“Ở chỗ nhân gian không thể hiểu”. Vì, một người vẫn luôn là một cơn mộng một đời. “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời / nói gì kiếp khác với đời sau”.Có một đời để sa đà vào cái nhớ, cũng là một hạnh phúc thần tiên. Một đời chỉ nhớ là chỉ mộng suốt một đời. Đúng rồi, nhân gian đâu thể hiểu thần tiên.
Hôm nay, một sáng nắng ấm, trời thu, Nam California, chúng tôi ngậm ngùi đưa tiễn một Nhà thơ. Tạ từ Du Tử Lê, một đời thơ trong ngần, một đời người bàng bạc như trăng.
Có người, trong phút hiển linh, chợt thấy trước, một cái thấy mơ màng, cái cách trong giấc ngủ đầy nắng, ngày/lúc,“Mình đứng tần ngần nhớ nhung chỗ đầu đường Exit. Trụi trơn không va-ly hành lý. Rồi một mình ngồi trên chuyến bay. Vé một chiều. Đi. Không Trở lại”.
Đi xem bóng dá, xem hát ca thì phải bỏ tiền mua vé. Vé “Ta Đã Thoát Rồi” là được ông Thần Số mạng ổng vui vẻ cho không. Cho ngay khi vừa lọt lòng mẹ. Công bằng, mỗi người một vé. Hiếm khi, tỉ người may ra đôi người, may mắn cầm nhầm hai vé.
Sướng thật. Cái vui là có thật. Du Tử Lê khá thanh thản. Sáng Thứ Bảy dự tiệc ra mắt sách, có hoa có rượu, bạn bè. Chủ nhật, lại quán cà phê quen thuộc cùng anh em, có tâm sự, nụ cười vui. Chiều Thứ Hai có người mời ngồi nhà hàng. Ngồi lâu, tớ mệt. Bạn bè dìu Lê về nhà. Lên giường nằm, còn lơ mơ, “Anh ngủ chút nhé T.”. Hóa ra, là giấc Thiên thu.
Trước đó, Du Tử Lê cũng chân thật tỏ lòng:
“dù tôi hiểu: sớm, muộn gì tôi cũng sẽ biến mất, như những con gió nhỏ nhẹ và, những hứa hẹn êm đềm của những đọt nắng xanh, non. đó là lúc chúng tôi sẽ gặp lại nhau ở một cõi nào khác. có thể đó là lúc tôi không kịp cảm ơn vợ con, bằng hữu và ruột thịt xa, gần”
Đoạn thơ trên trong bài thơ có tựa đề “không ai chọn được đúng đời mình” thi phẩm cuối cùng của Du Tử Lê, xuấ tbản năm 2019.
Thuở kia Bùi Giáng cũng tạ từ:
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu [Phụng Hiến]
Nhà thơ họ Lê khác hẳn, ông rõ ràng, một nơi chốn để Trở Về.
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
Bên kia biển là quê hương tôi đó
Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
Bên Kia Biển! Có cái nôi mẹ ru // Gió đưa cây cải về trời/ rau răm ở lại chịu lời đắng cay// có cái nền nhà để thằng bé chập chững tập đi; mẹ ngồi phía trước vỗ tay, thằng con mấy tháng tuổi như say rượu ngả nghiêng bước tới, con ngã mẹ ôm vào lòng; có con đường làng để tuổi lớn bước ra: cánh đồng nắng mưa, cái hoa dại, con bò vàng; người thi sĩ đã bắt đầu biết nghe hồn tre trúc, đã rõ tâm sự của trời mây; đã biết khói hương chỗ đình làng là lưu dấu tổ tiên; quê nhà của thi sĩ, có ngọn đèn khuya lắt lư đêm giống bão xứ Bắc; mây tan tát vì gió; có Hà Nội, có gò Đống Đa. Lịch sử đổi thay, người với người đành bỏ đất Bắc, dắt díu vào miền Nam; ấy là lúc về sau, từ tiềm thức, nhà thơ nhớ lại cơn đời đời hốt hoảng, “và, khoảng trời xanh cũng rợn người”. Là cái tâm thái, “mưa ở đâu về như vết thương”. Một đời Mẹ Việt Nam.
Vết thương 1954, qua tháng ngày, rồi cũng lành. Miền Nam man mác gió Đồng Nai, mưa Sàigòn. Bỗng dưng, hai mươi mốt năm sau, lần nữa, lần đau thế kỷ mỗi đời người; người người phải lìa bỏ Sàigòn, ra đi trong nước mắt. Bỏ vội vã. Lìa xa không kịp tạ từ.
Đã chìm sâu trong tháng ngày, từ tâm hồn khói hương, lần khuất đâu trong ký ức lưu lạc, Du Tử Lê phải một đêm trăng mà nhớ, Sàigòn. Có thể đêm ấy trăng trên đất Mỹ rất sáng, nhưng đang dìu một dĩ vãng ưu tư trở lại /Đêm về theo vết xe lăn/ Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng/
...