NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH - Du Tử Lê, dòng sông hẹn hò với biển cả

16 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 9573)
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH - Du Tử Lê, dòng sông hẹn hò với biển cả

 

tôi bắt đầu làm thơ
tôi bắt đầu sống - bắt đầu đời tôi
như con sông bắt đầu ra biển

(Tôi, Du Tử Lê)

 

Không biết vì cớ nào, hay là trời đất, vì chỉ có càn khôn mới có đủ quyền năng, khiến xui, mà con sông là một hình ảnh, gần như là của riêng, cho những người được se duyên với hồn cốt nghệ sĩ. Nó là một thỏi nam châm xanh huyền bí. Nó rộng lòng chuyên chở những hạt lệ nhân gian. Nó cất giữ ký ức con người. Nó là nơi khởi đầu và cũng là chỗ dừng ngơi nghỉ cho những bước đi của tâm linh, trái tim nghệ sĩ.

Trong đó cái nhìn đầy cảm xúc thơ mộng và trao gửi, có lẽ là của các nhà thơ. Với họ, sông là óng ả dịu dàng lòng mẹ, lòng trăng, lòng quê nhà, lòng tin cậy, nên cung cách họ nhìn sông đầy nương tựa. Từ đó mà sông ảo hóa cao cả. Trùng điệp trong thơ thế gian, dòng sông cuộn chảy không biết bao nhiêu là ẩn dụ, một chín một mười với ma lực gió.

Sông, là biểu tượng thiết tha nhất của quê nhà. Là hình ảnh chung thủy theo bước người phiêu bạt. Tiếng lách tách con nước vỗ triền sông mãi là vọng âm trong mỗi thao thức nhớ nhà. Lạ lắm như con sông là nguồn cội vậy.

Nét u buồn đậm nhất trong bức tranh chia ly cũng là sông cùng hình ảnh trôi đi của dòng, làm người ta cảm ngay tức thì nỗi thẳm xa.

Dòng luôn trôi đi. Vì sự trôi đi này, lặng lẽ an nhiên kia, mà sông lại được phó thác một ý nghĩa triết học, ẩn dụ sự kiếm tìm đạt đạo. Hình ảnh của nhân vật Siddhartha trong Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse, trong cơn tuyệt vọng toan trầm mình thì nghe tiếng sông gợn lên âm thanh Om Om, chàng hốt rung động tỉnh ngộ. Từ đó ở lại bên dòng sông làm người lái đò, để từng ngày nghe được nhiều hơn tiếng nói dòng sông. Trong âm thanh linh thiêng từ dòng trôi và tĩnh lặng ấy. Chàng được khai sáng.

Hình ảnh trở về và tìm thấy mình trong dòng sông, tôi thấy thấp thoáng khi đọc thơ Du Tử Lê.

Bước thư sinh khởi đi, đến mấp mé hoàng hôn. Một dòng sông dài. Một chặng tâm thức riêng người. Cất bước bắt đầu hay chợt dừng, cũng chỉ vì một lời hẹn, với mênh mông. Gần 60 năm đong đưa với nhịp chẩy dòng sông thơ. Trong đó có những gập ghềnh, đương nhiên, của cuộc kiếm tìm. Thôi thì thử trôi theo, xem sao. Những con chữ những gợn sóng những nhịp đập của dòng sông chiêm nghiệm. 

Năm mười sáu tuổi tôi chính thức khai sinh tên tôi lần thứ hai
sau lần khai sinh của bố mẹ
từ đó tôi bắt đầu làm thơ
tôi bắt đầu sống - bắt đầu đời tôi
như con sông bắt đầu ra biển

(Tôi, Du Tử Lê)

 

A. Vừa bắt đầu là có điểm hẹn với bao la rồi. Biển. Nhưng người thơ ơi. Bước hăm hở ấy qua mấy ghềnh thác?

Khởi đầu lại là chia ly. Như đã nói ở trên, thì đây, cái nỗi đeo đẳng ảnh hình nguồn cội dòng sông, 

Lênh đênh hồn phủ phương này
Thương mưa Hà Nội nhớ mây Hồng Hà
Mười năm dài những xót xa
Bờ hoang bến quạnh thiết tha ngọn nguồn... 

Và, … trôi từ chinh chiến trôi qua điêu tàn... trong nỗi nhớ cánh mây phủ trên cuồn cuộn nước sông Hồng... 

Lênh đênh hồn cắm sào ngang
Năm ô tuổi nhỏ buồn hoang ngọn cờ

(Bến Tâm Hồn) 

Người đi một thôi đằng đẵng trong chinh chiến trong điêu tàn và điều gì ẩn hiện khi người ngồi trong đêm, 

đêm có sông
có đồng cát lở
đêm có khăn tang
quấn phủ đầu mình
đêm vuốt mặt anh - đêm ủ mặt em
đêm có một mình - có một mình em
đêm có một mình - có một mình anh 

Cả hai, Đêm và Sông đồng hóa nhau ư? Cô đơn phản chiếu từ ánh nhìn dòng sông của đêm tĩnh lặng. Dù là có Em. Có Anh. Có cả một “khởi đầu của một kiếp người” mà sao, 

Năm hai mươi tuổi tôi chính thức khai sinh tên tôi lần thứ hai
sau lần khai sinh của bố mẹ
từ đó tôi bắt đầu kiêu hãnh, bắt đầu tủi hổ
tôi viết tên tôi như những dòng an ủi
như những dòng buộc tội
như những dòng trối trăn
du tử lê ơi du tử lê ơi

(Tôi, Du Tử Lê) 

Lại thấy ở đây dáng ngồi ưu khổ của nhân vật của Hermann Hess ngó xuống dòng sông tra vấn. Trong những kiếm tìm, người trai trẻ ấy đã thấy trên dòng đời là những chia tan của những trôi qua và cả những gì sẽ tới… Phải đến lúc nào thì mới qua được nỗi “thù ghét tên tôi” “nhàm chán tên tôi” và cái “dấu mốc thời gian ảm đạm / khi bắt đầu của tuổi ba mươi” trên hành trình tâm linh, để cuối cùng dòng sông khai sáng sẽ mở cho người điểm hẹn rực rỡ, biển xanh?

Và lắm gian nan. 

khi đêm dài chưa sang
ta không thể nói rằng trời sắp sáng
củi chưa đun
hồ dễ có than hồng
tôi sống như thạch sùng
đêm chép miệng từng hồi kiếm bóng
Khi hàm răng chưa một lần cắn vỡ
chính hạt lệ mình lúc chẩy ngang môi
hãy cố sống đời ta
đừng vẽ lầm chân dung kẻ khác

(Thạch Sùng) 

Tôi chọn đứng hai chân
trên dao đời xóc ngược
... Tôi không là tượng gỗ rỗng thân
nên thở bằng tim thật

(Khởi Đầu Một Kiếp)

 

dòng nước soi, khuôn mặt người, rất trong. Chính xác thế. Tôi tin thế. Ở một người đã thốt lên thở bằng tim thật bên dòng sông nhìn mình thầm lặng.

Và đã bao lần mấy bận người ta thấy bóng người đi người về. Đi. Về. Phải chăng, phản hồi nội tâm để nhìn thấu ra ảo mộng? Dường như, tường tận nó thì mới vỡ chân tướng. Khổ đau cùng hạnh phúc, cũng như cuộc đời. Những trăn trở của người thơ cũng không ngoại lệ. Và cuối cùng người thơ giữ (hay không giữ) cái gì? Ô mà hình như buông cả.

 

khi người về tôi không nhìn không trông
lòng tôi sông nước đủ trăm dòng
quanh co một nỗi buồn vô hạn
qua suốt một đời vẫn nhớ nhung

(Khi Người Về)

 

tôi có gì?
tôi có được gì đâu
ngoài một sự thực

(Tôi, Du Tử Lê)

 

người về như bụi
vàng trang sách xưa
người về như mưa
soi tìm dấu cũ
người về như sương
ẩn sau hang động
người về trong gương
thấy mình mất tích

(Một Bài Thơ Nhỏ)

 

đời trào xuống bút lao đao
xé tôi gan ruột máu nào đẫm tươi 

đứng. đi. tôi đó. nói. cười
lúc quay lưng lại tôi ngùi, ngậm tôi... 

bút lao đao ngậm người để hóa giải niềm đau?

Và, trời ơi tôi nổi ốc cái hình ảnh cô đơn côi cút của chiếc nhau lạnh này, khi người trên đường ly hương nhớ mẹ,

 

gọi ai gió nổi bốn trời
chiếc nhau tôi lạnh phía đời bên kia...

(Thấy Bình Minh Trên Sa Mạc Utah, Nhớ Mẹ Già)

 

Khi nhìn ra được đồng nhất của muôn sắc hương khổ luỵ cùng hoan lạc cuộc sống mong manh, thì hồn lục bình và mối sầu ta tan vào nguồn cội. Đã đến lúc rồi chăng? 

người về như sông
tràn tôi lụt lội
hồn tôi thả nổi
như khóm lục bình
sầu ai về cội

(Một Bài Thơ Nhỏ)

 

Cuối cùng, nghe hồn thu bãi đời hoang vu vô thủy, nghe một lòng không tiếp xanh trời vô chung, 

cuối cùng đời xuống mênh mông
hồn đi thu bãi, lòng không, tiếp trời

(Mưa, Hình Dung H.T)

 

Và đây, bên dòng sông của H.Hesse, người thơ soi thời gian của đời mình, 

cúi xuống một dòng sông
nhớ gì không bé dại?
nghe tự hồn lược gương
tuổi thơ quành bước lại... 

Hóa nhi. Hành trình đã đến hồi thơ mộng. Dòng sông chiếc gương trong đã lắng xuống những gió bụi, để chỉ còn một điều giản dị, hồn gương lược -một vầng trăng- biểu tượng của muôn trạng thái tâm thức, tùy theo sự trải nghiệm và lắng nghe… cúi xuống một dòng sông / nghe đầu nguồn thác dội… giữ lấy một vầng trăng… Vầng trăng ấy, lúc mà, tôi đi xuyên qua đêm mưa... tôi đi xuyên qua mùi nhang… tôi đi xuyên qua đời sau… tôi đi xuyên qua giấc mơ… tôi đi xuyên qua cuộc đời…,

Thưa Nhà Thơ, tôi thấy bằng nhịp tim mơ mộng của tôi, đó là Trái Tim Người. Bởi không ít lần trong thơ, ông đã vinh danh Trái Tim. Áo nghĩa của Vầng Trăng là nhịp đập Trái Tim Người. Đó là điều ông giữ lại và rao giảng. 

... trái tim từ đó như gương mới
chỉ giữ dùm ta nguồn hạnh hương... 

... hãy lên đường bằng những mông muội của mình
bởi trái tim là gò mộ cuối cùng... 

Tôi đã trôi theo dòng sông thơ đầy những trực ngộ tâm linh của Thi Sĩ. Để cuối đường gian nan gặp gỡ một gò mộ xinh tươi yêu đời, Trái Tim.

Một hành trình thật ảo trần gian. tôi bắt đầu làm thơ / tôi bắt đầu sống - bắt đầu đời tôi / như con sông bắt đầu ra biển.

Tôi lại suy ra vẩn vơ, Biển, phải chăng cũng là gò mộ nên thơ ấy? Giờ thì tôi Nghe Thơ Du Tử Lê như nghe những tiếng vọng của tôi-con-sông…

Và tôi biết con sông đó có một điểm hẹn rực rỡ. Như Thế. Phải không biển ơi. 

Santa Ana, Tháng 11.2013

 

*Thơ được trích từ Tuyển Tập Thơ Du Tử Lê 1957- 2013. 


THÊM MỘT ĐỀ TẶNG 

... thôi cũng cho anh một lần nhắc lại / chỉ tình yêu làm nên giá trị con người

(Khởi Đầu Một Kiếp)

Tôi quá là đồng ý với sự khẳng định nhân bản nên thơ này. Và xin tặng cái nhìn Chân Thiện Mỹ ấy bằng lời. 

ĐOẢN CA DU TỬ LÊ 

Người Thơ ơi
Mùa Tình Yêu đã đơm hoa kết trái
Cuộc đời kia, dẫu người có ra đi
một trống vắng người đem theo cũng đủ một không gian bay những lời tình tự cho những kẻ yêu nhau dắt díu về quanh
Ru nhau. Nuôi dài giấc mộng 

Khúc ca buồn
con dế đêm hè nhỏ lệ lời thơ tình bất tuyệt,
bóng tình nhân sẽ về từ bức tranh đôi bím tóc
đong đưa hai bờ sinh tử* 

Nỗi buồn, rất riêng, người phổ vào giai điệu
âm thanh và sắc mầu của trái tim. Gò mộ cuối cùng* 

Có bình minh khai sinh
có trưa mặt trời ngất nắng
có tà huy buông tím, ngồi nghe,
người rao giảng kinh tình cấy lại niềm tin
vào tình yêu vĩnh cửu. 

Có phải Người,
Trái tim xanh. Tình yêu chan hòa nhịp gọi nhau gần lại?

(* thơ, tranh DTL)

Nguyễn thị khánh minh

 

Ý kiến bạn đọc
15 Tháng Ba 20157:00 SA
Khách
Nhât thuy Vi xin chia se cung y tuong voi NTKM co ay viet khi doc van cua DTL : ' Dòng luôn trôi đi. Vì sự trôi đi này, lặng lẽ an nhiên kia, mà sông lại được phó thác một ý nghĩa triết học, ẩn dụ sự kiếm tìm đạt đạo. Hình ảnh của nhân vật Siddhartha trong Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse, trong cơn tuyệt vọng toan trầm mình thì nghe tiếng sông gợn lên âm thanh Om Om, chàng hốt rung động tỉnh ngộ. Từ đó ở lại bên dòng sông làm người lái đò, để từng ngày nghe được nhiều hơn tiếng nói dòng sông. Trong âm thanh linh thiêng từ dòng trôi và tĩnh lặng ấy. Chàng được khai sáng.' Dong song nhu diem tua cua van tho, ma DTL con song hinh nhu anh huong nhieu sau dam tương tựa nhu khi minh doc Hesse's Siddhartha. NTKM da dien ta duoc y nghi minh rat kheo leo de cho doc gia (nhu NTV) tim được ý nghĩ tương đồng trong van tho cua Du Tử Lê. Thật thích thu khi đọc bài viết va cảm ơn Nguyen Thi Khanh Minh đã chia sẻ. Nhât Thụy Vi.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Mười 202110:49 SA(Xem: 2596)
Hai năm rồi, kể từ ngày bà viết lên hai chữ “về trời” để báo với cỏ cây, nhân thế, rằng, ông đã tạm biệt chỗ “nhân gian không thể hiểu,”
11 Tháng Mười 202110:18 SA(Xem: 2131)
Việc gì em phải khóc than?/ Hồi chuông/ Tiếng mõ/ Hương trầm thoảng bay…
23 Tháng Sáu 202112:00 SA(Xem: 16726)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972. Bạn tôi đem anh về
19 Tháng Sáu 20211:07 CH(Xem: 3148)
Tôi chỉ gặp ông dăm ba lần, cũng như những cuộc gặp gỡ của các cá nhân nhà văn Việt Nam khác, nhưng câu chuyện về cuộc đời này và về thơ ca dài gấp ngàn lần thời gian những cuộc gặp gỡ của những cá nhân nhỏ bé trước vũ trụ vô tận này.
25 Tháng Ba 20212:05 CH(Xem: 3073)
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Hà Nam, miền Bắc Việt Nam.
09 Tháng Hai 202110:49 SA(Xem: 3534)
Lắng nghe một đoạn, tôi nhận ra giai điệu quen thuộc. Đó là một sáng tác của Từ Công Phụng phổ từ thơ Du Tử Lê, Ca khúc "Trên Ngọn Tình Sầu."
29 Tháng Giêng 202110:20 SA(Xem: 3309)
Khi anh chết/ Không đem anh ra biển/ Mà chôn anh vào/ Huyệt mạch của quê hương
28 Tháng Giêng 20213:55 CH(Xem: 3746)
Xin gửi lời cảm ơn muộn màng đến linh hồn Thi Nhân Du Tử Lê về bài học ẩn dụ trong thơ để "môi còn muối mặn"... đến ngàn sau!
26 Tháng Mười Hai 20201:40 CH(Xem: 4009)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
10 Tháng Mười Một 20208:58 SA(Xem: 3868)
Tiểu luận của một học viên cao học (Giáo sư hướng dẫn:Phạm Ngọc Hiền)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17042)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12261)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18991)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9173)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8344)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19180)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7899)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8816)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11064)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19255)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31957)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,