Một số lời bình về bài thơ "Chia" của Nguyễn Trọng Tạo

23 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 19965)
Một số lời bình về bài thơ "Chia" của Nguyễn Trọng Tạo

 


Chia

chia cho em một đời tôi
một cay đắng
một niềm vui
một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai 

chia cho em một đời say
một cây si
với
một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô 

chia cho em một đời thơ
một lênh đênh
một dại khờ
một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm

(Trích trong tập ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN-NXB Văn học-1994)


LỜI BÌNH CỦA INRASARA: Bài thơ CHIA của Nguyễn Trọng Tạo – cú hích cho lục bát Việt.

Chia như thế thì không còn chia nữa, mà là cho. Cho hết. Cho để tôi chỉ còn vỏ chai, tôi héo khô, tôi xác không hồn. Một tôi không gì cả. Lối nói “một, một” có thể chỉ là thủ pháp nghệ thuật.

Nhưng hay hơn nên hiểu là cái Một nguyên vẹn, cả khối. Có số đếm là có kể (công nợ). Nhưng số đếm ở đây không giống của kế toán bán buôn so kè: cho đi mong thu về cái lãi. Của thi sĩ là không thu gì cả, hay thu về không gì cả. Còn hơn không gì cả – một số âm. Nhưng nếu được phép làm lại từ đầu, anh sẽ lặp lại như thế. Và như thế cho hết một đời thơ, một đời người.

Đâu phải thể thơ cũ hay vần vè là không thể mới. Mới với hình ảnh mới, lối nói mới: Tôi còn vỏ chai, không phải tôi sở hữu những vỏ chai trống trơn, khô khốc! Tôi về héo khô, là héo khô của một đời cây thu phối không gì khác ngoài mầu mỡ của đất, mưa nắng của trời để tận hiến cho người đời hoa trái. Mới, bằng xếp đặt ngôn từ mới. Nhà thơ thoải mái vi phạm quy tắc văn phạm thông dụng: sau số từ (“một”) không chỉ là danh từ mà còn là một tính từ, động từ, thậm chí một đại danh từ. Và mới, nhất là nhịp điệu mới: nhịp điệu tạo nên bài thơ, nhịp điệu mới lạ làm nên bài thơ mới và lạ. Lạ, ở đây Nguyễn Trọng Tạo vận dụng nhịp điệu lạ ấy vào trong chính thể thơ truyền thống, thể lục bát – một thể thơ rất khó tạo được cái lạ – bằng ngắt nhịp và tách dòng. Và anh đã thành công!

Với “Chia”, Nguyễn Trọng Tạo đã tạo được cú hích cho lục bát Việt một chuyển động đáng kể.

 

LỜI BÌNH CỦA VÂN ĐÌNH HÙNG: Chia nỗi đam mê

Bài thơ CHIA cuối tập Đồng dao cho người lớn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã khép lại những âm hưởng đồng dao, đồng vọng làm người đọc không biết chúng từ trời cao vọng xuống hay từ dưới đất bật lên. Dư vị chia cho em vừa ngọt ngào vừa đắm say đã cuốn hút bạn đọc yêu thơ anh.

Bài thơ có ba khổ gieo vần lục bát truyền thống, mặc dù cách trình bày và cách ngắt dòng làm hình thức câu thơ mới hơn. Có lẽ điều này làm cho nhịp bài thơ như có đảo phách chênh vênh.

Nhà thơ muốn xẻ chia cùng nàng thơ và nhân ảnh vời xa của mình một niềm đam mê, băn khoăn được hiện ra trong những câu sáu giản dị; không ồn ã, cứ chầm chậm với nhịp đôi, nhịp ba mát mái:

chia cho em/ một đời tôi
… tôi còn/ cái xác/ không hồn
chia cho em/ một đời say
… tôi còn/ đâu nữa/ đam mê
chia cho em/ một đời thơ
… chỉ còn/ cỏ mọc/ bên trời

Nếu cho em cả đời tôi, và niềm vui lại nằm giữa cay đắng và buồn, em có dám chọn lựa để nhận lấy một phần ba gia tài của thi nhân? Gia tài này chứa trong ba chữ cuối của ba câu sáu: tôi_say_thơ, được ban phát hào phóng cho người đọc đồng dao những gói quà nhỏ xinh, xếp ngay ngắn trên chiếu cói cạp điều trải rộng.

Băn khoăn của nhà thơ khi chia đời say, gửi vào câu tám liền đó như tiếng sét khô giữa chang chang trời nắng. Luồng điện được dẫn nhanh, lan truyền tới bạn đọc đa cảm không kịp phản ứng thì mọi việc đã an bài! Có lẽ nhân ảnh tự nhiên rạo rực bất thần khi nhận được lời hứa tặng một cây si/ với/ một cây bồ đề của anh chăng? Cây si là của nhà thơ là cái chắc, cây bồ đề là quả thực chia cho đói phương, chỉ mọc ở sân chùa và những người tu hành là hợp. Có gì nhắc khéo xa xôi cho cuộc tình với thi nhân chăng? hay như một sự thách đố nhỉ. Từa tựa lời giãi bày: yêu anh em sẽ khổ! Một cây… rồi lại một cây sự dè sẻn lúc chia bôi thế này thật cần thật kiệm. Nhưng nhìn mãi vào câu thơ với tên hai loài cây mà tác giả đưa ra, ta chợt thấy đấy là một sự chơi chữ đầy lý thú. Cây si hay là tình si? Cây bồ đề hay là tâm Phật?. Si mê và tu hành là một vế đối khá bất ngờ, nó gợi liên tưởng về hai phía của con người. Và anh đã tặng cả cho em, cả niềm si mê lẫn tâm Phật từ bi.

Đời thơ của một thi nhân khi được nàng thơ chấm lính bắt đồng, lập tức rơi vào cõi u minh. Những người thơ đánh mất sự ngu ngơ ít khi có được một câu thơ xuất thần, ngôn truyền. Hành trình sắp đặt con chữ của họ trở nên gượng ép, có khi lại được đánh bóng quá mức cần thiết.

Chia tới lần thứ ba là cháy hết mình, cho đến khi trời chang nắng tôi về héo khô. Ở lần chia cuối, người tình nhân ảnh nhập vàomột lênh đênh một dại khờ một tôi. Có tới ba chữ một để diễn đạt biểu cảm và tương quan giữa người viết và thơ, để cho có âm có dương giữ thăng bằng cho chính nghiệp thơ của anh. Thăng bằng rồi là dâng trao nốt, trao hết, thăng bằng rồi mới được lênh đênh…

Và không cần biết có được em chấp nhận hay không? Chỉ biết đời anh đã chia hết cho em. Và đến khi anh đã nằm dài dưới cỏ (chỉ còn cỏ mọc bên trời) thì vẫn còn tỏa hương về phía em qua một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm. Hình tượng bặt ngưng vừa lắng xuống thì tứ thơ vụt bay mà không tắt. Bởi cõi chia anh được tắm gội tẩy rửa bằng hương mưa đầu mùa, hương chia tự nhiên bật mở, ngát mùi đồng nội tươi trong.

Cuối thu Canh Thìn – Vân Đình Hùng

 

HOA NIP: “Không thể chối bỏ được Chia là một viên đá quý trong thơ Nguyễn Trọng Tạo. Chính nó phần nào làm nên danh xưng nhà thơ cho tác giả. Những tập thơ in chung, nếu có Nguyễn Trọng Tạo, không thể vắng Chia. Hình tượng “một cây si với một cây bồ đề” thể hiện độ chín trong thơ ông. Nó vừa tinh tường, vừa hóm hỉnh”.

 

THÔN NHÂN PHẠM: ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN SAU KHI ĐỌC BÀI THƠ “CHIA” CỦA NHẠC SỸ- NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO

Tôi được nghe bài thơ này qua bài hát “MỘT DẠI KHỜ MỘT TÔI” do nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc. Nay mới được đọc nguyên bản bài thơ đó. Nhưng trong ca khúc lại không thấy có câu: tôi còn cái xác không hồn cái chai không rượu tôi còn vỏ chai . Mà câu đó, theo tôi chính là phép CHIA HẾT không dư của một tuýp người. Có một dấu hỏi lẩn quất trong tôi: Nếu chỉ chia, mà không nhận thì sao nhỉ? Đến hôm nay, đọc nguyên bản bài thơ, câu trả lời được tỏ hơn: tôi còn cái xác không hồn cái chai không rượu tôi còn vỏ chai .

Vậy thì, những tuýp người nào sẽ chia hết khi yêu? sao không chia một phần hay một nửa, hay một phần ba thôi nhỉ? chia cho em một đời tôi một cay đắng một niềm vui một buồn . Thế là chia hết phần tinh thần của con người trong đời sống thường nhật: Cay đắng, Vui, Buồn. Ngoài phần tinh thần thông thường là vui, buồn, cay đắng, con người còn có phần hồn vô hình khác cao hơn, đó là ” đam mê và lý tưởng”. Và tuýp người đam mê đó khi yêu sẽ chia hết cả Đời yêu: chia cho em một đời say một cây si với một cây bồ đề. Ai đã có cái say, cái đam mê, thì ngoài việc trồng “Cây si” trước người mình yêu dấu, còn trồng “cây si” trước sự nghiệp, trước lý tưởng mà mình tôn thờ. Anh kỹ sư hoá trồng cây si trước các phản ứng hoá học, Anh kĩ sư điện tử trồng cây si trước các bo mạch. Bác thợ mộc trồng cây si trước các bức trạm khắc,v.v…Đó là tuýp người có tâm hồn nghệ sỹ. Và những người này đều tu luyện dưới gốc “BỒ ĐỀ” lý tưởng mà mình tôn thờ. Galilê, Copecnic … sẵn sàng chết trên giàn thiêu vì tình yêu, vì cây BỒ ĐỀ của họ. Và đó lại là phép chia hết mà bài thơ đề cập đến.

Trong một con người còn có phần “Thơ” nữa. Đó là phần bay bổng, phần mơ mộng, phần hư ảo, phần dại khờ… của con tim. Thế mà: chia cho em một đời Thơ một lênh đênh một dại khờ một tôi. Và phần này đưa con người bay khỏi cõi thực. Nó lênh đênh, nó bay bổng, nó đam mê, nó dại khờ, và nó làm ta “SAY”. Chính nó đưa con người đến sự chia hết mình như vậy. Cái sự chia hết đó có làm con người ấy lăn tăn không? Tôi khẳng định rằng :KHÔNG! Điều đó được minh chứng qua ngôn từ của toàn bài thơ. Không một lời hối tiếc, không một từ than thở, mà ngược lại cả bài còn toát lên một sự bình tĩnh cộng thêm chút tự trào tràn ngập tình người dù pha chút buồn buồn. Nhịp điệu và vần điệu trong bài cũng cho ta thấy lối tâm sự bình tĩnh, nhỏ nhẹ, pha chút tự trào trong nhịp dồn dập và dứt khoát, toát lên sự từng trải đầy lý trí, nhưng với đam mê thì thả cho bay bổng dại khờ, sẵn sàng xả thân.

“Lục bát dễ làm,khó hay” Vậy mà, với thể thơ truyền thống này nhà thơ đã làm mới bằng những phá cách: Sắp đặt ngôn từ trong câu không coi trọng những quy định ngữ pháp mà theo nhịp tư duy và ngôn ngữ thơ: chia cho em một đời Thơ/ một lênh đênh/ một dại khờ/ một tôi, v.v… Và với cách ngắt nhịp, tách dòng đã tạo nên nhịp điệu của lối thơ hiện đại tuôn chảy theo tứ thơ, theo dòng tư duy của nhà thơ nhưng vẫn tròn trĩnh Lục Bát.

Xu thế của thơ hiện nay đang chuyển dịch cách thể hiện từ NGÂM sang ĐỌC, như cách đọc của thơ phương Tây. Lối thơ chảy cuồn cuộn theo mạch tư duy, lấy ý và tứ làm chính, coi nhẹ vần điệu, thực tình khó ngâm theo các lối ngâm truyền thống! Và khó thuộc lòng dù rất sâu sắc và hay! Với bài “CHIA” của nhạc sỹ- nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tuy nhiều sáng tạo từ hình thức đến ngôn từ, cách ngắt nhịp… nhưng Lục Bát vẫn nhuần nhuyễn có thể ngâm như ngâm Kiều, hay hát Xẩm vẫn ngọt ngào. Còn ĐỌC thì càng dễ dàng thể hIện tình cảm của bài thơ. Hóa ra lối thơ lục bát truyền thống vẫn có thể làm mới và truyền tải được hơi thở hiện đại.

 

LỜI BÌNH của Lương Đình Khoa:

Ngay từ những câu hát đầu tiên, nhạc sĩ Phú Quang đã cho người nghe thấy được sự nồng nàn và say đắm khi sẵn sàng dâng hiến và hy sinh tất cả cho tình yêu trong trái tim mình, một đời sẵn sàng chia sớt mọi cay đắng lẫn buồn vui khi yêu…

Cuộc đời, mỗi người chỉ một, chỉ một để cảm nhận hết những hạnh phúc thoáng chút cay đắng đan xen, hòa quyện lại trong một đời sương gió.

“Chia cho em một đời say” là chia cả những tháng năm tuổi trẻ hồn nhiên tươi đẹp nhất của cuộc đời đang độ chín và phơi phới tin yêu. Ở đó có sự chồng chéo những cảm xúc rất trần gian – của đam mê và thánh thiện khi chia cho em “một cây si với một cây bồ đề”…

“Tôi còn đâu… còn đâu đam mê
Trời chang chang nắng… tôi về héo khô…”

Giọng hát Ngọc Anh vút lên, thiết tha đến bàng hoàng và đầy xúc động… Tình yêu, sự say mê trong tâm hồn nhân vật tràn đầy và mãnh liệt quá. Nó dồn nén, khắc khoải trong lòng bấy lâu, giờ vỡ òa ra trong một lời tự vấn.

Ai đã san sẻ, đã “chia cho em” cả “một đời tôi”, “một đời xanh” – chia hết những đam mê nồng nàn và say đắm trong đời – giờ còn lại chút gì cho riêng tôi gói gém lại để bước đi tiếp giữa cuộc đời này không? Sao chỉ thấy một vòm trời “chang chang nắng” và tôi như loài cỏ dại gầy guộc, héo hon trên con đường về?

Hình như sau câu hát ấy là sự lấp lánh của những giọt nước mắt? Giọt nước mắt của hai trạng thái cảm xúc song song tồn tại: hạnh phúc khi được “chia cho em” những gì mà một đời tôi có thể và những cô đơn, hụt hẫng khi chỉ còn tôi một mình lặng lẽ, ngẩn ngơ đi giữa cuộc đời khi lòng vẫn còn thắp đầy đam mê…

“Chia cho em… một đời thơ
Một đam mê… một dại khờ… một tôi…”

Âm điệu câu hát bỗng chùng xuống, chậm buồn, vẽ lên chiếc bóng chênh chao đổ dài trên con đường tình trôi chảy như sông – xa dần vòng tay với… Mình đã chia đi tất cả, từ bỏ tất cả nhưng cái duy nhất được nhận lại chỉ là “một tôi” đơn lẻ và “một dại khờ” ngẩn ngơ giữa đất trời, với biết bao vui buồn lẫn lộn trên những điều nhận – chia, để rồi bất giác chợt tỉnh, quay trở lại với hiện thực chông chênh:

“Chỉ còn cỏ mọc bên trời
Một bông hoa nhỏ, lặng rơi ướt đời…”

Sau biết bao ngu ngơ dại khờ của sự mê đắm, còn lại cho tôi là những điều vu vơ và mỏng manh như sương khói, ngỡ như chỉ một chút gió xô nhẹ cũng dễ dàng tan biến vào hư vô…

Ngọc Anh hát với tất cả sự nồng nàn, si mê và say đắm, như con tằm rút ruột nhả tơ để rồi lời tự vấn “Tôi còn đâu… còn đâu đam mê / Trời chang chang nắng… tôi về héo khô…” cứ hoài vang vọng, réo rắt, âm ỉ mãi …

Chậm chậm mà rất ngấm, không réo rắt mà êm đềm, Một dại khờ, một tôi của Phú Quang tựa dòng suối lặng chảy vào tâm can – để ta soi thấy mình trong đó, đớn đau và tay trắng, dại khờ và si mê…

 

NGUYỄN TRỌNG TẠO TRẢ LỜI THƯ THẦY GIÁO DẠY VĂN:

Thư: Kính mến gửi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Em là Đặng Ngọc Hùng, một thầy giáo vô danh ở bậc cao đẳng, đang dạy một chương về thơ cho sinh viên văn.

Khi nói về khoảng trắng, khoảng lặng trong thơ, vùng thẩm mĩ kích thích sự liên tưởng trong thụ cảm, tự dưng em nghĩ đến bài “Chia” của anh từng được Phú Quang phổ nhạc với tựa đề “Một dại khờ, một tôi”.

Để bài giảng có giá trị, kính phiền anh, với tư cách là cha đẻ của kiệt tác “Chia”, gợi cho em đôi ý để em truyền giảng cho sinh viên, ngõ hầu tránh được nguy cơ tán phét vốn luôn tiềm ẩn trong nghề dạy văn chương do hình tương văn chương thường đa nghĩa khôn cùng.

Nếu anh bận quá, thì thôi anh nhé.

Trân trọng!

MỘT ĐỨA EM Ở NAM TRUNG BỘ XA XÔI.


Trả lời:

Gửi anh Đặng Ngọc Hùng,

Tôi rất cảm động về tâm sự giảng văn của anh, trân trọng văn và trân trọng trò, khi anh hỏi về bài thơ CHIA của tôi.

Bài thơ CHIA có khá nhiều lời bình, nhưng có vài điều người ta chưa động đến, tôi xin nói thêm:

1 Bài thơ có 3 khổ (mỗi khổ 4 câu, lục bát), thì các câu thứ 2 của mỗi khổ thơ đều ngắt thành 3 dòng bậc thang. Ngắt bậc thang để nhấn nhịp, và tạo ra những khoảng lặng (khoảng trống cho cảm xúc và suy nghĩ), nó gia tăng tính khẳng định mạnh hơn là để một dòng. Đó cũng là nghệ thuật “cấu trúc điệp” (điệp nhạc – cách ngắt nhịp, cùng với điệp từ MỘT trong bài).

2. Hình ảnh CÂY SI và CÂY BỒ ĐỀ là cặp đối lập (nghĩa bóng) của “tham sân si” và “sắc sắc không không” trong tư tưởng nhà Phật. Hiểu đơn giản là si mê, si tình và sự tĩnh tại vô thường trong một con người (ma quỉ và Phật) đều chia cả cho EM (đối tượng).

3. Ít người hiểu hết câu kết “một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm”. Khi chết rồi mộ người cỏ mọc, nhưng linh hồn không mất, nó mọc thành bông hoa dại nhỏ (khiêm nhường) trong mưa buồn để dâng (chia) tiếp cho EM.Tôi gửi thêm một số lời bình để anh Hùng tham khảo nhé.

Cảm ơn anh đã hỏi, và chúc anh cùng gia đình hạnh phúc, an lành.

Nguyễn Trọng Tạo


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 9777)
Đinh Cường thích đi đến những điều bí mật đằng sau cây cọ và những tảng màu
08 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 11588)
Bà cho tôi cảm tưởng, nội việc là: “Bà Nguyễn Văn Khánh,” chừng đó thôi, với bà, đã quá đủ!
04 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 8608)
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí không chỉ để lại tranh mà còn để lại lời cho hậu thế. Những lời ông nói trong khoảng từ 75 đến 92 được họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, người học trò ghi lạ
01 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6716)
Bà chít khăn nhung, đường ngôi rẽ lệch, cùng với hàm răng không nhuộm của bà, là dấu hiệu mở đầu cho phong trào manh nha đổi mới của nữ giới Hà Thành thập niên 30- 40
31 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 8511)
Quý thân hữu và bạn văn muốn có món quà lưu niệm nầy, liên lạc với THT qua emailtranhoaithu@verrizon.net
27 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 8052)
Thế Lữ ngay từ 1936-1937 đã nồng nhiệt giới thiệu Xuân Diệu và như các nhà văn học sử thường viết, tự nguyện nhường ngôi bá chủ thi đàn cho Xuân Diệu,
25 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 11981)
Anh là một tác giả thành danh rất sớm, thường xuyên có thơ văn đăng báo từ khi mới 16, 17 tuổi, và cho đến năm 1975,
20 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 8453)
Cuộc cách tân thơ của Trần Dần sau hòa bình năm 1954 vừa mới khởi ra chưa được bao lâu thì đã bị tai nạn “Nhân văn - Giai phẩm”.
14 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 12357)
Nhưng tác phẩm của Vũ đã đóng góp giáo dục tư tưởng cho một vài thế hệ. Ít ra, Vũ đã gieo hạt mầm hy vọng vào tương lai.
04 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 8319)
Tính chất đa dạng của những cái gọi là “đẹp” ấy cho thấy lịch sử nghệ thuật là một sự vận động liên tục
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17072)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19004)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9187)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 996)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14022)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19191)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7908)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8825)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8505)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30725)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25520)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22917)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21741)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19800)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18062)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24517)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,