VŨ THỊ TUYẾT NHUNG - Bên Trong Quán Café Lâm Ngày Ấy

19 Tháng Tám 20204:20 CH(Xem: 6009)
VŨ THỊ TUYẾT NHUNG - Bên Trong Quán Café Lâm Ngày Ấy
Trước hết phải nói ngay rằng tôi là người không thể uống café. Đơn giản là bởi vì cứ hễ uống là căng thẳng, mất ngủ. Càng lớn tuổi càng tệ. Ngay cả trà xanh, trà mạn, cho chí trà nhúng Diamal, Lippton, cũng phải giương cờ trắng đầu hàng dần. Đến bây giờ coi như cự tuyệt. Hễ có việc phải ngồi hàng cafe thì sẽ gọi nước mơ, bột sắn hoặc sấu dầm. Vì vậy, tôi không dám lạm bàn về cái ngon của café, kể cả café ở một quán café nổi tiếng bậc nhất một thời nơi phố cổ Hà Nội-Café Lâm.

CaPheLam 01
Quán cafe Lâm số nhà 60 phố Nguyễn Hữu Huân


Nhưng quả thực, quán café Lâm thì với tôi quá đỗi thân thiết, ngay từ thời thơ ấu. Đơn giản vì nhà bên ngoại tôi ở cùng phố với nhà ông bà café Lâm, phố Phan Thanh Giản cũ, sau đổi là phố Nguyễn Hữu Huân. Nhà tôi số 24, nhà ông café Lâm số 60, cách một quãng đi bộ qua dãy phố nhỏ cắt ngang đường là phố Hàng Mắm. Bố tôi cũng tên là Lâm, Vũ Tiến Lâm, nhưng dân phố quen gọi là ông Phúc Lâm, theo tên hãng xe tải nhỏ mà bố tôi làm chủ ngày trước. Còn dân phố vẫn gọi ông Nguyễn Văn Lâm, chủ quán café là ông Lâm cafe, hay có lúc gọi vụng là ông Lâm toét, bởi vì ông có bệnh đau mắt kinh niên, hai con mắt lúc nào cũng đỏ hoe và cập kèm ứa nước mắt. Thời ấy người đau mắt như ông rất nhiều. Chẳng qua không nổi tiếng thì người ta ít nhắc đến. Túi áo ông Lâm lúc nào cũng giắt sẵn chiếc mùi xoa kẻ ô trắng viền xanh hay viền nâu mong mỏng để thi thoảng ông lau mắt thay vì dụi mắt.

Gia tộc họ Nguyễn nhà ông Lâm đã sinh sống tại Hà Nội tính đến đời ông Lâm là đời thứ 7, chủ yếu đều là những thị dân buôn bán nhỏ, chật vật mưu sinh hằng ngày. Những năm đầu thập niên 50, vợ chồng ông ở trọ tại căn nhà tre lá số 32 phố Hàng Vôi và thường đẩy xe bán café quanh vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ.) Café của ông pha theo lối mộc mạc, thực thà nhưng đặc biệt thơm ngon, giá cả bình dân, theo lề lối người phố cổ buôn chín bán mười nên ngày càng đông khách. Năm 1956, sau thời gian chắt chiu, dành dụm, vợ chồng ông Lâm mua được ngôi nhà số 60 trên phố Phan Thanh Giản và mở hàng café Lâm tại đó. Công việc kinh doanh tuy nhỏ nhưng khá là phát đạt. Ngày ấy Hà Nội chưa có nhiều hàng quán café và người uống café cũng không nhiều như sau này. Khách hàng chủ yếu là các văn nghệ sĩ trí thức hoặc con em các nhà tư sản, công chức lưu dung. Người lao động bình dân hiếm ai có thời gian và tiền bạc ghé quán café.

Ông café Lâm học vấn như nhiều người lao động bình dân thời ấy có lẽ chỉ là qua cấp tiểu học. Nhưng ông tự học hỏi nghiên cứu không mệt mỏi, nhất là sau khi tiếp xúc với các vị khách hàng là văn nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội mỗi khi họ yêu mến đến quán thưởng thức café hoặc thân thiện mời ông đến dự khai mạc các triển lãm mỹ thuật. Tuy nhiên, người Hà Nội vẫn tôn vinh ông Lâm toét là người có đôi mắt xanh với giới văn nghệ Hà Nội trong những năm tháng khó khăn nhất sau thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm khốc liệt mà âm thầm ấy. Càng về dài lâu sau này, người Hà Nội càng ngưỡng mộ ông về tầm nhìn xa rộng trong việc sưu tập, lưu trữ, truyền bá các tác phẩm văn chương hội họa của nước nhà.

CaPheLam 06

Tôi từ hồi còn nhỏ đã hay lân la sang nhà ông café Lâm chơi vào mỗi ngày Chủ Nhật hay ngày nghỉ Lễ. Bởi vì duyên may làm sao tôi và em Vân con dì Hai tôi lại được học cùng lớp với chị Nguyễn Thị Liên, con gái thứ nhì của ông Lâm đến hết lớp 7 tại trường cấp II Nguyễn Huệ bên phố Hàng Tre. Các em trong nhà tôi, Khanh, Thu, Anh, Mai, Kim, Hiệp thì cứ song song học cùng lớp với các con ông bà Lâm là Tùng, Lộc, Minh, Liễu, Thông. Thành ra thân lại thêm thân. Nhất là em Anh học cùng lớp với Liễu thì sang đó còn nhiều hơn cả tôi.

Chị Liên hơn tôi một tuổi, sinh năm Bính Thân 1956. Trước chị Liên, ông bà Lâm café có chị con gái đầu lòng là người đẹp Nguyễn Thị Bích, hoa khôi một thời của phố Nguyễn Hữu Huân. Khác với chị Bích vừa xinh đẹp, giỏi giang vừa hoạt bát, năng động, chị Liên bạn học của tôi thì vừa mộc mạc, bình dị vừa hiền lành, lặng lẽ. Nhưng chị Liên có một cái tài mà cả nhà phải trông cậy vào. Đó là tài rang caffe bếp củi. Liên rang café từ lúc còn nhỏ tuổi. Thời ấy đứa trẻ nào ở Hà Nội chả vừa học vừa làm. Nhà nào không có nghề phụ thì đi quét lá, nhặt que kem, dán hộp, gấp bìa. Liên rang café rất khéo. Bếp củi nhãn khô vừa độ lửa, café vối, café chè phối chế đúng tỷ lệ. Bởi thế, mẻ café nào cũng hoàn thiện đúng ý cha mẹ. Lúc Liên rang café, em Vân tôi thường ngồi tiếp củi, còn tôi kê ghế chiếc ghế đẩu nhơ nhỡ ngồi cạnh đọc những cuốn sách và những bài báo cho cả ba đứa nghe. Toàn những sách hiếm và những tờ báo được coi là của cấm thời ấy. Nhưng mà chúng tôi thấy rất là hay, chả có gì là nguy hiểm, phản động, tục tĩu như người ta truyền tai nhau. Những là Dưới Bóng Hoàng Lan, Gánh Hàng Hoa, thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Thế Lữ, Đinh Hùng, báo Phong Hóa, báo Phụ Nữ Thời Đàm. Đôi lúc Liên chạy lên nhà uống nước hay ra cửa hàng có việc bà Lâm gọi. Chị sẽ nhờ tôi hoặc em Vân giúp quay thùng rang café trong chốc lát. Nhưng mà tôi thực hành vụng về, gượng gạo lắm. Vân còn quay khéo hơn tôi nhiều, Liên vẫn bảo thế. Tuy nhiên, Liên không dám bỏ đi lâu bao giờ. Mỗi lúc trở về tiếp quản thùng café, chị lại rối rít chỉnh củi lửa, xoay mạnh cánh tay quay bằng gỗ thật là nhanh. Chiếc thùng kêu vang lộc cộc, lộc cộc. Có khi vừa quay, Liên vừa nghiêng người thì thào:

- Ông Văn Cao với ông Bùi Xuân Phái đang ngồi ngoài cửa hàng đấy!

- Thế à, hai ông vẫn ngồi chỗ cũ à? Liệu còn ngồi lâu không?

- Chả biết. Đâu còn hẹn mấy ông nhà thơ nhà văn đến nữa cơ. Có khi các ông ngồi đến chiều luôn. Hút thuốc lá mù trời.

Chỉ có tôi là hay quan tâm đến những thông tin như thế, em Vân tôi có xu hướng thích các môn khoa học tự nhiên nên chả mấy tò mò. Café rang xong, em Vân tôi thường về nhà sớm. Lúc bấy giờ Liên thường dắt tôi lên chơi trên gác hai ngôi nhà. Đó chính là khoảng trời thần tiên nhất trong quãng đời tuổi hoa niên của tôi-Thư viện gia đình ông Lâm. Hàng trăm cuốn sách xếp ngay ngắn gọn gàng trên những chiếc giá gỗ. Và sách còn chất chồng trước những khung tranh sơn dầu treo la liệt trên các vách tường. Mà cả ba vách tường cũng không đủ chỗ treo tranh, nên tranh cũng xếp lớp lớp to nhỏ xen nhau khắp căn gác. Ông Lâm ít hiện diện dưới cửa hàng, ít tiếp khách và ít nói. Và ông nói năng lúc nào cũng nhỏ nhẹ, khiêm nhường. Tôi thấy ông thường ngồi trước một cái giá gỗ nhỏ miệt mài chép kinh Phật. Chép hết cuốn này sang cuốn khác bằng những nét chữ mộc mạc và nghiêm ngắn. Ông thấy tôi ham học và đọc sách nên hình như có vẻ cũng quý tôi thì phải. Nhưng ông không bao giờ nói năng, răn dạy điều gì. Duy là ông thường phá lệ cho tôi mượn những cuốn sách báo đem về nhà đọc. Hoặc đôi khi cao hứng, ông gọi lại mở cho tôi xem những cuốn sách hiếm hoặc những tập bản thảo của các nhà thơ, nhà văn thời tiền chiến mà ông sưu tầm được. Có lần tôi được tận mắt đọc bài thơ Mười Hai tháng Sáu của thi sĩ Vũ Hoàng Chương chép trên tờ giấy pô-luya mỏng tang với những nét chữ mực xanh đều đặn, thanh thoát, phóng khoáng và vô cùng bay bướm:

Trăng của nhà ai trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường
Ờ, đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi hỡi nhớ thương

Tôi nhớ mãi kỷ niệm khi được đọc cuốn tiểu thuyết của Emily- Bronti nhan đề Trên Cao Gió Lộng. Tác giả là chị em với Saclot- Bronri, tác giả cuốn tiểu tiểu thuyết Jen- Erơ. Chả hiểu sao hồi đó chúng cũng bị đồn là sách cấm, mặc dù chả có văn bản quy định nào rõ ràng. Toàn là nghe truyền tai đồn thổi.

Ông Lâm cho đóng bìa sách cứng màu huyết dụ, chạy chữ kim tuyến vàng. Cuốn nào cho là sách quý, ông Lâm cũng gọi thợ đến tận nhà đóng bìa cứng, mạ chữ vàng. Tôi không còn nhớ nổi tên dịch giả cuốn sách nữa. Chỉ nhớ là bản dịch hay tuyệt. Văn chương trau chuốt mà giàu tính biểu cảm. Sau này, có cuốn sách từ miền Nam gửi ra được dịch là Đồi Gió Hú. Tôi cũng quên mất tên dịch giả, nhưng đọc thấy nhạt toẹt. Quái lạ sao cùng một bản dịch mà dich giả miền Nam dịch thua xa dịch giả miền Bắc quá nhiều. Sau này mới biết đó là tình trạng tương đối phổ biến trong việc dịch thuật văn học giữa hai miền. Cuốn Lịch Sử Mỹ Thuật Thế Giới và Lịch Sử Mỹ Thuật Việt Nam tôi cũng đã được đọc ở đó. Sau này, khi vào nghề phóng viên, tôi cũng cố công tìm mua được hai cuốn sách ấy ở nhà sách cũ 180 phố Bà Triệu để làm tài liệu tra cứu lâu dài.

Và cũng từ căn gác nhà ông café Lâm, tôi được đọc những bài báo thời mặt trận dân chủ Đông Dương 1936-1939 có những hình ảnh các nữ sinh Hà Nội mặc áo dài trắng buông tóc thề mở hội chợ quyên góp từ thiện giúp đồng bào nghèo. Ôi đẹp quá là đẹp, thơ quá là thơ. Nhưng hàng mấy chục năm trời chiến tranh bao cấp đói nghèo, Hà Nội đã đứt mất nề nếp làm việc thiện như chưa từng đã có. Tôi thổ lộ mơ ước với Liên:

- Làm sao mà lớn lên chúng mình cũng được mặc áo dài đi hội chợ từ thiện như thế nhỉ?

- Chả biết đến bao giờ. Nhưng bố Liên hằng tháng vẫn gửi tiền cho Hội Chữ Thập Đỏ với các bệnh viện đấy. Tuy nhiên, bố bảo là chả cần nói rộng ra làm gì. Cứ lẳng lặng mà làm là Phật chứng độ hết.

Quả thế thật, Hà Nội những năm đầu thập niên 70 có mấy ai đi làm từ thiện. Nếu biết ai đi làm từ thiện, người ta còn đồn đại đủ điều. Rất mệt! Ngay như việc sưu tập tranh và sách của ông café Lâm cũng còn bị thêu dệt bao nhiêu câu chuyện thị phi, khiến ông buồn lòng lắm. Nhà báo Mai Trang, người phụ trách Quỹ Thiện Nguyện Sen Hồng của báo Hà Nội mới cho tôi biết là truyền thống làm việc thiện của ông bà Lâm cho đến nay vẫn được cháu con tiếp nối. Đặc biệt là vào dịp trước Tết Nguyên Đán các năm tại các bệnh viện, cho đến tận cả kỳ dịch COVID mới đây.

Mãi đến năm 1992, tôi mới mạnh dạn đề đạt mở ra chương trình Địa Chỉ Từ Thiện trên sóng truyền hình của Đài PT-TH Hà Nội với rất nhiều lo âu và trông đợi. Nhưng dần dần, trải qua bao thăng trầm sóng gió trong cuộc đời, tôi vẫn tiếp nối công việc thiện nguyện như ao ước từ thời còn thiếu nữ cho đến tận hôm nay. Và chắc sẽ còn tiếp nối khi mà còn sức khỏe và chưa hết nhiệt huyết. Giải Đồng Hạng, Hạng Nhất Báo Chí Toànquốc năm 1992 cho tôi và nhóm cộng sự của chương trình Địa Chỉ Từ Thiện là một dấu ấu khó phai trong cuộc đời làm báo. Lúc mặc áo dài lên nhận giải tại Nhà hát lớn thành phố do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh trao tặng, tôi thầm thốt lời cảm ơn ông Lâm café vì những cuốn sách bài báo từ ngôi nhà của ông đã truyền cho tôi cảm hứng khởi tạo chương trình truyền hình thiện nguyện đầu tiên trong giới báo chí thời ấy. Cho đến giờ, và có lẽ cho đến cuối đời, tôi vẫn sẽ khắc ghi công ơn của gia đình ông Lâm trong tâm khảm.

Mỗi lúc dúi vào tay tôi cuốn sách cho đem về nhà, Liên lại thì thầm:

- Không ai được như thế đâu nhé. Ông quý sách lắm đấy!

- Ừ, tớ hiểu rồi. Tớ sẽ giữ gìn cẩn thận. Đọc xong sẽ đem đến lớp gửi cậu ngay.

Thi thoảng Liên lại dẫn giải cho tôi tiểu sử những bức tranh treo tại nhà. Này là bức chân dung bà Lâm, chân dung chị Bích, do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ, bức chân dung ông Lâm do nhạc sĩ-họa sĩ Văn Cao vẽ. Bức chân dung ông Lâm ngồi ghế tre, đôi mắt lim dim tinh đời. Bức chân dung chị Bích mặc áo trắng cổ lá sen tròn tay cầm cặp sách, gương mặt nghiêng nghiêng tươi sáng, trong trẻo. Bức chân dung bà Lâm khăn vấn, áo cánh nâu, gương mặt đoan trang, thuần phác, nghiêm nghị.

CaPheLam 02
Chân dung bà Lâm, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng và chân dung ông Lâm, tác phẩm của họa sĩ Văn Cao


Bà café Lâm có tên cúng cơm là Lê Thị Vượng, người tròn trịa, trắng trẻo, gương mặt tươi cười. Bà thường mặc áo bà ba trắng viền gấu bô đê lượn sóng, đeo tràng hạt ngọc và vòng tay ngọc, nói giọng kim thanh nhẹ, vui vẻ. Bà vốn là con gái làng Vẽ, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm cũ. Làng Vẽ là một vùng đất khoa bảng nổi danh của Hà Nội, nơi đàn ông rất xuất sắc trong việc đèn sách gây dựng công danh sự nghiệp, đàn bà rất đảm đang việc nội trợ gia đình, buôn bán, nuôi dạy con cái. Bà caffe Lâm hằng ngày luôn kính trọng và chiều chuộng ông chồng. Ông Lâm người gày gò, rất khảnh ăn và thích ăn những món ăn dân dã, thanh đạm. Nếu vào mâm thấy món ăn không ưng ý là ông sẽ gác đũa luôn. Bà Lâm vừa bận bịu cửa hàng, vừa cơm nước chợ búa, đôi khi rất vất vả mà không dám hé một lời thở than.

À, tôi nhớ hồi ấy, nhà nuôi một con chó vàng có đôi tai dựng đứng, rất khôn và dữ. Nếu khách cứ ngồi ngoài uống cafe thì bình an vô sự, không bao giờ nghe tiếng chó sủa. Nhưng nếu bước vào bên trong, ví dụ muốn đi vệ sinh, thì phải có người nhà đưa vào. Vẫn êm nhẹ như không, chả ai biết là nhà có nuôi chó. Nhưng nếu vô ý tự nhiên bước vào thì nó phóng vọt từ gầm chiếc sập gụ lao ra hừng hực sủa. Kinh hoàng! Tôi có lần bước vào nhà, vừa chào bà Lâm đã láu táu quen nếp cũ đi thẳng vào gian trong. Bà Lâm đang ngồi đánh cafe phải vứt vội thìa cốc, không kịp nói năng, chạy vượt lên túm đầu con chó, ghì thật chặt:

- Nhà mới nuôi con chó, bác quên chưa kịp bảo cháu. May quá. Bác giữ được nó đây rồi, cháu vào đi!

- Nhà bao nhiêu tranh sách quý. Nếu không có con chó trông chừng cũng gay-Liên cười cười bảo tôi thế.

Thi thoảng khi nhà Liên có giỗ chạp, tôi và em Vân tôi thường được Liên gọi đến giúp việc vo gạo, nhặt rau, thái nộm, phụ giúp bà café Lâm và người em gái bà là bà café Năng nhà ở đầu phố Hàng Bạc nấu cỗ. Hai bà chị em ruột bà Lâm cùng lấy chồng là hai anh em ruột nhà ông Lâm nên thân lại thêm thân. Mỗi dịp giúp cỗ, tôi và em Vân tôi lại được bổ túc bao nhiêu kinh nghiệm làm bếp quý giá từ hai bà café Lâm và Năng. Những chuyện về cách làm món sấy Vẽ đặc sản thất truyền là tôi cũng đã được nghe hai bà nói chuyện nhiều lần. Và món ngon tôi học được từ hai bà, khác với những món cỗ quen thuộc của gia đình tôi, chính là món thịt bò thui tái bóp khế chua và gừng non thái chỉ, rắc rau ngổ, húng dổi, mùi tàu và vừng trắng, lạc rang. Rất thơm ngon, lạ miệng.

Ngôi nhà 60 phố Nguyễn Hữu Huân của ông bà Lâm café là một ngôi nhà được xây theo phong cách kiến trúc nhà hàng phố rất thịnh hành ở các khu phố cổ và phố cũ Hà Nội. Nhà gồm có 4 lớp. Mặt ngoài không có ban công, chỉ có cửa sổ mở ra dưới hàng hiên nhỏ. Hai nếp nhà ngoài và nhà trong lợp mái ngói, có hai máng tôn hứng nước nơi tiếp giáp hai nếp nhà nên lọt ra một khe hở thông thiên. Đôi khi nhìn ngước lên thấy những nhánh rêu xanh đọng nước mưa long lanh dưới ánh mặt trời và đôi làn mây trắng chầm chậm bay qua, nom thật thi vị. Lớp giữa là sân trời vuông vuông. Lớp trong cùng là nhà bếp. Cạnh sân, sát tường phía bên trái nhà có một hành lang nhỏ nối nhà ngoài và khu nhà trong. Trên bức tường hành lang tầng 2 có một bức tranh sơn đắp dạng phù điêu hình phụ nữ vấn khăn. Liên bảo với tôi hình như đó là bức tranh bà tiền chủ xa xưa của của ngôi nhà này. Chính bà đã phù hộ cho gia đình Liên làm ăn phát đạt, nên cả gia đình đều rất tôn kính phụng thờ.

Đôi khi tôi ngồi hàng giờ liền lặng lẽ đắm chìm trong không gian căn gác hai sàn gỗ, mái ngói âm trầm, chứa đầy tranh và sách của nhà ông Lâm. Kìa là bức tranh sơn mài Điệu Múa Cổ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Đây là bức tranh sơn dầu Phố Cổ Mã Mây của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Đặt bên cạnh là bức tranh sơn mài Chiều Vàng của họa sĩ Dương Bích Liên. Rồi tranh sơn dầu chân dung Thiếu nữ Hoa Sen của họa sĩ Nguyễn Sáng. Cả bộ tứ huyền thoại của nền hội họa Việt Nam những năm nửa sau thế kỷ XX đang đồng hiện rạng rỡ trong căn gác tối mờ. Và họ đều là khách hàng thân thiết của quán café Lâm. Nghe đồn họ thường vẽ tranh đổi lấy café uống hằng ngày. Nhưng dó chỉ là chuyện đồn đại. Ông Lâm không bao giờ tính toán thiệt hơn, dù là trong cái thời buổi bao cấp gạo châu củi quế thời bấy giờ. Chuyện ông Lâm thường mua toan, lụa, mua sơn dầu, bút lông, bột màu cho các họa sĩ sáng tác là có thật. Thường khi, ông vẫn đãi đằng các vị tao nhân mặc khách bằng những điếu thuốc lá thơm hay mấy chén rượu trắng. Trong khói thuốc bảng lảng và hơi rượu phiêu diêu, các văn nghệ sĩ gạo cội lại đà đận luận đàm chuyện văn chương, chuyện thế sự, hết sức tránh né chuyện cơm áo gạo tiền, dù ai cũng đang quá so rụi. Niềm vui le lói, nỗi buồn mênh mang.

Tuy nhiên, tôi suy đoán rằng, chuyện đổi café chỉ có thể là đổi những bức tranh nho nhỏ, tranh ký họa tức thời chi đó. Còn những tác phẩm lớn thì đâu phải là vậy. Ông Lâm mua chúng bằng tiền hoặc bằng vàng là cái chắc. Ông cẩn thận ghi chép tất cả những cuộc mua bán, đổi chác sưu tập như thế trong những cuốn sổ tay mà hiện nay cháu con vẫn lưu giữ.

Tại ngôi nhà 60 Nguyễn Hữu Huân, tôi tận mắt được ngắm những bức tranh vào hàng tuyệt tác của nền hội họa Việt Nam thế kỷ 20. Bức tranh sơn dầu Chân Dung Thiếu Phụ của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, những bức tranh lụa đề tài Đầm Sen và đề tài Thiếu Nữ Áo Dài của họa sĩ Lương Xuân Nhị, cùng rất nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi danh từng tốt nghiệp từ trường Đại Học Mỹ Thuật Đông Dương những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ XX: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tiến Chung, Phan Kế An… Kể cả bức tranh lụa Mẹ Địu Con của nữ họa sĩ tài danh nổi tiếng Lê Thị Lựu vẫn treo ở góc phải nhà ngoài. Sau này tôi mới được biết, đó là một trong những phiên bản chính thức của tác phẩm. Còn tác phẩm chính lúc đó đang được lưu giữ tại Pháp.

Ông Lâm có thể là một Mạnh Thường Quân lâm thời của các văn nghệ sĩ trong giai đoạn bao cấp khó khăn, nhưng ông đích thực là một nhà sưu tập các tác phẩm hội họa, văn học, báo chí có chủ đích và thật giàu tâm huyết. Sau này khi nghe tin có những triển lãm tranh tại châu Âu đã mời ông Lâm đem một số bức tranh trong bộ sưu tập sang tham dự, tôi chưa nghĩ được điều gì xa xôi sâu sắc đến thể diện quốc gia, quốc thể to tát gì, mà chỉ sướng rơn trong bụng là hóa ra mình đã được thưởng lãm chúng từ khi nảo khi nào đó rồi. Thật là trẻ con quá đỗi.

Ông Lâm về cõi hạc năm vừa bước sang tuổi 70, đó là vào năm chuyển giao thế kỷ Canh Thìn 2000. Bộ sưu tập tranh và sách được chia cho cả 7 người con trai gái. Những người con của hai ông bà sau này đều sinh sống bằng nghề kinh doanh café nước giải khát và các nghề ăn uống, dịch vụ, hoặc ra định cư ở nước ngoài. Nói chung các anh chị em con cháu đều mạnh khỏe, khá giả.

Riêng chị Liên bạn học của tôi thì lấy chồng là con trai một vị Thứ Trưởng nghỉ hưu nhà ở số 5 Phố Lê Phụng Hiểu rồi mở hàng lẩu bò, khá là đắt khách.

CaPheLam 03
Chị Nguyễn Thị Liên và một số tác phẩm trong bộ sưu tập được thừa kế từ cha và mẹ


Sau đó, vợ chồng chị chuyển tới sinh sống và mở cửa hàng lẩu bò tại số 18 phố Hàng Vôi. Tại đây, vợ chồng chị vẫn lưu giữ những bức tranh gốc được chia thừa kế từ cha mẹ. Đặc biệt là các tác phẩm của tứ đại danh họa Sáng-Nghiêm-Liên-Phái. Khi đến thăm nhà chị Liên cách đây dăm bẩy năm, tôi đã thật xúc động khi một lần nữa được ngắm nhìn những kiệt tác ấy. Lòng miên man hồi nhớ những câu chuyện của một thời như đã rất xa.

Tiếc rằng sau đó chị Liên mắc bệnh hiểm nghèo sớm xa lìa cõi tạm, khi chị mới ngoại tuổi ngũ tuần, để lại chồng và hai cô con gái nay đã có 4 đứa cháu ngoại. Vô cùng thương tiếc!

CaPheLam 04
Bức tranh Điệu múa cổ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm trong bộ sưu tập được thứa kế từ cha mẹ của vợ chồng chị Liên

Những năm Đài Hà Nội còn đóng trụ sở trên phố Hàng Dầu, quán café Lâm vẫn là điểm hẹn của đám phóng viên chúng tôi sau những bữa cơm trưa ngoài phố hay khi gặp gỡ các cộng tác viên thân tín. Nhưng từ khi Đài chuyển về Láng Hạ, hầu như chúng tôi hiếm có dịp trở lại nơi này, mặc dù vẫn rất luyến nhớ.

Ngôi nhà 60 phố Nguyễn Hữu Huân cho đến nay đã có nhiều thay đổi, nhưng mặt ngoài hầu như vẫn như cũ. Người đẹp trưởng nữ Nguyễn Thị Bích vẫn đang nối nghiệp nhà trong cương vị bà chủ quán café gia truyền thừa kế từ cha mẹ. Cũng như chị, tất cả 6 anh chị em và những người con cháu trong gia đình dù đã có nhà riêng đàng hoàng nhưng hằng năm vẫn thay phiên nhau về lại ngôi nhà cũ để bán hàng, giữ nếp cha mẹ xưa. Không quầy bar hoành tráng, không bàn ghế hào nhoáng, vẫn những chiếc bàn nho nhỏ kê sát khung cửa sổ bong sơn. Trên bức tường chính diện vẫn treo chân dung Ông Lâm và bà Lâm. Xung quanh treo nhiều bức tranh lớn nhỏ trong bộ sưu tập của gia đình. Có những bức bây giờ tôi mới trông thấy lần đầu. Cứ hơi là lạ.

CaPheLam 05
Chân dung Trưởng nữ Nguyễn Thị Bích của ông bà Lâm . Tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng


Cũng như bà café Lâm, chị Bích hằng ngày vẫn ngồi trên chiếc ghế đầu thâm thấp trước ô cửa sổ sơn xanh mé bên phải quán hàng, vừa luôn tay đánh caffe, đập đá, vắt cam. Vẫn cái dáng lưng ong gù gù như mẹ, chỉ khác ở mái đầu. Bà café Lâm quanh năm búi tóc, còn chị Bích để tóc uốn bồng bềnh như mây sóng. Người đẹp ở độ tuổi ngót nghét bẩy mươi vẫn rất đẹp. Nước da trắng hồng, căng mọng, đôi mắt sáng tinh anh, nụ cười tươi xinh, rạng rỡ.

Khách vẫn đông nườm nượp. Khách quen cũng nhiều mà khách lạ cũng không hiếm. Bởi nơi đây như đã trở thành một điểm đến không dễ bỏ qua trong khu phố cổ. Họ thường ngồi yên lặng hay nói chuyện rất nhỏ nhẹ. Họ uống café một cách nhẩn nha, từ tốn, ngõ hầu được tận hưởng chút hương vị xưa cũ chưa hề thay đổi sau cả nửa thế kỷ. Họ ngắm những bức tranh một cách lơ đãng, như thể chúng chỉ là những dấu nét mơ hồ gợi về không gian Hà Nội êm ả, thanh bình một thời quá vãng. Vài ba vị khách trẻ vừa lơ đễnh quấy ly café, vừa gật gù theo điệu nhạc nào đó gắn trên đôi tai nghe riêng tư như muốn lãng quên đi những âm thanh sôi động, ầm ĩ của cuộc sống đời thường tất bật bên ngoài đường phố.

Và trên mặt chiếc bàn nhỏ kê sát khuôn cửa sổ chan hòa ánh nắng ban mai, những chiếc phin pha café cũ kỹ vẫn kiên nhẫn nhỏ từng giọt xuống chiếc cốc thủy tinh trong vắt. Từng giọt, từng giọt, đen sánh, chậm rãi.

(Nguồn FB Vũ Thị Tuyết Nhung)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười Hai 202210:08 SA(Xem: 1715)
Có khi nào chúng ta tự đặt ra câu hỏi: đời sống văn học cần nhà phê bình để làm gì?
28 Tháng Mười 202211:40 SA(Xem: 1752)
làm thơ mà không có chất liệu sống, thì khác gì muốn nấu cơm nhưng hết gạo
15 Tháng Mười 20224:05 CH(Xem: 2074)
Sau 1954, tôi sống nhiều năm ở Hà Nội, nhưng lúc này tôi lại biết một ông Lưu Trọng Lư khác:
10 Tháng Mười 202210:37 SA(Xem: 2676)
Trần Tuấn Kiệt là một nhà thơ lớn. Không chỉ vì anh từng hai lần đoạt giải Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc (VNCH) - thường được gọi là “Giải thưởng Tổng Thống” vì do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khởi xướng thành lập năm 1967. Trần Tuấn Kiệt đoạt Giải nhất bộ môn Thơ năm 1967 - 1969,
24 Tháng Chín 20229:49 SA(Xem: 2148)
Đêm Việt Bắc vào mùa đông rất lạnh. Cái lạnh của rừng nguyên sinh không giống bất cứ cái lạnh nào.
21 Tháng Chín 20225:38 CH(Xem: 2137)
Lúc sinh thời, Phạm Duy rất tâm đắc tác phẩm “Thuyền viễn xứ” mà ông phổ nhạc từ bài thơ của một thi sĩ ẩn danh - bút danh Huyền Chi.
17 Tháng Chín 20221:40 CH(Xem: 2540)
Khi một nhà thơ rời bỏ chúng ta, người đó mang theo tuốt tuột những bài thơ chưa được viết ra.
15 Tháng Chín 202212:44 CH(Xem: 2295)
Nếu không có sự dũng cảm của nhà văn Nguyên Ngọc với tư cách Tổng Biên tập báo Văn Nghệ vào giữa thập niên 1980 đầy hỗn mang, để CÔNG BỐ NHIỀU NHẤT VÀ NHANH NHẤT CÓ THỂ tất cả truyện ngăn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, thì chúng ta sẽ không có một "hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp" một cách toàn mãn đến vậy. (Nguyễn Trung Kiên)
12 Tháng Chín 202212:30 CH(Xem: 2101)
Lập trường là cái nay đúng, mai sai. Tốt nhất là tránh xa nó ra để giữ lấy cái trong trẻo của trái tim người.
08 Tháng Chín 202211:00 SA(Xem: 1683)
Ông Võ là một người ham đọc và biết thẩm định giá trị của sách.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17048)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9174)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8345)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14004)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19182)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7900)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11065)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19257)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31959)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,