BÙI BÍCH HÀ - Bà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

01 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6712)
BÙI BÍCH HÀ - Bà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam


(Bài nói chuyện nhân dịp ra mắt tuyển tập Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ-Người Chiến Sĩ, tại nhật báo Người Việt, quận Cam, ngày 22/8/2004).

Trong trí tưởng tôi như một độc giả con nít những năm 40, thiếu nữ những năm 50 và trẻ tuổi những năm 60, Nhất Linh trong Tự Lực Văn Đoàn cùng những vị cầm bút thời của ông là những nhân vật gần như huyền thoại, chỉ hiện hữu bằng tài năng, thanh danh và tác phẩm, không bằng nhục thể có thể nhìn thấy hay tiếp cận, như những con người bình thường khác xung quanh tôi.

Giữa năm 1963, tuy đã tốt nghiệp đại học, đi dạy, đã bước vào một cuộc hôn nhân khó khăn và đang sinh sống tại một tỉnh lỵ trù phú gần cực nam miền nam Việt Nam, tin nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tự vẫn để phản đối sự bất công chuyên chính của chính quyền đương thời tới với tôi là một nỗi buồn lặng lẽ. Dường như một phần của ông, cái hồn Tự Lực Văn Đoàn mà tôi gắn bó mật thiết thời còn đi học, trước đó, đã được tôi chôn cất kỹ trong hoàn cảnh làm vợ không có chỗ nào dành cho văn chương của tôi. Nay ông thực sự ra đi, là một tên tuổi chính trị lẫy lừng, một tư cách chính trị hiếm hoi, khuôn mặt này của ông, dẫu thế, hoàn toàn xa lạ trong cảm thức của tôi. Có vẻ như thế hệ chúng tôi, nhút nhát, lãng mạn, nên yêu thích cái đẹp trừu tượng, thậm chí trừu tượng hóa mọi vẻ đẹp của đời sống để thấy chúng tinh khiết, linh thiêng, và như thế, chúng càng đẹp hơn, an toàn và bền bỉ hơn.
Phải đợi đến bây giờ, những năm đầu thế kỷ 21 và do tạp chí Thế Kỷ 21 đề xuất, chúng tôi mới có dịp nhìn lại thần tượng Nhất Linh của chúng tôi suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua.

Điều khám phá đầy ngạc nhiên và thích thú là khi nhìn ông như một con người bằng xương, bằng thịt, từng sống, từng cảm xúc như bất cứ ai với trái tim mỏng manh, với tấm linh hồn dễ bị thương tích, tôi nhận ra cả những liên hệ đời thường xung quanh ông, sinh động và phong phú, tôi nhận ra bà Nhất Linh, anh Nguyễn Tường Triệu, anh Nguyễn Tường Thiết.

Tuy nhiên, bữa nay, trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp của buổi giới thiệu tuyển tập Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ-Người Chiến Sĩ, do nhà Thế Kỷ phát hành, chúng tôi chỉ xin được nói về bà Nhất Linh, khuê danh Phạm Thị Nguyên.

Có một câu truyền khẩu rất phổ thông, đã trở thành khuôn sáo, khi người ta muốn đề cao vai trò của những bà vợ đảm đang, mẫu mực, đứng sau lưng người chồng thành công, làm điểm tựa vững chắc cho người đàn ông ấy. Cho dù không đón nhận câu xưng tụng này như một bông hồng hoa mỹ mà xã hội cài lên ngực áo hay như một tuyên dương muộn màng, mang tính phủ dụ, dành tặng các vị nữ lưu giúp chồng làm nên sự nghiệp, tôi chắc mọi người đều sẵn sàng nhìn nhận thực tế trong những đóng góp thầm lặng của nữ giới đối với chồng con họ. Trên dòng lịch sử văn học - chính trị của chúng ta, những đóng góp này rất lớn, tỷ lệ nghịch với con số nhân lực đóng góp vì tài năng, đức độ vốn không nhiều trong cõi nhân sinh. Bà Nhất Linh là một trong những bà vợ hiếm quí này.

Ở trang 9 tập sách ra mắt hôm nay, chúng ta có bức vẽ chân dung bà Nhất Linh do danh họa Nguyễn Gia Trí (và cũng là bạn chí thiết của gia đình Nguyễn Tường) thực hiện năm 1952 tại Sài Gòn. Ngoài y phục, cách trang sức điển hình của nữ giới trung lưu đất Thăng Long những năm năm mươi trở về trước: áo nhung, chuỗi ngọc, hoa tai, nhẫn, vòng, bà có khuôn mặt trái soan, nét cương nghị nhờ ở chiếc cằm vững chãi, vầng trán rộng. Đôi môi bà không đậy kín hàm răng khá đều đặn, khiến cho bà tuy không cười nhưng nụ cười dường như phảng phất, của một tâm hồn bình an, một tấm lòng rộng mở. Dưới hàng lông mày bán nguyệt thanh tú, đôi mắt bà to, tròn, ánh nhìn êm ả, buồn mà không ảm đạm. Bà chít khăn nhung, đường ngôi rẽ lệch, cùng với hàm răng không nhuộm của bà, là dấu hiệu mở đầu cho phong trào manh nha đổi mới của nữ giới Hà Thành thập niên 30- 40, đồng thời với chiêng trống cổ võ canh tân của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Để tìm hiểu thêm về bà, để có một cái nhìn gần gũi hơn, sống động hơn về bà, khác với nhìn từ một bức vẽ chân dung dù là qua nét cọ tài hoa của nhà danh họa Nguyễn Gia Trí, mời quí vị nghe thi sĩ Anh Thơ mô tả bà như sau: “Hôm đến nhà Nhất Linh, tôi tưởng tượng vợ ông là cô Loan (trong Đôi Bạn), một cô Loan ngây thơ, xinh đẹp. Nhà của nhà văn phải là một khu vườn rộng, mang đầy hương sắc thôn quê và cô Loan áo trắng đang hái rau ngót dưới trời mưa. Nhưng ngược lại, nhà Nhất Linh lại là cửa hàng buôn bán đủ cả cau tươi, cau khô và cô Loan là một bà tuổi đã nạ giòng, mặc quần áo đen, dáng vẻ tất bật của một người đàn bà vất vả, phải tự lo lắng nhiều cho gia đình...” Đoạn cuối bài phóng sự, nữ sĩ Anh Thơ viết thêm về bà sau khi nghe bà tâm sự về chồng con, như sau: “Đôi mi dài óng ả của bà rung động trước cặp mắt to long lanh. Tôi nhớ mãi đôi mắt ấy. Đôi mắt có vẻ chịu đựng mọi hy sinh vì người thân yêu của mình. Đôi mắt của một người đàn bà Việt Nam cũ kỹ, tảo tần, không ý thức được rằng những việc mình làm đã đóng góp cho sự nghiệp của chồng không nhỏ.”

nhatlinh-vo_01-content
Bà Nhất Linh

Mặc dầu công lao của những bà vợ như bà Nhất Linh, của những bà vợ kém may mắn hơn vì các ông chồng họ không nổi tiếng bằng ông Nhất Linh nhưng họ, một cách nào đó, cũng đã hy sinh, những công lao ấy luôn được văn học cùng người đời ca ngợi, mặc dầu nay những người đàn bà ấy hoặc đã nghìn thu yên nghỉ, hoặc nếu còn sống, ngoảnh nhìn lại chặng đường gian khổ đã qua, họ cũng đủ tự hào và vui lấy mình, thế nhưng tự đáy lòng một phụ nữ học đòi chữ nghĩa, hiện sống ở đầu thiên niên kỷ thứ ba như tôi, vẫn cứ có chút gì bất nhẫn, ngậm ngùi về sự bất công nếu như đời những người đàn bà kia chỉ là một chuỗi ngày dài hy sinh và chịu đựng.

Trong ý nghĩ với rất nhiều rung động của tôi khi thử đi tìm một cách giải thích khác, tôi vui mừng thấy bà Nhất Linh được hưởng nhiều hạnh phúc hơn chúng ta tưởng.

Trước hết, nếu cuộc hôn nhân của ông bà hoàn toàn do số phận quyết định, cha mẹ đôi bên mối manh, dạm hỏi linh đình (trả lời phỏng vấn Anh Thơ) thì mặt tích cực của sự kiện này là bà không mang nhiều ảo tưởng khi bước vào cuộc đời làm vợ. Ngay lập tức, bà nhận lấy trách nhiệm gánh vác giang sơn nhà chồng, với khả năng và phẩm giá ngang tầm vai trò của mình, một tay bà “quán xuyến tất cả mọi công việc giao tế, phân xử tranh chấp trong gia đình, họ hàng nội ngoại, ảnh hưởng của bà rất mạnh trong dòng họ” (Nguyễn Tường Thiết, Tâm Tình của Người Con). Bà nhận sự phân chia trách nhiệm giữa vợ chồng một cách giản dị, “sách báo là việc của đàn ông, đàn bà mình ngó vào làm gì” thế nhưng khi vì một lý do nào ông ngừng viết, bà hiểu ngay ông đang có vấn đề khúc mắc. Bỏ cả việc buôn bán, bà từ HàNội đi Hương Cảng. “Có chị trên núi, không khí nơi đây như tươi lên đôi chút. Chị Tam kín đáo săn sóc anh, luôn tìm cách nhắc lại thời anh làm báo, viết sách. Chỉ những khi đó, như một phép lạ, nét mặt anh vui, ánh mắt tươi sáng... Chị Tam mua một chiếc ghế vải, có thể ngồi hay nằm tựa và chiếc bàn nhỏ, kê trong hang đá, rồi gọi nơi đó là nhà mát... Anh có thể ngồi suốt ngày trong hang đá, viết, viết và viết... Đến mùa hàng cau khô, chị Tam phải về Hà Nội. Anh Tam phần nào đã tạm ổn định tinh thần, viết lại và viết rất đều tay cuốn Xóm Cầu Mới, khiến chị yên tâm” (Nguyễn Thị Vinh, Nhất Linh và Xóm Cầu Mới). Như vậy, không phải là bà không ngó vào việc sách báo của ông, chỉ là bà biết khi nào thì cần ngó vào. Chỉ một cái “biết” này thôi đã làm cho bà trở nên riêng biệt. Ngoài tư cách làm vợ với ít nhiều hệ lụy, bà có thêm tư cách làm người bạn tri kỷ của chồng, biết hiện diện, biết vắng mặt đúng lúc, biết làm nguồn cảm hứng, làm ngọn gió cho cánh diều bay bổng, không làm giây nhợ buộc chân người.

Và, Nhất Linh, linh hồn tuyệt hảo của những tác phẩm TLVĐ, ông còn là người đàn ông như mọi người đàn ông khác, hơn cả những người đàn ông khác vì ông có tài, lại hào hoa, phong nhã. Trên những trang sách ông viết, theo nhận định của nữ sĩ Anh Thơ, “tình yêu vượt xa những chuyện tả tình yêu tầm thường của các nhà văn khác, Dũng yêu Loan nhưng lại yêu cuộc đời hoạt động hơn là say mê lạc thú gia đình,” liệu ngoài đời, ông có yêu vợ bằng cái tình vượt xa sự tầm thường như Dũng yêu Loan không? Một tình yêu được xếp hạng thứ tự ưu tiên như thế, liệu có tồn tại đẹp đẽ như trong tiểu thuyết không? Kể cả nữ sĩ Anh Thơ, bà đã công khai bày tỏ sự nghi ngờ thoáng qua khi đặt câu hỏi: “Nhất Linh có nhiều cô bạn trẻ đẹp thế này thì ông có còn yêu bà không? Hay bà chỉ được ông coi là cái kho tiền để ông lấy của mà làm việc?”

Tôi tin rằng bà Nhất Linh đã được chồng yêu bằng cái tình yêu vượt xa sự tầm thường thông tục khi chính bản thân bà cũng vượt xa sự tầm thường thông tục để tan hòa chính mình vào các ưu tiên của chồng, xóa bỏ được ranh giới gai góc của sự chọn lựa để lựa chọn nào của chồng cũng có bà ở trong: “Còn các cuộc lạc quyên lo nhà cho dân nghèo thì bây giờ mới bắt đầu. Mà mình đứng lên hô hào người ta thì mình phải bỏ vốn trước đã. May mà nghề buôn cau của tôi cũng dễ kiếm lãi, mới giúp được nhà tôi có tiền mà lo các thứ.” Rõ ràng bà không chỉ là cái kho tiền của ông, bà còn là cái kho của những thứ quí giá khác: sự hiểu biết, niềm tin đặt vào công việc chồng làm và lòng thiện.

Vì vậy, không chỉ yêu, ông còn cực kỳ trân trọng khi nghĩ về bà. Hãy nhìn những giòng chữ ông dập xóa nhiều lần chỉ để viết một lời đề tặng cuốn Xóm Cầu Mới cho vợ: “Tặng N. người đàn bà yêu quí đã khuyên tôi bỏ hết chính trị, trở lại đời văn sĩ và nhờ thế, cuốn Xóm Cầu Mới này mới ra đời...” Rồi ông sửa lại, không đành viết tắt tên bà với một mẫu tự N, lần này ông viết cả chữ Nguyên, như một cách gọi minh thị và âu yếm, để nghe cái tên ấy dội lại trong tâm hồn ông với tất cả yêu đương. Ông cũng xóa bỏ mấy chữ người “đàn bà yêu quí,” như thể cách xưng tụng khuôn sáo này không xứng đáng với tầm vóc của bà, không giãi bày được hết cảm xúc trong lòng ông nên ông sửa lại: người rất thân yêu. Rồi ông cũng xóa mấy chữ “ bỏ hết chính trị” vì bà có bao giờ muốn ông phải từ bỏ điều gì đâu dẫu chỉ là tìm cách khuyến dụ! Con đường chông gai nào ông đi, cũng có dấu chân bà lặng lẽ theo cùng.

Thế kỷ 15, trong La Chanson de Roland, trước khi vĩnh viễn nhắm mắt lìa đời giữa khe núi mờ sương, người hiệp sĩ thất trận cúi hôn lên mặt đất, mặt hướng về hoàng cung, thu hết tàn lực thổi hồi kèn tạ tội với quân vương, không một chút băn khoăn tưởng nhớ tới người đàn bà đợi chờ. Thế kỷ 20, người đàn ông, người chiến sĩ Việt Nam hào hùng Nguyễn Tường Tam, trong giây phút quyết định ra đi, đã cẩn thận gửi tới người bạn đời của ông những giòng di chúc về “mối tình đẹp đẽ của đôi ta trong bao năm,” lời cám ơn về niềm hạnh phúc tràn đầy họ đã cho nhau đến mức “không còn ao ước gì hơn.” Trước sau, dù xa, dù gần, dù đã năm, bẩy mặt con, dù thăng trầm chìm nổi bao phen, ông luôn yêu bà như một người tình. Ông không cần trối trăn thêm gì nữa. Ông biết tình yêu trong lòng ông, trong lòng bà, của lòng họ từng dành cho nhau, chỉ một điều quan trọng ấy sẽ đủ sức giúp bà chu toàn những gì cần chu toàn trong quãng đời còn lại của bà.

Lựa chọn nói về bà Nhất Linh như tôi vừa mạo muội trình bày, trước hết, vì tôi cực tin vào vẻ đẹp của tình yêu, nói chung. Ở đỉnh cao của nó, tình yêu khơi gợi và làm triển nở năng lực tinh anh nơi mọi người. Sau nữa, đọc thêm nhiều tài liệu xung quanh cuộc sống của ông bà Nhất Linh, tôi thực sự tâm cảm và ngưỡng mộ. Sự thể nhập vào nhau của hai ông bà trọn vẹn quá, lý tưởng quá, họ đem thêm cho nhau nhiều thứ và không lấy đi của nhau bất cứ cái gì. Trên bước đường ngang dọc, rất dễ có những hoàn cảnh tế nhị xảy tới cho một người đàn ông vốn tự do như mây trời, “hết đi tây du học, đi Pháp chữa bệnh, lại đi Tầu làm cách mệnh, đi Đà Lạt chơi lan, một hai năm, ba bốn năm mới về nhà” (Trương Bảo Sơn, Những kỷ niệm riêng với Nhất linh Nguyễn Tường Tam) thế nhưng, tựu chung, cuộc sống tình cảm riêng tư của ông thật trong sáng, như nhận xét rất đáng tin cậy của nhà văn Nguyễn Thị Vinh: “Đâu chỉ có văn chương trong sáng không thôi, mà cả cuộc đời anh Tam đã ánh lên sự sáng trong.” Đọc Bác Hòa Hàng Cơm hay Cậu Ấm Đi Bắn Vịt Trời, độc giả thấy ông có biệt tài mô tả sự cám dỗ về thể xác giữa người đàn ông và người đàn bà, sự sa ngã tưởng chừng trong gang tấc nhưng sự tránh né được chỗ ấy, vực sâu ấy, dưới ngòi bút của ông, còn tài tình hơn nhiều, khiến ta liên tưởng tới một người uống rượu mà không để cho mình say, biết trước rằng khi tỉnh, phải dọn dẹp những thứ tanh tưởi đã nôn ra: “Thà bỏ qua một cái thú trong chốc lát về nhục dục còn hơn mất một chỗ hút thuận tiện và lâu bền” (Cậu Ấm Đi Bắn Vịt Trời). Là một nghệ sĩ chân chính, ông yêu mê cái Đẹp và thể hiện nó một cách thuần khiết trong mọi hoàn cảnh sống. Nhà văn Trương Bảo Sơn, trong bài Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, đã ghi lại như sau: “Ông yêu lan đến độ bưng cả chậu lan Thanh Ngọc lên giường ngủ chung và tặng lan hai câu thơ:

Sắc trong Thanh Ngọc, hương thơm mộng 
Một thoáng mơ tiên, thoảng xuống trần
.”

Nếu quí vị đọc lại trích đoạn Cậu Ấm Đi Bắn Vịt Trời, đoạn vợ chồng cậu Ấm đùa bỡn với nhau, đối thoại thật thông minh, tình tứ và duyên dáng, rồi nhìn vào bức hình chụp ông bà Nhất Linh bên giòng suối Đa Mê (trang 96) tôi tin chắc quí vị cũng sẽ cảm nhận như tôi, ảnh và truyện phản chiếu nhau khá rõ. Dường như ngòi bút ông, tâm thế ông, chỉ hoàn toàn thoải mái khi nó bay lượn, vẽ ra khuôn mặt hạnh phúc trong khung cảnh gia đình, với người đàn bà rất thân yêu, rất tin cậy của ông chứ không ở đâu khác, cũng không với một ai khác.

Có lẽ phần đông các bạn gái trẻ thời nay sẽ phát biểu là họ không còn chấp nhận cách sống của những bà vợ thời bà Nhất Linh nữa. Tôi ngờ rằng bản chất tình yêu thời nào cũng thế, chỉ có cách biểu lộ thay đổi tùy thuộc sự lý luận của từng người thường có xu hướng chạy theo trào lưu và sự định hình của xã hội. Nói đến biểu lộ là nói đến lựa chọn, tách mình ra khỏi trào lưu hay sự định hình ấy. Mỗi lựa chọn, tiếc thay, luôn có một tỷ lệ rủi may. Cái rủi, đã đành không ai lường trước được nhưng cái may, mừng thay, có sẵn trong trái tim trong trẻo của những ai nhìn thấu suốt mình, thấu suốt người và thấu suốt cả càn khôn. Tôi tin rằng với trái tim trong trẻo, tấm lòng quảng đại, sự may mắn luôn ở cùng bà Nhất Linh trong suốt cuộc đời làm vợ chân cứng, đá mềm của bà để ngày hôm nay, đứng đây, ngồi đây, kẻ hậu sinh như tôi thật sung sướng được soi chiếu từ bà những kinh nghiệm xử thế vô giá.

Quận Cam tháng 8/04.

Ý kiến bạn đọc
15 Tháng Mười Hai 20148:00 SA
Khách
12/16/2014 1:43 AM
Ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam cổ súy cho việc thay đổi văn hóa. Nhưng
hình như Bà chưa được hưởng những cái mà lẽ phải đầu tư gia đình ông. Xin
ngợi khen Bà một trong những The best của Người Đàn Bà Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Mười 20231:55 CH(Xem: 1021)
Tất cả kéo tôi trở lại là mình với những cảm xúc dịu dàng. Ở đó tôi gặp Nhà Thơ Trịnh Y Thư.
19 Tháng Mười 20231:35 CH(Xem: 1415)
Nhiều ngôi chùa trong thành phố gióng chuông tiễn biệt vị phật tử khác thường.
19 Tháng Mười 20236:20 SA(Xem: 1009)
Đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi thường ngẫm ngợi tại sao thơ ông thường nhắc đến ngày hội lớn, cung trời hội cũ?
16 Tháng Mười 202310:53 SA(Xem: 899)
Dường như càng khổ đau, ưu phiền, Cung Trầm Tưởng càng đến gần hơn với tư tưởng, triết lý Phật giáo.
08 Tháng Mười 20235:13 CH(Xem: 1268)
Một bài thơ hay là một đoá hoa ngào ngạt hương. Hương rộng hơn hoa. Và hương bay thì hoa tưởng hoa bay (Xuân Diệu)
18 Tháng Chín 202310:03 SA(Xem: 1357)
“Đời tôi có một nguyên tắc: không bao giờ dùng văn chương để làm bất cứ điều gì xấu xa..."
08 Tháng Chín 20236:10 CH(Xem: 1509)
Khi bị đuổi ra khỏi ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, trụ sở của tạp chí “Văn nghệ quân đội” bây giờ, Phùng Quán đến ngồi bên một gốc cây ở đường Phùng Hưng hai tiếng đồng hồ.
04 Tháng Chín 20239:35 SA(Xem: 2029)
Và tôi tin rằng, khi Thiền sư Thi sĩ Phạm Công Thiện từ trần, chắc chắn sẽ có rất nhiều người gọi anh là Bồ tát, một danh hiệu rất mực tôn kính trong nhà Phật, chỉ đứng sau danh hiệu Đức Phật.
29 Tháng Tám 20238:06 SA(Xem: 1351)
Xin phép, tôi được gọi đây là một “Vụ án”, và mong được đồng ý rằng, “Đúng là vụ án văn chương”.
22 Tháng Tám 20236:25 CH(Xem: 1097)
Cái phép tìm về lịch sử dân tộc bằng đầu lưỡi, ai bảo nó không thấm thía bằng những phép khác?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17068)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12276)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18998)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9181)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8360)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22480)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14019)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19188)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7905)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30723)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25518)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21739)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19797)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24515)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,