_chi-content-contentMới đây, nhân soạn lại những thùng sách báo cũ, tôi tìm thấy lá thư của Trần Phong Giao. Thư đề ngày 27/1/1995, viết từ Sài gòn gửi cho tôi ở thành phố Garden Grove, Quận Cam, California, anh báo cho tôi một tin buồn là nhà anh “bị cháy khi đã bước cả hai chân qua tuổi sáu-mươi (ôi cái tuổi tuần thời!) tôi những tưởng bị gục luôn. Nào ngờ còn gượng dậy được. Đi phải chống gậy nhưng vẫn là đi….” Và đồng thời anh cũng báo cho tôi một tin vui là anh đã làm xong cuốn từ điển về thành ngữ tiếng Anh. Nhưng, anh viết thêm “[l]àm từ điển thì, bạn dư biết đấy, đói dài.” Trần Phong Giao cũng nhắc chuyện cũ “[S]ực nhớ, có lần Huỳnh Phan Anh đãi uống bia lon. Hỏi sao sang thế? Đáp, ấy có thằng bạn định về thăm quê, nhưng tới Bangkok lại quay về. Hình như nó rét. Có điều, trước khi về nó có nhờ chuyển cho moa tí tiền còm: chầu bia hôm nay. Khỉ thật, phải chi hắn đãi rượu….” Trần Phong Giao luôn là người dị ứng với bia. Anh chỉ thích rượu và phải là rượu ngon. Thư anh kể thêm là trên kệ rượu nhà anh mới có ba chai: Cutty Sark, the famous Grouse và Grand Macnish. “Phải chi có các bạn ở đây để ‘nghiêng bầu mà hỏi’ thì vui biết mấy!” Và Trần Phong Giao nhắc tới bạn bè đang ở Mỹ: “Mà lạ, bạn ạ, hễ uống Chivas Regal là nhớ cụ Mặc Đỗ. uống X.O. là nhớ Thu Vàng*, uống Back and White là nhớ cô Thảo Mai**… cỏ xanh đất mát, nhớ V.K.K***.…” Trần Phong Giao cho tôi biết anh muốn biên thư và đọc thư của Trùng Dương, Nguyễn Quang Hiện, Ngô Thế Vinh,… nhưng không biết các bạn có còn ở chỗ cũ không?

 

Cuối thư, anh viết: “Bản thân tôi, viết được cánh thư dài như thế này cũng là chuyện hiếm hoi rồi đấy”, và Trần Phong Giao kết thúc bằng 4 câu thơ:

 

Sáu mươi lăm tuổi rồi đây hả?

Sóng vỗ chân cầu nghe xốn xang.

Đốt tay ngồi đếm, già? Đâu có!

Một tuổi trời cho: một tuổi vàng….

Cho dù có sống mòn, sống thêm, cũng vẫn là sống. Và còn sống là còn thương, còn nhớ, còn ‘rót thêm ly nữa’ mà không biết mời ai.

 

Trần Phong Giao, người có công rất lớn trong việc xây dựng tờ Văn, người đã - nói theo dịch giả Trần Thiện Đạo, trong một bài viết có tựa là “Tạp chí Văn trong lòng độc giả”: … [Lại nữa,] cũng nên nhớ có tới hơn 280 số VănTân văn đã đều đặn ra mắt bạn đọc từ tháng Giêng 1964 đến tháng Tư 1975 và trong số này có 90 chuyên đề khảo cứu, giới thiệu các trào lưu văn học và các nhà văn lớn ở Việt nam và trên thế giới. 90 trên 280, đúng 1 phần 3: công lao của thư kí tòa soạn Trần Phong Giao (1932-2005 - tên khai sanh: Trần Đình Tỉnh, tự: Trần Phong) phải được nhấn mạnh ở đây ….

 

Trong những ngày cuối đời, vẫn không quên bạn bè cũ dù trong hoàn cảnh nào, và bạn bè anh khi nhắc tới tờ Văn, không ai là không nhớ tới anh…

 

 

*Cung Tiến

** Mai Thảo

*** Vũ Khắc Khoan

 

 

Mai Thảo và tôi

 

Mùa đông 1985 khi từ Bataan, Phi Luật Tân, đến Mỹ, tôi sung sướng cầm trên tay tờ Văn do Mai Thảo làm. Và buổi sáng đầu tiên đứng trong một tiệm sách Việt Nam ở Virginia, lật giở từng trang báo Xuân trong khi bên ngoài tuyết rơi trắng trời, tôi bỗng nhìn thấy lại “bố già” Nguyễn Đình Vượng, Mai Thảo, Trần Phong Giao, Đàm Gia Tuấn,… thấy lại con đường Phạm Ngũ Lão ngập nước mưa, và bất ngờ hiện ra trong trí con số 23595 - số điện thoại của toà soạn hiện ra trong khi những con số khác biến mất. Và như thế tôi quên đi tám tháng ở hòn đảo Bataan, mưa bão và động đất; quên đi những ngày ở Sài Gòn sau năm 1975; quên đi những tháng tù ở Ktnh Làng Thứ Bảy, cải hối thất Rạch Giá và quên mất mối lo âu trong những ngày sắp tới trên vùng đất lạ lẫm này.

 

Vâng, chính tờ báo Văn mà Mai Thảo đang làm đã giúp tôi dọn ra khỏi trí nhớ những năm tháng vừa qua ở quê nhà, và đánh thức tôi trở dậy một quá khứ nay đã không còn bình yên nữa.

 

Trở lại Văn cùng Mai Thảo, với tôi, có nghĩa là trở lại mái nhà xưa, trở lại bầu trời và mặt đất quen thuộc,…

 

Và 10 năm sau….

 

Mười năm sau, tháng Tám, 1996, khi nhận tờ Văn từ tay Mai Thảo, tôi nói với anh là anh hãy cố gắng viết Sổ Tay vài kỳ cho người đọc và bạn hữu thấy rằng sự chuyển tiếp không quá đột ngột. Anh bảo:

"Ừ, tôi sẽ viết." Khi bài vở cho số báo đã đầy đủ, chỉ còn thiếu trang Sổ Tay của anh, tôi nhắc mấy bận, nhưng anh luôn hẹn "đến mai".

 

Và mỗi lần đến thăm anh, tôi thấy sức khỏe anh đi xuống quá rõ, tôi không thể nhắc nữa.

Để tờ báo có thể ra kịp đầu tháng Chín, như đã hứa, tôi thấy không còn cách nào khác, phải viết những trang đầu cho mỗi số báo. Nhưng tôi không muốn dùng lại đề mục Sổ Tay của anh. Trên tờ Văn, tôi nghĩ, Sổ Tay là của Mai Thảo. Sổ Tay Mai Thảo. Chữ nghĩa của anh từ bao nhiêu năm nay, qua những trang Sổ Tay, đã đến với người đọc như một người bạn thân, bước vào nhà bạn mà không cần gọi trước hay phải gõ cửa. Ngôn ngữ trong Sổ Tay Mai Thảo đã có cái nét riêng của nó. Phải là Mai Thảo ký dưới trang Sổ Tay của Văn, chứ không thể là của một ai khác. Đó là lý do tôi chọn chữ Thư Hàng Tháng cho những trang chữ của tôi. Tờ báo đã xong. Công việc còn lại, lúc đó, chỉ là mang lên nhà in Kim trên Los. Tôi gọi điện thoại báo cho Mai Thảo biết chiều nay báo sẽ mang in. Anh ậm ừ bảo anh chị bác sĩ Phó Ngọc Văn vừa từ Hoa Thịnh Đốn xuống, và anh hỏi tại sao không ra Viễn Đông uống một ly nước với người bạn từ phương xa tới. Tôi ra quán cùng ngồi với anh và anh chị Phó Ngọc Văn.

 

Tôi còn nhớ hôm đó trời Cali nóng dữ dội, mặc dù mùa hè sắp hết. Tôi hỏi anh nghĩ sao nếu tôi thay mục Sổ Tay của anh bằng mục Thư Hàng Tháng, chẳng hạn kỳ này tôi sẽ ghi là Thư Tháng Chín, thay vì Sổ Tay Tháng Chín. Mai Thảo đang đưa ly rượu gần chạm môi bỗng ngừng lại. Anh không vui, bảo theo anh thì không nên thay. Cứ giữ lại chữ Sổ Tay, vì trước hết người đọc Văn từ lâu đã quen với tên gọi của nó, và "với mục Sổ Tay, H. còn có lợi thế là có thể viết về nhiều thứ, nhiều điều, từ cái nhỏ nhặt gần gũi nhất của chính người viết tới cái xa nhất về thời sự, thời cuộc thế giới. Như một chút thời tiết. Như một cuộc gặp gỡ bạn bè bằng hữu. Nhẹ nhàng thôi. Chỉ là những ghi chép đôi khi vụn vặt, nhưng rất là đời sống." Tôi hiểu ý anh. Và mặc dù mục này xếp chữ đã xong với cái tựa Thư Tháng Chín, tôi đã phải ngồi xuống bàn viết sửa lại cái tựa, xóa bỏ lý do vì sao chọn chữ Thư Hàng Tháng, viết thêm một đoạn gặp anh và anh chị Phó Ngọc Văn, và sửa Mục Lục.

 

*

 

Cho nên, mỗi tháng, sau khi đã xếp chữ, lay out xong toàn số báo, tôi luôn luôn chừa ra sáu trang cho Sổ Tay. Đó là những trang viết sau cùng. Và đó cũng là lý do nhà in T&T ở Costa Mesa hay giục sao tới ngày rồi mà chưa thấy mang báo đến in.

 

Tôi không viết dễ dàng và trôi chảy như Mai Thảo. Tôi đắn đo, cân nhắc, tôi luôn luôn muốn viết Sổ Tay theo một phong cách khác với Sổ Tay Mai Thảo.

 

biavancuoicung_1975-content-contentTrong thời gian hai năm đó, mỗi lần lấy tờ Văn từ nhà in về, công việc đầu tiên là tôi mang báo đến anh. Anh nhìn cái bìa báo, hỏi in màu tốn kém làm sao chịu nổi. Anh hỏi lần tới sẽ chọn tranh ai làm bìa. Liệu có sống nổi không? Có lần bất ngờ anh hỏi tôi có uống chút chăng. Tôi biết Mai Thảo chỉ hỏi cho vui chứ anh biết tôi đâu phải là người ghiền rượu. Anh để mấy tờ Văn

trên đầu giường, cạnh cái gối của anh. "Để chốc rồi đọc." Và anh hỏi tin tức tờ báo. Những khó khăn trong công việc và đời sống của tôi. Căn phòng tối vì cửa lá sách đã vặn xuống. Một phần cánh cửa được mở cho khói thuốc có thể thoát ra ngoài. Tôi chỉ im lặng ngồi nhìn anh. Và anh cũng không nói gì thêm. Thường, tôi ngồi với anh không quá mươi phút vì tôi phải đi làm.

 

Một năm sau, khi anh rời căn phòng phía sau nhà hàng Song Long để vào bệnh viện Fountain Valley, rồi Good Samaritain, rồi Barlow Hospital ở Los Angeles, tôi ít gặp anh. Thường, muốn thăm anh, tôi hay đi ké xe của nhà báo Đỗ Ngọc Yến.

 

Hôm bệnh viện Barlow báo cho biết ngày đầu tiên tháo ống nhựa ở cổ anh để anh tập nói, vì sức khỏe anh đang bắt đầu hồi phục, tôi đã bỏ một buổi làm, theo Đỗ Ngọc Yến lên Los. Bữa đó, bà bác sĩ [?] Gloria giải thích việc lấy ống nhựa ra và muốn anh phải tập nói. Tôi mang tờ Văn số vừa in đưa cho anh và nói cho bà bác sĩ Gloria biết bệnh nhân Quý Nguyễn đây là một nhà văn nổi tiếng Việt Nam, và ông là chủ nhiệm tờ tạp chí văn chương mang tên VĂN này. Đỗ Ngọc Yến chỉ vào chữ MAI THẢO trên trang hai bìa sách nói cho bà Gloria biết đó là bút danh của ông Quý Nguyễn. Bà Gloria xuýt xoa một cách lịch sự như mọi người Mỹ lịch sự khác, nhưng bà vẫn không quên nhắc, buộc anh phải đọc những dòng chữ lớn trên tờ VĂN.

 

Lúc đầu anh nhất định lắc đầu từ chối. Anh không đọc, không muốn đọc. Thế nhưng, vì bà Gloria cứ dí mãi tờ báo vào mắt anh, và cứ chỉ tay lên chữ VĂN, đột nhiên tôi nghe tiếng anh đọc khá rõ: V. Ă. N. Và một câu kế tiếp không rõ lắm. Anh đọc "tẹp chí ven học nghẹ thuột". Chúng tôi rất mừng nghe lại tiếng nói của anh.

Bà Gloria là người vỗ tay to nhất và nhiều nhất. Đó là một buổi sáng Los Angeles tràn trề nắng ấm. Tôi nghe bà bảo sắp tới nhà thương sẽ để anh ngồi xe lăn và có người đẩy anh đi dạo dưới nắng. "Rất tốt cho ông ấy. Ông Nguyễn sẽ bình phục thôi." Anh bình phục thấy rõ. Anh được đưa trở lại Quận Cam, nằm ở Viện Hồi Phục. Tiếng nói anh nghe đã rõ và anh đã nhận diện được những người đến thăm anh. Nhưng thời gian đến với anh đã không còn nữa. Ngày 10 tháng Giêng 1998, Mai Thảo ra đi.

 

*

 

maithao-tranh_dinhcuong-content-contentNếu tính đến năm 2012 này, Mai Thảo ra đi đã 14 năm. 14 năm đó, trong các câu chuyện bên ly cà phê, trên cả những trang viết về Mai Thảo, có người hỏi tôi: Ông có phải là người bạn thân thiết của Mai Thảo không? Tình bạn của ông và Mai Thảo thế nào? Sao không bao giờ nghe ông nói về tình bạn của hai người? Điều gì đã gắn bó giữa ông và Mai Thảo? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời đối với tôi. Trên số Văn đặc biệt Tưởng Mộ Mai Thảo phát hành vào tháng Hai, 1998, tôi viết: “Từ bên nhà, cũng như ở bên này, tôi chưa bao giờ ‘tự coi’ hay ‘được coi’ là người thân của anh Mai Thảo. Nếu hiểu ‘thân’ theo cái nghĩa là gần gũi, chia sẻ mọi va chạm trong đời sống và những suy nghĩ về văn chương. Trái lại, tôi luôn luôn ‘cảm thấy’ hình như có một khoảng cách giữa anh và tôi. Cái gì làm nên khoảng cách đó, tôi không rõ. Cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ. Nhưng tôi biết rõ một điều là tôi luôn luôn yêu quý anh. Như một ông anh trong gia đình.… Và Mai Thảo cũng chăm sóc và lo lắng cho tôi, bênh vực tôi khi có một người nào đó nói về tôi….Chúng tôi là anh em, anh em hơn là anh em ruột thịt trong một gia đình. Ông anh ít nói và thằng em cũng không nhiều lời. Nếu nhìn sâu hơn một chút, có thể nói, điều khiến tôi yêu quý Mai Thảo trước nhất và sau cùng không phải là văn chương. Tôi thích câu viết của Thanh Tâm Tuyền: “…những người có cùng quan niệm văn chương chẳng làm cho họ gần gũi, nối kết với nhau…mà đôi khi còn đố kỵ nhau là đàng khác. Có lẽ bởi quan niệm là cái thứ có thể lượm nhặt, học hỏi, ai cũng có thể biết, có thể có, vì là sản phẩm của trí tuệ. Và nói trí tuệ là nói vô cùng, nói đảo điên, nói xuôi nói ngược đều được…”

 

Tôi vẫn thường nghĩ khi ta dán mắt thật sát, thật gần vào một đối tượng, tưởng là sẽ thấy rõ đối tượng ấy hơn, thật ra làm như vậy ta sẽ chẳng thấy gì cả.

 

Cái khoảng cách cần thiết vừa phải chính là để cho mỗi người có thể nhìn thấy rõ người kia hơn, và qua đó có thể nhìn thấy rõ mình hơn.

 

*

Tôi luôn yêu mến và quý trọng Mai Thảo trước đây và ngay bây giờ khi nghĩ đến anh, theo tôi, chính là nhờ cái khoảng cách cần thiết ấy.

 

*

Xin lỗi và Cám ơn

 

Buổi chiều cuối năm, ngồi bên ly cà phê với người bạn đến từ một tiểu bang xa. Bạn tôi hỏi, ba điều bốn chuyện, chuyện sức khoẻ, chuyện gia đình, chuyện công ăn việc làm, chuyện người sống người chết, chuyện quê hương, chuyện quê nhà...Sau cùng bạn hỏi: "Năm qua cậu đã làm được những gì, đầu óc có thoải mái không?" Tôi nửa đùa nửa thật: Đầu óc thì không, còn làm được việc gì thì không biết.

 

nguyenxuanhoang_1-content-contentBạn tôi là một người chơi nhạc, không phải nhạc sĩ sáng tác, nhưng kiến thức về âm nhạc thì khá cao, và chơi đàn tây ban cầm xuất sắc. Mặc dù ở xa chúng tôi vẫn thường liên lạc nhau qua email. Có lần anh đưa ra một nhận xét bất ngờ về một bài viết của tôi, anh làm tôi sửng sốt. "Phong cách của bút pháp. Đó cũng là một vấn đề!" anh nói. Đọc nhiều, biết thưởng thức hội họa, và nói về văn chương và kịch nghệ thì thuyết phục lắm... tuy vậy bạn tôi không phải là người viết văn làm báo.

 

Cà phê nóng. Tôi uống một ngụm. Mùa đông năm nay ở miền bắc Cali lạnh hơn năm ngoái, lạnh hơn cả những năm trước nhiều. Tôi mở gói mật ong châm thêm vào ly cà phê. Hôm nay là ngày cuối tuần, tôi không ngồi ở quán quen Starbucks của tôi, - thứ cà phê nhạt nhẽo không mùi vị, chỉ khá hơn càphê Mỹ trong cantine báo Mercury News mà tôi đã thỉnh thoảng phải uống - một thứ nước lã có màu đen. Tôi chuyển sang quán Peet’s coffee. Cà phê ở đây mặc dù không như càphê Năm Dưỡng Sài gòn nhưng đậm hơn cà phê starbucks. Khung cảnh cũng thân mật và ấm cúng, từ cái bàn cái ghế, những máy lọc, …. Mấy bức tranh treo trên tường cũng đơn giản và nồng ấm. Quán hơi vắng. Có hai người khách sát bàn tôi: một người Mỹ râu tóc bạc phơ, ăn mặc rất bụi đời [áo quần giày dép và cái mũ chụp đầu bằng len cũ kỷ tả tơi] và một phụ nữ Á châu ăn mặc sang trọng, nhưng nét mặt hơi thô và lạnh. Tôi biết quán Peet’s coffee này hơi trễ, chỉ chừng hơn 1 năm nay thôi, nhưng tôi rất thích.

 

Bạn tôi nhắc: “Sao lúc này không thấy cậu viết gì? Phải viết đi chứ! Ở không lâu quá đâu có tốt.” Tôi nói không viết gì vì không biết viết gì, nhưng ở không thì cũng không hẳn là ở không đâu. “Nghĩa là cậu không còn chuyện văn chương chữ nghĩa nữa à?” Tôi nói chuyện chữ nghĩa thì còn nhưng mà chuyện văn chương thì không. Tôi lúc này thích chuyện thời sự hơn. “Nói tóm lại là cậu không có thì giờ?” bạn tôi hỏi. Tôi nói, thì giờ đâu nữa mà còn. Từ mấy năm nay tôi đã đọc ít đi. Thiếu cái nguồn nước liên lỉ ấy, cái giếng khô cạn dần, mạch nước ấy khi không còn thì cái ngọn lửa kia cũng từ từ tàn lụi, lấy nhiên liệu đâu mà đốt lên? “Cậu nói sao?” bạn tôi hỏi. “Cậu không đọc sách nữa à? Bỏ cái chuyện vớ vẩn, chết tiệt ấy đi cậu ơi. Tin trong nước, tin ngoài nước, tin thế giới, tin xe cán chó chó cán xe, tin trong nhà ngoài phố. Cái thứ mì ăn liền ấy mà! Đau đầu!” Ừ, tôi nói, đau đầu thật!

 

…..

 

Bạn tôi nói: “Cậu có biết chuyện ký mục gia Art Buchwald không?” Ông nói sao? Tôi hỏi. Ông Art Buchwald à? Ông ấy mất từ tháng Giêng năm 2007 kia mà! “Đúng vậy!”, bạn tôi nói, “Tôi biết chứ, ông ấy mất đã nhiều năm rồi, nhưng cậu không biết là ông Art Buchwald trước khi chết ở tuổi 82 vẫn còn viết không?” Ừ, thì sao? “Còn cậu, còn lâu cậu mới tới tuổi đó, sao cậu lười thế?” Tôi hỏi, ông nói thế là thế nào? Bạn tôi cười, “Thế cậu không thấy chuyện này không dính líu gì tới cậu à?” Dính líu gì? Tôi hỏi. “Hãy bắt chước Art Buchwald đi, nếu đời không có gì vui, thì sao không mang tặng cho đời một nụ cười?” Bạn tôi hỏi lại.

 

nguyenxuanhoang_01-contentBạn tôi kể “Từ tháng Hai năm 2006, khi bác sĩ cho biết vì ông không chịu lọc máu hàng tuần nên ông chỉ còn sống vài tháng nữa thôi, ông quyết định dọn vào hospice, một loại housing ‘tống tiễn’ những người chờ chết và muốn ra đi một cách êm thắm không làm phiền ai. Chính tại nơi chốn này, ông vẫn không ngừng viết và còn in cả một cuốn sách mang tựa Too Soon To Say Good Bye (Còn quá sớm để nói lời từ biệt).

 

Ly cà phê của tôi đã cạn. Tôi đứng nhổm dậy. Bạn tôi biết ý. “Thôi cậu ơi. Đủ rồi! Tối rồi, đâu phải buổi sáng mà không ngừng cà phê thế này. Mai tôi bay về lại tiểu bang ngập lụt New Orleans của tôi, tôi vẫn muốn hỏi lại cậu một câu: năm qua cậu đã làm được những gì?” Năm qua? Tôi có làm được gì đâu. Toàn những chuyện vớ vẩn. “Sao lại vớ vẩn?” Thì đấy, chuyện thì nhiều mà có ra cái khỉ gì đâu! “Vậy có nghĩa là cậu cũng có làm đôi ba chuyện phải không? Cậu nghĩ gì về những chuyện khỉ của cậu?” Tôi biết bạn tôi nhất định không buông tha tôi. Thì đành. Tôi nói: Tôi muốn nói lời xin lỗi. “Xin lỗi ai?” Xin lỗi tất cả mọi người. Tôi muốn xin lỗi những người tôi yêu thương, những người tử tế và cả những người không tử tế với tôi. Tôi muốn xin lỗi bạn bè và cả những người tưởng là bạn, xin lỗi những người tôi quen đã lâu hay mới vừa quen, lẽ ra tôi phải làm điều này không nên làm điều kia, nhưng tôi đã làm nhiều điều ngược lại. Tôi nhớ câu nói của một ông anh trong vùng tôi đang sống, rằng sau khi hoàn tất một công việc, bao giờ người ta cũng thấy hai túi áo chứa đầy những lời cảm tạ và những lời xin lỗi. Cảm tạ những người đã từng giúp đỡ mình, đã từng tử tế với mình, lo lắng cho mình, những người đã bất chấp những rào cản của cuộc sống đã đem cho mình tình yêu thương mà rồi đây suốt cả đời sẽ không bao giờ tìm thấy .... Và trong túi áo kia là những lời xin lỗi vì mình đã không xứng đáng với lòng tử tế của họ, đã không hết lòng với họ, đã không trải lòng ra lắng nghe tiếng nói của họ. Tôi muốn nói lời xin lỗi với những độc giả của tạp chí Văn, tờ báo tôi đã làm ở Việt Nam sau anh Trần Phong Giao, và nay ở Mỹ sau nhà văn Mai Thảo, tờ báo đã đình bản mà không một lời xin lỗi. Cái lỗi đó quá lớn. Tại sao? Cả một năm qua, tôi nằm chờ chuyện đi xa, chờ từng ngày… “Cậu thật là vớ vẩn! Cậu đã nói bao nhiêu lần câu này rồi?” Tôi nhớ tôi đã nói nhiều lần. Và cách đây mấy năm, nhà văn Võ Phiến có viết cho tôi một lá thư tay về cái ý nghĩ ‘vớ vẩn’ đó của tôi đấy. “Ông Võ Phiến viết gì cho cậu vậy? Tôi muốn đọc được không?” Muốn đọc thật à? Lần tới tôi sẽ cho ông đọc. Nhưng ngay lúc này thì chưa được. Ừ, tối rồi, không cà phê nữa. Bây giờ tôi đưa ông đến một quán cơm Ý, tôi muốn uống một ly rượu đỏ với ông trước khi chia tay.

 

Mùa đông, mặt trời đi ngủ sớm. Bóng tối tràn ngập khắp bãi đậu xe trước quán cà phê Peet’s coffee. Và lạnh.... “Đúng, cậu vớ vẩn thật!” Bạn tôi nói.

 

Ngày mai tôi lên đường đi Paris

Những đoản văn được ráp nối này

xin ghi như mới vừa được hoàn tất vào

Tháng 12, 2011


NGUYỄN-XUÂN HOÀNG



 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Chín 202210:33 SA(Xem: 1658)
Ôi thời gian! Thế là hôm nay Thư Quán Bản Thảo (TQBT) đã ở ngất ngưởng con số 100.
31 Tháng Tám 20229:52 SA(Xem: 1777)
Là nhà thơ nổi tiếng nhưng lúc sinh thời, Vũ Hữu Định chưa in được một tập thơ.
30 Tháng Tám 20225:13 CH(Xem: 1859)
"Hoàng Cầm là tên một vị thuốc đắng... Tên nó vận vào người".
28 Tháng Tám 20224:22 CH(Xem: 1928)
Thái Thanh khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, lời nhạc mà như một tiên tri của Phạm Duy….
26 Tháng Tám 20229:31 SA(Xem: 2656)
Đầu năm 1955, ngẫu nhiên đưa đẩy, tôi được học Văn với một người thầy bất ngờ: nhà văn Đoàn Phú Tứ.
24 Tháng Tám 202212:00 CH(Xem: 2141)
Tấm lòng một người chồng, một người tình. Tấm lòng một người lính. Tấm lòng một nhà thơ.../ Một màu tím cứ day dứt mãi lòng người!
19 Tháng Tám 20229:21 SA(Xem: 1636)
Hãy ngủ, ông nhé và tôi tin rằng những gì ông để lại thế gian này cũng thiên thu không kém…
01 Tháng Bảy 20222:42 CH(Xem: 2049)
Cuộc họp đã thành công mỹ mãn sau khi ông Tố Hữu đọc một bản báo cáo dài: Bọn Nhân Văn - Giai phẩm trước toà án dư luận.
27 Tháng Sáu 20229:39 SA(Xem: 2082)
Câu hỏi, “Độc giả của Xuân Diệu là ai?” hóa ra lại không dừng lại ở câu chuyện văn chương hay thương mại, mà đó là một chất vấn về hệ giá trị của một cộng đồng, một thời đoạn lịch sử.
23 Tháng Sáu 20221:01 CH(Xem: 2408)
Thưa ông, đâu là ranh giới giữa ca khúc phổ thông và ca khúc nghệ thuật?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 613)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1174)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19186)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11070)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30720)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,