TÔN NỮ HOÀNG HOA - Phong Trào Thơ Du Tử Lê Và Sự Tiếp Tay Của Các Thi Văn Hữu Hiện Đại

18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 12270)
TÔN NỮ HOÀNG HOA - Phong Trào Thơ Du Tử Lê Và Sự Tiếp Tay Của Các Thi Văn Hữu Hiện Đại


(Bài nói chuyện trong Đại Hội Văn Học, Truyền Thông và Báo Chí, kỳ I, tổ chức tại khách sạn Hilton, Tampa, Florida, 1998)

Gần đây một số nhà làm văn học VN tại hải ngoại đã cho rằng chiều hướng sáng tác thơ của Du Tử Lê cũng như thể thức canh tân thơ của ông, nhất là nỗ lực canh tân nhịp điệu thể thơ Lục bát là một đóng góp vô cùng lớn lao không những cho nền văn học VN tại hải ngoại mà còn ngay cả trong nước.

Tuy rằng chính phủ Lâm Thời MTGPMN đã từng tuyên án khiếm diện tử hình Du Tử Lê trong một buổi phát thanh của đài tiếng nói Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào ngày 17/4/1975 vì họ cho rằng chiều hướng thơ Du Tử Lê đã làm giảm sút tinh thần thanh thiếu niên miền Bắc trong việc “chống Mỹ cứu nước”. Mặc dù vậy, trong một cuộc trưng cầu ý kiến về “Nửa thế kỷ Tân nhạc VN” bài hát “Trên ngọn tình sầu” thơ của Du Tử Lê do nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ nhạc đã được tuyển chọn là một trong 100 bài ca hay nhất nhưng khi tuyên bố kết quả Hà Nội chỉ tuyên bố bài “Trên ngọn tình sầu” là của nhạc sĩ Từ Công Phụng mà không nhắc nhở gì đến thơ của Du Tử Lê.

Tuy nhiên tháng Giêng năm 1997 nhà xuất bản Đồng Nai trong cuốn “Lục bát tình” gồm 504 bài thơ lục bát gồm của 504 tác giả từ thời Nguyễn Du trở lại đã có nhắc nhở đến hai nhà thơ ở hải ngoại đó là nhà thơ Nguyên Sa và nhà thơ Du Tử Lê; và ngay trong lời tựa của tuyển tập, họ cũng đã ghi nhận công lao cách tân thể lục bát của Du Tử Lê. Như vậy đã cho chúng ta thấy rằng dù có muốn khước từ sự hiện hữu phong trào thơ Du Tử Lê thế nào đi nữa, nhưng trước một điển hình thực tế ảnh hưởng phong trào làm thơ kiểu Du Tử Lê không những ở hải ngoại, mà ngay cả trong nước thi ca của Du Tử Lê đã thực sự có một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam.

Nhìn lại những thi phẩm của Du Tử Lê đã xuất bản từ trước đến nay, chúng ta đã nhận thấy rõ một nỗ lực không ngừng của ông trong đường lối canh tân thể thức thơ cũng như nhịp điệu của các vần thơ lục bát. Có nghĩa là ở đó chúng ta đã nhận thức được một sự chuyển động sâu sắc trên đường hướng khởi xướng một phong trào thơ mới. Thơ Du Tử Lê.

Phải nói rằng Du Tử Lê đã dõng dạc dấy động được một phong trào làm thơ kiểu Du Tử Lê. Dù đồng ý hay không đồng ý, những thi sĩ hiện đại dù ở trong nước hay ở hải ngoại cũng đã làm thơ theo kiểu Du Tử Lê rất nhiều. Phong trào làm thơ theo kiểu Du Tử Lê có nhiều kiểu: Có kiểu làm theo thơ lục bát và đã thay đổi nhịp điệu ở câu thơ hay làm thơ theo kiểu bỏ rất nhiều dấu chẳng hạn như dấu chấm (.), dấu phẩy (,), dấu hỏi (?), dấu than (!), dấu chấm phẩy (;), hay dấu gạch chéo (/) (slash), hay là trong một câu thơ có lung tung dấu. Tuy vậy những dấu ấy phải được đặt vào những vị trí đúng để làm câu thơ tròn trịa chức năng của phần ý.

Thơ Du Tử Lê qua nhiều thời gian. Từ buổi phôi thai thơ chỉ ở trong giai đoạn âm thầm cho đến nay thì thơ đã lớn dậy và đã chễm chệ ngồi trên thi đàn như một trường phái: Trường phái Du Tử Lê.

Có thể nói thơ Du Tử Lê rất lạ, từ ý đến hình thức. Phần đông thơ của Du Tử Lê ngắn và có nhiều dấu. Chính từ những dấu đó Du Tử Lê đã tự tạo cho mình những vần thơ khác biệt. Người ta không nhìn Du Tử Lê từ sự khác biệt đó để trở thành lập dị. Người ta đã đọc và đã nhìn vào thơ Du Tử Lê để chứng kiến một công trình sáng tạo, một thể thức canh tân: Du Tử Lê đã cố thoát ra từ những nhịp điệu cố hữu trong thể thơ lục bát mà từ lâu đại chúng tiếp nhận như một phần nào của hình thức ca dao.

Phần đông thơ của Du Tử Lê là thơ tình, nhưng trong đó vẫn nồng nàn tình thơ lý tưởng của một người dân rất yêu quê hương và Tổ quốc, mà phải đành đoạn lìa xa. Điều này đã để lại trong thơ Du Tử Lê một chuyển động mạnh, gần hơn và sâu sắc hơn trên lý tưởng của người dân Việt lưu vong:

“khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một nấm mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà 

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì”... 


Hay trong “Buổi sáng quê hương tôi” 

“khi ở đây buổi chiều
quê hương tôi đã sáng
buổi sáng không tiếng cười
buổi sáng không tiếng khóc
khóc than là có tội
anh tưởng tượng nổi không?” 

Nói đến Du Tử Lê là nói đến thơ tình. Thơ tình của Du Tử Lê rất bạo, nhưng trong đó vẫn có được một nỗi biện minh rất tinh vi, rất uyển chuyển trong sự vận động tôn giáo và nghệ thuật: 

Cho tôi hát cùng em bài hát cũ
bài ngợi ca Thiên Chúa ở trên trời
để tôi về cầu nguyện với Ngôi Hai
cho ta sống một ngày như mấy kiếp”... 

Hay trong bài thơ “Bay suốt đời chưa thấy được mình”, phảng phất bóng dáng kinh Hoa Nghiêm của một sát na lận đận trong cõi u minh: 

“buổi sáng em về như Hoa Nghiêm
từng phút xa, thơm nỗi muộn phiền
mỗi sát na qua là một kiếp?
mỗi lòng sông lạnh một u linh? 

bất khả tư nghì nỗi xót, đau
bến giác, bờ mê bạc mái đầu
ngày nghiêng nhớ xuống vai tiền kiếp
chuông mõ âm âm ngã mạn nào?”... 

Phải nhìn nhận Du Tử Lê làm thơ dễ dàng như người ta thở. Khi Du Tử Lê khởi xướng một phong trào làm thơ mới với một hình thức lạ cũng như thay đổi một nhịp điệu của các câu thơ, Du Tử Lê đã không có những giao động bối rối mà người ta thường bắt gặp trên những thử thách của thời gian khởi xướng. 

Muốn biết Du Tử Lê đã dõng dạc khởi xướng một phong trào thơ Du Tử Lê như thế nào, và đã canh tân như thế nào trong các bài thơ Du Tử Lê nhất là canh tân nhịp điệu ở thể thơ lục bát, chúng ta cũng cần bàn về thể thức của những lục bát xưa. 

Như chúng ta đã biết, khi nói về lục bát và một lục bát có giá trị sâu sắc nhất trong văn học Việt Nam, chúng ta không thể nào không nhắc đến Nguyễn Du với “Đoạn Trường Tân Thanh”: 

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”...

Hay một Nguyễn Công Trứ: 

Ngồi buồn mà trách, ông xanh
khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”... 

Đại để qua thể thơ lục bát của Nguyễn Du ta thấy câu 6 với nhịp điệu 2, 2, 2 và câu 8 với nhịp điệu 2, 2, 2. Với Nguyễn Công Trứ câu 6 với nhịp điệu 2, 2, 2 và câu 8 với nhịp 4, 4. Đến thời Huy Cận, lực lượng thi văn đã bắt đầu chuyển động, ít còn đậm đà giữa lục bát với ca dao, ngôn ngữ đã có phần trau chuốt và ý nghĩa diễn tả đã có phần canh tân: 

“Đi rồi, khuất ngựa, sau non
Nhỏ thưa tràng nhạc, tiếng còn tịch liêu”... 

Hình thức lục bát của Huy Cận vẫn còn ở nhịp điệu cũ, nhưng ý đã được diễn tả theo thể thức canh tân bấy giờ. Hay của một Vũ Hoàng Chương một biểu tượng của những dòng lục bát êm ả, hiền lành: 

Hôm nay có phải là mùa thu?
Mây năm xưa bỗng phiêu du trở về”… 

Ta nhận thấy cho dù một Huy Cận, một Vũ Hoàng Chương hay những nhà thơ khác trong thời gian bấy giờ đã nỗ lực làm mới thể thơ lục bát và đã uyển chuyển để làm mất đi cái ảnh hưởng của lục bát qua ca dao nhưng vẫn chưa hoàn hảo bởi nỗ lực đó chỉ trau chuốt, đổi thay ở phần ngôn ngữ và trên bình diện cảm xúc ý thơ, chứ chưa hoàn toàn lột xác được hình thức lục bát... 

Mãi đến thời Du Tử Lê. Hình thức thơ lục bát đã hoàn toàn biến đổi mới lạ, như hình ảnh dịu dàng, êm ả của một cô gái thôn quê bỗng một sớm, một chiều, qua tay Du Tử Lê đã đột ngột biến thành một hình ảnh mới. 

Đã có nhiều nhà văn thi sĩ cho biết khi Du Tử Lê làm thơ lục bát, lục bát đã không còn mang tính cách hiền lành, êm ả của một thời Huy Cận, Bàng Bá Lân, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương v.v… mà lục bát đã vào tay Du Tử Lê tuy vẫn ở thể câu 6, câu 8 nhưng đã hoàn toàn biến dạng như một sáng tạo. Bởi Du Tử Lê làm thơ với đầy dấu. Từ những dấu đó câu thơ bỗng gập ghềnh, nhưng rất súc tích trong lối diễn tả đầy đủ ý nghĩ của tác giả, khi tác giả muốn nói những điều mình muốn nói. 

Khi khởi xướng bất cứ một việc gì, người ta thường chuẩn bị cho thời gian của sự chuyển tiếp, mà ở đó chỉ có sự tiếp nhận nồng nàn của đại đa số người đọc. Sự tiếp nhận tự nhiên trước một nghệ thuật chấm, phẩy, than, hỏi, chấm phẩy và gạch chéo, chẳng hạn như đoạn thơ: 

“nằm nghe. Chăn gối rơi. Cùng
tháng năm bằn bặt. Phật còn ở không”... 

Thường tình câu 6 và câu 8 của lục bát ở nhịp điệu 2, 2, 2 hay 4, 4, nhưng thơ của Du Tử Lê thì ở nhịp 2, 3, 1. Trong phần ý thì ít có ai đem sự cô đơn của mình với sự ở không của Phật (tháng năm bằn bặt Phật còn ở không). Chỉ có Du Tử Lê mới có những ý nghĩ lạ như vậy.

Hay trong một bài thơ khác như bài “Ở biển nhớ ốc sên”: 

“chiều về, dãy phố. Sơn son
ngón tay đô thị. Mắt xuôi bản, rừng
mưa, ngang trời; lũ, ngang cồn
bước chân. Thúy ngọc. Đá vàng. Kiếp sau”…

Hay ở một câu thơ khác: 

“mai, tôi lìa bỏ, chốn này
em ngoan ghế cũ. Lá đầy nhớ. Quên
mai, tôi mối mọt, ưu phiền
thương em phố chợ, tay biền biệt, xa”… 

Người ta bảo đọc thơ Du Tử Lê không chỉ đọc mà còn phải nhìn. 

Nhìn những dấu chấm, phẩy, dấu hỏi, dấu than, dấu chấm phẩy, dấu gạch chéo chập chùng trong cả bài thơ không những đã tạo cho bài thơ một nhịp điệu mới, mà còn lạ nữa. 

Ưu điểm trên sự sáng tạo và canh tân hình thức những bài thơ của Du Tử Lê là đã không có phần đả kích trên lề lối cũ của thơ lục bát lãng đãng ca dao, như chúng tôi đã trình bày ở trên. Thơ Du Tử Lê đã dõng dạc làm một cuộc đổi thay tiệm tiến với thời gian và kiên nhẫn, nhất là sự miệt mài sáng tác để sự thay đổi đi vào đại chúng bằng ngưỡng cửa tự nhiên. Từ sự miệt mài phổ biến đó, người ta đã tìm thấy được ý nghĩa của sự canh tân ở thơ Du Tử Lê và trên sự chuyển động sâu sắc phần tâm lý đó, thơ Du Tử Lê đã hiển nhiên đi vào một trường phái thực thể: Trường phái Du Tử Lê. 

Cho đến nay phong trào làm thơ kiểu Du Tử Lê khá đông đảo. Điển hình là nhà thơ nữ ở Portland-Oregon Hồng Khắc Kim Mai đã cho đăng trên tạp chí Văn, (số 16, đề tháng 4-1998,) 3 bài thơ đã hoán đổi vị trí từ một bài thơ gốc của Du Tử Lê với nhiều gạch chéo (/) trên đó để trở thành 3 bài thơ khác. Bài thơ chính của Du Tử Lê với tiêu đề: “Ở rừng Longsault nhớ Montreal, đứng/ngồi mất bóng” trích trong tập thơ “Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà” (Tủ sách Văn Học Nhân Chứng, Calif. 1996.) 

“rừng bay ngang tâm / khoan dung
nắng ong, mật giữa chiều xuyên tạc, mình
em/ non/ thơm/ trang thơ: kinh
gió/ bôi nhọ/ lá/ cực hình hoa nghiêm”... 

Hồng Khắc Kim Mai đã viết lại thành ba bài khác với tiêu đề:

 “Ở rừng Longsault nhớ Montreal” 
(nhặt thơ mắt nâu qua bóng Du Tử Lê, viết tặng Du Tử Lê) 

(1)

“Rừng ong bay
mật nắng ngang tâm
Em nhìn em
non thơm
kinh gió
Bôi nhọ trang thơ
cực lá
Bôi nhọ Hoa Nghiêm
Rừng ong
ngang giữa tâm
Gió non kin hem
Bay trong thơ!” 

(2)

“Em khoan dung
Bôi cực hình
Bôi xuyên tạc
Giữa chiều ong bay
Nhớ hoa
nghiêm mật
nhớ lá
thơm non.” 

(3)

“Rừng bay ngang Longsault
Rừng bay khoan dung
Em thơm trong thơ kinh nghiêm
Em thơm nắng mật
Em thơm ong non
Giữa chiều Montreal
Lá hình xuyên tâm
Em tạc thơ.” 

Ngay cách đặt tựa hay nhan đề một bài thơ của Du Tử Lê, cũng đã được một số văn hữu hưởng ứng. Điển hình như Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn ở Canada có một bài thơ đăng trên tạp chí Hợp Lưu, với tiêu đề: 

“Tựa kiểu ông Lê ‘và Nghiêu Đề’” 

“Bàn tay
Chầm chậm đưa lên
bạn cài cổ áo
Cho vừa thổ âm
đuôi mắt nheo
cười rất thầm
cỏ lau
và sợi tóc bầm
nắng sương
ngó về đầu hạ
khe
truông
đầu đông
có giọt mưa buồn ướt tanh
qua rừng
cây cối còn xanh
về thành
thoắt đã
ngọn ngành nghiêu ung”

(tháng hai chín tư) 

Hay một Trần Quán Niệm chấm, phết theo kiểu Du Tử Lê, qua bài: 

“Một lần lãng du”:

“Tampa. Biển, cát, nắng đầy
Gió hoàng hoa gọi. Sóng bầy cuộc vui
Cọ già, phơ phất lá còi
ngàn năm đứng mãi ngóng người tình xa
Tâm tịnh nhiên. Bỗng vỡ òa
Hoa niên tưởng. Đã nhạt nhòa, mây bay
Tay em từng ngón, hao gầy
ba mươi năm đó như ngày hôm qua
Ly hương. Đất trích. Trời xa
Miền yêu dấu cũ. Đâu là cố nhân?
Trường xưa. Bạn cũ. Chợt gần
Buồm căng gió nhớ: Một lần lãng du.” 

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, ngoài nỗ lực canh tân thể thơ cũng như nhịp điệu thơ lục bát, Du Tử Lê còn sử dụng đến những gạch chéo (/) mà theo ông Nguyễn Kim Long ở Seattle - Washington cho là thấp thoáng bóng dáng của nhà danh họa Picasso. Như sự giải thích của tác giả, dấu gạch chéo (/) có thể hoán đổi vị trí của những chữ đằng trước hay đằng sau gạch chéo để biến thành những bài thơ khác. Điển hình như đã trình bày bài thơ của Hồng Khắc Kim Mai, tuy nhiên trong giờ phút này chúng tôi cũng xin đơn cử một bài thơ khác của Du Tử Lê mà trong đó có rất nhiều dấu gạch chéo: bài thơ “Chỗ ngồi đâu lưng”: 

1. tôi yêu tôi: trong tôi/ người
2. chuyến xe song mã; chỗ ngồi: đâu lưng (.?!,)
3. tôi yêu tôi: trong tôi/ nguồn
4. vai nghiêng mái biển/ chân/ lần, khân, /chia/
5. tôi yêu tôi: trong tôi/về
6. tới ngang khúc quẹo tâm, lìa, biệt, đi (,.)
7. tôi yêu tôi: trong tôi/ quỳ/
8. dưới chân Đức Phật em vừa / quy y./” 

Theo sự giải thích của Du Tử Lê thì ta có thể hoán đổi như sau: 

1. tôi yêu người, tôi yêu tôi
2. đâu lưng song mã. Chỗ ngồi, chuyến xe
3. tôi yêu nguồn, tôi yêu tôi
4. Chia nghiêng mái biển, vai lần chân khân
5. về trong tôi, tôi yêu tôi
6. khúc tâm quẹo tới, ngang lìa, biệt đi
7. tôi yêu, tôi quỳ trong tôi
8. Quy y Đức Phật, em vừa dưới chân. 

Trên đây là hoán đổi vị trí theo từng câu. Tuy nhiên theo ý nghĩa của dấu gạch chéo, bài thơ có thể viết lại tùy theo cảm hứng, nhưng vẫn là từ bài thơ gốc và ý của Du Tử Lê, chẳng hạn bài thơ trên có thể viết lại: 

tôi yêu người
tôi trong tôi,
đâu lưng
song mã
chỗ ngồi. Chuyến xe
tôi yêu người
tôi đi về
trong tôi, người lại
lần về trong tôi,
nghiêng nghiêng mái biển
nghiêng nghiêng
vai nghiêng mái biển
chân ly, biệt, nguồn...
tôi yêu người
tôi yêu người
khúc tâm tôi
khúc tâm tôi
khúc tâm quẹo tới
khúc lìa, biệt đi
tới ngang khúc quẹo,
tâm về,
Quy y Đức Phật
quy y tâm người
trong tôi
quỳ dưới trong tôi
trong tôi người tới
xe lìa
người đi
nguồn tâm: khúc quẹo, khúc ly
tôi, người, ly biệt
biệt ly: biển... nguồn
tôi yêu người
tôi yêu người
tôi yêu tôi
dưới chân Đức Phật
tôi lần... về tâm

(Tôn Nữ Hoàng Hoa) 

Cho đến nay thì phong trào làm thơ kiểu Du Tử Lê đã ở vào một thời điểm chứng nghiệm dồi dào và ảnh hưởng rất mạnh mẽ, không những ở hải ngoại, mà ngay cả trong nước, dù rằng toàn bộ thơ Du Tử Lê vẫn bị cấm lưu trữ và phổ biến tại Việt Nam. Ngay cả chủ trương chẻ đôi một chữ kép để cho chữ đó thêm nghĩa, như chia (phết) ly, đứt (phết) lìa,... lúc đầu làm gai mắt một số người, nay nó cũng đã được nhiều người dùng một cách tự nhiên, thoải mái.,

Theo Trọng Minh trong bài viết về tiểu sử và tác phẩm của Du Tử Lê đã cho thấy là toàn bộ tác phẩm của Du Tử Lê bị cấm lưu hành ở Việt Nam, vậy mà 10 năm sau một tác giả lớn lên trong chế độ Cộng Sản VN, nhà thơ nữ Hương Trà (được báo chí Cộng Sản ca ngợi là mũi nhọn thi ca mới của chế độ cộng sản và cho rằng Hương Trà là “một dòng thơ táo bạo”) vậy mà trong thi phẩm “Qua Cơn Meê”â do nhà xuất bản Trẻ, Sàigòn ấn hành năm 1993, nơi trang 29 có bài “Lối tình” thì bài thơ này lại cóp gần như nguyên văn bài thơ “Khi Tìm Nhau của Du Tử Lê, bài thơ “Khi tìm nhau” của Du Tử Lê đăng trên tờ tạp chí Văn Sàigòn năm 1973, sau in lại trong cuốn thơ “Đời Mãi Ở Phương Đông (Sàigòn, 1974.) 

Vụ đạo thơ này do chính các tờ báo trong chế độ Cộng Sản như báo Phụ Nữ, báo Tuổi Trẻ phát giác vào tháng 11/1993. 

Vẫn theo Trọng Minh, có thể vì tác giả Hương Trà quá yêu thơ Du Tử Lê, thuộc thơ Du Tử Lê rồi nhập tâm viết ra mà tưởng là thơ của mình. 

Dù sao, trên bất cứ phương diện nào, thơ Du Tử Lê và đường lối canh tân của ông đã là điển hình thực tế. Điều này đã biểu hiện được sự cách tân thể thức thơ của Du Tử Lê đã thực sự đi vào văn học Việt Nam trên lãnh vực thi ca. 

Tôn Nữ Hoàng Hoa
Tampa, 1998

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Mười Hai 202310:10 SA(Xem: 621)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
07 Tháng Mười Một 20233:47 CH(Xem: 994)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
19 Tháng Mười 20231:33 CH(Xem: 1184)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
05 Tháng Mười 202312:00 SA(Xem: 22478)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
02 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 14015)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
23 Tháng Sáu 202310:46 SA(Xem: 1253)
Luận văn Thạc Sĩ/ Chuyên ngành: Văn học Việt Nam của Vũ Thị Lê Duyên
04 Tháng Sáu 20232:03 CH(Xem: 1463)
Du Tử Lê nổi tiếng nhất với tư cách một thi sĩ.
30 Tháng Năm 20235:35 SA(Xem: 6819)
Hôm nay, một sáng nắng ấm, trời thu, Nam California, chúng tôi ngậm ngùi đưa tiễn một Nhà thơ.
10 Tháng Năm 20239:33 SA(Xem: 6645)
Sáng thứ tư 9/10/2019, thấy cái post của Hạnh Tuyền: “Ông ngoại đã lên trời”.
27 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 11612)
Du Tử Lê, quả nhiên vẫn là một nhà thơ hiếm hoi. Anh vẫn một mình một cõi. Đó là một điều đặc biệt. Và đối với một thi sĩ, thì đó là một sự thành công.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17066)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12274)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18997)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9180)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8359)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 621)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 994)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1183)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22478)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14015)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19187)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11071)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30722)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20819)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25517)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31961)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,