TRẦN BÁT NHÃ - Du Tử Lê: Kẻ Mượn Cửa Ngõ Thần Linh Để Tỏ Tình

18 Tháng Mười Một 201912:00 SA(Xem: 10124)
TRẦN BÁT NHÃ - Du Tử Lê: Kẻ Mượn Cửa Ngõ Thần Linh Để Tỏ Tình


(Bài nói chuyện về Thơ Du Tử Lê, New Orleans, mồng 7 tháng 6. 1997)

Viết về thơ Du Tử Lê, dễ mà khó. Dễ ở chỗ thơ vốn hay, đẹp, có thần, có sắc, đã được chưng, cất tinh lọc từ nhiều năm qua, đã được người thưởng thức công nhận. Có khó khăn gì đâu để tạo thêm một vài lời khen. Đó chẳng qua là việc nhắc lại: một bông hồng đẹp, một bó hoa hương sắc vẹn toàn. Không thể nào nói khác hơn, đó chính là điều khó. Cái khó của sự lập lại, vốn dĩ dễ gây nên một âm quen nhàm, chán.

Thời may, từ 4 (trong 8 câu thơ) của Nguyên Sa, rất dí dỏm, nét, sâu và phóng, đã gợi hứng, giúp cho tôi vuợt qua khó khăn, lấn cấn, trong việc chọn lựa ý tứ để phát biểu về một nhà thơ tài hoa, như Du Tử Lê.

Vì vậy, trước hết, tôi xin thành thật cám ơn Thi sĩ Nguyên Sa và bốn câu lục bát mở đầu bài thơ Du Tử Lê của ông.

Bốn câu thơ của Nguyên Sa mà tôi muốn nhắc tới, y hệt một bức hý họa: bạn tôi bằng nửa con cò / vác trên lưng cái đền thờ con voi / con voi nặng cũng vừa thôi / có em người đẹp lại ngồi bên trên. Tôi xin được phép nói đùa rằng, nếu như có anh họa sĩ nào đó, phóng bút vẽ theo bốn câu thơ trên, rồi đăng lên các báo Saigòn, Chợ Lớn, ở thời điểm thập niên 50, 60; tôi đoan chắc sẽ có khối người mang hình này ra, như một thai đề, để bàn, và đánh đề 40 con. Này nhé, con voi số 13, con cò (con hạc) số 17. Cứ mặn con đề này đi, trúng lớn đó! Đề hay số đuôi ở Việt Nam, từ mấy chục năm nay, đã nghiễm nhiên chiếm một góc quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân thành thị, nơi những kẻ có lòng...tham, muốn biến giấc chiêm bao mau thành sự thật.


Trở lại vấn đề, hôm nay, tại hải ngoại. Những câu thơ của Nguyên Sa là một thai văn học. Không phải những ẩn số kiếm ra tiền. Qua lời thơ, ông vẽ một cách chính xác, về một người.

Đã nhiều lần khách hành hương đến viếng thăm ngôi đền Thơ, ngôi đền đồ sộ như con voi, đặt trên đôi vai lá mỏng của con cò gầy Du Tử Lê. Không phải chỉ một mình Nguyên Sa vẽ chân dung tội nghiệp của người thơ mảnh mai gầy yếu này. Còn có Phùng Nguyễn đã ví Du Tử Lê như con gọng vó miền Đồng Tháp, Cà Mau, vùng Năm Căn nước mặn đồng chua, trong những tháng ngày dân Việt khai hoang lập quốc. Đọc Rừng Mắn của Bình Nguyên Lộc chúng ta mới thấy, mới cảm thương và kính phục ông cha ta, lớp người đi trước, nguyện hy sinh lót đường cho thế hệ con cháu mai sau, có cơ ngơi sự nghiệp, nên cửa nên nhà, đất đai trù phú.

Không phải bỗng dưng mà Nguyên Sa và Phùng Nguyễn ca ngợi, yêu mến Du Tử Lê. Thật ra, tạng người tuy nhỏ, nhưng ông đã gồng gánh một lượng đời quá lớn. Sức chịu đựng cũng đáng kể là lâu bền. Ông, với trái tim sông núi, với tình yêu thiết tha nồng nàn đã nên thành một sự nghiệp văn học: 34 tác phẩm trong gần 40 năm cầm bút. Càng về chiều nội lực của ông càng thâm hậu, lòng nhiệt tình hăng hái với thơ văn, vẫn sung mãn, không khác gì ở tuổi trai tơ. Theo chỗ tôi hiểu thì, con voi: tượng trưng cho chữ nghĩa Việt. Người đẹp: bông hồng tình yêu, trái tim đa cảm. Cả hai tạo thành một lực đẩy, giúp cho ông tăng thêm sức mạnh khai phóng.Văn Thơ ông, với nền tảng âm thanh, vần điệu nơi tự thân. Với tiết tấu nhịp nhàng, cách tân trong từng hệ lời, với đổi thay trên các kênh vận chuyển chữ nghĩa theo công thức mới, Du Tử Lê vượt qua những dấu chân quen, mòn, tự định hướng, phóng thẳng, cắm cọc, phân ranh trên vùng đất khai phá. Đền Thơ (hay Vương Quốc Thơ) dù một mình, nhỏ bé, nhưng riêng, các bản sắc, phong thái thi ca, và cả những nghi thức tân lập.

Những bài thơ mượn cửa ngõ thần linh để tỏ tình, cho ta thấy tôn giáo đối với ông như một cái cớ, một chiếc cầu bắt liền nhịp để ông và những Thánh Nữ, những Bồ Tát, hiểu theo nghĩa nào đó, trở thành một thứ đạo Yêu, vượt trên những tầm thường nhân gian, với nhiều điều rất lạ, nhưng chưa hề phạm Thánh. Tôi xin trích dẫn một số câu tiêu biểu:

bằng tin-kính của tông đồ thứ nhất
tôi xấp mình đón đợi bước em qua
đêm thồ ngựa tìm đường lên Núi Sọ
gặp hồn mình treo cổ giữa truông ma
...

bằng tin-kính của tín đồ khổ lụy
nhận tôi đi. Em ạ. Chớ quay đầu
(phúc âm ngoại giáo)

...

cây Thánh Giá có một đầu rất nhẹ
Chúa không kêu ai vác hộ bao giờ
em quay mặt khước tình tên ngoại giáo
đâu biết rằng Chúa khổ biết bao nhiêu
(thập tự nàng)

...

hỏi Chúa đi, rồi em sẽ hay
tôi buồn như phố cũ như tay
...

hỏi Chúa đi, Chúa sẽ trả lời
trong tay Thánh Nữ có đời tôi
(trong tay thánh nữ có đời tôi)

...

cành hoa tay Phật: lòng Ca-Diếp
tâm ấn đời ta: vùng vắng im
ngày sau thân-chứng-em-bồ-tát
có bóng ma xin gác cửa Thiền
(hựu ca mới)
...

này em Bồ-Tát đi trong gió
không ngại trần ai! Ngại nắng, mưa
(bài bồ tát thứ nhất)
...

Thiền viện tôi trưng chỉ ảnh em
kinh kệ nghìn pho có một tên
viết hoa một chữ không ai hiểu
Phật bảo kinh mà... không phải kinh
...

xuống tóc. Theo em khép cửa đời
vào thiền chỉ để thấy viền môi
yêu nhau ai bảo tâm không trụ
quên hết. Nhìn nhau. Nhất quán rồi
...

hôn em Bồ Tát. Chuông kinh hãi
rung hoảng vì tôi? Hay cả em?
(vì em tôi đã làm sa di)

Ở những bài thơ viết từ cửa Thiền hay nhà Chúa, Du Tử Lê đã mang nghệ thuật vào tôn giáo, thoát khỏi lối suy nghĩ thông thường, thói quen sợ sệt, ám ảnh phạm tội, lòng tôn kính thiêng liêng xa vời, nếp tư duy cũ kỹ, giáo điều gia truyền. Qua Thơ ông, Chúa đến, ở-cùng-con-người. Ông chỉ cho thiên hạ thấy Chúa thật gần gũi, bình thường, nhưng cũng thật đáng tin cẩn. (Nếu như con người không thể tin cậy lẫn nhau, mỗi đầu môi chót lưỡi luôn chứa lời gian dối, thì chỉ còn một cách duy nhất: hãy tin ở Chúa, hãy hỏi Chúa, vì Chúa là nhân chứng duy nhất mà không cần phải dơ tay lên thề nói sự thật...)

... Hỏi Chúa đi, rồi em sẽ hay... Hỏi Chúa đi, Chúa sẽ trả lời...

Du Tử Lê nghĩ, nói về Chúa một cách chân thành, không mặc cảm. Ông hiểu ý Chúa, khi bảo rằng: cây Thánh Giá có một đầu rất nhẹ / Chúa không kêu ai vác hộ bao giờ..., để đặt lại vấn đề nhân danh, lạm danh, làm mất đi ý nghĩa Chúa hy sinh chịu khổ nạn, để cứu chuộc tội lỗi cho con người. Bởi từ lâu, cây Thánh Giá bị con người lạm dụng, gây nên những tranh chấp, ngộ nhận, đi ngược lại tình thương yêu, lòng bác ái của Chúa. Chúng ta thử nhớ lại xem, có biết bao nhiêu mối tình thắm thiết phải chia, tan vì vấn đề dị giáo. Chúa có dậy điều đó không? Liệu Em nghĩ sao khi đọc hai câu thơ: em quay mặt khước tình tên ngoại giáo / đâu biết rằng Chúa khổ biết bao nhiêu. Người khổ hay Chúa khổ?

Sang đất Phật, cửa Thiền, Thi sĩ họ Lê cũng tung ra nhiều chiêu thức lạ. Trong số những kẻ miệt mài gươm trí tuệ, chặt đứt phiền não, mong về cõi Phật, dò lại danh sách, không thấy có tên Du Tử Lê. Ông mãi tương tư một Bồ Tát nào đó. Dù biết rằng: cành hoa tay Phật: lòng Ca Diếp / tâm ấm đời ta: vùng vắng im. Nhưng trong tình yêu nhất quán, ông dám hôn cả Bồ Tát, làm kinh động chuông mõ, rung rinh tàng kinh các. Mặc cho kinh kệ nghìn pho, ông chỉ chuyên tâm viết hoa một tên người nào đó và tụng niệm hoài hủy duy nhất cái tên viết hoa đó. Chữ Hoa hay chữ Tình? Ngàn năm trước, ngàn năm sau, muôn đời, trong trái tim nhân loại, tình yêu vẫn là một điều khó hiểu. Người ta đi tu, đều mong chứng được một qủa vị cao hơn loài người. Như Thánh, như Thần, như Bồ Tát. Du Tử Lê cũng cạo đầu, nhưng không phải là kẻ xuất gia: xuống tóc. Theo em khép cửa đời / vào thiền chỉ để thấy viền môi... Ông loanh quanh chùa, vì Bồ Tát của ông. Hiểu cho tận cùng, ông yên tâm làm...ma. Nhưng là một con ma tỉnh táo, khôn hồn, biết chuẩn bị ngay từ kiếp này, để khi chết, làm một... bóng ma xin gác cửa Thiền, không rời xa Bồ Tát. Tội nghiệp chưa? Dễ gì tìm thấy trong hằng triệu triệu linh hồn có một... con ma như vậy? Xét ra ông còn can đảm hơn Điệp. Vì Lan tuyệt tình với Điệp, cắt đứt giây chuông, Điệp đã buồn bã chán nản bỏ ra về. Riêng Du Tử Lê chắc không làm như vậy, ông sẽ đứng mãi ở cổng, chết rũ. Rồi sẽ thành ma gác cửa chùa, để cho Lan yên tâm tu hành đến... ngày sau thân chứng em Bồ Tát.

Du Tử Lê không thánh hóa tình yêu như một bài kinh, biến tình yêu thành một bình hoa chưng trên bàn thờ. Ở nhân gian phàm tục, ông chia xẻ nỗi buồn của một kẻ suốt đời thương nhớ: chỉ nhớ người thôi đủ hết đời / chim về góc biển bóng ra khơi... chỉ nhớ người thôi đủ sông đủ cạn / nói gì kiếp khác với đời sau...

Câu thơ có em người đẹp lại ngồi bên trên, Nguyên Sa viết, quả không sai. Vì nói đến Thơ Du Tử Lê là nói đến Thơ Tình. Thơ Tình chảy ấm từng gân máu. Và, có thể nói mà không sợ lầm lẫn, rằng, Thơ chính là định nghiệp của đời ông. Dù cho trong cuộc sống, xưa nay, ông đã hành nhiều nghề để mưu sinh. Nhưng chắc chắn, cái nghiệp do ông tạo tác, phải là nghiệp thơ. Một lần ông tâm sự, thi ca đến rồi ở lại trong tôi như một thứ tôn giáo đầu tiên, ngọt ngào và, cực kỳ thân thiết. Như vậy, bức hí họa con cò, con voi của Nguyên Sa tặng cho ông, há chẳng phải là lòng yêu mến chân tình đối với một người đã chung thân cùng thi ca, nghệ thuật hay sao?

...

Bây giờ, tôi xin trở vào hai tác phẩm mới, mà Nhà thơ Du Tử Lê vừa gửi tới người đọc và thân hữu, Đó là thi phẩm Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi / Reflection In The Looking Glass, (song ngữ) và Tiếng Kêu Nào / bên Kia Thời Tiết/ (tập chuyện.) Riêng tập Thơ Tình / Love Poems (in lần thứ tư) gồm những bài thơ viết sau tháng 4-75 tới đầu năm 1982, tôi xin miễn đề cập tới, vì đã có quá nhiều người nói tới.

Rẽ vào một góc nhỏ, mù u, ấm áp. Sau cánh cửa khép hờ... Những người đàn bà đã đi qua (hay ở lại) trong đời sống ông, những tên viết tắt, những tên viết bằng chữ hoa: viết hoa một chữ không ai hiểu Phật bảo kinh mà không phải kinh..., “Tiếng Kêu Nào / Bên Kia Thời Tiết/” là một gia phả tình yêu. Phần đời riêng tư của tác giả, được chia, chẻ thành nhiều mảng nhỏ, phô bày từng góc cạnh không gian, ký ức, chất liệu khung viền, từng khúc quanh thời gian, trí nhớ. Những cuộc tình tan hợp bèo mây, những khổ đau lặng lẽ, những hạnh phúc cuồng nhiệt đến và... êm ái ra đi. Đao pháo độc đáo (chữ của nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh) của Du Tử Lê trong các tùy bút, truyện, nhẹ nhàng như thơ, nhưng đủ khiến người đọc hoang mang, lạ lẫm trước hệ chữ nghĩa được sắp đặt theo một trật tự mới, tăng thêm liên tưởng, cảm xúc. Đặc biệt, các điệp khúc như những đợt sóng chập chùng, có khả năng khơi dậy, bắt nhịp liên kết một cách linh động, tập trung.

Có điều cần phải ghi nhận ngay ở đây, rằng thơ văn của Du Tử Lê không dành cho đọc giả ưa cảm giác mạnh, thích giật gân, toát mồ hôi và cần bóng tối cho những cuộc thanh toán. Trong văn cũng như thơ của ông, nhiệt tính không phải là ngọn lửa cháy phừng phừng, cũng không nhiều dấu hiệu của tức giận, hiếu động. Ông không gồng người phô trương sức mạnh hô hào, tranh chấp thời sự. Rất khoan thai, từ tốn, ông điều động phần tài hoa và trí thông minh, mẫn cảm sâu sắc để đối phó với nghịch cảnh mất mát, chia ly, đớn đau cào xé.

Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi / Reflection In The Looking Glass, tác phẩm thứ 34, là một tập thơ ít bài, ngắn, nhưng gói trọn tâm tình của một người Việt Nam, hết lòng gìn giữ căn cước dân tộc, luôn ưu tư thời cuộc, trước siêu tốc vận chuyển của nền văn minh điện tử so với những đói nghèo cùng khổ ở khắp nơi trên thế giới.

Để thay phần kết luận, tôi xin chuyển lời của Linh Mục Nam Hải, người nhờ tôi chuyển tới Nhà thơ Du Tử Lê. Linh Mục Nam Hải nói:

Mai mốt khi chết đi, nếu tôi được lên Thiên Đàng mà Du Tử Lê đọa địa ngục thì tôi sẽ năn nỉ với Thượng Đế xin cho Du Tử Lê được lên Thiên Đàng cùng với tôi. Lý do tôi sẽ nêu ra để trình thượng đế là: nơi trần thế, Du Tử Lê là người làm thơ rất hay. Đầy một người như Du Tử Lê xuống địa ngục thì quá mức tội nghiệp cho thi sĩ...

TRẦN BÁT NHÃ

(Tuần báo Người Việt Tây Bắc ngày ngày 27-6-97.)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Mười Hai 202310:10 SA(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
07 Tháng Mười Một 20233:47 CH(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
19 Tháng Mười 20231:33 CH(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
05 Tháng Mười 202312:00 SA(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
02 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
23 Tháng Sáu 202310:46 SA(Xem: 1139)
Luận văn Thạc Sĩ/ Chuyên ngành: Văn học Việt Nam của Vũ Thị Lê Duyên
04 Tháng Sáu 20232:03 CH(Xem: 1295)
Du Tử Lê nổi tiếng nhất với tư cách một thi sĩ.
30 Tháng Năm 20235:35 SA(Xem: 6564)
Hôm nay, một sáng nắng ấm, trời thu, Nam California, chúng tôi ngậm ngùi đưa tiễn một Nhà thơ.
10 Tháng Năm 20239:33 SA(Xem: 6436)
Sáng thứ tư 9/10/2019, thấy cái post của Hạnh Tuyền: “Ông ngoại đã lên trời”.
27 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 11398)
Du Tử Lê, quả nhiên vẫn là một nhà thơ hiếm hoi. Anh vẫn một mình một cõi. Đó là một điều đặc biệt. Và đối với một thi sĩ, thì đó là một sự thành công.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8343)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19109)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16790)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15988)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31735)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,