LÊ HUY OANH - Kẻ Nhận Lãnh Sứ mạng Rao Giảng Phúc Âm Buồn: Du Tử Lê

09 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 14021)
LÊ HUY OANH - Kẻ Nhận Lãnh Sứ mạng Rao Giảng Phúc Âm Buồn: Du Tử Lê


Truyện đó nằm trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Truyện kể rằng có một người đi giang hồ dữ lắm, đã từng tới nhiều nước, đã biết rất nhiều chốn cảnh xa lạ, để rồi khi trở về quê hương, phải thú nhận rằng trên mặt địa cầu này, không có nơi nào đẹp đẽ và hấp dẫn cho bằng quê hương. Đến nay, thêm một lần nữa, một nhà thơ của nước ta, Du Tử Lê, tác giả tập “Thơ Du Tử Lê 1967-1972”, đã bằng kinh nghiệm đích thực của mình, xác nhận lại với chúng ta cái ý nghĩa đó.

dtl-saigon-1972-trancaolinh-content-content

Du Tử Lê hiện đang ở tuổi ba mươi thì phải. Cách đây mấy năm, anh đã từng có dịp được sang du học bên nước của ông Henry Ford; nước ấy sang lắm, giầu lắm, bảnh lắm, dân lao động cũng thường có xe hơi luých chạy phom phom ngoài đường; gạo, đường, sữa ê hề, cả trăm triệu dân vừa ăn vừa đổ đi, mà vẫn không hết, lại còn rất nhiều để đem xuất cảng bán hoặc không cho những nước khác. Anh Lê đã từng được sang Mỹ, đã từng chóa mắt vì cảnh giầu sang của nước Mỹ, đã từng có một vài cô bạn Mỹ hình như thật trẻ, thật thơm, thật quyến rũ thì phải.

Vậy mà, tới một ngày nào đó, tại đất Mỹ, Lê bắt đầu nhớ quê hương, nhớ phảng phất, nhớ day dứt, không hiếm những lúc nhớ một cách sôi nổi, kịch liệt. Cái siêu cường quốc quá giầu sang, quá trù mật đó đã không thể nào làm cho chàng ta quên được cái sầu tha hương.Chàng nhớ tổ quốc Việt Nam ghê gớm lắm, mặc dù đất nước này, sau cả mấy chục năm chiến tranh liên miên, giờ đây đã nghèo lắm rồi, lương thực không có đủ mà ăn, vải vóc không có đủ mà mặc, thần chiến tranh tàn nhẫn không ngưng vung lưỡi hái vào đám dân đau khổ. Thêm vào đó, còn biết bao nhiêu tai họa thường trực khác: cả ngàn cả vạn những tên gian thương Ba Tàu và Giao Chỉ; cả ngàn cả vạn những tên tham nhũng. Thêm vào đó, có thêm những chính khách hoạt đầu tham lam, ích kỷ, chuyên nghề bán nước buôn dân...

Chiến tranh, nghèo đói, tai họa, hoạt đầu, gian thương, tham nhũng, ngoại bang, cộng sản, tư bản...bằng ấy thứ đã và đang khiến cho nước này tan nát, xác xơ, vậy mà cái anh chàng trẻ tuổi đang được sống trong cái xứ giầu sang nhất thế giới ấy, đang có dịp kề môi áp má những kiều nữ xinh tươi mơn mởn ấy, vẫn cứ thèm được trở về quê hương xứ sở, thèm ghê lắm, thèm đến phát khóc lên được:

không bao giờ đâu Donna, Donna,
dù anh có yêu em
hơn bất cứ thứ gì có trên đất Mỹ
thì anh cũng vẫn trở về
anh vẫn phải trở về quê hương anh
cái giải đất nóng khô cong hình chữ S
cái giải đất không lớn bằng tiểu bang California của xứ sở em 

(nơi anh đã sống những ngày đầu tiên và tập ăn, tập nói theo lối Mỹ)
cái giải đất rách nát nghèo đói vì chiến tranh
liên tiếp trên hai mươi năm
......
không bao giờ đâu Donna
dù anh có yêu em
hơn bất cứ thứ gì có trên đất Mỹ
thì anh cũng vẫn trở về quê hương
nơi mẹ anh đã già, một đời ăn cơm chan bằng nước mắt
nơi anh em, nơi chú bác, cô dì ruột thịt
đã và đang còn từng giờ gục ngã
chiến đấu cho sự trường tồn
và lý tưởng tự do của giòng giống
......
không bao giờ đâu Donna, Donna
dù anh có yêu em
hơn bất cứ thứ gì có trên đất Mỹ
thì anh cũng vẫn trở về
quê hương anh ruộng cằn đất cỗi
người chưa lớn đã già
trẻ chưa cao đã cọc

Mấy dòng thơ trên được trích từ bài thơ “Vỡ lòng cho một người con gái Mỹ”, một trong những bài thơ nói lên cái tinh thần ái quốc của một nhà thơ Việt Nam hôm nay, và cũng là một những số không hiếm những bài thơ thật hay trong tập

“Thơ Du Tử Lê 1967-1972”. Chúng ta có thể gọi thi tập này là “Thơ Du Tử Lê II”, bởi vì trước đó, vào năm 1964, tác giả cũng đã từng cho xuất bản một thi tập cũng mang cái đầu đề thật giản dị là “Thơ Du Tử Lê”. Nội dung bài nhận định này của chúng tôi, được giới hạn trong khuôn khổ tập “Thơ Du Tử Lê II” này.

Ngoài cái tinh thần ái quốc giản dị nhưng tha thiết đến thế, được bày tỏ trong “Vỡ lòng cho một người con gái Mỹ” (trang 71) hoặc trong một số những bài khác như “Viết ở Fort Harrison” (trang 85), “Những bài lục bát ở quê người” (trang 95), nội dung tập “Thơ Du Tử Lê II” còn trình bày một số những khía cạnh tâm linh khác của một thanh niên Việt giầu suy tư, giầu tình cảm.

Trước hết là nỗi buồn, chính đáng, cao cả, của một con người vốn dĩ nhận thức được sự phù du, phi lý của sự hiện diện của mình trong vũ trụ vô cùng tận này. Đó cũng còn là nỗi buồn của một người dân một nước nhược tiểu, lớn lên trong khói lửa chiến tranh, lớn lên trong nỗi hoảng hốt âu lo thường trực, thường cảm thấy mình bị đè nén, bị áp bức hoặc một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp; đó cũng chính là nỗi buồn của một người vốn nuôi nấng một lý tưởng và những ước vọng hoặc lớn hoặc nhỏ, nhưng lại thấy rằng có lẽ mình chả bao giờ đạt được lý tưởng đó. Chẳng bao giờ mình thỏa được những ước vọng dầu chỉ là những ước vọng tầm thường. Vì thế, cũng giống như hầu hết những văn nghệ sĩ chân chính khác, cũng giống như Bryon, Keats, Ôn Như Hầu, Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Tú Xương, Tô Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn, Viên Linh hoặc Gerald de Narval, cũng giống như những Goethe, những Standal, những Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, tâm trạng của Du Tử Lê là một tâm trạng buồn, khi thì bâng khuâng nhẹ nhàng, khi thì chứa chan day dứt, nhưng đó là một nỗi buồn thường trực, một nỗi buồn không rời. Nỗi buồn của những kẻ giầu tình cảm, giầu suy tư, của những kẻ có một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên (bởi vì có trong sáng, có hồn nhiên con người mới có thể cảm thụ và nhận thức được nỗi buồn của chính lòng mình, nỗi buồn cao cả như cái cầu nối con người và các đấng thần linh, nỗi buồn bao la tỏa ra khắp vũ trụ làm môi trường hoạt động cho tư tưởng có thể tỏa ra bao trùm lấy vũ trụ.)

con vi trùng không tên
đục rỗng tôi tự đó
cơn sốt người bao năm
hôm nay còn vật vã
tháng năm tôi dựng ngược
mắt mù cơn mưa say
trán khô vùng bão rớt
cát ngủ trong đầu già
vai nhô vùng rét buốt
trông chừng cánh chim qua
hồn dài con nước lớn
chia nghìn chân đi xa...

(Chết đuối, trang 109)

Thật ra, cái thứ vi trùng không tên đó chẳng phải là thứ vi trùng lạ. Nó đã có từ lâu rồi, có lẽ từ lúc con người biết suy nghĩ, biết rung động với một áng mây, hay một tiếng côn trùng rỉ rả, một giọng chim hót hoặc một cánh hoa rơi. Có thể nó là một thứ ác trùng, cũng có thể nó là một thứ thiện trùng, nhưng luôn luôn nó là thứ vi trùng cần thiết, bởi nhờ có nó mà loài người biết buồn, để rồi có biết buồn mới thấu được niềm vui, nếu như có được một niềm vui nào đó. Và phải chăng con người chỉ khác con vật ở chỗ có được một nỗi buồn, và cao hơn nữa, ý thức được nỗi buồn của mình. Tuy nhiên, để có được nỗi buồn ấy, cũng như để có thể ý thức được nỗi buồn ấy, một con người nào đó, cần phải có một tâm hồn ngây thơ, trong sạch, cao thượng, sang cả.

Trong “Thơ Du Tử Lê II”, tác giả đã tự chứng tỏ được rằng mình có được một tâm hồn thanh khiết như thế. Còn hơn vậy nữa, nhà thơ ấy đã tự chứng tỏ mình có đầy đủ khả năng để truyền giảng nỗi buồn thiết yếu đó cho kẻ đồng loại, đã xứng đáng là một nhà tiên tri lãnh cái trách nhiệm truyền bá “Phúc Âm Buồn”. Muốn truyền bá một lý tưởng gì, trước hết cần phải sống thực với lý tưởng đó. Cũng như đấng Christ, khi muốn truyền bá tinh thần Bác Ái, đã vui lòng sống và chết cho tinh thần đó. Hàn Mặc Tử, Keats, Shelley, Đỗ Phủ, Huy Cận, Nguyễn Đức Sơn hay Du Tử Lê cũng thế, khi tự nhận lãnh rao giảng Phúc Âm Buồn, chính họ đã thể hiện được nỗi buồn thiết yếu đó. Du Tử Lê chẳng hạn, đã cho người ta thấy chàng là kẻ biết đau, biết thương, biết tuyệt vọng:

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy mắt đỏ
mưa nối liền vai người
buồn nối liền thân tôi
tình nối liền nỗi chết
hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy bão rớt
một hồn đầy điên mê
một hồn đầy mộ địa
hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy môi người
một hồn đầy tóc rối
một hồn đầy máu tươi
một hồn đầy tay xiết
một hồn đầy ngực thơm
chân đưa lời cáo biệt
hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy côn trùng
một hồn đầy tháp chuông
ngân nga lời báo tử...

(Lúc người chết, trang 130)

Phải có nỗi buồn chân thành và đích thực ấy, phải có sự tuyệt vọng cao cả ấy, con người mới đủ tư cách rao giảng Phúc Âm Buồn. Nhưng tại sao lại cần rao giảng Phúc Âm Buồn? Bởi vì: Thứ nhất, như đã bàn ở trên, con người có lẽ khác với súc vật ở chỗ biết buồn và ý thức nỗi buồn của mình. Thứ hai, trong xã hội ngày nay có rất nhiều người không còn có khả năng buồn, một nỗi buồn cao cả, không còn biết thế nào là buồn, do đó họ đã biến thành súc vật, thứ súc vật hung dữ như hùm beo, lang sói, họ là những tên buôn bán vũ khí, những tên gian thương, những gã tham nhũng, những kẻ buôn dân bán nước, nghĩa là tất cả những tên có thể vì quyền lợi riêng của mình mà bình tĩnh thản nhiên trước những đau đớn cùng cực của người đồng chủng mà một phần lớn là do chúng cấu kết với nhau để tạo ra. Phúc Âm Buồn cần được rao giảng, như Du Tử Lê và nhiều người tâm huyết khác rao giảng, để chữa cho hàng triệu con súc vật người, tâm hồn chai đá, tàn nhẫn, hung bạo, đểu cáng, bởi vì chúng không còn biết nỗi buồn là gì, không còn biết buồn trong cái ý thức về thân phận của mình trong vũ trụ, không còn biết buồn với nỗi đau buồn khổ sở cùng cực của những người chung quanh, của kẻ đồng chủng.

Đã có nỗi buồn cao cả đó tất phải có tình yêu, bởi vì hai thứ ấy không thể nào thiếu nhau được. Chúng hỗ trợ nhau để tạo cho nhau một giá trị đích thực. Kẻ biết buồn tất phải biết yêu, vì tình yêu là hậu quả của nỗi buồn, cũng như nỗi buồn phải nhờ có tình yêu mới xuất phát được. Do đấy, kẻ đã giữ công việc rao giảng Phúc Âm Buồn, tất phải kiêm nhiệm luôn việc rao giảng Phúc Âm Tình Yêu. Du Tử Lê đã làm đầy đủ sứ mạng kép đó của anh. Chứng cớ: Tập “Thơ Du Tử Lê II” đã vừa là một Phúc Âm Buồn, vừa là một Phúc Âm Tình Yêu. Yêu non sông đất nước, yêu kẻ đồng loại, yêu những chân lý cao cả, yêu những chất sống chan chứa trong cuộc đời và vũ trụ, yêu những tình cảm chân thành nhất, và tất cả những tình yêu ấy thường khi đã được tượng trưng bằng một người đàn bà – mà tôi dám quyết rằng có thật, bằng xương bằng thịt hẳn hoi – Thụy Châu, Thụy Châu, Thụy Châu! Trong “Thơ Du Tử Lê II”, Thụy Châu bàng bạc khắp nơi. Do đấy, chúng ta thấy cả một quê hương Thụy Châu, những cánh đồng Thụy Châu, những dẫy núi, những vùng biển, những dòng sông mang tên Thụy Châu, những đau buồn, những sung sướng Thụy Châu, những xác thịt, những tâm hồn, những đam mê, những hy vọng, tuyệt vọng Thụy Châu.

Thụy Châu là tất cả, bởi vì Thụy Châu được tượng trưng cho tình yêu trong tập “Thơ Du Tử Lê II”, một thứ Phúc Âm Buồn, từ đó một Phúc Âm Tình Yêu, hay nói gọn hơn, theo kiểu của chính Du Tử Lê, đấy là một tập “Phúc âm nàng”:

nàng buồn như trái chín
mắt gầy đêm mưa xanh
hồn căng trên thập tự
đầu cúi xuống dương gian
chớp hoài đôi mắt ướt
tôi thích được quỳ dưới chân nàng
chỉ để xin những điều vơ vẩn

(Phúc âm nàng, trang 50)

Thật ra, nếu coi sự sống, sự tuần hoàn của máu trong mạch máu, coi những hơi thở là những sự thiết yếu nghiêm trọng chứ không phải là “những điều vơ vẩn” thì rõ ràng Du Tử Lê không chỉ xin những điều vơ vẩn. Bởi vì nàng Thụy Châu (nàng buồn như trái chín – mắt gầy đêm mưa xanh – hồn căng trên thập tự) đã là và phải là chính sự sống của tác giả; và cũng là chính sự sống của tập thơ. Bởi vì trong “Thơ Du Tử Lê II” có những bài thơ tình phát biểu một tình yêu chân thành nhất, thủy chung nhất, say đắm, nồng nàn, thiết tha và thường khi trải ra mênh mông bát ngát. Ở đây tình yêu thật là cao cả, thật là khẩn thiết, thật là thiêng liêng đến độ đôi khi nó giống như một thứ Định Mệnh hoặc Tôn Giáo, trong đó, người yêu được tôn sùng như một Đấng Cứu Rỗi (Rédemptuer).

tình muôn thuở nên suốt đời vẫn mới
môi đam mê nên vẫn nụ hôn đầu
ngực thanh tân nên hơi thở nhiệm mầu
tôi phục phục dưới chân người-yếu-đuối
tôi vẫn thế trở về đây thú tội
tội yêu người hơn cả lúc ra đi
và mai sau, tôi nấm cỏ xanh rì
xin bia mộ ghi tên người-cứu-rỗi

(Thư cho một người họ Huỳnh, trang 98)

xin thân xác lõm in mười ngón nhọn
xin răng thơm cắn vỡ giọt-tôi-sầu
xin mưa bay trên vạt áo nhiệm mầu
cuốn tôi lại trong kén-người-hạnh-phúc
chân xin sa – trong tình tôi ngập lụt
đôi cánh vàng xin bỏ lại trên cao
miệng hoa cau xin kết nụ ngọt ngào
tay kim chỉ xin khâu tình rách rưới
......
cho tất cả, xin cho đừng luyến tiếc
tình không dung một cân nhắc bao giờ
phút giây nào người còn ý so đo
xin đừng đến để tình tôi khỏi tủi
(vì hạnh phúc không dung cùng khốn khó)
tôi lấy gì để sửa lễ cầu hôn
biết lấy gì để đổi được lòng tin
tôi chỉ có thủy chung làm vốn liếng
mắt xin mở tạnh nguôi nghìn thảm thiết
môi ô mai xin muối mặn hồn này
người linh hiển trên đỉnh cùng gió cuốn
bước một lần xin bước xuống đời tôi
bước một lần như thần thánh bỏ ngôi
chung than củi với một người phẫn chí.

(Khúc cầu hoàng, trang 116-119)

Những câu thơ nồng nàn tha thiết như vậy có rất nhiều trong “Thơ Du Tử Lê II”. Ở đây ái tình mang đầy đủ sắc thái và hậu quả của nó: Hy vọng, tuyệt vọng, đau khổ, vui mừng, bình yên, xao động, tin tưởng, nghi ngờ, cay nghiệt, khoan dung... nghĩa là có tất cả những yếu tố khiến cho tình yêu trở thành mãnh liệt và đầy đủ nhất. Như vậy, trong cái xã hội suy đốn cùng cực của thế giới hôm nay, trong khi rất nhiều người đã và đang chà đạp những tình cảm thiêng liêng nhất của con người, đua đòi nhau chạy theo cuộc sống vật chất ích kỷ, hời hợt nông nổi, thì may thay, cũng có một số người – rất ít người – trong đó có thi sĩ Du Tử Lê, vẫn cố gắng giữ lấy một tâm hồn ngây thơ, thanh khiết, cố gắng bảo vệ những tình cảm quý báu của con người sẵn sàng nhận lãnh cái trách nhiệm kêu gọi nhân loại phục hồi lại những giá trị tinh thần đó. Giữa cái cảnh sa đọa, đổ vỡ về tâm hồn của thế giới hôm nay, những nhà tiên tri ấy vẫn mạnh dạn lên đường, với một cây đàn huyền diệu trong tay, cây đàn thi ca và nghệ thuật, lớn tiếng ca ngợi những gia trị vô biên của sự đau khổ và của tình yêu.

Tôi tin chắc rằng, trong cái sứ mạng đó, nhà thơ Du Tử Lê đã và sẽ còn gây được những ảnh hưởng tốt đẹp bởi vì tiếng đàn, tiếng hát của anh vốn có một sức quyến rũ kỳ lạ, phong phú. Anh là một trong những thi sĩ Việt Nam hậu chiến đã đóng góp công nhiều trong việc tạo thêm những sắc thái mới cho ngôn ngữ của thơ Việt hôm nay.

Chẳng hạn, anh đã biết phối hợp một cách khéo léo những tinh hoa của thơ Tự Do với những đặc điểm của lối thơ Cổ Truyền. Ngoài ra, anh cũng đã tỏ ra thành công trong việc tạo thêm những mãnh lực mới cho cho các dụng ngữ, khiến cho ngôn ngữ trong thơ anh đạt được những vẻ đặc sắc riêng, cả trong những lối thơ mang hình thức tự do phóng khoáng, lẫn những lối thơ đã có từ trước như năm chân, bảy chân, lục bát. Cùng với một số khá đông những thi sĩ hôm nay, trong đó có những người như Cung Trầm Tưởng, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Trần Dạ Từ...Du Tử Lê đã có công xây đắp ngôn ngữ mới, tạo ra những sắc thái và những giá trị mới cho cả những lối thơ xưa cũ, đặc biệt là lục bát.

Với một tâm hồn ngây thơ, trong sáng, với những tình cảm nồng nàn thiết tha, với những tư tưởng phong phú chính xác, với một tài nghệ làm thơ vững vàng như vậy, Du Tử lê là một thi sĩ rất xứng đáng với danh hiệu Thi Sĩ.

Tôi đã không ngạc nhiên sửng sốt chút nào cả, khi nghe tin tập “Thơ Du Tử Lê 1967-1972” (mà tôi mạn phép gọi là “Thơ Du Tử Lê II” để phân biệt với tập thơ cũng mang tên “Thơ Du Tử Lê” mà anh đã cho xuất bản hồi 1964) đã đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc về Thi Ca năm 1973.

 (Giai phẩm Văn Học, Xuân, Saigòn, tháng 2 năm 1973)

*Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Bảy 202212:57 CH(Xem: 1509)
Ra hải ngoại ngay từ 1975, cho đến nay ông là tay bút cựu trào hiếm hoi vẫn còn viết, viết hay cho đến ngày tháng chót.
24 Tháng Bảy 20229:13 SA(Xem: 1845)
Tôi cười. Đúng là dutule! Rõ ràng nhà thơ đã tự “chẩn đoán” ra cái bệnh của thơ mình.
21 Tháng Bảy 202211:59 CH(Xem: 15683)
Tôi là người lúc nào cũng ao ước rằng cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại của chúng ta mỗi ngày một trù phú trên mọi phương diện,
19 Tháng Năm 202212:00 SA(Xem: 10208)
Đầu mùa Dã quỳ nở năm nay, Du Tử Lê lặng lẽ trở lại Pleiku, miền đất mà ông đã gửi gắm một thời thanh niên của mình ở đấy.
23 Tháng Tư 20226:07 SA(Xem: 7784)
Nói như Orchid Lâm Quỳnh, không có cái gọi là “better place” cho bố, vì bố đã rất ấm áp, bình an trong ngôi nhà đó. Thiên đàng ở đâu thì kệ nó chớ!
02 Tháng Tư 20227:37 SA(Xem: 1992)
Du Tử Lê là Thi Sĩ Một Đời. Thi Sĩ Viết Hoa, tôi viết và biết về thi sĩ như thế. Ông không chỉ làm thơ. Ông sống với thơ. Sống bằng thơ. Thơ với ông là một.
03 Tháng Giêng 20225:50 SA(Xem: 5269)
trong biết bao nhiêu lần âm thầm nói lời chia biệt từng thân thương, gia đình, bằng hữu,… lần này là thật.
13 Tháng Mười Hai 20212:57 CH(Xem: 5170)
Tôi đã thảng thốt khi nghe tin Du Tử Lê qua đời, từ cú điện thoại một người bạn làm thơ và làm báo.
23 Tháng Mười 202112:00 SA(Xem: 13123)
"Anh Mai Thảo có lần vừa cười vừa bảo tôi bằng một giọng điệu rất Mai Thảo rằng: 'thơ tình của hắn như thế mới là thơ tình chứ!
12 Tháng Mười 20215:38 CH(Xem: 7911)
Cách gì, thì Bố con mình cũng sẽ không đi Ambulance với nhau một lần nào nữa!
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17044)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9173)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8344)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19180)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7899)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11064)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19255)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31958)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,