TRẦN BẢO ĐỊNH - Dấu ấn Phật Lý trong thơ Du Tử Lê (*)

21 Tháng Chín 20229:24 SA(Xem: 2779)
TRẦN BẢO ĐỊNH - Dấu ấn Phật Lý trong thơ Du Tử Lê (*)
 

Sau 1975, ở hải ngoại, Du Tử Lê tiếp tục hoạt động văn chương một cách sôi nổi, nhiệt thành và phải nói, cũng như ghi nhận rằng: Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học Hoa Kỳ và châu Âu. Năm 1998, nhà xuất bản W.W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê vào một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần 'Thế kỷ 20: Thi ca Việt Nam' khi tái bản tuyển tập Worrld Poetry: An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time (Tuyển tập Thi ca thế giới từ xưa tới nay). Trong cuốn Understanding Vietnam, tác giả, giáo sư Neil L. Jamieson đã chọn dịch một bài thơ của Du Tử Lê viết từ năm 1964. Cuốn sách này sau trở thành tài liệu giáo khoa, dùng để giảng dạy tại các đại học Berkeley, UCLA, và Cambridge, London" ("Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật", Trần Thị Như Ngọc, 2012).

 

Từ nửa sau thập niên 1980 của gần cuối thế kỷ 20, tư tưởng nghệ thuật Du Tử Lê có bước chuyển đổi - sự chuyển đổi kinh ngạc và trang trọng -. Nhất là, dấu ấn/cảm quan Phật giáo biểu hiện qua thi liệu/thi hứng/thi cảm/thi tứ trên nền Phật lý xuất hiện trong thơ ông ngày càng nhiều. Bản thân ông nhận rằng: đó là những bài thơ có “Thiền tính”. Nếu như phần đông bạn đọc nhớ về Du Tử Lê bởi những vần thơ tình thắm thiết thì, mối quan tâm đến dấu ấn Phật lý trong thơ ông có vẻ ít ỏi hơn rất nhiều. Trong gia tài thơ ca đồ sộ, Du Tử Lê nhận rằng có bốn tập thơ Thiền tính như sau: Vì em tôi đã làm sa di (2001); Qua môi em: Tôi thở biết bao đời (2004); Mất hay còn, chưa hẳn khác nhau đâu (2008); Toàn tập thơ Thiền tính (2013). Mặc dù trong nhiều thi phẩm khác, bạn đọc cũng nhận thấy đôi nét Phật lý, nhưng dấu ấn Phật lý thể hiện tập trung hơn cả trong bốn tập thơ này.

 

Mượn chữ viết tình thơ gửi cái nghĩa văn chương đến thi nhân giờ đã là người thiên cổ, liệu rằng có thực chứng Phật lý trong thơ Du Tử Lê, và biểu thấu đúng thực cảm nghiệm Phật lý của thi sĩ họ Lê trong đời Du Tử. Không chắc lắm! Chỉ là, có thể, lấy tâm thành mở cuộc tương ngộ yêu thơ chàng Lê!

 

1. Vọng hướng Thiền môn

Du Tử Lê từng chia sẻ:

Đây cũng là lần thứ hai, trong vòng một năm, chúng tôi lại được thưa chuyện cùng quý vị về những cảm nhận của tôi, cảm nhận của một người đã bước vào tuổi sáu mươi, mới tìm về Thiền môn, với những bước chập chững của một đứa trẻ còn trong giai đoạn tập đi”[1].

Nhưng, Du Tử Lê cũng như phần đông người Việt, đã có cơ hội tiếp xúc với Phật lý từ khi còn rất trẻ. “Chủng tử Phật tánh” ấy đã được gieo trồng từ thời thuở nào chẳng rõ, chỉ chờ đợi một ngày nảy mầm trên vườn đời. Có lẽ cần trải qua ấm lạnh gió sương, lăn trở trong phong ba bão táp nhân thế, thân tâm người mới dần dà thấu hiểu đôi điều Phật lý. Cũng chính vì vậy, bạn thấy Du Tử Lê trong suy ngẫm và sáng tác thơ ca giai đoạn này đã thành thực, trong trẻo và hồn nhiên trên đường hướng mình vào Phật lý. Ông thành thực với chính mình! Đó là ngõ đường mở phơi, cho ông bước vào Thiền môn! Có lẽ vậy, ông ví mình như đứa trẻ tập đi vào Thiền môn ở tuổi sáu mươi.

Với Du Tử Lê, cuộc gặp gỡ với Phật lý khiến thế giới thi ca trở mình chấn động. Lòng thơ truyền chuyển nguồn cảm hứng xán lạn, chẳng khác luồng ánh sáng tinh khiết chiếu rọi vào hố thẳm âm u. Trước hết và dễ nhìn thấy nhất, cảm hứng từ cuộc gặp gỡ Phật lý đã chiếu rọi vào thi ngữ của ông.

Kể lại hiểu biết sơ đẳng của mình, chúng tôi không có một ý nào, khác hơn ý muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi, khi cách đây khá lâu, tình cờ chúng tôi được đọc một đoản văn viết bằng Anh ngữ của Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh, do dịch giả Chân Huyền chuyển sang Việt ngữ. Trong đoản văn vừa kể, chúng tôi bị chấn động, đúng hơn là xúc động mạnh mẽ, khi Thiền sư Nhất Hạnh kể lại chuyện, trong Làng Hồng ở Pháp của Thầy, một buổi sáng, Thầy dắt tay một em bé cùng thiền-hành với Thầy”[2].

Mối tương ngộ của Thiền sư Nhất Hạnh một sáng nào ở Làng Hồng làm tỉnh thức cuộc tương phùng từ đời kiếp nào của chàng du tử họ Lê với chính mình tiền kiếp. Qua đây, bạn đọc nhìn thấy cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ và Thiền môn. Lúc này, nhà thơ nhìn Thiền môn từ xa và khởi dựng làm mong muốn tiến về phía Thiền môn. Tâm ý này biểu hiện qua hình tượng “EM” trong thơ ca. Du Tử Lê cũng có lần thổ lộ:

Nhân xưng đại danh tự em trong bài thơ vừa kể, cũng như ở hầu hết những bài thơ Thiền tính khác, của chúng tôi, cũng xin hiểu, một nghĩa khác nữa, là tiếng gọi, kêu khẩn cấp, thiết tha cái tâm của chúng tôi, sớm ra khỏi cái tôi nhị nguyên (tức tiểu ngã,) để có thể nhập vào cái tôi không phân biệt, cái tôi nhất nguyên trong sáng (tức đại ngã)”[3].

Hay, Du Tử Lê nói theo cách riêng:

Chúng ta đâu phải hai/ Tôi là em: hiện tại!”

Cùng với thơ và cùng với EM, Du Tử Lê vọng hướng Thiền môn. Nhiều câu thơ của Du Tử Lê thể hiện niềm vui, nỗi hân hoan say đắm khi bắt gặp ánh sáng Phật đà. Niềm vui, hân hoan đã biến thành lòng kính ngưỡng và tình yêu. Nhà thơ nương nhờ vào tình yêu chánh giác.

“cành hoa tay Phật: lòng Ca Diếp

tâm-ấn đời ta: vùng vắng im

ngày sau thân-chứng em Bồ Tát

có bóng ma xin gác cửa Thiền”.

(Hựu ca mới, trong tập Vì em tôi đã làm sa di, 2001)

Thơ Du Tử Lê giai đoạn này có sự lột xác về thi ngữ, thi liệu. Ông sử dụng nhiều thuật từ trong giáo lý Phật. Nói nhiều đến kiếp và nghiệp, lòng thơ đã ngưỡng vọng về phía Thiền môn. Dẫu rằng, chàng Du Tử họ Lê nhất thời không thể dứt bỏ cõi trần ai, từ bỏ chốn bụi đường để nhập cuộc sang bờ bên kia. Tấm lòng đôi lứa khiến người thơ còn lưu luyến nhân gian. Vì sao lưu luyến? Nhà thơ ví ân tình như bướu oan cừu không thể dứt bỏ. Nhưng cũng thật trớ trêu, bướu ân tình chính là nghĩa lý cho sự hiện diện của người trên cuộc thế. Và, “kiếp” hay “nghiệp” liệu có phải chính là vòng luân lạc tương tục bất đoạn của hằng hà liên kết dây nhợ ân tình. Tơ hồng ràng buộc trói chết vực đời. Bởi luân lưu ân tình nên luân lưu thế cuộc, người cứ đời đời kiếp kiếp lăn trở tái hợp rồi ly tan. Trong hằng hà kiếp trở, có lẽ “đôi ta” đã tương phùng không biết bao nhiêu lần; chợt nhớ tới đôi câu thơ của Tố Như: “Bây giờ rõ mặt đôi ta,/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”. Hợp rồi tan, tan rồi biết đâu còn cơ hội tương phùng, chỉ biết rằng trong giây phút hiện tại, đôi ta còn có nhau, còn bên nhau, hãy nói với nhau thể như nói lời cuối.

“Người thinh lặng ở cùng tôi kiếp, kiếp;

Như trái buồn từ phấn, nụ, hoa vui.

Hợp / tan cũng chỉ như lời nói khác

Thương tôi chi!?! Tội nghiệp biết bao đời!

/

Thân tứ đại: cách gì tôi cũng chết.

Chỉ tấm-lòng-đôi-lứa ở nhân gian.

Mai không gặp?!? Hôm nay lời nói cuối:

- Nghiệp đôi ta: Thinh-lặng-bướu-ân-tình.

(Nghiệp Đôi Ta: Thinh-lặng-bướu-ân-tình, trong tập Qua môi em: Tôi thở biết bao đời, 2004)

Lời thơ Du Tử Lê dường như có lòng khẩn thiết mong cầu tế độ. Bồ Tát hạnh nguyện, 500 ứng hiện hóa thân, rốt cuộc vì chăng? Ý hướng ly khai của thi nhân phải chăng là cách thế thi nhân tự tách mình ra khỏi hạnh phúc ấm êm ảo tưởng. Cách thế “tạo phản” của anh Tề Thiên để trở thành “ngộ không”. Có lẽ! Bởi thi nhân đã tạo phản, làm kẻ tề thiên, nhưng càng sa đà thêm vào vay trả, rơi vào thẳm mắt em, rơi vào vực nỗi nhớ. Bấy giờ người rơi vào “phi đạo”, bị luân hồi câu nhốt, vằn vặt khôn nguôi. Nhưng chính trong vực thẳm cuộc đời, người đã diện kiến Quán Âm Đại Thế Chí. Bởi lúc đó, người đã phi đạo, để có thể “quán”. Phi đạo là một cơ hội. Vậy nên, tình ái/oan cừu/vay trả/nhớ thương/ly biệt,… thảy đều là những cơ hội cho tâm quán chiếu và quán chiếu tâm. Bấy giờ “tâm thuần khiết”. Du Tử Lê đem tình phổ độ nhân gian chăng?

“tâm tạo phản ly khai miền phúc lạc,

riêng nỗi buồn tôi trọ mắt em, lâu.

đời vay, trả. tôi lấy gì để trả?

khi tôi còn em mãi, tới muôn sau.

/

hạnh bồ tát, tôi xin người mỗi niệm

nhắc tên tôi (và, tình nữa, tôi, riêng.)

tôi sẽ trả ơn em bằng...nỗi nhớ

như chưa từng biết nhớ một ai, hơn!!!!!

/

tâm thuần khiết, tôi quy hồi Quán Thế

dưới chân người tôi niệm. niệm:

-ơn em”.

(Như chưa từng biết nhớ một ai, hơn

trong tập Qua môi em: Tôi thở biết bao đời, 2004)

Nguyên Khôi cũng nhận xét: “Pháp thí. Không nơi nào thiếu bóng tình yêu, không có gì thành tựu mà thiếu bóng Tình Yêu, Tình Yêu ở đây được viết hoa, họ Lê đã bước vào sâu thẳm, cho ta rung cảm từng thớ thịt, khi quỳ dưới chân Bồ Tát: “Hôm nay quỳ dưới chân Bồ Tát/ Tụng một pho tình-yêu-hoa-nghiêm”. Chúng ta hãy bước xa hơn một chút trong thế giới tình yêu, tình yêu nhân loại, có phải chung thủy là bài học Đức Phật vẫn dạy cho đệ tử của Ngài: Hãy trì mật chú kinh chung-thủy/ Để thấy trong nhau có niết bàn””[4]. Có thể lắm, những vần thơ họ Lê chính là chủng tử “tình” cũng là chủng tử “thiền” mà họ Lê đem gieo khắp thế gian. Thể như Đại sư Tetsugen ba lần in kinh Phật, thành tựu ở phút lìa đời!

Du Tử Lê xưng tán tâm bồ đề! Nhà thơ dùng thơ để liễu giải và giác ngộ! Thơ ca đối với Du Tử Lê trở thành phương tiện/con đò khả dĩ đưa nhà thơ qua sông. Đến hôm nay, khi hồn thơ Du Tử Lê đã bát ngát bốn phương, bạn không chắc những vần thơ Thiền tính này có minh xác cho hình bóng nhà thơ đã vượt qua bên kia bờ nhưng bạn hoàn toàn có thể tin chắc rằng: thơ Du Tử Lê đã ngát tỏa hương “ma-ha-bát-nhã”. Chẳng hạn, quan niệm cặp tương sinh trong đôi câu thơ sau liệu có phải cách nhìn nhất nguyên luận thế giới hay “tự tánh vô thường”, lại có nét gì khá tương đồng với quan niệm hạt-phản hạt, lại cũng tương ứng với quan niệm âm-dương rất quen thuộc trong văn hóa phương Đông. Thơ ca có những lằn ranh tư tưởng không hoàn toàn rạch ròi. Có lẽ, nên xem những quan niệm ấy trong thơ ca Du Tử Lê như vấn đề gợi mở chứ không phải vấn đề tư tưởng minh xác. Cuộc tương phùng của chàng du tử với Thiền môn từ chỗ “muôn vàn” trở về “đôi ta”, và từ “đôi ta” trở về MỘT” mà thôi!

“tâm và nghiệp song sinh là một cập

như tôi em (cập khác,) cũng song sinh.

sống hay chết, mất với còn... một cập...

nhưng cuối cùng: chỉ một. một thôi. em"

(Song sinh, trong tập Qua môi em: Tôi thở biết bao đời, 2004)

Vô lượng thuyết hồ như bất thuyết và bất thuyết cũng bằng vô lượng thuyết! Những lời thơ lâm chung vô thanh. Thanh âm vũ trụ chẳng phải vô thanh sao?

 

2. Ngưỡng cửa Thiền môn

Như trên đã nói, nhà thơ gặp gỡ, tiếp xúc và bắt đầu tìm hiểu Phật lý. Như chính bản thân nhà thơ thành thực chia sẻ: đó là những khi đọc và mò mẫm nắm bắt từng vấn đề trong biển cả Phật lý vi diệu. Cuộc gặp gỡ này khiến Du Tử Lê có cơ hội/(buộc phải) tự nhận diện thân tâm, ngoáy lại nhìn ngó chính hồn thơ mê mải và cuộc sống liên hoằng mê muội.

Hình bóng đại ngã, bản án tiểu ngã, ám ảnh hư vô,… đó là những vấn đề xuất hiện nhiều trong thơ Du Tử Lê. Có những khoảnh khắc, giây phút đối diện với chính mình, nhà thơ nhận thấy:

Nhưng những lúc một mình, nhìn lại, chúng tôi vẫn thấy, cuối cùng, sự thực: Tôi vẫn là tôi, với cái tâm bất nhất, tâm bất an, tâm sinh chuyện... Tôi vẫn là tôi(!) với tất cả bản năng tham, sân, si sâu, đầy ngã mạn, của mình”[5].

Dẫu vậy, giây phút tự đối diện và thú thực tự thân, bấy giờ “tiểu ngã” với bộ diện “ngã mạn” đã bắt đầu bước lên con đường hóa giải bào ảnh bất an/bất nhất/sinh chuyện. Biết rằng không phiên biệt, biết rằng không tiểu ngã-đại ngã, biết “tự tánh vô thường”, sự biết ấy thể như sấm sét rạch trời u tối. Lời thú nhận có sức mạnh như “thần chú” bởi lời nói ấy cắt đứt dòng “tương tục” của suy tưởng nhị nguyên bội phân liên tục trong tâm tưởng. Từ chỗ cắt đứt, kiềm tỏa, cho đến hóa giải “vén màng sương che phủ tâm thức” là quá trình gian khó. Nhưng một khi đã thú nhận, coi như đã bắt đầu trở về “bản nguyên”.

“tôi vẫn đuổi theo tôi, từng phút một,

(những con người đi, đến tự hư vô.)

tôi vẫn đuổi theo em, từng phút một,

(mà em, sao tôi chả gặp bao giờ!)”

(những con người đi, đến tự hư vô,

trong tập Toàn Tập thơ Thiền tính, 2013)

(Cảm ơn em: Cho tôi nhập chung, giòng

trong tập Qua môi em: Tôi thở biết bao đời, 2004)

Câu hỏi truy vấn suốt đời chẳng khác gì tâm ma đeo bám, xúi giục hoài nghi trỗi dậy và đưa đẩy con người rơi vào vực xoáy hỗn độn lầm lạc. Tiểu quỷ hay tiểu ngã: “Ghi nhận về cái tâm như con khỉ, con vượn nhẩy nhót, chuyền cành của mình, chúng tôi thấy cái tâm đó như một bóng ma chập chờn, lẩn, khuất... Dù cho chúng tôi có trốn chạy ở đâu, cách nào, thì nó vẫn khằn cứng trong tôi”[7]. So sánh cách hiểu tiểu ngã của Du Tử Lê và tiểu quỷ (ego) của Freud, có thể nhà thơ biết đến phân tâm học. Nhưng chẳng phải khoa phân tâm chỉ thực chứng thêm cho bản ngã vốn dĩ đã song hành cùng tâm hồn người từ buổi lọt lòng đó sao. Và ít nhiều, một khi người băn khoăn về chính mình thì đồng thời cũng rơi vào cảm niệm mà phân tâm học cũng chú ý khảo cứu. Do đó, chỗ gặp gỡ giữa Du Tử Lê và vấn đề thuộc khoa phân tâm cũng là điều dễ hiểu. Huống hồ, Phật lý chẳng phải cũng giảng giải những vấn đề tâm lý rất sâu sắc đó sao! Trở về với truy vấn tiểu ngã, Du Tử Lê quay về với tự thân để chuẩn bị bước chân vào Thiền môn vậy! Chẳng hạn bài thơ vừa nhắc đến, “Nghiệp đôi ta: Thinh-lặng-bướu-ân-tình”. Bướu ân tình ấy, nhà thơ nhận diện: đó là thói bao biện tự thân bằng quan niệm “số mệnh”/tất định. Bằng cách luận lý đó, người tự biện hộ cho mình, che đậy và trì hoãn, tạo điều kiện cho “tiểu ngã” tung hoành, khiến cho thân tâm càng thêm tao loạn. Nghiệp vì cố chấp sa lầy trong tất định. Nhưng Du Tử Lê đã tìm thấy “bảo kiếm” ngàn năm trước thái tử Tất Đạt Đa dùng để cắt mớ tóc thanh xuân, để làm rõ sự nhận diện tự thân: “tôi mất tôi: từ khi có...tôi!”.  Lòng riêng những nghĩ: một bước ra đi, một bước không/ còn lần quay lại, không còn nữa/ cũng không còn nữa, tôi còn nữa/ một bữa mất tôi, nguyên vẹn còn.

“tâm tôi chiếc bóng nhiều hoang tưởng

hạt giống di truyền. bi kịch đôi:

hôm-qua-ngày-tới-tôi: như thật

tích lũy nghìn năm ký ức tươi.

*

tâm tôi chiếc bóng to hơn núi!

Cao thấu trời! sâu thấu nghiệp, vay.

Phân tranh: phải/trái: được/thua, mãi…

Tôi mất tôi: -từ khi có…tôi!”

(Tôi mất tôi: -từ khi có…tôi!, trong tập Qua môi em: Tôi thở biết bao đời, 2004).

Di truyền chủng tử nghiệp chướng cũng là di truyền chủng tử chánh giác. Du Tử Lê gom hết chưng cất thành thi ca, giữ hằng hà chủng tử nghiệp chướng vẫn tươi rói, để nhận diện “tâm tôi” một cách trọn vẹn. Nhìn một lượt “tâm tôi” từ đầu tới đuôi. Tâm tôi vừa là núi Tu Di vừa là bóng chiều huyễn tưởng, bài thơ như bản tự thú tội. Nghiệp vay trả cả ngàn năm, bấy giờ bày ra hết một lần tự thú! Chắc có lẽ, chàng du tử đến giờ này, đã dứt nghiệp!

Và, trong bài thơ trên, bạn có thấy Du Tử Lê phóng đôi mắt nhìn vào ngàn năm tích lũy, nhìn vào di truyền ngàn năm ký ức! Nhà thơ nhìn thấy tính chất vô lượng của hiện hữu. Nhìn thấy trong hữu hạn của từng sự vật hiện tượng là cái vô hạn, vô biên. Không thể lý giải nổi: bởi vì nhận thức người có giới hạn và bị trì hãm bởi vô vàn khái niệm. Trên phương diện cảm xúc, đôi khi nhà thơ nhận thấy, vốn dĩ con người chẳng thể lý giải nổi nguồn cơn mối xúc cảm vẫn thường khởi dậy trong cõi lòng. Dù là đau xót, dù là hạnh phúc, vui say, … thật khó truy đuổi cho đến ngọn nguồn hằng hà cảm niệm khởi dậy liên miên trong tâm tưởng. Chỉ có thể thấy rằng, tâm tưởng nhân sinh nằm giữa cuộc xô đẩy của tiền kiếp (tức hằng hà duyên sinh khởi vô thủy vô chung). Ngó thấy tiền kiếp, tức biết có hậu kiếp. Và, dù nhà thơ cho rằng bất khả lý giải hằng hà cảm niệm nhưng tin chắc và ngộ thấy hữu hạn hiện tiền: “ngã mạn”! Ngay giây phút “bất khả tư nghì”, nhà thơ liền nhìn thấy bản ngã cố chấp mù lòa bấy lâu nay.

“buổi sáng em về như Hoa Nghiêm

từng phút xa, thơm nỗi muộn phiền

mỗi sát na qua là một kiếp?

mỗi lòng sông lạnh một u linh?

*

bất khả tư nghì nỗi xót, đau

bến giác, bờ mê bạc mái đầu

ngày nghiêng nhớ xuống vai tiền kiếp

chuông mõ âm âm ngã mạn, nào?”

(Bay suốt đời chưa thấy được mình, trong tập Vì em tôi đã làm sa di, 2001)

Thi sĩ họ Lê đứng trước ngưỡng Thiền môn và có lẽ, thi nhận đã bắt đầu nhận diện cõi tình sa lầy. Hành động trì tụng và tứ thơ khởi dựng từ “công án” Phật lý, khiến cho ý thơ thật độc đáo, vừa thấm thía ngậm ngùi. Lời truy vấn (bằng những câu hỏi giản đơn) kỳ thực cũng chính là băn khoăn, ưu tư rất căn cơ của mỗi con người khi đối diện với hiện hữu. Lòng những muốn nhìn cho thấu suốt/quán chiếu thực sự cuộc hiện hữu này. Liệu có phải nhà thơ cho rằng tình ái/ái dục là nguồn cơn khiến cho hiện hữu lăn trở quay cuồng trong vô minh khổ lụy? Cho nên người muốn trì tụng cho những Phụ Rẫy, cho Quên Lãng phôi phai tình ái phút chốc siêu thoát. Bóng hình thi nhân hằng đêm trăn trở về Tăng và Pháp, có lẽ minh chứng cho lòng thơ hướng đến lòng tu. Tin rằng, nhà thơ đã chạm tay vào Thiền môn!

“trì tụng cho tình kinh Vãng Sinh

một pho Phụ Rẫy. Một pho Quên

đêm đêm trăn trở Tăng và Pháp

ngón nào là Phật ? Ngón nào trăng ?”

(Bay suốt đời chưa thấy được mình, trong tập Vì em tôi đã làm sa di, 2001)

Sư Ông Làng Mai mà có lần Du Tử Lê nhắc tới, có lẽ chính là người ảnh hưởng ít nhiều đến “ngộ tính” trong thơ ông. Nhiều câu thơ Du Tử Lê nhắc tới tiếng chuông. Tiếng chuông chùa hay tiếng lòng (chuông đời) vang động lên trong con chữ, khác gì khoảnh khắc thức tỉnh mà thiền sư Nhất Hạnh nhắc đến. Tiếng chuông làm con người thức tỉnh trong giây phút hiện tại. Tiếng chuông nhiệm mầu khiến con người nhận ra sự hiện hữu của chính mình trong “chánh niệm”. Bấy giờ, mình hiện diện với mình, mình mới có mặt ở bên cạnh mình, mình không còn bỏ rơi mình nữa! Lòng người không trôi nổi lang thang theo dòng nghĩ tưởng miên man, đến mức bỏ rơi thân tâm; con người trở về với chính mình. Trở lại với mình để nhận diện mình, dẫu rằng đó là sự nhận diện một cách nghiệt ngã. Và, dầu nghiệt ngã bởi sức ép nghiệp lực, Du Tử Lê nguyện xem hết tất thảy biệt nghiệp, cộng nghiệp đều là ân tình. Ân tình vang vọng như tiếng chuông thức tỉnh và phổ độ.

“những sợi tóc bạc / xanh miền nghiệp lực

tôi nghe trời, đất rụng, ướt chung quanh.

gửi kín đáo sang em: đồi khuất, gió

Và, cụm hoa / rực / tiếng mõ thương, tâm

gìn giữ nhé! giúp tôi ngày trở lại

với hồi chuông phổ độ của ân tình”

(Gửi kín đáo sang em: Đồi khuất, gió

trong tập Qua môi em: Tôi thở biết bao đời, 2004)

Nếu bạn nhìn thấy trong một tách trà cả trời đất đại địa, thấy trong bóng hình tình nhân là hằng hà bóng dáng tiền kiếp mai hậu, bạn sẽ hiểu được cái nhìn siêu vượt của Du Tử Lê khi nhìn thấy người thương. Nhà thơ nhìn thấy chính mình trong “em”. Cái nhìn vượt qua giới hạn chủ thể tính, hay đó là cái nhìn liên chủ thể tính. Vì sao vượt qua được chủ thể tính để nhìn thấy tôi trong em? Phải chăng Du Tử Lê đã nhận ra “quá khứ” đâu khác gì “tương lai”. Và quá khứ như tương lai! Vậy thì thời tính đã bị phá hủy. Bấy giờ không có riêng chung, chỉ còn duy nhất. Do đó,
em với tôi đâu phải hai, chúng ta nhất thể. Bấy giờ tình yêu “nhất nguyên” rồi!

“Sợi tóc như rừng cây

Sông chảy / cùng / trí nhớ…

Em buồn / vui như mây

Tôi trôi / cùng / gió nổi,

Quá khứ như tương lai

Em đã từng ở đấy

Chúng ta đâu phải hai.

Tôi là em: hiện tại!”

(Tôi là em: Hiện tại, trong tập Qua môi em: Tôi thở biết bao đời, 2004)

 

Hướng về phía Thiền môn, thi nhân nhận ra chính mình. Thân tâm mình vừa như một nguy cơ, vừa như một cơ hội. Thân tâm là “sự sa đọa” của tư niệm cá biệt, khiến cho vách ngăn giữa người với người không thể vượt qua. Nhưng thân tâm cũng là phương tiện cho sự tỉnh thức. Bởi vậy, trong chính mình, Du Tử Lê vừa thấy cả niết bàn lẫn địa ngục. Như vậy chúng ta hoàn toàn tại hiện, chúng ta luôn luôn ở trong niết bàn và địa ngục. Bấy giờ, khái niệm niết bàn và địa ngục không đơn thuần một cõi/giới/chốn/không gian; niết bàn và địa ngục kỳ thực là trạng thái hiện hữu của thân tâm.

“Địa ngục: trong lòng ta

Niết bàn: Tâm phẳng lặng.

Không điều nào mất đi.,

Từ tâm tôi hiến tặng”

(Không điều nào mất đi;

trong tập Qua môi em: Tôi thở biết bao đời, 2004)

Thiền môn với Du Tử Lê không ở đâu xa mà ở ngay cuộc diện thân tâm nghiệt ngã này!

 

3. Nhập môn Thiền tính

Bằng thi ca, thi sĩ Du Tử Lê vọng hướng thiền môn, sửa sang thân tâm để nhập môn Thiền tính. Thi cảm/thi hứng/thi liệu/thi tứ từ Phật lý xuất hiện trong thơ ông ngày càng nhiều (bốn tập thơ Thiền tính minh chứng cho cuộc gặp gỡ nhiệm mầu ấy). Thơ ca Du Tử Lê bắt đầu đong đầy những ưu tư xoay quanh những vấn đề tồn tại người trên nền Phật lý. Thi sĩ họ Lê không dám nhận thơ ca của mình là “thơ thiền”, có chăng, ông chỉ dám nhận thơ ca ông có “Thiền tính”.

Sau niềm hân hoan thấy mình được khai tâm, mở trí bởi kinh, sách Phật Giáo, bởi những bậc Thầy là quý Chư Tôn, Tăng, Ni và, các bậc thức giả; sau nhiều năm say mê, háo hức uống, thở nguồn nước, và hương Thiền vị, dù vẫn còn trong giai đoạn chập chững nhập môn, hôm nay, nhìn lại những câu thơ thô tháp của mình, chúng tôi tự thấy, dường như càng lúc, chúng tôi càng thêm bất lực, giống như thể mình là một thứ con tin của cái tâm côn đồ, khủng bố ấy!”[8].

Tận hưởng hương vị thiền như Du Tử Lê thổ lộ, bạn đọc nhận thấy “những câu thơ thô ráp” là “quả” của “nhân” nào đó không thể luận giải hết được. Muôn vàn chiều hướng đời sống, muôn vàn vận động tương liên giữa đời, đưa chàng Du Tử đến với Thiền môn. Cuộc tương phùng ấy, Du Tử Lê luận giải bằng thơ ca trên nền tảng quan niệm duyên khởi và nhân quả. Cơ duyên với nhà Phật, Du Tử Lê thú thực cùng đại chúng:

Tuy nhiên, gần đây, sau một thời gian khá dài, mon men, thập thò nơi ngưỡng cửa Thiền môn, qua kinh, sách, qua những băng giảng của một số Chư Tôn, Đại Đức, Tăng Ni, các bậc thức giả, tôi được thức ngộ rằng, theo sự chỉ dậy của Đức Phật thì, trong suốt hành trình của một kiếp người, một đời sống, từ lúc sinh ra cho tới lúc nhắm mắt, không có bất cứ một sự kiện, một biến động nào, dù nhỏ tới đâu, mà không có duyên khởi, tức hệ lụy không thể trốn chạy của tương quan giữa nhân và quả”[9].

Hay nói khác đi:

Tùy theo từng loại nghiệp, giống như tùy theo mỗi hạt nhân chúng ta gieo, mà, nhân đó sẽ mọc lên những cây, rồi cho chúng ta những quả, tương ứng, không sai chạy”[10].

Như đã bàn đến trong tiểu mục trên, rõ ràng Du Tử Lê nghĩ nhiều đến nghiệp. Có lẽ, sau những điều mắt thấy tai nghe và trực tiếp phải hứng chịu giữa đời sống, nhà thơ buộc/có xu hướng tìm đến Phật lý để theo đó lý giải những gì bản thân từng nếm trải. Nhân quả cho phép thi nhân thấu hiểu nguồn cơn những khổ ải đời sống, khác chi bao nòi tình ràng rịt, bao oan cừu thống hận cổ kim; rồi cuối cuộc đều khởi đi bởi nguyên do sơ xưa nào đó. Nói đến từng loại nghiệp, hẳn Du Tử Lê nhắc đến cá nghiệp và cộng nghiệp. Điều này đưa thi nhân quay lại chính nghiệp báo thơ ca bản thân phải đa mang. Âu cũng là duyên vậy!

“những giọt tâm lênh đênh,

ẩn mình sâu góc, tối.

trên từng kênh bấp bênh,

tôi nhìn tôi xốc nổi.

*

đời nào rồi cũng qua.

nghiệp quả kia ở lại”

(Nghiệp quả kia ở lại, trong tập Thơ Thiền tính, 2013)

Bên cạnh quan niệm về duyên khởi và nhân quả, thi sĩ Du Tử Lê cũng chuyển tải quan niệm về luân hồi, vòng xoay bất tận của đời sống: “Vì sự sống của mỗi sinh vật hữu tình là kết quả của một xâu chuỗi khởi tự vô thỉ, đi tới vô chung - - Bởi nó là một vòng tròn, nên không có điểm khởi và do đó, cũng không hề có điểm chấm dứt - - Nếu chúng ta không có những nỗ lực tu tấn, để thoát khỏi vòng luân hồi bất tận ấy”[11]. Ý niệm này được chuyển tải một cách thắm thiết qua bài thơ “Qua môi em: - Tôi thở biết bao đời!” và bài thơ nhan đề “Vòng tròn”.

“tôi đọc được trên lá

bao kiếp, đời đã qua

tôi đọc nơi thịt, da

em / là tôi kiếp trước.

*

tôi đọc trong hạt mưa

thấy vô vàn kiếp khác

qua hồi kinh nam mô

thấy em là tiếng mõ.

*

bước lại tự thinh không

ta nguyên hình giọt nước”.

(Vòng tròn, trong tập Qua môi em tôi thở biết bao đời, 2004)

Như vậy, luân hồi với Du Tử Lê không phải chuyện “đầu thai” mang dáng dấp huyền bí. Luân hồi là vòng tròn, là vòng lặp chảy hoài không đứt như dòng nước Cửu Long muôn đời vẫn chảy, vô thủy vô chung. Bởi hằng hà kết nối-tan rã, gặp gỡ rồi ly biệt, người cứ lăn trở không thôi giữa dòng nước, bị cuốn vào vòng tròn không có điểm kết thúc. Song song quá trình “luân hồi” người với người, người với vạn vật chúng sinh đều từng thuộc về nhau, từng một phần hợp thể thống nhất. Du Tử Lê “đọc” thuyết luân hồi một cách hình tượng. Xây dựng nên hình tượng “em” và “vạn vật”, nhà thơ thấy em trong mưa trong lá trong tiếng mõ trong giọt nước và, … thấy em trong chính mình. Vòng tròn tương liên chằng chịt không thể truy nguyên cũng không thể cáo chung.

Nhận thức cuộc đời luân hồi, vận chuyện vô thủy vô chung, người thơ tránh được bi quan buồn bã của hiện thực. Với Phật lý, tâm hồn thi sĩ dường như mở ra sáng sủa hơn, lạc quan hơn, tin tưởng hơn. Bởi vì có luân hồi nghĩa là biến dịch chứ không hư vô không tuyệt diệt, nghĩa là không mất đi, chỉ là muôn hằng biến hoạt liên tục. Ta vẫn còn người, ta vẫn còn ta, ta vẫn còn tất cả mãi mãi không hao hụt. Nhìn ra sự luân hồi biến hoạt tương liên ấy, Du Tử Lê nhìn ra hình ảnh Em-Nữ Bồ Tát-Đức Đồng Trinh Vương Nữ, cơ hồ chỉ một mà thôi. Chàng du tử đã “tôn giáo hóa” tình yêu. Biến tình yêu thành tôn giáo, chàng du tử phượng thờ và trân kính “tình yêu”. Tình yêu vận động thành ra như một tôn giáo, bấy giờ tình yêu đã tuyệt đích, nghĩa là tẩy trừ hoàn toàn vụ lợi mà chỉ hướng đến thúc đẩy mở rộng tâm linh, biến nhân sinh quan bi đát thành ra nhân sinh quan tràn ngập tình yêu thương bác ái.

“ở chỗ nhân gian không thể hiểu

em phục sinh ta từ mộ sâu

bàn tay Bồ Tát em đời kiếp

ân nghĩa nghìn sau vẫn chói loà”[12].

(Ân nghĩa nghìn sau vẫn chói loà, trong tập Ở chỗ nhân gian không thể hiểu, 1989)

“Phục sinh” từ “mộ sâu”, bạn đọc có nhận ra dấu ấn giao hòa văn hóa Đông Tây, nhưng vẫn chân phương thành thực. Đoạn thơ xuất hiện một cách giản dị, nhịp nhàng, chẳng khác gì hằng hà duyên sinh khởi liên tục, kết thằng, liên tu bất tận, trì dính chấp dính tương liên vô vàn, khó lòng tháo gỡ. Trong đó, hiện hữu gồm cả giác lẫn u mê, gồm cả hỷ lạc lẫn đau khổ. Đoạn thơ ngắn nhưng có lẽ biểu hiện đã tròn trịa quan niệm nhân sinh của Du Tử Lê.

Người đọc và thưởng ngoạn thơ họ Lê, có cảm giác vừa thích vừa ngại và vừa lạ cùng đan xen khi những vần thơ có Thiền tính của Du Tử Lê lại hay nói về tình ái; trong khi Phật lý vốn xem tình ái như một phần ái dục-vô minh khiến con người lầm lạc trầm luân trong đau khổ. Tuy vậy, song, người đọc cũng phải nhận diện lại tình ái trong thơ Thiền tính Du Tử Lê. Tình ái như một phần ái dục với tính chiếm hữu căn bản khiến con người rơi vào chỗ tao loạn của tâm hồn, khiến con người mù quáng lao vào khổ nạn. Ngược lại, tình ái trong thơ Thiền tính Du Tử Lê có thể xem như sự quay đầu. “Quay đầu là bờ”, tình ái trong thơ chàng Du Tử họ Lê gợi lên niềm hân hoan say mê của khoảnh khắc bừng tỉnh. Tình luyến ái thông thường hướng đến chiếm hữu, kỳ thực chỉ là tình vị kỷ. Tình ái trong thơ Du Tử Lê không sa vào chỗ ấy. Chính nhà thơ đã ví von, tình ái trong thơ Thiền tính chẳng khác gì “hoa bát nhã”. Tình ái bát ngát hân hoan của tâm hồn khi nhận diện trí huệ và nhận thức dẫn đến hành động “chuộc lại khối tình” có lẽ chính là nhận ra dòng luân lưu khổ nạn hằng bao kiếp mà nhà thơ đã gửi gắm thông qua con chữ. Mỗi khi chắp đôi bàn tay trần tục, lòng đã vọng hướng thiền, bấy giờ xác thịt lầm than đã trở thành hoa bát nhã. Tức khắc, người chuộc lại khối tình đã đeo mang. “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” (Kiều). Có lẽ, Du Tử Lê đã “cấn trừ” xong xuôi những nợ tình trên cõi thế. Những mối tình dương gian vì tâm kinh đảnh lễ đã trở thành nén nhang siêu thoát luyến ái khổ não oan cừu. Chỉ còn những đóa hoa bát nhã chất chứa chủng tử Phật Đà mà thôi!

“hoa bát nhã-tâm kinh mùi ký thác

mỗi ngón tay là một nén nhang, thơm.

em đã thắp tự kiếp nào? ai biết!?!

tôi thọ trai để chuộc lại khối tình”.

(Tôi thọ trai để chuộc lại khối tình,

trong tập Qua môi em: Tôi thở biết bao đời, 2004)

Bởi vì, trong vô lượng kiếp, tứ đại giai không! Phật lý vẫn thường dạy ái dục là nguồn cơn góp phần làm cho người càng rơi vào vô minh, càng sa vào khổ lụy. Ấy vậy, Du Tử Lê dường như đã chuyển tình yêu hoa nghiêm không còn mang bản chất chiếm hữu khiến lòng người u mê. Mà, tình trong những bài thơ có Thiền tính, có lẽ là niềm yêu chất ngất của một người choáng ngợp cõi lòng trước ánh sáng từ bi. Tứ đại giai không, hiểu vậy nên tình trong những bài thơ Thiền tính không có những biểu hiện thường thấy của chuyện luyến ái trong cõi người. Như đã nói, Du Tử Lê biến tình yêu trở thành một tôn giáo, thanh tẩy tình yêu thường thấy trong kiếp nhân sinh trở thành “mật chú” soi rọi lòng người đi về phía ánh sáng từ bi. Phần nào đó, trong những câu thơ lấy tứ thơ/nhân vật trữ tình em như đối tượng gửi gắm chân tình, nên được hiểu như là đối thể cho nhà thơ có cơ hội bộc lộ mối cảm tình bát ngát khi hữu duyên gặp được Phật lý. Phần khác, niềm yêu chất ngất không chiếm hữu không đói khát này, tình yêu vô điều kiện, tình niết bàn này cũng có nét tương tợ với lòng Bác Ái Ki-tô.

“hôm nay quỳ dưới chân Bồ Tát

tụng một pho tình-yêu-hoa-nghiêm

/

bạn cũ. Tôi đây. Vô lượng kiếp

tứ đại giai không. Chỉ giữ tình

hãy trì mật-chú kinh chung thủy

để thấy trong nhau có niết bàn”

(Bạn cũ trong nhau có niết bàn, trong tập Vì em tôi đã làm sa di, 2001)

Ở một bài thơ khác, Du Tử Lê sử dụng kết cấu so sánh A như B (với B hiện ra như lối ví von nói lên tính thể của A) để thể hiện quan niệm của ông về “Danh, tánh”. Lời thơ, ý thơ khá gần với bài kệ. Trong đó, hình ảnh “cướp cạn” có phải cảnh tranh giật đảo điên của hiện hoạt, nếp nhăn của sóng biển như vô vàn mối sầu như vô lượng khổ lụy của đời người, dấu hỏi có phải nghi hoài truy vấn mãi không đến hồi kết của lòng người, vuông khăn có phải những buồn đau tan hợp không thể né tránh, mộ nổi có phải chung cuộc hư vô tan biến tuyệt tích, trăm năm có phải tính tất định/mệnh phần như nhiên của sinh mạng, và không tên gọi có phải “vô danh”. Dường như bạn nhận ra khuynh hướng “tam giáo đồng nguyên” trong đôi câu thơ ngắn gọn của nhà thơ gốc Hà Nam – Bắc Việt.

“đá ngồi như vết lăn,

rừng ngồi như vô tận,

núi ngồi như Quan Âm,

tôi ngồi như cướp cạn,

biển ngồi như nếp nhăn,

đời ngồi như dấu hỏi

tình ngồi như vuông khăn,

phố ngồi như mộ nổi,

em ngồi như trăm năm:

- chỗ ngồi không... tên gọi”.

(Danh, tánh, -trong tập Vì em tôi đã làm sa di, 2001)

Và, có phải nhận thức vô danh cũng là một khía cạnh biểu thị quan niệm nhất nguyên chăng? Khuỵnh hướng phủ định có phải cách nhà thơ phá chấp. Thi sĩ tự thân gột rửa những chấp niệm sai lạc, hư huyễn tù uế thân tâm bấy lâu nay. Chấp ngã, chấp tha, thảy đều ảo tưởng, thảy đều không có. “Có đâu” cách nói cho thấy sự khai ngộ. Một mà hai, dầu một hay hai đều là thiên lệch, sai lạc và sa vào lối “duy luận”. Không hai chẳng một, chỉ có chân như/như nhiên/có đấy/thế là/vậy đó… Tẩy trừ phân biệt, đó là hành động bước đầu gỡ bỏ trì trệ, góp phần thúc đẩy nhận thức đi đến “trí huệ” vậy! Du Tử Lê vốn chẳng dám nhận rằng mình am hiểu Phật pháp, cũng không dám nhận đôi vần thơ của ông là thiền thi, mà chỉ tạm gọi thơ của mình là thơ ca có Thiền tính. Điều này cũng cho thấy thân tâm thi sĩ đã sẵn sàng tiếp nhận và bắt đầu bước vào cửa Thiền môn, ví như người vừa gột rửa bụi đường sẵn sàng vào lễ Phật. Không chấp ở danh, không chấp ở tánh, bởi vì “làm thơ” để rồi sẽ “làm thinh”, cứ để thơ ca lên tiếng, hoặc giả để bạn đọc “cộng nghiệp” với thơ ca Du Tử Lê rồi tự vang lên tiếng lòng.

“ta, có đâu! mà một

người, có đâu! mà hai

trời không hai, chẳng một

đất không một, chẳng hai

như con gió tự tại

chưa từng: trong với ngoài!”

(Phân biệt, -trong tập Vì em tôi đã làm sa di, 2001)

Nghĩ về danh-tánh, nhà thơ nhận ra “vô thường”. Nói vậy có thừa không, bởi nhận thức đời sống vô thường vốn là nhận thức rất sơ đẳng của Phật lý. Thậm chí, quan niệm "vô thường" thấm nhuần trong tư niệm người mà dẫu cho kẻ ấy không hoặc ít biết về Phật lý. Nhà thơ Du Tử Lê “thi luận” về Phật lý rốt cuộc lại quay về một nhận thức quá ư sơ đẳng, liệu có phải vòng quanh mê mải vô ích chăng?

Không đâu! Sự trở về với quan niệm “vô thường” chẳng khác gì kẻ tha hương trở về quê cũ trong một đêm bão giông sấm sét, để từng hồi sấm sét giông bão qua đi, chỉ còn một mình ngồi lặng thinh đón nhận ánh ban mai sắp rạng tỏa đằng đông. Dẫu là nhận thức rất sơ đẳng của Phật lý, nhưng để cảm nghiệm một cách thấu đáo và trực tiếp lẽ vô thường, không phải ai cũng thực diện kiến. Có thể người ta biết qua, có thể thông hiểu, nhưng để đối mặt trực diện với lẽ vô thường thì kẻ ấy phải lăn lộn quay quắt trong lọn sóng sông Hằng với hằng hà vô lượng nỗi khổ niềm đau. Đóa hoa thiền nở trên bùn lầy khổ đau nỗi niềm.

Thi nhân cắm sâu rễ vào bùn đen cuộc đời, để lấy bùn gieo trồng hoa bát nhã. Bằng hữu từng dạo bước vườn thơ Du Tử Lê, hẳn nhận ra nén tâm hương người để lại cho đời. Giữa vườn thơ bát ngát hương thơm, cội bồ đề vẫn lặng yên tỏa bóng mát. Mỗi khi có ai đó đọc lại những vần thơ Du Tử Lê chắc sẽ cảm thấy luồng gió mơn man lùa vào tán lá bồ đề reo lên tiếng xôn xao. Ấy là nụ cười của chàng Du Tử họ Lê năm nào!

 


Tạm kết

Việc phân chia các tiểu mục âu cũng vạn bất đắc dĩ. Việc này, nhằm để bạn đọc nhận ra quá trình vận động của hồn thơ Du Tử Lê về phía Thiền tính. Mà, kỳ thực, sự khai ngộ và ngã vào phương trời Thiền môn vốn không có sự phân chia; có thể xem như khoảnh khắc cực hạn khai ngộ, vậy thôi! Đôi dòng này âu cũng chỉ là tấc lòng những muốn “cộng hưởng” với Du Tử Lê vào chốn Thiền môn! Nếu các bậc chân tu đọc mấy lời này, chắc thấy trong câu chữ không ít cảm niệm chưa thật xác đáng. Quả thực, ngôn từ là một trong số phương tiện nhằm chuyển tải suy nghĩ tâm tư con người, là phương tiện hữu ích và đắc lực cho hoạt động tư niệm của con người, nhưng cũng ở ngôn ngữ, ẩn chứa nguy cơ khiến cho tư niệm tao loạn rơi vào đáy vực thẳm của những khái niệm chấp nê. Cho nên, mấy lời này có lẽ chỉ nên hiểu như mong mỏi muốn chia sẻ với thi sĩ Du Tử Lê đôi điều Thiền tính xuất hiện trong mấy vần thơ của chàng Du Tử họ Lê mà thôi! Để luận cho minh xác Phật tính-Phật lý cần lối ngôn ngữ nghiêm nhặt và ảo diệu hơn  (e rằng lòng riêng chưa thể vói tới!).

Chuyến du hành của chàng du tử về phía Thiền môn khởi đầu với cuộc tương phùng khai ngộ. Sau để, chàng du tử nhìn lại thân tâm, chuẩn bị sẵn sàng cho việc nhập môn. Đó là cách nói khiêm nhường của Du Tử Lê. Trên thực tế, Du Tử Lê đã sử dụng thi ca để chuyển tải Phật lý. Đó là cách thế “thi luận” Phật lý vậy!

Thi sĩ Du Tử Lê sử dụng lối hình tượng hóa của thơ ca để khơi gợi những vấn đề căn cơ như duyên khởi, nhân quả, nghiệp lực, ái dục, vô minh, vô thường,… Lối thi luận của chàng Du Tử họ Lê giúp cho bạn đọc cảm nghiệm một cách thấu đáo và thú vị những nhận thức về “Phật tánh” hằng hữu trong thân tâm. Dẫu chỉ ra ở căn tư uế nhơ giữa đời, nhưng không vì vậy thơ Du Tử Lê trở nên u ám, ngược lại thơ của ông luốn tràn ngập tình thương, từ bi, buông xả và tinh thần lạc quan. Chỉ ra toàn khổ não buồn đau của đời, nhưng cuối bài thơ luôn là những tia sáng tươi tắn yêu đời hiếm thấy. Trái tim họ Lê đến cuối cùng luôn phát tỏa vô lượng thương mến. Có lẽ, đó cũng chính là hạt giống mà họ Lê muốn gửi lại cho đời!

Bên kia sương khói cõi xa, hồn thơ chàng thi sĩ Du Tử họ Lê hình như đã rũ bỏ tất cả tham-sân-si nơi cuộc thế; song dù vậy, vết hằn nhân gian ở thơ Du Tử Lê vẫn không phai nhạt trong tâm khảm của những người yêu thơ chàng. Rõ là, Du Tử Lê biến nhưng không mất. Hương Bồ Đề ngát tỏa vườn thi ca!

“chúng ta ở trong nhau:
khi ngọn đèn đã tắt"

 

 

 Trần Bảo Định


 [*] Du Tử Lê tên thật Lê Cự Phách (1942 – 2019), sinh ngày 10 tháng 11 năm 1942 tại làng Vân Lâm, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông mất lúc 8 giờ 06 phút, chiều ngày 07 tháng 10 năm 2019 tại tư gia ở Garden Grove (Hoa Kỳ).

[1] Du Tử Lê (17/01/2010). Ảnh Hưởng Nghiệp Lực Trong Thơ Du Tử Lê. Trích xuất từ: https://www.dutule.com/p130a294/anh-huong-nghiep-luc-trong-tho-du-tu-le

[2] Du Tử Lê (17/01/2010). Ảnh Hưởng Nghiệp Lực Trong Thơ Du Tử Lê. Trích xuất từ: https://www.dutule.com/p130a294/anh-huong-nghiep-luc-trong-tho-du-tu-le

[3] Du Tử Lê (17/01/2010). Ảnh Hưởng Nghiệp Lực Trong Thơ Du Tử Lê. Trích xuất từ: https://www.dutule.com/p130a294/anh-huong-nghiep-luc-trong-tho-du-tu-le

[4] Nguyên Khôi (2013). Thơ thiền tính Du Tử Lê. Trong Du Tử Lê (2013). Thơ Thiền Tính (toàn tập và những bài thiền tính khác). Garden Grove: HT Productions ấn hành lần thứ nhất.

[5] https://www.dutule.com/p130a294/anh-huong-nghiep-luc-trong-tho-du-tu-le

[6] https://www.dutule.com/p130a294/anh-huong-nghiep-luc-trong-tho-du-tu-le

[7] https://www.dutule.com/p130a294/anh-huong-nghiep-luc-trong-tho-du-tu-le

[8] https://www.dutule.com/p130a294/anh-huong-nghiep-luc-trong-tho-du-tu-le

[9] https://www.dutule.com/p130a294/anh-huong-nghiep-luc-trong-tho-du-tu-le

[10] https://www.dutule.com/p130a294/anh-huong-nghiep-luc-trong-tho-du-tu-le

[11] https://www.dutule.com/p130a294/anh-huong-nghiep-luc-trong-tho-du-tu-le

[12] Du Tử Lê, Ở chỗ nhân gian không thể hiểu, Văn học nhân chứng xuất bản, 1989.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
14 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
12 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
06 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
02 Tháng Tám 202312:00 SA(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
21 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 33253)
Bài thơ đầu tiên (?) của Tô Thùy Yên được giới thiệu trên Sáng Tạo, gây tiếng vang lớn và, dư âm của nó, kéo dài nhiều năm sau, là “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” viết tháng 4 năm 1956.
27 Tháng Tư 20239:42 SA(Xem: 5229)
Nói cách khác, theo tôi, Vĩnh Quyền nhà văn đã vượt trên chính mình. Điều không dễ với khá nhiều người cầm bút, còn lại.
16 Tháng Ba 202312:00 SA(Xem: 9084)
Người đầu tiên hăm hở xắn tay áo, bước vào lãnh vực xuất bản, giai đoạn sơ khai, là ông Đỗ Ngọc Tùng, nhà Đại Nam
02 Tháng Ba 202312:00 SA(Xem: 9905)
Tôi không rõ thời gian ở VN trước tháng 4-1975, nhà báo Ngọc Hoài Phương có làm thơ nhiều không?
18 Tháng Hai 202312:00 SA(Xem: 19297)
Nếu không kể những nhà xuất bản chuyên nghiệp như nhà Sống Mới, Khai Trí, Đồng Nai, Nguyễn Đình Vượng, hay Lá Bối, An Tiêm, Nam Sơn, Trí Đăng…thì, những nhà xuất bản được điều hành bởi các nhà văn, nhà thơ cũng đã tạo được ít, nhiều tiếng.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7738)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8343)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30531)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19110)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16791)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15988)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31736)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,