Lê Minh Hà: Nam Cao Thời Đại Hiện Đại.

05 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 22060)
Lê Minh Hà: Nam Cao Thời Đại Hiện Đại.


le_minh_ha__hinh__pp-1-content-content


Chỉ vài năm, kể từ những truyện ngắn đầu tiên, xuất hiện trên các tạp chí như Văn Học, Văn, Hợp Lưu, xuất bản tại Hoa Kỳ, Lê Minh Hà đã mau chóng trở thành một tên tuổi chói, gắt với một thế giới mà, nếu cô không phá bung được bức màn sắt phá bung,... (thì,) những người ngoại cuộc, khó có thể tưởng tượng được, rằng, giữa cộng đồng nhân loại hôm nay, đã có những cảnh đời, như thế, hiện hữu. Cảnh đời của những con người được chế độ Cộng sản Việt Nam "xuất cảng" như họ đã và đang xuất cảng "nước mắm, tôm khô, cá khô, củ kiệu" vân vân...

Đó là những cảnh đời Việt Nam được mặc, khoác nhãn hiệu "trao đổi lao động"; mà thực chất chỉ là một thứ ở đợ, một thứ tôi mọi, trong thời đại mới.

Cùng với sự sụp đổ của bức tường Bá Linh, tháng 11 năm 1989, Lê Minh Hà, bằng ngòi bút của cô, đã phá vỡ những bức màn sắt kín bưng để ánh sáng nhân bản rọi chiếu tới cảnh đời thuộc thế giới những con người, như những con vật lao động, "được...xuất cảng" qua Đông Âu. 

Cũng nhờ đôi mắt người chứng, đôi mắt nhà văn của Lê Minh Hà, thể hiện qua ngòi bút châm biến lạnh dưới không độ của cô (mà,) người ta được biết, không phải ai cũng có thể được đưa vào danh sách "xuất cảng lao động!"

Ngòi bút Lê Minh Hà điềm nhiên, nhẩn nha tới độ có thể làm người đọc chảy nước mắt, khi cô ghi nhận những sự kiện từng bước chân trong hành trình tôi mọi của lao công thời đại mới. Từ giai đoạn chạy chọt, hối lộ, thậm chí bán vợ, đợ con, để được vào danh sách "lao động xuất cảng;" tới những hoạt cảnh phũ phàng khi những kẻ được coi là "may mắn," bắt đầu cuộc sống bán sức lao động nơi xứ người.
Không có những truyện ngắn, như những bản cáo trạng nghiêm khắc của Lê Minh Hà, chúng ta sẽ không thể tưởng, nghĩ rằng, những kẻ được coi là "may mắn," "thành phần được ưu đãi" của chế độ cộng sản kia, có thể là một chị cán bộ, một anh sinh viên, hay một giáo sư, một bác sĩ, một kỹ sư,... sau khi đến xứ sở họ được "xuất cảng" tới, lại là đời sống của một con vật đi bằng hai chân.

Trước đây, nếu trong khuynh hướng văn chương xã hội tả chân, chúng ta có một Nam Cao, một Vũ Trọng Phụng, thì ngày nay, chúng ta hân hoan (hay chua xót) có được một Lê Minh Hà!

Trước đây, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, bằng ngòi bút của họ, đã mạnh mẽ, quyết liệt tố giác thủ đoạn trấn lột kẻ bị trị một cách đê tiện thực dân Pháp. Nhưng, dẫu sao, người ta vẫn còn có thể hiểu được. Bởi vì, đó là ngoại nhân. Đó là lẻ xâm chiếm, đô hộ.

Nhưng, ngày nay, cũng qua văn chương, với Lê Minh Hà, người đọc sẽ bao lần đau xót, xấu hổ, tủi nhục hơn, khi kẻ trấn lột và kẻ bị trấn lột lại có cùng một mầu da, một giòng giống, một chủng tộc.
Phải chăng, vì thế, khi viết về cảnh giới văn chương Lê Minh Hà, Võ Phiến đã ghi nhận:

"Chị bình tĩnh, mà rất tinh. Chị nhìn vào đâu, cuộc sống ở phía ấy nó giật mình, luống cuống. Nó tự thấy có gì thất thố, hớ hênh. Lũ chó đêm đêm sủa mưa đầu ngõ, con chim lợn kêu eng éc giữa khuya trong khu phố, cái mùi nhàn nhạt lờm lợm vãn cuộc ái ân trong gian phòng chật người tỵ nạn bên Đức, v.v..., trước và sau cái nhìn của chị những cái nọ vẫn còn đấy. Nhưng chị bắt gặp, nó bối rối liền. Chị không nói gì nhiều, nhưng cuộc đời nó buồn hiu. Nó chợt thấy mình nhếch nhác...."

Cùng một cảm quan với Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, viết:

"Những truyện ngắn 'hiền khô' của Lê Minh Hà gây kinh ngạc và tạo cảm giác lâng lâng dài lâu trong tôi sau khi đọc xong. Có thể nói nếu những nhà văn khác như Thế Giang, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm thị Hoài, Bảo Ninh... thuộc dòng 'văn chương vết thương', thì Lê Minh Hà thuộc dòng 'văn chương vết rạn'. Văn của chị không có tiếng nổ, tiếng gào thét xung phong hay tiếng rú đớn đau. Chỉ có những lời thì thào, những tiếng nấc nghẹn, những nỗi đau âm thầm..."

Trên tất cả mọi nhận xét, mọi ghi nhận của văn giới, người đọc Lê Minh Hà, ngay nơi những truyện ngắn thứ nhất, đã nhìn thấy họ Lê, như một Nam Cao của thời hiện đại.

Trên tất cả mọi nhận xét, ghi nhận của văn giới, ngay nơi những truyện ngắn thứ nhất của Lê Minh Hà, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, đã nhìn họ Lê, như một thành phần nguy hiểm cho chế độ. Họ đánh giá, họ phân, định Lê Minh Hà vào một lớp, loại khác hơn Dương Thu Hương, khác hơn Nguyễn Huy Thiệp...

Cách gì những Dương Thu Hương, những Nguyễn Huy Thiệp vẫn nằm trong phong tỏa, kiềm chế của nhà nước.

Cách gì, những Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp cũng vẫn là những con kiến bò trên miệng chảo.

Lê Minh Hà, không phải vậy.

Dù Lê Minh Hà, cũng như những nhà văn cùng thời với cô, cũng được sinh ra, lớn lên trong lòng chế độ cộng sản.

(Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn đại học Sư Phạm Hà Nội I, năm 1983. Mãi tới năm 1994, cô mới theo chồng xuất cảnh theo diện "Xuất cảng Lao động, và hiện cư ngụ tại thành phố Lingurg, Tây Đức.")

Cách gì, chí ít, cũng cho tới ngày hôm nay, Lê Minh Hà vẫn là cánh chim tự do.

Hoàn cảnh vẫn cho phép Lê Minh Hà lương thiện, trực tiếp soi rọi lương tâm mình trong tấm gương đời sống.

Lê Minh Hà không phải vay, mượn những trái khói mầu, mang tên ẩn dụ, mang tên dữ kiện lịch sử, kể cả thần thoại, huyền sử, để dỗ dành ngòi bút, phủ dụ lương tâm. 

Hoàn cảnh cho phép Lê Minh Hà cất được tiếng nói mà những người cầm quyền hôm nay ở Việt Nam không muốn nghe, nếu không muốn nói là khiến họ phải căm giận.
 
Hôm nay, ở đây, chúng tôi trân trọng kính mời quý độc giả đọc lại truyện ngắn "Có Chồng," trích trong tập "Gió Biếc" của họ Lê, một thứ Nam Cao thời hiện đại.

 
Có Chồng

 
Vậy là ả có chồng. Chồng - ấy là cái mà từ thuở hai mươi ả không bao giờ mong có.

Một đôi giày cao gót kiểu mới đua chị đua em; một thỏi son có thể kín đáo quẹt lên môi cho môi hồng lên mà mọi người không biết... Ả có thể mong có những thứ ấy, thiết tha mong trong một ngày xa xôi nghèo khó nào đấy. Nhưng chồng, muốn có chồng, tuyệt nhiên không! Ấy là vì ả biết mình. Gái ngoại thành, từ bé đã phải cấy phải gặt phải gánh phải gồng, người cứ bè bè. Nhớn nhao một chút, thoát ly đi làm ở xí nghiệp dệt khăn mặt khăn tay, cũng suốt ngày đi. Có ai đó đã tính rằng một công nhân đứng máy dệt như ả mỗi ngày đi hết một đoạn đường ba mươi hai km. Đi thế, bắp chân to ra, bàn chân cũng to ra. Tướng người ấy giá đi với một gương mặt tròn tròn, ưng ửng hồng từng lúc thì có khi còn được coi là có dáng phúc hậu. Đằng này... Những ai ai mỏng mày hay hạt, chứ còn ả, mặt đã mỏng, lại choắt như hai ngón tay úp chéo. Cái vệt duy nhất đầy đặn trên mặt ả là cái mũi. Sao mà nó to!

 Khi còn trẻ, mười tám đôi mươi, ả cũng có lúc mong thầm cho mình có duyên có phận. Ừ! Biết đâu! Biết đâu! Nồi méo vung méo xoay quanh cũng vừa. Nhưng chẳng thấy ai là đàn ông trêu ả, trừ mấy ông làm công đoàn ở xưởng. Mà họ đùa thế nào chứ: "Cô Hoài bao giờ báo cáo với tổ chức để công đoàn đứng ra đấy? Ấy, đám cưới của cô thì chắc là đông lắm!". Một thằng thợ đi qua ngứa mồm: "Chứ lại chả đông! Con em lúc đó khéo cũng có con rồi. Thế nào em cũng bảo nó đưa con đến mừng bà trẻ". Ả tủi lắm. Nhưng vẫn cười: "Ừ! Khi nào chị có phúc có phận, chị mời hết cả ngũ đại đồng đường nhà em".

 Vào xí nghiệp từ hồi mười tám, nhoáng cái nhìn quanh đã chẳng còn mấy người để ả gọi anh xưng em. Ả biến thành "chị ấy", "bà ấy" nơi cửa miệng thiên hạ lúc nào không biết. "Bà ấy tính cũng quái như người". "Người đâu xấu người, xấu nết, xấu đến cả c...". Người ta cứ nửa đùa nửa thật nửa thương nửa ghét ả như thế. Nào ả có làm gì ai! Một thân một mình ở giữa một khu tập thể quanh năm suốt tháng ồn ào tiếng mẹ trẻ réo con, tiếng chồng đay vợ ban ngày, tiếng rúc rích ban đêm sát liếp, ả đâm thù ghét cái hạnh phúc thực ra rất lem nhem mà thiên hạ bày trước mắt. Ả thành người đi sớm về muộn; thành chiến sĩ thi đua năm này qua năm khác. Người ta đâm ngại ả. Cái sự chăm chỉ quá đáng của ả, cả cái mác chiến sĩ thi đua kia nữa làm cho người ta mất thoải mái lúc tranh thủ uống ấm chè hay hóng hớt nhau trong giờ làm việc.

 Nói vậy chứ cái mác chiến sĩ thi đua đã giúp ả một cú quyết định. Ấy là vào lúc xí nghiệp lấy danh sách đi hợp tác lao động quốc tế. Đi Đức hẳn hoi. Ả lên gặp giám đốc, nài: "Anh ưu tiên em vào danh sách đợt này". Ông giám đốc - người đã có thâm niên hai mươi năm ngồi ở nhà máy trên cái ghế này, người vẫn bị phó giám đốc dè bỉu một cách có vẻ đầy thiện ý: "Hơ. Ông ấy trông đúng là trẻ thật, chứ tuổi thì... chỉ hơn sáu mươi chứ sáu mươi thì làm gì đến" - cười: "Cô là nòng cốt ở xí nghiệp này, phải phấn đấu trở thành cán bộ kế cận chúng tôi chứ. Để cô đi thế nào được". "Em chữ nghĩa bổ túc ban đêm chẳng có là bao. Mà em tính đã làm cán bộ kế cận thì chỉ kế cận anh thôi. Nhưng làm sao thay được người như anh". Thêm đôi lần quà cáp nhỏ to với bà vợ ông giám đốc lúc đó đang là phụ trách nhà ăn, thế rồi ả lên đường.

 Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Ả nghiệm ra các cụ thật chí lý. Người ta mất hết của cải, liều thân chôn mình trong hàm cá trên đường vượt biển. Ả chỉ một bước là đã thoát sang bên kia, sang hẳn Tây Đức. Cũng là dòng đời đẩy đưa. Bức tường Berlin sụp đổ, đầu tiên là bọn ả đi xem, nhân thể mua về bên Đông những là gạo là nước mắm là bánh phở - những thứ người Việt đi hợp tác lao động quốc tế phải chịu thèm chịu nhạt. Rồi thì sang tị nạn, "xem nó ra sao", "ngồi không trong trại lĩnh tiền tiêu vặt còn hơn lương cu li ở Đông Đức trước chả hơn à". Và khi có chế độ mới cho tỵ nạn vốn xuất thân thợ khách thì ả xin nhận lại Pass, ra khỏi trại đi làm.

 Những ngày làm thợ ở Đông Đức, những ngày tỵ nạn bên Tây, ả đã dự bao nhiêu là đám cưới của anh chị em người Việt. Có những đôi đúng là đũa lệch, chồng trai tơ vợ nạ dòng, chồng thành phố vợ nhà quê một cục ăn cơm mắm môi cầm đũa và suỵt soạt. Ả chẳng mong ước gì, nhưng có lúc cũng lạ lùng thấy mình chờ một câu đùa nhạt của chị em: "Đến bao giờ bọn em được giúp chị Hoài đây?" rồi, "Ông ấy... ông ấy cứ hỏi thăm chị mãi"...

 Rồi thì vẫn thế. Ả vẫn một mình trong cái Wohnung hai phòng sau mỗi buổi từ hãng trở về. Một thân một mình, phải tự lực tất tần tật. Phải có ô tô. Thì ả đã có ô tô. Thỉnh thoảng đến nhà mấy đứa cùng chạy từ Đông Đức sang, nhìn chúng nó hú hí với chồng con và nghe những câu đùa nhạt như sữa dành cho người ăn kiêng, lại muốn về nhà bật ti vi cho có tiếng người... Ả vẫn như xưa, chẳng ai để ý, chẳng ai muốn giúp đỡ dù ả đúng là đàn bà.

 ***

 Nhưng bây giờ ả đã trở thành cần thiết cho một người. Chồng ả. Một tấm chồng ra chồng. Có bằng bác sĩ ở nhà. Cái ấy là đồ trang sức tuyệt vời cho mấy anh đàn ông tỵ nạn đang phải rửa bát trong quán Tàu. Chàng trước đã vợ con và chẳng thể nào lo nổi cho vợ con bằng đồng lương bác sĩ bệnh viện huyện. Chàng quyết làm kinh tế. Nước Đức thống nhất là vùng kinh tế mới tuyệt vời. Đời phải có lúc hèn. Thì đã hèn rồi. Không sợ. Đời phải có lúc liều. Thì đã liều rồi. Vợ chồng chàng bàn nhau, vợ chàng đem con về bên ông bà ngoại, cái nhà cấp 4 của hai vợ chồng thì bán lấy tiền chạy cho chàng. Chàng dặn vợ: "Về ông bà có thể lâu lâu rồi các cậu các dì xì xèo, hai mẹ con gắng chịu. Vài ba năm anh về rồi đổi đời. Đổi đời. Mình sẽ xây nhà ba tầng. Để hẳn tầng một anh mở phòng khám. Phục vụ tận tình, trang thiết bị đàng hoàng, giá rẻ, chẳng hút hết bệnh nhân từ bệnh viện huyện ấy à. Vào đó nào có ít tiền đâu mà bị hạch cho lên bờ xuống ruộng. Mình có làm thế thì mới để được phúc lộc cho con...".

 Cái sự toan tính của người đang hy vọng thật dễ nghe. Nhưng cả người ở lẫn người đi đều không biết rằng sự làm giàu ăn vào cái số. Tốt số hơn bố giàu. Chàng sang Đức, về định cư ở một làng heo hút, ra ga phải mất nửa tiếng chạy bộ, còn đi bus thì một chuyến một ngày. Hai năm trời, chàng chưa hòa vốn vé máy bay cộng tiền cho dịch vụ đưa người. Chàng không thể ngồi tính toán lẩn thẩn như anh bạn cùng phòng: "Thế này còn hơn chán vạn ở nhà. Ăn uống tiết kiệm, mỗi tháng cũng để dư ra được trăm rưởi mác. Hòm hèm cũng là một triệu ở nhà. Bằng vợ tớ nuôi lợn thành công cả năm giời". Trong trí chàng, còn nguyên vẹn hình ảnh căn nhà ba tầng chưa xây mà tầng dưới sẽ là phòng khám.

 Ả gặp chàng vào dịp ấy. Sau đó thì ả biết là chàng lúc đó đã sắp phải lên máy bay hồi hương lúc nào không biết. Sau đó thì một cô em họ của chàng thầm thì: "Hay là chị giúp anh ấy. Khổ! Hồi đi, thật anh ấy cũng chỉ nghĩ đi cứu vợ cứu con. Nay tiền vào không thấy mới chỉ thấy tiền ra. Mà về thì sợ. Gì thì gì cũng là thằng trí thức vượt biên, khéo về đã chẳng lo gì được cho vợ cho con mà vợ con còn bị lụy".

 Cái sự "giúp" ấy ả nghe hiểu ngay. Nghĩa là làm đăng ký kết hôn với nhau và chàng sẽ được ở lại. Ấy là một dịch vụ đang sôi nổi trong cộng đồng người Việt, giá dao động từ mười bảy đến hai mươi nghìn mác.

 Cô em họ của chàng lại thầm thì: "Anh ấy ở ngần ấy năm không có việc làm, cũng chẳng móc đâu ra tiền. Nếu chị có lòng, bọn em sẽ dồn tiền giúp anh ấy theo giá chị định. Rồi khi có Pass anh ấy được chuyển vùng, được đi làm thì cũng chả mấy nỗi... Mười bảy ngàn được không chị?".

 Ả không nhận đồng nào của chàng. Thành thử cuộc hôn nhân giữa ả và chàng đâm ra làm cho cả hai bối rối. Nó chẳng ra thật chẳng ra giả. Nó thiếu cái sòng phẳng cần có trong mọi dịch vụ, nó thừa cái lương tâm thời buổi này chẳng ai tin. Mà ả thì thật lòng. Ả nghĩ tới cái tương lai gần của một gia đình sắp sum họp: Chồng bác sĩ mất việc; vợ giáo viên cấp hai kiêm bán xôi sáng; Thỉnh thoảng công an tới gọi chồng lên đồn hỏi về những việc đã làm khi ở lại nước ngoài trái phép; người vợ và đứa con sẽ nhớn nhác; người chồng thì buông xuôi...

 Ả nhận lời kết hôn với chàng. Biết là một trò chơi. Vậy mà lúc đứng trước nhân viên của Phòng đăng ký kết hôn ả bất chợt bồi hồi... Rồi ả mơ màng. Dù thế thì cũng rấr ít khi ả dám nghĩ về đêm đó. Chàng xách vali về Wohnung của ả. Ả đã tính với chàng như thế. "Anh cứ ở tạm nhà em. Vùng này dễ kiếm việc, có Pass rồi thì xông đi làm ngay. Rồi anh kiếm chỗ ở khác sau. Làm sao cuối năm có một khoản gửi về cho chị ấy nuôi cháu. Rồi cũng phải có một khoản khác để chị ấy mua lấy một căn nhà, bằng cái nhà cũ đã bán đi cũng được. Chứ lấy chồng rồi mà lại mang con về nhà cha mẹ đẻ khi các em đã nhớn thì cũng rách việc lắm". Chàng nhìn ả biết ơn. Hôm đó đi làm về, ả không đi loăng quăng cửa hàng cửa họ mà về làm cơm ngay. Cơm cá kho, rau muống luộc qua rồi xào tỏi, nước vắt chanh. Ả ăn ngon như chưa bao giờ ngon thế.

 Đêm đó, ả trở thành đàn bà. Đàn bà khi ả ba bảy tuổi...

 ... Chàng không dám nhìn thẳng ả từ đêm đó. Đôi lúc ả có cảm giác ánh mắt chàng lướt qua mình. Ả không hiểu nổi chàng nhờm tởm ả vì ả quá xấu? Hay chàng nhờm tởm chính bản thân chàng? Chàng ân hận?

 Nhưng "chuyện đó" thỉnh thoảng vẫn tái diễn. Và không hiểu sao, lòng ả muốn thế mà ả không thấy diệu kỳ như lần đầu. Lần đầu tiên, ả muốn rống lên như một con bò cái. Lần sau, những lần sau nữa, ả như một bó rạ. Chàng vần ả như một bó rạ, ghì siết ả như một gã nhà quê ghì buộc một bó rạ.

 Một hôm, ả đi làm về đã thấy chàng cơm nước xong xuôi. Chàng ngồi bên bàn chờ ả. Dọn xong bát đũa, chàng nói ngay, bứt rứt, bình tĩnh, về sự chàng sẽ ra đi. "Tôi biết ơn Hoài vô cùng. Hoài đã cứu cả tôi lẫn vợ con tôi. Xin Hoài đừng hận tôi. Tôi đã xin làm tả chạp, ăn ở luôn tại quán. Nếu kiếm ra, tôi xin gửi dần Hoài số tiền lo giấy tờ mà trước Hoài đã có lòng...".

 Ả há mồm. Muốn nói. Rằng chàng tính thế là tính vội. Rằng chàng có thể ở rốn thêm mấy ngày. Rằng có Pass chàng có thể kiếm việc ở hãng, chẳng nhàn gì nhưng cũng không đến nỗi đầu tắt mặt tối như làm quán. Nhưng ả không nói được. Ả cứ há mồm ra. Chắc lúc đó trông ả đã xấu càng thêm xấu. Và chắc là nhìn đần độn lắm.

 Chồng ả không về nữa. Đôi lúc ả nghĩ tới vợ con chàng. Không ân hận. Chỉ thấy thương người đàn bà kia và thương thân hơn. Chị ta và ả đều đã từng được cưới.

 Tính ra ả cũng được tới hơn mười lần gần gũi. Nhưng từ hôm kia, ả hốt hoảng vì cảm giác mình sắp có kinh. Thiên hạ sao vô tâm. Gặp ả, có người hỏi: "Thế nào, tiền cưới chồng đã đủ mở quầy ăn nhanh chưa?"

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
14 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
12 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
06 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
02 Tháng Tám 202312:00 SA(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
21 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 33253)
Bài thơ đầu tiên (?) của Tô Thùy Yên được giới thiệu trên Sáng Tạo, gây tiếng vang lớn và, dư âm của nó, kéo dài nhiều năm sau, là “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” viết tháng 4 năm 1956.
27 Tháng Tư 20239:42 SA(Xem: 5229)
Nói cách khác, theo tôi, Vĩnh Quyền nhà văn đã vượt trên chính mình. Điều không dễ với khá nhiều người cầm bút, còn lại.
16 Tháng Ba 202312:00 SA(Xem: 9082)
Người đầu tiên hăm hở xắn tay áo, bước vào lãnh vực xuất bản, giai đoạn sơ khai, là ông Đỗ Ngọc Tùng, nhà Đại Nam
02 Tháng Ba 202312:00 SA(Xem: 9905)
Tôi không rõ thời gian ở VN trước tháng 4-1975, nhà báo Ngọc Hoài Phương có làm thơ nhiều không?
18 Tháng Hai 202312:00 SA(Xem: 19297)
Nếu không kể những nhà xuất bản chuyên nghiệp như nhà Sống Mới, Khai Trí, Đồng Nai, Nguyễn Đình Vượng, hay Lá Bối, An Tiêm, Nam Sơn, Trí Đăng…thì, những nhà xuất bản được điều hành bởi các nhà văn, nhà thơ cũng đã tạo được ít, nhiều tiếng.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8634)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8342)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20707)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19611)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17923)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19109)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16789)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15987)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24313)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31733)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34784)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,