Gắn bó hữu cơ nào giữa một bài thơ của Xuân Diệu và tiếng hát Duy Trác?

01 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 22780)
Gắn bó hữu cơ nào giữa một bài thơ của Xuân Diệu và tiếng hát Duy Trác?

 

duytrac-content


Du Tử Lê.

 

 

1.

"Tôi là con chim nhỏ
Một hôm đến giữa cuộc đời
Hót chơi dăm ba tiếng
Mặt đất
Nếu đầy đá sỏi
Tiếng hót tôi xin làm những hạt mầm
Mong cây xanh mọc trên sỏi đá
Nếu sớm mai nào
Em gặp những nụ hồng trong vườn bất chợt
Đấy là chút quà bé mọn
Tôi mang tặng mọi người
Tôi là con chim nhỏ
Đến giữa cuộc đời
Hót chơi . . .
Đừng kiếm tìm nếu hôm nào em không gặp
Đừng kiếm tìm và đừng thắc mắc
Tôi đã bay đi
Những nụ hồng để lại
Nếu còn nhớ đến cánh chim
Xin em hãy chăm chỉ vun trồng chút quà bé mọn
Và khi vui vẻ
Hãy kể chuyện cho mọi người nghe
Rằng :"Ngày xưa . . .xa lắm . . .lâu rồi . . .
Có một con chim nhỏ
Đến giữa cuộc đời hót chơi . . ."

(Lời giã từ, thơ Đỗ Trung Quân.)

Tôi không nhớ tôi đã nghe bao lần cái “intro.” vốn là một bài thơ của Đỗ Trung Quân, mở đầu đĩa nhạc “Giã Từ” tiếng hát (Khuất) Duy Trác, được đọc bởi chính giọng của họ Khuất. (1)

 

Tôi cũng không hiểu tại sao tôi không thể bước vào phần nhạc của tiếng hát này, nếu không nghe tới nghe lui nhiều lần, phần dẫn nhập ấy.

Tôi không nghĩ, giọng đọc ấm áp mang đầy tính thong dong, tự tại của ông, cho tôi cảm tưởng đấy là lời xin lỗi dịu dàng dành cho riêng tôi (một trong những người yêu mến tiếng hát Duy Trác,) khiến tôi cảm động.

 

Tôi cũng không nghĩ, đa số những ca khúc ông chọn để làm thành “giã từ” hầu hết là những ca khúc mà tôi từng nghe / sống cùng. Như những “chứng nhân” hay những ngọn nến mà, sáp và tim bấc là những kỷ niệm bất hoại của đời sống tình cảm tôi gập ghềnh trải dài hơn nửa thế kỷ. Đó là những ca khúc như “Mắt buồn” tức “Một mùa đông,” thơ Lưu Trọng Lư, nhạc Phạm Đình Chương, “Đừng lừa dối nhau” của Y Vân, “Tơ sầu” của Lâm Tuyền, “Biệt Ly” của Dzoãn Mẫn, “Cô láng giềng” của Hoàng Quý…

 

Có dễ vì càng nghe, tôi càng thêm thấm thía lời nhắn nhủ: “Đừng kiếm tìm nếu hôm nào em không gặp / Đừng kiếm tìm và đừng thắc mắc / Tôi đã bay đi / Những nụ hồng để lại…”

 

Có dễ vì càng nghe, tôi càng ngậm ngùi với lời nhắn: “Nếu còn nhớ đến cánh chim / Xin em hãy chăm chỉ vun trồng chút quà bé mọn / Và khi vui vẻ / Hãy kể chuyện cho mọi người nghe / Rằng: “Ngày xưa…xa lắm…lâu rồi…/ Có một con chim nhỏ / Đến giữa cuộc đời hót chơi…”

Phải chăng, vì thế, càng nghe, tôi càng thêm thấy “xa lắm…,” “lâu rồi…,” “ngày xưa”…

 

Phải chăng, vì thế, càng nghe tôi càng thấy rõ, sẽ không bao giờ tôi (chúng ta) còn gặp / nghe được tiếng hót của của con chim nhỏ đến giữa cuộc đời hót chơi…

 

Mặc dù họ Khuất vẫn còn đó. Nếu muốn, tôi (chúng ta) vẫn có thể gặp ông.

Nhưng cách gì thì gặp gỡ đó, cũng vẫn là gặp gỡ một con người, chứ không phải gặp gỡ một tiếng hát.

 

Và, tôi không biết, có phải vì con người là con vật có trí nhớ ngắn, nên tôi cũng không biết mỗi đi xa, mỗi biến mất khỏi địa cầu này của những tài năng, những trí tuệ, sẽ được đám đông tưởng nhớ bao lâu?!!

Nhưng có hề chi! Cũng chẳng quan trọng gì với một con người, một nhân cách như Khuất Duy Trác. 

 

Mỗi lần nghe tiếng của ông, trong phần dẫn nhập trước khi bước vào đĩa nhạc “Giã từ,” tôi luôn nhớ tới bài thơ vào tập “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu, xuất bản cách đây trên 60 năm.

 

Hiển nhiên Đỗ Trung Quân mượn ý của với Xuân Diệu khi viết “Tôi là con chim nhỏ / đến giữa cuộc đời / hót chơi dăm ba tiếng”…để viết bài “Lời giã từ” dành riêng cho tiếng hát DuyTrác. Nhưng tôi vẫn thấy trường hợp Duy Trác gần thơ Xuân Diệu hơn. Nhất là với những nhấn mạnh, mang tính khẳng định như “ngứa cổ hát chơi.” Hay “Kêu tự nhiên, nào biết tại sao kêu” trong nguyên bản.

 

Với riêng tôi, họ Khuất không hề là con “chim nhỏ.” Trí tuệ và tài năng của ông, như đôi cánh lớn, có khả năng đo đạc nhiều tầng không gian cao, rộng.

Xin quý vị cùng tôi đọc chậm hai khổ đầu thơ Xuân Diệu:

 

“Tôi là con chim đến từ núi lạ / Ngứa cổ hát chơi / Khi gió sớm vào reo um khóm lá / Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời / Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn / Kêu tự nhiên, nào biết bởi sao ca / Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín / khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa…” (2)

 

Tôi biết, trong lãnh vực trình diễn ca khúc, chúng ta có nhiều ca sĩ nổi tiếng. Tiếng hát của họ được rất nhiều người yêu thích. Nhưng khi hát, khi ra bộ, khi tác điệu…họ vẫn nhớ mình là ai!

 

Duy Trác thì không. Ông ở trường hợp khác. Trường hợp ngược lại. Tôi muốn nói tới sự gạn sạch hay biến mất mọi cá tính, mọi dấu vết một nhân thân.

 

Mỗi lần nghe Duy Trác hát, tôi thường có cảm nhận, lúc trình bày một tình khúc, Duy Trác không gửi trong tiếng hát mình một lý lịch trích ngang nào. Ông hát dễ dàng, thanh thản như thể ông đang thở. Đang trò chuyện với khoảng không trước mặt.

 

Sự kiện Duy Trác hát như thở, như trò chuyện với khoảng không trước mặt, theo tôi, chính là tính “ngứa cổ,” là “kêu tự nhiên, nào biết bởi sao ca” mà Xuân Diệu đã viết xuống trong thơ của mình.

 

Phải chăng, cũng vì thế mà có khá nhiều ca khúc, dù ông là người đầu tiên được nhạc sĩ nhờ chuyển tải tới thính giả, như những ca khúc “Áo lụa Hà Đông,” thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên, “Mắt biếc” nhạc và lời Ngô Thụy Miên- - Hoặc đó là những ca khúc trước ông đã có người hát, như “Mắt buồn,” thơ Lưu Trọng Lư, nhạc Phạm Đình Chương,” “Biệt ly” của Dzoãn Mẫn, “Đừng lừa dối nhau” của Y Vân, “Dạ khúc” của Nguyễn Mỹ Ca, “Tơ sầu” của Lâm Tuyền, “Cô láng giềng” của Hoàng Quý, “Đường về miền bắc” của Đoàn Chuẩn, “Hương xưa” của Cung Tiến, “Em tôi” của Lê Trạch Lựu v.v…Thì những người hát sau ông, thường khiến người nghe nhớ tới tiếng hát của ông. Mặc dù, tôi lập lại: “Duy Trác hát như thở, như đang trò chuyện với khoảng không trước mặt. Không lưu một chút dấu vết nhân thân…”

 

 

2.

Vẫn là thơ Xuân Diệu, bài kể trên, ở những đoạn kế tiếp:

 

“Hát vô ích thế mà chim vỡ cổ / Héo tim xanh cho quá độ tài tình / Ca ánh sáng bao lần dây máu đỏ / Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh. / Tôi réo rắt chẳng qua trời bắt vậy / Chiếc thuyền lòng, nước đẩy phải trôi theo / Gió đã thổi, cho nên buồm phải dậy / Hồn vu vơ, tội ấy ở mây đèo./ Nghiệp tài tử nghìn xưa đông lắm chắc / Chúng tôi hùn làm một kiếp đa duyên…”

 

Cảm thức riêng tôi cho thấy, dường có một tương tác hữu cơ nào đó, giữa thơ Xuân Diệu viết từ đầu thập niên 1940 và, tiếng hát Duy Trác, hai mươi năm sau (đầu thập niên 1960.)

 

Giữa lúc họ Khuất đang “…réo rắt chẳng qua trời bắt vậy / chiếc thuyền lòng, nước đẩy phải trôi theo ” thì tai trời ách nước xập xuống nửa phần đất tự do còn lại của tổ quốc. Thảm kịch 30 tháng – 1975.

 

Kịch bản này đã đóng lên trán Khuất Duy Trác (cũng như gần triệu người khác,) con dấu “ngụy quân ngụy quyền.” Cái giá họ Khuất phải trả cho kịch bản “hoành tráng” này là 11 năm tù cải tạo.

 

Mãi tới năm 1992, ra khỏi nước, tiếng hát hay cánh chim lớn có khả năng đo đạc rộng lớn đất, trời kia, mới có lại cho nó “nghiệp tài tử ngày xưa đông lắm chắc / chúng tôi hùn làm một kiếp đa duyên.”

 

Tiếc thay, chỉ ba năm sau, năm 1995, họ Khuất chọn rút lui khỏi tiền trường.

 

Chọn lựa ấy, không phải nghệ sĩ nào cũng làm được. Nhất là giữa khi đang trên đà nhận đón vinh quang.

 

Tóm lại, tôi muốn nói, nếu Xuân Diệu sinh ra để được / bị nhận nghiệp thi ca thì, Khuất Duy Trác sinh ra để được / bị nhận nghiệp ca hát…Họ có chung một mẫu số. Tôi muốn gọi đó là mẫu số “trời bắt vậy.” Mẫu số của “bao lần dây máu đỏ.” Mẫu số của “nghiệp tài tử.” Và, từ hai chân trời, hai thế hệ đủ xa cách để làm thành xa lạ, vậy mà họ đã “hùn” nhau…“làm một kiếp đa duyên.”

 

Khác nhau chăng, Xuân Diệu để “chiếc thuyền lòng, nước đẩy phải trôi theo.” Trong khi DuyTrác thì ngược lại. Ông dứt khoát “giã từ.”

 

 

duytrac-dny-la-kt-content3.

Năm 1995, giải thích về quyết định “giã từ” cuộc chơi hay, sự chấm dứt gửi tặng nhân gian món quà “bé mọn” theo cách nói khiêm tốn của ông, trong một trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Thanh Trang trên đài phát thanh VOVN ở Houston, Texas, họ Khuất nói:

 

“.....Vâng thì dĩ nhiên đời sống thay đổi, hoàn cảnh sống thay đổi thì âm nhạc phải thay đổi, cái tình yêu nó cũng phải thay đổi, cái cách bày tỏ tình yêu nó cũng phải thay đổi . Vậy kết luận về âm nhạc tiền chiến mà anh thích thì tôi cũng đồng ý thôi, bởi vì đó là sự dịu dàng, đó là thơ, ngay cả thơ nói về hạnh phúc hay nói về sự bất hạnh chứ nó không phải là một chất rượu nó không phải là lừa, nó không phải là sự nồng nàn như là âm nhạc bây giờ ....thì dĩ nhiên là khi những bài nhạc tiền chiến ngày xưa chúng mình nghe, rồi mình hát, mình thích bởi vì nó cũng đính kèm theo một chuỗi những cái kỷ niệm, kỷ niệm là chính. Bây giờ thì tuổi trẻ họ đã có đời sống khác, họ có những kỷ niệm khác, và họ thích bày tỏ tình yêu khác, cách yêu đương nó khác, do đó tôi nghĩ rằng là hát tình ca cũng phải khác đi.

 

“Thế thành ra bây giờ có cái điều mà bây giờ tôi mới dịp nói ra là cái lúc mà tôi ngưng hát đó, thì tôi bị vướng vào một sự lúng túng một sự luẩn quẩn là nhạc tiền chiến, đối với riêng cá nhân tôi, tôi thấy nó không còn thích hợp nữa, bởi đời sống nó đã thay đổi quá nhiều rồi, mà nhạc mới của các anh em trẻ ở đây, những người trẻ ở đây thì tôi chưa thấm được, nên tôi không biết hát cái gì, không biết hát cái gì thành thử tôi phải thôi.”

Khi trò chuyện với nhạc sĩ Thanh Trang, tác giả “Duyên Thề,” Duy Trác lập lại nhiều lần sự không thích hợp hay, khó hòa cùng nhịp rung cảm tình ca của lớp người trẻ hiện nay…Bởi vì:

 

Bây giờ tuổi trẻ đã có đời sống khác, họ có những kỷ niệm khác, và họ thích bày tỏ tình yêu khác, cách yêu đương khác…”

Do đó ông nghĩ tình ca cũng đã khác đi. Và, đó là điều:

 

“…mà bây giờ tôi mới có dịp nói ra là cái lúc mà tôi ngưng hát đó, tôi bị vướng vào một sự lúng túng, một sự luẩn quẩn là nhạc tiền chiến. Đối với cá nhân tôi, tôi thấy nó không còn thích hợp nữa. Bởi đời sống nó đã thay đổi quá nhiều rồi, mà nhạc mới của các anh em trẻ ở đây, những người trẻ ở đây thì tôi chưa thấy được. Nên tôi không biết hát cái gì…Thành thử tôi phải thôi…”

Tất cả những phát biểu trên của Duy Trác, nam danh ca một thời của 20 năm sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam, theo tôi chỉ là cách nói.

 

Bằng cớ, trước khi tự tay tắt đi những ngọn đèn nghìn nến chiếu rọi vào tên tuổi mình, trong ba năm sau cùng ở hải ngoại, Duy Trác cũng đã hát một số ca khúc của một số nhạc sĩ (không còn trẻ) nhưng vẫn thuộc thế hệ sau biến cố 30 tháng 4 – 1975. Họ là lớp nhạc sĩ thế hệ 75 nơi quê người, như Đăng Khánh, Phạm Anh Dũng, Mai Anh Việt…

 

Ngay Ngô Thụy Miên, xuất hiện sớm hơn những nhạc sĩ vừa kể ít năm trước thời điểm 1975, ở quê nhà, cũng đã quá xa thế hệ nhạc tiền chiến.

Lại nữa, nếu tôi không lầm thì hôm nay ở hải ngoại cũng như tại quê nhà, vẫn có không ít những ca sĩ thuộc thế hệ 8x hoặc 9x tìm về nhạc tiền chiến. Họ tìm về ngọn nguồn của lãng mạn Việt Nam: Tân nhạc.

 

Từ đấy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, tất cả những gì họ Khuất phát biểu liên quan tới “nghiệp tài tử ngày xưa đông lắm chắc” chỉ là một cái cớ. Một cách nói. Cái cớ hay cách nói của một nghệ sĩ biết lúc nào phải nói: “Thôi!” Thôi!” con chữ đơn giản, ngắn gọn tưởng chừng dễ dàng phát ra trong rất nhiều trường hợp, nhưng theo tôi nó lại rất khó, quá khó cho một nghệ sĩ danh tiếng.

Uy lực của cám dỗ danh vọng, tiếng vỗ tay, lời xì xào của đám đông ngưỡng mộ…vốn là những nhà tù được đúc bằng vàng!

 

Hầu hết nghệ sĩ mơ ước được chui vào. Hiếm thay một tên tuổi đang / còn chói lọi hào quang chọn xô cửa, bước ra.

Giã từ.

 

Trong ghi nhận riêng của tôi, DuyTrác không chỉ nói được tiếng “thôi” với sân khấu, phòng thu mà, ông còn nói được tiếng “thôi” với cả những họp mặt bằng hữu giới hạn, tư riêng. Ông cũng nói “thôi!” với chính ông, lúc một mình đối bóng.

 

Thái độ hay cung cách ứng xử quyết liệt này của Khuất Duy Trác, khiến tôi nhớ tới những ngợi ca tư cách của ông trong lao tù, do những người bạn tù của ông kể lại. Dù cho không một phút nào ông quên được bên ngoài cửa ngục, ông còn có một mẹ già, một vợ trẻ, 6 con thơ và 5 đứa cháu, hôn trầm trong mòn mỏi ngóng đợi tin ông. 

 

 

4.

Hôm nay, khi tôi ngồi viết những dòng chữ này, thời gian kể, nó đã bỏ lại sau lưng nó tiếng hát Duy Trác. Nó cũng giải thích cho tôi hiểu, như thể nó rất miễn cưỡng làm việc ấy, vì Duy Trác. Vì ông đã tuyên bố “giã từ!

(Khi thời gian dùng hai chữ “miễn cưỡng” theo chỗ tôi hiểu thì, phải chăng nơi đáy sâu tâm hồn nó, ít nhiều là lòng cảm phục?) 

 

Mười lăm năm với một đời người, như Khuất Duy Trác, không phải là con số ngắn ngủi. Không phải là đoạn đường dưới lá. Ngõ về dưới hoa!

Tôi không thể hình dung cuộc sống của ông, nếu gần đây, tôi không bất ngờ nhận được bài viết của ông, do một người bạn gửi Denver gửi cho. Như một nhắc nhở, khuyên nhủ tôi về tuổi già của chính mình.

Qua bài viết là những lời tâm tình hay, một thứ triết lý sống với tuổi già của họ Khuất, nhân đó, ông cũng cho biết phần nào phần đời sống gập ghềnh nắng, mưa tự những ngày niên thiếu của ông.

 

Tôi nghĩ, sẽ không thể có một tư liệu nào chính xác hơn về người nghệ sĩ này, ngoài những gì do chính ông kể lại.

 

“Năm 1992 gia đình tôi tới Mỹ, một quốc gia tự do và nhân đạo, với 13 nhân khẩu. Không ngờ, vốn chỉ là một ca sĩ tài tử và đã bị chính quyền Cộng Sản
giam cầm và cấm hát suốt 17 năm, tôi vẫn được một trung tâm ca nhạc tiếng tăm mời sang Paris tổ chức một buổi hội ngộ với thính giả và thu những băng
nhạc nghệ thuật.


“Các thính giả đã vào cả hậu trường chào mừng tôi, buồn vui, mừng tủi. Tôi chỉ còn nhớ, và nhớ mãi, một câu chào, như mâu thuẫn và thật lòng:

 

“ ‘Bác (hay chú) chẳng thay đổi gì cả, chỉ già đi nhiều thôi.’


“Ồ! Tôi đã già đi! Chắc chắn rồi. Nhưng tôi đã không có thì giờ nghĩ đến. Làm sao có thì giờ nghĩ đến khi không biết ngày nào hết cảnh lao tù để về chung sức với vợ nuôi nấng 6 đứa con, 5 đứa cháu và một mẹ già đau yếu. Nhất là nỗi đau mất 3 đứa con và 7 đứa cháu trên biển cả. Nỗi đau quá lớn khiến mẹ đã té ngã và trở thành phế nhân với nửa người bất động.


“Trong đời sống của mỗi con người, ai cũng có 3 giai đoạn: tuổi thơ, tuổi thanh xuân và tuổi già.


“Riêng tôi tuổi thơ hầu như không có. Cha mẹ mất sớm, bị những người lớn tuổi trong đại gia đình hành hạ; năm 12 tuổi tôi đã bỏ đi sống một mình.


“Tôi còn nhớ, hồi đó ở vùng kháng chiến Việt Bắc tôi thi vào trường Sư Phạm; với học bổng 18 kg gạo, 180 đồng tiền thức ăn, và 1 chai dầu dùng để thắp đèn học đêm. Nghỉ hè, trường không phát học bổng, tôi phải đi hái trà và đạp trà thuê. Cuối ngày lãnh tiền đủ đong được chút gạo, hái rau rừng làm thức ăn. Với đủ mọi hình thức kiếm tiền lương thiện, tôi đã phấn đấu học hành, làm việc với châm ngôn do mình đặt ra: không hận thù những người đã hành hạ mình và phải cố gắng học cho thành tài. Cả hai châm ngôn này tôi đã thực hiện đầy đủ và chân thành. Bỏ vùng Việt Bắc, trở về Hà Nội rồi di cư vào Nam, tôi đã cố gắng hoàn tất việc học, trở thành luật sư đồng thời lập gia đình năm 1961.


“Ngẫm nghĩ lại, tuổi thơ không có, tuổi thanh xuân cũng không được bao nhiêu. Sau khi gia nhập Luật Sư Đoàn được 2 năm và lập gia đình được hơn 1 năm, vào năm 1962 tôi được gọi nhập ngũ. Dĩ nhiên, phục vụ đất nước trong thời chiến tranh là nghĩa vụ thiêng liêng của con dân một nước. Nhưng rời bỏ gia đình mới được hơn một tuổi, bỏ lại vợ và con thơ để làm nghĩa vụ người trai trong 13 năm rưỡi rồi tiếp theo là 11 năm tù đày trong các trại tù Cộng Sản; thì hỡi ôi tuổi thanh xuân của tôi đã mất hút tự bao giờ tôi cũng không còn nhớ được nữa. Ra tù và sang đến Mỹ năm 1992 thì tôi đã ở vào tuổi 56. Các thính giả có bảo là già đi nhiều thì cũng phải thôi. Tiếp tục vật lộn với đời sống để nuôi gia đình nên mối ưu tư về tuổi già, về những chăm sóc cho tuổi già được sống hợp lý, tốt đẹp cũng không phải là điều dễ dàng. André Maurois đã viết:

 

“ ‘Năm, sáu chục năm trời nếm trải những thành công và thất bại, hỏi ai còn có thể giữ được nguyên vẹn những điểm sung mãn thời trẻ? Đi vào hoàng hôn của cuộc đời như đi vào vùng ánh sáng đã điều hòa, ít chói chang hơn, mắt khỏi bị lóa bởi những màu sắc rực rỡ của bao ham muốn. Và như vậy già là một tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi người ta tính tuổi, cớ sao phải lảng tránh?’


“Có trẻ thì có già, đó là nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già? Trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc. Trong thời gian tôi theo học tại trường Luật, có một người bạn đã gửi cho tôi một tấm thiệp giáng sinh trên đó có ghi toàn văn bản dịch của bài thơ ‘TUỔI TRẺ (YOUTH)’ của Samuel Ullman. Lời lẽ bài thơ thật là sâu sắc, đầy tinh thần lạc quan, nó ảnh hưởng sâu sa đến tôi trong mấy chục năm nay. Mặc dầu nó được viết ra từ năm 1918, lúc tác giả đã 78 tuổi nhưng ý tưởng thật mới mẻ. Xin trích một vài câu tiêu biểu:


“ ‘Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình. Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da của chúng ta, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say, phấn khởi mới làm tâm hồn chúng ta héo hắt.’

 

“Tướng Douglas Mc Arthur rất tâm đắc với bài thơ này và ông đã cho trưng bày bài thơ ngay tại phòng làm việc của ông ở Tokyo khi ông đang là Tư Lệnh Quân Đội Đồng Minh đặc trách công việc giải giới và phục hồi nước Nhật sau chiến tranh.


“Rồi vào năm 1946, tạp chí Reader’s Digest ấn bản tiếng Nhật đã phổ biến toàn văn bài thơ bất hủ này bằng Nhật ngữ. Nhân dân Nhật đã hân hoan đón nhận cái tín hiệu đầy lạc quan, tích cực và năng động của bài thơ không vần này. “Cũng từ đó họ đã hăng say dấn thân vào việc tái thiết đất nước, khiến nước Nhật lấy lại được vị thế cường quốc về kinh tế, chính trị cũng như văn hoá như ta thấy ngày nay…”

Sau 15 năm “giã từ,” hôm nay trên bậc thềm tuổi già, ông lại gửi tới những người từng yêu mến ông, một tiếng nói (tiếng hát khác): Lời cảm ơn gửi tới những huấn luyện viên của hội Từ Bi Phụng Sự của thầy Hằng Trường.

 

Riêng cá nhân tôi, nơi trang viết này, tôi muốn gửi lời cám ơn của riêng tôi, tới người bạn đời của ông. Người phụ nữ một đời lênh đênh chìm, nổi theo chồng, như một chiếc bóng đầu tiên và, cuối cùng của Khuất Duy Trác:

- Bà Dương Ấu Oanh.

 

--------------------------------

Chú thích:

(1) Trung tâm Diễm Xưa thực hiện và phát hành tại Hoa Kỳ, 1995.

(2) Xuân Diệu là một trong những nhà thơ lớn của thời kỳ thơ Tiền chiến. Ông sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916 ở Bình Định, mất ngày 18 tháng 12-1985 tại Hà Nội. Tác phẩm “Gửi hương cho gió” là thi phẩm thứ hai của ông, xuất bản năm 1945.

 

 

Du Tử Lê

(Calf. Sept. 2010.) 

 

* Tôi Xa Người - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Anh Dũng - Ca Sĩ: Duy Trác

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Giêng 202012:00 SA(Xem: 21312)
Với tiêu chí tự đặt cho mình: “Nhạc phải cho hay, lời phải cho đẹp và ý nghĩa;” Từ Công Phụng đã đem đến cho giới thưởng ngoạn những tình khúc sang cả, mượt mà từ nhạc tới lời.
10 Tháng Giêng 202012:00 SA(Xem: 34619)
Mặc dù, mỗi chúng ta, hằng ngày, bất cứ lúc nào, ở đâu, cũng có thể gọi được, tự làm lấy cho mình một ly cà phê sữa đá. Chỉ riêng Anh thì không. Chẳng bao giờ, chẳng bao giờ, nữa!
01 Tháng Giêng 202012:00 SA(Xem: 11964)
Mùa xuân đồng nghĩa với sự hồi sinh của tất cả mọi đọt, mầm. Từ đó, tin yêu, hy vọng lấp lánh khắp cùng trời đất.
30 Tháng Mười Hai 201912:00 SA(Xem: 17690)
Dù bây giờ, Việt Dzũng không còn nữa, nhưng những đóng góp, những đầu tư của Việt Dzũng cho tự do, nhân bản và tình người, sẽ mãi còn là những ngọn lửa ở được với mai sau.
04 Tháng Mười Hai 20191:55 CH(Xem: 11303)
Cách gì, cậu Trúc, Thứ Sáu tới đây, cả bà T., Orchid, và tớ cũng sẽ đi… “thăm” cậu; trước khi tớ sẽ gặp lại cậu, như ngày nào hẹn nhau ở Canada… cậu còn nhớ chứ?
02 Tháng Mười Hai 20191:03 CH(Xem: 5375)
Sáng Tạo đã thành công trong việc đổi mới thơ. Nhưng đã thất bại trong việc đổi mới thơ cho mọi người,
28 Tháng Mười Một 201912:00 SA(Xem: 11250)
Bị thôi thúc bởi ngọn lửa bập-bùng-náo- nức của T., cuối cùng, tôi cũng đã thực hiện được chuyến viếng thăm người họa sĩ nổi tiếng một thời của văn học, nghệ thuật miền nam
19 Tháng Mười Một 201912:00 SA(Xem: 20103)
Nguyên Sa đã chết! (Như Mai Thảo đã chết!) Dù, chính tôi theo chân những người thân yêu của anh, theo chân bạn hữu tiễn, đưa anh tới nơi an nghỉ cuối cùng.
02 Tháng Mười Một 201912:00 SA(Xem: 10373)
Tôi tự thấy mình thật thiếu sót, khi chỉ tìm đến vào cõi nhạc Trần Dạ Từ / Lê Hà Vĩnh, cách đây vài năm…
28 Tháng Mười 201912:00 SA(Xem: 9335)
Đó là một buổi tối. Một buổi tối nào đó, dưới gầm trời tạm dung nào đó, tại cột cây số lưu vong nào đó...
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 416)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 755)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8633)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8342)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10885)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20707)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19611)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17923)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19109)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16789)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15987)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24313)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31733)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34784)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,