TRỌNG THẮNG - Phỏng vấn nhà thơ Lưu Trọng Văn

18 Tháng Tư 201710:42 SA(Xem: 5317)
TRỌNG THẮNG - Phỏng vấn nhà thơ Lưu Trọng Văn


Trọng Thắng:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ.

Em không nghe rừng thu,
Lá thu rơi xào xạc.
Con nai vàng ngơ ngác.
Đạp trên lá vàng khô.

Thưa quí vị, quí vị vừa thưởng thức thi phẩm “Tiếng Thu” của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Trọng Thắng hiện nay đang có mặt tại khuôn viên của con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư. Trọng Thắng xin trân trọng giới thiệu nhà thơ, ký giả Lưu Trọng Văn. Xin trân trọng gửi lời chào đến ông.

Lưu Trọng Văn: Chào Trọng Thắng.

TT (Trọng Thắng): Thưa ông thi phẩm “Tiếng Thu” này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, đi sâu vào lòng người Việt của chúng ta. Trước 1975 ở Miền Nam, phải nói là không ai mà không biết đến nhạc phẩm này. Trong dịp này ông có thể cho quý khán giả được biết một ít về sự nghiệp, cuội đời của nhà thơ Lưu Trọng Lư không, thưa ông.

LTV (Lưu Trọng Văn): Hôm qua, hàng ngàn người yêu nhạc Phạm Duy đã chia tay người nhạc sĩ lớn của đất nước. Khi đứng bên mộ ông, tôi đã lẩm nhẩm hát bài Tiếng Thu mà ông đã phổ nhạc. Hiện về trong tôi không chỉ hình ảnh của cha tôi, hình ảnh của Phạm Duy, hình ảnh của những chiếc lá vàng khô, hình ảnh con nai và hình ảnh một đất nước, một tổ quốc, mà Phạm Duy và cha tôi và tôi vô cùng thương yêu.

Bài thơ Tiếng Thu, cha tôi làm khoảng năm một ngàn chín trăm ba mấy, bởi vì trong giấy tờ của ông để lại thì dưới bài Tiếng Thu ông không để rõ năm nào mà chỉ ghi “193...”. Khi tôi hỏi cha tôi: Cha ơi! Vì lí do gì mà cha làm bài Tiếng Thu này? Cha tôi đã kể, tuổi thơ ở bên bờ sông Gianh, Quảng Bình, ông vẫn thường theo những đứa trẻ đi chăn trâu ra bãi thả trâu, ông chơi với những người con của những gia đình nghèo, mặc dù ông là con quan. Những gia đình nghèo đó họ luôn luôn gọi cha tôi lại để nhờ cha tôi viết thư cho những người chồng của họ, người cha của họ đang đi vào những cuộc chiến tranh. Đó là giai đoạn của Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, rất nhiều người Việt Nam đã bị người Pháp đưa đi chiến trận ở những vùng chiến địa Châu Âu và không tin tức gì cả. Những người vợ tức là những người cô phụ ở nhà chờ thư chồng không có nhưng vẫn tin và hy vọng một bức thư của một cậu bé trong làng viết sẽ đến được với người chồng, người cha của họ. Cha tôi đã thường xuyên viết thư như vậy, vì vậy ông hiểu được nỗi lòng của người chinh phu, của người cô phụ. Và giữa một cái làng quê yên ả bên bờ sông Gianh, tuổi thơ, trên cái cột nhà bên bàn học của ông từ bao giờ không biết nữa có một bức tranh vẽ một con nai rất là hồn nhiên. Cái hình ảnh của con nai đó cùng với hình ảnh của mùa thu vùng Quảng Bình quê ông cùng hình ảnh của những người cô phụ chờ đợi chồng đã gieo vào trong ông và từ đó để ra đời bài thơ Tiếng Thu:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức

Sau này, âm nhạc của Phạm Duy đã đưa bài thơ đó đến với nhiều người hơn và thấm vào từng kẻ xa nhà nơi chiến trận. Tôi nghĩ chính âm nhạc của Phạm Duy cùng bài thơ của cha tôi là tiếng gọi da diết của hòa bình.


Lần đầu tiên tôi đã biết bài Tiếng Thu như thế nào?

Bài Tiếng Thu như Trọng Thắng vừa nói thì ai cũng biết nhưng đó là ở miền Nam trước năm 1975 thôi, còn ở miền Bắc, ngay chúng tôi, những đứa con của ông, tuổi thơ, đã không hề được đọc bài thơ đó. Bởi vì có những vấn đề của chia cắt, vấn đề của tầm nhìn văn hóa mà bài Tiếng Thu đã có một thời chỉ nằm trong một khu rừng và khép kín trong khu rừng đó. Năm 1966, khi tôi 15 tuổi tại ngôi trường của tôi ở Quốc Oai, nơi mà Quang Dũng đã viết bài thơ về Phủ Quốc, bị một quả tên lửa của không quân Hoa Kỳ thả trúng. Lúc đó tôi chạy tới trường thì có một cô bé chăn trâu sau này tôi biết tên là Liên đã bị một mảnh tên lửa khoét vào ngực, máu chảy đầm đìa. Tôi cùng với ba cô dân quân cáng cô bé ấy vào trạm xá ở bên đê Quốc Oai. Vào trong trạm xá đó, một cô gái nằm sấp trên sàn nhà, lưng bị mảnh bom khoét một mảng lớn, tôi nhìn thấy trái tim của cô đập đập trong vũng máu đỏ tươi. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy trái tim người. Có một bà già chít khăn mỏ quạ ngồi bên và bà cứ đờ người ra. Cô y tá nói với tôi: Em ơi! Em giúp chị, em tát vào má bà ấy một cái. Tôi đã cố gắng tát nhưng tôi không dám tát mạnh. Cuối cùng chị y tá và tôi cùng lấy tay tát vào má bà để cho bà ộc ra giọt nước mắt.

Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cảnh này, tôi cứ bần thần như kẻ rớt hồn đâu đó. Tôi về nhà một anh tên là Thao, trước đây anh đi lính cho Pháp, tuy có học nhưng không được trọng dụng. Nghe tôi kể lại câu chuyện vừa chứng kiến thì anh đứng lên một cái ghế với tay trên mái rạ kéo ra một bọc giấy. Trong bọc giấy đó có cái lá chuối khô, trong lá chuối khô có một mảnh giấy học trò nho nhỏ. Anh Thao đưa cho tôi: “Mày đọc đi”. Tôi đọc. Đó chính là bài Tiếng Thu:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ.

Tôi đọc xong, anh Thao hỏi tôi, mày biết bài thơ này của ai không, tôi lắc đầu, anh cười rồi nói, của bố mày đấy.

Bài Tiếng Thu một thời ở miến Bắc bị ai đó coi như một câu chuyện của một sự lãng mạn nào đó không hợp với một giai đoạn nào đó của một chế độ nào đó, của một cuộc chiến tranh nào đó. Nhưng nó vẫn nằm trong rơm trong rạ, nằm trong lòng của mỗi con người yêu cái đẹp, yêu thơ và nó vẫn như một ngọn lửa, nó đưa chủ nghĩa nhân văn, tình cảm của con người đến với nhau.

Tôi đã khóc khi lần đầu tiên đọc nó và biết nó là của cha tôi.

Thế rồi trên một chuyến tàu năm 1968 sang nước Nga, có một anh bạn rất là trẻ, anh bảo: Mày, tao sẽ hát cho mày nghe một bài hát. Anh đóng cửa phòng lại. Hát mà tại sao phải đóng cửa phòng? Tao còn phải ghé vào tai mày mới hát cơ. Và cuối cùng anh hát:

Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô…

Bài hát này Phạm Duy phổ nhạc tao nghe và học lóm trên đài Sài Gòn đấy.

TT: Đó là ký ức, ghi dấu ấn rất đậm trong tâm tư của ông, thưa ông.

LTV: Vâng, tất nhiên, tôi nghĩ rằng đó là vấn đề của thời cuộc, vấn đề của đất nước. Nếu nó chỉ là câu chuyện của tôi thì nó cũng rất bình thường nhưng nó là câu chuyện nỗi đau của đất nước, nỗi đau của một dân tộc đã luôn luôn chịu đựng quá nhiều nỗi bất hạnh, quá nhiều những tàn khốc của chiến tranh. Không những cuộc chiến tranh của bom đạn, mà cuộc chiến tranh của ý thức hệ, chiến tranh của những cuộc phân ly, chiến tranh của những sự dối trá, cuộc chiến tranh của những sự bất công, nó còn rất nhiều thứ nữa, đâm ra nó càng đau hơn nữa. Thế nhưng nó chính là những ngọn lửa để cho mỗi lần khi tôi ru cho con tôi, đứa bé ra đời, chính tôi ru bài Tiếng Thu, và cháu đã lớn lên trong bài đó, và cháu đã trở thành một chàng trai có ích cho đất nước này.

Trong đêm nhạc chia tay Phạm Duy bên quan tài Phạm Duy đang yên nghỉ một cậu rất trẻ giới thiệu rằng: Tôi là một đứa trẻ mồ côi, tôi không biết gì cả. Nhưng khi tôi một vài tuổi thì chị tôi ru tôi bài “Ngậm ngùi” thơ Huy Cận do Phạm Duy phổ nhạc. Tôi đã lớn lên trong bài “Ngậm ngùi” đó.

Khi nghệ thuật đi vào đời sống nó trở thành da thịt của mỗi con người, nó có sức mạnh của nó, và, không có một thế lực nào có thể làm cho nó hủy diệt được.

TT: Thưa ông rất là đúng, cám ơn ông rất nhiều. Từ khi nào thì ông bắt đầu làm thơ? Khởi nghiệp bằng những bài thơ tiếp nối theo cha của ông?

LTV: Thế hệ bọn tôi, tôi nghĩ rằng nó còn có được cái sự chuyền của những người như cha tôi, như ông Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... cái chất lãng mạn. Cái chất lãng mạn này từ bé chúng tôi không được tiếp xúc qua thơ lãng mạn của các cụ, bởi vì thơ lãng mạn của các cụ lúc đó hầu như là bị cấm ở miền Bắc, mà chúng tôi được tiếp nhận cái chất lãng mạn qua chính con người của cha tôi, của Xuân Diệu, của Huy Cận, của Chế Lan Viên.

Cái sự lãng mạn đó nó cứ gieo vào trong mình. Sao tình cảm thế! Sao thiên nhiên thế! Yêu thiên nhiên thế! Tôi nhớ đó là mùa hè năm 1964, cha tôi đạp xe đạp từ Hà Nội tới thăm tôi đang sơ tán chiến tranh tại làng cổ Đường Lâm. Cha tôi đã dẫn tôi đi khắp làng Đường Lâm, cha tôi kể, cái đồi cỏ thả trâu thì như thế này, con ong đồi thì như thế kia, chỗ nọ thờ Bố Cái Phùng Hưng, chỗ kia thờ Ngô Quyền. Ông kể chuyện lịch sử cho đến chuyện của làng quê. Ông giải thích vì sao cái vùng làng quê này đá tổ ong hình thành như thế nào, cái chùa Mía, cái đình Mông Phụ có từ bao giờ…. Tất cả mọi cái tình cảm quê hương với sự thi vị của nó được ông gieo vào trong tôi. Tôi có thể nói rằng tuổi thơ của tôi cũng được may mắn, mà thực ra, chiến tranh thì không ai gọi là may mắn, nhưng chính vì có cuộc chiến tranh này nên những đứa trẻ thành phố như tôi bị xô đẩy về làng quê, mà làng quê là những cái nôi của văn hóa, của những câu chuyện tình “đêm qua tát nước sân đình…” đâm ra từ bé, tôi được đi chăn trâu với những đứa trẻ thôn, đi thả diều rồi đi bắt ong, rồi trưa nằm nghe những tiếng hát ru như cha tôi thời thơ bé.

Tuổi thơ bây giờ mất đi những điều đó, có phần nào đó là một sự thiệt thòi.

Chính làng quê đã gieo vào trong tôi những giai điệu lời ru. Ngay cả tiếng của người Sơn Tây: Anh bồ đôi! Anh đéo em vơi! (Anh bộ đội! Anh đèo (xe) em với, một tiếng gọi của cô gái đi nhờ xe đạp với âm điệu của nó cũng là thơ là nhạc. Đâm ra ngôn ngữ của Việt, bản thân nó có giai điệu, đâm ra tự dưng nó cứ đi vào đi vào trong tôi. Rồi thì tự nhiên tôi viết ra những câu có vần, tôi làm thơ. Em trai tôi cũng thế. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh sau này, khi mới 9, 10 tuổi cậu ta đi Hạ Long với gia đình, mạ tôi quét rác nhà thì thấy một mẩu giấy trong thùng rác, mạ tôi thấy chữ của thằng con lấy lên đọc. Hóa ra là một bài thơ, bài thơ nó như thế này:

Chú vẽ cánh đồng sao không vẽ trâu?
Chú vẽ ngôi nhà sao không vẽ cháu?
Chú vẽ con chim hay cái lá?
Chim thì phải hót, lá thì phải bay!
Chú vẽ cây cau bên bể cạn.
Cau sao chẳng có hương cau?

Bài thơ này Ninh ta viết về một bức tranh của một họa sĩ rất có tên tuổi. Viết xong nó vứt đi, thế thôi. Cái lòng mình nó như vậy, thì viết như vậy. Người Việt Nam mình nó có cái hay như vậy, thích, viết như gió tới thì hóng gió, đón gió thôi. Nhưng đấy cũng chính là một cái gì đó mà tôi cho là cái Hồn Việt. Tôi cũng chỉ là một người như thế khi cầm bút làm thơ. Chính vì vậy chưa bao giờ tôi tự nhận mình là một nhà thơ cả, chưa bao giờ, mặc dù tôi cũng có làm một số thơ và đã in một tập thơ.

Năm 1994, khi tôi tới Singapo gặp anh Võ Tá Hân là một nhạc sĩ, anh bảo tôi: Này cậu có thích nói chuyện với Phạm Duy không? Từ bé tôi có nghe cha tôi nói Phạm Duy là một nhạc sĩ có tài và là bạn của cha tôi. Khi tôi nói chuyện với Phạm Duy, Phạm Duy nói: Cậu ạ! Tôi muốn trở về lắm, muốn trở về lắm! Đó là năm 1994. Sau đó thì tôi viết ngay bài thơ như một bức thư thôi: Về thôi người tình già ơi! Phạm Duy là một người tình già. Tôi nghĩ rằng nếu mà ông không trở về, nếu mà ông không sống trong lòng đất nước, sống với những ca sĩ như Đức Tuấn, như Ánh Tuyết, như Quang Dũng thì nhạc ông chỉ còn ở một phía thôi, phía của 3 triệu đồng bào, còn 87 triệu đồng bào nữa thì không được nghe nhạc ông. Tôi cho đó là một sự thiệt thòi lớn. Thiệt thòi không phải cho Phạm Duy, mà thiệt thòi cho dân tộc. Chính vì vậy tôi mới viết, mới kêu gọi ông, thật ra đó là cái nỗi lòng chứ không phải lời kêu gọi:

Về thôi người tình già ơi!
Thôn nữ chị đã qua cầu thóc lép.
Thôn nữ em như trăng gầy tuột khỏi chồi tay.
Thôn nữ út lơ đễnh lên đồng nào biết.
Khúc tình xưa, xưa ấy, xưa rồi!

Về thôi làm gì có trăm năm mà đợi.
Làm gì có kiếp sau mà chờ.
Đất mẹ, đất nàng, con sáo sang sông.
Tha cọng rơm vàng lót ổ.
Mười chín năm bến cũ
Người tình già ơi nhớ không?

19 năm, năm ấy 1994, năm 1975 Phạm Duy bị cuộc đời nó xô đẩy thì ông đã ra đi.

Thế thì tại sao tôi lại nói tổ quốc không những là “đất mẹ” mà còn là “đất nàng”? Bởi vì theo tôi, đối với người nghệ sĩ, đối với Phạm Duy, đối với cha tôi tổ quốc không chỉ là đất mẹ, không chỉ là thiêng liêng, mà còn là “nàng” là “người tình”. Nó gần gũi vì nó còn là người tình. Người tình thì có giận có hờn, còn với mẹ thì không có giận hờn được chỉ có kính yêu thôi. Đất nàng thì có thể có lẫy, có giận hờn, có thế này thế kia. Đó là chuyện thường tình của người nghệ sĩ.

Tổ quốc vừa là “đất mẹ,” “đất nàng” thì nó vừa cả thiêng liêng vừa cả tình yêu vừa cả tất cả những cái gì đó rất con người.

Về thôi!

TT: Thưa ông, sau khi ông sáng tác ra bài thơ đó, khi nào thì nhạc sĩ Phạm Duy nhận được bài thơ của ông?

LTV: Ngay hôm sau, tôi đọc bài thơ đó cho nhạc sĩ Phạm Duy qua điện thoại từ Singapo đến Mỹ. Anh Võ Tá Hân có gửi bài thơ đó trên tờ Hợp Lưu, và in.

TT: Nhạc sĩ Phạm Duy có nói rằng do có tác động bài thơ của ông mà nhạc sĩ đã trở về…

LTV: Tôi nghĩ rằng sự tác động thì đấy là một cách nói thôi, và tôi nghĩ nó là một cái cớ thì đúng hơn. Cái cớ. Cái cớ. Bởi vì từ khi bước chân lên con tàu vượt đại dương, Phạm Duy luôn luôn nhìn quay lại. Với một con người nghệ sĩ như ông, với một tâm hồn như ông, với một người đã viết“Tình ca” như ông “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”, thì luôn luôn có tổ quốc ở trong mình. Tổ quốc ấy luôn luôn vọng trong mình với tất cả những gì thân yêu nhất. Tôi nghĩ tổ quốc của ông là một tổ quốc không có màu sắc của một thứ chính trị nào cả. Ông trở về, và như tôi từng nói, là một sự dũng cảm. Tại sao gọi là dũng cảm? Bởi vì ông đang làm một sứ mệnh. Ông đang tự nhận làm một sứ mệnh. Tôi cho rằng ở phía bên này cũng như phía bên kia còn rất nhiều người chưa hiểu về ông. Đã đến lúc chúng ta phải mở lòng ra để chúng ta đón nhận và hiểu nhau. Sự trở về của ông như chìa ra một bàn tay. Ông hiểu rằng, đàng sau cái bàn tay chìa ra để trở về đó của ông không phải là cái bàn tay của ông, mà là những tâm tình của ông, những ca khúc của ông, là những cái đóng góp âm nhạc của ông, là “Tôi yêu tiếng nước tôi” là “Màu tím hoa sim” là “Bà mẹ Gio Linh” là “Thuyền viễn xứ” là tất cả... chính là bàn tay đó, ông đã đưa ra bàn tay đó. Người nghe âm nhạc của ông, và hiểu rằng: Ông yêu nước đến thế kia à! Và người ta thấy, hình dung một con người đã dắt ta đi, nhưng thực sự chẳng có gì cách biệt cả, thế thôi, ông đang làm cái sứ mệnh của người nghệ sĩ. Tôi có nói rằng, trên con đường đi của ông có thể ông chưa va vào bãi mìn. Nhưng ông bị không ít những đạn bắn tỉa từ phía bên này cũng như phía bên kia. Ông đau đớn và ông chấp nhận điều đó, ông chịu đựng, chịu đựng những viên bắn tỉa, đấy chính là cái lớn của ông, cái lớn của những thế hệ như ông, tôi nghĩ thế.

TT: Trọng Thắng cám ơn ông rất nhiều, đã nói ra cho mọi người hiểu được sứ mệnh của Phạm Duy. Thưa ông đó là một điều phải nói là không có ai làm được, ngoài trừ nhạc sĩ Phạm Duy. Thưa ông, trở lại một chút xíu về sự nghiệp của ông. Thưa ông hiện nay ông vẫn làm thơ, làm ký giả và cộng tác với bào chí, truyền thông?

LTV: Nói thì hơi buồn cười, tôi không phải là người xuất thân từ lãnh vực văn chương. Khi đi học, tôi học ngành Tự động hóa Xây dựng, một ngành rất buồn cười. Nó giống như một sự ảo tưởng của ai đó, muốn xây dựng một cái thiên đường gì đó. Thì tôi được cử đi học ngành đó, và tất nhiên là khi học xong thì việc đầu tiên của tôi là “tự động”… chuồn. Lúc đó, cũng giống như bao thanh niên khác, có thể có những điều nghĩ này, nghĩ nọ, thì tôi nghĩ tổ quốc mình đang có chiến tranh và tôi chỉ có một hướng suy nghĩ thôi là làm sao cho không còn cuộc chiến tranh đó nữa, để những người mẹ da vàng sẽ bớt đi những đau khổ. Đúng, chỉ một ý nghĩ như vậy thôi. Con đường đi như thế thì lại trở nên con đường vào với cuộc sống, dần dần biến tôi thành một người liên quan tới những công việc của xã hội, từ viết báo, làm thơ, viết kịch...

Nó giúp tôi cái điều kiện để cho tôi, không phải cày xới hàng ngày trên những luống sách, trong những thư viện mà tôi có thể tự hào tôi có một gia sản do chính cuộc sống mang lại. Tôi đã đi xe máy hết 63 tỉnh thành ở Việt Nam này. Tại sao tôi phải đi như vậy? Để tôi hiểu nhân dân mình, hiểu đất nước mình. Tôi muốn hiểu lịch sử tôi phải đến tận nơi. Tôi muốn hiểu Thành nhà Hồ tôi phải đến Thành nhà Hồ. Tôi muốn hiểu Đinh Tiên Hoàng thì tôi phải lên đỉnh Mã Yên, đến Hoa Lư. Và, chính cái việc đi như thế, hàng ngày như vậy đó, đã bồi đắp cho tôi những cách nhìn không có kinh viện, những cách nhìn không có sổ sách.

Những gì tôi có được tôi luôn nghĩ là do nhân dân đã cho tôi. Sự may mắn của tôi là như vậy. Một giai đoạn nào đó tôi sẽ viết một cuốn sách, gọi là lượm lặt để kể lại tất cả những quá trình của mình, những cái gọi là ghi nhận của mình trên con đường đi này.

Tôi kể cho các anh chị nghe một câu chuyện. Thật ra tôi không phải là người làm thơ theo kiểu chuyên nghiệp, nhưng mà cuộc sống nó dội trong tôi. Một lần tôi tới Bạc Liêu không có chỗ ngủ, tôi nghĩ tốt nhất là nên đến Nhà Văn hóa Thiếu nhi, nơi mà dễ nhất có thể ngủ nhờ. Đến nơi thì khu tập thể chỉ có một cái phòng thôi mà có đến bốn cô gái ở đó. Thế rồi bốn cô mới nói: Thôi anh đã tới đây rồi thì anh ở đây, lỡ rồi, chúng em sẽ đi kiếm nhà quen để ngủ.

Tôi chợt nhìn thấy trên tường có một cái khoanh giấy chẻ ra làm 4 ô, có mũi tên giống như cái đồng hồ, ghi tên 4 cô một ô. Một cô hỏi tôi: Đố anh biết đấy là cái gì? Tôi trả lời một cách đơn giản, đó là bảng phân công trực nhật. Thế là 4 cô cười: Sai rồi ông anh ơi!

-Thế là cái gì?

-Cái mũi tên chỉ vào ô đứa nào thì đêm đó đứa đó phải hát ru cho 3 đứa kia ngủ, xong mới được ngủ.

Thế là cuộc sống chứ có phải tôi đâu. Ngay trong đêm đó tôi làm bài thơ này.

Con gái ru, con gái ngủ.
Con gái đàn, con gái nghe.
Khuya mưa đổ, giờ này con trai ngủ chưa?
Chẳng ai ru chiến tranh ngủ được.
Con trai ôm súng trời xa.
Trong chập chờn thoảng thốt.
Bàn tay đè ngực phẳng tìm hoa trái đời thường.
Giọt nước mắt rơi xuống đất thụ thai thành cỏ non.

Tôi làm ngay cái bài đó, tức là cuộc sống đã cho tôi, mà lúc đó là chiến tranh gì, chiến tranh với Pôn Pốt ở phía Nam còn phía Bắc với Trung Quốc, những người lính phải đi bảo vể tổ quốc, những người con trai phải như vậy.

Con trai phải ru con gái ngủ, con gái phải ru con trai ngủ, như chuyện bình thường, như lẽ bình thường, ấy vậy mà, ở đây:

Con gái ru, con gái ngủ.
Con gái đàn, con gái nghe.

Để rồi hỏi:

Khuya mưa đổ, giờ này con trai ngủ chưa?

Để rồi hiểu ra một sự thật:
Chẳng ai ru chiến tranh ngủ được.
Con trai ôm súng trời xa.
Trong chập chờn thoảng thốt.
Bàn tay đè ngực phẳng...

Ngực thằng lính thì cứ trơn tuột thế này, tìm ngực đàn bà, tìm hoa trái đời thường... Mò thế thôi, tưởng tượng thế thôi. Không có, giọt nước mắt rơi xuống đất thụ thai thành cỏ non... Đâm ra các bạn đi trên cỏ non, đi trên giọt nước mắt của những người đi tiêu diệt chiến tranh để giữ hòa bình cho cái non sông của mình.

Thơ nó là như thế chứ không phải tôi muốn. Tất cả mọi câu chuyện nó như vậy thì tự dưng tôi có một số bài thơ. Cuối cùng tôi có một số bài thơ và người ta gọi tôi là nhà thơ, mà thật ra không phải. Đó là những ghi nhận cảm xúc của mình giữa đời này và những tinh hoa nó đẹp lắm!

Cũng rất là tiếc cho những người bạn của tôi, đang sống ở nước ngoài, các bạn có thể nghĩ về một chế độ nhưng đừng bao giờ hoài nghi về một nhân dân, một dân tộc, một đồng bào, vì đó chính là cái nguồn cảm xúc lớn vô cùng đối với chúng ta và là của chúng ta, không của ai hết. Đừng vì một cái gì đó mà tự dưng cắt ra cái phần của chúng ta, họ đẹp vô cùng. Họ đẹp vô cùng!

TT: Trọng Thắng muốn trở lại câu chuyện về nhà thơ Lưu Trọng Lư. Lý do là vì thế hệ của Trọng Thắng, nghe nhạc phẩm Tiếng Thu của nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, và biết được nhà thơ Lưu Trọng Lư. Tuy nhiên với thế hệ của mình, Trọng Thắng không hình dung một bức tranh về nhà thơ Lưu Trọng Lư và những tác phẩm để đời của ông. Thưa ông, ông có thể chia sẻ những ký ức của ông về nhà thơ Lưu Trọng Lư.

LTV: Cha tôi sinh vào ngày 19 Tháng Sáu năm 1911, lúc bên Trung Hoa xảy ra cuộc Cách mạng Tôn Dật Tiên, Cách mạng Tân Hợi. Ông sinh ở bên bờ Nam sông Gianh, Quảng Bình, một làng rất cổ, lớn lên ông được đi học và học ở Quảng Bình, sau đó học ở Quốc học Huế, rồi cuối cùng cũng như một số học sinh yêu nước, như Hoài Thanh, ông chống lại chế độ thực dân Pháp. Ông bị đuổi học và cuối cùng ông ra với đời sống. Có những lúc buồn ông đến nhà cụ Võ Liêm Sơn, để nghe cụ Võ Liêm Sơn ca những câu thơ rất buồn ảo não: Ngàn năm sự nghiệp nước về đông. Có những lúc buồn ông đến với cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan Bội Châu mới bảo : Lư là lừa, vì vậy cụ đặt lại cái tên cho cha tôi là “Hy Ký”, tức là một con ngựa đi nhanh. Qua đó ta thấy tư tưởng của cụ Phan Bội Châu muốn thúc đẩy đất nước đi lên như thế nào. Tất nhiên cụ hiểu chữ “Lư” có nghĩa là “Lừa” là không đúng. Lư là nghĩa khác, chứ không phải Lư là Lừa, nhưng cụ Phan Bội Châu hiểu như thế. Sau năm 1945 cha tôi với Chế Lan Viên và rất nhiều văn nghệ sĩ khác cùng đi lên chiến khu chống Pháp.

Ông có những năm tháng ở trong rừng, những năm tháng rất gian khổ, và sau đó ông cũng đi làm một số công việc mà tôi nghĩ đó là một số “công việc bổn phận”. Ông viết kịch, ông làm thơ, ông viết truyện.

Nhưng mà tôi ngạc nhiên nhất là chỉ trong những năm từ năm 1932 đến năm 1944, tức là trong chỉ 12 năm trời, ông đã làm hàng trăm bài thơ để đời, viết được hơn 20 cuốn tiểu thuyết. Vừa rồi gia đình chúng tôi có sưu tầm được gần hết, trong đó có những cuốn tiểu thuyết rất sâu sắc, như cuốn “Giòng họ”. Trong thời gian đó ông cũng viết rất nhiều về lý luận, phê bình, chính luận, tản văn, truyện ngắn, kịch...

Một điều ngạc nhiên nữa là từ 1945 cho đến khi ông qua đời thì số tác phẩm để lại thì không nhiều. Số tác phẩm được in không nhiều, được dùng không nhiều.

Khi ông mất, tôi nghĩ chả nhẽ cha tôi không viết nhiều. Tôi lục lại tất cả những bản nháp, sưu tập được khoảng 200 bài thơ ông chưa hề in. Tôi có đưa in trong dịp vừa rồi, đặt tên tập thơ là “Bài Ca Tự Tình”, tức là tự tấm lòng của ông. Ông nói rất thật về những suy nghĩ của mình, về thời cuộc về đất nước, về dân tộc. Tôi hy vọng đó là tập thơ thể hiện chân dung thật hơn, một chân dung Lưu Trọng Lư. Khi mà có thể có những bài viết của ông mà ông nghĩ là không thể in được, thì ông vẫn gửi gắm trong đó, và trong đó có một bài thơ, gọi là bài “Miếng Đất”, rất là hay. Ông Thích Nhất Hạnh rất thích bài đó, ông có gửi đây một cái đĩa trong đó có một buổi ông thuyết trình về thơ Lưu Trọng Lư cho khoảng mấy trăm người cả tây, cả ta, nói về thơ tình của Lưu Trọng Lư và cái suy nghĩ của Lưu Trọng Lư về cái chết, rất hay. Để ta thấy rằng đối với người nghệ sĩ thì họ luôn luôn ý thức được sự đóng góp của mình cho dân tộc của mình là cái gì. Họ hiểu rằng cái ghế không phải là sự đóng góp, họ hiểu rằng những huân chương không phải là sự đóng góp, những giải thưởng những tên tuổi không phải là sự đóng góp mà chính là tác phẩm, và, họ lặng lẽ viết những tác phẩm đó. Tôi nghĩ bản thân Chế Lan Viên cũng vậy, khi Chế Lan Viên mất đi thì đã có khoảng 4 tập di cảo những bài thơ của Chế Lan Viên. Rất tiếc là Xuân Diệu mất sớm quá thì ông không có những cái đó. Để ta thấy rằng các nhà thơ dù ở phía bên này hay phía bên kia, họ luôn luôn làm cái sứ mệnh của mình và làm hết mình với cái sứ mệnh đó. Tôi rất tiếc rằng, nếu họ có được quỹ thời gian tốt hơn, được điều kiện tốt hơn thì những tác phẩm của họ sẽ được lan tỏa mạnh hơn.

Nói về cha tôi thì như vậy, nhưng mà cái điều lớn nhất là ông luôn luôn đau đáu, như Phạm Duy, về vận nước nổi trôi. Có những đêm một mình, ông im lặng và ông cũng là một người rất dễ nước mắt khi nghĩ đến cái thân phận của đất nước.

TT: Ông là một con người rất là bình dị, nhưng ông có một trái tim lúc nào cũng đập cùng với những nhịp đập của mọi người, mà từ đó sản sinh ra những áng văn, thơ cũng như là những câu chuyện, và những tác phẩm để đời của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Xin trân trọng cám ơn ông rất là nhiều đã đến cùng với quý khán thính giả.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 20232:38 CH(Xem: 1239)
xin cô hãy quay về với những kênh rạch nhiều tôm cá, những cánh đồng lúa chín vàng tươi, những chòm xóm rộn ràng tiếng nói cười của dì Tư, má Năm…
15 Tháng Tám 20235:25 CH(Xem: 1187)
Có lần bàn đến những đề tài về cá tính miền Nam, Sơn Nam “khẳng định” (chữ của Sơn Nam): “Không có ‘người Việt miền Nam’ mà chỉ có người Việt Nam.”
05 Tháng Tám 20236:14 CH(Xem: 1385)
Trong Việt ngữ, chúng ta dùng nhiều chữ không phải là thừa; vì mỗi chữ chỉ thị một văn loại khác nhau, có chút đặc điểm riêng.
02 Tháng Tám 20239:46 SA(Xem: 1211)
Báo chí miền Nam viết nhiều, nói nhiều về Dương Nghiễm Mậu và đều dành cho ông những tình cảm đặc biệt và một vị trí xứng đáng trong dòng văn học miền Nam trong giai đoạn từ năm 1954
31 Tháng Bảy 20238:06 SA(Xem: 1626)
Tuy đến với thi ca sớm, nhưng Tô Thùy Yên viết không nhiều.
12 Tháng Bảy 20234:20 CH(Xem: 1339)
Trước 1975 Lê Vĩnh Ngọc là họa sĩ vẽ bìa và minh họa cho tuần báo Tuổi Ngọc,
04 Tháng Bảy 20239:17 SA(Xem: 1498)
Những năm gần đây, tôi ít thấy thơ lục bát xuất hiện trên báo chí hoặc các trang mạng văn chương.
27 Tháng Sáu 20231:18 CH(Xem: 5048)
Phỏng vấn nhà văn Vũ Thư Hiên
27 Tháng Sáu 20239:14 SA(Xem: 5048)
Nếu bị đày ra một hoang đảo và chỉ được phép đem theo một tập thơ duy nhất để đọc trong lúc nhàn rỗi
22 Tháng Sáu 20238:43 SA(Xem: 1345)
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại thiếu chữ nghĩa, thiếu âm thanh, thiếu màu sắc như bây giờ.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17047)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9173)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8345)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19181)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7899)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11064)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19256)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31959)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,