TÚY HỒNG - Đến khi mất tiếng nói

25 Tháng Tám 20202:59 CH(Xem: 5429)
TÚY HỒNG - Đến khi mất tiếng nói

 

Nhà văn Túy Hồng tên thật Nguyễn Thị Túy Hồng , sinh ngày 12 Tháng Mười, 1938, tại Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Bà tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, bắt đầu viết văn vào năm 1962, có tác phẩm Thở Dài xuất bản lần đầu vào năm 1965, ngoài ra tác phẩm Những Sợi Sắc Không của bà đoạt giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 1969-1970. Túy Hồng kết hôn với nhà văn Thanh Nam (1931 – 1985) vào năm 1966, có ba con trai và một con gái. Gia đình bà sang Mỹ vào năm 1975, ban đầu tạm cư tại New Jersey miền Đông Bắc, đến năm 1976 dời sang vùng Tây Bắc, định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Nhà văn Túy Hồng qua đời ngày 19 Tháng Bảy vừa qua, hưởng thọ 82 tuổi. Để tiễn bà lên trời, đánh máy lại “Đến Khi Mất Tiếng Nói của Túy Hồng” viết cho Thanh Nam nhân giỗ đầu của chồng năm 1986.

Trần Vũ
_______

ThanhNamTuyHong
Thanh Nam Túy Hồng


Thanh Nam người làng Mỹ Trọng, tỉnh Nam Định, con một, cha là Tổng Giám Thị trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội ngày trước.

Khi người cha đem một cô đầu về làm vợ bé, mẹ chàng bỏ nhà đi sang Lào cùng với ông anh ruột. Bà dì ghẻ không có con, nuôi một cô gái làm dưỡng nữ tên là Tần. Năm lên chín tuổi, Thanh Nam cầm dao đâm hụt vào bụng dì ghẻ rồi thoát ly gia đình đến tá túc nhà người cô mà ơn nghĩa và tình thương đã khiến chàng nhận là mẹ.

Gã con trai tên Trần Đại Việt bỏ học, xông xáo vào trường đời quá sớm, năm 15 tuổi đã làm thơ, viết văn với bút hiệu là Thanh Nam. Hà Nội còn có tên là Hà-Thành, Nam-Định còn có tên là Thành-Nam, có lẽ chàng đã lấy nguyên tên của quê quán mình là Thành-Nam làm bút danh và sau đó bỏ cái dấu huyền đi chăng?

Lúc di cư vào Nam, khi phải khai lý lịch để vô giấy tờ trước một ủy ban điều tra gồm hầu hết người Pháp, viên thông ngôn người Việt hỏi chảng:

-Làm nghề gì?

Tưởng đâu thơ văn là thứ mình ham thì kẻ khác cũng ham nên Thanh Nam trả lời:

-Làm thơ.

Viên thông ngôn thêm một dấu nặng dưới chữ thơ thành ra “Làm thợ” rồi dịch sang tiếng Pháp là “Ouvrier” cho mấy ông Tây coi.

Sự nghiệp của Thanh Nam gồm truyện dài, truyện ngắn và thơ. Chàng là tác giả một số lượng truyện dài đáng kể như: Hồng Ngọc, Giấc Ngủ Cô Đơn, Thuế Sống, Cho Mượn Cuộc Đời, Xa Như Dĩ Vãng, Gã Kéo Màn, vân vân… Người sáng tác thường theo hai đưởng lối khi viết truyện dài: Viết văn hoặc đặt tiểu thuyết; dưới mắt một số độc giả, Thanh Nam là người kể truyện, người báo cáo những trường hợp khác thường nào đó của cuộc đời và lồng vào những giả thuyết nho nhỏ để tạm kết những điều mình đã viết ra. Chúng ta hãy tạm nghĩ rằng Thanh Nam là người viết tiểu thuyết hơn là người viết văn. (Người phê bình tác phẩm của Thanh Nam nặng tay nhất là tôi, lúc đó còn độc thân ở Huế.)

Cộng tác với “Sáng Tạo,” chủ trương tờ “Hiện Đại,” Thanh Nam viết truyện ngắn và một số được gom lại thành hai tập truyện Buồn Ga Nhỏ, Cánh Đồng Xanh Phía Trước. Từ tiểu thuyết dài sang truyện ngắn, Thanh Nam đã lột xác, đã nhảy vọt về hình thức cũng như nội dung.

Đoạn cuối của cuộc đời, Thanh Nam làm thơ. Đất Khách là thi tập duy nhất mà Thanh Nam đã ngâm với cái chết đang chờ, với cơn đau ung thư, với nỗi buồn được che kín và để hở…

**
Những ngày trước khi vào Sàigòn, tôi đã đi chơi song song bằng xe đạp với Đ.T., suốt hai vùng tả và hữu ngạn sông Hương.

Đ.T. khuyên:

– Hãy giữ lấy đời sống độc thân đừng lấy chồng! Khi tự do mất, những tế bào văn chương trong con người mất theo. Hãy tự do chơi bời cho sập trời đi để lấy chất liệu viết văn.

– Sợ xã hội cười mình ế chồng.

– Hãy bóp mặt cho ra đởm lượng, không sợ một con nhải nào cười hết.

– Nhưng tôi thích có con!

– Không lấy chồng cũng có con được.

– Xã hội chậm tiến chứ đâu có vùn vụt như ý anh nghĩ!

– Sau khi T.H. đi, tôi biết thế nào cũng nhận được tin buồn T.H. lấy chồng.

Vào Sàigòn, gia đình tôi bắt đầu lo thủ tục giấy tờ thuyên chuyển, bắt đến trường Mạc đĩnh Chi ra mắt ông Hiệu Trưởng, bắt ở nhà đánh tứ sắc với mẹ với dì, bắt dạy mấy đứa em học thi.

Hồi đó tôi đang định cho xuất bản tập truyện Vết Thương Dậy Thì và khởi sự viết truyện dài đầu tay. Phi truyện dài bất thành văn sĩ, tôi theo dõi tác phẩm của những cây bút mới khác và cứ sợ họ viết hay hơn mình. Tôi còn đem áo quần tới tòa soạn “Bách Khoa” ngồi may máy vì vừa thích đi chơi vừa tiếc thì giờ. Hồi ở Huế, bao giờ chèo perissoire ra sông Hương tôi cũng cho vào cái túi ny-lông một con gà hoặc một con vịt đã nhúng qua nước sôi rồi đậu thuyền lại giữa dòng ngồi nhổ lông và hát nghêu ngao.

MaiThao-TuyHong
Túy Hồng và Mai Thảo


Hình như lần đầu tiên đến nhà tìm tôi, anh Mai Thảo nói:

– Những người con gái Huế mà tôi đã gặp hình như có nét mặt hao hao giống nhau: Nhã Ca, Hà Thanh, Túy Hồng, Lai Hồng, Nguyễn Thụy Hoàng,…

Người con gái nhổ lông gà trên sông Hương cười:

– Chắc anh nhớ đến câu thơ Hàn Mặc Tử: Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Chắc anh nhớ đến câu ca dao Trời mưa lâm dâm ướt dầm ngọn khế. Tui thương một người ở Huế mới vô…

Đêm một, tôi được dẫn đến biệt thự của Trần Thanh Hiệp

Đêm hai, đi ăn cơm Tàu Tân Lạc Viên.

Đêm ba, họp mặt đông đủ, thiếu Mặc Đỗ và Nghiêm Xuân Hồng.

Ai nấy ngồi yên tĩnh như để tự suy tôn mình ngoại trừ Trần Lê Nguyễn cứ rục rịch làm ồn ở thế động và nói dai. Hôm đó, nhóm “Sáng tạo” họp để bình luận một thời sự vừa xảy ra đang nói tới, cái magnétophone được đặt ở giữa thu thanh tất cả mọi ý kiến phát biểu, mỗi người nói ra điều mình nghĩ và sau đó, Mai Thảo ngồi lại mở băng magnétique nghe và viết bài. Cứ ngỡ là khách thì được ngồi yên nghe các ngài ngâm, nhè đâu họ bắt mình góp ý. Đang lúng túng càng gỡ càng vướng môi dính vào răng miệng cạy không ra thì bàn tay người ngồi bên cạnh đập một phát vào vai.

Đó là Thanh Nam mà ba năm về trước đã gặp nhau lần đầu trên đường Lê Lợi.

– Chào cô T.H.

Người đàn ông đó cười hề hề và ngắm tôi:

– Cô T.H. chuyến này vào Sàigòn ở hẳn hay lại trở ra Huế như lần trước?

“Thằng cha nói nhanh quá nuốt cả chữ,” tôi nghĩ và trả lời:

– Ở đây luôn, được hoán chuyển.

Sau đó, đêm nào tôi cũng đi ăn với Cái Bang. Các anh Mai Thảo, Thanh Nam, Hoài Bắc, Mặc Đỗ, Anh Ngọc, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền tụ họp thành một băng gọi là Cái Bang. Họ nhậu rất nhiều nhưng ăn chẳng bao nhiêu. Tất cả ăn mày Cái Bang đều đối xử với tôi qua một cung cách và khoảng cách, riêng Thanh Nam cứ thấy mặt là xông tới ôm đại, níu kéo, vuốt tóc, vòng hai tay trói lại không cho cử động và đi theo sau lưng.

Những lần đầu tiên tôi kêu:

– Anh Thanh Nam không nên làm như vậy.

Thằng cha hề hề, nói nhanh như nói tiếng Tây:

– Con nhỏ Huế này có đôi mắt hình trái ớt.

Dần dần, bọn ăn mày Cái Bang lảng ra hết, chỉ còn một mình Thanh Nam đêm đêm đưa đón tôi đi ăn đi chơi dính chặt không rời, không rứt ra được.

Một đêm trước giờ giới nghiêm, khi chúng tôi đứng ở con hẽm Cống Quỳnh ôm nhau hôn để về ngủ ngon, Thanh Nam nói:

– Mai anh đến đón T.H. lên building Cửu Long ăn bánh cuốn.

Căn phòng độc thân của chàng gồm chiếc giường cũng độc thân, hai cái ghế sa-lông đứng đối thoại, bàn viết ngăn nắp, tủ áo nhiều màu xanh.

Bánh cuốn do một vũ nữ già làm cho, chúng tôi vừa ăn vừa bàn chuyện tạp lục.

Tôi hỏi:

– Hồi còn ở Huế, tôi có viết hai bài phê bình truyện dài của anh đăng trên báo “Tin Sáng," anh còn giận tôi không?

Thanh Nam khoát tay:

– Chúng mình thích nhau lắm rồi, hãy bỏ cách xưng hô anh anh tôi tôi văn nghệ nửa mùa ấy đi.

– Tôi bắt chước các ca sĩ gọi anh bằng chú được không? Chú.

Lần đầu tiên tôi để ý chàng có đôi bàn tay suông suông tháp bút. Nhìn chung, Thanh Nam có nhân dáng cao gầy nhẹ nhõm, da xanh, cách ăn mặc dễ thích: Áo sơ mi màu nhạt tươi mát, quần xám, xám sẫm, xanh đậm, không mặc màu nâu.

Ăn sáng xong, Thanh Nam mở cửa đùn chén bát ra ngoài cho chị bồi phòng đến dọn mang đi. Ở phòng tắm ra, Thanh Nam mở tủ đem xuống mấy cuốn album dán hình ảnh kỷ niệm của chàng, của bạn bè… Trong ba tập ảnh đó, nhiều thật nhiều hình bóng của những người đàn bà đã ghé qua cuộc đời chàng. Tôi chợt quay mặt về phía khác và bỗng nhìn thấy bức tranh của Bích Sơn to rộng một cách khác thường treo trên tường đối diện cái giường. Người trong tranh có đôi mắt hạt huyền mơ màng sương phủ núi Chapa, tóc thề kiểu gái Bắc, môi như trái tim.

– Bích Sơn ở ngoài đẹp không anh?

Người đàn ông húng hắng ho:

– Đẹp hơn! Dịu hiền, ngoan ngoãn nhưng không lanh và có duyên như Bích Thủy.

Trong một số báo “Kịch Ảnh,” Thanh Nam đã mệnh danh Bích Sơn là Kiều nữ. “Kiều nữ Bích Sơn, nàng đứng nhìn gì trên núi biếc?” Đó là câu đối xanh do Thanh Nam xướng và đã có người họa nguyên vận. Thanh Nam còn gán cho Út Bạch Lan cái tên Sầu nữ.

Thanh Nam nói:

– Anh rất muốn đi đến hôn nhân với Bích Sơn, nhưng trở ngại là Bích Thuận buộc anh phải theo đạo.

Đôi mắt tôi vẫn không rời người đẹp trong tranh:

– Bức hình gì mà to bằng cả bức tường. Như vậy những lúc anh ở nhà, anh nhìn đâu cũng thấy Bích Sơn… Còn Thanh Nga, nghe đồn anh và Thanh Nga yêu nhau đến độ đoàn ca kịch “Thanh Minh-Thanh Nga” đang tính đổi tên là “Thanh Nam-Thanh Nga” phải không anh?

(Thưa quý độc giả, tôi mạn phép nhắc đến tên Thanh Nga và Bích Sơn, vì trước tôi, vài bài báo đã đề cập đến mối tình của họ với Thanh Nam rồi.)

Thanh Nam trở mình:

– Thanh Nga là con gà đẻ trứng vàng của bà Thơ, bà Thơ đâu chịu gả cho đi lấy chồng.

– Thanh Nga là vương hậu của ca kịch trường miền Nam, là đệ nhứt đào thương của sân khấu cải lương… Thanh Nga thanh sắc vẹn toàn, đóng xi-nê cũng đẹp…

– Nó đẹp lắm, trên hay dưới sân khấu, ngoài hay trong ánh đèn màu đều đẹp… đẹp một cách toàn bích, quý phái. Nó là một con nhỏ ngoan nết, tốt tánh, dễ thương. Nó ngây thơ không biết xã hội hiện tại mình đang sống là gì, vì nó là đệ nhứt nữ kịch sĩ, nên bà Thơ giữ riết nó ở trong nhà, bởi nó mà đi ra ngoài, người ta bu lại nhìn mặt, cầm tay, sờ áo… Nó bị mẹ nhốt trong nhà nên nó i-tờ ngơ ngác, không biết cây cà-rem giá mấy đồng, gói xí-mụi bao nhiêu tiền, rau muống mấy đồng một bó… Con bé lại có tâm hồn đa cảm, viết văn, làm thơ.

Ở chơi từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối mới rời, trên đường về tôi bảo:

– Sáng nay, H. nói dối với cả nhà là đi Biên Hòa ăn bưởi với anh… Vậy hãy ghé chỗ nào mua vài trái bưởi đem về cho cả nhà khỏi nghi… Mua bưởi gì cũng được vì gia đình người Huế thì bất cứ trái bưởi nào cũng là bưởi Biên Hòa.

Năm giờ rưỡi sáng hôm sau, khi cả nhà tôi đang ngủ thì có tiếng gõ cửa, thằng em trai xuống mở cửa rồi kêu:

– Anh Thanh Nam tới! Anh Thanh Nam tới…

Tôi sửa soạn qua loa như mèo rửa mặt, chạy xuống nhăn nhó:

– Anh đến sớm hơn cả Sơn Tinh đi hỏi vợ… Thanh Nga, Bích Sơn thì anh đến thăm lúc họ đã đánh phấn vẽ mắt rồi, còn em thì mặt chưa rửa… Thật là bất công!

Người đàn ông trân trọng:

– Anh thức dậy từ bốn giờ sáng, sửa soạn áo quần ngồi chờ hết giới nghiêm lấy taxi đến đây hỏi em có muốn làm vợ anh không vì hôm qua chúng ta đã tỏ ra là vợ chồng.

Đợi trời sáng bạch, nắng Sàigòn lên, chúng tôi vào chợ Tân Định ăn miếng măng. Thanh Nam ngậm ngùi:

– Đời anh, anh sống hết cho bạn và cho người yêu. Những người đàn bà đã đi vô đời anh, anh thật lòng yêu họ chứ không làm dáng, anh yêu thật và anh đối xử hào sảng rộng rãi chứ không kẹo… cũng không keo. Khi xa nhau, tuy hiện tại hết yêu ái hẹn hò, nhưng tương lai vẫn còn nhớ, anh và người đàn bà không ai oán hận ai, thỏa hiệp giữ lại tình bạn và tình huynh muội.

**
Bức tranh kiều nữ Bích Sơn đã được gỡ xuống, họa sĩ Thái Tuấn trân trọng xin lại, nhưng Thanh Nam trân trọng giữ gìn làm kỷ niệm. Lễ đính hôn của chúng tôi gây huyên náo trong giới giang hồ nghệ sĩ từ Nam tông Bắc phái, ma giáo, cái bang hội, các nhóm bảo tiêu, cho đến bọn cá cơm ba mươi sáu động bảy mươi hai đảo. Trước bàn thờ tổ tiên nghèo nàn và sơ sài của gia đình tôi, con em thứ tư của tôi, Ngọ Thu, và con em thứ năm của tôi, Dũ Xuân… đeo cho Thanh Nam chiếc nhẫn không mặt rồi chạy vào trong bếp tí toáy:

– Để ý coi… cái miệng anh Nam giống miệng cóc, hai mắt anh Nam cũng giống mắt cóc… Hay là Hoàng tử Cóc?

Trong lúc đó thì vài tên ăn mày Cái Bang cũng tí toáy:

– Em vợ của Thanh Nam giống T.H. từ ruột thịt giống ra nhưng đẹp hơn nhiều…

TuyHong 02

Đám cưới được chuẩn bị vào cuối T
Tháng Chạp dương. Tin được gởi ra Huế cho Đ.T. Đ.T. không đồng ý tôi lấy chồng, không đồng ý tôi lấy Thanh Nam. Có hai tên ăn mày Cái Bang cũng nghĩ như Đ.T. vậy, hai tên này ăn cơm Tây, uống Martell lắc đầu tán dốc: cuối cùng hai người lấy nhau, một cú “sút” tuyệt đẹp đá quả banh vào gôn. Thanh Nam thì độc thân lâu quá rồi, để cho nó lấy vợ… nhưng phải bắt Túy Hồng độc thân, phải đày đọa nó độc thân nó mới viết được, để nó lấy chồng là nó hư. Túy Hồng mót lấy chồng quá, túng quá, không có gan cóc tía chút nào hết… Đúng hơn, Thanh Nam và Túy Hồng nên làm hai người tình của nhau thôi rồi tự do của ai, người ấy tôn thờ. Túy Hồng phải nhìn xa thấy rộng, phải yêu cuồng sống bạo, phải tự do quá trớn mới không hư. Túy Hồng mà cứ hiền như đi dạy học thì bỏ một đời. Phải tình nguyện là kẻ độc thân chứ!

Đám cưới của chúng tôi là một đại hội văn nghệ quy tụ đủ mặt quân công dân cán chính do bạn bè góp tiền đặt tiệc ở nhà hàng Đồng Khánh, một đám cưới tiêu quá nhiều tiền mà không ai chê một câu vì chính khách đến dự đã sponsor đám cưới, tôi không lên xe hoa mà lên xe hơi của một người bạn lái về building Cửu Long, ở đó anh em đã mang quà tặng chất đầy gian phòng độc thân của Thanh Nam.

Đêm đầu tiên thức khuya để mở phong thư đếm tiền mừng, Thanh Nam trợn mắt:

– Hồi chiều đám cưới, em làm anh ngượng với quan khách quá! Cô dâu gì mà cầm một con bồ câu quay xé hai ra ăn phăng phăng trước mặt mọi người không chào hỏi ai hết.

Gia đình tôi dễ dàng kết luận: Thanh Nam đã tỏ ra cao hơn mình đánh giá, có sao bạn bè mới nhường cơm xẻ áo cho vậy chứ! Mới quý cảm như vậy chứ!

Đến hai mươi ba Tháng Chạp năm 1966, đám cưới mở ra và tàn như hoa quỳnh, bài hát Lý Ngựa Ô bắt đầu và chấm dứt, hai người khắc tuổi, khác tính, ngược tư tưởng đã kết đôi và thề sống bên nhau trọn đời. Bảy giờ sáng hôm sau, có ai gõ cửa phòng – bấy giờ là tân phòng – Thanh Nam ra mở rồi đóng lại:

– Vũ Khắc Khoan đi ngang gõ cửa chọc chơi, anh bảo nó đi chỗ khác chơi rồi… Hắn đến thăm vũ nữ Mai Liên để xin con chó mới đẻ.

Vài ngày sau Thanh Nam lại mắng:

– Tính em thật giống Mai Thảo. Hồi anh với thằng Anh Ngọc thuê cái nhà trong Phú Nhuận ở chung, hai thằng thương yêu đồ vật giữ gìn cái gì cũng như mới. Mai Thảo bị đuổi nhà đến ở hai tuần lễ… bao nhiêu đồ đạc đều tan tành hết.

Trong một bài bình luận xã hội, Hoàng Hải Thủy viết: “Khoảng thập niên 60, một nhà văn có thể kiếm tiền gấp 5 lần một công chức." Thanh Nam hồi đó viết feuilleton cho ba nhật báo, phụ trách hai chương trình văn nghệ trên đài phát thanh, lợi tức hàng tháng của chàng gấp gần bốn số lương đi dạy học của tôi. Khi một feuilleton nào sắp dứt, chàng lại có được 30 nghìn đồng nhà xuất bản hỏi mua để in sách.

Một ngày của chàng được chia ra như thế này: Sáng dậy uống trà rồi xoay qua ăn điểm tâm, xong ngồi viết bài cho đến 11 giờ sửa soạn lại tòa báo đưa bài, 12 giờ đi ăn với Sĩ Trung hoặc Ngô Tỵ hoặc các đồng nghiệp người Nam của chàng. Buổi ăn trưa luôn luôn kéo dài 6 tiếng đồng hồ; sau đó lấy taxi về nhà tắm rửa và xuống đường ăn một bữa cơm tối với Cái Bang cũng dài 6 tiếng đồng hồ. Mỗi ngày Thanh Nam chỉ làm việc có ba tiếng đồng hồ thôi, chàng viết vèo vèo, bút múa lia lịa.

Lúc ông Nguyễn Đình Vượng mướn anh Mai Thảo trông coi tờ “Văn,” ông đã than: “Hoặc là tôi lầm, hoặc là tôi có lý khi mời một người ăn một bữa trưa dài 6 tiếng đồng hồ là Tổng thư ký tòa soạn.”

Sau tết Mậu Thân, giới nghiêm từ tám giờ tối, quân đội cắm trại một trăm phần trăm, anh Mai Thảo vào ở hẳn trong tòa soạn báo Tiền Tuyến để chơi với anh em quân nhân văn nghệ trong đó và đánh bạc ăn được một triệu đồng!

Nói đến Mai Thảo, thỉnh thoảng Thanh Nam chép miệng:

– Nhiều lần đi trong giờ giới nghiêm bị cảnh sát bắt về ngủ bót bị muỗi đốt đầy mặt như người lên sởi!

Hồi đó, dược sĩ Lê Đình Vượng được cấp giấy phép lái xe trong giờ giới nghiêm, dược sĩ than: “Từ ngày xin được cái giấy phép, không thấy công việc gọi, chỉ có cảnh sát kêu đến bót lãnh ông Mai Thảo về.”

Mấy tháng đầu sống chung, Thanh Nam bỏ cuộc vui với bạn bè Cái Bang, ở nhà coi tivi tới 12 giờ khuya mới ngủ. Thanh Nam uống bia theo giờ giấc đã định sẵn là từ 11 giờ sáng trở đi, mỗi ngày mười ba chai và nghiện rượu.

Nhiều lúc Thanh Nam ăn nói thật thiết tha:

– Thỉnh thoảng em phải tự tay mua cho anh chai rượu để anh thấy có sự đồng ý của em. Em thấy trong truyện Nhất Linh, bác Lê gái cầm chai đi mua rượu cho bác Lê trai… Em nên đồng ý…

Có lẽ tôi chưa đồng ý nhưng tôi đã đồng tình để Thanh Nam đi chơi, hút thuốc lá và uống bia. Buổi sáng tôi thức dậy trước nấu nước pha trà, đi mua phở cho chàng điểm tâm; 11 giờ trưa đem 13 cái vỏ chai đi đổi 13 chai bia về cất tủ lạnh và chiều Chủ Nhật thì ủi sẵn cho chàng một số áo quần đủ mặc để đi làm và đi chơi trong tuần. Thuốc lá chàng hút cũng tự tay tôi mua. Không bao giờ can đừng uống rượu, không bao giờ khuyên bỏ thuốc lá, không bao giờ cấm đi chơi. Không phải Thanh Nam đi chơi mê mệt miên man, chàng cũng phải ở nhà, có khi cả tháng trời để dưỡng thương.

Thời kỳ hậu hôn, chúng tôi sang lại căn phòng ở building Cửu Long, về nhà cha mẹ ở tạm. Thấy Thanh Nam ngày đi đêm đi, mấy con em tôi hốt hoảng:

– Sao để vậy mà chịu được? Lãnh chúa muốn làm gì thì làm sao?

– Hai người, hai chủ thể, hai đơn vị… Bây giờ, tao đang vào phòng đóng cửa lại đọc sách hoặc viết bài… đơn vị này rút vào phòng, đơn vị kia đi ra ngoài… đó là lẽ thiên nhiên, mỗi đơn vị có phần việc riêng.

Một con em vặn:

– Chuyện tình của giống đực, bà tin là Thanh Nam đi với bạn hay tin Thanh Nam đi với đào?

– Đi với bạn.

– Bà tin à? Bà tin như vậy à?

– Nếu tao nghi Thanh Nam đi với đào, hoặc sau khi Thanh Nam ra đi, có người đến đây mách anh ấy đi với đào, tao vẫn tin Thanh Nam đi với bạn vì trước khi đi Thanh Nam có bảo “anh đi với bạn…" Chồng nói là phải tin.

Hạnh phúc, tôi hơi thiếu một tí. Một tí, vì Thanh Nam không ăn được món Huế.

Một buổi chiều, sau những buổi chiều trăng mật, tôi nấu món “thịt bò chưng cách thủy.” Suốt bữa cơm tối, Thanh Nam đã không ăn, lại còn mở tủ lạnh lôi miếng thịt bò còn lại và cây xà lách Đà lạt ra ném qua cửa sổ.

Sáng hôm sau, tôi xách giỏ đi chợ bọc theo 5 trăm đồng. Vào tới dãy hàng thịt heo lậu phía bên hông, thấy một đám người đứng quay tròn quanh một sòng bạc, tôi cũng chun vô lôi một trăm đồng ra đặt. Đánh đấm sao mà mới 5 phút đã thua hết cả tiền chợ và còn nợ nhà cái một nghìn rưởi, con mẹ đè ra lột chiếc nhẫn cưới.

Về kể lại, da mặt chồng xanh mát như trái mướp ngọt, chàng gầm lên:

– Cái điềm gì mà mới lấy nhau có mấy ngày đã mất nhẫn cưới? Đánh bài gì vậy? Tứ sắc hả?

– Không biết thứ bài gì mà hơi giống bầu cua cá cọp.

– Vậy là thế nào mấy con điếm, con đĩ Tân Định nó biết em ngu, nó theo em về tới building này… thừa lúc anh đi vắng…

Thanh Nam quyết định ăn cơm tháng người vũ nữ già nấu. Người đàn bà này đã dạy tôi biết làm một số món ăn Bắc như tiết canh vịt, thịt đông, canh rau ngót, cá chài om thì là, canh chua cá dấm, v.v… Nấu ăn, may vá, đánh máy chữ… đó là kỹ thuật hơn là nghệ thuật vì tập nhiều thì làm được, may luôn thì khéo tay.

Những tháng đầu về ở chung với gia đình, Thanh Nam thường ăn ngoài vì không kham được những món Huế mẹ tôi làm; ít lâu sau, đại gia đình sang được cái nhà rộng hơn, chúng tôi ở chung nhưng tổ chức ăn uống riêng.

Thỉnh thoảng mấy con em vẫn hậm hực:

– Một lần nhịn là chín lần thua, tại răng bà cứ nhịn thua hoài vậy?

– Chồng mình thì mình phải nhịn. Chồng mình, mình thua chồng mình một chút… Khi mình thua chồng mình, mình có hạnh phúc nhiều hơn.

Thanh Nam cũng hậm hực mấy con em của tôi:

– Em út gì hỗn láo không bao giờ gọi chị bằng chị… Cả nhà như vậy, chẳng ai gọi ai bằng chị bằng anh hết.

Rồi chàng quay qua tôi:

– Em là một người may, đã không có mẹ chồng lại chẳng có em chồng.

Tôi đâu phải vừa:

– Trong cuốn phim Psycho, Alfred Hitcoch đã cấu tạo nhân vật chính là người con trai do Anthony Perkins đóng, người con trai đó có hai personality: một của người mẹ và một của chính hắn… Anh, anh có tới ba personality ở trong người anh: người mẹ chồng, người chồng, người em chồng.

Nấu bếp, viết văn, Thanh Nam làm việc gì cũng nhanh, một ngày đang sống phải là một ngày dư ra vài giờ nhàn rỗi để uống bia, đọc báo, thắp cây nhang trước bàn thờ Phật.

Thanh Nam không biết nhạc lý tuy có đặt lời ca cho một số nhạc phẩm thời đại. Các nhạc sĩ Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Ngọc Bích chỉ việc soạn sẵn phần nhạc với những hạt đậu âm thanh ré la sol mi do fa si, còn phần lời ca thì dưới mỗi nốt nhạc đã đặt, các ông đề: không dấu, dấu sắc, không dấu, dấu huyền, không dấu, dấu ngã, dấu nặng, dấu hỏi… Thanh Nam đâu cần biết tới phần ký âm ở trên, huýt gió còn không ra hơi nữa là, chỉ ngó cái hàng chữ “không dấu” hoặc “sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã” rồi ngồi đó mà mò mà moi ra:

Cho nhớ thương về quê xưa
Mùa xuân không còn nữa

hoặc:

Hôm qua đến tìm em
Anh thấy hoa xuân rơi đầy trước thềm

hoặc:

Ai bao năm vì sông núi quên thân mình
Cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do
Người cương quyết chống cộng
Bài phong kiến bốc lột
Diệt thực dân xây đắp cho ngày mai
Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô tổng thống.

(Ba tháng trước đêm Thanh Nam lìa đời, Quỳnh Giao và Mai Hương đã đứng bên giường bệnh hát hầu hết những bài nhạc Thanh Nam đặt lời ca.)

Con gái đầu lòng của chúng tôi, cháu Hồng Ân, ra đời được sáu tháng thì bố thổ huyết phải nằm nhà thương.

Bác sĩ khuyên:

– Từ nay thôi đừng phóng tay tự tàn phá thân thể của mình nữa, phải ăn nhiều, bỏ rượu, bỏ thuốc.

Cháu Hồng Ân được 10 tháng thì tôi bắt đầu viết Feuilleton cho một số báo hằng ngày. Một người đàn bà sùng bái văn chương như tôi, lòng một tất để mà tâm niệm “Văn chương là sứ mạng thiêng liêng gắn liền với quê hương” nay bỗng dưng viết tiểu thuyết rẻ tiền cho các báo hàng ngày. Tôi quyết định vậy vì tôi yêu Thanh Nam hơn hết những người tôi yêu. Một hoặc hai năm, nhà văn cho ra đời một truyện dài thì tác phẩm mới có giá trị, đằng này, anh viết như cái vòi rồng, như đấu võ rừng, anh phá sản mất rồi.

Mặc Đỗ than:

– Đến Túy Hồng mà cũng viết feuilleton nữa thôi!

Tôi trả lời:

– Tôi lấy một người viết feuilleton thì tôi phải viết feuilleton để bằng người ấy… Giữ gìn ngòi bút làm chi? Phá luôn!

Tôi đã viết 5 cái feuilleton cho 5 tờ báo hằng ngày, một mục tạp ghi thời sự và một mục điểm mặt văn nghệ ti vi trên hai tuần báo, cộng tác với chị Thái Thanh trong chương trình “Lời Trong Đêm” của đài phát thanh “Tiếng Nói Tự Do.” Phải bỏ dạy học 4 năm liền để mà viết, phải gửi thằng con áp út – cháu tên là Ốc Sên – về bên ngoại nuôi giùm cho rảnh tay hơn. Viết đến độ không có thì giờ sửa lại những đoạn viết ẩu khi đem in thành sách, viết nhiều quá thành ra viết bậy: chị em ruột cũng cho lấy nhau, tên tuổi nhân vật lẫn lộn rối beng và có hai truyện dài phải cúp ngang vì không nghĩ ra được kết cuộc. Và, viết xuống dốc quá bị chủ báo coi thường!

Thụy Vũ kể lại chuyện đã bị một ông chủ báo ne nẹt:

– Cô Thụy Vũ phải viết như thế này mới lôi cuốn độc giả: Đầu tiên phải cho hai nhân vật làm tình ngay: thời gian là 15 phút; không gian là từ phòng khách vô tới phòng ngủ, hai nhân vật phải làm tình ba lần.

Vốn là một cô gái miền Nam thẳng tính, Thụy Vũ đốp lại ngay:

– Trong 15 phút mà làm tình ba lần, ông làm thử có được không?

Không có đêm nào tôi được đi ngủ trước 1 giờ sáng. Thụy Vũ than:

– Viết một feuilleton cực như nuôi một đứa con mọn… mà tụi mình thì đẻ năm một.

Thanh Nam và tôi, đời chúng tôi, không biết đã viết được bao nhiêu truyện dài, nhưng mối tình của chúng tôi, đó là truyện dài hay nhất!

Một buổi trưa đến nhà chúng tôi ăn cơm, anh Mặc Đỗ bảo:

– Hễ thấy Túy Hồng là thấy cái cảnh “phu tróc tử phọc.”

**

Nhưng sau năm 1975, anh Mặc Đỗ không thấy lại chúng tôi, nếu gặp nhau chắc anh sẽ kêu:

– Hễ thấy Thanh Nam là thấy cái cảnh “thê tróc tử phọc.”

Sau năm 1975, có một đoạn, Thanh Nam ở nhà làm bếp trông con, tôi ra đi như những ngày xưa mưa mùa Thanh Nam đã khoác áo ra đi.

Chúng tôi là một đôi vợ chồng khắc khẩu, không hạp tuổi, ngược tính tình: Thanh Nam quan niệm dù sống và viết bên nhau, chúng tôi không phải là hai chủ thể, hai đơn vị, hạnh phúc không phải là mỗi người khư khư nắm lấy cây bút của mình, mỗi người cứ ôm chầm lấy tự do vào ngực mình.

Đây là một điệp khúc chàng thường đơn ca từ ngày qua Mỹ:

– Cuộc đời anh, anh sung sướng đã làm được hai điều lành: Một là ngăn cấm em viết potin chửi đời, hai là giữ được lòng trung thành với em từ sau ngày cưới.

Hai mươi năm về trước, một nhà báo đã phỏng vấn năm nhà văn nữ, trong đó có một đoạn về Nhã Ca:

Hỏi: Thưa chị Nhã Ca, nghe anh em trong giới đồn rằng chị và anh Trần Dạ Từ sắp li dị phải không ạ?

Đáp: Chúng tôi là hai nghệ sĩ, hạnh phúc như cái quán văn nghệ, ai vô thì vô ai ra thì ra.

(Thưa quý độc giả, bài phỏng vấn đó đã đăng báo, tức là đã đưa ra công luận hai mươi năm về trước, tức là đã được coi như tài liệu.)

Thanh Nam bác:

– Túy Hồng cũng quan niệm như vậy. Không được. Hạnh phúc không phải là một bỏ ngõ, một vòng tròn hở ai vô ai ra cũng được. Lâu đài hạnh phúc của tôi, tôi treo bảng “Vô phận sự miễn vào.”

Thời gian chúng ta mới lấy nhau, em đã phóng thích anh đi đêm đi ngày mà không ghen, đó là quan niệm của em. Còn anh, anh quan niệm khác, em không ghen thì anh ghen, anh kiểm soát thư từ, anh cấm em giao dịch…

Chúng ta đã sống hai kiếp trong một cuộc đời, kiếp một ở Việt Nam và kiếp hai ở Mỹ, chúng ta đã có con sống con chết với nhau… Đừng, đừng bao giờ phụ phản nhau.

“Ai bao năm từng lê gót nơi quê người,” chúng tôi đầu tiên dừng gót ở tiểu bang New-Jersey, Thanh Nam đi làm Shipping Clerk cho một hãng bán sỉ quần áo ở New-York, tiền ăn họ đạo bao sáu tháng, tiền nhà họ đạo bao một năm; tưởng như vậy là yên, nhưng không, cuộc đời lại được cải táng một lần nữa, chúng tôi lại tha bốn đứa con về định cư ở cái xứ gió mưa ngậm ngùi này, sắm sửa lại đồ đạc từ cái tăm xỉa răng, cái bát ăn cơm mua tại Goodwill.

Ở Seattle được vài tháng, Thanh Nam được kêu làm part-time cho tờ báo “Đất Mới,” tôi đi may và sau đó học Ceta tức là chương trình huấn nghệ sáu tháng học Anh ngữ, sáu tháng học nghề.

Mấy nữ học viên cùng khóa thỉnh thoảng nói cười:

– Chỉ có ông Thanh Nam là sướng được tiếp tục nghề cũ, còn bà Túy Hồng bao giờ cầm bút trở lại đây?

Tôi thở dài như dạo nào:

– Sang tới đây rồi thì… thì… bút gì cũng bẻ hết, bút “bic” nguyên tử, bút máy, bút se ngọn thỏ…

Mấy bà kê khai:

– “Cái nhà là nhà của ta, chồng tôi tự tay làm được cái nhà”

– Chồng tôi đặt được cả hệ thống ống nước dưới đất.

– Chồng tôi là thợ điện hãng Tood Shipyard, có thể dùng răng cắn đứt ngang sợi dây điện.

– Chồng tôi biết hàn xì tất cả mọi chỗ nối trên tàu thủy.

Tôi cũng kêu:

– Chồng tôi nấu ăn giỏi như bà Quốc Việt.

Kêu xong, tôi về nhà kêu ca:

– Sang tới đây, đàn ông ai cũng lập thân hết, họ không cần ai cải tạo họ, họ tự cải tạo thành con người mới, họ đã tự tẩy não họ cho quên hết cái quá khứ công chức ở Việt Nam… để chuộc lại những ngày ăn chơi, họ làm việc với đam mê. Nếu không có máu anh hùng, làm sao con người có thể tu chỉnh cuộc sống của mình như vậy được? Anh thấy không?

Tôi chỉ ưa vặn chồng như vặn cái nút chai mà không đưa tay sờ lên ót: đem chồng ra đọ với mấy ông trong khi quên so sánh mình với mấy bà. Chồng chèo thì vợ chống, mấy bà phụ cu ly chồng sửa nhà, cưa ống cống, bắt điện, trồng hoa làm vườn, mấy bà lái xe, nói tiếng Mỹ, mấy bà thơm tay chụp job này bắt job khác… Còn tôi, từ ngày sang Mỹ đến nay, tôi hóa Mỹ ở hai điểm: mê coi Basket-ball và Football như ngày xưa mê coi đá bóng đã chạy theo thủ môn Rạng của Quan thuế và Đực Hai của Tổng tham mưu để xin chữ ký. Mọi người sang đây đều Mỹ hóa, thường thường Mỹ hóa ở những cái hay; còn như mê coi football và basketball là Mỹ hóa cái kiểu không có lợi.

Nấu ăn là một kỹ thuật ngày xưa ở Việt Nam Thanh Nam biết mà không sử dụng; bây giờ, chàng thực tập hoài, lại còn âm thầm mở sách dạy gia chánh của các bà Quốc Việt, Vân Đài ra nghiên cứu nữa.

Ngày chưa mất tiếng nói, Thanh Nam vẫn kêu:

– Người đàn ông này không phải vợ cho ăn thứ gì thì cúi đầu ăn thứ đó.

– Người đàn ông này không chấp nhận trái Zucchini có thể thay thế cho trái bí đao để nấu canh.

– Người đàn ông này không đồng ý cái bó bông Broccoli lại có thể thay thế cho bó Cải làn để xào tôm thịt.

Thanh Nam luôn luôn đập thật nhiều tỏi để cho vào các món xào. Phải nhìn những cử động trở tay xoay mình của chàng khi đứng trước bếp đỏ chần thịt, trụng bánh, khua đũa gắp các món cho vào tô phở đãi bạn mới thấy ở chàng nỗi hứng cảm tha thiết còn hơn lúc ngồi rung đùi bên ly bia vàng ngà sáng tác thơ văn.

Chàng nói:

– Anh không sửa nhà được, không sửa ống nước, không bắt dây điện… thì anh nghiên cứu kỹ thuật nấu ăn để sau này mở quán nhậu.

Bạn bè đến nhà thường khen Thanh Nam có 5 cái “nhất”:

– Nấu phở ngon nhất Seattle.

– Kho cá thu ngon nhất Seattle.

– Làm giả cầy tuyệt nhất Seattle.

– Làm chả cá Thăng Long khéo nhất Seattle.

– Làm bít-tết tài nhất Seattle.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Diệm là người khăng khăng chủ trương không ăn thịt:

Vì sợ chứng ruột dư thận sạn

Trồng hành ngò rau ráng mà ăn.

cũng phải khen:

– Muốn thấy tài làm bếp của Thanh Nam, chỉ cần ăn một miếng bít-tết: Ngoài thì cháy sém và co rút lại, ở trong còn rỉ máu hồng.

Các món ăn nhà chúng tôi, Thanh Nam thường đứng nấu, nhưng không phải bao giờ Thanh Nam cũng đứng nấu, còn tôi chỉ đứng chơi; người phải sửa soạn mọi thứ để sẵn như là thái thịt, nhặt rau, làm cá, cắt cà-rốt, đập hành tỏi v.v… cố nhiên không phải là Thanh Nam. Ấy vậy mà cái bà Kim Anh nhỏ nhít như con búp bê kia, bà là vợ của ông Nguyễn Tất Đắc, bà cứ quả quyết là Thanh Nam làm hết cả công tác nội trợ nấu nướng săn sóc nhà cửa, cắt tóc cho con… để bà cà khịa với ông chồng “theo đạo Khổng không bước chân vô bếp” của bà; và, bây giờ, Thanh Nam đã tan thành tro bụi rồi, bạn bè ai cũng tin rằng:

– Túy Hồng lúc này nhàn nhất, mấy đứa con ăn món Mỹ… mỗi ngày chỉ vào bếp bảy phút… rảnh quá!

Thanh Nam được báo chí tặng cho cái danh từ “Người Hiền,” điều đó đúng không, hãy đọc những lời chàng bút đàm:

– Anh không phải là người khó tính, anh chỉ khó ăn… anh là người dễ tính nhưng khó ăn; còn em, em là người dễ ăn nhưng khó tính. Anh là con người cụ thể, chơi với bạn, anh chỉ muốn mời bạn ăn ngon, làm cho bạn vui cười sung sướng; còn em, em là con người trừu tượng chỉ hay phân tách tâm lý của bạn…

Trên phương diện văn chương, anh với em cũng trái ngược nhau nhiều. Ngày xưa, anh viết feuilleton cho các nhật báo ở Việt Nam, cũng như mấy năm về trước ở Mỹ, anh đã giúp việc cho tờ “Đất Mới” thật đắc lực… Không bao giờ anh nghĩ anh đang mang nặng một sứ mạng, mà, anh cho rằng, anh chỉ là một người làm công không hơn không kém; còn em, em luôn luôn nghĩ rằng văn chương là sứ mạng thiêng liêng này nọ…

– Năm 1975, một buổi sáng trong trại tị nạn ở Pensylnavia, bóc một trái cam ăn, bỗng nhiên nghe buốt và xót một bên cổ.

Sáu năm sau, chỗ đau ấy là thảm kịch mất tiếng nói bây giờ.

Anh đã hút thuốc lá, anh đã uống rượu, anh đã viết năm 15 tuổi và anh còn hút thuốc phiện trong thời gian mười năm.

– Tuần trước, khi Huy Quang lại thăm cho mấy khúc cá kho riềng… anh bỗng có quyết định phải tiến hành chuyện mở quán ăn… cùng với em trông coi…

TH, Ngày 4 tháng 5, 1986

(*) Trần Vũ đánh máy lại từ bản in trên tạp chí Văn Học của Nguyễn Mộng Giác, số 5, phát hành tháng 6-1986 từ trang 4 đến 18, là số đặc biệt tưởng niệm Thanh Nam.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 15139)
Trong việc thành lập nhà xuất bản Tiếng Quê Hương,
04 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 15103)
Mượn lời Nguyễn Trung làm đề tựa, và ghi lại đây chút kỷ niệm cùng người bạn tôi quý mế
30 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 13665)
Trong suốt thời gian dài làm chủ bút tạp chí Văn Học, tôi được dịp quen biết với nhiều nhà văn từ lúc họ mới khởi nghiệp
23 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 13308)
Lần đầu tôi gặp nhà văn Bình Nguyên Lộc là vào năm 1972, khi tôi mới về làm thư ký toà soạn tạp chí Văn
15 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 15336)
“Nhạc hoàn toàn không làm tăng giá trị bài thơ”, mà phải nói thêm theo từ ngữ thông dụng hiện nay, “Nhạc đã abuse bài thơ.”
06 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 14742)
Để tìm những ký hiệu ngôn ngữ gắn bó với con người, tôi thường hình dung những chữ phù hợp với phong cách nghệ thuật của một vài nghệ sĩ
29 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 14354)
Lâu lắm mới gặp lại anh. Hoài Khanh bây giờ đã 79 tuổi ta rồi chớ ít g
19 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 14181)
Áo Lụa Hà Đông, Cần Thiết, Tuổi Mười Ba, Paris Có Gì Lạ Không Em
10 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 14240)
Bút Tre (Đặng Văn Đăng: 1911-1987) không cho mình là thi sĩ, ông chỉ nhận mình là "vè sĩ
06 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 13996)
Tôi viết bài này bằng bút bi, khi đưa in báo Văn Nghệ do “khuôn khổ báo có hạn"
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17078)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12287)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19018)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9196)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8362)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 996)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1187)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22483)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14025)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19192)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7911)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8826)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8507)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11074)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30727)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20823)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25522)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22918)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21742)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19802)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18064)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19262)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16928)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16120)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24520)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31964)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34939)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,