HUỲNH HỮU UỶ - Tinh Hoa Và Quá Trình Phát Triển Mỹ Thuật Gốm Việt Nam

18 Tháng Hai 202110:03 SA(Xem: 3719)
HUỲNH HỮU UỶ - Tinh Hoa Và Quá Trình Phát Triển Mỹ Thuật Gốm Việt Nam

Nghệ thuật gốm là một thứ văn hóa dân gian, được hình thành và phát triển từ xa xưa, đã qua nhiều thiên niên kỷ. Sản phẩm của người thợ gốm, trước tiên là vì nhu cầu thực dụng, rồi dần dà, ngày càng được nâng cấp mà thành nghệ thuật.

Gốm Việt Nam qua các chặng đường, từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến thời Bắc Thuộc

Khảo cổ học đã chỉ cho chúng ta nhiều bằng chứng về sản phẩm gốm trong các di chỉ văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Giai đoạn Phùng Nguyên, cách đây khoảng 4,000 năm, tổ tiên chúng ta đã tạo ra được các loại gốm như nồi, vò, bình, chậu, quả bồng, bát, cốc, đĩa có hình dáng đẹp, chắc, khỏe. Các sản phẩm ấy được trang trí tinh xảo bằng những hoa văn tiếp nối nhau, những đường vạch sắc sảo, những nét cong uyển chuyển, mềm mại, đối xứng, và hài hòa. Đó là các đồ gốm thô không phủ men. Một số sản phẩm khác được áo phủ một lớp màu ra bên ngoài, là màu đất đỏ, vàng, nâu, tức là những màu đất khác với xương đất của sản phẩm, càng làm cho bắt mắt và đẹp thêm, tỏ rõ một ý thức thẩm mỹ đã phát triển cao và thực đáng kể. Thời kỳ này, Việt Nam cổ đại đã bước vào thời đồ đồng, vậy nên các loại hoa văn trang trí trên gốm có ảnh hưởng qua lại với trang trí đồ đồng cùng thời là chuyện dễ hiểu.

Người ta đã biết sử dụng bàn xoay để chế tác sản phẩm gốm một cách thành thạo, và đã biết nung với độ lửa già nhất. Bên cạnh các đồ dùng cần thiết hàng ngày, còn có những sản phẩm trang trí như tượng gà, tượng bò, những đồ trang sức như hoa tai, chuỗi hạt, vòng tay bằng gốm ở các di chỉ Phùng Nguyên, Gò Bông, Gò Chiền, Tràng Kênh, Đồng Đậu, Gò Mun ở miền Bắc và di chỉ Sa Huỳnh ở miền Nam Trung Bộ.

zz-hinh-1-gom

Bình gốm hoa lam Chu Đậu, thế kỷ 15 – 16. Cao 56.5 cm, đường kính miệng 23.8cm, đường kính đáy 25.8 cm, nặng 15.6 kg, được tìm thấy trong đợt khai quật tàu đắm ở Cù lao Chàm vào năm 1997-1999. Hiện thuộc bộ sưu tập Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia.

Từ thế kỷ thứ II trước công nguyên, đất nước ta rơi vào bóng đêm Bắc thuộc, kéo dài đến cả ngàn năm sau. Thời kỳ này, người sản xuất gốm bản địa đã tiếp thu được kỹ thuật gốm của phương Bắc. Loại gốm được gọi là “Hán bản địa” là gốm nửa đất nung nửa sành xốp, hoặc không men, hoặc có men trắng đục, làm theo dạng gốm Hán Trung Hoa. Các nhà nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật Việt Nam thường cho rằng các sản phẩm gốm này luôn luôn chứa đựng sâu sắc tình cảm và dấu ấn Việt Nam; họ muốn nói rằng văn hóa Việt Nam dù chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Trung Hoa nhưng vẫn là một nền văn hóa riêng biệt khác hẳn Trung Hoa. (1)

Năm 1934-37, các cuộc khai quật của Olov Jansé thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ đã tìm thấy nơi những mộ cổ kiểu Hán những đồ gốm tùy táng có màu trắng hay vàng nhạt đơn sắc, trên những đồ vật này có những vết men hay giọt men trông rất đẹp và lạ ở vùng Thanh Hóa. (2)

Người ta cũng đã phát hiện một số lò gốm và mộ táng với nhiều gạch nung và đồ gốm mang tính cách Đông Hán – Lục Triều (thế kỷ II-IV) và muộn hơn vào thời nhà Đường (thế kỷ VII-IX) ở châu thổ sông Hồng và Thanh Hóa.

Ngàn năm Bắc thuộc tất nhiên cũng đã để lại một số di chứng. Vấn đề Hán hóa là một thực tại. Hệ tư tưởng Khổng Nho thống trị xã hội. Đồ gốm thì phải là gốm sứ của Tàu mới được xem trọng. Những thống, bình, chóe bày trên án thờ, tủ chè, hay ở phòng khách của tầng lớp quan lại, phú hào, phải là đồ sứ Cảnh Đức Trấn đời Tống, Minh, Khang Hy, Càn Long, hoặc là gốm sứ ký kiểu men lam Huế. Có thể bắt nguồn từ bối cảnh trên, các học giả phương Tây bị che mờ bởi sự nhầm tưởng hay định kiến đã đi đến nhận thức sai lầm, cho rằng gốm Việt Nam chỉ là một mảng nhỏ của gốm sứ Trung Hoa, một bản sao chép mờ nhạt của nghệ thuật gốm Trung Hoa.

blank
Đĩa gốm men lam Chu Đậu, vẽ chim ngỗng trời và hoa mẫu đơn, thế kỷ XV – XVI. Ảnh tư liệu Butterfields, 2000.

Nhưng nhận thức về lịch sử không phải là bất biến trong quá trình phát triển của chính nó. Ngày nay, nghệ thuật gốm Việt Nam đã được công nhận trên khắp thế giới. Đã có các công trình nghiên cứu sâu rộng của những nhà chuyên môn thẩm quyền (3), đã có các cuộc hội thảo khoa học về đồ gốm Việt Nam (4), nhiều nhà bảo tàng danh tiếng cân nhắc gìn giữ gốm Việt Nam (5), và cũng phải kể đến những nhà sưu tập yêu chuộng mỹ thuật và văn hóa sử ham mê đi tìm vết tích mỹ thuật gốm Việt Nam.

Và như vậy, lý lịch văn hóa của gốm Việt Nam giữa vùng Đông Nam Á đã được khẳng định. Không còn như cách đây khoảng vài mươi năm, chẳng có mấy ai dù là chuyên viên thượng thặng đi nữa, có thể dễ dàng nhìn ra đâu là gốm Việt Nam. Nhà nghiên cứu Hòa Lan Van Orsoy de Flines, giám đốc đầu tiên của bảo tàng viện Jakarta, nhà sưu tập đáng kể về đồ gốm Việt Nam, cho rằng phải có con mắt lịch lãm với nhiều kinh nghiệm sâu xa, thì mới có thể nhận ra sự khác biệt giữa gốm sứ Trung Hoa và Việt Nam, mới thấy ra được đâu là sự khác biệt nơi nước men cũng như hình dáng của bình, vại; phải đụng chạm, sờ mó mấy cổ vật ấy thì may ra mới có thể cảm nhận một cách đúng mức đó là gốm Việt Nam, chứ không phải là gốm đời Minh của Trung Hoa, sẽ thấy ra tính cách không Trung Hoa nơi các đồ gốm gốc Đông Nam Á này (6), ý kiến của Van Orsoy de Flines được đưa ra từ năm 1949, nhưng may thay, ngày nay vấn đề đã khác hẳn hoàn toàn rồi.

Ánh sáng của thời tự chủ: Mỹ thuật gốm Lý-Trần 

blank
Đĩa gốm men lam Chu Đậu, vẽ con ngựa cất cánh bay lên giữa những vầng mây thần thoại, thế kỷ XV – XVI. Ảnh tư liệu Butterfields.


blank
Đĩa gốm men lam Chu Đậu, vẽ người cỡi ngựa vung roi, giật giây cương để thuc ngựa phi nhanh, được tìm thấy trên chiếc tàu đắm ngoài khơi Hội An từ 500 năm trước. Cao 5.6 cm, đường kính 24.5 cm. Khoảng thế kỷ XV – XVI, sưu tập Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam.


Bóng đêm dày đặc của đế quốc phương Bắc kéo dài một ngàn năm. Mặc dù vậy, tổ tiên chúng ta vẫn luôn luôn tìm cách đứng lên để lập lại nền độc lập dân tộc. Bị đàn áp nhưng vẫn dũng cảm, bất khuất, đó chính là bản lĩnh và tính cách của một nòi giống. Năm Kỷ Hợi (939) là bước đầu khi Ngô Quyền xưng vương ở Cổ Loa, qua đến Đinh Tiên Hoàng (968-980) đến thời Lê Đại Hành ( 980-1009), rồi đến thời Lý Thái Tổ (1010-1028), lá cờ dân tộc được dựng lên mạnh mẽ trên đất nước Đại Việt, hỗ trợ vào đó là tinh thần Phật Giáo, một nền văn hóa Việt như chưa từng thấy đã hình thành và phát triển vô cùng rực rỡ.

Thái Bá Vân đã đúc kết về thời đại này một cách khá xác đáng: “Tổng đề Đại Việt là chính đề phục hưng những giá trị nghệ thuật cổ đại của mình, mặt khác là sự ứng phó với phản đề đồng hóa của đế chế Trung Hoa sau mười thế kỷ xâm lăng và tàn phá văn hóa Việt Nam” (7)

Riêng trong lãnh vực mỹ thuật gốm, chúng ta sẽ thấy rõ qua những biến chuyển từ gốm men ngọc, gốm hoa nâu, rồi gốm hoa lam đã có từ thời Trần, phát triển mạnh nhất vào thời Lê – Mạc, và gần đây đã trở nên quen thuộc trên khắp thế giới.

Những bình, lọ, âu, liễn, chén bát gốm men ngọc rất thanh nhã với màu men xanh dịu, xanh lục, đôi lúc ngã sang vàng úa hay ngã sang nâu, cũng có lúc rất đậm đà như màu xanh olive, và còn đậm màu hơn nữa, gần như xanh đậm, và những nét vẽ trang trí mềm mại, đơn giản như hoa cúc, phù dung, cánh sen. Hình cánh sen, hoa sen thường gặp thấy rất nhiều, hẳn rằng tinh thần Phật Giáo đã chìm lắng sâu đậm vào các sản phẩm gốm thanh tú ấy. Những nét vẽ được khắc chìm xuống xương đất, rồi phủ men lên toàn thể sản phẩm, tạo nên một vẻ thanh nhã trầm lắng.

Cầm cái bát, cái đĩa, cái âu men ngọc trên tay, chúng ta sẽ thấy ra một vẻ đẹp kỳ diệu không phải chỉ của con người làm ra, mà có cả sự can thiệp của hóa công, một hợp thành của đất và lửa, của màu men và hình thể, của nét vẽ và dáng hình. Đúng như tên gọi, gốm men ngọc có cái đẹp sang trọng, trang nhã như ngọc thạch, có lúc gờn gợn như vân gấm ẩn hiện dưới lớp men trong.

Các nhà nghiên cứu cổ sử và mỹ thuật Hà Nội đã tìm được ở hai khu vực Thăng Long và Thanh Hóa nhiều đồ gốm men ngọc quý. Thêm vào đó là các chồng bát đĩa men ngọc nung hỏng dính lại từng chồng vào nhau. Điều này càng xác định thêm đây là sản phẩm bản địa, chứ không phải là gốm Trung Quốc du nhập vào như một số người nhầm tưởng.

Victor Goloubew và B.P.Groslier cho rằng gốm Thanh Hóa có nguồn gốc Trung Hoa (8), nhưng việc tìm lại được nhiều dấu vết về các lò gốm trong vùng này cùng với các sản phẩm gốm cho thấy rằng ý kiến của các học giả này không còn đứng vững.

Các loại gốm men ngọc hầu hết đều có xương gốm mịn, rắn chắc và nặng vì chất đất làm gốm được lọc rất kỹ, và được nung ở một nhiệt độ cao; khi gõ vào, âm thanh vang như tiếng chuông. (9)

blank
Mảnh vỡ đĩa gốm men lam Chu Đậu, thế kỷ XV – XVI, tìm thấy trong cuộc khai quật từ chiếc tàu đắm ngoài khơi Hội An, gần Cù lao Chàm. Ảnh tư liệu Công Ty Đấu Giá Butterfields. Fine Asian Works of Art including Treasures from the Hoi An Hoard, Butterfields, San Francisco, 2000.


blank
Vò gốm men lam Chu Đậu với dạng chim hai đầu. Khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, cao 21.1 cm. Ảnh tư liệu Butterfields.

Chuyên gia về kỹ thuật gốm Trần Khánh Chương còn cho biết thêm, men và xương đất của gốm men ngọc có nhiều tạp chất sắt nên những chỗ men bị co, rạn, thường thấy lộ ra những mảng màu hung hung đỏ. Từ đặc điểm này, có thể xem đó cũng là một tiêu chuẩn để xác định gốm men ngọc. (10)

Cũng vào thời kỳ này, cùng với gốm men ngọc, còn có gốm men trắng đục, và rất đặc biệt là gốm hoa nâu, ra đời và phát triển khoảng thế kỷ XI-XIV, thời Lý – Trần.
 

Gốm hoa nâu rất riêng biệt về tạo dáng cũng như trang trí, góp phần khẳng định ngôn ngữ gốm Việt Nam, độc đáo so với bất kỳ loại gốm nào khác trên thế giới. Loại gốm này là sành xốp, xương đất thô, dày và nặng; tráng men trắng ngà, các hình trang trí được khắc rất đơn giản rồi tô vẽ màu nâu hay son đậm. Quan sát những hiện vật gốm hoa nâu, chúng ta thấy lớp men phủ thường rạn nứt đều khắp; hoa nâu, men ngà, và những rạn nứt tự nhiên tạo nên một sự hài hòa tuyệt đẹp. (11)

Những thạp, thống, âu, chậu, liễn và những ấm, bát, đĩa với dáng hình đầy đặn, khỏe khoắn, vững chãi; với hình và nét trang trí giản dị, dứt khoát, đậm đà, thoáng đãng, không dày đặc. Hình tượng trang trí đều bắt nguồn từ thiên nhiên và cuộc sống hiện thực chung quanh, được cách điệu rất mới, và không gượng ép vào một khuôn mẫu cứng nhắc có sẵn từ trước. Những hình ảnh ấy là mây, hoa lá, hoa sen, hoa súng, hoa cúc, chim chóc, công, cò, diệc, cá, voi, hổ, võ sĩ giao đấu...

Chiếc thạp vẽ hình hai chiến binh tay cầm giáo, tay cầm khiên, trên vế đùi người chiến sĩ có dấu chàm thích hình rồng là vết tích của tục xâm hình của người Việt cổ, mà đặc biệt ở thời Trần, các vua Trần vẫn vẽ mình để nhớ về nguồn gốc (H.107). Chiếc thạp quý hiếm này như luôn gợi nhắc về một thời kỳ lịch sử hùng tráng với bao nhiêu chiến trận hiển hách, các danh tướng hào hùng, quân dân thống nhất ý chí chống ngoại xâm vô cùng dũng mãnh. Để rồi sau bao nhiêu trận chiến ác liệt, đất nước vẫn cứ vững như bàn thạch như lời Thượng hoàng Trần Thánh Tông:
 

Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông thiên cổ vững âu vàng (12)
 

Trước khi đề cập tiếp về gốm hoa lam, chúng tôi muốn dẫn lại ở đây ý kiến rất tinh tế của nhà sưu tập cổ ngoạn Bùi Ngọc Tuấn nói về tính khác biệt giữa gốm Việt Nam và gốm Trung Hoa. Người thợ gốm Việt Nam dù có học được vài kỹ thuật nghề nghiệp của phương Bắc nhưng về phương diện nghệ thuật thì không có mấy chút ảnh hưởng, đã thể hiện một tinh thần sáng tạo rất phóng túng, ngược lại với văn hóa Trung Hoa vốn nhiều khuôn thước gò bó.

“Người nghệ sĩ Trung Hoa vẽ đồ gốm một cách cẩn trọng, tỉ mỉ, họ vẽ như người quan sát thiên nhiên một cách khách quan, tuân theo những quy luật nhất định, đường thẳng y như kẽ thước, đường cong như cánh cung, bên phải bên trái đối xứng, bên trên bên dưới đều đặn. Đề tài rất tôn nghiêm, họ vẽ như cử hành một nghi lễ.

Trong khi đó người nghệ sĩ Việt Nam vẽ tự nhiên, vẽ thoải mái, vẽ như chơi, như thả diều, như đánh đáo, vẽ tự nhiên như ăn như ngủ. Đề tài là hoa, là lá, là chim, là thú, là côn trùng, là thảo mộc của đồng ruộng, thôn quê kề cận bên mình, như chim sẻ, như tôm, như cua, chuồn chuồn, cóc nhái.


Họ vẽ đời sống nông thôn của họ lên các món đồ gốm đó. Họ và đề tài của họ là một. Con chim sẻ, con cá bống, con chích chòe sống trong người họ rồi tràn ra nét bút tự nhiên, sống động, không cố gắng.

Đồ gốm của Tàu đẹp như một cô gái trang điểm lộng lẫy, đồ gốm Việt đẹp như cô gái hàng xóm thơ ngây, Một bên đẽo gọt tinh xảo, một bên mộc mạc đơn sơ, một bên là cái đẹp của trí tuệ, một bên là cái đẹp của tâm hồn.” (13)

Gốm hoa lam

Gốm hoa lam xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XIV thời Trần, phát triển rực rỡ vào thời Lê – Mạc, thông dụng khắp nơi từ cung đình đến ngoài dân dã. Ngày nay, gốm hoa lam vẫn còn tiếp tục sản xuất ở Bát Tràng (14) và một số cơ sở làm gốm khác.

Kỹ thuật cao, nghệ thuật hấp dẫn, gốm hoa lam chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt, thay thế vai trò gốm hoa nâu trước đây.


Gọi là gốm hoa lam vì tất cả hình vẽ trang trí đều dùng màu xanh lam cobalt để thực hiện. Màu lam dưới lớp men trắng phải nung với độ lửa cao thì mới lộ ra được nguyên sắc, cùng với xương đất mịn vì đã lọc luyện kỹ, gốm hoa lam trở thành một loại sành sứ trắng, có độ rắn và đanh hơn sành xốp hoa nâu.

blank

Hình trên: Vò gốm men lam Chu Đậu, thế kỷ XV – XVI. Ảnh tư liệu Butterfields, 2000. Hình dưới: Chi tiết của vò gốm bên trên. Ảnh tư liệu Butterfields, 2000.

Các hình trang trí được vẽ trực tiếp trên xương đất, vẽ hoàn tất mới phủ men nên gọi là gốm vẽ dưới men (underglaze); hoặc vẽ trên xương đất, dù chưa qua lò nung nhưng đã được phủ sẵn một lớp men, vẽ xong thì mới phủ một lớp men mỏng ra bên ngoài. Còn một cách khác nữa là vẽ trên xương đất đã tráng men (Overglaze), không tráng thêm lớp men nào khác trước khi đưa vào lò nung.

Về kỹ thuật trang trí thì hoàn toàn khác với trước đây, không còn là những nét khắc chìm trên xương đất rồi tô màu nâu hay son đậm như hoa nâu. Nghệ thuật gốm hoa lam hay dùng bút lông để vẽ, có thể phóng bút bay bướm hay tỉa vẽ tỉ mỉ công phu, hoặc bôi loang cả một mảng màu, hoặc tạo nên những hòa sắc đậm nhạt gần như tranh vẽ trên giấy, trên lụa.

Chiếc “Bình An Nam” hiện thuộc sưu tập Bảo Tàng Topkapi Saray, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, là một dấu vết rất đặc biệt của nghệ thuật gốm hoa lam. Trang trí hình dây hoa mẫu đơn và những đường hồi văn màu xanh lam dưới lớp men trong. Trên bình có dòng lạc khoản: “Đại hòa bát niên Nam Sách Châu tượng nhân Bùi thị hý bút.” Nhờ dòng chữ này mà giới nghiên cứu xác định được niên đại và phần nào về người tạo tác sản phẩm. Dòng chữ ấy có nghĩa là “Năm Đại Hòa thứ tám, nghệ nhân họ Bùi ở Châu Nam Sách vui đùa cầm bút vẽ.” Tra sử sách, chúng ta biết năm Đại Hòa thứ tám, tức năm 1450 Dương Lịch, thời vua Lê Nhân Tông. Vua Lê Nhân Tông (1443-1459) có niên hiệu Đại Hòa (1443-1453), rồi cải niên hiệu là Diên Ninh (1454-1459.)

Ông Makoto Anabuki, tham vụ Đại Sứ Quán Nhật Bản ở Việt Nam, trong một chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1980, nhìn thấy bình gốm hoa lam này. Ông đã thông báo cho giới khảo cổ học Việt Nam, và ngày nay, lý lịch của chiếc bình gần như đã được xác định, không còn bị nhầm lẫn là một sản phẩm gốm Trung Hoa như trước đây nữa. Từ thập niên 1930, cổ vật này đã được các chuyên gia về gốm của thế giới đề cập đến, đáng kể đầu tiên là R.L.Hobson với bài giới thiệu “Đồ Sứ Trung Hoa ở Constantinople” (Chinese Porcelain at Constantinople) công bố trong Transactions of the Oriental Ceramic Society năm 1933. (15)

Bình gốm này là sản phẩm của làng Chu Đậu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, ở phía tả ngạn sông Thái Bình, một làng nghề về gốm nổi tiếng thời Lê nhưng đã thất truyền. Cách đây hơn 500 năm, người nghệ sĩ dân gian tài hoa họ Bùi của làng Chu Đậu, một hôm nào đó, đã tỉa vẽ công phu trên xương đất của chiếc bình gốm ấy trước khi phủ men trong và đưa vào lò nung, đã để lại cho đời một kỳ tác tuyệt hảo, được khắp nơi trân quý và trọng vọng cho đến ngày nay.

Đã xác định được niên đại và nguồn gốc sản phẩm, tuy thế, với hình vẽ trên chiếc bình, chúng ta cũng phải thừa nhận là nó có ẩn chứa nhiều dấu vết của nghệ thuật phương Bắc. Hoa mẫu đơn tượng trưng của sự thanh nhã và phú quý (hoa khai phú quý) là hình ảnh quen thuộc của nghệ thuật Trung Hoa. Những cánh sen cách điệu hình kép nơi sát đáy bình là đồ án trang trí có thể tìm thấy trên một số bình gốm đời Nguyên và Minh. Có thể đây chính là ấn tượng mạnh tạo nên sự nhầm lẫn về nguồn gốc của chiếc bình gốm “An Nam” này.


Nhờ vào những hiểu biết chung quanh chiếc “bình gốm An Nam” ở Istanbul, giới khảo cổ học Việt Nam tiến hành các đợt khai quật ở Chu Đậu và tìm được vô số dấu tích gốm cổ Chu Đậu men lam, men ngọc, men trắng, men tam thái với ba màu nâu, đỏ, xanh lục.

Rồi một biến cố khác nữa là việc phát hiện ra chiếc tàu đắm ngoài khơi Hội An, cách cù lao Chàm 14 hải lý về phía Đông Bắc. Cuộc trục vớt hàng vạn cổ vật gốm từ chiếc tàu nằm dưới đáy biển hơn ½ thiên niên kỷ đã mở lại một trang sử đã chìm vào quên lãng của nghệ thuật gốm Việt Nam. Chúng ta có thể hình dung việc xuất khẩu các sản phẩm gốm Chu Đậu ở Hải Dương qua một thương cảng nào đó ở Bắc Bộ, có thể là Vân Đồn hay Phố Hiến, rồi sẽ theo cuộc viễn du của các thương thuyền đi về phương Nam để đến các nước Đông Nam Á và hải đảo.

Mấy chữ “Treasures from the Hoi An Hoard” (Kho tàng khai quật ngoài khơi Hội An) do công ty Butterfield & Butterfield đưa ra như một tiêu đề quảng bá, nay đã trở thành một cụm thuật ngữ để nhắc đến biến cố trục vớt những di vật này. Lịch sử mỹ thuật gốm Việt Nam đã ghi được một dấu mốc rất đặc biệt từ đây, từ văn hóa, mỹ thuật đến mậu dịch, kinh tế, thương mãi. (16)

Hãy thưởng lãm một vết tích bậc nhất của gốm hoa lam, là chiếc bình độc bản được tìm thấy từ cuộc khai quật ấy, giữa các năm 1997-1999, hiện được xếp loại là Bảo Vật Quốc Gia, và đang tàng trữ ở Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam. Là cổ vật có kích thước lớn nhất của nghệ thuật gốm hoa lam Việt Nam, cao 56.5cm, chính yếu vẽ bốn con ngỗng trời, con bay, con đậu giữa cây cỏ, thiên nhiên, với một bút pháp rất linh hoạt, sống động. Ngoài 4 con chim trời ở trung tâm của toàn cảnh, còn có một số đồ án trang trí khác: dải hoa dây vòng quanh sát miệng bình; những cụm mây liên tiếp nối kết nhau; những làn sóng nước; những cánh sen kiểu thức hóa hình kép, bên trong có các vòng xoắn ốc; sát đáy bình là những chiếc khánh đều đặn thanh nhã điểm xuyết cho toàn bộ hình vẽ trên chiếc bình thêm phần chặt chẽ.

Lặng lẽ chiêm ngắm cổ vật quý giá này, chúng ta sẽ nhập được vào một vẻ đẹp rất phóng túng, dào dạt, tự nhiên nhưng cũng rất nghiêm ngặt với qui cách đòi hỏi cố hữu của nghệ thuật trang trí cổ Á Đông.

Gốm hoa lam từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 đã để lại nhiều sản phẩm đẹp và quý, với kỹ thuật thực hiện và phong cách riêng biệt, tạo nên một sắc thái nghệ thuật dân tộc đáng kể. Trang trí trên gốm hoa lam thật hết sức phong phú, vẽ lại thế giới tự nhiên chung quanh, từ cây cỏ, hoa lá, hoa mẫu đơn, cúc, hoa sen, chim chóc, gà, cò, bồ nông, chích chòe, côn trùng, chuồn chuồn, tôm, cua, cá, đến voi ngựa, nhà cửa, con người.

Trong cuộc đấu giá ở San Francisco vào tháng 10 năm 2000, công ty Butterfields tổ chức để bán các vật trục vớt từ vùng biển ngoài khơi Hội An, riêng về hình tượng con ngựa, chỉ nhìn thoáng qua mà có người đã phỏng chừng đến hơn 100 ngoạn vật với những nét vẽ rất tài tình về con ngựa, lúc thì ngựa phi nước đại, lúc thì cất cánh bay lên giữa những vầng mây-thần-thoại-cổ-tích, có khi lại như đang lơ đãng lững thững bước đi. Trên một đĩa men tam thái, con ngựa không còn là ngựa nữa mà đã hóa thành kỳ lân; hẳn rằng đây chính là con long-mã (cheval-dragon) như cách gọi tên con kỳ lân ở Huế. Trong kho tàng gốm Chu Đậu, chúng ta có thể tìm thấy nhiều hình vẽ về con long- mã này.

Giữa những dáng ngựa ấy, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi nhìn ngắm hình ảnh một người cỡi ngựa, cầm dây cương và cây roi vung cao để thúc ngựa phi nước đại (H.316.) Người cỡi ngựa và con ngựa chỉ được phác vẽ với vài nét đơn sơ; có lẽ đây là nét vẽ của một đứa trẻ chưa có đủ nhận thức, hoặc của một người trưởng thành vẽ-mà-chưa-biết-vẽ. Chính vì thế, chúng ta đã gặp được nơi đây một thế giới ngây thơ rất kỳ lạ. Cường điệu một chút, có thể nói đây là bản vẽ của một bậc thượng thừa đã đạt đến một cảnh giới rất cao của hội họa và đã biết làm thế nào để loại bỏ tất cả để chỉ còn giữ lại một bầu khí tinh khôi hồn nhiên và trong trẻo biết bao. (17)

Thời nhà Mạc (1527-1592), dòng nghệ thuật dân gian phát triển một cách đặc biệt; một thể loại gốm hoàn toàn mới ra đời, là chân đèn và lư hương phủ men trắng ngà, kết hợp những họa tiết, nét vẽ men lam và hình đắp nổi (xem H.169, H.322, H.323). Đó là chiếc đèn cao chừng 0.60cm đến 0.80cm, dáng như một bình hoa vẽ lân, phụng hoàng men lam, thân đèn thì đắp nổi hình rồng uốn khúc với nguyên màu đất nung đỏ hồng duyên dáng. Hoặc chân đèn như một cành tre, hoặc dáng khác hình trụ vuông mà thân đế là một con kỳ lân đứng rất vững chắc. Có một điểm đặc biệt chưa từng thấy trên các đồ gốm thờ tự này, là người nghệ sĩ dân gian đã ký tên trên sản phẩm của mình tạo tác, cùng với quê quán nghệ nhân và năm chế tác, như các chân đèn do Đặng Huyền Thông chế tạo. Người nghệ sĩ gốm ký tên trên tác phẩm của mình cho thấy là tác giả rất được trân trọng chứ không còn như trước đây nũa, nghệ sĩ vẽ tranh, tạo hình, thường được gọi chung là “thợ mã”. Có người cho rằng vì yêu cầu của sự buôn bán qua lại với nước ngoài vào thế kỷ 16 phát triển mạnh đã đặt ra điều đó.

Đồ gốm Việt Nam và việc giao thương với thế giới bên ngoài 

Việc trục vớt kho cổ vật gốm ngoài khơi Hội An đã giúp chúng ta cơ hội mở rộng và đào sâu thêm những trang sử rực rỡ của nghệ thuật gốm Việt Nam. Đặc biệt nhất, chính là việc đưa gốm Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài qua con đường tơ lụa trên biển.

Con tàu đắm dài 30m, rộng 7m chở đồ gốm ấy, với niên đại cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16 là chiếc tàu gốc ở vùng Đông Nam Á; Xiêm La, tức Thái Lan sau này, là nơi sản sinh những thương thuyền này. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên biên soạn và hoàn tất năm 1479, đã từng nói về những chuyến tàu buôn Xiêm La cập bến Việt Nam vào thế kỷ XV. Bộ biên niên sử này cho biết các năm 1434,1437,1467, thương thuyền Xiêm La đến mua bán, trao đổi lâm sản, trầm hương, lụa là, vàng bạc, đồ gốm.

Giữa thập niên 1990, tường trình đầu tiên cho biết về cuộc khai quật này (1997-1999), ước tính có đến 150,000 sản phẩm còn nguyên vẹn đang được xếp loại cùng với 100,000 sản phẩm khác thì đã hư hỏng, bất toàn, bể vỡ vì ở dưới đáy biển với độ sâu 70m (220 feet) đã hơn 500 năm, trong vùng biển bão táp dữ dội suốt những kỳ gió mùa Đông-Bắc trở chứng. Đây là bằng chứng khổng lồ về một kho tàng di sản văn minh, một bằng chứng tuyệt mỹ về mỹ thuật gốm Việt Nam (18.) Không phải là giả thuyết hay suy luận, mà rõ ràng, thương thuyền ấy đã đến ăn hàng với một thân tàu chất đầy gốm Chu Đậu, rồi trên đường đi trở về nhà đã bị gió bão đánh chìm và trôi dạt về phía Nam.

Hình ảnh ấy đã được nối kết với chiếc bình gốm “An Nam” quý giá hiện thuộc bộ sưu tập Bảo Tàng Topkapi Saray, và từ đó chúng ta đã có thể vẽ lại một thời kỳ lịch sử sống động về những sản phẩm gốm Việt Nam trên đường đi ra khắp thế giới.

Đã nói đến việc buôn bán, mậu dịch sản phẩm gốm Việt Nam với bên ngoài qua thương cảng Vân Đồn, Phố Hiến, chúng ta cũng cần biết đến một thương cảng khác ở Đàng Trong là Hội An. Đô thị cổ Hội An ra đời khoảng thế kỷ 16, rất phát đạt vào thế kỷ 17,18, là một thương cảng phồn thịnh ở phía Nam, phồn thịnh như Vân Đồn ở Đàng Ngoài vào các thời Lý-Trần-Lê trước đó.

Thời Mạc phủ Toyotomi Hideyoshi (1536-1598), rồi Tokugawa Ieyasu (1543-1616), tàu buôn Shuinsen (Châu Ấn thuyền) của Nhật cập bến Hội An, mở đầu một giai đoạn buôn bán phát đạt Nhật Bản – Việt Nam; Hội An đóng vai trò quan trọng trong giao thương này. Từ 1604 đến 1634, nghĩa là trước khi Nhật Bản thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng kể từ năm 1637, 331 thuyền buôn Nhật Bản đi đến các vùng Đông nam Á thì ¼ trong số các thương thuyền này đi đến các hải cảng Việt Nam. Cảng Hội An ở Đàng Trong thu hút các thuyền buôn này một cách đặc biệt (19.) Nhiều kiều dân Nhật đã tập hợp lập nên cả một khu phố riêng, hiện nay vẫn còn vết tích rất đặc biệt là Cầu Nhật Bản, thường gọi là Cầu Chùa hay Lai Viễn Kiều. Một di tích khác còn dấu vết trong thư tịch là ngôi chùa do Shichirobei xây dựng năm 1670 có tên là Tùng Bản Tự.

Thuyền buôn Shuinsen lui tới mậu dịch ở bến cảng Hội An, bán đồng đỏ rồi mua nhiều hàng gốm để đưa về Nhật Bản. Ngày nay, nhiều đồ gốm Việt Nam vẫn còn được lưu giữ như báu vật trong các đại gia đình gốc gác quyền quý của các Tướng quân, Lãnh chúa, Phú hào. Gốm Việt Nam từ châu thổ sông Hồng hay từ cảng Hội An hiện vẫn còn giữ một vị trí rất đặc biệt giữa các Viện bảo tàng và giữa nền văn hóa nghệ thuật Trà đạo của xứ sở Phù Tang.

Chúng ta có thể xem lại vài di vật gốm Việt Nam ở Nhật. Trước tiên phải kể đến mảnh gốm nâu sậm màu da lươn đào được ở sân chùa Quan-Âm ở phố Dazaifu, Kyushu vào năm 1930, bên cạnh mảnh gỗ với dấu vết niên đại 1330. Đây là gốm Việt Nam mà trước đây sử sách Nhật vẫn gọi là Giao Chỉ (Kotchi) hay An Nam, được đưa sang Nhật vào thế kỷ 14. Loại gốm này cũng đã được phát hiện nhiều ở Philippine, Indonesia, Thái Lan, và cả ở di chỉ Fostat ngoại ô Cairo, Ai Cập. (20)

Gia đình quyền quý truyền thống của tướng quân Tokugawa vẫn còn trân trọng giữ gìn như báu vật một bình gốm màu xanh lam có hình rồng và chén trà chân cao người Nhật gọi là beni Annam có hình hoa sen với màu đỏ thẫm và xanh lá cây.

Trong khi đó, có lẽ từ khoảng thế kỷ 17, các thương nhân đã lưu tâm đi tìm đồ gốm Việt Nam để sử dụng trong nghi lễ trà đạo, như gia đình Osawa Shirozaemon hiện vẫn còn bảo quản một bình gốm men trắng vẽ cánh sen cách điệu rất thanh nhã, tuy đạm bạc mà vô cùng thích hợp với không khí phái trà đạo ưa chuộng.

Gia đình Osawa cũng còn gìn giữ được một bình gốm men lam đựng nước có hình mây và rồng đắp nổi là loại thường thấy ở đồ sứ Việt Nam vào thế kỷ 17. Loại bình gốm này cũng có ở một số đền chùa, cho thấy là một khối lượng lớn loại gốm này đã được đưa vào Nhật Bản và rất được ưa chuộng. (21)

Về loại chén trà men lam có hình hai con chuồn chuồn, với đường kẽ chạy quanh không được rõ nét, hiện còn giữ trên nhiều nơi ở Nhật, như Viện Bảo Tàng Nezu, là loại gốm rất được ưa thích trong lễ nghi trà đạo. Vào thế kỷ 19, thợ gốm Nhật cũng đã bắt chước và sản xuất loại gốm tương tự khá thành công. (22)

Một dấu vết đáng chú ý khác là Viện Bảo Tàng Tokyo còn lưu giữ một đĩa hoa lam có chân đế cao, giữa lòng đĩa có ba chữ “Đại Việt Quốc”. Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng đây là sản phẩm gốm được thực hiện mô phỏng đồ gốm sứ Việt Nam. Như thế có thể kết luận là gốm Việt nam du nhập vào đất nước Phù Tang đã để lại những dấu ấn sâu đậm; những sản phẩm ấy đã trở nên thân thuộc với mọi người, và thực sự cũng đã kích thích thợ gốm bản địa rất nhiều. (23)

Sau khi cung cấp những dữ liệu bên trên, nhà bảo-tàng-học Hasabe Gakuji thuộc Viện Bảo Tàng Tokyo đã đi tới sự thừa nhận: Trong khi gốm men ngọc và sứ trắng Việt Nam đã đến mức tuyệt đẹp vào thế kỷ 11-12 thì kỹ thuật gốm của Nhật đến thế kỷ 14-15 vẫn còn kém xa, thợ gốm Nhật chỉ mới làm được loại gốm màu xám hoặc đỏ thẫm chưa có men. Vậy nên gốm sứ Việt Nam đưa vào Nhật đã được trân trọng như bảo vật quý hiếm là chuyện dễ hiểu. (24)

Lời cuối để kết thúc 

Với khảo luận này, chúng ta đã có cơ hội nhìn lại quá trình phát triển và tinh hoa của mỹ thuật gốm Việt Nam.


Gốm Việt Nam xuất hiện từ trước Công Nguyên vài thiên niên kỷ, rồi đã đạt đến đỉnh cao vào các thời Lý-Trần-Lê, với các loại gốm men ngọc, gốm sứ trắng, gốm hoa nâu, gốm men lam.

Đất và lửa chuyển động dưới bàn tay của người thợ gốm Việt Nam. Tất nhiên, chúng ta cũng có thể tìm thấy dấu vết tiếp thu từ các nguồn ảnh hưởng bên ngoài, đặc biệt từ Trung Hoa, tổng hợp với ánh sáng nguồn gốc Nam Á của chính mình, nhưng tất cả những yếu tố ấy đều đã chuyển hóa để trở thành một điều gì đó rất riêng, độc đáo, và luôn luôn là Việt Nam.

Từ thế kỷ 14, Việt Nam tiến vào công cuộc mậu dịch quốc tế; sứ men lam được tìm thấy rải rác nhiều nơi, từ Nhật Bản sang tới Trung Đông. Ngày nay, có thể nói, gốm Việt Nam đã chinh phục được thế giới, được thừa nhận và có một tiếng nói mạnh mẽ khắp trên toàn cầu.

________
Chú thích

(1) CF.- Trần Khánh Chương, Nghệ Thuật Gốm Việt Nam, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội,1990.

- Nguyễn Bích, “Lịch Sử Phát Triển Nghệ Thuật Gốm Việt Nam”, Giai phẩm Người Việt, tết Giáp Tuất 1994, trang 78-79

- Bùi Ngọc Tuấn, “Gốm Cổ Truyền Việt Nam: Lịch Sử Đồ Gốm Việt Nam”, Khởi Hành, California số 59, tháng 9.2001


(2) Ghi chú của M.P. LÉVY, “Céramique et Emaux”, Dân Việt Nam (Le Peuple Vietnamien), N0 2, Dec.1948, P.63-64.


(3) Chúng ta có thể kể đến vài công trình chuyên biệt về gốm Việt Nam và Đông Nam Á:

-William Willetts, Ceramic Art of Southeast Asia, Singapore: The Southeast Asian Ceramic Society, 1971.

-Roxanna Brown, The Ceramics of Southeast Asia: Their Dating and Identification, Kuala Lumpur: Oxford University Press, 1977.

- Southeast Asian Ceramic Society, Vietnamese Ceramics, Singapore: Oxford University Press, 1982.

- John Guy, Ceramic Traditions of South-East Asia, Singapore: Oxford University Press, 1989.

- John Stevenson, Vietnamese Ceramics, A Separate Tradition, Singapore: Art Media Resources, 1997.


(4) Đã có các hội thảo về gốm Đông Nam Á, trong đó gốm Việt Nam giữ một vị trí đáng kể:

- Nghệ Thuật Đồ Gốm Đông Nam Á (Ceramic Art of Southeast Asia) Singapore, 1971.

- Đồ Gốm Đông Nam Á: Thế Kỷ IX đến XVII (Southeast Asian Ceramics: Ninth through Seventeenth Centuries) Asia House, New York, 1976.

- Gốm Cổ Việt Nam, Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật, Hà Nội, 1976.

- Đồ Gốm Việt Nam (Vietnamese Ceramics), Singapore, 1982.

- Hội thảo Về Đồ Gốm Việt Nam (Vietnamese Ceramics Seminar), Hà Nội, 1986.

(CF. Nguyễn Ngọc Bích, “Hiện Tình Thư Tịch Đồ Gốm Việt Nam”, Thế Kỷ 21, California, số 53 tháng 9.1993 trang 35-39.)


(5) Gốm Việt Nam rất được trọng vọng trong nhiều bộ sưu tập quốc tế ở Bỉ, Pháp, Úc, Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập. Chúng ta cần lưu tâm đặc biệt về bộ sưu tập gốm Việt thuộc Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật và Lịch Sử Hoàng Gia Brussels, Bảo Tàng Guimet, Paris, và nhất là Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia Hà Nội. Có thể xem một danh sách rất dài về hơn 40 nhà bảo tàng danh tiếng hiện đang cân nhắc gìn giữ đồ gốm Việt Nam. (xem: Trần Anh Tuấn, “Gốm Cổ Việt Nam, Thư Tịch Về Gốm Cổ,” Khởi Hành, California, số 59 tháng 9.2001 trang 24-33.)


(6) Nguyễn Ngọc Bích dẫn lời Barbara Harrisson nói về Van Orsoy de Flines, giám đốc Bảo Tàng Viện Batavia tức Jakarta sau này, “Hiện Tình Thư Tịch Đồ Gốm Việt Nam”, Thế Kỷ 21, số 53, trang 35.


(7) Thái Bá Vân, Mỹ Thuật Việt Nam, bản thảo viết tay dài 25 trang, trang 6, lưu trữ trong tủ sách Huỳnh Hữu Ủy.


(8) -V.Goloubew, “La Province de Thanh Hoa et Sa Ceramique”, Revue des Arts Asiatiques, n0 2, pp.112-116.

-B.P.Groslier, “Les Collections Saigonnaises,” Indochine Sud-Est Asiatique, n0 6, Mai, 1952.

(CF. Lê Thành Khôi, Histoire Du Việt Nam: Des Origins À 1858, sđd, trang 158.)


(9) Bùi Ngọc Tuấn, sau khi xem xét và đối chiếu kỹ lưỡng, cho rằng xương đất gốm men ngọc thời Lý-Trần là đất sét mịn, có khi pha cát, có khi không, nhưng không hề pha đá nghiền như đồ men ngọc Trung Hoa. Chính vì thế, khi gõ tay lên bát, sẽ không có tiếng vang cao và ngân lên như với đồ ngọc Tàu. (CF. Bùi Ngọc Tuấn, “Gốm Cổ Truyền Việt Nam: Lịch Sử Đồ Gốm Việt Nam”, Khởi Hành, California số 59, tháng 9.2001, trang 21,)


(10) Trần Khánh Chương, Nghệ Thuật Gốm Việt Nam, sđd, trang 61.


(11) Về những vết rạn tự nhiên trên gốm hoa nâu, chúng tôi viết theo quan sát và đúc kết của giáo sư Nguyễn Bích thuộc Viện Sử Học Hà Nội. (Lịch Sử Phát Triển Nghệ Thuật Gốm Việt Nam, bđd, Giai phẩm Xuân Người Việt, Giáp Tuất 1994, trang 79.)

Theo ý chúng tôi, những vết rạn này có thể không phải vì nguyên nhân duy nhất là độ lửa của lò nung, tức vấn đề hỏa biến, với chủ ý của người thợ gốm, mà cũng có thể chỉ là kết quả của thời gian. Một chén trà hiện đại, tôi chỉ mới dùng khoảng hơn 10 năm, ngày nào tôi cũng uống trà nóng, ngày nay đã có vết rạn nứt tuyệt đẹp như một cổ vật ra đời đã bao nhiêu thế kỷ.


(12) Thời Trần, sau bao nhiêu trận chiến ác liệt với giặc dữ Nguyên-Mông, đã có lúc tình hình vô cùng nguy ngập, kinh thành Thăng Long thất thủ, vậy mà rồi toàn bộ quân giặc cũng bị đuổi ra khỏi bờ cõi nước ta.

Sau trận đại phá dũng mãnh cuối cùng dưới lá cờ của đại tướng Trần Hưng Đạo, toàn cục đã trở lại như xưa. Thượng Hoàng và vua Trần Nhân Tông trở về Kinh Sư, mở “Thái Bình Diên Yến” khao thưởng tướng sĩ và hội mừng cùng nhân dân. Thánh Tông Thượng Hoàng nhân thấy giang sơn lại được như cũ, hứng khởi viết hai câu:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Dịch nôm:

Xã tắc hai phen bon ngựa đá

Non sông thiên cổ vững âu vàng

(xem Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, bản in lần thứ 7, trang 132-155)


(13) Bùi Ngọc Tuấn, “Đồ Gốm Thời Lý-Trần, Thời Thăng Hoa,” Dòng Sử Việt, California, tháng 1-3,2007, trang 44-45.


(14) Bát Tràng là làng gốm danh tiếng từ thời Lý-Trần, từng sản xuất gốm men sứ trắng, tương truyền là hình thành đồng thời với Thổ Hà (Hà Bắc) chuyên về gốm sắc đỏ, và Phù Lãng (Hà Bắc) về gốm men vàng sậm như da lươn.

Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi từ thế kỷ 15 đã từng ghi chép về làng Bát Tràng. Nằm phía tả ngạn sông Hồng, sát cạnh kinh thành Thăng Long, khoảng giữa Thăng Long và Phố Hiến. Đường thủy nối liền hai đô thị này là một thuận lợi đáng kể vì đó cũng là con đường mở ra sự thông thương với thế giới bên ngoài và gốm Bát Tràng đã đi theo các chuyến tàu buôn đến ăn hàng mà đi ra nhiều nước trên thế giới.

Nhắc đến Bát Tràng, hẳn là ai trong chúng ta cũng sẽ liên tưởng ngay mấy câu ca dao đằm thắm, mộc mạc mà đẹp, có điểm cả nụ cười nghịch ngợm quen thuộc của dân gian Việt Nam.

Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây.

Xây dọc rồi lại xây ngang,

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

Có rửa thì rửa chân tay,

Chớ rửa lông mày chết cá ao anh.


(15) CF. Nguyễn Ngọc Bích, “Đại” hay “Thái”: Một Cái Chấm Làm Thay Đổi Lịch Sử Nhà Lê Và Quyết Định Lịch Sử Đồ Gốm Việt Nam, Thế Kỷ 21, California, số 141, tháng 1.2001.


(16) Tinh túy của một nền văn minh không thể tính ra thành tiền, nhưng trị giá thương mãi của cổ vật cũng là một khía cạnh đặc biệt khó lòng không quan tâm đến. Chính vì thế chúng tôi chú thích thêm vào đây vài con số mà Ngô Bảo đã ghi chép tỉ mỉ; Ngô Bảo giảng dạy bộ môn trang trí ở Trường Mỹ Thuật Gia Định, mà cũng là một nhà sưu tập cổ ngoạn có tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 và sau này ở hải ngoại.

Hàng gốm Việt Nam vào thế kỷ 15-16 xuất khẩu qua con đường tơ lụa trên biển, đi đến các nước Đông Nam Á và xa hơn nữa, đến các nước Hồi giáo Trung Đông. Ngày nay, một phần các hàng gốm ấy đã là một kho tàng, được tìm lại và trục vớt từ đáy biển được gọi tên là “Kho Tàng Hội An, Vàng Trắng Của Long Hải” (White Gold Of The Dragon Sea: Treasures From The Hoi An Hoard.)

Kho tàng ấy được khai quật và đã chinh phục thế giới: Chiếc đĩa vẽ hình phượng hoàng men lam 35cm đã bán 40,000 US$; chiếc nậm bầu vú vẽ kỳ lân cao 15.9cm bán 14,950 US$; cái thạp vẽ lân men lam cao 44cm bán 75,000 US$; 3 bình đựng nước dạng hình rồng cao 22cm được bán với giá 57,000 US$, 63,000 US$ và 79,500 US$. Con số kỷ lục chưa từng thấy là chiếc nậm cao 26cm được nhà đấu giá Sotheby’s bán ở Luân Đôn vào năm 1999 với giá hơn ½ triệu đô la Mỹ (=521,000 US$) (Xem Ngô Bảo, “Vàng trắng Của Long Hải, Kho Tàng Hội An” Giai Phẩm Việt Báo, California, Tết Tân Tỵ 2001, trang 15-18)


(17) Có thể xem nhiều hình tượng ngựa trên gốm Chu Đậu in lại trong hai tập catalog của công ty đấu giá Butterfields bày ở San Francisco và Los Angeles vào tháng 10 và tháng 12, 2000.

1- Treasures from the Hoi An Hoard: Important Vietnamese Ceramics From A Late 15th/ Early 16th Century Cargo- 2- Fine Asian Works Of Art Including Treasures From The Hoi An Hoard.

Xem thêm ghi nhận của Kiều Quang Chẩn: “Hình Ảnh Con Ngựa Vẽ Trên Gốm Cổ Vớt Tại Ngoài Khơi Hội An”, Thế Kỷ 21, California, số 153-154, tháng Giêng, tháng 2.2001.


(18) CF. John Guy, “Vietnamese Ceramics: New Discoveries”, Treasures From The Hoi An Hoard, Butterfields, San Francisco 2000.


(19) CF. Trần Kinh Hòa, “Về Minh Hương Xã Và Cổ Tích Tại Hội An”, Việt Nam Khảo Cổ Tập San, Sài Gòn, số 1.1960, trang 11.

- Xem thêm: Lê Văn Hảo, “Hội An: Sự Hồi Sinh Của Một Đô Thị Cổ”, Hội An, Đô Thị Cổ, Nxb Đà Nẵng, 1986, trang 13-21.


(20)- John Guy, “Vietnamese Trade Ceramics”, Vietnamese Ceramics, Southeast Asian Ceramic Society, Singapore, 1982, p.29

- Hasebe Gakuji, “Tìm Hiểu Quan Hệ Nhật Việt Qua Đồ Gốm Sứ”, Tạp chí Đất Mới, Canada, bộ 2, tháng 6.1990, trang 34-35.


(21) Hasebe Gakuji, bđd.


(22) (23) (24) Hasebe Gakuji, bđd.

(Nguồn: Việt Báo)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 20232:38 CH(Xem: 1233)
xin cô hãy quay về với những kênh rạch nhiều tôm cá, những cánh đồng lúa chín vàng tươi, những chòm xóm rộn ràng tiếng nói cười của dì Tư, má Năm…
15 Tháng Tám 20235:25 CH(Xem: 1181)
Có lần bàn đến những đề tài về cá tính miền Nam, Sơn Nam “khẳng định” (chữ của Sơn Nam): “Không có ‘người Việt miền Nam’ mà chỉ có người Việt Nam.”
05 Tháng Tám 20236:14 CH(Xem: 1376)
Trong Việt ngữ, chúng ta dùng nhiều chữ không phải là thừa; vì mỗi chữ chỉ thị một văn loại khác nhau, có chút đặc điểm riêng.
02 Tháng Tám 20239:46 SA(Xem: 1204)
Báo chí miền Nam viết nhiều, nói nhiều về Dương Nghiễm Mậu và đều dành cho ông những tình cảm đặc biệt và một vị trí xứng đáng trong dòng văn học miền Nam trong giai đoạn từ năm 1954
31 Tháng Bảy 20238:06 SA(Xem: 1615)
Tuy đến với thi ca sớm, nhưng Tô Thùy Yên viết không nhiều.
12 Tháng Bảy 20234:20 CH(Xem: 1336)
Trước 1975 Lê Vĩnh Ngọc là họa sĩ vẽ bìa và minh họa cho tuần báo Tuổi Ngọc,
04 Tháng Bảy 20239:17 SA(Xem: 1493)
Những năm gần đây, tôi ít thấy thơ lục bát xuất hiện trên báo chí hoặc các trang mạng văn chương.
27 Tháng Sáu 20231:18 CH(Xem: 5038)
Phỏng vấn nhà văn Vũ Thư Hiên
27 Tháng Sáu 20239:14 SA(Xem: 5040)
Nếu bị đày ra một hoang đảo và chỉ được phép đem theo một tập thơ duy nhất để đọc trong lúc nhàn rỗi
22 Tháng Sáu 20238:43 SA(Xem: 1336)
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại thiếu chữ nghĩa, thiếu âm thanh, thiếu màu sắc như bây giờ.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17036)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12255)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8331)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,