NGUYỄN MỘNG GIÁC - Nỗi Cô Đơn Lớn Lao Của Mai Thảo

24 Tháng Mười Một 20202:28 CH(Xem: 4160)
NGUYỄN MỘNG GIÁC - Nỗi Cô Đơn Lớn Lao Của Mai Thảo


Sau nhiều tháng bệnh nặng, sức khoẻ suy nhược dần như ngọn đèn hết dầu, nhà văn Mai Thảo đã vĩnh biệt tất cả bạn bè chúng ta hồi ba giờ sáng ngày 10 tháng 1 năm 1998. Tuy mọi người đều chờ tin buồn này với tất cả sự bất lực tuyệt vọng như chờ một định mệnh không thể tránh được, tin buồn vẫn gây một xúc động lớn lao trong văn giới hải ngoại. Bạn bè bốn phương đổ về Quận Cam đưa nhà văn Mai Thảo đến nơi an nghỉ cuối cùng, một nghĩa trang nằm cạnh con đường Bolsa chạy xuyên qua khu trung tâm của Little Sài gòn. Từ đây hằng ngày Mai Thảo vẫn có thể trông thấy bạn bè của mình qua lại trên con đường tấp nập có nhiều đồng hương qua lại, và ở bên kia thế giới, chắc anh vẫn mỉm cười nhìn đám bạn bè cũ tất tả lo toan cho cuộc mưu sinh với nụ cười hiền lành và ánh mắt ân cần quen thuộc của gương mặt anh.

MaiThaoCaoPho_W-content


Những người bạn không có cơ hội thăm viếng Mai Thảo trong những tháng bệnh cuối cùng, hôm viếng anh lần cuối ở nhà quàn, đều ngỡ ngàng không nhận ra anh. Ngày thường, khuôn mặt anh dài, nghiêm trang ít nói, và điềm tĩnh trong tất cả mọi tình huống. Hôm cuối, khuôn mặt anh choắt lại, như khuôn mặt một đứa bé. Tôi đã nghe nhiều lời thì thào trong tiếng nức nở: "Anh Mai Thảo đây ư?"

Hôm cùng với chị Trần thị Lai Hồng và chị Bùi Bích Hà lên thăm anh tại bệnh viện Barlow ngoại ô Los Angeles, chúng tôi cũng đã thốt lên câu hỏi ấy.

Chúng tôi không nhận ra anh nữa. Chị Bùi Bích Hà nghĩ là chúng tôi đã vào lộn phòng. Chị Lai Hồng trỏ vào tấm bảng ghi tên bệnh nhân QUY NGUYEN, chúng tôi mới dám chắc người nằm đó là Mai Thảo. Cô y tá người Hoa đang bơm thực phẩm vào dạ dày anh, và anh thở bằng hai ống ni-lông nối vào bình dưỡng khí. Anh đã không thể tự sống được bằng hoạt động của chính cơ thể mình. Anh sống bằng máy. Cô y tá cố gắng tập cho hai chân anh co lên co xuống để khỏi tê liệt nhưng anh không cử động đôi chân được. Cô y tá khuyến khích bảo gắng tập cho đôi chân cử động bình thường để cô chuyển anh lên xe lăn đẩy ra hành lang ngắm cây cối xanh tươi chung quanh bệnh viện cho đỡ buồn. Anh lắc đầu. Cô y tá cũng lắc đầu, mang vào chân anh hai chiếc tất nỉ để gót chân khỏi bị nhiễm trùng tạo ra vết lở ở gót. Cô rời phòng, nét mặt thôi không còn buồn rầu thất vọng mà hớn hở vui mừng sau khi chị Bùi Bích Hà cho biết bệnh nhân của cô là một nhà văn tiếng tăm của Việt Nam. Chữ nghĩa, văn chương, trong những hoàn cảnh bất ngờ nhất, ít ra cũng giúp cho những người khổ sở vì nó một niềm an ủi nhỏ nhoi!

Anh Mai Thảo nhận diện được tất cả chúng tôi. Do dụng cụ hô hấp gắn ở mũi và cổ họng, anh không nói được, anh ra dấu cho chị Lai Hồng bảo đem bút và giấy cho anh bút đàm. Chúng tôi mừng vì đôi tay anh vẫn có thể cử động tuy yếu ớt. Và đôi mắt anh, tuy mỏi mệt, vẫn còn có thể phát ra ánh vui. Anh viết lên tập giấy hai câu:

"Cảm ơn đã vào thăm." " Xin lỗi bị đau nặng chưa nói được."

Chúng tôi lặng người sau khi đọc hai câu anh viết. Cảm ơn! Xin lỗi! Đáng lẽ tất cả chúng tôi, tất cả bạn bè và độc giả của anh phải "cảm ơn" và "xin lỗi" anh, chứ không phải anh thốt ra hai tiếng đó. Chúng tôi lúng túng không biết phải làm gì để cho anh hồi phục, lúng túng vì dù không có kiến thức y khoa, chúng tôi đều cảm thấy anh đang đi trên con đường một chiều, không còn cơ may nào quay trở lại đời sống bình thường như trước. Chị Lai Hồng vừa kể chuyện đời sống mới của chị ở Florida vừa xoa bóp hai ống chân và cánh tay anh. Tất cả chỉ còn xương bọc da. Trên toàn thân, trừ hai tay, đôi mắt là còn sự sống, tất cả đều bất động. Trong khi đầu óc anh vẫn hết sức tinh tường. Hai câu anh viết , với cái gạch ngang ở đầu dòng, với những lời lẽ được lựa chọn thích hợp và chính xác, vẫn còn đầy đủ tính cẩn trọng cần thiết của một người suốt đời trân trọng và tin tưởng ở sức mạnh của ngôn ngữ. Vẫn còn đầy đủ sự trân trọng của anh đối với bạn bè, không phân biệt tuổi tác, tính tình, tài năng, học thức. Bất cứ ai yêu văn chương đều là bạn anh, đều được anh xem là tâm giao vì đã sống hết mình trong "cõi viết", và theo anh, như thế họ "đã là". Tôi nghĩ suốt thời gian anh nằm một mình trong các bệnh viện vào giai đoạn cuối đời, ngay cả thời gian anh còn ở căn phòng chung cư sau quán Song Long nằm suốt ngày trên giường vì đôi chân quá yếu, sự đau khổ nhất của Mai Thảo là trí óc minh mẫn trong khi thân thể ngày càng bất lực. Nhớ bài thơ bệnh anh làm khi chưa thật sự bệnh:

Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện
Ta lại cùng cơ thể chuyện trò
Bảo nó chớ gây thành chuyện lớn
Nó nghĩ sao rồi nó lại cho.

Như thế nghĩa là từ lâu lắm, từ hơn mười năm trước khi "cơ thể gây thành chuyện lớn", anh đã tiên liệu cái ngày trí óc anh và cơ thể anh không đi cùng một con đường. Phải chăng đây là cái mâu thuẫn lớn nhất trong cuộc đời đầy mâu thuẫn của anh?

Đám tang của nhà văn Mai Thảo qui tụ hầu hết những người bạn thực sự yêu thương quí trọng anh, và nếu nhìn một vòng những người đưa anh tới nơi an nghỉ cuối cùng, chúng ta thấy họ thuộc đủ mọi thành phần. Họ khác biệt nhau về tuổi tác, sở thích, tính tình, học thức, nghề nghiệp... Có thể ngoài niềm đau chung là cái chết của Mai Thảo, họ không có gì để nói với nhau. Mai Thảo là một người có nhiều bạn. Anh sống hết mình với bạn, ân cần lo lắng cho bạn. Nói như thế không có nghĩa là anh coi tất cả những người anh gặp trên đường đời là bạn. Anh có một tiêu chuẩn kết bạn khá lạ lùng, đôi khi cực đoan và phi lý. Chẳng hạn trong văn giới, anh thường phân biệt những người "bạn văn" của anh với những người anh liệt vào hạng "ngoại đạo". Tiêu chuẩn ấy không dựa vào tài năng, vào giá trị tác phẩm của người viết. Cũng không dựa vào vị trí xã hội của họ. Bằng cách định giá của riêng anh, Mai Thảo liệt vào hàng "ngoại đạo" tất cả những người (theo anh nghĩ) không xem văn chương là lẽ sống duy nhất trong đời, những người đầu tư tâm lực của mình vào một ngành hoạt động khác nhưng lâu lâu nhảy vào văn chương như một thú giải trí cuối tuần. Cũng có lúc anh nới rộng tiêu chuẩn ngoại đạo này, xét cả đến cách sống. Anh không mấy ưa cách sống ngăn nắp sáng vác ô đi tối vác về của giới công chức, và cảm thấy dễ thân thiết gần gũi hơn với giới nghệ sĩ trình diễn sống không theo khuôn phép khắc khe của guồng máy xã hội. Một khi đã nhận ai là người "trong đạo", Mai Thảo cư xử hết sức chân thành với họ. Ngược lại, anh dửng dưng (và đôi khi còn cay nghiệt nữa) đối với những người bị liệt vào hàng ngoại đạo. Khuynh hướng định giá bạn bè theo lối ấy, theo tôi, đã làm nẩy sinh những tình cảm yêu ghét cực đoan về Mai Thảo. Làm nẩy sinh một hiện tượng trong văn học Miền Nam trước 1975 mà nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, khi trả lời phỏng vấn của Đài RFI, gọi là hiện tượng "thiết triều". Những nhà nghiên cứu phê bình văn học sau này có thể không đồng ý với nhau về văn chương Mai Thảo và ảnh hưởng thực sự của nhóm Sáng Tạo đối với văn học Miền Nam, nhưng trong sinh hoạt văn hóa của Miền Nam suốt hai mươi năm (1955-1975), không ai có thể phủ nhận được ảnh hưởng lớn lao của Mai Thảo. Anh gây thành một phong trào viết óng ả chải chuốt như lối viết của anh, lối viết đó lan sang giới truyền thanh qua những lời giới thiệu bài hát, chương trình Tao đàn, và cho tới bây giờ, đã trở thành cái nếp không thể bỏ được, làm nhịp cầu giữa ca nhạc và văn chương. Anh tạo thành một thế lực văn hóa ảnh hưởng lan rộng qua nhiều ngành, từ văn chương, báo chỉ, xuất bản, qua ca nhạc, điện ảnh.

Tất cả những "thế lực", những "ảnh hưởng" lớn lao ấy không do chủ ý của Mai Thảo. Anh không hề "muốn gây thành chuyện lớn". Tìm hiểu về thuở ban đầu của tờ Sáng Tạo (qua lời những người sáng lập, qua chính lời anh kể), chúng ta sẽ thấy không hề có những tuyên ngôn lớn lao, những triết lý định hướng, những sơ đồ cách mạng nào cả. Mỗi người một ý. Bản tính ai thế nào thì cứ viết như thế. Doãn Quốc Sỹ là một trong những cây bút cột trụ của Sáng Tạo, nhưng làm sao tìm ra "không khí Sáng Tạo" trong Khu Rừng Lau hay Dòng Sông Định Mệnh? Người "sáng tạo" nhất của nhóm có lẽ là Thanh Tâm Tuyền. Còn Mai Thảo, người cầm lái, thì văn phong của anh dù hết sức tân kỳ trong cách sử dụng ngôn ngữ (biến dành từ thành động từ, biến tĩnh từ thành danh từ...) vẫn nặng tính cổ điển biền ngẫu. Ngay cả chuyện nhận tài trợ của cơ quan USIS (mà chính quyền cộng sản dựa vào đó kết án cả Mai Thảo lẫn tờ Sáng Tạo là công cụ của Mỹ), Mai Thảo vẫn không xem là điều quan trọng. Anh khơi khơi mà viết, khơi khơi mà sống, kết bạn kết thù cũng hết sức khơi khơi, như một người đi lạc giữa đời. Do đó tuy nhiều bạn, nhưng suốt đời anh cô đơn.

Anh kết bạn vì sợ cô đơn. Không biết thời trước 1975 ở Sài gòn thế nào, chứ trong thời gian quen anh ở Hoa Kỳ, tôi thấy anh là người cô đơn nhất trong những bạn văn tôi biết.

Mai Thảo tự phác hoạ chính xác chân dung của anh, hay nói đúng hơn, chân dung nỗi cô đơn lớn lao của anh:

Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy

Nhiều hôm sau một cuộc họp mặt đông vui nhiều bạn bè, tôi chở anh về căn gác trọ lúc phố xá vắng tanh. Khu chung cư dành cho người già cũng ngủ im trong khuya khoắc. Xe dừng. Nhưng Mai Thảo ngồi im, không muốn xuống. Anh đề nghị tìm một chỗ họp mặt nào khác. Khi thấy đề nghị của mình vô lý, anh đành mở cửa, bước khỏi xe. Anh than: "Lại phải trở về cái quan tài này nữa." Anh không cảm thấy yên ổn trong căn phòng quen thuộc của anh. Mà anh cũng không tìm thấy chỗ nào trên trần gian này là nơi an trú, từ ngày anh phải xa quê hương. Chỗ nào cũng là quan tài, phòng giam lạnh lẽo.

Mỗi ngày một gạch mỗi ngày giam
Lên bức tường câm cạnh chỗ nằm
Gạch miết tới không còn chỗ gạch
Gạch vào trôi giạt tới nghìn năm.

thubutmt
Thủ bút Mai Thảo. (Tư liệu dutule.com)


Anh là hiện thân trọn vẹn nhất của hai tiếng "lưu vong", hơn thế nữa, trong khi những bạn văn khác tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới, Mai Thảo khăng khăng sống y như cũ, từ chối tất cả những thay đổi cần thiết để hội nhập. Anh không học Anh văn, không lái xe, chữ viết nắn nót trang trọng trên trang giấy kẽ hàng, thậm chí hàng tháng cứ dùng viết Bic viết từng địa chỉ và họ tên của bảy trăm độc giả dài hạn của tạp chí Văn lên phong bì chứ không dùng phương tiện điện toán hiện đại. Tinh thần anh đề kháng với những gì đang đổi thay trước mắt. Bức ảnh chụp Mai Thảo ngồi một mình trên ghế chờ xe buýt trong khi hậu cảnh là một vệt mờ của chiếc xe buýt đang chạy qua, sở dĩ được xem là bức ảnh đẹp nhất trong loạt chân dung Mai Thảo, vì nhiếp ảnh viên đã chụp bắt được "chất lưu vong" của nhà văn. Anh là người ngồi chờ một chuyến xe buýt không bao giờ có. Chuyến xe của quá khứ. Những chuyến xe của đời thường qua lại đúng giờ trước mắt anh, nhưng anh từ chối không bước lên. Anh chờ những chuyến xe từng chở anh từ Nam Định lên Hà Nội. Anh chờ những chuyến xe chở anh từ đường Ký Con về đại lộ Tự Do. Anh chờ Quá Khứ. Một mình chờ. Héo hắt chờ.

MaiThao-Khanh
Nhà văn Mai Thảo. (Hình: Nguyễn Bá Khanh)


Y lý hiện đại không giải thích được căn bệnh của Mai Thảo. Theo lẽ thường, uống rượu nhiều như anh thì dù có lá gan bằng bạch kim cũng phải cháy. Lúc bệnh anh trở nặng, các bác sĩ quen thân của anh đoán chắc không cần chẩn đoán thử nghiệm lôi thôi cũng biết anh đã tới ngày phải trả giá cho thói quen lạm dụng rượu mạnh. Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược. Gan anh bình thường. Rà soát hết lục phủ ngũ tạng, cơ thể Mai Thảo không mắc phải chứng bệnh gì. Bệnh viện kết luận anh chỉ bị chứng suy dinh dưỡng, vì anh không chịu ăn uống gì cả. Chỉ cần rán ăn cho cơ thể có đủ chất dinh dưỡng, là mọi sự được giải quyết.

Thật dễ dàng, và đơn giản. Nhưng tới đây thì cơ thể của Mai Thảo lên tiếng. Nó "gây thành chuyện lớn". Nó từ chối không chịu ăn. Nó hợp tác với tinh thần lưu vong đề kháng để nói lớn: "Không!"

Mắt đã từ lâu mù dáng người
Tai đã từ bao lạc tiếng đời
Đứng lên gửi lại lời xin lỗi
Của kẻ ra về giữa cuộc chơi.

Gửi lại lời xin lỗi! Mai Thảo xin lỗi chúng tôi hôm ấy ở bệnh viện Barlow. Anh không muốn đi cùng đường với chúng tôi, cố gắng thích nghi với cuộc sống trước mắt. Anh muốn quay ngược trở lại. Cho nên tôi không mấy ngạc nhiên khi hay tin trong những ngày cuối đời ở bệnh viện Garden Grove, anh cũng dùng bút đàm hỏi nhà thơ Trần Dạ Từ là bao giờ cho anh về lại đường Ký Con. Nỗi cô đơn lớn lao của anh chỉ được giải tỏa khi anh bước lên những chuyến xe buýt cũ của quê hương mà không còn phải sợ bất cứ thứ quyền lực trần thế nào. Anh đã toại nguyện.

Nguyễn Mộng Giác
Nguồn: Tạp chí Văn Học số 143, tháng 3 năm 1998



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười Hai 202210:08 SA(Xem: 1722)
Có khi nào chúng ta tự đặt ra câu hỏi: đời sống văn học cần nhà phê bình để làm gì?
28 Tháng Mười 202211:40 SA(Xem: 1755)
làm thơ mà không có chất liệu sống, thì khác gì muốn nấu cơm nhưng hết gạo
15 Tháng Mười 20224:05 CH(Xem: 2079)
Sau 1954, tôi sống nhiều năm ở Hà Nội, nhưng lúc này tôi lại biết một ông Lưu Trọng Lư khác:
10 Tháng Mười 202210:37 SA(Xem: 2684)
Trần Tuấn Kiệt là một nhà thơ lớn. Không chỉ vì anh từng hai lần đoạt giải Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc (VNCH) - thường được gọi là “Giải thưởng Tổng Thống” vì do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khởi xướng thành lập năm 1967. Trần Tuấn Kiệt đoạt Giải nhất bộ môn Thơ năm 1967 - 1969,
24 Tháng Chín 20229:49 SA(Xem: 2156)
Đêm Việt Bắc vào mùa đông rất lạnh. Cái lạnh của rừng nguyên sinh không giống bất cứ cái lạnh nào.
21 Tháng Chín 20225:38 CH(Xem: 2141)
Lúc sinh thời, Phạm Duy rất tâm đắc tác phẩm “Thuyền viễn xứ” mà ông phổ nhạc từ bài thơ của một thi sĩ ẩn danh - bút danh Huyền Chi.
17 Tháng Chín 20221:40 CH(Xem: 2554)
Khi một nhà thơ rời bỏ chúng ta, người đó mang theo tuốt tuột những bài thơ chưa được viết ra.
15 Tháng Chín 202212:44 CH(Xem: 2303)
Nếu không có sự dũng cảm của nhà văn Nguyên Ngọc với tư cách Tổng Biên tập báo Văn Nghệ vào giữa thập niên 1980 đầy hỗn mang, để CÔNG BỐ NHIỀU NHẤT VÀ NHANH NHẤT CÓ THỂ tất cả truyện ngăn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, thì chúng ta sẽ không có một "hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp" một cách toàn mãn đến vậy. (Nguyễn Trung Kiên)
12 Tháng Chín 202212:30 CH(Xem: 2109)
Lập trường là cái nay đúng, mai sai. Tốt nhất là tránh xa nó ra để giữ lấy cái trong trẻo của trái tim người.
08 Tháng Chín 202211:00 SA(Xem: 1689)
Ông Võ là một người ham đọc và biết thẩm định giá trị của sách.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 613)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1174)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19187)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11071)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30722)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20819)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31961)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,