LÊ TÚ ANH - Tự truyện như một thể loại văn học

03 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 9403)
LÊ TÚ ANH - Tự truyện như một thể loại văn học

 

1.

Gần đây, ngày càng có nhiều ý kiến bàn về tự truyện. Không phải là cái “mốt” như ai đó đã nói, nó xuất phát từ thực tiễn in ấn và lưu hành tự truyện rất đáng bàn trong khoảng mươi năm trở lại đây. “Tự truyện là gì?”, “Có hay chưa tự truyện ở Việt Nam?”, “Tại sao ngày nay nhiều người “đổ xô” viết tự truyện?”, “Khi nhà văn quay ra sáng tác về chính mình, có phải anh (cô) ta đang nghèo nàn về vốn sống?”... là những câu hỏi được tập trung trả lời nhiều nhất. Tuy nhiên, còn một vấn đề theo tôi, cần phải bàn thêm. Đó là việc trả lời câu hỏi: Liệu có phải tất cả những gì được mệnh danh là “tự truyện” hiện nay, đều là tác phẩm văn học? Tự truyện với tư cách tác phẩm văn học ở ta đã có được những thành tựu như thế nào và đâu là giới hạn? Trả lời thấu đáo câu hỏi này mới mong có được những câu trả lời sâu xa hơn cho những câu hỏi đang đặt ra hiện nay về tự truyện.
 

 levan-sach

Hẳn là chúng ta còn nhớ, vào năm 2006, Lê Vân yêu và sống [2] ra đời đã làm xôn xao dư luận suốt một thời gian dài. Gia đình nghệ sĩ biểu diễn Trần Tiến - Lê Mai và ba cô con gái Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy rất nổi tiếng. Tài năng và sự tỏa sáng của họ cả trên sân khấu lẫn trên màn ảnh đều khiến khán giả rất ngưỡng mộ. Những tưởng thế là tất cả. Việc “phanh phui” những bí mật trong gia đình, những câu chuyện phía sau sân khấu của Lê Vân khiến cho nhiều độc giả phải ngỡ ngàng. Xung quanh cuốn sách của Lê Vân, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau hoàn toàn. Do vậy, nó trở thành một trong những hiện tượng văn học đáng chú ý nhất của năm 2006. Dù có nhiều ý kiến khen chê rất khác nhau, nhưng giá trị đích thực của nó thì thời gian sẽ trả lời. Theo tôi, cái “được” trước mắt chính là từ sau cú hích đó, nhiều người đọc mới biết có một thứ ấn phẩm mang tên “tự truyện”. Tác phẩm cũng đánh dấu một sự đổi thay quan trọng của thể loại: người viết tự truyện không phải chỉ là nhà văn nữa. 

Khoảng dăm năm trở lại đây, tự truyện gần như bùng nổ. Người ta đua nhau đem chuyện đời tư ra kể, khiến cho xã hội lên “cơn sốt tự truyện”. Có thể bắt gặp nhan nhản trên các trang báo mạng những tiêu đề kiểu như: “Tự truyện của một người đồng tính”, “Tự truyện của hoa hậu trái đất”, “Tự truyện của tuyển thủ bóng đá”... Nhiều đến nỗi, có người “đọc phải” đã ngao ngán thốt lên: “Chỉ cần đọc qua vài trang tự truyện của các "sao", ai cũng dễ dàng nhận ra ngay những cảnh đời éo le, cơ cực từ tuổi ấu thơ cho đến khi thành "sao". Kỳ lạ là "sao" nào cũng có một cuộc đời na ná giống nhau, kể cả giọng điệu văn phong. Nghe họ giãi bày, người đọc có cảm tưởng ai cũng là tấm gương "học sinh nghèo vượt khó đi lên". Còn khi sự nghiệp của họ chưa suôn sẻ, chẳng qua họ có tài nhưng... kém may mắn, miễn sao cứ có nghị lực và tự tin là có thể thành "sao"!” [4]. Cuối cùng, cách hiểu về hai chữ “tự truyện” chỉ còn đơn giản là người viết tiết lộ một bí mật nào đó hay thậm chí là kể lại tiểu sử đời mình. Do vậy, thuật ngữ này được dùng tràn lan, lạm dụng hơn bất kỳ một thuật ngữ nào khác có liên quan đến các thể loại văn học. Từ cách hiểu đơn giản đó, dẫn đến rất nhiều người có nhu cầu viết và xuất bản tự truyện. Và hệ quả tất yếu là nghề viết tự truyện, hồi ký thuê đã ra đời [5]. 

Không thể phủ nhận rằng, tự truyện đã và đang góp phần làm nóng lên bầu không khí văn học, giúp văn học phần nào lấy lại được sự chú ý của độc giả trước sức tấn công của nhiều loại hình giải trí hiện đại và tiện lợi khác. Tuy nhiên, cần phải có những định hướng nhất định cho người đọc trong việc phân biệt tự truyện văn học và tự truyện ngoài văn học. Nếu không, nhiều sản phẩm thứ cấp núp dưới danh nghĩa “tự truyện” có thể làm nản lòng độc giả. Thậm chí, khi người đọc coi đó là những tác phẩm văn học thì nó còn có thể khiến cho họ quay lưng bước đi mà không bao giờ ngoái lại với văn học nữa. 

Rõ ràng, tự truyện không phải là độc quyền sở hữu của riêng nhà văn. Giống như nhật ký và hồi ký, trước khi trở thành tác phẩm văn học, tự truyện đã là hoạt động tinh thần tự thân của mỗi cá nhân. Người ta ai cũng có quyền và có thể viết tự truyện, hồi ký, nhật ký. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, công nghệ thông tin và mạng thông tin toàn cầu phát triển rất mạnh, việc viết tự truyện, hồi ký, nhật ký đang trở thành hoạt động không thể thiếu hàng ngày của rất nhiều người. Do vậy, theo tôi, một việc quan trọng trong nghiên cứu tự truyện là phải phân biệt được sự khác nhau giữa tự truyện và tự truyện văn học. Nói cách khác, cần phải chỉ ra rằng so với tự truyện thông thường, tự truyện với tư cách một tác phẩm văn học có những phẩm chất gì thể hiện sự vượt trội? 

Theo tôi, tự truyện như một thể loại văn học hay một tác phẩm tự truyện ngoài việc cần phải có những điểm khả thủ để phân biệt ở một mức độ tương đối với hồi ký, nhật ký, tiểu thuyết; cần phải đáp ứng được những yêu cầu để có thể phân biệt với một tự truyện chưa đạt đến trình độ tác phẩm văn học (cận văn học). Các yêu cầu cụ thể, theo tôi là: 

Thứ nhất, tự truyện thuộc hệ thống thể loại văn xuôi tự sự, nghĩa là có yếu tố “sự” và thao tác tự sự (narrative). Các sự kiện phải được xâu chuỗi, kết nối, liên hệ... tạo thành cốt truyện, qua đó thấy được “hình hài” của một con người, một cuộc đời, một số phận.

Thứ hai, từ câu chuyện có thật của cái “tôi” người viết, tác phẩm tự truyện phải đạt tới cái “chúng ta”. Nghĩa là, một tự truyện văn chương đích thực không phải chỉ là những câu chuyện vặt vãnh về cuộc đời của một cá nhân, tách rời những vấn đề lớn của xã hội, thời đại mà cái “tôi” ấy đã sống. 

Thứ ba, người viết tự truyện phải đảm bảo độ trung thực, đáng tin cậy của những sự thật được tiết lộ và phải thể hiện chúng trong tinh thần nhân bản. 

Thứ tư, tác phẩm tự truyện phải đảm bảo yếu tố kết cấu và ngôn từ có tính nghệ thuật.

 

2.

Trong nền văn học Việt Nam, so với các thể loại văn xuôi tự sự khác, tự truyện có một thành tựu khiêm tốn. Lý do là vì Việt Nam nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hán. Truyền thống văn hóa dựa trên nền tảng tư tưởng Nho gia đã hình thành nên ở người Việt tâm lý không ưa lộ diện mà thích kín đáo, muốn dấu mình. Cuộc tiếp xúc với phương Tây cuối XIX đầu XX và cuộc tiếp xúc rộng rãi trên phạm vi thế giới cuối XX đầu XXI đã làm thay đổi căn bản quan niệm về con người, về cái “tôi” trong nền văn học nước ta. Suốt gần một thế kỷ qua, tuy không chiếm vị trí quan trọng, nổi trội trong nền văn học, nhưng tự truyện đã có nhiều đóng góp đáng kể. 

 2.1. Tự truyện góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa văn học nhanh chóng đi vào chặng hoàn kết 

Nghiên cứu thể loại tiểu thuyết quốc ngữ ở chặng hình thành, chúng tôi nhận thấy tự truyện đã có dấu hiệu xuất hiện ngay từ tác phẩm văn xuôi tự sự quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazarô Phiền (Nguyễn Trọng Quản). Vào năm 1929, khi diện mạo văn học buổi giao thời còn ngổn ngang, bề bộn, tự truyện đích thực đã chính thức ra đời [1]. Đó là một sự xuất hiện mau lẹ và sớm sủa. Bởi vì, ý thức hệ phong kiến mà cốt lõi là tư tưởng Nho gia tồn tại hàng nghìn năm ở nước ta, đã hạn chế tối đa sự bộc lộ cái tôi cá thể. Trong khi đó tự truyện đòi hỏi phải thể hiện không chỉ những cái tôi riêng biệt, độc đáo, mà phải là cái tôi có thật, bằng xương bằng thịt. Do vậy, để thể loại ra đời, cần phải có sự “dọn đường”. Nhưng hành trình của tự truyện gần như đã song hành với hành trình của tiểu thuyết lãng mạn và Thơ mới. Điều đó chứng tỏ sức bật nảy, sức hấp dẫn của thể loại này. Đáng ngạc nhiên hơn nữa, hai nhà văn chính thức khai sinh ra tự truyện lại là hai nhà Nho được sinh ra từ cuối thế kỷ XIX: Tản Đà với Giấc mộng lớn và Phan Bội Châu với Phan Bội Châu niên biểu. Trong bối cảnh nền văn xuôi quốc ngữ đang trong giai đoạn phôi thai, sự xuất hiện sớm sủa này quả là rất có ý nghĩa. Nó góp phần khẳng định tính hiện đại của nền văn học. 

Ngoài việc dự phần vào hệ thống thể loại văn học hiện đại, tự truyện còn góp phần thúc đẩy các thể loại khác nhanh chóng hoàn kết quá trình hiện đại hóa, rõ nhất là thơ ca. Dù đã có những biểu hiện rất rõ nét của cái tôi cá thể trong thơ Tản Đà ngay từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, nhưng tự truyện vẫn ra đời trước “bài thơ mới đầu tiên”. Đó được xem là bài Tình già của Phan Khôi đăng trên Phụ nữ Tân văn số 122 ra ngày 18 tháng 3 năm 1932. Tuy nhiên, Tình già chỉ mới về mặt hình thức, nhất là hình thức câu thơ với những câu “dài lượt thượt” tới mười sáu âm tiết. Trong khi đó, Hoài Thanh nhận định: “Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa - hay thơ cũ - và thời nay - hay thơ mới - có thể gồm lại trong hai chữ tôi và ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi” [9; 52]. Mà nói như Trần Đình Sử: “Nét đặc trưng của nhà Thơ mới là một cái tôi tự biểu hiện” [8; 57]. Do vậy, hành động tự thuật đời tư trong Phan Bội Châu niên biểu và Giấc mộng lớn không thể nói là không góp phần thúc đẩy cái tôi “tự biểu hiện” của Thơ mới nhanh chóng ra đời. 

  2.2. Tự truyện góp phần làm phong phú, sâu sắc nội dung phản ánh của văn học qua các thời đại 

Trước hết, tự truyện làm phong phú nội dung phản ánh hiện thực của văn học. Giá trị hiện thực của văn bản tự truyện có những điểm khác căn bản so với các loại văn bản hư cấu. Ở dạng sơ khởi của nó, tự truyện là một hình thức tự thú để cân bằng tâm lí hay tự giải thoát cho một trạng thái cảm xúc mãnh liệt nào đó. Nhu cầu tự truyện của một người xuất hiện khi người đó muốn nói ra sự thật về chính bản thân mình. Nghĩa là chủ thể tự truyện đồng nhất với chủ thể sáng tạo, chủ thể mang tiểu sử nhà văn. Chủ thể tự truyện được qui ước như là người mang đến cho độc giả những sự thật. Do vậy, sự thực của tự truyện là sự thực được kiểm chứng. Điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn không nhỏ cho tác phẩm văn học, nhất là đáp ứng thị hiếu độc giả mà nhiều khi đến với tác phẩm văn học chỉ để thỏa mãn trí tò mò hoặc để giải trí. Có thể nói rằng, với sự nở rộ của tự truyện trong những năm gần đây, văn học đang dần lấy lại được sự chú ý của công chúng. 

Không chỉ đem đến cho độc giả những nội dung hiện thực hấp dẫn, nhiều sự thật được công khai trong tự truyện đôi khi còn góp phần thay đổi quan niệm về con người. Chẳng hạn, chuyện về thế giới đồng tính. Đề tài này vốn bị kiêng kị, né tránh bấy lâu nay. Nói đúng hơn, hầu như lâu nay xã hội ta vẫn chưa thể thừa nhận đây là một thực tế. Nhưng kể từ sau tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn nhận được giải A trong một cuộc thi do Hội nhà văn Việt Nam kết hợp với Bộ Công an tổ chức, nhiều người đọc gửi thư về tâm sự, chia sẻ cùng tác giả, tác phẩm trở thành mối quan tâm, lời đồng vọng đối với nhiều người, thì vấn đề bắt đầu được chú ý. Nhưng dù sao cuốn sách của Bùi Anh Tấn vẫn là một tiểu thuyết, nghĩa là người đọc mặc nhiên hiểu rằng ở đó có nhiều phần hư cấu, sắp đặt của tác giả. Do vậy, phải đến khi Bóng (Tự truyện của Nguyễn Văn Dũng, Hoàng Nguyên - Đoan Trang chấp bút) và Không lạc loài (Tự truyện của Phạm Thành Trung, Lê Anh Hoài chấp bút) ra đời, người ta mới nhìn nhận vấn đề như là một hiện thực không thể chối bỏ, một hiện thực đang hiện hữu hàng ngày ở những con người bằng xương bằng thịt. Bởi đó là những sự thật được nói ra từ người trong cuộc, người đồng tính tự nói về giới mình. Sự thay đổi trong quan niệm về hiện thực đó, hiển nhiên dẫn tới những thay đổi trong quan niệm về con người. Người đồng tính nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ cộng đồng có thể công khai giới tính của mình để sống tự tin và có ích hơn, do vậy còn có thể hạn chế được nhiều tệ nạn cho xã hội. Từ góc nhìn chức năng văn học, những tự truyện về đề tài này không chỉ thực hiện được chức năng nhận thức mà còn chứa đựng cả chức năng cảnh báo. 

Nhà văn Thạch Lam đã từng phát biểu rất thấm thía rằng: “Viết văn về vấn đề gì thì viết, nhà văn cốt nhất phải đi sâu vào tâm hồn mình, tìm những tính tình và cảm giác thành thực: tìm thấy tâm hồn mọi người qua tâm hồn của chính mình, đi đến chỗ bất tử mà không tự biết” [3]. Trong qui luật sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ càng đi sâu vào đời sống tinh thần của chính mình thì tác phẩm càng có sức khái quát sâu rộng. Đào sâu cái tôi bản thể, tự truyện không chỉ nói được những câu chuyện của cá nhân. Đi đến tột cùng đời sống của mỗi cá nhân, nhiều tác phẩm tự truyện đã khái quát được những vấn đề căn bản của đời sống xã hội qua mỗi thời đại. Hành trình từ cái “tôi” đạt tới cái “chúng ta” chính là qui luật khái quát hóa hiện thực của tự truyện. Lịch sử văn học đã cho thấy, nhà văn nào càng phong phú, giàu có về tâm hồn và luôn có ý thức khai thác cái chiều sâu tâm hồn ấy một cách nghiêm túc, thì càng thành công trong sự nghiệp cầm bút. Điều này rất đúng với tự truyện. Và các tác giả Phan Bội Châu, Tản Đà, Lan Khai, Nam Cao, Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Dạ Ngân... là những người đã thực sự thành công. Sống mòn (Nam Cao) chỉ kể một câu chuyện rất riêng tư của một con người cụ thể (chuyện của Thứ với việc làm, miếng cơm, manh áo để mình và vợ con được sống...), nhưng từ câu chuyện của cá nhân ấy, tác phẩm có sức khái quát một vấn đề rất lớn không chỉ của một thời đại: Vấn đề con người cần phải được đảm bảo những nhu cầu vật chất tối thiểu trước khi có thể phát triển được những năng lực nhân tính. Gia đình bé mọn (Dạ Ngân) gần như chỉ tập trung kể lại lai lịch và số phận một con người với cuộc đời riêng đầy sóng gió (Mỹ Tiệp - một nữ văn sĩ miền Nam say mê nghề nghiệp, có nhan sắc, giàu cá tính, nội tâm sâu sắc; đã dũng cảm vượt lên trên dư luận và buộc ràng, từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu theo tiếng gọi của tình yêu đích thực, để lại luôn bị dày vò vì nỗi đã “bỏ vãi các con ở xa mình hàng nghìn cây số để đi lấy chồng”). Nhưng phía sau câu chuyện đời tư chứa chan cảm xúc tự thú ấy, cả một tấm phông rộng lớn của thời bao cấp đã hiển hiện, rõ rệt đến từng chi tiết. 

  2.3. Từ phương diện trần thuật, việc sử dụng điểm nhìn nội quan trong tự truyện mở ra một phương thức trần thuật rất mới mẻ so với văn xuôi tự sự truyền thống 

Văn xuôi tự sự truyền thống chỉ quen kể mà ít tả. Việc kể chủ yếu thiên về kể sự, nên điểm nhìn trần thuật thường là từ bên ngoài. Ngôi kể do vậy chủ yếu là ngôi thứ ba. Khi nền văn xuôi quốc ngữ hình thành, những tác phẩm đầu tiên sử dụng điểm nhìn trần thuật ngôi thứ nhất đã phải dùng hình thức truyện trong truyện. Đó là: Thầy Lazarô Phiền (Nguyễn Trọng Quản), Oan kia theo mãi (Lê Hoằng Mưu), Sổ đoạn trường (Nguyễn Thành Long), Đoạn nghĩa tóc tơ (Nguyễn Hữu Tình), Cành hoa điểm tuyết (Đặng Trần Phất), Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Phồn hoa mộng tỉnh (Dương Tự Giáp), Chiếc xuyến vàng (Nguyễn Văn Thao)... Các tác phẩm này thường có hai tầng trần thuật: một người xưng “tôi” là nhân vật trung tâm của truyện đóng vai người kể gián tiếp và một người xưng “tôi” hay “ký giả” thường được ngầm hiểu là tác giả đóng vai trò người dẫn dắt, khơi gợi, đưa nhân vật trung tâm vào một trạng thái đầy xúc động rồi tự kể câu chuyện của mình. Sau đó, nhân vật xưng “tôi” hay “ký giả” thuật lại cuộc gặp gỡ giữa hai người và “chép lại” câu chuyện của người kể gián tiếp gửi đến độc giả. Như vậy, câu chuyện của nhân vật vẫn phải đến với người đọc qua một đường vòng, không trực tiếp. Ngoài những tác phẩm có xuất hiện hình thức trần thuật ngôi thứ nhất kể trên, phần lớn các tác phẩm tự sự đầu thế kỷ XX vẫn sử dụng điểm nhìn trần thuật ngôi thứ ba. Người kể vẫn đóng vai trò người kể “toàn tri”, biết trước mọi đường đi nước bước của nhân vật. Truyện vì thế nhiều khi nhạt nhẽo, hời hợt, kém hấp dẫn... 

Với sự xuất hiện của tự truyện, điểm nhìn trần thuật có sự thay đổi cơ bản. Người kể chuyện lúc này không đóng vai trò của người ngoài cuộc biết tuốt, mà tham dự trực tiếp vào các biến cố của cốt truyện, thậm chí trùng khít hoàn toàn với tác giả. Lúc này, câu chuyện cuộc đời của nhân vật được trình bày từ điểm nhìn của người trong cuộc. Những tác phẩm như Phan Bội Châu niên biểu (Phan Bội Châu), Giấc mộng lớn (Tản Đà), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng)... đã đáp ứng được mong mỏi của công chúng đầu thế kỷ XX về những câu chuyện “giống như cuộc đời thật” - một trong những nhu cầu mới nảy sinh trong môi trường văn hóa đô thị. 

Ở một số tự truyện - tiểu thuyết giai đoạn 1930-1945 và từ sau 1975, tuy nhà văn có dùng các thủ pháp hư cấu, khách thể hóa nhân vật trung tâm thành những nhân vật trong truyện ngôi thứ ba, nhưng điểm nhìn trần thuật vẫn là điểm nhìn của người trong cuộc, điểm nhìn nội quan. Bởi vì không hề khó khăn với độc giả để nhận ra rằng họ chính là hình bóng của nhà văn. Chẳng hạn các nhân vật Thứ (Sống mòn), Khải (Mực mài nước mắt), rồi Tự (Đám cưới không có giấy giá thú), Tuấn (Chuyện kể năm 2000), Tiệp (Gia đình bé mọn)... Nhãn quan cá nhân cộng với tinh thần tự phân tích, mổ xẻ nội tâm đã đem đến cho các tác phẩm này chiều sâu hiện thực và nhân bản mà không phải tác phẩm thuộc loại tự sự nào cũng có được. 

 2.4. Tự truyện còn góp phần quan trọng trong nghiên cứu nhà văn bằng phương pháp tiểu sử 

Ngay từ đầu thế kỷ XX, nói về Giấc mộng lớn của Tản Đà, Lê Thanh đã tiên lượng: “Nó có thể gọi là tập ký ức viết bằng quốc văn thứ nhất của ta (...) sau này sẽ tất có giá trị cho ai muốn khảo cứu về thân thế văn chương của ông” [10; 25]. Quả đúng là như vậy! Nghiên cứu về Tản Đà, nhiều nhà nghiên cứu đã coi Giấc mộng lớn là tài liệu quan trọng về tiểu sử tác giả và hơn thế là chứng cứ về lịch sử hình thành của “cái tôi” nhà văn. Tiêu biểu là cuốn giáo trình Văn học Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỷ XX [14]. Trong Chương V viết về “Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu”, những dấu ấn của cuốn tự truyện Giấc mộng lớn không chỉ thể hiện rất rõ nét trong mục “Tiểu sử và quá trình sáng tác” mà xuất hiện suốt cả chương sách. Tác giả công trình cũng có cách làm tương tự như vậy đối với phần nghiên cứu về tác gia Phan Bội Châu. Tuy nhiên, với Phan Bội Châu niên biểu, ngoài tác dụng trong nghiên cứu sự nghiệp văn học của tác giả, tự truyện này còn có vai trò đặc biệt trong việc nghiên cứu lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. Theo Chương Thâu, cụ Huỳnh Thúc Kháng là người đầu tiên được tiếp xúc với tác phẩm, đã khẳng định: “Tập “tự phán” này, chính Cụ Phan tự viết chuyện Cụ, đáng là một tấm họa truyền thần chiếu ra cái phản ánh từng giai đoạn lịch sử nước nhà trong khoảng sáu, bảy mươi năm qua... Cụ chép những việc làm, từ điều sở trường có thể tự tín và điều sở đoản có chỗ tự hối, chân tướng thế nào kể ra thế ấy, tuyệt nhiên không hề phô điều tốt mà che điều xấu tí nào” [12; 307]. Với các nhà nghiên cứu lịch sử và văn học, đó thực sự là một “tài liệu gốc rất quý”.

 

3. Dù có những đóng góp quan trọng như vậy, nhưng với yêu cầu bộc lộ con người thật của người viết, tự truyện ở nước ta vẫn gặp phải không ít rào cản. 

Đối với chủ thể sáng tạo: Khó khăn lớn nhất vẫn là, nhiều người không đủ can đảm để nói lên tất cả sự thật về bản thân mình. Do vậy, người viết tự truyện ở ta hiện nay đang phải đứng trước hai sự lựa chọn. 

Một là, nếu công khai danh tính, người viết không đủ can đảm để “phơi bày” tất cả sự thật về đời mình. Câu chuyện về ảnh hưởng của cuốn Lê Vân yêu và sống đến nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa là một ví dụ. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Việt Báo, Phan Huyền Thư - con gái nghệ sĩ Thanh Hoa, nói: “Nói chung, sau cuốn tự truyện của chị Lê Vân, đang có nhiều nguồn dư luận khác nhau. Mẹ tôi cũng đang tính lại”. Và dù chưa đọc tự truyện của mẹ, Phan Huyền Thư vẫn đầy dự cảm lo âu: “Ở tuổi của mẹ tôi, viết tự truyện không phải để nổi tiếng nữa, không phải để mua danh nữa, mà chỉ đơn giản là muốn chia sẻ. Mẹ muốn chia sẻ để được gần hơn với khán giả của mình. Nhưng, nếu vì được đến gần hơn khán giả, mà mẹ chấp nhận cách xa những người thân, thì đó là quyết định của mẹ. Nếu mẹ muốn sau cuốn tự truyện, mẹ lui về sống trong cô đơn, thì đó là lựa chọn của mẹ. Mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm, tự trả giá cho mỗi việc làm của mình” [13]. Có lẽ vì những áp lực tinh thần như thế mà mặc dù đã rất sẵn sàng: “... đã viết ra thì phải là sự thật và tôi cũng cần được nhẹ lòng! Nếu người thân thông cảm được thì tốt, còn họ không chia sẻ thì tôi cũng đành chịu” [11], Thanh Hoa vẫn phải chùn bước. Cuốn tự truyện không được công bố, Thanh Hoa cuối cùng đã phải tự gặm nhấm nỗi cô đơn bằng một niềm an ủi: “Biết giữ bí mật chính là biết hưởng thụ nỗi cô đơn và cũng là để không làm tổn hại đến người khác. Giữ bí mật để không làm tổn hại đến thế giới thì hơi ghê. Tôi chỉ là người phụ nữ nhỏ bé. Cách làm trong sạch của tôi chỉ là tự mình gặm nhấm nỗi cô đơn của mình để không phải chia sẻ với ai, chỉ mình mình biết và gánh lấy mà thôi. Ai càng dấu được nỗi cô đơn cho mình thì càng giàu có về tâm hồn” [7]. Cho đến nay, câu chuyện về việc Thanh Hoa viết và công bố tự truyện đã hoàn toàn im ắng. Nỗi mong chờ của độc giả về một cuốn tự truyện công khai những bí ẩn đời tư của một nghệ sĩ nổi tiếng đã nhiều phần vô vọng. 

Hai là, nếu dũng cảm nói tất cả sự thật, người viết tự truyện phải núp dưới một danh nghĩa khác hoặc một cái tên khác. Câu chuyện về cái tôi người viết sẽ phải thêm phần hư cấu, tưởng tượng. Tất nhiên sự thật được trình bày trong một cái vỏ hư cấu nhiều khi trở nên thú vị hơn cả bản thân nó. Nhưng đó là chuyện thuộc lĩnh vực khác. Xét về bản chất thể loại, tự truyện lúc này không còn là chính nó. 

Đối với chủ thể tiếp nhận: Cũng do môi trường văn hóa, người Việt thường có tâm lý “Đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, không thích “vạch áo cho người xem lưng”. Do vậy, những chuyện đời tư, cá nhân đôi khi không mấy tốt đẹp vẫn khó được tiếp nhận trong một trạng thái tâm lý hoàn toàn thoải mái. Thậm chí, nhiều người đọc còn phản ứng rất gay gắt trước những tự truyện như kiểu Lê Vân yêu và sống. Khắc phục tâm lý này, đồng thời cần nâng cao nhận thức của người đọc trong quan niệm về tự truyện như một thể loại văn học, thì những giới hạn của thể loại may ra mới được giải quyết. Tại sao không thể tiếp nhận nhân vật tự truyện chỉ như những nhân vật trong các thể loại văn học khác? Bởi khi câu chuyện của một cá nhân được đưa vào tác phẩm văn học, nó đã có một số phận riêng, một đời sống riêng. Nếu người đọc tiếp nhận những sự thật ấy như là câu chuyện của một con người đã trở thành một nhân vật văn học, thì việc tiếp nhận sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều, tránh cho người kể những ngại ngùng không cần thiết. 

Trong thực tế, sự thay đổi tâm lý tiếp nhận chỉ mới thấy ở một bộ phận rất nhỏ những người làm nghề văn. Giá như có nhiều hơn nữa những độc giả tiếp nhận tự truyện của Lê Vân với tinh thần của Bảo Ninh, thì tôi tin chắc tự truyện Việt Nam không chỉ dừng lại ở những gì ta đã thấy. Trên Văn nghệ Trẻ, Bảo Ninh viết: “Sau khi đọc một mạch đến dòng cuối tự truyện Lê Vân yêu và sống, suy nghĩ đầu tiên của tôi là muốn có lời xin lỗi mấy ông nhà văn ở Nhà xuất bản Hội, ông Trung Trung Đỉnh chịu trách nhiệm bản thảo và ông Tạ Duy Anh biên tập. Bởi vì thú thực là khi chưa đọc, chỉ mới cầm cuốn sách lên giở qua, thấy tên hai ông ấy ở bìa sau tôi đã có ngay trong đầu một sự chỉ trích: Quái thật, cái gì cũng in, thế mà cũng là nhà xuất bản của giới nhà văn! Dù mới là trộm nghĩ thế thôi chứ chưa nói ra lời với ai, tôi vẫn thấy chán cho mình vì đã nghĩ vậy. Một ý nghĩ hoàn toàn vô căn cứ mà nặng nề định kiến làm sao, nông nổi và cạn xợt lại già cỗi làm sao” [6]. Tuy nhiên, nhìn nhận theo cách của Bảo Ninh về tự truyện, ở ta hiện nay vẫn còn là hiếm. Và nếu vấn đề này không được giải quyết, tự truyện sẽ mãi nương nhờ dưới cái bóng của tiểu thuyết. Khả năng độc lập của thể loại để hướng tới những tác phẩm lớn đóng góp vào sự phát triển của nền văn học là rất hạn chế. 

Thanh Hóa, 2010. 

 _________

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Lê Tú Anh, “Phan Bội Châu niên biểu (Phan Bội Châu) và Giấc mộng lớn (Tản Đà) - Những bước đi đầu tiên của tự truyện Việt Nam”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Số 12/2010, tr. 8-16. 

2. Bùi Mai Hạnh - Lê Vân, Lê Vân yêu và sống, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006. 

3. Thạch Lam, Theo giòng, Nxb Đời Nay, 1941. 

4. “Ngao ngán tự truyện người nổi tiếng”, Nguồn: http://megafun.vn/tin-tuc/nghe-thuat/hau-truong/201008/Ngao-ngan-tu-truyen-nguoi-noi-tieng-92078/ 

5. “Nghề viết tự truyện thuê”, Nguồn: http://vietbao.vn/Viec-lam/Nghe-viet-tu-truyen-thue/40173510/267/ 

6. Bảo Ninh, “Cảm nhận đọc tự truyện Lê Vân”, Văn nghệ Trẻ, Số 45/2006. 

7. “NSND Thanh Hoa: Cuốn tự truyện để ngỏ”, nguồn: http://giadinh.net.vn/28513p0c1003/nsnd-thanh-hoa-cuon-tu-truyen-de-ngo.htm 

8. Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Văn hóa - Thông tin (tái bản lần thứ ba), Hà Nội, 2001. 

9. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (In theo bản in lần đầu Nguyễn Đức Phiên xb năm 1942), Nxb Văn học, Hà Nội, 1988. 

10. Lê Thanh, Nghiên cứu và phê bình văn học, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb Hội Nhà văn - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2002. 

11. “Thanh Hoa viết tự truyện”, nguồn: http://dantri.com.vn/c23/s23-149453/thanh-hoa-viet-tu-truyen.htm 

12. Chương Thâu – Trần Ngọc Vương (giới thiệu và tuyển chọn), Phan Bội Châu về tác gia và tác phẩm (tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003. 

13. Phan Huyền Thư: “Tôi đã đau lòng trong bao nhiêu năm…”, Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s23-154042/phan-huyen-thu-toi-da-dau-long-trong-bao-nhieu-nam.htm 

14. Trần Ngọc Vương (chủ biên) (2010), Giáo trình văn học Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỷ XX, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 6679)
Cả một dân tộc, một đất nước đã từng là nô lệ. Bị nhốt chung trong cái cũi khổng lồ ấy nào là những nông nô, công nô, binh nô, trí nô và vân vân nô
25 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 8195)
... sự ra đời của Lửa Thiêng đã khẳng định một ngôi vương của ông trên thi đàn, bởi xét về tính hoàn chỉnh thì đây là tập “chín” nhất thời đại .
15 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 9063)
Năm 1991, sau khi công bố phát hiện Vương Bột tử nạn nơi nào !? ở báo Văn Nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh lúc đó là Tổng biên tập của báo đến nhà chúng tôi ở Sài Gòn chơi
12 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 9948)
Khi tôi sinh ra, đất nước đã chia đôi. Lớn lên, tôi yêu mến miền Nam nhưng cũng nhớ thương miền Bắc. Lạ. Người ta có thể nào nhớ một điều mà mình không biết?
04 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 7291)
Tôi viết bài tham luận nhỏ này trong tâm thế người trong cuộc. Vì thế, nếu có chút ít phê phán đối tượng văn học trẻ, thì đấy cũng là chính tôi đang tự phê phán chính mình
25 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 8192)
Nam Cao rất có tài, rất có tâm, song chưa thể là nhà văn tầm cỡ. Riêng điều ấy đã là một nỗi buồn lớn!
23 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 23946)
Ngay từ khi xuất hiện trên Thi đàn, và lúc trở thành một trong Bát Tú (của Tự Lực Văn Đoàn) - người yêu thơ Xuân Diệu cứ vương vấn câu hỏi
18 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 8859)
Đã 45 năm nhưng có những kỷ niệm vẫn như in trong đầu, tưởng chừng như vừa mới xảy ra…
30 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 5812)
Tôi cũng như nhiều đứa trẻ lớn lên ở vùng quê hẻo lánh nghèo nàn thời chiến tranh chưa từng được cầm lồng đèn tung tăng rước qua đường phố những đêm trăng rằm Trung Thu
25 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 8168)
Có lần, trong một hội thảo văn thơ, một nhà thơ nổi tiếng của giòng Thi Ca Tiền Chiến đã nói:
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 621)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 993)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1182)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22474)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19187)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11071)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30722)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20819)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31961)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,