LÊ HUY OANH - Nhận định về thơ hậu chiến.

19 Tháng Tám 20179:38 SA(Xem: 7300)
LÊ HUY OANH - Nhận định về thơ hậu chiến.


*Mục "Phê Bình, Biên Khảo, Phỏng Vấn" kể từ hôm này, sẽ do Lê Hoàng Tuần Kiệt phụ trách.


Nếu thi ca Việt Nam trước cuộc chiến tranh Việt Pháp
 (trước năm 1945) ngược lên đến thời Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, được tạm gọi là thơ Tiền Chiến thì ta có thể gọi thi ca sau hiệp định Genève là thơ hậu chiến. Dĩ nhiên cách phân chia thời kỳ trong văn học cũng chả cần phải tuyệt đối, trong vài trường hợp có sai biệt dăm ba tháng, một hai năm cũng chẳng sao cả. Chẳng hạn thời đại văn học Victoria của văn học Anh đâu có bị đặt khuôn khổ đúng khớp với khoảng thời gian trị vì của nữ hoàng Victoria. Hôm nay tôi muốn phát biểu một vài ý kiến về thơ hậu chiến tại xứ ta, không kể đến khu vực Cộng Sản, nơi mà đa số các nghệ sĩ bị bắt buộc phải ca tụng Bác và Đảng một cách gượng gạo giả dối. . Có những kẻ bi quan kêu lên rằng thi ca Việt nam thời hậu chiến xuống dốc mất rồi. Vài kẻ lạc quan đắc ý tuyên bố thời hậu chiến là thời đại Hoàng Kim của thi ca Việt Nam. Có người cho rằng thi ca hậu chiến cũng tàm tạm vậy thôi không đến nỗi nghèo nàn lắm mà cũng chẳng đáng coi là phong phú. Những nhận định đó có khác nhau như vậy cũng chẳng phải là điều lạ. Bàn về văn học thì mỗi người mỗi ý, mâu thuẫn nhau đôm đốp là chuyện rất thường vậy. Tuy nhiên bàn định về văn thơ vẫn cứ là một điều rất nên làm nếu không bảo là cần thiết. Ý kiến thành thật của mỗi người thế nào thì cứ việc nêu ra. Vì vậy tôi xin trình bày ý kiến của riêng tôi về thi ca hậu chiến.

lehuyoanh_choeve_pic
Nhà văn Lê Huy Oanh (tranh Chóe)

 


Các người làm thơ thời hậu chiến nhiều lắm, đếm không xuể. Báo chí sách vở đăng thơ nhan nhản: thơ cũ, thơ mới, thơ tự do, thơ phá thể, thơ nửa cổ nửa kim. Thịt heo sợ thiếu chứ thơ không sợ thiếu. Cứ bỏ ra trăm bạc mua sách báo bán son ở vỉa hè thì đọc thơ đến cả năm không hết. Ngoài những tạp chí, các báo hàng ngày cũng đăng rất nhiều thơ. Có bài thơ tả mối tình đầu ngây thơ trong sạch được đặt ngay bên ô quảng cáo về thuốc chữa bịnh giang mai hay thuốc Tam tinh Hải cẩu bổ thận hoàn của nhà thuốc Võ văn Vân. Có bài thơ lành mạnh hùng tráng được đặt ngay bên cái tin một thanh niên trêu gái ngoài đường nhưng rủi bị gái có võ judo quật ngã gẫy răng. Người Việt nam vốn sính thơ, rất nhiều người thích làm thơ, Chính khách làm thơ, nhà buôn làm thơ, chủ xí nghiệp làm thơ, tu sĩ làm thơ, học trò, giáo sư, thợ thuyền, chiến sĩ, giới nào cũng nẩy ra hàng chục, hàng trăm người làm thơ. Thi đoàn nọ thi đoàn kia xuất hiện nườm nượp chẳng khác gì tình trạng bát nháo của thi ca nước Pháp sau cuộc thế chiến thứ nhất.


Thường ai cũng coi thơ của chính mình hoặc của những bạn trong nhóm là hay, còn thơ của đa số người khác là dở. Đó cũng là tính thường. Các nhà thơ bảo thủ thường đả kích các nhà thơ tự do hoặc có những thái độ cấp tiến. Nhưng ngay trong hàng ngũ bảo thủ hay trong hàng ngũ cấp tiến cũng có sự mỉa mai khinh thị nhau. Hãy nhìn vào trường hợp thứ hai: Nguyên Sa dè bỉu thơ Thanh Tâm Tuyền. Tô Thùy Yên phê bình thơ Nguyên Sa là hời hợt nông cạn, Thạch Chương gọi Cung Trầm Tưởng là Bà Huyện Thanh Quan (?), Cung Trầm Tưởng rất khổ tâm khi đọc thơ Quách Thoại. Những thái độ đó hoặc thành thật, hoặc muốn dìm nhau, hoặc có thiên kiến vì ác cảm. Trường hợp khác là có một số những nhà thơ cấp tiến như Thanh Tâm Tuyền, Trần thanh Hiệp, Tô thùy Yên đã có một dạo hăng hái sôi nổi lắm. Họ phá phách rất dữ, phủ nhận tất cả những giá trị của thơ tiền chiến, cho Huy-Cận, Xuân Diệu, Bích Khê, Tản Đà, Chế lan Viên, Hàn Mặc Tử, Vũ hoàng Chương vào ... rọ hết. Họ tuyên bố sẽ gắng công xây cất một đài thơ hôm nay thật cao thật đẹp. Thái độ của họ gần giống như thái độ của những nhà thơ đa đa hay siêu thực Pháp thời kỳ mới xuất hiện.


Các tay ngự sử xuất hiện khá nhiều trên thi đàn, hạ bút phê phán một cách rất tự nhiên những mầm non và những cây cổ thụ. Khen chê thành thật cũng có mà khen chê ẩu cũng có. Mạnh ai người ấy nói, ai muốn tin thì cứ tin, chẳng tin thì,... hòa cả làng. Trong việc phê bình, sự thành thật và óc sáng suốt thường bị cảm tình và thiên kiến phá hoại, Những trường hợp “mẹ hát con khen hay” nhiều lắm. Anh nọ chị nọ viết mươi bài thơ. Một người bạn liền ca tụng giới thiệu anh, chị đó với mọi người. Rồi tán rộng, tán nhảm. Rồi trích thơ. Rồi in ảnh. Rồi viết tiểu sử: sanh năm nào, phá ngang việc học để phụng sự nghệ thuật bắt đầu từ năm nào, đã bị đau khổ bao nhiêu lần vì yêu chẳng hạn. Giữa cái chợ thơ hôm nay, tiếng rao hàng tới tấp và vàng thau lẫn lộn. Dĩ nhiên vàng rất ít mà thau thật nhiều. Chứng kiến cảnh này những kẻ thức giả yêu nghệ thuật, hiểu nghệ thuật không biết nên cười hay nên khóc.


Một vài quái thai văn nghệ ra đời. Chẳng hạn người ta thấy cả một ông Phạm Thanh "soạn" một quyển
 Thi Nhân Việt Nam hiện đại quy tụ cả những nhà thơ tiền chiến lẫn những nhà thơ hậu chiến. Ông họ Phạm ấy đã trích lại gần hết những bài thơ mà Hoài Thanh, Hoài Chân đã trích trong Thi Nhân Việt Nam trước kia vào sách mình, thêm vào những lời phê phán giới thiệu có những chỗ nông cạn dò dẫm sai lạc về mỗi nhà thơ. Ngoài những nhà thơ xứng đáng, có khá nhiều cây bút tầm thường cũng được ông Thanh nêu ra: nào Lê Văn Tất, Trần gia Thoại, Cử Tạ, Vũ Đức Trinh, Hồng Trung, Tuấn Giang, Nguyễn thu Minh v.v... Ông Phạm Thanh còn quên mất "thi hào"... Bút Trà!


Cứ nhận định theo lối ông Phạm Thanh thì nước mình trong lúc này phải có hàng vài ngàn thi sĩ. Ông Phạm Thanh phải soạn thêm vài chục cuốn thi tuyển để nhà Khai-Trí xuất bản chứ. Có những thi sĩ đứng đắn đã phải đỏ mặt, khi thấy mình bị ông Phạm Thanh giới thiệu trong sách. Đặt Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Vũ hoàng Chương v.v... vào với những ông Thần Liên Lê Văn Tất, Vũ Đức Trinh, Trần gia Thoại chẳng hạn thì thật là... loạn. Cũng may cho một số thi sĩ có tài như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên... không bị ông Phạm Thanh chiếu cố đến.


Ấy thế mà nghe đâu hình như cuốn
 Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại lại bán đắt mới... đau lòng chứ. Loại thi tuyển đang hiếm mà. Xin chịu ông chủ nhà sách Khai Trí là rành tâm lý người đời. Ông giàu là phải lắm.

Các thi sĩ có năm, bảy hạng thì người đọc cũng có chín, mười hạng. Nhưng hạng bảo thủ chiếm đa số. Vì thế những tập thơ tái bản của những cây viết thời tiền chiến sót lại như Vũ Hoàng Chương hay Bàng bá Lân bán chạy lắm. Trong khi đó thơ của các thi sĩ trẻ tuổì quá ế ẩm, hoặc không nhà xuất bản nào chịu in. Một thi sĩ xứng đáng là Tô Thùy Yên muốn xuất bản một tập thơ của mình mà chưa tìm nổi một Mạnh Thường Quân của ngành xuất bản. Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền hay Nguyên Sa, mỗi người cũng chỉ mới in được một tập thơ mỏng mảnh. Hoàng anh Tuấn có sẵn cả hàng ngàn bài thơ mà chưa có dịp xuất bản.


Một đặc điểm của thơ hậu chiến là lãng mạn, ủy mị, than mây khóc gió nói rất nhiều về đàn bà, về tình yêu, sung sướng, thất vọng, đau khổ. Em em anh anh, nàng nàng tôi tôi ngự trị rất nhiều trong các bài thơ. Giọng thơ nào cũng đẫm lệ. Đặc điểm thứ hai của thơ hậu chiến là bầy tỏ những nỗi cô độc, bơ vơ của thi nhân. Một số nhà thơ tưởng mình là những "Trích tiên" lạc xuống cõi trần. Họ ngồi lì trong "tháp ngà" một mình kêu buồn, kêu mỏi, kêu bơ vơ để coi rẻ cuộc đời và thương mình. Nhan nhản những danh từ hoặc từ ngữ như bơ vơ, cô liêu, em ơi, hoa sim tím, ngấn lệ, thẫn thờ, lá vàng rơi, gửi về Nhung, gửi về Tuyết, oán thương, xứ mộng, xứ đau buồn, lang thang, thổn thức, đơn côi, buồn tê tái, buồn le lói, lãng quên, man mác, vu vơ... nằm trong hàng vạn bài thơ "chắp chữ" một cách vụng về của những thanh niên mới lớn, và của cả những thanh niên đã lớn từ lâu.

Đã đành rằng tính chất trữ tình là một trong những tính chất tất yếu của thơ, và ái tình là một cái gì rất đẹp đẽ đáng cho các thi nhân của muôn đờì ca ngợi. Nhưng không gì khổ tai khổ mắt người đọc bằng những bài thơ thiếu nghệ thuật bày tỏ những mối tình... con nít vụn vặt dớ dẩn. Nhất là trong lúc này là lúc mà người thanh niên cần tốp bớt những tình cảm ủy mị. Khóc lóc ít thôi. Buồn thương ít thôi. Chúng ta là người dân một tiểu nhược quốc. Mộng mị thẫn thờ nhiều quá thì rồi dân tộc làm sao ngóc cổ lên được. Thật ra những tình cảm điên cuồng hoặc uỷ mị, những nỗi tâm sự u uất, cô độc như kể trên đã từng được thể hiện nhiều trong thơ của những thi hào như Lý Bạch, Cao Bá Quát. Nguyễn Gia Thiều, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, Hàn Mạc Tử, Baudelaire, Rimbaud... nhưng thơ của họ vẫn bất hủ và đáng cho độc giả của bất cứ thời nào đọc, nhờ có nghệ thuật thật cao. Lấy những thí dụ gần đây: một bài Kỳ nữ của Đinh Hùng, một Bài Blues số một của Hoàng Anh Tuấn hoặc một bài Dạ Khúc của Thanh Tâm Tuyền chẳng hạn, tuy có nói về đàn bà, có bầy tỏ sự điên cuồng hốt hoảng vì hoa hương, rượu mạnh, nhảy đầm, đau khổ tuyệt vọng, người đọc có thể coi những bài này là không "lành mạnh" nhưng vẫn cần có chúng để làm dịu nỗi khao khát nghệ thuật vì giá trị nghệ thuật của chúng rất cao đến độ đặt được mọi thái độ, mọi tình cảm, mọi nhân sinh quan vào cái Đẹp. Và cái Đẹp thì bất diệt.


Thơ Baudelaire nói lên nhiều cái sa đọa, trụy lạc, hèn yếu của con người nhưng có kẻ thức giả nào dám hô hào vứt bỏ thơ ông vì nó không lành mạnh đâu. Nếu đau khổ, lãng mạn, mê cuồng để làm thơ hay như Baudelaire hoặc Verlaine thì cũng nên giữ lấy cái thái độ sống đó lắm. Baudelaire, Verlaine hay Nguyễn Gia Thiều, Hàn Mặc Tử, Tản Đà không còn là người phàm tục. Họ là những thần mịnh soi đường cho thế nhân vào thưởng thức cái thế giới say mê tuyệt diệu của nghệ thuật, đồng thời dạy cho thế nhân biết rõ về cái bản thể cuộc đời. Đọc thơ họ ta say sưa cảm động vì nghệ thuật nên ta kính phục bất cứ thái độ nào của họ. Ta không còn lợm giọng khi biết họ bị bệnh giang mai, nghiện ma túy, nghiện rượu, đồng tính ái, si tình, đam mê hoặc khóc trên ngực những con đĩ môi nâu, mắt đỏ, đầu tóc bù xù. Họ là những kẻ đã hy sinh thân thế để mở rộng tư tưởng và sự khôn ngoan của loài người.


Trong một nghệ thuật cao, bất cứ đối tượng nào cũng có thể tốt đẹp được cả, Nhưng nếu ở một trình độ nghệ thuật thấp hơn thì thơ lãng mạn chỉ hợp với từng thời đại. Và cái tinh thần lãng mạn chỉ hợp với thời tiền chiến chứ không thể hợp với thời hậu chiến. Nếu cố ý làm thơ lãng mạn trong lúc này, trong khi không đạt tới một nghệ thuật cao thì những thơ đó ắt phải bơ vơ lạc lõng gìữa xã hội hoặc gây phương hại lớn lao cho xã hội. Chỉ những tâm hồn thấp kém, vô trách nhiệm và nghèo nàn về thẩm mỹ mới còn có thể say sưa rung cảm được với những
 Giọt Lệ Thu của bà Tương Phố, Hai Sắc Hoa Ty Gôn của T. T. KH. hoặc "Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh - Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi" trong Tương tư, Chiều của Xuân Diệu (Dĩ nhiên những bài nhưHuyền Diệu, Nguyệt Cầm (Thơ Thơ), Buồn đêm mưa, Tràng Giang, Ngậm ngùi (Lửa thiêng, Huy Cận) thì vẫn có thể hợp với bất cứ thời đại nào vì những bài thơ như thế đã là những con thuyền nhỏ cắm neo ngoài dòng thời đại (nói theo kiểu Lưu trọng Lư khi nhận định về Tây Sương Ký của Vương thực Phủ và Romeo and Juliet của Shakespeare).


Xét xong, ta nhận thấy những kẻ yêu thơ và thiết tha với sự sống còn của dân tộc rất lấy làm khổ tâm về hàng ngàn bài thơ đã phát biểu những tâm sự ủy mị lãng mạn cô độc, run rẩy của nhiều người cầm bút lúc này, nhất là những bạn trẻ. Giữa cuộc sống vật lộn trầm trọng như hiện thời thiết tưởng các cây viết nên hãm bớt những nỗi niềm tâm sự ích kỷ ai oán đi thì hơn. Nếu không thì những sản phẩm sáng tạo làm ngăn trở sự tiến hóa của quốc gia mà cũng chẳng làm giầu thêm cho nghệ thuật được chút nào cả. Bây giờ là lúc khu vực Tự do đang bị Cộng sản đe dọa. Nếu muốn bảo vệ sự tự do, chúng ta phải nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu, đốt lên một ngọn lửa tin tưởng trong tâm hồn những người chung quanh. Vả chăng Việt nam vốn là một nước nhược tiểu và cần phải thoát khỏi tình trạng nhược tiểu. Một tinh thần lãng mạn ủy mị sẽ là chướng ngại cản bước tiến của dân tộc.


Trái lại có những cây viết đã làm những bài thơ "lành mạnh" với một thứ kỹ thuật ấu trĩ, tầm thường. Do đấy thiện chí của họ đâm ra lố bịch. Những bài thơ dở làm cho độc giả bực mình, gây ra một sự khinh thị trong tâm hồn độc giả thì làm sao có thể truyền những tư tưởng hùng mạnh cho độc giả được. Người ta không thể nào "lành mạnh hóa" xã hội bằng một thứ nghệ thuật kém cỏi. Thà dùng những phương tiện khác thì có kết quả hơn. Các cây viết đó hò hét i uông, làm thơ "con cóc" để nêu ra tôn chỉ này, tôn chỉ nọ, lý tưởng này, lý tưởng kia, lên mặt mô phạm kêu gọi, khuyên lơn các người đồng loại hãy sống cuộc đời lành mạnh hoặc hun đúc tinh thần chiến đấu, hoặc noi theo gương sáng của đấng này đấng khác. Lời kêu gọi của họ do đấy là những tiếng kêu ngớ ngẩn thất thanh giữa sa mạc. Thú thực là trong lúc này ở lãnh vực thi ca, nước ta chưa có một cây bút chiến đấu nào vững vàng cả. Cái tính chất đấu tranh thấp thoáng trong
 Tôi không cỏn cô độc của Thanh Tâm Tuyền thì lại phổ quát quá nên có những chỗ không thiết thực với thực trạng xã hội hiện thời. Đó mới chỉ là cách mạng thuần túy chứ chưa phải cách mạnh thực hành.


Chúng ta mong mỏi chờ đợi sự xuất hiện của những thi sĩ xã hội có tài. Tô Thùy Yên hình như muốn phủ nhận những giá trị cũ của thơ ông để hướng công việc sáng tác vào quảng đại quần chúng, cùng quần chúng mở cuộc "thám hiểm" những con đường đưa dân tộc đến những chặng tiến hóa mới ở mọi lãnh vực. Cả Cung Trầm Tưởng cũng thế. Nguyện vọng họ sẽ có được thực hiện một cách tốt đẹp không? tương lai sẽ trả lời. Trong vườn thơ hậu chiến, chúng ta còn thấy rất nhiều những bông hoa... giấy. Đó là những bài thơ hời hợt nông cạn phát biểu những tình cảm, những kinh nghiệm hoàn toàn giả tạo. Có những cậu "mỏ trắng" mặt mũi còn non choẹt, miệng còn hôi mùi sữa mẹ đã làm thơ tỏ ý ái ngại cho kiếp sống của... gái nhảy, hoặc "dậy dỗ" những bậc đàn anh. Có những ông sợ vợ như sợ cọp, chuyên môn luồn cúi để cầu danh, ăn bơ sữa, ngủ giường nệm mà cũng dám làm thơ "hùng" nóì tới "mài gươm dưới nguyệt" "da ngựa bọc thây" "đường lên ải Bắc" "kình ngạc vẫy vùng". Có những ông làm thơ đặc giọng hiện sinh kiểu Xanh-giẹc-manh-đề-prê, nhưng chủ trương lấy vợ còn trinh tiết, biết thờ chồng nuôi con đúng như một hiền phụ Á-đông.


Về thơ hậu chiến, có vài trường hợp đặc biệt tôi thấy cần phải nệu ra. Trước hết là trường hợp Thanh Tâm Tuyền. Nhà thơ này vốn được coi như người cầm đầu phong trào thơ Tự do của thời hậu chiến. Ông đã thành công trong thơ Tự do, một lối thơ tưởng dễ dàng mà thật ra khó thành công. Thơ tự do tuy nhiều khi không có vần nhưng nó có một nhịp tiết riêng và linh động, một thứ nhạc điệu rộng rãi không bị chèn ép trong khuôn khổ. Nhịp tiết ấy lệ thuộc hoàn toàn vào tài nghệ của mỗi nhà thơ. Đọc những bài thơ như
 Phục Sinh, Nhịp ba, Mưa ngủ, Mặt trời tìm thấy của Thanh tâm Tuyền hoặc những bài Hãy đưa tôi ra bờ sông, Có phải em về đêm nay của Nguyên Sa ta thấy mỗi bài có một tiết tấu, một nhịp điệu riêng, do đấy mỗi bài một sức quyến rũ riêng. Sáng tạo nổi một sức quyến rũ cho thơ chẳng phải là một việc dễ dàng. Cái khó thứ hai là tạo cho thơ một sức truyền cảm hoặc gợi cảm; muốn làm được công việc đó, nghệ sĩ cần tìm những đối tượng đặc sắc (đặc sắc cả trong cái tầm thường) và đặt một mục đích sáng tạo thích đáng - Cuối cùng, người sáng tạo phải tổng hợp hai yếu tố đó. Dĩ nhiên sức quyến rũ và truyền cảm, gợi cảm của thơ đều tùy thuộc vào nhau, Cho nên, muốn thành công trong lối thơ Tự do, người nghệ sĩ cần phải có đủ khả năng làm mê hoặc và thuyết phục nổi lòng người. Cái khả năng đó nếu phong phú, mạnh mẽ thì đó là thiên tài vậy.


Một số đông thanh niên đã theo Thanh tâm Tuyền đi vào lãnh vực thơ tự do nhưng rất ít người thành công. Đa số chưa quan niệm đúng thế nào là thơ tự do; một số ít – trong lúc đó nhà thơ "tài tử" Trần Thanh Hiệp hiểu được nguyên tắc thơ tự do nhưng không đủ khả năng thực hiện nguyện vọng sáng tác của họ. Trong số những bài thơ Tự do không phải của Thanh Tâm Tuyền dĩ nhiên ta cũng thấy có những bài thiệt hay nhưng rất ít; phần nhiều đều sai lạc, tồi dở, lập dị làm hại cho thơ Tự do rất nhiều. Họ lầm tưởng rằng làm thơ Tự do nghĩa là muốn nói sao thì nói, muốn viết thế nào thì viết rồi họ cố ý làm cho thơ thành tối tăm, kỳ cục, mà không hề để ý đến những yếu tố căn bản nhằm tạo cho thơ có một sức quyến rũ và truyền cảm hoặc gợi cảm. Do đấy họ đã làm quần chúng ghê tởm thơ Tự do, thứ thơ mà một số đông nghệ sĩ quốc tế thế kỷ thứ 20 đã đạt được bằng kinh nghiệm, bằng sự khôn ngoan và lòng can đảm.


Thơ Tự do tiêu biểu cho những nghệ sĩ thèm khát tự do, yêu mến nghệ thuật, muốn tìm những lối đi mới để phong phú hóa nghệ thuật. Thanh tâm Tuyền là người đã thành công trong lối thơ Tự do cao quý ấy, thế mà oái ăm thay, thơ ông lại rất nhiều người mạt sát, đả kích thậm tệ
 coi ông là kẻ lập dị, bịp bợm hoặc điên khùng. Người ta công kích ông tới tấp, đập lên đập xuống khiến ông hình như cũng có một thời kỳ hoang mang nghi ngờ cả nguyên tắc và đường lối sáng tạo của mình. Đến nay, những người giầu óc thẩm mỹ bắt đầu nhận thấy cái chân giá trị của thơ Thanh tâm Tuyền. Trường hợp Thanh tâm Tuyền rồi đây có lẽ sẽ trở nên tương tự với những trường hợp Mallarmé hay René Char. - Nhưng hiện thời, phần đông quần chúng nước ta vẫn chưa thưởng thức nổi thơ ông vì tương đối nó có vẻ trí thức và tân kỳ quá. Tôi nhớ đến Tống Ngọc, một văn nhân đẹp trai thời Chiến quốc, sở trường về lối thể - từ. Vua Sở có lần hỏi Tống Ngọc rằng: "Tại sao tiên sinh bị người ta chê bai thậm tệ như vậy?"; Tống Ngọc trả lời : "Có một người đến ca ở kinh đô, mới đầu y hát khúc Hạ lý ba nhân có chừng vài nghìn người hợp lại cùng họa theo; đến khi y hát khúc Dương a phỉ lộ là khúc hát ít thông thường hơn thì số người họa theo còn độ vài trăm; cuối cùng y hát khúc Dương xuân bạch tuyết cao hơn và tân kỳ hơn thì chỉ còn vài chục người họa mà thôi"... Nêu ra chuyện này, tôi không có ý so sánh Tống Ngọc với Thanh Tâm Tuyền nhưng để kết luận rằng: nghệ thuật càng cao bao nhiêu thì người thưởng thức càng ít, nhất là trong lúc đầu khi nó mới được sáng tác. Tài nghệ Tống Ngọc thật ra cũng không cao diệu gì nhưng lời chàng quả thật là hữu lý.


Trong xã hội nước ta ngày nay, giữa lúc tiểu thuyết của Bà Tùng Long, Dương Hà, Phú Đức, Lê Văn Trương bán đắt như tôm tươi, giữa lúc các báo hoặc tạp chí như
 Saigon Mới, Phụ nữ ngày mai, Văn nghệ tiền phong bán rất chạy, giữa lúc những vở tuồng cải lương hạ cấp gạt ra không hết khách xem, thì thơ Thanh tâm Tuyền bị nhiều người chê bai là một điều không lạ gì. Huống chi xã hội nước ta vốn là một xã hội có nhiều tính chất bảo thủ không thể nào làm quen nhanh chóng với những cái gì đi ra ngoài lối mòn, dầu rằng con đường mới cũng có nhiều hoa thơm cây quý. Phải một thời gian lâu dài nữa quần chúng mới có thể cảm thông được với những bài thơ như Phục Sinh, Mưa ngủ, Chim hay Nhịp ba trong Tôi không còn cô độc.


Tuy nhiên, với nhận định của tôi lúc này, tôi vẫn còn gặp trong thơ Thanh tâm Tuyền một số thực tế tối om om mà tôi không thể nào tìm được cái tính chất gây rung động là tính chất thiết yếu của thơ. Nhưng thật ra rất ít nghệ sĩ được coi như hoàn hảo vì trong lãnh vực nghệ thuật không có một sự nghiệp nào tránh khỏi được ít nhiều cái không vừa lòng người đọc. Đọc thơ của các thi sĩ siêu thực Pháp chẳng hạn, nhiều khi ta khoái trá thích thú với những bài thơ thật tân kỳ, sâu sắc nhưng cững không hiếm những lúc ta thấy "bực mình" vì những bài thơ "hũ nút" làm vỡ đầu người đọc chứ không gây được rung cảm trong lòng người đọc. Một bài
 Amour Fou của Breton, nhiều đoạn trong Les Chants de Matdoror của Lautréamont hoăc nhiều bài thơ của René Char tôi đã đọc đi đọc lại, suy nghĩ tìm tòi hoài mà cũng chỉ có ý niệm sơ sơ, không sao cảm được cải hay của chúng. Những trường hợp ấy tôi chỉ muốn liệng thơ Siêu thực đi để trở về với Villon, Baudelaire, Verlaine hay Gautier.


Về trường hợp Thanh tâm Tuyền với thơ Tự do, tôi nghĩ rằng: một quốc gia tiến hóa mau chính là nhờ ở những cuộc cách mạng thường trực; văn nghệ cũng thế. Những hành động cách mạng như của Thanh tâm Tuyền trong lãnh vực nghệ thuật dĩ nhiên chỉ làm lợi chứ không làm hại văn học một khi mà người ta nhận được cái giá trị đích thực của chúng. Có Thanh Tâm Tuyền, nền văn học nước ta giầu sang thêm, phong phú thêm rất nhiều. Vườn thơ Việt Nam từ xưa đến bây giờ vốn đã có nhiều đóa hoa quý, nay lại có thêm những đóa hoa lạ. Mỗi lối thơ đều có cái hay riêng nếu có được những nghệ sĩ có tài xử dụng. Bất cứ ở hình thức nào, một áng thơ hay vẫn có thể làm say mê độc giả. Những tâm hồn phong phú có thể thưởng thức được những cái hay riêng biệt của thơ Đường, của thơ Mới hay của thơ Tự do. Cái đẹp của nghệ thuật có trăm hình trăm vẻ mà. Chính vì thế cho nên một người yêu thơ Thanh tâm Tuyền có thể vẫn yêu thơ của Đinh Hùng chẳng hạn tuy rằng hai giòng thơ của hai thi sĩ đó gần như khác biệt hẳn nhau. Riêng tôi khi đi vào tác phẩm
 Tôi không còn cô độc tôi quên mất Đinh Hùng nhưng đi vào tác phẩm Mê hồn ca tôi lại quên mất Thanh Tâm Tuyền.


Ở "thế giới" thơ Thanh Tâm Tuyền, tôi say sưa với một bầu không khí mới, với những cảnh sắc mới, những ngôn ngữ nghệ thuật mới. Ở "thế giới" thơ Đinh Hùng tôi lạc vào một khu vực u huyền quái đản nhưng đẹp đến làm tôi ngây ngất. Mỗi nơi có những hương sắc riêng, những âm điệu riêng, những nhân vật riêng, nhưng mỗi nơi đều có cái quyến rũ riêng. Tuy nhiên vì hai thế giới thơ của Đinh Hùng và Thanh Tâm Tuyền khác biệt nhau cho nên có những người vốn dè dặt với các trào lưu văn nghệ tân tiến thường ưa thơ Đinh Hùng nhưng không ưa thơ Thanh Tâm Tuyền, ngược lại, có những thanh niên cấp tiến thường nói chuyện với tôi họ ít rung cảm được với thơ Đinh Hùng. Lãnh vực họat động của nghệ thuật rộng lắm. Dĩ nhiên là có nhiều khi tôi đã tạm biệt Thanh Tâm Tuyền hay Đinh Hùng để lại thêm một Tô Thùy Yên một Trần Thy Nhã Ca hay một Phan Lạc Tuyên. Va tôi vẫn đi về quá khứ để gặp Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Bích Khê, Chế Lan Viên, Tản Đà, Trần Tế Xương, hay Cao Bá Quát.


Lãnh vực nghệ thuật càng rộng, óc thưởng ngọan của người ta càng thỏa mãn hơn. Trong Sáng Tạo số 2 và số 4 bộ mới, Thanh tâm Tuyền và một số đồng bạn
 (hăng hái nhất là Trần Thanh Hiệp và Duy Thanh) đã lên tiếng phủ nhận giá trị của thơ tiền chiến. Hành động này gây bực tức trong giới yêu văn nghệ. Riêng tôi nhận định về trường hợp này như sau: chúng ta rất có lý khi bảo rằng họ có thái độ chủ quan, quá khích; ta có quyền không chấp nhận cái thái độ đó, nhưng cũng đừng nên kết án nó. Thái độ như vậy có những khi rất cần thiết vì nó chính là cái động lực thúc đẩy sự sáng tạo, thúc đẩy nghệ sĩ đi tìm những cái hay cái đẹp mới mẻ. Nếu quả thật họ làm giầu cho nghệ thuật thì rất hay, nhưng nếu họ không làm được gì thì ta có thể coi đó là một thái độ bồng bột.


Một người nữa cũng có công trong việc truyền bá thơ Tự do tại Việt Nam là Nguyên Sa, tác giả tập
 Thơ Nguyên Sa (1957). Tuy mặc lấy hình thức tự do nhưng thơ Nguyên Sa có vẻ mực thước sáng sủa hơn thơ Thanh tâm Tuyền; Nguyên Sa đã pha trộn thơ tự do với thơ có vần, có nhịp tiết thông thường. Ở tập Thơ Nguyên Sa bên những bài thơ có hình thức phóng túng như Cho thuê, Tôi sẽ bỏ đi rất xa, có những bài thơ có vần và khuôn thước như Đẹp, Tuổi mười ba. Cái tự do trong Thơ Nguyên Sa là thứ tự do dè dặt. Trong việc sáng tác, Nguyên Sa thận trọng rào đón thị hiếu của các tầng lớp độc giả nhưng về tài nghệ ông chỉ là một người có hoa tay, khéo nói và khéo chắp hình ảnh. Do đấy thơ ông có nhiều những vẻ đặc sắc giả hiệu đọc lướt qua ta tưởng có những gì đáng kể nhưng đọc kỹ ta thấy chúng chỉ là những tiểu xảo. Tôi không thể nào rung cảm được với những bài Di Chúc, Nga, Gặp gỡ, Gọi em... Tuy nhiên tôi cũng thấy rung cảm ít nhiều với đôi ba bài như Tôi sẽ bỏ đi rất ra, Bài hát Cửu Long... Trường hợp Nguyên Sa có điểm khác biệt với trường hợp Thanh Tâm Tuyền: lần đầu tiên đọc thơ Thanh Tâm Tuyền có rất hiếm người không nổi giận bực mình nhưng càng đọc kỹ, ta mới thấy thơ Thanh Tâm Tuyền lóe ra những tia sáng của thiên tài. Nghệ thuật thường có những trạng huống rắc rối phức tạp như vậy.


Cùng trong lớp những thi sĩ cấp tiến còn có Tô Thùy Yên và Cung Trầm Tưởng. Tô Thùy Yên có nhiều triển vọng lắm. Ông có một ngôn ngữ thi ca riêng biệt khác với Thanh Tâm Tuyền và Nguyên Sa. Thơ ông vững vàng nhờ những hình ảnh chính xác mà tân kỳ, nhờ lối hành văn sáng sủa mực thước nhưng không tầm thường. Thái độ của Thanh tâm Tuyền là cái thái độ cách mạng trí thức tựa như của Breton hay Eluard. Còn thái độ của Tô Thùy Yên lại có vẻ băn khoăn, thắc mắc đôi khi đến đau đớn của những kẻ giầu suy tư. Chính vì thế nên cho đến bây giờ Tô Thùy Yên hình như vẫn phân vân về mục tiêu sáng tạo của mình. Dầu sao thì Tô Thùy Yên vẫn tỏ ra mình là người rất giàu tài năng trong lãnh vực nghệ thuật. Rãi rác trong các tạp chí, tôi đã được thưởng thức những bài thơ thiệt hay của Tô Thùy Yên như
 Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến tàu, Tôi, Đêm qua Bắc Vàm Cống, Những ý nghĩ vào buổi chiều trên bãi biển, Bài học về vạn vật, Tự Do v.v...


Còn về Cung Trầm Tưởng tôi chỉ ưa một số những bài thơ ông làm sau tập
 Tình Ca. Phần nhiều những bài thơ trong Tình Ca chỉ là những tâm sự của thanh niên Việt mới lớn sống lạc lõng ở Balê, rồi đi nhảy, rồi mê đầm, rồi buồn, rồi uống rượu, rồi pha chộn kỹ thuật Tây Phương với kỹ thuật Việt Nam vào việc sáng tác thơ. Nhưng tài nghệ cũng như tư tưởng của Cung Trầm Tưởng trongTình Ca không có gì đặc sắc nếu không muốn nói là dở. Tuy nhiên ở Tình Ca cũng có đôi ba bài đáng gọi là hay như Những mái nhà những vì sao hoặc Khoác kín. Những bài thơ mới đây của Cung Trầm Tưởng như Tật Nguyền, Đam mê, Thoát xác  v.v... cũng đáng được coi là những áng thơ đặc sắc, Các bài này chứng tỏ Cung Trầm Tưởng sau tập Tình Ca đã bắt đầu đổi hướng cả về tư tưởng lẫn kỹ thuật. Chúng ta hãy chờ xem.


Trường hợp Quách Thoại cũng cần nêu ra. Có một số người, trong đó có vài người của nhóm Sáng Tạo hoặc cây viết phê bình Thế Phong đã có vẻ đề cao thơ Quách Thoại quá. Sự thực - theo tôi - thì đời sống Quách Thoại đáng ta để ý hơn là thơ của ông. Yêu nghệ thuật, làm nghệ thuật, giầu suy tư, giầu tình thương và có óc tưởng tượng phong phú nhưng Quách Thoại đã phải sống cuộc đời túng đói, khổ cực, sống nhờ bè bạn, rồi nghiện ngập, rồi ho lao, rồi đi tu, rồi chết trần trong một nhà thương thí. Cuộc đời thanh niên yểu mệnh này bi thảm chẳng khác gì cuộc đời Hàn Mặc Tử. Chính vì đau khổ như vậy nên thơ Quách Thoại chứa đựng một tình thương bao la: thương mỉnh, thương những kẻ đồng loại bị áp bức, bị hành hạ giữa xã hội loài người. Ông còn mong ước cho xã hội Việt nam - xã hội của một quốc gia nhược tiểu được thêm tươi sáng trong một chế độ dân chủ, tự do.


Sự đau khổ còn đưa tâm hồn Quách Thoại lên tới chỗ siêu thiêng cao đẹp của tư tưởng. Và bất cứ trong lúc nào Quách Thoại cũng tỏ ra thành thật. Với một cuộc sống bị xâu xé giữa lý trí và đam mê, giữa những niềm tuyệt vọng vì tật bệnh xen lẫn với những phút ham sống; với một tâm hồn đầy tình thương yêu và thành thật, Quách Thoại đáng được coi là một thi sĩ. Tất cả giá trị thơ Quách Thoại là ở những điểm đó. Còn về kỹ thuật, thơ Quách Thoại tầm thường không có gì đặc sắc cả. Ông không phải là một thiên tài như Hàn Mặc Tử. Tôi đã được đọc nhiều thơ của Quách Thoại, nhưng tôi chỉ gặp dăm bảy bài tạm gọi là hay.

Một chuyện nữa cần nói tới là trường hợp Trần Thy Nhã Ca. Một lần tôi giật mình khi đọc ba bài thơ Ngày tháng trôi đi, Thanh Xuân, và Bài nhã ca thứ nhất của Trần Thy Nhã Ca đăng trên tạp chí Hiện Đại số 1 (tháng 4 - 1960). Ba bài này hay lắm: bố cục vững vàng, ngôn ngữ hình ảnh có nhiều điểm tân kỳ tuy hình thức thơ vẫn thuộc loại có vần bẩy chân hoặc bốn chân. Giọng thơ đầy vẻ thiết tha, hoài cảm. Đọc ba bài này tôi thấy hồi hộp và sung sướng tưởng như xứ mình lại nẩy ra một thiên tài về thi ca. Những bài thơ sau của Trần Thy Nhã Ca lại phụ lòng kỳ vọng của tôi. Kỹ thuật thơ của cô yếu dần và ý thơ lạc lỏng không làm tôi rung động nữa. Trần Thy Nhã Ca còn ít tuổi lắm mà sao tâm hồn đã sớm già cỗi?


Có không hiếm những nhà thơ khác cũng đã có những trường hợp có điểm tương tự trường hợp của Trần Thy Nhã Ca: thỉnh thoảng tôi cũng được đọc một vài bài thơ thật đặc sắc của những cây bút mà theo ý tôi tài nghệ chưa có gì đáng kể. Đó là những món quà bất ngờ của nàng thơ mà nhiều người làm thơ thỉnh thoảng được nàng ban cho.


Nhìn chung, tôi thấy thi ca nước ta thời hậu chiến rất giầu về lượng nhưng nghèo về phẩm. Trong số cả hàng ngàn người làm thơ đăng báo hoặc in sách chỉ có đôi ba người như Đinh Hùng, Thanh tâm Tuyền, Tô Thùy Yên đáng được coi là có chân tài. Riêng về Đinh Hùng, tôi chỉ muốn nói tới ông trong
 Mê hồn Ca. Từ sau Mê hồn Ca, thơ Đinh Hùng nhiều khi không còn giữ được phong độ cũ... Về trường hợp Nguyên Sa, có thể đặt Nguyên Sa vào số những nhà thơ có tài không? Thật ra, Nguyên Sa mới chỉ làm nổi dăm bảy bài khả dĩ đạt được phần nào cái gìá trị đích thực của nghệ thuật. Còn đa số thơ của ông chỉ là những "kẹo mứt" mà người Pháp gọi là confiserie poétique. Nhưng có điều mà ai nấy đều phải nhìn nhận: đó là cái công không nhỏ của Nguyên Sa trong việc truyền bá thơ Tự do tại Việt nam. Vả chăng, "kẹo mứt" cũng là cái đáng được người ta thưởng thức trong những lúc trà dư tửu hậu lắm chứ.


Còn Cung Trầm Tưởng thì với sự chuyển hướng hiện nay liệu ông có sẽ gặt hái được những kết quả rực rỡ theo như lòng kỳ vọng của những người yêu thơ không?


Ngoài ra những người yêu nghệ thuật cũng để ý tới những nhà thơ có triển vọng và khả năng như Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Bảo Việt, Trần Thy Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Viên Linh, Diên Nghị, Phan Lạc Tuyên, Duy Thanh, Kiên Giang, Vương Tân...


Những người kề sau này cũng có những người sáng tạo được dăm bẩy hoặc đôi ba bài thơ hay hoặc có sắc thái riêng biệt, nhưng đa số tác phẩm của họ chưa đạt tới mức độ tài hoa khiến cho những người yêu thơ, hiểu thơ phải thán phục. Tôi chủ trương là một nhà thơ xứng đáng với danh hiệu thi sĩ phải là một người có chân tài. Không có những người như thế tất nhiên không có nghệ thuật đích thực, một thứ nghệ thuật làm say mê lòng người đúng như người ta vẫn mơ ước khát khao. Ở đây tôi muốn nói đến thứ nghệ thuật đó.


Trở lại vấn đề, tôi nhận định: thơ hậu chiến nghèo nàn vì thiếu những nghệ sĩ có chân tài. Đôi ba người chưa đủ để cứu vãn thanh danh của một thế hệ thi ca. Mà chẳng cứ gì thi ca, văn nghệ toàn diện của thời hậu chiến đã và đang túng thiếu một cách thảm hại. Ở bộ môn tiểu thuyết có tác giả nào vĩ đại không? Thật ra cũng có đôi ba người viết tiểu thuyết tạo được một lối viết mới mẻ hoặc nói lên được một phần nào cái thực trạng của xã hội, nhưng chưa ai nổi bật, chưa ai dựng được một sự nghiệp đáng kể. Bộ môn kịch gần như chỉ là một số không! Bộ môn điện ảnh có gì đáng kể? - chẳng có gì cả; tôi đang chờ xem phim:
 Mưa lạnh hoàng hôn, xem ngành điện ảnh của xứ mình có "ngóc đầu" lên được chút nào không. Còn ở bộ môn tân nhạc thì hình như chỉ có một mình Phạm Duy là đáng mặt danh tài. Phạm Duy thì tôi chịu lắm. Dầu sao, tôi hy vọng sẽ có thêm những thiên tài xuất hiện. Bất cứ trong thời đại nào, những áng văn chương giá trị đều vô cùng cần thiết, không có không được. Tôi nhớ tới một lời tuyên bố của thi sĩ Baudelaire: Tất cả những người khỏe mạnh đều có thể nhịn ăn được trong vòng hai ngày nhưng không khi nào có thể nhịn thơ được. Cho nên, tất cả những người yêu thơ thèm khát thơ đều mong mỏi cho tình trạng văn nghệ nước nhà chóng ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay.


Lê Huy Oanh
(Văn Nghệ số 8 tháng 9&10-1961)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Sáu 20221:01 CH(Xem: 2424)
Thưa ông, đâu là ranh giới giữa ca khúc phổ thông và ca khúc nghệ thuật?
04 Tháng Sáu 20226:34 CH(Xem: 2281)
Ông Tăng Duyệt say mê âm nhạc, tính tình hào hoa phong nhã, và thích giao du với giới ca sĩ, nhạc sĩ thời ấy.
04 Tháng Sáu 20222:37 CH(Xem: 2661)
Cõi nhạc của Cung Tiến đã là một cõi riêng. Kiếp sau của Cung Tiến vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng chắc chắn, ông đã có một nơi chốn vĩnh cữu trong trái tim của những người yêu nhạc Cung Tiến
24 Tháng Năm 20223:56 CH(Xem: 2713)
Ông sống với anh em bằng cả tấm lòng, không hề phân biệt lớn nhỏ, đã thành danh hay chưa.
18 Tháng Năm 20223:18 CH(Xem: 2349)
Tuy làm thơ từ năm 1947, nhưng phải đến thập niên 50, khi sống và học tập ở Paris thi ca Cung Trầm Tưởng mới hình thành đường nét với cá tính riêng biệt.
12 Tháng Năm 20223:47 CH(Xem: 2564)
Nghĩ cho cùng, không có cái rủi nào lại không chứa sẵn ít nhiều cái may.
11 Tháng Năm 202210:40 SA(Xem: 2387)
Vấn đề mà bài viết này đặt ra không nhằm khuyến khích sự khó hiểu hay không thể hiểu
30 Tháng Tư 202210:56 SA(Xem: 2507)
Mỗi cuốn sách một số phận, trôi nổi qua biết bao biến cố, bỗng một hôm trở về với người sưu tầm, người đọc như những báu vật của thời gian…
27 Tháng Tư 202210:57 SA(Xem: 3220)
Lần đầu tiên tôi gặp anh Quang Dũng là tại nhà anh Nguyễn Bính, cũng là trụ sở Báo Trăm Hoa. Năm ấy, tôi đang là cậu học trò từ tỉnh nhỏ ra Hà Nội, đang học lớp đệ nhị
21 Tháng Tư 20225:04 CH(Xem: 2155)
Không biết báo gì mà khiến người ta phải chen như thế, điều chưa từng có! Tôi cũng len vào, mua thử một tờ xem sao. Đó là tờ báo Nhân Văn số 1.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17078)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12292)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19021)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9197)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8362)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 624)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 998)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1188)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22485)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14029)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19192)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7912)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8828)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8509)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11076)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30728)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20823)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25523)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22919)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21744)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19804)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18065)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19262)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16928)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16120)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24520)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31966)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34939)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,