Ký sự nhận định dưới đây của nhà thơ Du Tử Lê, viết về nhà thơ Bùi Giáng, (Kỳ Chót)

17 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 18325)
Ký sự nhận định dưới đây của nhà thơ Du Tử Lê, viết về nhà thơ Bùi Giáng, (Kỳ Chót)

 

LNĐ: Ký sự nhận định dưới đây của nhà thơ Du Tử Lê, viết về nhà thơ Bùi Giáng, được trích từ tác phẩm “Năm Sắc Diện, Năm Định Mệnh” do nhà Tao Đàn Saigon, ấn hành tháng 6 năm 1965, cách nay 46 năm - - Do nhà thơ Thành Tôn, hiện cư ngụ tại Orange County, cho lại. Vì bài quá dài, chúng tôi xin phép tác giả, chia thành nhiều phần, để quý độc giả dễ theo dõi. 

Trân trọng,

Trang nhà dutule.com

 


buigiang-11-content-content

 

Bùi Giáng một trong những thi nhân cách biệt với đám đông, tuy xưa ông đã từng đăng thơ trên tạp chí Bách Khoa, Mai… Những tiếng thơ rất ít phổ cập đại chúng, ngược lại, ông là người được anh em trong văn giới tại đây nhắc nhở nhiều nhất. Không phải tại thơ ông khiến họ nhớ, cũng chẳng phải tại ông đã xuất bản nhiều trong vòng từ 1963 trở về trước, mà vì cuộc sống khác thường, tinh thần đôi khi bị mất quân bình, cũng như thái độ xử thế với anh em văn nghệ gây nhiều điều tiếng, nhiều giai thoại mà điển hình là câu chuyện ông tát nhà văn Võ Phiến tại tòa soạn Bách Khoa(?)

 

Nếu nghĩ về Bùi Giáng chỉ với chừng đó, tôi thấy quá bất công đối với ông, với một thi nhân ôm cao vọng về nguồn cội - đối với một tâm hồn vang vọng tiếng nói thâm sâu trầm kín của tinh túy đông phương nghìn thuở xa xưa, của lẽ huyền nhiệm đơn sơ đạm bạc. Tôi muốn đi vào thế giới tâm hồn nhà thơ này mong sao chụp vẽ được phần nào khuôn dáng đích thực Bùi Giáng, người đã bị đời mệnh danh là cuồng sĩ.

 

Bằng những dò tìm thành thiết, tôi bước vào vũ trụ thi ca họ Bùi. Cảm tưởng đầu tiên trực nhận được nơi quê hương linh hồn chàng là cái cảm tưởng bồng bềnh trôi nổi giữa một khoảng trời bao la, gồm chứa nhiều bỡ ngỡ - hoang mang - lạc lõng hỗn độn. Từ vùng ưu tư này trôi dạt sang vùng ưu tư khác - từ một không gian của Nguyễn Du trầm tư một niềm tin Thiên Mệnh, tới một không gian vang bóng Heidegger cùng những băn khoăn khắc khoải siêu hình.

 

Trong cái thênh thang rộng mở bốn trời đó - người ta cũng thấy một Bùi Giáng chân phương không son phấn điểm trang, với những xung động, những khao khát hướng vọng về một vĩnh thể hằng tồn, một vũ trụ miên trường - một Bùi Giáng lửng lơ giữa hai đầu tuyệt đối và hữu hạn - một Bùi Giáng ngụp lặn, khua rẫy trong màn lưới trầm suy bên những quay cuồng, điên đảo của kiếp người. Phải chăng ông cố dựng tạo cho mình một thế giới phức biệt trên từng cao, rồi đưa hồn mình bay bổng, vươn thoát, hầu ẩn trú chiếc hồn đơn lẻ?

 

Giấc xanh cô độc thề vàng

nguồn tiên nga dậy mơ màng gieo âm.

 

Xưa một Huy Cận với:

Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển

suốt một đời như núi đứng riêng tây

 

Vì tham chiếm, vì khao khát khôn cùng một vũ trụ bao la, một khoảng trời cao ngút, một thế giời mộng tưởng ngoài hư vô, với đôi tay bé mọn, với ý thức bất lực trong tầm định mệnh của thân kiếp trót sinh làm người để đến đỗi nhìn thấy hình hài cô đơn, trơ trọi, lạc bước giữa nhân gian.

 

Nay ở Bùi Giáng, cũng mang tâm thức tìm về nguồn trời, lượng bể, tìm về với tinh thần hoằng viễn phương đông, với tinh túy dân tộc luôn bừng bừng cháy rực trong tiềm thức:

 

Vì thiên cổ và bây giờ gần gũi

vì hôm nay là chính bữa hôm qua

thế nên chi anh xin trở lại nhà

vì hơi thở là linh hồn của phổi

vì máu se là nhịp đập của tim

thế nên chi anh ngồi ở dặm nghìn

 

“Xin trở lại nhà” và “xin ngồi ở dặm nghìn” quê hương chàng là cõi miên viên (?) Cõi trú của những tâm hồn mang ý thức bị đọa lạc, đầy ải, lãng quên? Đây cũng là tâm thức chung của đa số thi nhân hiện đại. Chỉ khác nhau ở chỗ có tìm được cho mình một lối thoát? Tự tạo được cho mình một tiếng nói? Một sắc diện độc đáo không chìm lẫn? Một niềm tin siêu vượt hay không mà thôi. Ở nhà thơ này, cũng với những khổ đau, những cào xé đay nghiến của kiếp người:

 

ngủ yên nghe rộng mười phương

mây trời tám hướng thổi hương lại đèo

sịch bừng suối đá trôi rêu

ghềnh se sắt vó ngựa leo chán chường

 

Tư tưởng của hầu hết các nhà thơ hôm nay, người ta thường ghi nhận được một thực trạng không biết nên mừng hay nên buồn, đó là sự chịu ảnh hưởng một cách máy móc hay vay mượn, hình ảnh ngôn từ của những khuôn dáng danh nhân Tây phương như của Nietzche, Malraux, Camus, St. J. Perse, Paul Claudel, Jaque Prévert, Eluard… hoặc núp bóng trong những Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương…

 

Không mấy ai chịu quay về với Nguyễn Du, một tác giả hậu bán thế kỷ 18, một thiên tài thi ca V.N mà tôi nghĩ không một thi sĩ thế giới nào sánh kịp, họa may chỉ một Tagore của Ấn Độ.

 

Riêng Bùi Giáng, với khát vọng về nguồn, về với bản thể dân tộc, với tinh túy phương đông, chàng đã chấp nhận Kiều của Nguyễn Du, như ngọn lửa thiêng soi sáng tâm hồn khắc khoải, bơ vơ, đưa dẫn chàng tới một vòm trời cá biệt, tư riêng.

 

Nửa năm hương lửa đang nồng

bây giờ cố quận xuống giòng viễn lưu

cõi cư trú rộng băng cần

nhịp thao thiết gọi về thâu thiên hà

(xuống giòng viễn lưu)

 

Hoặc:

tôi người viễn khách đa mang

lọ là thâm tạ con đàng ai đi

ngồi trong cỏ mọc xanh rì

cầu xin mưa lại đền nghì cho hoa

 

Mang trong tiềm thức của một mùa xuân tinh thể đã mất, một hình ảnh đã nhạt phai, một thần tượng đã không còn chân đứng, thi nhân bước vào đời, vào cuộc sống hôm nay, như một lãng tử đi giữa quê người mà nắng gió hiền hòa đã chia xa. Còn chăng chỉ là những lầy bùn, những thương tiếc đang ngày một lớn thêm, loang rộng.

 

Buổi về đắm lụy điêu linh

còn nguyên xứ sở nguyên hình chiêm bao

máu se tàn lạnh điệu chào

trên đầu phố lạ vẽ mầu quê chung

 

Quê chung ở đây phải chăng là cõi trú?- Là chốn dừng chân cuối cùng của những tâm hồn khao khát tìm ý nghĩa cho cuộc sống xô bồ phồn tạp? Mà chiều sâu chỉ là một khoảng trống hãi hùng, và bề mặt chỉ là những bon chen tư kỷ, những vật chất nổi dềnh. Trước thực trạng đen tối đó, tất cả còn gì? Còn gì đâu! Kể cả những biểu tượng của những niềm tin thiêng liêng cũng đã xiêu đổ - khiến bước chân thi nhân trên lộ trình xuyên qua cuộc đời, đi về tình người chỉ là những bước chân hẫng, hụt giữa một khoảng không chới với u mê. Cả phần đất mà vết dầu vật chất lẽ ra chưa đủ điều kiện, hoàn cảnh thấm tới, văn minh cơ khí chưa lan tràn xâm lấm được, cũng đang xa dần, xa dần truyền thống đạo nghĩa thanh tao.

 

Tin từ cố quận bờ nương

hoàng hôn thâm tạ môi hồng bình minh

gửi trăng lục nhạc về ghềnh

bước du tử dựng miếu đền chiêm bao

mọc từ đất trích mòn hao

mùa xuân tinh thể xin chào bồng sơn

cổng xô còn vọng tiếng hờn

xin em ở lại bấm tròn cho cung.

 

Ở Bùi Giáng, người ta thường bắt gặp những tư tưởng thâm sâu, nhưng chua xót, những hình ảnh tượng trưng cho một dĩ vãng vàng son, nhưng đã mai một. Là những chiếc lá rơi, là những cánh hoa hiu hắt thoáng bay, là những tiếng cười tố nữ mong manh, trong vắt thủy tinh, bàng bạc tiếng hò ruộng đồng, xa vắng như tư tưởng người xưa. Như một Huy Cận tiền chiến bằng trực giác, bằng linh khiếu thi nhân đã nhìn ngắm mùa thu đang chuyển mình qua ngàn cây núi thẳm:

 

Nai cao gót lẫn trong mù

Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về

 

Cũng thế, họ Bùi cam đành dìm đắm thân xác đọa lạc tâm hồn trong vũng lầy cuộc sống, trong những xao động u ẩn của nhân thế để tạo cho mình một kinh nghiệm, một tư-hữu-đau-đớn-xót-xa - rồi từ đó, ông đưa tư tưởng vươn thóat lên cõi miên viễn mà danh từ nhà thơ thường dùng là chốn vĩnh-thể trì-tồn.

 

Sóng đi lớp mọc phiêu bồng

mang về thớ củi chất chồng mưa sa

thư cưu mỏng mắt hiên nhà

tròn như ngược tự người ta ngó người

đất xanh vẽ cỏ xa trời.

 

Với ngôn từ dung dị, trong sáng, những hình tượng mang nhiều sắc thái quê hương Việt Nam cùng những địa danh đất nước, tôi muốn nói đó là những chất liệu chính mà Bùi Giáng đã phối dựng một vòm trời thi ca mang tên ông, một khoảng không gian mang linh hồn Việt Nam, mang linh hồn phương đông cổ kính, không náo hoạt, không sốc nổi hời hợt; mà trái lại, rất dịu nhẹ trầm sâu, phảng phất những nét khinh bạc kiêu sa, những dấy động dằn vặt đã lắng xuống đáy sâu tiềm thức để siêu hóa thành những khắc khoải tư duy:

 

Giết linh hồn lúc nghiêng mày

mù sa xứ sở trùng vây hai miền

(Nietzche)

 

Hoặc:

Bây giờ tôi ngó bãi ngang

bên này dọc ruộng duỗi vàng hoe nương.

 

Nói theo Hoài Thanh, Hoài Chân, khi kết luận về Huy Cận là: “… đã gọi dậy cái hồn buồn Đông Á, đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này”. Thì nay với nhà thơ Bùi Giáng, quả ông cũng đã đang nổi trôi trong nguồn suối sầu vạn cổ. Nhưng không phải vì thế mà Bùi Giáng giống Huy Cận. Bởi ở Huy Cận, đúng như Uyên Thao nhận định “ông là thiên nhiên từ trước khi thành thi sĩ…” (1) còn Bùi Giáng chỉ mượn thiên nhiên làm bối cảnh trải bày như Xuân Diệu, hay lẩn vào thế giới nội cỏ mây ngàn, của trăng của gió… làm cõi ẩn trú cho những chán chường, mất mát lòng tin, sút giảm độ thành khẩn. Thiên nhiên trong thế giới thi ca Bùi Giáng là một thứ thiên nhiên phác vẽ, phối dựng bởi lý trí thức thỉnh và tiềm thức ấu thơ, làm bật nổi những đay nghiến khát khao hướng vọng về một giá trị thiêng liêng, một tinh thể sơ khai thánh thiện.

 

Lạc về đầu rú truông khe

trút linh hồn giữa máu me xương rờn

chuyện đời đau khổ từng cơn

màu hoa cỏ mọc mang hờn phượng xanh

em về mùa hạ mông mênh

dựng hồn sông lục vây thành chiêm bao

hoặc:

“Cánh tay trắng với chùm bông kết trái vói chùm bông em vói hai tay vói nguồn phai nhạt đầu ngày mùa xuân mùa xuân và mùa xuân măng mọc mùa xuân ở lại vòng tay cánh trắng đi về với suối đi về với hoa không về được nữa…” (Thơ xuôi, không chấm phết của Bùi Gáng.)

 

Trước những biến thái thảm bại, trước những suy sụp của hiện tại, một thứ hiện tại chênh vênh mất mát trước sự đi xuống, đi xuống mãi của những giá trị tinh thần, trước trào lưu văn minh cơ khí đang vùn vụt tiến tới, trước chiến tranh tàn phá, đục rữa mọi công trình, mọi cố gắng đi đến một đời sống xứng đáng hồn nhiên, thuần hậu, thi nhân tìm vào thiên nhiên, ẩn vào cõi trú thanh thoát của một vũ trụ trong sáng. Ở Bùi Giáng, thiên nhiên còn mang ý nghĩa một tinh thể, một quê hương khả dĩ dung nạp nổi một tâm thức đã quá sôi động, quá ray rứt hoài nghi sự lan tràn của cuồng lưu hiện sinh, của những thúc bách, những hoang mang trước bao nhiêu xung động, bao nhiêu ngược đảo xã hội đã đưa thi nhân đến đỉnh chóp bi thảm, đến chân tường ô nhục:

 

Trong đời cây cỏ á đông

chết về một nửa trong đồng tây phương

một tà áo mỏng bay ngang

quần hoen ố đẹp hai hàng chân đi.

(trong đời cây cỏ)

 

Giữa đêm khép mở bùi ngùi

nhìn mơ hồ thấy một người xa xa…

 

Về với thiên nhiên, thi nhân nhìn nhận mình gần gũi hơn với quê nhà, với những gì Việt Nam thuần chất, những gì của Việt Nam đang tàn rữa, đang hằn in thương tích trên thân thể tương tàn. Càng tha thiết say đắm với tình yêu đất nước, với tình yêu tổ quốc bao nhiêu, họ Bùi càng cảm thấy đau xót, càng quay cuồng trong cái tuyệt vọng khủng khiếp của những bế tắc, những mặc cảm tủi nhục, ươn hèn - nhà thơ càng cảm thấy mình xa lạ - lạc lõng vì bất lực, vì ý thức được những gì đang và còn lụi nát, còn rời xa. Nhưng chỉ với một tâm hồn thành thiết, một nồng độ đam mê, một ý hướng mong muốn kéo lại, ghìm giữ, gọi về không thể nào đưa đến một biến thay. Cho nên, có lẽ chúng ta cũng nên thông cảm với họ Bùi, khi ông có vẻ yếm thế, bi quan:

 

Bây giờ sông rộng trời xa

bàn chân đo bóng mù sa chân trời.

 

Cũng như một số nhà thơ khác, ông cảm thấy không còn gì đáng để bám víu, đáng để ngơi ca tôn thờ trong cái hiện tại loạn ly này. Ông về với cõi trú tư duy, nhưng không vì thế mà tiếng thơ ông chỉ là những mộng ảo không tưởng, những thanh sắc rạc rời, hời hợt bóng nhoáng kêu to những âm thanh của khuôn mẫu cũ. Trái lại, tiếng thơ ông vẫn chảy xiết, vẫn cuộn trôi bên nguồi cội sáng trong của đông phương, của ca dao hay của tinh túy dân tộc, của ý thức rực sáng bộc lộ một tâm hồn vươn lớn, thoát cao trên mọi thấp mọn thói thường thế nhân, để hòa mình vào vũ trụ thâm sâu, siêu thoát:

 

Ngành cong vẽ lá trong lời

sớm miên mang vọng điệu người cổ sơ

chiều thơ dại nước khe mù

con chim về núi mộng chu-hán-đường

(vào nguyên thủy giục)

 

hoặc:

Bước qua rào lá nghe chim

chào cây có trái xuân tìm gió đưa

ngàn hoa rớt hột về mưa

(dệt áo)

 

hoặc nữa

Vành cong chim nhớ buổi chuyền

rời sông bến đẩy qua miền đông du.

(phút sơ nguyên)

 

Trong thế giới cách biệt của riêng thi nhân, họ Bùi cũng không quên dựng vẽ một tình yêu mộng tưởng. Một tình yêu mà chỉ có nhà thơ mới có đủ đam mê, đắm đuối đón nhận. Người tình của Bùi Giáng không là một thể thực hiện hữu giữa một không gian hữu hạn như thế giới phàm nhân. Người tình của chàng là Thúy, là Kiều, là tố nữ, là tiên nga, đúng hơn là biểu tượng của một tinh thể, một nguồn suối miên trường, thoảng như làn gió, như hơi thở nhẹ, buốt trong như tuyết băng, hay là chính dĩ vãng, tiền thân thi nhân.

 

Tam kỳ Rường quán ra sao

Tòa thiên nhiên nọ mòn hao bâygiờ

Cầu xin tinh thể xuân chờ

Em là em của mộng chờ của em

(Em là Em của)

 

Hoặc:

Xa trời anh bỗng nhớ em

Giữa miền đất cũ xương mềm trong da

Rằng hồng nhan ấy đàn bà

Mà em cũng vẫn như là trăng xanh

 

Hoặc nữa:

Mở hai hàng cỏ lim dim

Màu phơi vô định mênh mông phượng quỳ

Nước xanh nương tử tên gì

Mỏng thân mở khép tuyết trì ngự da

 

Nhưng không phải ôm ấp một tình yêu trừu tượng, không tưởng đó mà thi nhân không bị những đớn đau dằn vặt của tình yêu, bởi hồn vốn đa mang, tình vốn nồng nàn mê luyến hơn ai, cho nên Bùi Giáng trước sau vẫn không thoát khỏi phận kiếp nô lệ vì tình, và có thể chết vì tình, vì cái nòi hào hoa, cái nghiệp tài tử:

 

Người bước xuống ngựa ngăn đường bốn vó

nghe âm thanh người khóc ở sau lưng

người tay vói bắt hờ bông phượng đỏ

người phố xanh cây lá rụng vô chừng

…..

sương chìm đắm đời anh trong huyền mộng

hờn nguyên tiêu bờ hy lạp sang đò

 

Với một tâm hồn đã trốn chạy vào cõi mộng, vào cảnh trí vô cùng của vũ trụ hư không, vẫn còn cảm thấy như bị lãng quên, bị ruồng rẫy đó, thử hỏi thi nhân còn gì để bám víu, còn gì để tin tưởng trông vào? Nhưng với Bùi Giáng thì vẫn còn. Ông còn một niềm thành khẩn nơi tương lai. Không phải cái tương lai gần gũi, sát kề hiện tại. Ở đây tương lai là một mai sau, một kiếp mà thi nhân tin rằng mình sẽ hiện hữu trong khung trời ảo huyền đó:

 

Một giờ tỉnh thức ra khơi

sầu reo bến trước di rời cõi sau

 

hay:

Đi về trong thế kỷ sau

nhìn trong mắt thấy trời đau trong mình.

(đi về)

 

Bàn về nguyên nhân dấy loạn tâm hồn của Bùi Giáng, có người cho rằng đó là phản ứng của tri thức bị dồn nén cao độ, trước cuộc chiến tranh phi lý đã và đang tiếp diễn. Cái điên loạn của họ Bùi cũng là cái điên loạn chung của đất nước này, của cả những ai còn một chút ý thức về thân phận nhược tiểu đất nước. Chúng ta đang ngoi ngóp khua rẫy trong cái thế cùng đường. Không bao giờ và không ở đâu có một dân tộc đau khổ vì chiến tranh như dân tộc Việt Nam. Đó cũng là nhận xét của Jules Roy, tác giả tập hồi ký “Trận đánh Điện Biên Phủ”. Thế hệ Bùi Giáng là thế hệ mà vừa sinh ra, mở mắt lớn lên, đã bị dập vùi trong chiến tranh vô cùng đau đớn nhục nhã. Kẻ chiến thắng chưa chắc đã cần nắm được vinh quang, hãnh diện của thắng cuộc. Trái lại họ sẽ phải gánh chịu điêu tàn trong mặc cảm ăn năn phạm tội. Cái phi lý cùng cực một ý thức: “Đều là nạn nhân và vật hy sinh trong thảm kịch tương tranh vẫn là nòi giống Việt”. Một thứ chiến tranh hủy diệt mọi cố gắng của con người muốn vươn, đạt, giành giựt lại quyền làm người. Một thứ chiến tranh đã xô ném loài người tới giấc u mê, đối diện với bất lực, với những khô héo tàn rữa:

 

Chín mùa đông đổ sau hè

Bây giờ máu đỏ trôi về tràng giang

Xuân rừng tía mộng lang thang

Bước chân về bỗng chìm ngang lưng đèo

(Rừng tía)

 

Nỗi u uất xót xa của Bùi Giáng không chỉ thu hẹp trong một phạm vi không gian hữu hạn. Ông mang nặng trong tânm tưởng của những nghiệm suy về cái bất hạnh chung của nhân loại, và coi đó như một định luật bất biến. Một biểu tượng trong tầm định mệnh mặc nhiên. Trước những gẫy đổ, những mai mỉa của cuộc đời, con người sinh ra để đi tìm hạnh phúc. Nhưng chúng ta đã gọi về được gì? Tìm thấy những gì cho nhu cầu tồn sinh thúc bách? Ngoài những:

 

Con người là để chửa hoang

Khóc rưng rức để hai hàng xa nhau

Khép hang hở, để nghiêng đầu

Hốt hoa rụng để chia mầu chửa hoang.

(chia mầu)

 

Ngoài những:

 

Máu se từng sợi chỉ vàng

Chết ngang ngửa sống giấc bàng hoàng mê

Tỉnh say đứng phố ngồi hè

 

Khi viết về Gabriel Marcel, họ Bùi đã nhận định: “Tâm thức người thời đại chúng ta càng ngày càng duy lý một cách bướng bỉnh. Niềm tin Tôn giáo bát ngát khó mà thấm nhập vào tâm hồn những người có 'đầu óc khoa học'. Hình như những danh từ văn minh tiến bộ, đã phờ phỉnh chúng ta, gạt chúng ta ra ngoài những truyền thống thần bí cương liệt”. (2)

Trước những gẫy đổ, xiêu nát chiến tranh, của dĩ vãng, mang trong tâm hồn những chênh vênh, hoài nghi của hiện tại, của nếp sống tinh thần đã bị biến thái, méo mó bởi sự rỗng trống niềm tin, tư duy bế tắc trước những hệ thống tư tưởng thời đại quay cuồng, con người càng ngày càng sa lầy trong cái hố phù phiếm của lý trí, của những khuynh hướng duy lý, bắt nguồn từ Hégel tới những tiêm nhiễm của lý thuyết duy vật biện chứng, khơi dẫn từ Marx, đã đưa chúng ta tới chân tường tuyệt vọng. Tới sự xa lìa tàn rã của tinh thể tâm hồn. Họ Bùi ôm ấp hoài bão muốn dựng lập lại cho mình, cho đời, một thế quân bình giữa lý trí phiến diện nguy hại, và bản thể tồn sinh đang rạc rời. Như cơn gió mát, như hơi thở nhẹ, như lời vọng âm vang từ ngôn ngữ yên lặng của thiên nhiên hồn nhiên, dung dị. Nhưng trước mắt nhìn thi sĩ, cái không gian riêng tây, âm vang một tiếng nói tròn đầy truyền kiếp, một danh từ viết hoa từ thuở lọt lòng đã thoát xác, đã trở thành một vùng biển máu hòa chung nước mắt mang tên Việt Nam. Cái thời gian chảy xiết mấy nghìn năm cuốn trôi mệnh nước thăng trầm, có những khoảng khắc thăng hoa, nay chỉ còn là những con dốc đứng thẳng theo một chiều tăm tối, thảm khốc, gió mưa.

Bùi Giáng buột mất hay chúng ta buột mất? Chúng ta buột mất hay nhân loại buột mất cõi trú của tương lai? Sân ga của hiện tại, bến đậu của linh hồn đơn lẻ:

 

Tìm cố quận xanh mờ thủy nguyệt

Kiếm quên hương khóc bích ngạn đào

Nhung nhớ chết đọa đày biền biệt

Gió một vùng huyễn mộng chiêm bao

(Câu hỏi)

 

Những ray rứt, những đớn đau khoắc khoải của Bùi Giáng khiến ta nhớ tới một Tarrou trong La Peste của Camus. Chiến tranh cũng là một thứ dịch hạch mà hậu quả của nó là những nhát dao chém xả, lao tới, hay những làn roi cay nghiệt quật vụt xuống thân phân con người. Nó trở thành những ám ảnh siêu hình từ tiềm thức, vây hãm đến cả mộng mị chiêm bao. Vòng dây tuyệt vọng siết dần, thắt mãi, chặt lại, cuối cùng sức trì kéo của trọng lực tinh thần hoang mang, ý thức bi đát, đưa nhà thơ hay chính dân tộc ta chạm kề những điếm nhục thảm thiết:

 

Những bà mẹ khóc canh thâu

Ngàn năm có biết đất nào nấu nung

Làng kia lửa cháy điệp trùng

Bốn mùa thiêu đốt tận cùng hang con

 

Nếu chúng ta công nhận rằng tiếng thơ Thế Phong là của người lớn, của những ai muốn tìm vào sự thật của trạng huống xã hội điên loạn này, thì chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng Bùi Giáng là của những ai muốn tìm hiểu ít nhiều khía cạnh siêu hình, có từ một thi sĩ đã bị đời coi như mất thăng bằng trí não!

 

Quả thế, không những thế giới thi ca của họ Bùi rất bao la mà còn vô cùng phồn tạp, hỗn độn. Bên cạnh những câu thơ chứa chất những ảnh hình, những tư tưởng thâm sâu, thi nhân còn vô tình hoặc hữu ý, sắp xếp những bài thơ không những hỏng từ ngôn ngữ, hình ảnh đến cả nội dung. Người đọc dù cam đảm tới đâu, dù thành thiết với tác giả bao nhiêu chăng nữa cũng không thể chấp nhận nổi những bài thơ lục bát gần như vè, những bài thơ xuôi suốt một hai trang không hề có một dấu phẩy, cũng như ngôn ngữ lủng củng tới độ người đọc có cảm tưởng: nếu viết một vài giòng ra và không đề tên Bùi Giáng, dám chắc có người sẽ lầm tưởng đó là đoạn thư của một người nhà quê ít họ,c với những lời lẽ nôm na dùi đục.

 

“Mùa lụt năm nay anh chèo ghe bắt cá hai con cả thảy bỏ vô nồi nướng đủ hai con một lần ăn hết trong miệng hàm răng em tròn như tiêu ớt no nê thiên thần trời cao té xuống cười như nắc nẻ…

(Hạnh phúc)

 

Hoặc:

Trời xanh úp mặt nghe tin

thôi rồi em má ri lyn đi rồi

(Trời khóc Marilyn)

 

Hoặc:

Mở trong nguồn lệ phương tràn

cánh se dâu biển hồng tàn khép xiêm

lệch tà sổ đứt ra xem

mòm con mắt ngó ồ em em ồ

(Ồ em)

 

Hoặc:

Trăm năm trong cõi người ta

thân còn chẳng tiếc lọ là ô Ri

riêng công chúa nọ Ly Kỳ

là tôi tiếc suốt li bì càn khôn

(Nhớ Chế mân)

 

Hoặc:

Ở ngoài em có làn da

ở trong em có một tòa thiên nhiên

tứ chi là cẳng, tay mềm

trăm năm động đậy gọng kềm thiên hương

(Biết sao nói năng)

 

 

Hoặc:

Mở hai hàng cỏ thơ ngây

mắt người nương tử đêm dày dạn sương

mở hai hàng cỏ lên đường

liễu in giòng rụng xin nường mở xem

(Tượng số thiên nhiên)

 

Nhưng xét cho cùng thì chính từ chỗ hỗn độn ngớ ngẩn, lăng nhăng đó đã cho chúng ta thấy rõ khía cạnh tâm thành của họ Bùi. Chính từ chỗ thoạt nhìn, chúng ta tưởng là những yếu kém, khiếm khuyết, của thi nhân, lại là cả một dụng ý(?), cố tình(?) của Bùi Giáng trước cảnh huống điên đảo điêu linh của đất nước này.

 

Bằng vào những yếu tính căn bản của con người, của xã hội đổ nát hôm nay, ông phủ nhận và cố gắng phá vỡ mọi hệ thống được dựng tạo bởi lý trí phù phiếm, khiếm khuyết, có tính cách xảo ngôn, ngụy trá của khuôn tắc duy lý, duy vật, kể cả quan điểm duy linh mà ông cho rằng sự vươn thoát vào cõi hư vô, huyền mộng với ý thức chạy trốn, quay lưng, tìm nguồn an ủi cho riêng mình. Theo nhận thức của thi sĩ, chính những hệ thống, những khuôn mẫu lý trí, máy móc đã đưa tới tình trạng phá sản, bầm giập của chủ thể tư duy, cản chắn hoài bão tìm về cõi siêu việt huyền nhiệm. Lối thoát thỏa đáng cho những bế tắc, những tuyệt vọng của tâm tưởng bệnh hoạn thế kỷ. Đây cũng là một lý do, không phải để biện hộ cho tiếng thơ mung lung, không đều giòng của Bùi Giáng, vì nó chính là chủ đích của nhà thơ. Niềm ao ước gần gũi nhất mà ông hằng ôm ấp là sự trở lại, quay về một nếp đời giản dị, tự nhiên như lá trên cây, trăng sao trên trời, nước xuôi chiều, hơi thở của nhịp tim, nụ cười trinh bạch trên môi người con gái. Cho nên chúng ta cũng không nên lấy làm lạ, tại sao thi sĩ có thể làm tới cả ngàn bài thơ chỉ để ca ngợi một chiếc lá - một chiếc lá… mong thông cảm được lời chim chóc, hồn bướm hoa vạn vật:

 

Cúi đầu tuân nhận lời chim

Mở hàng môi đỏ của tin cho đời

(cành cong thu đỏ)

 

Hoặc nữa:

hai bàn tay ngón tay xin

môi mơ màng đỏ của tin ngực tròn

nghĩa là hơi thở chon von

mở xuân thu sợ hao mòn tiếng chim

quay về ngủ mộng bình nguyên

còn mang trong bụng hình tiên nga ngồi

ngày mai mở mắt ngó trời

còn nghe trái đất suốt đời loay hoay

 

Tưởng rằng xa mà thật gần kề, tưởng khinh bạc kiêu sa mà thật đơn sơ thuần hậu, tưởng giông bão một vòm trời mê loạn mà thật trong sáng mơn man, tưởng không mà là… Cái hư ảo, thâm thúy phảng phất quạnh hiu, đơn lẻ của tiếng thơ Bùi Giáng ở đó! Cái “lớn” của thơ Bùi Giáng ở đó! Phải chăng cái vô cùng nằm ngay trong cái đơn sơ mộc mạc. Cái tuyệt đối nhìn thấy từ hữu hạn ý thức. Cái siêu thoát, thoát từ nhơ nhớp lầm than. Cái tinh thể trì tồn giao hòa từ cỏ cây gỗ đá, trăng hoa, từ cồn bờ mương, từ chim muôn dã thú. Tiếng nói linh hồn Bùi Giáng là tiếng-nói-im-lặng-thiên-nhiên, của vô-ngôn-vũ-trụ-huyền-nhiệm linh cảm, của tiềm thức đơn thuần. Với một tiếng nói vượt ngoài tiếng nói, một tâm hồn đã lẩn tan trong từng thớ gỗ, sơ cây, cọng lá… Do đó, ngôn ngữ chỉ còn là những xác hình vô nghĩa, và lý trí phù phiếm chỉ còn là lớp bụi bám, những đám mây vẩn đục bao quanh một tinh thể siêu vượt mà thôi.

 

Ý nghĩa cuối cùng của tôi có lẽ là lời nhủ thầm cho chính tôi “Mi hãy bước tới bằng bước chân của gió - Mi hãy đi vào bằng cửa ngõ cảm thông - Mi hãy nhìn vào và soi tỏ khuôn mặt bằng ánh sáng của trăng - Mi hãy trút bỏ những hành lý hệ thống khuôn nếp mà đời đã trang bị cho mi - Mi sẽ tiệm cận hay giao thoa với vũ trụ vô ngôn, với cội nguồn tiếng nói đó. Và hãy nhớ - Khi Khổng Phu Tử hỏi các môn đệ cao thêm về khát vọng đời sống - Sự giải bày của các môn đệ tựu trung đều một lòng thành khiết kiến tạo xã hội, nâng cao đời sống con ngườøi. Chỉ riêng một Tăng Điểm khi được hỏi tới đã gõ đàn thưa rằng: “Tôi muốn mùa xuân mặc áo bông, rủ một bầy trẻ thơ ra tắm mát sông Nghi, trở lên, hóng gió nền Vũ Vu, rồi hát mà về”. Khổng Phu Tử đã gật đầu, buồn mà rằng: “Ta cũng chỉ muốn được như Điểm thôi”.


----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Uyên Thao, Lược khảo về thơ 1900-1959 quyển 2, Saigon 1970.

(2) Trích trong “tư tưởng hiện đại” của Bùi Giáng – trang 9 (Sđd.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 984)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7902)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11069)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19259)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24509)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,