Nhất Chi Vũ và, những biến đổi nhạc thuật hôm nay.

05 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 6245)
Nhất Chi Vũ và, những biến đổi nhạc thuật hôm nay.

 

LNĐ: Dù không thuộc giới nhạc thuật, nhưng có thể chúng ta đã từng nghe tới danh tiếng của đại học âm nhạc nổi tiếng thế giới Berklee - - Từng được ví như một Harvard về phương diện âm nhạc. Tuy nhiên, đa số chúng ta dường không rõ lắm về tiến trình tuyển chọn sinh viên cũng như chương trình học của đại học Berklee.

Vì thế, chúng tôi có cuộc nói chuyện với nhạc sĩ Nhất Chi Vũ, một trong vài nhạc sĩ đầu tiên, thuộc thế hệ tỵ nạn được tuyển chọn theo học đại học danh tiếng Berklee. Ông cũng là người có một sáng tác được tuyển chọn để trình diễn tại Tòa thánh Vatican, trong buổi Lễ Phong Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, năm 1988.... Bài phỏng vấn có đôi chỗ nghiêng nặng về chuyên môn. Nhưng thiển nghĩ, chúng ta cũng nên đọc, để tăng bổ phần nào kiến thức của chúng ta về lãnh vực nghệ thuật này. Chưa kể, trong suốt cuộc nói chuyện, nhạc sĩ Nhất Chi Vũ cũng cho chúng ta những câu trả lời khá bất ngờ...

Trân trọng.



Du Tử Lê (DTL): Là người từng tốt nghiệp trường nhạc nổi tiếng thế giới Berklee ở Boston, Mass. Câu hỏi đầu tiên: Một ứng viên phải trải qua những giai đoạn thi tuyển nào?

Nhất Chi Vũ (NCV): Thưa anh Du Tử Lê và quí anh chị, thời gian đã trôi qua nhanh, ngày ấy mình được nâng đỡ ghi danh nhập học bởi các cha Dòng gồm 3 linh mục Việt Mỹ và một Ca-nhạc trưởng Nhà Thờ. Một trong các vị này là Thầy dạy cũ của tôi ngày còn trong Chủng viện bên VN chính là Lm tiến sĩ Lê Ngọc Triêu, Chủng Viện Châu Đốc – Long Xuyên, người đã du học vùng trời này (Boston, Massachusetts) trước tôi khoảng gần 2 thập niên. Thành ra “đường đi nước bước,” những thủ tục và giai đoạn ứng tuyển trở nên tương đối nhẹ nhàng hơn so với thông lệ chung cho sinh viên du học khác tại Hoa Kỳ.

Tôi được vào phỏng vấn khảo hạch trong không khí khuyến khích thân thiện. Ban Giám định đặt những câu hỏi sơ lược căn bản, chủ yếu để sắp xếp lớp học phù hợp sau này như Chính Tả (cấp mấy?), Xướng Âm, Hòa Âm, Nhạc Khí, khả năng Nhìn, Đọc, Nghe… Nhờ đã học sơ lược các sách giáo khoa giá trị của Nhạc sư An-tôn Tiến Dũng, đã sinh hoạt Ca đoàn và biết cách điều khiển nhóm Hợp ca. Tôi “qua” được trắc nghiệm một số hợp âm căn bản. Xướng âm rõ ràng một đoạn nhạc theo kiểu VN suông sẻ, như đọc một bài thơ. Nhưng đến phần phải dạo thử một khúc nhạc trên Piano, tôi “khớp” quá nên vấp váp, run tay, và choáng ngợp cả phím đàn!

Là người Việt tị nạn sang Mỹ năm 80. Lúc ấy, ở tuổi 25, tôi đã lớn hơn đa số sinh viên mới vào Đại Học. Là người đã tham gia tác chiến trong quân đội Sài Gòn một vài năm, bị thương và giải ngũ trước ngày miền Nam thất thủ; tôi mang theo nỗi buồn, mất mát, cảm giác lạc lõng, và sợ hãi nơi đất lạ quê người. Thực tình, tôi không có ý niệm gì về danh-thơm và sự nổi tiếng các trường ốc nhưng cũng mừng là mình có cơ duyên kỳ lạ được thu nhận vào học tại Nhạc Viện Berklee College Of Music tại Boston. Với Danh Xưng “The International Institution for the Study of Modern American Music,” nghe, khá khiêu gợi và lôi cuốn tôi.

Tôi xuất thân từ đồng quê lễ giáo nên quan niệm về “xướng ca vô loài” còn nặng nề. Mặc dù tiếng Anh yếu kém, hoàn cảnh nghèo túng cần đi làm kiếm tiền hơn đi học nhạc, nhưng không kìm nổi tính hiếu kỳ bốc lên với lòng trí tò mò ham muốn học nhạc quá! Tôi liều nên kiếm cách tìm người giúp nộp đơn ghi danh vào “Học Đại.” Học cho vui chứ không có mục đích rõ ràng, chỉ có mỗi một ý thức rằng “sang đây, rất nên đi học.” Khi được cầm Thẻ sinh viên có hình và số danh bạ trên tay, tự nhiên nước mắt cứ trào ra không cầm lại được! Cảm tạ Ơn phước Rồng Tiên nhà mình đã cho tôi dịp may này.

DTL: Chương trình học trung bình bao nhiêu năm? Và môn học chính của NCVũ ở Berklee là gì? Tại sao Vũ lại chọn môn học đó?

NCV: Thưa anh, Berklee cấp văn bằng từ Cao Đẳng (2 năm) đến Thạc Sĩ. Em chọn chương trình Professional Music Diploma. Đây là chương trình 4 năm dành cho sinh viên muốn tự tìm hiểu hay khám phá một hướng đi riêng cho mình. Những sinh viên chọn chương trình 4 năm Diplomat đã có kinh nghiệm hoặc bằng cấp khác. Sinh viên trẻ thường chọn chương trình Cử Nhân 4 năm. Độc giả muốn tìm hiểu thêm có thể vào trang nhà của Berklee:

https://www.berklee.edu/professional-music/majorhttps://www.berklee.edu/  

DTL:Vũ ra trường năm nào?

NCV: Thưa anh chị, mùa Thu 1988 ra trường. Bởi bận rộn sinh kế và hoàn cảnh người-tị-nạn, mình không có cơ hội sinh hoạt âm nhạc trực tiếp như viết Phối khí giàn Nhạc hoặc dạy nhạc. Vũ cũng không thường xuyên tiếp tục tu tập nên cảm nghiệm lỗi thời theo mức tiến nhanh nhậy của Tin học điện tử Điện toán (cao trào là 1990 trở đi). Và rất khó giữ được tinh thần và nhân đức “Trần Tế Xương” là vừa kèm trẻ dạy học vừa làm thơ, vui vẻ!

DTL: Theo Vũ, có nhất thiết phải tốt nghiệp những trường nhạc nổi tiếng thế giới không? Khi thực tế cho thấy, chúng ta cũng có nhiều nhạc sĩ không tốt nghiệp một học hiệu âm nhạc nào, nhưng nhạc của họ vẫn chinh phục được hàng triệu trái tim người thưởng ngoạn?

NCV: Thưa anh, đúng. Không nhất thiết phải tốt nghiệp trường nhạc nổi tiếng. Mặc dù sự nổi tiếng ấy là vinh dự của học viên, hoặc sự nổi tiếng ấy nhờ vào nhà trường có thành phần ban giảng huấn gồm các giáo sư lỗi lạc chuyên cần làm việc hài hòa theo một giáo trình (curriculum) tân tiến và thực dụng. Ta hay nói “dạy nhạc” và học thuật Âm nhạc, tức đã có những điều truyền đạt và những qui tắc cho việc đào tạo chuyên môn. Tuy không nhất thiết muốn viết nhạc thì cứ phải học nhạc tại nhà trường, với một vị thầy, bè bạn, hay qua sách vở hoặc các phương tiện giáo dục khác. Nhưng Vũ nghĩ, bất cứ trường hợp nào, mình cũng phải tự học lấy cho chính mình.

Những Bản nhạc làm rung động trái tim (chinh phục được nhiều người) cũng vậy. Anh chị không nghe nói nhiều về học vấn nổi bật của tác giả, nhưng anh chị có thể đoán chừng một phương thức học hỏi âm nhạc nào đó (âm thầm và chuyên cần) đã giúp tác giả tạo nên được phong cách viết ra những bài bản độc đáo ấy. Hơn nữa, vấn đề sáng tác là vấn đề “linh ứng” thích ứng của tâm, đức và trí tuệ con người (hiệp thông với Thượng đế, với tha nhân). Có một khoảnh khắc trong sâu thẳm tâm hồn, trí khôn ta bất chợt sống động lên, chạm tới, kết hợp với nguồn ơn thiêng liêng “Trời cho”. Khoảnh khắc “xuất thần” đó, qua lòng trí ta, Trời cho ta hiệu quả của sự sáng tác chính là tác phẩm. Tác phẩm này đi vào lòng người tự nhiên theo một điều kiện tốt, và một tiêu chuẩn thẩm mỹ sẵn có. Cho nên nó rung động và chinh phục được hàng triệu trái tim người thưởng ngoạn.

Nhưng bất cứ ở tầm nhìn “Trương Chi – Mỵ Nương” nào, việc học nhạc cho ta vốn liếng kiến thức nhạc lý và nhạc thuật để nhận xét, phân tích, và giải thích được tác phẩm âm nhạc. Mình nghĩ, đây là lý do rất tốt khuyên người làm nhạc nên tìm đến trường học nhạc.

DTL: Âm nhạc cũng như những lãnh vực văn học, nghệ thuật khác, đã có những biến chuyển, những đổi thay lớn lao. Bằng vào sự hiểu biết, kiến thức của Vũ thì những thay đổi lớn lao đó là những gì? Hòa âm? Quan niệm sáng tác? Nội dung?

NCV: Âm nhạc Âu Tây, ca khúc thịnh hành kết nối từ truyền thống nhạc cổ điển, song song với nhiều thể loại khác nhau như Symphony; Nhạc khiêu vũ; Nhạc Dân tộc; Nhạc nghệ thuật Giáo Đường: Ca khúc Gregorian, Chorale, Oratoria; Nhạc kịch; Nhạc Phim ảnh… Biến chuyển đổi mới không ngừng theo triết lý “hễ không tiến là lùi”, mà chủ yếu môi trường rường cột thể hiện âm nhạc là cây Đàn Piano tức Đàn Dương cầm (tạm gọi là Mẹ của các loại nhạc khí).

Trong khi đó VN ta có thể loại Ca khúc là phổ thông và gần gũi với đời sống khán thính giả. Dân Ca ba miền nguyên thủy; Vọng Cổ; Ngâm Thơ; Ca Trù cũng cùng chung một hệ với thể loại Ca Khúc tức là Bài Hát. Và, ta không có một loại nhạc khí “phẩm lượng” nghệ thuật và thông dụng trên thế giới như Đàn Dương Cầm. Xin mở ngoặc nói thêm về Piano là nhạc cụ được chọn trong qui ước giảng dạy lý thuyết âm nhạc. Piano truyền đạt hòa âm đầy đủ và chính xác. Đó là loại nhạc khí đa năng, cùng một lúc tượng thanh – tượng hình và xúc tác cao, diễn tả được trình độ mọi ý muốn và sở thích của từng người sử dụng.

Thường vì khó khăn vật chất (tư-gia khó sắm nổi cây Piano), nhiều người đã có ý nghĩ rất đáng tiếc, lạc hướng là “Đàn nào mà chẳng là đàn! Đàn nào thì cũng đàn được!” Thiếu vai trò quan trọng của cây đàn Dương Cầm thì sự sáng tác âm nhạc ví như vị bác sĩ khám bệnh trong điều kiện không có y cụ thích ứng để hành nghề.

DTL: Cải tiến Âm Nhạc Việt có như cải thiện đời sống không? Chúng ta có nên “nghe ngóng” quay lại từ đầu? Từ nền móng thực nghiệm, sang cơ sở lý thuyết căn bản đầu tiên để khởi đầu Sáng tác một cách mới, tức là khác đi, khác các mẫu mực khuôn sáo đã ám ảnh ta như các “phép tắc” bấy lâu nay?

NCV: Thưa các anh chị, thay vì viết ra bốn-năm bài hát vội vàng dở dang. Chúng ta hãy viết chỉ một bài thôi. Một ca khúc này sẽ là công phu của 4, 5 Bài kia cộng lại, chia ra cho từng phần ưng ý và hoàn chỉnh là: Melody (Dòng nhạc); Harmony (Hòa âm / hợp âm chuyển hành theo melody); Form (Thể thức trình bầy); Lyrics (Lời ca). Và tổng hợp các phần vụ trên, gợi ý chúng ta viết thêm Orchestration (Bản đệm đàn cho Pianô song hành). Vì như đã nói, dương cầm là đàn tiêu chuẩn “gốc”, các nhạc khí như guitar, kèn, trống... có thể cộng tác rất tốt vào môi trường diễn tả hoặc thể hiện, nhưng không có tiêu chuẩn tương đương Piano. Vậy ta phải làm 5 phần vụ ứng hợp cân xứng với nhau để hoàn tất một bài hát, một ca Khúc có giá trị nghệ thuật và tiêu chuẩn quốc tế.

DTL: Nhất Chi Vũ làm ơn giải thích rõ về sự khác biết giữa cái gọi hợp âm 4 note thay vì chỉ 3 note như kỹ thuật cổ điển?

NCV: Hợp âm 4 Note (Tetrads – 4-Note Chords /còn gọi là Seventh Chords) là sự nối tiếp thêm vào căn bản Hợp âm 3-Note (Triads); một hay hai hoặc ba note lấy từ chính thang âm (âm giai Trưởng) đã cấu tạo nên Triads này. Các note nối này nới rộng âm thanh, tạo tính phức âm, nghịch âm rất phong phú gọi là Tensions. Ví dụ, đệm đàn Hợp âm Đô trưởng với Tension 9, tức với note Rê thêm vào (Cmaj9 /Cadd9). Hợp âm 4-Note cũng là nghệ thuật kết hợp 4 âm thanh 4 note (khác nhau / ít khi trùng lặp) vào với nhau theo thể thức 3-Note (triads). Và, cần riêng một quy tắc móc-nối liên-kết các chùm Hợp âm Chuyển hành hàng ngang hàng dọc theo từng khuôn nhịp trên Giai điệu dòng nhạc. Những hoán vị, thêm vào bớt đi vẫn đủ hoặc nhiều hơn 4 note, đều theo qui tắc liên-kết này.

Hợp âm 4-Note đã làm hình thành mô hình những Giàn nhạc Đại hòa tấu (kèn trống) Hoa Kỳ (The Big Band). Mặc dù khi viết hòa âm phối khí cho 3 bè Kèn đồng (Horns) hoặc 6 Kèn đồng, song ca tam ca … Qui tắc cấu trúc và nối kết vẫn theo thể thức Hợp âm 4-Note. Hợp âm này diễn tả hầu hết mầu sắc âm thanh âm nhạc, làm rộng mở và phong phú hóa thính thị chúng ta.

Thưa anh Du Tử Lê và quí anh chị. Đây là Câu Hỏi lạ lùng bất ngờ và rất hay, hay nhất đàng khác! Khiêu gợi và dí dỏm, bởi do người khởi xướng “Trường phái Cách-tân Lục Bát” Du Tử Lê đặt ra. Hỏi, thế nào là Hợp âm 4-Note, là có ý hỏi về một điều quyến rũ rất thú vị của người đã cảnh tỉnh về sự canh tân đổi mới “vượt thoát được hàng rào êm ái.” Ai từng trải như thi-hào Hàn Mặc Tử khi xuất thần: “Cho Đê Mê Âm Nhạc Và Thanh Hương”; “… Và Thanh Hương” là gì? Thưa, có lẽ là, ông đã rất độc đáo, giới thiệu “Bầu trời” nhiệm lạ bằng cách sáng chế ra nhiều loại “Trăng” lộng lẫy nhất trên thế giới, và thêm nữa, từng loại trăng làm đẹp từng vẻ, từng nét đẹp bầu trời.

Xin đùa vui một chút có được không quí anh chị? Ví dụ món “Phở” VN vang danh khắp nơi và “Hợp âm 4 Note” thế này: Món Phở có 4 thành phần: (1) Nước lèo, (2) Bánh Phở, (3) Thịt Bò / Gà, và (4) Rau Thơm Đủ Loại. Nếu ta muốn phục vụ trẻ em và người già tô phở thơm ngon chỉ cần 3 thành phần trên như một Triad, đơn giản nhưng vẫn là phẩm chất một tô phở. Dành cho người lớn, thêm vào thành phần thứ 4, chẳng những rau thơm đủ loại, ớt xanh nhà trồng và còn với một chung rượu mạnh. Tetrad! Bất cứ ai tỏ lời ca ngợi phở ngon, cả nhà đều tán thưởng.

Cùng với tài hoa Phạm Duy chúng ta hát slowly theo cung Đô trưởng: “Nghìn trùng xa /cách người đã đi /rồi! Còn gì đâu /nữa. Mà khóc với /cười. Mời người lên /xe, về miền quá /khứ… “. Thử dạo đàn và đệm theo; “ * * * Cmaj7G7 * C6  * * * E7 Abdim7 G7sus4 * * * C7 * Fmaj7…” Hát đi hát lại chậm rãi, câu đàn câu hát nhiều lần, ta sẽ “thông cảm” với Hòa âm 4-Note.

Hòa âm 4-Note có khoảng từ 18 đến 20 cách hòa âm một note nhạc. Học viên cần một chương sách, khoảng 2 năm làm quen, đọc nhạc cả 2 khóa biểu Sol và Fa, phải biết nhận mặt note nhạc và các thế bấm, từ vị trí note Đô-trung-tâm (middle C) chính giữa bàn phím ra các số ngón tay-phải tay-trái trên phím đàn Piano; mặc dù học viên đã đang sử dụng một vài nhạc cụ khác.

DTL: Theo quan điểm riêng của NC Vũ thì một ca khúc giá trị, mang tính sáng tạo cao, phải đạt tới hay hội đủ những yếu tố nào?

NCV: Khi ta nghe và thưởng thức một ca khúc giá trị, mang tính sáng tạo cao cũng như nghe kể một câu chuyện đã viết thành Truyện kể, câu chuyện đã được sáng tác nên Truyện kể bằng hình thức ngôn ngữ âm nhạc. Câu chuyện này có thể ta chưa từng nghe, hoặc giả đã nghe nhiều lần không nhàm chán, nghe lại, lại khơi mở điều gì lạ lùng vẫn còn muốn nghe. Ca khúc giá trị sáng tạo cao, như có một dấu ấn khiêu gợi, làm người nghe bất chợt, nhận diện “tướng mạo” bài hát mặc dù chưa khám phá ra điểm phong nhã nào của Bài hát nhưng tự nhiên ta được rung cảm. Bài hát này không giống bất cứ bài hát nào khác, cũng không gây chấn động, không tạo ngạc nhiên nào cả nhưng vẫn như quen quen, lay động trong lòng trí người nghe điều gì tương tự chưa kịp nói ra, hoặc điều gì làm xôn xao trái tim khó diễn giải thành lời. Giai điệu dòng nhạc như ân cần mời gọi ta hưởng ứng hòa hợp hát chung theo.

Một Ca khúc giá trị, tự nhiên đã đạt tiêu chuẩn nghệ thuật cả về hình thức lẫn nội dung. Lời ca (Lyrics) Câu chữ thông dụng hợp thời có tính văn chương, diễn đạt triết lý cuộc đời về những sinh hoạt trong cõi nhân sinh gần gũi sống động này. Dòng nhạc (Melody) cân xứng, quyện cuốn lấy tình-ý Ca từ, tưởng chừng như không tách rời nhau được. Dòng nhạc phù hợp với tâm lý môi trường thể hiện, tức note nhạc nào cũng có thể phát âm, “nói” hoặc hát lên. Hễ cậu bé mục đồng phát âm mạnh dạn thế nào thì cô Thái Thanh lại cũng phát âm nhẹ nhàng hơn thế được. Và, dòng nhạc đó như đã thành hình một dạng thức lộng lẫy muốn được hòa âm “rước” lên trong cơ cấu hòa-đối dọc ngang cao rộng. Cuối cùng phần Hòa âm (Harmony) thoáng gọn và tròn đầy, kết hợp và móc nối các note tạo ra âm thanh độc đáo hợp lý và khoa học. Hòa âm trước tiên là hòa âm có tính quốc tế, tùy ý, cổ điển hay cách tân, phải ứng hợp chặt chẽ vào trạng thái và nhu cầu diễn cảm dòng nhạc.

Tách rời dòng nhạc đưa sang môi trường thể hiện nhạc hòa tấu (không Lời) phối khí theo từng mô hình Giàn nhạc (lớn nhỏ) ta sẽ nghe nhiều phiên bản độc đáo của ca khúc này. Đây chính là vị trí cao thấp về một ca khúc.

Khi nhạc sĩ thành khẩn muốn dùng ngôn ngữ âm nhạc biến đổi, kết hợp và long trọng hóa lời nói, lời Thơ, lời tâm sự thành lời ca thì cảm xúc đã ngự xuống tràn đầy. Nếu không là điều ảo tưởng mơ hồ hay gian dối thì đích thị đó là một tác phẩm, ngay lành “Trời cho”, một sáng tác mới.

DTL:  Theo ghi nhận riêng của Vũ thì hiện tại, có nhạc sĩ VN nào dám phá bỏ quan niệm hoàn tất một ca khúc, bằng những thử-nghiệm-mới không?

NCV: Thưa anh Du Tử Lê và quí anh chị. Chưa thấy có ai dám phá-bỏ hẳn, chỉ là lột-xác sơ sơ nhè nhẹ nói văn hoa là “cải biên”. Dân ca cải biên. Cách tân Lục bát, ý thức canh tân đổi mới… Mặc dù thế nào cũng là một khởi công rất tốt. Để học hỏi, để quyết tâm chuyển cái học thuộc lòng những câu “trả lời “ sang suy tư những “câu hỏi” đương nhiên. Tại sao ta không dám phá bỏ một quan niệm, có lẽ, bởi vì ta không biết phá bỏ cách nào.

Một ca khúc mang tính sáng tạo cao, như đã nói, ngành học thuật âm nhạc có thể thẩm định và nhìn nhận. Phần nhiều tính sáng tạo cao có được là nhờ những tài năng rành sõi lý thuyết âm nhạc. Lý thuyết đã làm nền tảng, nhưng sự sáng tạo thường vượt cao lên trên nền tảng lý thuyết. Trong tôn giáo người có đức tin tươi sáng là người nhận biết, thông hiểu lý, lẽ Đạo. Họ đủ khả năng suy tư về các giáo điều, có khi lập luận đối lập nhưng không dị đoan buông thả hoặc cũng không cực đoan khô cứng. Trong sáng tác, cực đoan sinh ra tính khuôn mẫu áp đặt, và dị đoan dễ gây ra tai nạn theo tính bắt chước, suy tôn từ chương. Trước sau vẫn rất cần một ý thức mới phá bỏ quan niệm cũ như hạt giống tan biến vào lòng đất, nẩy mầm vươn lên.

DTL: Nhiều người cho rằng sinh hoạt tân nhạc của chúng ta ở hải ngoại cũng như trong nước ngày càng rơi vào tình trạng bế tắc, ù lì, đơn điệu, lập lại, thậm chí không có một giai điệu cho ra giai điệu và ca từ cho ra ca từ…Vũ có chia sẻ nhận định bi quan này không?

NCV: Thưa có lẽ, với người Việt hôm nay, âm nhạc VN vẫn còn như thiếu vắng phần kế thừa sự nghiệp tạo-tác (từ tim óc, từ lòng yêu mến, là tinh hoa quí giá) từ các đời khác để lại, trao tặng vào đời. Không có bậc tài hoa Nguyễn Du nâng cấp “Vè thành Thơ”. Thơ thành Thúy Kiều, thì người làm thơ Lục bát theo mọi dạng thức mới mẻ tân kỳ đều rất tẻ nhạt, khô héo cạn kiệt. Từng thời đến sau gần như mất dấu thời đi trước. Sáng tác phẩm nhạc-Đạo nhạc-Đời các thập niên giữa khoảng thời Tiền chiến (tức thời phân tranh) đến thời Bây giờ (2015) có đủ phẩm và lượng trang trải đồng đều vào môi trường học hỏi và thưởng ngoạn âm nhạc cho thời đại nối tiếp không? Tình trạng bế tắc do vì thiếu tác phẩm truyền lại hay vì khan hiếm sáng tác mới?

Thời gian đang qua đây thôi, với người Việt, xã hội có nhiều nếp sống không ổn định và quá nhiều cảnh đời lầm than vất vả đã khuyên ta tính cần kiệm. Ngay cả một câu văn cũng tiết kiệm, thay vì “sáng gọn dễ hiểu” bị đổi ra “ngắn cụt dễ dãi” do không lựa-lời chọn-chữ mà ảnh hưởng vào ca từ bài hát. Câu văn quá ngắn cụt hoặc dài dòng điệu bộ thường dễ làm sai lạc ý nghĩa lời ca và làm kém đi thanh nhạc tiếng-giọng. Phần giai điệu, hơi khác một chút nhưng cũng có thể do thiếu căn bản lý thuyết mà rơi vào tình trạng bế tắc, lập lại. Hễ cứ vừa viết xong bài hát liền sau đó máy vi tính computer diễn tả (thể hiện) được ngay, không cần khổ công tập luyện như ca sĩ. Mới đầu người viết nhạc rất thích thú được “máy” sửa lỗi chính tả, sắp xếp chia nhịp phân canh chính xác, dấu hóa cho giai điệu đi lên là tăng, giai điệu đi xuống là giảm; lại còn đề nghị một chuỗi Hợp âm chuyển hành (Chord progression) sẵn có, khỏi cần suy nghĩ … Nhưng người viết nhạc đôi lúc cảm thấy ngỡ ngàng vì sự xâm nhập mạnh bạo của máy móc vào tâm hồn người. Tâm tư thời đại hướng về sự lẩn quẩn “người và máy,” “vàng thau” lẫn lộn chẳng phân biệt không-gian thời-gian làm khủng hoảng âm nhạc và công việc sáng tác. Đây chắc chắn chỉ là giai đoạn là tạm thời, vì chính cái lập lại sẽ chán ngán cái lập lại. Chúng ta đều thấy rằng việc thu băng lại những ca khúc giá trị “một thời đã mất” là rất cần thiết nhưng không phải chỉ để cất giữ và lưu trữ. Mà là để soi lối cách tân, làm mới lại, móc nối cùng với tác phẩm mới được phát hành một cách sáng tạo và hợp lý. Nhạc sĩ lớp sau có rất nhiều trách nhiệm với tác phẩm kế thừa.

DTL: Một trong những thành tích đáng kể của NCVũ, mà ai biết, cũng đều khâm phục và hãnh diện (dù thuộc tôn giáo nào) – Đó là sự kiện một ca khúc của NC Vũ đã được trình bày tại đại sảnh Vatican, nhiều năm trước đây. Vui lòng thuật lại diễn tiến từng bước của “biến cố” này”? (Thời điểm? tên ca khúc? Trình diễn hợp ca hay đơn ca?)

NCV: Thưa nếu được kể gốc tích một thời hoảng loạn tan nát đau thương thì hơn là ghi lại một thành tựu nghệ thuật. Thuở ấy hơn một triệu người đành đoạn bỏ quê hương mình ra đi, trong nước mắt nghẹn ngào, và từng ngày giờ chịu đựng cố vươn lên không oán thù. Chính những lúc trông về Quê mẹ là khi nghe như chỉ còn có lời Thánh vịnh xa xưa gọi về lay động vào nỗi niềm họ: “Trăm ngàn vạn đắng cay / Thân phận kẻ lưu đầy! / Lỗi tại tôi quên thề / Mà bội ước cùng Gia-vê.” (Gia-vê là Thượng Đế tình thương, là Ơn Trên của con dân Si-on thuở xa xưa, có khác nào con dân Rồng Tiên hôm nay, sẽ có ngày hân hoan được Ngài dẫn đưa về.)

Tháng Sáu, Năm 1988 có một biến cố lịch sử Công giáo rất cảm động. Đức giáo hoàng chủ tế Nghi lễ Tòa thánh tấn phong 117 vị thánh Tử Đạo VN, là các bậc tiền nhân đã chịu khổ hình và hy sinh mạng sống làm nhân chứng Đức tin và Tình yêu trên chính quê hương Việt Nam. Truyền thống Giáo hội vinh danh Công lý Hòa bình trên khắp thế giới này trùng hợp thời điểm “bao nhà ly tan” của quê mình.

Chính vì thế, một số bài Thánh ca VN được bình chọn cho Ca đoàn Tổng hợp đều có ý nghĩa phù hợp môi trường diễn tả hợp xướng và ý nghĩa góp chung tâm tình buổi lễ, kể cả ý nghĩa tế nhị nhạc Việt hát lên nơi xứ lạ quê người.

Tưởng cũng xin trân trọng nhắc lại Ban Thánh nhạc gồm các cựu giáo sư âm nhạc, Linh mục Ngô Duy Linh (cựu giám học Nhạc viện Huế), NS Hải Linh, Ca trưởng Nhị Long, Linh Mục Vũ Hân và Trần Cao Tường… đã bình chọn, nhuận sắc nếu cần và hòa-âm phối khí những Bài hát đem đi Rome. Tựa đề “Dâng Cha Giấc Mơ Chưa Tròn” của Nhất Chi Vũ là một trong những ca khúc được chọn. Sau này tựa bài hát được gọi ngắn lại thành “Giấc Mơ Chưa Tròn.” Bài hát đã viết cho Ca Đoàn 2 bè dị giọng theo thể thức đơn sơ Lục bát ngũ cung VN, dân dã mộc mạc cung kính dâng lên Thượng Đế lời cầu nguyện phó thác và tâm tình kẻ lưu lạc tiếc nhớ thuở quê nhà.

Bài hát có ca từ như: “(Xin Ơn Trên) Cho bao người, (người) Việt Nam / Đón nhau về khắp trời, (trời) nở hoa. “… Con đã đi / Lập thân giữa chốn đao binh / Để đem êm ấm thanh bình cho dân. … Con sống trong / Cuộc đời buôn thúng bán bưng /Để đem cơm áo nuôi đàn con thơ. … Giờ gặp lại nhau trên vùng đất lạ / Ôi, bao là nhớ quê nhà xa xăm!”

Và lời nguyện cầu như vậy, phát triển ý tứ (thân phận lưu lạc) trên, theo bối cảnh Việt Nam và trong tâm tình người tị nạn hay buồn, nhưng không tuyệt vọng theo cung Rê trưởng. Nhạc sư Ngô Duy Linh ưng ý bài hát này, góp ý và soạn hòa âm phối khí rất công phu.

DTL:  Được biết Nhất Chi Vũ có phổ nhạc thơ của một số nhà thơ. Câu hỏi đặt ra: a- Vui lòng ghi lại tên một số nhà thơ. b- Dựa trên những tiêu chuẩn nào mà Vũ phổ nhạc những bài thơ đó? c- Yếu tố nào là chính? Nội dung? Hay tình bạn?

NCV: Hình như bất cứ Nhà thơ nào cũng có một số bài thơ hay, và bài thơ hay nào cũng có những ý, câu, nửa câu, chữ hay toàn thể “hay” cách khác nhau. Hay hay đẹp, đẹp hay hay, đã hẳn là cảm thụ riêng từng người; không dễ kiếm nhưng do nhân duyên ta vẫn tìm thấy ở khắp mọi nơi; trong sách vở, báo chí, phim ảnh, trên các trang-mạng, ngay cả trong khi giao du trò chuyện … tình cờ gặp thơ, trước khi gặp, hoặc có khi chẳng bao giờ gặp nhà thơ. Bài thơ hay, đã thành hình như “Trời làm”, như ơn thiêng liêng tác động trong nhà thơ. Nhà thơ (chưa từng có ai dạy) xuất thần tạo nên hình nên dạng “nàng” Thơ sống động, đến nỗi thu hút ta, say mê thích thú ta, thì cớ sao phải lập ra một tiêu chuẩn thơ? Phổ nhạc thơ là thuộc về sự tế nhị của ngôn ngữ âm nhạc chứ không do một tiêu chuẩn thơ. Địa vị và danh dự của Âm nhạc, nhất thiết, là tăng cấp “cung nghinh” thơ lên thôi.

Mình hứng khởi phổ nhạc thơ, phần nhiều là muốn đi vào chi tiết, rất chi tiết, sự học hỏi cách viết lời ca và tìm hiểu thêm cách lựa chọn những câu-chữ có nhiều nhạc tính trong bất kể bài thơ hay nào mình có dịp đọc. Điều này không mấy liên hệ tên tuổi nhà thơ hoặc bao nhiêu nhà thơ mình đã phổ nhạc. Tuy nhiên nếu học hỏi phong cách riêng từng tác giả nào đó, mình sẽ chọn nhà thơ tiêu biểu.

Ví dụ: Hoán vị chữ và hay nói lái, ngữ vựng nổ đôm đốp như ngô (bắp) rang, là Hồ Xuân Hương; Dí dỏm dễ thương “Đi hát mất ô” dùng chữ Việt xác đáng, là Trần Tế Xương. Cách tân, tĩnh lược, cộng, sinh, óng ả câu chữ, là đương thời Du Tử Lê. Câu chữ mạnh, khiêu gợi, ngất ngưởng trên nỗi cơ cùng, là Chân Phương. Chữ nghĩa đời thường, chân chất, là người bạn hiền Trần Thu Miên, và là anh của sinh viên lưu lạc gốc Việt “.. Anh nhớ em bàn tay gầy guộc / Mắt sao trời sương đọng chiều đông / Đường về nhà quán buồn anh đợi / Ngồi co ro ngơ ngác chờ mong.”

Bởi vì chưa bao giờ đã có một thể thức liên kết thơ-nhạc và một qui ước thanh nhạc chung cho thể loại này; Phần nhiều chất liệu, mượn và cải biến từ Dân ca. Nhạc sĩ được hết sức tự do và tự trọng trong khi thực tập hoặc phổ nhạc thơ; Rất có thể vì thế mà chúng ta sẽ có ca khúc mới với tác giả thơ.

DTL: Tới hôm nay, cho Nhất Chi Vũ những kinh nghiệm đáng kể nào về sự nhập-hồn vào bài thơ?

NCV: Thưa, như đã nói, bài thơ nào có sức hút vào trái tim thì dường như tâm trí đã dọn sẵn một vài ý nhạc để đón rước. Tuy vậy không phải lúc nào ta cũng dễ “cảm” được thơ. Đang nhớ người yêu muốn chết đi thì sự nhập hồn vào bài thơ nào cũng phải… ráng chờ!

DTL: Có gặp trở ngại vì sự không hòa hợp giữa ngôn ngữ thơ và note nhạc?

NCV: Âm nhạc có bản chất hòa hợp và nhẹ nhàng, thơ lại có vẻ “làm nên hài hòa” và trung thực. Chữ thơ trung thực mạnh hơn sự nhẹ nhàng của note nhạc. Thơ, nhạc rất giống nhau nhưng chính những khác biệt nho nhỏ đã gặp trở ngại vì sự gượng ép hòa hợp giữa tính trung thực và tính nhẹ nhàng.

Anh chị nếu có bao giờ nhìn thấy một cháu bé chơi đàn trình tấu nhanh mạnh như máy như Robot art? Ta có đặt lại vấn đề rằng mong em dùng “sức người” và trái tim mình để chuyển đưa cảm xúc qua âm thanh vào lòng người nghe, hay là ta càng cứ muốn em tận tâm tận lực biến âm thanh thành động cơ rập rang tiếng máy? Hầu hết các cô - thầy dạy đàn Piano vẫn khuyên học viên “chậm lại và rõ ràng” trong mọi lúc. Ra ngoài bản chất êm dịu nhẹ nhàng, khó mà đưa bất kỳ một dòng nhạc mạnh bạo nào vào thơ.

Có ai dám phổ nhạc câu thơ Nguyễn Du: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần /Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” không?

DTL: Rất nhiều nhạc sĩ khi phổ nhạc 1 bài thơ, đã không hề để ý tới “hỏi, ngã” trong ngôn ngữ Việt - - Khiến ca sĩ khi trình diễn cứ phải hát…lơ lớ như ngọng (không rõ chữ). Gặp trường hợp này Nhất Chi Vũ giải quyết bằng cách nào?

NCV: Trường hợp uốn-éo vặn-vẹo lơ-lớ “hỏi, ngã” trong ngôn ngữ Việt sẽ chỉ bớt đi khi ca sĩ có trình độ âm nhạc tương đương với nhạc sĩ. Khi ca sĩ có trình độ cao, nhạc sĩ sẽ không còn lơ là ý thức “hỏi, ngã” vì biết chắc ca khúc của mình sẽ vượt qua mạng lưới “thanh trừng” của ca sĩ. Hơn nữa, danh dự của ca sĩ là hiểu biết âm nhạc để thực thi “quyền diễn xuất” đặc thù của mình và “quyền ứng tác”(Improvisation /Comping, Cooking – tiếng lóng Jazz là tham dự vào, bịa thêm, làm to lên!), tức sáng tác lần thứ hai của mình, ít nhất một-phần-ba độ dài bất cứ nguyên tác bài hát nào ca sĩ muốn diễn tả. Có nhiều ca sĩ không rành sõi âm nhạc đã bị mất cái quyền…“công dân” này.

Anh chị hãy thử “sửa lại” Phạm Duy, trong ca khúc Ngậm Ngùi phổ thơ Huy Cận. Xin hát với đàn thật chậm từng note một; Ta sẽ thấy ông là một gương mẫu “hỏi, ngã”: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi/...nữ... sầu /... /...hãy ngủ anh hầu quạt đây”. Nếu ta có một cách giải quyết “hỏi, ngã” khác Phạm Duy thì lại càng mới lạ.

DTL: Chủ đề nào trong thơ là những chủ đề chính, dễ làm Nhất Chi Vũ rung động nhất (Tôn giáo, Tình cảm, triết lý, quê hương, đất nước…) Để từ đó, đưa Vũ tới quyết định soạn thành ca khúc?

NCV: Thưa anh Du Tử Lê và quí anh chị. Thể loại Ca khúc trở thành phổ thông và gần gũi với nếp sinh hoạt đời sống VN vì nó diễn tả trực tiếp tâm tình và nhịp sống giàu-nghèo /sang-hèn từng thời đại. Một ca khúc chung chung “nhẹ vốn” âm nhạc có thơ nâng đỡ dễ làm nhiều người viết được vca khúc. Một ca khúc vượt lên thượng hạng thì rất khó, bởi vì ca khúc (lời ca tuy đã hay) phần nhiều vẫn do ý nhạc chi phối nên không có đồng hạng. Không có cả 2 bài đều hay bằng nhau, đồng hạng trong chủ-đề! Dựa theo văn-bản-thơ ta chia nếp sinh hoạt đời sống ấy ra từng chủ-đề. Chứ thể loại ca-khúc không có chủ đề, hễ nghe và hát lên được, tức là ca khúc. Chủ đề hoặc giả nếu có sẽ là Tình yêu, tình yêu bao hàm tất cả triết lý, tôn giáo hay quê hương để đạt tiêu chuẩn lời-ca.

Trong sáng tác, phần thưởng Của Trời là tự-do sáng tác trước cũng như sau. Mình nghĩ, ngoại trừ làm bài thực tập, nếu ta (1) - theo “chủ đề” là theo đơn đặt hàng, tinh thần đã bị áp đặt; (2) - Câu nệ nguyên-văn là suy tôn khuôn mẫu, tinh thần cũng đã bị vây hãm; (3) - sửa chữa tác-phẩm người khác bất cứ trên danh nghĩa gì, đều là xúc phạm là áp bức tinh thần. Tâm trí đã quá chật hẹp áp lực, thử hỏi còn lấy đâu ra nữa những khoảnh khắc xuất thần?

Bằng thiện cảm VN dồi dào, trở về quá khứ gần 60 năm trước, mời anh chị tìm nghe lại, thưởng thức ca khúc “Gửi người em gái miền Nam” của nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn. Hãy nghe, nghe như một bài thơ Tự do, nghe như tổng hợp bản tin lâng lâng buồn, nghe như âm giai đông- tây móc nối giọt nước mắt và tiếng nấc nghẹn của người xa nhau, nghe như tiếng chuông ngân còn mới hôm qua. Có nói nặng gì ai đâu! Có chọn trước chủ đề nào? Cớ sao có thể làm xao xuyến bâng khuâng như thắt tim xé lòng mọi người đi kẻ ở người về?

DTL: Kinh nghiệm cá nhân của Nhất Chi Vũ có cho thấy phổ nhạc thơ tự do có phải là công việc khó khăn nhất không? Nếu có thì tại sao? Và hình như NCVũ thường ưa đi vào con đường gai góc này, có phải? (Xin đơn cử vài bài thơ tự do đã được NC Vũ soạn thành ca khúc).

NCV: Vâng, phổ nhạc thơ Tự do là công việc có vẻ khó khăn, vì chưa quen và vì tự công việc đã hơi mất tự do trong kiểu cách trình bày cũ, lề lối theo đuổi một khuôn mẫu nào đó như Bô-lê-rô /Tăng-gô chẳng hạn. Thực tình, nhờ tính trào lộng đùa nghịch, Nhất Chi Vũ đã tin rằng bất cứ một lời hay ý đẹp nào cũng hát lên được, hòa và hợp với nhạc, cộng và sinh với nhạc. Hồi còn ở đồng quê VN (gần nửa thế kỷ rồi), cứ mỗi lần nghe nhà hàng xóm đọc kinh cầu nguyện chung buổi tối, đang tiện ôm cây đàn guitar, thế nào tôi cũng nhè nhẹ gẩy và đệm theo bắt chước giọng đọc uốn lượn lên cao xuống thấp của họ. Có khi ngồi bên cây phong cầm trong nhà thờ trang nghiêm cũng vẫn thỉnh thoảng nghịch ngợm như thế. Lớn lên tìm hiểu dân ca và có chút ý thức âm nhạc tôi mới biết đó là giọng đọc Thức Hóa Bùi Chu đưa từ Bắc vào Nam. Điều này, về giọng đọc, giọng rao, giọng ngâm… đều rất bổ ích cho việc sáng tác ca khúc như thầy Hùng Lân tác giả hợp xướng “Hè Về” đã đề cập nhiều lần trong các tài liệu giáo khoa ở Sài Gòn.

Phổ nhạc thơ Tự do, văn vần /văn xuôi, tất cả những đoạn văn hay và giá trị triết lý văn chương, có nhạc tính đều rất nên phổ nhạc, nên nói lên. “Hát như nói và đàn như hát” để diễn tả và tận hưởng ca khúc. Anh chị sẽ thấy thú vị ngay từ khi “vượt hàng rào êm ái” là, sắp xếp chọn vần (rất cần yêu vận) cho yếu tố thanh nhạc tiếng-giọng (vocalization) ra sao? Mượn kỹ thuật tiếng đệm trong Dân ca một cách kín đáo (í-a) tế nhị; mà, tính tang tính tịch tình tang? Đưa hình thức văn học “Cành hoa tím” sang hình thức ca từ “Cành hoa tim-tím”? Chia nhịp phân canh ứng hợp nhu cầu giai điệu để diễn tả câu thơ dài ngắn, khi hòa điệu, khi đơn ca, ngắt quãng, mạnh yếu thay đổi chữ đơn chữ kép thế nào? Lại phải rất yêu thích bài thơ và yêu thích lối hòa âm (quốc tế) bài hát phổ nhạc bài thơ nữa. Có khi gẫy cánh dọc đường vì không đủ ý nhạc chạy đua theo với ý thơ phóng đãng. Không sao hết! Ta vẫn đã được hưởng nhờ cái không khí tự do bài thơ và thi sĩ; vẫn đã, hát như nói và đàn như hát.

Thưa anh Du Tử Lê và quí anh chị. Mặc dù chưa có phương tiện (không có tiền) thâu băng phát hành, Nhất Chi Vũ đã rất ưng ý hoàn tất việc phổ nhạc một số bài thơ Tự do của các nhà thơ thân quen như (1) - Trường ca “Mùa Lúa Chín”(196 trường canh), linh mục Nt Nguyễn Tầm Thường; (2)- “Lạc Mất Rừng Xưa”, Nt Trần Thu Miên; và mới đây, (3) - “Thư Gửi Tác Giả The Color Purple”, Nt Du Tử Lê; (4) - “Làm Thơ Trên Cát”, Nt Chân Phương. Và có ý nghĩ sẽ chọn ra một số đoạn văn xuôi để phổ nhạc của các nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Hiến Lê, linh mục Trần Cao Tường, rất dí dỏm đáng chú ý là bài “Đồng Xu Cái” của Nguyên Hồng.

Cảm ơn anh Du Tử Lê và quí anh chị đã tạo cho NCV cơ duyên tỏ bày, chia sẻ cảm nghĩ riêng tư về âm nhạc, nhất là thể loại ca khúc. Nói chung, âm nhạc VN vẫn còn cần cố gắng và dạn dĩ mở những cánh cửa vẫn còn khép chặt để không những chỉ tiếp thu thêm tinh hoa âm nhạc khắp nơi trên thế giới thời văn hóa giao lưu thật kỳ diệu này, nhưng còn nâng cao, điểm tô, phong phú hóa Việt tính những gì mình đã có để cống hiến phù hợp cho xã hội mới. Chẳng hạn chúng ta có thể phục hồi, lập ra nhiều nhóm hợp-ca / hợp xướng, hát trong hầu hết mọi trường hợp; chúng ta có thể làm đẹp thêm ca nhạc Cải Lương bằng hoà âm mới và dùng nhiều nhạc khí để nâng Cải Lương lên hàng quốc tế như những vở tuồng Opera. Hãy tưởng tượng một tuồng Cải Lương được giàn nhạc Giao Hưởng Boston (Boston Symphony Orchestra) hoà tấu nhạc nền cho các đào Cải Lương diễn ca thì đẹp biết bao. Hoà âm mới sẽ thổi sinh lực mới cho Cải Lương Vọng Cổ và dễ quyến rũ được mọi giới người nghe. Việc này không chỉ ứng dụng được cho Cải Lương, nhưng tất cả các bộ môn thanh nhạc khác kể cả Ngâm Thơ hay Ca Trù đều có hòa âm, bè phụ họa, bộ gõ dân tộc và toàn thể giàn nhạc. Chúng ta sẽ cùng suy tư, chia sẻ thêm về những ý kiến sáng tạo âm nhạc trong tương lai.

DTL: Cám ơn nhạc sĩ Nhất Chi Vũ đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện hữu ích này.

 

 

Ý kiến bạn đọc
12 Tháng Tám 20157:00 SA
Khách
Thưa người-nhạc, anh Nguyễn Công Hùng.
Cảm tạ anh chia sẻ. Nhất Chi Vũ chỉ mong đưa ra được những điều đơn sơ, tự tin nghĩ là điều có ích, gợi ý một chút cho công việc học hỏi âm nhạc và sáng tác ca khúc làm ưu tiên hàng đầu.
Nếu chúng ta không ngại nói rằng mình đã học viết văn từ “Tự Lực Văn Đoàn” hoặc học viết nhạc từ các Nhạc Đoàn “Sao Mai /Lê Bảo Tịnh”… rồi học thêm ở đâu đó tùy ý, thì chúng ta, bằng mức độ tương đối, có thể nói rằng nếu chỉ đọc nhạc-sử mà không suy tư sáng tác, ta sẽ không tạo ra được “Biến cố” âm nhạc, mà biến cố mới là nguồn sống, là sinh khí âm nhạc anh ạ!
Chính cây đàn Piano bên Ta gọi là Dương Cầm đã là một tác phẩm do con-người sáng chế. Hầu hết mọi note nhạc Mozart viết xuống, Dương cầm đều “cáng đáng” được.
Anh Nguyễn Công Hùng trưng dẫn cái “Ta” vô cùng cao quí, là tuyệt phẩm do Thượng Đế sáng tạo vào cuộc đời, cái Ta tự do, tự hoàn thiện cho chính nó. Cái Ta ý thức tìm về chân-thiện-mỹ, vượt ra khỏi hàng rào êm ái thói quen, tiếp nhận tùy theo, từng góc cạnh cái gọi là nghệ thuật. Ca khúc nghệ thuật.
Vậy những cái Ta “tập thành” rất nên sử dụng Piano, như một quy ước, làm phương tiện chứa đựng và chuyên chở âm thanh trong sinh hoạt âm nhạc, đơn sơ có vậy thôi anh ạ!
Riêng hình thức Ca khúc Nghệ thuật theo tiêu chuẩn Tây phương, ta phải (đã) có sẵn một phẩm lượng tương đương Tây phương thì những dữ kiện so sánh và nhận xét mới thỏa đáng dễ dàng hơn được. Anh Nguyễn ơi! Nếu anh đặt vấn đề và câu hỏi cao sâu và xa rộng hơn những câu trả lời của bài PV thì NCVũ cũng xin anh vào “bó tay.com” cười trừ thôi!!!
Kính chúc anh mạnh khỏe.
Nhất Chi Vũ.
09 Tháng Tám 20157:00 SA
Khách
Kính chào nhạc sỷ Nhất Chi Vũ,
Kính chào quí vị,

Rất thú vị được đọc bản phỏng vấn hấp dẫn này. Cũng Xin phép bàn thêm chút ít gọi là "giao lư"...hihihi:

DTL: Âm nhạc cũng như những lãnh vực văn học, nghệ thuật khác, đã có những biến chuyển, những đổi thay lớn lao. Bằng vào sự hiểu biết, kiến thức của Vũ thì những thay đổi lớn lao đó là những gì? Hòa âm? Quan niệm sáng tác? Nội dung?

NCV: Âm nhạc Âu Tây, … Biến chuyển đổi mới không ngừng theo triết lý “hễ không tiến là lùi”, mà chủ yếu môi trường rường cột thể hiện âm nhạc là cây Đàn Piano tức Đàn Dương cầm…

Bàn thêm: Cắt xén như trên để có được ý chính của ns NCV (vẫn có thể chưa đầy đủ).
Dùng piano như phương tiện soạn nhạc được xem là biểu tượng của sự biến chuyển đổi mới nền âm nhạc ư? Thiết nghĩ người viết nhạc mà còn phải nương tựa vào cây piano hay bất cứ nhạc cụ nào, thì chưa thể xem là nhà viết nhạc thực thụ. Cây đàn đích thực chính là ”ta”. ”Ta” có thể được đem đi bất cứ đâu, chật hay hẹp, trong rừng hay trên núi, ngoài biển hay trên sông, nơi đâu ”ta” cũng tấu lên được để nhạc sỹ chủ của ”ta” nghe và thênh thang, tha hồ mà viết ra, mỗi khi suối nhạc trong ông/bà tuôn tràn….

Sự đổi mới không ngừng của âm nhạc Âu tây chắc là không thể tóm gọn như ns NCV phát biểu. Môn lịch sử âm nhạc từ cổ chí kim có cả pho sách đọc mờ mắt luôn …hihihi


DTL: Cải tiến Âm Nhạc Việt có như cải thiện đời sống không? Chúng ta có nên “nghe ngóng” quay lại từ đầu? Từ nền móng thực nghiệm, sang cơ sở lý thuyết căn bản đầu tiên để khởi đầu Sáng tác một cách mới, tức là khác đi, khác các mẫu mực khuôn sáo đã ám ảnh ta như các “phép tắc” bấy lâu nay?

NCV: …Phải làm 5 phần vụ (melody, harmony, form, lyrics, orchestration) ứng hợp cân xứng với nhau để hoàn tất một bài hát, một ca Khúc có giá trị nghệ thuật và tiêu chuẩn quốc tế.

Bàn thêm : Cắt xén như trên để có được ý chính của Ns NCV.
Mặc dầu phần đông ns VN viết ca khúc chưa hội đủ cả 5 phần vụ này, kể cả trường hợp họ không có khả năng để tự hoàn thành 5 bước đòi hỏi để trình làng soạn phẩm của mình, nhưng cũng không vì thế mà bảo rằng họ không làm được cái gì mới, ngoài việc đi theo lối mòn cũ rích. Khoảng hơn 10 năm qua, có nhiều ns viết nhiều soạn phẩm mới lạ mà người ta gọi là ”khai phá”. Xin đơn cử nhạc sỹ Phạm Quang Tuấn với những ca khúc trong phần ”NHẠC ĐƯƠNG ĐẠI” của ông, đặc biệt là bài Dạ Khúc, thơ Thanh Tâm Tuyền, do ns Hoàng Ngọc Tuấn đàn và hát. Chúng ta thử nghe xem hai ông Tuấn này có dám phá lệ tầm thường của khuôn mẫu trăm năm không.

http://www.tuanpham.org/

DTL: Theo quan điểm riêng của NC Vũ thì một ca khúc giá trị, mang tính sáng tạo cao, phải đạt tới hay hội đủ những yếu tố nào?

NCV:….

Bàn thêm : Có thể tổng lược ý của ns NCV trong 2 yếu tố: (1) Chiếm được lòng người nghe ngay từ phút đầu và ở mãi với họ không rời xa. (2) Khi chuyển sang nhạc hòa tấu thì dòng nhạc của ca khúc vẫn tuyệt vời.

Thiết nghĩ cả 2 yếu tố ns NCV đòi hỏi cũng vẫn chưa thỏa mãn câu hỏi. Tại sao vậy? Có thể phân biệt 2 lãnh vực: sáng tạo và lôi cuốn. Sáng tạo chủ về cái mới, còn lôi cuốn chủ về tình tự. Cả hai yếu tố của NCV mới chỉ thoả mãn tình tự mà thôi. Thực tế sinh hoạt nghệ thuật cho thấy, có những khi sáng tạo không đem lại lôi cuốn, ngược lại ”theo lối mòn” mà lại đem về lôi cuốn. Lôi cuốn thì chắc chắn cám dỗ được lòng người, nhưng sáng tạo thì chưa chắc. Chúng ta luôn mong mỏi một soạn phẩm vừa có tính sáng tạo cao, vừa lôi cuốn người thưởng ngoạn. Thực tế cũng cho biết có những sáng tạo ban đầu bị xem là kỳ quái, càng sau càng quen và từ từ được đón nhận thân quen, yêu mến. Jazz với lịch sử có những giai đoạn bị ”phạt vạ” chẳng hạn!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 14166)
Mong anh khoẻ, tiếp tục vung bút sảng khoái như câu nói của Van Gogh mà anh thích:“Tôi dùng những màu xanh, màu đỏ để tả sự say mê kinh khiếp của con người.
28 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 13963)
Lúc Phong Hóa ra số đầu (tòa soạn lúc ấy ở đường Takou), tôi làm báo Rạng đông của Nghiêm Xuân Huyến
25 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 12515)
Khi chọn chủ đề của tranh là “không gian sống” (living space), chắc chắn Lê Thánh Thư đã chọn cho mình một hướng sáng tác
20 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 13846)
Bút hiệu đầu tiên của Vũ Hữu Định là Hàn Phong L
16 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 13605)
Trong những nhà thơ Việt Nam đương đại, có lẽ Nguyễn Duy là tên tuổi được phổ cập tương đối rộng rãi vào quần chúng.
07 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 15382)
Nhạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt,
26 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 13796)
21 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 16989)
14 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 14718)
08 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 13506)
Trước hai ngày xuống tàu để vượt biên, vào khoảng tháng 11 năm 1981
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7902)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11069)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21736)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19259)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24509)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,