Ai là cha đẻ của cụm từ “Xin đừng gọi anh bằng chú”?

18 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 8289)
Ai là cha đẻ của cụm từ “Xin đừng gọi anh bằng chú”?

Ai là cha đẻ của cụm từ “Xin đừng gọi anh bằng chú”?

Tôi trộm nghĩ, thế hệ sinh trưởng sau biến cố 30 tháng 4-1975, có thể không biết nhà văn Chu Tử là ai. Nhưng tôi tin, đôi lần, trong đời thường, họ cũng có nghe qua đâu đó cụm từ “Xin đừng gọi anh bằng chú!” Hoặc đảo ngược lại là “Xin đừng gọi chú bằng anh!”


Cha đẻ hay tác giả của câu nói trở thành phổ cập này là nhà văn Chu Tử, trong tiểu thuyết “Yêu” đi ra từ chuyện tình giữa “chú Đạt và cháu Diễm”. Tiểu thuyết đó xuất bản đầu thập niên 1960s tại Saigon; từng một thời được nhiều người tìm đọc, gây xôn xao dư luận. Chu Tử cũng là nhà văn chủ trương chỉ chọn một chữ cho tất cả mọi sáng tác của mình. Như tiểu thuyết đầu tiên xuất hiện trên thị trường, có tên là “Yêu”. Sau đó là một loạt những tiểu thuyết có nhan đề một chữ như “Huyền”, “Loạn” rồi “Tiền”, “Nắng”…

Theo lời nhà xuất bản Đường Sáng thì mặc dù “Yêu” được ấn hành trước “Sống”, nhưng “Sống” mới thực sự là sáng tác đầu tay của nhà văn và cũng là nhà báo tài hoa, nhiều sáng kiến Chu Tử.


Giải thích về sự việc vừa kể, trong “Lời Nhà Xuất Bản” trước khi vào nội dung tiểu thuyết “Sống”, nhà Đường Sáng viết:

“ ‘Sống’ là tác phẩm thứ hai của Chu Tử do Đường Sáng xuất bản sau ‘Yêu’… Thực ra ‘Sống’ là tác-phẩm ‘đầu tay’ của Chu Tử, và nhiều văn hữu vẫn theo dõi tác giả, tỏ ý ngạc nhiên không hiểu sao tác giả và nhà xuất bản lại cho phát hành ‘Yêu’ trước “Sống’; vì theo ý các bạn đó, “Sống’ mới là tác phẩm ‘ruột’ của Chu Tử. Sở dĩ ‘Yêu’ được phát hành trước ‘SỐNG’ không phải vì giá trị của ‘Yêu’ hơn 'Sống’, nhưng chính vì tác giả cũng như người xuất bản nhận thấy nhan đề 'Yêu’ dễ hấp dẫn hơn 'Sống’. Lý do kể trên là lý do duy nhất khiến 'Yêu’ được phát hành trước 'Sống’ ”… (1)

Nhân lời nói đầu của Đường Sáng, nhà văn Chu Tử cũng đã nhờ nhà xuất bản gửi tới bạn đọc vài tâm tư của ông, để những người đọc ông nắm được phần cốt lõi của tiểu thuyết “Sống” như sau:

“… ‘Sống’ là một chuyện ghi đậm sắc thái, tâm tính của thời đại. Nhưng ‘Sống’ không thuộc loại ‘tiểu thuyết có chìa khóa’ (roman à clef). Vì vậy, các bạn đừng mất công tìm tòi, khám phá xem những nhân danh trong truyện là những nhân vật ‘bằng xương và thịt’ nào trong thực tại xã hội. Bất cứ tác phẩm nào bắt nguồn từ một không gian, thời gian nhất định, tất nhiên phản ảnh nếp sống và suy tư của thời đại, nhưng một sáng tác nghệ thuật đúng với danh nghĩa đó, phải vượt lên trên không gian và thời gian để tái tạo sự sống, tái tạo thời đại, tái tạo con người… Vì vậy, nếu một vài sự kiện, nhân vật trong ‘Sống’ có hao hao giống những sự kiện và nhân vật có thực ở xã hội, thì điều đó không có nghĩa là các nhân vật có thực bị ám chỉ; một nhân danh trong ‘Sống’ có thể là sự tổng hợp của năm, mười nhân vật có thực mà tác giả có dịp gặp và quan sát trong đời sống, thiên hình vạn trạng.

“ ‘Sống’ vì là tác phẩm ‘đầu tay’, nên có những ưu, khuyết điểm, cái hùng khí, hứng khởi cũng như cái vụng về, sơ hở của một tác phẩm ‘đầu tay’. Tác giả ước mong bạn đọc sẽ đón đọc ‘Sống’ với những cảm nghĩ mà bạn đọc dành cho một tác phẩm ‘đầu tay’...” (2)

chutu-thanhlan_02-content
Nhà văn Chu Tử và Thanh Lan trong phim "Yêu" (Hình Hồ Đình Vũ)



Ghi nhận về “Sống”, tiểu thuyết “đầu tay” của Chu Tử, Linh mục, Giáo sư Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế đã có những đánh giá, so sánh cẩn trọng, nhất là khi Giáo sư bác bỏ quan điểm của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, khi họ Nguyễn so sánh Chu Tử với J. P. Sartre và Dostoievsky. Nguyên văn phát biểu của Linh mục, Giáo sư Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế, như sau:

“ ‘Sống’ quả là một tác phẩm ‘sống’ rất linh động, sâu sắc, mà gần mười năm nay, mới thấy xuất hiện trên mảnh đất văn-nghệ hời hợt, giả tạo của chúng ta.

“Tôi thường tự hỏi, thời đại chúng ta đầy những quần quại, bi thương hoặc hùng tráng, mà tại sao chưa có một ‘chứng nhân’ nào ghi chép, diễn tả một cách trung thực những băn khoăn của lớp người đang sống. Chu Tử chính là ‘chứng nhân’ mà ta đang tìm kiếm. Không biết Chu Tử là một ‘chứng nhân’ trung thực đến mực nào, nhưng ít nhất Chu Tử là một ‘chứng nhân’ có tâm hồn! Một tâm hồn ngang trái như thời đại ngang trái! Một tâm hồn quằn quại, đầy mâu thuẫn, tàn bạo mà tha thiết, ngổ ngáo mà thâm trầm, cay độc mà vẫn xót thương đời, trào lộng mà cười ra nước mắt… Và nhất là đau khổ! Vì, cũng như văn hào Keats có thể sờ mó thấy sự đau khổ của nhân loại, Chu Tử là nhà văn của Đau Khổ. Tất cả những nhân vật trong 'Sống’: từ Huyền, Tuyết, Phi Yến v.v… đến nhà trí thức chống Cộng Pháp, thích đàn bà và tiền, giáo sư lừng khừng Văn, thanh niên theo Việt Cộng Thịnh v.v… tất cả đều là những kẻ đau khổ, đáng thương, nạn nhân của hoàn cảnh, hay của chính họ… Dưới ngòi bút của Chu Tử, cả tội lỗi cũng đáng thương… Tuy nhiên, Chu Tử cho ta niềm an ủi là, với Chu Tử, sự đau khổ không phải sự tuyệt vọng, và cái bi quan của Chu Tử bắt nguồn từ lòng tha thiết yêu đời, chứ không phải cái bi quan tuyệt vọng của kẻ không tìm thấy sự cứu rỗi, ở bất cứ đâu…

“Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã so sánh Chu Tử với J. P. Sartre và Dostoievsky, nhưng theo nhận định của tôi, những nhân vật của Chu Tử không phải là những kẻ tuyệt đối phủ nhận luân lý theo thái độ ‘buồn nôn’ của J. P. Sartre, hoặc hư vô ‘nihiliste’ như các nhân vật của Dostoievskỵ Những nhân vật của Chu Tử không thừa nhận nền luân lý hiện tại, nhưng vẫn tin là có thể có một nền luân lý – ‘une morale est possible’ - như lời Camus. Những nhân vật của Chu Tử chưa tìm thấy sự cứu rỗi, nhưng vẫn tin là có sự ‘cứu rỗi’… Cũng như ‘Sống’ không đề ra một triết lý nhân sinh, nhưng buộc người đọc phải tự tìm cho mình một nhân sinh quan.

“Do đó, tôi nghĩ Chu Tử là một nhà Văn đáng cho ta cảm mến, gửi nhiều tin tưởng nơi ông”. (3)

Được biết, nhà văn Chu Tử tên thật là Chu Văn Bình. Ông sinh năm 1917. Tốt nghiệp đại học Luật Khoa năm 1939, khi ông mới 22 tuổi. Trước sự kiện này, ngay khi còn rất trẻ, nhà văn Chu Tử đã được ngưỡng mộ như một người thông minh xuất chúng. Tuy nhiên, ông không chọn con đường làm quan khi đất nước còn trong ách cai trị của người Pháp mà, ông chọn con đường dạy học, viết văn, rồi viết báo và làm báo… Ở lãnh vực nào, ông cũng cho thấy tài ba và, nhất là nhiệt tâm cống hiến trí tuệ, tim óc mình cho dân tộc và đất nước.

Sáng 30 tháng 4 năm 1975, trên chiếc tàu Việt Nam Thương Tín, di tản khỏi Saigon, ông là người duy nhất tử nạn vì một trái đạn B-40 bắn trúng, trước khi tàu ra khỏi cửa Cần Giờ.


Nhà văn Chu Tử: “chết dữ dằn và trầm hà”


Dù nổi tiếng ở nhiều lãnh vực khác nhau, nhất là lãnh vực báo chí, nhưng chi tiết về nhân thân, cũng như lộ trình làm báo dài đẵng, nhiều sóng gió của nhà văn Chu Tử không có được bao nhiêu. Rất may, nhân dịp kỷ niệm 29 năm ngày tử nạn trên đường đi tản của tác giả “Yêu”, nhà văn Đào Vũ Anh Hùng (hiện cư ngụ tại thành phố Dallas, Texas), đã có một bài viết nhan đề “30 tháng 4, Tưởng nhớ nhà văn Chu Tử”.

Được coi như là một người thân trong gia đình, nếu không muốn nói, được nhìn như con nuôi, họ Đào đã ghi nhận về những oan nghiệp, những thăng trầm một đời tài hoa họ Chu và, nhất là những thời kỳ làm báo của nhà văn kiêm nhà báo Chu Tử như sau:

“… Định mệnh nào tai ác đã thù hằn theo đuổi để hại cho bằng được con người khốn khổ tài hoa ấy, trong quãng giờ khắc điêu linh bất hạnh ấy của quê hương, và bằng cung cách gớm ghê thảm khốc dành cho một hình hài yếu đuối như hình hài Chu Tử, trưa ngày 30 tháng Tư, 1975 – khi ông buồn bã đứng dựa thành tàu, nhìn Saigon lần cuối, nhìn quê hương lần cuối...

“Chu Tử bị bắn một lần hồi tháng Tư, 1966 ngay trước nhà trong con hẻm trường Hoài An, Phú Nhuận - vỡ một mảnh hàm - nhưng ông sống sót và hồi phục chóng vánh kỳ diệu trong thương yêu phẫn nộ của công luận. Viên đạn oan khiên nghiệp chướng ngày 30 tháng Tư 75 cũng đã thổi bay hàm dưới và là viên đạn chí tử, dứt điểm mà định mệnh đã dành cho đời Chu Tử.

chutu-thanhlan-anhngoc-content
Anh Ngọc và Thanh Lan trong phim Yêu (Hình Hồ Đình Vũ)


“Tôi như nhìn thấy ông nằm ngay trước mặt, đau đớn, quằn quại trên vũng máu và kêu rên, và gọi tên thống thiết đứa con gái thương yêu Chu Vị Thủy đã cùng mẹ, cùng em và chồng con ở lại... Tôi như nghe được cả tiếng ông giục Sơn dốc trọn ống thuốc ngủ cho ông nuốt chửng để khỏi kéo dài cơn thảm thiết. Chu Tử đã chào thua định mệnh, chết dữ dằn và phải chết trầm hà. Số mệnh tham lam đã bắt ông phải trả cả vốn lẫn lời quá nặng.

“Tôi đã vô cùng gần gụi và có quá nhiều kỷ niệm với nhà văn Chu Tử. Đầu năm 64, tờ Ngày Nay của ông Hiếu Chân bị đóng cửa, tôi đã rời Ngày Nay, theo ông trong cái ê-kíp đầu tiên viết mướn cho cho những vị chủ báo, có vị không bao giờ viết báo. Từ tờ Tương Lai, Tiền Tiến của ‘vua thầu khoán’ Đỗ Cường Duy. Rồi tờ Thân Dân của cụ Nguyễn Thế Truyền, Tranh Đấu của ông ‘vua đái đường’ Ngô Đức Mão, Bến Nghé của ‘vua bóng bàn’ Đinh Văn Ngọc... cho đến khi Chu Tử xin được măng-xét ra riêng tờ Sống, đứng tên Chủ nhiệm, tất cả kéo nhau về tòa soạn cũ trên đường Hồ Xuân Hương.

“Cái ‘ê-kíp Chu Tử’ đầu tiên ấy chỉ vỏn vẹn có vài người. Ngồi thường trực trong tòa soạn có Hoàng Anh Tuấn, Trọng Tấu, Đằng Giao và tôi. Vợ chồng Trần Dạ Từ – Nhã Ca và Tú Kếu mỗi đêm đến làm tin, dịch tin. Duyên Anh phụ trách trang thiếu nhi. Vũ Dzũng, Đỗ Quý Toàn trang Thanh niên, Sinh viên. Nguyễn Ang Ca ký giả thể thao, kịch trường. Võ Hà Anh phóng viên chạy ngoài. ‘Cô’ Kim Chi Hoàng Anh Tuấn lo giải đáp tâm tình và tử vi đẩu số! Anh Hợp, Nguyễn Thụy Long, Tuấn Huy, Nguyễn Đức Nam, Lương Quân, Tiền Phong Từ Khánh Phụng viết tiểu thuyết trang trong, lâu lâu mới ghé một lần đưa bài và lấy tiền nhuận bút. Nhân vật ‘ngoại hạng’ phải kể là ‘chí sĩ’ Minh Vồ đặc trách mua bông giấy và ngoại giao với phòng Kiểm duyệt bộ Thông Tin, xin lại giấy phép mỗi khi bị chính quyền đóng cửa...

“Tôi đã gần gụi ông Chu Tử trong cả đời sống bên ngoài tòa báo, can dự vào nhiều biến cố của gia đình ông như một thành phần ruột thịt. Ông cũng coi tôi như ruột thịt của gia đình và dành cho tôi một tin cậy, mến thương sâu đậm. Tôi đã chứng kiến ông hoan lạc, bi thương, vui, buồn, hờn giận... Chứng kiến một Chu Tử hồn nhiên đúng như Nguyễn Mạnh Côn nhận xét, ‘Một tâm hồn đứa trẻ trong thể xác ông già’. Nhưng có lẽ tôi thấy đời ông thống khổ nhiều hơn hạnh phúc. Thể xác ông phải chịu những đớn đau nhiều và quá độ đối với hình hài yếu mảnh nhưng mạnh mẽ tinh thần phấn đấu. Như chứng kiến lần Minh Vồ chở ông sau chiếc vespa, bị taxi đụng gẫy chân để Chu Tử phải chống nạng và có bút hiệu Kha Trấn Ác trong mục ‘Ao Thả Vịt’. Lần ông bị bắn bốn viên đạn, phải đóng đinh trong hàm để giữ bộ răng giả, tay run lật bật khó khăn cầm bút và mất ngủ đến rên la kêu trời réo đất hàng đêm...

“Nhưng tất cả những đau đớn thể xác ấy gom lại cũng không bằng cái đau thương thống khổ của ông ngày Chu Trọng Ly, đứa con trai út ông đặt lòng thương quý đã hủy mình bằng viên đạn carbine nổ vào đầu năm 14 tuổi. “Nhà thơ Hà Thượng Nhân, dịch giả Phan Huy Chiêm và tôi đã ở bên ông, trong căn phòng cho mượn của ông thẩm phán Phạm Hải Hồ đằng sau khu chợ Bà Chiểu, mủi lòng, bối rối, cảm thương, cực cùng xúc động trước cơn vật vã và tiếng khóc thê lương của người cha cô khổ.

“Bao nhiêu năm đã trôi qua. Bao nhiêu ngày 30 tháng Tư đánh dấu Việt Nam quốc hận. Bao nhiêu năm tôi đã ngậm ngùi tưởng niệm Chu Tử chết cùng vận nước. Tôi day dứt nhớ và tiếc nhiều điều chưa trọn vẹn cùng ông. Chu Tử sống mang không biết bao nhiêu ngộ nhận và ân oán. Một con người có văn tài và khí phách, sống giữa đám đông mà lúc nào cũng cô đơn thê thảm, cũng muốn bung phá và nổi loạn vì cái đớn hèn khiếp nhược ở chung quanh... Tôi nghĩ, thôi thà Chu Tử chết trầm hà như thế là yên phận…” (4)


Báo Sống và những lần nhà văn Chu Tử bị ám sát.


Tôi nghĩ, trong sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam, 20 năm, nhiều người biết, tác giả tiểu thuyết “Yêu” là nhà văn Chu Tử. Nhưng số lượng những người biết nhà báo Chu Tử còn nhiều hơn gấp bội.

Lý do, ở lãnh vực báo chí, nhất là giai đoạn tác giả “Yêu” làm chủ nhiệm nhật báo “Sống”, ông đã không ngừng thổi một luồng sinh khí mới cho sinh hoạt báo chí miền Nam thời đó vốn hiền lành, ngại đương đầu với chính quyền hoặc, những nhân vật có quyền thế về tôn giáo, chính trị cũng như những tệ nạn xã hội...

Cũng chính vì chủ trương làm một cuộc cách mạng đầy nguy nan cho xã hội miền Nam mà, nhà báo Chu Tử đã có không ít kẻ thù.

Kẻ thù của ông đủ loại. Từ một ông tướng quyền uy nghiêng đất, lệch trời, tới một vị lãnh đạo tôn giáo… Từ nhân vật số một, số hai của miền Nam, tới quý vị tổng trưởng, bộ trưởng trong chính phủ… ông đều không tha một ai, nếu ông có tài liệu trong tay.

chutu-song
Nhật báo Sống (Hình: minhduc7.blogspot.com)



Cụ thể, chủ nhiệm nhật báo Sống từng bị ám sát hụt vào tháng 4 năm 1966; sau loạt bài ông viết trong cột mục “Ao thả vịt” về một vị lãnh đạo tôn giáo thời đó. Lại nữa, trước đấy là loạt bài ông viết, cũng trong mục Phiếm hàng ngày, có tên “Ao thả vịt” về một ông tướng “trấn nhậm” một vùng ở miền Trung mà, ông gọi là “Quế Tướng Công”, và, nhiều nhân vật hét ra lửa khác… Nhưng giới chức hữu trách thời đó đã không điều tra ra phe phái hay, cá nhân nào đứng đằng sau những vụ ám sát ấy!!!

Tuy nhiên, trước khi vào sâu hơn đóng góp của nhà báo Chu Tử, trong nỗ lực thay đổi bộ mặt báo chí miền Nam, thập niên 1960s, tôi nghĩ chúng ta nên trở ngược thời gian để biết từ đâu, bởi ai mà nhà văn Chu Tử có được giấy phép xuất bản nhật báo “Sống”, sau khi ông và nhóm người trẻ cùng chí hướng, nổi trôi từ báo này qua báo khác, dưới dạng thuê mướn “măng xét”. Tôi nghĩ, dường rất ít người biết được nguồn gốc sâu xa sự ra đời của nhật báo “Sống”. Ngay nhà văn Đào Vũ Anh Hùng, được coi là “ruột thịt” trong gia đình tác giả “Yêu”, cũng không biết nguồn gốc của sự kiện đáng kể này, trong cuộc đời cố nhà văn Chu Tử. Tôi cũng không thấy họ Đào ghi lại trong bài viết tưởng niệm cố nhà báo Chu Tử về những thăng trầm của nhật báo Sống.

chutu-songbidot-content
Tòa báo Sống bị đốt (Hình: minhduc7.blogspot.com)


Căn cứ theo chương 4 (tựa đề “Sống”, thuộc Phần Thứ Hai) của “Hồi Ký Nguyên Sa”, Đời xuất bản tại Calif., 1998 thì:

“… Trần Dạ Từ ở tù về nói chuyện muốn cùng Chu Tử ra báo. Báo gì? Báo Sống. Tên cụt ngủn. Có một chữ: Sống. Có liên lạc với Thông Tin chưa? Có liên lạc nhưng liên lạc là một chuyện, giấy phép báo lại là một chuyện khác. Từ hỏi tôi anh có cách nào không? Tôi cũng không biết là tôi có cách nào không. Buổi tối ghé sang chùa Từ Quang thăm Thượng tọa Thích Tâm Châu. Tôi muốn chuyển câu hỏi của Trần Dạ Từ tới nhà lãnh đạo tôn giáo đang có ảnh hưởng trên nhiều lãnh vực. Và tôi làm công việc đó. Tôi chờ đợi ở Thượng tọa Tâm Châu sự từ khước, nếu vị Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái từ chối thì đó cũng là chuyện bình thường, nếu câu trả lời để rồi tính thì lại càng bình thường. Nhưng Thượng tọa Tâm Châu trả lời:

“- Giáo sư muốn xin giấy phép nhật báo?

“Tôi xác nhận.

“Thượng tọa Tâm Châu cười hồn nhiên.

“- Giấy phép báo, được, được.

“Thượng tọa Tâm Châu thường dành cho tôi những đặc ân. Mỗi khi tôi tìm một cánh tay, nhà lãnh đạo tôn giáo luôn nhìn tôi bằng cặp mắt quảng đại cùng lúc với cánh tay đưa ra. Tôi không biết tại sao. Thượng tọa Tâm Châu cởi mở. Tôi cảm thấy day dứt, lạm dụng.

“Tôi hỏi chân thành có phiền Thượng tọa nhiều không, thực hiện có khó không, TT Tâm Châu không trả lời khó hay dễ, chỉ nói để tôi thử xem. Tôi hỏi bằng cách nào, TT nói thì tôi a lô, a lô.

“Tôi không phải là một phật tử đấu tranh góp nhiều công sức trong những ngày tháng Phật Giáo đứng dậy thời kỳ Ủy ban Liên Phái. Không, tôi không có khả năng tranh đấu và cũng không có ngọn lửa can đảm của một tín hữu quyết tâm. Tôi ở đường Phan Thanh Giản, chùa Từ Quang ở trên cùng một con đường, khúc đường gần gụi mang lại nhiều gặp gỡ chỉ có tính cách tôn giáo, triết lý và văn chương. Tôi không biết tại sao TT Tâm Châu lại đặt ở nơi tôi nhiều tín nhiệm và tình cảm.

“TT Tâm Châu trả lời tôi xong, cầm ngay máy điện thoại, quay số và a lô a lô. Tôi không biết Thượng tọa gọi điện thoại cho ai, đôi bên nói chuyện những gì, máy điện thoại đặt xuống, Thượng tọa gật đầu nói được rồi. Tôi muốn nêu lên những câu hỏi Thượng tọa nói chuyện với ai đó, câu chuyện như thế nào, chi tiết ra sao, nhưng khách đến viếng thăm nhà lãnh đạo đã tới đầy nhà, Đại Đức Giác Đạo đã vào thông báo. Thượng tọa Tâm Châu gật đầu, tôi hiểu và đứng dậy. Thượng tọa bảo tôi thôi giáo sư về nhé, xong rồi, được rồi, yên chí. Tôi thông báo cho anh em muốn làm tờ Sống là xong rồi, tìm gặp giới chức liên hệ làm thủ tục. Tờ Sống được giấy phép thật. Xuất quân. Xuất quân. Xuất quân.

“Không khí hồ hởi kinh khủng. Sống chào đời, ra số một.

“Không bao giờ có Sống số 2 của lần chào đời lớn đó.

“Sống ra được một số xong là bị đình bản. Sống sống được có một số thì bị rút giấy phép vô hạn định…” (6)

Như tôi biết, và nếu trí nhớ của tôi chưa đến nỗi quá tồi tệ thì, ngay số báo ra mắt, tác giả “Yêu” qua cột mục “Ao thả vịt” đã cho nổ một trái bom chứa nghìn cân thuốc nổ TNT - - Giữa lúc tình hình chính trị miền Nam thời đó, đang ở giai đoạn cực kỳ nhậy cảm, với những tranh giành quyền lực. Tuy không quá lộ liễu, nhưng sự căng thẳng được ghi nhận là có thể tính trên từng địa chỉ, từng góc phố…

Lá Bài Tẩy Chu Tử trong canh bài Hồ Hữu Tường và Tổng Trưởng Bùi Tường Huân


Dư luận quen nhìn tác giả “Yêu” như hung thần của những cá nhân hét ra lửa, hay những đảng phái, tổ chức quyền thế nghiêng trời lệch đất… Nhưng sự thực, nhà văn/ nhà báo Chu Tử cũng là người luôn sẵn sàng đưa đôi vai gầy guộc của ông, để nhận lãnh bất trắc, tranh đấu tận tình cho những người thấp cổ bé miệng. Ông cũng là người có công rất lớn trong việc thu xếp, vận động cho những cá nhân mà, ông thấy là xứng đáng vào những chức vụ thuộc lãnh vực công quyền như hành pháp, lập pháp. Hoặc ngược lại.


chutu_04-content
Chu Tử (Người che miệng) cùng với cộng tác viên báo Sống (Hình: minhduc)



Có thể nhiều người đã quên, hay không hề biết rằng, với mục phiếm hàng ngày “Ao thả vịt”, nhà văn / nhà báo Chu Tử đã thành công khi cố tình giới thiệu nhà văn / học giả Hồ Hữu Tường, một khuôn mặt trí thức tiến bộ miền Nam, khuynh hướng Trosky (Đệ tứ cộng sản), vào tòa nhà Quốc Hội thời Đệ nhị Cộng Hòa miền Nam.

Ghi lại sự kiện hãn hữu này, thi sĩ Nguyên Sa, trong cuốn hồi ký của mình viết:

“… Học giả Hồ Hữu Tường không có ý định ứng cử dân biểu, Chu Tử và nhóm Sống ‘lăn hòn đá ù lì’ ra sân chơi chính trị, tác giả Phi Lạc Sang Tàu nhất định không xuất hiện trước công chúng, không in bích chương, không phát bươm bướm, không lạc quyên, không vận động. Nhóm Sống làm công việc này bằng cách đập lên nồi niêu, khua những soong chảo để lăn ‘hòn đá ù lì vào tòa nhà quốc hội.’ Vận động bầu cử cho một cá nhân để làm gì? Dân biểu của một tôn giáo, đảng phái hay một nhóm tài phiệt đưa ra có ích lợi cho những nhóm này, nói lên tiếng nói của đoàn thể, bảo vệ quyền lợi của đoàn thể khi cần, có khi nhiều hơn cả cần thiết, vì nhiều người làm đại diện dân bỏ quên vai trò đại diện nước, chỉ còn là đại diện làng. Nhóm Sống và Hồ Hữu Tường không có liên hệ quyền lợi nào cả. Hồ Hữu Tường trở thành dân biểu không phải để bênh vực cái nhóm có tên khác lạ là ‘nồi niêu soong chảo’. Chu Tử và anh em báo Sống tìm hết cách vận động tranh cử cho Hồ Hữu Tường, và đã thành công, Hồ Hữu Tường, người ứng cử dân biểu nhất định không nhấc lên một ngón tay để vận động, đã trúng cử…” (6)

Một đặc điểm khác nữa của nhà văn/ nhà báo Chu Tử, cũng ít người biết, nếu không có tình thân đủ lớn với chủ nhiệm báo Sống - - Đó là tinh thần tin cậy, sống chết của ông đối với những người được ông coi là bằng hữu.

Ở Phần thứ hai, tiểu mục “Cho đỡ buồn”, Hồi Ký Nguyên Sa, thi sĩ Nguyên Sa kể lại chuyện vài tháng trước khi nhập ngũ, (7) ông đã đưa cho chủ nhiệm Sống một tài liệu quan trọng, dẫn tới việc mất chức của Tổng Trưởng Giáo Dục đương nhiệm thời đó. Nhưng điều đáng nói là chủ nhiệm Sống nhất định không đọc, dù tác giả “Áo lụa Hà Đông” nhiều lần nghiêm chỉnh lưu ý, cảnh báo hậu quả nhiều phần có thể xẩy ra, như tờ báo có thể bị đóng cửa. Chu Tử có thể bị “đòn nguội” bởi những thế lực đỡ đầu cho vị Tổng trưởng đó. Chẳng những cho đăng ngay mà, chủ nhiệm Sống còn ghi “tám cột”. (Có nghĩa tin chính, lớn, chạy hết chiều ngang trang nhất của tờ báo).

Liên quan tới sự việc nghiêm trọng này, “Hồi Ký Nguyên Sa”, có đoạn nguyên văn như sau:

“… Chu Tử thầm thì quả bom của ông nổ to. Anh cho hay hai trăm ngàn số báo tung ra bộ Giáo Dục chấn động đã đành, còn làm chấn động cùng khắp, cả tướng Khánh…

“Bài báo làm Bộ Giáo Dục phải rung lên, tôi không lạ, tôi cân đo từng chất lượng hóa học, tôi sấy khô ngòi nổ, tôi nhồi thuốc, tôi đặt kim đồng hồ, chơi chất nổ tôi biết nguyên tắc số một của trò chơi này là không bao giờ được sai lầm và mỗi người chỉ có cơ may sai lầm có một lần.

“Đương nhiên tôi biết nguyên tắc số hai liên quan tới sức công phá của chất nổ. Ông Bộ trưởng Bùi Tường Huân từ khi lên chức không ngớt lớn tiếng hô hào cách mạng. Bộ trưởng Huân phất cao ngọn cờ chống văn hóa ngoại bang, chống chương trình Pháp, đề cao văn hóa dân tộc.

“Chính phủ của ông Nguyễn Ngọc Thơ có phần chìm, không ca lên những bài thời thượng, thành ra sớm trở thành một ban hợp ca ‘Diệm không Diệm.’ Rút tỉa kinh nghiệm của chính phủ ‘Diệm không Diệm’ Nguyễn Ngọc Thơ, chính phủ của tướng Nguyễn Khánh ca mạnh mẽ những bài cách mạng, bài dân tộc, bài diệt Cần Lao, bài chống văn hóa ngoại bang… Tổng trưởng Huân tựu chung cũng chỉ làm công việc của một giọng ca trong một ban hợp ca. Cũng đúng thôi. Nhưng Bộ Giáo dục của ông Huân đã có cái lầm là viết một lá thư chính thức cho Đại sứ Pháp để xin ông này can thiệp với trường Trung học Bác Ái, dạy chương trình Việt, xin trường này cho con của một thân nhân của ông Bùi Tường Huân được đặc biệt nhận vào trường này. Đó là nội dung của phóng ảnh đăng trên nhật báo Sống. Sinh viên đang biểu tình rần rần chống văn hóa ngoại bang, chống chương trình Pháp, Tổng trưởng giáo dục đọc diễn văn lên án văn hóa ngoại bang, ngợi ca văn hóa dân tộc. Chính bộ giáo dục cách mạng lại gửi văn thư xin Đại sứ Pháp can thiệp cho con em của thân nhân ông Tổng trưởng, cháu ruột của ông Tổng trưởng, vào học chương trình dạy văn hóa ngoại bang. Bài viết không quên phân tích những vi phạm về mặt giáo dục, về mặt luân lý nói khác làm khác, về mặt thể thống quốc gia, Tổng trưởng Giáo dục mà phải viết thư xin học nơi đại sứ ngoại quốc, và cả về phương diện hành chánh và kinh nghiệm thông thường. Xin cho một em nhỏ vào trường Bác Ái thì một ông Thanh tra Tư Thục điện thoại hay gặp riêng một giới chức của trường Bác Ái được rồi cần gì nhiêu khê tới mức Tổng trưởng, Đổng lý…Lá thư có nhiều hy vọng làm đại sứ Pháp cười bò, làm cho ngoại giao đoàn ở Saigon cười bò, người cười tủm tỉm…


“Anh em chúng tôi cười khoái trá, kéo nhau xuống phở xe Gia Long.

“Chúng tôi có bàn tính ông Huân là người của Thượng tọa Trí Quang, ông nói hay hầu cờ Thượng tọa, tờ báo, người chơi chất nổ cho đỡ buồn có thể bị ông Tổng trưởng Giáo Dục trả đũa, có thể bị Thượng tọa Trí Quang quan tâm, hơn thế, có thể bị tướng Khánh vì bị Thượng tọa Trí Quang thúc đẩy hoặc vì tinh thần đoàn kết với một thuộc cấp mà ra chiêu?... Chúng tôi lo âu quá đáng. Không thấy Thượng tọa Trí Quang làm việc gì để tiếp nội lực ông Tổng trưởng Huân, cũng không thấy ông Khánh ưu ái ông nhiều hơn Thượng tọa. Chỉ thấy mấy tháng sau tướng Nguyễn Khánh bổ nhiệm luật sư Phan Tấn Chức vào chức vụ Tổng trưởng Giáo dục thay thế ông Bùi Tường Huân.

Chu Tử suốt trong thời gian đó hay dặn tôi:


“- Anh phải cẩn thận!

“Ngay cả thời gian trước khi tôi đi thụ huấn ở Thủ Đức, bạn tôi cũng vẫn dặn dò:

“- Anh phải cẩn thận.” (8)

Đọc lại đoạn hồi ký trên của cố thi sĩ Nguyên Sa, tôi như thấy được ngọn lửa thiêng của tình bạn, mới cao quý biết bao, dù chỉ qua mấy lời dặn dò ngắn ngủi!!!

Nhưng, dường như cuộc đời luôn đem đến cho chúng ta, những tai họa, những thảm kịch mà, sự cẩn thận ở mức độ nào, cũng chỉ là trò hề của trớ trêu. Oan nghiệt.

Tôi muốn nói tới cái chết của nhà văn, của tài hoa và nhân cách Chu Tử. Một cái “dữ dội, chết trầm hà” theo cách nói của Đào Vũ Anh Hùng!!!!

Du Tử Lê

(Garden Grove, July -2014)

________

Chú thích
(1) Theo Tự điển Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia.
(2) (3): Nđd.
(4) Nđd.
(5) Hồi Ký Nguyên Sa, trang 183, 184 & 185.
(6) Nguyên Sa, sđd. Trang 227, 228.
(7) Nhà báo Vương Hồng Anh cho biết, thi sĩ Nguyên Sa bị gọi động viên khóa 24/ LTVK/TĐ, cuối năm 1966. Sau giai đoạn 1, ông được chọn theo học ngành Quân Nhu, ở Saigon.
(8) Nguyên Sa. Sđd. Trang 231, 232, & 233.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Giêng 20233:24 CH(Xem: 7715)
Trong sinh hoạt âm nhạc tại miền nam VN, 20 năm (1954-1975) rất nhiều người biết tên tuổi nhạc sĩ Ngọc Chánh.
30 Tháng Mười Một 202212:00 SA(Xem: 10209)
Họ Phạm còn được nhìn nhận là người khai sáng môn Thể dục Khí công Hoàng Hạc, ở miền nam California.
21 Tháng Chín 20229:24 SA(Xem: 3010)
Sau 1975, ở hải ngoại, Du Tử Lê tiếp tục hoạt động văn chương một cách sôi nổi
10 Tháng Tám 202212:00 SA(Xem: 17679)
Năm 2007, nhờ công lao và sự hy sinh trời biển (theo tôi,) của nhà văn và, cũng là nhà thơ Trần Hoài Thư
20 Tháng Bảy 202212:00 SA(Xem: 15971)
Có thể nhiều người quên rằng trước khi trở thành họa sĩ nổi tiếng, có tranh được trưng bày tại nhiều bảo tàng viện quốc tế, họ Lê vốn là một nhà thơ.
04 Tháng Sáu 202212:00 SA(Xem: 15086)
Trong lịch sử tân nhạc Việt, dường như không có một nhạc sĩ nào nổi tiếng ngay với sáng tác đầu tay, ở tuổi niên thiếu, khi chỉ mới 14, 15 tuổi, như trường hợp Cung Tiến
19 Tháng Năm 202210:22 SA(Xem: 2095)
Nhưng tôi vẫn yêu (yêu lắm,) việc làm của bạn. Bởi vì, với tôi, tự thân đời sống bạn tôi, đã là một trường khúc
23 Tháng Tư 202212:00 SA(Xem: 14195)
Hay ước nguyện cuối cùng trước khi nhắm mắt, không chỉ của giới trẻ mà, của rất nhiều văn nghệ sĩ thời đó là, một lần được đứng dưới những ngọn đèn vàng của ga Lyon!
19 Tháng Ba 202212:00 SA(Xem: 15549)
Trước khi theo đơn vị dư cư vào miền Nam, năm 1954, nhà văn Văn Quang bị động viên khóa 4 trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức.
26 Tháng Hai 20224:24 CH(Xem: 2743)
ông được trao huy chương vàng cuộc triển lãm hội họa, do cơ quan Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa UNESCO, thuộc tổ chức Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Roma năm 1967.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17036)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12255)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8331)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21730)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,