NGUYỄN NGỌC HOÀI NAM - Du Tử Lê, Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu

02 Tháng Tư 20227:37 SA(Xem: 1840)
NGUYỄN NGỌC HOÀI NAM - Du Tử Lê, Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu

    

Nhà thơ Du Tử Lê tên thật Lê Cự Phách, sinh ngày 10 tháng 11, 1942 tại Hà Nam. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 1953 tại Hà Nội, với nhiều bút danh khác nhau. Bút danh Du Tử Lê chính thức được ông dùng từ năm 1958 trên tạp chí Mai. Cho đến khi qua đời, Du Tử Lê đã xuất bản 77 tác phẩm, gồm thơ, truyện ngắn, truyện dài, tùy bút và phê bình văn học.

DTL_by_TuanKhanh_content-content
 Suốt cuộc đời làm thơ, đặc biệt trong giai đoạn ở hải ngoại, ông đã liên tục thử nghiệm, cách tân cả thơ và văn. Từ cách tân thơ lục bát, ngắt lại nhịp đi của câu thơ/văn, làm mới ngôn ngữ, biến hóa cấu trúc câu và cách đặt câu, chấm câu; cho đến việc sáng tạo, sử dụng và hệ thống hóa các kỹ thuật căn bản của phép làm thơ…

 

*

Quen biết ông trong 5 năm cuối đời, và được trở thành một người bạn nhỏ thân thiết của gia đình nhà thơ, tôi vẫn luôn ngạc nhiên thích thú trước sự hồn nhiên thơ bé của ông trong những sinh hoạt hằng ngày. Ông rất thích và thường xuyên, liên tục viết email hay các notes nhỏ trên giấy để nhắn tin với người thân gia đình, tất cả mọi chuyện lớn nhỏ. Có lần con chó becgie trong nhà bị mắc kẹt dưới gầm sàn tầng trệt (dạng nhà sàn thấp). Ông vội vã vào nhà viết notes gởi người con rể, dán vào tủ bếp: “Hân, Logan kẹt trong gầm nhà Lưu Niệm, bố không kéo ra được!!!” trong khi anh con rể đang ở trong phòng cách đó chỉ hai bước chân, và cả nhà vẫn có mặt đầy đủ. Tờ giấy notes không được ai để ý cho đến tối, khi con gái ông xuống bếp nấu ăn phát hiện, la toáng lên gọi mọi người đi cứu chú chó, trong niềm vui ngây ngất của ông vì đã thông tin kịp thời. Hay một lần khác đứa cháu ngoại hiếu động bị té cụng đầu xuống nền gạch, khóc nhè mãi. Vợ ông bèn lấy các sticker giảm giá sale khi mua đồ dán chung quanh chỗ đau trên trán cháu ngoại, dỗ dành dán cái này vào là hết đau ngay, đứa cháu tin thật, gật gật đầu nín khóc. Ông đứng bên cạnh, ngắm nghía quan sát một hồi lâu, rồi rụt rè hỏi vợ: “Dán mấy cái này chữa hết đau được thật hả T.?” Những câu chuyện thường ngày như thế giờ là những kỷ niệm của gia đình trong mỗi bữa ăn để nhắc nhớ đến ông và cười vui cùng nhau.

NguyenNgocHoaiNam-DTL_2014
Nguyễn Ngọc Hoài Nam và nhà thơ Du Tử Lê - 2014 (Hình: dutule.com)


Sự hồn nhiên ngây ngô đó hoàn toàn trái ngược với ông trong những câu thơ tình mãnh liệt và da diết, những câu thơ tức tưởi của kiếp sống lưu vong tuyệt vọng, những tra vấn thường trực về thân phận hư vô, hay những nỗ lực làm mới thi ca không khoan nhượng suốt cuộc đời ông, đã và đang thuyết phục phần nào giới nghiên cứu văn học sử, đưa ông trở thành một trong những nhà thơ đặc biệt nhất trong số những người đặc biệt, cả về nội dung, thi tính cũng như những cách tân, thử nghiệm về hình thức, ngôn ngữ, cấu trúc… của thơ.

 

*       

Nhà thơ Du Tử Lê bắt đầu chủ trương ngắt lại nhịp đi của câu thơ lục bát rất sớm, từ năm 1966, qua việc sử dụng các dấu chấm, phẩy. Về mặt nhân sinh quan, ông chủ trương cắt vụn một câu văn/thơ của mình, với quan niệm đời sống hiện tại đầy bất trắc, xáo trộn, không hề là một dòng sông êm ả chảy như thời tổ tiên của chúng ta xa xưa nữa. Đời sống hiện tại, theo ông là những mảnh vụn. Trong bài nói chuyện về “Một vài nỗ lực cách tân thể lục bát và quan niệm Hoán vị” tại Đại học UCLA ngày 25 tháng 5, 1996, và tại Đại học UCI ngày 26 tháng 11, 1997, ông cho biết ông chia lại nhịp đi thể lục bát của ta. Thay vì giữ nhịp 2/2/2 (câu sáu - nhịp chẵn.) và nhịp 2/2/2/2 (câu tám - nhịp chẵn.); hoặc nhịp 3/3 (câu sáu - nhịp cân bằng) và nhịp 4/4 (câu tám - nhịp cân bằng...), ông dùng nhịp lẻ (như nhịp chỏi/syncope của âm nhạc).

Logan
Thủ bút nhà thơ Du Tử Lê. (Hình: dutule.com)


“Bài cuối 66” được đăng trên tạp chí Văn năm 1966, sau được nhà Nguyễn Đình Vượng in trong tập thơ “Tay Gõ Cửa Đời” năm 1967, là một trong những bài thơ sớm nhất được ông thực hiện cách tân này:


“phố cao, gió thổi, bóng mờ
 (nhịp 2/2/2)

đêm lu, trời lặng, tôi gù lưng, đi (nhịp 2/2/3/1)

cho muồi giấc, một khuya thôi (nhịp 3/3)

sáng ra mối đã đùn, vùi tuổi ta” (nhịp 5/3)

        

Ông chẻ đôi các từ kép trong kho tàng phong phú của tiếng Việt để thấy rõ hơn ý nghĩa liên tục hay ảnh hưởng hỗ tương về ý nghĩa của hai từ ghép lại đó. Thí dụ: Đau Khổ, được chẻ làm đôi bằng một dấu phẩy, sẽ có Đau, Khổ, hay Đau và Khổ. Từ đó, hiểu rõ ý nghĩa dây chuyền của tĩnh từ này: Bị đau đớn rồi mới đưa tới trạng thái khổ sở. Các bài thơ thử nghiệm này của ông bắt đầu từ đầu năm 1990, đã được gom lại, in trong tập “Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra” do Tủ sách văn học Nhân chứng in năm 1993.


“chẻ đôi con gió: cây ly, biệt—

tim chấn thương cùng môi tháng, năm/.”

     (Trích “khúc Hạnh Tuyền, núi sông”)


Hay:

        
“sương, trần thân mây, chia, ly

nhập chung nỗi chết: sầu khô, héo về/.”

       (Trích “khúc mười chín, tháng 9”)

        

Nhà thơ Du Tử Lê tiếp tục thử nghiệm cách tân thể thơ lục bát khi đã cố tình bỏ âm trắc bắt buộc nơi chữ thứ 4 của mỗi câu 6. Ông cho biết, khi bỏ đi âm trắc bắt buộc này, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc diễn tả những tâm trạng buồn bã, tuyệt vọng, rời rã... cực độ. Chúng ta cũng dễ dàng có một hình ảnh toàn khối mà, không cần phải giảng giải như ở dạng văn xuôi. Một câu thơ nổi tiếng của ông hay được nhắc nhở đã áp dụng thử nghiệm này:

“tôi Lê. Lê. Lê. Lê nào?”

      (Trích bài thơ “tôi nào”, trong tập “Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà,” Tủ sách văn học Nhân Chứng in năm 1996)

        
Hay câu thơ:

        
“tôi tan rồi. tan. tan. tan. tan.,…”

       (Trích “khúc mười chín, tháng 9”)


Không chỉ trong thể thơ lục bát, nhà thơ họ Lê cũng đưa những thử nghiệm trên vào cả các thể thơ tự do, bảy chữ… với cách ngắt câu, chấm câu, dùng các dấu gạch ngang, gạch nối, ngoặc đơn, dấu ba chấm:


“thiết lập riêng mình: một thổ ngơi

đồng vọng hồn ai? – tiếng hú, hời

ngày mơ hồ giữa hơi tiêu, nhị…

đêm mời tham dự

đám ma tôi.”

     (Nguyên văn bài thơ “và, Đặng Nho, Trần Duy Đức,” trong tập “Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra,” Tủ sách văn học Nhân Chứng in năm 1993).


“đừng bày đặt nữa,

sự thực chẳng còn điều gì để nói thêm về biển/.

em nào phải tàng cây

nên cách gì

cũng chỉ cho được một người

bóng mát!

huống hồ

em muôn đời trẻ con

sống trong thơ. ưa hát nhỏ một mình!

mọi linh hiển chỉ một lần chứng thực

em đi rồi. sóng goá bụa. đêm

ta bừng tỉnh, hỏi: - đâu? kìa! bóng mát

cả hàng dương ngã rạp. đứt ngang lưng/.”

     (Trích “đêm ở biển Galveston với Việt Nguyên, tưởng thấy Vũng Tàu, cũ,” trong tập “Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra,” Tủ sách văn học Nhân Chứng in năm 1993).

 

Ông đưa quan niệm hoán vị vào trong thơ, bằng cách sử dụng dấu gạch chéo (/) của nền văn minh điện toán (mà theo ông, là nền văn minh tiếp theo các nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh cơ khí) trong các câu thơ của mình, cùng với mong muốn người đọc hiểu điều thi sĩ muốn nói, hay thông cảm hoặc chia sẻ với nhà thơ. Từ đó, ông dùng ký hiệu gạch chéo (/) để minh thị cùng người đọc những điều sau đây:


a- Khi một dấu gạch chéo được đặt sau một chữ nào đó, điều ấy, có nghĩa chữ đó có thể di chuyển theo hai chiều thuận nghịch. Nó cũng có nghĩa chữ này tuy ở vị trí bị kẹt giữa hai chữ khác, nhưng nó vẫn có nhiệm vụ (hay tự do) xô đẩy chữ đứng trước nó và luôn cả chữ đứng sau nó nữa.


b- Khi một chữ hay nhiều chữ bị đặt giữa hai dấu slash / gạch chéo, điều đó có nghĩa người đọc có thể di chuyển MỘT CHỮ, MỘT NHÓM CHỮ theo bất cứ chiều nào họ muốn. Nói khác đi, người đọc có thể thay đổi vị trí đầu tiên của chữ (hay nhóm chữ) đó, tùy theo ý thích của họ.


c- Thay thế cho giới từ “như”: Căn bản, về phương diện kỹ thuật: văn chương, nghệ thuật được xây dựng trên thể So sánh và Liên tưởng. Nhà thơ khi trông thấy (nghĩ tới, nhớ lại) một vật tượng không chỉ thấy “như nó là” mà, so sánh, liên tưởng nó với / tới một vật tượng nào khác. Vì thế mà, nhân loại có cái gọi là văn học nghệ thuật.


Những bài thơ thử nghiệm này của ông bắt đầu từ năm 1992, được in lại trong tập “Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra” do Tủ sách văn học Nhân chứng in năm 1993, và ngày càng được ông sử dụng nhiều hơn đến quen thuộc trong các tập thơ tiếp theo, như “Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi” in năm 1994, “Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà” in năm 1996, “Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi” in năm 1997,… đều do Tủ sách văn học Nhân Chứng xuất bản.


“tôi sẽ để rất nhiều khoảng trống

giữa hai gạch chéo/slash

trong nhiều câu thơ

thí dụ:…/…/…/

mời những người đọc tôi

hôm nay, ngày mai tham, dự

không phân, biệt tuổi tác, giống tính

chúng ta: đồng tác giả

bài thơ xuất hiện lần đầu

mượn trái tim anh em, bà con để, thở

 

thi, ca tự thân

là vũ trụ tinh khôi

tất cả mọi người đều có quyền

tuỳ tiện đặt, để núi, sông/ cỏ, cây/ thiên nhiên/ thánh thần/ ma, quỷ

tuỳ tiện chọn việc làm/ chỗ ở/ người thân/ cầu tiêu/ chim muông/ dã thú

rừng quá quắt giầm, ngâm biển muối

sớm mai tro/ ngấu/ giọt nhớ nhà”

   (Trích “tình yêu/ trang ruột/ và, bìa sách,” trong tập “Sông núi người thơm nỗi nhớ nhà”).


“gió/nhấm nhẳng. cất chưng mùa hẹn, hết

vỗ đôi bờ: xương, thịt ám ui, ui

sóng/tự vẫn: va đầu chân đá/Huế

tình lở, bồi/ mưa/ tróc vỏ/ ta/ thôi”

   (Trích “và, L.Quỳnh và T.Châu và, jazz festival,” trong tập “Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà”)

 

Đi xa hơn, với quan niệm trả lại sự vật tính khách quan căn bản của nó, ông muốn hoán đổi vị trí của Chủ thể (Subject) và Khách Thể (Object). Thông thường trong văn học nghệ thuật, Chủ thể: quan sát/ cảm nhận/ suy luận/ liên tưởng/ rồi đi tới kết luận chủ quan về những gì chúng ta thâu nhận được bằng ngũ quan và bằng trí não. Ông cho một thí dụ: Buổi chiều buồn vì có mưa hiu hắt. Trong thí dụ này, Ta (Chủ thể) quan sát (Khách thể) buổi chiều và mưa. Sau đó, ta viết xuống (nói ra), tức chúng ta gán ghép cho buổi chiều thì buồn; và mưa thì hiu hắt. Nhà thơ Du Tử Lê đã thử nghiệm cách Hoán Vị này, qua một số bài thơ in trong tập “Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà” do Tủ sách văn học Nhân Chứng in năm 1996.)

“tình yêu / đường xá / ghế, bàn /ngọn đèn /đêm tối:


hát cho tôi nghe

bởi chúng thấy tôi:

chính là vật lãng, quên lớn nhất”.

   (sdd, trang 83.)


Hay bài “sau khi đọc một bài thơ cũ, trong sưu tập của thầy Thanh Tuệ, làm thơ gửi San Diego của Nhân và Nghiêu Đề”:


“còn/ rừng/ gương/ soi cho tôi

bao dung/ núi/ đợi. nghiêng vai/ sông/ ngờ

còn/ người cơn mưa/ khư khư

ứng thân xử nữ, khẳm ghe bầu, chìm

còn/ cây/ giường/ nằm cho chim

hoa mang thai gió. lá nhan sắc, tùy

còn/ tim/ đèn/, nhang chia, ly

tôi, tôi, tôi với tôi nghi ngút, già

còn/ em/ xương/ buồn theo da.”

 

*

Đối với việc hệ thống hóa các kỹ thuật làm thơ, điều này nghe có vẻ phi lý đối với một nhà thơ đầy năng lượng sáng tạo và cách tân như ông. Trong bài viết “Di chúc thơ Du Tử Lê” mà ông viết cho con gái Orchid Lâm Quỳnh (do gia đình nhà thơ cung cấp), ông giải thích như sau:


“Trước hết, phải hiểu, giống như một cao thủ trong võ lâm – mỗi cá nhân thành tựu và bước tới hàng cao thủ, đều có cho riêng họ một số bí kíp hay đơn giản những “miếng võ trấn sơn.”

Ngặt nỗi thi ca giống như đáy biển. Không có đường, có lối! Vì tính bí nhiệm của thi ca mà, tới nay, cũng như cả nghìn năm sau, nhân loại sẽ KHÔNG có trường dạy làm thơ - - Chỉ có trường dạy viết văn mà thôi.

Trước sự kiện nhân loại KHÔNG có trường dạy làm thơ, phải hiểu là chúng ta không có một mẫu mã, một hệ thống (systematic) nào, để chúng ta có thể căn cứ vào đó, dùng làm bước nhảy, hoặc khai triển chúng…

- Nói cách khác, từ thuở bình minh của nền thi ca nhân loại, người sau bắt chước người trước. Và, chẳng có một quy luật, một hướng dẫn cụ thể nào hết!

- Những kỹ thuật thi ca, chúng ta có được hôm nay, do kinh nghiệm (tình cờ tìm được/ rồi ứng dụng) của tầng tầng, lớp lớp những người đi trước - mà hầu hết đã khuất núi.

- Ngay cả những kỹ thuật chúng ta có thể gọi tên cũng là những “tự phát” -Những cố gắng đặt tên của những thiên tài thi ca, lớp trước chúng ta mà thôi.

- Nhiều năm qua, có thời gian tôi nhận lời đi thuyết trình về thơ tại một số đại học Hoa Kỳ - Đứng trước sinh viên (nhất là sinh viên Mỹ) chúng ta không thể nói theo cảm tính, nói mơ hồ, mà phải hệ thống hóa được những gì mình nói, thì mới thuyết phục được sinh viên.

- Chính vì thế và nhờ thế mà, tôi đã phải đi tới việc Hệ Thống Hóa, tức thiết lập một bảng chỉ dẫn 3 kỹ thuật căn bản - là 3 chiếc khóa để mở cánh cửa ngôi đền Văn học nghệ thuật (không chỉ cho văn chương mà cho cả âm nhạc, hội họa, điêu khắc nữa). Đó là:

1. So sánh/ Comparison.

2. Liên Tưởng/ Thought Connection (hay Connection in Thought). Và

3. Nhân cách hóa/ Personalization.”


Về ba kỹ thuật căn bản này, nhà thơ Du Tử Lê đã trình bày sơ lược trong bài viết “Tóm tắt bài nói chuyện: Thử đi tìm chìa khóa căn bản, mở cửa ngôi đền Văn học nghệ thuật” đăng trên trang www.dutule.com. Đi xa hơn, trong “Di chúc thơ Du Tử Lê,” ông đã nêu thêm các kỹ thuật nâng cao hơn để tạo khoảng cách với đám đông cùng thời, bao gồm Liên tưởng của liên tưởng (Liên tưởng kép) và Linh động hay Sinh động hóa, cùng kỹ thuật tạo Khí hậu cho bài thơ.

Kỹ thuật Liên tưởng kép được Ông sử dụng trong bài thơ “Trong tay Thánh nữ có đời tôi” khá nổi tiếng được phổ nhạc:


“hỏi tóc đi! sông những buồn vui

như tôi qua gần hết cuộc đời

trí khô não kiệt. nghe từ đất

tiếng gọi trời xa. thánh nữ ơi

...

hỏi môi đi! môi còn muối mặn

xát ướp lòng tôi thì đã sao?

chỉ e chẳng kịp cho đời khác

cửa mở nhưng tôi chẳng thể về”

   (Trích “Trong tay Thánh nữ có đời tôi,” trong tập “Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu,” do Tủ sách Nhân Chứng xuất bản năm 1989).


Câu thứ nhất: “hỏi tóc đi! sông những buồn vui?” được ông giải thích: “Tóc chảy xuống như một dòng nước, hay dòng suối (Liên tưởng THỨ NHẤT) hay suối cho chúng ta liên tưởng tới SÔNG (Liên tưởng THỨ HAI – tức Liên tưởng/ KÉP). Do đấy, khi đặt câu hỏi “sông những buồn vui?” thì – nó cũng còn là một ẨN DỤ/ Metaphor thi ca.

Câu hỏi thực sự diễn ra văn xuôi, là: “Tóc buồn hay vui?”

Từ câu hỏi “Tóc buồn hay vui” lại dẫn tới ẩn dụ kế tiếp là:

- Em buồn hay vui?”


Câu thứ hai: “hỏi môi đi! môi còn muối mặn,” được ông giải thích: “Ở đâu ra muối nơi môi để mà hỏi có còn muối hay không? Ở đây vẫn là sự áp dụng kỹ thuật Liên tưởng/ Kép. Nước mắt từ người con gái chảy xuống, ngang qua môi (Liên tưởng THỨ NHẤT), dẫn tới câu hỏi “môi có cảm nhận được độ mặn có trong nước mắt?” (Liên tưởng THỨ HAI). Liên tưởng kép này lại dẫn tới ẩn dụ - Nỗi buồn hay nỗi đau lòng của người con gái to lớn, tới mực, người đó đã bật khóc.”


Nhà thơ Du Tử Lê cũng làm mới thi ca bằng kỹ thuật mà ông đặt tên là Linh động hay Sinh động hóa/ Livelization. Kỹ thuật này, theo ông, CAO HƠN kỹ thuật Nhân cách hóa một bậc, và nếu sử dụng được, chúng sẽ cho ta những câu thơ MỚI, LẠ = SÁNG TẠO. Ông cho rằng, với một sự vật trừu tượng, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể Nhân cách hóa. Chưa kể Nhân cách hóa nhiều quá thì thơ sẽ trở thành nhàm chán.

Bài thơ “khúc Hạnh Tuyền, núi sông” trong tập “Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra,” gồm ba đoạn, mỗi đoạn ông đều áp dụng kỹ thuật “Sinh động hóa/ Livelization” thay vì Nhân cách hóa. Đó là những câu như:


“chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt –

mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ/.

chẻ đôi thân thế: mù tăm tích/.

ta nghĩa trang nào? chôn, cất nhau!?

 

chẻ đôi tâm thất: kênh, mương cạn –

hương tóc truy tầm vai thất tung/.

tưởng ai oan khuất vừa quay gót!

xương, thịt, đời sau, máu rất buồn/.

 

chẻ đôi con gió: cây ly, biệt –

tim chấn thương cùng môi tháng, năm/.

phạt ngang ký ức rừng, thao thiết –

dòng suối trăm năm bỗng mất nguồn.”


Những câu thơ được Ông nêu ra làm thí dụ, nó vừa là Sinh động hóa (Nhân cách hóa những ý niệm trừu tượng), vừa mang tính Ẩn dụ/ Metaphor… Khác với kỹ thuật Nhân cách hóa những sinh vật:


“Tôi èo uột từ những ngày cả gió

con dế buồn tự tử giữa đêm sương

bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ

ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ

em ở đó bờ sông còn ấm cát

con sóng tình vỗ mãi một âm quên”

     (Trích “67, khúc thêm cho Huyền Châu”, trong tập “Tay Gõ Cửa Đời” do Nguyễn Đình Vượng xuất bản năm 1967)


Hay nhân cách hóa cả những tàn tro, que diêm, than củi:


“than với củi sống chung cùng một phút

nhưng tàn tro chẳng thể có hai đời

như que diêm chỉ có một tiếng cười

như ta chỉ có một đời tiêu phí”

     (Trích “Đồng dao mới,” trong tập “Đời Mãi Ở Phương Đông” do Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản năm 1974).


Ngoài ra, ông nêu lên ý thức về KHÍ HẬU/ CLIMATE của một bài thơ. Ông cho rằng, đây là một điều mà ngay cả những nhà thơ thành danh, nổi tiếng cũng không để ý, vì không ý thức.


Những cách tân, thử nghiệm của nhà thơ Du Tử Lê có tồn tại với thời gian hay không? Điều này hãy để tương lai trả lời. Ít nhất, những nỗ lực không lùi bước của ông cũng đã được công nhận ít nhiều bởi giới làm văn học sử, như Nguyễn Hưng Quốc trong tác phẩm “Nghĩ Về Thơ" do Văn Nghệ xuất bản năm 1991,  Nguyễn Vy Khanh trong tác phẩm “Nhà văn Việt Nam hải ngoại” do Nhân Ảnh xuất bản năm 2020, hay nhà văn Bùi Bảo Trúc trong các bài viết và phát biểu của ông.

 

*

Ngày 7 tháng 10, 2019, sau khi đi ăn tối với bạn về, ông than mệt, đi nằm, khoảng 5 phút sau, ông chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn.


Để kết thúc bài viết, tôi xin được trích lời của nhà thơ Trần Dạ Từ dành cho nhà thơ Du Tử Lê khi hay tin ông qua đời:


“Du Tử Lê là Thi Sĩ Một Đời. Thi Sĩ Viết Hoa, tôi viết và biết về thi sĩ như thế. Ông không chỉ làm thơ. Ông sống với thơ. Sống bằng thơ. Thơ với ông là một.

Thi Sĩ Ra Đi. Xin được cùng gia đình và bạn hữu nhớ thơ chàng:

“Đốt thành tro, bụi vẫn yêu thương”

Trân trọng cảm ơn từng hạt bụi nhà thơ để lại cho chúng ta!--”

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Mười Hai 202310:10 SA(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
07 Tháng Mười Một 20233:47 CH(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
19 Tháng Mười 20231:33 CH(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
05 Tháng Mười 202312:00 SA(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
02 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
23 Tháng Sáu 202310:46 SA(Xem: 1139)
Luận văn Thạc Sĩ/ Chuyên ngành: Văn học Việt Nam của Vũ Thị Lê Duyên
04 Tháng Sáu 20232:03 CH(Xem: 1295)
Du Tử Lê nổi tiếng nhất với tư cách một thi sĩ.
30 Tháng Năm 20235:35 SA(Xem: 6564)
Hôm nay, một sáng nắng ấm, trời thu, Nam California, chúng tôi ngậm ngùi đưa tiễn một Nhà thơ.
10 Tháng Năm 20239:33 SA(Xem: 6436)
Sáng thứ tư 9/10/2019, thấy cái post của Hạnh Tuyền: “Ông ngoại đã lên trời”.
27 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 11398)
Du Tử Lê, quả nhiên vẫn là một nhà thơ hiếm hoi. Anh vẫn một mình một cõi. Đó là một điều đặc biệt. Và đối với một thi sĩ, thì đó là một sự thành công.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8343)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19110)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16791)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15988)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31736)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,