Nhóm Ý Thức, một tập hợp tuổi trẻ miền Nam đi tìm (hay chối bỏ) cái “tôi,” thời chinh chiến

31 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 6529)
Nhóm Ý Thức, một tập hợp tuổi trẻ miền Nam đi tìm (hay chối bỏ) cái “tôi,” thời chinh chiến

luquynh-content-content

Sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam, dù chỉ kéo dài 2 thập niên (1955-1975,) nhưng đã để lại cho giai đoạn ngắn ngủi này, nhiều nét chấm phá mạnh mẽ, đặc thù. Những nét chấm phá đặc thù khó tìm thấy trong những dòng sinh hoạt văn học, nghệ thuật của các dân tộc khác, cùng thời điểm.

Một trong những nét chấm phá mạnh mẽ đặc thù đó, là sự rậm rạp, phồn tạp tới chóng mặt của các nhóm văn nghệ, các thi văn đoàn rộ nở, như nấm sau cơn mưa, ở bất cứ một phần đất nào của miền Nam. Từ cao nguyên heo hút, tới các thị trấn đìu hiu xa cách Saigòn. Từ các thành phố mà, phong tục, tập quán còn trói buộc giới thanh thiếu niên trong những nề nếp cổ kính; tới những chòm xóm, ngõ ngách của Hòn Ngọc Viễn Đông. Mỗi nhóm văn nghệ, mỗi thi văn đoàn đó, có thể chỉ quy tụ đôi ba người. Thậm chí, một người có thể là thành viên của rất nhiều nhóm khác. Nhưng họ có chung một mẫu số: Tuổi trẻ tuổi và, đam mê văn nghệ. Đa số họ mới lên hay còn theo học bậc trung học.

Có nhiều câu trả lời cho hiện tượng bùng nổ “dân số” và, “địa chỉ” văn nghệ…“đại trà” này. Tuy nhiên, theo tôi, sau đây là một số lý giải chính yếu:

Trước nhất, căn bản người Việt Nam vốn là một dân tộc yêu văn chương, nghệ thuật.

Trải qua nhiều đời, ngay tự tấm bé, tâm hồn chúng ta đã sớm được đón nhận những hạt mần văn học. Những hạt mần ấy tiềm ẩn một cách phong phú, giầu có trong những lời ru, những câu hò và, những tiếng hát của mẹ cha, chòm xóm.

Thứ đến, ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử, đời sống tinh thần mỗi cá nhân đều bị tác động bởi hai xung lực: Xu hướng thế giới (sức dội từ xa;) và hoàn cảnh đất nước (sinh thái môi trường sống.)

Về sức dội từ xa ở phương diện văn học thì, miền Nam Việt Nam, giai đoạn 1955-1975, như một thanh niên mới lớn, lần đầu tiên bước ra khỏi bốn bức tường vây bọc, bưng bít, đã ưỡn ngực mở rộng buồng phổi hít thở hương thơm thế giới - - Hối hả uống những ngụm nước tinh thần, từ những ngọn nguồn xa lạ. Tôi muốn nói tới những ngọn gió, những trận mưa văn chương mới mẻ, từ phương tây ào ạt thổi vào vùng khô cằn, hạn hán. Thời điểm đó, triết lý hiện sinh của Jean Paul Sartre được giới trẻ đón nhận như một báu vật. (1)

Qua nhà văn và cũng là người bạn đời không chính thức của ông, nhà văn Simone de Beauvoir; nhất là qua người nữ “phát ngôn viên” trẻ tuổi, ngổ ngáo Francoise Sagan - - Người đem triết lý hiện sinh của Sartre vào tình yêu, lên giường chiếu…thì, Jean Paul Sartre đã là cơn lốc lớn, cuốn cả những thanh thiếu niên rụt rè, nhút nhát nhất, xuống đường tìm kiếm mình cùng những khát khao thầm kín, của riêng họ.(2)

Về ảnh hưởng của sinh thái môi trường sống thì, đó là thời điểm Việt Nam bị chia đôi: Miền Bắc, sống dưới chế độ Cộng Sản chuyên chế và; miền Nam, từ giã chế độ Quân Chủ Lập Hiến để bước vào chế độ Cộng Hòa.

Sự chia cắt này dẫn tới việc hơn một triệu người miền Bắc bỏ mồ mả, tài sản, sự nghiệp… di cư vào miền Nam. Cùng lúc, hàng trăm ngàn cán bộ Cộng Sản miền Nam, cũng rời bỏ cha mẹ, vợ con, thân nhân…để tập kết về phía bên kia vĩ tuyến 17. 

Thảm kịch chia ly, cuộc tán lạc lịch sử, đã như những vành khăn tang chít quanh đầu dòng văn học, nghệ thuật miền Nam một thời, của thế hệ cầm bút đàn anh lớp trước.

Bầu khí này đã ảnh hưởng không ít tâm hồn những người trẻ: Những trang giấy trắng tinh khôi sớm in đậm đứt lìa, bi lụy.

Ảnh hưởng đó, chúng ta thấy rất rõ qua thơ văn của những người trẻ, dù thực tế, họ chưa hề nếm chia ly, uống đau khổ…Nhưng bắt chước các đàn anh, họ đóng vai những ông già trước tuổi, cũng bất mãn thời thế. Cũng chán đời. Cũng “buồn nôn” (3)

Tôi thấy cũng cần thêm rằng: Những bất thường kia, sẽ bị tiêu trừ từ trứng, nếu những người trẻ sinh trong thập niên 1940, 1950, bị những trận đói rét vùi dập, như lớp thành niên cùng lứa tuổi ở miền Bắc.

Những thanh thiếu niên miền Nam thời kỳ đó, chẳng những không phải bận tâm về miếng ăn mà, họ còn có được dư giả tự do để “vô tư” tra vấn mình về những vấn đề có tính cách thời thượng, như: Con người sinh ra để làm gì? Khi chết sẽ đi về đâu?...

Từ môi trường sống vừa kể, những người trẻ miền Nam đã tiếp nhận cùng lúc hai cảm thức: Sự bơ vơ, ngơ ngác trước thảm cảnh đất nước qua phân và; những câu hỏi mang tính bất ngờ lớn lao, nhưng cũng đầy ma lực quyến rũ. Những câu hỏi đi ra từ triết lý Hiện Sinh (sớm trở thành ngọn cờ dẫn đường,) đại để, đời sống chỉ là một xâu chuỗi của những phi lý, buồn nôn, vô nghĩa mà thôi. (4)

Châng lâng, chênh vênh, rối rắm trước bối cảnh xã hội, chính trị và, văn học ngỡ ngàng sương mù kia, những người trẻ yêu văn nghệ, bị thôi thúc bởi nhu cầu truy tầm (hay lên án, từ khước) cái “tôi”, dường không có một chọn lựa nào khác hơn: Tìm và ngồi lại với nhau. Họ đặt cho nhau những câu hỏi, vốn không thể bộc bạch với các đấng sinh thành. Họ cất lên những băn khoăn, ưu tư (đôi khi làm dáng,) vốn không thể giãi bày với những bậc phụ huynh nghiêm khắc. (5)

Bối cảnh ấy là mảnh đất mầu mỡ cho những nhóm văn nghệ, những thi văn đoàn rầm rộ hiện ra (rồi lặng lẽ biến mất,) như nấm sau mưa lớn. Khi nói tới nấm sau cơn mưa, là nói tới sự vội vàng, ngắn ngủi của một hiện diện. Nhưng điều đó, không có nghĩa sinh họat nhóm văn nghệ, thi văn đoàn của giới trẻ miền Nam 20 năm, không có những ngoại lệ. Một trong những ngọai lệ đó, là nhóm Ý Thức. 

Được biết nhóm Ý Thức, thoát thai từ tờ báo viết tay (hoặc đánh máy) Gió Mai ở Huế. Gió Mai ra đời năm 1957, với 3 thành viên đầu tiên: Lữ Kiều, Lữ Quỳnh và, Ngy Hữu / Trần Hữu Ngũ. Vài năm sau, Gió Mai có thêm sự cộng tác của Nguyên Minh, Châu Văn Thuận, Hồ Thủy Giũ và Nguyên Thạch.

Thuở đó, họ còn là những học sinh yêu văn nghệ, nhưng một vài người đã có sáng tác xuất hiện trên các tạp chí như Phổ Thông, Mai, Bách Khoa, ở Saigòn. Riêng Lữ Quỳnh, từ năm 1959 tới 1961, đã cộng tác tương đối thường xuyên với nhật báo Công Dân ở Huế, do luật sư Lê Trọng Quát đứng vai chủ nhiệm, để có tiền chi phí cho việc học và làm văn nghệ. Qua thời học sinh, thực tế xã hội, đất nước, chiến tranh đã vung tay ném những người trẻ tuổi này tới những căn phần định mệnh dành sẵn cho họ. (6)

Tuy nhiên, như Lữ Quỳnh mới đây cho biết:

“…Nhóm chủ trương bị phân tán mỗi người một nơi. Nhưng anh em vẫn thường xuyên liên lạc với hòai bão về một tạp chí văn học. Chiến tranh đang trong giai đọan khốc liệt. Xã hội bắt đầu tan rã. Chúng tôi suy nghĩ và cùng nhau đồng ý phải làm một cái gì. Phải viết thế nào trong hòan cảnh đất nước lúc này? Phải dấn thân chứ không mơ hồ nữa…”

Nói cách khác, chiếc áo Gió Mai thời niên thiếu của nhóm người trẻ này, không còn vừa nữa, với sức vóc trí tuệ tráng niên của chính họ và, đất nước phân thân, lăn mình đi tới nhiều ngã ba bi kịch của tổ quốc. Tạp chí Ý Thức, số một ra đời 1969.

Với đề nghị bất ngờ do Nguyên Minh, ở Saigòn khởi xướng được mọi người trong nhóm hưởng ứng, tạp chí Ý Thức đang từ giai đọan 2 tháng một kỳ, làm bước “nhảy vọt” trở thành 1 tháng 2 kỳ, với giấy phép xuất bản chính thức. Đồng thời một nhà xuất bản và một cơ sở phát hành cũng thành hình. (7)

Đầu năm 1971, do sáng kiến của Nguyễn Lệ Uyên, một thành viên trong nhóm, tạp chí Ý Thức, số 14 đã đổi khổ báo: Từ chữ nhật, sang hình vuông độc đáo; gây được sự chú ý đặc biệt không chỉ trong giới độc giả mà cả giới làm báo nữa. (8)

Thời đểm này, Ý Thức cũng nhận được sự cộng tác của những tên tuổi như, Nguyễn Mộng Giác, Vũ Hữu Định, Hồ Minh Dũng, Ngụy Ngữ, Mường Mán, Huỳnh Hữu Ủy…

Tiếc thay, sau hơn hai năm với 24 số báo, tạp chí ý Thức đã đình bản. Theo Lữ Quỳnh thì việc “tắt tiếng” của tạp chí Ý Thức đến từ lý do có một cây bút không ở trong nhóm, lại phụ trách phần bài vở, đã hướng tờ báo qua một nẻo khác…(9) 

Hôm nay nhìn lại sự có mặt của nhóm Ý Thức, với những người trẻ sinh trong thập niên 1940, tôi nghĩ, dù họ chủ trương dấn thân, chống chiến tranh; hay đặt những vấn đề trầm trọng về thân phận con người, về tương lai đất nước, lằn ranh quốc cộng, biên giới tử sinh với tất cả nhiệt tâm, soi rọi bởi ngọn lửa tin tưởng trong sáng - - Dù cho cuối cùng, có là những thất lỡ, thì chí ít, họ cũng đã tách thoát khỏi cái vắn vỏi, cái vội vã, cuồng nộ ngây thơ của những cánh đồng nấm rơm thi văn đoàn miền Nam 20 năm.

Họ đã đánh dấu được sự hiện diện của họ trong giai đoạn lịch sử nhiễu nhương, oan nghiệt nhất. Họ đã tìm thấy (hay lên án, khước từ?) cái “tôi” của họ, qua văn chương một cách quyết liệt.

Cũng khởi đi từ những tìm nhau, ngồi lại từ thời học sinh của họ cách đây trên nửa thế kỷ, đã trở thành bệ phóng của khá nhiều tác giả, với những đóng góp đáng kể, cho văn học nghệ thuật miền Nam 20 năm trước và, nhiều chục năm sau này.
(Calif. July 09)

Chú thích:

(1) Triết gia, nhà văn Jean Paul Sartre, sinh ngày 21 tháng 6 năm 1905, mất ngày 15 tháng 4-1980. Ông được coi là cha đẻ của triết học Hiện Sinh. Năm 1964, ông từ chối nhận giải Nobel Văn Chương. (Theo Wikipedia.)

(2) Francoise Sagan, tên thật là Francoise Quoirez, sinh ngày 21 tháng 6 năm 1935; mất ngày 24 tháng 9 năm 2004. Bà nổi tiếng với những tiểu thuyết như “Bonjour tristesse” (1954,) “Un certain sourire” (1955,) “Dans un mois, dans un an (1957.) Thực tế, ngòai Francoise Sagan, qua tiểu thuyết, người ta phải kể tới nhà văn Simone de Beauvoir, học trò và cũng là người bạn đời (không chính thức) của triết gia Jean Paul Sartre. Simone de Beauvoir, sinh ngày 9 tháng 1 năm 1908; mất ngày 14 tháng 4 năm 1986. Bà nổi tiếng với tác phẩm “Le deuxième sexe” (1949.) Bà từng được trao giải Goncourt năm 1954, với tác phẩm “Les mandarins.” (Theo Wikipedia.)

(3) Đọc thêm Nguyễn Lệ Uyên “Một thời với Ý Thức,” tạp chí Thư Quán Bản Thảo, số 33, tháng 10 - 2008, Hoa Kỳ. 

(4) “Buồn nôn” hay “La nausée” là một trong những truyện nổi tiếng nhất của Jean Paul Sartre. Sau này, người ta dùng hai chữ “buồn nôn” để tố cáo sự nhờm tởm hay, vô nghĩa của đời sống.

(5) Triết gia Jean Paul Sartre cũng nổi tiếng với tiểu luận “Qu’est ce que la littérature? / Văn chương là gì?” Xuất bản từ năm 1947, nhưng tới hôm nay, vẫn còn được một số nhà văn Việt Nam coi như một thứ “kim chỉ nam” văn nghệ - - Với những câu hỏi đại ý: Viết cái gì? Viết thế nào? Viết cho ai? Tại sao viết?

(6) Nhà văn Lữ Quỳnh cho biết sau năm 1962, Lữ Kiều và Nguyên Thạch vào Saigòn học và, tốt nghiệp Y khoa năm 1969. Ngy Hữu / Trần Hữu Ngũ tốt nghiệp khóa 1 Sư Phạm Quy Nhơn, 1962. Ông mất tại Phan Rang, năm 1999.

(7) Nhà xuất bản có cùng tên Ý Thức với tạp chí. Ngòai truyện của Trần Hòai Thư, nhà xuất bản này còn in sáng tác, dịch thuật của các tác giả như Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc, Lê Ký Thương, Nguyên Minh, Lữ Quỳnh, Nàng Lai, Trần Quang Huề…Đọc thêm Lữ Quỳnh, “Những kỷ niệm về một thời Ý Thức,” Bđd.

(8) Cũng đầu thập niên 1970, ở Saigòn, người ta thấy xuất hiện một vài tuyển tập nhạc, in khổ vuông vứt. 

(9) Lữ Quỳnh, Bđd.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16814)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12051)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18831)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9026)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8125)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 452)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 820)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1020)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22340)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13900)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19088)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7781)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8697)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8392)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10940)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30590)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20745)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25366)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22812)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21615)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19673)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17965)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19149)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16825)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16016)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24372)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31809)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34842)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,