NGUYỄN KHẮC NHƯỢNG - Nơi Công Chúa Huyền Trân Ngồi Khóc

02 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 15017)
NGUYỄN KHẮC NHƯỢNG - Nơi Công Chúa Huyền Trân Ngồi Khóc

 

chuacauhoian_content-content

 

Ngày cuối ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, du khách trong đoàn tự do sinh hoạt để hôm sau ra sân bay về nước. Biết tôi không có nhu cầu “shopping” như các du khách khác, Minh Sinh, doanh nhân người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, bạn cùng “tour”, rủ tôi đi xem các di tích hoặc thắng cảnh địa phương không có trong lịch trình tham quan của đoàn. Minh Sinh gốc người Quảng Đông nhưng đây là lần đầu đến Quảng Châu nên cũng chẳng sành sỏi gì về thành phố này. Trò chuyện hồi lâu bằng thổ âm Quảng Đông với cô hướng dẫn viên du lịch địa phương, Minh Sinh quay sang tôi : “Cổ biểu tụi mình là người Việt Nam nên cổ sẽ đưa đi thăm mộ ông vua Việt Nam ở Quảng Châu”.

 

Mộ ông vua Việt Nam ở Quảng Châu? Tôi chưng hửng! Có nhầm lẫn gì chăng? Hay cô ta muốn nói đến ngôi mộ của liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người đã ném tạc đạn ám sát Merlin, viên toàn quyền Pháp tại Đông Dương khi y đến Sa Điện, Quảng Châu ngày 19.6.1925 nhưng không thành phải nhảy xuống sông tự tận và được người địa phương an táng ở Hoàng Hoa Cương? Ngôi mộ của liệt sĩ Phạm Hồng Thái trong vài năm gần đây đã trở thành “sản phẩm” du lịch đặc biệt của Quảng Châu dành riêng cho du khách Việt Nam.

 

Thấy tôi tỏ vẻ hoài nghi, Minh Sinh bảo: “ Tôi hỏi kỹ rồi, cổ nói mộ này mới được tìm thấy năm 1983, là mộ của của Văn Vương Triệu Mạt, cháu nội Vũ Vương Triệu Đà. Vũ Vương là vị vua đầu tiên của nhà Triệu nước ta”. Nghe Minh Sinh, một người chính gốc Quảng Đông nói hai từ “nước ta” thấy thương hết biết! Qua nhiều thế hệ sinh sống lâu đời ở Việt Nam, Minh Sinh tự xem mình là người Việt “chăm phần chăm” bởi vì anh chẳng còn dây mơ rễ má gì ở xứ Quảng Đông xa xôi kia ngoài thứ tiếng “Quảng” vốn được truyền đời trong gia đình. Thậm chí anh sử dụng tiếng “Quảng” không lưu loát bằng tiếng Việt vì từ nhỏ đến lớn anh đều học ở trường Việt. Anh từng cho tôi biết như vậy. Nếu truy nguyên kỹ thì e rằng dòng máu Hoa trong anh còn “thuần chủng” hơn cả Trọng Thủy, con trai Triệu Đà, vì lẽ dù sinh sống tại Việt Nam, nhiều thế hệ của gia đình anh đều dựng vợ gả chồng trong vòng người Hoa với nhau mà thôi. Nói anh “thuần chủng” Hoa hơn Trọng Thủy bởi Trình Thị, mẹ của Trọng Thủy, lại là người Đường Thâm, Giao Chỉ, và như vậy Trọng Thủy có năm mươi phần trăm máu Việt.

 

Văn Vương Triệu Mạt là cháu nội và là người kế ngôi Triệu Đà vì theo truyền thuyết thì Trọng Thủy, con trai độc nhất của Triệu Đà đã ôm xác Mỵ Châu nhảy xuống giếng tự tận sau khi chiếm được Loa thành của An Dương Vương Thục Phán, vua nước Âu Lạc. Từ đó nước Âu Lạc được Triệu Đà sát nhập vào quận Nam Hải (phần lớn là đất Quảng Tây và Quảng Đông sau này) đặt quốc hiệu Nam Việt, tự xưng đế, đóng đô ở Phiên Ngung tức TP. Quảng Châu hiện nay. 

 

Triệu Đà có phải là vị vua đầu tiên của nhà Triệu “nước ta” như Minh Sinh nói? Ông tuy là người Tàu, làm quan Đô úy của nhà Tần ở quận Nam Hải nhưng khi nhà Tần mất vào tay nhà Hán thì ông tự lập ra nước Nam Việt ở phương Nam độc lập với nhà Hán, truyền qua năm đời vua được non trăm năm mới bị Hán Vũ Đế thôn tính khởi đầu thời kỳ một ngàn năm bắc thuộc của nước ta. Các sử gia ta như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Tắc… đều xem Triệu Đà là vị vua khai lập nước Đại Việt. Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết: “…Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước…” đã mặc nhiên xem nhà Triệu là khởi triều của Đại Việt ta. Vua Tự Đức cũng cho Quốc tử giám ghi danh năm đời vua nhà Triệu là tiền triều trong Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục.

 

Ờ, mà ngẫm cho cùng thì anh bạn Minh Sinh gốc Quảng Đông bên hông Chợ Lớn này tuy không chung một bào thai với người Việt gốc Văn Lang nhưng tổ tiên của anh ta xưa kia ở quận Nam Hải, cũng đều là thần dân như tổ tiên người Việt trong vương quốc Nam Việt do Triệu Đà sáng lập khoảng hơn 200 năm trước công nguyên.

 

Nhưng việc truy cứu phổ hệ của nhà Triệu hay của anh bạn Minh Sinh không phải là mục đích của người viết. Vấn đề người viết muốn đề cập chính là tài năng sáng tạo và thái độ trân trọng đối với sản phẩm du lịch của người Trung Quốc cùng nghệ thuật tiếp thị của họ. Cứ xem cô hướng dẫn viên người Quảng Châu thì rõ. “Cổ biểu mình là người Việt Nam nên cổ sẽ đưa đi thăm mộ ông vua Việt Nam ở Quảng Châu”. Nghe “cổ” nói thế thì du khách Việt nào lại không thấy xúc động và nổi dậy sự tò mò, cho dù du khách là một anh Hai Lúa không hề biết nhân vật Triệu Đà là ai chăng nữa.

 

Và tôi đã thật sự xúc động khi đến thăm lăng mộ Văn Vương. Lăng mộ hầu như còn nguyên vẹn dẫu nó được phát hiện rất tình cờ khi xe xúc va vào một bức tường đá trong quá trình đào đất để xây dựng trung tâm thương mại của TP Quảng Châu. Dự án xây dựng trung tâm thương mại ở khu vực đó tức khắc bị hủy bỏ và sau khi khai quật, lăng đã được bảo vệ giữ gìn cẩn thận. Trong lăng, thi hài nhà vua bọc kín trong bộ áo kết dính lại bằng những miếng lá bằng ngọc. Những chiếc đĩa ngọc được đặt bên dưới thi hài. Nhiều hiện vật trong lăng là công cụ nấu ăn, vại chứa và cốc uống rượu bằng đồng chạm trổ tinh vi. Có cả các nhạc cụ bằng đá và vũ khí như gươm, giáo, đặc biệt là những mũi tên đồng bắn liên hoàn có thể từ chiếc “nỏ thần” huyền thoại mà Trọng Thủy đã đánh cắp của cha vợ (?). Cả ngàn hiện vật cách nay hơn 2.000 năm được lưu giữ tại đây.

 

Tự dưng tôi nghĩ đến sự hoang tàn của phế tích Loa Thành nằm cách thủ đô Hà Nội không xa đang bị “xâm thực” bởi người dân địa phương trước sự thờ ơ của chính quyền. Cái sản phẩm du lịch ấy thật đáng xấu hổ nếu như mang ra so sánh với lăng Văn Vương Triệu Mạt. Mà lẽ ra đó phải là sản phẩm thu hút số một đối với du khách trong nước vì chẳng một người Việt nào lại không biết đến truyền thuyết nỏ thần cùng mối tình oan nghiệt của Trọng Thủy - Mỵ Châu. Không chỉ ở Loa thành, tại chân núi Mộ Dạ, gần bờ biển Nghệ An, nơi mà truyền thuyết cho rằng thần Kim Qui hiện lên mách bảo và An Dương Vương đã tức giận chém chết Mỵ Châu trước khi nhảy xuống biển tự trầm, cũng là một sản phẩm du lịch ăn khách được lắm.

 

Mà đâu chỉ có truyền thuyết Trọng Thủy - Mỵ Châu, cả một giải đất phương Bắc có nơi nào không là di tích lịch sử và truyền thuyết của người Việt trong tiến trình dựng nước, giữ nước.

 

Nào nơi Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt về trời, nơi chị em Trưng Nữ Vương trầm mình ở sông Hát, nơi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng… thảy đều là sản phẩm du lịch ăn khách cả nếu biết đầu tư tôn tạo. Gần đây thôi, chỉ trên 200 năm, cây cổ thụ nào ở gò Đống Đa mà tướng nhà Thanh Sầm Nghi Đống treo cổ tự ải trước đà tiến quân vũ bão của vua Quang Trung cũng có thể là sản phẩm du lịch hấp dẫn đấy chứ! Liệu cây cổ thụ ấy còn không hay đó lại là cây sưa cổ thụ trị giá hơn tỷ đồng đã bị nhân viên quản lý Công viên văn hóa Đống Đa, Hà Nội “móc ngoặc” với tư thương đốn hạ để xuất bán sang Trung Quốc mà báo chí mới đây phát hiện?

 

Rõ ràng người Trung Quốc hơn hẳn chúng ta trong việc tạo nên những sản phẩm du lịch, kể cả các truyền thuyết, thậm chí những nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết. Mấy ngày trước đây khi tôi tham quan Linh Ẩn Tự, một ngôi chùa cổ ở Hàng Châu với vô số tượng Phật khắc trên đá núi, “guide tour” địa phương đã chỉ vào một khoảng lõm rộng cỡ một mét vuông trên vách đá, cách mặt đất vài mét, bảo đó là nơi Tế Công dùng làm chỗ ngủ. Tế Công tức Tế Điên, nhân vật trong truyện “Tế Công hoạt Phật” là một hòa thượng huyền thoại thời nhà Tống, sống cuồng phóng, thích rượu thịt nhưng có nhiều phép thần thông để cứu dân độ thế. Rất nhiều du khách người Hoa đã đứng dưới vách núi ấy một cách kính cẩn để chụp hình lưu niệm bởi không một người Hoa nào là không biết đến nhân vật Tế Điên này. Sự “quen biết” ấy phổ biến tương tự như bà con miền Nam chúng ta đối với nhân vật Lục Vân Tiên vậy.

 

Lên thăm đồi cọp (Tiger Hill) ở Tô Châu, khách bắt gặp một tảng đá lớn nứt đôi nằm ven đồi. Vết nứt thẳng tắp khá lạ lùng. Đó cũng là sản phẩm du lịch với chú thích Việt Vương Câu Tiễn thời xưa đã thử kiếm sắc trên tảng đá ấy.

 

Và tôi liên tưởng đến dũng tướng Đặng Dung của ta thời hậu Trần, tác giả bài thơ nổi tiếng “Cảm hoài” với hai câu kết bi tráng: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch. Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma”. Thù nước chưa xong đầu đã bạc. Gươm mài dưới nguyệt đã bao ngày! Giờ đây ở đâu đó tại Thăng Bình, Quảng Nam, nơi gia đình ông từ Hà Tĩnh vào lập nghiệp; hoặc ở Nghệ An, nơi ông phò vua Trần Trùng Quang chống quân Minh, nếu tình cờ bắt gặp một tảng đá nhẵn nhụi có vết bào mòn trên mặt, bạn có quyền ngờ rằng đây là tảng đá mà Đặng Dung đã dùng để mài kiếm dưới trăng khoảng 600 năm trước. Với người Trung Quốc, một tảng đá như vậy đích thị là sản phẩm du lịch. Nhân vật Đặng Dung với bài thơ “Cảm hoài” là có thật, và tảng đá mà Đặng Dung mài kiếm ấy đáng tin cậy hơn nhiều so với tảng đá mà Việt Vương Câu Tiễn thời xưa từng dùng để thử kiếm sắc ở đồi cọp Tô Châu.

 

Không chỉ với tảng đá là vật thể hiển nhiên, những thứ phi vật thể như bài thơ “Phong kiều dạ bạc”của Trương Kế, một thi nhân đời Đường, chỉ bốn câu thôi, cũng là “sản phẩm” thu hút đông đảo du khách khi đến Tô Châu:

 

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô tô thành ngoại Hàn sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.

 

Thi sĩ Tản Đà của ta dịch:

 

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn. Khách rủ nhau đến viếng bến Phong Kiều nơi thuyền Trương Kế từng neo đậu rồi lên tham quan chùa Hàn sơn, nơi phát ra tiếng chuông vọng đến thuyền của thi nhân vào lúc nửa đêm cách nay hơn 1.200 năm. Khách lũ lượt mua vé vào cổng chùa với giá 25 tệ. Một số tục khách đã động chuông một cách huyên náo giữa thiên thanh bạch nhật ra chiều cợt nhả khác hẳn thi vị tĩnh tại của bài thơ xưa. Chẳng hề chi miễn là cứ ba lần gióng chuông khách trả 5 tệ!

 

Những bài thơ nổi tiếng của người xưa như “Phong kiều dạ bạc” ở Tô Châu hay “Hoàng hạc lâu” ở Vũ Hán của Thôi Hiệu… giờ đây được người Trung Quốc khai thác như những sản phẩm du lịch hái ra tiền! Việt Nam vốn là xứ sở của thi ca, không người dân nào không thuộc dăm ba câu thơ, thế nhưng người làm du lịch ở xứ ta chẳng ai nghĩ đến việc khai thác thơ của các thi sĩ nổi tiếng trước đây như một sản phẩm du lịch.

 

Ở Hà Nội ngày nay, đâu là dinh Tuyên phủ, nơi mà mùa xuân năm 1813 thi hào Nguyễn Du trên đường đi sứ Trung Quốc đã dừng chân và gặp lại cô gái gảy đàn nguyệt ở đất Thăng Long, vốn là người trong đội nữ nhạc ở cung vua Lê một thời nổi danh tài sắc. Qua biến đổi của các triều đại và thời gian, cô gái ấy khi Nguyễn Du gặp lại đã hóa ra thân tàn ma dại. Cảnh bể dâu với bức tranh vân cẩu đó khiến Nguyễn Du xúc động viết nên bài thơ “Long thành cầm giả ca” bất hủ. Cái dinh Tuyên phủ ấy nếu ngày nay tìm thấy và nếu bài thơ viết về người gảy đàn tài hoa ở Long thành của đại thi hào Nguyễn Du được một nhà thư pháp thời nay chép lại trên vách tường dinh Tuyên phủ hẳn sẽ khiến không ít du khách xúc cảm bàng hoàng…

 

Bài thơ “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu đời Đường đã được người Trung Quốc chép lại như thế tại lầu Hoàng Hạc ở Vũ Hán và trở thành sản phẩm du lịch có một không hai của địa phương này hiện nay.

 

Nhưng để tìm được dinh Tuyên phủ, hoặc nơi mà ngày xưa đã từng là dinh Tuyên phủ và biến nó thành sản phẩm du lịch cùng với bài thơ “Long thành cầm giả ca” quả là việc không đơn giản, đòi hỏi phải có quyết tâm cao của ngành chức năng. Điều đó e khó hi vọng vì ngay cả một sản phẩm du lịch “thi ca” đầy tiềm năng sờ sờ ra đấy như núi Dục Thúy, một thắng tích ngoạn mục ở Ninh Bình, vẫn còn chưa được ngành du lịch địa phương quan tâm khai thác đúng mức nữa là!

 

Núi Dục Thúy với gần 150 bài thơ khắc trên đá của vua, quan và các danh nhân từ thời nhà Lý đến nhà Nguyễn, trong đó có thơ của những tên tuổi lớn như Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Ngô Thì Nhậm, Tự Đức… Ngọn núi đẹp và nổi tiếng đến mức các danh tài như Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn, Cao Bá Quát… cũng đều có thơ khi qua đây, thế nhưng hầu như ngày nay nó ít được du khách biết đến. Than ôi, giá như nó được trao cho những người làm du lịch của Trung Quốc!

 

Một chiều trong tiết trời se lạnh của miền Trung, ngồi tán gẫu với một nhà thơ về chuyện bể dâu trên bờ biển Qui Nhơn, đột nhiên nhà thơ nói với giọng bùi ngùi: Chỗ mà chúng ta đang ngồi đây biết đâu hơn 700 năm trước công chúa Huyền Trân đã từng ngồi, từng nhìn ra biển và khóc ròng vì nhớ Thăng Long?

 

Ờ, biết đâu đấy! Chỗ bờ biển chúng tôi đang ngồi cách thành Đồ Bàn, kinh đô của vua Chiêm Chế Mân chỉ hơn 20 cây số. Công chúa Huyền Trân của chúng ta, tức Hoàng hậu Paramecvari của người Chiêm vào năm 1306, biết đâu đã không từng tới đây vào một chiều se lạnh như hôm nay, nhìn đăm đăm ra khơi và nhỏ lệ hoài hương?

 

Dấu vết của Huyền Trân khi làm hoàng hậu xứ người hẳn còn đâu đó trên vùng đất Bình Định ngày nay. Sao lại không bỏ công tìm kiếm để biến những dấu vết ấy thành sản phẩm du lịch địa phương?

 

Với người Trung Quốc ư? Họ sẽ kiếm một kè đá thơ mộng nào đó ven bờ biển Qui Nhơn hoặc đầm Thị Nại rồi cắm một tấm biển chú thích bên cạnh: “Đây là nơi công chúa Huyền Trân ngồi khóc!”.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Mười 20231:55 CH(Xem: 1021)
Tất cả kéo tôi trở lại là mình với những cảm xúc dịu dàng. Ở đó tôi gặp Nhà Thơ Trịnh Y Thư.
19 Tháng Mười 20231:35 CH(Xem: 1413)
Nhiều ngôi chùa trong thành phố gióng chuông tiễn biệt vị phật tử khác thường.
19 Tháng Mười 20236:20 SA(Xem: 1008)
Đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi thường ngẫm ngợi tại sao thơ ông thường nhắc đến ngày hội lớn, cung trời hội cũ?
16 Tháng Mười 202310:53 SA(Xem: 899)
Dường như càng khổ đau, ưu phiền, Cung Trầm Tưởng càng đến gần hơn với tư tưởng, triết lý Phật giáo.
08 Tháng Mười 20235:13 CH(Xem: 1265)
Một bài thơ hay là một đoá hoa ngào ngạt hương. Hương rộng hơn hoa. Và hương bay thì hoa tưởng hoa bay (Xuân Diệu)
18 Tháng Chín 202310:03 SA(Xem: 1357)
“Đời tôi có một nguyên tắc: không bao giờ dùng văn chương để làm bất cứ điều gì xấu xa..."
08 Tháng Chín 20236:10 CH(Xem: 1509)
Khi bị đuổi ra khỏi ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, trụ sở của tạp chí “Văn nghệ quân đội” bây giờ, Phùng Quán đến ngồi bên một gốc cây ở đường Phùng Hưng hai tiếng đồng hồ.
04 Tháng Chín 20239:35 SA(Xem: 2029)
Và tôi tin rằng, khi Thiền sư Thi sĩ Phạm Công Thiện từ trần, chắc chắn sẽ có rất nhiều người gọi anh là Bồ tát, một danh hiệu rất mực tôn kính trong nhà Phật, chỉ đứng sau danh hiệu Đức Phật.
29 Tháng Tám 20238:06 SA(Xem: 1351)
Xin phép, tôi được gọi đây là một “Vụ án”, và mong được đồng ý rằng, “Đúng là vụ án văn chương”.
22 Tháng Tám 20236:25 CH(Xem: 1097)
Cái phép tìm về lịch sử dân tộc bằng đầu lưỡi, ai bảo nó không thấm thía bằng những phép khác?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 613)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1174)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11070)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30720)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21736)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19793)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,