LÊ GIANG TRẦN - nói thong thả về thơ du tử lê

22 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 9262)
LÊ GIANG TRẦN - nói thong thả về thơ du tử lê

1.

Người đọc thơ phải là người yêu thơ hay ít nhất cũng phải thích thơ. Đã rất nhiều văn nhân thi sĩ đọc thơ Du Tử Lê và cảm hứng viết lên những cảm nghĩ của quý vị đó về dòng thơ của nhà thơ này từ suốt vài thập niên, kể từ bài thơ đầu tay của ông cho đến hiện tại, một khoảng thời gian dài từ 1957 đến 2013. Và ngôn ngữ thơ của ông, như nhà thơ Đỗ Quý Toàn đã có một bài viết, là "Du Tử Lê, thi sĩ có những câu thơ thành ngôn ngữ hằng ngày", mà theo ông nhận định, "tôi cho đó là một thành công". Trong bài viết này của ông, có đưa ra nhận xét mà theo ông cho đến nay vẫn còn đúng: " Du Tử Lê, quả nhiên vẫn là một nhà thơ hiếm hoi. Anh vẫn một mình một cõi. Đó là một điều đặc biệt. Và đối với một thi sĩ, thì đó là một sự thành công". Tại sao? Theo nhà thơ Đỗ Quý Toàn, "Người thi sĩ đó đã sống bằng tiếng mẹ đẻ của mình và, hòa nhập với cộng đồng của những người cùng chung ngôn ngữ".

Bài này mang nội dung của một người đọc và yêu thơ, của một thuở tâm hồn học trò mê thơ, với lời lẽ nói chuyện mộc mạc bình thường, bình dân, chứ không có ngôn ngữ của văn chương, mục đích chỉ để nói lên tấm lòng yêu thích thi của tôi ca đối với nhà thơ Du Tử Lê, và được gởi đến tác giả như lá thơ của cá nhân một bạn đọc.

Nhớ lại, thập niên 60, tôi đang là một cậu học trò trung học đệ nhất cấp, tôi đã nghe nói đến, và tìm đọc thơ Du Tử Lê. Rồi sau đó, mỗi khi bắt gặp bài thơ nào của Du Tử Lê, tôi đều đọc trong một niềm ưa thích háo hức. Cho đến 1975, những bài thơ tình 8 chữ của ông mà tôi từng đọc qua và nhớ lõm bõm, có hơi thơ thật trơn tru, vần điệu với chữ nghĩa trữ tình, hấp dẫn và mê hoặc; đặc biệt thơ sáu tám của ông được nhận diện rất riêng, bằng danh hiệu "lục bát Du Tử Lê". Tôi vốn trí nhớ kém, không thuộc trọn vẹn bài thơ nào của ông trong hơn thập niên đó, nhưng nếu có ai đọc hay ngâm nga lên thơ của ông thì nhận ra liền tức thì, vì thường đó là những bài thơ hay, được thanh niên thời đó yêu thích, nằm lòng.

Cho mãi đến khi sang Mỹ, khi tác giả tái bản thơ ông, tôi mới có dịp mua về để đọc lại, để tìm lại, để nhớ lại những bài thơ thơ mộng của ông, mà trong thời học trò của mình đã có đọc qua, hay đã có nghe nhiều người truyền miệng. Và từ đó mãi đến giờ, tôi vẫn lưu giữ hầu như được toàn bộ thơ của ông, và là một dòng thơ tôi đọc lại nhiều nhất trong các tác giả đương thời với ông. Đến nỗi, khi tôi quen thân tình với anh Phạm Công Thiện, anh thường ghẹo tôi là "mầy bị ảnh hưởng của Du Tử Lê", làm thằng em muốn nổi máu chống xâm lăng!

Những khi bị "buồn tình", tôi lại lôi thơ của "chàng" ra đọc, là "hợp thời trang" nhất. Có thể do mình có lòng quý thơ của người đó, nên "rồi thì" được gặp người đó. Tôi đã được gặp ông, nhà thơ Du Tử Lê, bên đây trời lận đận, mà ngay từ buổi "ban sơ tao ngộ', ông đã không ngại ngần mở rộng trái tim tình người, cưu mang, tôi được "ăn nhờ ở đậu" trong nhà ông hơi hai năm dài. Ân tình đó tôi mang trọn đời. Nhưng cũng do thế, bao năm dài về sau, ông đã xuất bản rất nhiều tập thơ, thế mà tôi không viết được một bài giới thiệu ngắn nào, chỉ vì trong lòng còn "chấp", sợ người đời gán cho là "tung hê" hay "vây cánh". Hơn nữa, thật sự thì dòng thơ du Tử Lê đã được viết đến nhiều nhất, hầu như mọi thứ trong thơ ông đều đã được luận bàn sâu rộng, viết khó mà không bị trùng lắp, không khéo còn rơi vào thô thiển.

Cái cậu thanh niên ngày xưa của tôi bây giờ đã sáu mươi tuổi đời, tôi không còn ngán ngại, chấp nhứt gì, nhưng bài viết này chỉ "nói" tới vài điều trong thơ ông mà tôi khoái. Khoái đầu tiên là ông giới thiệu mình nhập cuộc "thơ":

Năm mười sáu tuổi tôi chính thức khai sinh tên tôi
lần thứ hai
sau lần khai sinh của bố mẹ
từ đó tôi bắt đầu làm thơ
tôi bắt đầu sống – tôi bắt đầu đời tôi
như con sông bắt đầu ra biển
như tình người mới lớn rất nhiều bao dung
như lòng tôi bắt đầu mềm sũng
bắt đầu yêu ai bắt đầu bất hạnh
bắt đầu từ đó
tôi, du tử lê, tôi, du tử lê

(Tôi, Du Tử Lê)

Anh thanh niên nào mới lớn trong tuổi hung hăng, như tôi lúc thời ấy, đều cảm thấy dường như mình cũng "bắt đầu" giống như thế. Nhà thơ đã tạo được sự đồng cảm, đồng dạng tâm lý, khích thích đến quần chúng đọc thơ. Nói như thi sĩ Đỗ Quý Toàn, "ông đã thành công". Cứ thế, thơ ông diễn tả nhất là về tình yêu, cho thanh niên thời đó có được tâm lý đồng cảm giống như tâm trạng của mình; nên khi ghẹo gái, khi thất tình, khi đau khổ vì tình, khi nhớ nhung người yêu… thì những câu "thơ tình Du Tử Lê" nhảy ra, làm người bạn chia sẻ, hay an ủi cho cái tâm trạng của mình.

Cái khoái kế tiếp, là bài thơ "Tuyên Ngôn" của ông, vào đầu ngay đầu tập, ở tập thơ "Thơ / Du Tử Lê / toàn tập 1", và ngay cả ở quyển mới nhất, "Tuyển Tập Thơ DU TỬ LÊ 1957-2013" vẫn là bài thơ được ông đặt ở vị trí mở đầu:

Tôi còn tiếng nói
Tôi còn linh hồn
Tôi còn dĩ vãng
Tôi còn quê hương
Tôi còn lịch sử
Tôi còn là tôi
Một trời khốn khổ
Việt Nam
ơi Việt Nam

Bài thơ trên với tôi, tôi cho là ông nhà thơ này "chịu chơi". Nhưng ở mặt tiềm ẩn, ngầm hiểu, tôi nghĩ rằng bài thơ ngắn gọn này được ông viết xuống, như một lời "tuyên thệ", một lời thề nguyện của bản thân nhà thơ; mà có nhẹ nhàng chăng nữa, cũng là để nhắc nhở mình khi được sinh ra, khi đang sống, thì mình có những thứ này, nó làm đẹp mình hay mình làm đẹp nó, đừng làm xấu đi. Tôi hiểu và cho là như vậy.

Bốn câu đầu của bài thơ "Linh hồn Việt Nam", tôi cũng nhìn ra sự đồng dạng tâm tư của thanh niên trong thời quê hương khói lửa:

Trên giòng đau thương tôi là bèo nổi
Trên giòng quê hương tôi là củi khô
Tôi là củi khô những ngày thơ ấu
Khói ám linh hồn lửa bốc tâm tư

Tâm tư, tâm trạng nhìn lại tuổi thơ ngây trong chiến tranh, đã sớm bị ám ảnh bởi những thứ bất hạnh, biến chồi non xanh tươi hóa thành củi khô chụm nhúm, làm cho linh hồn đầy khói ám âm u và tâm trí bừng lửa nổi loạn. Không những thế, trai gái độ tuổi thanh xuân trong cuộc chia đôi đất nước, còn bị lìa bỏ quê hương, chạy nạn vô nam; và ấn tượng đổi đời trôi giạt ấy nhớ mãi trọn đời, được nhà thơ này nói lên dùm cho vợ chồng người anh của mình qua bài "Bến Tâm hồn", rất hay, tôi chỉ trích ra bốn câu cuối, đã nhìn thấy được cả một nỗi niềm tê tái:

Tóc thề nẻo gió áo hoa
Trôi từ chinh chiến trôi qua điêu tàn
Lênh đênh hồn cắm sào ngang
Năm ô tuổi nhỏ buồn hoang ngọn cờ

Nhà thơ nhập cuộc chơi thơ, bắt đầu sống, như con sông bắt đầu ra biển, và trên con đường đời sống cho nhìn thấy bao thê lương, khiến lòng cám cảnh. Để rồi qua một lúc tiếu ngạo giang hồ trong cái đời sống quê hương khói lửa, nhà thơ tưởng chừng mình giống như loài ngựa, ngựa rừng, ngựa hoang, ngựa xổng chuồng, có định mệnh phải chạy việt dã. Con ngựa này xuất hiện dài theo dòng thơ ông khá nhiều. Đôi lúc ngựa nhớ nhung, phi nước kiệu quay về đường cũ, về tàu cỏ, nhưng rừng cũ hay chốn xưa hay người chăn dắt, lại nhìn nó một cách xót xa, nhìn nó một đời lêu đêu tội nghiệp:

ngựa về buồn bã bao đêm
dây cương đã dứt ưu phiền chưa khuây
ngựa về nước kiệu đêm nay
khói un ngã bảy tình bay đỉnh trời
ngựa về đêm đã hồ lơi
nghe anh thương nó một đời lêu đêu

(Ngựa Ca)

Chỉ từ 16 tuổi đến 24 tuổi thôi, nhà thơ đã nhìn ra cái đời sống mà phóng mắt về tương lai, dường như là một đường hầm không ánh sáng:

Năm hai mươi tư tuổi tôi bắt đầu nhàm chán tên tôi
sau bốn năm làm lính
sau bốn năm yêu người
sau những lần nhận xác người thân
tôi có gì? tôi có được gì đâu
ngoài một sự thật

Đó là cái kết luận sau khi mở đầu bằng những câu thơ đầy "hồ hởi" của bài thơ "Tôi, Du Tử Lê". Đã đủ, không cần thiết phải "kê khai" tiếp tục những trăn trở của ông đến khi miền Nam Việt Nam trở thành một kết cuộc lịch sử. Muốn nhìn vào tâm hồn ông, chỉ cần đọc bài thơ "67 khúc thêm cho Huyền Châu" mà nhạc sĩ Từ Công Phụng dùng soạn ra nhạc phẩm bất hủ để đời "Trên Ngọn Tình Sầu", là chúng ta có thể rung động, yêu mến ngay tức khắc tâm hồn của thi sĩ Du Tử Lê; Một cõi hồn thanh niên của ông thời đó, đã được ông ngay thẳng tỏ bày:

tôi hư hỏng với nửa đời lêu lỏng
nửa đời buồn như chiếc lá khuya bay

(Thơ cho một người họ Huỳnh)

Tuy nhiên:

tình như núi nên lòng không hổ thẹn
hồn như cây nên rụng lá u buồn

(Bài cuối năm) 

 

2.

Thi sĩ Du Tử Lê từ khi sống ở hải ngoại đến hiện nay, ông là một nhà thơ "làm việc" bền bĩ nhất, hằng năm ông đều có tác phẩm xuất bản. Liệt kê theo danh mục in trong quyển tùy bút "Xương thịt đời sau, máu rất buồn" xuất bản năm 2012, có tất cả là 55 tác phẩm; Riêng thi phẩm, in trong quyển "Tuyển tập thơ Du Tử Lê" do nhật báo Người Việt xuất bản và phát hành vào tháng 10 năm 2013, ông có 18 thi phẩm, cộng quyển tuyện tập này là 19 quyển, đã đủ nói lên cái đời sống "ăn nằm" với chữ nghĩa, với thi ca của ông.

Và, như nhà thơ Đỗ Quý Toàn đã nói, thơ của Du Tử Lê có nhiều câu được dùng trong đời sống hằng ngày. Ai cũng biết vài câu, như "khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", "ở chỗ nhân gian không thể hiểu", "đi với về cùng một nghĩa như nhau"… Chưa kể thơ ông cũng được các nhạc sĩ phổ nhạc nhiều nhất. Nhạc sĩ Trần Duy Đức đã phổ nhiều thơ Du Tử Lê và phát hành đĩa nhạc chủ đề "em hiểu vì đâu chim gọi nhau", năm 1992, gồm 10 bài thơ phổ tuyển chọn. Từ Công Phụng phổ một bài trở thành nổi tiếng, là bài thơ "Kiếp sau, xin giữ lại đời cho nhau", thể lục bát, xin trích vài câu ai cũng biết:

ơn em thơ dại từ trời
theo ta xuống biển vớt đời ta trôi

ơn em, ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
ơn em, hơi thoảng chỗ nằm
dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi

Bài thơ này có một kỷ niệm vui với tôi, là tôi nhớ làm sao, hay nghe qua một tay lém lỉnh nào sửa thơ của ông, mà đọc thành "ơn em, ngực ngải môi trầm / vết răng tháng chạp, vết bầm tháng hai", rồi còn bàn thêm, em nào mà dữ thế, cắn để dấu từ tháng 12 mãi đến tháng 2 mới hết bầm!"

Và riêng tôi, rất thích bản nhạc được Phạm Đình Chương phổ bài thơ "Đêm, nhớ trăng Sài Gòn", cũng thơ lục bát:

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng

đêm về theo bánh xe qua
nhớ tôi Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?

Đừng quên, bài thơ "Khúc Thụy Du" do nhạc sĩ Anh Bằng phổ, đã trở thành bản nhạc tình được yêu thích, với những câu trích trong bài thơ để soạn thành nhạc phẩm, lời nhạc như vài câu tiêu biểu dưới đây:

Hãy nói về cuộc đời
tình yêu như lưỡi dao

Hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi

như loài chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm

 Như thế, thơ Du Tử Lê đã trải dài theo bước đời tị nạn, cuộc sống tạm dung và cuộc đời định cư nơi xứ người. Thơ ông đã vào đại học Mỹ, và gần đây nhất, một sinh viên ở Việt Nam trình một luận án Thạc Sĩ về thơ Du Tử Lê, cho thấy thơ ông không dừng lại, đã vấn bước vào thế hệ trẻ trung, và được đón nhận không những về mặt thưởng thức, còn đi vào kinh viện trường ốc. Dòng thơ hải ngoại của ông đã được rất nhiều thi văn nhân viết bàn, tôi xin miễn lặp lại.

Hoa và hương thơ đó, do ông không ngừng làm mới cách diễn đạt từ ngữ cùng ý nghĩa trong thơ ông, mà cụ thể nhất, cách / slash trong câu thơ với dụng ý có thể hoán chuyển từ ngữ, hay cả câu, làm cho ý tưởng câu ấy phong phú đa dạng. Cách gạch ngăn này đã trở thành một "công thức", một sáng tạo đầu tiên của ông, do ông, từ ông; nghĩa là "dấu ấn" của Du Tử Lê về dạng thức này, mà đã có rất nhiều thi nhân áp dụng theo; cũng như gây nên một hiện tượng được nhiều bài viết luận bàn đặc biệt về "style" này của Du Tử Lê. Đã thế, nhiều năm gần đây, ông còn vươn bàn tay thi ca của ông vào lãnh vực hội họa, chuyển tinh hoa ngôn ngữ thơ hóa hiện thành những ý tưởng có màu sắc, có hình thể chuyên chở ẩn dụ của tư tưởng thơ mộng. Ông đã nhìn ra mùa tận thế của thi ca chăng?

Thú vị nhất, ông còn dùng ngôn ngữ Thiền, ngôn ngữ của Đạo giáo, của Phật giáo để làm thơ diễn tả về tình yêu hài hòa với tâm thức siêu việt. Phạm trù này không dễ dàng chút nào. Bao nhiêu bài thơ thiền đã bị vứt vào sọt rác, hoặc bài thơ gọi là thiền đọc lên giết chết thiền nghĩa ngay tức khắc. Vậy mà ông nhả ngọc phun châu như thở vô thở ra, tự tại, nhẹ nhàng, vô ngại. Thi phẩm "Thơ Thiền Tính" toàn tập (tròm trèm 200 trang) với ngôn ngữ vẫn Du Tử Lê, vẫn diễn ý tình tứ như "đời thường", dù kề vai sát cánh bên chữ nghĩa tinh túy của đạo Phật, trang nghiêm một cách nghệ sĩ và thơ mộng một cách thiền đạo.

Vài bài tiêu biểu:

tôi căng mình ngang âm, dương
cổ đeo đá tảng. chân giầm ván thiên.
tôi trầm mình trong hư không.
thân neo đời trước. tâm niềng kiếp sau.

[bài: cổ niềng kiếp sau,]

_______

chúng sinh lầm lạc, em bồ tát,
tất hiểu lòng tôi đầy hoa-nghiêm.
nửa đêm nhớ mẹ tôi thường khóc!
xin tụng giùm nhau kinh vãng-sinh.

sớm mai nhập định. chiều thương nhớ
đêm tối ngồi khô thế kiết già.

[bài:sơn tự thi,]

_______

tôi gieo hạt tương tư,
trên luống người biến, hiện.
tôi nhìn tôi khổ, đau

(giữa khu rừng ý niệm).

quá khứ như tương lai.
em đã từng ở đấy.
chúng ta đâu phải hai.
tôi là em hiện tại.

[bài: tôi là em hiện tại,]

_______

khi xa, cách chẻ tôi thành củi nỏ
chụm nỗi buồn trong lửa cháy / khăng khăng
riêng tôi biết giọt lệ nào đã chảy
trên dung nhan hằn, khắc dấu thântâm.

[bài: bụi, tro kia cho lại đấy hình hài,]

_______

cụng ly! uống với tâm cô tịch
mỗi giọt cân bằng một tửsinh.
cụng ly! uống với vô hình, tướng.
rơi vãi nghìn sâu: hạt ngậm thinh

[bài: rơi vãi nghìn sâu: hạt ngậm thinh,]

Và để dừng lại tản mạn "nói" về thơ Du Tử Lê, tôi xin mượn bài thơ thiền tính "nghiệp cho tôi đời sau," của ông, để nói méo ra, là thơ không dành cho riêng ai thưởng thức, người đứng trên núi cao hay người nằm dưới bãi cát biển; thơ giống như không khí bao la cho mọi người hít thở, xin đừng gán cho nó là cung đình dành cho vua chúa hay chỉ là chòi lá dành cho nông phu. Hãy nghĩ, thơ cũng vô thường và cũng vô ngã.

chỉ có một ngôi nhà
địa cầu này bé nhỏ
chỉ có một giống người
chia chung dòng máu đỏ.

mỗi thân / tâm an lạc
mỗi hạt mầm thương, yêu
mỗi trái tim từ bi
góp bình yên nhân loại.

em dạy tôi vị tha.
lấp nguồn sâu đố kỵ.

lê giang trần
4:20am, 10.21.2013

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 34171)
... thơ của Du Tử Lê cũng “đi” với Phạm Duy. Với Phạm Đình Chương. Với Từ Công Phụng. Với Vũ Thành An, Châu Đình An, Trần Duy Đức
03 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 14043)
Vào cuối năm 1976; tôi tình cờ gặp lại người bạn học trong một quán café nằm cạnh bãi biển Nha Trang; trên tay anh ta là cuốn thơ:
27 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 13567)
Thơ Du Tử Lê cũng được kết tạo theo cơ cấu ẩn dụ và hoán dụ. Trước hết không gian và thời gian của thi tập "Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra,
24 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 13828)
Nếu chúng ta từng đọc từng nghe, và cảm nhận những lời thơ quen thuộc như những dòng nhạc, thì khoảng vài năm gần đây, những vần thơ Du Tử Lê
20 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 13717)
Vừa là người yêu thơ vừa là người được quen biết anh Du Tử Lê từ hồi còn ngồi ở quán Cái Chùa ngó mông ra con đường Tự Do ở Saigòn, chuyện trò thời sự, văn nghệ
02 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 33562)
Mặc dù mọi thứ đều cũ. Nhưng cả mẹ, cả Bố và cả tôi chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó. Mẹ bảo, "tri túc thì tiện túc."
30 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 14060)
Đó là một món quà Giáng Sinh bất ngờ, nhưng không với giấy hoa, nơ hồng mà lại gói ghém nhiều sắc đen,
27 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 12757)
"Đọc thơ ông thấy ngay ông làm thơ như người ta nói chuyện. Nhưng từ mỗi ngôn từ, mỗi mạch th
24 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 11728)
Nhà thơ Du Tử Lê (1942-) suốt hai giai đoạn văn học, miền Nam 1954-1975 và hải ngoại, đã có những đóng góp trong việc cách tân, thử nghiệm làm mới thi-ca
01 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 13029)
Trở lại với phòng tranh Du Tử Lê khai mạc lúc 3 giờ chiều thứ bảy March 30, 2013 tại NVR Studio trong khu Eden đã cuốn hút người xem thật đông đảo
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16812)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12048)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18829)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9023)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8123)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 450)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 817)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1019)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22338)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13898)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19085)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7779)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8693)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8390)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10936)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30587)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20743)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25363)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21613)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19669)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17962)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16823)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24371)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31807)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34841)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,