TRẦN THU MIÊN - Lục Bát Du Tử Lê Từ Cội Nguồn Ca Dao

31 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 12062)
TRẦN THU MIÊN - Lục Bát Du Tử Lê Từ Cội Nguồn Ca Dao

 

Hồi ức (memory) đóng một vai trò quan trọng cho khả năng tư duy của con người. Nhưng vai trò của hồi ức cực kỳ quan trọng, cách riêng, cho tư duy thi ca và nghệ thuật vì hồi ức giúp phát triển khả năng nhận thức. Và nhận thức cần thiết cho sáng tạo (Bloom, 2004). Như vậy việc sáng tạo thi ca hay nghệ thuật được phôi thai từ hồi ức của nhà thơ hay nghệ sĩ sáng tác. Hồi ức thi ca và nghệ thuật bao gồm những gì ta nghe, học, chứng kiến, cảm nhận hương vị, màu sắc, và cả những kinh nghiệm thống khoái, bi đát, hay sợ hãi trong quá khứ và hiện tại. Trong bài thi luận này, tác giả sẽ bàn về chủ đề thơ Lục Bát Của Du Tử Lê phát xuất từ cội nguồn ca dao và vài nhận xét về nghệ thuật thi ca trong tuyển tập lục bát của Du Tử Lê.

Hồi Ức Ca Dao Trong Tâm Thức Sáng Tạo Thi Ca Việt Nam. Không có hồi ức có nghĩa là không có sáng tạo. Nhạc sĩ không thể viết ra được những nốt nhạc tạo thành giai điệu nếu cô ta hay anh ta không có chút vốn liếng gì về âm nhạc. Cái vốn liếng âm nhạc còn sót đọng lại trong hồi ức giúp nhạc sĩ soạn ca khúc hay sáng tác một hợp tấu. Nhà thơ Việt Nam khi sáng tạo thi ca bằng thể thơ lục bát thì cũng cần phải có một hồi ức ca dao; vì ca dao chính là cội nguồn tinh ròng của thi ca Việt Nam nguyên thủy. Mỗi ngôn ngữ đều có một thể thơ riêng biệt như Haiku của Nhật, Sonnet Của Anh, Rondeau của Pháp, và, Lục Bát của Việt Nam. Theo học giả Huỳnh Sanh Thông (Huỳnh, 1979), một bài thơ lục bát chỉ cần hai dòng, một sáu một tám, là trọn vẹn như hai câu quen thuộc sau:

Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay 

Chỉ với 14 chữ, hai câu thơ sáu tám này hội đủ các điều kiện của một bài thơ. Tác giả dùng chữ thật cô đọng và chứa đầy ẩn dụ, gợi hình, và gợi cảm. Đọc xong bài thơ 14 chữ này ta nhận ra ngay trong trí tưởng tượng về một cuộc hẹn hò của đôi tình nhân mới lớn, có thề hứa, có vụng về, vội vàng, lén lút, và nói dối. 

Mời bạn đọc thêm bài thơ lục bát nữa: 

Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng mường nó leo 

Đây cũng là một bài thơ tuyệt vời có sự mỉa mai qua ẩn dụ rất tinh vi và ý tưởng trọn vẹn. Tác giả bài ca dao này không dùng cây khế, cây chanh, cây soài, hay cây ổi quanh vườn để nói về Công Chúa Huyền Trân, nhưng lại dùng Cây Quế, một loại cây khó tìm trong rừng sâu (?). Ý nói người nữ này thuộc dòng vua chúa chứ không phải dân giả. Còn hoàng gia Chiêm Thành được coi như bọn man rợ thấp hèn. 

Việc thi hào Nguyễn Du dùng thể thơ cao dao lục bát để phóng tác truyện Kiều có ít nhất hai dụng ý: chính thức định giá văn chương của Ca Dao, và tiếp tục tiến trình ly khai và chống lại ảnh hưởng truyền thống cố cựu của văn hóa Trung Hoa, nhất là văn học Trung Hoa. Theo học giả Woodside (1983), quốc luật ban hành từ thời Lê (1663), rồi được tái ban hành năm 1760, 5 năm trước khi Nguyễn Du chào đời, cấm in ấn phát hành các loại thơ phú ca trù không phải là dòng thơ chính thống theo khuôn mẫu Nho học. Vậy mà Truyện Kiều đã được phát hành lén lút và được đón nhận rộng rãi dù giới quan lại khoa bảng thời ấy coi là tác phẩm nhảm nhí, thiếu đạo đức. Việc Truyện Kiều được đón nhận nhiệt tình dù bị cấm đoán hay coi thường đủ chứng minh rằng dòng thơ lục bát ca dao có sức đánh động tâm thức văn hóa Việt Nam vì nó chính là món ăn thuần túy hợp khẩu nghệ thuật thi ca dân tộc. Ta có thể khẳng định, ca dao có trước Truyện Kiều dựa trên những bài ca dao liên quan đến những sự cố lịch sử như truyện công Chúa Huyền Trân. Và từ khi Nguyễn Du nâng thể thơ lục bát ca dao lên hàng thi ca văn học Việt Nam, các nhà thơ Việt Nam bắt đầu công khai sáng tác theo thể thơ lục bát. Như vậy, thơ Lục Bát Du Tử Lê có cội nguồn từ ca dao.

Lục Bát Du Tử Lê

Bàn về sơ qua về ca dao và Nguyễn Du để làm sáng lên Lục Bát Du Tử Lê. Gần đây, trong một tiệc rượu văn nghệ, bạn tôi, Nhất Chi Vũ, đã nhận xét rằng “Ta có thể ví lục bát (truyện Kiều của Nguyễn Du) là một khối vàng ròng, còn lục bát Du Tử Lê nhà những nữ trang được sáng tạo ra từ khối vàng này.” Việc bạn tôi dùng hai ẩn dụ vàng và nữ trang để so sánh Nguyễn Du và Du Tử Lê thoạt nghe hơi chướng, nhưng cũng có lý. Chính vì dòng thơ Lục Bát Ca Dao và Truyện Kiều là mỏ vàng hay đá quí thi ca Việt Nam và những nhà thơ, sau Nguyễn Du, sáng tạo ra được những vần lục bát đẹp thì cũng được coi như là những đồ trang sức được thiết kế hay gọt khắc từ vàng hay đá quí Ca Dao. Tại sao thơ Du Tử Lê từ lục bát đến các thể thơ khác đã được soạn thành ca khúc hay? Thưa vì dòng thơ Du Tử Lê mang nhạc tính ca dao. Nhạc tính ca dao dễ đi vào thính giác Việt Nam vì ngọt ngào quen thuộc.

Ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ bóng bảy, văn hoa, văn vẻ, gợi hình, và gợi cảm (Figurative language). Thơ là tinh hoa của ngôn ngữ. Nói theo ý của thi hào Heaney thì thơ chính là kết tụ tinh ròng của ngôn ngữ cũng như thủy tinh được kết tụ bằng sự hóa giải của các hóa chất. Và nghệ thuật thi ca phải có những đặc tính như không bị câu nệ ràng buộc, không nô lệ bởi giáo điều, không làm theo chỉ thị của đảng phái hay quyền lực, nhưng phải là hành động bộc phát từ cảm hứng (Heaney, 1988). Cũng theo Heaney, ngôn ngữ của thi ca bao gồm cả ảo mộng và hình ảnh (Heaney, 1995). Theo học giả Saunders (2006) thuộc viện giáo dục, đại học London thì thơ có những đặc tính như: thơ không phải là tranh luận, nhưng chỉ là sự diễn bày hay được diễn bày; thơ cống hiến tri thức hay sự nhận thức sâu sa nên thơ không phải là những định luật; thơ làm mới ngôn ngữ và hình ảnh; thơ phải có khả năng kích thích hồi ức, làm phong phú vô thức để độc giả có thể liên hệ được với những gì thâm sâu hay hào sáng của điều thi nhân diễn tả, và thơ là món quà thi sĩ ban tặng cho đời từ sự gạn lọc của ngôn ngữ. Nếu bạn đọc đồng tình với quan niệm về thơ như vừa trình bày, bạn sẽ bắt gặp ngay những điều này trong tuyển tập Lục Bát Du Tử Lê. Nếu thơ là tinh hoa gạn lọc qua việc đổi mới ngôn ngữ từ hình thức đến nội dung, độc giả sẽ công nhận rằng Du Tử Lê đã và đang làm việc này trong sáng tạo thi ca của ông.

Đổi Mới Hình Thức Trong Lục Bát Du Tử Lê. Trong bài giới thiệu của nhà xuất bản, độc giả đã đọc qua vài nhận xét của các nhà lý luận văn học: Nguyễn Hưng Quốc và Bùi Bảo Trúc, và của nhà thơ danh tiếng Trần Dạ Từ về những sáng tạo hình thức và cấu trúc thơ Lục bát của Du Tử Lê. Tuy nhiên, tác giả bài thi luận này cũng mạn phép nêu lên vài nhận xét phụ kèm vào những nhận xét của các tác giả khác đã bàn về thi ca Du Tử Lê. Vì giới hạn hình thức và số chữ cố định của thể thơ lục bát nên việc đổi mới lục bát là việc khó làm. Nhưng, Du Tử Lê đã có được những dòng lục bát mới từ hình thức đến nội dung.

Có lẽ bài thơ đầu tiên (dựa theo sự xếp đặt các bài thơ trong tuyển tập này của tác giả) là bài “Trầm Ca Tháng Giêng” có hai câu trích dẫn sau:

Xin em đôi cánh tay mềm
Một bên nắng...dắt, một bên mưa...dìu.

(Trầm ca tháng Giêng, 1962)

Trong bài thơ trên, Du Tử Lê dùng 3 chấm hai lần trong một câu thơ để gây ấn tượng về sự níu kéo hay cảm giác kéo dài của hai hiện tương nắng và mưa. Dù là hai hình ảnh đối chọi nhau nhưng lại có công hiệu diễn tả ý của lời thơ. Đến bài thơ sau đây thì Du Tử Lê bước thêm một bước dài hơn về việc làm mới thơ lục bát.

người về quên trả cho tôi
áo phơi dây lạnh, còn hơi hướm, nồng
người về, phải thế hay không?

(Tưởng tượng Tôi)

Bài thơ “Tưởng Tượng Tôi” không thấy đề thời điểm sáng tác, nhưng sự đổi mới của bài này là câu kết của bài thơ. Tác giả bỏ lửng câu thơ sáu chữ có lẽ để nhấn mạnh điều thắc mắc chưa có trả lời hay không muốn biết sự thật về điều mình muốn biết. Qua việc chấm dứt bài thơ lục bát bằng câu sáu chữ, Du Tử Lê đã tạo nên một cấu trúc mới và bài thơ được “gói” hay “lồng” vào hai câu sáu chữ mở đầu và kết thúc. Về mặt tạo ấn tượng, khi bài lục bát kết bằng câu sáu chữ gây ra cho độc giả cảm giác hụt hẫng, băn khoăn, và bỡ ngỡ. Chính vì thế độc giả phải tiếp tục tự tìm ý của tác giả vì bài thơ không cho độc giả cảm giác thỏa mãn hay nói cách khác, bài thơ không có kết luận. Nói theo nhạc Jazz thì Du Tử Lê đã để cho độc giả được ngẫu hứng (improvise) tiếp tục tự tìm một câu tám chữ để làm đầy bài lục bát.

Từ việc sử dụng các dấu chấm trong câu thơ để gây ấn tượng hay tạo cảm giác, Du Tử Lê bắt đầu nhấn mạnh thêm về việc đổi mới thơ lục bát bằng cách dùng dấu chấm, dấu phảy, và dấu gạch ngang (--) hay dấu phất tới (/) để tạo ra nhịp điệu và tăng sức mạnh thêm cho lời và ý thơ. Bài thơ sau đây không biết có phải là bài lục bát đầu tiên mà Du Tử Lê đã dùng thuật phạm (văn phạm nghệ thuật) bằng cách chia ngắt các chữ, và câu trong thơ lục bát như sau đây:

về thôi ngày đã đủ rồi
nỗi – đau – xé – sợi miệng cười – ráo – khô

(Thơ ở cửa Thuận An) 

Những gạch ngang chia và nối các chữ trong câu thơ tám chữ trên vừa có tác dụng nhấn mạnh từng trạng thái tình cảm và sự liên hệ của những trạng thái tâm hồn liên quan đến một sự cố, thái độ, hay tình trạng tâm linh. Từ thế kỷ 19, Emily Dickinson (1830-1886), nữ thi hào Hoa Kỳ cũng sử dụng các dấu chia câu của văn phạm, nhất là gạch ngang để tạo thêm ấn tượng và sức mạnh cho lời và ý thơ của bà (xem Bloom, 2004). Du Tử Lê dùng dấu phất tới (/), có lẽ, để chia nhịp điệu nhiều hơn là nhấn mạnh lời hay ý thơ.Thí dụ bài: 

hàng cây, hàng cây, phương tây /.
gió: khô góc trái; ngực: lầy dấu đinh /.
nàng về, nàng về, vai thuôn
vòm tâm ấn tượng trí cường điệu, khoan /.
lìa nhau, lìa nhau, căm căm
đèo sưng sữa, muộn ; lũng lầm lửa, môi /.
trầm ta, trầm ta, thai đôi /.
xẻ banh da thịt: hiện ngôi giáo đường

(Phác họa Hoa Thịnh Đốn) 

Đọc âm của bài thơ này theo các dấu chấm, phẩy, chấm than, hai chấm, hay dấu phất tới, ta có cảm giác như đang nghe một dòng nhạc Jazz với lời ca và tiếng nhạc lúc như nói chuyện, lúc như rỉ rê, và lúc như thôi thúc giục giã. Việc sử dụng dấu phất tới (/) ít khi được dùng trong thơ Anh Ngữ của Hoa Kỳ. Người ta chỉ dùng dấu phất tới để phân chia hai câu thơ khi trích dẫn trong bài viết hay dùng ở tựa đề bài thơ như một số bài thơ của nữ thi sĩ Kathleen Frazer (xem Down, 1984, tr. 77). 

Việc Sử Dụng Thuật Ngữ Thi Ca Trong Thơ Du Tử Lê. Giáo sư văn chương và học giả Harold Bloom gợi ý rằng thi sĩ thường dùng các phương pháp thuật ngữ (tropes) như: nghịch dụ (irony), biểu dụ (synecdoche), ám dụ, thế dụ hay hoán dụ (metonymy), và ẩn dụ (metaphor) để diễn tả ý thơ (Bloom, 2004). Trong bốn loại thuật ngữ thi ca này, có lẽ việc dùng ẩn dụ (metaphor) được thấy nhiều trong lục bát Du Tử Lê. Thường thì các ẩn dụ Du Tử Lê dùng mang tính gợi ý và gợi hình rất mạnh. Thí dụ trong câu thơ sau đây: 

khi về hồn lụn bấc khêu
những chân cỏ sớm vàng rêu áo người

(Trong trí tưởng Huế) 

Tảc giả dùng bấc đèn dầu để diễn tả tình trạng trầm cảm cao độ. Nếu bấc đèn đã lụn thì coi như đèn đã tắt hay cũng khó lòng “khêu” lên mà đốt nữa. Đấy chính là tình trạng tâm thần của người gần như tuyệt vọng khi trở lại tìm một điều gì hay hình ảnh gì của dĩ vãng nhưng dường như không còn nữa. Dù câu “Những chân cỏ sớm vàng rêu áo người” khó giải thích được nhưng các chữ và nhạc điệu của câu thơ cũng đủ làm người đọc hay nghe cảm được sự mất mát rất hoang đường. Ẩn dụ “chân cỏ vàng” gợi ngay trong trí người đọc một sự tàn phai vội vã. Trong bài Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, Du Tử Lê đã dùng các ẩn dụ: “vết xe lăn,” “trăng viễn xứ,” và “hồn thanh niên vàng” một cách rất tài tình trong hai câu lục bát sau: 

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng

(Đêm nhớ trăng Sài Gòn) 

Về ẩn dụ “vết xe lăn” ta có thể hiểu được tâm trạng tẻ nhạt của người chứng kiến sự luân chuyển của thời gian cố định như ngày và đêm hay như những vòng quay bánh xe. Và “trăng viễn xứ” có thể được hiểu là sự lẻ loi cô độc của người ly hương. Tuy nhiên ẩn dụ “hồn thanh niên vàng” đưa ra hình ảnh đối chọi giữa trẻ và già, xanh tươi và tàn úa để diễn tả sự chán chường cùng cực hay tình trạng trầm cảm bệnh hoạn của người bỗng thấy mình rơi vào hố thẳm cô đơn và chia ly. 

Trong tuyển tập Lục Bát này, Ngựa là một ẩn dụ được nhắc nhiều lần. Tác giả bài luận văn này có hỏi Du Tử Lê tại sao ông nhắc về ngựa nhiều lần trong thơ và được hồi đáp như sau:

“Đó (ngựa) là 1 hình ảnh đẹp. Ngựa có nhiều trong hội họa đông-tây lắm. Có thể vì anh tuổi ngựa, nó vào vô thức của anh, mà anh không biết…” Câu hỏi tại sao thi sĩ dùng ẩn dụ này thay vì ẩn dụ khác là câu hỏi không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng vì có lẽ các ẩn dụ đã bộc xuất trong tác phẩm rất tự nhiên từ hồi ức thi ca sẵn có trong vô thức. Nhưng hình ảnh ngựa trong Lục Bát Du Tử Lê dường như là biểu tượng của cô độc (một mình một ngựa), sự gì đã mất mát, hay đã qua đi như: 

Ngựa về buồn bã bao đêm
giây cương đã dứt ưu phiền chưa khuây

(Ngựa ca, 1963) 

Đấy em! Ngựa đã tan đàn
chúng ta càng lớn khôn càng chia xa

(Đoản khúc ngựa hoang, 1964)

 

Kết luận

Lục bát ca dao là hồn thơ Việt Nam. Thi sĩ sáng tác thơ bằng tiếng Việt phải có khả năng sáng tác thơ lục bát cũng như họa sĩ cần có khả năng căn bản về vẽ truyền hình hay phác họa chân dung của sự vật và con người. Tôi mượn lời học giả Phạm Quỳnh nói “Chuyện Kiều còn, tiếng Việt còn,” để thưa rằng “Lục bát còn, thi ca Việt còn.” Nguyễn Du, Qua Truyện Kiều, đã công khai bày tỏ thái độ chống lại sự đô hộ văn hóa của Tàu và nâng Lục Bát Ca Dao lên hàng thi ca chính thống của dân tộc. Gần hai thế kỷ, tính từ năm Nguyễn Du Qua đời đến nay, nhiều nhà thơ Việt Nam đã cố gắng cách tân thơ Lục Bát. Nhưng, có lẽ Du Tử Lê là nhà thơ đã thổi được vào dòng thơ lục bát một luồng gió mới với những sáng tạo giá trị từ hình thức đến việc sử dụng thuật ngữ thi ca. Thật vậy, một số nhà lý luận văn học Việt Nam đã công nhận sự thành công của ông trong việc làm mới thơ Lục Bát. Tuyển tập Lục Bát Du Tử Lê này là một đóng góp giá trị và quan trọng cho việc bảo tồn và thăng hoa dòng thi ca tinh ròng nguyên thủy Việt Nam. 

Trần Thu Miên

_______

Tài Liệu Tham Khảo

Down, Philip (1984). 19 New American Poets of the Golden Gate. San Diego, CA: Harcourt Brace Jovanovich, Publishers.
Wodside, Alexander B (1983). The historical background, in trong Nguyễn Du: The Tale of Kiều (tr. xi-xviii). New Haven, CN and London, UK: Yale University Press.
Huỳnh, Sanh Thông (1983). Introduction, in in trong Nguyễn Du: The Tale of Kiều (tr. xix-xl). New Haven, CN and London, UK: Yale University Press.
Saunders, Lesly (2006). Something made in language: The poet’s gift? Management Decision, (Bộ/Vol) 44, (tr.) 504-501.
Bloom, Harold (2004). The best poems of the English language: From Chacer through Frost. New York, NY: Harper Collins Publisher.
Heaney, Seamus (1995). The redress of poetry, Oxford Lectures London: Farber.
Heaney, Seamus (1988). The government of the tongue. The 1986 T.S. Eliot Lectures and Other Cristal Writings. London: Farber.

(Trích Tuyển tập “Lục bát yêu thương – Du Tử Lê 1955-2015” - Nhà XB Sống / Amazon, Hoa Kỳ, tháng 2-2015. Ấn phí 18 Mỹ kim)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười 20204:22 CH(Xem: 4798)
Có khi nào ông biết rằng những cuốn sách của ông luôn hiện diện trong không gian ấm áp thân thuộc của tôi?
14 Tháng Mười 20201:27 CH(Xem: 3953)
người buồn như thể chiều khô/ bờ im cỏ dại trời ô gió gần
12 Tháng Mười 202011:13 SA(Xem: 4377)
A Lê, sáng nay Sài Gòn mưa nên khá buồn, em cũng vừa đốt thêm cho anh điếu thuốc. Ngày mai ở Cali là ngày giỗ đầu, mộ anh chắc sẽ nhiều hoa và khói ấm.
08 Tháng Mười 20209:09 SA(Xem: 3845)
Anh là người làm văn nghệ cũ mà tôi được chào đón thân tình, ấm áp nhất, cũng có thể là duy nhất
07 Tháng Mười 20205:54 CH(Xem: 3437)
Tên tuổi bác Lê, tôi biết đã lâu nhưng chả bao giờ nghĩ có thể, có dịp nào gặp, chứ đừng nói được trò chuyện, với một người mà mình hằng ngưỡng mộ.
06 Tháng Mười 202010:39 SA(Xem: 3854)
Du Tử Lê đã đi xa một năm, mấy tuần đầu tôi vẫn không tin anh đã chết thật.
18 Tháng Chín 202012:00 SA(Xem: 12352)
Có dễ một triệu năm, hay một triệu năm lẽ, tôi gặp. Không phải dáng núi. Dáng núi vòi vọi cao, ngất ngưỡng, ảm đạm, nghiêm minh.
23 Tháng Tám 20205:52 SA(Xem: 4279)
Anh Lê, những gì anh đã cho em, đã thương em, tấm lòng đó còn mãi mãi.
08 Tháng Tám 202012:12 CH(Xem: 4238)
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách. Tên sao người vậy. Anh đã sống và viết đến những giây phút cuối cùng.
19 Tháng Bảy 20204:05 CH(Xem: 4368)
Hôm 13-8-2016, Du Tử Lê từ Mỹ trở về Huế, xứ sở mà nhà thơ đã có dịp nhiều lần ghé đến trong hàng chục năm trước.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17072)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19004)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9187)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 996)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14022)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19191)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7907)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8825)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8505)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30725)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25520)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21741)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19800)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18062)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24516)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,