ĐINH CƯỜNG - Duy Thanh, Trái Tim Đang Cười

08 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 13979)
ĐINH CƯỜNG - Duy Thanh, Trái Tim Đang Cười

11 tháng 8, mừng sinh nhật họa sĩ Duy Thanh 81 tuổi

Anh ngó vào trái tim đang cười
với đóa hoa đá trắng…
(Duy Thanh, “Giản Đơn,” Sáng Tạo, Giai Phẩm Xuân Kỷ Hợi 1959)

dc-dt-tt-nd-1997-content
Đinh Cường, Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng. Virginia 1997

 

Vẫn nụ cười ấy, nụ cười rộng mở khi chúng tôi ghé San Francisco thăm anh tháng Tư vừa qua. Vẫn căn phòng ấy, anh chị và ba cô con gái đã ở từ bao nhiêu năm nay, căn phòng số 203 trong cái chung cư cũ xưa ở đường Polk còn cái thang máy kéo cửa sắt đen nhỏ, lên tầng hai đã thấy anh đứng sẵn đón dẫn về phòng. Mừng vui gặp lại chị Trúc Liên vẫn khoẻ, nhớ cái ảnh đám cưới anh chị vào năm 1963 ở Sài Gòn có Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Trần Lê Nguyễn… những người bạn thân của anh thời Sáng Tạo nay đã mất. Cả Tạ Tỵ, Thái Tuấn cũng không còn, chỉ còn anh năm nay 81 tuổi, anh Doãn Quốc Sỹ 89 tuổi vừa gặp tại tòa soạn Việt Báo của Nhã Ca -Trần Dạ Từ; Trần Thanh Hiệp 88 tuổi ở Pháp và Tô Thuỳ Yên trẻ nhất trong nhóm Sáng Tạo năm nay cũng đã 75 tuổi, ở Houston, Texas…

damcuoiduythanh-content-content


Từ năm 1997, lần anh lên triển lãm tại Virginia, nay mới gặp lại, cùng ngồi bên nhau trong cái không gian bé nhỏ mà ấm cúng. Chị vẫn tươi tắn với chiếc khăn voal màu đỏ tươi. Anh thì quần sọoc áo thun trắng, thân người chắc, đôi mắt lộ, tinh anh… trông như Picasso, mặc dù anh cho biết anh đang bị ung thư tuỷ, may có thứ thuốc mới vừa ra để chữa trị. Anh cho xem biên lai vừa nhận hộp thuốc đắt tiền, và cho xem bao nhiêu là album ảnh kỷ niệm bạn bè, làm nhớ năm xưa Sàigòn, vùng Hàng Xanh – Thị Nghè nơi chị ở, nhớ căn chung cư anh ở đường Pasteur, cả chiếc xe hơi cà tàng của anh. Nhớ nhất lần gặp anh Mai Thảo nhân cuộc triển lãm tranh Duy Thanh năm 1956 tại Phòng Triển Lãm Đô Thành, anh Mai Thảo đã hứng chí làm bài thơ ghi tặng cho người tuổi trẻ là tôi, năm ấy còn học lớp Đệ Nhị C trường Petrus Ký. Tôi còn giữ mãi đến bây giờ, đã 56 năm. Chao ơi thời gian.


Duy Thanh một thời với Ngọc Dũng, Thái Tuấn được xem như những họa sĩ đã thổi luồng gió mới vào không khí sinh hoạt hội họa Miền Nam sau những năm di cư 1954 từ Miền Bắc vào. Tên tuổi Tạ Tỵ cũng nổi lên trong thời gian ấy nhưng như đứng riêng, anh thuộc lớp Trường Mỹ Thuật Đông Dương những khóa cuối cùng, được xem là người vẽ lập thể và trừu tượng sớm nhất. Thái Tuấn thì cùng lớp với Phan Tại, Bùi Xuân Phái… Anh dự thính năm đầu trường Mỹ Thuật Đông Dương và sau đó tự học là chính. Riêng Duy Thanh và Ngọc Dũng thì học lớp dạy vẽ tư, do các họa sĩ xuất thân từ Trường Mỹ Thuật Đông Dương dạy, như Lương Xuân Nhị (1913-2006), Nguyễn Tiến Chung (1914- 1976), Bùi Xuân Phái (1920-1988):

“Tôi theo học lớp hội họa đầu tiên với ông thầy Nguyễn Tiến Chung. Dáng người gầy cao, xương xẩu, ông này đã lưu lại ở tôi nhiều kỷ niệm tốt. Nhất là lề lối truyền thụ nghề nghiệp cũng không bị gò bó lắm lắm vào khuôn khổ, nề nếp – vốn là truyền thống – của các trường mỹ thuật. Tôi thụ giáo ông được đúng năm rưỡi. Trong thời gian này tôi quen với chàng Ngọc Dũng. Những năm đầu tiên bước vào đời sống hội họa cũng lưu lại ở tôi nhiều kỷ niệm.

Xưởng họa chúng tôi ở trên lầu trường tư thục Trí Tri, phố Hàng Quạt” (Duy Thanh, “Phiếm Luận Về Hội Họa,” Văn số 93, 11/1967, trang 52).

Anh là người chung thủy, yêu quý gia đình: “Từ 1973, vợ con ở Sài Gòn, họa sĩ ra nước ngoài làm việc. Tháng Tư 1975, ông đang ở Okinawa. Gia đình ly tán. Hơn 10 năm sau mới đoàn tụ ở San Francisco (Trần Dạ Từ, “Cùng Nhớ,” Việt Báo Tết Nhâm Thìn, 2012). Theo Duy Thanh kể thì tháng tư năm 1975 anh đang ở Thái Lan, ở Okinawa là từ khi rời Việt Nam năm 1973. Và như anh đã từng viết: “Nếu những gì của mình cất công tạo ra đều gọi là sáng tác phẩm thì như anh như tôi đều đạt tới mức siêu phàm. Nghĩa là mình cũng có những tác phẩm vĩ đại (chỉ khác là với riêng mình mà thôi), thứ tác phẩm mà mình hài lòng nhất, dầu có đem cả kho tàng nghệ thuật trên thế giới cũng chẳng so sánh được. Điều này tôi này chỉ khám phá ra từ khi đẻ đứa con đầu tiên. Và đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên thành kiến là những tác phẩm tuyệt hảo trời cho ấy là tuyệt diệu nhất. Vô lý là như vậy. Anh nghĩ sao” (Duy Thanh, “Phiếm Luận Về Hội Họa,” Văn số 93, 11/1967, trang 56).

Anh chỉ còn hai bức tranh nhỏ vẽ phố của Bùi Xuân Phái treo trên cao, anh nói sẵn có cái đinh thì treo, và nói có ba cô con gái mà chỉ có hai bức của Phái để cho…

duythanhtim-content-content


Anh thuê căn phòng dưới hầm hẹp cỡ 2m x 3m, trả 200 đô một tháng, cách chỗ ở bảy khối nhà. “Với cái ghế tôi ngồi giữa những lùm xùm vây quanh, không có chỗ len chân,” anh ghi sau mấy tấm ảnh như vậy. Anh đi bộ từ nhà đến đó ngồi vẽ. Thời gian sau này anh vẽ vô số những vung bút nhỏ trên giấy, nét bút mạnh, rất thiền, như một đạo sĩ:

“Mỗi sáng bạn thả rong bờ bãi
Hít hà vô lượng sóng trùng khơi
Cheo leo ghềnh mỏm bọt tung vãi
Nheo mắt trông biển cồn xanh ngời”

(Thanh Tâm Tuyền, “Thơ Xuân Tặng Bạn”)

Anh đã hít hà vô lượng sóng trùng khơi, mây xám thấp trên thành phố San Francisco đã in dày dấu chân anh cuốc bộ, như con chim cô đơn trốn tuyết anh đã ngồi trên chiếc ghế đó, căn phòng đó mà vẽ, vẽ đắm đuối bao nhiêu là tranh trên giấy, với chất liệu sơn dầu, acrylic, mực đen… Những chất liệu ấy đôi khi hòa quyện lại như núi lửa như sóng biển gầm, và đôi khi tịnh yên như trở về Không, những nét bút phóng túng ấy luôn tài hoa, những nét bút qua “những ngón tay bắt được của trời” như Mai Thảo đã viết về anh. Nhớ lại những bức tranh khổ nhỏ của Duy Thanh lần triển lãm tại Café Montmartre, Virginia, năm 1997, với màu nóng, rực sáng: “Người xem có cái cảm tưởng màu đi thẳng từ những ống màu lên tranh. Dessin của ông cũng vậy, không có cái óng ả, nuột nà mà là những nét cứng cáp thô bạo” (Như Hạnh / Lê Thiệp, “Duy Thanh Tranh Nhỏ Ngạc Nhiên Lớn,” Văn số 16, 4/1998). Loạt tranh nhỏ bây giờ như hơi thở anh, như anh đã phát biểu từ xa xưa:

dt_khoathan_content-content


“Mỗi bức tranh là một trạng thái tâm hồn trong một thời gian nào đó của nhà họa sĩ. Trạng thái đó kết bằng màu sắc, hình thể, đường nét trong thời gian ấy. Cho nên không thể nào có hai bức họa giống nhau dù là do một người vẽ cùng một sự vật hai lần (tôi nói trường hợp nhà nghệ sĩ chân chính). Thành thử họa phẩm nếu có một giá trị hơn các tác phẩm khác như thơ văn là ở chỗ đó. Nó chỉ có một” (Duy Thanh, “Thảo Luận,” nhà xuất bản Sáng Tạo, 1965, trang 72).

Trả lời phỏng vấn Nguiễn-Ngu-Í trên Bách Khoa số 131 ngày 15-6-1962, phần tiểu sử ghi:

“Duy Thanh, họ Nguyễn. Sanh ngày 11 tháng 8 năm 1931 tại Thái Nguyên (Bắc Việt). Học vẽ năm 1952 với họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Triển lãm: năm 1954 tại nhà hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội, năm 1956 tại Phòng Triển Lãm Đô Thành và Pháp Văn Đồng Minh Hội, năm 1958 và năm 1961 cũng tại Pháp Văn Đồng Minh Hội. Đã dự nhiều cuộc triển lãm chung với các họa sĩ khác ở Thủ đô.” Anh còn trả lời: “Tôi không ở trong phái nào cả. Nhận mình ở trong môn phái nào, là cho mình bằng lòng với hội họa mình đeo đuổi, là đứng ì một chỗ, tức là không còn băn khoăn nghi ngờ, học hỏi, tìm tòi nữa…”

duythanh_5-content


Trên Bách Khoa số 148, ngày 1-3-1963, cũng Nguiễn-Ngu-Í trong “Một Giờ Với Duy Thanh” cho biết anh đăng truyện ở Sáng Tạo, và truyện anh người đọc cho là bạo: “Hoạ sĩ có nói với chúng tôi là anh không theo đường lối Dã Thú, mặc dầu anh dùng màu nguyên chất.” Về truyện ngắn của anh tôi vẫn nhớ hoài truyện “Đống Rác,” (Sáng Tạo số mùa xuân, số 5, 2/1957, trang 43), mà tôi rất thích, như một tự truyện: “Khung vải đặt lên giá, tôi ném bừa bãi những hình thể, những màu sắc lên tàn nhẫn. Vẽ để cho vơi một cái gì đương hun bốc trong người. Chiều nắng tỏa bát ngát lên mặt họa phẩm, đan trên sàn gỗ từng phiến màu lồng lộng.”

Truyện ngắn và thơ của anh đăng trên Sáng Tạo khá nhiều, cũng như Ngọc Dũng. Hãy đọc một trong số những bài thơ của Duy Thanh:

Chân dung

hai cánh tay trần trụi giơ lên
cặp mắt mở tròn không chớp
có nghe những tiếng kêu rừng rú trên làn da
như thú dữ chạy dài ngàn khuya lửa cháy
hãy nhìn lên nhìn lên sẽ thấy
chiếc đầu kia gối trên những ngôi sao lạ bồng bềnh
hai cánh tay duỗi dài thẳng mãi
và mồm kia cứ mãi nín câm

(Sáng Tạo, số 4 bộ mới, 10/1960)

Duy Thanh gặp Thanh Tâm Tuyền qua Quách Thoại: “Thanh Tâm Tuyền khi đang làm tuần báo Người Việt gặp được Quách Thọai, Quách Thoại giới thiệu những người bạn của mình với Thanh Tâm Tuyền, trong đó có Duy Thanh. Vì gặp muộn nên không có sự góp mặt của Duy Thanh trên tờ Người Việt. Trình bày và minh họa tờ báo lúc đó do họa sĩ Duy Liêm trông nom” (Dương Nghiễm Mậu, “Thanh Tâm Tuyền, Những Người Bạn và Tạp Chí Sáng Tạo,” litviet.com). Nhưng theo Duy Thanh thì: “Năm 2000 trong lần đi thăm Ngọc Dũng (lúc chàng này hấp hối) tôi có hỏi Thanh Tâm Tuyền: tụi mình quen nhau trong trường hợp nào? Thanh Tâm Tuyền trả lời: qua Hồ Nam. Đến đây thì tôi nhớ ngay là Hồ Nam kiếm tôi để nhắn tin. Hiện tôi cũng không nhớ là tôi quen Quách Thoại trong trường hợp nào nhưng lại nhớ qua Quách Thoại thì tôi quen Trần Lê Nguyễn và Thái Tuấn” (trích thư riêng Duy Thanh, 27-7-2012).

duythanh-cuatuyen-content-content


Có thể xem Sáng Tạo như một tiếp nối của Lửa Việt (Lửa Việt số 1 ra tháng 8, 1955, Sáng Tạo số 1 ra tháng10, 1956 ), đã mở đường cho một không khí văn chương nghệ thuật mới: “Trước vận hội đầy hứa hẹn của một đất nước trẻ trung vừa vươn mình đứng dậy, sức sống sáng tạo thực sự bùng nổ. Sàigòn đã có những tiếng nói rất mới, đầy âm vang, mạnh mẽ và vô cùng thiết tha, ví dụ là những Duy Thanh, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Quách Thoại” (Huỳnh Hữu Uỷ, “Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại,” VAALA xuất bản, California, 2008, trang 53).

Thái Tuấn – Duy Thanh – Ngọc Dũng, ba họa sĩ thường được nhắc như một cái tên chung khi nói đến nhóm Sáng Tạo, đã ghi được một chặng đường đầy hưng phấn cho hội họa Miền Nam. Tranh Thái Tuấn bàng bạc chất hoài niệm, tranh Ngọc Dũng thơ mộng, tranh Duy Thanh tươi mươi nồng thắm. Cả ba anh đều hiền, giữ bền lâu một tình bạn đẹp. Tôi yêu quý cái tình bạn ấy giữa các anh trong nhóm Sáng Tạo, từ Mai Thảo đến Vũ Khắc Khoan, từ Thanh Tâm Tuyền đến Doãn Quốc Sỹ, Tô Thuỳ Yên…

chandungmaithao_content-content


Riêng anh Duy Thanh, mong là sẽ về lại San Francisco thăm anh để cùng đi bộ lang thang qua mấy con đường dốc, ghé ngồi ở cà phê La Trieste mà Nguyễn Xuân Thiệp rất thích, ghé lại căn phòng nhỏ hẹp anh thuê làm chỗ vẽ: “và đi và đi dù chiều khép cửa/ mà đi mà đi về tận vô thường” (Duy Thanh, “Bài Thơ Tình Số 13,” Sáng Tạo, 8/1957).

Chiều khép cửa, về tận vô thường… Chiều hôm nay mưa đều, nhẹ hạt, nhìn cánh chim đen bay ngoài trời và trong tranh anh mà nhớ, nhớ nhất nụ cười rất Phật của anh, nụ cười mà người bạn thi sĩ đã ghi:

hãy mở cửa ra hãy gần gũi lại
như vừa mới tháng tư gặp lại Trúc Liên – Duy Thanh ở San Francisco
Đinh Cường nói để điểm danh người họa sĩ vừa bước qua tuổi 81 đang hào hứng thao thao bất tuyệt về loại thuốc mới trị ung thư tuỷ sống trên đà
hồi phục
anh cười
nụ cười sơ sinh
tuổi ngoài 80 trở lại y như thời làm báo Sáng Tạo đường Ký Con Sàigòn
anh cười rất lạ
giống y như bây giờ
nụ cười sơ sinh
tháng sáu trời mưa ngực em thơm mùi gió biếc.”

(Hải Phương, “Tạp Sự Viết ở San Jose Tháng Sáu Trời Mưa Ngực Em Thơm Mùi Gió Biếc,” tienve.org)

Mong anh khoẻ, tiếp tục vung bút sảng khoái như câu nói của Van Gogh mà anh thích: “Tôi dùng những màu xanh, màu đỏ để tả sự say mê kinh khiếp của con người.” Và như thế những người thân, bạn bè anh sẽ vui như thấy anh còn say mê kinh khiếp, như trái tim đang cười…

Virginia, 9 August 2012

Đinh Cường

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Ba 20248:29 SA(Xem: 18)
Ai là một ví dụ có ích cho những cố gắng của các nhà văn đương đại viết tiếng Việt,
16 Tháng Hai 20244:27 CH(Xem: 605)
Cuối cùng thì, sau hơn bốn mươi năm vắng mặt, Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại được, giờ đây, rót đầy tràn ly, trên tay mỗi người dân nước Việt, cùng nâng lên, cùng hát vang, cùng chúc vang một mùa xuân:
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 828)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
25 Tháng Giêng 20249:05 SA(Xem: 747)
Với tôi, Phạm Duy là Người gieo hương.
15 Tháng Mười Hai 20234:33 CH(Xem: 802)
“Người đi qua đời tôi / Hồn lưng miền rét mướt / Đường bay đầy lá mùa / Vàng xưa đầy dấu chân / Lòng vắng như ngày tháng…”
08 Tháng Mười Hai 20239:13 SA(Xem: 854)
Thơ bà, hòa trộn giữa nét âm trầm, sâu kín, dịu dàng của xứ Huế và nét xông xáo, cởi mở, sẵn sàng đón nhận, hóa giải nhẹ nhàng mọi vấn đề của kiểu Sài Gòn,
21 Tháng Mười Một 20239:39 SA(Xem: 953)
Năm 1997, bố tôi, nhà thơ Trần Dần mất tại Hà Nội.
11 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 8086)
Tôi gặp bà lúc nhà thơ Huy Cận còn tại thế. Hai lần gặp, bà như cái bóng bên cạnh chồng.
05 Tháng Mười Một 20233:49 CH(Xem: 958)
Trong âm nhạc, Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ rất đặc biệt,
25 Tháng Mười 20231:55 CH(Xem: 756)
Tất cả kéo tôi trở lại là mình với những cảm xúc dịu dàng. Ở đó tôi gặp Nhà Thơ Trịnh Y Thư.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16814)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12052)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18831)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9026)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8125)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 452)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 820)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1020)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22340)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13900)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19088)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7781)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8697)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8392)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10940)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30590)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20745)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25366)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22812)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21615)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19673)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17965)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19149)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16825)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16016)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24372)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31809)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34842)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,