VƯƠNG HỒNG ANH - Du Tử Lê và 8 năm quân ngũ tại Cục Tâm Lý Chiến,

27 Tháng Mười Hai 201610:01 SA(Xem: 7581)
VƯƠNG HỒNG ANH - Du Tử Lê và 8 năm quân ngũ tại Cục Tâm Lý Chiến,


Trong bài viết “Du Tử Lê, những ngày ở BC 3168”, tôi có nói qua về đơn vị đầu tiên khi tôi ra trường là Cục Tâm Lý Chiến, mà khu bưu chính (KBC) có danh số là 3168. Doanh trại của đơn vị này đặt tại 2 bis Hồng Thập Tự từ năm 1955. Đây là một địa chỉ bưu chính giao dịch hành chínhvới các cơ quan dân sự và số 2 bis có một “lịch sử” của nó. Theo tài liệu quân sử của Bộ Tổng Tham Mưu và lời kể của một số niên trưởng đã làm việc tại doanh trại này từ thời gian doanh trại được hình thành, thì vào trước năm 1955, đường Hồng Thập Tự có tên là Chasseloup Laubat, và địa chỉ bưu chính số 2 là khu xưởng của ngành công chánh, còn 2 bis là doanh trại của một đơn vị của quân đội Liên Hiệp Pháp. Vào khoảng cuối năm 1956, Nha Chiến Tranh Tâm Lý tiếp nhận doanh trại này và xây dựng thêm một số khu nhà mới. Cũng cần ghi nhận rằng đầu tháng 2 năm 1954, trong kế hoạch phát triển quân đội Quốc gia Việt Nam, Bộ Quốc phòng cho thành lập Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Tác Động Tinh Thần, (tới tháng 9 năm 1956 thì cải danh thành Nha Chiến Tranh Tâm Lý). Đến cuối năm 1964, Tổng cục Chiến tranh Chính Trị trên cơ sở quy hợp các nha Chiến Tranh Tâm Lý, Nha An Ninh Quân Đội, Nha Xã Hội Văn Hóa, các nha đổi thành cục, đồng thời tổng cục này lập thêm Cục Chính Huấn và các Nha Tuyên Úy Phật Giáo và Tin Lành (nha Tuyên Úy Công Giáo đã có từ trước). Riêng Nha Chiến tranh Tâm Lý cải danh thành Cục Tâm Lý Chiến, tổng chỉ huy 5 tiểu đoàn Tâm Lý Chiến, 5 Đại Đội Dân Sự Vụ hoạt động tại 4 Vùng Chiến Thuật và Biệt khu Thủ Đô. Cuối năm 1966, các tiểu đoàn Tâm Lý Chiến và Đại Đội Dân Sự Vụ sát nhập thành các Tiểu đoàn Chiến tranh Chính Trị trực thuộc Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị. Cục Tâm Lý Chiến chỉ còn bộ chỉ huy trung ương gồm có Khối Kỹ Thuật ( điều hành các phòng Điện Ảnh, Vô Tuyến Truyền Hình, Thông tin Báo chí, Văn Nghệ, Ấn Họa, Đài Phát thanh Quân Đội, Nhật Báo Tiền Tuyến) và các khối Kế hoạch, Hành chính, Tình Báo Tâm Lý Chiến, quân số từ hơn 3 ngàn quân nhân, chỉ còn khoảng 500 người vào cuối năm 1966.

Cũng vào cuối năm 1966, một số Tổng Nha, Nha thuộc Bộ Quốc phòng được tái tổ chức, quân số của những đơn vị này, dược bổ sung cho các Cục thuộc Tổng Cục Chiến tranh Chính Trị và Tổng Cục Tiếp Vận. Riêng Khối Kỹ Thuật Cục Tâm Lý Chiến đã tiếp nhận khoảng 30 quân nhân, bổ sung cho các phòng Điện ảnh, Vô Tuyến Truyền Hình, Thông Tin Báo Chí, và Đài Tiếng Nói Quân Đội. Trong số các quân nhân bổ sung cho Phòng Thông Tin Báo Chí có Trung úy Đặng Trần Huân (cấp bậc cuối cùng: Thiếu tá), Trung úy Lê Cự Phách ( tức là nhà thơ Du Tử Lê, thăng cấp trung úy thực thụ từ đầu năm 1967, khoảng 2 năm sau, nhà thơ này được thăng cấp đại úy), Thiếu úy Dương Vy Long ( tháng 11 năm 1967 trở thành dân biểu Hạ Viện), Thượng sĩ Phan Bá Thuần Hậu (bút danh là Anh Thuần). Riêng về Trung úy Lê Cự Phách, ban đầu được điều động về Cục Chính Huấn, nhưng sau đó, Đại tá Vũ Quang, Cục trưởng Cục Tâm Lý Chiến có trình văn xin hoán chuyển về Cục Tâm Lý Chiến,1 sĩ quan khác của cục được điều động thay thế Du Tử Lê ở Cục Chính Huấn.

Khi Du Tử Lê về phòng Thông tin Báo Chí, thì tôi đang phụ trách ban “Phim thời sự” của phòng Điện ảnh và Vô Tuyến Truyền Hình, và đồng thời là sĩ quan Biên tập chương trình Truyền hình Quân đội của Phòng Vô Tuyến Truyền Hình. Tôi gặp Du Tử Lê lần đầu tại Phòng Thông Tin Báo Chí khi anh vừa đi làm phóng sự chiến trường từ Vùng 2 Chiến thuật trở về. Họa sĩ Mai Chửng, bạn cùng khóa với tôi, lúc đó phụ trách về kỹ thuật trình bày của phòng này đã giới thiệu tôi với Du Tử Lê. Sau đó, tôi, Mai Chửng và Du Tử Lê trở thành bạn thân. Và vào giữa năm 1967, thì tôi xin thuyên chuyển về Phòng Thông Tin Báo Chí theo gợi ý của Du Tử Lê và Mai Chửng.

Tôi còn nhớ vào khoảng tháng 4 năm 1967, liên phòng Điện Ảnh và Vô tuyến truyền hình do Thiếu tá Nguyễn Thượng Thọ chỉ huy, được tách riêng, Thiếu tá Thọ chỉ còn giữ chức trưởng phòng Điện Ảnh, còn trưởng phòng Truyền Hình do Thiếu tá Nguyễn Văn Toàn, kỹ sư ở Cục Truyền Tin mới thuyên chuyển về, đảm trách. Do thiếu quân số, nên theo đề nghị của Thiếu tá Lê Đình Thạch, Trưởng khối Kỹ Thuật, Đại tá Vũ Quang, Cục Trưởng Cục Tâm Lý Chiến ký quyết định với nội dung rằng trong thời gian chuyển tiếp, tôi phải làm việc tại 2 phòng: buổi sáng ở phòng Điện ảnh, buổi chiều ở Phòng Truyền Hình. Do công việc quá nhiều, không có thời gian để ngao du với bạn bè, tôi đã hỏi ý kiến với Du Tử Lê và Mai Chửng, cuối cùng tôi đã lên gặp Thiếu tá Thạch xin thuyên chuyển qua phòng Thông Tin Báo Chí. Ban đầu Thiếu tá Thạch không đồng ý, tôi phải năn nỉ, cuối cùng ông chấp thuận cho tôi hoán chuyển với một người bạn cùng khóa là anh Liên với điều kiện tôi phải hướng dẫn Liên về biên tập chương trình truyền hình, riêng công việc ở phòng Điện ảnh, tôi phải chờ một sĩ quan, đang tu nghiệp ở Mỹ, sắp mãn khóa, để bàn giao.


*Du Tử Lê ở phòng Thông Tin Báo Chí

PhongLamViec-CucTamLyChien-content

Khi tôi thuyên chuyển về Phòng Thông Tin Báo Chí, thì quân số của phòng có gần 20 người, trong đó có hơn 10 sĩ quan. Phòng này chiếm nguyên một ngôi nhà trong đó có 1 phòng rộng dành cho phụ tá trưởng phòng và các sĩ quan, 1 phòng dành cho tòa soạn bán nguyệt san Chiến sĩ Cộng Hòa, 1 phòng dành cho bộ phận văn thư và 1 phòng dành cho vị trưởng phòng là Đại úy Nguyễn Đạt Thịnh (cấp bậc cuối cùng là Trung tá). Khi vào trình diện, Đại úy Thịnh đã phân nhiệm tôi vào nhóm Phóng viên lưu động tại 4 vùng chiến thuật để viết phóng sự chiến trường và các tin quân sự cho nhật báo Tiền Tuyến do số phóng viên cơ hữu của nhật báo rất ít chỉ phụ trách các phần tin thời sự chính trị, xã hội). Riêng Du Tử Lê, công việc chính là biên tập các bài viết của độc giả gửi về cho bán nguyệt san Chiến sĩ Cộng Hòa, và bản tin thời sự quân đội của nhật báo Tiền Tuyến. Trong trường hợp chiến trường tại các vùng chiến thuật sôi động, thì Du Tử Lê được điều động tăng cường cho nhóm phóng viên chiến trường, và vùng chiến thuật mà anh thường đến là Vùng 2 Cao nguyên. Sau khi được thăng cấp đại úy một thời gian, anh được giao trách nhiệm điều hành tòa soạn Nguyệt San Tiền Phong, vào thời gian này, Cục Trưởng Cục Tâm Lý Chiến là Đại tá Hoàng Ngọc Tiêu, (nhà thơ Cao Tiêu) rất quý mến Đại úy Lê Cự Phách về nhân cách cũng như về tài năng. (*)
Riêng cá nhân, trong thời gian phục vụ tại phòng Thông Tin Báo Chí, trước khi tình nguyện thuyên chuyển về bộ chỉ huy một trung đoàn tân lập ở chiến trường Quảng Trị-Thừa Thiên, tôi đã chứng kiến nhiều sự việc liên quan đến con người Du Tử Lê, xin được ghi lại sau đây:


*Du Tử Lê và những người khách từ xa đến

Vào những năm 1967, 1968, hàng ngày, ở cửa phòng trực của doanh trại Cục Tâm Lý Chiến, thường có khách xin vào Phòng Thông Tin Báo Chí để gặp một số phóng viên, biên tập viên, với nhiều lý do khác nhau… Người có nhiều khách nhất là Du Tử Lê, những người khách này thường từ xa về, có người từ Huế, Đà Nẵng vào, có người từ Cao Nguyên xuống, có người từ miền Tây lên. Họ gặp Du Tử Lê để trao đỏi về một bài thơ, bài viết của tác giả đăng ở các tuần báo xuất bản tại Sài Gòn. Những người này được tòa soạn các tòa báo đó hướng dẫn rằng “cứ đến 2 bis Hồng Thập Tự xin gặp Du Tử Lê ở phòng Thông Tin Báo Chí”. Mỗi lần gặp như thế, Du Tử Lê phải nói nhỏ với Đại úy Phạm Huấn, phụ tá trưởng phòng, xin ra ngoài để đưa khách đi uống nước. Khoản tiền tiếp khách của Du Tử Lê nếu cuối tháng cộng lại cũng chiếm một phần lớn tổng số tiền nhuận bút của các tuần báo trả cho anh.

Trong số những người khách bốn phương đó, có nhiều người còn nhờ Du Tử Lê, qua sự quen biết rộng với các bạn bè ở Không quân, xin cấp giấy vận chuyển bằng phi cơ vận tải quân sự để trở lại địa phương sau chuyến đi Sài Gòn. Một trong những người bạn ở Không quân đã “gánh giùm” cho Du Tử Lê việc này là anh Phan Lạc Giang Đông, lúc đó là quân nhân phục vụ tại Bộ Tư lệnh Không quân. Tôi có một người em trai út, trong các năm 1973, 1974, học ban Tú tài Kỹ thuật ở Qui Nhơn, cứ vào dịp hè thì vào Sài Gòn chơi, khi về lại Qui Nhơn, đều đến 2 bis Hồng Thập Tự để nhờ “anh Lê giúp cho giấy vận chuyển phi cơ quân sự”.

Không chỉ giúp bạn về vận chuyển, có những trường hợp Du Tử Lê còn tìm chỗ tạm trú cho bạn trong thời gian người này ở Sài Gòn. Chiếc Vespa của anh đã chở không biết bao nhiêu người bạn từ bốn vùng chiến thuật, ngao du Đô Thành.


*Vài câu chuyện về tình bạn

Trong số thi hữu, văn hữu của Du Tử Lê, có vài người (mà vì sự tế nhị xin miễn nên tên) gặp nhiều khó khăn trong đời sống, và mỗi lần từ xa về Sài Gòn, đã được Du Tử Lê tự nguyện lo luôn tiền tiêu vặt, ăn uống, và những chuyện như thế Du Tử Lê không kể với ai… Tôi biết được là do chính do những người đó kể lại với tất cả sự cảm kích về tình bạn của Du Tử Lê.

Câu chuyện dưới đây liên quan đến cá nhân tôi, mà mỗi khi nhớ lại, lòng bồi hồi với cả một trời kỷ niệm.

Trong thời gian năm 1967-1968, tôi có quen biết với một cô gái người Hoa, tiểu thư của một gia đình chủ nhân cửa tiệm buôn bán đổ cổ rất lớn trên đường Tự Do. Tình cảm giữa chúng tôi đã vượt qua giới hạn bình thường. Mỗi lần nhận sự vụ lệnh đi thực hiện phóng sự chiến trường ở các vùng chiến thuật, trước khi lên đường, tôi đều đến thăm “cô gái của tôi”. Tôi không có xe gắn máy, nên thường đón taxi. Có một lần, vào buổi chiều, tôi đang đứng chờ đón xe trước 2 bis Hồng Thập Tự thì Du Tử Lê vừa đi Vespa ra, thấy tôi, bạn hỏi: “Có phải đến thăm cô gái ở đường Tự Do không?” Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Sao toa biết?” Lê không trả lời và chỉ nói: “Lên xe, moa chở đi. Trên đường đi, Lê nhắc lại có một lần Lê đã chở tôi đi mua quà tặng sinh nhật cho cô gái và sau đó đã chở đến tận nhà. Lê nói tiếp: “Moa thấy toa ra khỏi phòng, moa đoán là toa đến thăm cô gái, mà không muốn phiền moa, nên moa ra lấy xe đuổi theo. Bạn thân với nhau, không có gì phải ngần ngại”. Lần đó, khi ngừng xe, Lê hỏi tôi rằng “vào thăm có lâu không, moa chờ”, tôi nói ngay “Moa sẽ ở lại lâu, toa về lại phòng đi”. Khi Lê đi rồi, tôi kể cho cô gái biết đôi điều về Lê: một nhà thơ nổi tiếng, một người hết lòng với bạn…” Vào mùa hè 1968, tôi xin thuyên chuyển về Huế để gần mẹ tôi, chúng tôi đã chia tay, nhưng câu chuyện Du Tử Lê chở tôi đến thăm cô gái người Hoa thì vẫn còn trong ký ức của tôi.


*Du Tử Lê và những người muôn năm cũ

Trước năm 1975, tôi gặp Du Tử Lê lần cuối vào mùa Hè năm 1973. Thời gian đó, tôi xin phép vào Sài Gòn trong 1 tuần để dự kỳ thi chứng chỉ cử nhân chuyên khoa Nhân Văn. Tôi đã ở lại nhà của Du Tử Lê trong khu cư xá Bưu Điện trong 3 ngày đầu, do nhà bạn gần trường thi. Sau đó, tôi về nhà người cậu để thăm bà con. Khi từ giã bạn, tôi nói rằng mùa hè năm sau, tôi sẽ về lại Sài Gòn để dự kỳ thi hoàn tất chương trình Cử nhân. Nhưng lời hứa đó đã không thực hiện được vì vào mùa Xuân năm 1974, tôi thuyên chuyển về Đà Nẵng, và do công việc tại đơn vị mới quá nhiều, nên tôi đành tạm gác việc thi cử. Tháng 12 năm 1974, khi tôi đang phụ trách Phòng Tâm Lý Chiến của một sư đoàn Bộ binh, vị Tướng Tư lệnh Sư đoàn muốn phổ biến một bài viết về chiến công của Sư đoàn trên nhật báo Tiền Tuyến. Tôi đã cử một sĩ quan đem bài viết về Sài Gòn kèm lá thư của tôi gửi cho Du Tử Lê nhờ bạn chuyển cho nhật báo Tiền Tuyến. Khi giao thư, tôi hỏi người sĩ quan: “Cậu có biết nhà thơ Du Tử Lê không”. Sĩ quan này trở lời ngay: “Em rất thích thơ của Du Tử Lê, nhưng chưa có dịp gặp ông ta”. Sau lần đó, tôi không có dịp để liên lạc với bạn tôi, một nhà thơ lớn.

Gần 9 năm sau, vào cuối năm 1981, từ trại tù trở về Sài Gòn, cuộc sống của tôi vô cùng khó khăn. Trước khi được một người bạn bảo lảnh vào dạy Toán tại một Trung tâm luyện thi Đại học, trong hai năm đầu, tôi phải làm đủ nghề để mưu sinh. Nhà tôi ở gần Cầu Thi Nghè, mỗi lần đạp xe ngang 2 bis Hồng Thập Tự, tôi đều nhìn vào doanh trại Cục Tâm Lý Chiến của ngày tháng cũ, vào lúc đó đã trở thành một “cơ quan nhà nước”, mà lòng ngậm ngùi. Toàn cảnh của doanh trại có nhiều thay đổi nhưng cái hồn xưa vẫn còn đó.

Tháng Sáu năm 1995, trước ngày rời Sài Gòn để sang Mỹ theo diện H.0, tôi đã đạp xe đi ngang 2 Bis Hồng Thập Tự, và đã dừng lại ở bên đường hơn một phút. Tôi đã nhìn toàn cảnh doanh trại ngày xưa lần cuối, tôi mường tượng khu nhà của Phòng Thông Tin Báo Chí, lòng bùi ngùi nhớ đến những người lính muôn năm cũ, những người bạn của đơn vị đầu tiên đời quân ngũ, và sáng ngời lên trong tâm tưởng là nụ cười hiền hậu của Du Tử Lê mỗi lần thấy tôi từ chiến trường trở về.

Đêm Thứ Sáu 24 tháng Sáu, năm 2016

Vương Hồng Anh
________
(*) Thời gian làm Cục trưởng cục TLC, nhà thơ Cao Tiêu ấn hành một số tác phẩm. Ít nhất 2 trong mấy tác phẩm này, ông đã nhờ DTL viết tựa hay bạt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 10500)
Trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, tôi đã mang được vào trong văn chương của tôi rất nhiều lãnh vực khác nhau:
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 14142)
Du Tử Lê, không phải chỉ đêm nay mà mãi mãi giữa lòng Saigòn. Giữa lòng quê hương, luôn có những người ngồi nhớ anh. Chẳng khác nào thương nhớ nhân tình!
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 12716)
Tôi sẽ bắt đầu kể lại các cuộc tình của Du Tử Lê bằng cuộc tình xảy ra tại Bến Chương Dương
18 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 11967)
Tình yêu, nên là bầu trời, bởi nó có tính mênh mông khôn cùng
16 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 11492)
Nhưng, chắc chắn, không ai có thể làm ra “linh hồn” cho những người đó
08 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 11977)
Nguyễn Hạnh Nguyên, tác giả bài nhận định thi ca dưới đây, là một cây bút còn trẻ. Rất trẻ. Cô thuộc thế hệ 8X
29 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 11222)
Tôi không có tham vọng dài dòng về Du Tử Lê - mà chỉ đến với thơ anh bằng cánh cửa rộng mở
26 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 11662)
Tôi có dịp gặp anh Du Tử Lê ba lần, lần thứ nhất vào ngày ra mắt quyển truyện “Đêm Hoa Đăng”
23 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 10463)
Có nhiều người hỏi tôi tại sao tôi lại chọn bài thơ này…?
18 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 11616)
Về những bài thơ lục bát của Du Tử Lê, hiện tôi có trong tay 3 tập thơ:
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8338)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24505)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,