Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam; dù cho họ Vũ viết không nhiều. Và, ông cũng không được nhiều người biết tới như một số nhà văn cùng thời khác. (1) Nhưng mỗi tác phẩm của ông là một kết tinh của tài năng, trí tuệ và thông điệp.
Thời Saigon trước 1975, những bài viết về ông không nhiều. Ông là người ít tham dự vào những sinh hoạt văn học, nghệ thuật của miền Nam. Ông chỉ giao du với một số bằng hữu chọn lọc; không kết nạp đệ tử mà, chỉ có những sinh viên với khoảng cách kính trọng một bậc thầy. Một thần tượng.
Hầu hết thì giờ của họ Vũ được dùng vào việc dạy học tại một số trường trung học, rồi đại học. Đồng thời, ông cũng dạy kịch ở trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon. Có một thời gian họ Vũ được mời vào vai trò Giám Đốc Trường Kịch Nghệ, thuộc hệ thống trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon.
Tuy thận trọng trong việc giao tiếp với văn giới, nhưng tác giả “Thần Tháp Rùa” lại cho thấy, ông rất chí tình, keo sơn trong tình bằng hữu chọn lọc của mình.
Ở khía cạnh này, trong một bài viết của nhà văn Mai Thảo, nhan đề "Thế Giới Vũ Khắc Khoan," do nhà An Tiêm hải ngoại, xuất bản năm 1990 có đoạn như sau:
“…Chúng tôi cùng vào Nam. Và với Vũ là tờ Tự Do, diễn đàn đầu tiên của Bắc Hà mới tới, với Như Phong, Mặc Thu, bây giờ mới bị cầm tù ở quê nhà. Đinh Hùng đã mất. Là nhóm Quan Điểm thành hình trên đất đứng của trí thức giai tầng ở giữa, bích chương đính đầy các thân cây quận Nhất: tờ báo dám nói sự thật, số ra mắt quá khích đòi mỗi tuần chặt một đầu người. Chúng tôi chia thành hai nhóm. Sáng Tạo diễu Quan Điểm đám con quan đòi làm cách mạng đổi thay thế giới. Quan Điểm cợt Sáng Tạo, lũ trẻ ngông cuồng, mỗi thằng một đôi giày da đen. Thời kỳ đó là ‘Những Ngày Vui’ như một tựa đề truyện ngắn Khái Hưng, hai tòa soạn này chạy qua chạy lại trên cùng một khúc đường Phạm Ngũ Lão, tuyển tập thơ văn Đất Đứng đầu tiên do Mặc Đỗ thực hiện và người đạo diễn Vũ Khắc Khoan, áo lạnh vắt vai, những đêm tập dượt Thành Cát Tư Hãn trên sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc. Trời Sàigòn đầy sao, dưới đó văn nghệ sống. Đêm Sàigòn dịu dàng với nó văn nghệ thức, một ông sáng sao hai ông sao sang, những bữa ăn trưa ở nhà Thanh Nam, chúng tôi bắt chước Thâm Tâm đập hết ly tách trên tường, những bữa ăn đêm trước rạp hát Kim Chung gây sự với cảnh sát, những khuya say kéo về Gác Mây Vũ Hoàng Chương, quây quần ở Gác Khói Đinh Hùng, ký bông tháng ở nhà hàng Hải Biên, chờ ‘bắt’ tiền trước bàn giấy Khai Trí.
“Vũ với chúng tôi có thật nhiều thời kỳ. Mỗi thời kỳ một hình thái sinh hoạt chủ nghĩa, bằng ấy thời kỳ nối liền bằng những họp mặt say. Tờ Vấn Đề, hắn ‘cho’ Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn rồi tôi thay phiên chủ bút, những buổi trưa trong Đại Học Vạn Hạnh, nơi tá túc của hai đấng thiên tài kình chống Phạm Công Thiện và Bùi Giáng, bấy giờ Phạm Thiên Thư mới là một chú tiểu quê mùa rụt rè tới xin đăng bài tùy bút đầu tay. Thời kỳ Vũ mỗi tuần đi máy bay lên dạy học ở Đại Học Đà Lạt, cứ khăn quàng cổ đỏ phơ phất ở phi trường Liên Khàng, ngôi nhà nhỏ trên đồi nhìn xuống mặt nước hồ Xuân Hương, đêm hắn dựng trên một sân khấu lộ thiên rét cóng vở Quan Âm Thị Kính, Thanh Tâm Tuyền bấm tôi kéo nhau lỉnh ra phố chợ uống rượu, sáng hôm sau nhà soạn kịch cho mỗi thằng chúng tôi một trận nên thân…”
Mặc dầu bị một số người kết án là “khinh bạc,” nhưng tài năng, tên tuổi của họ Vũ lại được giới trí thức, sinh viên trân trọng như một ông… “thần.” Ngay văn giới, cũng không ít người đã gọi ông một cách kính trọng pha lẫn thân thiết “Ông Thần Tháp Rùa” - - Tên một trong những truyện ngắn được dùng làm nhan đề chung cho tập truyện “Thần Tháp Rùa” của ông. Cũng có người gọi ông là “Đại Hãn,” một chỉ danh ngắn gọn dành cho Thành Cát Tư Hãn, được họ Vũ dùng trong vở kịch nổi tiếng “Thành Cát Tư Hãn” của ông, xuất bản tại Saigon, 1961.
Có người cho rằng vì tự thân nhan đề tác phẩm của Vũ Khắc Khoan, thích hợp để một số người có thể dùng nó, như một thứ tên gọi thứ hai dành cho tác giả. Nhưng, những người này quên rằng, trước đấy, nhà văn Tchya/Đái Đức Tuấn cũng từng viết một tiểu thuyết truyền kỳ, nhan đề “Thần Hổ,” rất phổ cập, được nhiều người ưa thích. Nhưng không vì thế mà quần chúng hay văn giới gọi ông là “Ông... Thần Hổ.”
Lại nữa, hai chữ “Đại Hãn” vốn chỉ là tên nhân vật chính trong vở kịch “Thành Cát Tư Hãn” của Vũ Khắc Khoan, chứ không phải là tên tác phẩm - - Vậy mà một số người, đôi khi vẫn dùng tên nhân vật đó, để gọi họ Vũ.
Ngoài thí dụ về trường hợp của nhà văn Tchya/Đái Đức Tuấn, tôi không biết có nhà văn nào khác hơn Vũ Khắc Khoan, được đám đông dùng ngay nhan đề tác phẩm, hoặc tên nhân vật của mình, làm thành một tên gọi khác, để chỉ chính họ?
Nếu có, tôi tin, con số đó cũng cực hiếm. Tôi trộm nghĩ, tài năng cũng như nhân cách Vũ Khắc Khoan, ông xứng đáng được hưởng vinh dự hãn hữu ấy.
Phải chăng cũng vì thế, trong một bài viết mở vào tập “Đọc Kinh” của họ Vũ, nhà văn Nghiêm Xuân Hồng, một trong những thành viên nhóm Quan Điểm, sau này trở thành một học giả, thiền sư uyên thâm về đạo Phật, kể rằng trong một chuyến du ngoạn trên một hồ nước lớn ở tỉnh Quảng Châu, Trung Hoa, đứng trên thuyền, ông chợt nghĩ tới những những vị quỷ thần an cư lâu năm trong biển hồ này, có dễ đã lâu không được nghe ai tụng đọc thần chú Thủ Lăng Nghiêm! Nên ông đã khởi tâm lớn tiếng tụng đọc 3 thần chú Thủ Lăng Nghiêm, rải xuống mặt hồ.
Sau đấy, Nghiêm Xuân Hồng cho biết, không hiểu do duyên khởi nào, ông bỗng nẩy sinh lòng nhớ bạn, dù bình thường rất ít nhớ nhung. Ông viết:
“Trên đường về, tôi chạnh lòng nghĩ rằng có thể là họ Vũ đã thọ sanh làm một vị thần nơi hồ này… Vì cái vụ đó có thể hợp với duyên nghiệp cùng tâm tính của anh ta…”
Văn xuôi Vũ Khắc Khoan và, sức nặng trên vai những con chữ
Tôi vẫn nghĩ, một trong những đặc điểm của sinh hoạt văn xuôi miền Nam, 20 năm là sự đa dạng, phong phú ở cả hai phương diện: Hình thức và nội dung.
Về hình thức, người ta thấy xuất hiện rất nhiều cách viết khác nhau. Nếu có những nhà văn chủ trương đi tiếp con đường của Tự Lực Văn Đoàn thời tiền chiến là chú tâm hay, nỗ lực khai thác tâm lý nhân vật tới mức chi ly, nằm gọn trong bối cảnh xã hội - - Với căn bản bố cục được xây dựng trên cốt truyện rõ ràng với những nút thắt, nút mở, tạo thành những “đỉnh điểm tâm lý” gây xúc động cho người đọc - - Thì cũng có những nhà văn viết trên những khung nền mới, với tham vọng bắt kịp đà chuyển hóa của dòng văn chương thế giới.
Lại nữa, nếu có những người viết một cách khó khăn, cầu kỳ, thì cũng có những người viết một cách dễ dàng, đơn giản. Đó là chưa kể, nếu có những trang văn xuôi hiển lộng thơ mộng, lãng mạn thì, cũng có những trang viết như những nhát cuốc, nhát xẻng đào xới tới phần thẳm sâu của vô thức trần trụi, dựa vào những phát hiện của khoa Phân tâm học.
Nói cách khác, tùy khuynh hướng, tính cách riêng của mỗi nhóm, mỗi cá nhân mà, văn xuôi miền Nam thời trước 1975, được ghi nhận là một nền văn xuôi có nhiều game màu. Nhiều độ đậm/nhạt, tối/sáng khác nhau.
Tuy nhiên, dù các cho nhà văn ứng hợp với xu hướng nào thì, sáng tác của họ cũng có lấy cho họ một lớp độc giả riêng. Các sân chơi có thể kế cận nhau mà, không gây nên một lầm lẫn, nhập nhằng nào.
Cũng nhờ sự phong phú, hào hứng vừa kể mà, cố nhà văn Mai Thảo, đã có được cho ông một kiểu (style) viết riêng. Sự ra đời của phong cách văn xuôi Mai Thảo, từng đưa đến ít nhiều phản ứng trong văn giới, nơi dư luận. Nhưng không vì thế, phong cách văn xuôi của Mai Thảo bớt ảnh hưởng tới một số nhà văn lớp sau.
Vẫn theo ghi nhận của cá nhân tôi, dù cho các nhà văn ở giai đoạn kể trên, viết theo xu hướng hay, kiểu cách gì thì, có dễ không một nhà văn nào cho thấy sự rõ mỗi con chữ được viết xuống của mình, đều có cho nó một sức nặng của chọn lựa cẩn trọng, như những trang văn xuôi ký tên Vũ Khắc Khoan.
Đọc chậm, nghiền ngẫm cõi giới văn xuôi của Vũ Khắc Khoan, tôi có cảm tưởng, trên vai mỗi con chữ của ông, thường là những vấn đề chĩu nặng nghìn cân thế sự. Đất nước.
Bất cứ ai, từng đọc “Thần Tháp Rùa” của Vũ Khắc Khoan, hẳn còn nhớ, tác giả vào truyện với hai câu văn rất ngắn, gọn:
“Năm loạn đầu hậu bán thế kỷ hai mươi dương lịch, có người trẻ tuổi họ Đỗ bán ruộng bỏ vùng quê lên Kẻ Chợ trọ học.
“Đỗ vốn thuộc lớp trung nông, thường sống bằng lợi tức ít mẫu hương hỏa cha mẹ mất sớm để lại.”
Với một số chữ cực giới hạn, họ Vũ đã không chỉ giới thiệu được một cách rõ nét, dứt khoát về nguồn gốc thân thế nhân vật. Mà, ông còn xác định độ tuổi, phương tiện mưu sinh, tầng lớp xã hội; luôn cả định hướng tương lai của nhân vật: Bỏ miền quê lên “kẻ chợ” tức thủ đô để tiếp thu kiến thức.
Thời kiểm tác phẩm “Thần Tháp Rùa” được khởi công, là những năm 1953-1954. Giai đoạn chiến tranh Việt Pháp đi đến chỗ chấm dứt.
Phe Cộng Sản được coi là chiến thắng với biểu tượng cụ thể, sau cùng: Chiến thắng Điện Biên Phủ. Phe chiến thắng được các thế lực quốc tế chia cho một nửa Việt Nam, tính từ vĩ tuyến 17 ngược tới Ải Nam Quan. Phe thua trận, Quốc Gia, được trao phần còn lại, tính từ bên này sông Bến Hải, tới mũi cà Mâu.
Ở miền Bắc, thời điểm đó, theo chủ trương của nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội, vấn đề giai cấp hay lý lịch mỗi cá nhân rất hệ trọng. Nó là yếu tố hay chìa khóa quyết định, mở vào tương lai huy hoàng hoặc đen tối của từng cá nhân.
Nhiều người hẳn chưa quên rằng, đó là thời “vàng son” của những cá nhân xuất thân từ giai cấp công, nông vô sản. Giai cấp lao động sản xuất. Họ là thành phần cốt cán, ưu tú nhất của chế độ. Ngược lại là thành phần trí, phú, địa hào. Những người không lao động, không sản xuất, ăn bám vào sức lao động của thành phần bần cố nông.
Vì thế, họ Vũ đã cố tình cho thấy nhân vật của ông thuộc giai cấp trí thức, trung nông. Giai cấp không trực tiếp lao động sản xuất, mà “sống bằng lợi tức ít mẫu (ruộng) hương hỏa cha mẹ mất sớm để lại.”
Ngay tự khởi truyện, sự kiệm lời tới khô khốc của không gian truyện, tôi nghĩ, có thể đã làm nản lòng không ít những độc giả có thói quen tìm kiếm, chờ đợi một hứa hẹn hấp dẫn về tình tiết éo le, tâm lý khúc mắc hoặc, thơ mộng, lãng mạn của truyện… Nhưng theo tôi, tính khô khốc, đặc cứng ở phần mở vào “Thần Tháp Rùa,” là một thứ thời tiết cần thiết. Nhằm báo trước, một hay nhiều trận bão, không lâu sẽ ập tới.
Để thích hợp với không gian truyện là một hòa hợp huyễn ảo bí nhiệm giữa hiện thực xã hội và quá khứ u linh. Đôi chỗ, tác giả cố tình dùng một số danh từ cổ, trộn lẫn với những dữ kiện, tin tức, nhân vật thời sự có thật…
Thí dụ, tai nạn gẫy cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn, ở hồ Hoàn Kiếm, đêm giao thừa cuối cùng, trước khi Hà Nội được bàn giao cho chính quyền Cộng sản, đã được họ Vũ khai thác, làm nền móng cho sự xuất hiện của Thần Kim Quy…
Phải chăng, cũng nhờ vậy mà, dọc theo đường bay của truyện, người đọc bắt gặp khá nhiều trang văn đẹp. Như thơ. Như tơ lụa. Vàng son quá khứ.
Tôi cho rằng, khi họ Vũ vào truyện bằng nhân vật tên Đỗ từ quê ra thủ đô Hà Nội trọ học, tựa như ông chủ tâm chọn địa bàn thích hợp nhất, để nhân vật của ông sẽ phải đối mặt, đương đầu với những nan đề lớn, nhưng thiết thân đối với thân phận trí thức, kẻ sĩ buổi giao thời.
Đó là những câu hỏi mang nặng tính thế sự. Ảnh hưởng trực tiếp đến vận mạng một dân tộc, một đất nước. Như sự tương tranh đổ máu giữa hai quan điểm vô thần và hữu thần. Những người cổ suý cho quan điểm vô thần, dựa vào khẳng định của Karl Marx, quả quyết tôn giáo là một thứ thuốc phiện, cần phải triệt tiêu! Ngược lại, những người chủ trương hữu thần, cho rằng, tín ngưỡng là một trong những quyền tự do, thiêng liêng căn bản nhất của nhân loại!
Đặc Tính Huyễn Tưởng Và Thời Sự Trong Truyện Vũ Khắc Khoan
Như ghi nhận của riêng tôi thì, mỗi truyện ngắn trong tập truyện “Thần Tháp Rùa” của Vũ Khắc Khoan là một “tuyên ngôn”của tác giả, về những vấn đề thiết thân nhất của đất nước, thời thế và, vai trò của người trí thức trong hoàn cảnh lao lung, ngặt nghèo của dân tộc.
Chính vì thế, qua nhân vật Đỗ, họ Vũ cũng đã đặc biệt nhấn mạnh tới những vấn đề mà giới trí thức, không thể không ưu tư. Thí dụ như quyền quyết định vận mạng của mình trước đường lối áp đặt của độc tài tập thể. Sự chọn lựa giữa hai quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh hay, nghệ thuật vị nghệ thuật v.v…
Tôi nghĩ, dường không một nhà văn nào, cùng thời với họ Vũ, có nhiều băn khoăn đau đáu như ông.
Bởi thế, một mặt họ Vũ mô tả nhân của mình là một người trẻ tuổi quen sống lặng lẽ, xa lánh chúng bạn, đám đông… Nhưng mặt khác lại là:
“…trong câu chuyện, nếu có ai đả động đến thời cuộc, so sánh lý thuyết nọ với lý thuyết kia, là lập tức sám nắm bước vào thảo luận, nói hàng giờ không biết mỏi. Hoặc nêu thuyết nhà Phật mà bác bỏ định đề Cơ Đốc. Hoặc đề cao tư tưởng của văn sĩ Pascal mà đánh đổ lý luận vô thần. Hoặc chủ trương giai cấp đấu tranh mà công kích những mưu mô tư bản. Hoặc lập luận tự do cá nhân để chống đối độc tài đoàn thể. Có ai rụt rè nói đến giá trị nội tại của nghệ thuật ắt Đỗ phải lớn tiếng thích nghĩa nhân sinh. Nhưng nếu có người muốn hạ văn chương xuống ngang hàng một ‘đồ thực dụng’ thời Đỗ chép miệng thở dài nhắc đến quan niệm nghệ thuật của Kant. Giọng Đỗ trầm bổng như tiếng trúc tiếng tơ, khi mau khi chậm, khi thoảng nhẹ tựa cơn gió mùa hạ, khi thiết tha như tiếng đục chạm của người dũa ngọc. Bạn bè ai cũng thấy thích tai, cho là lạ, phục Đỗ đọc rộng, biết nhiều…”
Dẫu vậy, điều đó vẫn không khu trừ được thuộc tính của một số trí thức có chung căn bệnh hiểu nhiều, biết rộng, giỏi lý thuyết, có tài lập ngôn… Nhưng ngại khổ, sợ phiêu lưu, không dứt khoát… Họ thường để rơi mình trong tình trạng thụ động, bất mãn, “trùm chăn,” sống bên lề biến động xã hội. Thiểu số khác, chờ được triệu, vời làm công bộc cho quyền lực.
Nhân vật Đỗ của Vũ Khắc Khoan hơn thế, còn bị vây khổn giữa những khác biệt căn để của hai tôn giáo lớn của nhân loại là Ky Tô và Phật Giáo. Đỗ cũng bị treo tâm trước bản chất thụ động khi thời thế nhá nhem! Không chủ động chọn thái độ tích cực trong hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước. Nói cách khác là không nhập cuộc. Chỉ lớn tiếng phê bình những biến động xã hội.
Trước tình cảnh “trên đe dưới búa” như tác giả mô tả, nhân vật Đỗ đứng giữa. Bi kịch của Đỗ ở chỗ tiến hay thối đều lưỡng nan như nhau! Cho tới thời điểm:
“Ngày nguyên tiêu (2) năm Mão, có mở Chợ Hoa. Thiên hạ tạm quên lo nghĩ, mặc áo mới, đổ ra đường nam, phụ, lão, ấu lũ lượt kéo tới ven hồ Hoàn Kiếm.
“Muốn thêm vui, viên thị trưởng họ Thẩm ra lệnh kéo lưới bắt Rùa ở hồ để người Kẻ Chợ có dịp nhìn tận mặt con vật tương truyền giật kiếm cứu quốc của vua Lê. Người hiếu kỳ xem Rùa có tới hàng vạn. Không khí tưng bừng, đây đó đèn treo hoa kết…”
Nhân dịp này, người chủ nhà trọ của Đỗ mới thúc dục Đỗ bước ra khỏi nhà cho khuây khỏa. Nể tình, Đỗ nghe theo. Nhưng không nhờ thế mà Đỗ vơi bớt ưu tư, sầu muộn về thế sự, đất nước. Gần khuya, Đỗ về lại nhà trọ sau khi đã mềm môi, quá chén. Lúc tình cờ ngang qua nơi giam giữ Rùa Thần, Đỗ nhìn Rùa và Rùa cũng nhìn lại Đỗ. Dưới ánh trăng rằm, Đỗ thấy mắt rùa như mờ lệ.
“Nhân còn say, Đỗ hỏi:
“Cũng biết thùy lệ ư?
Sự kiện nhân vật Đỗ của họ Vũ gặp, rồi ra tay cứu Rùa Thần, theo tôi chỉ là cái cớ (như một mồi lửa), để tác giả dẫn đến những biến động (chọn lựa) sau đấy. Nhưng trước khi tìm ra sinh lộ cho vai trò trí thức tiểu tư sản của mình, Đỗ (hay chính họ Vũ) vẫn còn loay hoay trong chiếc kén như bản chất thụ động, ngại phiêu lưu của đa phần trí thức:
“Đêm đó, Đỗ trằn trọc, không nhắm mắt. Định đọc sách, thì tâm thần phiêu diêu bất định, chữ múa trước mắt, nghĩa sách thoảng xuôi như cơn gió mùa xuân.
“Đỗ bèn vùng dậy, mở toang cửa sổ. Trăng tỏa đầy gác học. Trăng soi sáng bốn bề ngập sách. Sách ở bàn, ở tủ, từng chồng, từng tập, ở cả đầu giường. Quyển mở xem vội vài trang, quyển khép kín im lìm một xó tường. Mã Khắc Tư ôm ấp Lão Tử. Sartre nằm cạnh tập kinh Tân ước. Bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu cố gắng, bấy nhiêu cây mốc cắm dọc con đường tư tưởng tự nẻo xa xôi, rắn vườn Eden chưa từng bò sát cho đến bây giờ… Tựu trung, chân lý vẫn chập chờn như đom đóm lập lòe giữa bãi tha ma. Sách lặng lẽ lên bụi. Bụi sách lung linh ánh trăng nguyên tiêu…”
Giữa lúc Đỗ như con vụ quay mòng trong cơn lốc thế cuộc, không tìm ra vị trí, thế đứng cho thân phận trí thức của mình, đến độ phải buộc miệng tự than, “Thế ra ta chỉ một mình?” Thì cửa hẹp bỗng mở:
“Tại sao một mình, còn em?
“Đỗ bàng hoàng quay lại, nheo mắt không tin. Vì đúng là có một người đứng trước mặt Đỗ: một thiếu phụ, thướt tha, mặt trắng, mắt trong, da mịn, tóc mun chảy như suối xuống vai, áo màu rêu mát lạnh.
“Nàng là ai?
“Câu hỏi đã tắt ngấm trong hơi thở ấm ran. Hai vòng tay thơm ngát đã vòng quanh cổ Đỗ. Trăng sáng, môi ướt mọng chín mùi, gió xuân lọt căn gác học. Đỗ rợn người mà mê đi…”
Vầng trăng ấy, vòng tay kia, nơi gác học nọ, đã ở với Đỗ nguyên một mùa xuân. Nhưng suốt một mùa xuân, Đỗ vẫn không biết được lai lịch mỹ nhân. Mãi tới lúc duyên kỳ ngộ phải chấm dứt, Đỗ mới biết, nàng là Rùa Thần hóa thân - - Không chỉ từ thời trao kiếm cho anh hùng áo vải Lê Lợi mà, từ thời Cổ Loa với huyền truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy…!
Tới hôm nay, vẫn có không ít người so sánh tính hư ảo trong truyện (tùy bút) của Nguyễn Tuân (1910-1987), với những truyện ngắn trong tập “Thần Tháp Rùa” của Vũ Khắc Khoan.
Nếu y cứ trên văn bản, ta sẽ thấy, văn xuôi của Nguyễn Tuân là những game màu đậm đặc tính hoài-cổ. Người đọc cũng thấy đặc tính này trong “Lửa Thiêng” của Huy Cận (1919-2005). Và, rõ ràng hơn, trong bài thơ “Ông Đồ Già” của Vũ Đình Liên (1913-1987).
Theo tôi, hoài-cổ là một trong những nét đặc thù của dòng văn chương tiền chiến. Nó nối tiếp con đường thơ Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848) đã mở ra từ đầu thế kỷ thứ 19. Chưa kể, Nguyễn Tuân, giống như một số tác giả cùng thời, cùng khuynh hướng với ông, dường không quan tâm lắm tới những thủ pháp văn chương như liên tưởng, nhân cách hóa, ẩn dụ hay chủ tâm chuyên chở một thông điệp thời thế nào, khác hơn tinh thần hoài-cổ.
Trong khi Vũ Khắc Khoan thì khác. Dù vẫn chọn thể cách văn chương biền ngẫu; nhưng tập truyện “Thần Tháp Rùa” của họ Vũ lại là sự hòa quyện giữa huyễn tưởng và thời sự. Họ Vũ cũng cho thấy chủ tâm khai thác những thủ pháp văn chương ông thủ đắc. Khác biệt lớn và rõ ràng nhất là quan điểm chính trị hay, ưu tư về vị trí của giới trí thức tiểu tư sản (như ông), trước hoàn cảnh nhiễu nhương của những biến động thời cuộc.
Thông điệp nào trong “Thần Tháp Rùa” của Vũ Khắc Khoan?
Không chỉ là người trân trọng với chữ nghĩa, ông “Thần Tháp Rùa” còn là nhà văn đem đến cho văn chương, những vòng nguyệt quế làm thành bởi những tư duy, những thao thức ở tầm cỡ quốc gia, dân tộc nữa. Như trước giờ phải chia tay mà chưa biết khi nào được gặp lại, thay vì nói những lời yêu thương, nhân vật Đỗ của họ Vũ lại dùng những giây phút phù du, để hỏi Rùa Thần về thiên mệnh của dân tộc:
“…Ở đây rồi sẽ ra sao?
“Nàng cười mà không trả lời.
“Gặng hỏi thì nàng đáp:
“Biết làm sao được?”
Dù bị Rùa Thần từ chối, Đỗ vẫn một mực khăng khăng xin được nghe… Trước tấm lòng quá đỗi ưu tư, thiết tha muốn biết về tương lai đất nước của Đỗ, cuối cùng, Rùa Thần đành phải mở lời:
“Trước kia em cũng lầm tưởng như chàng nên mới hủy bỏ công tu luyện mà ra công giúp đỡ Thục Vương. Ấy thế mà rồi cũng hỏng cả… Nỏ thần dù mầu nhiệm, nếp xoáy Loa Thành có hiểm trở nhưng người đứng đầu không vững tay sử dụng thì đại sự vẫn không thành… Nhân sự thật là phức tạp…”
Mượn lời Rùa Thần, tác giả nhắc nhớ thực tế của dân tộc, với hiệp định Genève chia cắt đất nước thành hai miền đối nghịch. Đó là thời kỳ dù cho tư bản hay cộng sản, tự do hay độc tài, đều nhận được sự giúp đỡ (chống lưng) của nhiều thế lực khác nhau… Vấn đề vẫn là “người đứng đầu.” Nhưng:
“…nhân sự thật là phức tạp… Thiên đình dù biết trước thời cơ cũng không lý nổi nhân sự” (!)
Qua ẩn dụ là những giãi bày mang ý nghĩa tạ tình, trả nghĩa của Rùa Thần, người đọc có thể hiểu họ Vũ muốn nhấn mạnh “kiếm thần,” “Loa Thành” hay “nỏ thần”… là những trợ giúp ngoại lực, rốt ráo cũng chỉ là phương tiện. Cốt lõi của vấn đề, vẫn là:
“…chỉ sợ không vận dụng nổi…”
Tới lúc này, kịch tính của truyện, được tác giả đẩy tới mức cao nhất: Bầu trời đen tối, đang vần vũ gió mưa, bỗng chói lòa ánh chớp. Đó là lúc nhân vật Đỗ muốn Rùa Thần trao cho chàng kiếm thần để:
“Nhận trách nhiệm. Mưu đại sự.”
Diễn tiến truyện “Thần Tháp Rùa” ở khúc quanh này, khá cảm động. Khi tác giả cho thấy, tới lúc vai trò của Thần Kim Quy chấm dứt. Nàng phải ra đi. Bởi Đỗ vẫn chưa gột bỏ được thói quen (hay căn bệnh) đặt lý tưởng cứu nước, mưu đại sự vào sự giúp đỡ của ngoại lực mà, “kiếm thần” là ẩn dụ. Vì thế, đó cũng là lúc dù cảm thông, tin yêu, Rùa Thần cũng phải nói lời ly biệt!
“Dứt lời, gió đột nhiên tự bốn phương ào ào đưa lại. Vòm trời đen kịt nhằng nhịt ánh chớp. Căn gác rung lên cùng tiếng sấm vang dậy.
“Thần Kim Quy tái mặt vùng dậy:
“Trời ơi!
“Đỗ cũng hoảng hốt xô lại định giơ tay đỡ, nhưng nàng đã rú lên:
“Đừng, đừng chạm vào em! Em không còn là em nữa đâu!
“Trước mắt Đỗ, Thần Kim Quy…lần lần lộ nguyên hình.
“Đỗ thổn thức nói:
“‘Đừng quên nhau…
“Ánh chớp sáng loáng mai rùa, long lanh ngấn lệ. Thần Kim Quy gật đầu rồi từ từ bò khuất vào giữa cơn bão gió đen kịt đêm tàn xuân. Đỗ gục đầu vào thành giường mà khóc cho đến sáng…”
Một lần nữa, biệt tài trộn lẫn hư/thực lại được họ Vũ hiển lộng một cách ý nghĩa khi ông mô tả, hôm sau, bão dứt. Nắng lên. Thị dân Kẻ Chợ xôn xao không biết điềm trời cát/hung ra sao mà:
“…Cá hồ Hoàn Kiếm chết nổi lềnh bềnh như bèo Nhật Bản…”
Cũng từ đấy, trọn một năm, bốn mùa, Đỗ chớ hề bước chân ra phố. Chàng tự giam nhốt mình trong “gác học” của chàng. Như con sâu vùi thân, tâm trong chiếc kén mù lòa thương nhớ. Tới một đêm kia, Đỗ bỗng:
“…Cảm thấy bồn chồn, tâm linh xao động, dường như có gì đang thúc bách…”
Đó là lúc:
“…Đỗ bắt đầu thấy ngấy chữ nghĩa cổ nhân… Đỗ nhìn xuống bàn tay. Bàn tay vốn xanh xao bỗng trở nên gân guốc. Như muốn đập phá. Như muốn cấu xé. Thế rồi giữ lại cũng không kịp, hai bàn tay, mười ngón chồm lên. Khi định thần, đống sách đã nằm gọn trong lò sưởi góc phòng…”
Cuộc “phần thư” hay “đốt sách” tượng trưng cho sự phá kén thoát ra, để từ sâu hóa bướm. Hình ảnh này, cũng tượng trưng cho chọn lựa quyết liệt khai tử thói quen trông cậy vào những phương tiện ngoại thân của một số trí thức nặng lòng với đất nước…
Sự lột xác vừa kể, của Đỗ, đã bất ngờ cho Đỗ gặp lại Thần Kim Quy, biểu tượng xác tín của một chọn lựa tuy khó khăn, đau đớn. Giống như kẻ tự cắt bỏ cục bướu thụ động, ngoại khổ, bo bo giữ gìn, bảo vệ cá nhân mình. Đó là một chọn lựa lột da. Một chọn lựa bật máu. Chọn lựa rời bỏ tháp ngà (lý thuyết) để bước vào hành động. Chọn lựa ấy, của nhân vật Đỗ, trong truyện “Thần Tháp Rùa” của họ Vũ, cũng có thể ví như khởi đầu của một cuộc cách mạng bản thân, qua phân giải của Thần Kim Quy:
“Chàng khổ tâm vì trong cái thế tranh hùng Hán Sở, không biết đâu là nơi dụng võ. Một đằng là búa đập xuống đe, một đằng là đe nẩy lửa. Một đằng là kẻ có tiền, một đằng là hoàn toàn tay trắng. Nhập vào đâu cũng chỉ là nhất thời. Đứng ở đâu cũng là mượn tạm đất đứng (…)
“Lý ưng ra, chàng phải nhập vào bọn áo vải vì thật tình sản nghiệp của chàng không một tấc đất cắm dùi. Nhưng cái khổ của chàng là những uẩn khúc tâm tư, nhằng nhịt, dọc ngang như thế bàn cờ…”
Và cuộc đối thoại hay cật vấn chính mình của nhân vật Đỗ, như một tra hỏi cuối chót:
“Vậy đốt sách đi…”
“Đốt được nhà… nhưng sao đốt được sách? Chàng còn nhớ cuộc phần thư thủa bắt đầu xây dãy Trường Thành? Càng đốt sách, nghĩa của chữ lại càng trong treo, dễ vút lên cao, dễ lan ra rộng… Họ Tần đốt sách Khổng Khưu vậy mà cái lý Tam Cương của người nước Lỗ đâu có bị hỏa thiêu cùng sách?”
“Thế ra đốt sách…”
“Là một chuyện cần vì đối với chàng, đó là một hành vi quyết định…”
Và, với một trí thức, một kẻ sĩ thời tao loạn, khi chọn lựa đã quyết thì:
“…Năm Thìn, đêm trừ tịch, cầu Thê Húc tự nhiên sụp đổ. Người Kẻ Chợ đi xin lộc đền Ngọc Sơn ngã xuống hồ không biết bao nhiêu mà kể. Thiên hạ xôn xao. Có người cho là Thần Rùa báo oán việc xưa. Có kẻ nghi là điềm gở, tính việc bán nhà mà bỏ vào Nam.
“Lúc sửa lại cầu, viên đốc công thấy chân cầu tuy gẫy mà gỗ vẫn tốt nguyên. Duy chỗ gẫy như có vật sắc phạt ngang, ngày đêm rỉ nhựa đỏ lòm như máu. Nói lại, ai cũng cho là lạ. Kẻ bàn, người tán, không biết ra sao.
“Có người biết Đỗ, tìm đến tận nơi định hỏi. Nhưng cũng giữa đêm trừ tịch, Đỗ đã bỏ kinh thành biệt vô âm tín.” (Vũ Khắc Khoan, 1954).
Tính hư / thực trộn lẫn trong truyện “Thần Tháp Rùa” của Vũ Khắc Khoan, không chỉ như ngôi nhà mở rộng. Mỗi lần đọc lại, đều cho người đọc một cảm nghiệm khác, tùy trình độ…
Với tôi, “Thần Tháp Rùa” là một “tuyên ngôn”, một “thông điệp” minh bạch, quyết liệt nhất của họ Vũ đối với thế sự, đất nước. Khi ông chủ trương, vai trò của giới trí thức tiểu tư sản (chiếc cầu nối giữa hai cực vô sản và tư bản) là:
-Phải chọn lựa. Chọn lựa, để đi tới hành động.
Nếu có thể nhìn quan điểm này, như một triết lý thì, đó chính là triết lý sống của Ông-Thần-Tháp-Rùa vậy.
Thoại Kịch, Một Đóng Góp Tài Năng, Trí Tuệ Khác Của Vũ Khắc Khoan
Nếu sức nặng của tư tưởng được nhà văn Vũ Khắc Khoan đặt trên đôi vai của từng con chữ trong cõi-giới truyện ngắn của ông thì, khi bước qua lãnh vực kịch, sức nặng đó lại được đặt trên từng đối thoại giữa các nhân vật. Vì căn bản của một vở kịch thoại kịch là lời nói. Nên, chỉ bằng vào đối thoại, người nghe/ xem mới thấy được tâm trạng mỗi nhân vật. Thoại kịch “Thành Cát Tư Hãn” (TCTH), của họ Vũ là một điển hình, và, cũng là một viên ngọc trong kho tàng kịch nói Việt Nam.
Do đấy, nhắc tới kịch Vũ Khắc Khoan, chính là nhắc tới một thành tựu khác của tài năng và trí tuệ của nhà văn ngoại khổ này.
Ngược thời gian ta thấy, không phải mãi sau này mà, họ Vũ đã rất sớm đạt được vinh quang trong lãnh vực kịch. Cách đây hơn sáu thập niên, cụ thể là năm 1949, tại Nhà hát lớn Hà Nội, vở “Giao Thừa” của ông được chọn để công diễn. Ở thời điểm đó, một vở kịch được Nhà Hát Lớn Hà Nội chọn để trình diễn là niềm mơ ước của hầu hết các kịch tác gia. Đó là tấm bằng xác nhận tài năng, tựa như “cá vượt vũ môn” vậy.
Thoại kịch hay bi kịch “Thành Cát Tư Hãn” (3) của nhà văn Vũ Khắc Khoan viết về (dựng lại) một giai đoạn của Đại đế Thành Cát Tư Hãn, nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi của người Mông Cổ.
Trong vở “Thành Cát Tư Hãn” (TCTH),kẻ reo rắc kinh hoàng cho rất nhiều quốc gia từ đông qua tây, được tác giả chọn danh hiệu “Đại Hãn,” rút từ cụm từ “Đại Đế Thành Cát Tư Hãn,” suốt chiều dài kịch bản. (4)
Theo ghi chú của tác giả trong “Màn giáo đầu” thì thời gian là tiền bán thế kỷ thứ XII. Không gian là một quán nhỏ “…ở thượng lưu sông Hoàng Hà, nơi gã ba biên giới Tây Hạ và những con đường sa mạc mênh man, quán tạm trú của khách bốn phương dừng chân sửa soạn những cuộc viễn hành.” Từ cái quán heo hút, trơ vơ này, không gian kịch không chỉ mở rộng tới bản doanh của Đại Hãn mà, nó còn phóng chiếu tới những không gian bạt ngàn. Nơi vó ngựa đại quân Mông Cổ của Đại Hãn từng đi qua như những cơn lốc, những tai họa lớn. Hàng ngàn, hàng vạn con người, như cỏ dưới vó ngựa của quân sĩ Đại Hãn. Từ điểm khởi vô danh, một quán bên đường, như một hạt bụi vô nghĩa, rớt sau vó ngựa Đại Hãn, là điểm gặp gỡ của 4 nhân vật: Chủ quán và, ba người viễn khách. Tất cả đều vô danh. Như sự vô danh, không mặt mũi của đám đông quần chúng sâu bọ bị thống trị!
Những hỏi, đáp dè dặt, phản ảnh tâm lý đám đông. Lớp người phập phồng sống trong bầu không khí khủng bố, giết chóc bởi quyền lực thống trị mù lòa. Nhưng cũng qua những mẩu đối thoại có tính dò xét… “quan điểm,” “lập trường” của đối nhân, những kẻ bị trị sẽ mau chóng nhận ra thù/ bạn.
Vì thế, trước khi diễn biến kịch tiến tới tâm bão, là sự chiếm ngự sân khấu của Đại Hãn - - “Thượng đế trên vó ngựa,” họ Vũ cho thấy ông nắm vững phản ứng tiêu cực của đám người bị trị là thích nói, nghe những tin đồn liên quan tới kẻ thù của họ. Trong “Thành Cát Tư Hãn” của Vũ Khắc Khoan, là những tin đồn về cái chết của Đại Hãn. Trả lời câu hỏi ai giết Đại Hãn của ông chủ quán, người khách đầu tiên nói:
“ ‘Cổ Tướng Quân, Cổ Giã Trường đâm chết Đại Hãn.’
(Người viễn khách thứ hai hân hoan xác nhận):
“ ‘Đúng đó. Toàn dân Tây Hạ nổi lên, vây chặt trại quân Mông Cổ ở ngoại ô Tây Hạ. Cổ Giã Trường một mình một ngựa vượt qua hàng ngàn mũi tên, hàng ngàn ngọn mác…Xông vào lều Thành Cát Tư Hãn, vung kiếm…’.”
(Nhưng, người viễn khách thứ ba, bất ngờ lại chuyển mơ ước, niềm tin về một nguồn gốc khác):
“ ‘Sao tôi lại nghe nói Giang Minh , Công chúa Tây Hạ, người yêu của Cổ Giã Trường, bị Đại Hãn bắt vào lều của hắn. Giang Minh đã ám sát Thành Cát Tư Hãn?’ ” (trích TCTH.)
Những đối thoại mắt xích này bị khựng lại bởi sự xuất hiện của viễn khách thứ tư. Một thanh niên bị mù:
“Người thanh niên sờ soạng, đặt khăn gói và gậy xuống đất, rồi ngồi xuống. Ánh lửa hắt vào khuôn mặt hốc hác: vầng trán cao nhưng móp, đôi mắt chỉ còn là hai lỗ đen, sâu hoắm, miệng héo hắt, mỉa mai. Người thanh niên không đẹp nhưng khác thường.” (Trích TCTH).
Chỉ với chừng đó mô tả, họ Vũ đã báo trước sự “khác thường” của nhân vật, cũng là nguồn dẫn tới tâm bão. Đó là sự thuật lại một cách tỉ mỉ những đối thoại, cùng mọi diễn biến nơi căn lều của Đại Hãn, ở ngoại thành kinh đô Tây Hạ.
Qua nhân vật thanh niên mù (sau này, người đọc/ xem kịch sẽ nhận ra rằng, đó chính là Sơn Ca, em ruột Cổ Giã Tràng - - (Nhân vật phản diện, không hề xuất hiện trên sân khấu. Như bóng ma ám ảnh Đại Hãn...) Đồng thời, Sơn Ca, cùng công chúa Giang Minh, người yêu của Cổ Giã Tràng, cũng là hai nhân chứng về cái chết của Đại Hãn.
Không gian kịch kể từ lúc này, không chỉ có một đỉnh điểm mà, như những đợt sóng lớn tiếp nhau nhấn chìm sân khấu bởi nhiều bất ngờ: Sự hiện ra của Đại Hãn. Một bạo chúa. Người gồm thâu thiên hạ. Kẻ thay thế thượng đế ban sống, chết cho hết thẩy mọi sinh linh! Tuy nhiên (vẫn qua đối thoại,) ở mặt khác, Vũ Khắc Khoan lại cho thấy: Bất cứ bạo chúa hay một kẻ độc tài nào, trên thực tế, đều không thủ đắc quyền lực vô hạn. Y vẫn bị giới hạn bởi một số khuyết tật… bẩm sinh nơi mỗi con người. Cũng vậy, Đại Hãn. Ông ta đã bị ít nhất hai giới hạn:
Trước nhất, là sự “không biết chữ” hay “không coi trọng chữ nghĩa” của kẻ bước lên đỉnh danh vọng bằng chém giết. Vì thế, rốt ráo, ông ta vẫn chỉ là một con vật, sống bằng bản năng. Bản năng sinh tồn:
“… À, mà ta cũng quên chưa nói, ta không biết chữ! Đối với ta một cuốn sách quý là một cuốn sách trắng tinh, không chữ. Một cuốn sách yên lặng. Yên lặng và bát ngát như đêm nơi sa mạc. Yên lặng như một người đàn bà đẹp phục tòng…” (Trích TCTH).
Thứ đến, dù nắm trong tay loại quyền lực gây run sợ cho cả người lẫn thú, nhưng là kẻ vô học nên, cũng có lúc bạo chúa bị mù lòa trước bản năng tính dục. Đó là lúc bạo lực như bọt nước, tan chảy trước nhan sắc, một thứ “chiến lợi phẩm!” Tuy nhiên, oan nghiệt thay, “chiến lợi phẩm” nhan sắc ở đây, lại chính là nhan sắc của công chúa Giang Minh. (Người yêu kẻ tử thù của Đại Hãn). Và, cuối cùng, chính Giang Minh (không phải Cổ Giã Tràng) đã kết liễu mạng sống của kẻ vô học, không nhân tính ấy.
Như đã nói, nhắc tới kịch Vũ Khắc Khoan, chính là nhắc tới một thành tựu khác của tài năng và, trí tuệ của nhà văn ngoại khổ này. Đồng thời, bất cứ vở kịch nào của ông, dù được viết cách đây hằng nửa thế kỷ, vẫn là những tấm gương soi rọi, phóng chiếu phần sâu kín nhất của con người. Luôn cả những phần chúng ta muốn lẩn tránh.
Du Tử Lê,
(Jan. 10-2012)
___________
Chú thích:
(1) Nhà văn Vũ Khắc Khoan sinh ngày 27 tháng 2 năm 1917 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp kỹ sư Canh Nông sau khi đã theo học Y Khoa 2 năm. Tuy nhiên, ông chỉ hành nghề kỹ sư một thời gian ngắn, rồi chuyển hẳn qua nghề dạy học. Tập truyện “Thần Tháp Rùa” của ông do nhà Nguyễn Đình Vượng, Saigon, xuất bản lần thứ nhất năm 1957.
(2) “Nguyên tiêu” là ngày rằm tháng giêng Âm lịch.
(3) “Thành Cát Tư Hãn,” Vũ Khắc Khoan, kịch nói, Quan Điểm xuất bản, Saigon, 1961.
(4) Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở (Wikipedia), Thành Cát Tư Hãn, có tên gọi là Thiết Mộc Chân, sinh năm 1162; mất ngày 18 tháng 8 năm 1227. Người sáng lập Đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng đông bắc châu Á năm 1206. Tới nay, cái chết ông vẫn còn là một bí ẩn, chưa có lời giải đáp thỏa đáng.