Tính chất nhà văn trong nhà báo Lê Thiệp,

23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 24718)
Tính chất nhà văn trong nhà báo Lê Thiệp,

 

lethiepchandung_100-content-content


Du Tử Lê.

 

Lê Thiệp là thế hệ phóng viên báo chí đầu tiên của miền Nam, được đào luyện một cách chính quy, tính tới tháng 4 năm 1975.

 

Cùng với những tên tuổi như Ngô Đình Vận, Dương Phục, Lê Phú Nhuận, Vũ Ánh…ông tốt nghiệp khóa 1 báo chí do cơ quan Việt Tấn Xã, Saigòn, tổ chức.

 

Tôi không biết có phải vì đôi lần tình cờ gặp ông trong một vài cuộc họp báo họa hiếm tôi phải tham dự, hình ảnh một Lê Thiệp với bộ dạng bên ngoài khá khác lạ, cho tôi cảm nhận đó là người nhiều cá tính mạnh mẽ mà nổi bật nhất, rõ nét hơn cả trong tôi là, tính bất cần đời của người phóng viên trẻ tuổi này.

 

Tôi cũng không biết có phải vì những ký sự hay phóng sự của ông, thường cho tôi nhiều điều khác hơn căn bản của một bài ký sự, phóng sự là nhân vật, sự kiện và con số…

 

Tôi luôn bắt gặp nơi những bài viết của ông một điều gì, rất gần với một sáng tác văn chương như, chữ nghĩa, hình ảnh, tư tưởng…

Với thời gian, khi ông cầm bút lại, nhiều năm sau biến cố tháng 4 -1975, với tập bút ký nhan đề “Chân ướt chân ráo” (CƯCR) do Tủ sách Tiếng Quê Hương của Uyên Thao, ở Virginia, xuất bản năm 2003, tôi mới có dịp nhìn rõ hơn, thấy rõ hơn tính chất nhà văn, nơi con người nhà báo này.

 

Ở đây, tôi không muốn nói tới vốn sống ngồn ngộn rói tươi của ông. Tôi cũng không muốn nhắc tới cái kiến thức sâu rộng của ông về nhiều phương diện, từ văn học tới chính trị, lịch sử, xã hội…Tôi chỉ muốn nói tới khía cạnh văn chương như những nhát dao dứt khoát, xấn sổ trên một khối gỗ sù sì để hình thành chân dung một nhân vật, một sự kiện.

 

Điển hình như khi viết về cha xứ Nguyễn Thành Long ở vùng Hoa Thịnh Đốn, mở đầu bài “Giấc mơ Việt Nam”, ông viết:

 

“Ông Cha xứ viền điếu thuốc đặt vào nõ chiếc điếu cổ, ngón tay cái hơi miết nhấn những sợi thuốc nâu sậm xuống và châm lửa. Ông rít một hơi ròn tan, dụi bỏ que diêm, rồi thở ra rất chậm rãi. Khói thuốc lào đậm xanh, như quánh lại không tan nổi trong cái không khí oi bức của một buổi chiều mùa hạ.


“Ông ngồi đó dưới gốc cây mơ màng nhìn xuyên qua làn khói. Những thanh sắt làm khung trơ trọi, những mảnh tường chưa dựng kín, những chiếc mái cong vút vẫn còn phải có cái chống, cái kê nhưng ông biết chắc giấc mơ mà ông gọi là Giấc Mơ Việt Nam của ông nay đã thành.” (CƯCR, trang 214.)

 

Khi viết về họa sĩ Ngọc Dũng, một người ông quý trọng, cũng là người anh kết nghĩa của mình, ông viết:

 

“Gần anh, nhìn tranh anh, dần dần tôi hiểu cái mềm mại của tranh anh, cái quyến rũ của tranh anh bắt đầu từ cái đẹp không lý luận, cái giản dị của chính sự việc, đề tài. Nó gần gũi với tôi, với những gì quanh tôi, nó nhập vào tôi lúc nào không biết. Bức tranh vẽ cô gái gầy guộc ngồi trên ghế nhìn vào khỏang không bỗng lúc nào trở thành một cái gì không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Một lần tôi dẹp tranh để treo một bức trừu tượng vào thay. Có cái gì bứt rứt khó chịu vào những lần đi qua mảnh tường. Tôi bèn úp bức trừu tượng lại, treo cô gái lên. Cô bé bỗng như cười và tôi có cảm giác mình có thêm một đứa con trong nhà, lúc nào cũng ngồi đó im lặng, nhưng sự hiện diện thì tràn đầy trong tôi.” (Ngọc Dũng Giọt Nước Hân Hoan, CƯCR, trang 211.)

 

Hoặc khi viết về một loại trái cây rất tầm thường đến độ ít ai để ý là trái ổi, trong bài “Những quả ổi cuối mùa”, ông viết:

 

“Tôi cắn vào trái ổi, cắn một cách từ tốn chậm rãi, gặm phần vỏ nhai thật kỹ. Nó hơi đắng chát, cái đắng chát dịu dàng. Tôi ăn đến phần cùi. Giòn, sần sật, nước ngọt ứa ra thấm vào tận chân rằng. Tôi nhai phần ruột có hột. Hột ổi to nhưng không cứng lắm, nhai vỡ ra kẹt vào kẽ răng. Tôi vừa đi vừa hít hà để những hột ổi bong ra.” (CƯCR, trang 121 & 122.)

 

Tôi không nghĩ người đọc chờ đợi hay, đòi hỏi nơi người viết ký sự, phóng sự những đoạn văn như tôi vừa trích dẫn.

 

Với tôi, đó là những đoản văn đượm, tươm chất tùy bút.

 

Tôi thấy như mình ngửi được mùi thơm của trái ổi, cảm được vị chát của vỏ ổi hoặc, độ ngập của những chiếc răng găm vào phần ruột ổi.

 

Tôi thấy như mình đang đứng trước bức tranh cô gái gầy guộc, ngồi trên ghế, hướng về khoảng không phía trước, với tất cả cảm nhận lẻ loi của cô, trong đăm đăm dõi theo một mơ mộng bồng bềnh, chưa hằn rõ chân dung một tình yêu hay, khát khao một bờ vai, một cánh tay ai đó, nơi tranh Ngọc Dũng, qua mổ tả của Lê Thiệp.

 

Tôi cũng thấy như mình ngửi được mùi thuốc lào, nghe được tiếng réo sôi hân hoan của niềm vui, hòa lẫn nỗi buồn của những sợi thuốc cháy nhanh, nơi chiếc điếu cầy lên nước thời gian, nhiều dặm xa xôi quê nhà, của cha Nguyễn Thanh Long…

 

Rải rác đâu đó, trong bút ký của Lê Thiệp, nhiều giải lụa tùy bút, như thế. Nhất là những bút ký nhân vật của ông.

 

Với giọng văn kể chuyện từ tốn, chậm chạp, đôi lúc gây gỗ, gấp gáp một cách bất ngờ. Trước đây, tôi những tưởng Lê Thiệp với nguyên gốc phóng viên, ông sẽ thích hợp với những bút ký về con người, xã hội hay thời cuộc.

 

Nhưng càng đọc ông, tôi mới thấy, cõi giới văn xuôi Lê Thiệp còn vươn xa hơn phạm trù vừa kể.

 

Ông viết về tuổi thơ, kỷ niệm và, ngay cả lãnh vực thi ca cũng dễ dàng, thấu đáo với nhiều “nhân vật, dữ kiện, con số” như khi ông viết tin hay, phóng sự vậy.

 

Vẫn trong tác phẩm nêu trên, tôi rất thích bút ký nhan đề “Sư Triệt Học lận đận nơi nao?”

 

Không cần phải đọc hết bút ký này, độc giả cũng đã nhận ra hai chữ “lận đận” mà tác giả dùng trong nhan đề của mình, vốn trích từ câu thơ “cùng một lứa bên trời lận đận” của Phan Huy Vịnh, dịch từ nguyên tác Bạch Cư Dị.

 

Bỏ qua một bên sự gặp lại người bạn học cũ, trong nhân thân mới, nhân thân của một nhà sư - - Nhà sư Triết Học (thế danh Trần Đức Giang,) với tất cả ttrân trọng, kỳ thú, như một đoản văn tả các trích tiên gặp nhau; khi nói về bài thơ “Tỳ Bà Hành”, ông viết:

 

“Phải chờ cho đến khi Phan Huy Vịnh dịch thì mới có thơ:

Bến tầm Dương canh khuya đưa khách

“Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu

“Chủ xuống ngựa, khách dừng chèo

“Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti.

 

“Bạch Cư Dị sáng tác khỏe với 3487 bài thơ. Ông tự sắp thơ của mình thành 4 loại chính: Phúng Dụ, Nhàn Thích, Cảm ThươngTạp Luận.

“Gần bốn ngàn bài trong đó ông tự hào nhất là loại Phúng Dụ, nhưng hình như mọi người Việt chỉ nhớ Tỳ Bà Hành. Chính nhờ Phan Huy Vịnh.

“Bài thơ thất ngôn cổ phong 88 câu này được làm khi Bạch Cư Dị bị biếm trích khỏi Tràng An đến nhậm chức Tư Mã ở quận lỵ hẻo lánh Giang Châu. Trong buổi tiễn thiền sư Mãn Thượng Nhân ở bến sông Bồn, hai người đã gặp một kỹ nữ về già. Tỳ Bà Hành thuật lại cuộc gặp gỡ này và bài thơ trở thành bất hủ…”

 

Nhưng Lê Thiệp không quy kết, không trói buộc bài viết của ông trong những “nhân vật, dữ kiện, con số” mà, ông đẩy ngòi bút, cảm hứng của mình tới những đỉnh cao, những vực sâu khác.

 

Những đỉnh cao, những vực sâu làm thành bởi những trận “địa chấn” mà bài thơ của Bạch Cư Dị, đúng hơn, bản dịch của Phan Huy Vịnh (như một bài thơ khác, nếu tôi được phép nói như vậy). 

 

Tôi muốn nói, sự bước khỏi khuôn-thành-ký-sự, để đi vào lãnh giới “ tưởng”, một trong ba thành tố căn bản của văn chương.

 

Lê Thiệp viết:

“…Nhưng sức truyền bá của bài Tỳ Bà Hành thì thấm từ nhiều thế hệ nho gia đến tận Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương…

“Sau Chu Mạnh Trinh đọc Kiều mà “giọt lệ Tầm Dương chan chứa” đến Vũ Hoàng Chương:

Tình nhân thế chua cay người lịch duyệt

“Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu

“Và Xuân Diệu thì:

Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt

“…………………………………

 “Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt

“Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi.

“Hoặc chỗ khác:

“Long lanh tiếng sỏi vang vang hận

“Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.
(……)

“Tôi ngồi đọc lại một lần nữa. Tờ photocopy lâu ngày đổi màu, nay cũng đã cứng hơn, nham nháp nơi tay.

Hà tất tằng tương thức? Lọ sẵn quen nhau?

“Bạch Cư Dị và người kỹ nữ đâu có quen biết nhau trước. Họ vẫn là tri âm và chính vì mối tri âm mà có Tỳ Bà Hành:

Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân

“Tương phùng hà tất tằng tương thức

“………………………………………….. 

 “Cùng một lứa bên trời lận đận

“Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau

“Thì ra thế. Cùng một lứa.

“Quan Tư Mã, đại thi hào, kỹ nữ, vợ anh lái trà, có gì khác đâu? Cái giai cấp, cái phân biệt đã xóa nhòa để có Tỳ Bà Hành.

“Phải chăng chỉ chính vì cùng một lứa bên trời lận đận, sư Triệt Học đã đưa tôi bài thơ này trong chiếc ga xép khi chia tay ở Fukuoka?”

 

Tuy nhiên, người đọc cũng bắt gặp rất nhiều những từ ngữ, những chữ nghĩa bỗ bã, rất ấn tượng làm bật lên cảnh tượng sinh hoạt của một giai đoạn xã hội nào đấy. Chính những ngữ cảnh đầy tính chất phóng sự, ký sự này, phần nào cũng đã làm thành nét riêng trong văn xuôi Lê Thiệp.

 

Tôi thấy, một nhà văn chuyển qua viết ký sự, phóng sự, thường dễ dàng trở thành một phóng viên tầm cỡ. Ngược lại, nó sẽ khó khăn hơn cho một phóng viên chuyển qua viết văn, trở thành một nhà văn tên tuổi.

 

Như ghi nhận riêng của tôi thì, chúng ta không có nhiều ký giả khi chuyển qua viết văn, đã trở thành những nhà văn nổi tiếng.

 

Vẫn theo ghi nhận riêng của tôi thì, nhà báo Lê Thiệp nằm trong số không nhiều đó.

 

le_thiep_100-content-contentTôi không biết có phải những đòi hỏi căn bản của một phóng viên là dựa trên những dữ kiện cụ thể, chính xác, nghĩa là họ phải loại bỏ hẳn trong phóng sự, ký sự của họ những gì thuộc về lãnh vực tưởng tượng mà gần đây, nhiều nguời người quen dùng hai chữ “hư cấu” để minh thị sự khác biệt quyết liệt giữa tưởng tượng và hiện thực, tựa như giữa trắng và đen, giữa sáng và tối vậy.

 

Một giải thích khác, theo tôi, cũng nên ghi nhận. Đó là, bẩm sinh tâm hồn, các giác quan của một nhà văn có thể có nhiều khác biệt với thói quen hay, tập quán của một nhà báo? 

 

Nhưng dù với lý giải nào, tôi vẫn thấy: Nếu lãnh vực báo chí, truyền thông, có định luật căn bản, như định luật 5 chữ “W” và, 1 chữ “H” (1) - - Thì, ở lãnh vực văn chương nhà văn cũng bị chi phối bởi một số định luật tối thiểu.

 

Nếu không, nhà văn chỉ là Người Kể Chuyện.

 

Là người có đôi chút hiểu biết ở lãnh vực văn chương, tôi cho rằng, ba đòi hỏi căn bản cho một nhà văn (dùng chung cho cả nhà thơ,) là khả năng So Sánh, Liên Tưởng và, Nhân Cách Hóa. Đó là những chìa khóa căn bản của nghệ thuật mô tả, diễn đạt tư tưởng.

 

Từ đó hay vì thế mà, nhà văn này khác nhà văn kia. Thi sĩ này không giống thi sĩ nọ. Đồng thời, cũng từ đó, người đọc có thể lượng định tài năng một nhà văn.

 

Tôi nghĩ, dường như nhà báo Lê Thiệp, không chủ tâm làm văn chương. Chí ít cũng qua những tác phẩm ông đã xuất bản, như “Chân ướt chân ráo” (2003;) “Đỗ Lệnh Dũng” (2008)…

 

Nhưng vô tình hay thói quen, ông đã cho thấy khả năng áp dụng ba đòi hỏi vừa kể, một cách khá nhuần nhuyễn.

 

Căn cứ vào tác phẩm mới nhất của Lê Thiệp, cuốn “Đỗ Lệnh Dũng” (ĐLD) kể chuyện về hành trình đầy kịch tính trong 20 năm chiến tranh miền Nam, của bạn ông, Lê Thiệp đã cho tôi nhiều đoạn văn bất ngờ.

 

Thí dụ:

Phía dưới tôi, trên đất nước này, bom rơi đạn nổ khắp nơi. Từ trên cao nhìn xuống, những hố bom to như những chiếc ao nhỏ, hoặc trũng xuống sâu hoắm, hoặc đọng nước tù lên rêu xanh ngắt. Thật chẳng khác gì một khuôn mặt rỗ hoa.” (ĐLD. trang 160.)

 

Đi sâu hơn vào lãnh vực hình thức hay kỹ thuật, tôi còn có được cái thích thú khi thấy Lê Thiệp dùng rất nhiều ngôn ngữ đường phố trong tác phẩm của mình. Tôi không biết có phải vì thế mà các bút ký, truyện ký của Lê Thiệp thường mở ra những từ trường thu hút lớn?

 

Tôi cũng không biết, có phải nhờ thế mà, tác phẩm của ông đã thẩm nhập được vào đời thường? Câu chuyện, tự thân có chung nhịp thở với đám đông? Nên, khoảng cách giữa tác giả và người đọc đã được thâu ngắn lại?

 

Hiển nhiên, đứng trước một tác phẩm văn chương, rất nhiều câu hỏi được cất lên?

 

Nhưng câu trả lời, theo tôi, không thuộc về nhà phê bình. Nó cũng không thuộc về tác giả.

 

(Một tác phẩm khi hoàn tất, đã phổ biến, nó độc lập với tác giả. Nó sống / chết theo định mệnh đời riêng của chính nó.) Nói cách khác, nó thuộc về đám đông và thời gian.

 

Cũng thế, tôi chọn lựa để trích dẫn vài đoạn văn sau đây của tác giả, chỉ như một vài ghi nhận phản ảnh những suy tưởng của Lê Thiệp về cuộc chiến. Chúng không mang tính khẳng định nào, thay cho tác giả và độc giả:

Ít ra chiến tranh không phải là chuyện cà rỡn mà là chính mạng sống của con người.” (ĐLD.)

 

Hoặc:

“...Trung úy Dũng trận mạc đầy người, huy chương Việt Mỹ cả vốc, dân chơi thứ thiệt nay đang đứng trong xó tối và đang bị một phụ nữ, có lẽ là vợ của một người lính tử trận, nhìn bằng con mắt ái ngại.” (ĐLD. Tr. 162-163.)

 

Nếu là một người khác, tôi nghĩ, họ sẽ không dùng cụm từ “chuyện cà rỡn” khi nói về chiến tranh…Hoặc “trận mạc đầy người,” “huy chương cả vốc,” “dân chơi thứ thiệt” khi mô tả nhân vật của mình.

 

Theo tôi, chúng chính là những từ ngữ trực tiếp, bỗ bã như một “đặc sản” ngôn ngữ của một giai đọan, một hòan cảnh xã hội, có vị trí “đắc địa” trong thể văn ký sự, phóng sự với ít nhiều trào phúng, hay tự trào. 

 

Cuốn truyện ký mới nhất của Lê Thiệp, còn cho tôi thấy cái bút pháp khá đặc biệt của ông, khi những chương truyện của ông đi theo một dòng chảy khá nhất quán. Nhưng chúng vẫn tựa những những hòn đảo trong một quần đảo. Chúng có thịt xương, hơi thở riêng… Mà vẫn tương tác nhau. Vì cùng chung một bầu trời. Một khí hậu. Và, một thủy lưu bất khả chia cắt.

 

Đọc những bút ký của Lê Thiệp, dù ngắn hay dài, tôi luôn thấy khả năng (hay tài năng?) nhập vai, đồng hóa mình với nhân vật, sự kiện, nơi chốn hiện hữu trong tác phẩm của ông.

 

Tôi không biết có phải vì tự căn bản, ông vốn yêu nhân vật, những gì ông chọn để mô tả; hay nhân vật, sự kiện, nơi chốn… chỉ là cái cớ, để ông nói được điều muốn nói?

 

Khi cố tình viết nghiêng hai chữ “cái cớ”, tôi muốn nhấn mạnh rằng, điều này, cũng là một trong những chỉ dấu sự khác biệt giữa nhà văn và ký giả. 

Nói rõ hơn, đối với một ký giả thì, nhân vật, sự kiện…chỉ là những nhân vật, sự kiện làm thành tâm bão của một bản tin hay một ký sự.

 

Nhưng với nhà văn, cũng là nhân vật, cũng với sự kiện…, khi được chọn để đem vào văn chương, chúng chỉ là cái cớ, để nhà văn nói một điều gì khác, ẩn tàng sau lưng nhân vật, bên kia sự kiện…

 

Trở lại với tác phẩm “Đỗ Lệnh Dũng”, tôi nghĩ, nhân vật Đỗ Lệnh Dũng chỉ là cái cớ để tác giả, Lê Thiệp phản ảnh những dằn vặt, những khắc khoải dày xéo tâm thức ông xuyên suốt cuộc chiến và, cảnh tình Việt Nam hai mươi năm tao loạn. 

 

Đọc hết cuốn truyện, tôi không thấy Lê Thiệp bắt nhân vật Đỗ Lệnh Dũng (đại diện cho người lính miền Nam Việt Nam) của ông phải đóng vai người hùng Robot, hay một thứ siêu nhân / Superman!

 

Ngược lại, ông cũng không thú vật hóa người lính miền bắc bằng những hình ảnh như xẻo tai, moi gan, nuốt mật kẻ thù…như một vài tác giả miền Bắc đã mô tả người lính miền Nam trong truyện của họ!

Cả hai cực này, tôi nghĩ, đều nằm ngoài tư duy của một Lê Thiệp, nhà văn. 

 

Tuy nhiên, tôi cho cách gì, khi viết văn, Lê Thiệp viết từ ký ức tập thể, hay ký ức đám đông, theo cách nói Carl Jung. (2) Bởi một điều dễ hiểu, ông là một phần tử ở trong và, thuộc về đám đông đó.

 

Tôi muốn nói, đám đông thanh niên miền Nam.

Đám đông ấy ra sao, thế nào trong ghi nhận của Lê Thiệp?

 

Đám đông thanh niên miền Nam có chung một mẫu số là: Không ai trong họ, ở miền Nam Việt Nam, bị nhồi sọ, bị tuyên truyền từ tấm bé, phải căm thù, phải tận diệt những người cộng sản miền Bắc.

 

Hầu hết thanh niên ở thế hệ Lê Thiệp, đã nhập ngũ một cách tự nhiên, giống như một bổn phận khi đất nước cần đến.

 

Tôi cho trung Úy Đỗ Lệnh Dũng (hóa thân của nhà văn Lê Thiệp) đã rất lương thiện khi ghi lại như sau:

 

Tôi là sĩ quan – trung úy Dũng – nhưng suốt bao nhiêu năm trong quân ngũ, chưa bao giờ tôi để tâm tới khía cạnh vẫn thường được nói tới như lý tưởng bảo vệ tự do, như chiến tranh ý thức hệ, như tiền đồn của thế giới...

“Tôi bị động viên thì đi. Được huấn luyện thành sĩ quan. Giáo dục của gia đình và học đường khiến tôi thấy những bổn phận đó là đương nhiên. Chưa bao giờ tôi đặt câu hỏi với tôi về ý nghĩa cuộc chiến cả.” (ĐLD. Trang 53.)

 

Lại nữa, vẫn qua nhân vật Đỗ Lệnh Dũng (hay hóa thân của nhà văn Lê Thiệp) còn phản ảnh bản chất nhân từ của người Việt nam.

 

Tính nhân bản, tình đồng đội của nhân vật Đỗ Lệnh Dũng hay, của hầu hết người lính miền nam Việt Nam đã được Lê Thiệp ghi nhận một cách cụ thể, tới ngậm ngùi như sau:

 

“...Có lần chúng tôi bắt được hai tù binh từ Bắc xâm nhập. Họ trẻ quá, hiền lành quá như những cậu học trò trung học. Tôi có thể làm tình làm tội họ, hoặc nữa là bắn họ. Tôi đã rùng mình trong suy nghĩ rằng mình có quyền định đoạt cái chết của người khác. (ĐLD. Trang 144.) 

 

Ở một đoạn khác, khi tả lại cuộc băng rừng, vượt suối của mẹ con thuộc một sắc tộc thiểu số, từ ấp Chợ Mới tới chi khu Đồng Xoài thuộc tiểu khu Phước Long, chỉ để trả lại cho trung úy Dũng một gùi bắp, vốn là kết quả lao động, trồng tỉa của chính ông; nhà văn Lê Thiệp viết:

 

Tôi tiễn mẹ con Gái về lại núi rừng của họ, lòng chùng xuống, nghĩ giá mọi người cùng đối xử với nhau như hai mẹ con Gái, chắc tôi không phải cầm súng đánh nhau với ai cả.” (ĐLD. Tr. 176.) 

 

Vẫn được hướng dẫn bởi căn bản tình người, ngòi bút của nhà văn Lê Thiệp, qua chuyện kể của người tù cải tạo Đỗ Lệnh Dũng về phản ứng rất người của một người lính miền Bắc, ông viết:

 

“...Không ngờ một sĩ quan trẻ tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt lại thuộc và hát vọng cổ hay như vậy. Những người lính ngồi chồm hổm phía ngoài đôi khi nổi hứng quăng thuốc lá cho tụi tôi, và có lần một người xông vào giữa đám tù vừa đi vừa chìa bao thuốc lá quăn queo mời. Anh ta nghênh ngang vừa đi vừa nói:

“-Sợ đéo gì. Kỷ luật thì kỷ luật, ông đéo sợ...” (ĐLD. Tr. 228.)

Hoặc nữa:

Tôi nhớ mãi khi vừa lên xe sắp sửa chạy thì có một người tất tưởi chạy tới, vừa đi vừa nói oang oang:

“-Có anh nào ở tiểu đoàn 9 Dù không?

“Khi biết không có 9 Dù, anh ta toe toét:

“-Mấy bố khiếp lắm, đánh giỏi lắm. Hễ gặp ai ở tiểu đoàn 9 Dù cho thằng này gửi lời thăm. Mấy bố bắn khiếp.

“Một người lính áp tải đến can thiệp thì anh ta văng tục liền:

“-Địt mẹ, làm đéo gì thế. Ông mày đi B đánh nhau với Dù thừa sống thiếu chết, chưa sợ thằng nào đâu.” (ĐLD. Tr. 248-249.)

 

Viết tới đây, tôi tự hỏi, không biết khởi tự những cảm thức nào khiến cho Lê Thiệp chọn lựa, ghi lại phản ứng của một số người lính miền Bắc mà, nhân vật Đỗ Lệnh Dũng của ông đã gặp gỡ trong hành trình tù đầy, đọa lạc của mình?

 

Những ghi nhận vừa kể, tôi ít thấy nơi các tác giả khác, khi viết về những năm tháng chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong những nhà tù của người cộng sản.

 

Tôi không có dịp hỏi ông và nếu có dịp, nhiều phần tôi cũng sẽ không hỏi. Vì, điều đáng kể đôi với tôi là tính chất điềm tĩnh trong cõi giới văn chương Lê Thiệp.

 

Thiếu điềm tĩnh, tôi nghĩ, nhà văn sẽ bị những xung động tình cảm cuốn, xô ngòi bút mình lậm sâu phần đất chủ quan, bất cập… Trường hợp đó, nhà văn sẽ không ghi nhận được những chi tiết nhỏ, nhưng cần thiết, để tác phẩm có chiều sâu, với những nhận xét tinh tế, giúp người đọc có được cơ hội buồn / vui phẫn uất ha,y hạnh phúc...

 

Nói cách khác với tôi, Lê Thiệp, qua tác phẩm “Đỗ Lệnh Dũng” đã làm chủ được ngòi bút của mình.

 

Du Tử Lê,

(June 2-2010.)

 

 

Chú thích:

(1): Đó là mấy chữ “who, when, where, why, what” và “how.”

(2): Carl Jung (1875-1961,) nhà phân tâm học người Thụy Sĩ. 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
14 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
12 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
06 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 8941)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
02 Tháng Tám 202312:00 SA(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
21 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 33253)
Bài thơ đầu tiên (?) của Tô Thùy Yên được giới thiệu trên Sáng Tạo, gây tiếng vang lớn và, dư âm của nó, kéo dài nhiều năm sau, là “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” viết tháng 4 năm 1956.
27 Tháng Tư 20239:42 SA(Xem: 5229)
Nói cách khác, theo tôi, Vĩnh Quyền nhà văn đã vượt trên chính mình. Điều không dễ với khá nhiều người cầm bút, còn lại.
16 Tháng Ba 202312:00 SA(Xem: 9084)
Người đầu tiên hăm hở xắn tay áo, bước vào lãnh vực xuất bản, giai đoạn sơ khai, là ông Đỗ Ngọc Tùng, nhà Đại Nam
02 Tháng Ba 202312:00 SA(Xem: 9905)
Tôi không rõ thời gian ở VN trước tháng 4-1975, nhà báo Ngọc Hoài Phương có làm thơ nhiều không?
18 Tháng Hai 202312:00 SA(Xem: 19297)
Nếu không kể những nhà xuất bản chuyên nghiệp như nhà Sống Mới, Khai Trí, Đồng Nai, Nguyễn Đình Vượng, hay Lá Bối, An Tiêm, Nam Sơn, Trí Đăng…thì, những nhà xuất bản được điều hành bởi các nhà văn, nhà thơ cũng đã tạo được ít, nhiều tiếng.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8941)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7738)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8343)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30531)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22781)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19110)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16791)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15989)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31736)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,