TRẦN THỊ NHƯ NGỌC - Thơ Du Tử Lê Dưới Góc Nhìn Tư Duy Nghệ Thuật

30 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 18532)
TRẦN THỊ NHƯ NGỌC - Thơ Du Tử Lê Dưới Góc Nhìn Tư Duy Nghệ Thuật

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

 

TRẦN THỊ NHƯ NGỌC

 

THƠ DU TỬ LÊ DƯỚI GÓC NHÌN TƯ DUY NGHỆ THUẬT

 

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Lí luận văn học

Mã số: 60 22 01 20

 

Người hướng dẫn khoa học: TS: Diêu Thị Lan Phương

 

Hà Nội - 2012

 

 

 

MỤC LỤC

 

MỞ ĐẦU..............................................................................................................2

NỘI DUNG..........................................................................................................9

Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TƯ DUY NGHỆ THUẬT..... 9

VÀ QUAN NIỆM THƠ CỦA DU TỬ LÊ......................................................... 9

1.1. Một số vấn đề lý luận về tư duy nghệ thuật............................................. 9

1.1.1 Quan niệm về tư duy...............................................................................9

1.1.2 Quan niệm về tư duy nghệ thuật, tư duy thơ........................................12

1.2. Nhà thơ Du Tử Lê.....................................................................................18

1.3. Quan niệm nghệ thuật của Du Tử Lê...................................................... 21

Tiểu kết chương 1.............................................................................................32

 

Chương 2: CÁI TÔI TRỮ TÌNH VÀ MỘT SỐ BIỂU TƯỢNG................... 33

ĐẶC SẮC TRONG THƠ DU TỬ LÊ................................................................33

2.1. Cái tôi trữ tình trong thơ Du Tử Lê..........................................................33

2.1.1. Khái niệm cái tôi, cái tôi trữ tình trong thơ...........................................33

2.1.2. Nội dung cái tôi trữ tình trong thơ Du Tử Lê........................................35

2.2. Biểu tượng trong thơ Du Tử Lê...................................................................48

2.2.1. Biểu tượng trong tư duy thơ...................................................................48

2.2.2. Những biểu tượng đặc sắc trong thơ Du Tử Lê.....................................51

Tiểu kết chương 2................................................................................................68

 

Chương 3: NGÔN NGỮ THƠ DU TỬ LÊ.........................................................69

3.1.Ngôn ngữ trong tư duy thơ..........................................................................69

3.2. Ngôn ngữ thơ Du Tử Lê..............................................................................72

3.3. Nhạc tính trong thơ Du Tử Lê....................................................................80

Tiểu kết chương 3..................................................................................................93

 

KẾT LUẬN...........................................................................................................94

TÀI LIỆU THAM KHẢO...................................................................................96

 

 

MỞ ĐẦU

 

1. Lý do chọn đề tài

 

Nổi tiếng với lĩnh vực thơ tình ở miền Nam từ trước giải phóng, Du Tử Lê còn được xem là một trong những tác giả có thơ được phổ nhạc nhiều nhất. Những bài hát như Ơn em, Trên ngọn tình sầu (Từ Công Phụng), Khúc Thụy Du (Anh Bằng), Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau, Tình sầu Du Tử Lê (Phạm Duy)... đã đi vào lòng người yêu nhạc nhiều thế hệ.

 

Sau giải phóng, Du Tử Lê định cư ở nước ngoài (Mỹ). Trong thời gian này, thơ Du Tử Lê đã được giới thiệu rải rác trở lại trong nước qua các bài viết đặc sắc của các nhà phê bình như Thanh Thảo, Phạm Xuân Nguyên, Trần Mạnh Hảo... gây được chú ý trong công luận.

 

Du Tử Lê sống giữa thời kì đất nước có nhiều biến động, cùng với những biến cố xảy ra trong cuộc sống cá nhân đã tác động mạnh mẽ đến con người, hành động và nhất là tâm lí nhà thơ. Du Tử Lê là một hiện tượng thơ tương đối phức tạp, những đặc trưng cho thi ca của người nghệ sĩ đặc biệt này cho đến nay vẫn còn là một ẩn số. Đương thời, con người Du Tử Lê và những đóng góp của Du Tử Lê về thơ đã chịu không ít sự từ chối, từ phía người đọc và cả giới phê bình thơ. Suốt hai giai đoạn văn học, miền Nam 1954-1975 và hải ngoại, Du Tử Lê đã có những đóng góp trong việc cách tân, thử nghiệm làm mới thi ca qua chính sáng tác của mình, nhưng sự đón nhận hình như không được đồng đều và không được giới làm văn học nói đến một cách công bằng. Trước 1975, ông được giải Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 1973 ở bộ môn thơ. Tuy nhiên, tên tuổi của Du Tử Lê không được nhắc nhiều tới. Bộ Văn học miền Nam của Võ Phiến chỉ nhắc qua loa tên tuổi của Du Tử Lê hai lần, trong khi một bài thơ của một nữ sinh đăng báo Tết của trường trung học cao nguyên đã được Võ Phiến ghi nhận như một đóng góp đáng ghi vào văn học sử. Bù lại, từ hai thập niên trở lại đây, đã có những nghiên cứu, trình bày và giới thiệu thơ ông.

 

Hiện nay, dưới ánh sáng của thành tựu lí luận văn học đã dần mở ra những cách đọc, cách hiểu mới, khả dĩ tiếp cận thơ Du Tử Lê. Qua đó, những luận điểm quan trọng trong quan niệm và quá trình sáng tạo của nhà thơ đã được nhìn nhận một cách khách quan, khoa học. Tuy nhiên, việc xem xét, đánh giá đầy đủ giá trị thơ văn và vị trí của tác giả này trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam nói chung vẫn chưa nhiều so với tài sản thơ ca mà ông sáng tác. Thiếu những công trình nghiên cứu thật sự công phu, toàn diện, đánh giá đầy đủ những thành tựu, đóng góp của Du Tử Lê cho thơ ca dân tộc.

Hơn nữa, văn học miền Nam là một bộ phận không thể tách rời của nền văn học dân tộc. Tuy nhiên, nghiên cứu về mảng văn học nhiều vấn đề này hiện nay còn yếu và thiếu những công trình tầm cỡ, chuyên sâu. Thơ Du Tử Lê nói riêng và Văn học đô thị miền Nam 1954-1975 nói chung cần có được những công trình nghiên cứu với cái nhìn thỏa đáng, đúng đắn và khách quan. Một cách biệt lập, các nhà nghiên cứu văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 và các cây bút nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam ở nước ngoài từ sau 1975 đến nay đã có những đóng góp không nhỏ vào nền văn học nước nhà. Những công trình nghiên cứu giàu tính khoa học sẽ giúp người đọc có cái nhìn xuyên suốt, thấu đáo về bộ phận văn học này cũng như toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam nói chung.

 

Từ những hấp dẫn và cả thách thức khi tiếp cận thơ Du Tử Lê, người viết quyết định lựa chọn đề tài: Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật, mong đóng góp một phần vào những công trình nghiên cứu về thơ ông.

 

2. Lịch sử vấn đề

 

Du Tử Lê là một hiện tượng phức tạp, có nhiều tranh cãi trái chiều cả trong và ngoài nước về con người đời thường cũng như con người thơ ca.

Tại hải ngoại, Du Tử Lê đã và đang có những thành công nhất định:

 

Cho tới hôm nay, ông là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Time (1996). Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học Hoa Kỳ và châu Âu.

Năm 1998, nhà xuất bản W.W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê vào một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần “Thế kỉ 20: thi ca Việt Nam” khi tái bản tuyển tập World Poetry An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time (Tuyển tập Thi ca thế giới từ xưa đến nay).

Trong cuốn Understanding Vietnam, tác giả, giáo sư Neil L. Jamieson đã chọn dịch một bài thơ của Du Tử Lê viết từ năm 1964. Cuốn sách này sau trở thành tài liệu giáo khoa, dùng để giảng dạy tại các đại học Berkeley, UCLA, và Cambridge, London.

 

Giới nghiên cứu tại hải ngoại đã có nhiều bài phê bình khá sắc sảo, cho thấy sự quan tâm đối với nhà thơ Du Tử Lê, đáng chú ý có các bài viết:

 

- Du Tử Lê, màu-xanh-vàng-phai (Đặng Phú Phong)

- Du Tử Lê - Người tình thủy chung với văn chương (Thái Tú Hạp)

- Hứng nhạc trong thơ Du Tử Lê (Lê Văn)

- Một thoáng bâng khuâng với thơ Du Tử Lê (LM Trần Cao Tường)

- Phỏng vấn nhà thơ Du Tử Lê (Trường Đinh)

- Thơ Du Tử Lê: Hiện tượng và Thể loại (Nguyễn Vy Khanh)

- Tính vỡ vụn của thời đại trong lục bát Du Tử Lê (Vương Thành)

 

Những bài viết này đã đưa ra những đánh giá khoa học về con người cũng như thơ ca Du Tử Lê. Thái Tú Hạp trong bài viết Du Tử Lê, Người tình thủy chung với văn chương đã ca ngợi: “Du Tử Lê, chàng lãng tử đã ăn ở thủy chung với văn chương Việt Nam lâu dài nhất. Với văn chương, Du Tử Lê chưa hẳn là chốn giải sầu, tạm quên lãng những phù trầm nhân thế, những giải tỏa niềm đau khoảnh khắc, là cõi tịnh an sau những miệt mài xông xáo vào cuộc sống đầy khói xe và tiếng động. Văn chương Du Tử Lê hiện thực, đầy tim óc và tủy xương tận tình như một nghiệp dĩ. Bóng với hình đeo đuổi nhau đến suốt một đời” [30]. Trong khi đó nhà văn Mai Thảo nhận định: “Tiếng thơ Du Tử Lê bây giờ theo tôi là tiếng thơ vô địch. Hắn bỏ lại sau lưng những người cùng thời: Trong sự bỏ lại phía sau đó, có cả tôi nữa. Tôi ví tiếng thơ Du Tử Lê là tiếng thơ Ao Vàng. Và ngôi vị vô địch của Du Tử Lê, tôi nghĩ khó ai có thể theo kịp hoặc thay thế nổi”.

 

Trên tạp chí Văn Học số Xuân, đề tháng 1 năm 1975, nhà văn Lê Huy Oanh, trong nhóm Sáng Tạo đã có một bài viết nhìn nhận nỗ lực cách tân thể thơ lục bát của nhà thơ Du Tử Lê. Đó là chủ trương chia lại nhịp đi của lục bát. Trước Du Tử Lê lục bát được xây dựng trên nhịp chẵn hay nhịp 2 đều. Du Tử Lê chủ trương mang nhịp lẻ, hay nhịp chỏi đến cho lục bát. Thử nghiệm này ông đã bắt đầu từ năm 1966 với bài Bài cuối 66, đăng trên tạp chí Văn, 1966, xuất bản tại Sài Gòn.

 

Sau đó, trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Thế Kỷ 21, số 29 đề tháng 9 năm 1991, nhà thơ Nguyên Sa viết: “Tôi biết thơ Du Tử Lê thật hay, lúc ở Việt Nam, tôi thấy Du Tử Lê làm thơ được, những năm đầu ở Mỹ, tôi thấy thơ Lê hay hơn trước. Bây giờ tôi nghĩ rằng Du Tử Lê đã đi xa hơn những người làm thơ cùng thời với anh một quãng đường trông như gang tấc mà trong thơ, xa vạn dậm”.

 

Nguyễn Vy Khanh, trong Thơ Du Tử Lê - Hiện tượng và thể loại viết: “Du Tử Lê đã liên tục thử nghiệm, canh tân, suốt cuộc đời làm thơ và có vẻ không lùi bước! Ông muốn làm mới ngôn ngữ, biến hóa cấu trúc, cách đặt câu, chấm câu, làm mới cách diễn tả thơ (và văn) trên trang giấy, đem thị giác mới đến với thơ”.

 

Những nhận xét trên, phần nào đã đề cao thơ ca Du Tử Lê, đánh giá vai trò quan trọng của ông trong nền thi ca miền Nam Việt Nam 1954-1975 và cho đến tận hôm nay.

 

Tuy nhiên, Du Tử Lê không được hoan nghênh và biết đến nhiều ở trong nước. Điển hình là vào ngày 18-8-2005, báo Công an thành phố Hồ Chí Minh đã đăng bài Bộ mặt ngạo mạn của Du Tử Lê của hai tác giả Trọng Đức và Lê Nguyễn, phản hồi cho việc Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản tập thơ Du Tử Lê, với nhiều ý kiến công kích cả về thơ ca lẫn con người của ông.

 

Du Tử Lê là một hiện tượng thơ vô cùng đặc biệt. Và dù khen hay chê, người đọc vẫn không thể phủ nhận một điều rằng Du Tử Lê và thơ ông vẫn là cả một dấu hỏi lớn cần được khám phá. Các bài phê bình về thơ Du Tử Lê đều là những ý kiến khoa học nghiêm túc, xác đáng, nhưng phần nhiều vẫn chỉ dừng lại ở các nhận diện lẻ tẻ, thiếu tính chất hệ thống. Sự cần thiết phải tiếp cận tác phẩm Du Tử Lê trên phương diện văn bản, đi sâu tìm hiểu những quan niệm và cách tân thơ ông hứa hẹn cần sự ra đời của những công trình khoa học chuyên sâu hơn.

 

3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu

 

Nhiệm vụ chính của luận văn là nghiên cứu quan niệm thơ Du Tử Lê, thế giới nghệ thuật thơ Du Tử Lê để tìm hiểu tư duy thơ của tác giả, từ đó nhận diện những thay đổi đó đã tác động nên nội dung cái tôi trữ tình, biểu tượng cũng như hình thức sáng tạo nghệ thuật trong thơ ông như thế nào.

Với đề tài này, đối tượng nghiên cứu của luận văn là thơ Du Tử Lê trước năm 1975, đặt trong dòng chảy của văn học dân tộc, trong sự so sánh, đối chiếu với những nhà thơ khác (cùng thời).

Sự nghiệp sáng tác của Du Tử Lê rất đa dạng, bao gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, hồi kí, truyện thiếu nhi và thơ. Trong khuôn khổ luận văn này, người viết sẽ chỉ tập trung nghiên cứu đặc điểm tư duy thơ Du Tử Lê trong những sáng tác của ông trước năm 1975. Cụ thể là 5 tập thơ đã xuất bản trong nước:

 

1. Thơ Du Tử Lê (1964);

2. Tình khúc tháng 11 (1965);

3. Tay gõ cửa đời (1967);

4. Thơ Du Tử Lê (1967-1972);

5. Đời mãi ở phương Đông (1974).

 

Sau năm 1975, Du Tử Lê định cư ở hải ngoại. Thời gian này ông đã có một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ: Ở chỗ nhân gian không thể hiểu (1980); Đi với về, cũng một nghĩa như nhau (1991); Chấm dứt luân hồi: em bước ra (1993); Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi (1994); Thơ tình (1996); Sông núi người thơm nỗi nhớ nhà (1996); Chỉ như mặt khác tấm gương soi (1997); Hoa nào tin quả đắng đến không ngờ (1999); Vì em, tôi đã làm sa di (2001); Toàn tập thơ Du Tử Lê (1964-1975), thơ. HT Productions xb, 2002; Qua môi em: tôi thở biết bao đời, thơ thiền tính tập 2. HT Productions xb, 2004; (Nếu cần), hãy cho bài thơ một tên gọi, thơ. HT Productions xb, 2006; Toàn tập thơ Du Tử Lê II (1975-1993), thơ. HT Productions, 2007; Mất hay còn, chưa hẳn khác nhau đâu (thơ thiền tính tập 3). HT Productions, 2008; Lại chuyện vãn (lần này, ít thôi) với bệnh ung thư, thơ. HT Productions xb. (2008,...).

Những sáng tác ở hải ngoại vận động theo một hướng khác, một phần nằm ngoài quỹ đạo thơ trước giải phóng của Du Tử Lê nên người viết sẽ không khảo sát, trong quá trình nghiên cứu chỉ sử dụng để so sánh, đối chiếu, nhận diện những thay đổi trong thơ ông.

 

4. Phương pháp nghiên cứu

 

Những phương pháp chủ yếu được người viết sử dụng trong quá trình nghiên cứu bao gồm:

 

- Phương pháp lịch sử - xã hội: đặt đối tượng trong tiến trình lịch sử, chú ý đặc trưng của thể loại nghiên cứu để xem xét quá trình sáng tác qua các thời kì khác nhau của Du Tử Lê, chỉ ra sự vận động, chuyển đổi tư tưởng cũng như phương thức biểu hiện, từ đó tìm hiểu những đóng góp riêng của tư duy thơ Du Tử Lê đối với văn học nghệ thuật.

Đánh giá Du Tử Lê và các vấn đề của thơ Du Tử Lê trong sự gắn kết với hoàn cảnh của cá nhân, dân tộc và thời đại mà Du Tử Lê sống để thấy được sự tác động của lịch sử lên một đời thơ và cách thức phản ứng đặc biệt của Du Tử Lê.

 

- Phương pháp so sánh - đối chiếu: so sánh thơ Du Tử Lê với thơ của các tác giả cùng thời để tìm ra những nét chung mang tính thời đại và những nét đặc sắc, riêng biệt, độc đáo cùng những biến đổi trong tư duy thơ Du Tử Lê. Mặt khác so sánh Du Tử Lê với chính Du Tử Lê để thấy được sự đổi mới liên tục của ông trong suốt chặng đường thơ.

 

- Phương pháp phân tích tổng hợp: vận dụng những quan điểm triết học, mỹ học, tâm lý học Mác - Lênin để thấy được mối giao thoa giữa khoa học, nghệ thuật và thơ ca; từ sự phân tích cụ thể tác phẩm, người viết tổng hợp khái quát để có những kết luận khách quan, tránh những áp đặt chủ quan không bám sát văn bản thơ.

 

5. Cấu trúc luận văn

 

Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm ba chương:

 

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về tư duy nghệ thuật và quan niệm thơ của Du Tử Lê.

 

Chương 2: Cái tôi trữ tình và một số biểu tượng đặc sắc trong thơ Du Tử Lê.

 

Chương 3: Ngôn ngữ thơ Du Tử Lê

 

NỘI DUNG

 

Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TƯ DUY NGHỆ THUẬT VÀ QUAN NIỆM THƠ CỦA DU TỬ LÊ

 

1.1 Một số vấn đề lý luận về tư duy nghệ thuật

 

1.1.1 Quan niệm về tư duy

 

Tư duy là một thuật ngữ có nội hàm khá rộng. Nó không chỉ là đối tượng của triết học, tâm lí học mà còn là đối tượng nghiên cứu của nghệ thuật. Từ điển triết học (Nxb Sự thật, 1976, tr. 676) của M. Rodentan, P. Iudin định nghĩa: “Tư duy là một hoạt động nhận thức lí tính của con người. Khí quan của tư duy chính là bộ óc người với một hệ thống tinh vi của gần 16 tỉ tế bào thần kinh”. Tư duy không chỉ là một sản phẩm xã hội hay là một sản phẩm của tự nhiên mà là sản phẩm có tính tổng hòa của quá trình lịch sử nhân loại” [71, tr.16]. Đặc trưng của tư duy là phản ánh các mối quan hệ của con người đối với thế giới khách quan, quan hệ giữa con người với con người và giữa các sự vật hiện tượng. “Tư duy là kết quả phát triển của vật chất tự tổng hợp qua hàng vạn, hàng triệu năm. Sự ra đời của tư duy chính là bằng chứng về sự xuất hiện của con người... Tư duy (Pensée) là toàn bộ những hoạt động tâm lí của con người, chỉ con người mới có, đó là đời sống trí tuệ của con người” [71, tr.16]. Tư duy bắt nguồn từ tư tưởng và cuối cùng nó lại tạo ra tư tưởng. Như vậy có nghĩa là tư duy phụ thuộc rất nhiều vào tư tưởng thế giới quan, nhân sinh quan của con người, của thời đại. Vì vậy mà xã hội có tự do tư tưởng thì tư duy cũng như khả năng nhận thức, khả năng sáng tạo của con người càng được phát huy mạnh mẽ.

Tư duy được phân biệt với ý thức (conscience). Nói đến ý thức là nói đến sự “phản ánh” hiện thực của hoạt động tâm lý. Hay nói đúng hơn, ý thức là tư duy ở trạng thái tĩnh, và tư duy là ý thức ở trạng thái động, tư duy là hành động nhận thức của con người. Đặc trưng của tư duy là phản ánh các mối quan hệ của con người đối với thế giới khách quan, quan hệ con người với con người và quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng; truy tìm các mối quan hệ, biểu diễn các mối quan hệ đó bằng các phương tiện ngôn ngữ, đó là toàn bộ chức năng nhận thức của tư duy. “Cái quan trọng đối với tư duy là cái mà con người chưa biết đến” (V.I.Lênin). Tư duy và lý trí (raison) không phải là một. Nói đến lý trí là nói đến cái logic có tính nguyên tắc của nhận thức. Nói đến tư duy là nói đến sự vận động có tính tổng thể của các yếu tố tư tưởng và tình cảm, cảm xúc và lý trí nhằm mục đích nhận thức. Tư tưởng (Idée) hay còn gọi là quan niệm tư tưởng, vừa là kết quả lại vừa là xuất phát điểm của tư duy. Quan hệ con người với con người, con người với xã hội, con người với hoàn cảnh sống... là những mối quan hệ chủ yếu tạo nên quan niệm tư tưởng ở mỗi con người. Tư tưởng, do đó, mang một nội dung quyền lợi, một nội dung tình cảm nào đó. Tư tưởng mang tính chất dân tộc, đoàn thể, quốc gia, tính giai cấp, nghĩa là mang tính chủ quan hơn so với tư duy. Tư tưởng nằm ở phạm trù nội dung, tư duy nằm ở phạm trù phương pháp. Điều này có thể hiểu là, nếu phương pháp tư duy đúng mà quan niệm tư tưởng sai thì càng ngày càng dẫn sâu vào sai lầm.

 

Nói đến tư duy là nói đến những hoạt động của bộ óc người ở trạng thái sống động của nó. Tư duy nảy sinh từ sự sống và gắn liền với hoạt động của các tế bào não. Đó là một quá trình xử lý lượng thông tin do các khí quan cảm giác thu nhận được. Trong lịch sử phát triển của con người, sự hình thành và phát triển của tư duy gắn làm một với sự hình thành và phát triển của chủ thể. “... phán đoán đầu tiên của sự sống là ở chỗ, với tư cách là chủ thể cá thể, sự sống tách mình ra khỏi tính khách quan” (Kharatrenco M.B. Sáng tạo nghệ thuật Hiện thực Con người. Tập I, II. Nxb Văn học H, 1985. tr. 216).

 

Nói đến “sự sống” trong vận động tư duy chính là nói đến cơ sở sinh lý của tư duy. Yếu tố “sống” đó sẽ tạo cho tư duy một thuộc tính quan trọng, đó là sự trao đổi tinh thần có tính chất giao tiếp, tính chất “cảm ứng”, “giao cảm” giữa người với người. Bởi vậy, giao tiếp ngôn ngữ là một giao tiếp có tính bề ngoài, còn trao đổi tinh thần, giao lưu tư tưởng và tình cảm là bản chất hoạt động của tư duy. Nhưng cả tư tưởng và tư duy sẽ không nảy sinh được nếu không có ngôn ngữ. Ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư tưởng. Không có ngôn ngữ thì tư duy chỉ là những dự báo mơ hồ, những phản ứng có tính bản năng trước hiện thực. Không có tư duy thì ngôn ngữ chỉ là những tiếng kêu bập bẹ của trẻ sơ sinh mà thôi. Tư duy là cho ngôn ngữ phát triển tinh xảo. Ngôn ngữ tạo điều kiện cho tư duy đi sâu được vào bản chất của sự vật hơn” [71, tr.19].

 

Tư duy khoa học không đồng nhất với tư duy logic, nó là biểu hiện của tư duy logic ở trình độ cao và thể hiện ở một ngành chuyên môn nhất định. Nghĩa là, có những khi tư duy logic không biểu hiện một nội dung khoa học nào cả, nó mới là logic giản đơn, hình thức. Ngược lại, có những trường hợp cá biệt, tư duy khoa học không phản ánh cái lý luận thông thường mà tưởng như là cái “siêu logic” - đó là ở những phút giây sáng tạo đột biến do trực giác nhà khoa học nắm bắt một cách ngẫu nhiên.

 

Tư duy nghệ thuật là sự vận dụng trực tiếp phương pháp tư duy hình tượng vào trong các ngành nghệ thuật khác nhau.

 

Có thể nghiên cứu tư duy logic và tư duy hình tượng để giải quyết các vấn đề thuộc về tư duy khoa học và tư duy nghệ thuật. Có thể coi tư duy khoa học với tư duy logic, tư duy nghệ thuật với tư duy hình tượng như là những cặp khái niệm tương đương nhưng không đồng nhất với nhau. Tư duy nghệ thuật mang tính chủ quan còn tư duy khoa học mang tính khách quan. Tư duy logic và tư duy hình tượng khi đạt tới đỉnh cao thì có thể gặp nhau ở tầm bao quát và sinh động của nó.

 

Tư duy logic biểu hiện rõ nhất trong tư duy toán học và tư duy lý luận. Phương pháp tư duy logic thường thoát khỏi những biểu tượng trực quan mà chủ yếu là vận dụng khái niệm. Tư duy toán học, tư duy logic làm biến đổi các mối quan hệ đã biết để đi tìm các mối quan hệ mới giữa các khái niệm, các đại lượng.

 

Tư duy hình tượng không đồng nhất với tư duy nghệ thuật. Nghệ thuật có tính hình tượng nhưng hình tượng không chỉ ở trong nghệ thuật. Ở tư duy hình tượng, các biểu tượng trực quan do quá trình quan sát thu nhận được là công cụ trực tiếp của tư duy. Tư duy hình tượng là quá trình khôi phục các biểu tượng trực quan, sáng tạo ra các biểu tượng mới và thể hiện dưới một hình thức cụ thể.

 

1.1.2. Quan niệm về tư duy nghệ thuật, tư duy thơ

 

Hoạt động nghệ thuật là hoạt động chiếm lĩnh thế giới bằng hình tượng, tư duy nghệ thuật là một bộ phận của hoạt động ấy nhằm khái quát hóa hiện thực và giải quyết nhiệm vụ thẩm mĩ. Tư duy nghệ thuật vì thế lấy phương tiện tư duy là các biểu tượng, tượng trưng có thể trực quan được với cơ sở là tình cảm, xúc cảm của người nghệ sĩ, thông qua trí tưởng tượng phong phú và sự liên tưởng tinh tế mà người nghệ sĩ sáng tạo nên những hình tượng, biểu tượng mới. “... tồn tại là nội dung của tư duy nhưng “hình thức” của nó thuộc về chủ thể sáng tạo. Đối với tư duy khoa học thì “hình thức” ấy đã được khách quan hóa theo quy luật vận động của khái niệm và quan hệ logic giữa các khái niệm. Đối với tư duy nghệ thuật “hình thức” ấy là sự biểu hiện trực tiếp của quan niệm về vũ trụ, nhân sinh và trình độ văn hóa của người sáng tạo” [71, tr.55]. “Tư duy nghệ thuật đòi hỏi một ngôn ngữ nghệ thuật làm “hiện thực trực tiếp” cho nó. Ngôn ngữ đó là hệ thống các kí hiệu nghệ thuật, các hình tượng, các phương tiện tạo hình và biểu hiện. Nó có mã nghệ thuật, tức là hệ thống năng động gồm các quy tắc sử dụng kí hiệu để gìn giữ, tổ chức và truyền đạt thông tin. Điểm xuất phát của tư duy nghệ thuật vẫn là lí tính, là trí tuệ có kinh nghiệm, biết nghiền ngẫm và hệ thống hóa các kết quả nhận thức. Đặc điểm của tư duy nghệ thuật là tính lựa chọn, tính liên tưởng, tính ẩn dụ. Trên cơ sở của tư duy nghệ thuật người ta tạo ra các tư tưởng và quan niệm nghệ thuật, lựa chọn các phương tiện, biện pháp nghệ thuật. Dạng tư duy này chỉ phát huy hiệu quả khi gắn với tài năng biết cảm nhận một cách nhạy bén về viễn cảnh lịch sử, nắm bắt tinh thần thời đại, dự báo tương lai và tài năng sáng tạo nghệ thuật” [24, tr.382]. Tư duy nghệ thuật vì vậy gắn liền với quá trình sáng tác, bị chi phối bởi tư tưởng, quan niệm của từng nhà văn, từng thời đại, đồng thời nó cũng thể hiện cách nhìn, cách khái quát hiện thực của riêng nhà văn, thể hiện bản sắc, cá tính sáng tạo của nhà văn. Ở một góc độ nào đó thì tư duy nghệ thuật có sự giao cắt và làm nên phong cách nghệ thuật của nhà văn.

 

Nói về phong cách học, Khrachenko cho rằng: “Cái chính ở đây là làm sao xác định được những kiểu tư duy nghệ thuật, những con đường và hình thức sáng tạo hình tượng” của nhà văn. Tìm hiểu tư duy nghệ thuật của nhà văn là bước đầu tiên trong hành trình đi tìm phong cách nghệ thuật của nhà văn đó. Chính bởi sự phụ thuộc sâu sắc của tư duy nghệ thuật vào thế giới quan, nhân sinh quan của nhà văn và tinh thần thời đại nhà văn đó sống nên việc tìm hiểu tư duy nghệ thuật của một tác giả cụ thể cần bắt đầu từ việc tìm hiểu đặc trưng tư duy của chủ thể trong thời đại cụ thể và quan niệm nghệ thuật của nhà văn và thời đại đó. Khi đã chỉ ra được kiểu tư duy của tác giả thì bước tiếp theo là chúng ta chứng minh nó qua các biểu hiện cụ thể như sự sáng tạo biểu tượng, cách thức sử dụng ngôn ngữ và những lối biểu hiện khác, từ đó bước đầu có thể chỉ ra phong cách tác giả.

 

Tư duy thơ là một phương thức biểu hiện của tư duy nghệ thuật, nhưng nó mang trong mình một khả năng biểu hiện phong phú nhờ khả năng biểu hiện của ngôn ngữ thơ phong phú và đa dạng. Phương tiện ngôn ngữ của tư duy thơ là một phương tiện giao tiếp có tính xã hội hóa cao độ. Cho nên thơ có thể biểu hiện được nhiều tâm trạng, nhiều dạng cảm xúc, nhiều nội dung cụ thể và trực tiếp.

Đặc điểm quan trọng nhất của tư duy thơ là sự thể hiện của cái tôi trữ tình, cái tôi cảm xúc, cái tôi đang tư duy. Cái tôi trữ tình trong thơ được biểu hiện dưới hai dạng chủ yếu là cái tôi trữ tình trực tiếp và cái tôi trữ tình gián tiếp. Thơ trữ tình coi trọng sự biểu hiện cái chủ thể đến mức như là nhân vật số một trong mọi bài thơ.

 

Tuy nhiên, do sự chi phối của quan niệm thơ và phương pháp tư duy của từng thời đại mà vị trí của cái tôi trữ tình có những thay đổi nhất định.

 

Tư duy thơ phản ánh những tình cảm cộng đồng và tư duy thời đại. Về mặt nội dung nhận thức, có thể coi tư duy thơ là biểu hiện cụ thể và sinh động của những tư tưởng triết học, chính trị, đạo đức dưới dạng phổ biến nhất của một cộng đồng người.

 

So với tư duy logic thì tư duy hình tượng có được một phạm vi rộng rãi hơn cho sự liên tưởng và quyền tưởng tượng của người sáng tạo. Tư duy thơ chấp nhận một khả năng tưởng tượng dường như vô tận của nhà thơ. Khả năng tưởng tượng của tư duy khoa học là ở chỗ trừu tượng hóa, vô hình hóa các sự vật và hiện tượng. Còn nhà thơ thì cụ thể hóa, hình tượng hóa hiện thực khách quan theo một đường dây liên tưởng.

 

Đối với sáng tác thơ, trí tưởng tượng tạo nên tứ thơ, ý thơ và cả lời thơ. Khi mục đích biểu hiện thay đổi thì liên tưởng thay đổi theo. Liên tưởng trong thơ càng đa dạng thì biểu tượng càng sinh động, nhận thức càng sâu sắc. Trong quá trình sáng tạo, tư duy nghệ thuật chứa đựng nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Logic thi ca gắn liền với các yếu tố ngẫu nhiên, phi lý tính. Cái tất yếu trong mục đích biểu hiện, trong nội dung tư tưởng và ý đồ sáng tác đã không gạt bỏ cái ngẫu nhiên mà là sự tập hợp ngẫu nhiên theo logic chủ quan. Logic chủ quan bao hàm cả cái hợp lý và cái phi lý, cả lý trí và tình cảm, cái ngẫu nhiên và cái tất yếu.

 

Tư duy thơ là sự khôi phục và sáng tạo nên các biểu tượng trực quan để biểu hiện tư tưởng và cảm xúc, nhưng không phải do nhận thức cảm tính quyết định, mà nó theo logic chủ quan của tác giả. Logic chủ quan vừa phản ánh cái logic khách quan vừa bao hàm một ý nghĩa tự do của hoạt động tinh thần, hoạt động tình cảm. Nghĩa là nó không phản ảnh cái logic khách quan một cách máy móc và trực tiếp mà phản ánh cái yếu tố tâm lý. Tư duy thơ tạo cho ta thêm một biểu tượng mới về sự vật, hiện tượng. Hành trình của trí tưởng tượng mang tính chất ngẫu nhiên bao nhiêu về mặt hình ảnh trực quan, thì mang tính chất tất yếu bấy nhiêu về mục đích biểu hiện.

 

Tư duy thơ đối với nhà thơ là việc làm thơ. Nhà thơ sử dụng ngôn ngữ để tạo ra những sản phẩm cũng bằng ngôn ngữ. Vậy nên, ngôn ngữ đối với nhà thơ vừa có ý nghĩa phương tiện, vừa có ý nghĩa mục đích. Nhà thơ vừa là người thiết kế, vừa là người thi công cho ngôi nhà của mình.

 

Tư duy nghệ thuật nói chung, tư duy thơ nói riêng gần với đời sống hiện thực hơn so với tư duy khoa học vì tính chất trực quan của các biểu tượng. Do tính chất lý tính của loại chất liệu ngôn ngữ, tư duy thơ đòi hỏi các biểu tượng phải cụ thể và sinh động.

 

Tư duy thơ nói riêng cũng như lao động trí óc nói chung đều để lại trong sản phẩm của nó dấu ấn của một cuộc hành trình của trí tưởng tượng. Tư duy thơ là tư duy sáng tạo trong một trạng thái đầy cảm hứng.

 

Tư duy thơ có khả năng hướng nội, hướng ngoại và kết hợp giữa hướng nội và hướng ngoại. Tư duy thơ hướng ngoại: là nhằm vào đối tượng miêu tả, trình bày nó dưới ánh sáng của quan niệm thẩm mĩ. Tư duy thơ hướng nội: tác giả tự nghĩ về mình, tự quan sát và biểu hiện cái tôi nội cảm của mình. Tư duy hướng nội là hướng nhận thức quan trọng của thơ trữ tình. Tư duy thơ vừa hướng nội, vừa hướng ngoại: tác giả nhân danh một nhân vật trữ tình nào đó, nhân danh một cái ta rộng lớn, nhưng không dấu mình hoàn toàn mà hiện ra khi thì trực tiếp, khi thì gián tiếp. Có khi như là một người trong cuộc, người chứng kiến, có khi hòa lẫn với nhân vật trữ tình thứ hai.

Tư duy thơ cũng như các hình thức tư duy nghệ thuật khác đều sử dụng những biểu tượng mang tính trực quan nhưng điểm khác biệt là ở chỗ:

 

1. Trong thơ, các biểu tượng trực quan được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ có tính kí hiệu, phi vật thể. Tác phẩm văn học chỉ tồn tại trên cơ sở tiếng nói và chữ viết của một cộng đồng người. Đối với cộng đồng khác thì nó hầu như không có giá trị nếu không được phiên dịch ra. Điều này khác với hội họa, âm nhạc...

 

2. Trong thơ ca, luôn tồn tại cái tôi trữ tình dù trực tiếp hay gián tiếp. Các lĩnh vực khác (nhiếp ảnh, họa sĩ, điêu khắc...), người sáng tạo chỉ để lại dấu ấn có tính chất phong cách, phương pháp. Có chăng, khi họ lấy bản thân làm đối tượng thì mục đích chính là tự thuật chứ không phải là nghệ thuật.

 

Tư duy thơ là kiểu tư duy nghệ thuật ngôn từ, nhưng nó khác với văn xuôi và văn bản kịch ở chỗ: tự sự đòi hỏi tư duy tuân theo “lẽ phải thông thường”, nghĩa là về mặt liên kết văn bản nhận thức phải đảm bảo tính thuần tự. Sự vận động của ngôn ngữ phải đảm bảo tính liên tục, tính tiếp nối của logic nội dung. Còn trong thơ, sự vận động của ngôn ngữ không nhất thiết phải tuần tự mà có thể nhảy vọt do liên tưởng của nhà thơ. Đồng thời, sự vận động của ngôn ngữ thơ phải tuân theo truyền thống thể loại với những yêu cầu về nhịp, về nhạc, về hình thức văn bản...

 

Tư duy thơ thường được biểu hiện thành từng dòng phát ngôn trên văn bản và từng quãng ngắt hơi trong khi đọc. Như vậy, sự tồn tại của dòng thơ đã làm ảnh hưởng đến tư duy thơ, tính nhạc điệu của ngôn ngữ cũng chi phối tư duy thơ. Sự ngắt dòng tạo ra cảm giác đứt đoạn, không liên tục của mạch tư duy theo từng ý nghĩ riêng lẻ. Thơ tự do về liên tưởng, tưởng tượng nhưng phải theo một hình thức ngôn ngữ loại hình nhất định của thể thơ. Tư duy thơ bị chi phối bởi một số tiêu chỉ có tính hình thức: yêu cầu về liên kết vần và liên kết ý.

 

Tư duy thơ trước thời phong kiến: thơ ca hết sức tự do, chưa có vần luật, thơ không đạt được trình độ nghệ thuật cao. Trải qua một thời gian dài, thơ ca bác học đã dần dần hình thành. Thơ từ chỗ rất tự do, phóng túng đã định hình dần về loại thể. Tư duy thơ thời kỳ hưng thịnh của xã hội phong kiến là sự sáng tạo có tính chất bắt chước, sáng tạo theo khuôn mẫu của cổ nhân. Tư duy thơ từ chỗ tự do vận động và phát triển theo dẫn dắt của trí tưởng tượng đã đi đến chỗ vận động theo những lối mòn định sẵn. Hành trình của trí tưởng tượng từ chỗ là chọn lọc hình ảnh một cách hồn nhiên, ngẫu nhiên nay lại phải triển khai theo hướng tất yếu. Tư duy hình tượng đã thiên về tư duy logic. Sự gò bó về hình thức đã dẫn đến sự hạn chế các tài năng thi ca, là vật cản đối với trí sáng tạo.

 

Tóm lại, tư duy thơ là sự khôi phục và sáng tạo ra các biểu tượng trực quan, vai trò của nhận thức cảm tính là vô cùng quan trọng nhưng không phải quyết định. Những quan niệm về thơ, về nhân sinh, về thời đại sẽ làm cho nhà thơ chú ý nhiều hơn đến loại biểu tượng này hay loại biểu tượng khác. Tìm hiểu tư duy thơ là tìm hiểu sự vận động của hình tượng thơ.

 

1.2. Nhà thơ Du Tử Lê

 

Năm 1942, tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, trong hoàn cảnh sục sôi của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy cam go, Lê Cự Phách ra đời. Du Tử Lê là bút hiệu của ông sau này. Du Tử Lê là con út của ông Lê Đình Vỹ, một thầy khóa nổi tiếng đẹp trai và có giọng nói bình văn lôi cuốn, ông mở lớp dạy học tại gia. Mẹ Du Tử Lê là bà Hoàng Thị Lan, người tỉnh Hà Đông. Bà sinh nở tất cả 11 lần, nhưng cuối cùng còn lại Du Tử Lê và hai người anh: Lê Đình Quỳnh (tức nhà văn Lê Vương Ngọc), Lê Đình Dư và một người chị là Lê Thị Băng Tâm. Những người anh và chị khác của Du Tử Lê đã chết khi còn nhỏ hoặc trong chiến tranh.

 

Năm 1954, sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ được kí kết, đất nước Việt Nam bị chia cắt với hai chế độ: Miền Bắc lập chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Miền Nam do Ngô Đình Diệm lãnh đạo, lập chính phủ Việt Nam cộng hòa, theo chế độ cộng hòa. Bước ngoặt lịch sử quyết định khúc rẽ của cá nhân, Lê Cự Phách lúc này cũng không phải ngoại lệ. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An (Quảng Nam), sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, trường Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa.

 

Lê Cự Phách làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Như có lần ông đã tâm sự khi trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam hải ngoại: “... tôi tìm đến với thơ rất sớm, khi mới 10 tuổi, có dễ chỉ vì đời sống ấu thơ của tôi nó quá lẻ loi, nó quá cô quạnh”. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Lê Cự Phách bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài Bến tâm hồn, đăng trên tạp chí Mai.

Du Tử Lê từng là sĩ quan của Quân lực Việt Nam cộng hòa, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân lực Việt Nam cộng hòa), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn.

 

Năm 1973 tại Sài Gòn, ông được trao Giải thưởng Văn chương toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972. Với giải thưởng này, Du Tử Lê chịu không ít những đánh giá, khen chê từ phía độc giả và giới phê bình văn học nghệ thuật. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh - tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam đã viết một bài rất dài cho đọc trên đài phát thanh Hà Nội trong đêm giao thừa năm đó, để lên án thi phẩm Thơ Du Tử Lê. Hoài Thanh đã không ngần ngại gọi Du Tử Lê là nhà thơ tư bản, và kết án Du Tử Lê là “nhận tiền của Mỹ ngụy dùng văn thơ lãng mạn để làm giảm sút tinh thần chiến đấu của thanh thiếu niên miền Nam Việt Nam”.

 

Đầu năm 1973, nhà văn Lê Huy Oanh, có viết một bài phê bình khá dài về cuốn thơ ấy, đăng tải trên tạp chí Văn Học, Sài Gòn, thời đó. Trong đó có một số điểm đáng chú ý là chủ tâm đổi mới thể lục bát và chủ tâm gia tăng nhạc tính cho thể thơ tự do. Tuy nhiên, có một điểm rất quan trọng (theo quan điểm Lê Huy Oanh) là nỗ lực thi ca hóa, hay quần chúng hóa những danh từ, những hình tượng thuộc về đạo Thiên Chúa, mặc dù Du Tử Lê không phải là một Ky Tô hữu.

 

Tờ Thái Bình số đề tháng 12 năm 1975, xuất bản tại California, một lần nữa lại nêu đích danh và trích dẫn thơ Du Tử Lê để kết luận rằng Du Tử Lê là một trong vài nhà thơ miền Nam chủ tâm dùng thơ văn để ru ngủ tâm hồn thanh thiếu niên miền Nam, khiến cho họ sao nhãng “tinh thần chống Mỹ cứu nước”. Trong khi đó, trên thực tế, thơ Du Tử Lê không chỉ gây ảnh hưởng mạnh mẽ ở miền Nam Việt Nam mà ảnh hưởng này còn lan tràn mạnh mẽ ở cả miền Bắc nữa. Sau tháng 4 năm 1975, toàn bộ tác phẩm của Du Tử Lê bị cấm lưu hành ở Việt Nam.

 

Thơ Du Tử Lê được in trong cuốn sách Understanding Vietnam của Giáo sư, Tiến sĩ Neil L. Jamieson. Cuốn sách này do đại học Berkeley, xuất bản từ năm 1992, bản paperback in năm 1994, được dùng làm sách giáo khoa ban cao học văn chương, tại các đại học Berkeley, UCLA ở Hoa Kỳ, Đại học Cambridge ở Luân Đôn.

 

Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt trận giải phóng miền Nam vì có thái độ chống đối cộng sản quyết liệt. Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ.

Hiện ông đang sống ở miền Nam California, tiếp tục nghề viết văn và là nhân viên khế ước của đài tiếng nói Hoa Kỳ từ năm 1996. Ông cũng từng là chủ nhiệm các báo Việt ngữ Nhân chứng, Tay Phải và Văn nghệ ở Hoa Kỳ.

 

Như vậy, có thể khẳng định: Du Tử Lê là một chiến sĩ Ngụy quyền, thuộc về “phe kia” trong cuộc chiến chống Đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu thơ ca của một nhà thơ “phản cách mạng”, ở đây chúng tôi đặt ra hai vấn đề:

 

Thứ nhất, vấn đề thuộc về “hoàn cảnh”. Những năm 60 của thế kỷ XX là những năm tháng cam go, đầy thách thức của lịch sử. Cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam chống Mỹ. Hệ tư tưởng của hai miền cũng khác nhau. Ở miền Bắc hệ tư tưởng có phần ổn định hơn. Trong khi đó, miền Nam chịu ảnh hưởng ồ ạt của các trào lưu tư tưởng Tây phương. Sự lựa chọn của con người khốc liệt hơn. Con người bị đặt trong những tình huống buộc phải lựa chọn “bên này” hoặc “bên kia”. Có những người đã đi theo cộng sản, chống Mỹ cứu nước. Cũng có người lựa chọn (hoặc buộc “bị lựa chọn”) làm những người lính Ngụy. Suy cho cùng, sự lựa chọn ấy tùy thuộc vào nhận thức, tầm suy nghĩ của mỗi người. Với Du Tử Lê, đi theo chế độ cộng hòa cũng là một sự lựa chọn bắt buộc thuộc về nhận thức và lịch sử.

 

Thứ hai, ở đây chúng tôi chỉ xem xét Du Tử Lê ở khía cạnh “con người thơ ca”. Về mặt chính trị, Du Tử Lê là người thuộc “phía bên kia”. Và “con người thơ ca” dù muốn hay không, dù ít dù nhiều cũng đều chịu ảnh hưởng của “con người chính trị”. Mặc dù vậy, (tuy không loại trừ) nhưng chúng tôi cố gắng hạn chế tối đa những phần thuộc về phát ngôn chính trị trong tác phẩm thơ Du Tử Lê. Chúng tôi cố gắng bám sát văn bản thơ để có thể hiểu phần nào cách cảm, cách nghĩ của Du Tử Lê. Chính vì Du Tử Lê là một người lính Ngụy, chính vì Du Tử Lê là người đã cầm súng chống lại đồng bào mình mà người viết càng muốn tìm hiểu thơ ca của ông, để xem dưới nhãn quan của một con người như thế thì cuộc sống, cuộc chiến, tình yêu hiện lên như thế nào; để có cái nhìn sinh động hơn, đa chiều hơn, nhân bản hơn về cuộc sống, chiến đấu của dân tộc ta trong những năm tháng quyết liệt của lịch sử.

 

1.3. Quan niệm nghệ thuật của Du Tử Lê

 

Quan niệm nghệ thuật là một khái niệm đã được sử dụng khá phổ biến trong phê bình nghiên cứu văn học. Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Quan niệm nghệ thuật chính là nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó. Là sự miêu tả hữu hạn của thế giới vô hạn là cuộc đời, hình tượng văn học phải được mở đầu và kết thúc ở đâu đó, con người và cảnh vật phải được nhìn ở giác độ nào đó. Để tái hiện cuộc sống con người, tác giả phải hiểu cách họ giao tiếp với nhau, với thế giới và với bản thân, cách họ sống, hành động và suy nghĩ, điều họ quan tâm và không quan tâm trong cuộc đời. Tổng hợp tất cả mọi điều đó tạo thành cái mô hình nghệ thuật về thế giới và con người bao quát mà tác giả xuất phát để khắc họa hình tượng của những con người và số phận cụ thể, tổ chức quan hệ của các nhân vật, giải quyết xung đột, xây dựng kết cấu tác phẩm. Quan niệm nghệ thuật thể hiện cái giới hạn tối đa trong cách hiểu thế giới và con người của một hệ thống nghệ thuật, thể hiện khả năng, phạm vi, mức độ chiếm lĩnh đời sống của nó”. [24, tr.273, 274]. Tinh thần cơ bản của khái niệm quan niệm nghệ thuật chính là ở sự cắt nghĩa, lý giải hiện thực của nhà văn trong tác phẩm, khái niệm này cho chúng ta thấy rõ nhà văn ở phương diện nhận thức, thế giới quan. Mỗi nhà văn, khi sáng tạo, dù tuyên ngôn hay im lặng, đều viết dưới ánh sáng của một quan niệm nghệ thuật nào đó. Quan niệm này chi phối trực tiếp tư duy nghệ thuật, khúc xạ lên những hình ảnh, biểu tượng, nhân vật và in dấu vào ngôn ngữ. “Quan niệm nghệ thuật là hình thức bên trong của sự chiếm lĩnh đời sống, là sự quy chiếu ẩn chìm trong hình thức nghệ thuật, nó gắn với các phạm trù phương pháp sáng tác, phong cách nghệ thuật, làm thành thước đo của hình thức văn học và là cơ sở của tư duy nghệ thuật” [24, tr.275].

 

Không khí tự do, dân chủ nhất định về văn hóa của miền Nam những năm 1954 - 1960 tạo điều kiện cho những người trí thức trẻ ham mê sáng tạo được thỏa sức bộc lộ mình. Nhưng bên cạnh đó, những mất mát, chia lìa từ chiến tranh, chia cắt và chết chóc cũng không làm nguôi lòng người thi sĩ. Đô thị lúc đó khiến ta liên tưởng đến nước Nhật thời hậu chiến với những dư âm khủng hoảng, đớn đau, với những câu hỏi về số phận con người. Xã hội tan tác, rã rời trong tay những kẻ mưu đồ trong và ngoài nước, mạng sống con người bị coi là cỏ rác. Trong guồng máy chiến tranh, thân phận con người đặt bên hố tuyệt vọng giữa sự sống - cái chết. Tất cả mọi giá trị truyền thống đều bị đem ra thử thách, để rồi bị gạt sang một bên. Với Du Tử Lê, trước những biến cố của thời đại, của hoàn cảnh lịch sử, của chia cắt và chiến tranh khiến con người đau hơn nỗi đau của thân phận. Tiếng nói của thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung không thể giải quyết được những đòi hỏi của số phận đang đè nặng lên tâm tư của mỗi người dân. Việc tất yếu là phải thay đổi tư duy và quan niệm nghệ thuật. Ở miền Bắc, trong bài Một vài ý nghĩ về thơ (1957), Văn Cao đã tự hỏi, nhẹ nhàng và dè dặt: “Chúng ta đã đi qua một thời kỳ dài thiên về cảm xúc và một thời kỳ cảm giác. Cái thời kỳ thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu không?” [6]. Trong khi đó ở miền Nam, làn sóng cách tân nghệ thuật, đặc biệt là yêu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật trào lên một cách mạnh mẽ và sôi nổi. Du Tử Lê cũng là một nhân vật nằm trong guồng quay cách tân ấy. Những suy nghĩ độc đáo, sâu sắc, giàu tính lý luận với chất chồng những suy tư của ông về việc làm thơ, viết văn đã được bày tỏ trực tiếp qua những lần ông được phỏng vấn, hoặc gián tiếp qua tác phẩm của mình.

 

Giai đoạn sau những năm 1955, ở miền Bắc, phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ra đời với ý thức cải tạo toàn diện đời sống con người, dân chủ hóa đất nước và tự do sáng tác. Riêng trong địa hạt thi ca, những nhà thơ như Hoàng Cầm Trần Dần và Lê Đạt còn muốn đoạn tuyệt với thơ mới để bước vào thơ hiện đại. Nhưng họ thất bại và Nhân Văn Giai Phẩm nhanh chóng bị dập tắt, nhường chỗ cho những vấn đề chính trị còn cấp bách lúc bấy giờ đang diễn ra ở miền Bắc. Trong khi đó, văn nghệ miền Nam phát triển trong không khí tự do, cởi mở hơn nhiều. 20 năm văn học này có sự đóng góp của nhiều nhóm văn nghệ, nhiều trào lưu tư tưởng tập trung ở các tạp chí như Sáng tạo, Quan điểm, Văn hóa ngày nay, Nhân loại, Văn đàn, Bách khoa, Văn học,... với những gương mặt tiêu biểu như: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Văn Trung, Trần Dạ Từ... Vào giai đoạn đầu 1954 - 1963, một nền văn nghệ tự do sinh hoạt trong một không khí văn hóa, tin tưởng, thì đến giai đoạn sau 1954 - 1975, văn nghệ đa dạng hơn nhưng cũng đa tạp hơn. Riêng trong lĩnh vực thơ ca. “Thơ miền Nam hôm nay đã bước vào những chân trời khác: xã hội, tuổi trẻ, chiến tranh, chính trị, suy tưởng về triết học. Thi ca thời này đã dẫm ra ngoài khung cảnh cũ người ta vốn ấn định sẵn tại nước mình: khung cảnh trưởng giả, đài các, mơ mộng, ảo tưởng. Thơ miền Nam từ 1954 đã có sắc thái biệt lập với tất cả thời kỳ khác, sắc thái thực tiễn và siêu hình” [48]. Mai Thảo phát biểu: “ Văn học nghệ thuật mặc nhiên không thể còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân Thu, những luận đề Tự Lực... Những trào lưu cạn dòng phải nhượng bộ dứt khoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế... Cái vấn đề lớn nhất của chúng ta bây giờ, trước sau vẫn là phải làm sao đoạn tuyệt được hoàn toàn với những ám ảnh và những tàn tích quá khứ... Công tác chặt đứt với những trói buộc cũ phải được đặt lên hàng đầu... và thơ bây giờ là thơ tự do” [Dẫn theo Thụy Khê, Cấu trúc thơ, http://thuykhe.free.fr/stt/s/chuong12.html].

 

Du Tử Lê và thế hệ ông là lớp người đã kinh qua những biến động dữ dội của đời sống dân tộc: tổng khởi nghĩa và cách mạng tháng Tám 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng thời thể nghiệm rõ hơn bao giờ hết sự khốc liệt của chiến tranh. Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, những va đập của thời đại đã đưa cuộc đời Du Tử Lê tới những bước ngoặt khác nhau. Với người thanh niên trẻ Du Tử Lê, nỗi đau về chia cắt, về thân phận còn nhức nhối hơn bao giờ hết khi ông là chứng nhân trực tiếp của cuộc di dân lịch sử hơn một triệu người từ Bắc vào Nam. Từ giã quê hương sau lưng, vào Nam, đã là một điều đau đớn, đã là một đoạn đường chia ly. Nhưng lớn lao và ảnh hưởng lớn hơn cả là sự trống trải tâm hồn.

 

Về nguyên do đến với thơ ca, Du Tử Lê chia sẻ nhân thời điểm đánh dấu chặng đường năm mươi năm sáng tác thi ca của ông: “Tôi là người có sáu ngón tay. Tôi bị tật ở bàn tay phải. Tuổi nhỏ của tôi rất cô độc. Tôi sống rất nhút nhát. Chắc vì thế thành ra tôi tìm trong sách vở, trong văn chương để xoa dịu sự cô đơn của mình” [7]. Với Du Tử Lê: “Chọn lựa đến với văn học nghệ thuật là một chọn lựa hoàn toàn tự do, tự do tới tuyệt đối. Bởi vì không một ai bắt chúng ta phải trở thành thi sĩ, hay ca sĩ, nhạc sĩ. Như chúng ta hoàn toàn tự do tìm tới một tín ngưỡng vậy. Và... có hàng trăm con đường, ngõ ngách khác nhau, để đến với văn học nghệ thuật. Có người đến với văn nghệ để tìm lợi nhuận. Có người đến với văn nghệ như đi tìm một phương cách cứu rỗi chính mình. Ngay tự khởi đầu, tôi đã chọn lấy cho mình con đường thứ hai. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bị thiệt thòi, bị đối xử bất công hết” [63]. Tuổi thơ của Du Tử Lê chịu nhiều thiệt thòi, cay đắng như bao đứa trẻ thời ấy khi không được sống trong không khí thanh bình, êm ả. Đó là thời của chiến tranh, chạy loạn, chạy giặc, tản cư, di cư, chia lìa, chết chóc... Du Tử Lê rất ít bạn vì mặc cảm sáu ngón tay. Nỗi trống trải trong tâm hồn cứ ngày một nhân lên khi những người anh, người chị lần lượt mất vì bệnh tật, chiến tranh. Những biến cố lịch sử của dân tộc thời đại cùng những mất mát trong gia đình đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn cậu thiếu niên Lê Cự Phách thời ấy. Du Tử Lê viết: “tôi lớn lên trong vỏ ốc cuộn tròn / triền nước mặn ướp xác thân nhăn nheo / cơn nước rút về phía sau thành phố ghẻ lở / tôi làm người tôi khốn khổ từ đây / rồi ngày tháng mưa bay mắt cuồng tuyệt vọng / vỏ ốc vỡ tôi trần truồng trong ánh sáng chiến tranh” (Phù sa - Tình khúc tháng mười một). Và có lẽ những điều ấy đã đưa Lê Cự Phách đến gần hơn với thơ ca nghệ thuật. Ông tâm sự: “Tôi chỉ viết khi bị thôi thúc, bức bách bởi một lực vô hình. Và khi viết, tôi chỉ nghĩ đến tôi, đến một vài người nào đó. Không hề có đám đông trong lúc tôi viết... Tôi làm thơ hay viết văn, trước nhất, cho chính tôi; và nhiều lắm là một, hai người nào đó... Nói cách khác, tôi không có một tham vọng, dù nhỏ hay to lớn nào về những gì tôi viết xuống” [55]. Trong lời tựa tập Thơ Du Tử Lê 1967 - 1972, Du Tử Lê tâm sự rất thành thật: “Tôi làm thơ vì những hạnh phúc không đạt được, nếu hiểu hạnh phúc là mục đích cuối cùng của đời người. Do đó thơ tôi là những khúc-ca-ngắn cho một-mình hay cho hai-người” [46]. Sau này, sau những biến cố của cuộc đời, khi đã định cư tại hải ngoại, Du Tử Lê đã có cái nhìn chất chứa suy tư hơn về thơ ca và cuộc đời: “Với cá nhân tôi thôi, ngày nào bạn còn thấy sự rộn rã nỗi nhớ quê hương, lòng thương yêu tổ quốc ở xa của mình; ngày nào bạn còn rung động, còn xốn xang ruột gan trước một người khác phái, trước những cảnh đời diễn ra quanh bạn, thì ngày đó, bạn còn đề tài, bạn còn viết được, dù bạn bao nhiêu tuổi. Vấn đề không phải người ta bao nhiêu tuổi, mà vấn đề ở chỗ trái tim trong ngực ta có còn rung động? Thực sự rung động nữa hay không mà thôi” [63].

 

Du Tử Lê sống và cống hiến giữa một thời điểm “nhạy cảm” của đất nước, một nền văn học mà có nhà phê bình đã gọi nó là “văn học giữa hai cuộc di cư”, biến động của chiến tranh, của chia cắt và nỗi thống khổ của những thân phận hèn mọn. Tuy vậy, thời điểm trước 1975, thơ ca Du Tử Lê ít được nhìn nhận và đánh giá ở trong nước. Sau này, khi ông đã tỵ nạn cộng sản ở Hoa Kỳ, và sau những năm tháng dài của hai cuộc chiến tranh, chúng ta đã có cái nhìn cởi mở hơn về văn nghệ miền Nam. Và bây giờ, giới nghiên cứu đã bắt đầu đánh giá lại thơ ca Du Tử Lê, dù rằng hiện nay thi phẩm của ông vẫn chưa được công bố rộng rãi trong nước. Mặc dù có nhiều rào cản ngăn cách như vậy, nhưng nghiên cứu thơ ca hôm nay cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan hơn về con người và thơ ca của người thi sĩ nhiều “thị phi” này.

 

Du Tử Lê sáng tác rất đa dạng. Từ thơ ca, kịch, tiểu thuyết đến truyện ngắn, bút ký... Bao trùm những sáng tác của Du Tử Lê là tiếng nói của thân phận con người được soi tỏ trong chiến tranh, tình yêu và đời sống đô thị. Đó vừa là tiếng nói của con người nhược tiểu với những bi đát, phẫn nộ, cô độc, hoài nghi... vừa là tiếng nói thiết tha, khao khát, yêu thương bùng vỡ. Với những sáng tác của mình, Du Tử Lê luôn mong muốn nó “có được cái nhịp đập của trái tim, của thời đại”. Đó là lý do giải thích vì sao Du Tử Lê cũng quan niệm: “Nghệ thuật trước hết là một lối nhận thức đời sống” (Thanh Tâm Tuyền). Hẳn nhiên đó không phải là lối nhận thức giản đơn trong một trật tự được tự nhiên hóa với sự yên ổn thoải mái - sẽ dễ dàng ru ngủ con người trong những phù du, ảo vọng.

 

Du Tử Lê là một hiện tượng nhiều tranh cãi cả trong thơ lẫn cuộc sống. Để có được những giây phút hoan ca trong thơ, hẳn người thi sĩ đã phải trải qua những giây phút “hạnh phúc yêu đương và phẫn nộ”, phải đọc nhiều, đi nhiều, thấy nhiều, cảm nhiều, mơ mộng nhiều, suy nghĩ nhiều, nhớ thương nhiều... Du Tử Lê đã sống nhiều và đã trải đời sống mình ra thơ. Với quan niệm đời sống là một dòng sông chảy trôi không ngừng nghỉ, Du Tử Lê luôn mong muốn thơ ca có những bước tiến mới, thế hệ các nhà thơ sau này phải hơn hẳn thế hệ những người sáng tác trước đây. Và tất nhiên, có một Du Tử Lê khác, hơn Du Tử Lê bây giờ là một điều rất đáng trân trọng. Quan niệm ấy, tưởng chừng như Du Tử Lê có phần đề cao thái quá thơ ca của chính ông. Nhưng nếu xét trong tương quan giữa một thế hệ những người cầm bút và sự phát triển tất yếu của văn học nghệ thuật thì đó hẳn là một mong muốn chính đáng.

 

Du Tử Lê sáng tác từ rất sớm. Về ảnh hưởng của những nhà thơ tiền chiến trong thơ Du Tử Lê, ông tâm sự: “Thuở nhỏ, tôi rất mê thơ Huy Cận. Khoảng mười lăm mười sáu, tôi rất mê thơ Nguyên Sa... Tôi nghĩ rằng, trong những giai đoạn đó, tôi có bị ảnh hưởng hai người đó rất nhiều. Đôi khi tôi thấy tôi cũng có bị ảnh hưởng thơ của ông Xuân Diệu, Chế Lan Viên... Giai đoạn đó thuộc về thời niên thiếu của tôi. Nhưng tôi thích nhất và tôi nghĩ, nhiều phần, tôi chịu ảnh hưởng thơ Huy Cận, nhất là thơ năm chữ” [5]. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Du Tử Lê di cư vào Nam. Sài Gòn những năm 1956, một cách ngẫu nhiên, hội tụ những điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt nghệ thuật: cuộc di cư - đưa đến một lực lượng sáng tác chủ yếu, bối cảnh chính trị xã hội mới - đưa đến thái độ nhập cuộc, “lên đường” của nhà văn, đặc biệt ảnh hưởng của văn hóa phương Tây - mở ra những chân trời nghệ thuật mới. Những biến thiên lịch sử đó thôi thúc sự tự do sáng tác và sự trổi dậy của đổi mới tư duy văn học. Cùng với sự tự do nhất định về văn hóa và sự du nhập ào ạt của phương Tây đã khiến những người trí thức như Du Tử Lê được tiếp nhận những luồng sinh khí mới, hoàn toàn khác lạ. Ông đọc nhiều sách của phương Tây, và tiếp nhận văn học châu Âu qua nhiều nguồn khác nhau. Những tư tưởng Tây phương, bao gồm hiện sinh và siêu thực, đến với Du Tử Lê qua Nietzsche, Sartre... Cho đến bây giờ Du Tử Lê vẫn thừa nhận ông yêu thích Kahlil Gibran (1883-1931); thi sĩ, họa sĩ gốc Liban) và Boris Pastermak (1890-1960); nhà văn, nhà thơ Nga - Xô viết; đạt giải Nobel Văn chương năm 1958, Tác phẩm: Bác sĩ Zhivago (tiểu thuyết), Chị tôi-cuộc đời (thơ). Hai người này đã có ảnh hưởng sâu đậm trong thơ Du Tử Lê, nhất là những sáng tác ông viết tại hải ngoại sau này.

 

Du Tử Lê quan niệm rất đơn giản về tính thẩm mỹ trong văn chương. Ông cho rằng: “... thẩm mỹ quan trong văn chương nói chung, thi ca nói riêng, dù nhân danh điều gì (thí dụ cách tân, làm mới, thẩm mỹ quan...) thì nó cũng sẽ chỉ có ý nghĩa nếu được đám đông chấp nhận. Ngược lại, nó sẽ qua đi. Như rất nhiều trào lưu văn học, với những thẩm mỹ quan mới, đã qua đi”. Với Du Tử Lê: “Không có một tiêu chí hay tiêu chuẩn rõ rệt, dứt khoát nào dành cho lãnh vực thẩm mỹ quan trong văn chương. Nó tùy thuộc quan niệm, trình độ, cảm quan, cũng như tài năng hoặc mục đích theo đuổi của mỗi người cầm bút”. Và “cái đẹp nằm ở nơi, bạn có thật sự rung động, có thật sự tin tưởng vào hình thức hay nội dung mà bạn đã chọn lựa để chuyển tải những cảm nhận, những trăn trở nơi đáy tầng tâm, thức của bạn tới người đọc? Ngoài ra, theo tôi, tất cả chỉ là trá ngụy” [29].

 

Là một người luôn lao động miệt mài để cống hiến cho thi ca nghệ thuật, trong hành trình sáng tạo của mình, Du Tử Lê luôn cố gắng cách tân, tìm tòi cái mới. Lao động nghệ thật đối với Du Tử Lê luôn đòi hỏi sự tận tâm, tận lực, chu đáo. “Trước đấy, tôi làm thơ theo hứng, tức là khi cảm xúc đến thì tôi viết xuống. Sau này, tôi nhận thấy nếu làm như vậy, khi thơ đã in ra rồi, không sửa chữa được nữa. Nên tôi làm thơ bằng cách là khi cảm hứng đến, tôi viết xuống như một bài “nháp” thôi, hoặc khi có một ý tưởng nào đến, tôi ghi “note” lại. Sau đó nhiều tháng, có khi cả năm, hơn năm, có dịp, tôi trở lại với bài thơ đó. Khi đó, tôi mới thật sự làm bài thơ ấy. Đó là cách làm việc của tôi... đến ngày hôm nay” [7]. Văn học, nghệ thuật cũng đòi hỏi sự lao động cật lực nơi các tác giả, như những người làm công việc khác. Để có một bài thơ hay, chưa nói đến được công chúng mến mộ, ghi nhận đã là một quá trình đòi hỏi người nghệ sĩ phải thực sự nghiêm túc trong quá trình làm việc. Thơ ca cũng như con người, cần phải có “hồn tính” của nó. Một bài thơ hay là bài thơ phải có sự “chân thật”. Chân thật với những cảm xúc, rung động từ con tim. “Thơ của tôi là những lời nói thật. Nghĩa là thơ của tôi là phần kết tụ của những cảm xúc từ trái tim tôi. Cảm xúc đó, có thể khởi đi từ chính bản thân tôi, hay từ sự trải qua của những người khác”. Đó là sợi dây vô hình liên kết, nối tác giả vào với người đọc của anh ta. Quan niệm này Du Tử Lê rất gần gũi với quan niệm của Thanh Tâm Tuyền khi Thanh Tâm Tuyền đánh giá cao và có quan niệm rất rõ về tính chân thực cần phải có của tác phẩm văn học: “Người nghệ sĩ đưa sinh mệnh mình để đảm bảo sự thành thật của tác phẩm”. Tính chân thực ấy phải khởi nguồn từ hiện thực đời sống. Bởi lẽ đã qua rồi cái thời kì “thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo”, công thức và cứng nhắc, người viết văn “là người ràng buộc mật thiết với đời sống, một đời sống cụ thể hằng ngày đụng chạm quanh người hắn ngay khi hắn nhìn vào sự vật để tìm lấy cái bản thể hay đạt tới sự vĩnh viễn, cái khuynh hướng của hắn vẫn là phải chụp lấy những tình thế nhất định bằng những kinh nghiệm độc nhất”. Người cầm bút, phải gắn bó chặt chẽ với đời sống, và nắm bắt nó bằng cái kinh nghiệm độc nhất của mình, không thể vay mượn ở bất kì đâu.

 

Trong mối quan hệ nhà văn - tác phẩm - độc giả, Du Tử Lê có những quan niệm khá thú vị. Ông cho rằng một bài thơ, hay một tác phẩm, ngay khi ra khỏi tác giả, nó đã có ngay cho nó một đời sống, một định mệnh; mà tác giả, dù là ai, cũng chẳng thể can thiệp. Điều đó cũng có nghĩa là một tác phẩm khi trở thành phổ cập, nó không còn thuộc về tác giả nữa. Nó thuộc về bất cứ ai, đem lòng yêu mến, xót xa cho nó. Những quan niệm này của Du Tử Lê, từ những thập niên trước, đến hôm nay vẫn luôn mới và đúng. Và vì vậy, tác giả, hơn ai hết phải là người luôn luôn biết cách làm mới mình, cách tân thơ ca của mình, bởi lẽ “một nhà thơ hay một nhà văn, kể như đã chết, khi không làm mới được chính mình” [4].

Nổi tiếng với những sáng tác về tình yêu từ trước năm 1975, thơ tình Du Tử Lê luôn dành được sự quan tâm lớn của ông. Ở lĩnh vực này, Du Tử Lê quan niệm: “... một nhà thơ chỉ có thể sáng tác được những bài thơ tình thật hay nếu trong lòng họ lúc bấy giờ đang có một tình yêu lớn, nhất là thứ tình yêu có bóng dáng của bất an, của trắc trở’ [4]. Những bài thơ như Ơn em, Trên ngọn tình sầu, Khúc Thụy Du... nhận được sự mến mộ của không ít độc giả yêu thơ và cả những thính giả âm nhạc khi những sáng tác này được chắp thêm đôi cánh của nhạc điệu.

 

Với người nghệ sĩ, sáng tạo nghệ thuật đi liền với vinh quang nhưng bên cạnh đó lại là những rủi ro tiềm ẩn. Người nghệ sĩ đã chấp nhận mình trong “cuộc chơi” đồng nghĩa với việc phải đối mặt với những khó khăn. Trần Dần đã từng trăn trở với chính mình trong công cuộc lao động “chữ”: “Tôi muốn một thứ thơ kèm theo muôn vàn nghĩa, có buồn tủi, sầu khổ, đầm nước mắt, thơ bao trùm đất nước và thời gian, ăn lấn sang mọi thế kỉ, nhập vào cái biện chứng bao la của sự vật”. Và cái buồn tủi, sầu khổ, đầm nước mắt ấy cũng chính là những trải nghiệm mà các nhà thơ, những người nghệ sĩ phải trải qua để đi đến cái đích: Sáng tạo. Không sáng tác một cách tùy hứng, Du Tử Lê dành nhiều thời gian để suy ngẫm về văn, về đời. Những câu hỏi như văn chương là gì? Hình thức, nội dung văn chương (nhất là thi ca) đang ở đâu? Thế nào? Tuy rằng cho đến nay, thế giới chưa có trường dạy làm thơ, nhưng ta có thể quy luật hóa thi ca, như một vài chìa khóa căn bản, để mở cửa ngôi nhà ấy. Du Tử Lê hằng quan niệm yếu tính căn bản của thơ là văn phạm, văn phạm thơ. Nhưng muốn hiểu thế nào là văn phạm của thơ, trước nhất phải hiểu văn phạm bình thường, văn phạm nói chung, là gì cái đã... Sự thật thì chúng ta khó định nghĩa rõ ràng đâu là sự khác biệt giữa văn xuôi và thi ca. Nếu chúng ta lấy vần điệu để phân biệt giữa văn xuôi và thi ca thì chúng ta sẽ gặp câu hỏi là những bài thơ tự do không có vần điệu thì sao? Cho nên theo quan niệm riêng của Du Tử Lê thì: sự khác biệt giữa văn xuôi và thi ca là sự khác biệt về văn phạm. Văn xuôi có văn phạm riêng của văn xuôi, thi ca có văn phạm riêng của thi ca... Công việc viết lách thường khởi thủy từ cái gọi là năng khiếu hay thiên bẩm... Viết nhiều, viết lâu đương nhiên có kinh nghiệm. Năng khiếu cộng với kinh nghiệm viết, trải nghiệm phong phú của đời sống và một tâm hồn nhạy cảm, khát khao giao cảm với đời sẽ cho ra được những tác phẩm xứng đáng.

Trong hoàn cảnh xã hội và điều kiện thơ ca những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, giống như những người cùng thời, lúc đầu, Du Tử Lê làm thơ lãng mạn, vì ảnh hưởng văn thơ tiền chiến, thời ấy. Sau này, phong trào thơ tự do lên cao, Du Tử Lê cũng làm thơ tự do. Nhưng theo Du Tử Lê, thời khởi đầu ấy, ông không hề có một ý niệm gì về văn chương. Cũng giống như một fashion, một phong trào về quần áo, thời đó, người ta thích cái gì thì Du Tử Lê đi theo phong trào đó. Du Tử Lê cho rằng: Văn chương không phải là nơi để biểu diễn những kiến thức hay khuynh hướng của chúng ta.

 

Tiểu kết chương 1

 

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, xã hội Việt Nam hôm nay là xã hội hậu chiến, con người sau chiến tranh đã dần có cái nhìn khác đi, cởi mở hơn về một nền văn học, vốn dĩ là anh em không thể tách rời của văn học dân tộc. Những định kiến trái chiều đã dần được thay thế bởi cái nhìn khách quan, khoa học hơn về những cống hiến của các văn nghệ sĩ miền Nam cho văn học dân tộc. Việc nhìn nhận, đánh giá lại một nhà thơ, xưa nay vốn không được “coi trọng”, vốn là người đứng bên kia chiến tuyến, thiết nghĩ là việc làm cần thiết. Không phải để ngợi ca, mà quan trọng là tìm hiểu xem văn nghệ sĩ miền Nam thời ấy nhìn nhận về xã hội, về cuộc chiến tranh, về tình yêu, thân phận con người... như thế nào, để góp thêm một mảng màu vào bức tranh vốn đa màu sắc của văn học dân tộc.

Du Tử Lê với những quan niệm nghệ thuật, thơ ca khác với những văn nghệ sĩ của dòng văn học chủ lưu lúc bấy giờ, đương thời, đã chịu không ít sự từ chối, phê phán, thậm chí có người còn cho đó là lập dị, là thứ văn chương ru ngủ, làm mềm yếu tinh thần chiến đấu của thanh niên Việt Nam, là thứ thơ ca “tán gái” rởm đời. Nếu xóa bỏ định kiến và nhìn nhận khách quan hơn, hẳn ta sẽ thấy nhiều nét mới trong cả nội dung và hình thức trong thơ ca của tác giả này.

 

 

Chương 2: CÁI TÔI TRỮ TÌNH VÀ MỘT SỐ BIỂU TƯỢNG ĐẶC SẮC TRONG THƠ DU TỬ LÊ

 

2.1. Cái tôi trữ tình trong thơ Du Tử Lê

 

2.1.1. Khái niệm về cái tôi, cái tôi trữ tình trong thơ

 

Cái tôi thực chất là một khái niệm triết học (R. Descartes, G. Hegel, H. Bergson...) K. Mark định nghĩa: “Cái tôi là trung tâm tinh thần của con người, của cá tính người, có quan hệ tích cực đối với thế giới và đối với chính bản thân mình. Chỉ có con người độc lập kiểm soát những hành vi của mình và có khả năng thể hiện tính chủ động toàn diện mới có cái tôi của mình. Cái tôi có thể xem là cấu trúc phần tự giác”. Như vậy cái tôi vừa mang bản chất xã hội, có quan hệ khắng khít với hoàn cảnh, vừa mang bản chất cá nhân độc đáo. Nói về cái tôi là nói về bản chất của chủ thể trong nhận thức và sáng tạo. Nó có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật nói chung và thơ ca trữ tình nói riêng.

 

Thơ trữ tình là “thuật ngữ dùng chỉ chung các thể thơ thuộc loại trữ tình trong đó, những cảm xúc và suy tư của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống được thể hiện một cách trực tiếp. Tính chất cá thể hóa của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện là những dấu hiệu tiêu biểu của thơ trữ tình. Là tiếng hát của tâm hồn, thơ trữ tình có khả năng thể hiện những biểu hiện phức tạp của thế giới nội tâm, từ các cung bậc của tình cảm cho tới những chính kiến, những tư tưởng triết học” [24, tr.317]. Thơ trữ tình luôn gắn với cái tôi trữ tình.

 

Trong Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam, Nguyễn Bá Thành đã định nghĩa về cái tôi trữ tình một cách đầy hình ảnh: “Thơ trữ tình là những bản tốc kí nội tâm, nghĩa là sự tuôn trào của hình ảnh, từ ngữ trong một trạng thái cảm xúc mạnh mẽ của người sáng tạo. Chính vì vậy, về bản chất mọi nhân vật trữ tình trong thơ chính là những biểu hiện đa dạng của cái tôi trữ tình” [37, tr.166]. “Cái tôi trữ tình trong thơ được thể hiện dưới hai dạng thức chủ yếu là cái tôi trữ tình trực tiếp và cái tôi trữ tình gián tiếp. Thơ trữ tình coi trọng sự biểu hiện cái chủ thể đến mức như là nhân vật số một trong mọi bài thơ” (71, tr.56]. “Tuy nhiên, do sự chi phối của quan niệm thơ và phương pháp tư duy của từng thời đại mà vị trí cái tôi trữ tình có những thay đổi nhất định” (71, tr.57].

 

Trong lịch sử thơ ca đã chứng kiến sự cách tân của thơ gắn liền với sự vận động của cái tôi trữ tình. Trong thơ cổ cũng như thơ mới, cái tôi trữ tình luôn luôn chiếm địa vị hàng đầu. Nếu trong thơ cổ, “cái tôi trữ tình ẩn khuất theo lối vô nhân xưng là chủ yếu” [71, tr.166] thì khi thơ mới ra đời, cái tôi trữ tình đã giành lấy vị trí trung tâm trong mọi bài thơ, “cái tôi trữ tình luôn luôn được thể hiện dưới dạng trực tiếp. Nghĩa là đối tượng thẩm mĩ là những trạng thái khác nhau của chủ thể. Tôi vui, tôi buồn, tôi cô đơn, tôi yêu, tôi nhớ... Cái tôi ấy giãi bày, đối thoại trực tiếp với độc giả” [71, tr.166]. Nhưng đối với thế hệ thi nhân hiện đại, vị trí của cái tôi đã không còn như trước nữa. Cái tôi trở về với thân phận, với sự tiếp nhận của ý thức, thậm chí đào sâu vào cõi vô thức để tìm đến bản thể chân chính của con người. Cái tôi trữ tình trong thơ hiện đại vì vậy chân thực hơn, nhưng cũng khốc liệt hơn, nó đưa con người đối diện với chính mình trong cả những phần khuất tối nhất.

 

Cái tôi là điểm khởi đầu và cũng là điểm kết thúc của quá trình sáng tạo. Nó là linh hồn của chủ thể trữ tình. Thơ trữ tình nào cũng dựa trên sự rung động của cái tôi cá nhân, mang số phận cá tính riêng của các tình huống trữ tình. Tuy nhiên, khám phá cái tôi trữ tình trong thơ, không có nghĩa là khám phá cuộc đời tác giả. Cái tôi trữ tình tự nó là một giá trị độc lập, tự nó có một đời sống riêng độc đáo mà ngay cả các thi sĩ khi sáng tạo ra cũng không thể bao quát hết. Nhiệm vụ của người đọc là phiêu lưu cùng cái tôi đó, để tìm hiểu, cảm nhận những gì là chân thực nhất của con người, của cuộc sống được nuôi dưỡng trong thơ.

 

2.1.2. Nội dung cái tôi trữ tình trong thơ Du Tử Lê

 

Tôi có gì? tôi có được gì đâu

ngoài một sự thực

sự thực như đời tôi đạn bom

sự thực như những gì đang tàn

như tôi đang sống nhờ mượn đội lốt mang danh

những người không phải là tôi...

(Tôi, Du Tử Lê - Tình khúc tháng mười một)

 

Du Tử Lê đã viết những lời thơ như vậy trong tập Tình khúc tháng mười một, xuất bản năm 1965. Những lời thơ đầy hoài nghi, chán nản, buồn tủi, chất chứa tâm trạng của cậu thanh niên Lê Cự Phách năm hai mươi tư tuổi và bắt đầu nhàm chán chính bản thân mình. Đó là cái tôi đã trải qua những giây phút hạnh phúc, đau khổ, hoang mang, xót xa, hoài nghi, tuyệt vọng, rạng rỡ, âm u, dịu dàng, hung bạo, mệt mỏi, chán chường... của cuộc sống chiến tranh. Từ đây, báo hiệu trong thơ ca con người này sẽ xuất hiện liên tục những dấu hỏi về cuộc đời. về ý nghĩa sự sống của bản thân, về tình yêu, về thân phận con người, về những mảnh đời lắt léo trong cuộc chiến điêu tàn, những ám ảnh về thân phận con người giữa chiến tranh, di cư, hỗn loạn và khủng hoảng của giá trị cuộc sống... Ở một góc sâu khuất nơi trang giấy, cái tôi trữ tình trong thơ Du Tử Lê hiện lên đầy day dứt. Từ Thơ Du Tử Lê (1964), Tình khúc tháng 11 (1965), Tay gõ cửa đời (1967) đến Thơ Du Tử Lê (1964-1972) và sau đó là Đời mãi ở phương Đông (1974), cái tôi trữ tình đã trải qua một hành trình khám phá, phân đôi, chia rẽ, giằng xé giữa nhiều thái cực khác nhau, cái tôi lên tiếng đòi quyền sống, quyền được tự do và khao khát yêu thương. Cuộc hành trình của cái tôi là cuộc hành trình khám phá không biết mệt mỏi của người nghệ sĩ nhận chân những giá trị đích thực trong hiện thực cuộc sống “không ngớt hoàn thành, tìm kiếm chỗ đứng chờ đợi xác định” (Huỳnh Phan Anh) để bước đến cái đích cuối cùng của thi ca là cõi sống.

 

2.1.2.1. Cái tôi hiện sinh

 

Hiện sinh ở đây được hiểu là tồn tại, hiện hữu của con người. Thuật ngữ hiện sinh ra đời cùng với sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện sinh vào thế kỉ XIX. Vấn đề trung tâm mà chủ nghĩa này hướng tới đó là sự tồn tại của con người trong thế giới, coi con người là chủ thể - là cá thể sống có cảm xúc, tư duy và hoạt động. Xuất phát điểm của cá nhân được mô tả là “thái độ hiện sinh” - một tình trạng mất định hướng, bối rối trước thế giới có vẻ vô nghĩa và phi lý. Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh cho rằng trong thế giới ngày nay mọi giá trị tinh thần đang mất hết ý nghĩa mà không thể bù đắp lại được. Điều đó sẽ dẫn tới tấn thảm kịch truyền kiếp “thân phận con người” mà nhà triết học Đan Mạch Kierkegaard từ thế kỉ XIX, đã có nói đến trong các thuyết về tội lỗi của con người ở “một thời đại mất Chúa” (thực chất là sự quan niệm về sự mất ý nghĩa của cuộc sống). Theo họ, con người đang bị bỏ rơi trong nỗi cô đơn giữa cái hiện hữu thù nghịch, cho nên cuộc đời chỉ là một sự vô nghĩa, “sự vô nghĩa sinh ra từ sự đối chiếu giữa lời kêu gọi của con người và sự im lặng của cuộc đời” (A.Camus). Người đọc bắt gặp trong thơ Du Tử Lê sự cô đơn ấy của con người, và hành trình tìm về cái tôi bản thể để lấp đầy những khoảng trống vô nghĩa. Bước vào thế giới thơ của Du Tử Lê, người đọc sẽ không khỏi ám ảnh trước một cái tôi luôn dằn vặt, luôn đớn đau và kiếm tìm bản thể của chính mình trong một không gian đô thị, thành phố với ngổn ngang những hàng rào dây thép gai, cột điện, mái nhà, công trường... sẵn sàng bao vây con người. Cái tôi trong thơ ông, trước hết, là một cái tôi hiện sinh, cái tôi ý thức được chính mình, đối diện với thế giới và con người xung quanh.

 

Cái tôi trữ tình trong thơ, không phải đến thời đại của Du Tử Lê mới xuất hiện, đã có những thời kì mà cái tôi được nhắc đến sự vinh danh của cá nhân mà đỉnh cao là Thơ Mới. “Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, cái tôi của nhà thơ được ý thức một cách đầy đủ, với rất nhiều tự hào, trở thành một trung tâm từ đó nhà thơ nhìn ngắm thế giới và chiêm nghiệm cuộc đời, một đối tượng để nhà thơ quan sát, mô tả và thể hiện” [52]. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi quan điểm thẩm mỹ coi cái đẹp là những gì nhẹ nhàng thơ mộng, cái tôi được nói đến vẫn chủ yếu dừng lại ở cái tôi cảm xúc, được biểu hiện dưới những câu thơ có vần, có nhịp, mềm mại và ngân nga. Yêu, thường chỉ là yêu thầm. Nhớ, thường chỉ là nhớ xa xôi. Buồn, thường chỉ là buồn vô cớ. Thơ Mới cũng đôi khi chứng kiến sự lên tiếng của cái tôi duy lý, đó là cái tôi dằn vặt của Vũ Hoàng Chương, cái tôi khắc khoải của Thâm Tâm, cái tôi thống thiết của Chế Lan Viên, cái tôi dị biệt của Hàn Mặc Tử... song cái tôi duy lý vẫn chưa chạm ngưỡng đến tận cùng của bản thể con người. Cái tôi dịu lại, nằm xuống trong những cảm xúc nhẹ nhàng, mơ mộng. Nếu lấy Thơ Mới làm điểm mốc quan trọng để soi chiếu những thay đổi trong quan niệm về thơ của các nhà thơ miền Nam Việt Nam những năm sau 1954, sẽ thấy, hầu hết các nhà Thơ Mới đều phủ nhận vai trò của lý trí mà đề cao vai trò của cảm xúc trong tư duy thơ ca. Đỉnh cao của quan niệm phủ nhận lý trí một cách cực đoan được biểu hiện trong tác phẩm Xuân Thu Nhã Tập. Đây là một hướng tìm tòi tiếp nối của Thơ Mới khi những ngòi bút Xuân Thu Nhã Tập chừng như đã nhận ra cái đỉnh điểm của thời đại hoàng kim thơ đã tới lúc thoái trào. Tình yêu, sự cô đơn, nỗi buồn với mọi cung bậc, màu sắc đã được khai thác đến vỉa cuối cùng. Họ cho rằng trực giác là bản chất có tính cội nguồn trong thơ. Các nhà thơ miền Nam trong không khí sáng tạo mới cho rằng thơ phải được xây dựng trên sự khắc khoải, sự dằn vặt của ý thức. Nếu như các nhà Thơ Mới đặt mình chủ yếu trong mối quan hệ với thiên nhiên để lắng nghe và ghi nhận những tiếng động khẽ khàng trong hồn mình, thì các nhà thơ như Du Tử Lê lại đặt mình chủ yếu trong mối quan hệ với lịch sử, với thân phận con người nói chung để nhận diện những cơn khốc liệt trong tâm hồn mình. Điều đó giải thích vì sao trong khi các nhà Thơ Mới làm thơ như những thi sĩ, nghĩa là những kẻ đang sống trong thế giới của cái đẹp, của mộng mơ thì các nhà thơ sau 1954 làm thơ như những người thường không phải là thi sĩ, nghĩa là những kẻ đang sống giữa thế giới đầy bão bùng, đầy bụi bặm của hiện thực.

 

Các nhà thơ miền Nam Việt Nam sáng tác sau 1954 thường quan niệm thơ là sự bày tỏ cõi lòng đớn đau của thân phận, nó không hề mang sứ mệnh cứu rỗi mà chỉ giúp con người nhìn thẳng vào sự thật hiện hữu trước mắt, với tất cả những gì là thái cực yếu tính nhất của con người. Như Thanh Tâm Tuyền đã từng phát biểu: “Mỗi tiếng, mỗi lời viết ra tôi đều thấy nó chứa đựng những hận thù, khinh bỉ, dày vò, đớn đau, tuyệt vọng, nhơ nhuốc, dối trá, hằn học, trơ trẽn, bệnh hoạn, xấc láo, thô bạo, cục cằn, tủi hổ, yếu đuối, bất lực, chết chóc” [75]. Nếu các nhà Thơ Mới, quan niệm nhà thơ là những kẻ sáng tạo, một thứ tạo hóa con con; thì các nhà thơ sau 1954 lại quan niệm nhà thơ chỉ là người hục hặc tra tấn cuộc đời và tâm hồn mình, người đi lượm nhặt những mảnh vỡ trong nhận thức và trong cảm xúc để lắp ghép, tô bồi lại thành một tác phẩm nghệ thuật. Các nhà Thơ Mới luôn luôn cô độc; các nhà thơ sau 1954, như Thanh Tâm Tuyền khẳng định, “[Tôi] không còn cô độc” nữa. Họ đồng nhất họ với thân phận con người nói chung, do đó, họ đỡ bơ vơ hơn, đỡ lạc loài hơn, nhưng ngược lại, họ lại bị dày vò hơn và nhiều đau đớn hơn: họ phải gánh cái nặng của cả nhân loại. Với Du Tử Lê, vị trí ngôi báu trong thơ được gỡ bỏ, thơ đúng hơn là một phương tiện đưa đến vùng ý sâu thẳm của con người. Cái tôi trong thơ bây giờ không còn là cái tôi cảm xúc, mà là cái tôi ý thức. Phải đặt thơ ca Du Tử Lê trong vị trí của “di cư” và “chiến tranh” để lí giải cho sự giằng xé cái tôi ý thức trong thơ ông. Tình trạng chia cắt đất nước kéo theo sự đặt lại các giá trị, sự chênh vênh trong định hướng tương lai của con người. Chiến tranh đẩy thêm con người vào nỗi đau, sự hoang mang và chết chóc. Khi hiện thực thời đại trở nên bi đát, thân phận con người trở nên mong manh trước biến động của lịch sử và cái chết đang rình rập khắp nơi... hoàn cảnh ấy khiến mỗi cá nhân bị đưa vào trạng thái hoang mang không đích đến. Trước cơn địa chấn dữ dội của đất nước, của lịch sử, tâm hồn con người không còn êm ả, thanh bình như xưa. Vũ Hoàng Chương không còn cay đắng vì bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh mà não nề vì sự bế tắc trong khả năng nhận thức của con người: Dấu hỏi (?) vây quanh trọn kiếp người / Sên bò nát óc máu thầm rơi. Quách Thoại làm thơ là để “nói lời thơ đời nhân loại đau thương”. Nguyên Sa mang trong lòng cả nỗi buồn của thế kỷ: Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt / Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư. Bùi Giáng mang trong lòng cả cái lạnh của kiếp nhân sinh: Phiêu bồng sáu cõi thu trôi / Ngàn mưa nhỏ giọt trang đời lạnh ghê. Chiến tranh và xu hướng đô thị hóa gấp gáp khiến cho cái tôi cũng “nổi gió, nổi bão”. Nhà thơ lúc này không còn giữ vị trí nhìn ngắm thế giới mà trở thành “tên ăn mày lẩn giữa đám đông khốn cùng với một mẩu tự do còn sót lại”. Nhà thơ không còn Tôi là con chim đến từ núi lạ / Ngứa cổ hót chơi! (Xuân Diệu) hay Tôi chỉ là một khách tình si / Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể (Thế Lữ) mà chỗ đứng của nhà thơ là ở “giữa dòng cuộc đời”. Thi sĩ từ 1954 về sau không tìm những ý tứ cao kỳ rắc rối trong tình yêu như trong thời tiền chiến nữa. Họ không đủ thì giờ và buồn hơn, không đủ tâm hồn bình yên như cha anh họ (dù là những nỗi bình yên trụy lạc thời trước). Làm thế nào để sống, và sống để làm thơ? Đó là những vấn đề mới. Vì thế thơ miển Nam, những trăng sao hoa tuyết diễm lệ đều nhường chỗ cho sự chết chóc, hư vô. Hư vô không còn là bóng tối thanh bình của nhà thơ mỗi khi va chạm cuộc đời. Hư vơ ở đây hiện hữu bằng muôn vàn cách méo mó, kỳ dị. Thanh Tâm Tuyền viết: “Trong thơ hôm nay, người ta lạc vào cái thế giới có những đêm tối nghẹn ngào, những ánh sáng của lộ liễu, những bệnh viện lạnh lẽo, những nấm mồ hoang vu, những thành phố đổ nát không chim muông... Trong thơ hôm nay hoặc là thiên nhiên không được nhắc đến nhường chỗ cho những vỉa hè, cột đèn, gạch ngói, khối sắt, khối thép, da thịt, tay chân, mặt mũi hoặc là hiện ra thản nhiên lạnh lùng khó chịu nếu không muốn nhập với một ý thức...” [57]. Đó là hầu hết ý tứ trong thơ Huy Lực, Mai Trung Tĩnh, Tuệ Mai, Viên Linh, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Kim Tuấn... Họ lẫn lộn trong vũng lầy hoàn cảnh. Tiếng kêu của họ đầy uất ức đau thương. Thơ hôm nay chính là tiếng nói thống thiết của khát vọng từng cá nhân, nói hẹp, và cả một thế hệ, nói rộng, là thế hệ bơ vơ lạc hướng từ sau 1954. Tâm tình hùng vĩ lớn lao này, cộng với chiến tranh đè nặng từng cá thể, đã là trọng trách của thi ca. Thơ hôm nay, tình yêu thực hơn, mạnh hơn và sống động hơn (dù xót xa hơn). Từ tình yêu tươi vui trong thơ Đinh Hùng, thơ mộng mà gần gũi trong thơ Nguyên Sa, cho đến vị trí náo nức van lơn trong thơ Chế Lan Viên, buồn bực phẫn nộ trong thơ Du Tử Lê... mọi sắc thái đều khác nhau và hiện diện trong đời sống này.

 

Nghiên cứu thơ Du Tử Lê ta sẽ thấy, Thơ Du Tử Lê (1964), tác phẩm đầu tay của ông, không gây tiếng vang; tập thứ hai, Tình khúc tháng mười một xuất bản năm 1965 và thứ ba, Tay gõ cửa đời (1967), bắt đầu gây chú ý. Chú ý trước hết là ở cái tôi luôn dằn vặt, chán nản, bế tắc, tuyệt vọng trước hiện thực đời sống chiến tranh, trước tình yêu, sự sinh tồn và khát vọng dấn thân. Ở thơ Du Tử Lê, cái tôi luôn ý thức đến tận cùng về sự tồn tại của bản thân, của chủ thể hiện hữu: Tôi chỉ là kẻ làm thơ sầu mây biển / Buồn không vơi... Tôi chỉ là một chiến binh / Căm buốt thao trường quen hơn nồng nàn dạ vũ... Đời tôi nào có hơn gì bọt biển / Sớm lênh đênh chờ tối đến tan tành (Ngỏ ý - Tình khúc tháng 11). Đọc thơ Du Tử Lê người đọc luôn cảm thấy khó chịu, bứt rứt, bất an, thậm chí phẫn nộ, bởi bản thân thơ ông vốn là sự xáo trộn của những luồng tư tưởng khác nhau. Hơn thế nữa, đầy rẫy trong thơ Du Tử Lê là súng đạn, là những hàng rào dây thép gai, là chết chóc, là máu đổ, là sự u tối không lối thoát của đời sống. Từng trang, từng trang thơ ông như những bức tranh sống động mà đau đớn quằn quại, thấm đẫm máu và nước mắt khổ đau. Người thanh niên bước ra với cuộc đời, gặp ngay cảnh chiến tranh giết chóc, gặp những đói khổ, lầm than khiến những mảnh vụn của ý thức bị dồn nén, của kiếp sống đè nặng trong vùng tâm thức nổi loạn. Thơ ca viết qua lăng kính của tương quan dị biệt khiến cho cái tôi trở nên buồn thảm. Rất nhiều lần Du Tử Lê sử dụng cụm từ “cát bụi” để chỉ thân phận mình: Thân tôi cát bụi còn đau dấu hài (Thôi - Thơ Du Tử Lê 1964); Một thân cát bụi đợi chờ nghìn sau (Từ thần thoại - Thơ Du Tử Lê 1964). Hay trong một bài khác, Du Tử Lê sử dụng những từ như: bèo nổi, củi khô, lá rụng (Linh hồn Việt Nam - Thơ Du Tử Lê 1964); con mèo hoang, con chim đêm, con vi trùng (Tiền kiếp - Thơ Du Tử Lê 1964); thân rong biển (Hiện tại - Thơ Du Tử Lê 1964) để chỉ cuộc đời mình, cuộc đời mà theo ông là Đời tôi vốn buồn, đời tôi cô đơn, đời lẻ loi (Thư cho em - Thơ Du Tử Lê 1964).

 

Trong thơ Du Tử Lê, cái tôi luôn xuất hiện trong tâm thế của một cái tôi trong trạng thái hiện tồn của một con người luôn nhận biết được sự hiện hữu của mình với thế giới, với đám đông xung quanh: Tay nghêu ngao níu cuộc đời / Đôi chân mười ngón móng dài héo thân / So vai nhăn áo xô quần / Mắt nâu tóc rậm môi câm tiếng cười (Mình – Thơ Du Tử Lê 1964). Có thể nói con người trong thơ ông hoàn toàn ý thức được về hiện trạng cũng như những khả thể Sống. Chính tâm trạng lo âu, thất vọng trước thực tại, thái độ hoài nghi về những khuôn mẫu, ước lệ, luật tục, luân lý đạo đức đẩy cái tôi trong thơ Du Tử Lê vào trạng thái cô độc. Cái tôi trong thơ ông luôn luôn phải bước đi giữa nỗi buồn lặng lẽ bởi cô đơn và cảm thức về cái chết... Ta sống rất tình cờ / cớ sao buồn lúc chết (Dốc đá - Tay gõ cửa đời); Tôi như kẻ sống mãn phần / thấy xa đồng bọn thấy gần nắm cơm (Những bài địa phủ - Tay gõ cửa đời). Tôi luôn điềm tĩnh nhận ra những thái cực khác mhau trong cùng một bản thể: về sự sống, cái chết: sống là mãi lần quanh một vòng mắt xích / sống là đợi khôn cùng cái gì chẳng có / sống là kéo mãi sợi giây đời đã dãn / sống là giết lần mình bằng kẻ khác / sống là thú nhận rằng đang chờ được chết (Mãn cuộc - Tay gõ cửa đời); mịn màng như nỗi chết (Khúc thụy du - Thơ Du Tử Lê 1967-1972); tình yêu cũng tuyệt vời như sự chết (Ý nghĩ khi rời Thông Tây hội - Thơ Du Tử Lê 1967-1972). Con người hiện sinh là con người tỉnh ngộ, dám nhìn thẳng vào sự thật với nhãn quan, với khả năng của mình. Trong thơ, Du Tử Lê phơi bày ý thức mãnh liệt về sự tồn tại của mình, cái tôi trong thơ ông không sợ hãi, chối từ cái chết: bây giờ cái chết không còn ai lấy làm lạ... khi mỗi lần xem tin cáo phó - bố đã dửng dưng như khi nghe tin khí hậu / sợ còn bình thản hơn thế nữa (Khát vọng cho con - Tình khúc tháng 11). Có thể nói, trong thơ Du Tử Lê ám ảnh về cái chết tràn ngập. Trang nào cũng thấy máu, nước mắt, thây ma, đền đài, mộ chí. Cái chết hiện hữu bên cạnh sự sống, thậm chí còn thật hơn cả sống. Những cõi hư vô, chốn mộ phần xen kẽ, chen chúc trong thành phố ngột ngạt những khói thuốc, súng đạn.

 

Trong triết lý hiện sinh của mình, J.P.Sartre đã cho rằng hữu thể là một thảm kịch, là phi lý, hư vô, con người luôn cô đơn và cái chết luôn hiện diện. Nhưng con người hiện sinh biết bất chấp cái chết để nhập cuộc tự do làm nên lịch sử của mình bằng những dự phóng. Cái tôi trong thơ Du Tử Lê dường như luôn ám ảnh bởi cái chết, người thi sĩ cảm nhận được cái chết ngay khi mình đang sống, đang hiện hữu bởi bất lực, bởi không thể thay đổi: sự chết chính là phần thưởng cuối cùng và duy nhất cho những người có mặt hôm nay (Khát vọng cho con - Tình khúc tháng 11). Chứng nghiệm cái chết bao giờ cũng là thách thức lớn của lý trí và bản năng, cái tôi trong thơ ông biết cảm nhận cái chết trước khi được sống, sau những trải nghiệm, nó mới nhật ra được bản ngã của chính mình. Cái tôi -như vậy đã vươn tới bản thể của sự sống đích thực.

 

Văn học miền Nam những năm 1954-1972 chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết học phương Tây hiện đại. “Khá rõ nét trong lối sống và trong tác phẩm, nhất là chịu ảnh hưởng chủ nghĩa hiện sinh. Những mảnh đời vật vờ, không lý tưởng, những cung cách sống ít nhiều thác loạn, hư vô của một số nhân vật tiểu thuyết và tác giả, sống triền miên trong các đô thị lớn. Phố phường, trà đình, tửu điếm, sàn nhẩy, bè bạn phe nhóm, giọng điệu tiêu cực, khinh bạc, trong một bầu không khí trừu tượng, khép kín, giữa lúc cuộc sống lầm than, máu lửa của toàn dân đang diễn biến sôi nổi khắp nơi nơi...” (Nguyễn Khắc Hoạch phát biểu trên RFI tháng 3 năm 1998, đăng lại trên tạp chí Văn Học, Cali, số 147, tháng 7/ 1998). Trong truyền thống, chúng ta có mảng văn học chức năng, động viên thôi thúc con người hành động, ví dụ như Bình Ngô Đại Cáo hay thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, văn học miền Bắc nối tiếp truyền thống đó rất rõ. Ngược lại, văn học miền Nam nối tiếp truyền thống văn học của Nguyễn Du, của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm, của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, mảng nói về những đau khổ của con người và sự bơ vơ, khó khăn, bất lực, không biết đi lối nào trong đời sống này và cả tính bi thương, đau đớn của con người. Hiện thực diễn tả trong các tác phẩm không phải là cái hiện thực mà chúng ta quen nghĩ, tức là ở đó phải có giai cấp nọ, giai cấp kia, phải có địa chủ, tư bản, nông dân, mà là không khí hiện thực chung, hiện thực ngột ngạt, đau đớn, có lúc như ma quái, người ta không thể nắm được, nó nằm ngoài người ta, người ta đành phải chấp nhận nó và cảm thấy ở trong một môi trường mà mình bị nung nóng lên, bị lệch mọi hành động và suy nghĩ của mình. Đọc thơ Du Tử Lê ta luôn thấy một cái tôi đau đớn, khắc khoải, buồn thảm, bi quan trước bức tranh hiện thực u tối. Nỗi buồn, sự cô đơn cứa sâu trong da thịt. Tràn ngập trang thơ Du Tử Lê là những cô đơn, bơ vơ, hư vô, lẻ loi, héo muộn, yếu đuối, thê thảm, hoang vu, u uất, tức tưởi, ê chề, xót xa, thảng thốt, não nề... Mật độ xuất hiện dày đặc của những tính từ chỉ tâm trạng tiêu cực khiến cho thơ ông nhuốm màu buồn thảm. Cái tôi nhận chân những giá trị cuộc sống nhưng bất lực trước thực tại tàn khốc, không tìm ra lối thoát, quẩn quanh trong không gian tù túng, ngột ngạt những khói thuốc súng, những đổ vỡ, những máu chảy, thây ma... Trong thơ Du Tử Lê cái tôi mang những suy tưởng mãnh liệt về tồn tại và nhận biết, trong một thế giới hoàn toàn bất an, khi những giá trị được xây đắp bền vững dựa trên niềm tin, luân lý đều bị lung lay đến tận gốc rễ, chính vì vậy, nó không tìm được tiếng nói, chỗ đứng của mình trong thế giới. Cái tôi vì thế trở nên bấn loạn, hoang mang, bị ám ảnh nhiều chiều và cô độc với một hiện trạng hoàn toàn bơ vơ không điểm tựa: Giữa đêm / Một người mù / Đi tìm tương lai / Hai hàng máu chảy (Quê hương - Thơ Du Tử Lê 1964) cùng với nỗi buồn cứ mọc dài ra mãi Bầu trời tối - linh hồn câm / Nỗi đau buồn mọc nhánh / Trên thân cây mùa đông (Thiếu phụ - Thơ Du Tử Lê 1964).

 

Một khía cạnh khác cái tôi hiện sinh trong thơ Du Tử Lê, đó là cái tôi tình yêu. Tôi khi yêu cũng là cái tôi chứng nghiệm của ý thức, bởi nó chưa bao giờ tách bạch khỏi con người kiếm tìm những xác tín của tồn tại. Trong bước chân phiêu bạt của mình, Tôi đã trải qua rất nhiều cung bậc của tình yêu, và ở cung bậc nào, người đọc cũng đều thấy thấm đẫm nỗi xót xa: Tình tha thiết xôn xao chiều cao khói tím, Tình ở đó hay như bèo trôi nước chảy. Tình vùi theo bóng tối (Bước chân phiêu bạt - Thơ Du Tử Lê 1964); Ôm tình yêu bọt bèo (Nhân danh một cuộc đời - Thơ Du Tử Lê 1964); Tình yêu này u uất (Bài huyền châu - Thơ Du Tử Lê 1964). Khi yêu, Tôi luôn thấy mình một mình, cô độc và Tôi cũng ít khi nhìn thấy một khía cạnh vẹn toàn trong tình yêu: Thời gian đẹp là thời gian đánh mất / Mộng không thành là mộng quá cao xa / Phải không em tình tôi quá thật thà / Nhưng danh phận vô duyên đời người thua thiệt (Vùng kỷ niệm - Thơ Du Tử Lê 1964).

 

Khi người ta nói: “Con người là tương lai của con người” (Ponge), thì đó chính là một cách khẳng định , rằng: con người tự mình sáng tạo ra mình, vẽ lên hình ảnh của mình qua chọn lựa thái độ sống và hành động của anh ta. Thái độ băn khoăn, do dự, đấu tranh vì tương lai cũng chính là động lực để cái tôi trong thơ Du Tử Lê khao khát dấn thân trong cuộc hành trình tìm kiếm bản thể của chính mình: Tôi còn tiếng nói / Tôi còn linh hồn / Tôi còn dĩ vãng / Tôi còn quê hương / Tôi còn lịch sử / Tôi còn là tôi (Tuyên ngôn - Thơ Du Tử Lê 1964). Trong thơ Du Tử Lê cái tôi luôn phải đấu tranh vật lộn với ý thức, với sự tồn tại và khát khao khẳng định bản thân. Không khó khăn khi ta hiểu vì sao trong thi sĩ luôn tồn tại những mâu thuẩn, những giằng xé của một cái tôi hướng về tương lai chưa thành hình. Bởi tương lai đây là ước vọng, là một hiện thực khác thi sĩ muốn đến để trốn tránh hiện thực không vẹn toàn của ngày hôm nay. Ước vọng ấy là bằng chứng của một cái tôi đang hiện sinh với đúng ý nghĩa của nó, bởi lẽ nó “luôn tìm đến tận cùng của nhận thức”, bao gồm cả việc vẽ nên viễn tượng của mình trong ngày mai: Bầy trẻ thơ mai sau học đánh vần / Sẽ sung sướng chỉ tay vào chữ S (Nước mắt quê hương - Tình khúc tháng 11).

 

Điều quan tâm nhất của các nhà tư tưởng theo chủ nghĩa hiện sinh, đó là họ luôn luôn đi tìm ý nghĩa của sự hiện hữu. Các nhà hiện sinh luôn tự hỏi: Tôi là ai? Tôi sinh ra có ý nghĩa gì? Trong thơ Du Tử Lê, thi sĩ luôn bị ám ảnh: Tôi vẫn thường tự hỏi lại tôi / là người hay là thú / biết đâu chừng/ là thú cũng nên (Trong cơn giông đời - Tay gõ cửa đời). Những câu hỏi như thế này trở đi trở lại trong trang thơ Du Tử Lê. Nhà thơ day dứt, ám ảnh về sự sinh tồn của mình. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, chia rẽ, những câu thơ như thế càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Đi tìm ý nghĩa sự sống để cơ thể thể hiện mãnh liệt khát vọng dấn thân trước cuộc đời chính là nét riêng độc đáo trong thơ Du Tử Lê khi ta xem xét cái tôi hiện sinh trong thơ ông.

 

2.1.2.2. Cái tôi đa ngã

 

Giống như đa phần những thi sĩ miền Nam Việt Nam sáng tác trước 1945 sau 1954, trong tâm hồn Du Tử Lê luôn tồn tại một ý thức lạc loài và bất hạnh. Cô đơn, lạc loài và bất hạnh bởi bản thân ông đã là một cá nhân không lặp lại, không giống ai, trong ông luôn giằng xé giữa hai thái cực, thân phận và tự do, ông tìm kiếm, trải nghiệm, thậm chí phải đấu tranh giữa mình với một cái tôi khác mình. Đọc thơ Du Tử Lê ta thấy hiện diện một cái tôi đa nghi với sự phân thân nhiều chiều trong chính tâm hồn của một con người. Tất nhiên, ở đây cần phải hiểu là “Không phải cái tôi nhất nguyên rã ra thành những bộ phận độc lập. Hay một kiểu sinh sản bằng cách tự sao lại bản mình. Nhưng không sự phân thân. Đa ngã là do đa thể. Bởi, con người vốn đa nguyên. Không chỉ ngoài con người có con người, mà, quan trọng hơn, trong con người có con người” [Đỗ Lai Thúy (2010); Thanh Tâm Tuyền, người đi tìm tiếng nói]. Cái tôi đa diện chính là kết quả tư duy của một kiểu nhà thơ hiện đại. Cái tôi ấy vì thế sinh động, phức tạp nhưng lại gắn với con người thực và khó nắm bắt hơn. Du Tử Lê luôn bị ám ảnh: Tôi vẫn thường tự hỏi lại tôi / là người hay là thú / biết đâu chừng/ là thú cũng nên (Trong cơn giông đời - Tay gõ cửa đời) trong hành trình tìm kiếm cái tôi của mình. Trong hành trình ấy, thi sĩ luôn đơn độc, luôn phải vật lộn với cái tôi để tìm bản nguyên của chính mình. Day dứt, dằng xé là nhiều chiều cảm xúc ám ảnh thơ ca Du Tử Lê. Khối mâu thuẫn trong tâm hồn khiến thi sĩ luôn cảm thấy bên cạnh mình, cạnh con người xác thịt này còn có một cái tôi khác, một con người nữa, khác mình, và luôn song song, đồng hành cùng mình trên chặng đường tìm về bản thể. Trong thơ, Du Tử Lê đã tự phân thân ra để sống, sống cùng một lúc hai thực tại: một thực tại hiện sinh mong muốn đi đến tận cùng của nhận thức, đề cao lý trí; và một thực tại siêu thực, phủ nhận vai trò của lý trí, tìm đến phần vô thức trong sáng tạo. Tác phẩm của ông vì thế nằm trong quỹ đạo nghi vấn, mâu thuẫn liên tục. Cái tôi ý thức luôn truy đuổi, tìm kiếm cái tôi vô thức. Cái tôi vô thức lại được bao trùm bằng con mắt của ý thức: phải chăng tôi sống bằng thần trí của một kẻ nào đó / đã qua đời và hồn nhập nơi tôi (Trong cơn giông đời - Tay gõ cửa đời); ta trước mặt mọi người / không là ta lúc khuất (Thạch sùng - Tay gõ cửa đời). Trong một tình thế mới của đời sống, con người nhận ra sự vỡ nát của cái tôi. Cái tôi luôn giằng xé, phân ly, tôi đối thoại với chính tôi: tôi tự hỏi lại tôi / mày là ai đứng đó / đợi chờ muôn ngàn năm / tiếng than mình dội lại / ngay từ phút làm người / ta đã là hai kẻ / quỷ và thần chia ngôi (Soi dấu - Tay gõ cửa đời).

Trong thơ Du Tử Lê, cái tôi có sự phân mảnh rõ nét, nó là minh chứng cho một nhận thức mới về bản ngã trong một thời đại lịch sử đặc biệt. Trong một tình thế mới của đời sống, con người nhận ra sự vỡ nát của cái tôi. Tôi ý thức được mình là nạn nhân của một “xứ sở tang thương vì bom đạn”, Tôi tha thiết sống, vì thế, Tôi phải cật vấn, phải truy đuổi, để tìm thấy chính mình, để loại bỏ cái tôi ích kỉ, phù phiếm, xấu xa, tội lỗi, phục sinh cái tôi trong sạch của một xứ sở tự do trong tương lai: tôi chỉ rõ mặt tôi / lúc tận cùng tuyệt vọng (Ơn người - Tay gõ cửa đời). Đọc thơ Du Tử Lê, người đọc nhiều khi thấy khó chịu, thậm chí mệt mỏi trước một cái tôi chán nản, hoài nghi, bi phẫn cùng cực trước thực tại đau thương: tôi buồn như cỏ / một đời héo khô / tôi buồn như gió / ngang qua thềm nhà / thấy ai ngồi đợi / bóng hình chia đôi / sầu tôi lụ khụ (Một bài thơ nhỏ - Đời mãi ở phương Đông). Tôi luôn vò xé, vật lộn với chính bản thể của mình. Tôi cất lên tiếng nói của một thân phận với ước vọng cao vời được sống tự do, bằng tất cả giác quan, tâm hồn trong một thời điểm đầy khó khăn của đất nước: Tôi tìm đời đánh mất / trong vụng nước cuộc đời (Khúc thụy du - Thơ Du Tử Lê 1967-1972).

 

Để ý kĩ sẽ thấy, Du Tử Lê bộc lộ một cái tôi đa ngã khá rõ nét trong tập thơ thứ hai Tay gõ cửa đời. Tập thơ đầu và những tập thơ tiếp sau lại nhường chỗ cho một cái tôi buồn nãn trong cuộc sống, thất vọng trong tình yêu và hoài nghi về tương lai. Khối mâu thuẫn trong chính bản thân nhà thơ đã cho ra đời những tác phẩm có sự dằng xé nhiều chiều, tưởng chừng như đối lập nhau. Nhưng tựu trung lại, nó đều là những biểu hiện của cái tôi chán nản, hoài nghi về cuộc đời với những giá trị sống đang thay đổi và dần mất đi. Cái tôi trong thơ Du Tử Lê thật đớn đau xót xa vì nó là phản chiếu của thực trạng u ám, của đời sống bất trắc, của bấp bênh trong giòng hiện tại. Những khát khao, mơ ước, dấn thân, tựu chung lại để đi đến cái đích lớn lao: tìm kiếm tự do đích thực cho con người.

 

2.2. Biểu tượng trong thơ Du Tử Lê

 

2.2.1. Biểu tượng trong tư duy thơ

 

Biểu tượng (Symbole - tiếng Pháp, Symbol - tiếng Anh) là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành khoa học khác nhau.

Trong triết học và tâm lí học, “biểu tượng là khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” [24, tr.23].

 

Trong Từ điển triết học (M. Rudentan và P. Iudin chủ biên, Nxb Sự thật, 1972) thì biểu tượng được hiểu là “hình ảnh cảm tính cụ thể về những hiện tượng của thế giới bên ngoài. Biểu tượng cùng với cảm giác và tri giác tạo nên nhận thức cảm tính... Tri giác phản ánh một sự vật riêng lẻ tác động vào giác quan chúng ta trong những trường hợp cụ thể nhất định. Biểu tượng phản ánh khái quát hơn, trừu tượng hơn”.

 

“Biểu tượng như là thuật ngữ của mĩ học, lí luận văn học và ngôn ngữ học còn được gọi là tượng trưng, nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Đặc điểm cơ bản của hình tượng nghệ thuật là sự tái hiện thế giới, làm cho con người và cuộc sống hiện lên y như thật. Nhưng hình tượng cũng là hiện tượng đầy tính ước lệ. Bằng hình tượng, nghệ thuật sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn mang tính biểu tượng. Cho nên, trong nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời...” [24, tr.24].

 

Biểu tượng có quan hệ gần gũi với ẩn dụ nhưng lại khác với ẩn dụ. V. I. Eremina đã phân biệt biểu tượng và ẩn dụ như sau: “Ẩn dụ trong thơ ca dân gian được sinh ra tức thời và mất đi khá nhanh. Biểu tượng được hình thành trong thời gian dài và sống hàng trăm năm. Ẩn dụ là yếu tố biến đổi còn biểu tượng không đổi mà bền vững. Ẩn dụ là phạm trù thẩm mĩ và phần lớn tự do, tách khỏi phong cách ước lệ. Biểu tượng thì ngược lại được giới hạn nghiêm túc bởi hệ thống thi ca xác định” (Dẫn theo Phạm Thu Yến - Vấn đề nghiên cứu biểu tượng thơ ca dân gian).

 

Trong Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, Jean Chevalier và Aliem Gheerbrant đã chỉ ra, biểu tượng “tiết lộ mà che dấu, che dấu mà tiết lộ”. Biểu tượng khác với biểu hiện, vật liệu, phóng dụ, ẩn dụ, loại suy, triệu chứng, dụ ngôn, ngụ ngôn lý luận. Tất cả những loại trên đều có thể xem là những dấu hiệu không vượt quá mức độ của sự biểu nghĩa; còn biểu tượng luôn “rộng lớn hơn các ý nghĩa được gán cho nó một cách nhân tạo, nó có một sức vang cốt yếu và tự sinh”.

 

Biểu tượng khác với dấu hiệu ở chỗ “dấu hiệu là một quy ước tùy tiện trong đó cái biểu đạt và cái được biểu đạt (khách thể hay chủ thể) vẫn xa lạ với nhau, trong khi biểu tượng giả định có sự đồng nhất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nghĩa một năng lực tổ chức”. C. G Jung viết: “Cái mà chúng ta gọi là biểu tượng là một từ ngữ, một danh từ hay một hình ảnh, ngay cả khi chúng ta quen thuộc trong đời sống hàng ngày, vẫn chứa đựng những mối liên hệ liên can, cộng thêm vào ý nghĩa quy ước và hiển nhiên của chúng. Trong biểu tượng có bao hàm một điều gì đó mơ hồ chưa biết hay bị che dấu đối với chúng ta...”

 

Tư duy thơ là phương thức biểu hiện của tư duy nghệ thuật. Nó mang trong mình một khả năng biểu hiện phong phú của ngôn ngữ thơ. M. Bakhtin cho rằng “vấn đề trung tâm của thơ ca là vấn đề biểu tượng thi ca”. Biểu tượng thơ ca được biểu hiện qua ngôn từ là một sự chuyển nghĩa có tính đa nghĩa. Cũng phản ánh hiện thực khách quan nhưng biểu tượng thơ chịu sự chi phối mạnh mẽ của quan niệm về thơ, về nhân sinh thời đại và bản thân cá tính nhà thơ. Điều đó dẫn đến nhà thơ chú ý nhiều đến loại biểu tượng này hay loại biểu tượng khác. Biểu tượng được lựa chọn theo một tiêu chỉ nhất định đáp ứng được nhu cầu bộc lộ của nhà thơ, thỏa mãn tư tưởng chủ đề và hợp với phong cách phương pháp sáng tác. Tính chất trực quan của các biểu tượng gắn với sự nhạy bén của các giác quan, nó mang tính cụ thể sinh động nhưng chủ yếu được cấp thêm những nghĩa mới để thể hiện quan niệm, tư tưởng, tình cảm của nhà thơ trước con người và cuộc đời. Biểu tượng mang đậm lý tính, có sức khái quát và in đậm cá tính sáng tạo của nhà thơ. Sự lặp lại các biểu tượng tạo nên những mô típ quen thuộc tạo nên trường sáng tác, thế giới nghệ thuật riêng của nhà thơ. Khi đó biểu tượng trở thành máu thịt của hồn thơ. Nó như lăng kính đặc biệt thâu nhận vào đó những hình ảnh của cuộc đời. Lúc đó biểu tượng sẽ chi phối các phương thức nghệ thuật biểu hiện của nhà thơ. Vì vậy, nghiên cứu biểu tượng trong thơ là hết sức cần thiết khi nghiên cứu tư duy thơ của một tác giả, một tác phẩm hay cả những phạm vi rộng hơn.

 

Tư duy thơ là sự khôi phục và sáng tạo nên các biểu tượng trực quan để biểu hiện tư tưởng và cảm xúc, nhưng không phải do nhận thức cảm tính quyết định, mà nó theo logic chủ quan của tác giả. Sóng Hồng đã từng nói: “Thơ ca là nghệ thuật kì diệu bậc nhất của trí tưởng tượng”. Hành trình của trí tưởng tượng mang tính chất ngẫu nhiên bao nhiêu về mặt hình ảnh trực quan, thì mang tính chất tất yếu bấy nhiêu về mục đích biểu hiện. Những quan niệm về thơ, về nhân sinh, về thời đại và bản thân cá tính của nhà thơ sẽ làm cho nhà thơ chú ý nhiều hơn đến loại biểu tượng này hay loại biểu tượng khác. Việc nhà thơ chọn loại biểu tượng nào cho tác phẩm của mình phụ thuộc rất nhiều vào thế giới quan, nhân sinh quan, những quan niệm về văn chương của từng tác giả. Biểu tượng làm nên nét đặc sắc cho mỗi phong cách thơ, là phần quan trọng trong thế giới nghệ thuật của tác giả. Hình ảnh thơ bao giờ cũng là sự kết tinh của việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế hình ảnh thơ luôn có ý nghĩa trong việc tạo hiệu ứng nghệ thuật, góp phần khẳng định sự hiện hữu của thơ. Vì ‘thơ là biểu tượng, là hình ảnh. Thơ tạo dựng một vũ trụ qua trung gian thực, một vũ trụ chỉ có ý nghĩa trong tính cách phi thực của nó. Hơn đâu hết, biểu tượng hình ảnh là điều kiện của thơ, lý do tồn tại của thơ, biểu tượng chính của thơ” [14].

 

2.2.2. Những biểu tượng đặc sắc trong thơ Du Tử Lê

 

Đặc tính riêng biệt của biểu tượng chính là ở chỗ nó tổng hợp trong một biểu hiện dễ cảm nhận nhất tất cả những ảnh hưởng của vô thức và ý thức, cùng các sức mạnh bản năng và trí tuệ, xung đột lẫn nhau hay đang trong tiến trình hài hòa bên trong mỗi con người. Với người nghệ sĩ, biểu tượng là một trải nghiệm hoàn toàn cá nhân, nó vừa là con người tác giả vừa là cái tiếp nhận được, nó chịu ảnh hưởng những sự khu biệt văn hóa và xã hội riêng của môi trường phát triển trực tiếp của tác giả, thêm vào đó là hệ quả của một trải nghiệm đơn nhất, và những ưu tư do tình cảm hiện tại của tác giả. Chính vì vậy, khảo sát biểu tượng trong thơ Du Tử Lê một cách để tiệm cận với thơ của ông. Dưới ánh sáng của lí luận văn học hiện đại, người đọc sẽ thấy rõ hơn “cuộc phiêu lưu tinh thần” của thi sĩ, đồng thời lí giải cho những ẩn ức dồn nén kết tinh thành biểu tượng trong thơ ông.

Thơ Du Tử Lê chất chứa nhiều hình ảnh, nhưng những hình ảnh xuất hiện với tần suất nhiều, trở thành biểu tượng xuyên suốt, trở đi trở lại trong thơ ông đó là: Biểu tượng thành phố; Hồn, linh hồn; Em - Biểu tượng của tình yêu.

 

2.2.2.1. Biểu tượng thành phố

 

Thành phố là biểu tượng của không gian. Nhắc đến thành phố, người đọc dễ dàng liên tưởng đến đời sống công nghiệp, đến sự hối hả, rộn ràng của tinh thần đô thị. Trong Thơ Mới, không gian tiêu biểu thường là bến sông, con đò, cánh đồng - kiểu không gian của xã hội nông nghiệp, gắn với hoàn niệm, trữ tình. Thành phố lại mang những đặc trưng đối lập. Gắn với nó là một kiểu tư duy thơ khác, đoạn tuyệt hay chặt đứt các hoài niệm, trữ tình của tư duy thơ lãng mạn. Biểu tượng thành phố xuất hiện trong thơ Du Tử Lê, do vậy, là minh chứng cho một cái tôi hiện đại. Không còn lũy tre, con đò, bờ dâu, nương sắn mà thay vào đó là hàng cây, lũ đèn đường, hè đường, công viên... những không gian đặc trưng của thành phố. Xưa kia Nguyễn Bính đã thao thiết với “con đê đầu làng”, Huy Cận mơ màng Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại..., Đoàn Văn Cừ với những trang thơ đồng quê “dồi dào mà rực rỡ”, “đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc vui tươi” (chữ dùng của Hoài Thanh)... đến Du Tử Lê cái tôi đã “quành vào đô thị” (Đặng Tiến). Trong tổng số 183 bài thơ của 05 tập thơ Du Tử Lê xuất bản trước 1975, biểu tượng thành phố (những hình ảnh về thành phố) được Du Tử Lê nhắc tới trong 44 bài (chiếm 24%). Có thể nói, biểu tượng thành phố là một thức nhận thẩm mỹ mới của Du Tử Lê. Với thành phố, ông trình bày một bản thể cô đơn, thao thức, vò xé vì bủa vây của một đô thị công nghiệp với sắt thép, tường vôi, với chiến tranh tàn phá... Và nó cũng đánh dấu dự cảm về một cái tôi đô thị hiện đại. Nhưng khác với bức tranh thành phố trong Thanh Tâm Tuyền. Nếu thành phố trong thơ Thanh Tâm Tuyền có hình dáng và thân phận, là chứng nhân, là tri kỉ, là hiện thân của tinh thần đô thị: Ngoại ô nhà ngói đường xe điện / sân ga đường dan díu chân trời / bến tàu phu khuân vác ống khói / hải cảng tàu biển chân vịt quay / ban mai buổi chiều vội vã đêm / cầy máy ruộng cao sông lớn tiền (Hình ảnh); ... thì trong thơ Du Tử Lê, không gian thành phố bao trùm với những trạng huống đau khổ, dằng xé, quẩn quanh, tù đọng của tâm hồn con người đầy những vết thương chiến tranh. Trở đi trở lại trong thơ Du Tử Lê là hình ảnh thành phố khăn tang linh hồn trôi nổi / gã nhân tình của bóng tối đêm đen (Bước chân thánh thần - Thơ Du Tử Lê 1964). Người đọc cứ luôn bị ám ảnh bởi khói lửa, bởi chiến tranh, chết chóc, bởi những thây ma, miếu đền, mộ chí... Thành phố trở thành không gian khô khốc, ngột ngạt, tù túng, giam hãm cả thể xác và tinh thần con người. Thành phố thời chiến là biểu trưng của sự náo loạn, tơi tả, hỗn độn về không gian, u uất về tâm trạng. Những ngã tư, ngã năm, những xe buýt vàng, xe buýt xanh, những góc phố bờ hiên, những xe qua, máy nổ khói nhồi, giây thưa điện nối dăm hàng, cây cong cành mục, mái cao ngói chật, mái đỏ tường vôi nâu, bụi in phố đỏ đục chạm, bám riết quanh Một ngày của con người. Thân phận con người đã bé nhỏ lại càng trở nên nhược tiểu hơn bao giờ hết trong thời buổi chiến tranh, loạn lạc, xô đẩy nhau của các giá trị sống. Người thanh niên Du Tử Lê bước ra cuộc đời đã bắt gặp ngay những bất hạnh thời cuộc khiến cho tâm hồn lúc nào cũng trở nên u uất. Sự u ẩn đó của tâm hồn đã khiến cho con người luôn có cái nhìn bi quan, chán nản về cuộc sống. Ngay ở đây, ở cái thành phố mà hằng ngày con người phải sống, phải làm việc, người thi sĩ cũng không tìm cho mình được một niềm vui nhỏ nhoi. Mà vui sao được, hồn nhiên sao được khi xung quanh anh là lớp tôn ám khói, hệ thống mìm ngầm dưới hàng kẽm, là lô cốt, là kẽ hở vách nhà, là hiên nghiêng mái ướt, là dãy me đôi phố vàng thâm máu người... Thành phố như một bức tranh lập thể được ghép lại từ muôn ngàn mảnh vỡ, thanh âm. Đó là hiện thân một phần của đô thị, dù có chối bỏ, trốn chạy, nhà thơ vẫn chứng minh mình thuộc về thành phố, cùng giằng xé với thân phân của một thành phố chiến tranh hoang tàn, rách nát. Ám ảnh thành phố hẳn sẽ chẳng bao giờ chấm dứt trong thơ Du Tử Lê. Thành phố đã trở thành hiện thân sống, cũng đau khổ, cũng khóc than, phố lìa nước mắt cây thưa, cho số phận mình, số phận lầm than của kẻ sống dưới màn mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Trong một đất nước chiến tranh, tù đầy, giam hãm, thành phố cũng trở nên một nỗi bất an giày vò, là nơi đày ải với sự tan hoang đổ nát của không gian khiến tâm hồn con người cũng trở nên trơ khấc, lạnh lùng vô cảm. Tâm trạng bi quan, chán nản loang tràn từng con chữ, thấm đẫm mỗi dòng thơ. Tâm trạng ấy, hẳn không của riêng nhà thơ mà của rất nhiều thế hệ thanh niên thời ấy, những người đã lựa chọn con đường đi theo Mỹ - Ngụy cầm súng chống lại đồng bào mình. Do vậy, đương thời, thơ ca Du Tử Lê được xếp vào hàng “phản động”. Nhưng xét cho cùng, tâm trạng ấy, suy nghĩ ấy chính là một biểu hiện của cái tôi hiện sinh, cái tôi luôn hướng tới sự tồn tại của con người trong thế giới với những băn khoăn, bối rối và mất định hướng trước thế giới có vẻ vô nghĩa và phi lý. Đã có một độ lùi nhất định về thời gian sau hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, do vậy, thiết nghĩ, cũng cần có cái nhìn cởi mở, khoa học hơn về những giá trị văn học miền Nam Việt Nam vẫn đang hiện tồn và là một bộ phận không thể tách rời của văn học dân tộc.

 

Trở lại với biểu tượng thành phố trong thơ Du Tử Lê. Có thể nói biểu tượng thành phố trong thơ Du Tử Lê còn là khởi nguồn của tình yêu. Thành phố được ví với vẻ đẹp của người phụ nữ tròn căng sức sống: Tôi yêu thành phố với tình yêu lang thang về muộn / Vì đêm thành phố là đôi mắt buồn của người thiếu phụ / Đường Bàn Cờ muôn lối – hẽm Nguyễn Tri Phương rối tơ / Hàng cây cao vút ven bờ / Như những cột giáo đường lờ mờ ánh sáng / Tôi yêu thành phố với những chiều vàng lá rụng / Về chiều thành phố là bộ ngực nở căng của người thiếu nữ / Bụi tung bay mỏi mắt thế nhân / Thành phố bừng lên muôn màu quyến rũ / Khi ánh sáng nhạt dần / Những âm thanh cuồn cuộn xô nhau trên đường nhựa / Căn nhà xanh, vàng mở toang từng cánh cửa / Và những người con gái trong thành phố / Tóc ngắn uốn, nõn nà khuôn cổ / Áo vạn màu phất phới hoa bay / Tôi yêu thành phố dù là ban ngày / Vì thành phố không chỉ như một quán trọ / Còn có nghĩa là người em gái nhỏ / Cho linh hồn có chỗ dừng chân / Rồi lưu lại trong tim ít nhiều kỷ niệm / Thành phố ơi thành phố nghiêng mái tóc trần / Xót xa yêu thương tuy em nhỏ dại / Mà lòng vươn muôn tay che tội lỗi / Cùng dấu kỹ những đê hèn về đêm / Thành phố là đôi mắt buồn của người thiếu phụ / Hay bộ ngực nở căng của người thiếu nữ / Cúi hôn em lòng dã thú thèm thuồng (Tình yêu thành phố - Thơ Du Tử Lê 1964). Tình yêu khởi nguồn từ thành phố nhưng thành phố cũng chính là nơi mang đến những nỗi khổ đau, xót xa. Sự hiện tồn của thành phố gắn với tình yêu và những ám ảnh về tự do đang bị bủa vây bởi bức tường chiến tranh, bởi những tội lỗi, những tham vọng của con người. Với biểu tượng thành phố, Du Tử Lê đã cho người đọc một cảm nhận mới về hiện thực đất nước những năm kháng chiến chống Mỹ, một hiện thực mà không phải ai cũng dám nhìn thẳng vào sự thật và trình bày một cách trần trụi trên trang giấy.

 

2.2.2.2. Biểu tượng Hồn, linh hồn

 

Khi xem xét biểu tượng Hồn, linh hồn trong thơ Du Tử Lê người viết sử dụng thuyết tâm phân học nghiên cứu văn học của Sigmund Freud (bác sĩ người Áo gốc Do Thái 6.5.1856 - 2.9.1939). Sở dĩ là vậy vì ở đây, người viết cho rằng, Du Tử Lê đã bị mắc chứng nhiễu tâm. Có nhiều lí do giải thích cho điều này. Từ đời tư nhiều khó khăn, thiếu thốn vật chất, tình cảm đến mặc cảm thân phận (dị tật, nhược tiểu) đã khiến tâm hồn cậu bé Lê Cự Phách ngay từ thuở nhỏ đã khép kín. Thêm vào nữa hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc kéo dài, cuộc di cư lịch sử với những chia lìa, mất mát lại càng làm tăng thêm nỗi buồn trong tâm hồn vốn đã mong manh, nhạy cảm của Du Tử Lê. Với Du Tử Lê, cái chết, sự chết, nỗi chết trở thành một ám ảnh thường trực. Và do vậy, trong số các biểu tượng xuyên suốt trang thơ Du Tử Lê, biểu tượng cho thấy sự chấn động tâm hồn của thi sĩ rõ rệt nhất đó là biểu tượng Hồn, linh hồn. Biểu tượng thơ Hồn bước vào trang thơ Du Tử Lê đầy ám ảnh. Đây là những hình ảnh luôn có tác động lớn tới những người bị chứng nhiễu tâm hoảng loạn và cũng không phải ngẫu nhiên nó lại đi vào thơ Du Tử Lê ám ảnh đến thế.

 

Trong khi nghiên cứu tâm lí người gắn với các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, Freud cho rằng nghệ thuật giống như những giấc mơ về vô thức. Cả giấc mơ và văn học nghệ thuật đều phản ánh những ham muốn vô thức, những mặc cảm sâu kín. Freud viết: “Các tác phẩm của anh ta là sự thực hiện tưởng tượng những khát vọng vô thức giống hệt như giấc mơ. Vả chăng giấc mơ và tác phẩm có điểm chung đều là sự thỏa hiệp vì cả hai đều phải tránh đương đầu với các lực dồn nén” [66]. Cả giấc mơ và tác phẩm nghệ thuật đều là những kí hiệu của sự ham muốn và có ngữ pháp được sắp xếp theo một cách nào đó. Người ta gửi vô thức vào giấc mơ như người nghệ sĩ gửi vào tác phẩm những sự kiện sâu xa mà từ đó người đọc được gợi đến những kỉ niệm sâu xa của mình. Cái khác giữa giấc mơ và tác phẩm là giấc mơ mang tính cá nhân còn nghệ thuật làm cho người khác được thỏa mãn bằng ham muốn trong vô thức như tác giả. Freud đồng hóa những tượng trưng trong nghệ thuật với những tượng trưng của giấc mơ. Nghệ thuật và những giấc mơ theo đó đều có những cách che dấu như nhau, nó gắn cho vô thức của mình một tính chất xã hội, làm người khác cảm thông, làm cho sự vật đẹp lên để che dấu những gốc đáng nghi hoặc dấu đi những dồn nén. Nghệ thuật giải thoát những ham muốn thầm kín và bị dồn nén trong tiềm thức mà chính người làm ra, người thưởng thức có thể không biết đến. Những gì xuất hiện trong tác phẩm dù tình cờ đến đâu bao giờ cũng có những nguyên cớ của nó chứ không phải một yếu tố nào khác xuất hiện trong tác phẩm. Nghệ sĩ cũng là những con người mà đã là con người là mang cả các giá trị của phần vô thức. Thơ lại trào ra từ vô thức thăng hoa, nên nó cần tới phân tâm học để luận giải.

 

Những người mắc chứng nhiễu tâm bị hoảng loạn thường hoảng sợ ngay bản thân mình, tách mình ra thành những hình hài tưởng tượng khác nhau. Du Tử Lê cũng viết về Hồn như một thực thể tách ra được với thân xác và có một đời sống riêng. Thậm chí trong thơ Du Tử Lê người ta thấy thực chất Hồn mới là một đời sống thực.

 

Từ những câu thơ tưởng chừng thi sĩ muốn dùng chất liệu Hồn với nghĩa như bao người khác:

 

Hồn anh bay nẻo gió buồn

(Từ thần thoại - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Hồn tôi bơ vơ, hồn tôi ngậm ngùi

(Thư cho em II - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Khói ám linh hồn tôi lênh đênh

(Linh hồn Việt Nam - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Hồn tôi yếu đuối

(Thư cho em - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Hồn lên cao mỏi chìm theo chán chường

(Cuồng ca lênh đênh - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Hồn lênh đênh bến lưu đày

(Du ca - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Cánh buồm nào đem linh hồn tôi ra biển

... cánh chim nào ngậm hồn tôi bay mất

... trận mưa nào níu hồn tôi lướt thướt

... cánh dơi nào quắp hồn tôi về động

... trận gió nào đưa hồn tôi về cội

... bước chân nào xéo hồn tôi nức nở

(Bài huyền châu - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Giòng sông xanh xanh mướt cả tâm hồn

(Vùng kỷ niệm thơ - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Hồn tôi bơ vơ, hồn tôi giá buốt, chút hồn tôi

(Tâm sự người lên mặt trận - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Đến những câu thơ viết về Hồn rung rợn, bí hiểm:

 

Linh hồn chết trôi

(Nhân danh một cuộc đời - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Lênh đênh hồn phủ phương này

Thương mưa Hà Nội nhớ mây Hồng Hà

... Lênh đênh hồn cắm sào ngang

Năm ô tuổi nhỏ buồn hoang ngọn cờ

... Mênh mông hồn ngủ phương buồn

Đêm sương Cầu Giấy Chợ Hôm canh gà

(Bến tâm hồn - Thơ DTL 1964)

 

... linh hồn sớm cỗi cằn nhớ nhung

(Tham lam - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Thì tất cả những Hồn ấy đều là một chủ thể, tách ra khỏi thể xác thậm chí chi phối tâm linh, làm chủ thể xác. Đặc biệt trong thơ Du Tử Lê có những câu thơ đặc tả hiện tượng Hồn đi ra khỏi thể xác, đi lại lang thang, rất ám ảnh -một loại tưởng tượng đặc thù của người bị chứng nhiễu tâm:

 

Lênh đênh một chuyến xe hồn

(Cuối cùng - Thơ Du Tử Lê 1964)

 

Hồn đã đi nhưng mắt còn ngoái lại

Nhìn vết chân mình

lắm kẻ đang theo

(Khi người chết trẻ - Tay gõ cửa đời)

 

Mật độ xuất hiện tương đối dày của biểu tượng Hồn, linh hồn (được Du Tử Lê nhắc đến trong 68 bài trên tổng số 183 bài của 05 tập thơ, chiếm 37%) chắc chắc có lí do từ tâm thần bất định nơi Du Tử Lê. Phần lớn số lần xuất hiện rơi vào tập thơ đầu tay xuất bản năm 1964 (khi Du Tử Lê mới 22 tuổi) và tập thơ thứ hai Tay gõ cửa đời (1967). Các tập tiếp theo, tần số xuất hiện biểu tượng Hồn, linh hồn đã giảm đi nhưng vẫn rất đậm nét trong thơ Du Tử Lê.

 

Hiểu được tác động của chứng thần kinh loạn mới lí giải được những áng thơ kì lạ đến kì dị, mới hiểu được tại sao Du Tử Lê lại viết được những câu thơ rất loạn mà rất Người, ma quái mà ánh ảnh: Hồn tôi đó muôn đời làm thương nhớ / Hồn tôi đó muôn đời còn rạo rực / Hồn tôi đó muôn đời làm sương khói / Hồn tôi đó muôn đời còn đeo đá / Hồn tôi đó muôn đời còn dang dở / Hồn tôi đó còn muôn đời đứng đợi (Niềm xót xa - Thơ Du Tử Lê 1964); Mây lưng hồn tóc lạ ấm hai vai / Yêu lưng hồn yêu kín cả tương lai / Hoa nở lưng hồn thắm mọng môi ngoan / Sầu lưng hồn lệ đẫm cả đôi tay / Lạnh lưng hồn tháng rét ủ khô môi (Thơ phố nhỏ - Thơ Du Tử Lê 1964); Xin đem về xích đạo / Linh hồn tôi đêm nay / Ân tình xuôi sa mạc / Niềm tin thành mây bay... Xin đem về xích đạo / Linh hồn tôi đêm nay / Ôm từng ngày trống rỗng / Đầu thai là đi đầy (Trả thượng đế - Thơ Du Tử Lê 1964).

 

Trong thơ Du Tử Lê, Hồn, linh hồn vừa ra đi từ chính bản thể Tôi: hãy mang đi hồn tôi / một hồn đầy bóng tối / một hồn đầy hương phai / một hồn đầy gió nổi / hãy mang đi hồn tôi / một hồn đầy mắt đỏ / mưa nối liền hai người / buồn nối liền thân tôi (Lúc người chết - Thơ Du Tử Lê 1967-1972)... lại như vừa tách bạch với Tôi, trở thành một thực thể độc lập: Ta như cỏ và hồn như sương lạnh; ta ngó lại hồn mình (Sau ba mùa tăm tối - Thơ Du Tử Lê 1967-1972). Hồn cũng buồn, cũng vui, cũng có vết sầu trên nhánh linh hồn. Cuộc tranh chấp vô thức và hữu thức - ý đồ nghệ thuật của ngòi bút Du Tử Lê, ở đây lại có phần đi tới sự đồng điệu. Cùng với biểu tượng thành phố mang dấu ấn chủ nghĩa hiện sinh, Du Tử Lê đã làm cho thơ mình thêm màu sắc với biểu tượng Hồn, linh hồn nhiều ám ảnh, ma quái.

 

2.2.2.3. Em - Biểu tượng của tình yêu

 

Tình yêu có thể ví như thiên đường trong thơ ca. Nó không bao giờ trở nên đơn điệu và nhàm chán bởi mỗi nhà thơ là một nhu cầu, một khát khao riêng không ai giống ai. Với Du Tử Lê cũng vậy. Du Tử Lê quan niệm: “Nếu tình dục là hệ quả của tình yêu, thì, nó cũng đáng trân trọng như tình yêu. Nếu tình dục xuất hiện trong thơ văn ở trường hợp như tôi mới nói, thì, đó cũng là niềm hạnh phúc. Vấn đề là tác giả có khả năng poetic, khả năng văn chương hóa nó hay không mà thôi, Với cá nhân tôi, tình dục chiếm một vị trí không nhỏ trong thơ văn của tôi” [20]. Giải thích nguyên nhân Du Tử Lê làm nhiều thơ tình đến như vậy, Lê Vương Ngọc trong bài Đời tình Du Tử Lê cho rằng: “Du Tử Lê tìm đến tình yêu và cần nhiều tình yêu để khỏa lấp trong tâm hồn 2 khoảng không, có thể gọi là chân không. Chân không 1: Du Tử Lê có ông thân sinh rất nghiêm khắc nên thường quấn quít với bà mẹ và người chị lớn (Mẹ cho ăn ngon, chị cho mặc đẹp...). Ông thân sinh và người chị lớn cùng mất khi Du Tử Lê mới 4 tuổi. Bà mẹ từ đó thân xác lao đao, cuộc sống trong chiến tranh thăng trầm, bất trắc. Tâm trạng bất an của bà dội xuống mái đầu xanh với trí óc non nớt dễ bị khích động, có thể đã khiến Du Tử Lê cảm thấy dù tình mẹ thương con bao la, nhưng sự lo âu bất an thường trực trên nét mặt bà đã tạo trong tâm hồn Du Tử Lê một lỗ hổng, một khoảng trống, trọn vẹn, trống không, càng ngày càng lớn cùng với tuổi đời của Du Tử Lê mà tình mẫu tử tuy bao khắp và cần thiết nhưng không còn đủ nữa. Chân không 2: Từ 6 tuổi tới 11 tuổi, Du Tử Lê di tản 4 lần: 2 lần chạy giặc, một lần về Hà Nội và 1954, theo gia đình di cư vào Đà Nẵng, rồi Hội An; và 1955 vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn, thời gian đầu, Du Tử Lê cũng không được ở gần mẹ mà phải ở với gia đình anh chị để được kèm học. Năm 1962 Du Tử Lê nhập ngũ, Thủ Đức. Cho tới năm 1975, khi tỵ nạn qua Hoa Kỳ, nỗi trống không của một kẻ khi ở với quê hương thì quê hương điêu tàn, quằn quại, khi xa quê hương lại càng thấy xót thương cho thân phận nhược tiểu - Là kẻ bị đọa đầy trong cảnh lưu vong nhạt tanh, nhàm lợm, Du Tử Lê đã đồng hóa mình với quê hương còn chưa biết tới bao giờ mới hết đầy đọa. Từ di tích nòi tình tới nhu cầu khỏa lấp hai khoảng chân không, Du Tử Lê đã chìm đắm, nổi trôi trong những cuộc tình có khi nhiều cuộc tình cùng một thời gian, y như một dòng thác lũ đổ từ núi cao, cuồn cuộn, ào ạt, xoáy sâu, cuốn ngược, rẽ ngang, chảy dọc... một thôi dài, thật dài như quãng đời Du Tử Lê từ khi nhập ngũ tại Thủ Đức đến khi lưu ngụ tại Houston chữa bệnh – năm 1993” [53]. Đây cũng có thể được xem là một nguyên nhân.

 

Rõ ràng Tình yêu là một đề tài lớn đối với Du Tử Lê. Từ những tập thơ sáng tác trong nước cho đến sau này, khi đã sống lưu vong ở hải ngoại, Du Tử Lê vẫn luôn dành mảnh đất màu mỡ cho thơ tình. Tình ở ông đa dạng, thường trong tình cảnh éo le, bất ngờ. Ở ông, hệ lụy tình dục có mặt nhưng khá mờ nhạt bên cạnh những cao cả, tuyệt vời của tình yêu. Có lúc nhà thơ âu yếm gọi người yêu là “nhỏ”: “Khi ta đến nhỏ ở đâu hỡi nhỏ / dưng lòng ta suối bỏ núi qua rừng...”; “Anh đã hứa em an lòng hỡi nhỏ / ta sẽ về tới chốn của riêng nhau...” (Đời mãi ở phương Đông); “... Con sóc nhỏ mang hồn lên núi lạ / ta chim rừng cánh đã mỏi thương đau / hương cỏ dại mát chân người ngà ngọc / em bảng đen vôi trắng giết đời nhau..”. (Thơ cho nhỏ)... nhưng cũng có lúc thần thánh hóa một số người tình của ông thành “em vô nhiễm”, “Thánh nữ”, “từ mẫu”, “Mẹ”, “Bồ Tát”, Phật. Người nghệ sĩ tự nhận mình là tín đồ của tình yêu, của cái đẹp, coi tình yêu là ngọn nguồn cho sáng tạo thi ca của mình: Phải tôi thì làm thơ / Đàn bà là khởi điểm / Tình yêu và tôn thờ (Từ cô đơn - Thơ Du Tử Lê 1964). Với tình yêu, Du Tử Lê luôn dành những lời thơ chân thành nhất: Tình yêu mới chính là lẽ sống... tình yêu cũng tuyệt vời như sự chết (Ý nghĩ khi rời Thông Tây hội - Thơ Du Tử Lê 1967-1972); đặt tình yêu ngang bằng lẽ sống (Tay gõ cửa đời - Tay gõ cửa đời). Có thể mới đọc ta sẽ thấy khó hiểu khi nhà thơ ví tình yêu với “sự chết”. Chết là tìm về cõi vĩnh hằng. Con người khi yêu cũng luôn mong tình yêu vĩnh hằng, muôn thuở. Ví tình yêu tuyệt vời như sự chết hẳn nhiên có lí lẽ riêng của nó. Du Tử Lê là người làm nhiều thơ về tình yêu và vẫn gắn bó với đề tài này cho đến tận ngày hôm nay. Nhưng tình yêu trong thơ Du Tử Lê không giống với tình yêu trong thơ của các nhà Thơ Mới. Xuân Diệu được ví như ông hoàng thơ tình. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu chứa đựng được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: Từ khát khao cuồng nhiệt đặc trưng của tình yêu trai gái: Ôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm / Ôi trời xa: vừng trán của người yêu / Ta thấy gì đâu sâu sắc yêu kiều / Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng; từ những ghì siết say sưa: Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực / Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài / Những cánh tay, hãy quấn riết đôi vai / Hãy dâng cả tình yêu lên đôi mắt / Hãy khắng khít những cặp môi gắn chặt... đến những yêu thương trìu mến: Anh quạt cho đôi tay / Anh hằng ngày yêu mến / Anh quạt đôi lông mày / Sáu năm hằng quyến luyến; Rồi đến những tôn thờ sùng bái: Từ lúc yêu em ngay sau buổi gặp đầu tiên / Anh đã tạc hình ảnh em trên nền thương nhớ / Ở đâu có nhớ thương, anh đã đặt tượng em vào đó; đến những lo âu mất mát: Nếu ngày nào em hết ở cùng anh / Nếu đến khi anh không còn em nữa / Anh biết tạc đâu ra một người như thế?... Thơ tình yêu của Du Tử Lê lại khác. Tình yêu nhẹ nhàng, chút ngây thơ, nhiều mộng, với cánh bướm và tiếng con dế hát: “... Ta ở đó đời ta không có tuổi / em sẽ thành cánh bướm lúc mơ vui / em sẽ thành con dế lúc khuya nguôi / cất tiếng hát... phân ưu tình ai dang dở” (Đời mãi ở phương Đông) nhường chỗ cho những dự cảm chua xót, chia lìa: Tình yêu là mảnh đất / sớm muộn gì cũng mọc lên loài cây hối tiếc / ta chỉ thấy được mình / trong khu vườn cây ấy (Cho ngày mười bốn mười một - Tay gõ cửa đời). Với hạnh phúc, Du Tử Lê cũng có quan niệm khá bi quan: Hạnh phúc như viên đạn / nổ tung ngực đời mình / vốn đằm thắm bóng tối (Ý nghĩ khi rời Thông Tây hội - Thơ Du Tử Lê 1967-1972); Hạnh phúc là mồi nhử / mắc ở móc câu đời / anh mưu toan bao lần nuốt chửng (Nằm xuống đây - Tay gõ cửa đời); Hạnh phúc nào cũng xa / trước khi dòng máu nguội / tình yêu nào chẳng phai / khi mắt còn mở lớn (Nhận dạng - Tay gõ cửa đời); Hạnh phúc chỉ là tiếng chỉ chung cho những ngọn nguồn đau khổ (Lời bạt tập thơ Đời mãi ở phương Đông)... Những quan niệm tình yêu, hạnh phúc ấy đã khiến cho hình ảnh người nữ - Em - trong thơ Du Tử Lê mang một sắc thái khác biệt. Em được Du Tử Lê nhắc đến trong 61 bài thơ (chiếm 33.3%).

 

Nếu trong thơ Thanh Tâm Tuyền, hoàn cảnh chia cắt, với nỗi đau thương u uất khó lòng giải tỏa đã nhen nhóm trong nhà thơ những kì vọng khác thường về tình yêu, thi sĩ thông qua tình yêu với Em để tìm đến sự cao cả, lớn lao, thậm chí là vĩnh viễn vượt khỏi thân phận bé nhỏ, nhờ có Em mà thừa nhận những phi lý, thừa nhận cái thường nhật đơn sơ, nhỏ bé của cuộc đời... thì trong thơ Du Tử Lê, Em gắn liền với những bất hạnh trong tình yêu. Thi sĩ trong cuộc yêu của mình luôn khổ đau, dằn vặt, niềm tin về một tương lai hạnh phúc hoàn toàn là ảo ảnh: Khi em còn đứng trên đỉnh đầu cách biệt / bàn tay dẫu đưa ngang / cũng không đủ cho anh nghĩ rằng tình yêu chưa thành lệ xót / và ngày mai sẽ có trong đời / với một tương lai / có bầy con trai / có đàn con gái (vô cùng giống mẹ) / như những hạt lệ / chảy cùng một nơi / nhưng không thể rơi cùng một chỗ (Ý nghĩ khi rời Thông Tây hội - Thơ Du Tử Lê 1967-1972).

 

Trong thơ Du Tử Lê, tình yêu trước hết bắt nguồn từ vẻ đẹp đáng ngưỡng mộ của Em. Trải dài trong năm tập thơ xuất bản trước năm 1975 là những hình ảnh rất đẹp về Em. Đó là vẻ đẹp trong sáng, dung dị nhưng cũng mờ ảo và khó nắm bắt. Em với “tuổi xanh đắm đuối” đã làm mê hoặc Tôi, dẫn Tôi vào cung đình tình ái trải đầy hoa hồng và cũng đầy gai nhọn. Có thể liệt kê những hình ảnh rất đẹp của người nữ trong thơ Du Tử Lê.

 

- Đôi mắt: mắt đăm đăm suối chảy ngọt tâm hồn (Bước chân thánh thần - Thơ Du Tử Lê 1964); mắt em niềm ẩn ức khôn cùng, mắt buồn áo xanh (Trong mong manh - Thơ Du Tử Lê 1964); đôi mắt... chỉ để nhìn và khóc (Nằm xuống đây - Tay gõ cửa đời); nắng khoang mắt mộng (Đoản ca mùa xuân - Thơ Du Tử Lê 1964).

 

- Làn tóc: làn tóc bồng bềnh (Nỗi buồn của nàng - Thơ Du Tử Lê 1964); tóc bồng da trắng (Trong mong manh - Thơ Du Tử Lê 1964).

 

- Bàn tay: năm ngón ưu tư năm ngón rạc gầy / em trừu tượng như những ngày rét mướt (Bài huyền châu - Thơ Du Tử Lê 1964); tay nước mắt, tay sương mù, đôi cánh tay mềm... dịu nhẹ tiếng thầm (Trầm ca tháng giêng - Thơ Du Tử Lê 1964); vòng tay cô đơn chờ đợi (Trong mong manh - Thơ Du Tử Lê 1964); tay em vẫy gió bốn mùa... (Đoản ca mùa xuân - Thơ Du Tử Lê 1964).

 

Du Tử Lê đã sử dụng những hình ảnh tuyệt đẹp làm toát lên vẻ đẹp mong manh, trong sáng, thuần khiết của Em. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh chia cắt, sự sống cái chết liền kể, vẻ đẹp của Em như một nét chấm phá làm dịu đi cuộc sống vốn nặng nề, tù đọng của kiếp người trong thân phận nhược tiểu. Những hình ảnh như: thịt da xưa trắng ngần; làn môi ngây thơ ngọt lịm... nụ cười trói buộc cả tim anh...; chân ngà ngọc; ngực em thánh thiện; em áo lụa dáng gầy hơn bóng núi... đầy tính chất hiện sinh. Người nữ hiện lên với những vẻ đẹp thánh thiện và cũng rất gần gũi, đời thường. Vẻ đẹp ấy đã được Tôi ngợi ca với sự trìu mến và một niềm tự hào không giấu nổi: người yêu tôi là thảm cỏ mượt mà / người yêu tôi con suối nhỏ thầm thì / người tôi yêu con dế biết đợi chờ / người tôi yêu là tượng đá chung tình (Giao khúc tháng sáu - Tình khúc tháng 11).

 

Võ Phước Long trong bài viết Bốn mươi lăm năm thi ca Việt Nam cho rằng thơ tình Du Tử Lê có cảm hứng từ tôn giáo. Đây là một nhận xét khá hợp lý, bởi lẽ khi đọc những tập thơ Du Tử Lê sáng tác trước 1975, ta sẽ thấy hình ảnh Em hiện lên có nhiều nét huyền ảo. Trong tập thơ thứ ba Tay gõ cửa đời, Du Tử Lê đã hình tượng hóa người nữ và cho rằng: em hóa chúa giáng sinh / em giáng sinh đóng vai người cứu rỗi (Chiêm bao - Tay gõ cửa đời). Em đã trở thành biểu tượng hiện thân cho vẻ đẹp, sự cứu rỗi linh hồn con người. Vẻ đẹp của Em được trừu tượng hóa: nàng lóng lánh / như những hạt mưa to; nàng buồn như trái chín / mắt gầy đêm mưa xanh / hồn căng trên thập tự / đầu cúi xuống dương gian / chớp hoài đôi mắt ướt / tôi thích được quỳ dưới chân nàng / để chỉ xin những điều vơ vẩn (Phúc âm nàng - Thơ Du Tử Lê 1967-1972). Tình yêu với Tôi thiêng liêng, cao quý. Tôi đã tôn thờ nữ thánh Tin Mừng cho cuộc đời mình. Sự tôn thờ đó cũng phần nào gợi lên nỗi buồn chân thành mà tuyệt vọng nơi thơ tình Du Tử Lê khi Tôi không tìm cho mình được hạnh phúc nơi trần thế. Dù rằng khi yêu, Tôi luôn hết mình, luôn dành cho Em những điều ngọt ngào nhất: hôn em một nụ hôn dài / hôn em, một nụ hôn nhàu / hôn em một nụ chôn vùi / hôn em một nụ hôn vừa / hôn em một nụ hoang đàng / hôn em, một nụ hôn hiền (Từ ngày hai mươi lăm tháng ba - Đời mãi ở phương Đông).

 

Em đẹp và thánh thiện, nhưng Em lại trở thành một nỗi đau, không chỉ vì những gì chưa thỏa nguyện của tình yêu, mà qua Em còn hiện lên nỗi đau thương của thân phận cô đơn, lạc loài. Tự ví mình như một cung thủ đi săn tìm tình yêu nhưng trong tình yêu với Em, Tôi luôn luôn có những dự cảm bất trắc. Tình yêu đẹp nhưng buồn và bất hạnh. Tôi luôn mơ ước một hạnh phúc khi có ngày được cha mẹ đồng ý để “xin bỏ trầu cau” với Em. Nhưng rốt lại, sự đời nghiệt ngã. Tình yêu đẹp cũng sớm chia lìa. Những chua xót, chán chường, những thiết tha, rạo rực, những xấu xa đời bất hạnh bủa vây con người, bủa vây đôi tình nhân “giữa trời ảo dị”. Tình yêu là gì? Nó nâng đỡ bước chân người yếu mềm hay chỉ là “ảo dị”, chỉ là “tình yêu non yểu”, “tình yêu u uẩn”? Tôi tìm đến với tình yêu như một niềm ao ước hồi sinh với nguồn năng lượng tràn đầy nhưng chiến tranh và nỗi cô đơn phi lý, sự chia cắt đẩy đến tước đoạt lý tưởng khiến Tôi vỡ mộng. Tình yêu trở thành nỗi đau. Tôi quay cuồng trong đó với những câu hỏi không lời giải đáp: vì sao mình yêu nhau / vì sao môi anh nóng / vì sao tay anh lạnh / vì sao thân anh rung / vì sao chân không vững / vì sao anh van em / hãy cho anh được thở / bằng ngực em rũ buồn / hãy cho anh được ôm / em, ngang bằng sự chết (Khúc thụy du - Thơ Du Tử Lê 1967-1972). Tình yêu những tưởng có thể cứu rỗi tâm hồn con người thì ngược lại, tình yêu lại gắn với cái chết. Trong thơ Du Tử Lê ám ảnh cái chết quá lớn. Trang thơ nào cũng buồn, cũng đau, cũng là chết chóc, máu chảy. Thơ Tình yêu cũng không nằm ngoài luồng lạch ấy. Nhà thơ chìm trong nỗi buồn nhân thế đến mức, trong tình yêu ngay cả khi hạnh phúc ấm êm thì cũng luôn có những dự cảm đau buồn. Cuộc tình “như một đường gươm” đã cứa sâu những khổ đau trong trái tim vốn đã yếu mềm của Tôi. Tôi “yêu người cơn yêu điên” để rồi “nghìn năm đành thua thiệt”. Trong tình yêu, Tôi chân thành, cuồng nhiệt bao nhiêu thì dường như lại nhận lại khổ đau bấy nhiêu. Vẻ đẹp của Em, những kỷ niệm với Em dường như chỉ cứa sâu thêm nỗi đau trong tim Tôi. Tôi luôn mong một kết quả đẹp trong tình yêu nhưng kết quả ấy, nếu có, thì cũng buồn vời vợi: với những đứa con gái tròn xinh như hạt mít / những đứa con trai dài và buồn như lá cây / những đứa con sinh ra ngậm tăm không khóc / mắt chưa nhìn mà lệ đã chảy quanh môi (Những đứa con không giống cha mẹ - Tay gõ cửa đời).

 

Em, trong thơ tình yêu Du Tử Lê gắn liền với những cuộc tình buồn, đầy ám ảnh chia lìa. Với Em, Tôi buồn nhiều hơn vui. Nhưng khi vui, thơ tình Du Tử Lê cũng có những đoạn thật nhẹ nhàng: ta sẽ về tới chốn của riêng nhau / nơi nhục nhằn bị bỏ lại phía sau / nơi đau khổ không cách gì lấn tới / nơi hạnh phúc ắp đầy trong mỗi túi / để lúc buồn em khẽ nhón, ăn chơi / để vô tình em có lỡ đánh rơi / thì cũng chẳng bao giờ vơi hết được (Ở phương Đông - Đời mãi ở phương Đông). Niềm vui và nguyện ước tương lai thật giản dị. Du Tử Lê, “như một nỗ lực nhỏ mọn, cố gắng đem một chút trời xanh cho tình yêu” (Lời tựa tập thơ Đời mãi ở phương Đông). Giọng thơ tươi vui này còn xuất hiện trong nhiều bài thơ khác khi nhà thơ tiếp tục với những lời thơ về Em và tình yêu với Em: đêm vẫn nở những đóa quỳnh rực rỡ / em cứ buồn trắng ngát cả canh thâu (Đồng dao mới - Đời mãi ở phương Đông).

 

Trong thơ Du Tử Lê, biểu tượng Em - hiện thân của tình yêu hiện lên với nhiều trạng huống khác nhau. Dịu dàng, khốc liệt, khổ đau... Biểu tượng ấy xuất hiện suốt năm tập thơ trước 1975 của Du Tử Lê với nhiều cung bậc cảm xúc. Nhưng dù ở trạng huống nào thì thi sĩ cũng luôn dành cho Em những tình cảm trân trọng nhất để đến kết thúc tập thơ thứ năm Đời mãi ở phương Đông, Tôi đã dành cho em lời tri ân thành thực nhất: ơn em thơ dại từ trời / theo ta xuống biển vớt đời ta trôi / ơn em, dáng mỏng mưa vời / theo ta lên núi về đồi yêu thương / ơn em, ngực ngải môi trầm / cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan / ơn em, hơi thoảng chỗ nằm / dấu quanh quẩn dấu nỗi buồn một nơi / ơn em, hồn sớm ngậm ngùi / kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau (Giữ đời cho nhau - Đời mãi ở phương Đông).

 

Tiểu kết chương 2

 

Trên đây, người viết đã tiến hành khảo sát hai phương diện quan trọng trong thơ Du Tử Lê: cái tôi hiện sinh và cái tôi đa ngã, tương đồng với một số biểu tượng đặc thù. Có thể nói, quan niệm nghệ thuật của tác giả đã trực tiếp chi phối đến cái tôi trong thơ ông. Đó là cái tôi dường như đã chạm ngưỡng đến một cái tôi hiện đại, với những suy tưởng về thân phân con người trong xã hội chiến tranh, loạn lạc. Một cái tôi hiện sinh luôn băn khoăn về sự hiện tồn của mình, một cái tôi đa ngã luôn trăn trở kiếm tìm bản thể. Người viết cũng chọn khảo sát ba biểu tượng tiêu biểu của thơ Du Tử Lê, để thấy biểu tượng nào qua tay ông cũng mang những nét riêng, độc đáo, đa nghĩa. Đứng ở phương diện một người lính thuộc phía “bên kia”, những quan niệm, cách nhìn của Du Tử Lê đã góp thêm một cái nhìn nhân dân, nhiều chiều về hiện thực cuộc sống, chiến đấu và tình yêu trong xã hội Việt Nam những năm 1954-1975.

 

 

Chương 3: NGÔN NGỮ THƠ DU TỬ LÊ

 

3.1. Ngôn ngữ trong tư duy thơ

 

Ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy, là phương tiện trực tiếp của tư duy. Ngôn ngữ gắn liền với hoạt động lời nói, hoạt động tư duy của con người. Trong văn học, ngôn ngữ là chất liệu để xây dựng hình tượng, thông qua hình tượng để phản ánh hiện thực đời sống khách quan. Thông qua ngôn ngữ, quá trình tư duy được tái hiện, văn học có thể khắc họa được chân dung tư tưởng của con người, phản ánh bất kì một phương diện nào của đời sống hiện thực, có khả năng thực hiện chức năng nhận thức, biểu hiện tư tưởng một cách trực tiếp nhất.

 

Nếu như giai điệu, âm thanh là chất liệu của âm nhạc, màu sắc, đường nét là chất liệu của một hội họa; mảng khối là chất liệu của kiến trúc thì ngôn ngữ là chất liệu của tác phẩm văn chương. “Các nghệ thuật khác tuyệt đại bộ phận thường lấy chất liệu biểu đạt trong khách thể (màu sắc, đường nét, âm thanh, hình khối, các loại vật liệu được gia công...) Văn chương có cái khác, chất liệu ngôn ngữ nằm trong chủ thể (người nói) bởi vậy, việc sử dụng cái chất liệu đó có mối quan hệ rất đặc biệt với sở biểu của sản phẩm. Người sáng tác, trực tiếp thể hiện khả năng tri nhận và khả năng tái tạo thế giới trong ngôn ngữ riêng của chính mình. Họ không “lấy cái của thế giới để mô tả thế giới” mà lấy ngay ở cái vốn riêng của bản thân mình. Đó là ngôn ngữ, ngôn ngữ nghệ thuật” [18, tr.146]. Macxim Gorki đã nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học.” Tuy nhiên tùy vào đặc trưng thể loại, ngôn ngữ trong mỗi loại thể văn học có những đặc điểm riêng. Là nghệ thuật “lấy ngôn ngữ làm cứu cánh” (Jacobson), ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong thơ. Đó là thứ ngôn ngữ được chưng cất công phu vì “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ tinh tế của ngôn ngữ”. Ngôn ngữ thơ là một phương tiện hình thức luôn được coi trọng, là một giá trị không thể phủ nhận trong yếu tính thơ, vì “thơ tức là phần tinh lọc nhất của ngôn ngữ”. Ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ biểu hiện tập trung nhất tính hàm súc phong phú của ngôn ngữ, vừa giàu hình ảnh, sắc màu (tính họa) vừa giàu nhạc điệu (tính nhạc). Các đặc điểm trên hòa quện với nhau tạo nên hình tượng thơ lung linh, đa nghĩa.

 

Tư duy thơ đối với nhà thơ là việc làm thơ. Nhà thơ sử dụng ngôn ngữ để tạo ra những sản phẩm cũng bằng ngôn ngữ. Vậy nên, ngôn ngữ đối với nhà thơ vừa có ý nghĩa phương tiện, vừa có ý nghĩa mục đích. Nhà thơ vừa là người thiết kế, vừa là người thi công cho ngôi nhà của mình. Trong ngôn ngữ văn chương nói chung, ngôn ngữ thơ ca nói riêng, dù có những mặt sáng tạo riêng rất quan trọng, nhưng trước hết ngôn ngữ vẫn là phương tiện biểu đạt nội dung, thực hiện một chức năng riêng - chức năng thi ca. Văn chương là nghệ thuật dùng ngôn ngữ để phục vụ cho ý đồ nghệ thuật, phát biểu tư tưởng, tình cảm của mình trước hiện thực. Nhưng mục đích của thơ không chỉ là “nhận thức và phản ánh hiện thực” mà còn để bộc lộ ý chí, tình cảm của con người. Người xưa quan niệm: “Thi dĩ ngôn chí”. Thơ ca là để bộc lộ cái chí của mình. “... thơ là phương tiện truyền cảm và giao tiếp cao sang của người có học. Thơ cũng là công cụ giáo hóa nhân tâm, khuyên điều thiện, răn điều ác, giữ gìn phong hóa, di dưỡng tinh thần. Phép làm thơ trước hết phải lập ý, sau đó mới tìm lời. Ngôn chí, minh đạo, trưng thánh, tôn kinh là những tư tưởng tối cao mà tư duy nghệ thuật phải vận động theo” [71, tr.41]. Để bộc lộ quan niệm trên, nhà thơ phải lựa chọn ngôn ngữ sao cho việc thể hiện nội dung tư tưởng đạt hiệu quả nhất.

Tư duy thơ là kiểu tư duy nghệ thuật ngôn từ, nhưng nó khác với văn xuôi và văn bản kịch ở chỗ: từ sự đòi hỏi tư duy tuân theo “lẽ phải thông thường”, nghĩa là về mặt liên kết văn bản nhận thức phải đảm bảo tính tuần tự. Sự vận động của ngôn ngữ phải đảm bảo tính liên tục, tính tiếp nối của logic nội dung. Còn trong thơ, sự vận động của ngôn ngữ không nhất thiết phải tuần tự mà có thể nhảy vọt do liên tưởng của nhà thơ. Đồng thời, sự vận động của ngôn ngữ thơ phải tuân theo truyền thống thể loại với những yêu cầu về nhịp, về hình thức văn bản...

 

“Tư duy thơ là một phương thức biểu hiện của tư duy nghệ thuật”, “nó mang trong mình một khả năng biểu hiện phong phú nhờ khả năng biểu hiện của ngôn ngữ thơ phong phú và đa dạng. Phương tiện ngôn ngữ của tư duy thơ là một phương tiện có tính xã hội hóa cao độ. Cho nên thơ có thể biểu hiện được nhiều tâm trạng, nhiều dạng cảm xúc, nhiều nội dung cụ thể và trực tiếp” [71, tr.56]. Chẳng vậy mà trong thi ca ở bất kì thời đại nào, ngôn ngữ thơ luôn là một phương diện hình thức được coi trọng, là một giá trị không thể phủ nhận trong yếu tính thơ. Đó là thứ ngôn ngữ được trau chuốt công phu vì “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ tinh tế của ngôn ngữ” (Xuân Diệu). Ngôn ngữ thơ ca còn là tiếng nói của thời đại, nó luôn biến sinh theo những đổi thay của đời sống xã hội. Không thể dùng ngôn ngữ thơ của thời đại này để làm phát ngôn cho tâm tư trong thời đại khác, làm như vậy là bóp nghẹt sức sống của ngôn từ và sáng tạo của người cầm bút. “Thơ chỉ được tự do thật sự khi nó thoát khỏi những khế ước của ngôn ngữ xã hội để xác lập một lãnh thổ riêng của sáng tạo cá nhân” [32]. Xuân Diệu nói: Thơ hay thì lời thơ chín đỏ trong cảm xúc. Ngôn ngữ thơ - biểu hiện của tư duy thơ, vì vậy, luôn mang đậm tính chủ quan, phản ánh phong cách của mỗi nhà thơ. Nhà thơ Thanh Thảo cho rằng: “Còn ngôn từ? Đó là một phần trời cho nhà thơ (thiên bẩm), một phần lớn do nhà thơ tự tích chứa trong suốt đời mình. Không ai mới sinh đã có ngôn từ, nhưng quả thật có những người đặc biệt nhạy cảm với ngôn từ. Và người ta gọi là nhà thơ”.

 

3.2. Ngôn ngữ thơ Du Tử Lê

 

Thơ Mới và thơ Miền Nam Việt Nam sau những năm 1954 có nhiều điểm khác nhau về cách sử dụng ngôn ngữ. Cùng với sự tự do lựa chọn và cách tân thể thơ, câu thơ, cái tôi thi nhân của phong trào Thơ Mới đã tạo ra những bước đi liên tục của ngôn ngữ thơ, với một nhãn quan mới, đưa ngôn ngữ thơ từ “điệu ngâm sang điệu nói” (Trần Đình Sử), từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, bản sắc và ý nghĩa, giá trị biểu đạt tinh tế của ngôn ngữ được tăng cường, nhưng chưa triệt để. Bản thân trong ngôn từ Thơ Mới vẫn còn tồn tại những ước lệ, mùa thu thì có gió heo may, lá vàng rơi, tâm trạng cô đơn, nhớ nhung, xa vắng (Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu / Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì / Hư vô bóng khói trên đầu hạnh / Cành biếc run run chân ý nhi (Xuân Diệu). Trái lại, các nhà thơ miền Nam như Thanh Tâm Tuyền khẳng định là “không mơ mộng, nghĩa là không tạo những hình dáng cho cuộc đời vốn đã là một hình dáng, họ muốn nhìn thực tế bằng con mắt trợn tròn, căng thẳng phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy”. Ý thức được điều này, Du Tử Lê luôn cố gắng đổi mới ngôn ngữ thơ ca để tạo nên những rung động mới mẻ từ người tiếp nhận.

Xuân Diệu từng quan niệm: “Trong sự sáng tạo của nhà thơ thứ nhất là sáng tạo chất sống, thứ nhì là sáng tạo chất sống, thứ ba, thứ tư mới đến sáng tạo ngôn ngữ. Và tôi dám nghĩ rằng loại thơ sáng tạo ngôn ngữ quá tài giỏi cũng chỉ mới là loại thứ nhì”. Quan niệm ấy tuy không phủ nhận vai trò của yếu tố hình thức nghệ thuật song cũng chưa thật sự đặt nó vào đúng giá trị.

 

Thi sĩ Bùi Giáng cho rằng: “... Ngôn ngữ thơ bao giờ cũng là hóa công của người nghệ sĩ, Mỗi chữ trong thơ đều là sự vang vọng từ tâm hồn thi nhân”. Vì “Thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng làm văn xuôi, chữ không có sức mạnh ma quái như vậy (...) thi nhân là một thần linh nói một thứ chữ riêng mà thế nhân phải diễn tả dài dòng thô lậu” (Nguyên Sa).

 

Tác giả Mã Giang Lân trong bài viết Ngôn ngữ thơ hôm nay khẳng định: “Làm thơ tức là ghi lại những rung động tâm hồn và chữ chỉ là những ký hiệu ghi lại những rung động thẩm mỹ đó để lưu giữ hoặc lưu truyền chia sẻ với đối tượng khác. Làm chữ là vật lộn với chữ, nhào nặn sáng tạo chữ để có chữ mới, không mòn sáo, có nhiều nghĩa theo lối tu từ. Vậy cái thao tác làm chữ là tao tác sau, con người làm chữ đi theo con người làm thơ. Dù kỳ công đến mấy lao động chữ thể hiện tài chứ không thể hiện tình” [Mã Giang Lân (2009), Ngôn ngữ thơ hôm nay, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Số 2].

 

Những ý kiến trên phần nào cho ta thấy vai trò quan trọng của nhà thơ trong công cuộc lựa chọn ngôn từ. Khác với văn xuôi, thơ ca chỉ dùng một lượng hữu hạn các đơn vị ngôn ngữ để biểu hiện cái vô hạn của cuộc sống bao gồm các sự kiện tự nhiên và xã hội cũng như những điều thầm kín trong tâm linh con người (Hữu Đạt). Do vậy, ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ biểu hiện tập trung nhất tính hàm súc phong phú của ngôn ngữ. Trong thơ Du Tử Lê, cái tôi hiện đại không bằng lòng với những ước lệ, nó đòi hỏi đi sâu vào nội tâm, phân tích, mổ xẻ cảm giác, trạng thái phức tạp của con người cá nhân. Do đó, ngôn ngữ thơ ca của ông cũng đa dạng, phức tạp như chính bản thân cuộc sống vốn đã nhiều mâu thuẫn. Trong thơ mình, Du Tử Lê đã làm một cuộc cách tân ngôn ngữ. Cách tân ở đây không phải là sử dụng một hệ thống ngôn từ mới toanh, lạ lẫm. Đổi mới ngôn ngữ ở Du Tử Lê trước hết là ở sự xâm lăng của hệ thống ngôn ngữ có thể biểu đạt một cách sâu xa nhất phần bản thể của con người hiện sinh trước cuộc đời.

 

Đọc thơ Du Tử Lê từ tập thơ đầu tiên xuất bản năm 1964 đến tập thứ năm Đời mãi ở phương Đông (1974) người đọc luôn có cảm giác mệt mỏi, hoang mang bởi hiện thực cuộc sống mà nhà thơ trình diện trên trang giấy có quá nhiều bất trắc. Chiến tranh và cái chết ám ảnh tâm hồn con người và đi vào trong thơ ca với đầy hoài nghi, tuyệt vọng. Du Tử Lê đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ phơi bày mọi trạng huống của hoàn cảnh và con người trong hoàn cảnh đó. Hàng loạt những tính từ chỉ tâm trạng, tính chất tiêu cực được Du Tử Lê sử dụng tràn từ trang này sang trang khác. Những cô đơn, bơ vơ, ngậm ngùi, lẻ loi, yếu đuối, lênh đênh, xấu xa, tro tàn lửa lụi, buồn thiu thiu, ủy mị, não nùng, lướt thướt, xót xa, héo hắt, quạnh hiu, tiêu điều, u uất, điêu tàn, tức tưởi, ê chề, nức nở, thảng thốt, hoang vắng, thê thảm, nhọc nhằn, cỗi cằn, sụt sùi, chênh vênh, tuyệt vọng, khốn khổ, ảo não, thảm đạm, thổn thức, nhão nhoẹt, nỉ non, lắt lay, lêu đêu... cứ bám riết tâm trí người đọc. Thật khó có thể tưởng tượng cuộc sống chiến tranh lại hãi hùng đến vậy. Hay nhà thơ bị ám ảnh quá lớn về nỗi đau thân phận, về chia cắt khiến cho nhìn đâu cũng thấy thây ma, máu chảy? Một hiện thực xám ngoét, não nề, chảy nhão từng lời thơ, con chữ. Nó làm cho người đọc hoài nghi, mất niềm tin vào cuộc sống. Có lẽ chính bởi sức ám ảnh ghê gớm trong từng ngôn từ mà Du Tử Lê sử dụng để nói về chiến tranh, về cuộc sống, về tình yêu đã khiến cho thơ ông, đương thời không được tiếp nhận, có chăng cũng khá dè dặt và được xếp vào hàng “thơ ca phản động”.

 

Quả thực, tính chất tĩnh tại của ngôn từ đã bị Du Tử Lê phá vỡ. Ẩn trong từng con chữ tưởng như vô hại kia là những thất vọng, buồn bã, chán nản về cuộc đời, về một tương lai mờ mịt không đích đến. Người thi sĩ trẻ tuổi Du Tử Lê khi ấy chưa tìm được điểm tựa cho tinh thần của mình. Chỗ dựa mỏng manh là tình yêu với Em cũng không lấy gì đảm bảo. Tìm đến tình yêu để mong cứu rỗi, mong giải thoát tâm hồn mình. Nhưng rốt lại, tất cả đều là hư vô, ảo ảnh. Những tác động đó, có lẽ là nguyên nhân giải thích cho một mật độ dày đặc những ngôn từ “đen” xuất hiện trong thơ ca Du Tử Lê.

 

Khi quan niệm tiếng thơ là tiếng nói một thời đại cũng có cái đúng. Với trường hợp thơ Du Tử Lê, hình như Du Tử Lê đã đi chệch ra ngoài quỹ đạo đó. Những biến thiên trong tâm thức con người trong một thời đại li tán, ám ảnh chiến tranh, chia cắt đất nước làm mỗi cá nhân cũng rã rời, hoang hoải đã khiến thơ ca Du Tử Lê luôn là những sầu khúc chát đắng, kể cả những bài thơ “vui” ma quái ám ảnh hơn là những vui tươi rạo rực. Và quả thực, nó “không hợp thời” nếu coi thơ ca văn nghệ là để phục vụ mục đích chính trị.

 

Đối diện với hiện thực và với nhu cầu cần phản ánh rõ nét, chân xác hiện thực, Du Tử Lê đã đưa ngôn ngữ thơ trở về gần gũi với đời thường, với các sự vật và hệ thống hình ảnh mang tính trần trụi, thô nhám. Trải dài trong năm tập thơ, những hình ảnh của cuộc sống đi vào trang thơ Du Tử Lê một cách nhuần nhị. Trong sách Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn (Nxb Tự Lực, California, 2007) Nguyễn Đức Tùng cho rằng: “Cách tân ngôn ngữ không phải là một trò chơi giải trí. Con người băn khoăn trước sự bất cập của lời: đời sống mỗi cá nhân mang nhiều bộ mặt khác nhau, những kinh nghiệm và thể nghiệm của họ là bất tận. Hãy hỏi chính bạn xem: hạnh phúc nào của bạn, khổ đau nào của bạn, nỗi nhớ thương, sự căm giận nào mà không lớn hơn bất cứ một từ ngữ nào đang tìm cách diễn tả chúng? Vì vậy, trong thơ Du Tử Lê, cũng như ở nhiều nhà thơ khác, thay đổi theo thời gian: một mặt chúng là tấm gương soi của đời sống đương đại; mặt khác, bằng vào tài năng riêng của mỗi nhà thơ, chúng mang lại những nội dung mới, động lực mới, cho xã hội mà ta đang sống” [74]. Không phủ nhận ý kiến của Nguyễn Đức Tùng nhưng ở đây người viết cho rằng, ngôn ngữ trong thơ Du Tử Lê cũng là tiếng lòng của thi sĩ khi ông bị ám ảnh không nguôi về hiện thực. Ngôn ngữ ấy phản ánh đời sống hiện thực nhưng là một hiện thực đã bị cường điệu hóa, “bôi đen hóa”. Du Tử Lê đã phủ lên hệ thống ngôn từ đầy những bức bối, ngột ngạt buốt sắc cho một kiếp sống mong manh. Ngôn từ ấy như tiếng kêu cứu tuyệt vọng của con người trong một cuộc sống đang bị tàn phá, hủy diệt. Và quả thật, trong trang thơ Du Tử Lê, một hiện thực điêu tàn phủ kín. Du Tử Lê viết về thành phố, về tình yêu, về cuộc chiến tranh với tâm trạng não nề của kẻ “không nhìn thấy ngày mai”. Tương lai không có gì khác hơn ngoài những khổ đau, chết chóc. Thứ ngôn ngữ gần gũi với cuộc sống đời thường với những sự vật trần trụi được Du Tử Lê sử dụng triệt để: súng đạn, ba lô, chăn mền, gạo thóc, miếu đền, mộ chí, bom đã reo mừng, đạn đã reo vui, hỏa châu soi đường, khuôn mặt người nát nhừ, khuôn mặt người máu me, bãi mòn xương phơi, tử thi, khăn tang, đáy huyệt, thịt đã tan và xương đã mục, cuộn thép gai hoen gỉ máu người, vết đạn xuyên thủng, manh chiếu vá vải thâm, cây cong cành mục... Mật độ những ngôn từ này tuy có giảm dần ở những tập thơ sau, nhất là tập thơ thứ năm Đời mãi ở phương Đông (tập thơ đương thời được đánh giá cao hơn hẳn) nhưng tựu trung lại, nó vẫn làm trang thơ ông xam xám, bàng bạc những nỗi lit a, chia lìa, những thây ma, máu chảy, những nỗi buồn “mọc nhánh trên thân cây mùa đông”. Người đọc hoang mang, vì không hiểu được ý đồ của tác giả nhưng lại bị ám ảnh ghê gớm bởi một ma lực tỏa ra trong từng con chữ. Ngôn ngữ thơ phơi bày nhiều trạng huống khác nhau trong con người thi sĩ. Du Tử Lê đã phá vỡ cái tĩnh, cái nền của vỏ ngôn ngữ, để sự vật phơi bày lên những tính chất rõ rệt của nó. Ngôn ngữ trong thơ của người thi sĩ bất thường, bất ngờ, lạ lẫm, nhưng cũng nhiều khi rất bình thường như lời nói ngoài phố chợ. Tất cả thể hiện trạng huống của con người đa ngã, tứ tán trong một thế giới kinh hoàng, phân rã, tan rữa, hơn cả là sự hoảng loạn, mất phương hướng. Và do việc sử dụng ngôn từ đời sống nhiều, dày khiến cho thơ Du Tử Lê đôi chỗ mất đi vẻ thanh nhã như người ta vốn nghĩ về thơ ca: trên xác người chưa rữa / trên thịt người chưa tan / trên cánh tay chó gặm / trên chiếc đầu lợn tha / tôi sống như người mù / tôi sống như người điên... (Khúc thụy du - Thơ Du Tử Lê 1967-1972).

 

“Cuộc sống địch thực và chân lý thơ ca không phải luôn đồng nhất với các mệnh đề ngôn ngữ phổ biến. Nhiều khi do nó mang những chiều kích lớn hơn, tinh vi hơn, bí ẩn hơn ngôn ngữ nên nó phải phá tung bộ áo ngôn ngữ thô cứng, chật chội để hiện ra trong sinh thể quyến rũ và vạm vỡ của sự sống và nhiều khi của chính lịch sử. Đó chính là cuộc sống đang tuôn chảy trong tiềm thức, vô thức của nhà thơ, cuốn trôi đi các bờ đê ngôn ngữ tạo nên một thác lũ, một phù sa mới” (Đỗ Minh Tuấn). Lựa chọn cho mình bộ cánh “ngôn ngữ xám”, dù viết về đề tài gì, thơ ông vẫn chưa vượt ra khỏi những bi quan, chán nản, tuyệt vọng. Nhưng chính những bi quan, chán nản, tuyệt vọng ấy lại là đặc trưng của thơ miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Ngay trong tình yêu, đề tài mà Du Tử Lê tâm đắc nhất, ông vẫn viết về nó đầy ngậm ngùi. Tình yêu có lúc trẻ trung, tươi vui nhưng cũng có lúc buồn thảm, chia lìa ngay khi nó mới bắt đầu: Ta ở đó đời ta không có tuổi / em sẽ thành cánh bướm lúc mơ vui / em sẽ thành con dế lúc khuya nguôi / cất tiếng hát... phân ưu tình ai dang dở; anh chạy đuổi theo em / giắt lưng nghìn tuyệt vọng; tình khác nào vuông khăn / đậy mặt người quá cố; chúng ta sẽ nghĩ về nhau như đã chết... Với một hệ thống ngôn ngữ gần gũi đời thường, Du Tử Lê đã phần nào làm cho trang thơ ông thực như cuộc sống. Nhưng đó cũng chỉ là cuộc sống qua cái nhìn của nhà thơ - người lính nằm bên kia chiến tuyến nhìn về Tổ quốc đau thương.

 

“Nhà thơ tầm thường làm thơ bằng ngôn ngữ, có tài là kẻ sáng chế ngôn ngữ”. Với thơ Du Tử Lê tính chất “sáng chế” mờ nhạt. Có chăng, ông khác với những nhà thơ cùng thời ở chỗ, ông đã sử dụng một hệ thống ngôn ngữ mà ít người sử dụng, ít người muốn nhắc tới - một hệ thống ngôn ngữ đen xạm tâm hồn. Nhà văn Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Người làm thơ chọn chữ và tiếng không chỉ vì ý nghĩa của nó, cái nghĩa thế nào là thế ấy, đóng lại trong một khung sắt. Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gợi đến chung quanh nó, những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh của câu thơ là sức gợi ấy” (Trích theo Đặng Tiến trong bài Lê Đạt và Bóng chữ). Trong trang thơ Du Tử Lê, “vùng ánh sáng động đậy” cứ lặn ẩn dưới đáy sâu ngôn từ. Sức mạnh lan tỏa yếu nhưng lại ám ảnh ghê gớm: Khi ấy chúng mình là những con mèo hoang đi trên những mái chùa cũ / Khi ấy chúng mình là những con chim đêm đi tìm mặt trời lửa đỏ / Khi ấy chúng mình là những con vi trùng tàn phá sự sống...; Chim bướm sợ ngày về khăn xô áo trắng; không có đời sống nào / không treo trên ngọn cao / đón chờ đàn quạ tới; triền nước mặn ướp thân xác nhăn nheo... Quả thật, ngôn ngữ Du Tử Lê dùng khiến người đọc mệt mỏi. Mệt mỏi nhưng vẫn muốn đọc, vẫn muốn tìm kiếm, xem ngoài vùng u tối kia, ông có thoát thai được ra khỏi bản thể mình để tìm đến mảnh đất tươi vui, hạnh phúc hay không. Nhưng tiếc là, trước năm 1975, thơ ông chưa làm được điều ấy. Sau này, khi đã định cư tại hải ngoại, với một khoảng cách đủ xa, một thời gian trôi qua đủ nhiều, Du Tử Lê đã có cái nhìn phần nào khác đi. Những tập thơ Ở chỗ nhân gian không thể hiểu (1998); Đi với về, cũng một nghĩa như nhau (1991); Chấm dứt luân hồi: em bước ra (1993); Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi (1994); Thơ tình (1996); Sông núi người thơm nỗi nhớ nhà (1996)... mang một tiếng nói mới mẻ hơn, tiếng nói của thân phận con người bé nhỏ nơi đất khách quê người nhìn về quê hương, nhận định lại những gì đã xảy ra. Ngôn ngữ thơ ca bớt bi quan hơn, mang những màu sắc tươi sáng hơn.

 

Một đặc trưng nữa của ngôn ngữ thơ ca Du Tử Lê là “nỗ lực thi ca hóa, hay quần chúng hóa những danh từ, những hình tượng thuộc về đạo Thiên Chúa” mặc dù Du Tử Lê không phải là một Ky Tô hữu. Điều này thể hiện rất rõ trong tập Thơ Du Tử Lê 1967-1972.

Chúng ta hãy cùng đọc những dòng thơ như thế này:

 

phải rồi, phải rồi em / trong trường hợp nào, thì chúng ta cũng không thể xa nhau / khi rắn địa đàng đã can gián nàng đừng hái lầm trái cấm/ nàng khăng khăng đưa tay ngắt lấy cho mình / trái hạnh phúc chín

 

phải rồi, phải rồi em / Trong trường hợp nào, thì, chúng mình cũng không thể xa nhau / nếu thánh Moise không thấy được đất hứa / chỉ vì một lần lỡ không tin nơi quyền phép thiêng của Chúa (Những dòng sầu cuối sáu tám)

 

vâng chúng tôi thường gặp nhau vào mỗi chiều thứ sáu / ngày chúa bị đóng đinh / ngày giáo dân không được phép ăn thịt / (để tưởng nhớ đến ngài)

những con bồ câu của thánh Nô-Ê trong sáng-thế-ký

nàng tin nơi tình yêu / như giáo dân tin nơi phép màu của chúa

ngày chúa bị đóng đinh (Phúc âm nàng)

 

em hãy ráng tin ta / bằng vào lời dối trá / và vinh danh ju-đa / bởi chỉ y thánh thiện (Thập tự)

....

 

Những chi tiết về chuyện Eva hái trái cấm trong vườn Địa đàng mặc lời can gián của thần linh, câu chuyện về thánh Moise, thánh Nô-Ê, về Ju-đa, về ngày Chúa bị giảo hình, về những điều mà giáo dân không được làm trong ngày lễ thánh... tất cả đã được Du Tử Lê đưa vào trong thơ một cách thuần thục. Tự nhận mình “vốn là kẻ đa nghi / tôi không tin thượng đế”, nhưng trong cuộc sống và trong tình yêu với Em, Em đã đưa Tôi đến gần hơn với Ngài. Và kể từ đó, thơ Tôi có thêm một hệ thống ngôn ngữ mới, người viết tạm gọi là hệ thống ngôn ngữ giáo dân. Với hệ thống ngôn ngữ này, đôi chỗ Du Tử Lê sử dụng còn gượng ép (ví Em với Thánh nữ Tin Mừng) nhưng phần nào nó cũng góp phần làm phong phú thêm cho thơ ca ông.

 

Paul Valéry, một nhà thơ Pháp có một định nghĩa về thi sĩ rất lý thú: “Thi sĩ là một người bình thường, nhưng mỗi ngày vào buổi chiều, ông ta lại đem ngôn ngữ ra khủng bố”. Trong hơn 30 năm qua, Du Tử Lê đã làm công việc mà Paul Valéry nói: khủng bố ngôn ngữ. Ông đi tìm những ngôn ngữ mới cho thơ. Ông cho những chữ đã cũ những đời sống mới bằng sáng tạo của ông. Không thể phủ nhận những sáng tạo mà Du Tử Lê đã làm đối với ngôn ngữ thơ ca của mình nhưng rõ ràng, để nhận định những sáng tạo đó là tích cực và có tác dụng làm mới ngôn ngữ thơ ca dân tộc thì cần phải xem xét lại. Có thể sau này khi sáng tác ở hải ngoại, Du Tử Lê có được những đánh giá tích cực hơn nhưng rõ ràng, với những sáng tác trước 1975, Du Tử Lê chưa phải là một tài năng được chú ý nhiều ở cái được gọi là “cách tân, sáng tạo, mới mẻ”.

 

3.3. Nhạc tính trong thơ Du Tử Lê

 

“Nhạc điệu là một yếu tính của thi ca. Thiếu nhạc tính thơ trở thành văn xuôi” (Bằng Giang). Bởi nhạc tính như một nét duyên thầm làm nên vẻ đẹp của thơ, cũng là một yếu tố tạo mỹ cảm cho người đọc. “Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn thiếu duyên” (Tam Ích). Và “Thơ là sự phối hợp của âm thanh”. Thơ bao giờ cũng là sự kết hợp hài hòa giữa ý và nhạc. Nếu “rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm say lòng người nhưng dễ nông cạn” (Chế Lan Viên). Trong thơ, nhạc được tạo nên từ cách dùng ngôn ngữ, cách gieo vần, phối thanh... tạo nên nhịp điệu. Nếu ngôn ngữ và hình ảnh là những yếu tố song hành thì âm điệu cũng là yếu tố đồng hành với tính nhạc. Vì thế, khi nhắc đến nhịp điệu trong thơ, người thưởng thức thường dễ dàng liên tưởng đến những câu thơ có vần, dễ đọc, dễ nhớ.

 

Thơ phản ánh cuộc sống qua những rung động của tình cảm. Như nhịp đập của trái tim khi xúc động, ngôn ngữ thơ có nhịp điệu riêng của nó. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ ấy. Có thể xem tính nhạc nét đặc thù rất cơ bản của ngôn ngữ thơ. Trong tiềm thức của không ít người, thơ hoặc tính thơ luôn thuộc về loại hình ngôn ngữ có tiết tấu, nhịp điệu. Tư duy thơ khác tư duy văn xuôi. Văn xuôi chỉ có tiết tấu nhịp điệu khi nó đã “bị thơ ca gậm nhấm (Claude Montel). Tiết tấu, vần nhịp trong văn - nếu có - thường bị gián đoạn. Còn trong thơ, nhịp nhạc, vần điệu vận đdộng khá đều đặn theo một chu kỳ, quy luật nào đó. Một đằng thuộc thủ pháp nghệ thuật có thì làm giàu thêm sức biểu hiện và kiến tạo, không cũng chẳng sao. Còn đằng kia thuộc về bản thể, về sự sống. Nói đến yếu tố tạo tính nhạc cho thơ phải kể đến vai trò của nhịp điệu. Trong bài báo Làm thơ như thế nào Maiacovki từng khẳng định: “Nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lượng cơ bản của thơ”. “Nhịp điệu đóng góp toàn bộ ý nghĩa của bài thơ và phép làm thơ chuyển nó thành ý nghĩa (Charles Hartman). “Câu thơ và vần có một cái duyên mà thậm chí khi lời, ý dở, nhà thơ vẫn quyến rũ người nghe bằng nhịp điệu và sự cân đối” (Isokrate). Theo giáo sư Hà Minh Đức: “Nhịp điệu là kết quả của một sự chuyển động nhịp nhàng, sự lập lại đều đặn những âm thanh nào đó ở trong thơ”. Nhịp thơ có thể dài ngắn, hoặc đọc lên có thể nhanh hay chậm phụ thuộc vào trạng thái cảm xúc.

 

Trong bài Mấy ý nghĩ về thơ (1949), Nguyễn Đình Thi quan niệm: “Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm của tiếng đàn bên tai(…) Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn (…) Đó là nhịp điệu thành hình của những cảm xúc, hình ảnh liên tiếp hòa hợp mà những tiếng và chữ gợi ra như những âm vang dài, ngay những khoảng lung linh giữa chữ, những khoảng im lặng, cũng là nơi trú ngụ kín đáo của sự xúc động [Nguyễn Đình Thi (2003) Mấy ý nghĩ về thơ, Phụ san thơ, Báo Văn Nghệ, Quý 2]. Theo quan niệm đó, nhịp điệu không những không trùng hợp với âm luật, không cần sự giúp đỡ của thanh điệu mà nó tự tạo ra những yếu tố tự do phù hợp với rung động tâm hồn. Nhịp điệu không thể là những khuôn mẫu buồn tẻ mà bao giờ và trước hết là tình cảm.

 

Trong tiến trình phát triển thơ ca Việt Nam, Thơ Mới có thể được xem là một cách tân đáng kể bằng việc các nhà thơ Mới đã rất dụng công đưa nhạc vào thơ, nhạc hòa âm, phối nhịp với giọng điệu thơ: nhạc điệu bằng - trắc theo kiểu thơ Đường, nhạc điệu lục bát của ca dao, vắt dòng, ngắt nhịp, nhạc điệu bằng cách điệp âm, điệp thanh, gieo vần.

 

Du Tử Lê không lấy vần điệu làm đơn vị cấu trúc để tạo nên hình tượng âm thanh, nhà thơ đi vào chiều sâu nội tại nhạc tính, thực hiện chức năng thi ca của ngôn từ bằng nhịp điệu hình ảnh, song song với nó là một thứ nhịp điệu khác – nhịp điệu của ý tưởng, cả hai thứ này là sự thể hiện nhịp điệu của ý thức.

Về khía cạnh chỉ ra nhạc tính trong thơ Du Tử Lê, ở đây người viết chủ yếu xem xét ở thể loại đặc trưng trong thơ ông: thơ lục bát. Trong cả năm tập thơ ông xuất bản trong nước trước năm 1975 thì phân nửa trong số đó là thơ lục bát. Với thơ lục bát, Du Tử Lê “ví như người nữ, với tất cả đặc tính dịu dàng, ẻo lả. Trong khi những thể thơ khác, như năm chữ, bảy chữ, tự do…vạm vỡ, nhiều nam tính. [Tôi – DTL] muốn thêm chút khỏe mạnh cho lục bát; chút đằm, dịu cho các thể thơ khác” [(77].

 

Lục bát là thể thơ truyền thống của thơ ca dân tộc. Hầu như không có nhà thơ nào không biết làm thơ lục bát. Nhưng làm thơ lục bát hay và gắn bó lâu dài với lục bát thì không phải nhiều nhà thơ làm được. Trong lịch sử văn học, chúng ta có Nguyễn Du với thiên Truyện Kiều bất hủ. Với Truyện Kiều, lục bát đã lên đến mức tuyệt hảo nhất. Sau Kiều, hiếm có nhà thơ nào thành công với thể thơ này hơn Nguyễn Du. Thơ ca thế kỷ XX đã chứng kiến những bước cách tân của lục bát. Có thể kể đến lục bát Huy Cận với những ý tưởng, cảm xúc, ngôn ngữ mới (Buồn đêm mưa…); lục bát Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Viên Linh…Và bây giờ lục bát Du Tử Lê. Du Tử Lê làm thơ lục bát khi còn rất trẻ, từ những năm 11, 12 tuổi cho đến tận bây giờ khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” Du Tử Lê vẫn miệt mài sáng tác lục bát.

 

Trên tạp chí Văn Học số Xuân, đề tháng 1 năm 1975, nhà văn Lê Huy Oanh trong nhóm Sáng Tạo đã có một bài viết nhìn nhận nỗ lực cách tân thể thơ lục bát của nhà thơ Du Tử Lê. Đó là chủ trương chia lại nhịp đi của lục bát. Trước Du Tử Lê lục bát được xây dựng trên nhịp chẵn hay nhịp 2 đều. Du Tử lê chủ trương mang nhịp lẻ hay nhịp chỏi đến cho lục bát.Thử nghiệm này ông đã bắt đầu từ năm 1966 với bài bài cuối 66 đăng trên tạp chí Văn, 1966, xuất bản tại Sài Gòn.

 

tôi lêu lổng suốt canh khuya

quanh co rồi cũng xe về dưới hiên

nâng then, tay mở cánh phiền

chân lơi thềm bước, rơi mềm ván cây

đèn mù, dơi ngủ, mái tây

rã rời, hơi thở tôi bay đầy phòng

thế thời này đến đi buôn

đời bôn tẩu đã quen thân ngựa thồ

phố cao, gió nổi, bóng mờ

đêm lu, trời nặng, tôi gù lưng, đi

đấy em, lòng rất thiệt thà

ước mong cũng nhỏ như là phận con

giường cây, ván lạnh đêm bưng

kéo chăn, co gối, phủ chân thừa ngoài

cho muồi giấc, một khuya thôi

sáng ra mối đã đùn – vùi tuổi ta.

(Bài cuối 66 – tay gõ cửa đời)

 

Điểm đặc biệt ở bài thơ này đó là Du Tử Lê bắt đầu chú ý đến việc sử dụng các dấu chấm, dấu phảy để ngắt nhịp thơ. “Du Tử Lê rất tự giác trong việc đổi mới lục bát, đặc biệt ở khía cạnh nhịp điệu. Thơ ông có cách ngắt nhịp lạ. Ông đưa vào những cách ngắt nhịp mới chưa từng có trước ông. Nhận định về nỗ lực đổi mới nhịp Lục Bát, Nguyễn Hưng Quốc cho rằng đóng góp của Du Tử Lê không thể không công nhận được.” [2]

 

Trước Du Tử Lê, cách chấm câu và ngắt nhịp thơ lục bát khá giản dị. Lục bát truyền thống thường có cách ngắt nhịp 2-2-2 ở câu sáu và 2-2-2-2 ở câu tám hoặc 2-4 ở câu sáu, 2-4-2 ở câu tám hoặc 3-3, và 4-4.

 

Thơ Nguyễn Du:

Làn thu thủy nét xuân sơn (3-3)

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh (4-4)

(Truyện Kiều)

 

Thơ Lưu Trọng Lư:

Vầng trăng từ độ lên ngôi (2-2-2)

Năm năm bến cũ em ngời quay tơ (2-2-2-2)

(Thơ sầu rụng)

 

Thơ Bùi Giáng:

Hỏi tên rằng biển xanh dâu (2-4)

Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa (2-4-2)

 

Du Tử Lê đã thử nghiệm một cách ngắt nhịp mới cho thơ lục bát của mình. Khởi điểm là bài Bài cuối 66 đã trích dẫn ở trên. Để ý kĩ trong bài thơ này ta sẽ thấy cách ngắt nhịp mới chủ yếu được Du Tử Lê thử nghiệm ở những câu tám.

 

rã rời, hơi thở tôi bay đầy phòng (2-6)

đời bôn tẩu đã quen thân ngựa thồ (6-2)

đêm lu, trời nặng, tôi gù lưng, đi (2-2-3-1)

kéo chăn, co gối, phủ chân thừa ngoài (2-2-4)

sáng ra mối đã đùn – vùi tuổi ta. (5-3)

 

Năm câu tám, mỗi câu Du Tử Lê tìm cho nó một cách ngắt nhịp mới bằng việc sử dụng dấu phảy, không câu nào giống câu nào.Thử nghiệm mới này, đọc lên xem chừng khá lạ lẫm và khó hiểu. Đây là cách tạo nhịp điệu cho thơ bằng cách tạo ra cấu trúc mới cho nó chăng?

 

Từ điển văn học (bộ mới) định nghĩa cấu trúc tác phẩm văn học:

“Thuật ngữ chỉ tổ chức nội tại, sự quan hệ qua lại giữa các yếu tố của văn bản văn học

mà việc thay đổi một yếu tố nào đó sẽ kéo theo sự biến đổi của các yếu tố khác”.

“Khác với ngôn ngữ tự nhiên, các yếu tố của cấu trúc tác phẩm văn học, đều có ý nghĩa riêng. Những ý nghĩa ấy được tạo nên không chỉ nhờ tư duy của riêng cá nhân tác giả trên một đề tài nào đó, một chất liệu nào đó mà còn nhờ vào ký ức văn học của tác giả và người đọc. Do vậy, bất cứ yếu tố nào trong cấu trúc tác phẩm văn học, dù là yếu tố hình thức cũng đều có thể chứa ngữ nghĩa”.

“Các cấu trúc thẩm mĩ, trong đó có cấu trúc tác phẩm văn học thuộc loại cấu trúc siêu phức tạp. Bên cạnh các yếu tố cấu trúc, trong tác phẩm văn học còn có thể có những yếu tố bên ngoài cấu trúc chúng không liên hệ bền vững với các yếu tố khác nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong sự tiến triển, phát triển của cấu trúc”.

“Cấu trúc của thơ hết sức phong phú, phức tạp ở nhiều cấp độ, nhiều bình diện, nhiều yếu tố quan hệ phối thuộc lẫn nhau. Chúng có thể nằm trong văn bản, có thể ở ngoài văn bản nhưng giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển cấu trúc tác phẩm. Những cấu trúc của thơ thường được tính đến ở các cấp độ: Cấp độ bộ phận (Chủ đề, hệ thống hình tượng, biểu tượng, ngôn ngữ, câu thơ, nhịp điệu, liên văn bản, ngoài văn bản…), cấp độ tác phẩm (bài thơ, tứ thơ), cấp độ tác giả, cấp độ khuynh hướng thơ, cấp độ giai đoạn thơ…) [40, tr. 27]

 

Trong cấu trúc thơ truyền thống, mối quan hệ giữa các từ hướng đến một tư tưởng hoàn tất, với những cách sắp xếp chặt chẽ, tính liên kết mạnh, nghĩa là các từ ở đó trừu tượng đến tối đa nhằm phục vụ các mối liên hệ. Cuộc sống hiện đại mang đến những đặc trưng thẩm mỹ mới. Con người, giữa sự xâm lấn của khoa học hiện đại, thấy mình nhỏ bé, trở nên lạc lõng, đứt lìa mọi quan hệ xã hội. Con người ý thức được sự bất lực của lý trí, tìm đến sự lý giải, chi phối của vô thức, tiềm thức đối với hoạt động của đời sống con người. Lúc này mô hình cấu trúc truyền thống không thể chuyển tải được hết những phi trật tự của lý trí, sự ngổn ngang, phức tạp của vô thức. Du Tử Lê đã phá vỡ cấu trúc thông thường của lục bát. Sự phá vỡ cấu trúc thông thường ấy không chỉ bộc lộ tâm trạng rối loạn, đảo lộn, trùng điệp của tâm thức, cảm xúc mà còn là những dịch chuyển sống động của ngôn ngữ thơ. Nó vừa bộc phát tâm trạng cũng vừa là kết quả của những ám ảnh từ ngữ. Rất nhiều các tổ chức câu không theo trật tự thông thường. Từ thử nghiệm đầu, sau này, Du Tử Lê đã mạnh dạn hơn trong việc tạo ra những cách ngắt nhịp mới lạ cho lục bát của mình. Du Tử Lê đi tìm những cách diễn tả khác cho lục bát bằng cách sử dụng những dấu chấm, dấu phảy, dấu gạch ngang, thậm chí dấu hai chấm để ngắt 2 câu 6 và 8 theo những nhịp khác. Ông muốn thí nghiệm điều mà trong nhạc gọi là nhịp chỏi, nhịp nghịch tai, không thuận theo những âm luật bình thường đã cũ của lục bát.

 

Đêm, thu hồn ẩn – ngày – hồi xác ve (1-3-1-3)

Chiều, tha bóng núi – tối – bày, quân, xa (1-3-1-1-1-1)

(Nén đá giầm đời – Thơ Du Tử Lê 1967-1972)

 

Thấy tôi không / đã hồn khuya tượng què (3-5).

(Bài lục bát sau tám năm cho người về - Thơ Du Tử Lê 1967-1972)

 

Những thử nghiệm ngắt nhịp thơ lục bát này, Du Tử Lê sử dụng ngày càng dày đặc và có ý thức rõ ràng hơn ở tập thơ thứ năm Đời mãi ở phương đông.

 

(Xem bảng khảo sát trang bên)

 

 

 

 

 

Việc thay đổi nhịp đã quen – nghĩa là đều, chẵn và cân đối bằng cách sử dụng các dấu có sẵn như phảy, chấm, để tạo cho lục bát những “nhịp lẻ, nhịp chỏi” khác thường và bất thường khiến thơ lục bát Du Tử Lê mang một diện mạo mới. Các dấu / : - ( ) của Du Tử Lê là một thử thách cho người đọc. Người đọc có thể hiểu đúng, có thể hiểu sai ý đồ tác giả nhưng rõ ràng với cách sử dụng dấu câu để chia nhịp như vậy, Du Tử Lê bắt buộc độc giả phải tư duy khi đọc thơ ông chứ không chỉ thưởng ngoạn theo lẽ thông thường. Chủ trương cắt vụn câu thơ ra như vậy mang đến sự đứt gẫy về nhịp điệu, đem đến cảm giác bất trắc, xáo trộn cho người đọc khi chứng kiến cuộc sống, tình yêu hiện lên qua trang thơ Du Tử Lê. Và rõ ràng, ta đã thấy, thơ Du Tử Lê đầy những buồn bã, hoài nghi, đầy những dự cảm tiêu điều về cuộc sống, về tương lai. Sự đứt gãy, xáo trộn nhịp thơ càng đẩy cảm giác bất trắc lên đến đỉnh điểm. Người đọc cảm thấy bứt rứt, khó chịu, thậm chí ngạt thở khi dõi theo trang thơ Lê.

 

Nhà thơ Nguyên Sa đã từng trăn trở: “Thế hệ chúng tôi đến với thơ lục bát với câu hỏi lớn: làm sao khác với lục bát Nguyễn Du, làm sao khác với lục bát Nguyễn Bính, làm sao khác với lục bát HuyCận”. Rồi sau đó ông tìm được câu trả lời: “Bây giờ chúng ta đã có lục bát Du Tử Lê. Một lục bát khác Huy Cận. Một lục bát vượt Huy Cận. Vượt không có nghĩa là hơn. Thơ không có sự so sánh. Vượt là khác. Là đẩy thơ đi tới”. Tuy nhiên, theo Nguyễn Vy Khanh: “Câu thơ của Du Tử Lê còn thêm khía cạnh vì đánh dấu nhiều, hà tiện chữ hoặc cố tình để dư thừa chữ, có thể vì muốn cách tân nhưng cũng có thể vì động cơ làm dáng, mà câu thơ trở nên mơ hồ, tối nghĩa hoặc thiếu chất khẳng định [33] Điều này cũng có ý đúng. Tình chất mơ hồ, mờ ảo, huyễn hoặc là điều người đọc có thể cảm nhận được. Cuộc sống trong thơ Du Tử Lê tưởng như rất thật mà cũng rất mờ. Tình yêu ảo ảnh. Em ảo ảnh. Và cả tôi cũng thành ảo ảnh khi “chúng ta” đều chưa rõ “nhân dạng” của mình.

 

con sông con sông lâm bồn

chim bay rừng thất thân cùng hoang vu

đêm lui đêm lui chân về

sầu lên cao ốc xe chờ “pạc kinh”.

 

Vần trắc bị đẩy hẳn ra ngoài phạm vi của câu 6. Tất cả những tiếng trong câu 6 đều là vần bằng. Xúc động không còn nữa. Chỉ còn nỗi mệt mỏi, rã rời. Chỉ còn sự nhàm chán của những âm không dấu hoặc dấu huyền để đi xuống cuối câu. Tình cảm mất hết sự sôi động ở trong, nỗi chán chường được đưa xuống tận đáy sâu thấp nhất. “Nỗ lực cách tân về âm luật lục bát tình cờ đem lại cho tác giả một cách diễn ta tình cảm rất mới. Hay chuyến đi tìm một cách diễn đạt tình cảm mới đã đưa tới cách tân về âm luật?” [78].

 

Sau này khi đã định cư ở hải ngoại, Du Tử Lê tiếp tục không ngừng nghỉ với những cách tân cho thơ lục bát về nhịp điệu. Ông dùng dấu slash (dấu gạch chéo /) để chia nhịp thơ và tạo ra nhiều cách hiểu hơn cho một câu thơ:

 

Rừng / tôi / sâu / thở / nốt chân trời

(Chấm dứt luân hồi em bước ra)

 

Theo Du Tử Lê: “Khi một dấu gạch chéo được đặt sau một chữ nào đó, điều ấy, có nghĩa chữ đó có thể di chuyển theo hai chiều thuận nghịch (Freely two way direction.) Và nó cũng có nghĩa chữ này tuy ở vị trí bị kẹt giữa hai chữ khác, nhưng nó vẫn có nhiệm vụ (hay tự do) xô đẩy chữ đứng trước nó và luôn cả chữ đứng sau nó nữa... Khi một chữ hay nhiều chữ bị đặt giữa hai dấu slash / gạch chéo, điều đó có nghĩa người đọc có thể di chuyển MỘT CHỮ, MỘT NHÓM CHỮ theo bất cứ chiều nào họ muốn. Nói khác đi, người đọc, có thể thay đổi vị trí đầu tiên của chữ (hay nhóm chữ) đó, tùy theo ý thích của họ” (Một vài nỗ lực...). Dấu / còn được Du Tử Lê thử nghiệm ở nhiều thể loại khác, để ngắt, đổi vị trí các chữ trong câu để có thể có nhiều cách đọc ngược xuôi. Đến nay, người đọc tại hải ngoại và số ít người đọc trong nước đã không còn lạ lẫm với cách ngắt nhịp câu thơ như vậy của Du Tử Lê. Tuy nhiên, “các hình thức mà Du Tử Lê thử nghiệm chưa đủ thuyết phục giới thưởng ngoạn thi-ca, ngoài lối chấm câu bất ngờ và sự sử dụng những dấu gạch đi tới / . Thơ là một văn bản, một toàn thể, do đó có thể tạo thành với ý, nhạc tính và cả thị giác. Những thử nghiệm của Du Tử Lê nhằm cải đổi chân điệu (âm-điệu, pied rythmique) và số tiếng (âm tiết, chân tiếng, pied-mot) trong câu ở thơ cũ vốn đều đặn, nhất định, nay sẽ biến đổi khiến thơ có nét bất ngời và mới! Xưa nay vần cho âm-điệu, nhưng âm điệu có thể có mà không hẳn cần đến vần, âm điệu sẽ tự do, đa dạng. Một số người làm thơ trẻ thời 1995-1996 đã phê bình họ Lê làm xấu phần hình thức với những dấu gạch tới (5). Nhưng nay với những thử nghiệm Tân Hình Thức và thơ cụ thể gần đây, những dấu gạch chéo slash / của Du Tử Lê không còn là trở ngại, nếu không dùng thái quá” [33].

 

Du Tử Lê đã rất dụng công trong việc đổi mới nghệ thuật thơ ca, đặc biệt trong việc thay đổi nhịp điệu thơ lục bát. Tuy nhiên những cách tân của ông có tồn tại với thời gian hay không, hay lại chìm dần vào quên lãng thì vẫn cần phải có thêm sự thách thức về thời gian và cả chính sự tiếp nhận từ phía độc giả.

 

Tiểu kết chương 3

 

Quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, Du Tử Lê đã mang đến cho người đọc những khám phá mới về ngôn ngữ, nhịp điệu thơ ca. Ngôn ngữ đời sống nặng nề, ám ảnh tâm trí, nhịp điệu thơ xáo trộn, cắt xén, đảo ngược... tất cả mang đến cảm giác bất an về cuộc sống con người trong chiến tranh với mặc cảm thân phận, với sự thay đổi và mất dần các giá trị sống, với sự sợ hãi, hoang tưởng nơi tâm thần bất định của nhà thơ. Thơ Du Tử Lê ám ảnh về nội dung, bất ngờ với tân hình thức cần được khám phá sâu hơn ở những công trình tiếp theo.

 

KẾT LUẬN

 

Khám phá thơ Du Tử Lê (năm tập thơ xuất bản trong nước trước năm 1975) dưới góc nhìn tư duy thơ có thể nhận thấy một số điểm sau:

 

Cái tôi trữ tình và những điều ông đặt ra trong tác phẩm đã khắc chạm đến những vấn đề mang tính nhân loại (cuộc sống con người trong chiến tranh), đặc biệt là cuộc vật lộn của con người trong hành trình tìm kiếm bản ngã đích thực của riêng mình. Cái tôi trong thơ Du Tử Lê đầy những u uất, bi quan, chán nản, tuyệt vọng, cái tôi đau đớn, xót xa trước hiện thực mờ tối, cái tôi u buồn, hoài nghi trong tình yêu. Có thể nói, quan niệm nghệ thuật của tác giả đã trực tiếp chi phối đến cái tôi trong thơ ông. Đó là cái tôi dường như đã chạm ngưỡng đến một cái tôi hiện đại, với những suy tưởng về thân phận con người trong xã hội chiến tranh, loạn lạc. Một cái tôi hiện sinh luôn băn khoăn về sự hiện tồn của mình, một cái tôi đa ngã luôn trăn trở kiếm tìm bản thể, cái tôi muốn thoát khỏi thực tại, tìm đến tương lai tươi sáng hơn nhưng thất bại, thất bại ngay trong chính hành trình đi tìm con người bản thể đích thực của mình.

 

Biểu tượng là một trong những khám phá độc đáo của Du Tử Lê, xuất phát từ chính quan niệm nghệ thuật của nhà thơ. Biểu tượng trong thơ ông đa dạng, nhiều chiều, nhiều thái cực nhưng tựu trung lại đều thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của con người có cái nhìn bi quan về hiện thực và mất niềm tin vào cuộc sống tương lai. Đứng ở phương diện một người lính thuộc phía “bên kia”, những quan niệm, cách nhìn của Du Tử Lê đã góp thêm một cái nhìn nhân bản, nhiều chiều về hiện thực cuộc sống, chiến đấu và tình yêu trong xã hội Việt Nam những năm 1954-1975.

 

Quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, Du Tử Lê đã mang đến cho người đọc những khám phá mới về ngôn ngữ, nhịp điệu thơ ca. Ngôn ngữ đời sống nặng nề, ám ảnh tâm trí, nhịp điệu thơ xáo trộn, cắt xén, đảo ngược... tất cả mang đến cảm giác bất an về cuộc sống con người trong chiến tranh với mặc cảm thân phận, với sự thay đổi và mất dần của các giá trị sống, với sự sợ hãi, hoang tưởng nơi tâm thần bất định của nhà thơ. Ngôn ngữ thơ Du Tử Lê gần gũi với đời sống, đôi chỗ trở thành xô bồ, thậm chí đôi chỗ còn thô nhưng nó thể hiện rất rõ suy nghĩ của con người hiện sinh trước cuộc đời. Cùng với những cách tân về nhịp điệu thơ mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa hình thức, những cách tân về nhịp điệu thơ mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa hình thức, thơ Du Tử Lê phần nào đã gây được sự chú ý đối với độc giả và cả giới nghiên cứu văn học (tuy còn thưa thớt ở trong nước).

 

Trong luận văn này, người viết đã đi từ việc tìm hiểu những cách tân quan niệm nghệ thuật, đến khai thác cái tôi trữ tình cũng như hệ thống biểu tượng, thi ảnh, những sáng tạo về nghệ thuật thơ của Du Tử Lê. Trên cơ sở đó, đưa đến cách tiếp cận thơ ca theo một số tiêu chuẩn thẩm mỹ mới, định vị giá trị sáng tạo của Du Tử Lê trong một lộ trình cách tân thơ Việt. Tuy nhiên, do giới hạn của một luận văn, với khả năng còn hạn chế, người viết chưa thể giải quyết thấu đáo những vấn đề then chốt trong sáng tác của ông. Thơ Du Tử Lê nói riêng và Văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975 và các cây bút nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam ở nước ngoài từ sau 1975 đến nay đã có công đóng góp không nhỏ vào nền văn học nước nhà. Những công trình nghiên cứu giàu tính khoa học sẽ giúp người đọc có cái nhìn xuyên suốt, thấu đáo về bộ phận văn học này cũng như toàn bộ lịch sử Việt Nam nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Vũ Tuấn Anh (1998), Nửa thế kỉ thơ Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Vương Hồng Anh, Những ngày với Du Tử Lê ở KBC 3168, Sài Gòn

http://www.banvannghe.com/D_1-2_2-59_41201_5-4_6-4_17-53_14-2/12/05/2011 05:45 AM

3. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004

4. Nguyễn Ngọc Bảo, Mạn Đàm Với Nhà Thơ Du Tử Lê

http://dutule.com/D_1-2_2-106_44-47_6-3_17-16_14-2_15-2/

5. Nguyễn Ngọc Bảo, Năm Mươi Năm Ấy Bây Giờ Là Đây

6. Văn Cao, Mấy ý nghĩ về thơ, htpt://www.dactrung.com/Bai-bv-133-May_y_Ve_Tho.aspx

10/18/2002

7. Nguyễn Vĩnh Châu (Đài VOA)

http://dutule.com/D_1-2_2-106_4-2824_5-4_6-3_17-16_14-2_15-2/ (09/26/2010 08:07 AM)

8. Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?

http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artwortId=9215

Bản mới bổ sung ngày 20/0/2009

9. Chủ nghĩa hiện sinh, vi.wikpedia.org/wili/Chủ_nghĩa_hiện_sinh

10. Chủ nghĩa hiện sinh my.opera.com/Hoang%20Ngoc%20Hung/blog/ch-nghia-hi-n-sinh

11. Lê Thị Dung (2010), Thơ Bùi Giáng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật, LVThS Văn học, Trường ĐH KHXH và NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), Hà Nội

12. Trần Thị Thùy Dung (2010), Thơ Lê Đạt dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật, LVThS Văn Học, Trường ĐH KHXH và NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), Hà Nội

13. Trần Tiến Dũng, Quỳnh Như Thiên (1994), Chủ nghĩa siêu thực trong thơ Pháp thế kỉ XX, Nxb Văn học, Hà Nội

14. Đặc điểm ngôn ngữ thơ,

http://www.go.vn/diendan/showthread.php?583657-Dac-diem-ngon-ngu-tho 14-11-2010 15:24

15. Hà Minh Đức (2006), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội

16. Hà Minh Đức (1987), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội

17. Hà Minh Đức, Bùi Văn Nguyên (2006), Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

18. Đinh Văn Đức (2005), Các bài giảng về lịch sử tiếng Việt (thế kỷ XX), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

19. Nguyễn Đạt, Nhà thơ nói về thơ tình

http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtework&artworId=3069

20. Trường Đinh, Phỏng Vấn Nhà Thơ Du Tử Lê

www.dutule.com/D_1-2_2-106_4-3836_5-4_6-1_17-16_14-2_15-2/ 10/17/2011 07:07 PM

21. Trọng Đức, Bộ mặt ngạo mạn của Du Tử Lê

http://dcvoline.net/modules.php?name=News&file=comments&sid=485&tid=15267&mode=netsted&order=&thold= 20-08-2005

22. Bằng Giang (191), Từ thơ mới đến thơ tự do, Nxb Phù Sa, Sài Gòn

23. Gordon E. Bihelow, Đôi nét về chủ nghĩa hiện sinh, triethoc.edu.vn

24. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2006), Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội

25. Hà Thị Hạnh (2009), Thơ Trần Dần: từ quan niệm nghệ thuật tới hành trình sáng tạo, LVThS, Văn học, Trường ĐH KHXH và NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), Hà Nội

26. Đào Duy Hiệp (2008), Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội

27. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội

28. Bùi Công Hùng (2000), Tiếp cận nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hóa thông tin

29. Phan Tấn Hải, Phút Nói Thật Với Nhà Thơ Du Tử Lê

http://dutule.com/D_1-2_2-106_4-31_5-4_6-4_17-16_14-2_15-2/

30. Thái Tú Hạp, Du Tử Lê - Người tình thủy chung với văn chương

http://chutluulai.net/forums/showthread.php?t=4307 13-02-2009, 12:57 AM

31. Lê Anh Hoài, Trọng Thịnh, Xung quanh việc “nhà thơ Du Tử Lê la trời”

http://www.tienphong.vn/Van-Hoa/19310/Xung-quanh-viec-%E%2%80%Cnha-tho-Du-Tu-Le-la-troi%E%2%80%9D.html 15:56 19/08/2005

32. Châu Minh Hùng, Tự do thơ tự do

http://www.khoavanhocngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=478:t-do-th-t-do&catid=94:ly-lun-va-phe-binh-vn-hc&Itenmid=135

33. Nguyễn Vy Khanh, Thơ Du Tử Lê: Hiện tượng và Thể loại

http://dutule.com/D_1-2_2-104_4-966_5-6-5_17-94_14-2_15-2/ 02/22/2010 07:47 PM

34. Nguyễn Vy Khanh, Văn Học Miền Nam Tự-Do 1954-1975

http://www.binhtrung.net/index.php?option=com_conten&view=acticle&id=10073:van-hoc-mien-nam-tu-do-1954-1975&catid=48:tuy-but&Intemid=147

35. Thụy Khuê, Văn học miền Nam năm 54-75 trong cách nhìn của VTN hôm nay

vuongtrinha/blogspot.com/.../van-hoc-mien-nam-54-75-trong-cach...

36. Thụy Khuê, Văn học miền Nam

thuykhue.free.fr/mucluc/vanhocmiennam.html tháng 10/2007

37. Mã Giang Lân (2000), Tiến trình thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội

38. Mã Giang Lân (2004), Thơ hình thành và tiếp nhận, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

39. Mã Giang Lân, Tìm hiểu thơ, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội

40. Mã Giang Lân (2011), Những cấu trúc của thơ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

41. Du Tử Lê, Vị trí và ảnh hưởng của thơ Nguyên Sa trong văn học Việt

http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=218&ia=18208

42. Du Tử Lê, Sự phong phú của Tiếng Việt qua những áng thơ hay

http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=218&ia=15922

43. Du Tử Lê, Thơ Du Tử Lê (1964); http://www.dutule.com/D_1-2_2-87_5-9_6-1_17-23_14-22_15-2/tacpham-tho.html#nl_list_bookmark

44. Du Tử Lê, Tình khúc tháng 11 (1965); http://wwwdutulecom/D_1-2_2-87_5-9_6-1_17-23_14-2_15-2/tacpham-tho.html#nl_list_bookmark

45. Du Tử Lê, Tay gõ cửa đời (1967); http://www.dutule.com/D_1-2_2-87_5-9_6-1_1723_14-2_15-2/tac-pham-tho.html#nl_list_bookmark

46. Du Tử Lê, Thơ Du Tử Lê (1967-1972); htt://wwwdutule.com/D_1-2_2-87_5-9_6-1_17-23_14-2_15-2/tacpham-tho.html#nl_list_bookmark

47. Du Tử Lê, Đời mãi ở phương Đông (1974); http://www.dutule.com/D_1-2_2-87_5-9_6-1_17-23_14-2_15-2/tac-pham.html#nl_list_bookmark

48. Võ Phước Long, Bốn mươi lăm năm thi ca Việt Nam

http://damau.org/archives/6720

15.05.2007

49. Phương Lựu (chủ biên) (2006), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội

50. Lê Quỳnh Mai, Phỏng vấn nhà thơ Du Tử Lê

http://dutule.com/D_1-2_2-106_4-46_5-4_6-3_17-16_14-2_15-2/ 29/12/2009 07:47 PM

51. Một thí dụ về hòa giải - nhà thơ nhìn về chiến tranh

http://vl.x-cafevn.org/node/494

52. Hàn Lệ Nhân (2005), Lược khảo thơ Mới và thơ tự do

http:ww/webvkal.com/vkal/_forum/snitzforum2000_v34_05/topic.asp?TOPIC_ID=348

53. Lê Vương Ngọc, Đời tình Du Tử Lê

http://dutule.com/D_1-2_2-104_4-3731_15-2/ 08/09/2011 09:47 AM

54. Núm Ruột Quê Hương

http://dovonline.net/modules.php?name=News&file=comments&sid=559&tid=21156&mode=nested&order=thold= 10-09-2005

55. Hữu Nguyên, Đầu năm giáp Thân nói chuyện qua internet với nhà thơ Du Tử Lê về văn chương và đời thường

http://dutule.com/D_1-2_2-106_4-43_5-4_6-4_17-16_14-2_15-2/ 28/12/2009 07:12 PM

56. Võ Phiến (1996), Văn học miền Nam tổng quan, Nxb Văn nghệ, Hà Nội

57. Lê Lưu Oanh (1998), Thơ trữ tình Việt Nam 1975-1990, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

58. Lê Lưu Oanh (2006), Cái tôi trữ tình trong thơ, Luận án Phó tiến sĩ

59. Roland Barathes (1998), Độ không của lối viết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội

60. Diêu Lan Phương, NGỤ NGÔN CỦA NGƯỜI ĐÃNG TRÍ - Bản trường ca siêu thực độc đáo của thi ca Việt Nam,

http:/wwkhoavanhoc.edu.vn/index.php?option=com_conten&view=article&id=737:ng-ngon-ca-ngi-ang-tribn-trng-ca-sieu-thc-c-ao-ca-thi-ca-vit-nam&catid=42:cong-trinh-khoa-hc&Itemid=116

Thursday, 27 May 2010 09:40

61. Huỳnh Như Phương, Chủ nghĩa Hiện sinh ở Miền Nam Việt Nam 1954 - 1975 (trên bình diện lý thuyết)

http://www.giaodienmonline.com/noidung_detail.php?newsid=4662 15/03/2010

62. Đặng Phú Phong, Du Tử Lê, màu-xanh-vàng-phai

http:/phiendasau.multiply.com/journal/item/4089/4089?&show_interstitial=1&u%2Fjournal%2Item

63. QN, Arlington, ghi thuật, Du Tử Lê trả lời cuộc phỏng vấn của đài Tiếng nói Việt Nam Hải Ngoại/ Dallas, http:/dutule.com/D_1-2_2-106_4-42_5-4_6-4_17-16_14-2_15-2/ 12/29/2009 07:01 PM

64. Đỗ Hưng Quốc, Hai đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ thơ

http://www.voitiengviet.com/content/dac-diem-noi-bat-ngon-ngu-tho-06-16-2001-124020624/916951.html 15.06-2011 20:00

65. Nguyễn Hưng Quốc, Thơ sau 1954: Thời của những ám ảnh Siêu Hình

http://vlobnpt.diendannguoidanvietnam.com/index.php?option=com_content&view=article&id=5674:th-sau-1954-thi-ca-nhng-am-nh-sieu-hinh&catid=92:van-hoa-a-nghe-thuat&Itemid=73 11 Tháng 11 2011 14:17

66. Sigmund Freud (1938), Đời tôi và tâm phân học, Nxb Gallimard

67. Trần Đình Sử (2008), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội

68. Tạp chí Văn Học SG, 179, 3-1974, số đặc biệt về giải Văn học nghệ thuật năm 1973

69. Hoài Thanh, Hoài Châu (1996), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội

70. Nguyễn Bá Thành (2006), Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

71. Nguyễn Bá Thành (1996), Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Văn học

72. Đỗ Ngọc Thạch, Sartre và văn học, newvietart.com/index.4.866.html 23.01.2011

73. Đỗ Lai Thúy (2010), Thanh Tâm Tuyền, người đi tìm tiếng nói

http://wwwvanchinh.net/index.php?option=com_content&view=article&id=576:thanh-tam-tuyn-ngi-i-tim-ting-noi&catid=37:phe-binh&Itemid=56 22 Tháng 8 2011 05:59

74. Nguyễn Đức Tùng (2007), Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn, Nxb Tự Lực, California

75. Thanh Tâm Tuyền, Nỗi buồn trong thơ hôm nay - 1955, in lại trong Giai phẩm Văn số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền 11/1973

76. LM Trần Cao Tường, Một thoáng bâng khuâng với thơ Du Tử Lê

http://elib.quancoconline.com/ui/viewcontent.aspx?g=2504

77. Nguyễn Mạnh Trinh, Nói chuyện với Du Tử Lê trong và ngoài một cuốn sách mới xuất bản

http://kesach.org/index.php?option=com_content&view=artcle&id=1302:noi-chuyn-vi-du-t-le-trong-va-ngoai-mt-cun-sach-mi-xut-bn&catid=136:blog

78. Bùi Bảo Trúc, Lục bát và những đóng góp của Du Tử Lê

Htt://www.dutule.com/D_1-2_2-7_4-1313_6-1_17-23_14-1_15-2/ 04/18/2010

79. Thơ tình Du Tử Lê

http://vietbao.vn/Van-hoa/Tho-tinh-Du-Tu-Le/45163723/181/ 05 Tháng Tám 2005, 21:20 GMT+7

80. Tiểu sử Du Tử Lê

http://vi.wikipedia.org/wiki/Du_T%E1%BB%%AD_L%C3%AA

81. Lê Văn, Hứng nhạc trong thơ Du Tử Lê

http:/www.levanwineclub.com/html/DuTuLe.htm

 

Đại Học Quốc Gia Hà Nội

 

Ussh.vnu.edu.vn

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN)

 

Tiếng Việt English

 

* Giới thiệu

* Tin tức

* Tuyển sinh

* Đào tạo

* Nghiên cứu

* Đối ngoại

* Sinh viên

* Cán bộ

* Liên hệ

 

Thông Tin Luận Văn: Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật

 

Tác giả: Trần Thị Như Ngọc

Xuất bản: 20/11/2012, 10:00

 

Thông tin luận văn “Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật” của HVCH Trần Thị Như Ngọc, chuyên ngành Lí luận văn học

 

1. Họ và tên học viên: Trần Thị Như Ngọc

2. Giới tính: Nữ

3. Ngày sinh: 20/12/1986

4. Nơi sinh: Tràng An, Đông Triều, Quảng Ninh

5. Quyết định công nhận học viên số: 1355/QĐ/XHNV-KH&SĐH của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Không

7. Tên đề tài luận văn: Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật

8. Chuyên ngành: :Lí luận văn học; Mã số: 60 22 0120

9. Cán bộ hướng dẫn khoa học: TS. Diêu Thị Lan Phương

10. Tóm tắt các kết quả của luận văn:

Luận văn đã nghiên cứu một cách có hệ thống và khá toàn diện tư duy thơ của Du Tử Lê (khảo sát 05 tập thơ xuất bản trước 1975). Tìm hiểu thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật nhằm khám phá những nét mới mẻ trong thế giới nghệ thuật nói chung và thế giới thơ Du Tử Lê nói riêng. Nghiên cứu tư duy thơ qua sự vận động và phát triển của cái tôi trữ tình, qua hệ thống biểu tượng và ngôn ngữ, nhằm tìm ra những nét khác biệt trong cách cảm, cách nghĩ, những tìm tòi sáng tạo nghệ thuật của thơ Du Tử Lê.

Trong bối cảnh công cuộc đổi mới văn học nghệ thuật đã có những thành tựu đáng kể và đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong nước, luận văn góp thêm cái nhìn toàn diện, khoa học và khách quan về sáng tác thơ Du Tử Lê (trước 1975) trong nền thơ ca Việt Nam. Qua đó khẳng định được hướng tiếp cận nghiên cứu từ góc độ tư duy nghệ thuật đối với các hiện tượng văn học thực sự có nhiều ưu thế cần được tiếp tục và phát triển.

Bên cạnh đó, luận văn còn đóng góp thêm một tiếng nói trong việc khẳng định vị trí của Du Tử Lê trong nền thơ ca miền Nam Việt Nam trước 1975 và nền thơ Việt Nam nói chung.

11. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: Tài liệu giảng dạy và nghiên cứu

12. Những hướng nghiên cứu tiếp theo

13. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận văn: Không

 

INFORMATION ON MASTER’S THESIS

 

1. Full name: Tran Thi Nhu Ngoc

2. Sex: Female

3. Date of birth: 20/12/1986

4. Place of birth: Trang An, Dong Trieu, Quang Ninh

5. Adminission decision number: 1355/QĐ-XAHNV-KH&SĐH

Dated 24/10/2008

6. Changes in academic process: None

7. Official thesis title: Du Tu Le poet wisest thinking art

8. Major: Literary theory 9. Code: 60 22 01 20

9. Supervisor: Dr. Dieu Thi Lan Phuong

10. Summary of the finding of the thesis:

This thesis studied in a systematic and comprehensive thinking of poetry of Du Tu Le (survey 5 book of poetry published before 1975). Du Tu Le’s poetic work is searched with thinking of art explore the new features in art generally speaking and poetry of Du Tu Le in particular. They are searched by move develop of lyric in himself, system, symbol, language in order to find the differences in the way of feeling, thinkingm creative art in poetry of him.

In literary background develop, art literature has considerable achievement and it has strong develop in country, the thesis contributes wholly view, science, and objective about Du Tu Le’s poetic work (before 1975) in Vietnamese poetry. They assert to approach reach to arted thinking to literary phenomenon has many advantages need to be are continued and developed.

Besides, the thesis contributes more opnion to confirm the role of Du Tu Le in Vietnamese poetry before 1975 and Vietnamese poetry generally speaking.

11. Pracital applicability, if any: For teaching and research

12. Further research directions, if any: None

13. Thesis-related publications: None

 

Bản đề in Facebook Twitter

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 34315)
... thơ của Du Tử Lê cũng “đi” với Phạm Duy. Với Phạm Đình Chương. Với Từ Công Phụng. Với Vũ Thành An, Châu Đình An, Trần Duy Đức
03 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 14202)
Vào cuối năm 1976; tôi tình cờ gặp lại người bạn học trong một quán café nằm cạnh bãi biển Nha Trang; trên tay anh ta là cuốn thơ:
27 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 13692)
Thơ Du Tử Lê cũng được kết tạo theo cơ cấu ẩn dụ và hoán dụ. Trước hết không gian và thời gian của thi tập "Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra,
24 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 13968)
Nếu chúng ta từng đọc từng nghe, và cảm nhận những lời thơ quen thuộc như những dòng nhạc, thì khoảng vài năm gần đây, những vần thơ Du Tử Lê
20 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 13858)
Vừa là người yêu thơ vừa là người được quen biết anh Du Tử Lê từ hồi còn ngồi ở quán Cái Chùa ngó mông ra con đường Tự Do ở Saigòn, chuyện trò thời sự, văn nghệ
02 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 33754)
Mặc dù mọi thứ đều cũ. Nhưng cả mẹ, cả Bố và cả tôi chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó. Mẹ bảo, "tri túc thì tiện túc."
30 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 14197)
Đó là một món quà Giáng Sinh bất ngờ, nhưng không với giấy hoa, nơ hồng mà lại gói ghém nhiều sắc đen,
27 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 12867)
"Đọc thơ ông thấy ngay ông làm thơ như người ta nói chuyện. Nhưng từ mỗi ngôn từ, mỗi mạch th
24 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 11849)
Nhà thơ Du Tử Lê (1942-) suốt hai giai đoạn văn học, miền Nam 1954-1975 và hải ngoại, đã có những đóng góp trong việc cách tân, thử nghiệm làm mới thi-ca
01 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 13159)
Trở lại với phòng tranh Du Tử Lê khai mạc lúc 3 giờ chiều thứ bảy March 30, 2013 tại NVR Studio trong khu Eden đã cuốn hút người xem thật đông đảo
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17070)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19002)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9185)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14021)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19191)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7906)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8505)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21741)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19800)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18061)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24516)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,