NGUYỄN ĐỨC TÙNG - Bốn mươi năm thơ Việt Hải Ngoại - Du Tử Lê

11 Tháng Bảy 201612:34 CH(Xem: 5241)
NGUYỄN ĐỨC TÙNG - Bốn mươi năm thơ Việt Hải Ngoại - Du Tử Lê


NguyenDucTung-DTL-W-content Nguyễn Đức Tùng, Du Tử Lê.

Tiểu sử:

Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Hà Nam. Năm 1954, theo gia đình di cư vào miền Nam. Ông là cựu học sinh trường Chu Văn An, Trần Lục rồi đại học Văn Khoa Saigon, nguyên sĩ quan QL/VNH cũ. Ông làm việc tại cục Tâm Lý Chiến trong vai trò phóng viên chiến trường, trước khi làm Thư ký tòa soạn nguyệt san Tiền Phong. Năm 1969, Du Tử Lê theo học khóa tu nghiệp báo chí tại thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana.

Ông định cư tại Hoa Kỳ sau biến cố 30 tháng 4-1975. Khởi sự làm thơ rất sớm, từ năm 1953 tại Hà Nội, với nhiều bút hiệu khác nhau, bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai.

-Thơ của ông xuất hiện trên nhiều tạp chí trong và ngoài nước. Ông có thơ đăng trên nhật báo Los Angeles Times, 1983 và New York Times, 1994.

- Du Tử Lê là một trong 6 nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ thứ hai mươi, có thơ được chọn in trong tuyển tập “Thi Ca Thế Giới Từ Thời Thượng Cổ tới hôm nay / World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time” do nhà W.W. Norton New York, New York ấn hành năm 1998.

(trích nguồn: dutule.com)

Con người có nhiều khả năng hành động hơn khi mối quan hệ với người khác trở nên tốt đẹp, bền vững. Trong một xã hội ngày càng bận rộn, đông đúc, ít người nhận ra, như khi chỉ một mình và trong hoàn cảnh nguy hiểm, đời sống thực ra rất mong manh. Khởi đầu, gắn bó với người mẹ, lớn lên chúng ta xa rời cuống rốn, càng độc lập càng dễ mất dần cảm giác cần đến người khác. Cần thiết và sở hữu: bản chất của tình yêu. Vị tha, đánh mất, chỉ là những khuôn mặt khác.

Thơ tình Du Tử Lê cố gắng nói về điều ấy. Nhưng anh không chỉ viết về sự mất mát, mà còn chúc tụng, bình phẩm, thương tiếc, hồi phục. Sống hai lần cho một tình yêu. Không ai lấy văn chương làm mục đích của kinh nghiệm sống, nhưng có những số phận đặc biệt ở đó dường như mọi diễn tiến của đời sống đều nghiêng một phía, về hướng vecteur của sáng tạo. Chữ đẹp và lạ, hình ảnh đặc sắc, nhạc điệu mới hoặc biến đổi, hầu hết trong thể thơ quen thuộc bảy chữ hay lục bát. Vì vậy thơ Du Tử Lê phổ biến. Nhiều tuyển tập thơ Anh ngữ có mặt anh. Thơ tình mà đầy lòng trắc ẩn, bạn bè, chiếu rọi ánh sáng vào giấc mơ, vào thân xác, vào nhục cảm. Đôi khi tình yêu nam nữ vượt qua chính nó, trở thành câu chuyện về đất nước. Quả thật anh viết nhiều đề tài, chiến tranh, sự khó nghèo, quê hương, bạn hữu, thậm chí những đề tài thân mật và ít gặp trong thơ Việt như gia đình, con cái, chi tiết lặt vặt. Vì sống là nhớ lại. Một người biến mất khỏi trí nhớ của một người khác, tức là đã chết.

Đêm về theo vết xe lăn

Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng

Một đất nước như một giấc mơ đã thất bại.

Là một trong những nhà thơ lưu vong quan trọng nhất, bao giờ anh cũng tìm cách ra khỏi mình. Du Tử Lê say mê ngôn ngữ, say mê đời sống theo nghĩa sáng tạo, tái tạo và phá hủy của nó. Giữ một lập trường riêng biệt, anh tìm cách xuyên qua các ranh giới và các định nghĩa, không mệt mỏi đi tìm sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thoát khỏi cái bóng của quá khứ chiến tranh máu lệ. Nhiều người làm thơ, càng viết càng yếu đi, tự lặp lại mình, nhưng giai đoạn sau 1975 ở hải ngoại, Du Tử Lê đi lên so với trước đó, bên kia mép rìa của trường thẩm mỹ cũ, và sự vận động này giữ nguyên tốc độ, ít nhất cho đến khi sức khỏe anh có vấn đề. Sau đó, sau một sự dừng lại ngắn, và sau những bài thơ tự lặp lại mình, anh tiếp tục viết, bền bỉ, mặc dù không còn tạo ra các bước ngoặt như ở giai đoạn cao nhất của thơ Du Tử Lê, khoảng những năm 80, 90. Lúc đó, thơ anh đạt đến tài hoa ngôn ngữ: nhiều đoạn, nhiều câu trở thành thí dụ mới, trong khi gắn bó với truyền thống vẫn biến đổi không ngớt. Về mặt thể loại, anh đóng góp cho thể lục bát, năm chữ, bảy chữ, tự do. Nhiều người nói về cách tân của anh, những xuống dòng, những ngắt nhịp, các dấu chấm, dấu phẩy, dấu gạch chéo. Điều ấy sẽ còn gây tranh cãi, và một số thể nghiệm của anh có thể sẽ không thành công, nhưng chắc chắn có một số khác đang được chấp nhận và kế tục, gần như trở thành chuẩn tắc mới của tiếng Việt. Khó có một nhà thơ cùng thời nào khác có những câu thơ được nhiều người nhớ tới, không phải chỉ vì các ca khúc mà chúng tựa vào, mà còn vì sự chia sẻ đối với lòng hoài niệm, đối với số phận dân tộc và sự kháng cự số phận ấy, chất trầm cảm và bi tráng của tình yêu, trong vẻ đẹp của một thứ tiếng nói, ngày ấy có lẽ tưởng sẽ mất, nhưng đã, sẽ không bao giờ mất.

Văn Việt trân trọng giới thiệu.


ĐÊM, NHỚ TRĂNG SÀI GÒN

gửi Trần Cao Lĩnh

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
tìm tôi đèn thắp hai hàng
lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
ngỡ hồn tu xứ mưa bay
tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa

đêm về theo bánh xe qua
nhớ tôi Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh
nhớ em kim chỉ khíu tình
trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do
nhớ nghĩa trang quê bạn bè
nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường 

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào ?

1978



CHẲNG CHIẾN CHINH MÀ CŨNG LẺ ĐÔI

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Chim về góc biển . Bóng ra khơi
Lòng tôi lũng thấp . Tâm hiu quạnh
Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Buổi chiều chăn gối thiếu hơi ai
Em đi để lại hồn thơ dại
Tôi vó câu buồn sâu sớm mai

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Em còn gương lược dấu đường ngôi
Nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
Và khoảng trời xanh đến rợn người

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Bàn tay dư mấy ngón chia phôi
(Tặng nhau chín ngón không đeo nhẫn)
Và ngón dành riêng cho môi tôi 

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Như trời nhớ đất (rất xa xôi)
Nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
Thư nhớ hồi âm - Lệ nhớ môi

Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
Nói gì kiếp khác với đời sau
Đôi khi nghe ấm trên da thịt
Như thể ai đi mới trở về



CHÂN DUNG

tôi ngồi trong nỗi tôi riêng
bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng rời
phòng tôi trần thiết gương người
tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng xưa
tóc người chảy suốt cơn mưa
ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về

tôi ngồi giữa cõi-tôi-khuya
có ai gõ cửa? mà nghe lá chào
tưởng người ngọn sóng lao xao
biển muôn năm gọi tôi nào có vui
người về có nén hương, thôi
cắm lên phần mộ hồn tôi úa vàng

tôi-ngồi-trong-cõi-nhân-gian



NHÌN NHAU CHỢT THẤY RA SÔNG NÚI


ba mươi năm lẻ ai ngờ được
tao với bay, giờ gặp tại đây
chiến tranh đã dứt nhưng thương tích
vẫn ở cùng tao, ở với bay

bay đã kinh qua địa ngục đời
từng nhìn binh biến giống trò vui
chiến xa, đại bác bay chơi nổi
bom ném ngang trời cũng được thôi

trận mạc ngày xưa còn chẳng ngán
nhằm nhò chi ít vỉ bia "cua"
cười khan những buổi đi "chà láng"
mà lại buồn so diện H. O.

nốc rượu nguyên đêm chờ được xỉn
ôi mái trường rêu: Chu Văn An
nhiều thằng "thăng" lúc còn hôi sữa
dăm tên đầu bạc kể hung hăng

đạn bom ngốn mất thời trai trẻ
cải tạo khơi khơi năm mười niên
ra tù mất vợ, con quay mặt
cười gượng ra điều ta vẫn ... ngon

trong mắt bay nay vàng kỷ niệm
tao đầy gân máu nhớ quê hương
đêm đêm ác mộng còn truy kích
lạnh cẳng tao hầm nhất biển Đông

tụi bay muốn sống? --Quên cho lẹ!
mũ đỏ, đen gì ... cũng đã xong
tao cam phận kiếm tô canh cặn
bay rồi cũng thế! Liệu nghe con

Xa trường mất xác giờ đâu khác?
xương bỏ quê người, cỏ cũng chê
chắc chi đã được như Tư Cóc
chết giữa quê hương, đắp mảnh cờ

Minh dê, Hồng Trố tao mừng lắm
những tưởng không còn gặp tụi bay
đêm qua uống rượu con nhà Kiểm
thương bạn, tao thèm được khóc ngay

nhìn nhau chợt thấy ra sông núi
có chút gì nghe rất thốn đau
hẹn bay về chết trong tay mẹ
tổ quốc nghìn năm bỏ được sao?
4-1991



THƠ VIẾT KHI CON QUA ĐỜI

Bây giờ mười lăm ngày sau khi em đã sinh

mười lăm ngày sau khi con đầu lòng của chúng ta đã chết

bây giờ lúc em đã bắt đầu bình phục

anh muốn nói với em

thôi đừng khóc

đừng tủi thân

đừng oán hờn số phận

mà hãy mừng

phải hãy mừng cho con ta

đã may mắn không phải làm người

như anh và như em

hãy mừng cho con ta

không phải sống nhục nhằn khốn quẫn như ta

giữa quê-hương-mình-xa-lạ

Bây giờ bảy ngày sau khi anh đem em ra khỏi nhà thương

(trên băng sau của chiếc tắc-xi cùng với áo quần, đồ dơ, và nước mắt)

bây giờ, bảy ngày, anh đã không phải nuôi em trong nhà thương

bảy ngày qua anh không còn ngồi trên băng ghế đá của bệnh viện

(cái băng ghế cách đây bốn năm, anh đã ngồi trông chờ em vào thăm nuôi một người chị nằm bệnh

trong mắt nhìn canh chừng với đầy ác cảm của những người thân gia đình em)

anh muốn nói

anh không thích đóng vai một người cha bạc phước

con qua đời ngay lúc mới sinh ra

nhưng anh cũng không thích mình trở thành một người cha bất lực

nhìn con mình lớn lên

trở thành một thứ đồ chơi

trong chiến tranh

như anh

một thứ đồ chơi

chưa bể

Bây giờ những cơn đau bụng của em đã bắt đầu nguôi

những chén cơm em ăn đã không còn hòa cũng nước mắt

anh muốn nói với em

mười lăm ngày sau khi con đầu lòng của chúng ta đã chết

thôi em đừng có thai

ít ra trong lúc này

bởi anh không muốn

chiến tranh sẽ cướp mất con ta

ngay khi nó còn ở trong bụng mẹ

em dấu yêu – em đẫm lệ

trước cơn đau của em

những danh từ: tự do dân chủ

những chánh nghĩa quốc gia

những lý tưởng, những nhân danh

với anh

không quý bằng

một manh giấy báo để lót

Em dấu yêu

em hãy gượng cười

vì đời sống chúng ta

còn trăm ngàn đớn đau hơn thế



TÔI THẤY DÒNG SÔNG TRONG MẮT EM

tôi thấy dòng sông trong mắt em

buổi trưa tìm thấy nắng soi gương.

sớm mai tìm thấy hàng cây. gió

buổi tối tìm…tôi trong bóng đêm.

tôi thấy dòng sông trong mắt em

nỗi buồn tìm lại mùi hơi. quen

nhớ nhung neo dưới cành hoa khế

hương tóc thẹn lâu… bàn tay xin.

tôi thấy dòng sông trong mắt em

thanh xuân thất lạc ngọn sầu đông.

mà môi vẫn đỏ mùa ve. cũ.

ký ức ngân từ tôi. hồi chuông.

tôi thấy dòng sông trong mắt em

quê người in vách bóng chim. câm.

đèn hoa trôi giữa đôi vai Huế

cùng với tình-yêu-tôi-xốn-xang.

tôi thấy dòng sông trong mắt em.

con đường treo ngược tháng. năm. đen.

dòng sông đáy mắt, xanh chua xót:

- giục giã tàn phai sớm tận cùng.



AI NHỚ NGÀN NĂM MỘT NGÓN TAY

gửi Nam Hải

tháng tư tôi đến rừng chưa khóc
mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya
có môi chưa nói lời gian dối
và mắt chưa buồn như mộ bia 

tháng tư nao nức chiều quên tắt
chim bảo cây, cành hãy lắng nghe
bước chân ai dưới tàng phong úa
mà tiếng giầy rơi như suối reo
 

tháng tư khao khát, đêm vô tận
tôi với người riêng một góc trời
làm sao em biết trăng không lạnh
và cánh chim nào không bỏ tôi? 

tháng tư hư ảo người đâu biết
cảnh tượng hồn tôi: một khán đài
với bao chiêng, trống, bao cờ xí
tôi đón em về tự biển khơi 

tháng tư xe ngựa về ngang phố
đôi mắt nào treo mỗi góc đường
đêm ai tóc phủ mềm nhung lụa
tôi với người chung một bến sông
 

tháng tư nắng ủ hoa công chúa
riêng đóa hoàng lan trong mắt tôi
làm sao em biết khi xa bạn
tôi cũng như chiều: tôi mồ côi? 

tháng tư chăn, gối nồng son, phấn
đêm với ngày trong một tấm gương
thịt xương đã trộn, như sông núi
tôi với người, ai mang vết thương?
 

tháng tư rồi sẽ không ai nhớ
rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
mắt ai rồi sẽ như bia mộ
ngựa có về qua cũng thiếu đôi!
 

tháng tư người nhắc làm chi nữa
cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ
trống, chiêng, cờ xí như cơn mộng
mưa đã chờ tôi. mưa... đã... mưa 

mai kia sống với vầng trăng ấy
người có còn thương một bóng cây?
góc phố đèn treo đôi mắt bão
ai nhớ ngàn năm một ngón tay?

New Orleans 1-5-84



KHÚC HẠNH TUYỀN, NÚI SÔNG

chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt
mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ
chẻ đôi thân thế mù tăm tích
ta nghĩa trang nào? chôn cất nhau?

chẻ đôi tâm thất kênh, mương cạn
hương tóc truy tầm vai thất tung
tưởng ai oan khuất vừa quay gót
xương, thịt, đời sau, máu rất buồn

chẻ đôi con gió: cây ly biệt
tim chấn thương cùng môi tháng, năm
phạt ngang ký ức rừng thao thiết
dòng suối trăm năm bỗng mất nguồn.


1993
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc thành bài hát
Dòng suối trăm năm.



KẺ TỪ PHƯƠNG ĐÔNG QUA

Và HT, Nguyễn Ngọc Bảo

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi:
- ngươi từ đâu đến đây
mà đầu đầy dấu đạn?
- tôi từ phương đông qua
lửa cháy hừng bốn phía
rừng đã thành tro than
biển cũng trào máu mặn
đạn bắn rền đông tây
tôi tình cờ sống sót. 

- ngài giúp được tôi chăng?
sống còn một tổ quốc. 

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi:
- ngươi từ đâu đến đây
mà lưng đầy vết chém?
- tôi từ phương đông qua
nơi núi thành bình địa
sông lấp bằng xác người
dao chém loạn bắc nam
tôi không ngờ thoát hiểm. 

-ngài giúp được tôi chăng?
buồn vui một đất nước. 

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi:
- ngươi từ đâu đến đây
mà mắt đầy bóng tối?
- tôi từ phương đông qua
mẹ tôi trong chợ loạn
con tôi trên phố đông
vợ tôi trong góc bếp
chết không ngờ một đêm ùn ùn quỷ dậy...
- ngài giúp được tôi chăng?
bình an một mái ấm. 

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi:
- ngươi từ đâu đến đây
mà xác, hồn thất lạc?
- tôi từ phương đông qua
hồn không còn cõi trú
xác không còn mái che
quỷ sa tăng một hôm trùng trùng vây khổn.

- ngài giúp được tôi chăng?
triệu hồn cần cứu rỗi. 

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi:
- ngươi từ đâu đến đây
chọn chỗ ngồi cô quạnh ?
- tôi từ phương đông qua
vai không đeo hành lý
đường đi không bạn bè
khóc không người chia sẻ
sống không còn mai sau.

- ngài giúp được tôi chăng?
một ngày mâm rượu cũ. 

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi:
- ngươi từ đâu đến đây
mà tim bầm máu đọng?
- tôi từ phương đông qua
cõi trần gian quỷ ám
bầy thú đội lốt người
bước chân là súng đạn
tay nắm là dao đâm
óc rỉ hoen sắt thép
miệng thở mùi máu tanh
giết bao đời thơ dại 

- ngài giúp được tôi chăng?
một vườn xanh hoa cỏ. 

một người già hồn nhiên chống gậy đi ngang
một chiều dừng chân đứng hỏi:
- ngươi từ đâu đến đây
mà nguyện cầu ánh sáng?
- tôi từ phương đông qua
cõi đêm-ngày: bóng tối
quỷ dữ nuốt mặt trời
bụng trương phình giáo mác. 

- ngài giúp được tôi chăng?
một người còn muốn sống.




KHI TÔI CHẾT HÃY ĐEM TÔI RA BIỂN

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
Bên kia biển là quê hương tôi đó
Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Cho tôi về gặp lại các con tôi
Cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
Từ những mắt đã buồn hơn bóng tối

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
Ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(Bài hát giờ cũng như một hồn ma)
(12-1977)



KHÚC THÁNG CHÍN

này tháng chín, mùa thu về rất sẽ
em biết không? tôi kẻ đứng bên đường
hồn tháng chạp, cuối đời khua tiếng gậy
em từ tâm có đủ lượng bao dung? 

này tháng chín, mùa thu về như thể
giữa đêm qua, có kẻ lén vào
vườn hạnh phúc một người đang tập nói
chàng phục sinh như một giấc mơ 

này tháng chín, mùa thu hồng, lối biếc
mưa ở đâu? ướt trí nhớ ai?
chàng đứng lại bên kia bờ nước cuốn
em bên này có lạnh đôi bàn tay? 

này tháng chín, mùa thu về rất mới
bởi hôm qua có kẻ mới qua đời
hồn thánh thiện lối vào thơm cỏ cũ
em xạ hương từ quá khứ tôi 

này tháng chín, này em, này tháng chín
em biết không, tôi, kẻ đứng bên đường
hồn hải điểu có bao giờ quy thuận
bỗng bình minh như một cửa gương 

này tháng chín, lược đời tôi, hãy chải
và cho tôi sợi tóc cuối chân ngày
đêm tháng chạp tôi sẽ ngồi nối lại
những con đường (những sợi tóc rơi)

những con đường mãi mãi chả ai thôi
quên nhắc đến bởi chính hồn em đó 

này tháng chín, nghe không lời nói nhỏ:
“hoàng hôn em, tôi gửi một que...diêm”.
(1984)




TRONG TAY THÁNH NỮ CÓ ĐỜI TÔI

hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
tôi buồn như phố cũ như tay
bàn chân từng ngón ngưng không thở
lạc mất đường đi. tạnh dấu bày 

hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
tôi gầy như lá nhẹ như mây
gió khuya thổi rớt ngàn tâm sự
thiên đàng tôi là người hay ai? 

hỏi gió đi rồi em sẽ hay
cảnh tượng tôi un khói. bụi đầy
ai không ném đá tôi nào biết
riêng người vẫn bay trên ngọn cây 

hỏi tóc đi! sông những buồn vui
như tôi qua gần hết cuộc đời
trí khô não kiệt. nghe từ đất
tiếng gọi trời xa. thánh nữ ơi 

hỏi mắt đi sẽ thấy rừng cao
biển sâu dưới thấp. đêm quê nhà
con đường núi Sọ, không ai đợi
tôi hỏi tôi: mày, đang ở đâu? 

hỏi môi đi! môi còn muối mặn
xát ướp lòng tôi thì đã sao?
chỉ e chẳng kịp cho đời khác
cửa mở nhưng tôi chẳng thể về 

hỏi tim đi! tim nói lời gì?
máu còn quy ẩn có đôi khi
chỉ cho em biết hồn tôi khuất
sau những hàng cây đã luống thì 

hỏi Chúa đi! ngài sẽ trả lời
trong tay thánh nữ có đời tôi. 




BÀI MÔI NGƯỜI CŨNG NHƯ MỘT... GIỎ HOA

ta sớm biết vườn địa đàng tuổi nhỏ
giữa sân trường: - kỷ niệm lén... soi gương/
người xuất hiện / dậy tôi bài học mới
bài: bâng khuâng cũng mang theo mùi hương

ta sớm biết những hành lang rất cũ
mà chân ai như mới chạm lần đầu
người xuất hiện dậy tôi bài học mới
bài: đợi chờ dài như một trận... đau

ta sớm biết có nỗi buồn đến... ngọt
như những ngày nắng ấm, rét... căm căm
người xuất hiện dậy tôi bài học mới
bài: yêu người như yêu cây cà-rem

ta sớm biết tâm hồn như cửa biển
sóng quanh năm nở bọt gọi, mời
người xuất hiện dậy tôi bài học mới
bài: dã tràng giống... ai mà hổ ngươi?

ta sớm biết đôi khi mình cũng... điệu
(một chút thôi! ai nỡ quở bao giờ)
người xuất hiện dậy tôi bài học mới
bài: hân hoan đỏ... mặt theo quả... dâu

ta sớm biết đường xa mà rất ngắn
mỗi khi niềm hớn hở dắt... ta đi
người xuất hiện dậy tôi bài học mới
bài: ngập ngừng nhón gót lúc... chia ly

ta sớm biết đôi mắt còn biết... nhớ
buổi chiều ưa treo nắng, gió trên cây
người xuất hiện dậy tôi bài học mới
bài: đêm về nghe hồn... bơi trên tay

ta sớm biết những con đường rất ngắn
giấc mơ dài mang tưởng tượng đi xa
người xuất hiện dậy tôi bài học mới
bài: môi người cũng như một giỏ... hoa

ta sớm biết thời gian như thước... gẫy
kẻ sao ngay đường thẳng đến... êm đềm
người xuất hiện dậy tôi bài học mới
bài: thấy mình như vật người bỏ... quên!?!




BÀI NHÂN GIAN THỨ NHẤT

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
đôi mắt người hồ như biển đông
có mưa-tôi-cũ về ngang đó
tự buổi thiên đàng chưa lập xong

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
mái tóc người hồ như rừng cây
có mây che lối về cho lá
và những con đường thật riêng tây

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như vết thương
có đêm ngó xuống bàn tay lạnh
và chỗ em ngồi đã bỏ không

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như tấm gương
thấy tôi thắt cổ trên cành khuyết,
và bóng đo dài nỗi tủi thân

Ở chỗ nhân giang không thể hiểu
tôi có người hồ như hạt sương
có bông hoa đỏ chiều tâm khúc
tôi thấy từ em một quê hương

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như tiếng chim
theo cơn bão rớt về ngang phố
tôi học từ em: niềm lãng quên

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như ấu thơ
đêm đêm khóc vụng cùng chăn gối
và thấy buồn như mẹ ở xa

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi biết người mang một nỗi buồn
biết ta cuối kiếp tim còn lạnh
cùng nỗi sầu bay lầy hư không

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi xin người sớm phục sinh tôi




NGƯỜI NHÓN GÓT: THẢ VẦNG TRĂNG THỨ NHẤT

chào tinh khiết! - Giữa chiều/ tôi/ xế bóng
như tấm lòng thao thiết cũng gieo neo.
người nhón gót: nghe mưa về đáy vực
buồn tôi sâu, hút, tựa nhớ, thương, nào .

chào thơ ấu! - Chông chênh sầu, nẫu, đỏ
bước lầm than trong ngày, tháng tôi, vơi
người nhón gót: thả vầng trăng thứ nhất
trên tay tôi / cổ tích: mắt, môi người

chào định mệnh! ... Gõ cửa /tôi/, cuối kiếp
trái tim người: lưu lượng biển, bao dung.
người nhón gót: gửi điều chưa nói hết
lên vai tôi . Mùi tóc mẹ ân cần.

chào Quán Thế (riêng tôi)! - Rừng chánh niệm
cây từ bi từng ngọn. Lá trăm năm
người nhón gót: cúi nhìn nhân thế, gió
thấy tôi không ? ... Tội nghiệp một linh hồn?

chào kỷ niệm! - Mai này, tôi sẽ chết
những con chim trả tiếp nợ cho đời .
sóng ở lại, trả thêm người tiếng hát,
(riêng đêm còn giữ mãi dấu môi tôi .)
lá gìn giữ mối tình tôi đã gửi .
cây nâng niu thống khổ (buổi xa người.)

người nhón gót: nghe chuyện tình ai đó...
nghìn năm sau: cổ tích kể tên... nàng.
(Nov.01)



MẸ VỀ BIỂN ĐÔNG

(trường khúc, trích đoạn)


tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng
anh chị, các cháu và đứa con trai tôi vật mình trên tiếng chuông

thầy Mãn Giác, thầy Pháp Thuận mặc đạo tràng
những miếng vá vuông nối nhau chảy xuống
dường tôi bị băm vằm bởi tiếng kinh
Vãng sinh
tôi khóc.
từ 1950, lần thứ hai tôi mặc áo xô
(mớ áo tang mượn từ chùa Trúc Lâm (?)
những ai trước tôi đã mặc)
có người nhắc nhở tôi đi tìm ông giám đốc nhà quàn
để khiêng xác mẹ tôi từ giường lăn, thả vào áo quan
bằng hữu nêm cứng căn phòng
tràn ngoài hành lang
(có người từng đến thăm mẹ tôi cách đây hơn hai năm
khi bà mới bay qua Thái Bình Dương, tới phi trường Los Angeles
có người chưa hề biết mặt ngang mũi dọc của bà)
tôi nắm tay đôi người
muốn quỳ, lạy họ

trời đất lạ nỗi sầu tôi đóng váng
mặt hồ kia hắt lại điêu tàn
mảnh đất cũ không cùng tôi bầu bạn
thì linh hồn rồi cũng đến hoang mang.

tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng
anh chị, cháu và con tôi ra về,
đem theo họ những miếng da mặt sưng, mọng nước
tôi ngồi lại trong căn phòng tối
mưa tầm tã. Gió đánh những cành phong nghiêng, lật
lá lạt xạt bước chân trốn chạy
người trực nhà quàn có làn da mét, mét
da người chết
đôi mắt cạn thần
nụ cười trắng nhỡn
anh thò đầu vào phòng hỏi tôi cần nước nóng?
nổi gai ốc, tôi liếc nhìn qua phía mẹ mình
bà ngậm miệng. Không cười. Không cử động
bà buồn?
tựa khi chết, mẹ tôi vẫn còn khư khư giữ lại nhiều điều làm vốn
mưa xầm xập
vài người Mỹ thập thò hỏi xác
tôi nói còn hai xác nữa. Một trong nhà quàn và một ở Chapel
họ đi ngay. Sợ tôi vồ, chụp?
mưa làm căn phòng đẫm tử khí đã lạnh, thêm buốt
chín giờ tối. Tôi bước ra. Mưa nhẹ hạt, bóng tối, vòi nước trong
bồn
vẫn phun không mệt mỏi những lượng nước cố định
trên mặt hồ, hàng trăm ngàn con tôm riu nhẩy lên
nhẩy lên, nhẩy lên
biến mất
biến mất
tội nghiệp mẹ tôi lúc chết vẫn còn phải nằm lại một mình.
vĩnh viễn một mình
tôi tự hỏi anh Uyển, chị Trang hay Thầy tôi ở Việt Nam
có qua đón lấy linh hồn bà?

một linh hồn gần thế kỷ long đong
ngay lúc sống đã tựa như thiên cổ
tôi ở cùng tháng một mưa, giông
bàn tay nhỏ chơ vơ khoắng, khua thời bú sữa

tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng
sớm mai, hàng quán chưa mở cửa
tôi thèm ly cà phê, lời chào hỏi
khu nhà trắng nhớp sương
ngồi nơi băng ghế sắt đặt cạnh hồ nước
với cuốn truyện chưởng Kim Dung tới hồi khốc liệt
tôi tự hỏi, cuối cùng liệu họ có chết?
như mẹ tôi, dù gần một thế kỷ
cuối cùng, cũng chết
chưa bao giờ tôi thấy, tại sao kiếp người lại có thể vô nghĩa đến
như thế,
thầy Mãn Giác nói, chết là về nhà
ông quên chỉ, ngôi nhà nào đây?
trên mặt đất hay sâu lòng địa ngục?
tôi muốn tin mẹ tôi đã lên cõi niết bàn
chí ít cũng trở về biển Đông
nơi đó bà đã ra đi
không lẽ kẻ lìa đời
nhục nhằn
từ mở mắt
lại không thể trở về
nơi tự đó, sinh ra
cháu tôi bảo cách gì thì mẹ tôi cũng phải xuống âm ti
cho Diêm Vương luận tội
một người đàn bà suốt đời chỉ thờ chồng, nuôi con
miếng ngon không ăn
vải đẹp không mặc
mà vẫn phải xuống âm ti cho quỷ thần tra khảo?
thì biết ai lên Niết Bàn
ai về biển Đông?
hay cõi âm
cũng phe đảng
cũng kỳ thị
cũng quyền thế, mua chuộc... chẳng kém dương gian?

buổi sáng lạnh. Người Mễ quét sân
chăm chú nhìn ống hút lá
máy rổn rảng khua
tiếng khua khô đập đều vách óc
tôi nhẩm đếm những đứa con có mặt. Những đứa mất tăm
những đứa không được thông báo bà chúng chết
tôi chợt hiểu thì ra
con người hơn xa loài thú
ở chỗ có thể biến cả xác chết, thành vũ khí trả thù,
tấn công người ở lại

em đã chẳng là tôi, chung một gốc
khóc hay cười, đều xiết chảy băng, băng
vai tôi gọi, tóc kia nào thức dậy
chân ta đi, sông nhức quặn bao tầng.

(Nguồn: vanviet.info)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 11505)
Du Tử Lê với tập thơ ‘Biệt Khúc’ xuất bản đầu năm 2013 có thể làm ngạc nhiên không ít độc giả thân hữu, với một vài nét hiện thực tàn nhẫn
22 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 13976)
Nếu thi ca có sức mạnh thôi thúc các danh họa sáng tác những tuyệt tác như thế thì việc một họa sĩ làm thơ hay thi sĩ vẽ tranh thì cũng chỉ là việc bình thường.
19 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 16424)
Du Tử Lê sinh năm 1942, tháng 11, ngày 10 nhằm năm Nhâm ngọ, tháng 10 ngày 3. Tôi không nhớ vào ngày sinh Du Tử Lê có mưa gió bão bùng gì không.
10 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 19387)
Một Du Tử Lê lãng tử, bềnh bồng của ngày xưa. Anh có không ít những bài thơ tình đẹp thê thiết, áo não
12 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 26187)
Tôi rất ít gặp ông. Vài năm, chỉ vài lần. Ông chẳng bao giờ gọi điện thoại, tôi chẳng bao giờ gửi email, để hẹn gặp nhau.
11 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 22122)
Đương lúc Tây du để thỉnh kinh/Dưng không vương mắc mối tơ tình/Thôi thì chẳng ngộ thành bồ tát/Nhưng lại được yê
29 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 19629)
With Du Tu Le, the famous Vietnamese Poet and Painter at his Oil Painting Exhibition in Spring Taste in Renton, near Seattle.
08 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 24280)
Thưa quý vị, lần đầu xem tranh Du Tử Lê dù chỉ qua hình ảnh, tôi đã liên tưởng đến nhân vật Dương Qua trong tác phẩm Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung
26 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 54880)
Viết về Bố Lê mà lại viết về đời thường, là đề tài mà tôi rất muốn viết xuống; vì có quá nhiều điều để ghi lại.
01 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 33494)
Khi người thi sĩ ấy vẽ/ đâu từ hơn năm nay
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7902)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11069)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21736)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19259)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24509)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,