Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972. Bạn tôi đem anh về. Bạn tôi, vì lý do riêng của gia đình, nên gần như ở chung với tôi một nhà. Ngoài bạn ra, ba chị em gái chúng tôi đều dành cho anh một tình cảm trên rất xa mức bình thường. Tôi có nghĩ đến chuyện “Đò Dọc” của Bình Nguyên Lộc.
Một tháng trước khi anh báo tin về thăm, chúng tôi lăng xăng dọn dẹp nhà cửa, thay cái màn, mua bình hoa, ly tách, phin cà phê, gạt tàn thuốc… Chao ơi! chị em cứ tíu ta, tíu tít. Ngày nào cũng dời cái này đổi cái kia, làm náo loạn cả căn nhà tranh vách đất ở cuối cái xóm “Chợ Mai,” nhà quê, nghèo nàn.
Đẻ tôi bảo:
- “Tao thấy tụi bay cứ thay lào đổi mọi hoài, biết người ta có ra không?”
-“Đó là một người nổi tiếng Đẻ biết không?”
-“Ừ thì tao quê mùa không biết chi cả, nhưng tụi bay liệu cái thần hồn. Cả bầy con gái đó, liệu mà giữ lấy thân. Mấy ông văn thơ là ghê gớm lắm!”
Tội nghiệp Đẻ tôi, ở góa từ những năm còn rất trẻ, thương con, răn đe la rầy vậy, nhưng lần nào đi chợ bà cũng tha về một thứ gì đó, khi thì lọ tăm, khi thì cái quạt giấy, lúc thêm cái ly, cái chén…
Ngày ấy bạn tôi gửi một tuỳ bút vào toà soạn Tiền Phong, nơi anh là Tổng Thư Ký. Thế rồi bạn và anh thư đi từ lại chừng nửa năm thì anh về Huế, về tận cái làng quê đường đất quanh co, không điện không nước. Cả bạn và 3 chị em chúng tôi chưa gặp anh bao giờ, chỉ đọc chung những lá thư anh gửi, gần như hàng ngày, đầy yêu thương dành cho bạn tôi. Những lá thư dày cộm, lúc nào cũng 5, 6 trang chữ mèo cào. Dù vậy cả bốn đứa đều nhận ra anh ngay, khi anh cùng nhà thơ Kim Tuấn xuống phi trường Phú Bài, từ chiếc C130 lam nham, chở xác người. Bạn anh, Kim Tuấn tươi rói, kể chuyện giễu cho chúng tôi nghe: “Trong máy bay chỉ có 5 hành khách thì đã hết 3 thằng nằm (3 quân nhân tử trận). Chỉ có 2 thằng ngồi mà thôi.”
Riêng anh, anh xanh mướt và mệt mỏi như anh viết lại, sau này, trong một tùy bút:
“Chạm mặt đầu tiên với thị trấn, ở người đàn ông, là một chạm mặt tàn nhẫn, quật vụt, không nương. Trời mù. Trần mây thấp. Bão giữa không trung. Trong thân tầu, trước khi phi cơ đáp, người đàn ông nói với bạn, anh cảm tưởng là một quân cờ bằng nhựa, bị bỏ trong chiếc hộp thiếc. Thời tiết có đôi tay quái ác, nhồi xóc anh. Như nhồi xóc những quân cờ trong ống kín.”
(“Phía Biển Động”, tạp chí VĂN, Tháng Năm, 1974)
Chúng tôi, lẽ nào, còn muốn kèn cựa điều gì thêm nữa, ở anh. Anh ôm từng đứa chúng tôi, thương mến.
Đón anh về căn nhà tranh chật hẹp, vách xiêu vẹo, thiếu tiện nghi, đường vào nhà là con ngõ hẹp lồi lõm khó đi, bạn tôi phải cầm tay để anh khỏi té.
Anh ít nói, nhút nhát, thường chỉ biết cười khi bị chúng tôi trêu chọc. Anh hút thuốc lá nhiều, nhưng ít tốn diêm. Mỗi sáng chỉ cần quẹt một que diêm cho điếu thuốc đầu tiên, thế là điếu nọ đến điếu kia, bất tận. Cà phê thì khỏi nói, liên tu. Đẻ tôi dành cho anh căn phòng, gọi là căn phòng chứ thật ra nó là cái kho bỏ trống đã lâu, chỉ đủ kê một cái giường cá nhân cũ, tấm chiếu trải cũng sờn rách. Cửa phòng là tấm ri đô kéo ngang, chỉ một người đi lọt qua, không có cửa sổ. Căn phòng mà anh đã ghi lại trong bài thơ:
tôi muốn kể em nghe
dù mùa hạ đã đem theo tiếng ve
/đỏ/ phương trời khác.
những vì sao
thôi là những nốt nhạc xanh
hát mình ên
những khuya khoắt nhốt chúng ta
trong căn phòng chỉ có thể kê duy nhất chiếc giường hẹp.
tôi chẩy nghiêng vào em
(thanh xuân một thời mất dấu).
Anh thức thật khuya và dậy trễ kinh khủng. Ban đầu, vào giờ mọi người đã thức dậy, lần nào bạn tôi cũng tưởng anh đã dậy rồi, đã ra ngoài. Rất nhiều lần tìm anh không thấy, bạn tôi mới vào tận giường, tìm kỹ. Phải tìm kỹ mới thấy giữa tấm drap được may bằng nhiều mảnh vải nối là một… cục (em xin lỗi anh Lê) rất nhỏ, rất khiêm tốn, là anh, đang quấn co người lại như… con sâu kèn (chữ của anh). Bạn tôi bảo lúc đó trông anh giống cục Chewing Gum đã bị nhai từ sáng đến… tối. Rất kinh!
Trong ghi nhớ của tôi thì anh thích ăn những món ăn nhà quê, gói xôi bắp, vài củ sắn khoai… Buổi sáng thích ra vườn lấy chiếc cuốc nhỏ, khảy khảy đất, kiếm vài củ khoai, xuống nhờ Đẻ lùi vào bếp. Lúc chờ khoai chín anh tỉ tê đủ điều với Đẻ.
Sau này, cứ khoảng 3, 4 tháng anh về thăm chúng tôi một lần, và chớ hề nghe Đẻ nhắc nhở, nhắn nhủ chi đến bầy con gái: Phải coi chừng cái ông nhà văn. Chỉ thấy Đẻ khóc những lúc anh đi, cũng như những lúc anh về. Đẻ tôi nói với anh: “Bốn đứa, con lấy đứa nào làm vợ Đẻ cũng ưng, miễn sao con đừng đi nữa.” Anh cũng gọi Đẻ tôi bằng “Đẻ” và thương Đẻ như chúng tôi thương.
Nhà chúng tôi nghèo, không có nước máy, cũng không có giếng. Hàng ngày, bốn chị em chúng tôi thay phiên nhau xuống con lạch khá xa nhà, để giặt áo quần, rửa chén bát và gánh nước lên cho anh tắm. Anh thường đòi phụ nhưng không đứa nào cho. Chúng tôi chỉ cho anh đi theo chơi và nhất định không cho anh làm một việc gì nặng. Mọi khi mấy mẹ con xếp bằng trên mặt phản để ăn cơm, nhưng lúc có anh, chúng tôi dọn bàn học làm bàn ăn để anh được ngồi thoải mái trên ghế. Bạn tôi bí mật bảo: “Hình như anh Lê bị… cụt chân và đang mang chân gỗ. Anh ở nhà mình đã ba ngày mà không thấy anh cởi vớ…” (Sau này chúng tôi mới khám phá ra anh có hai ngón chân giữa, dài quá khổ và hơi cong lên, chắc anh xấu hổ và không chịu để chân trần cho ai thấy!?). Từ đó chúng tôi tránh nói chuyện về chân cẳng, đi đứng, giầy dép… Tôi đề nghị hôm nào thử đụng vào chân anh coi. Bạn tôi kịch liệt phản đối, cho là xúc phạm, thiếu tế nhị, không cao thượng (?) Và cứ vậy, đứa nào trong chúng tôi cũng kiêu hãnh ngất trời, cũng chứng tỏ tận cùng lòng cao thượng, lòng hy sinh vô bờ. Rồi thì cũng vì thế, vì anh… tật nguyền (!) mà chúng tôi yêu anh nhiều hơn, lo cho anh nhiều hơn.
Lâu lắm, sau bao nhiêu lần về thăm chúng tôi, một hôm anh bảo: “Muỗi ở nhà cắn nát hai chân anh…” Chúng tôi nhìn nhau, không nói nhưng lòng cả bốn đứa đầy tự hào, đầu ngẩng cao, ngất ngưởng rằng mình đã từng yêu anh khi anh còn… cụt chân.
Có một điều rất hay là chúng tôi chẳng có một so bì nào với nhau, dù trong bốn đứa chỉ có một mình bạn tôi mới thật sự là người yêu của anh. Nhưng hề gì!.
Anh đi về với chúng tôi, đều đặn khoảng 2 năm. Anh tha không biết bao nhiêu bạn đến căn nhà nhỏ ở xó góc Chợ Mai, Huế, nghèo nàn: Phán Râu 189, Lộc Đen, Thành, Vũ Hoàng, Hạ Quốc Huy, Trần Tường Trình, Kim Tuấn, Vĩnh Điện, Đoàn Kế Tường… Cũng có vài cuộc tình nẩy nở, nhưng rồi chỉ như bọt bèo. Anh vẫn là người chúng tôi yêu mến nhất.
Anh Lê!
Đẻ và chúng em đã khóc hết nước mắt, khi biến cố 30 Tháng Tư, 75 xảy đến, nghe tin anh chết ở cầu Xa Lộ. Người đưa tin nói họ thấy anh nằm vắt ngang lề đường, trên người còn mặt bộ đồ lính, ở ngực áo có chữ PRESS. Bạn em chọn ngày 30 Tháng Tư hàng năm để làm giỗ anh. Đẻ khóc mỗi khi đặt dĩa khoai luộc lên bàn thờ cúng anh. Bốn đứa em như cùng góa bụa! Gạt tàn thuốc lá, phin cà phê của anh vẫn còn đó…
Năm 1987, cám ơn tờ báo CA. Qua đó, em biết tin anh còn sống. Cũng từ đó Đẻ hay mở đài “ABC” (ý Đẻ muốn nói đài BBC) để nghe giọng anh. Mà nào chắc gì giọng của anh, chỉ vì nhớ thương quá mà nghe bất cứ một giọng Bắc nào, Đẻ cũng bảo: “Thấy chưa, thằng Lê đó. Đúng là nó, tau biết nó không chết mà, tau nằm “chộ” (mơ) thấy nó hoài mà!”
Những năm sau biến cố 75 Bạn em không còn đi dạy nữa, hàng ngày với chiếc xe đạp cũ, xiêu vẹo chở bia đi bỏ mối cho mấy nhà hàng. Hôm nào không giữ nổi thăng bằng vì thùng bia quá nặng ập đổ xuống đường, nó khóc như mưa. Chiều tối, nó làm thêm mấy chuyến chở gạo bán từng ký cho mấy người trong xóm, có hôm nó bị người ta chưởi như tát nước vào mặt vì họ nghi nó cân thiếu. Những hôm ế ẩm nó chạy ra phố bán sách cũ, lục sách báo, hòng mong tìm thấy đâu đó những cuốn Văn cũ có bài của anh, tên của anh, một dòng chữ nào về anh… Bao nhiêu tiền kiếm được nó mua sách có bài của anh và gìn giữ như một thứ gia bảo. Tính nó lặng lẽ, âm thầm và kiệm lời.
Tội nghiệp, nó chọn nhiệm sở Pleiku sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, để anh khỏi vất vả những lần ra Huế thăm nó. Vì chọn lựa này mà bạn em suýt mất mạng trên Tỉnh Lộ 7 vào những ngày cuối Tháng Ba, 1975 khi cao nguyên thất thủ. Nó từ chối không đi cùng với Cậu Trưng, người có thể đưa nó về Huế.
Nó tách ra khỏi đoàn, rẽ hướng về Cam Ranh, tìm cách vào Saigon mong gặp được anh. Chỉ một bộ áo quần trên người, một đôi dép mòn vẹt lê lết cả tháng trên tỉnh lộ 7, trời không phụ lòng, nó đã gặp được anh tại số 2 Bis Hồng Thập Tự. Anh có ý định đưa nó rời khỏi Việt Nam, nhưng nó nhất định chọn ở lại, sau này nó có thú nhận với tôi, lý-do-ở-ại, dù nó yêu anh, muốn bên anh biết bao!
Biết không lay chuyển được quyết định ở lại của bạn em, anh đi cùng với Hồ Trường An đến thăm nó lần cuối vào ngày 29 Tháng Tư năm 75, ngày đất nước hâm hấp không khí chiến tranh.
Điều này anh cũng có ghi lại trong tuỳ bút: Thấy Em Bé Xíu! Thuở Còn Ngậm Ti:
“Tháng Ba, 1975 khi cao nguyên thất thủ,
Nhờ sự che chở của cậu Trưng, T. sống sót, về tới Tuy Hòa. Ở Tuy Hòa, thay vì theo cậu Trưng trở lại Huế, T. quyết liệt chia tay cậu. T. chọn con tàu chở người di tản về Vũng Tầu.
Từ Vũng Tầu, những ngày hỗn loạn, những ngày súng đạn đỏ nòng cuối Tháng Tư, 1975, T. từ chối leo lên chiếc tàu của Nguyễn Văn Phán bạn tôi chỉ huy, sẽ di tản khỏi đất nước. T. lại cương quyết lên xe đò, về Saigon…
Buổi sáng, khi thấy T. xơ xác, thất thần, bất ngờ hiện ra nơi cổng sở làm, tôi ngỡ ngàng, muốn chảy nước mắt. Dù rất muốn, tôi phải cố gắng kiềm giữ mình, không ôm T. trước mặt nhiều người! Tôi nhớ, T. sợ từ một cái nắm tay, một quàng vai, một cái vuốt tóc. T. bảo “Dị òm! Lỡ ai thấy!”
Vậy mà T. dám chia tay cậu, để tới một nơi không có một người thân, ngoài tôi.
Tôi hiểu động lực nào đã biến một T. nhút nhát, sợ hãi đủ điều, trở thành một mũi tên, với đường bay duy nhất. Đường bay tình yêu tử/ sinh. Đường bay tình yêu, nông nổi? Chọn lựa liều lĩnh, một kiếp?
Vài ngày sau, buổi trưa, giữa một Saigon hốt hoảng, đếm từng giờ sống còn, tìm được nơi chốn yên tĩnh, khuất lánh mọi mắt nhìn, chúng tôi nằm với nhau. Không giọt lệ nào chắt ra! Nhưng cả hai đều hiểu, từ đó, đời ta không thể khác!
Một lần nữa, T. lại khêu thắp ngọn lửa tình nghĩa và lòng biết ơn, xót xa trong tôi.”
(Trích tuỳ bút: Thấy Em Bé Xíu! Thuở Còn Ngậm Ti)
.
TP