TRẦN PHONG VŨ - Chiến Sĩ, Ngục Sĩ hay Thi Sĩ?

03 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 8376)
TRẦN PHONG VŨ - Chiến Sĩ, Ngục Sĩ hay Thi Sĩ?


Tôi yêu mê thơ Nguyễn Chí Thiện rất sớm.

Có lẽ ngay từ đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi thơ ông vừa được loan truyền. Ban đầu ở thủ đô Washington DC rồi ở thủ đô của người Việt tị nạn Nam California. Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, nó tung bay khắp bốn phương trời hải ngoại, nơi có bóng dáng người Việt cư ngụ. Đó là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, rồi Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam, những tựa đề trước khi chính danh thi phẩm Hoa Địa Ngục cùng với tên tác giả Nguyễn Chí Thiện được biết đến.

Và thật bất ngờ, thơ ông được giới thiệu với nhiều sắc dân trên thế giới khi những bản dịch qua các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Tiệp, Hàn, Trung Hoa, Nhật Bản v.v… lần lượt ra đời.

Cùng với tuyệt đại đa số những người không chấp nhận Cộng Sản, ngay giây phút đầu đọc thơ Nguyễn Chí Thiện, tôi choáng ngợp và bị cuốn hút bởi những dòng thơ khốc liệt vạch trần các mảng tối, các hành vi bạo tàn, độc ác của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Như nhiều người, dưới mắt tôi, Nguyễn Chí Thiện khi ấy là một người hùng, một gương can đảm điển hình, đã đơn thương độc mã kiên trì chống lại cả một cơ chế độc tài, tàn ác suốt 27 năm tù đày nghiệt ngã.

Nhưng về sau, càng đọc thơ ông, tôi càng khám phá nhiều điều mới, lạ đầy ngạc nhiên — sự ngạc nhiên pha lẫn nhiều cảm phục. Từ đấy, tôi thấy cần phải nhìn lại quan điểm và thái độ của mình về cung cách đánh giá tác giả và tác phẩm Hoa Địa Ngục.

Vượt khỏi giới hạn các định kiến có sẵn, dần dần tôi nhận ra ẩn sâu bên trong và đàng sau những ngôn từ bộc trực, vạch trần cái ác, cái phản nhân loại cùng với thân phận nhục nhằn của các nạn nhân là những nét độc đáo đầy sáng tạo, đầy cá tính và không ít bất ngờ của một hồn thơ thiên phú mà chữ nghĩa, ngôn từ, cảnh ngộ khốn cùng trong nhà tù chính là cơ hội, là phương tiện giúp cho thơ ông cất cánh bay cao.

nguyenchithien-content
Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

Ngoài những tên tuổi lớn đã trở thành quen thuộc như Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ…, khi bàn về thi ca Việt Nam cận đại, các nhà phê bình nói tới nhiều nhà thơ tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư. Hồ Dzếnh, nhất là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu một thi sĩ thời danh đầu thế kỷ trước. Tôi không đi xa hơn mà chỉ giới hạn vào trường hợp Tản Đà như một mẫu mực để định vị giá trị thi ca Nguyễn Chí Thiện.

Hầu hết nhà văn, nhà thơ danh tiếng cùng thời với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đều nhìn nhận ông là một thi sĩ thượng thặng, một thi sĩ hàng đầu trên thi đàn Việt Nam thế kỷ hai mươi. Những Thề Non Nước, Tống Biệt là những bài thơ nổi tiếng, vượt thời gian của nhà thơ ngông quê hương núi Tản sông Đà.

Ngay sau khi Tản Đà mất, Xuân Diệu đã viết:
“Tản Đà là thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi.”

Với nhà phê bình văn học Hoài Thanh thì“Tản Đà là người thứ nhất và là người độc nhất của cái thế hệ ông đã làm sống lại cái hồn thơ Việt Nam đang hấp hối, tôi không muốn nói đến đã chết rồi. Ông ra đời đem cho chúng ta một thi sĩ thành thực dám ca hát cái đời sống của lòng; ông đã mơ mộng, đã chán đời, yêu đời, thiết tha với đời một cách tự do, ông đã dám ngông, dám có một bản ngã, dám công nhiên để cho cái chữ tình mê man của mình rãi trong văn thơ.” Và vẫn theo Hoài Thanh,“người ta mong đợi một người có thể tả được những nỗi chán ngán, những điều ước vọng của mình, có thể ru được mình trong giấc mộng triền miên — Thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu ra đời!”

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu sinh năm 1889 và mất năm 1939 hưởng dương 50 tuổi. Hầu hết thơ ông sáng tác theo thể cổ phong hoặc Đường luật. Tuy nhiên, với lối sống và suy nghĩ phóng khoáng, ngông nghênh, không chịu bị gò bó, câu thúc, trong nhiều bài ông đã vượt qua mọi khuôn sáo quy luật cổ điển, với vần điệu phá cách, lối đặt câu dài ngắn tùy tiện. Đây có thể là lý do chủ yếu khiến Xuân Diệu đánh giá Tản Đà là người mở đầu cho thơ Việt hiện đại. Tuy vậy đã có một thời Tản Đà từng là đối tượng cho nhiều người đả phá, không chỉ giới hạn trong những nhà thơ trước ông mà cả thế hệ cùng thời hay sau ông. Nhưng, sau khi Tản Đà qua đời, hầu hết người viết có thẩm quyền về lãnh vực thi ca đều đề cao ông là một thi sĩ có chân tài, đồng thời là trung gian, là gạch nối giữa hai dòng thơ cũ và thơ mới.

Qua nhận định của Xuân Diệu, của Hoài Thanh thì những nét độc đáo, xuất sắc đã đưa nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu lên hàng đầu trong hàng ngũ thi nhân Việt Nam thế kỷ thứ hai mươi. Ông là thi sĩ tiên phong mở đầu cho thơ Việt hiện đại; người can đảm bước vào lãnh vực thơ một cách đường hoàng; một nhà thơ có cá tính, không xu thời, luôn giữ được bản sắc riêng. Ông cũng là người đã làm sống lại hồn thơ Việt Nam vào giai đoạn hấp hối, nếu không muốn nói là đã chết; đã sống đến tận cùng với nhân sinh quan của riêng mình: ngông, say, tự do, chán đời, yêu đời, ước mơ, khát vọng và luôn tha thiết với đời… Hơn thế, ông còn là nhà thơ có tài đã nói lên được “nỗi chán ngán, những điều ước vọng của mình”…

Nếu dựa vào đặc tính và những nét độc đáo trên để định vị Tản Đà là một thi sĩ hàng đầu trong tiền bán thế kỷ 20 thì nhân cách, cá tính cùng thái độ mê say, gắn bó, can trường, dứt khoát sống chết với thơ, với con người của Nguyễn Chí Thiện sẽ cho phép xếp tác giả Hoa Địa Ngục vào hàng ngũ nhà thơ có hạng trong nửa sau thế kỷ này.

Giữa bối cảnh xã hội trong đó tuyệt đại đa số giới trí thức, bao gồm nhiều nhà thơ nhà văn chỉ biết nhắm mắt, cúi đầu nghĩ và viết theo sự chỉ đạo của một quyền lực bất chính — đảng và nhà nước — để khống chế tư tưởng quần chúng, Nguyễn Chí Thiện đã đơn thương độc mã đi vào cõi thơ biệt lập thênh thang của riêng mình. Bị gò ép trong cảnh ngục tù man rợ, không giấy, không bút, ông đã thể nghiệm tinh thần bất khuất từ một nhà thơ trong phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm quyết “dùng dao viết văn lên đá nếu giấy bút bị cướp đi.”

Và bất chấp mọi thủ đoạn đàn áp, không chế, ông đã thể nghiệm tinh thần ấy theo cách thế và sáng kiến riêng là tìm ra phương cách làm thơ trong não, chờ cơ hội thuận tiện sẽ ghi chép thành văn.
700 bài thơ Hoa Địa Ngục trong đó có trường thi Đồng Lầy đã được Nguyễn Chí Thiện sáng tác trong điều kiện khó khăn, cay nghiệt như thế.

Nếu bảo vì ngông, vì những cơn say do men rượu, vì thất tình bởi yêu mà không được yêu, vì thất chí do lận đận trên đường khoa cử, lại bị đời ganh ghét, và cũng có thể vì mối sầu đau trước cảnh nước mất nhà tan … đã lay động hồn thơ Tản Đà khiến ông để lại cho đời sau những vần thơ bất hủ… thì trường hợp Nguyễn Chí Thiện có vẻ không khác, nếu không muốn thất lễ với người xưa để nói rằng trường hợp Nguyễn Chí Thiện còn vượt xa hơn Tản Đà một bực.

Tác giả Hoa Địa Ngục cũng từng làm thơ vì mơ mộng, vì những mối tình một chiều, vì thất vọng trước thái độ thờ ơ của một cô hàng sách... Nhưng vượt trên tất cả là nhân cách lớn của Nguyễn Chí Thiện thể hiện qua lòng yêu thương con người, tuyệt đối tôn trọng sự thiện, ghét hận sự ác và đặc biệt là tinh thần quốc gia, dân tộc, yêu nước thương nòi. Chính điều này đã thôi thúc Nguyễn Chí Thiện nạo tim, rút ruột làm nên những vần thơ cháy bỏng, có tác dụng lay động mạnh mẽ lòng người thưởng ngoạn. Trong lời lẽ đề cao Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Hoài Thanh từng có nhận định dị thường như sau: “... nhưng khi ông nói ông nhớ mà không biết nhớ ai, ông thương mà không biết thương ai, ông than mà không biết than về cái gì, thì ông là thơ sống, và thơ của ông là chất thơ trong như lọc với những cảnh tượng không rõ rệt, những hình ảnh lờ mờ, ông vẽ những bức tranh tuyệt bút; với những tư tưởng lâng lâng, với những cảm giác mơ mộng, ông làm nên những câu thơ tuyệt mỹ... ”

Lạ thật! Một bài thơ nói “nhớ mà không biết nhớ ai”, “thương mà không biết thương ai”, “than mà không biết than về cái gì” mà người tác tạo lại được xưng tụng là một nhà thơ “sống” (!) Một bài thơ với “những cảnh tượng không rõ rệt”, “những hình ảnh lờ mờ” “những tư tưởng lâng lâng”, “những cảm giác mơ mộng” lại được coi là những bức tranh tuyệt bút, những câu thơ tuyệt mỹ. (!)
Với Nguyễn Chí Thiện thì khác.

Tình cảm nhớ nhung, phẫn hận, thương ghét của ông nhắm vào những đối tượng cụ thể, rõ rệt, có thế gọi tên. Từ đây, nhận định kiểu Hoài Thanh càng làm nổi bật nét độc đáo trong thi phẩm Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện. Đó là những vần thơ bộc lộ rõ ràng và dứt khoát tâm tình, thái độ của người thơ. Nó xuất phát từ một hồn thơ trong sáng, phong phú, hiên ngang nhân danh giá trị tiên thiên của con người và sự thiện để đối đầu với sự ác, với cả một cơ chế quyền lực vô luân.

Tôi nghĩ rằng thi phẩm Hoa Địa Ngục, thậm chí chỉ riêng thi bản Đồng Lầy của Nguyễn Chí Thiện đã mang một giá trị đặc biệt về nội dung, cảnh ngộ không hề có với một nhà thơ nào — bao gồm những tác giả được đề cao xưa nay — nên phải được đặt lên hàng đầu trong thi văn Việt Nam hậu bán thế kỷ hai mươi.

Như tác giả Hoa Địa Ngục từng thú nhận, hầu hết thơ ông không có tu từ văn chương trau chuốt mà chỉ toàn lời lẽ chua lè, trần trụi, bỗ bã, đắng cay, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, máu, những tiếng kêu uất nghẹn không thành lời của các nạn nhân mà ông là một khuôn mặt điển hình. Nhưng chính những ngôn từ khô nhám, những chất liệu hoang sơ, xám xịt ấy đã trở thành nguyên tố làm nên tính sáng tạo, độc đáo, có một không hai trong thơ Nguyễn Chí Thiện.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng với Nguyễn Chí Thiện, thơ và người không có sự cách chia? Là nhất thể? Là duy nhất? Với ông, như một định mệnh an bài, thơ trở thành hơi thở, và là trái tim, là máu huyết, là sự sống của chính người thơ?

Ngót 500 câu thơ trong bài trường thi Đồng Lầy đã cho thấy tác giả đem tất cả tâm can, trí tuệ, tài năng chi chút cưu mang, bồi đắp ngoài nội dung, thi tứ còn hình thành một dạng thơ tự do, với số chữ từ một, hai, ba, bốn.., tới mười ba, mười bốn chữ. Nó hoàn toàn phá cách, cởi trói, thênh thang vượt thoát mọi quy luật bằng trắc, tiết tấu, vần điệu, thanh âm theo lối mòn của các trường phái thi ca xưa. Và cả nay.

Kể từ thi phẩm Tôi Không Còn Cô Độc của Thanh Tâm Tuyền trong nhóm Sáng Tạo cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 thế kỷ trước ở thủ đô miền nam Việt Nam, có thể bảo trường thi Đồng Lầy là một thành công vượt bực trong số sản phẩm của tim óc, ngôn từ, chữ nghĩa được gọi là thơ tự do. Sự thành công này hội đủ các yếu tính của một dòng thơ khai phá, vượt thoát mọi quy luật cổ điển, ước lệ, nhưng vẫn mang đủ phong cách, điều kiện, khả năng trụ với thời gian và vượt không gian để trở thành bất tử. Bất tử không vì kỹ thuật cổ điển hay tự do mà chính vì nó là THƠ đúng nghĩa, chữ thơ viết hoa với tất cả thái độ kính ngưỡng của những người yêu mê bộ môn nghệ thuật này.

Điều kỳ diệu là khi đọc lên, dù đọc âm thầm hay đọc lớn tiếng, những câu chữ cùng với tứ thơ, âm vận, tiết tấu, ý tưởng, hàm ngụ trong thơ như xô đẩy, xoắn quyện vào nhau cuốn hút hồn người thưởng ngoạn để nhận chìm vào các ngõ ngách mê hoảng, tang thương, phức tạp, đau đớn của người và thú trong một cuộc vật lộn, đấu đá không cân xứng giữa đồng lầy.

Đồng Lầy là nhan đề của trường thi và cũng là cái mớ bong bóng, hỗn tạp, tối tăm, đê tiện, đầy mùi xú uế tượng trưng cho bối cảnh yêu ma của cái xã hội hồng hoang, man dại nhà thơ đang sống là xã hội Việt Nam dưới ách cộng sản — Cụ thể là trong cuộc cải cách ruộng đất hồi thập niên 50 thế kỷ trước!

Như một họa sĩ trong cơn say, Nguyễn Chí Thiện ngẩng cao mặt, ngạo nghễ vung cây cọ quăng quật những tảng màu ảm đạm, xám xì, khốc liệt, vung vãi lên khung vải, tạo nên toàn cảnh bức họa kỷ hà phô bày lồ lộ trước mắt và trong hồn khách thưởng ngoạn hoạt cảnh sát phạt không khoan nhượng giữa một cuộc chiến. Một bên là Đảng, là Đoàn với lũ thiên lôi không tim óc, chỉ đâu đánh đấy. Bên kia là đám đông quần chúng lầm than, nhẫn nhục, đói rách, khổ đau, quen sống cam đành, thụ động như loài lau sậy cúi đầu trước những cơn thịnh nộ của đất trời. Người chứng cũng là nạn nhân chính là tác giả. Với vũ khí độc nhất là trái tim, khối óc làm nên ngôn ngữ thi ca, Nguyễn Chí Thiện đã đơn độc chống lại. Tự tin. Hiên ngang. Kiêu dũng và kiên trì!

Trong bầu khí ẩm mốc, mơ hồ, thương đau, mông muội ấy, các hình tượng, thanh âm, màu sắc, mùi vị, thời gian, không gian… gắn kết, liên đới với xúc cảm ngút ngàn, được vận dụng với con tim nhỏ máu và khối óc nhạy bén để chuyển vào những ngôn từ, chữ nghĩa, vần điệu… cấu thành những câu, những bài — mà có lần chính tác giả đã nhận định:

…... không phải là thơ,
Mà là tiếng cuộc đời nức nở
Tiếng cửa nhà giam ngòm đen khép mở
Tiếng khò khè hai lá phổi hoang sơ
Tiếng đất vùi đổ xuống lấp niềm mơ
Tiếng khai quật cuốc đào nên nỗi nhớ!...

 (Thơ của tôi – 1970)

Cái tác giả chê chối “không phải là thơ” mà có tác dụng, có khả năng gợi hình, tạo ảnh, gây xúc động lòng người mãnh liệt đến nỗi khiến khi đọc, khi nghe đều cảm nhận đến tận cùng cơn ác mộng đen ngòm, thăm thẳm, hun hút sau cánh cửa nhà giam, nơi mai táng tất cả những ước mơ và cùng lúc gọi về những kỷ niệm cháy bỏng của các nạn nhân bất hạnh bị cầm chân, bị đọa đày trong đó…, thì ngôn ngữ nhân loại phải đặt tên là gì, nếu không phải cái mà từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim mọi người trang trọng gọi là THƠ — là đặc chất, là hương hoa, là phần tinh túy nhất trong ngôn ngữ loài người? Do đó, từ cái “không phải là thơ” theo lời tự thú và cách nhìn khiêm nhu của tác giả — và cũng theo lối định danh ước lệ, kinh điển, co cưỡng, hẹp hòi thiển cận — đã đẩy thơ Nguyễn Chí Thiện lên tầng cao tít tắp của nghệ thuật ghép chữ, tạo hình, mang sức mạnh vạn năng khơi gợi những âm ba vi diệu trong tâm tình những người có cơ hội thưởng ngoạn thơ ông.

Ra ngoài và vượt xa các lối mòn cũ kỹ, xơ cứng, gượng ép xưa nay, thơ Nguyễn Chí Thiện không phải loại thơ để ngâm nga khi buồn, khi cao hứng hay lúc trà dư tửu hậu. Thơ của ông để đọc. Không chỉ đọc bằng miệng, bằng lời mà bằng tất cả rung động, truyền đạt, cảm thụ của ngũ quan.

Từ cặp mắt là cửa sổ linh hồn, những con chữ lấp lánh, nối tiếp, đuổi bắt nhau tạo nên các tiết tấu khô khốc, khúc mắc, hoang sơ, dị thường, vẽ ra các hình tượng ma quái, tráo trở, lật lọng giữa đồng lầy rồi rất nhanh và cũng rất kỳ diệu như luồng điện dẫn vào trung khu thần kinh chuyển ra đầu lưỡi, cất lên thành lời. Lời đập vào thính giác mang theo âm hưởng nhọc nhằn, đau đớn, nhục nhã như có sức thiêng truyền thẳng vào chỗ sâu thẳm, bí nhiệm nhất của trái tim để bật lên những tiếng thơ nghẹn ngào, nức nở. Người đọc thơ khó tránh bàng hoàng tự hỏi: Tiếng của ngôn ngữ, của thơ hay tiếng trái tim nhỏ máu của người thơ?

Điều kỳ diệu gây bất ngờ cho người đọc và người nghe là giữa những vần thơ bi phẫn, uất nghẹn đầy máu và nước mắt vẫn từng chập nháng lên ánh lửa hy vọng cao ngất, chan chứa, tròn đầy. Trong đêm dài mịt mùng, hun hút, yêu ma của chốn đồng lầy kinh mang, tăm tối, hồn thơ rực sáng, tác giả vẳng nghe từ đáy tâm tư tiếng vọng của Giờ hủy thể, và thảng thốt kêu lên:

Tôi mong mãi một tiếng gì như
tiếng ầm vang của bể
Đồng bào tôi cũng mong như thế
Tôi lắng nghe
Hình như tiếng đó đã bắt đầu
Nhưng tôi hiểu rằng đó là tiếng
của lịch sử dài lâu
Nên trời đêm dù thăm thẳm ngòm sâu
Dường như giới hạn ban đầu
Tôi vẫn nguyện cầu
Vẫn sống và tin
Bình minh tới
Và bình minh sẽ tới…

Mở vào Đồng Lầy là tiếng hát lồng lộng của tuổi đôi mươi, tuổi của Tin Yêu, tuổi nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan không vương bợn chút hoài nghi. Người thơ như nghe được tiếng thì thầm của gió, của mây trời, của không gian cao rộng
Ngày ấy...
Tuy xa mà như còn đấy
Tuổi hai mươi
Tuổi bước vào đời
Hồn lộng cao, gió cuốn chơi vơi…


Cuối trường thi Đồng Lầy, Nguyễn Chí Thiện ghi 1972.(1) Nhưng, ở phần mở rõ ràng nhà thơ muốn nói về cái gọi là “Cách Mạng Mùa Thu” 1945.(2) Nó gợi nhớ không khí bừng bừng của cả dân tộc vừa thức giấc sau một thế kỷ dài sống trong nô lệ dưới ách thống trị thực dân, với những màn hứa hẹn đầy lạc quan, tin tưởng thuở ban đầu. Không lâu sau đó, mọi hứa hẹn đều tiêu tan để biến thành cơn ác mộng kinh hoàng.

Khởi sự là cuộc cải cách ruộng đất kinh thiên động địa với hàng trăm ngàn lương dân bị uổng tử. Tiếp theo là những trận đòn thù dã man, dai dẳng giáng xuống hàng ngũ trí thức và giới cầm bút trong cuộc vùng dậy ngắn ngủi của phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm ở miền Bắc giữa thập niên 1950.

Tất cả đã nhận chìm dân tộc vào một cơn hồng thủy với ngàn vạn tai ương trút xuống thân phận người dân thấp cổ bé miệng. Họ bàng hoàng nhận ra cái nghịch lý khi nhen nhúm trong đáy lòng ước mơ kỳ cục được sống trở lại cái thời thực dân phong kiến thuở nào!

Ôi thằng Tây mà trước kia người dân
không tiếc máu xương đánh đuổi
Nay họ xót xa luyến tiếc vô chừng
Nhờ vuốt nanh của lũ thú rừng
Mà bàn tay tên cai trị thực dân hóa ra êm ả!
Trong tình huống ấy, cái cao rộng, cái mới mẻ, cái tuyệt vời, mỹ lệ nháng lên nơi chân trời hy vọng trong buổi đầu Thu, phút chốc bỗng dưng vụt biến.
Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại
Ngỡ Cờ Sao rực rỡ
Tô thắm màu xứ sở yêu thương
Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường
Hung bạo phá bờ kim cổ
Tiếng mối rường rung đổ chuyển non sông.
Từ đấy :
Mặt trời sự sống
Thổ ra
Từng vũng máu hồng!

.......
Bằng cách nào những con người sống ngoài vòng cương tỏa của đảng cộng sản dưới chế độ bạo tàn độc ác miền Bắc vĩ tuyến 17 trước thời điểm 1975 thấy và cảm được cơn đau ngút ngàn của người dân nếu không có những chứng nhân như tác giả trường thi Đồng Lầy để có cơ hội đọc những vần thơ bốc lửa nhuốm đầy máu lệ trên đây?

Rất nhiều nhân tố kết hợp lại để hỗ trợ thi nhân tác tạo nên những lời thơ châu báu ấy.

Trước hết là lòng yêu thương đất nước và yêu thương con người.

Thứ đến, quan trọng không kém, đó là khối óc thông minh để cảm nhận được những gì khuất lấp ẩn giấu bên trong và đàng sau sự việc cùng một trái tim nhạy bén, trinh nguyên dễ rung động với một hồn thơ phong phú của một thi nhân có tài.

Từ những ngày đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi mấy trăm bài thơ với tiêu đề Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam xuất hiện trong các cộng đồng hải ngoại, ngay lập tức đã được rất nhiều người Việt tị nạn hân hoan đón nhận bằng tất cả tấm lòng. Trước hết vì hợp khẩu vị của một cộng đồng trong đó tuyệt đại đa số từng là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít. Đây là lúc, từng ngày, từng giờ biết bao nạn nhân từ những trại tị nạn Đông Nam Á may mắn được đặt chân tới các miền đất tự do. Đây cũng là thời điểm ghi dấu những câu chuyện hiểm nguy, bi đát kinh hoàng với không ít máu lệ của hàng trăm ngàn đồng bào vượt biên, vượt biển được báo chí Việt ngữ và truyền thông quốc tế đưa tin hàng ngày. Ngoài số người tới được các trại tị nạn Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương, Hồng Kông… để sau đó đi định cư tại các quốc gia đệ tam — Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Úc châu…— biết bao bà con đã phải bỏ xác trong rừng già, nạn nhân của hải tặc hay làm mồi trong bụng cá giữa lòng đại dương.

Và, trong khi nôn nả trông chờ ngày được đi định cư ở các quốc gia tự do, hầu hết đều còn canh cánh bên lòng mối âu lo cho số phận thân nhân của mình — những người từng là viên chức, binh sĩ, sĩ quan thuộc chính thể Việt Nam Cộng Hòa — không biết sống chết ra sao trong các nhà tù trá hình mệnh danh trại cải tạo do cộng sản dựng lên khắp nước!?

Giữa bối cảnh nghi nan, khắc khoải, buồn đau như thế, Nguyễn Chí Thiện cùng với những vần thơ bốc lửa xuất hiện. Tưng bừng xuất hiện như một vùng sáng chan hòa mang tác dụng của khối từ thạch cuốn hút những tấm lòng Việt Nam xa xứ mà một nửa phần hồn còn để lại chốn quê hương tù ngục bên kia bờ đại dương.

Cái cảnh người người nôn nóng hỏi han nhau về tông tích Nguyễn Chí Thiện, nô nức tìm đọc thơ ông, mong mỏi được trực tiếp diện kiến tác giả khi ấy là điều hết sức tự nhiên và dễ hiểu. Người ta có lý do chính đáng để coi ông như một nhân chứng, một hình mẫu về cảnh ngộ khốn cùng của những nạn nhân còn kẹt lại quê hương sau ngày 30/04/1975. Khi Nguyễn Chí Thiện ra hải ngoại, rất nhanh chóng, tác giả Hoa Địa Ngục được bà con nồng nhiệt đón chờ ở khắp mọi nơi ông có dịp đặt chân tới. Mọi người chào mừng, chúc tụng, suy tôn, thậm chí còn phong tặng ông danh xưng “ngục sĩ.” Ông được tôn vinh như một anh hùng chống cộng ngoại hạng, biểu tượng truyền thống bất khuất của dân tộc ngàn xưa.

Thi sĩ bỗng nhiên hóa thành ngục sĩ!

Công luận vì ngưỡng mộ đã vô tình bất công đối với tác giả Hoa Địa Ngục khi mặc nhiên đánh giá nhà thơ như một chiến sĩ can trường có hành vi đối đầu quyết liệt với cộng sản, với sự ác. Cách lượng định giá trị này dĩ nhiên không đáng trách và cũng không có gì sai trái. Nhưng điều nghịch lý ở đây là dường như mọi người quên hẳn Nguyễn Chí Thiện là một nhà thơ, hơn thế, một nhà thơ có hạng. Não trạng này cho tới ngày nhà thơ từ giã cõi đời vẫn còn hiện hữu mỗi khi đám đông, kể cả một số nhà văn, nhà báo nói tới tác giả Hoa Địa Ngục.

May mắn là bên cạnh ngộ nhận ấy vẫn có những cây bút biện phân rạch ròi giữa chiến đấu tính, tư duy tác giả và sự gắn bó, liên kết của những đặc nét này qua cung cách biểu hiện giá trị nghệ thuật trong thơ để trả về cho tác giả Hoa Địa Ngục vị trí đích thực của ông — vị trí một nhà thơ có chân tài. Dó đó, dù họa hiếm vẫn xuất hiện những bài viết nghiêm chỉnh, giá trị của một số cây bút bàn về trường hợp Nguyễn Chí Thiện và thơ ông. Một trong những khuôn mặt họa hiếm này là luật sư, nhà văn, nhà báo, chính trị gia Trần Thanh Hiệp, một thành viên chủ yếu trong nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn, thủ đô Việt Nam Cộng Hòa trước tháng 7/1975, hiện định cư tại Pháp.

Trong một bài viết dài công bố trên Nguyệt san Độc Lập số 5/88, phát hành ngày 25-05-1988 (địa chỉ 7024 Filderstadt, W. Germany), tức là thời gian cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện còn ở trong nhà tù cộng sản và phải hơn 7 năm sau ông mới có mặt trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, tác giả Trần Thanh Hiệp trưng dẫn nhiều lý chứng kèm theo luận điểm riêng cho thấy chính những dòng thơ diễn tả cái ác của cộng sản cùng nỗi đau đớn, tủi nhục của các nạn nhân — chứ không phải cái gì khác — đã đẩy tác giả Hoa Địa Ngục lên hàng đầu trong số những nhà thơ Việt Nam hậu bán thế kỷ hai mươi.

Tác giả họ Trần viết:“Một điều đã được nhiều người nói tới nhiều lần: mấy trăm bài thơ của ông đã hợp thành một bản cáo trạng nghiêm khắc lên án toàn bộ chế độ Cộng Sản hiện nay ở Việt Nam và cuộc đời tù tội gần ba mươi năm của ông là một tội chứng hỗ trợ cho bản cáo trạng ấy.

Nói như vậy không sai, nhưng không đủ, vì chỉ kể kết quả mà không lý gì tới phương tiện, mặc dầu chính phương tiện mới là điều đáng nói trước. Nguyễn Chí Thiện đã đóng được trên trán những người cầm quyền Cộng Sản dấu ấn tội ác chống con người, chống nhân dân, chống hòa bình, chống tự do, chống công lý.”

Từ nhận định then chốt trên, Trần Thanh Hiệp khẳng định: “Trước hết, ông là một nhà thơ. Biết bao nhiêu người đã nói những điều Nguyễn Chí Thiện nói nhưng đã không tạo được tiếng vang trong dân chúng cũng như trước dư luận quốc tế như Nguyễn Chí Thiện. Tuyên dương công trạng cho ông mà chỉ kể ông như một chiến sĩ chống cộng bậc nhất hay như một nhà cách mạng sắt máu là chưa đặt ông đúng vị thế xứng đáng. Sự thật ông chỉ là một nhà thơ đã dám sống chết với thơ của mình, một nhà thơ với một thân hình đau ốm, với một cuộc sống mà tất cả mọi quyền đều bị tước đoạt, nhưng với một vũ khí độc nhất là ngôn ngữ, đã duy trì được một cuộc đối kháng lâu dài chống cả một bộ máy đàn áp khổng lồ mà không bị tiêu diệt.

Vinh quang của ông chính là việc ông liên tục hiện diện trong lòng kẻ địch, như một thách đố thường trực, ngạo nghễ. Một thành tích như vậy, chỉ có một nhà thơ mới thực hiện được nhưng không phải bất cứ một nhà thơ nào cũng làm nổi…”

Quả đúng như thế!

Điều tác giả Hoa Địa Ngục làm, không phải người làm thơ nào cũng làm được. Người viết những dòng này chia xẻ trọn vẹn nhận định và cách đánh giá của luật sư Trần Thanh Hiệp về chân diện, hoàn cảnh, bản chất con người và những gì tác giả Hoa Địa Ngục đã thể hiện ở cương vị một nhà thơ. Quả thật Nguyễn Chí Thiện đã sống chết vì thơ, cho thơ và với thơ. Suốt chiều dài 27 năm tù ngục, cùng với những tháng năm tự do nửa vời, ông không ngừng làm thơ, nghiền ngẫm, suy nghĩ về thơ.

Nói ông “nghiền ngẫm, suy nghĩ” về thơ là một thực tế có thật để nhấn mạnh tới hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã cũng có thật của một người viết bị câu thúc giữa cảnh lao tù dưới một chế độ bạo tàn. Vì bị cấm đoán không được phép có giấy, có bút trong tay, nhà thơ phải loay hoay cố gắng suy tư và vận dụng bộ não giới hạn của mình để ghi nhớ những ngôn từ, chữ nghĩa, vần điệu vừa cấu thành trong tư tưởng để một lúc nào đó có phương tiện và điều kiện sẽ ghi chép lại thành văn. Đấy là một cảnh ngộ thiên nan vạn nan không dễ thực hiện. Vậy mà Nguyễn Chí Thiện đã làm được.
Theo tiết lộ sau này của ông thì sở dĩ những vần thơ nghiền ngẫm, sáng tác trong não bộ giữa bốn bức tường tù ngục ấy được ghi lại thành văn bản một phần là nhờ mỗi khi làm xong một bài, ngay sau đó ông đã có dịp chia xẻ với một số bạn bè thân thiết trong tù. Trong số này ông thường nói tới cụ Vũ Thế Hùng, nhà thơ Phùng Cung trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, nhà văn Vũ Thư Hiên, cựu đại úy Kiều Duy Vĩnh,(3) nhân vật được mệnh danh là người tù kiệt xuất vừa qua đời năm 2012 ở Hà Nội… Chính những cựu tù nhân này đã bổ túc cho ông ghi lại thành văn bản 400 bài thơ đầu tiên ông gửi được ra hải ngoại qua chuyến mạo hiểm đột nhập tòa đại sứ Anh ở Hà Nội năm 1979, và cả mấy trăm bài trong Hạt Máu Thơ do ông đích thân mang ra hải ngoại vào năm 1995. Tất cả đã được ông vận dụng khối óc siêu phàm nhớ lại với sự hỗ trợ không thể thiếu của các bạn đồng tù một thời để viết ra trong những thời khoảng tự do nửa vời giữa ba chặng ngồi tù từ đầu thập niên 60 đến đầu thập niên 90 thế kỷ trước.

Nội dung những vần thơ Nguyễn Chí Thiện là tiếng kêu uất nghẹn của cả một dân tộc phải kéo dài kiếp sống đọa đầy, điêu đứng dưới chế độ cộng sản. Ở đấy, hiển hiện một thứ địa ngục trần gian mà bọn quỷ sứ là tập đoàn lãnh đạo độc tài, vô nhân tính và những linh hồn bị chúng đọa đày không ai khác hơn là lương dân vô tội, trong số có nhà thơ của chúng ta.

Trường thi Đồng Lầy trong tác phẩm Hoa Địa Ngục đã cực tả khung cảnh một xã hội tan hoang, bạo loạn, khơi gợi lại những hoạt cảnh ghê rợn với những gì bản thân Nguyễn Chí Thiện đã kinh qua suốt ngót 30 năm tù ngục cùng những biến cố xảy ra trong cuộc cải cách ruộng đất thập niên 50 là một điển hình.

Vận hành theo thân phận của đại khối dân tộc, cả một thế hệ thanh thiếu niên đã vô tâm vô tình mắc một “quả lừa” vĩ đại khi ngu ngơ lầm tưởng cái gọi là cuộc “Cách Mạng Mùa Thu” năm 45 sẽ mở ra một vận hội mới cho dân nước. Không ngờ nó trở thành cơn ác mộng kéo dài, khiến vũng lầy hoang mạc đời sống chỉ vang lên những tiếng kêu than, uất nghẹn:

Ôi tiếc thương bao mùa lúa vun trồng
Một Mùa Thu nước lũ
Trở thành bùn nước mênh mông
Lớp lớp sóng hồng
Man dại
Chìm trôi quá khứ, tương lai
Máu
Lệ
Mồ hôi

Rớt rãi
Đi về ai nhận ra ai?
Khiếp sợ
Sững sờ
Tê dại!
Lịch sử quay tít vòng ngược lại
Thời hùm beo, rắn rết công khai
Ngàn vạn đấu trường mọc dậy giữa ban mai.. 
Và thế là hết!
Thực tế trước mắt chỉ còn là:
Thây người vun bón nuôi cây
Đạo lý tối cao ở chốn đồng lầy
Là lừa thày, phản bạn
Và tuyệt đối trung thành vô hạn
Với Đảng, với Đoàn, với lãnh tụ thiêng liêng
Hạt thóc, hạt ngô phút hóa xích xiềng
Họa, phúc toàn quyền của Đảng!
Để từ đấy:
Con ác điểu hoài nghi xoè đôi cách rộng
Truy lung mồ mả cha ông
Thánh thất, miếu đường, xáo động!
Con thuyền chở đạo nghiêng chao!
Sóng gió thét gào man rợ
Tiếng sinh linh nức nở, âm thầm
Mặt đất tím bầm, tiết đọng
Lá cờ lật lọng
Nhân buổi dương tàn, âm thịnh cao bay!
Thần tượng cuồng quay
Hình thay
Lốt rũ
Hang Pắc Pó hóa thành hang ác thú
Bác Hồ già hóa dạng Bác Hồ Ly!
Đôi dép lốp nặng bằng trăm đôi dép sắt
Bộ ka-ki vàng, vàng như mắt dân đen!


Bàn về những đặc nét nơi một nhà thơ, cố linh mục Dũng Lạc Trần Cao Tường thuở sinh thời thường nói tới mức độ rung cảm trong trái tim thi sĩ mà ông quen gọi tắt là “độ rung.” Chính nhờ đặc nét của độ rung này, nhà thơ dễ dàng cảm nhận được những khía cạnh vi tế, sâu kín của sự việc mà người thường không thể nhận ra. Là con người nhạy bén, thêm vào bản chất thuần lương, chí thiện, dựa vào những gì đã kinh qua trong quá khứ, Nguyễn Chí Thiện tiên kiến được những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai. Cho bản thân ông. Cho những người bạn đồng tù. Và rộng lớn hơn, cho đại khối đồng bào, cho quốc gia, dân tộc và cả thế giới, nếu chủ nghĩa phi nhân cộng sản còn tiếp tục lộng hành. Dường như đấng tạo hóa dành cho ông khá nhiều ưu đãi, đã ban cho ông một cặp thiên lý nhãn để có thể nhìn thấu mọi sự.(4) Nói theo cách nhìn của cố linh mục Dũng Lạc thì Nguyễn Chí Thiện chứng tỏ có một khối óc thông minh, một trái tim mẫn cảm làm nên độ rung cần thiết để trở thành đòn bẩy nâng ông lên ngôi vị một nhà thơ lớn.

Cùng chung một nhận định như thế về tác giả Hoa Địa Ngục, Trần Thanh Hiệp viết:

“Những điều đã khiến Nguyễn Chí Thiện không giống những người cùng chống đối như ông chính là niềm rung cảm tinh tế của ông. Nhờ rung cảm đó ông nghe thấu được lòng người và — một điều hiếm có — bắt được tần số của lịch sử. Tất cả mọi nhà tù chỉ giam giữ, hành hạ được thể xác ông và hoàn toàn bất lực trước rung cảm của ông.

Với rung cảm của mình, ông như được chắp đôi cánh thiên thần bay khắp đất nước để nhìn sâu tận đáy tầng xã hội, mở rộng được tầm mắt hướng về chân trời của tương lai, tìm đường đưa tới giải thoát. Từ một nhân chứng sống của hiện tại, ông đã trở thành một nhà dự ước cho ngày mai.”

Đào sâu vào chân diện thi ca, nói chung, để làm sáng lên giá trị trường tồn trong thơ tác giả Hoa Địa Ngục, luật sư Trần Thanh Hiệp ghi nhận: “Thơ không khác sự sống còn non trẻ của nhân loại. Khởi đầu của sự sống là ngôn ngữ và thơ trước hết là ngôn ngữ. Thơ vì vậy gợi lại thuở ban đầu, tượng trưng cho vô nhiễm, trong trắng, vô tội. Cho nên tiếng nói của thơ tự nó là một uy lực có sức nặng không gì lay chuyển nổi, là một hệ thống vũ khí mà sức công phá không gì chống đỡ được. Bằng thơ của ông, Nguyễn Chí Thiện đã hạ bút khai tử, trong lòng người, cả một chế độ.
Phần còn lại, không phải việc của nhà thơ mà của người làm chính trị.”

Sau khi nhấn mạnh tới số phận loại thơ “bị chiếm đóng bởi ý thức hệ, bởi quyền lực…, bởi cùm xích của Chủ Nghĩa, của Đảng” được tiếp sức bằng cả một tập đoàn cam tâm làm bồi bút cho chế độ mà Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…là những điển hình ô nhục, cùng với sự vùng dậy ngắn ngủi của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong thập niên 50 từng bị bóp chết ngay từ trứng nước, luật gia, nhà báo họ Trần viết:

“Nguyễn Chí Thiện đơn độc tiếp tục cuộc vùng dậy ấy một cách bất khuất và tài trí. Ông đã mang trong ông cả lịch sử thi ca Việt Nam để vận dụng ngôn ngữ, kết hợp ảnh tượng, sắp đặt âm thanh, phân bố ngữ điệu và nhất là đã sáng tạo ra những tên gọi mới của Tội Ác, của Đọa Đày, của Khổ Nhục, của Hy Vọng. Thơ của ông là chất liệu của văn học Việt Nam từ đầu hậu bán thế kỷ thứ 20. Trong đổ vỡ hoang tàn, ông đã tồn trữ được cả một kho ngôn ngữ thơ. Trong cuộc giao tranh giữa những thế lực tiến bộ và phản động của một xã hội đang chuyển mình để thay đổi vận mạng, ông cho thấy người làm thơ nên chọn thái độ nào.
(...........)
Nguyễn Chí Thiện là một trong những ngòi bút rất hiếm ở miền Bắc còn giữ được sợi dây liên lạc của Văn Học Việt Nam trải qua những đổi thay về chính trị. Không thể nói tới thơ Việt Nam vào hậu bán thế kỷ thứ 20 mà lại bỏ quên thơ Nguyễn Chí Thiện, trong đó đã được ghi khắc bước đi của lịch sử dân tộc trong hơn ba mươi năm qua”.

Qua bài viết với vài trích đoạn trên, có thể bảo luật sư, nhà văn, nhà báo Trần Thanh Hiệp đã đại diện cho mấy triệu đồng bào ở hải ngoại vinh danh tác giả Hoa Địa Ngục không chỉ bằng những cống hiến cả cuộc đời và thân xác ốm yếu cho cuộc đấu tranh cho tự do và quyền làm người trên quê hương chúng ta. Vượt lên trên hết, với tư cách nhà văn, nhà báo, bằng những nhận định sâu sát, những lý chứng vững vàng, luật gia họ Trần đã trả lại cho Nguyễn Chí Thiện vị trí phải có của ông mà thuở sinh thời vô tình bị quên lãng. Đó là vị trí của một thi sĩ xuất chúng, một nhà thơ chân tài.

Năm 1979, ngay sau khi mạo hiểm ném 400 bài thơ vào tòa đại sứ Anh ở Hà Nội, Nguyễn Chí Thiện bị tống ngục lần thứ ba trong hơn một thập niên.

Nhưng cũng ngay sau đó, thơ ông đã lưu truyền rộng khắp các cộng đồng người Việt ở nước ngoài và được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Nhờ thế, năm 1984, thời gian Nguyễn Chí Thiện còn đang bị biệt giam ở Hỏa Lò, ông được trao tặng giải thưởng Thơ Rotterdam Hòa Lan. Không lâu sau đó là giải thưởng Tự Do Để Viết — Freedom To Write của Trung Tâm Văn Bút Hoa Kỳ.

Năm 1995, trước ngày ông được các tổ chức nhân quyền quốc tế và cộng đồng người Việt tị nạn hải ngoại vận động buộc nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội phải cho ông rời Việt Nam qua định cư ở Hoa Kỳ, ông được tổ chức Human Rights trao tặng Giải Nhân Quyền. Ngày 01/11/1995, Nguyễn Chí Thiện từ giã quê hương tù ngục qua Mỹ. Một tuần sau ông được mời tham dự một cuộc điều trần tại diễn đàn Quốc Hội Hoa Kỳ.

Không lâu sau đó, ông được Nghị Viện Quốc Tế Các Nhà Văn — International Parliament of Writers mời đến nghỉ ở miền Đông nước Pháp. Và tổ chức này đã đài thọ mọi chi phí ăn ở cho ông trong hai năm liên tiếp chỉ để “ngồi viết cái gì ông muốn.” Chính thời gian này, cố thi sĩ đã hoàn thành tập truyện ngắn Hoả Lò. Hai trong các câu chuyện này đã được Allies For Freedom Publishers tại Palo Alto, California xuất bản bằng song ngữ Anh – Việt năm 2008 dưới nhan đề Hai Truyện Tù – Two Prison Life Stories; Nguyễn Chí Thiện Prose Bilingual Text. ISBN 978-0-3638-6-5. Các bản dịch bằng Anh Ngữ đã được Cơ Quan Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu, Đại Học Yale, xuất bản dưới nhan đề Câu Chuyện Hỏa Lò/Hà nội Hillton năm 2007. Năm 1982, tổ chức Hành Động Cho Dân Chủ Việt Nam, “Quê Mẹ,” xuất bản Ngục Ca bằng Anh ngữ, Pháp ngữ, và Việt ngữ. Năm 1984, giáo sư Huỳnh Sanh Thông trường Đại Học Yale dịch Hoa Địa Ngục ra Anh ngữ và tổ chức Lạc Việt xuất bản.

Tưởng cũng cần nhắc lại là ngay từ đầu thập niên 80, một số thơ trong Hoa Địa Ngục đã được các nhạc sĩ Phạm Duy, Phan Văn Hưng, Trần Lãng Minh phổ nhạc và được nhiều nhóm du ca tập dượt, trình diễn tại những nơi tập trung đông đảo người Việt trên khắp thế giới. Những bản nhạc này đã mau chóng được chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Pháp để giới thiệu rộng rãi trong các cộng đồng người địa phương.

Tháng 2/2001, tên tuổi và sự nghiệp văn thơ của Nguyễn Chí Thiện được ghi vào từ điển Who’s Who in Twentieth-Century World Poetry ấn hành ở Luân Đôn, Anh Quốc. Qua năm sau, lần thứ hai danh tính ông cũng được ghi nhận trên văn đàn Đức Quốc. Năm 2006, toàn bộ 700 bài thơ của ông, bao gồm trường thi Đồng Lầy và tập Hạt Máu Thơ, được gom chung trong thi tập Hoa Địa Ngục dày trên 500 trang, đóng bìa cứng với nhiều hình ảnh tài liệu quý giá do Tổ hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và nhà văn Trương Anh Thụy ấn hành.
Thơ ông đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, được các văn thi sĩ quốc tế ngợi khen trong đó đa số là các nhà văn trước kia sống dưới chế độ Cộng Sản như Paul Goma (Roumanie), Pierre Kende (Hung), Vladimir Maximov (Nga), Leonid Plioutch (Ukraine), Alexandre Smolar (Ba Lan), Pavel Tigrid (Tiệp), Erich Wolfgang Skwara (Đức) ... Đặc biệt hơn cả là bản dịch tiếng Đức của giáo sư tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi đã được đưa vào chương trình “Đọc Sách Hay” trong các trường trung học đệ nhị cấp ở tiểu bang Bayern Đức Quốc. Ngoài ra, còn có 14 bài thơ được Gunter Mattitsch, nhạc sĩ người Áo phổ nhạc trình diễn trước công chúng Klagenfurt ở Áo ngày 20/10/1995.(5)

Ngay sau khi bản dịch của tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi ra mắt độc giả Đức, nhờ bài tựa nhan đề Khổ Nhục Và Hy Vọng của tiến sĩ Erich Wolfgang Skwara, giáo sư văn chương Đức tại đại học San Diego, giới trí thức địa phương nô nức tìm hiểu về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Qua nội dung bài tựa này, có thể thấy rõ sự ngưỡng mộ của giới cầm bút nước ngoài về sức cuốn hút, nhất là giá trị nghệ thuật trong thi phẩm Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện như thế nào. Tiến sĩ Erich Wolfgang Skwara đã viết bài tựa trong bối cảnh ông nhận được bản dịch Đức ngữ thi phẩm Hoa Địa Ngục của tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi trong thời gian tham dự đại hội Văn Bút Quốc Tế ở hải đảo Madeira.

Sau mấy dòng mở đầu, ông viết:“Tôi đã đến Madeira để “gặp” nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, một đại thi hào Việt Nam. Nói là “gặp”, nhưng thật ra chỉ là một cuộc gặp gỡ gián tiếp, vì không thể gặp nhà thơ lớn này, dầu ở Madeira hay bất cứ nơi nào khác. Vì ông đã bị bắt lại cách đây khoảng mười năm và từ ngày đó, ông mất hút trong các nhà tù miền Bắc Việt Nam…”

Ở cương vị một trí thức, một nhà văn đang sống yên ổn với tất cả quyền con người trong một quốc gia tự do như Đức quốc, tiến sĩ Erich Wolfgang Skwara thấu hiểu tính cách vô giá của những sản phẩm chữ nghĩa được viết ra trong những xứ độc tài như những vần thơ cương trực của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Vì thế, ông không hề mặc cảm khi nêu câu hỏi: “Chúng ta có quyền nói lên tiếng nói của mình không? và nếu có thì phải xử dụng quyền đó như thế nào?”

Và ông thẳng thắn tự trả lời: “Tôi đã viết và đang tiếp tục viết, tôi đã và đang xuất bản tác phẩm của mình, nhưng tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ tôi là một kẻ lường gạt. Bởi vì tư tưởng và cảm xúc của tôi hoàn toàn thuộc về đời tư và niềm đau khổ của tôi chỉ là một xa xỉ phẩm. Vâng, đau khổ riêng tư là một xa xỉ phẩm. Và tôi đã gặp Nguyễn Chí Thiện, nhà thơ lớn của Việt Nam. Gặp, có nghĩa là tôi đã được biết ông qua một trong những sứ giả của ông — tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi, người đã dịch thơ ông ra Đức ngữ.
(…)
Sau khi đón nhận tập thơ, tôi đã ở mãi trong phòng đọc một hơi từ đầu đến cuối. Tôi đã đọc một hơi vì những bài thơ đó có sức hút của nam châm và cũng vì bản dịch thật đặc sắc. Thực ra chỉ cần đọc ít dòng cũng đủ thấy rằng tôi đã hạnh ngộ với một nhà thơ lớn mà tôi sẽ vô cùng ngưỡng mộ. Và càng đọc tôi càng nhận rõ rằng tôi đã được biết thêm một nhà thơ mà từ nay tôi sẽ đặt ngang hàng với các thần tượng thi ca của tôi từ trước đến nay như Rimbaud và Trakl — tôi kể vài thí dụ mà không theo một thứ tự ưu tiên nào — như Benn và Hoelderlin. Nghĩa là tôi đặt ông ngang hàng với những nhà thơ tuyệt vời nhất của chúng ta, của tôi, của mọi người.
 (…)
Từ ngày “gặp” Nguyễn Chí Thiện, tôi đã nhiều lần giở tập thơ ra đọc lại. Những dòng thơ đầy tình thương đã mang lại cho tôi nhiều thú vị. Tình thương trong thơ Nguyễn Chí Thiện đã chọc thủng tường thành tù ngục và đã vượt mọi chướng ngại của đồng lầy để đến với chúng ta ở Đức, ở Cali, Maderia hay bất cứ nơi nào khác.”

Xin đóng lại chương sách này bằng vài trích đoạn trên từ bài Tựa của tiến sĩ Erich Wolfgang Skwara cho bản dịch Đức ngữ thi phẩm Hoa Địa Ngục do tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi chuyển ngữ và với tâm tình biết ơn thi sĩ Nguyễn Chí Thiện.

Nhờ ông mà các dân tộc văn minh trên thế giới đã biết đến danh tính Việt Nam, biết đến những giá trị siêu việt của người Việt Nam, nhất là biết đến hoàn cảnh đau thương, khốn khó của dân tộc chúng ta dưới ách thống trị của chủ nghĩa phi nhân cộng sản.

Từ cái biết ấy, dự báo của nhà thơ và niềm hy vọng về ngày cáo chung chủ nghĩa Cộng Sản trên đất nước Việt Nam có thể sẽ tới sớm hơn:

Tôi tin chắc một điều
Một điều tất yếu
Là ngày mai mặt trời sẽ chiếu
Cuộc chiến đấu này chưa phân thắng phụ
Ta vẫn còn đây và sắt thép còn kia
Chết chóc, thầm câm, cốt nhục chia lìa
Ta vẫn sống và không hề lẫn lú
Ta muốn nói với loài dã thú:
Khúc hát khải hoàn, ta sẽ hát thiên thu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Chín 202210:33 SA(Xem: 1649)
Ôi thời gian! Thế là hôm nay Thư Quán Bản Thảo (TQBT) đã ở ngất ngưởng con số 100.
31 Tháng Tám 20229:52 SA(Xem: 1768)
Là nhà thơ nổi tiếng nhưng lúc sinh thời, Vũ Hữu Định chưa in được một tập thơ.
30 Tháng Tám 20225:13 CH(Xem: 1851)
"Hoàng Cầm là tên một vị thuốc đắng... Tên nó vận vào người".
28 Tháng Tám 20224:22 CH(Xem: 1924)
Thái Thanh khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, lời nhạc mà như một tiên tri của Phạm Duy….
26 Tháng Tám 20229:31 SA(Xem: 2641)
Đầu năm 1955, ngẫu nhiên đưa đẩy, tôi được học Văn với một người thầy bất ngờ: nhà văn Đoàn Phú Tứ.
24 Tháng Tám 202212:00 CH(Xem: 2133)
Tấm lòng một người chồng, một người tình. Tấm lòng một người lính. Tấm lòng một nhà thơ.../ Một màu tím cứ day dứt mãi lòng người!
19 Tháng Tám 20229:21 SA(Xem: 1627)
Hãy ngủ, ông nhé và tôi tin rằng những gì ông để lại thế gian này cũng thiên thu không kém…
01 Tháng Bảy 20222:42 CH(Xem: 2036)
Cuộc họp đã thành công mỹ mãn sau khi ông Tố Hữu đọc một bản báo cáo dài: Bọn Nhân Văn - Giai phẩm trước toà án dư luận.
27 Tháng Sáu 20229:39 SA(Xem: 2072)
Câu hỏi, “Độc giả của Xuân Diệu là ai?” hóa ra lại không dừng lại ở câu chuyện văn chương hay thương mại, mà đó là một chất vấn về hệ giá trị của một cộng đồng, một thời đoạn lịch sử.
23 Tháng Sáu 20221:01 CH(Xem: 2396)
Thưa ông, đâu là ranh giới giữa ca khúc phổ thông và ca khúc nghệ thuật?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17042)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12261)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18991)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9173)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8344)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19180)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7899)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8816)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11064)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25515)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19255)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31957)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,